Đại Tá Trần Khắc Kính
- Sinh tháng 7 năm 1929 tại Nam Định
- Nhập ngũ ngày 19-10-1951
- Xuất thân trường sĩ quan Nam Định Khóa 1
- Cựu Chỉ Huy Trưởng Sở Bắc
Saigon Nhỏ ngày 16.9.2005
Hôm 29.8.2005, Đại Tá Trần Khắc Kính, người nắm nhiều bí mật lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa, đã ra đi. Ông sinh ngày 4.7.1929 tại làng Ngọc Cục, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Ông tốt nghiệp Trường Sĩ Quan Nam Định năm 1951 cùng với các tướng Nguyễn Bảo Trị, Lê Nguyên Khang, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Nguyễn Duy Hinh, Nguyễn Đức Thắng, Vũ Đức Nhuận, Phan Phụng Tiên, v.v.
Ông đến Mỹ sau khi ở tù 13 năm. Với sự khuyến khích của chúng tôi, ông đã ghi lại khá nhiều biến cố mà ông là nhân chứng. Khi những bài ông viết được đăng trên Saigon Nhỏ và nhật báo Người Việt, nhiều ngươi đã sửng sốt về sự hiểu biết và trí nhớ của ông. Những bài của ông dưới bút hiệu Tiên Châu hay Kim Thạch như “Lật một trang sử cũ”, “Những trận đánh trước khi rời miền Bắc”, “Gánh vàng đi đổ sông Ngô”, “Nhân đọc cuốn: Những Huyền Thoại & Sự Thật về Chế Độ Ngô Đình Diệm’ của Vỉnh Phúc”, “Vị lãnh-tụ cô-đơn”, “Hoa dù nở rợp trời xanh”, “Hành quân Lam Sơn 1 vào Mật khu Đỗ Xá”, “Ngày 30 tháng Tư đen”, “Truyện kể cuối tháng Tư”, “Vỗ ngực hay tản mạn về cuốn ‘Trả lại ta sông núi’ của cựu Đại Tá Phạm Văn Liểu... đã làm đảo ngược nhiều sự kiện bịa đặt được ghi lại trong một số hồi ký như “Việt Nam máu lửa quê hương tôi” của Đỗ Mậu, “Việt Nam Nhân Chứng” của Trần Văn Đôn, “Viêt Nam một thời tâm sự” của Nguyễn Chánh Thi, “20 năm binh nghiệp” của Tôn Thất Đính, “Trả lại ta sông núi” của Phạm Văn Liểu, v.v.
CHUYỆN NGƯỜI RA ĐI
Kinh Koran của Hồi Giáo có viết: “Sự thật xuất hiện và sự dối trá tiêu tan như một làn khói nhẹ.”, nhưng H.G. Bohn nói: “Sự thật và hoa hồng đều có gai”, nên ông đã gặp khá nhiều khó khăn lúc ban đầu. Những người có trách nhiệm lịch sử, những người viết phịa sử, các thân nhân và các đàn em của họ đều không muốn những sự thật lịch sử được đưa ra ánh sáng. Còn đám công an khu vực và dân quân xã ấp đã phản ứng rất điên cuồng. Rập theo phương thức của Cộng Sản mà họ đã học được khi còn ở trong nước, họ gọi điện thoại cho các báo ra lệnh không được đăng những bài của Đại Tá Trần Khắc Kính, gọi điện thoại đe dọa các cơ sở thương mại của thân nhân ông, đe dọa nếu Đại Tá Kính còn tiếp tục viết, họ sẽ “có biện pháp”... Họ cứ tưởng như họ là cán bộ của Bộ Công An và Bộ Thông Tin Văn Hóa của Hà Nội đang lãnh đạo CHXHCNVN tại hải ngoại! Nhưng đây là nước Mỹ chứ không phải CHXHCNVN, nên chẳng ai ngán những mệnh lệnh đó cả. Ông vẫn tiếp tục viết và Saigon Nhỏ vẫn tiếp tục đăng, nên họ đành phải chịu thua.
Quả thật, ông đã giúp chúng tôi và những người viết sử rất nhiều trong việc biết rõ hơn nhiều sự kiện lịch sử đã xẩy ra dưới thời Việt Nam Công Hòa và hiệu đính lại những tường thuật sai lầm, nhất là vụ đảo chánh ngày 11.11.1960.
Biết tôi đang cố gắng ghi lại các biến cố lịch sữ cận đại, nên mỗi khi gặp được nhân chứng nào, ông thường dẫn họ đến nhà giới thiệu với tôi để tôi có thể phỏng vấn những điều họ đã chứng kiến. Cứ mỗi tuần hay hai tuần, vào sáng thứ bảy, ông thường đến dẫn tôi đi ăn Phở 79, có khi đem thêm một nhân chứng, để tôi có thể tìm hiểu thêm những vấn đề mà tôi muốn biết.
