Mến tặng tất cả những ai đã từng một thời đội nón đỏ, mặc áo hoa.
Theo cánh chim trời gởi đến Huỳnh Khánh Tuấn, tức Tuấn nhí, vùng trời Pháp quốc. Ngày ấy đã nhiều lần bạn hỏi tôi người ấy là ai, tôi chẳng thể nào trả lời cho bạn được, nhưng giờ đây…
***
Quăng con dao rừng xuống đất, hắn cởi vội chiếc áo vá chằng vá đụp ướt đẫm mồ hôi, ngồi phịch xuống ghế nhìn lên dàn mướp vừa bắt đầu nhú ra những trái con con trông thật dễ thương. Lá mướp xanh nõn trông rõ những sợi lông tơ, rộn ràng bên những chiếc nụ xinh xinh đang ấp úng xoè ra một màu vàng nhè nhẹ, thuần khiết như tơ trời giữa chốn địa ngục tối tăm. Vài chú ong vo ve lượn lờ, ngần ngại vòng vo chưa dám đáp xuống chiếc nhụy hoa vừa chớm nở, chú sợ chiếc giầy chưa rửa của chú sẽ vấy bẩn chiếc áo trắng trong của một thời con gái.
Hắn nhón chân, rướn người vói tay lên xà nhà tháo sợi dây, từ từ thả gói đồ thăm nuôi xuống. Túi lương thực nhẹ hều, chỉ còn vài con cá khô, lưng hũ mắm khô quẹt, còn ba tháng nữa mẹ hắn mới lên thăm. Cứ nghĩ đến con đường đất đỏ chạy từ thị trấn Phước Bình, ngoằn ngoèo sầm sập những hố voi, ngóc lên những dốc núi cao chót vót rồi lại đổ nhanh xuống vực sâu, vượt qua chiếc cầu Đắc Kia mỏng manh lắc lư trên dòng sông Bé nước cuồn cuộn trôi, hắn lại ngậm ngùi thương nhớ mẹ. Mẹ già gồng gánh đồ thăm nuôi vượt qua bao nhiêu gian nan khổ ải, lúc bám xe đò, lúc oằn đôi vai cuốc bộ qua những cánh rừng hoang vắng rợn người, những bà mẹ thương con, những người vợ yêu chồng dựa dẫm vào nhau liều mình đi thăm tù cải tạo. Đời sống nơi phố thị xa xăm kia nào có hơn được bao nhiêu so với nơi này, cũng đói khát lầm than nheo nhóc. Sau buổi đất trời sụp đổ ấy, mọi người bỗng như ngây như dại, hoảng hốt trước những đổi thay ghê rợn đến tận gốc rễ của xã hội, tổ dân phố hội họp kiểm thảo hằng đêm, gạo thóc phân phối đến từng người qua sổ hộ khẩu, những chiếc loa phóng thanh đặt mọi nơi mọi chỗ khắp hang cùng ngõ hẻm lúc nào cũng gào lên một giọng điệu tuyên truyền trơ trẽn nổi da gà. Nhà cửa càng lúc càng trở nên trống trải, thênh thang thoáng mát hơn, vì bàn ghế giường tủ đã lần lượt rủ nhau ra đi không hẹn ngày về. Người đi cải tạo, kẻ đi kinh tế mới, bàn ghế giường ngủ tủ thờ trong nhà đâm ra thừa thãi, không đem bán để làm gì? trong khi nhà không còn hột gạo. Còn cái tủ rỗng tuếch kia, quần áo bên trong đã bán sạch tự bao giờ, để mà làm gì? đem bán quách may ra mua được vài kí gạo. Nhìn quanh nhìn quẩn, chẳng còn vật dụng nào có thể đem bán ra tiền được nữa, chị phụ nữ đưa tay quệt nước mắt cắp nón ra đi, đi buôn lậu. Không đi buôn lậu thì lấy gì nuôi lũ con thơ dại, lấy gì dấm dúi lâu lâu đi thăm nuôi chồng đang cải tạo nơi rừng thiêng nước độc. Bên trong 2 ống quần, cá khô lẫn khô mực được bó chặt vào 2 bắp vế, dưới lớp áo bà ba giả dạng thường dân rộng thùng thình, trước bụng là cái túi vải may theo kiểu ruột tượng đựng vài kí gạo cột chặt vào người, phía sau lưng giắt toàn là hàng quốc cấm, thuốc lá Samit, thuốc lá 555, còn đâu nữa…đáy thắt lưng ong.
Cũng may, ngày bước chân vào trại tập trung cải tạo, đời hắn mới đếm được 23 cái xuân qua, đang còn là một gã thanh niên tráng kiện, sức vóc như hổ như voi, chưa lạc vào thiên đường tình ái, chưa vướng nợ thê nhi nên rất ư là đỡ khổ. Có người yêu làm gì để rồi đời chia cách mỗi người một ngả, héo hắt nhớ nhung chỉ thêm buồn thêm khổ. Một đêm nọ hắn chợt giật mình thức giấc khi nghe tiếng khóc rấm rức của người bạn tù nằm bên cạnh, càng lúc tiếng khóc càng ray rứt, khằng khặc như có người bóp vào cổ, thằng cha này khóc dai quá, khóc dữ dội như cha chết mẹ chết. Sáng hôm sau hắn lân la hỏi chuyện:
- Đêm hôm qua làm gì mà khóc dữ vậy cha nội?
