Chương I
TÂY NGUYÊN KHÓI LỬA MỊT MÙ
Pô Kô dậy sóng
Tây Nguyên chuyển mình
Bảo vệ dân tình
Toàn quân sát Cộng
★
CHARLIE
MỘT DẤU ẤN ĐỜI CHIẾN BINH
“Anh hởi anh ở lại Charlie”, một câu hát quen thuộc trong bài ca “Người Ở Lại Charlie” do nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác, để ghi nhớ người hùng Nguyễn Đình Bảo, Khóa 14 Đà Lạt, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù.
Chúng tôi có dịp gần gũi Nhật Trường và gia đình qua người bạn thân, cố Đại úy Trần Duy Phước ĐĐT/ĐĐ93/TĐ9ND. Mỗi lần hành quân về, Phước rủ Tâm, Đại đội trưởng Đại đội 94 Nhảy dù (ĐĐ94ND), Thành, Đại đội trưởng ĐĐ92ND và tác giả, Đại đội trưởng ĐĐ91ND, đến nhà Nhật Trường ăn cơm. Chị Trường rất khéo tay về gia chánh, còn Nhật Trường thì tửu lượng khá cao. Do quen thân với Phước, anh có cảm tình mặn nồng với Nhảy Dù, Nhật Trường đã sáng tác 2 bài ca “Người Anh Hùng Mũ Đỏ” và “Người Ở Lại Charlie” để tưởng niệm 2 vị sĩ quan Dù đã hy sinh ngoài mặt trận.
♣
“Charlie” là gì?
Thế hệ trẻ sau nầy hát bài “Người Ở Lại Charlie”, có lẽ chẳng hiểu gì về xuất xứ ? Charlie là một địa danh? Hay một địa điểm nào trên đất Mỹ? Thật ra nếu không có trận tổng công kích mùa hè năm 1972 tại 3 Vùng Chiến Thuật thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây là một cái tên quân sự để gọi một cao độ nằm trong dãy núi chập chùng phía Tây Tân Cảnh.
Charlie chỉ một ám hiệu truyền tin của chữ C ở quân đội trong tiếng Mỹ (hoặc Cải Cách trong Việt ngữ, phát âm là “Xê”) dùng để đặt tên cho căn cứ … Các vị trí quân sự trong khu vực hành quân vùng phía Tây Tân Cảnh, quận Dakto được đặt tên là Charlie, Delta, Hotel, Alfa, Bravo, Căn cứ 5, Căn cứ 6,.. để cho phi công Mỹ dễ đọc trên bản đồ hành quân.
Căn cứ Charlie gồm 3 đỉnh đồi (960, 1020, và 1050) nối nhau bằng sườn dốc thoai thoải gọi là yên ngựa. Từ đây trông về hướng Tây Bắc là ngã ba Tam Biên, xe cộ của Lào và quân CSBV (BCH/Mặt Trận B3) chạy qua lại dập dìu, phía Đông là sông Pôkô và Quốc Lộ 14. Tại dưới chân Charlie là ngã ba đường xe “Ben” rộng lớn, xe Mololova của địch chuyển quân và tiếp liệu từ Tam Biên phải qua con đường nầy. Vì vậy Charlie là cái gai mà địch cẩn phải nhổ bằng mọi giá!
♣
Diễn Tiến Lịch sử
Năm 1954, chiến thắng Điện Biên Phủ đã gián tiếp lật đổ chính phủ của Thủ Tướng Pháp Joseph Laniel. Năm 1968, Cộng Sản Bắc Việt với cuộc Tổng Công Kích đã gây ra hậu quả không lường tại nước Mỹ, vì đó là năm bầu cử. Như đã biết trước, Tổng Thống Johnson phải tuyên bố không ra tái ứng cử.
Dân chúng Mỹ vì chán nản chiến tranh tại Việt Nam nên đã dồn phiếu cho Nixon với chính sách giảm dần sự can thiệp của quân lực Mỹ.
