Thursday, August 4, 2022

Chương III ĐỒI 1062 Mặt Trận Thượng Đức - Đời Chiến Binh - Trương Dưỡng - Lữ Giang - Trận Thượng Đức

Chương III
ĐỒI 1062

Mặt Trận Thượng Đức

Đồi một không sáu hai
Nhiều mìn bẫy chông gai
Cộng quân kiềng chốt sẵn
Lính Dù quyết ra tay

SƠ LƯỢC DIỄN TIẾN (6)

Vào mùa thu năm 1974, áp lực địch lại Vùng I Chiến Thuật gia tăng khủng khiếp; Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn đã họp các Tư Lệnh quân, binh chủng bàn kế hoạch phòng thủ cuối cùng trên toàn Quân khu I. Đặc biệt những điểm “Nóng” như Huế, Chu Lai, và Đà Nẵng, bản doanh của Quân đoàn I.

Tại mặt trận Thường Đức, Sư đoàn Dù đã chiến thắng vẻ vang trên ngọn đồi 1062. Nữ tướng Nguyễn thị Định hiên ngang tuyên bố sẽ vào Đà Nẵng như chỗ không người. Lời tuyên bố ngạo mạn đó đã bị các chiến sĩ dũng cảm Nhảy Dù xóa sổ và niêm phong. Viên Tư Lệnh lực lượng CSBV tại Thường Đức phải mất chức do bị thiệt hại nặng nề.

Trong suốt năm tháng miệt mài quần thảo với dân chơi Hồ Gươm BV, các chiến sĩ Dù chưa từng thấy chiến trường nào mà quân Cộng Sản lại làm hầm hố vô cùng kiên cố như mặt trận Thường Đức. Những hầm chữ A để chống bom được đào sâu như những giếng nước, hoặc làm dưới những khe suối được che chở bằng vách đá và cây rừng cổ thụ. Đường dây điện thoại chằng chịt như mạng lưới điện thoại ở thành phố Sàigòn. Mọi sự liên lạc vô tuyến hạn chế để tránh bị ta phát giác. Tuy nhiên phòng Truyền Tin của Sư đoàn Nhảy Dù cũng đã bắt được những mật điện quan trọng của địch, và đã giải hóa một cách dễ dàng. Nhờ vậy ta đã biết được kế hoạch điều quân của các lực lượng tham chiến CSBV tại Thường Đức.

Các chiến sĩ Dù đã quần thảo với địch trên những đỉnh núi cao liên tục không giây phút ngừng nghỉ. Miền rừng núi trùng điệp, hiểm trở và cao chất ngất không làm sờn lòng chiến đấu của những chiến sĩ trẻ Nhảy Dù. Tuổi đời đầy nhựa sống yêu đương, nhưng họ nào sá chi tấm thân nam nhi, từ bỏ những vui chơi nhộn nhịp, để một lòng bảo vệ non sông, cho đồng bào miền Nam được thở không khí Tự Do và Thanh Bình.

Từ chân núi nhìn lên đỉnh cao vời vợi, người chiến sĩ Dù nghĩ đến sự tiếp vận khó khăn của địch và ta, một bịch gạo, một băng đạn, được chuyển vận thật là cả một vấn đề, thật gay go, gian nan, và khổ cực (phải dùng dây kéo lên). Nhất là nước đâu để có thể nấu ăn trên những rặng núi cao ngất từng mây.

Những khó khăn về địa hình địa vật cho trận chiến, tuy nhiên, đã có bài toán giải đáp do thiên nhiên tạo ra. Thật thơ mộng, thật trữ tình, những thác nước cuồn cuộn ngày đêm như dâng hiến cho người chiến sĩ Dù trầm mình thoải mái sau những phen đụng độ nẩy lửa với quân thù. Họ đã ngồi lại từng giờ để thả hồn theo bọt nước bắn tung lên không gian, như những hạt kim cương đang vờn giỡn với lính chiến hoa Dù. Thiên nhiên đã giàu sang hóa đời người chiến sĩ. Họ có cả một vũ trụ bên mình!

Năm 1973, sau khi Hiệp định Đình chiến được ký kết tại Paris; chiến cuộc Việt Nam tạm ngưng, 2 Sư đoàn tổng trừ bị (Nhảy Dù và TQLC) vẫn còn lưu giữ tại Quân khu I. Lấy quốc lộ I làm ranh giới; Sư đoàn Nhảy Dù trấn giữ phía Tây, dọc theo hành lang dãy Trường Sơn, và trách nhiệm luôn phần bảo vệ an ninh quốc lộ I, từ cây số 17 ra tới bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị). Sư đoàn TQLC trấn giữ phía Đông, từ quốc lộ I ra đến bờ biển, đến tận Cổ Thành Quảng Trị ở phía Bắc.

Các đơn vị thuộc SĐND chiếm những cao địa, tiến sâu vào dãy Trường Sơn gần các căn cứ Ann (Động Ông Đô), Barbara (đã giành lại được trong cuộc tổng phản công tái chiếm Quảng Trị). Đây là 2 căn cứ chiến thuật chế ngự toàn vùng hành quân.