Tôi vẫn thường khuyến khích ông viết thêm những điều ông còn nhớ. Tôi đã cài chương trình tiếng Việt vào computer của ông và chỉ dẫn ông xử dụng computer để ông có thể viết bằng computer thay vì viết tay như lúc đầu. Nhưng kể từ ngày ông bị mổ gan đến nay, ông cảm thấy mệt mỏi, ông thích kể chuyện cho tôi nghe hơn là ngồi viết. Trong vòng 3 tháng trở lại đây, ông không còn lái xe được. Tôi gọi điện thoại thăm ông, ông cho biết tuần nào ông cũng phải đi chữa bệnh và lúc này yếu lắm. Tôi hỏi ông có cần đi chơi đâu, tôi chở ông đi. Ông nói lúc này các cháu đang nghĩ hè, muốn đi đâu, chúng nó sẽ chở đi.
Bỗng nhiên sáng 23.8.2005 vừa qua, con ông gọi điện thoại cho tôi và nói ông muốn gặp tôi. Tôi gọi điện thoại lại nói chuyện với ông, ông cho biết ông gọi hoài cho tôi mà không được, ông muốn gặp tôi chiều nay. Tôi đến thăm ông lúc 4 giờ chiều. Ông nói với tôi rằng các bác sĩ đã cho ông biết bệnh của ông không còn chữa được nữa, các bộ phận trong cơ thể ông sắp ngưng hoạt động, chỉ trong một vài ngày hay vài tuần nữa thôi, nên ông có một số vấn đề cần nói với tôi. Những điều ông muốn nói, ông đã ghi sẵn trên miếng giấy, nhưng ông cho biết ông chỉ tiếp tôi khoảng nửa tiếng thôi, vì ông mệt lắm. Ông ngồi trên giường để nói chuyện, lưng tựa vào một cái gối cao. Tuy thân xác yếu mệt, nhưng đầu óc còn rất minh mẫn và tiếng nói vẫn sang sảng. Ông chỉ có hơi lảng tai, nên phải mang máy trợ thính. Ông dự trù chỉ tiếp tôi nửa tiếng, nhưng ông đã nói chuyện hơn một tiếng.
Câu chuyện đầu tiên mà ông muốn nói với tôi là cuốn “Secret Army, Secret War” của Sedgwick Tourison viết về biệt kích Mỹ và VNCH nhảy ra miền Bắc. Ông cho biết trong đó có nhiều chuyện Tourison viết không đúng, như vụ toán Ares, vụ đưa cán bộ Đại Việt ra hoạt động tại miền Bắc, v.v. Ông định viết bài cải chính từ lâu, nhưng mệt quá, không viết nổi, nay ông nói với tôi được chừng nào hay chừng đó, để tôi tiếp tục viết.
Khi thấy ông bắt đầu mệt, tôi xin phép về và hứa sẽ đến gặp ông trong những ngày khác. Nhưng hôm 25.8.2005, tức hai ngày sau, ông lại gọi cho tôi và nói ông muốn chính ông ghi lại những điều ông muốn nói, vì sợ tôi không thể ghi hết được. Ông đã xin đứa cháu được một cái Laptop và muốn tôi cài chương trình tiếng Việt vào cho ông. Ông nói trước đây có nhiều chuyện chưa tiện nói ra, nay ông sẽ nói hết.
Lúc ba giờ chiều, tôi đem chương trình tiếng Việt đến gài vào Laptop cho ông nhưng không tin ông xử dụng được. Tôi hỏi ông tại sao không xử dụng computer đang để trên bàn vì dễ xử dụng hơn, nhưng ông nói ngồi trên ghế mau mệt lắm, nằm trên giường khỏe hơn. Con cháu đều không tin ông có thể làm được gì nữa, nhưng biết ông sắp ra đi nên ông muốn thứ gì cho thứ đó. Tôi ra về và dặn ông nếu cần gì cứ gọi tôi. Ông nói nếu có trục trặc khi xử dụng máy, ông sẽ điện thoại hỏi tôi.
Mấy ngày sau không nghe ông gọi nữa. Chiều Chúa Nhật 4.9.2005, tôi mới được báo tin ông đã ra đi lúc 2:18 AM ngày 29.8.2005 rồi, nhưng trong gia đình chưa sắp xếp xong tang lể nên chưa công bố. Tôi im lặng một phút cầu nguyện cho ông.