Người bạn tù mắc cỡ ấp úng:
- Tui nhớ… con tui quá, không cầm được nước mắt.
Ít lâu sau hắn khám phá ra anh bạn tù này cưới vợ mới được vài tháng thì tới ngày đứt phim 30 tháng 4, chưa có đứa con nào cả.
Có con cá khô nướng làm mồi nên chén bo bo cứng như đá cũng bớt đi phần vô vị, ăn xong rồi mà vẫn có cảm tưởng như chưa ăn, đời cải tạo triền miên trong cơn đói. Thật sui sẻo cho bất cứ động vật nào mon men đến gần trại cải tạo, cái gì nhúc nhích là ăn được tất, rết đem nướng lên thơm lừng, ngon như tôm hùm trong nhà hàng Bát Đạt, bò cạp nướng xong, bóc vỏ bỏ phần đuôi ăn ngon như cua rang muối. Rắn, chuột, đã lọt vào cặp mắt đói dài ngày của dân cải tạo thì đừng có hòng chạy thoát. Hắn nhớ mãi cái khoảng thời gian ấy, thức ăn của tù bị cắt bớt thê thảm mà công tác lao động thì vẫn giữ nguyên như cũ, vẫn phải vào rừng chặt cây phá rừng lấy đất trồng cây cao su. Đói quá, đói rã ruột, đói ngủ không nổi, đêm nằm phơi bụng mà nghe dạ dày trống trơn đang tóp tép đay nghiến, một cảm giác cờn cợn cứ lăn tăn không ngớt trong đêm dài, không cách chi mà nhắm mắt cho nổi. Trên đã "no" cả rồi, dưới khỏi "no".
Màn đêm ngậm ngùi buông thõng xuống chốn địa ngục trần gian, lũ chim trời đã im tiếng rúc mỏ tìm giấc ngủ vùi, côn trùng rỉ rich thê lương, thỉnh thoảng lại có tiếng vượn hú lên giận dữ từ xa vọng về nghe như oán như hờn căm. Đâu đây có tiếng đàn dạo khúc Romance nghe réo rắt, quyện vào tiếng thì thầm của cỏ cây đang ẩn mình trong đêm tối. Đầu nhà của tổ 1, anh em đang lặng im theo dõi buổi chiếu phim miệng " Cô gái Đồ Long " do Ngô liêm Cần, binh chủng thiết giáp, trình chiếu. Bên nhà tổ 2, Nguyễn sơn Hà, hoa tiêu A 37, chiếu bộ phim "Tiếu ngạo giang hồ " đang tới hồi gay cấn, Lệnh hồ Xung thống lĩnh giáo chúng ma giáo kéo lên núi Thiếu Thất phá chùa Thiếu Lâm cứu Thánh cô.
Chợt có bóng người bước tới gần, giọng nói quen quen:
- Làm gì mà ngồi buồn dữ vậy?
Hắn nhận ra ngay Tuấn nhí.
- Ngồi chờ trực thăng Mỹ tới bốc đi.
Cả hai chợt cất tiếng cười ha hả.
Đời cải tạo bớt đi được nỗi tuyệt vọng, nhẹ đi được nỗi bi quan chán chường phần lớn cũng là nhờ tin đồn. Tin đồn cần thiết như dưỡng khí, tin đồn hà hơi tiếp sức cho đời cải tạo vùng vẫy ngoi lên không để bị nhận chìm trong tăm tối mịt mù không biết ngày nào ra. Tin đồn tràn lan trong cõi ngục tù đến từ nhiều ngõ ngách, từ thân nhân lên thăm nuôi, từ dân chúng trong những lần đi công tác xa, từ trại này đồn qua trại khác…Ở Long Khánh lực lượng phe ta đã lên tới cấp su đoàn, quân ta ra đường lộ đón xe đò thăm hỏi sức khỏe bà con, trước khi rút vào rừng vô ý làm rớt lại một ít lương khô, nhìn kỹ lại thì đó là loại khẩu phần ration C của quân đội Mỹ ngày xưa vẫn dùng. Chính phủ Hoa Kỳ đang mặc cả với Việt cộng số tiền trên mỗi đầu người cải tạo để thả họ ra khỏi chốn lao tù. Hoa Kỳ sẽ đưa các tù cải tạo sang Mỹ định cư, còn cho truy lãnh tiền lương kể từ ngày 30 tháng 04 trời sập. Về sớm cũng thế thôi, cứ tà tà ở trong này chờ trực thăng Mỹ tới rước đi cho khoẻ.
