Tuesday, August 16, 2022

NHÀ BIÊN KHẢO PHẠM KIM VINH - FB Khiết Nguyễn



Cách nay khoảng 2, 3 năm, có vài bạn trẻ nhắn tin cho tôi, thắc mắc về mấy đoạn trong một vài cuốn sách của ông Phạm Kim Vinh. Tôi đọc xong rồi vì bận rộn quá nên quên hồi âm cho các bạn đó. Đến tuần trước, lại có một bạn khác nhắn tin cho tôi, tỏ ý rất buồn bực về mấy câu mà ông Phạm Kim Vinh đã viết. Lần này thì tôi không dám quên trả lời vì bạn trẻ này nhận xét rất đúng. Hơn nữa, bạn đó bày tỏ sự buồn bực không phải vì cảm tính cá nhân mà vì ông Phạm Kim Vinh đã viết hoặc chuyển dịch những điều mà một người biết suy nghĩ chín chắn sẽ không làm như ông. Vậy nên tôi viết lên đây một bài ngắn này.
Ông Phạm Kim Vinh thuộc hàng cha, chú của chúng tôi vì ông thua thân phụ của chúng tôi chỉ 9 tuổi. Trong quân đội, ông hơn cả thượng cấp của chúng tôi vì ông xuất thân Khoá 3 Đống Đa tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức, cùng với danh tướng Nguyễn Khoa Nam. Như vậy, ông đáng cho cá nhân chúng tôi nể trọng. Về sự nghiệp biên khảo của ông, ông là một trong những người viết nhiều nhất về Việt Nam và về Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà kể từ khi chúng ta mất nước cho đến khi ông mãn phần. Nói chung, cá nhân chúng tôi không chê ông Phạm Kim Vinh một điểm nào qua các tác phẩm của ông. Tuy vậy, chúng tôi không đồng ý với một số điểm mà ông đã viết. Chúng tôi xin lần lượt trình bày như sau.
Trước hết, chúng ta nói về Trận Ấp Bắc I. Trận này, phía Việt Cộng nói rằng chúng thắng lớn. Thật ra, chúng được tiếng qua trận này là dám kéo về đánh chúng ta, nhưng rồi chúng cũng phải bỏ chạy. Phía quân ta thì tuy không thua nhưng bị thiệt hại nặng. Người thuật lại trận này khá trung thực là Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá. Ông là một trong ba đơn vị trưởng tham gia trận này.
Ông Phạm Kim Vinh khi thuật lại trận này đã bỏ sót một điều rất quan trọng. Theo ông, chúng ta "thua" là vì có ba ông đơn vị trưởng tham chiến thì không ông nào chịu tuân lệnh ông nào nên không có một sự đồng nhất về tiến quân. Có ông còn tự nhận là "Người của Cụ Diệm" nên bắt hai ông kia phải tuân lệnh mình. Kế đến, ông Phạm Kim Vinh nhận xét rằng tại chúng ta bổ nhiệm một trung tá vào chức tư lệnh sư đoàn trong khi lẽ ra đó phải là một cấp tướng. Chúng ta lần lượt xem lại sự việc này.
Nếu xem lại trận đánh này, chúng ta sẽ thấy ngay, rằng quân ta bị thiệt hại nặng là do sai lầm của Trung Tá John Paul Vann, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn 7 Bộ Binh.
Theo tin tình báo mới nhất của Sư Đoàn 7 Bộ Binh, cộng quân tập trung tại Ấp Bắc. Trong khi đó, Vann lại tin rằng chúng đặt bộ chỉ huy của chúng tại Tân Thới với ba đại đội bao quanh. Vậy nên Vann quyết định rằng trực thăng của Hoa Kỳ sẽ đổ Trung Đoàn 11 Bộ Binh do Thiếu Tá Nguyễn Duy Bách chỉ huy xuống gần Ấp Bắc và rồi từ đó đánh vào. Trung Tá Bùi Đình Đam, tân Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh không đồng ý. Thế nhưng phi đoàn trực thăng Hoa Kỳ chỉ tuân lệnh Vann chứ không tuân lệnh Trung Tá Đạm. Thế là quân ta được đổ xuống khu vực phía tây-nam Ấp Bắc là nơi cộng quân phòng thủ mạnh nhất. Kết quả, chúng ta bị thương vong nặng ở nơi này.