TOURISON VIẾT KHÔNG ĐÚNG
Trong cuốn “Secret Army, Secret War” Sedgwick Tourison cho biết Lucien Conein đã móc nối với những nhóm Việt Nam Quốc Dân Đảng qua Vong A Sáng, một lãnh tụ các lực lượng của người Nùng ở miền Bắc trước đây, nhưng mạng lưới của Vong A Sáng không còn nữa. Sau khi liên lạc với các nhóm Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt, CIA đã yêu cầu Tổng Thống Ngô Đình Diệm gởi một số cán bộ Đại Việt ra miền Bắc để đánh giá xem những gì còn hoạt động ngoài đó. Hai người phụ trách về biệt kích tại miền Bắc lúc đó là Đại Tá Lê Quang Tung và Đại Úy Ngô Thế Linh đã sẵn sàng để gởi những điệp viên của họ cùng đi với các cán bộ Đại Việt. Tourison nói rằng ông ta biết sau đó một người phụ trách về điện đài đã được Đại Úy Linh sắp xếp để đi với toán Đại Việt, nhưng chuyện đó chẳng bao giờ xẩy ra... (tr. 56).
Đại Tá Trần Khắc Kính nói với tôi rằng Tourison không biết gì về những bí ẩn của vụ này nên đã nói như vậy. Thật sự, Sở Nghiên Cứu Chính Trị của ông Trần Kim Tuyến đã huấn luyện 3 cán bộ Đại Việt để gởi ra Bắc làm chuyện này. Ít lâu sau, họ trở về làm báo cáo nói về tình hình miền Bắc, nhưng ông Nhu đọc và không tin đó là chuyện thật. Ông bảo ông Tuyến mở cuộc điều tra. Ông Tuyếnø phát hiện 3 người này không hề đi ra Bắc và báo cáo của họ là báo cáo láo.
Tôi đã nghe ông kể câu chuyện này từ năm 1995, khi Tourison mới phát hành cuốn “Secret Army, Secret War”, nay ông kể lại với nhiều chi tiết hơn. Lúc đó tôi đã đem câu chuyện này nói với ông Cao Xuân Vĩ. Ông Vĩ đã cho tôi biết thêm một số chi tiết khác.
Sau khi có sự khuyến cáo của CIA, ông Ngô Đình Nhu đã mời Bác sĩ Đặng Văn Sung, một lãnh tụ của Đại Việt, đến bàn chuyện, vì trước năm 1954, Bác sĩ Sung đã được Pháp giao cho liên lạc với các thành viên của VNQDĐ và Đại Việt đang tham gia tổ chức kháng chiến của Việt Minh trong chiến khu để lấy tin tức. Ông Vĩ cho biết Bác sĩ Sung đã giới thiệu 4 cán bộ Đại Việt, nhưng sau đó một người từ chối không đi nên còn lại 3 người. Ông Nguyễn Văn An, một cán bộ công đoàn thuộc Tổng Liên Đoàn Lao Động của ông Bùi Văn Lượng, được giao cho hướng dẫn và chỉ đạo 3 cán bộ này xâm nhập ra miền Bắc hoạt động. Khi thi hành công tác này, ông An được mang lon hàm Đại Úy. Vì lúc đó Sở Nghiên Cứu Chính Trị của ông Tuyến chưa có ngân sách, nên ông Tuyến phải xin cơ quan CIA đài thọ các chi phí cho công tác đó. Sau khi được huấn luyện, cấp giấy tờ miền Bắc và tiền bạc, ba cán bộ Đại Việt đã ra đi, theo sự sắp xếp, chỉ đạo và theo dõi của ông Nguyễn Văn An.
Theo ông Cao Xuân Vĩ, khoảng gần một năm sau, ông An viết báo cáo cho biết ba cán bộ Đại Việt đi miền Bắc đã trở lại và phúc trình về tình hình miền Bắc. Ông Tuyến đã trình bản phúc trình đó cho ông Ngô Đình Nhu xem. Sau khi đọc, ông Nhu nhận xét rằng đây là một bản phúc trình giả vì diễn tả không đúng với tình hình miền Bắc mà ông đã theo dõi. Ông ra lệnh cho ông Tuyến mở cuộc điều tra. Ông Tuyến phát hiện ra ba người này không hề đi ra Bắc, họ chỉ đi lẩn trốn một thời gian rồi ra làm báo cáo láo. Ông Nhu cho rằng nếu CIA biết được chuyện này, họ sẽ không còn tin vào cơ quan tình báo của VNCH nữa. Do đó, ông ra lệnh đưa ba người này đi giấu. Ông Tuyến liền gởi cả ba người lên cho ông Cao Xuân Vĩ đang thiết lập Bảo An Đoàn ở Đằ Lạt. Ông Vĩ liền gởi cả ba người vào một đồn Bảo An của người Thượng và không cho tiếp xúc với bất cứ ai. Khi biết được chuyện này, Bác sĩ Đặng Văn Sung đã xin vào gặp ông Nhu để giải thích, nhưng ông Nhu không tiếp.