Năm 1972 cũng là năm bầu cử Tổng Thống Mỹ, do đó CSBV hy vọng rằng một biến cố lớn như Tết Mậu Thân sẽ tạo được nhiều thuận lợi mới.
Với ý đồ như vậy, Lê Duẫn, Tổng bí thư đảng CSBV, đã sang Nga trong mùa Xuân 1971 nhằm mục đích yêu cầu tăng thêm quân viện. Kết quả là CSBV đã nhận được nhiều chiến xa T-54, T-55, PT-76. Pháo binh hạng nặng như đại bác 130 ly, 155 ly, phòng không 23 ly, 57 ly, và cả hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 (Sagger). Giữa năm 1971, sau khi Lê Duẫn từ Nga về, Bộ Chính Trị đã ra Nghị quyết thứ 13 ban hành quyết định tổng tấn công miền Nam.
CSBV chia kế hoạch tấn công ra làm 3 mặt trận chính. Mặt trận giới tuyến sẽ do hai Sư đoàn 304, 308, và bốn Trung đoàn độc lập 126 Đặc công, 31, 246, và 270 thuộc Mặt trận B5. Với sự yểm trợ của khoảng 200 chiến xa thuộc hai Trung đoàn 203 và 204, cùng ba Trung đoàn pháo 38, 68, và 84 đảm nhận.
Các đơn vị nầy sẽ vượt qua khu phi quân sự để đánh chiếm tỉnh Quảng Trị. Đồng thời lúc đó Sư đoàn 324B CSBV cùng 2 Trung đoàn đặc biệt 5 và 6 sẽ từ thung lũng A Shau ở phía Tây đánh bọc vào thành phố Huế và đe dọa luôn Đà Nẵng.
Mặt trận An Lộc ở vùng biên giới Việt-Miên do ba Sư đoàn 5, 7, và 9 cùng với khoảng 200 chiến xa tiến chiếm quận Lộc Ninh rồi đánh thẳng vào An Lộc, Bình Long. Nếu địch chiếm được An Lộc thì sẽ theo quốc lộ 13 tiến về Sàigòn. Đồng thời Sư đoàn 1 CSBV sẽ tạo áp lực tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để cầm chân các lực lượng tiếp viện từ Quân đoàn IV của QLVNCH
Riêng tại mặt trận Tây Nguyên, Cộng sản Bắc Việt cho Sư đoàn 2 và Sư đoàn 320 với một trung đoàn chiến xa định đánh chiếm Kontum và tiếp theo Pleiku. Để yểm trợ cho mặt trận nầy. Sư đoàn 3 CSBV có nhiệm vụ đánh phá vùng Bình Định phía ven biển, đồng thời cầm chân các lực lượng ta tại đây. Sư đoàn 711 CSBV cũng được lệnh tạo áp lực quanh Đà Nẵng với cùng mục đích. Sự tấn công Tây Nguyên nhằm cắt đôi lãnh thổ VNCH theo đường ranh là quốc lộ 19.
♣
Tại sao có hiện tượng Charlie?
Mùa hè năm 1972, Cộng quân Bắc Việt mở đợt tổng tấn công lần thứ hai, sau trận Tết Mậu Thân; mục đích gây tiếng vang trong dịp Tổng Thống Nixon của Mỹ sắp đi Nga tham dự hội nghị Thượng Đỉnh.
Ngày 22 tháng 5 năm 1972, Nixon đi Nga, không ít thì nhiều chuyến đi ấy đã có tác dụng với cuộc đại tấn công của quân CSBV vào 3 Quân Khu của VNCH. Rất nhiều giả thuyết về cuộc kịch chiến nầy, nhưng tất cả đều đồng ý: chuyến đi đó chắc chắn có ảnh hưởng đến cuộc đại tấn công, và đây cũng là các trận đánh cuối mùa, một mùa hè đại loạn đẫm ướt máu tanh trên một quê hương đọa đày tên gọi Việt Nam!
