Tuesday, August 16, 2022

CHƯƠNG I NGÀY 25 THÁNG 4 - Vĩnh Biệt Sàigòn - Jean Lartéguy + Phạm Kim Vinh

NGÀY 25 THÁNG 4

Màn đêm vừa buông xuống Saigon và buông xuống luôn cả hai mươi năm của đời tôi. Tôi đặt chân đến Saigon lần đầu tiên vào năm 1950. Tôi đi trên chiếc tàu Marseillaise, một chiếc tàu trắng chở những sĩ quan trẻ tuổi được hứa hẹn cho tử thần, chúng tôi phung phí hết lương tháng trong những quán rượu hạng nhất để gây sự chú ý của những người đẹp gốc Âu Á, của những người vợ các chủ đồn điền hoặc của những nữ công chức theo chồng đến thiên đường xa xôi này.

Tôi bị đuổi khỏi thiên đường ấy ngày 28-5-75. Một mối liên lạc đầy biến cố. Cuộc chiến các giáo phái chút nữa giết tôi, vụ ám sát ông Diệm, quân Mỹ ồ ạt tới, hàng loạt những cuộc đảo chánh, Khánh với bộ râu dê và chẳng có gì trong đầu, Kỳ với những bộ đồ phi công hào nhoáng, Thiệu không có bộ mặt, và Minh Cồ thì lặng lẽ, có thể vì chẳng có gì để mà nói nhưng lại biết chơi quần vợt khá và chơi hoa lan.

Cái thành phố từ đó tôi bị xua đuổi không còn mang tên là Saigon nữa. Bây giờ tên nó là Hồ Chí Minh, thành phố của bác Hồ. Mỗi ngày thành phố ấy lại thêm xa lạ với tôi. Tôi chẳng còn gì để làm  đó nữa.

Còn thành phố kia, thành phố mà tôi hàng yêu dấu thì đã chết khi các xe tăng Nga chở các xa đoàn người Bắc Việt phá tung cánh cửa sắt của dinh tổng thống tuy rằng người ta chỉ mong mở cửa ấy cho bọn chúng.

Ba người hỏa tinh từ Hà Nội tới, dáng nhỏ bé, đồng phục xanh, nón lá trên đầu, hông mang súng ngắn đã làm ra vẻ như họ đọc bản án trục xuất tôi vì những “bài viết của tôi”. Họ không biết rằng tôi đã quyết định sẽ đi chuyến bay ngày mai và tôi không ưa trì hoãn lâu hơn nữa bên giường một người chết. Tôi bắt tay họ như bắt tay những thợ xe đòn sau khi họ làm xong bổn phận.

Đây không phải là một cuốn sách. Có lẽ một ngày nào đó tôi sẽ viết cuốn sách ấy. Đây chỉ là lời vĩnh biệt Saigon. Đây cũng là câu chuyện năm ngày hấp hối của Saigon và chuyện cái chết của thành phố ấy. Chẳng có gì khác hơn là những lời ghi chép vội vã tại căn phòng của tôi trong khách sạn Continental.

Thế là rốt cuộc tôi đã tới Saigon. Không dễ gì tới được đây và cho tới giờ phút chót tôi đã tưởng bị đuổi tại Tân Sơn Nhất.

Hai ngày trước đó, tôi xin chiếu khán tại tòa lãnh sự Nam Việt Nam. Tôi và Raoul Coutard phải thực hiện một cuốn phim về sự thất thủ của Saigon. Tôi được cơ quan truyền hình Pháp cấp giấy giới thiệu nồng hậu và tôi đứng tên thật của tôi chứ không đứng cái tên Larteguy vì nó chỉ là cái tên giả tôi bịa ra để viết vài bài báo cho khỏi phải xin phép thượng cấp. Hồi đó, tôi còn là một sĩ quan.

Coutard được chiếu khán. Tôi bị khước từ. Coutard có ba chục năm liên lạc với Đông Dương. Anh ta đã thực hiện cuốn phim xuất sắc về Đông Dương tựa là Hòa Bình và được giải thưởng đại hội điện ảnh  Cannes.

Lại xui xẻo nữa. Tôi có tên trong sổ đen, cả tên thật và tên giả. Người ta cho tôi xem cả một hồ sơ đầy đủ. Thời Diệm bị cấm, thời Khánh bị cấm và đầu thời Thiệu bị cấm. Nhưng Nguyễn Cao Kỳ đã kiếm được cách đưa tôi qua biên giới để chọc giận Thiệu. Lần này thì tôi có tội viết vài điều không đẹp về chế độ Thiệu và về Thiệu: "Thiệu là người thâm độc, suy tính và đa nghi đến nỗi không tin ai hết, không tin cả đến bóng dáng của ông ta khi đứng trước gương. Nếu như thế thì rồi có ngày ông ta sẽ bắt giam chính ông ta... Nước Việt Nam càng ngày càng có chiều hướng giống nước Trung Hoa và của Quốc Dân Đảng trước khi Mao thắng. Saigon là Thượng Hải nhưng còn tệ hơn nữa. cảnh sát trưởng Gia Định đã mua chức vụ giá mười triệu đồng chức quận trưởng Tân Bình giá hai chục triệu đồng. Chức vụ tại Chợ Lớn lên giá tới hai mươi lăm triệu..." Đó là một đoạn trong cuốn Voyage Au Bout De La Guerre tôi viết năm 1971.

Tùy viên báo chí của tòa đại sứ, một người tên là Gia, bà con với một người khác cùng tên Gia và giữ một chức vụ gì đó trong chính phủ Thiệu, không chịu tiếp tôi.

Ở đường giây điện thoại của tòa lãnh sự, hắn lập lại: “Thưa ông, tôi rất tiếc nhưng mà ông có tên trong sổ đen. Tôi phải gởi một điện tín về Saigon để xin các chỉ thị của chính phủ của tôi”.

Tôi cằn nhằn hắn:

- Chính phủ nào? Thiệu xuống rồi và Tướng Minh sẽ thay thế. Và ông có biết không, Tướng Minh là bạn với tôi. Ai sẽ trả lời điện tín của ông? Chẳng còn chính phủ nào nữa và Saigon sẽ sụm trong vài ngày nữa. Tôi phải có mặt cùng với Coutard để làm nhân chứng cho những gì sẽ xẩy ra.

Tôi vẫn hằng yêu mến xứ nầy, yêu dấu thành phố này và tôi luôn luôn mong mỏi rằng miền Nam chiến thắng, những sự mong mỏi ấy không ngăn trở tôi thấy rằng chế độ thối nát và đưa xứ nầy tới sự sụp đổ.

Gia lúng túng, xin lỗi vì đã không làm gì được giúp tôi. Tôi phải chờ sự cho phép của một chính phủ không còn nữa và của một vị tổng trưởng đã tháo chạy. Tại Saigon chẳng có ai trả lời.

Thiệu xếp hành lý, chất chứa kho tàng của hắn, còn ông già Hương thay thế hắn thì không hé răng. Người ta thấy ông ta không thể trả lời một cú điện thoại. Và đui nữa: người ta lại càng thấy ông ta không thể đọc một điện tín. Tôi nhớ đến ông ta như một người bù nhìn, một người can đảm hoàn toàn không có hiệu năng.

