Thursday, July 14, 2022

VÓ CÂU KHẤP KHỂNH (trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)


 VÓ CÂU KHẤP KHỂNH

(trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)

Đang chăm chú đẩy xe đi chợ với vợ, tôi chợt giật thót người.

-Tý còm phải không?

Tý Còm, cái tên của tôi ngày xửa, ngày xưa thời còn ở trung học. Mấy chục năm rồi, cái tên xấu xí dễ ghét ấy tưởng chừng đã chìm sâu vào quên lảng, hôm nay đột nhiên có người gọi lại cái biệt danh này.

Tôi ngẩng nhìn lên. Trước mặt tôi, một gã dong dỏng cao, gương mặt đen màu nắng cháy, mái tóc lòa xòa biếng chải không đủ che lấp hết những nếp nhăn lờ mờ đã bắt đầu xuất hiện trên trán, chỉ trừ đôi mắt rực sáng, đầy tự tin. Tôi nhận ra hắn nhờ đôi mắt ấy.

-Thắng Cầu Quẹo?

Nó nhìn tôi cười. Tôi bắt gặp thêm nụ cười bơ đời, dễ thương ngày nào của nó.

-Mày tới Mỹ hồi nào vậy?

-Khoảng ba tháng.

-Vợ con ra sao? Có đem theo đầy đủ không?

Không buồn trả lời câu hỏi của tôi, nó nhìn tôi từ đầu đến chân rồi lẩm bẩm:

-Mẹ nó! Bây giờ tao mới tin là quả đất tròn. Gặp lại mày mà tao cứ ngỡ như là nằm mơ.

-Mày ốm và đen quá, xém chút nữa tao nhìn không ra. Quên nữa, để tao giới thiệu với mày, đây là vợ tao.

-Chào chị.

-Anh Thắng, bạn cùng lớp với anh ngày xưa.

-Dạ, chào anh.

Thắng nhìn vợ tôi, rồi nói với tôi:

-Thế còn cô Lan có cái răng khểnh ở Văn Khoa đâu rồi? Tao cứ tưởng!

Nó bỏ lửng câu nói với gương mặt tĩnh như dân Ăng Lê thứ thiệt.

-Mày học ở đâu cái thói đốt nhà mà không cần xăng với lửa như vậy? Bao nhiêu năm rồi không gặp, tính tình mày cũng không thay đổi.

-Đùa tí cho vui mà.

-Ra ngoài đường hút điếu thuốc rồi nói chuyện.

Tôi nói nhỏ với vợ:

-Anh đợi em trước chợ.

Thắng đi trước, bước chân của nó không được bình thường, hơi chậm chạp lại khập khà, khập khểnh.

-Mày đi chợ?

-Ừ.

-Xe đâu?

Nó đưa cái bị ny-lông lên.

-Mua vài món mà xe với cộ làm gì.

-Xe đẩy trong chợ mày không cần, thế nhưng xe hơi phải cần chớ. Mày đã mua xe chưa?

-Cái món hàng xa xí phẩm này tao chưa dám nghĩ tới. Đợi vài năm nữa xem sao.

-Mày đi tới đây bằng gì?

-Lội bộ. Tao ở gần đây, chỉ mười lăm phút là tới liền.

Tôi kéo nó tới quầy tính tiền.

-Lát nữa tao chở mày về, tiện thể cho biết nhà luôn.

Xe chưa ngừng hẳn, Thắng đã bung cửa bước xuống.

-Vô uống miếng nước trà rồi về.

Nó dẫn vợ chồng tôi đi dọc theo con đường nhỏ chật chội, đầy rác rưởi bên hông căn nhà rồi quẹo vô ga ra.

Vừa bước chân qua khỏi cửa, tôi hơi khựng người lại. Mùi cá kho, dầu mỡ chiên xào nấu nướng lâu ngày, trộn lẫn với cái ẩm mốc trong không khí, tạo nên một thứ mùi đặc biệt khó thở, chua chua, ngột ngạt, ngai ngái.

Cánh cửa mà bọn tôi vừa bước qua là lối thông duy nhất để vào ga ra. Phòng không có cửa sổ. Một vệt sáng hình chữ nhật đổ dài xuống nền xi măng cáu bẩn, đen sì.

Thắng đưa tay bật công tắc đèn nằm sát bên khung cửa. Ngọn đèn treo lơ lửng trên trần nhà tỏa ra một thứ ánh sáng yếu ớt, vàng vọt, không làm cho căn phòng sáng lên hơn được bao nhiêu. Phải mất vài phút, mắt của tôi mới quen dần với cái mù mờ, tăm tối của căn phòng.