Rút kinh nghiệm qua sự thất bại trong trận Tết Mậu Thân, Cộng quân đổi chiến thuật mới. Địch dùng quân số đông để áp đảo từng vùng, và chiến thuật biển người thí quân để bù lại sự thiếu kém về hỏa lực phi pháo. Bọn chóp bu miền Bắc coi nhẹ sinh mạng con người còn thua trâu bò và bom đạn.
Nếu không có trận tấn công mùa hè 72, Nguyễn văn Thành đã được sang Mỹ học khóa Tham mưu Trung cấp, nhưng Phòng 3 đã gọi về trình diện và bổ nhậm anh giữ chức Sĩ quan Phụ tá Hành quân LĐ2ND, một chức vụ không có trong cấp số chuyên nghiệp; nói rõ hơn là không có chó bắt mèo thay thế. Trong hoàn cảnh dầu sôi lửa bỏng, Bộ Chỉ Huy (BCH) Lữ đoàn chỉ có Đại tá Lịch, LĐT ; Thiếu tá Nguyễn Trọng Nhi – K20ĐL, Ban 3; và Thiếu tá Thành, làm phụ tá tham mưu.
Vào cuối tháng 3 năm 1972, 2 Lữ đoàn Dù được lệnh hành quân vùng Dakto, Tân Cảnh, thuộc tỉnh Kontum. Bộ Tư lệnh Tiền phương SĐND và BCH/LĐ3ND đóng ở thị xã Kontum.
BCH/Lữ đoàn 2 Nhảy Dù chuyển đến làng Võ Định, nằm sát quốc lộ 14, đoạn đường từ Kontum ra Dakto. Vị trí Võ Định cách BTL/SĐ22BB của Đại tá Đạt (hy sinh ngày 24/5/72) gần 10 cây số về hướng Nam. Thành giữ chức Phụ tá, có nghĩa là cái gì cũng làm hết. Đại tá Lịch giao cái gì thì anh làm cái đó, bao thầu đủ thứ ! Nhiều khi đóng vai thường vụ, nhiều lúc lại coi như Tham mưu trưởng Lữ đoàn. Thành thấy cuộc đời mình cũng vui vui, vì thầy bói nói số Thành lên voi xuống chó quả thật bây giờ rất đúng với tình cảnh nầy.
Sau ngày ra trường Võ Bị – Khóa 19 ĐL, Thành đã bôn ha từ Trung đội trưởng ở TĐ6ND, Đại đội trưởng TĐ9ND; anh đã cùng với các chiến sĩ Dù sống cuộc đời tung hoành ngang dọc trong rừng rậm, núi cao, hoặc đồng bằng mênh mông thật thỏa thích vô cùng. Muốn dùng phi pháo ở đâu, cứ xài; muốn quậy mấy anh Việt Cộng cỡ nào cũng có. Bây giờ vô sống trong không khí hậu tuyến ở BCH/Lữ Đoàn, không thích hợp với bản tánh của anh chút nào, Thành thích có quân trong tay để tung hoành ngang dọc thỏa chí tang bồng hồ thĩ!
Trong giai đoạn thiết lập căn cứ hỏa lực lại Võ Định, Thành điều hành mọi công tác: hằng ngày phối hợp các ban ngành, các đơn vị tăng phái,… và hoàn thành chớp nhoáng trong 24 tiếng đồng hồ để có được nơi an toàn tối thiểu. Các đơn vị Nhảy Dù rất rành việc thiết lập căn cứ lưu động như thế nầy, họ coi việc lập căn cứ, đào hầm hố, dễ và cần thiết như ăn cơm bữa; họ làm nhanh và hoàn hảo không thua gì quân đội Mỹ với phương tiện cơ khí dồi dào.
Các đơn vị trực thuộc được bố trí trên những dãy núi sừng sững phía Tây theo hình cánh quạt, bắt đầu bởi căn cứ Alfa (Anh Dũng) ở cực Bắc, đến Yankee (hay Yên Thế), lần xuống phương Nam có Charlie, Delta, Hotel, Metro, và chót hết là Bravo ở phía Đông Võ Định, nhằm bảo vệ phi trường Phượng Hoàng và BTL/Sư đoàn 22 Bộ binh tại Tân Cảnh.