Ngày mai sẽ có chuyến bay và có thể đó là chuyến bay chót đáp xuống Tân Sơn Nhất.

Thế là tôi đánh bài liều. Tôi mua vé đi tới Hương Cảng, biết rằng máy bay Air France không đi xa hơn Saigon vì còn phải chở đầy những người tị nạn Pháp, Mỹ và Việt Nam. Tôi sẽ xin chiếu khán ghé tại chỗ và trong sự rối loạn chắc chắn sẽ diễn ra, chắc chẳng còn chàng cảnh sát viên nào chú ý đến tôi.

Quả thật là mọi người Pháp đều được quyền chiếu khán bảy ngày nếu không bị liệt vào danh sách đen.

Ngày 24-4 chúng tôi khởi hành trên một phản lực Cơ Jumbo Jet gần như không có hành khách. Người ta tưỏng như đó là một phòng chiếu bóng  Elysée đang chiếu một phim trí thức mà nhà phê bình của tờ Le Monde đã gởi gấm.

Trong số hành khách thưa thớt, có Paul d’Ornano, nghị sĩ của những người Pháp Viễn Đông. Ông ta mang đến cho các cử tri của ông ta một thông điệp của Tổng thống nước Pháp yêu cầu người Pháp ở lại tại chỗ, và bốn cô Y-tá của Air France được phép nghỉ để săn sóc những người tị nạn. Những cô gái rất đàng hoàng. Trên máy bay có không khí của một ngày tận thế. Tôi vẫn còn lo không biết họ có cho tôi đi lọt không. Và nếu họ giữ tôi lại phi trường thì tôi sẽ tung ra một nắm mỹ kim để tìm cách chuồn.

Tới Saigon. Tim tôi đập mạnh hơn. Một sự may mắn. Khi dời máy bay, tôi trông thấy viên Tổng Lãnh sự De Beauvait mà tôi đã gặp ở Lào và ông ta ra đón nghị sĩ và Morgan, một người Pháp sanh tại Á Châu, tế nhị, quen gỡ được mọi trường hợp rối rắm. Ông ta cầm giấy thông hành của tôi và lo liệu. Tôi thấy ông ta nói chuyện gì đó với người cảnh sát trong khi người này đóng dấu trên tờ thông hành một cách máy móc. Tôi đã được chiếu khán ghé tạm. Ông ta cũng chẳng cần nhìn vào tập hồ sơ nữa. Cái chàng Morgan này hắn là một tay chơi bài đại bịp hoặc là một người tuyệt hảo theo thuyết ảo tưởng.

Tôi đã có mặt ở Saigon. Một cảm tưởng kỳ lạ là tôi thấy cái thành phố này không thay đổi nhiều từ lần chót tôi tới đây năm 1971. Cũng vẫn có những làn sóng xe sì-cút-tơ chạy loạn xà ngầu, những chiếc xe 4-CV cũ mèm, vẫn mùi xăng, vẫn cái mùi tanh tưởi đó. Xe Jeep và xe quân vận chở nhiều thường dân hơn quân nhân và chở những thứ đồ đạc lủng củng chẳng ăn nhằm gì tới chiến tranh. Các cảnh sát viên thì hờ hững với sự lưu thông hỗn loạn và đó là hình ảnh của xứ nầy. Chẳng ai chú ý tới ai. Nhưng theo các báo Pháp và Mỹ thì tình hình thê thảm. Người ta nói rằng Cộng quân chỉ còn cách Saigon hai mươi lăm cây số, một trận đánh dữ dội đang diễn ra tại Xuân Lộc, rằng có lẽ người ta đã dùng bom CBU diệt hàng chục ngàn Cộng quân mà vẫn không chận được sự tiến quân của chúng. Tất cả đều sụp đổ. Các tỉnh phía Bắc đã thất thủ: Đà Nắng bị mất sau Huế. Các tỉnh duyên hải và Bắc Nam phần rụng như những trái chín. Tôi tới một thành phố  đó, mọi sự diễn ra bình thường như không có gì diễn ra và có vẻ bất cần. Thật lạ lùng! Có điều là các cảnh sát viên có vẻ bớt hung hãn với các tài xế taxi và không đòi tiền hối lộ giữa khoảng từ sân bay vào Saigon như trước nữa (một cách tự tăng lương).

Tôi thấy nhà hàng Continental không đổi, ông quản lý Lợi thì toe toét và mập tròn như tượng ông Phước. Ông ta xiết chặt tay tôi.

Các cửa hàng và quán rượu đường Tự Do vẫn mở cửa. Đời sống tiếp tục. Bọn nhỏ thấy tôi thì cười rú lên. Tôi không biết tại sao, tôi luôn luôn là người làm cho bọn nhỏ của nhà hàng Continental khoái trá vì tôi thường ở trong tình thế nghịch thường, vì rằng người ta thường đến tìm tôi để trục xuất tôi, rồi người ta mang tôi trở lại rồi người ta quên tôi. Tôi là một trong những trò giải trí của khách sạn. Khỏi cần giải thích, bọn nhỏ đó là gia đình Sàigòn của tôi.

Tôi lựa một phòng lớn mà trước kia tôi đã từng ở. Ngày mai, tôi sẽ lo điều chỉnh tình trạng của tôi và chuyển sự chiếu khán ghé tạm thành chiếu khán cư ngụ tạm. Tôi sẽ không nhờ sứ quán hoặc tòa Lãnh sự Pháp nhưng sẽ nhờ người gác cửa đưa vài ngàn cho những người của cảnh sát. Tất cả mọi người sẽ được hài lòng, ở Việt Nam đừng có nhờ những công chức quan trọng vì họ chẳng giúp được gì cho chúng ta mà chỉ nên nhờ những cấp trung gian. Họ biết lo công chuyện rất giỏi và không ồn ào. Nhưng các biến chuyển diễn ra quá dồn dập đến nỗi tôi không phải xin chiếu khán nữa.

Chuyến đi dạo đầu tiên của tôi tại thành phố này. Tôi bắt đầu bằng cách hỏi thăm hối suất đồng bạc. Đó là một cái thước đo chính xác tại Saigon. Hối suất không những được ấn định bởi những người tài tử là bọn làm báo chúng ta nhưng phần lớn là được phổ biến bởi người Tàu và Chà-và là những người nghiêm chỉnh biết rõ tình thế. Giá một mỹ kim là 3.500 đồng nhưng nếu đổi lấy giấy 100 thì phải trả tới 4.000 đồng. Hối suất chính thức là 775 đồng. Tôi kết luận rằng một số người tinh khôn đã thật sự lo lắng vì thời cuộc và chuẩn bị rút dù.