-Mày thuê phòng này bao nhiêu?

Thắng vừa lui cui nấu nước sôi ở góc phòng, vừa hỏi vọng ra:

-Mày nói gì?

Chợt thấy vợ tôi hãy còn lúng ta lúng túng trước ngưỡng cửa, nó vội vàng kéo chiếc ghế nơi bàn ăn:

-Mời chị ngồi tạm. Nhà còn thiếu thốn đủ thứ.

Quay sang tôi, Thắng tiếp:

-Mày vừa nói gì đó?

-Tao hỏi, tiền thuê nhà bao nhiêu một tháng?

-Ba trăm rưỡi, chủ nhà bao luôn điện nước.

Nó chỉ vào một góc phòng, nơi có hai tấm nệm đặt dưới đất.

-Phòng ngủ của vợ chồng tao. Hai ông nhóc một tấm, vợ chồng tao một tấm. Đây vừa là bàn ăn kiêm luôn bàn học của tụi nó, nơi đó là tủ quần áo, phía bên kia là tủ lạnh và bếp ga.

Ấm nước đã bắt đầu sôi réo lên liên hồi. Thắng vội vàng tắt bếp, đổ nước sôi vào bình trà.

Bốn năm cái ly nằm bừa bộn trên bàn. Cái cao, cái thấp, cái bằng thủy tinh, cái tráng men. Lẫn vào đó, một cái tách mà người Mỹ thường dùng để uống cà phê có in hình trái banh cà na với hàng chữ Pro Football, tôi cười cười pha trò.

-Mày cũng sành về nghệ thuật uống trà của dân Nhật quá hả?

-Tao có biết gì về trà đâu?

-Nguyên tắc căn bản về Trà Đạo của người Nhật là mấy cái ly uống trà không có cái nào giống cái nào.

-Mấy cái ly này của thằng Nam cho. Mày còn nhớ thằng Nam không? Nam cận, học bên nhất B một. Nó qua đây trước tao khoảng hai năm. Chính nó đứng tên bảo lãnh gia đình tao, vợ chồng nó cũng đang ở một cái ga-ra như thế này.

Hình ảnh một người hãy còn ngơ ngác trước nếp sống xa lạ, tiếng Anh tiếng u nói không ra hơi, đi một mình chưa vững lại phải dìu thêm một thằng bạn còn ngơ ngáo hơn mình khiến lòng tôi bỗng dưng chùng xuống, hối hận vì câu nói đùa vô duyên của mình.

-Mày thấy cuộc sống bên này ra sao?

-Mọi thứ đều tốt đẹp. Không có gì phải than van. Căn phòng vợ chồng con cái tao đang ở, tuy hơi chật chút đỉnh, thế nhưng so với cái chòi của gia đình tao ở vùng kinh tế mới, lại vượt quá tiêu chuẩn về mọi phương diện. Căn phòng này rộng hơn ba chục thước vuông chứ ít ỏi gì, lại được ông chủ nhà tốt bụng, bao nhiêu vật dụng trong nhà ông ấy cho hết, toàn là đồ hãy còn tốt. Chỉ trừ bộ bàn ăn này, tao phải mua ga ra xeo, tốn mười đồng.

-Mày đang lãnh trợ cấp?

-Ừ, khoảng gần sáu trăm, thêm hơn hai trăm tiền phiếu thực phẩm. Chẳng cần ăn xài chi nhiều nên cuối tháng còn dư chút ít. Tao vừa gởi về Việt Nam hai trăm, chia đều hai bên nội, ngoại.

Thắng chỉ vào chiếc máy may:

-Vợ tao lãnh hàng về may thêm, mới được vài tuần, tính ra cũng hơn hai trăm một tháng. Người giao hàng nói khi quen việc rồi, làm cũng bằng chừng ấy giờ nhưng mức thu nhập sẽ tăng lên gấp đôi, có thể gấp ba.

-Máy may của chủ đưa đến?

-Đâu có, tụi tao thuê, hai mươi đồng một tháng.

Đang nói chuyện, Thắng đột nhiên ngưng bặt, nhìn chăm chú xuống bàn. Một con gián nhỏ bằng đầu chiếc đũa mon men theo cạnh bàn. Nó bò đi chầm chậm như người dạo mát. Được một đoạn con gián ngừng lại, hai cọng râu trước đầu ngo ngoe dò đường rồi lại nhẫn nha bò tiếp.