Ngày 15/3/1972, TĐ1ND được trực thăng vận vào vùng hoạt động, thiết lập căn cứ hỏa lực Alfa (sau bàn giao cho TĐ3ND) bảo vệ Pháo đội A1 của Đại úy Nguyễn Thành Tựu với 4 khẩu đại bác 105 ly. Sau nầy các pháo đội khác được lần lượt phối trí theo lệnh: Pháo đội B1 của Đại úy Hoàng văn Thái với 4 khẩu đóng tại Võ Định; Pháo đội C1 của Đại úy Nguyễn Cẩn Ngọc với 6 khẩu đóng tại căn cứ Bravo; Pháo đội D1 của Đại úy Nguyễn văn Hải với 4 khẩu đóng tại căn cứ Yankee. Vừa vào vùng, TĐ1ND đụng ngay với quân chánh qui Cộng Sản BV.
Ngày 20/3/72, TĐ2ND đổ bộ trực thăng xuống thiết lập căn cứ “Charlie”. Phía Đông Bắc là các căn cứ 5 và 6 do TĐ3ND trấn đóng, dãy đồi nhỏ nầy có con đường tiến sát mà thiết giáp địch thường đi từ vùng Tam Biên (biên giới 3 nước Việt-Miên- Lào) về tấn công phi trường Phượng Hoàng và BTL/SĐ22BB đóng ở ngã ba Tân Cảnh. BTL/SĐND chỉ huy tổng quát.
Một hôm, Thành “Râu” đáp trực thăng tới căn cứ Charlie, khi trở về anh đề nghị với Đại tá Lịch nên dời TĐ2ND lên vị trí cao hơn. Lúc đầu TĐ2ND đã dùng một trung đội đóng trên đỉnh làm tiền đồn, còn BCH đóng ở sườn thấp hơn. Sau đó được lệnh dời lên đỉnh để có lợi thế tối đa về phương diện phòng thủ.
Ngày 25/3/72, Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù vừa từ Sàigòn ra, và sau đó, được trực thăng vận vô Charlie thay thế TĐ2ND.
TĐ2ND chuyển về phía Tây Nam bắt tay với TS2ND ở Delta rồi tiến qua eo “Út Bạch Lan” ở phía Nam, thiết lập căn cứ “Delta”. TĐ9ND làm thành phần trừ bị, đóng trong phi trường Phượng Hoàng, Tân Cảnh.
Sau nầy TĐ7ND do Thiếu tá TĐT Trần Đăng Khôi – K16ĐL và Thiếu lá TĐP Nguyễn Lô – K18ĐL, vào thiết lập căn cứ Hotel ở phía Nam Delta.
♣
Tình hình địch
Mặt trận B3 ở vùng Tam Biên chỉ huy trực tiếp các Sư đoàn 2, Sư đoàn 3, Sư đoàn 320, một trung đoàn chiến xa, và nhiều trung đoàn pháo,…chia 3 mũi dùi tiến đánh vùng Tây Nguyên.
Sư đoàn 2 quấy rối trục lộ Võ Định – Kontum – Pleiku, Sư đoàn 3 đánh Bình Định, còn Sư đoàn “Thép” 320 thì trực tiếp đương đầu với các đơn vị Nhảy Dù ở vùng Tân Cảnh, Dakto. Hướng tiến quân được dọn đường bởi một trung đoàn pháo đặt từ rặng Big Mama Mountain sát biên giới
Cộng quân chơi trò chơi máu, mở đầu những ngày hè đỏ lửa, một thứ lửa nhân tạo, lửa gây ra bởi sơn pháo, đại bác 130 ly, hỏa tiển 122 ly,… lửa xào xạc nức nở của thịt da nung chín, lửa có thêm tiếng oằn oại rên xiết của con người, lửa tử khí trùng trùng kín mít trên quê hương Việt Nam đau khổ đọa đày!!!