Có những giai đoạn tin đồn nóng hổi bỗng dưng dồn dập lan nhanh khắp nơi khắp chốn, tù cải tạo ghé tai nhau xì xào bàn tán, ai ai cũng bồn chồn chờ đợi một điều gì đó sắp sửa xảy ra, những kẻ muối mặt hoá thân làm kiếp chồn kiếp cáo nay cũng giật mình đánh thót tự gíác bẻ gãy cần antenna. Ngày lại ngày trôi qua, tin đồn nóng hổi từ từ xẹp xuống như cái bánh bao chiều, mặt mũi tù cải tạo hốc hác chảy dài xuống như một ngọn nến, rồi lại một đợt tin đồn thổi tới, anh em lại hí hửng lên tinh thần, lại nuôi hy vọng…Về sau này, thực tế chứng minh được rằng một số tin đồn đã rất đúng.
Tuấn nhí đặt lên bàn một gói giấy:
- Tui mới có thăm nuôi, gởi bạn một chút ăn lấy thảo.
- Cám ơn Tuấn, có tin tức gì không vậy?
- Có tin nóng hổi, đặc sứ của chính phủ Mỹ đã tới Hà Nội bàn thảo về việc thả tù cải tạo, chính tai đứa em tui nó nghe đài BBC đó.
Hắn cảm thấy máu nóng bốc lên trong đầu, cảm động quá, vậy là người bạn đồng minh của ta chơi rất đẹp, chơi rất có hậu đấy chứ. Nhưng đột nhiên lòng hắn bỗng nguội lạnh bất ngờ khi Tuấn nhí xuống giọng:
- Nhưng mà mấy tuần lễ trước ngày 30 tháng 04, đài BBC đã từng phản thùng đâm sau lưng tụi mình...
Tuấn nhí yên lặng, buồn buồn nhìn hắn, rồi bỗng cất tiếng lẩm bẩm:
- Lý khôn Sơn, không biết còn sống hay đã chết.
Đã nhiều lần Tuấn nhí hỏi thăm hắn về tông tích của nhân vật Lý khôn Sơn, hắn chịu thua không thể trả lời nổi, vì hắn chưa bao giờ gặp được người này, mà su đoàn Nhảy Dù thì mênh mông quá. Rất tiếc Tuấn nhí không biết rõ Lý khôn Sơn thuộc tiểu đoàn nào, Tuấn chỉ nhớ Lý khôn Sơn là một thiếu úy trung đội trưởng của su đoàn Nhảy Dù, được gởi đi học khoá sĩ quan truyền tin, ở trường truyền tin Vũng Tàu vào những tháng cuối cùng của cuộc chiến, cùng khoá với Tuấn nhí. Hắn biết chắc một điều là hình ảnh hào hùng của Lý khôn Sơn đã in rất đậm nét trong trí nhớ của Tuấn nhí, soi rõ trong lòng Tuấn nhí cả một vòm trời chiến chinh bi thảm, sấm chớp rền trời chập choạng những người lính cảm tử liều lĩnh xông lên. Những lúc ngồi kể lại ngày cuối cùng ở trường truyền tin Vũng Tàu, đôi mắt Tuấn nhí lại đăm chiêu, lúc sôi động, lúc trầm lắng như đang chứng kiến một cuộc binh đao vừa diễn ra ngay trước mắt.
Áp lực của cộng quân càng lúc càng đè nặng lên trường truyền tin Vũng Tàu, quân số cơ hữu chẳng có bao nhiêu, lại toàn là lính văn phòng không quen chuyện súng ống, lực lượng phòng thủ nay chỉ còn trông cậy vào các khóa sinh, phần lớn từ các đơn vị gởi về nên ít nhiều cũng đã có kinh nghiệm chiến đấu. Các khóa sinh gốc từ mọi quân binh chủng nay tập hợp thành một lực lượng duy nhất, dựng lên một tuyến phòng ngự, quyết không cho địch tràn vào chiếm trường truyền tin. Tự ái và chí kiêu hùng đã khiến những người lính đồng lòng sát cánh với nhau, tổ chức chiến đấu chống lại các mũi tiến quân của địch. Từ hướng giáp với phi trường, địch bắt đầu nổ súng tấn công, các khóa sinh trường truyền tin không hề nao núng, từ trong các công sự chiến đấu, anh em bình tĩnh nhả đạn dữ dội vào đội hình xung phong của địch. Đợt xung phong đầu tiên của địch tan tác, thảm hại nặng nề trước sức phản công mãnh liệt của các khóa sinh trường truyền tin. Địch khựng lại, củng cố vị trí trong khi điều động thêm quân nhất quyết dứt điểm mục tiêu. Quân ta cũng tận dụng thời gian phá kho, chuyển súng ống đạn dược lên tuyến đầu, quyết một phen sống mái với địch. Địch xua quân ào lên, những chiếc nón cối lúp xúp khom lưng ôm súng chạy thẳng vào phòng tuyến của ta.
- Bắn! Bắn!