Từ Nam cây số 17 (căn cứ Hiệp Khánh, BTL/SDND) là trách nhiệm của các đơn vị cơ hữu thuộc Quân Đoàn I: SĐ1BB trấn đóng ở phía Bắc đèo Hải Vân; phía Nam là trách nhiệm của SĐ3BB và SĐ2BB. Cả hai khu vực Bắc và Nam Hải Vân đều có các đơn vị Biệt động quân, Địa Phương Quân…

Đối diện với SĐND là Sư đoàn 325 Trị Thiên. Gọi là Sư đoàn Trị Thiên thực ra bộ đội của sư đoàn nầy rất trẻ và nói toàn giọng Bắc. Tình hình tổng quát tại Quân khu I lúc nầy tương đối yên tĩnh.

Vào những tháng cuối năm 1974, sau khi trao đổi tù binh với Mỹ đã xong, CSBV bắt đầu vi phạm mạnh Hiệp định Ba Lê 27/1/1973, thực hiện ý đồ xâm lăng thôn tính miền Nam bằng võ lực. Qua các cuộc trắc nghiệm xem phản ứng của Hoa Kỳ bằng cách vi phạm Hiệp ước, địch đánh chiếm thị trấn Phước Long (cuối năm 1974) và một số thị trấn thuộc QĐ III. Thấy Hoa Kỳ không có phản ứng gì, CSBV bắt đầu tung các đơn vị chủ lực vào cuộc xâm lược Miền Nam Việt Nam. Bộ binh, Pháo binh, Cơ giới… địch ngang nhiên di chuyển hàng hàng lớp lớp giữa ban ngày, không cần ngụy trang ẩn nấp như xưa.

Cộng Sản Bắc Việt mở mặt trận lớn đầu tiên tại Vùng I Chiến thuật, với ý đồ cầm chân các đơn vị thiện chiến Tổng Trừ Bị của ta. Hai Sư đoàn chủ lực 304 và 324, cùng các Trung đoàn Pháo, chiến xa,.. của địch bất thần đánh chiếm quận Thường Đức thuộc tỉnh Quảng Nam.

Là một điểm chiến lược vì địa thế núi rừng hiểm trở dễ thủ khó công. Thường Đức ở phía Tây Nam Đà Nẵng khoảng 50 cây số, và phía Tây giáp với Lào, nơi có đường mòn Hồ chí Minh, phát xuất từ Nghệ Tỉnh, dọc theo biên giới Hạ Lào, chia nhánh rẽ qua Lao Bảo, Khe Sanh, thung lũng Ba Lòng, Ashau, Thường Đức, Kontum,…Chạy dài theo QL 14 xuống Nam tới Bình Long, Tây Ninh. Cộng quân ngày đêm chuyển vận quân dụng tiếp tế cho mặt trận Thường Đức nầy.

Trong vòng 2 năm, sau hiệp định Ba Lê, địch đã không ngừng tu bổ đường mòn và biến thành “Xa lộ không đèn”, bề rộng mặt đường hơn 10 thước, xe chạy hai chiều. Ngoài ra Cộng quân còn lập hệ thống dẫn dầu từ Bắc vào đến tận Lộc Ninh. Địch cũng đã tăng cường chuyển vận bộ đội chính quy, vũ khí, và chiến cụ vào miền Nam gấp nhiều lần so với lúc trước.

Tình hình Quân khu I đổi khác ngay vào cuối năm 1974; áp lực địch gia tăng mạnh mẽ ở phía Nam đèo Hải Vân.

Ngày 8/8/1974, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù cùng 3 tiểu đoàn trực thuộc vào vùng hành quân ở Đại Lộc thuộc Đà Nẵng. Trước đó 1 ngày, Tiểu đoàn 79 BĐQ bị quân Cộng sản Bắc Việt gây áp lực nặng nề tại vùng trách nhiệm ở quận lỵ Thường Đức.

Ngày 11/8/1974, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù được lệnh cùng 3 tiểu đoàn di chuyển bằng phi cơ xuống phi trường Đà Nẵng sau khi bàn giao khu vực trách nhiệm cho Liên đoàn 15 Biệt động quân. Bộ Tư lệnh Sư đoàn Nhảy Dù đặt bản doanh lại gần bờ biển Non Nước, phía Đông thành phố Đà Nẵng.

Một dãy núi cao chạy dài từ sông Vu Gia và Liên tỉnh lộ 4 về phía Bắc, những ngọn đồi thấp ở phía Nam của dãy núi nầy đã bị Trung đoàn 29 CSBV chiếm giữ, mà đã ngăn chận mọi tiếp tế của đơn vị Biệt động quân xuyên qua đèo Thường Đức.

