Chương VII
THƯƠNG VỀ CHIẾN SĨ “KHỦNG” LONG(7)
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng
(Nguyễn Du)
Cơn nóng oi ả làm thành phố Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California, mất đi vẻ đẹp nên thơ thường lệ. Thành “Râu” sau hơn 8 năm ở tù Cộng Sản, hôm nay sống kiếp tạm dung trên đất khách quê người, đang ngồi mơ màng nghĩ lại quảng đời chiến binh của mình thì bỗng nghe tiếng chuông điện thoại reo liên hồi, anh chậm chạp cầm ống nghe lên với câu xã giao thường lệ; bỗng đầu máy bên kia một giọng oang oang:
– Tô Đông Pha, rồng lộn về bến chiều hoang, Đỗ Phủ điên cuồng.
Ô sao kỳ lạ thế nầy? Thành ngạc nhiên vì câu nói lạ lùng, nhưng đầu máy bên kia tiếng cười vang lên rồi giọng nói như oán trách, như giận hờn xa vắng:
– Ông thầy quên em rồi sao? Thử đoán ra ai không?
Thành suy nghĩ một chập, rồi ngập ngừng nói:
– Xin … lỗi, lâu ngày quá và trí óc lúc nầy lẩm cẩm rồi….!
– Em… Khủng Long đây ông thầy ơi! Khủng Long, Đại đội trưởng của “Song Kiếm Trấn Ải” ( TĐ11ND) đây !
Thành reo lên mừng rỡ :
– Long hả !!!
Trời, làm sao mà quên được, bao nhiêu hình ảnh oai hùng cũ lờ mờ, như ẩn như hiện trước mắt, tưởng chừng như mới hôm qua, nào có xa lạ gì ? Thành mừng quá hỏi dồn dập:
– Ô ! Long đấy hả? Sao khỏe không? Đang ở đâu vậy? …Sao biết số điện thoại của tôi ở đây?
– Lặn lội tìm tòi, gặp Mê Linh cho số “Phôn” của ông thầy.
Thành bồi hồi xúc động làm ruột gan xáo trộn, ngày xưa từ trên phi cơ nhảy xuống, hay đối đầu với tử thần, vẫn chưa một lần có cảm giác kỳ quái nầy!
Một “Khủng” Long thân thương đã cùng anh nằm gai nếm mật tại ngoài chiến trường Trị Thiên, cách nay hơn một phần tư thế kỷ, những câu đàm thoại ngoài chiến địa đến nay Long vẫn còn nhớ. Còn Thành thì làm sao quên được, nhưng vì bất chợt và đột ngột quá:
Tô Đông Pha có nghĩa là danh hiệu truyền tin của Thành, Tiểu Đoàn Phó TĐ11ND thuở nào;
Rồng lộn về bến chiều hoang là lui về bộ chỉ huy Tiểu Đoàn….
và Đỗ Phủ điên cuồng có nghĩa là đề phòng đặc công….
Sau trận Charlie, anh Nguyễn Đình Bảo đã ở lại “Trấn thủ” vĩnh viễn, Mê Linh (Trung tá Lê văn Mễ) lên thay chức vụ Tiểu đoàn trưởng, Thành làm Tiểu đoàn phó TĐ11ND với tình trạng một đơn vị vừa tổn thất nặng nề; từ Charlie, Tân Cảnh, Kontum trở về. Đơn vị được bổ sung toàn lính trời ơi đất hỡi, toàn là lao công đào binh! Thay vì phải đi quân trường huấn luyện lại, nhưng vì nhu cầu chiến trận nên chỉ 10 ngày sau, Tiểu đoàn lại phải lên đường hành quân vùng giới tuyến, đóng ngay tuyến đầu Mỹ Chánh!
Nhờ phát động yếu lố “Tinh Thần”, nhờ truyền thống binh chủng Nhảy Dù, và nhờ các chiến sĩ TĐ11ND thực hành khẩu hiệu “Quyết Chiến” mỗi khi duyệt hàng quân, nên Tiểu đoàn đã tạo nên một chiến công lẫy lừng là tiêu diệt trọn một chi đoàn chiến xa T54 (26 chiếc bỏ lại tại trận địa) và 2 tiểu đoàn bộ binh thuộc Sư đoàn 325 Tổng trừ bị của CSBV. Kỷ niệm 49 ngày (Thất Tuần) cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo, người đã hy sinh tại Charlie, họ dâng lên Vong Linh anh chiến thắng “Rửa hận” tuyệt vời nầy.
Thời gian đó, Tiểu đoàn trưởng Lê văn Mễ bị thương về nghỉ dưỡng bệnh tại Y viện Nguyễn Tri Phương trong đồn Mang Cá, Huế. Nguyễn văn Thành và Nguyễn Đức Tâm phải cưu mang đơn vị và lập nên những chiến công oanh liệt. Trận nầy Khủng Long và Tú Trinh đã đóng vai trò vô cùng quan trọng, nếu nói họ lập được công đầu cũng không sai chút nào. Sau đó chính Long đã chỉ huy ĐĐ111 nhổ chốt bằng lựu đạn tại đồi 90, và được danh hiệu: “Khủng Long đánh trận để đời” từ đó .