Thắng nhẹ nhàng đưa bàn tay theo con gián. Bàn tay của nó xấu xí sần sùi, những ngón tay ốm yếu, khẳng khiu với lớp da khô cằn nứt nẻ. Một vết thẹo to cuốn tròn theo cổ tay. Phần da nơi vết sẹo trắng hơn, phẳng và láng giống như bị phỏng lửa.

Bất thình lình, Thắng đập mạnh xuống bàn. Con gián bẹp dí. Nó thản nhiên hất con gián xuống đất, lấy chân đạp lên.

-Thắng nè! Vết sẹo nơi cổ tay của mày giống như sợi dây đồng hồ, nhưng mà làm sao lại ra như vậy được?

-À, lúc ở tù tao trốn trại, định băng rừng qua Thái. Bị bọn VC bắt lại dần cho một trận thừa sống, thiếu chết, nhốt conex chờ xử bắn.

Nó ngưng nói, nhíu mày như cố nhớ lại chuyện xưa. Những vết nhăn trên trán Thắng hiện rõ nét hơn.

-Cho đến bây giờ, tao cũng không hiểu tại sao lại không bị xử bắn, chỉ bị cùm biệt giam hơn hai năm. Hai năm trời, chân cùm, tay xích, sống trong cái conex ngày nóng như sa mạc, đêm lạnh như cái thùng nước đá. Hai chân của tao bị liệt. Cổ chân, cổ tay bị còng lâu ngày sinh ghẻ.

Thắng để cả hai bàn tay lên bàn.

-Mày coi đây. Mẹ nó! Khi làm cái còng tụi nó đã tính toán sẵn rồi. Bao nhiêu góc cạnh lồi lõm của miếng sắt để nguyên, chỉ hơi trở mình, cựa quậy là nó cắt đứt da thịt liền. Nhiều lần vì quá khổ sở với cái còng nội hóa, tao ao ước phải chi bọn nó cho mình đeo chiếc còng số tám, trơn tru, bóng loáng của Mỹ thì hạnh phúc biết chừng nào.

Tôi bưng ly trà có hình trái banh cà na uống một hơi. Nước trà nguội ngắt, lạnh tanh.

Trước khi chia tay với nó, tôi cố nhìn lại căn phòng một lần nữa, rồi mới chịu nổ máy xe. Chiếc xe Honda sáu máy đời mới, ghế da, trông kệch cỡm làm sao.

Tôi ngồi dựa ngửa trên chiếc sofa bằng da nơi phòng khách, say sưa theo dõi trận banh cà na. Monday Night Football là những trận đấu tôi không bao giờ bỏ sót. Trên màn ảnh TV 32 inches, ba thằng Da Đỏ Washington đang hùng hổ, hè nhau dí ông Quaterback của Dallas Cao Bồi chạy trối chết.

Vợ tôi bưng khay trà tới.

-Anh à, em có chuyện muốn nói với anh.

-Chuyện gì? Anh cá với em trận banh này bọn Da Đỏ sẽ chặt đầu, lột da lũ Cao Bồi để rửa cái mối thù truyền kiếp. Mối thù giết dân giành đất, đưa họ đến chỗ diệt vong.

-Thôi đừng có giỡn nữa. Em nói chuyện đàng hoàng.

-Thiếu tiền nhà hay chưa có tiền đóng tiền học cho con?

-Không phải vậy. Em chỉ muốn là mình nên làm chuyện gì đó để giúp bạn anh được không?

Tôi quay nhìn vợ tôi. Lòng lâng lâng nhẹ hẫng như vừa uống một hớp rượu vang. Hóa ra đâu phải chỉ một mình tôi xót xa, thương cảm để rồi băn khoăn, trăn trở mong làm chuyện gì đó để giúp bạn.

-Làm gì bây giờ?

-À…, em nghĩ, mình mua tặng vợ chồng anh ấy một chiếc máy may để họ khỏi phải trả tiền thuê hàng tháng?

-Ý kiến hay. Nhưng mà em có biết giá một cái máy may là bao nhiêu không?

-Chắc vào khoảng hai trăm?

-Hai trăm mới mua được cái chân máy.

-Vậy chứ bao nhiêu?

-Trên bảy trăm.

Vợ tôi nhăn mặt.