Điểm cao nhất (1235) của dãy núi nầy cách TL4 khoảng 6 cây số về phía Bắc, và đỉnh 1062 ở phía Nam của 1235 khoảng 2 cây số; địch quân đã chiếm đỉnh nầy để có thể quan sát đoạn đường từ Đại Lộc đến Thường Đức, và địch đặt tiền sát viên điều chỉnh pháo binh bắn chính xác vào khu dân cư và các đơn vị bạn ở Đại Lộc. Nhiệm vụ của các đơn vị Nhảy Dù là phải chiếm đỉnh đồi 1062 và các cao điểm phía Nam tới TL4. Để giải tỏa sự hăm dọa tấn công các vùng phía Tây Đà Nẵng, Lữ đoàn 3 Nhảy Dù được giao phó nhiệm vụ ngăn chận địch xâm nhập vùng quận Hiếu Đức.

Ngày 18/8/1974, 3 Tiểu đoàn 1, 8, và 9 Nhảy Dù vừa vượt tuyến xuất phát thì đã chạm trán với những đơn vị thuộc Trung đoàn 29 CSBV ở phía Đông đồi 52 (xã Hà Nha), chính nơi đây Sư đoàn 3 Bộ binh đã phải rút lui chiến thuật do áp lực địch quá đông đảo và vũ khí tối tân hơn!

Sau một tháng đánh nhau với 3 tiểu đoàn Dù, 2 bên đều bị thiệt hại nặng nề (địch bị nhiều gấp 4 lần ta). Mặt Trận B3 ra lệnh Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 2 CSBV tới Thường Đức để tiếp ứng cho Trung đoàn 66 của Sư đoàn 304 CSBV. Như vậy Trung đoàn 66 có thể giúp đỡ Trung đoàn 29, để họ rảnh tay tấn công các đơn vị Nhảy Dù.

Đầu tháng 9/1974, Trung đoàn 24 của Sư đoàn Điện Biên 304 CSBV cũng nhập vào trận chiến, cuối cùng ngày 19/9/1974, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù báo cáo đã chiếm được đỉnh 1062. Trong khi quân ta đã làm chủ 1062 hơn 2 tuần lễ thì Trung đoàn 66 CSBV hợp với Trung đoàn 29, và Trung đoàn 24 (-) định dùng quân số đông để áp đảo Lữ đoàn 1 Nhảy Dù.

Vào ngày 2/10/1974, Tiểu đoàn 2 và 9 Nhảy Dù đang lục soát ở khu vực 1062 và dãy Sơn Gà, khám phá ra khoảng 300 xác địch trên đỉnh 1062 trong giai đoạn 1 nầy, và bắt sống được 7 tù binh thuộc Sư đoàn 304 CSBV, tức Sư đoàn Điện Biên, sư đoàn thiện chiến hàng đầu của tướng CSBV Võ Nguyên Giáp.

Suốt mấy tuần sau, các chiến sĩ Dù đã chống trả nhiều cuộc tấn công của Sư đoàn 304, địch định giành lại 1062. Bởi sự điều khiển phi pháo tài tình của các sĩ quan chỉ huy Nhảy Dù, nên các đơn vị Dù vẫn giữ vững 1062 mặc dầu địch đã pháo kích mãnh liệt rồi dùng chiến thuật biển người thí quân định tràn ngập 1062. Một trường hợp ngẫu nhiên, khi Trung đoàn 24 CSBV đang xâm nhập vào vùng tử địa (hỏa tập tiên liệu) ở dọc theo đồi 383 và 126 thì bị hỏa lực tập trung của Pháo binh ta đồng loạt khai hỏa gây 250 địch quân bị thiệt mạng.

Tính đến trung tuần tháng 10/1974, sau gần 2 tháng quần thảo với hai Sư đoàn 2 và 304 CSBV, LĐ1ND gồm 4 Tiểu đoàn tham chiến bị tổn thất vừa chết và bị thương khoảng 500 chiến sĩ ! Địch bị thiệt mất trên 1200 người và 14 tù binh thuộc 304 .

Ngày 29 tháng 10 năm 1974, Trung đoàn 24 CSBV, sau khi được tái bổ sung và tái trang bị, đã mở một cuộc tấn công khác vào đỉnh 1062, địch dùng súng phóng hỏa “Đốt” 1062, khiến các lực lượng Dù phải rút khỏi đỉnh đồi nầy!

Ngày 1/11/1974, đồi 1062 lại một lần nữa bị địch chiếm giữ!

Trong khi ở Bắc Hải Vân, áp lực địch rất nặng vì quân Dù bị rút đi, Trung tướng Trưởng không chấp thuận đề nghị kéo quân Dù về bảo vệ Bắc Hải Vân, ông còn lệnh cho Tướng Lê Quang Lưỡng phải lấy lại đồi 1062 với bất cứ giá nào. Cuộc phản công bắt đầu vào ngày 8/11/1974, và chỉ 3 ngày sau, lực lượng Dù đã chiếm lại đồi 1062. Quân ta thành lập tuyến phòng thủ trên các triền núi, đập tan những toán đặc công cuồng tín định quấy phá quân Dù, khoảng 20 tên đã bị Trinh sát Dù hạ thủ.