Tôi tìm cách kêu điện thoại cho các bạn hữu, những nhân vật thuộc chế độ cũ hoặc mới, nghị sĩ hoặc tướng lãnh. Luôn luôn là tôi được một người làm trả lời: “Ông chủ đã đi ra ngoài rồi” hoặc “Bà chủ không có  nhà”, hoặc “Có thể ngày mai ông chủ trở về”. Đôi khi câu trả lời xen tiếng cười: “Ông chủ đi lâu. Hì! Hì! ”

Tôi đi tìm dấu vết của một vài người bạn Trung Hoa. Cũng vậy. Chẳng có ai  đầu giây. Một số người Việt và Tàu đã bỏ đi rồi. Họ là những người có địa vị quan trọng hoặc giàu có. Chỉ còn lại những người có địa vị tầm thường hoặc vô tư, và những người chưa tìm được đầu mối để ra ngước ngoài. Tôi trở về phòng và những kỷ niệm xâm chiếm lấy tôi.

Cách đây hai mươi lăm năm, tôi đi trên đường Catinat. Đó là Sài gòn của thời thuộc địa. Tại các sân lộ thiên của những quán cà phê, người ta uống Pernod và cognac-soda, chưa có Whisky. Saigon lúc đó không cỏ vẻ gì là một thủ đô, mà chỉ là sự pha trộn của một tỉnh nhỏ miền Nam và một thị trấn thuộc địa với những hàng hiên dài, những căn nhà mở rộng và những tên bồi mặc đồ trắng.

Đồng bạc trị giá 17 Phật lăng. Tại hội quán thể thao, các cô gái tắm nắng và được các sĩ quan trẻ tuổi tán tỉnh trong thời gian họ nghĩ phép ngắn ngủi trước khi trở lại chiến đấu  vùng đồng ruộng Bắc Việt hoặc ở vùng rừng núi cao nguyên và họ kể chuyện những giống người kỳ quái mà họ tuyển làm lính đánh thuê cho họ: người Nùng, người Thổ, Thái, Mường...

Có một vài nữ chúa của Saigon. Cũng như tôi, họ đã già nhưng tất cả đều đã giữ lại một cái gì. Dẫu rằng ngày nay, họ ở trong cảnh nghèo khổ. Tôi tin rằng họ đã khóc khi hay tin Saigon sắp chết.

Lúc ấy Saigon còn là thủ phủ của Đông Dương thuộc Pháp. Bảo Đại còn ngự trị nhưng bên ngoài ấy chỉ là một giả tưởng. Người Pháp trực tiếp cai trị xứ này và binh lính thuộc đạo quân viễn chinh thì đánh giặc, nhất là ở miền Bắc. Sau này, tôi biết Hà Nội và vì tôi còn trẻ, tôi ưa tiếng súng cho nên tôi thích Hà Nội hơn Sàigòn. Luôn luôn có sự ganh đua giữa Hà Nội và Saigon. Hà Nội uy nghi hơn nhưng kém phần duyên dáng. Hà Nội có một lịch sử thật sự, còn Saigon không có và Saigon không có thắng cảnh nào lâu đời hơn hai thế kỷ.

Hà Nội có những ngôi chùa cổ kính. Hà Nội ở xa biển và  bên bờ hai cái hồ có những ngôi chùa nhỏ soi bóng. Hà Nội khắc khổ. Hà Nội lạnh về mùa đông, các cửa sổ đều lấp kính và người ta đã có lần phải đốt lửa trong lò sưởi.

Vì phải chống chọi với nhiều thứ, khí hậu, sự nghèo khổ và nạn lụt cho nên người Bắc Kỳ cứng rắn hơn và ít khi cười. Họ dễ cuồng tín và có tinh thần quốc gia quá khích. Họ không có cái tinh thần ham sống và chủ nghĩa cá nhân bất trị của người miền Nam. Người miền Bắc sinh ra để dự các cuộc mạo hiểm tập thể, để chinh phục, để tham gia chiến tranh. Ưa những chế độ đạo đức trong khi Saigon là cô gái đẹp của Á Châu, nơi đó, người ta khiêu vũ theo tất cả mọi thứ âm nhạc.

Hà Nội là thủ đô của chiến tranh còn Saigon không bận tâm vì chiến tranh. Người ta nói: Hà Nội là thủ đô của chiến tranh, còn Saigon là thủ đô của đồng bạc. Tôi lại tìm thấy cái không khí đó hồi tháng 4 năm 75 khi chiến tranh tiến tới cửa ngỏ Saigon. Nhưng Saigon tiếp tục sống không lo lắng.

Tôi trở lại Saigon vào năm 1952, lần này tôi  lại lâu để theo dõi cuộc chiến tranh cho tờ báo Paris Press. Tôi ở lại Saigon vài tuần và đã tập được những thói quen. Trái với những điều người ta tưởng, các ký giả không ưa đi lại nhiều.

Tôi ở Đông Dương tới 1954 là năm mất Điện Biên Phủ. Tôi mất Hà Nội nhưng tôi còn có Saigon. Và không khí ở đó thật kỳ lạ. Một triệu người Công giáo từ miền Bắc tới gõ cửa miền Nam. Một người Công giáo nhiệt thành, một sự pha trộn giữa quan lại và linh mục nửa vời, Ngô đình Diệm được người Pháp đưa lên cầm quyền dưới áp lực “thân hữu” của người Mỹ và của Giáo chủ Spellman.

Tôi lại trở về Pháp. Miền Nam Việt Nam không chính thức ngăn cấm tôi nhưng nên để cho người ta quên tôi đi là tốt hơn. Đã hai fân tôi tới Hà Nội. Tôi đã dự cái trò duy vật biện chứng và tự kiểm thảo. Tôi đã được biết thế nào là sự nhồi sọ Mác-Xít nhưng về mặt quân sự thì miền Bắc rất hữu hiệu! Năm 1960, tôi lại xin chiếu khán đi Nam Việt Nam. Chế độ Diệm đã được thiết lập kiên cố. Đó là chế độ của gia đình đối với khách hàng. Còn về ý thức hệ thì có một đảng duy nhất là Cần Lao, một sự pha trộn thập cẩm của những ý tưởng trái nghịch nhau nhưng dường như khá thích hợp với những bộ óc Việt Nam.

Tôi đi theo nhóm của tôi, ngoan ngoãn nghe người ta ca tụng Diệm, đi xem vài thành tích của chế độ. Nhờ một người quen biết cũ là Tôn Thất Đính, tôi lén đi được tới Quảng Trị. Người Mỹ đã xây một con đường chiến lược để bọc lấy vĩ tuyến 17. Quân chính qui của Bắc Việt đã tấn công vào công trường và vào các nơi chứa vật liệu. Bắc Việt đã dùng Sư đoàn 38 và Sư đoàn 315.

Người ta đi tìm tôi và sau cùng, Ngô Đình Nhu thấy tôi dang dính vào việc không phải của tôi. Nghĩa là tôi đang làm phận sự của một nhà báo. Người ta giam tôi vào một túp lều có lính canh gác trong hai ngày rồi giải tôi về Saigon.