Những tiếng quát tháo vang lên hòa trong tiếng đạn nổ ròn rã, đủ mọi loại súng đồng loạt cất tiếng phẫn nộ, quật ngã những đợt xung phong của địch. Dù bị thiệt hại, địch vẫn bám chặt lấy vị trí và tìm cách vượt lên. Thật bất ngờ, địch mở một mũi công phá rất mạnh từ bên góc của phi trường đánh tạt ngang vào bên hông tuyến phòng ngự của trường truyền tin. Ngay lập tức, một toán 5 người khóa sinh vọt ra khỏi vị trí chiến đấu lao nhanh về phía tháp nước, thoăn thoắt leo lên cầu thang, thoáng chốc đã lên tới bồn chứa nước. Khẩu đại liên 30 đặt sẵn trên bồn nước nhanh chóng khai hỏa bắn dữ dội vào đội hình của địch đang lúp xúp chạy lên, mũi đột phá của địch bị xé nát trong chớp nhoáng, số còn lại hoảng hốt tháo chạy về phía sau. Anh em khóa sinh trường truyền tin quên cả hiểm nguy nhảy cỡn lên reo hò thích thú, mọi người dán chặt đôi mắt lên phía trên bồn nước, 5 tay súng kiên cường vẫn không ngừng nhả đạn. Sau những tổn thất bất ngờ quá nặng nề, địch tái tổ chức lực lượng, bắt đầu mở những đợt tấn công dữ dội, và bây giờ ổ kháng cự trên tháp nước trở thành cái gai ưu tiên cần phải bứng trước nhất. Các loại súng của địch chụm lại gõ lên tháp nước thật rát. Tiếng súng đại liên 30 trên tháp nước vẫn rộ lên dữ dội, ở dưới đất mọi loại súng hòa chung một nhịp không chừa một khe hở nào cho địch quân xông tới. Bất kể thiệt hại, địch dồn lên tấn công quyết liệt, khi quả đạn B 40 của địch bắn trúng đích chiếc lô cốt phòng thủ do một khóa sinh Biệt động Quân trấn giữ thì tuyến phòng thủ của trường truyền tin bắt đầu sụp đổ, anh em lần lượt rời bỏ vị trí tìm cách thoát ra ngoài thành phố. Trên tháp nước nhìn xuống thấy cảnh tượng tháo chạy bát nháo, anh em cũng bắt đầu hoang mang giao động, lần lượt quăng súng vội vã leo xuống đất. Người lính còn lại vẫn lì lợm xổng lưng xoay nòng súng đại liên xả đạn về phía địch, liếc mắt nhìn 4 người đồng đội đang hối hả tuột xuống chân cầu thang, " Họ không phải là lính Nhảy Dù, làm sao mình có thể ra lệnh cho họ được".
Huỳnh khánh Tuấn ngoái đầu nhìn lại ngọn tháp nước một lần cuối trước khi lách người chạy vụt ra phía sau dãy nhà tìm đường băng ra thành phố, Tuấn vẫn còn nhìn thấy bóng dáng người lính Nhảy Dù thấp thoáng trên tháp nước vút cao, tiếng đại liên 30 vẫn kiên cường nổ ròn rã…Toàn bộ trường truyền tin đã rút chạy, chỉ còn lại một người lính Nhảy Dù vẫn bền gan cố thủ, quyết không cho địch tràn vào. Tiếng súng trên tháp nước vang vọng sâu thẳm đến tận trái tim của những người lính khóa sinh trường truyền tin đang quay lưng bỏ cuộc, để rồi mãi đến sau này, trải dài trong các trại tập trung cải tạo, từ Phước Long, Xuân Lộc, đến Hàm Tân…, anh em sĩ quan khóa sinh trường truyền tin thỉnh thoảng vẫn nhắc nhớ đến con người dũng cảm bất khuất này.
Tinh thần chiến đấu dũng cảm can trường của người lính Nhảy Dù ấy đã khiến Huỳnh khánh Tuấn, binh chủng pháo binh, và Đông, thuộc su đoàn 9 BB xúc động đã quyết định quay trở lại tháp nước. Địch tập trung hỏa lực dội lên tháp nước, lớp bao cát bảo vệ cho ổ súng không đủ kiên cố, viên đạn B40 lọt vào nổ tung, hất văng người lính Nhảy Dù sang một bên, miểng đạn ghim đầy lên thân thể người lính. Sức nổ dữ dội của viên đạn ép mạnh vào lồng ngực khiến cho người lính gần như bất tỉnh đến nơi, với một ý chí sắt thép, người lính Nhảy Dù căng người ra để khỏi rơi vào tình trạng hôn mê, cố lết người nhoài ra phía cầu thang tìm cách leo xuống. Tuấn và Đông chạy ngược trở lại tháp nước, kịp nhìn thấy người lính Nhảy Dù chân vừa mới chạm đất đã ngã lăn ra thở dốc, cả hai người vội vã xông tới, xốc người bạn mình đứng lên, nhanh chóng tìm đường thoát thân. Toàn bộ thành phố Vũng Tàu rơi vào cơn hỗn loạn, lính tráng đủ mọi binh chủng, đơn vị, giạt về đông nghẹt, huyên náo trên khắp các nẻo phố như một mớ bùi nhùi, không đầu không đuôi, không tổ chức, không chỉ huy. Khi địch tràn vào thành phố bằng nhiều hướng thì cái mớ bùi nhùi ấy tan ra như bọt xà phòng. Chẳng biết còn sống hay đã chết, Lý khôn Sơn, người thiếu úy trung đội trưởng của su đoàn Nhảy Dù, cao lớn, trắng trẻo, bảnh trai, với khẩu đại liên 30 nổ ròn rã trên tháp nước.