Dầu cho cuộc giằng co giữa hai bên còn kéo dài thêm vài tuần nữa, lực lượng Dù tiếp lục bung rộng vùng kiểm soát, cuộc chiến đấu đẫm máu nhất từ ngày ký Hiệp Định ngừng bắn coi như chấm dứt. Sư đoàn Dù đã bị hy sinh gần 500 chiến sĩ, và khoảng 2000 bị thương. Địch quân chết 2000 và bị thương 5000 người (tài liệu của Col. William E. Legro trong “Vietnam from Cease-Fire to Capitulation”).

Bảy tiểu đoàn Dù (trong 9 tiểu đoàn) đã lâm chiến suốt 3 tháng, với 3 tiểu đoàn đánh thẳng vào mục tiêu chính là đồi 1062, các tiểu đoàn còn lại hoạt động xung quanh vùng hành quân để bảo vệ an ninh hậu tuyến và làm lực lượng trừ bị, sẵn sàng thay thế các lực lượng chính. Và bởi trung tuần tháng 10/74, 6 tiểu đoàn đã lần lượt ngự trị ngọn đồi máu 1062 nầy, địch đã dòm ngó quân Dù trên đỉnh 1235, nhưng Tướng Lưỡng không đủ lực lượng để kiểm soát luôn dãy đồi cao nầy, đồng thời địch vì tiêu hao quá nhiều nên cũng không dám trở lại tấn công đơn vị thiện chiến của SĐND. (Thiếu tá Võ văn Huệ – K20ĐL, khi ở Đà Nẵng, một cai tù CS hỏi: “Lính gì mặc áo rằn ri đánh ở trận Thường Đức sao liều mạng, hăng máu, và dữ tợn quá vậy? Huệ trả lời: “Đó là lính Nhảy Dù”)

Vào cuối năm 1974, chỉ còn TĐ1ND và TĐ7ND ở lại giữ vùng 1062 nầy, họ đặt BCH tại đỉnh Đông Lâm, khoảng 4 cây số phía Đông 1062. Mùa mưa đến, cả hai bên cần thời gian để chuẩn bị cho mùa khô kế tiếp.

(6) W.E. LeGro – Vietnam from Cease-Fire to Capitulation

DIỄN TIẾN CHI TIẾT

Cộng quân tấn chiếm các xã, quận, và căn cứ quân sự của ta ở Quảng Nam, Đà Nẵng, và Quảng Ngãi.

Sự việc mất các đồn lũy xảy ra thường xuyên; câu nói thông thường lúc bấy giờ là “Mất liên lạc”: Quận A “Mất liên lạc”; đồn B “Mất liên lạc” ….

Mất liên lạc cũng đồng nghĩa với “Di tản chiến thuật” của hồi Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972; và mọi người đều hiểu quân ta đã rút lui và địch đã chiếm mất rồi !!!

Ngay cả khu đồng bằng Quảng Đà, nơi có bản doanh Quân Đoàn I và phi trường lớn Đà Nẵng cũng bị lay động, lâm nguy!

Quận lỵ Thường Đức “Mất liên lạc”, phi trường Đà Nẵng và bản doanh Quân Đoàn I thường xuyên bị pháo kích. Các đơn vị địa phương (SĐ1BB, SĐ2BB, ĐPQ, NQ) hầu như bị địch bao vây tấn công tràn ngập và bị mất liên lạc nhiều nơi.

Áp lực địch nặng nề đến nỗi dân Đại Lộc đã phải gồng gánh, bồng bế nhau chạy ra thị xã Đà Nẵng.

Đức Tổng giám mục Phạm Ngọc Chi đã có lần tâm sự với các quân nhân Sư đoàn Nhảy Dù như sau:

– Tình hình tại đây làm cha lo quá; mất xã, mất quận, và mất các cứ điểm quân sự hầu như xảy ra liên tục; cho đến cả Đà Nẵng cũng bị pháo kích nữa! Giống như ngày xưa, lúc cha còn ở Bùi Chu chuẩn bị dìu dắt giáo dân vào Nam. Chỉ khác một điều là khi xưa đất nước mình còn có miền Nam để vào, chứ bây giờ thì chạy đi đâu? Lo âu, sầu não đè nặng tâm tư, cha chỉ còn biết cầu nguyện!

Ngay khi hay tin Thường Đức bị thất thủ, Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh chiến trường vùng Hỏa Tuyến, đã biết rõ ý đồ của địch. Ông cho rằng chúng định lợi dụng địa thế hiểm trở chiến lược của vùng rừng núi trùng điệp xung quanh đồi 1062 để bày binh bố trận (chiến xa, biển người, và trận địa pháo), thách đố và cầm chân các đơn vị thiện chiến Tổng Trừ Bị.

Do đó Tướng Trưởng đã cho lệnh di chuyển pháo binh nặng của Quân đoàn I, gồm các pháo đội đại bác 175 ly và 155 ly tới Đại Lộc, gần Thường Đức; đồng thời điều động 2 Lữ đoàn Dù (-) vào tăng cường nhằm thanh toán 2 Sư đoàn chính quy CS Bắc Việt. Đây là trận đánh đẫm máu lớn nhất giữa ta và địch kể từ khi có hiệp định ngưng bắn Ba Lê 27/1/1973!