Ngô Đình Nhu sỉ vả tôi, nói rằng lại một lần nữa tôi phản bội lòng tin cậy của dân tộc Việt Nam và tôi xứng đáng lãnh một sự trừng phạt nghiêm khắc. Sự trừng phạt đôi khi có thể là cái chết như Paul Leandri của hãng AFP bị hạ sát tại Saigon tháng 3-75 trong trụ sở cảnh sát của Thiệu. Nhưng may cho tôi là Ngô Đình Nhu không ngu xuẩn như tên Phạm Kim Qui đã giết Leandri. Nhu để cho tôi trình bày lập luận của tôi.

Thay vì trục xuất tôi, Nhu đưa tôi tới một buổi tiếp tân tại dinh Độc Lập,  đó có đông đủ gia đình nhà Ngô và các quần thần. Người ta cho tôi uống nước cam và ca tụng sự quảng đại của Tổng thống đối với những kẻ lộn xộn như tôi. Rồi Nhu để cho tôi ra về viết bài báo. Bài báo ấy xuất hiện tại Pháp dưới tựa đề: “Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai vừa bắt đầu”.

Lúc đó, người Pháp bị ghét bỏ. Tướng Lansdale, người chế tạo các vị vua đã đưa Diệm lên ngôi, vừa mới công bố một phúc trình trong đó, ông ta ước lượng rằng người Pháp đã thua trận về chính trị vì mắc cái tội mang chiêu bài thực dân và thua về quân sự vì không biết thích nghi với một vài hình thức chiến tranh khuynh đảo trong hoạt động tuyên truyền lẫn lộn với hoạt động đột kích. Sự thật thì ông ta trách người Pháp những điều mà sau này, chính người Mỹ mắc phải và còn mắc một cách tệ hại hơn nữa. Không nên quên rằng Mỹ đã gọi hội nghị Genève là một tai họa có thể đưa tới sự mất Đông Nam A.

Thế mà từ 1945 đến 1954, nước Pháp đã để lại Việt Nam 91.000 người chết, trong số đó có 75.000 là người Pháp thật sự. Ít nhất đó cũng là con số bằng năm khóa học sĩ quan trường Saint Cyr. Nhờ có những người đó mà miền Nam Việt Nam có thể hiện diện và Saigon mới có thể đóng vai trò đàng hoàng. Thực ra thì vai trò ấy không thích hợp với Saigon.

Vì bài báo của tôi viết về sự thất bại của Ấp chiến lược, tôi bị đưa ra biên giới. Bài báo ấy được đăng trên tờ Paris Press và làm cho tôi bị trục xuất khỏi Việt Nam và bị đưa tên vào sổ đen.

Tôi phải chờ cho tới cuộc đảo chánh 1963 mới trở lại Saigon. Với Hội đồng Quân dân Cách mạng của Tướng Minh và một số tướng lãnh khác, tất cả đều tốt nghiệp từ các trường quân sự của Pháp, Sàigòn lại ăn chơi nhảy nhót. Miền Nam tưởng rằng hòa bình đã gần kề. Điều trái lại đã xẩy ra. Cường độ chiến tranh tăng gấp đôi với sự tham dự của quân Mỹ, ta hãy gọi là chiến tranh.

Xong chuyện rồi thì người ta loại Tướng Minh và nhóm tướng lãnh thân Pháp ra bằng cách gán cho họ bệnh ghẻ, nghĩa là kết tội họ là trung lập. Nếu tin  lời của Tướng Minh nói với tôi hồi đó thì ông ta không phải là người trung lập.

Một anh lùn là Nguyễn Khánh được thay thế để chơi trò khủng bố. Làm trò hề ít lâu xong rồi đi Pháp mở tiệm ăn. Khánh biết ý kiến cửa tôi nên đã thề giết tôi nếu hắn gặp tôi.

Một loạt những cuộc đảo chánh. Gần mười hai vụ. Thật là loạn. Những cuộc đảo chánh ấy đã đưa tới sự tan rã quân lực Nam Việt Nam. Ngày 13.8. 1965, phi công Nguyễn Cao Kỳ cầm quyền và tôi được chiếu khán đi Saigon. Tôi thấy tình thế thật thảm hại. Nếu người Mỹ không can thiệp ồ ạt thì Nam Việt Nam đã thua rồi. Các tướng lãnh Nam Việt Nam mãi lo cắn xé nhau cho nên không còn quân đội nữa mà chỉ còn những nhóm để phục vụ tướng này hoặc tướng kia.

Saigon trở thành một thành phố bẩn thỉu, hôi tanh và buông xuôi. Tại Saigon lúc ấy có sáu ngàn hộp thơ của Việt cộng. Hộp đêm mở khắp nơi. Không ai muốn đánh giặc nữa, kể cả những người phu kéo xe. Những người Tàu ở Chợ Lớn thì tình nguyện vào làm bồi bàn trong các căn cứ của Mỹ. Ý nghĩa dân sự đã hết: các viên tướng nhỏ con của Nam Việt Nam đã giết chết cái ý nghĩa ấy. Một số gái điếm làm gián điệp cho Việt cộng, một số khác thì hùn tiền vào với nhau, một số khác nữa thì mong sẽ lấy chồng Mỹ để chuồn ra nước ngoài. Đó là khởi đầu sự ung thối theo nhịp độ gia tăng khi người Mỹ đổ bộ.

Thoạt đầu, người Mỹ tràn đầy những hảo ý. Do đó Tướng Westmoreland mới cho phổ biến chín giáo điều mà các quân nhân Mỹ phải tuân theo tại Việt Nam. Chín giáo điều ấy đã được tuân theo nhưng mà theo lối ngược lại. Lính Mỹ không cư xử như những người khách mà như những chủ nhân ông. Người Mỹ không hòa mình với dân Việt Nam: họ sống trong những căn cứ gắn máy lạnh, ăn đồ hộp lạt vô vị trong khi họ có thể ăn món ăn Tàu tại bất cứ một góc đường nào. Đôi khi, họ mạo hiểm tới các hàng ăn của Pháp nhưng không bao giờ vào nhà hàng Việt Nam. Đối với Mỹ thì tất cả phụ nữ Việt Nam đều là gái điếm vì họ chỉ tiếp xúc với gái điếm.

Tôi rời Saigon, tự nghĩ rằng trên bình diện quân sự, người Mỹ đã đảo ngược tình thế nhưng thất bại trên bình diện chính trị. Họ không tìm được những người thích đáng để điều khiển xứ này và không tìm được một ý thức hệ có giá trị để đối đầu với cộng sản. Dân chủ không thích hợp với Đông Nam Á.

Tôi không có mặt tại Saigon khi có cuộc tấn công Tết 1968 và tôi chỉ tới Saigon sau đó. Việt cộng đã phân tích sai lầm tình hình ở đây. Họ nghĩ rằng cái thành phố này đã chín mùi cho cuộc nổi dậy vì đã ghê tởm sự thối nát, ghê tởm người Mỹ. Việt cộng chuẩn bị trận đánh kỹ lưỡng. Họ tung quân chính qui và du kích đánh vào Saigon. Nhưng Saigon không nổi dậy và nhân dân cũng chẳng đi theo Việt cộng. Việt cộng lạc lõng trong thành phố. Việt cộng đánh rất giỏi và vì lạc lõng nên đã bị tàn sát.