Sau năm 1978, trại cải tạo D1 vợi đi một nửa sau những đợt thả tù liên tiếp, cuối cùng thì trại giải thể, sát nhập vào trại D3, hòm thơ 3138, ở về phía ngã ba đường 10, trên đường ra quán bà Sáu lưỡi lam. Vài tháng sau, trại cải tạo D3 lại tiếp nhận một đợt tù cải tạo chuyển từ Hốc Môn lên, được tổ chức thành khối thứ tư, ở phía bên kia của sân đá banh gần với nhà thăm nuôi. Đời cải tạo gắn liền với những đợt chuyển trại, rồi mỗi khi ổn định chỗ ở xong, anh em Nhảy Dù lại tự động nối lại với nhau, lại biết thêm nhiều bạn mới.
Các sĩ quan Nhảy Dù trong trại cải tạo D1, hòm thơ 3136, Phước Long, Sông Bé:
- Vũ đình Hải, TĐ8 ND.
- Nguyễn văn Thạnh, TĐ7 ND.
- Nguyễn văn Tâm, tức Tâm đen, TĐ2 ND.
- Trần xuân Nhật, trinh sát Dù
- Nguyễn văn Bình, TĐ9 ND, một cầu thủ nổi danh trong trại cải tạo, Bình là một tiền đạo lanh lẹ, rất sắc bén, cùng với tiền đạo nổi tiếng Đào hữu Bỉ tạo thành một cặp bài trùng vô cùng nguy hiểm, tuyệt vời nhất là những pha đi bóng một hai rất đẹp mắt, hậu vệ đối phương bối rối không biết đường nào cản phá, trong chớp mắt đã áp sát khung thành đối phương rồi xoay người dứt bóng vào góc hẹp, thủ môn đối phương không kịp phản ứng, đành bó tay nhìn theo trái banh lăn vào khung thành trống trơn. Đội bóng của trại 3136 ngày ấy còn có hảo thủ Võ ngọc Hạnh tức Ali Hạnh với những đường vẽ bóng rất mượt mà, những đường chuyền bóng chết người, còn có Mai xuân Nghĩa, Cao văn Hà, Trần đình Vang tức Vang lõm, Đỗ khắc Tân, Trần gia Định, Tôn thất Nga, Lê đặng Hùng, Đinh hoàng Cảnh, Đạo thủ môn, Tốt của tổ 4, khối 1…
Khi trại cải tạo D1 giải thể, sát nhập vào trại cải tạo D3, thì vòng tay đồng đội lại được nối rộng thêm:
- Nguyễn thành Danh, tức Danh bo, tiểu đoàn 1 pháo Dù, thời gian cuối của cuộc chiến, Danh đi đề lô cho tiểu đoàn 11 ND, đánh trận đèo Hải Vân. Nhà Danh ở khu Bùi Viện, ngã tư quốc tế, Quận 1, Sài Gòn. Một hôm, Danh và một số bạn được cử đi theo xe tải ra thị trấn Phước Bình vác gạo. Trong lúc đang ngồi nghỉ trưa, anh em bỗng nhìn thấy một tay bộ đội đang mặc một chiếc quần đùi may bằng lá cờ của miền nam Việt Nam, Nguyễn thành Danh điên tiết lên, " Đ.m, tao phải đục thằng này mới được ". Vừa chửi, Danh vừa lao người ra, rất may anh em đã cản Danh lại kịp thời. Vào một ngày sui sẻo khác, Nguyễn thành Danh đang đi trong hàng, trên đường ra hiện trường lao động, bỗng gặp mấy tay bộ đội đang đi ngược chiều, Danh lên tiếng chửi, không may họ nghe thấy, họ chận đoàn người lại, chỉa súng AK bắt Danh dẫn đi. Những tay bộ đội này là vệ binh của trại cải tạo D5, họ bắt Danh về bên đó, đánh đập tàn nhẫn, bỏ đói không cho ăn không cho uống. Mấy hôm sau khi thả về, Danh bước đi không muốn nổi, cả trại ai cũng thương cũng mừng cho Danh vẫn còn sống. Biệt hiệu " Danh bo " ra đời từ ngày ấy. Lại một lần khác, Danh vi phạm nội qui trại bị nhốt xuống hầm tối, đó là một cái hầm đào rất sâu, sát ngay bên lối ra cổng, Danh xuống hầm bằng một cái thang tre, vệ binh rút cái thang lên, rồi chận bên trên bằng một cái nắp ván, thế giới ở bên dưới như đóng sầm cửa lại, tối om như địa ngục. Bạn bè không bao giờ bỏ Danh, đồ ăn, thuốc tây, tiếp tế xuống cho Danh đều đặn. Nhất là anh Nguyễn xuân Giang và anh Nguyễn bá Cừ, là những người bạn ăn cơm chung với Danh, đã lo lắng cho Danh vô cùng chu đáo.
Danh ơi, ở bên kia thế giới Danh có còn nhớ những buổi tối trong trại cải tạo học Anh văn dưới ngọn đèn dầu tù mù, vậy mà Danh không còn sống để qua bên này cùng với anh em…
- Phạm văn Minh, tức Minh bò, có đôi mắt to như mắt bò, trinh sát Dù.