Nghe xong câu chuyện Đại Tá Trần Khắc Kính và ông Cao Xuân Vĩ kể, tôi liền xuống Santa Ana gặp Bác sĩ Đặng Văn Sung. Ông với tôi vốn quen biết nhau trước 1975, nên nói chuyện không có gì khó khăn. Bác sĩ Sung nói với tôi rằng lúc còn ở miền Bắc, Phòng 2 của Pháp chỉ giao cho ông liên lạc với các cán bộ VNQDĐ và Đại Việt còn hoạt động trong hàng ngũ Việt Minh ở chiến khu để lấy tin tức mà thôi. Khi Việt Minh thanh lọc hàng ngũ, loại các thành phần trí thức tham gia kháng chiến ra khỏi các đơn vị quân sự và hành chánh của họ, ông gặp khá nhiều khó khăn. Việc tổ chức mạng lưới tình báo ở miền Bắc, Phòng 6 của Pháp đảm trách, ông không hề hay biết gì về chuyện này. Khi rút khỏi miền Bắc năm 1954, Pháp không hề bàn giao mạng lưới tình báo này lại cho VNCH hay cho ông, nên ông không có cơ sở nào tại miền Bắc. Ông muốn gặp ông Nhu và trình bày cho ông rõ chuyện đó để ông dừng nghi ngờ Đại Việt không muốn hợp tác. Nhưng rất tiếc, ông Nhu đã không tiếp.
Những chuyện Đại Tá Trần Khắc Kính nói về cuốn “Secret Army, Secret War” của Sedgwick Tourison còn nhiều, khi nào có dịp, chúng tôi sẽ kể tiếp.
CHUYỆN QUÂN ỦY ĐẢNG CẦN LAO
Đọc hồi ký của Đỗ Mậu và Tướng Tôn Thất Đính nói về Quân Ủy Đảng Cần Lao, Đại Tá Trần Khắc Kính rất giận. Ông nói họ chính là người trong cuộc mà nay viết đổi trắng thành đen như thế, còn gì là lịch sử nữa!
Chúng tôi phát hiện ra một tài liệu của Mỹ cho biết năm 1955 chính phủ Eisenhower muốn Tổng Tống Ngô Đình Diện thành lập một đảng chính trị gióng Trung Hoa Quốc Dân Đảng để bảo đảm một chính quyền mạnh, có thể chống lại Cộng Sản. Ông Nhu đã làm theo lời khuyến cáo này. Bắt chước phương thức của Trung Hoa Quốc Dân Đảng (sau này là Đông Dương Cộng Sản Đảng cũng bắt chước), ông Nhu cho thành lập Quân Ủy Đảng Cần Lao và cài đảng viên vào làm Chính Ủy trong các đơn vị quân đội, từ cấp trung đoàn trở lên để nắm quân đội.
Trong bài “Nhân đọc cuốn: Những Huyền Thoại & Sự Thật về Chế Độ Ngô Đình Diệm’ của Vỉnh Phúc”, Đại Tá Trần Khắc Kính cho biết:
Vào giửa tháng 12 năm 1955, Đại Hội Quân Ủy Đảng Cần Lao đã được tổ chức tại Bộ Chỉ Huy Phân Khu Duyên Hải ở Nha Trang. Ông Ngô Đình Cẩn đã trao cho Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Tư Lệnh Quân Khu II đứng ra tổ chức. Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm là người có công lớn với chế độ trong việc dẹp tan nhóm Đại Việt ly khai ở Quảng Trị năm 1955 nên được ông Cẩn tính nhiệm.
Tướng Nghiêm và một số sĩ quan cao cấp khác như Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu, Tôn Thất Xứng, Nguyễn Vinh, Phùng Ngọc Trưng... đã gia nhập Đảng Cần Lao từ năm 1955. Tướng Nghiêm có bí danh là Minh Sơn. Nhữmg người này đã được tuyên thệ tại nhà ông Ngô Đình Cẩn ở Phủ Cam, Huế. Lời tuyên thệ lúc đó như sau: “Trung thành với Tổ Quốc, trung thành với lãnh tụ Ngô Đình Diệm, và trung thành với Đảng Cần Lao Nhân Vị.”
Không biết vì bận công việc gì, Tướng Nghiêm đã giao cho Trung Tá Đỗ Mậu, Tư Lệnh Phân Khu Duyên Hải, tổ chức Đại Hội Quân Ủy Đảng Cần Lao với những hướng dẫn chu đáo.