Chút nữa, chúng đã chiếm được tòa Đại sứ Mỹ. Nhưng Việt cộng không được nhân dân hưởng ứng. Chúng đã treo cờ Mặt trận Giải Phóng trên thành nội Huế nhưng đã mắc phải lỗi lầm không thể tha thứ được. Chúng đã tàn sát có hệ thống tất cả những người nào bị chúng cho là có thể chống lại chúng. Tại Saigon, chúng giết các cảnh sát viên. Tại Huế, chúng giết giới tiểu tư sản, giết thành phần trí thức ưu tú trong khi giới ấy muốn theo chúng.

Và chúng giết nhiều công chức.

Tại Huế, tại Saigon, hồi Tết 1968, cộng sản đã thua trận giặc chính trị. Sẽ không bao giờ có cuộc nổi dậy theo cộng sản. Nghiêm trọng hơn nữa là dưới hình thức quân sự, Mặt trận Giải Phóng từ nay sẽ hết hiện diện vì đã bị những thiệt hại và hoàn toàn lệ thuộc vào cộng sản miền Bắc. Những kẻ đại bại hồi Tết Mậu Thân là Việt cộng và Mặt trận Giải Phóng.

Bây giờ là ngày 25-4-75 và mặc dầu có sự sụp đổ của Nam Việt Nam, người ta không thấy nhân dân nổi dậy ở nơi nào. Không một đơn vị nào của quân đội mang khí giới và hành trang theo phía cộng sản.

Tôi lại tới Saigon hồi Tết 1971. Hình ảnh thật là thê lương. Từng đàn trẻ em đi lang thang, từng đàn người què cụt đi hành khất. Có 200.000 trẻ em lang thang tại Saigon, 250.000 hành khất không nhà cửa và phạm pháp đủ loại. Dân số Saigon lên tới bốn triệu trong khi Saigon chỉ được dự trữ để chứa một triệu người... Thoạt đầu Saigon đã qua một thời kỳ say sưa khi người Mỹ ồ ạt đổ bộ 543.000 quân, chưa kể số lính thủy của hạm đội số 7, những nhân viên dân sự, những người dân sự mặc đồng phục, tất cả lên tới 600.000 người. Những người lính Mỹ đầu tiên đã được choàng vòng hoa trên bãi biển. Bây giờ, không còn chuyện ấy nữa. Bất cứ một căn nhà nào cũng có thể làm quán rượu. Chỉ cần kiếm ra ba cô gái điếm là quán rượu có thể xài được.

Tháng 2 năm 1971, nước thủy triều đã xuống. Chỉ còn 335.000 lính Mỹ. Đến tháng 5 thì còn 284.000. Đồng bạc sụp đổ: 400 đồng ăn một mỹ kim. Đến ngày 29 tháng này, 600 đồng mới ăn một mỹ kim.

Người ta có vẻ thắng trên mặt qụân sự. Tôi đã tham dự cuộc hành quân Lam Sơn. Trước khi đi, người Mỹ muốn chứng tỏ rằng Nam Việt Nam phải tiến vào đất Lào để cắt đường mòn Hồ Chí Minh. Công cuộc Việt Nám hóa chiến tranh đã tỏ ra là một chuyện bịp bợm và nó cho phép người ta hiểu sự bại trận năm 1975. Thí dụ người Mỹ đã đào tạo một số phi công trực thăng Việt Nam. Các phi công này không lái được bằng dụng cụ mà chỉ điều khiển được bằng mắt. Một trực thăng chở các ký giả lạc trong sương mù và bị bắn rơi. Suýt nữa thì tôi cũng ngồi trên chiếc trực thăng ấy, nhưng may tôi lại ngồi  chiếc khác và chiếc này tuy cũng bay lạc nhưng không đáp xuống đất của địch quân.

Tại Mỹ, người ta đào tạo các sĩ quan Việt Nam để trở thành sĩ quan liên lạc địa không. Họ được coi như có thể từ dưới đất điều khiển hỏa lực yểm trợ của không quân. Khi theo học, họ đã học thuộc lòng những gì mà người ta bắt họ lập lại. Trên trận địa, họ không điều khiển nổi sự tác xạ củạ máy bay Mỹ. Họ không nói được tiếng Anh!

Người Mỹ ca tụng quân lực miền Nam để có thể rút lẹ.

Tại Saigon, tôi đã thấy những lính Mỹ đào ngũ, đã thấy Saigon của ma túy, một thành phố tự bán mình lại vừa giữ phẩm giá. Nếu người ta suy nghĩ thì sẽ thấy rằng Saigon đã từ chối người Pháp, từ chối chế độ Diệm, từ chối Mỹ và tự chối Việt Cộng. Thành phố ấy chưa bao giờ thật sự là thành phố Việt Nam. Thành phố ấy được thiết lập để chịu ảnh hưởng của bên ngoài và để buôn lậu.

Ngày xưa, Saigon có một vẻ duyên dáng. Người ta biết cười. Lính Mỹ đã làm hỏng Saigon. Mọi hàng rào đã bị đồng mỹ kim phá vỡ. Ngày xưa và ở thế kỷ trước, người ta gọi Saigon là Hòn Ngọc Viễn Đông và người ta viết những bài ca nói về “cô gái Bắc Kỳ bé nhỏ”. Bây giờ, cô gái Bắc Kỳ đang ngồi trên một vị trí súng phòng không ở miền Bắc và bây giờ, Saigon biến thành thành phố của mọi sự hối lộ và của sự thanh toán nhau.

Người ta mua được chất ma túy tại Saigon với giá rẻ hơn bất cứ nơi nào trên thế giới, rẻ hơn cả thuốc phiện là chất nguyên thủy của bạch phiến. Cộng sản đã đưa bạch phiến vào Lào và Thái Lan vào Việt Nam. Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Heykal, Chu Ân Lai đã thú nhận việc ấy: “Người Mỹ có B-52, chúng tôi có chất ma túy”. Ở phía sau sân bay Tân Sơn Nhất, những lính Mỹ đào ngũ đã trốn tránh, thường là Mỹ da đen. Họ đã đào ngũ vì đã nghiện nặng và biết rằng trở về Mỹ thì họ không có bạch phiến nữa. Và tờ Stars and Stripes đã lập lại nhiều lần rằng giá bạch phiến tại Mỹ đắt gấp mười lần hoặc hai mươi lần, bọn lính đào ngũ đã chọn con đường ở lại. Những tên lính này dơ dáy, tóc dài mang khăn che mặt và làm các dấu hiệu hòa bình  đường phố. Chúng bê tha tại các quán rượu, tại các ổ điếm. Người Mỹ đã làm ung thối Saigon và Saigon đã làm ung thối người Mỹ.

Về vấn đề này phải nhấn mạnh ảnh hưởng của người đàn bà Việt Nam. Người đàn bà ấy nắm giữ túi tiền. Ba người đàn bà đã giữ vai trò then chốt trong việc làm mất Nam Việt Nam: vợ của Thiệu, vợ của Khiêm và vợ của Quang. Những người đàn bà ấy đặt văn phòng tại Saigon để mọi người tới hối mại quyền thế. Người ta mua chức vụ, mua giấy phép nhập cảng, mua giấy miễn động viên. Mua tất cả.