Cũng xin kính cẩn nghiêng mình trước vong linh các chiến sĩ đà hy sinh anh dũng cho cuộc chiến thắng “Phù thủy” mà chẳng cần “Complain”. Thành cũng trân trọng trao về Đại tá Lịch những cảm mến “Chịu chơi” ngoài trận địa, ông đã lừng hiểu Thành từ lúc còn là đại đội trưởng:
– Thành, anh đánh giặc thì được, nhưng hay cãi với “Đàn anh”.
Nói rồi thì cười hề hề….tha thứ!
Đại tá Lịch đã hiểu Thành qua thời gian làm sĩ quan Phụ tá Hành quân cho ông ở Tân Cảnh, Kontum. Đ/T Lịch, không hiểu thì khó mà được ông “Xài”. Năm 1991. Thành gặp lại ông tại trại tiếp thâu bên Thái Lan, bây giờ mới rõ lý do là tại sao Thành hay cãi lại cấp chỉ huy?
Hai người nhìn nhau đã hiểu, đã cảm nhận bánh xe oan nghiệt! Bánh xe “Đời Chiến Binh” đã lăn trên khắp nẻo đường đất nước. Thành nhớ đến Đại tá Lịch vì ông đã chỉ huy trực tiếp anh trận “Rửa hận để đời”, ở những lúc gay go nhất mới thấy cấp chỉ huy tài ba, nước mất mới biết tôi trung, nhà nghèo mới biết con thảo.
Hãy trở về với Khủng Long, khung cảnh vừa diễn tả ở trôn quí vị cũng thấy Khủng Long như thế nào? Khủng long thời tiền sử thì to lớn dữ tợn, nhưng Khủng Long của chúng ta thân hình như chai bia… Bia 33… chứ không phải Bia lớn! Tên thật là Lại Ngọc Long, thân hình nhỏ như “Ớt tiêu” nhưng đánh giặc thì không chê được. Mục tiêu nào khó khăn nhất giao cho Long là xong ngay.
Chốt (kiềng) ư ? Chốt khó như ở miền Trung, chẳng khó khăn gì: cứ việc theo đúng yêu cầu của Long, yểm trợ bằng pháo binh hay súng cối 81 ly mặc kệ, lúc nổ nhanh thì Long xung phong như vũ bão; khi nổ chậm, Long lầm lì len lỏi (nhờ thân hình nhỏ bé nên dễ lách!); ba, bốn tiếng lựu đạn nổ là coi như chốt đã nhổ xong, vì vậy mới mang danh “khủng” Long, tức đánh giặc uyển chuyển như rồng bay trên mây!
Nghe một số anh em trong tù chung ở ngoài Bắc kể. Long giả vờ lúc khùng lúc tỉnh (khi tỉnh khi say). Trong một buổi học tập ban đêm, bọn cai tù nói như con vẹt về cải tạo nầy nọ; đến khi chúng cho anh em tù phát biểu. Long uể oải đứng dậy nói:
– …. Ai cải tạo được lính Nhảy Dù, bộ nói đùa à ? Chúng tôi không cải tạo được các anh thì thôi chứ….làm sao các anh cải tạo nổi chúng tôi…!!!
Bọn cán bộ CS chỉ biết quát tháo:
– Anh kia, ngồi xuống.
Họ đành chào thua “Khủng Long” thôi .
Khủng Long đã đấu trí nhiều lần với cai tù Cộng sản, lúc đầu cũng bị trầy da tróc vẩy không ít, nhưng phạt hoài cũng vậy nên chúng đành chào thua “Khủng Long”; vì chúng sợ động tới phải nghe chửi, chúng tự bào chữa:
– Chúng tôi hành hạ hay chọc ghẹo mấy thằng cha (Khùng) mất công nghe nó chửi mình chỉ có lỗ và lỗ.
Xin chân thành bái phục Khủng Long, đã biết dùng lúc nhu lúc cương để thắng địch, cả những lúc thất thế sa cơ mà cũng làm chúng phải điên đầu. Khủng Long đã biết áp dụng lời người xưa: “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma (Cộng Sản) mặc áo giấy”.
Thành rất xúc động đến đổ lệ khi nghe Khủng Long nói về đời sống của anh ở xứ Cờ Hoa. Long tâm sự:
– Ước gì có ông thầy bên cạnh để thỉnh thoảng mớm chút Anh Văn, cho đỡ khổ cái thân!
– Tôi có gì hơn Long đâu, nhiều lúc mình cứ dùng ngôn ngữ “Quốc tế”, nhờ vậy chân tay càng vạm vỡ hơn! – Thành trả lời.
– Nhưng em vẫn thích ở gần ông thầy để được mớm Anh Văn, em có thích học nó mới vô.
Thành chưa kịp trả lời thì Long tiếp:
– Đây này, em kể cho ông thầy nghe chuyện em đi xin việc làm, ông thầy đừng cười nghe.