Vào thời điểm 1973-1974, biết mình không còn là lực lượng trừ bị để phản ứng khi cần; Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư lệnh SĐND đã tâm sự với các sĩ quan tham mưu:

– Lực lượng mình đang bị cầm chân dọc theo dãy Trường Sơn (Barbara, Ann, Mỹ Chánh ); bây giờ nếu địch tấn công và chọc thủng phòng tuyến, tràn theo hành lang sông An Lỗ vào đồng bằng Trị Thiên. Anh em mình chắc chỉ còn đường ra biển!!

Mối lo không có lực lượng trừ bị là một dằn vặt thường trực với vị Tư lệnh trẻ tuổi nầy.

Quả vậy, đây chỉ là nói giả dụ tới việc địch tấn công vào khu vực trách nhiệm của SĐND thôi; nếu địch thọc sâu cắt đứt đèo Hải Vân làm cho Nam, Bắc Hải Vân không còn tiếp ứng được cho nhau nữa thì sẽ ra sao ?

Chắc ước tính của Quân đoàn I là: cuộc tấn công sắp tới của địch sẽ theo trục Bắc – Nam giống như Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972. Do đó, Quân đoàn đã dồn nỗ lực đào hầm, đặt chướng ngại vật chống chiến xa ở bờ Nam sông Mỹ Chánh, chuẩn bị phòng thủ rất chu đáo.

Riêng Tướng Lưỡng và Bộ Tham mưu Sư đoàn không đồng ý như vậy. Cuộc tấn công lần nầy của địch chắc không tốn kém, hao tổn sức lực như năm 1972, mà chúng chỉ cần chọc mũi dùi thật lẹ và mạnh từ Tây sang Đông, cắt đứt khu vực Quân đoàn I làm đôi ở đèo Hải Vân thì sẽ dụ lực lượng trừ bị tới giải tỏa như vậy coi như một chiến thắng đáng kể của chúng rồi !

Với mối lo âu ấy, làm sao có được trong tay lực lượng trừ bị khá mạnh để có thể phản ứng ngay khi tình hình đòi hỏi?

Và sau đây là kế hoạch để có quân trừ bị của Sư đoàn Nhảy Dù:

Giảm quân số tại hậu cứ, các văn phòng, các đơn vị hành chánh, yểm trợ tiếp vận, và ngay cả trung tâm huấn luyện cũng phải giảm bớt để dồn ra vùng hành quân. Chuyển 2000 thặng số quân y cho bệnh viện Cộng Hòa quản lý (nhờ vậy ta có thêm 2000 quân để bổ sung và tăng cường). Tại khu vực hành quân, các Tiểu đoàn cũng trích quân số để lập thành những đại đội đặc biệt.

Bộ chỉ huy LĐ2ND được chỉ định huấn luyện kỹ thuật tác chiến (từ quy ước tới không quy ước), ngay cả kỷ thuật đặc công, và được mang danh hiệu là các “Đại đội Đa Năng”.

Việc thành lập và huấn luyện các đại đội đa năng nầy làm các ông trong tòa Đại sứ Mỹ quan tâm, thắc mắc nhiều. Các phái đoàn tùy viên quân sự ngoại quốc tới thăm SĐND đều đặt câu hỏi về đơn vị đa năng :

* Ngân sách nào cung ứng để thành lập?

* Lập các đơn vị nầy để làm gì ?

* Có bao nhiêu đơn vị đa năng ?

* Ở cấp nào ? đại đội hay tiểu đoàn ?

* Tại sao lại gọi là Đa Năng ?

Ban Tham mưu Sư đoàn đã được Tướng Lưỡng ra lệnh cứ giải thích cho họ biết. Chính phủ và quân đội không mất đồng xu nào để có được các đơn vị nầy, kể cả trang bị. Tất cả đều nằm trong phương trình như x = a+b+c; và chúng tôi có 12 đại đội đa năng trong Sư đoàn Nhảy Dù; nếu gọi các đơn vị nầy là “d” thì a+b+c+d cũng vẫn bằng x thôi.

Và cuối năm 1973, SĐND đã có trong tay 12 đại đội đa năng dùng làm trừ bị. Lúc cần thành lập tiểu đoàn, lực lượng nầy sẽ là 3 tiểu đoàn hay một lữ đoàn trừ bị.

Với lực lượng đa năng nầy, vùng đóng quân của bộ chỉ huy và bản doanh sư đoàn có thêm sự an toàn; có thể dẹp yên mọi quấy rối của địch; kể cả du kích ở hậu tuyến.