- Nguyễn văn Mẹo, nhà ở khu Tân Định, Sài Gòn.
- Trương quang Phong, thuộc tiểu đoàn Vương mộng Hồng, quê ở Rạch Giá. Kiếp tù đày vẫn không dấu được vẻ phong lưu, khuôn mặt lúc nào cũng vui tươi cởi mở, dáng đi thật là thoải mái ung dung. Người có cái phong thái cưỡi ngựa xem hoa ấy chắc hẳn dù sống ở nơi tù ngục tối tăm nào cũng vẫn cảm thấy an nhiên nhàn nhã.
- Nguyễn mậu Nội, TĐ11 ND, anh em vẫn thích gọi Nội bằng cái tên rùng rợn hơn, Nguyễn mụ Nội, nghe tên là đã thấy nóng lạnh, toát mồ hôi. Nhưng thực tế thì hoàn toàn ngược lại, Nguyễn mậu Nội làm trong tổ cưa xẻ, thân hình rắn chắc, mặt mũi khôi ngô tuấn tú, bộ râu quai nón càng tăng thêm vẻ tự tin ngang tàng của một hảo hán, ăn nói nhỏ nhẹ, hiền lành dễ mến. Nguyễn mậu Nội quê ở Kontum, sinh viên năm thứ hai đại học khoa học Sài Gòn, đường khoa cử gãy gánh giữa chừng vì lệnh tổng động viên đôn quân năm 1972. Khi còn là sinh viên sĩ quan trong quân trường, Nguyễn mậu Nội đã từng có diễm phúc được ngủ đêm trong khuê phòng của khu trại dành riêng cho nữ quân nhân. Tốt nghiệp khóa 3/72 trường bộ binh Thủ Đức, Nguyễn mậu Nội tình nguyện về binh chủng Nhảy Dù và được phân bổ về tiểu đoàn 11ND. Tháng 3 năm 1975, đại đội 112 và đại đội 114 thuộc tiểu đoàn 11 ND được gởi tới đèo Hải Vân chận đánh một lực lượng của địch đang áp sát đỉnh đèo mưu toan cắt đứt con đường đèo hiểm trở, mạch giao thông độc nhất nối liền giữa Huế và Đà Nẵng. Trận đánh diễn ra trên những mỏm núi cheo leo dựng đứng, một viên đạn B40 oan nghiệt chọn đúng mục tiêu, giết chết người lính mang máy truyền tin ngay tại chỗ, thiếu úy trung đội trưởng Nguyễn mậu Nội bị mảnh đạn xuyên qua cổ. Rất may mắn, mảnh đạn không đi qua chỗ hiểm nên Nguyễn mậu Nội vẫn còn sống, và nhất là chưa mất đi giọng nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào làm mềm lòng phái nữ.
- Bùi thiện Cơ, TĐ3 ND, nếu không để ý đến ánh mắt hiền hòa với nụ cười cởi mở thì người ta rất e ngại khi phải va chạm với anh chàng lực lưỡng cuồn cuộn những bắp thịt này, khuôn mặt Cơ toát ra hơi lạnh của một tảng băng và hắt ra ánh thép trui cứng của một con rựa. Năm tháng cải tạo tập trung vẫn không làm mất đi vóc dáng vững chãi, dữ dội của một người chơi quyền anh, sống mũi của Cơ vặn vẹo qua lại mềm mại như sợi bún vì xương sụn bên trong đã được lấy ra, hai hàm răng của Cơ đều đã được lấy gân máu để không còn cảm giác đau đớn khi bị dính đòn. Bùi thiện Cơ viết chữ bằng cả tay trái lẫn tay phải, "mình phải làm điều gì để khác với người ta chứ, tập mãi cũng phải được thôi", Cơ trả lời. Bùi thiện Cơ học tiếng Anh trong tù bằng cách viết từ vựng vào một tấm giấy xếp nhỏ lại rồi bỏ vào trong túi, lúc đi lao động vừa chặt cây vừa khiêng củi miệng vẫn lẩm nhẩm học tiếng Anh, lúc nào quên thì mở tờ giấy ra xem lại.
- Hoàng thanh Tùng, TĐ8 ND, cùng lớp Thiếu sinh quân với Nguyễn văn Thành, Lê văn A, Vũ hán Khôi, Đông bành, Thiện Hitler…Tùng xuất thân từ khoá 29 Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt. Tháng 4 năm 1975 Hoàng thanh Tùng được bổ xung về tiểu đoàn 8 ND, ngay vào lúc đơn vị vừa mở đường máu triệt thoái từ Long Khánh về đến Bà Rịa, Phước Tuy.