-Thôi khoan đã, phải suy nghĩ tính toán cẩn thận mới được. Tưởng một hay hai trăm chứ ai ngờ nhiều quá vậy.

Tôi giả vờ như không biết gì về tình trạng tài chánh trong gia đình.

-Bảy trăm thì mình dư sức mua mà.

-Anh sống trong nhà mà chẳng biết gì hết. Lúc nào cũng như cái ông văn sĩ gì đó, em quên rồi, cứ trên mây mà đi!

Vợ tôi vội vàng xuống nhà bếp lấy cái máy tính đem lên. Với đàn bà chuyện tiền bạc đâu nó ra đó, rõ ràng như hai với hai là bốn. Vợ tôi vừa bấm vào những con số trên máy tính, vừa nói với tôi.

-Việc chi tiêu trong gia đình mình bao nhiêu năm rồi, đâu nó đã vào đó. Này nhé, tiền nhà, điện thoại, điện, nước, ga một ngàn hai một tháng. Trả góp chiếc xe non năm trăm. Bảo hiểm xe chia đều ra mỗi tháng hai trăm. Sáu trăm tiền chợ, xăng nhớt, tiêu vặt. Tiền học phí, sách vở của hai đứa con năm trăm. Mới tính sơ cũng đã trên ba ngàn, chưa kể những món tiền phải chi bất ngờ mà mình không tính trước được. Trương mục tiết kiệm có đâu hai trăm, mấy năm rồi vẫn hai trăm. Thẻ tín dụng mấp mé ở mức giới hạn, đào đâu ra tiền để mua cái máy may bây giờ?

-Em nói nhiều quá làm anh khát nước khô cả họng. Để anh ra ngoài sân hóng mát một chút.

-Trời lạnh ngắt mà ra sân hóng mát, lại đi hút thuốc lá chớ gì?

Trong cái im vắng, tĩnh mịch của khu vườn sau nhà, tôi đốt một điếu thuốc và câu hỏi đào đâu ra tiền vẫn lẩn quẩn trong đầu. Vợ tôi đem đến cho tôi chiếc áo lạnh.

-Anh có thể xin với hãng làm thêm giờ vào thứ bảy được không?

Tôi nghĩ tới thằng chủ mập mạp tròn quay, ngày ngày đi đến hãng trên chiếc Cadillac bóng loáng. Khi nó vừa bước xuống xe, chiếc xe lại cao thêm được vài phân

-Cái thằng chủ keo kiệt, hà tiện, bủn xỉn.

Đang cố tìm thêm vài chữ nữa để thóa mạ nó, vợ tôi vội vàng cản lại.

-Nếu anh không thích thì thôi.

-Không phải là chuyện thích hay không. Moi được một đồng của thằng chủ bần tiện đó chẳng thà đi mò kim đáy bể còn hơn.

-Mình đành chịu thua sao?

Tôi nhìn thẳng vào mắt của vợ tôi để đo lường sự quyết tâm.

-Hay mình cắt bớt mỗi tháng hai trăm đồng chi phí của hai thằng con.

-Anh có cái tật ưa nói bậy. Bộ muốn tụi nó nghỉ học hay sao?

-Cắt tiền chợ?

-Nhịn đói đi làm anh chịu được không?

Dường như thấy mình bước chân vào ngõ cụt, vợ tôi than thở.

-Chuyện mới nghe qua dễ dàng quá chừng, nhưng thực ra nó chẳng đơn giản chút nào.

-Thôi mà chuyện đâu còn có đó, để tính sau đi em.

Tôi vác bộ mặt đưa đám đến gặp thằng chủ.

-Tao làm việc với mày mười mấy năm rồi, chưa bao giờ xin mày bất cứ điều gì, đúng không?

-Đúng.

-Hôm nay, tao nhờ mày giúp tao.

-Chuyện gì vậy?

-Ba tao ở Việt Nam bị bệnh nặng, tao cần chút tiền gởi về lo thang thuốc cho ba tao.

Tôi nói láo ngon lành, trơn tru như miệng có bôi mỡ.

-Ba mày đau mà sao tao phải giúp? Mày có biết đồng tiền như là máu trong người hay không?

-Tao hiểu mày nói gì rồi. Dân Việt Nam tao có câu đồng tiền là huyết mạch.

Thằng chủ cười hớn hở.

-Thấy chưa, tao nói mà. Dân tộc nào cũng vậy thôi. Tiền là tiền, đâu có chuyện giúp khơi khơi như vậy được.