Tham dự đại hội này có các đảng viên cao cấp trong quân đội như Tướng Tôn Thất Đính (bí danh là Vân Anh), Đại tá Tôn Thất Xứng (Linh Giang), các Trung Tá Đỗ Mậu (Hoàng Linh), Vũ Hùng Phi, Nguyễn Khương, Hoàng Lạc..., các Thiếu Tá Phùng Ngọc Trưng, Nguyễn Ngọc Khôi, Lê Văn Sâm..., các Đại úy Nguyễn Văn Châu (Duy Tiến), Lê Quang Tung (Việt Tồn), Phạm Thu Đường (Trường Minh), Ngô Văn Hùng, Phạm Văn Sơn, Trần Cẩm (Ánh Dương), Nguyễn Khương (Ái Chủng), Trần Khắc Kính (Vân An) ... Tuy nhiên, người ta không thấy Tướng Nghiêm đến tham dự đại hội.
Đại Hội quyết định đặt tên Quân Ủy là Quân Ủy Lê Lợi và bầu Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm làm Bí Thư Quân Ủy, mặc dầu ông không có mặt trong đại hội. Đại Tá Tôn Thất Xứng được bầu làm Phó Bí Thư.
Các đảng viên đã lần lượt đến trước bàn thờ Tổ Quốc lấy kim trích máu đầu ngón tay vào một ly rượu và tuyên thệ trước sự chứng kiến của ông Ngô Đình Nhu và Bác sĩ Bùi Kiện Tín, đại diện Trung Ương.
Câu chuyện rõ ràng như thế mà cả Đỗ Mậu lẫn Tôn Thất Đính đều nói họ phản đối việc thành lập Quân Ủy Đảng Cần Lao!
Sau khi vụ đảo chánh ngày 11.11.1960 bị dẹp tan, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cử ông mở cuộc điều tra. Nhờ vậy, ông nắm rất vững hồ sơ của vụ này. Do đó, khi đọc hồi ký của Vương Văn Đông và Nguyễn Chánh Thi mô tả lại cuộc đảo chánh đó, ông bực mình lắm. Ông viết một loạt bài nói lên những sự thật, nhóm này mới im lặng.
NHỮNG CHIẾN CÔNG ĐÁNG GHI NHỚ
Trong cuộc đời binh nghiệp của Đại Tá Trần Khắc Kính, có lẽ các cuộc “Hành Quân Lôi Vũ” do ông chỉ huy là đáng ghi nhớ nhất. Đây là các cuộc hành quân đã được ông mô tả rất tỷ mỉ từng trận đánh một. Chúng tôi xin tóm lược như sau:
Giữa năm 1961, một hội nghị Việt - Lào đã được tổ chức tại Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I ở Huế để bàn về phương thức phối hợp các hoạt động quân sự tại vùng biên giới Việt – Lào, nơi đang bị quân đội Bắc Việt khống chế.
Sau cuộc họp này, Thiếu Tá Trần Khắc Kính, Phó Giám Đốc Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống, được giao trách nhiệm mở các cuộc hành quân trên đất Lào để ngăn chận Cộng quân xâm nhập vào miền Nam Việt Nam. Các cuộc hành quân này được lấy tên là “Hành Quân Lôi Vũ”.
Các toán nhảy dù xuống đất Lào đều được luyện tập rất kỹ càng. Sau khi các cuộc huấn luyện hoàn tất, Bộ Chỉ Huy Hành Quân Lôi Vũ được dời từ War Room ở Sài Gòn lên Kontum và đặt ở hậu cứ của Trung Đoàn 42 thuộc Sư Đoàn 22. Thiếu Tá Trần Khắc Kính bay qua Attopeu thăm dò tình hình. Trung Tá Khâm Không, Tiểu Khu Trưởng Attopeu cho biết tiểu khu chỉ có thể kiểm soát từ Mường May, thủ phủ của Attopeu, đến Mường Cao nằm ở hữu ngạn sông Sé Kong, cách Mường May khỏng 10 cây số về phía đông mà thôi. Bên khia sông Sé Kong là “vùng tự do”, Pathet Lào thường hoạt động ở đây, nơi đó có con đường mòn nối Bản Phya Ya tới Bản Tà Xẻng.
Cuộc Hành Quân Lôi Vũ đầu tiên trên đất Lào được thực hiện vào tháng 8 năm 1961 do hai Toán 7 và 8 thực hiện. Tiếp theo, Toán 1 được thả xuống phía tả ngạn sông Sé Kong, gần ranh giới giữa hai tỉnh Saravane và Attopeu, ở phía đông Cao Nguyên Boloven. Ngày hôm sau, các toán 2, 3 và 6 được tiếp tục thả xuống. Các toán phân ra từng khu vực để lục lọi, mỗi toán cách nhau vài cây số. Toán 4 do Trung Úy Cao Ngọc Huân chỉ huy được thả xuống sau cùng.