Nếu là một người thợ thủ công, người ấy chia tiền kiếm được cho viên tướng hoặc viên tá chỉ huy đơn vị liên hệ và người ấy sẽ được tiếp tục hành nghề. Những người Trung Hoa giàu có thì tinh khôn hơn vì họ xin làm người nấu ăn cho tướng lãnh. Dĩ nhiên là những người Tàu này cung cấp dầu bếp và thức ăn luôn cho các tướng lãnh. Năm 1971, quân số của các dơn vị quân đội đều bị khai man: người ta khai gian số người hiện diện để các sĩ quan chỉ huy cướp số lương của những người vắng mặt và mang bán khẩu phần của những người ấy.

Lúc ấy Thiệu là Tổng thống và được Tổng thống Mỹ cùng cơ quan CIA công khai ủng hộ. Tướng Kỳ là Phó Tổng thống và Tướng Minh là người bình dân nhất. Ông ta là người tượng trưng cho hòa bình. Kỳ sẽ bị loại và Minh phải lưu vong sang Thái Lan. Các tướng tá ủng hộ Thiệu thì được yên ổn làm giàu.

Đó là chế độ thối nát nhưng người dân Nam Việt Nam không muốn có chế độ cộng sản, và họ nghĩ rằng thà rằng chấp nhận cái đảng thối nát của Thiệu. Họ nhớ đến các vụ tàn sát tại Huế.

Năm 1971, phía chính phủ kiểm soát được phần lớn đất đai. Họ đã thắng lúc Mỹ ra đi. Lần này thắng về mặt chính trị. Nhưng vào lúc họ sắp thua trên mặt trận quân sự.

Người dân Nam Việt Nam sợ những người hỏa tinh Bắc Việt, sợ những “con người nhỏ bé màu xanh”. Họ coi người Bắc Việt như thuộc về thế giới khác, khắc khổ, cứng rắn, tươi cười, thiển cận, một chủng tộc mới. Saigon vẫn luôn luôn thích sống dễ dàng và không muốn phải vào một tu viện để trở thành một dì phước đỏ.

Theo Pétrus Ký thì cái tên Saigon ngày nay là cái tên của Chợ Lớn ngày trước. "Sài" là tiếng Trung Hoa có nghĩa là gỗ và "ơòn" là tên của cây bông gòn. Lúc đầu, người Cao Mên trồng rất nhiều cây gòn ở quanh những đồn lũy của họ mà dấu vết ngày nay vẫn còn ở gần chùa cây Mai và quanh đó. Người Cao Mên dùng chữ Saigon để chỉ toàn thể vùng đó.

Trước thời vua Gia Long thì Saigon chỉ là một làng của Cao Mên tên là Prei Kor bao quanh bằng hàng rào những cây gòn tươi. Nhưng đó là nơi trú ngụ của một ông vua.

Năm 1680, hai viên tướng đời nhà Minh vì không chịu thần phục xâm lăng người Mãn Châu nên đã cùng với 3.000 người lính đi trốn trên sáu mươi chiếc thuyền. Họ xin phục vụ Chúa Hiền tại Huế. Nhà vua An Nam cho họ một lá thư để trao cho vua Cao Mên lúc ấy là chư hầu của vua An Nam để yêu cầu họ lập nghiệp tại Nam Kỳ khai phá đất hoang. Lúc ấy, Cao Mên đang suy đồi và bị chia hai, phần phía tây chịu ảnh hưởng của Thái Lan còn phía đông theo An Nam. Kể như sẽ bị tiêu diệt. Cuộc chiếm đóng của người Pháp đã cứu được Cao Mên.

Tới Đồng Nai, một viên tướng Tàu tiến về Biên Hoà, còn viên tướng kia đi về Mỹ Tho. Vua Cao Mên tại Saigon (đúng hơn là tại Prei Kor) cảm thấy bị đe dọa từ hai mặt, Mỹ Tho và Biên Hòa nên viết thư xin nhà vua Huế giúp đỡ.

Nhà vua Huế nhân dịp này sát nhập luôn vùng Saigon và cử một tướng tên là Vân đi đánh người Tàu. Vua Saigon đành tự vận để khỏi bị bỏ trong cũi cho chết đói như thói quen thời đó vẫn làm đối với các vị vua thua trận.

Sự can thiệp của triều đình Huế khiến cho một số người Việt được chính phủ khuyến khích tiến xuống phía Nam và dần dần chiếm cả phía Nam.

Vậy thì Saigon, cũng như toàn thể Nam Việt Nam phát sanh từ sự pha trộn của người Cao Mên, những tên giặc cướp và người An Nam phiêu lưu, những người Mã Lai và luôn cả những người Nhật cùng với những đám lính đánh thuê Trung Hoa từ nước Tàu đến.

Cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn làm ông vua trẻ tuổi Nguyễn Ánh phải chạy loạn. Nhà vua có may mắn gặp được một nhân vật đặc biệt là Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau de Behaine, Évêque d’Adran) coi địa phận Nam Kỳ. Giám mục Bá Đa Lộc che chở và giúp đỡ Nguyễn Ánh. Qua trung gian của vị Giám mục khôn khéo đó, Nguyễn Ánh xin vua Pháp che chở và trao Hoàng tử Cảnh và ngọc ấn cho vị giám mục đó.

Ngày 28-11-1787, Hòa ước Versailles được ký, vua Louis 16 cam kết đưa vua Nam Kỳ trở lại ngai vàng, bù lại thì người Pháp được từ đó thông thương ở khắp Nam kỳ và được dùng hải cảng Tourane nữa (tức Đà Nẵng). Nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt nên sự giúp đỡ trên không thể thực hiện được.

Ngày 24-7-1789, Giám mục Bá Đa Lộc vượt Vũng Tàu, điều khiển ba chiếc tàu chiến, trong đó có chiếc Méduse và một đoàn chí nguyện quân 400 người Pháp do chính Giám mục tuyển mộ. Nguyễn Ánh đã chiếm được Saigon là một vị trí không có tầm quan trọng lớn và nhà vua  đó chờ quân tiếp viện.

Giám mục Bá Đa Lộc là Tổng trưởng Chiến tranh kiêm Tổng trưởng Ngoại giao cho vua Gia Long trong mười năm sau đó. Chính vị Giám mục ấy đã biến cải những nhóm người theo vua Gia Long thành một đạo quân tân tiến, được những người tình nguyện giỏi điều khiển.

Quân Tây Sơn thua phải chạy trốn. Nguyễn Ánh chiếm Huế rồi lấy Hà Nội (20-7-1802). Nhà vua được vua Tàu phong vương nhưng vẫn phải thần phục nước Tàu. Giám mục Bá Đa Lộc đã chết trước đó ít lâu và được chôn ở cửa ngõ Saigon trong một ngôi mộ hùng vĩ. Ngày nay, ở quanh ngôi mộ chỉ còn những nhà lụp xụp. Và kẽm gai. Binh sĩ đã đặt những bao cát để lập vị trí ở đó. Lại một lần nữa, Giám mục Bá Đa Lộc tự thấy mình ở tuyến đầu.