Tình hình tổng quát vào thời điểm giữa năm 1974: tình hình Bắc Hải Vân tương đối yên tĩnh, trong khi vùng Nam Hải Vân rất sôi động và nguy ngập. Thượng tuần tháng 7/1974, SĐND nhận được lệnh khẩn cấp từ Quân đoàn I : “Đưa ngay lực lượng Nhảy Dù vào Quảng Đà; chỉ để lại một Lữ đoàn (+) ở Bắc Hải Vân cho dân chúng khỏi hoang mang rúng động”.

Tướng Lưỡng lệnh cho Sư đoàn (-) gồm LĐ1 và LĐ3 vào Đà Nẵng; trước khi đi ông nói với ban tham mưu: “Mình sẽ vào Đại Lộc; lấy được quận Thường Đức địch sẽ đánh thẳng vào Đà Nẵng!”

Chỉ tay vào bản đồ Tướng Lưỡng nói tiếp:

– Sau khi các bộ phận của mình đã vào tuyến xuất phát, ta sẽ cho nỗ lực chính tiến theo đường đỉnh dãy núi Sơn Gà; rồi trực chỉ Thường Đức. Nỗ lực chính sẽ là LĐ1ND. Trong khi đó Lữ đoàn 3 lục soát xung quanh thung lũng Đại Lộc, và làm thành phần trừ bị sẵn sàng tiếp ứng cho LĐ1ND.

Tình hình địch lúc bấy giờ là Sư đoàn 324 đang chiếm đánh Thường Đức. Lữ đoàn 2 Nhảy Dù và một tiểu đoàn Đa Năng ở lại trấn giữ Bắc đèo Hải Vân.

Trên phương diện tình báo, khi các cánh quân Nhảy Dù tới tuyến xuất phát; kiểm thính qua dàn máy vô tuyến điện báo của Sư đoàn; bất ngờ vào đúng tần số liên lạc của đối phương.

Nghe chúng báo cáo với nhau như sau : “Ngụy Dù đang ở Tây Đại Lộc…, TĐ1ND tại xã…, TĐ9ND đang di chuyển từ A …. tới C…., TĐ8ND đang ở làng…”.

Báo cáo của địch rất chính xác về vị trí của các đơn vị Dù. Đại úy Phước, sĩ quan truyền tin SĐND, ngoài đặc tính siêng năng, cần mẫn, và cẩn thận, anh còn rất thích thú dò tìm tần số liên lạc của địch.

Khi những báo cáo của địch ngưng, anh lại rà máy tìm ra địch ở tần số khác và tiếp tục nghe được các báo cáo của chúng về Nhảy Dù.

Biết được như vậy, Tướng Lưỡng sửa đổi kế hoạch; cho lệnh Lữ đoàn 1 cứ để các tiểu đoàn chính ở chỗ mà địch đã biết, ông tung các đại đội Đa Năng 19, 21, 27 bất ngờ lấn chiếm các cao điểm; di chuyển về trái, tiến sâu về phải … Cứ hoán chuyển vị trí liên tục cho đến khi tới sát được Thường Đức …Và các báo cáo của địch sau nầy cho thấy có sự bỡ ngỡ, hoang mang! Nghe địch hỏi nhau là các đơn vị của Dù hay của các đơn vị khác tới tăng cường?

Hết lệnh cho các Đại đội Đa Năng 19, 21. 27 lại đến lệnh cho Đa Năng 1, 2, 3 tung quân đột kích nhiều hướng. Thế là địch không còn báo cáo chính xác vì sự biến hóa linh động của các đơn vị Dù.

Trận đánh đẫm máu, lớn nhất giữa ta và địch kể từ khi có Hiệp Định ngưng bắn 27/1/1973, khi Lữ đoàn I ND và các đơn vị tăng cường xuất trận vào thay thế Trung đoàn 2 của Sư đoàn 3 Bộ binh.

Ngay khi đoàn xe chở quân vừa tới làng Hà Nha 1 ở dưới chân núi cách Thường Đức 10 cây số về hướng Đông, Cộng quân đã pháo kích ‘‘Chào mừng” bằng nhiều loạt đạn khác nhau. Một số dân chúng chạy theo lính Địa Phương Quân, thấy Nhảy Dù đến liền ngừng lại. Một niềm tin mãnh liệt chợt bừng lên đối với những người dân khốn khổ sống trong vùng rừng núi hoang vu nầy. Đi đâu thì cũng “Đất cày lên sỏi đá!”. Họ chỉ có một hy vọng nhỏ nhoi là trở lại sinh sống trong những căn nhà tranh với những luống ngô khoai bên triền núi cao, mà họ đã đổ mồ hôi canh tác trong nhiều tháng qua!

Trung tá Nguyễn văn Đỉnh – K15 ĐL, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, một sĩ quan trẻ tuổi tài ba; anh từng lập nhiều chiến tích trong SĐND, trận Đại Bàng 800, trận Mậu Thân, trận Hạ Lào, hành quân tái chiếm Quảng trị,… nhất là trận Bình Long, An Lộc, anh đã chỉ huy Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đổ bộ trực thăng vào Đồi Gió, sau đó đã mở đường máu từ Tân Khai, Xa Trạch, lên Xa Cam bắt tay với Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù trong thị xã An Lộc.