♣
Hoạt động của LĐ2ND
Tại Charlie, hàng ngày Thiếu tá Tiểu đoàn phó Lê văn Mễ dẫn 2 đại đội đi về hướng Nam lùng địch và bắt tay với TĐ2ND, đang đóng tại Delta. Cộng quân đã kiềng chốt trên một đỉnh đồi (tạm gọi là Delta 1), giữa Charlie và Delta. Chúng lợi dụng địa thế dốc đứng, dễ thủ khó công, đã đào hầm hố kiên cố, ngăn chặn 2 đại đội của Mễ không thể tiến về Nam gặp TĐ2ND được! BTL/Quân đoàn II cũng như BTL/SĐND đã nóng lòng muốn có kết quả tốt đẹp của các đơn vị Dù. Do đó Đại tá Trần Quốc Lịch, LĐT/LĐ2ND, rất ưu tư và ra lệnh yểm trợ tối đa để Mễ dứt điểm Delta 1.
Hồi đó Cố vấn Mỹ Quân đoàn II là John Paul Vann, ông ta là dân sự mà lại đóng vai trò Cố vấn “Khó hiểu” bên cạnh Tướng Ngô Dzu. Có một lần Vann cùng Tướng Dzu đi thị sát mặt trận và ghé đến BCH/LĐ2ND. Thái độ và cung cách lúc đó thật mất lịch sự: Vann mặc thường phục, ngậm điếu xi-gà và còn gác chân lên ghế coi mọi người xung quanh như pha.
Trung tướng Ngô Dzu, với gương mặt nhu mì, là một tướng hiền. Tháng 8/1970, Thiếu tướng Dzu, quyền Tư lệnh Quân đoàn IV (sau khi Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh tử trận) đã được Tổng thống Nguyễn văn Thiệu bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II và Quân khu II. Theo nhận xét của các giới chức Hoa Kỳ thì ông là một tướng lãnh thông minh, giỏi về tham mưu, hăng say phục vụ cho quân đội và đất nước. Tuy nhiên, ông không can đảm và cương quyết bằng Đại tướng Đỗ Cao Trí hay Trung tướng Dư Quốc Đống. Ông thông hiểu rành rẽ về chỉ huy tham mưu nhưng đã phải chịu đựng những tác phong hách dịch của anh Cố vấn hắc ám nầy.
Vann đã gây khó khăn cho tướng Ngô Dzu về nhiều lãnh vực trong cương vị Tư lệnh Quân đoàn (Charlie thất thủ cũng do chính Vann đã cản trở không cho B52). Tướng Dzu chỉ biết ngậm đắng nuốt cay vì thế yếu của một dân tộc nhược tiểu, của một quân đội phụ thuộc vào sự yểm trợ hỏa lực chiến lược.
Mỗi lần phi cơ của J. Paul Vann bay vào vùng hành quân, Cộng quân ngưng pháo kích và phòng không im tiếng (có thể nội tuyến địch đã cài vào BTL/QĐII). Do đó Vann đã nghi ngờ những báo cáo hành quân của các đơn vị tại vùng Tân Cảnh.
J. P.Vann sau nầy bị tử thương do tai nạn phi cơ. Cuộc đời hoạt động của Vann có một cuốn sách đã xuất bản tại Mỹ, mà người dịch dùng toàn từ ngữ của Việt Cộng.
J. P. Vann, Trung tá bộ binh, làm Cố vấn cho SĐ7BB từ năm 63-65. Sau đó do lời báo cáo của đại úy James Scanlon khiến Vann bị cho về hưu non với lòng đầy thù hận. “Những người Cố vấn như ông J.P.Vann sẽ không bao giờ tạo được lợi ích gì, mà ông còn gây thêm nhiều khó khăn cho cuộc chiến” (2). Về Hoa Kỳ, Vann xin giải ngũ để tiếp tục đại học. Đến năm 1966, Vann trở lại Việt Nam làm Cố vấn dân sự cho chương trình Bình Định và Phát Triển. Vann rất hiếu thắng, kiêu căng, tự phụ, và thích làm anh hùng cá nhân.