Các toán 1, 2, 3 và 6 hoạt động trong vùng Phy Ya, đến đầu tháng 10 được lệnh triệt thoái theo đường bộ, khi đến chân núi thì được trực thăng H.34 đến bốc về.
Giữa tháng 10, hai Toán 5 và 10 được thả xuống nam Bản Dông, gần Mường Nông, một quận đang do nhóm Khong Le kiểm soát. Vùng này có con đường mòn nối từ Bản Đông đến Mường Nông rồi vào tỉnh Savarane. Đây là đường Cộng quân đang dùng để chuyển quân, võ khí và các vật dụng xuống nam Lào. Chiến thuật của Bộ Chỉ Huy Lôi Vũ là mở các cưộc hành quân quấy phá liên tục trong vùng Nam Lào để Đoàn 559 của Cộng quân không thể hình thành con đường Tây Trường Sơn và không thể chuyển quân và hàng ồ ạt vào Nam.
Khi mọi việc đang tiến hành tốt đẹp và đem lại những kết quả đáng khích lệ, bổng nhiên Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống ra lệnh ngưng hành quân và rút lui. Ông rất ngạc nhiên về lệnh này và tỏ ra rất bất mãn. Cho đến khi tới Mỹ rồi, ông vẫn còn lầu bầu về chuyện rút quân này và cho rằng Đại Tá Lê Quang Tung đã có quyết định sai lầm.
Sau này, khi nghiên cứu lại lịch sử, tôi cho ông biết: Chính phủ Kennedy khi nắm chính quyền đã quan niệm rằng phải thực hiện một quốc gia Lào trung lập thật sự, tất cả lực lượng ngoại quốc phải rút ra khỏi Lào và cấm xử dụng lãnh thổ Lào vào các mục tiêu quân sự. Một chính phủ trung lập do Souvanna Phouma lãnh đạo sẽ cai trị toàn lãnh thổ Lào, kể cả các vùng do Phathet Lào kiểm soát. Công việc này đã được giao cho Averell W. Harriman thực hiện.
Nhưng ông Ngô Đình Nhu tin rằng sau khi trung lập hóa Lào, tình hình sẽ xấu hơn. Quân Bắc Việt sẽ dùng lãnh thổ Lào để xâm nhập vào miền Nam Việt Nam tự do hơn. Averell W. Harriman không tin như vậy. Ông tin rằng việc trung lập hóa Lào sẽ buộc quân Bắc Việt rút ra khỏi lãnh thổ Lào và không thể dùng lãnh thổ Lào để xâm nhập vào miền Nam Việt Nam nữa. Harriman nói với Tổng Thống Ngô Đình Diệm rằng nếu không ký vào hiệp ước trung lập Lào và rút quân về, Mỹ sẽ cắt hết viện trợ. Ông Diệm không còn cách nào khác là tuân theo, vì các cuộc hành quân Lôi Vũ đều do Mỹ đài thọ và yểm trợ.
Ngày 23.7.1962, Hiệp Ước Hòa Bình tại Lào đã được ký kết. Ngày 20.8.1962 là hạn chót quân đội ngoại nhập phải rút khỏi Lào, nên Sở Liên Lạc Phủ Tổng Thống phải ra lệnh chấm dứt cuộc hành quân Lôi Vũ. Tuy nhiên, sau đó quân đội Bắc Việt chẳng những không rút mà còn gia tăng thêm. Mỹ phải can thiệp vào Lào trở lại.
Nghe tôi trình bày, Đại Tá Kính nhìn nhận tôi nói có lý nhưng lại bất mãn với quyết định sai lầm của Hoa Kỳ.
CHUYỆN NHỮNG TẤM HUY CHƯƠNG
Chiến công đáng ghi nhớ thứ hai của Đại Tá Trần Khắc Kính là cuộc Hành Quân Lam Sơn 1 vào Mật Khu Đổ Xá của Việt Cộng ở Quảng Ngãi.