Trong Giai đoạn I, Trung tá Đĩnh ra lệnh cho Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù dọc theo TL4 chiếm làng Hà Nha và bảo vệ cánh trái. Đại đội 83 của Đại úy Hiệu được lệnh đánh chiếm 2 làng Hà Nha 1, Hà Nha 2 để giải tỏa đồn Địa Phương Quân, cứ điểm cuối cùng của lực lượng phòng thủ trong quận Đại Lộc nầy. Khi vừa gần tới bờ làng thì gặp sự kháng cự mạnh mẽ của địch. Hiệu thấy đơn vị vừa mới xuống xe, binh sĩ chưa ăn uống. Bên kia sông địch lại đặt đại bác không giật bắn vào chiến sĩ Dù (một chiếc xe vừa chạy gần tới Đại đội 83 thì bị bắn cháy).

Hiệu đề nghị rút lui để cho Pháo binh dập, nhưng Thiếu tá Vân sợ dân làng bị liên lụy, nên thúc Hiệu cứ tấn công vào. Chấp hành lệnh, Hiệu dàn cả hai trung đội xung phong thần tốc, địch hốt hoảng bỏ chạy. Ta chiếm được làng Hà Nha với một giá rất đắt: hai Trung đội trưởng tài giỏi nhất của Hiệu là thiếu úy Tiến và thiếu úy Thành bị hy sinh, Đại úy Hiệu hoàn thành nhiệm vụ nhưng lòng rất xót xa!

TĐ1ND chiếm đỉnh cao Đông Lâm trên dãy Sơn Gà bảo vệ sườn phải; TĐ9ND đi trục chính đánh chiếm đám rừng tràm, hướng về mục tiêu: đồi 1062.

Giai đoạn II, Tiểu đoàn 8 làm nỗ lực chính, chia quân hai cánh, cánh phải do Thiếu tá Trần Toán chỉ huy tiến về hướng điểm C thay thế TĐ1ND trên đỉnh Sơn Gà, mục tiêu là đồi 1062.

Thiếu tá Vân, XLTV Tiểu đoàn trưởng TĐ8ND, cho lệnh Đại đội 81 của Đại úy Võ Thế Hùng đi đầu; bọc hậu có Đại đội 82 của Trung úy Hùng “ốm”. Tiểu đoàn trừ do Thiếu tá Trần Toán – K18ĐL, chỉ huy. Anh cho Đại đội 83 của Đại úy Phạm văn Hiệu – K23ĐL, đi chính diện, và Đại úy Đồng văn Minh – K26TĐ, dẫn đại đội 84 đi sườn phải, tiến lên hướng 1062.

Thành phần nỗ lực chính của Lữ đoàn I Nhảy Dù bắt đầu xung trận, khi các đơn vị vừa vượt tuyến xuất phát khoảng 1 cây số, thì chạm địch mạnh với quân số áp đảo, họ phải giành giật từng ngôi nhà, từng gốc cây trên con đường độc đạo dẫn vào quận Thường Đức.

Đoạn đường dài hơn 5 cây số, bên trái là sông Vu Gia, bên phải là những triền núi thuộc dãy Sơn Gà. Chiến xa và pháo binh địch bố trí bên kia sông có lẽ để giữ BCH Hành Quân. Chủ lực quân của địch tập trung trên các đỉnh cao phía sau quận Thường Đức; Cộng quân đang chiếm giữ các đỉnh 1062, điểm cao 1235, 383, 293, 126, và đóng chốt dọc theo các sườn núi.

Đoạn đường 5 cây số vô cùng gian nan hiểm trở, với nhiều bẫy và pháo tập gài sẵn của địch. Đây quả thật là một thử thách, đo lường sự can đảm, kinh nghiệm và kỷ thuật chiến đấu của các chiến sĩ Dù trước khi họ thực sự tham dự một trận đánh để đời quanh ngọn đồi đẫm máu 1062.

Giai đoạn đầu, đội hình tấn công của Lữ đoàn 1 Nhảy Dù như sau (xem sơ đồ đính kèm): Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù (TĐ9ND) giữ trục chính ở giữa; TĐ8ND đi cánh trái, dọc theo trục lộ sát bờ sông Vu Gia, tiến chiếm làng Hà Nha 1 và Hà Nha 2 ở phía Đông đồn Địa Phương Quân cũ (trên cao điểm 52), một mục tiêu của giai đoạn I; TĐ1ND đi cánh phải, tiến chiếm cao điểm Đông Lâm (mục tiêu A), rồi theo đường đỉnh dãy Sơn Gà tiến hướng Tây tới 1062.