Vann định xen vào quyền chỉ huy nên đề nghị tướng Dzu thay đổi hai vị Tư lệnh Sư đoàn 22 và 23 là hai Thiếu tướng Triển và Cảnh. Hai vị Tướng nầy đã lập nhiều chiến công ở các vùng trách nhiệm. Sư đoàn 22 BB chịu trách nhiệm 5 tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn, Pleiku, và Kontum. Sư đoàn 23 BB coi 7 tỉnh: Ban Mê Thuộc, Tuyên Đức, Quảng Đức, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận, và Bình Thuận.
Hai tướng Triển và Cảnh biết Vann đang áp lực cúp các phi vụ yểm trợ chiến lược B52 (trước đây Vann đã từng buộc tướng Huỳnh văn Cao ở SĐ7BB phải nghe lời Vann, tướng Cao không chịu nên bị cúp hết các phi vụ trực thăng và khu trục, tướng Cao cuối cùng phải nhượng bộ) và tình hình lúc bây giờ áp lực địch quá mạnh, nên họ nói với tướng Dzu rằng:
– Vì Đất Nước và Quân Đội, chúng tôi sẵn lòng làm đơn lên Tổng Thống xin từ chức bởi lý do sức khỏe!
Vann đề nghị hai Đại tá Lý Tòng Bá và Đại tá Lê Minh Đảo ở Quân đoàn III, Tướng Dzu nói:
– Quân đoàn II có nhiều Đại tá trẻ và giỏi như Đại tá Lê Đức Đạt, Tôn thất Hùng,..sao anh không chọn?
Tình hình càng ngày càng khẩn trương, Tướng Dzu đành phải thỏa mãn gấp cho Vann, nhưng chỉ 50% vì ông cũng muốn giữ thể diện tối thiểu của cấp chỉ huy, chẳng lẽ lại phải cúi đầu nghe theo hắn hết. Ông đã đề nghị Đại tá Lý Tòng Bá làm TL SĐ23BB và Đại tá Lê Đức Đạt (TLP SĐ22BB) lên thay Tư lệnh SĐ22BB. Tướng Dzu tâm sự với sĩ quan tham mưu:
–“Chỉ huy” của ông là một người Mỹ rất hăng say, nhưng không thông cảm cho hoàn cảnh và tình cảm của người Việt Nam! (3)
Theo tin tình báo thì Hà Nội đã cho lệnh tướng Hoàng Minh Thảo, Tư lệnh Mặt trận B3, tấn công vào tháng 4/72, để phối hợp ăn nhịp với Mặt trận Quảng Trị (QĐ1), và An Lộc (QĐIII). Nhưng giờ chót Hoàng Minh Thảo đã cho Sư đoàn 2 CSBV đương đầu và cầm chân SĐ22BB ở Tân Cảnh, còn Sư đoàn 320 CSBV sẽ tiến đánh Kontum.
Vì thế Tướng Dzu đã ra lệnh LĐ2ND chiếm đóng ở Charlie và Delta,…để ngăn chận Sư đoàn 320 CSBV. Sau khi phối trí các đơn vị Dù trực thuộc vào những điểm trọng yếu để bảo vệ vùng Tân Cảnh, và phía Bắc thị trấn Kontum, BCH/LĐ2ND cho lệnh các đơn vị bung ra lục soát, tìm và diệt địch. Quan niệm Nhảy Dù là luôn luôn áp dụng thế công; đi đến đâu cũng tìm và đánh vào ngay căn cứ địa của địch.
Tài liệu tham khảo:
(2) Lý Tòng Bá – Hồi ký 25 Năm Khói Lửa, trang 125
(3) Trịnh Tiếu – KBC, Tú Quỳnh
No comments:
Post a Comment