Đại Tá Lê Câu, chỉ huy Quân Báo miền Nam của Hà Nội, bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt của Dương Văn Hiếu bắt được. Sau khi khai thác, Đoàn biết được bộ chỉ huy Liên Khu 5 của Cộng Quân đang đóng tại Mật Khu Đổ Xá ở Quảng Ngãi. Đây là một cứ điểm được phòng thủ rất kiên cố. Tổng Thống Ngô Đình Diệm liền ra lệnh cho Tướng Trần Văn Đôn tổ chức hành quân phá tan mật khu này. Nhưng theo Đại Tá Kính, những gì Tướng Trần Văn Đôn đã khoe khoang trong hồi ký của ông không hoàn toàn đúng với sự thật. Đại Tá Trần Khắc cho biết như sau:
“Mùa thu năm 1962, mưa lũ ở biên giới, tôi rút đa số các Toán về Trại Hòa Cầm để tái trang bị! Trung Tướng Đôn nhờ tôi thực hiện một cuộc thâm nhập vào Mật Khu Đổ Xá (vùng căn cứ, Bộ Chỉ huy đầu não của Liên Khu 5 Việt Cộng), lúc này đang do tên Tướng Việt Cộng Nguyễn Đôn làm Tư Lệnh. Các Toán đã đột nhập Mật Khu gây tổn thất nghiêm trọng cho Địch.
“Vài tuần sau, cuộc Hành Quân Lam Sơn 2 được thực hiện, để tấn công vào Mật khu Nà Nêu của Tiểu Đoàn 90 Việt Cộng, nằm về phía Tây Quảng Ngãi, giáp ranh với Kontum. Trong lần hành quân này, Bộ Tư lệnh Quân Đoàn 1 đã cho Tiểu Đoàn 10 Đặc Biệt/ BĐQ đi theo các Toán Lôi Vũ.
Cuộc đổ bộ được thực hiện bằng các Phi Đoàn trực thăng H.34 của Không Quân Việt Nam và một Đại Đội trực thăng H.21 của Mỹ (vừa được đưa từ Hoa Kỳ sang Đà Nẵng). Bữa đó các H.21 (chậm chạp lại có sức kéo quá yếu ở vùng núi), bị Phòng không và SKZ 57 của địch, từ triền núi bắn lên hạ được 3 chiếc. Tiểu Đoàn 10 BĐQ bị thương vong nhiều, trong đó có 2 Đại Đội Trưởng. Hành Quân Lôi Vũ mất 3 người: Thượng sỹ Nguyễn chí Thảo, Trung sỹ Voòng Hếnh Phùi và Hạ sỹ Y-Bring, trong chiếc H.21 bị bắn rớt. Nhưng vài ngày sau, Thượng sỹ Thảo đã băng rừng, về được đồn Trà Bồng và Y Bring cũng trốn thoát được về đồn Gi-Lăng (ở phía Tây Quảng Ngãi). Tức là Hành Quân Lôi Vũ chỉ mất độc nhất có một mình Trung sỹ Voòng Hếnh Phùi mà thôi, trong khi đó thì thiệt hại của địch thật là nặng nề.”
Đại Tá Kính cho biết ông được Tướng Đôn giaó cho lập kế hoạch Hành Quân Lam Sơn 1. Vì đây là một mật khu được phòng thủ kiên cố với hỏa lực rất mạnh, nên rất khó xâm nhập được. Ông nghĩ ra một cách là cho làm một đại đội nhảy dù bằng hình nộm đưa lên máy bay. Sau khi cho pháo binh dập và không quân oanh tạc ở phía bắc mật khu, ông cho thả đại đội hình nộm này xuống. Cộng quân tưởng ta đang mở cuộc tấn công vào hướng này nên tập trung quân và hỏa hực vào đó. Ông liền cho các Toán Lôi Vũ tiến vào các hướng khác và phá tan Mật Khu Đổ Xá.
Sau cuộc hành quân này, ba tướng Nguyễn Khánh, Trần Văn Đôn và Tôn Thất Đính đã đề cao ông quá mức với Tổng Thống Diệm. Đại Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng, đã ra Quảng Ngãi chủ tọa lễ gắn huy chương. Quân Đoàn 1 đã cấp cho các đơn vị Lôi Vũ 50 huy chương Bạc và Đồng. Độc nhất chỉ có một huy chương sao vàng dành cho ông.
Không Quân đã xử dụng toàn bộ 26 khu trục và phóng pháo hiện có để oanh kích vào Mật khu Đỗ Xá yểm trợ cho các lực lượng tham chiến. Do đó, Thiếu Tá Trần văn Minh được ân thưởng sao Bạc và Đại Úy Nguyễn Ngọc Loan được sao Đồng.
Sau cuộc Hành Quân Lam Sơn 2, Tướng Đôn lại cấp thêm cho Hành Quân Lôi Vũ 50 huy chương nữa. Ông dự định mang chia cho các toán đã từng lập công trước đây ở bên lãnh thổ Lào. Bổng nhiên ông nhận được công điện yêu cầu chuyển tất cả về Trung Ương phân phối cho toàn thể Lực Lượng Đặc Biệt. Thấy thế, ông trả lui tất cả 50 huy chương lại cho Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 1 mà không cho biết lý do. Ông cho rằng các đơn vị khác không có công trạng gì trong vụ này để lãnh nhận huy chương.