Ngừng một chút. Long nổi tiếp:
– Một ngày đẹp trời, em ghé vào một công ty Mỹ, vì có người mách cho em biết nó đang cần người dọn dẹp sạch sẽ trong công ty. Em gặp thằng xếp, em xổ một tràng tiếng bồi:
– Ê du, ai ken cờ lin (Ê you, I can clean)
Vậy mà thằng xếp nó hiểu, nó dẫn em lại phía sau. Nó chỉ cái thùng rác to tổ bố dưới đất rồi nói tràng giang đại hải; em hiểu ngay nó muốn thử mình. Em hiên ngang như xông vào ổ thượng liên hay chốt địch, bưng thùng rác nhẹ nhàng đổ lên thùng rác lớn, xong em lanh lẹ lên tiếng ngay:
– Ai đông khe (I don’t care!)
Thằng xếp khoái quá ! Em nói thêm:
– Ê du, ai Việt Nam mi ạt my, e boọc cáp tân, ai heo tu sơn, oai đai! (Ê you. I am Vietnamese army, Airborne captain. I have two son, wife died; có nghĩa là: tao ở trong quân đội VNCH, Đại úy Nhảy Dù. tao có hai con, vợJ chết!).
Vậy mà thằng xếp hiểu hết, nó lấy số điện thoại cùa em, ghi chép cẩn thận. Hôm sau nó gọi em đi làm, em chỉ lên lịch, từ thứ hai đến thứ sáu em nói ô kê (có nghĩa bằng lòng làm chết bỏ), thứ Bảy ô kê tí tí (bằng lòng làm nhưng ít thôi). Chủ Nhật nô ô kê, gô chớt (không làm, đi nhà thờ). Em móc tờ 5 đô và 75 xu ra và nói:
– Oăn ao, ô kê!
Thằng xếp nó phục em sát đất và nhận lời cái rụp; vậy là em có việc làm một giờ 5.75 đô lúc đầu, cho tới hôm nay lương một giờ cũng gần đủ một va ly bia…..
Khủng Long nói rang rảng trong máy lúc nào cũng cười nói hồn nhiên, hào sảng! Ngày xưa học hành đâu thua ai, cũng xuất thân trong lò Thiếu Sinh Quân; vì tù đày quá sức, bóc lịch lâu hơn người ta, sang đây sinh ngữ kém nôn ú ớ thua thiệt. Thật tội nghiộp vô cùng !
Thành vừa cười vừa chảy nước mắt vì quá cảm động, thân thế sự nghiệp của người hùng Khủng Long bây giờ là như vậy sao?… Trên quê hương Việt Nam, Khủng Long đã coi nhẹ thân mình. Trước mũi súng AK47, B40, và thượng liên,…Long “Đông ke”; gặp xc tăng T54, Long “Ô kê”… . Bây giờ trên Quê hương “Tạm Dung” nầy còn gì đáng nói nữa Long ơi !..!
Thành chỉ biết xin có đôi lời thân mến trao về khủng Long những tình cảm quí mến nhất của người anh, nhớ những phút thao thức trong đêm irường khi nghe tin Long đang chạm địch nặng cũng chỉ làm anh bồi hồi, cũng như khi nghe Khủng Long kể ‘Trận” đi xin việc làm. Một quân nhân Nhảy Dù, một chiến sĩ Mũ Đỏ, lúc nào cùng có tinh thần “Nô ke” trong mọi tình huống. Chúng ta chỉ “Ke” mai mốt mối tình huynh đệ chi binh của chúng ta bị mai một, vì quân thù và những phần tử “Xấu xa” lúc nào cũng manh tâm chia rẽ anh em chúng ta!
Khủng Long ơi! Hãy giữ gìn sức khỏe, hãy nuôi dưỡng tinh thần, để mội ngày đẹp trời nào đó “Hoa Dù” lại nở trên quê hương la, và đối phương sẽ trả lời với Khủng Long: Chúng tôi rất “Ke du”, một Khủng Long hào hùng, đã làm tròn bổn phận: “Đời Chiến Binh”
Thật ra hoàn cảnh của Thành “Râu” cùng không thua gì Khủng Long! Thành giờ chì còn biết sống trong hồi tưởng, anh nhớ lại cuộc đời thanh niên của mình vừa gian nan, vất vả, nhưng cũng rất hào hùng sảng khoái, nhớ tới những ngày vẫy vùng trên khắp mọi chiến trường đất nước, nhớ những ngày ở Tiểu Đoàn 9 Nhảy dù cùng Bảo, Tâm, Dưỡng đi ăn dê “Hà Nàm” ở Chợ Cũ, tắm hơi ở đường Bùi Hữu Nghĩa Chợ Lớn, và nhất là nhớ đến những ngày huy hoàng cùng Phước “Đào hoa” đi thăm cô em gái hậu phương tí hon xinh đẹp!
Tài liệu tham khảo:
(7) Nguyễn văn Thành – Thương về Chiến Sĩ KL, Đặc San Mũ Đỏ
No comments:
Post a Comment