- Trí, TĐ6 ND, người dong dỏng cao, Trí tốt nghiệp khóa 5/72 trường bộ binh Thủ Đức. Khi Trí nói chuyện với ai thì mắt của Trí cứ như nhìn đi chỗ khác, như đang tìm kiếm một vật gì ở góc nhà đằng kia. Mỗi khi Trí cười thì khoé miệng lại bị kéo xếch lên, người đối diện có cảm tưởng như Trí đang cười mỉa mai, cay đắng một điều gì. Vết tích chiến tranh của trận chiến mùa hè năm 1972 đã nhào nặn khuôn mặt của Trí thành một bức tranh lập thể, đường nét chồng chéo, co giật, cào cấu lẫn vào nhau. Sức nổ và những mảnh đạn của trái phá B40 đã đào sới băm vằm khuôn mặt nát bét ra, rồi qua bàn tay điều trị của người bác sĩ quân y chỉ chuyên mổ xẻ, cưa cắt, không có phương tiện phục hồi thẩm mỹ, khuôn mặt của Trí giờ đây kỳ dị lắm. Trí mở ví lấy ra một tấm hình thuộc về dĩ vãng, trong hình là một chàng thanh niên rất trẻ mang dòng máu lai Pháp, từ vóc dáng cho tới khuôn mặt đẹp đẽ vô cùng. So sánh khuôn mặt hiện tại của Trí với tấm hình chụp từ những năm tháng xa xưa, ai mà không khỏi đau lòng khẽ trách trời cao sao nỡ hẹp hòi, bắt Trí phải đeo một bản án quá nặng nề trong suốt cả một cuộc đời trầm luân. Trí mở ví cất tấm hình và cười nhẹ, " Cô ấy vào tổng y viện Cộng Hòa thăm tui được một lần đầu tiên, sau đó thì vĩnh viễn bặt vô âm tín… ", khi cười khoé miệng của Trí lại bị kéo giật lên trông có vẻ như đang mỉa mai, cay đắng một điều gì.
Các đấng Nhảy Dù đã hẹn hò buổi tối hôm ấy một bữa nhậu thật linh đình. Mấy ngày trước đã thực hiện một phi vụ đáp vào sóc Thượng đổi được con gà, vài lít rượu. Lâu quá rồi cũng thèm, cũng nhớ cái mùi vị cay cay nồng nồng, lại được một phen quần hùng hội tụ cụng ly cho thỏa chí. Gà xé phay nhấm nháp trong hơi rượu, cái mùi vị cũ kỹ quen thân này đưa ta trở về quá khứ bao năm về trước của những buổi nhậu chết bỏ quên đường về, lính Nhảy Dù chết nằm tại chỗ không bỏ chạy. Ha ha! đã chết thì làm sao còn chạy được nữa. Nhảy Dù ơi thương quá đi thôi cái thời bạt mạng, đồng đội có nhau đồng sinh cộng tử, hơi rượu sao nghe mùi thuốc súng. Bao nhiêu chuyện cũ của một thời chinh chiến nay được tái hiện trong hơi men chếnh choáng lại càng ray rứt làm sao, những người đồng đội gục ngã trên chiến trường năm xưa giờ như đang lồm cồm ngồi dậy, tại hoa mắt hay ứa lệ trong lòng? Nguyễn văn Mẹo chẳng biết uất hận điều chi, bất ngờ xòe bàn tay đặt lên bàn nhậu, tay kia chụp lấy con rựa dựng bên vách nhà, phập một nhát đứt lìa một lóng tay, máu tuôn xối xả, đã vậy còn cự nự khi anh em nhào tới băng bó vết thương.
Vài tháng sau, vào một buổi sáng tinh mơ lúc mọi người còn đang vùi đầu trong giấc ngủ ngon, bỗng có tiếng súng nổ chát chúa rồi vệ binh vác súng rầm rập chạy vào láng trại. Lệnh báo động được ban hành, mọi người ai ở đâu thì ở đấy, không được đi lại, không được bước ra khỏi láng. Vệ binh mặt mũi hầm hầm chia nhau đi lục soát. Anh em vui vẻ bàn tán, " lại bốc hơi nữa rồi ". Một lát sau thì toàn trại đều hay tin Nguyễn mậu Nội và một số bạn bè đã biến mất, các bạn vượt trại đợt này đều thuộc tổ nấu bếp và tổ cưa xẻ. Xuân qua hè tới, năm tháng vùn vụt trôi qua, đời người lui dần vào quá khứ, đã gần 30 năm trôi qua mà sao Nguyễn mậu Nội vẫn còn giữ im lặng vô tuyến, ngay cả với gia đình, thân quyến. Chắc hẳn ở một nơi nào đó trong rừng sâu núi thẳm trên đường vượt thoát, con người hào hoa này đã vĩnh viễn bước ra khỏi cuộc đời vốn lắm khổ đau, để trở về với cát bụi nghìn năm.
Ba mươi năm lặng lẽ trôi qua như một thoáng mây bay, những tưởng tù cải tạo sẽ bỏ xác, hay vĩnh viễn khép chặt kiếp lầm than trong những trại tập trung ghê rợn. Nhưng không, chính phủ Hoa Kỳ đã can thiệp để tù cải tạo được thả về, kế tiếp là xúc tiến chương trình HO cho tù cải tạo được sang Mỹ định cư, thật là có nằm mơ cũng không thể nào tưởng tượng ra nổi. Người vượt biên, kẻ theo diện đoàn tụ, người theo diện HO, cuối cùng anh em cũng đã lần lượt đến được bến bờ tự do. Tiểu bang South Carolina lạnh lẽo xa lắc mù khơi có duy nhất một người lính Nhảy Dù chọn làm quê hương thứ hai, đó cũng là người sĩ quan độc nhất của su đoàn Nhảy Dù bị bắt làm tù binh trong trận đánh cuối cùng ở Xuân Lộc, Long Khánh. Thiếu úy Chu y Quí, trung đội trưởng trung đội 3, đại đội 94, tiểu đoàn 9 Nhảy Dù bị địch bắt, đưa về giam giữ ở mật khu Mây Tào, Hàm Tân.