Giữa năm 1963, ông được chuyển xuống Vùng 4 để thành lập và chỉ huy Bộ Chỉ Huy Lực Lượng Đặc Biệt. Đại Tá Lê Quang Trung muốn đưa ông về lại Sài Gòn, nhưng ông không muốn.
CHỈ TẶC LƯỠI BẢO “ĐỜI CHÓ MÁ”
Những ngày sau cuộc đảo chánh 1.11.1963 thật là kinh hoàng. Tướng Dương Văn Minh đã trao cho Tướng Mai Hữu Xuân, một tên mật thám Pháp cũ, làm Đô Trưởng Sài Gòn, kiêm Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia và kiêm Đặc Ủy Trưởng Trung Ương Tình Báo. Với các chức vụ này, Tướng Xuân đã nắm quyền sinh sát trong tay. Ông dùng quyền lực này để đi tống tiền mọi người, nhất là những người có liên hệ đến chế độ cũ. Đại Tá Nguyễn Văn Y, cựu Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, và một số nhân vật khác đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện tống tiền của Tướng Mai Hữu Xuân. Chúng tôi sẽ tường thuật lại trong những bài khác.
Đặc biệt, Tướng Mai Hữu Xuân còn nhận 50.000 Mỹ kim của Tổng Cục Phản Gián Hà Nội để thả Trần Quốc Hương, trùm Điệp Báo Miền Nam của Hà Hội ra. Theo ông Nguyễn Tư Thái, tự là Thái Đen, tất cả những cán bộ cộng sản nằm vùng bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt bắt trước 1.11.1963, đều được Mai Hữu Xuân thả ra hết, sau khi nhận tiền của Việt Cộng. Các cán bộ này đã được Việt Cộng tập họp lại và thành lập hai tiểu đoàn Tây Đô và Phú Lợi. Một số cán bộ quan trọng khác như Trần Ngọc Hiền, Lê Hữu Thúy (được Đỗ Mậu che chở), Vũ Ngọc Nhạ... đã hoạt động trở lại. Nếu Mỹ không dùng Tướng Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý ngày 30.1.1964, chỉ khoảng một năm nữa là miền Nam mất vào tay Cộng Sản.
Đại Tá Trần Khắc Kính tuy không dính líu gì đến các hoạt động mật vụ hay kinh tài của chế độ cũ, ông vẫn bị bắt giam một thời gian dài. Sau khi được phục hồi cấp bậc, ông chỉ được giao cho giữ những chức vụ “ngồi chơi xơi nước”.
Đại Tá Trần Khắc Kính là một người có cuộc sống rất nghiêm khắc với chính bản thân mình, với gia đình cũng như với cấp dưới. Nhưng ông rất quan tâm đến những người thuộc quyền, lo lắng cho họ một cách chu đáo. Ông chỉ kết thân với những người mà ông cho là đứng đắn và không muốn tiếp xúc với những người mà ông cho là thiếu ngay thẳng. Trong quân ngũ, ông rất tận tụy với trách nhiệm được giao phó và cố gắng hoàn thành một cách tốt đẹp.
Ông không chấp nhận những ý nghĩ hay mệnh lệnh sai trái và thường phản đối một cách thẳng thắn. Khi ông ra đi, Trung Tá Đặng Nguyên Phả, nguyên Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn 23 và là bạn tù của ông ở trại Vinh Quang, đã làm một bài thơ tiển đưa ông như sau:
Trong cải tạo bác đẩy xe phân,
Để bắt đầu con đường thập giá.
Bác vẫn cười trong cảnh phi nhân,
Chỉ tặc lưỡi bảo “đời chó má”.
Đời chúng ta thật đúng phù vân,
Nên phải sống cuộc đời thánh hóa.
Bác ra đi là được Hồng Ân,
Xin chúc bác vui về nước Chúa.
Đại văn hào Voltaire nói: “Sự thật là một trái cây, chỉ nên hái khi nó đã chín muồi”. Nhưng thi hào Goethe của Đức lại bảo: “Tôi thích một sự thật có hại hơn một sai lầm có lợi: Sự thật có thể chữa được cái hại mà nó có thể gây ra.”
Chúng tôi nghĩ rằng đi theo con đường của Goethe là đúng.
Xin Thượng Đế sớm đưa ông vào nơi vĩnh phúc.
Tú Gàn
No comments:
Post a Comment