Các vị vua kế tiếp vua Gia Long đã ngược đãi và hành hạ những người theo đạo Thiên Chúa. Có những vụ chém giết người Công giáo. Vua Nã Phá Luân III lúc ấy đang cần có một vài chiến thắng quân sự nên đã muốn lấy cớ bảo vệ ngựời Công giáo để can thiệp.

Saigon bị chiếm đóng ngày 17-2-1859.

Sau này, Saigon trở thành một trong những thành phố dễ chịu nhất ở Viễn Đông. Đời sống  đó nhẹ nhàng, nhất là đối với những người Âu Châu.

Bến tàu Saigon được trang bị, một đường xe lửa nối liền Saigon với Hà Nội. Dưới sự cai trị của Toàn quyền Paul Doumer, Đông Dương thuộc Pháp được hình thành. Mặc dầu có những lực lượng quốc gia kháng chiến nhưng đa số dân chúng lựa chọn ngả theo nước Pháp.

Trong trận Thế chiến thứ nhất, chỉ có 2.500 binh sĩ giữ an ninh cho Đông Dương và không có chuyện gì xảy ra, trong khi đó, có gần 100.000 người An Nam sang Pháp chiến đấu và làm việc tại đó.

Nam Kỳ được hưởng quy chế một lãnh thổ của Pháp và Saigon có cái duyên dáng của một tỉnh thuộc nước Pháp chuyển tới vùng nhiệt đới. Dạ hội, thi trồng hoa, triển lãm và những buổi diễn kịch đã làm cho người ta quên những hiểm họa đang đe dọa Đông Dương và nhất là đe dọa Saigon.

Đảng Cộng sản do Hồ Chí Minh cầm đầu và Việt Nam Quốc Dân Đảng bị đàn áp tàn nhẫn nhưng ở Saigon, ai lo lắng đến chuyện ấy, ngoại trừ một vài chuyên viên của Phòng An ninh và của Vệ binh Đông Dương?

Điều kỳ lạ là năm 1939, khi chiến tranh bùng nổ, sự yên tĩnh ngự trị khắp Đông Dương. Đó cũng là thời kỳ phồn thịnh lớn lao. Giá gạo và cao su lên cao, đường xe lửa xuyên Đông Dương đã được hoàn thành và nối liền Saigon với Hà Nội trong năm mươi giờ. Những kẻ gây rối thì đã bị nhốt tù.

Chưa bao giờ, người bản xứ và người Pháp gần gũi với nhau như vậy. Người ta mờì chào nhau, cả một thế hệ được đào tạo để suy nghĩ theo đường lối của Pháp.

Thất bại năm 1940. Đông Dương bị cắt rời khỏi nước Pháp và ở trong tình trạng ấy năm năm. Ngày 18-6, Nhật gởi tối hậu thư cho Toàn quyền Catroux. Trong hai mươi bốn giờ, ông ta phải đóng cửa biên giới với Trung Hoa và phải để cho các công chức của Nhật kiểm soát việc ấy.

Trong thực tế, vì không có quân đội và máy bay, kêu gọi nước Mỹ giúp mà chẳng thấy gì, Catroux đành cúi đầu. Decoux thay thế phải chịu những sự nhượng bộ khác: bỏ các phi trường Hà Nội, Lào Kay và cảng Hải Phòng. Để đổi lấy một sự thừa nhận mơ hồ về chủ quyền của Pháp tại Đông Dương.

Kempetai, cơ quan mật vụ của Nhật, tìm cách làm cho nhân dân nổi dậy chống người Pháp, nhất Jà những giáo phái chính trị ở Nam Kỳ: Cao Đài, Hòa Hảo, và một số bộ mặt quốc gia. Các nước đồng minh tiếp tục không giúp người Pháp.

Đô đốc Decoux và nhóm người của ông ta chống cự từng chút, tuyên bố là theo chính phủ Vichy nhưng lại sống hoàn toàn tự trị, không được sự giúp đỡ, không có chỉ thị, tuyệt vọng tìm sự ủng hộ của dân chúng Việt Nam trong khi khối dân đó đang bị những người quốc gia, những người cộng sản và điệp viên Nhật lôi kéo.

Ngày 9-3-1945, là ngày dùng sức mạnh. Quân Nhật tấn công bất ngờ. Quân Pháp bị loại trừ và bị cầm tù ở Saigon, bị tàn sát ở Lạng Sơn. Không có chính phủ trung ương nữa.

Biết rằng đã thua trận, người Nhật muốn rằng trước khi sụp đổ, họ kéo luôn cả Đông Nam Á vào một cuộc thánh chiến rộng lớn chống người da trắng.

Người Pháp ở Saigon phải qua những giờ khó khăn. Họ bị tập trung vào một khu phố. Quen sống trưởng giả rồi, họ bị dồn lần vào với nhau và không có người giúp việc. Họ đã trải qua cảnh ấy một cách chật vật.

Vào lúc Nhật đầu hàng thì Hà Nội và Huế rơi vào tay Việt Minh. Bảo Đại theo họ. Tại Saigon, một Mặt trận Quốc gia Thống nhất do Nhật lập ra bị cộng sản thao túng mau lẹ. Cờ đỏ bay từ biên giới Trung Hoa tới mũi Cà Mau.

Ngày 2-9-1945, Hồ Chí Minh tuyên bố tại Hà Nội rằng toàn thể Việt Nam được độc lập và lập một nước Dân chủ Cộng hòa. Tại Ba Lê, người ta không biết chuyện gì xảy ra và người ta lập những kế hoạch từ trên mây xanh.

Nếu Việt Minh nắm chắc lấy được miền Bắc thì lại không có việc ấy ở Nam Kỳ. Ngay tại Saigon, sự rối loạn diễn ra dữ dội. Bọn trộm cướp ở Khánh Hội, Chợ Lớn, Đa Kao tràn ra khắp nơi. Ở cửa ngõ thành phố, bên kia sông Saigon, bọn cướp Bình Xuyên lập căn cứ để đột kích vào các vùng ngoại ô. Trốt kít, cộng sản, thanh niên Tiền phong, và Cao Đài thi nhau hoạt động trong khi ở gần các trại lính Nhật, việc mua bán khí giới diễn ra một cách qui mô.

Cộng sản không kiểm soát được dân chúng. Người Anh tới tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật lại phải dùng ngay chính những người Nhật để giữ trật tự trong khi người Nhật lại đi đôi với những người nổi loạn.

Ngày 2-9, một nhà truyền giáo bị ám sát  trước cửa nhà thờ. Một số người xách động đã làm cho đám đông dân chúng tới cướp phá nhà của những người Pháp. Hàng trăm người Pháp bị bắt giữ. Nhiều người chết và bị thương.

Quân Pháp có 2.000 người trong số đó có 1.400 tù binh chiến tranh mà người ta tái võ trang, chỉ chiếm giữ trại của Trung đoàn 11 RIC là nơi có một số người Việt Nam thân Pháp đang trú ẩn. Quân Anh-Ân có chừng 1.800.