-Mày hiểu lầm ý của tao rồi. Tao chỉ xin mày cho tao làm thêm giờ phụ trội. Mỗi thứ bảy độ dăm bảy giờ, trả tiền mặt.

-Làm như mày là chủ tao không bằng. Đã đòi làm thêm giờ mà còn đòi trả tiền mặt.

-Bởi vậy cho nên tao mới nói là xin mày giúp đỡ.

Tôi cố tạo cho mình có gương mặt âu sầu, thảm não.

-Để tao kể rõ hoàn cảnh gia đình tao cho mày nghe. Con vợ tao nó dữ  như con mẹ phù thủy, lại keo kiệt, hà tiện, bủn xỉn. Nếu tao làm thêm giờ mày trả bằng check, vợ tao nó lại tóm hết đem gởi nhà băng, tao còn đồng nào mà gởi về mua thuốc cho ba tao?

Gã chủ nhìn tôi ra chiều thông cảm.

-Bộ dân Việt Nam mày đàn bà là chủ gia đình hả?

-Chứ sao.

-Dân tộc tao ngược lại. Đàn bà chỉ lo nấu ăn, dọn dẹp, quanh quẩn trong nhà, cấm có bước ra khỏi cửa. Tao thích những người như mày, biết thương yêu cha mẹ. Tình trạng của mày cũng đáng thương. Tao đồng ý, thứ bảy này mày đi làm.

Sau một hồi bấm lách tách trên cái máy tính để sẵn trên bàn.

-Lương của mày hai mươi hai đồng một giờ phải không? Tao trả mày mười hai đồng tiền mặt. Tính ra, tao vẫn còn lỗ mấy chục xu.

Trước khi chấm dứt câu chuyện, gã bồi thêm một câu đong đầy ân nghĩa.

-Mấy chục xu một giờ đâu phải là ít. Nhưng tao đã nói, giúp là giúp.

Tôi vẫn giữ liên lạc đều đặn với Thắng. Hàng tuần sau khi đi chợ, vợ chồng tôi thường ghé qua nhà nó uống trà, hàn huyên tâm sự. Tôi nói nhiều với nó về đất nước tự do, sự thăng tiến trong đời sống và đây là vùng đất của cơ hội. Ngược lại, khi nói chuyện với tôi, nó có vẻ lơ là không tha thiết cho lắm. Thường chỉ ỡm ờ cho qua chuyện. Vì muốn dành cho vợ chồng Thắng một sự ngạc nhiên, cho nên tôi không nói gì về chiếc máy may mà chúng tôi sắp mua cho nó. Mỗi tuần trôi qua, niềm vui của tôi lại tăng thêm chút xíu, cho đến hết tháng thứ ba số tiền để dành của tôi đã đủ.

Chuyện gì đến, tất phải đến. Chủ nhật hôm đó, chúng tôi quyết định ghé nhà Thắng trước để dẫn vợ chồng nó đi ăn sáng, xong xuôi sẽ kéo nhau đi mua chiếc máy may. Chuyện chợ búa là chuyện nhỏ, sẽ tính sau.

Chưa đến tám giờ sáng, chúng tôi đã có mặt tại nhà Thắng. Sau mấy lần gõ cửa không ai trả lời, tôi nóng lòng đập cửa mạnh hơn. Ông chủ nhà hé cửa, thò đầu ra

-Ông tìm ai?

-Xin lỗi. Tôi muốn gặp ông Thắng.

-Họ dọn đi được mấy hôm rồi.

Tôi đứng ngẩn ngơ, chết lặng một hồi, với bao câu hỏi quay cuồng trong óc. Tôi vẫn còn hy vọng là vợ chồng nó dọn đi cũng lần quần đâu đây.

-Ông có biết là dọn đi đâu không?

-Nghe nói đi Colorado hay Oklahoma gì đó.

Tôi thẫn thờ quay đi, quên cả nói lời cám ơn với ông chủ nhà.

Vợ tôi ngồi trốn lạnh trong xe, hỏi tôi qua khung cửa mờ đục được hạ xuống nửa chừng.

-Không có nhà sao anh? Đi đâu mà sớm quá vậy?

Trời mùa đông Cali giá buốt, lạnh căm. Tôi lủi thủi ra xe, vừa đi vừa nói:

-Giữa mùa đông mà dọn nhà qua Colorado. Chắc thằng này thích chơi với tuyết lắm.

Huy Văn Trương

No comments:

Post a Comment