Ông Phạm Kim Vinh thì lại chú trọng đến cấp bậc của Trung Tá Bùi Đình Đạm. Ông nhân đó, nhận xét rằng giới lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà đã sai lầm khi bổ nhiệm các quân nhân có cấp bậc quá thấp vào các chức vụ quá to lớn. Ông nêu thí dụ rằng trong Quân Đội Hoa Kỳ, cấp chuẩn tướng (brigadier) chỉ được làm tư lệnh lữ đoàn trong khi phía Việt Nam Cộng Hoà thì chỉ mang cấp trung tá là đã được giữ chức tư lệnh sư đoàn. Ông kết luận rằng chúng ta thất bại sau này một phần cũng là vì bảng cấp số không được thực hiện đúng đắn, tức là cho các sĩ quan cấp tá không đủ khả năng và kinh nghiệm giữ các chức vụ chỉ huy cấp binh đoàn.
Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi một nhà biên khảo chuyên nghiệp như ông Phạm Kim Vinh đưa ra một nhận xét như vậy.
Trước hết, chúng ta cần nhìn vào thực tế, rằng vào thời gian đó chúng ta không có đủ sĩ quan cấp tướng đáng tin cậy để bổ nhiệm vào các chức vụ trọng yếu.
Thứ hai, các đơn vị của Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà - lúc đó - và Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà - sau này - có cấp số khác hẳn với Quân Đội Hoa Kỳ. Một sư đoàn bộ binh của Hoa Kỳ rất hùng hậu chứ không như một sư đoàn bộ binh của chúng ta. Như thế, Hoa Kỳ bổ nhiệm một thiếu tướng vào chức vụ tư lệnh sư đoàn không có nghĩa là phía Việt Nam cũng phải làm theo như vậy trong mọi trường hợp.
Sau hết, đại đa số các đơn vị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà về sau đều có cấp chỉ huy, tư lệnh với cấp bậc đúng theo bảng cấp số, có khi còn cao hơn. Chúng ta có tư lệnh các sư đoàn Nhảy Dù và Thuỷ Quân Lục Chiến mang cấp bậc trung tướng. Chúng ta có các tư lệnh sư đoàn bộ binh mang cấp bậc thiếu tướng. Như vậy, ông Phạm Kim Vinh căn cứ vào đâu để kết luận rằng vì chúng ta bổ nhiệm các sĩ quan vào các chức vụ trọng yếu không đúng với bảng cấp số nên thất bại?
Kế đến, về chương trình Ấp Chiến Lược, ông Phạm Kim Vinh cho rằng nó đã thất bại. Theo ông, sự thất bại của Ấp Chiến Lược là do đồng bào của chúng ta không có tinh thần quốc gia như Mã Lai Á và Phi Luật Tân trước đó.
Cá nhân chúng tôi đã xem lại nhiều báo cáo của CIA, của các cơ quan cố vấn Hoa Kỳ. Không một cá nhân, không một cơ cấu nào của họ nhận xét rằng chương trình Ấp Chiến Lược của Việt Nam Cộng Hoà là một thất bại. Họ có xác nhận rằng tại nhiều nơi, việc thực thi không được suôn sẻ là vì có những đồng bào muốn sống rải rác, không muốn dời vào các vùng tập trung.
Ông Phạm Kim Vinh thì nhận xét rằng chương trình Ấp Chiến Lược thất bại nhưng lại không nói rõ nó đã thất bại như thế nào.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà tôi nhận thấy không thể đồng ý với ông Phạm Kim Vinh là phần dịch thuật của ông.
Trong một đoạn dịch từ một tác phẩm của một nhà báo ngoại quốc về cuộc triệt thoái Cao Nguyên, tháng Ba, 1975, có nói về việc Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gọi ra thì không liên lạc được với ai, ngoại trừ Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất. Ông Phạm Kim Vinh viết rằng "Được nói chuyện với tổng thống, tên Tất thích quá."