Ngày 24-9, hàng chục người Pháp bị ám sát tại khu vực bến tàu, và ngày 25, tại cư xá Herault, ngay giữa khu người Âu, 150 người Pháp và Pháp lai, đàn ông, đàn bà và trẻ em bị tàn sát trong những điều kiện đặc biệt tối tăm. 150 người khác bị bắt giữ làm con tin. Tất cả xảy ra trong hai giờ, trong sự ghê tởm và trong sự rối loạn.

Vì sợ mang tiếng là thực dân khi tiếp xúc với tân chính quyền Pháp, người cộng sản đã nhúng tay vào máu. Họ còn muốn làm dữ hơn cả những giáo phái và bọn trộm cướp  Đakao mà những người Âu Châu muốn đồng hóa với cộng sản. Do đó, khó có thể nói chuyện được với cộng sản. Hai mươi bốn năm yên ổn dưới chế độ thuộc địa và sống không lo nghĩ, Saigon tìm lại được bộ mặt kia, bộ mặt đáng sợ. Ở đâu ra bộ mặt đáng sợ ấy? Từ những rối loạn nguyên thủy?

Ngày 5-10, các chiến xa của Tướng Leclerc đi trên đường Catinat giữa cơn giông, dưới những cột nước. Trận chiến tranh Đông Dương vừa mới bắt đầu. Được bình định mau lẹ, từ nay, Saigon được đứng ngoài chiến tranh. Trừ có hai lần, lần thứ nhất là thời kỳ chiến tranh giáo phái năm 1955 và lần thứ hai là Tết 1968. Nhưng Sàigòn sẽ trắng trợn và tận tình khai thác cuộc chiến này.

Tại sân lộ thiên của khách sạn Continental lúc bảy giờ tối ngày thứ Sáu, 25-4-1975. Tôi nhậu một ly với vài ký giả cùng đến Saigon để tham dự ngày tàn của Saigon. Những ký giả cũ không còn đó nữa. Bodard, Ullman, Clos và tất cả những ký giả khác, những người mà người ta gọi là ký giả Á Châu. Schoendorffer không tới được vì đang viết một cuốn tiểu thuyết. Bernard Fall đã đạp phải mìn.

Chung quanh chúng tôi là đạo quân quen thuộc của những gái điếm, hành khất, thương binh thứ thiệt hoặc thứ giả đưa khúc xương cụt ra. Và những đứa trẻ cứ bám lấy như ruồi, đuổi không chịu đi. Chúng rình rập sẵn sàng cung cấp tất cả những gì mà chúng ta muốn, gái hoặc trai, bất cứ thứ ma túy nào. Và sẽ cướp túi tiền của chúng tôi nếu chúng có cơ hội.

Ở phía bên kia đường, những tủ nhỏ bán thuốc lá lẻ. Thật là yên tĩnh! Chiến tranh ở đâu?

Nhưng tại Tân Sơn Nhất, nhiều chuyến xe ca đổ xuống sân chờ đợi những người Mỹ và Việt. Chẳng cần khai quan thuế hoặc khai với cảnh sát, họ chui thẳng vào bụng máy bay khổng lồ Galaxy. Những máy bay này cất cánh ngay sau đó. Phần nhiều là vào lúc đêm tối.

Từ hai đến ba ngàn người tị nạn vượt qua những lực lượng cảnh sát để tìm cách chiếm lấy một trong những chiếc máy bay này. Người Mỹ dự trù di tản 130.000 người Việt Nam mà họ cho rằng họ có một “nghĩa vụ tinh thần”, trong số đó, có 30.000 người xếp loại là có thể mất mạng nếu ở lại Việt Nam. Có lẽ ba chục người đã đi thoát. Mới hôm trước, người Mỹ tưởng rằng còn có thể có được một tuần và có thể đi thoát bằng cách tăng những chuyến bay C-130 và C-141. Những tin tức quân sự rất tồi tệ. Vị trí Xuân Lộc không bị phá vỡ nhưng đã bị vượt qua và Sư đoàn 18 bảo vệ Xuân Lộc phải rút về Trảng Bàng ở giữa đường từ Saigon đến Xuân Lộc. Sự thất thủ của Hàm Tân đã làm cho Vũng Tàu bỏ ngỏ, nơi đây có thể dùng để thực hiện một cuộc di tản ồ ạt. Người Mỹ có lẽ đã dự trù đổ bộ vài ngàn Thủy quân Lục chiến để giữ một hành lang giữa Saigon và Vũng Tàu. Đã trễ rồi. Pháo binh hạng nặng của cộng sản đã dội vào căn cứ không quân Biên Hòa.

Nếu Biên Hòa rơi -chẳng ai ngăn cản được sự thất thủ ấy-thì Nam Việt Nam sẽ chỉ còn dùng được một sân bay: Tân Sơn Nhất. Chỉ cần vài hỏa tiễn là đủ làm tê liệt sân bay ấy.

Hai ngân hàng Chase Manhattan và First National City vừa mới đóng cửa. Ngân hàng Mỹ quốc cũng theo chân. Phần lớn các hãng hàng không, trừ Air France, UTA và hàng không Việt Nam, không cung cấp chuyến bay nào nữa: vì rằng các máy bay C-130 và C-140 của Mỹ dường như đã gặp hỏa lực của địch quân.

Hương, ông già khả kính thay thế Tướng Thiệu, đang tham khảo Đại sứ Pháp, Đại sứ Mỹ và một vài nhân vật địa phương mà tên họ đã bị chìm vào quên lãng. Ông ta nghiên cứu tình hình. Một cách chăm chú. Ông ta đã có những biện pháp quan trọng. Phải chăng ông ta đã thay thế Tướng Đô trưởng Saigon bằng một đại tá?

Đó là ngày tàn mà tôi vẫn không tin. Đã bao nhiêu lần, Saigon được cứu nguy bằng một phép lạ. Nhưng lần này, người ta không còn nhìn thấy cách nào để có phép lạ nữa. Bốn sư đoàn đáng lẽ phải bảo vệ thủ đô thì đã bị cô lập trong thực tế.

Giới nghiêm lúc tám giờ tối. Chúng tôi ăn tối ở vườn rau của khách sạn. Một hỏa tiễn chiếu sáng lơ lửng một lúc ở đầu cây dù. Từ phòng của tôi, tôi nhìn ra ngoài đường vắng. Không một ai, không có cả toán tuần tiểu nữa. Trong đêm có vài tiếng súng nhưng ở xa. Ngày mai, tôi hy vọng là Merlin (chuyên viên hình) và Marthurin (chuyên viên âm thanh) sẽ tới nhập bọn với tôi. Đáng lẽ họ đã phải đi vào Cao Mên qua ngả Lào nhưng không được.

Đang có những chuyện lạ tại Nam Vang. Sự “giải phóng” thành phố bắt đầu bằng một buổi lễ và chấm dứt bằng những cuộc tàn sát và một cuộc lưu đày ồ ạt dân chúng Nam Vang.

Chúng ta sẽ được thấy thứ “giải phóng” nào tại Saigon? 

Tiếp theo chương 2

No comments:

Post a Comment