- Khi bắt được Quí, họ trói nghiến hai tay, bắt tháo giày, rồi dẫn theo đường rừng giải về mật khu Mây Tào.
- Có đông lắm không?
- Đông lắm, hàng trăm người, nhưng toàn là sĩ quan của su đoàn 18 BB và tiểu khu Long Khánh, chỉ có Quí là Nhảy Dù.
- Điện thoại của Quí nghe nhỏ quá, nói lớn lên một chút đi.
- Thời gian bị giam cầm ở mật khu Mây Tào, Quí bị xiềng chung với Đạt, thiếu úy thuộc tiểu khu Long Khánh. Ở Mây Tào 1 tháng, được tắm đúng 2 lần thì bị áp giải về Long Khánh, sát nhập vào diện tập trung cải tạo và đưa về trại cải tạo Xuân Lộc. Mấy hôm sau đội của Quí xuất trại đi vác cây, Quí đi ở phía trước của đội, nhìn thấy một đội khác đang vác cây vào trại, người đi hàng đầu của đội ấy thấy quen quen, nhìn kỹ lại thì trời ơi, mừng đến phát khóc, người ấy chính là Lý khôn Sơn. Quí thảng thốt kêu lên " Sơn." Trong khoảnh khắc Sơn cũng nhận ngay ra Quí, Quí nghe rõ tiếng Sơn bật kêu lớn "Quí." Chỉ kịp trao đổi với nhau vài câu, được biết Sơn ở dãy nhà giam ngay bên cạnh nhà giam của Quí, bên nhà giam của Sơn còn có Trịnh Pha. Buổi chiều sau giờ cơm, Quí gặp lại Lý khôn Sơn và Trịnh Pha bên hàng rào dây kẽm gai trò chuyện, lần đầu tiên gặp lại anh em Nhảy Dù, mừng muốn chết, mà lại là 2 người bạn rất quen thân…
- Khoan đã Quí ơi, hình như tên Lý khôn Sơn nghe quen quen…
- Trịnh Pha thuộc tiểu đoàn 6 Nhảy Dù. Ngày xưa Trịnh Pha và Quí ở cùng đại đội 62, khoá 6/72 trường bộ binh Thủ Đức. Lý khôn Sơn thuộc đại đội 92 tiểu đoàn 9 Nhảy Dù với Quí…
- Tiếp tục đi Quí ơi.
- Khi lệnh tổng động viên đôn quân ban hành năm 1972 thì Lý khôn Sơn đang là sinh viên năm thứ ba đại học chính trị kinh doanh Đà Lạt. Lý khôn Sơn tốt nghiệp khoá 3/72, khoá khăn xanh, trường bộ binh Thủ Đức. Khi Lý khôn Sơn về trình diện tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, anh em rất ngạc nhiên vì Sơn nói chuyện ngọng như Tây nói tiếng Việt, hỏi ra mới biết Lý khôn Sơn học chương trình Pháp từ nhỏ cho tới lớn…
Đột nhiên trong đầu hắn loé lên hình ảnh của Huỳnh khánh Tuấn với ánh mắt đăm chiêu, tư lự. Hắn buột miệng ngắt lời Quí:
- Lý khôn Sơn học khóa sĩ quan truyền tin ở Vũng Tàu, có phải vậy không Quí?
- Đúng, đúng rồi đó. Lúc tụi mình đánh trận Xuân Lộc, Long Khánh thì Lý khôn Sơn đang học khóa sĩ quan truyền tin ở Vũng Tàu.
- Vậy là tôi biết Lý khôn Sơn rồi, một mình Lý khôn Sơn với khẩu đại liên 30 trên tháp nước bắn tan nát những đợt xung phong của địch.
- Vậy hả? trận nào vậy?
- Trận đánh cuối cùng ở trường truyền tin Vũng Tàu, nhưng mà hiện giờ Lý khôn Sơn còn sống hay đã chết Quí có biết không?
- Còn sống chớ, sao chết được.
- Ồ! mừng quá.
- Gia đình Lý khôn Sơn hiện cư ngụ ở miền nam California. Sơn còn phong độ lắm, cày hai job đó nghe, lại còn sử dụng thông thạo 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Mễ, Hoa…
Bạn Huỳnh khánh Tuấn thân mến, vậy là người ấy, Lý khôn Sơn, thiếu úy trung đội trưởng thuộc tiểu đoàn 9 Nhảy Dù, vẫn còn sống mạnh giỏi. Lý khôn Sơn đi tù cải tạo hơn 8 năm và cuối cùng định cư ở Hoa Kỳ theo diện HO.
Chúc Tuấn nhí thật vui khi nhận được tin này.
Vũ Đình Hải
No comments:
Post a Comment