Cá nhân chúng tôi đã từng chứng kiến các sĩ quan trẻ bắt tay Tổng Thống, trả lời các câu hỏi của Tổng Thống. Chúng tôi chưa hề thấy một vị nào "tỏ vẻ thích quá vì được nói chuyện với tổng thống." Không rõ nguyên tác viết như thế nào mà ông Phạm Kim Vinh viết lại như trên,, nhất là hai chữ TÊN TẤT.
Cũng trong đoạn đó, nhà báo ngoại quốc nói trên bay xuống miền Tây gặp Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam. Ông Phạm Kim Vinh kể lại rằng Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã tươi cười nói với nhà báo đó rằng "Ông xuống đây để hỏi tôi vê những điều mà bọn khốn trên đó không muốn nói với ông, phải không?" Chúng tôi không rõ sự thật như thế nào, Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam đã hỏi như thế nào mà ông Phạm Kim Vinh lại viết như thế. Là bạn cùng khoá với Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, chắc chắn ông phải biết rằng vị danh tướng đó không bao giờ dùng ngôn từ như thế để chỉ các thượng cấp của mình ở Sài Gòn.
Sau hết là dịch phẩm Vĩnh Biệt Sài Gòn mà ông Phạm Kim Vinh chuyển ngữ từ một tác phẩm không rõ tựa đề của Jean Larteguy. Trong cuốn này, dịch giả Phạm Kim Vinh đã viết rằng tên tướng nằm vùng đê hèn Nguyễn Hữu Hạnh là "một viên tướng dũng cảm hồi hưu". Ông Phạm Kim Vinh còn viết - hay dịch - rằng vào ngày 27 tháng Tư 1975 thì Sư Đoàn 8 Bộ Binh và Sư Đoàn 5 Bộ Binh đã hoàn toàn tan vợ. Để bảo vệ Sài Gòn, chỉ còn một sư đoàn, vài đơn vị Nhay Dù và vài đơn vị dân quân tự vệ Hố Nai. Trên thực tế, chúng ta đã biết rằng trưa ngày 30 tháng Tư, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh tại Lai Khê vẫn còn nguyên vẹn.
Qua những dịch phẩm của Phạm Kim Vinh, cá nhân chúng tôi xin nói thẳng ra đây như sau. Dịch giả hoặc đã diễn dịch theo ý mình, hoặc mượn tác phẩm của người khác để chửi rủa theo ý mình. Mà không thì, cho dù nguyên tác có viết đúng như thế đi chăng nữa, một người có chút lương tri sẽ không bao giờ chuyển dịch những bài, những cuốn sách được viết một cách bất lương như thế để kiếm ăn.
Sau hết, chúng tôi xin nói tóm tắt về ngôn từ mà ông Phạm Kim Vinh sử dụng. Trong tất cả các tác phẩm cũng như dịch phẩm của mình, ông đều gọi Tổng Thống Việt Nam Cộng Hoà là TÊN THIỆU, hoặc Y TA, hoặc HẮN TA. Một nhà biên khảo chuyên nghiệp mà dùng nhân xưng đại danh từ một cách đầy thành kiến và bất kính như thế thì không thể nào có những nhận xét và tường thuật một cách trung thực được về một số nhân vật nào đó, hoặc một số sự việc nào đó.
Cũng như tất cả những người Việt Nam cầm bút khác, ông Phạm Kim Vinh không thể là một tác giả hoàn hảo. Vì thế, chúng ta không dám trông mong rằng ông tường thuật và nhận xét một cách TUYỆT ĐỐI TRUNG THỰC. Thay vào đó, chúng ta phải chấp nhận sự TƯƠNG ĐỐI TRUNG THỰC mà thôi. Chính vì thế mà cá nhân chúng tôi tuy rằng không đồng ý với nhiều điểm mà ông Phạm Kim Vinh đã viết, vẫn nể trọng ông. Bởi vì, ông đã viết nhiều, và viết đúng hơn là sai. Nếu chúng ta biết hài lòng với sự tương đối thì ông Phạm Kim Vinh xứng đáng có một vị trí cao hơn rất nhiều tác giả khác viết về chiến tranh Việt Nam.
Đính kèm là phóng ảnh hai trang trong một dịch phẩm của ông Phạm Kim Vinh, Vĩnh Biệt Sài Gòn. Các bạn đọc và tuỳ nghi nhận xét.

 Tiếp theo chương 1

No comments:

Post a Comment