TĐ9ND giữ trục chính, đi dọc theo cánh đồng rộng phía Bắc sông Vu Gia, chiếm lĩnh dãy đồi thấp có rừng chồi che phủ. Từ dãy đồi thấp phía Nam dãy Sơn Gà, trung úy Nhơn, ĐĐT/ĐĐ92, trung úy Thăng, ĐĐT/ĐĐ94, Đại úy Trọng – K25TĐ – ĐĐT/ĐĐ91, cùng Đại đội 93 của Đại úy Tửu muốn đến đồi 383 để tiến sát tới đỉnh 1062, họ còn phải hăng qua 1 cánh rừng tràm nữa, các chiến sĩ của TĐ9 không sao qua đến được bìa rừng dưới chân núi Đông Lâm, vì hỏa lực từ cứ điểm B trên sườn núi chế ngự. Cứ điểm nầy vô cùng kiên cố, vừa ở cao, vừa được che chở bởi các tảng đá lớn chồng lên nhau, TĐ9 đã dùng rất nhiều phi pháo nhưng vẫn không tiêu diệt được! Đại úy Tửu bị thương chân nên Đại úy Tường từ ĐĐ90 ra thay thế.

 



Nói đến ngày 30.4.1975 và những ngày cuối cùng của Miến Nam Việt Nam mà không nói đến trận đánh Thường Đức là một thiếu sót rất lớn, vì đây là trận đánh quyến định số phận của Miền Nam Việt Nam.

Người Pháp, chính phủ Ngô Đình Diệm và người Mỹ đều thấy rất rõ rằng nếu không giữ được cái chốt Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng, Cộng quân sẽ từ vùng rừng núi cao ở Thừa Thiên đổ xuống Quảng Nam theo con đường 14 do Pháp thành lập dọc theo dãy Trường Sơn, rồi tiến đánh Cao Nguyên Trung Phần và toàn Miền Nam, do đó họ đã thiết lập và duy trì những căn cứ rất vững chắc ở Thường Đức, không cho Cộng quân đi lọt qua. Lúc đó, muốn đi vào Cao Nguyên hay miền Nam, Cộng quân phải làm con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào rồi đổ xuống vùng Tam Biên hay Kampuchia. Đây là con đường rất dài, hiểm trở và không thể đặt ống dẫn dầu… nên khó chuyển quân và tiếp liệu nhanh để đánh lớn được.

Nhưng sau khi Mỹ đi rồi, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư Lệnh Vùng I Chiến Thuật, không có tầm nhìn chiến lược nên coi thường cái chốt Thượng Đức. Các tài liệu được tiết lộ sau này còn cho thấy Tướng Ngô Quang Trưởng chẳng những không quyết tâm giữ Thường Đức mà còn muốn bỏ mất cái chốt này để Cộng quân có thể đưa lực lượng xuống miền Nam, làm nhẹ áp lực quân sự tại hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên, nơi ông đang có trách nhiệm bảo vệ!

SƠ LƯỢC KẾ HOẠCH CỦA HÀ NỘI
Như chúng tôi đã trình bày nhiều lần, các tài liệu cho biết sau khi ký Hiệp Định Paris, Hà Nội đã lập ngay kế hoạch đánh chiếm Miền Nam, kế hoạch đó có thể được tóm lược như sau: Đưa quân vào Phước Long và Bình Long rồi đánh thẳng vào đầu não của miền Nam là Sài Gòn, bỏ qua các tỉnh miền Trung. Muốn đưa quân vào hai tỉnh này, Hà Nội phải cho khai thông con đường 14 từ Nghệ An đến Phước Long dài khoảng 1.380km. Hà Nội cho biết nếu phải vận chuyển bằng con đường Tây Trường Sơn trên đất Lào, từ Nghệ Tĩnh vào đến Pleiku, quân đội Miền Bắc phải mất ít nhất 6 tháng. Trái lại, nếu vận chuyển bằng đường 14, thường được gọi là đường Đông Trường Sơn, trên lãnh thổ Miền Nam, chỉ mất có một tháng. Trong cuốn “Đại Thắng Mùa Xuân” xuất bản năm 1976, Tướng Văn Tiến Dũng đã viết:

“Một vấn đề then chốt là phải có hệ thống đường cơ động tốt. Công trình xây dựng con đường chiến lược Đông Trường Sơn bắt đầu từ năm 1973, hoàn thành đầu năm 1975 được xúc tiến với nhịp độ hết sức khẩn trương nối liền từ đường số 9 (Quảng Trị) vào đến miền Đông Nam Bộ là công trình lao động của hơn 30.000 bộ đội và thanh niên xung phong, đưa tổng số chiều dài đường chiến lược và chiến dịch, cũ và mới, làm trong suốt cuộc chiến tranh lên hơn 20.000 kilô mét...

“Dọc theo đường chiến lược Đông Trường Sơn là hệ thống 5.000 kilô mét ống dẫn dầu kéo dài từ Quảng Trị qua Tây Nguyên tới Lộc Ninh, vượt cả sông, suối sâu, núi cao, có ngọn hơn 1000 mét, đủ sức tiếp dầu cho hàng chục ngàn xe các loại vào, ra trên đường...”

Muốn thực hiện kế hoạch này, công việc đầu tiên là phải phá bỏ cái chốt Thường Đức ở phía tây Đà Nẵng, sau đó là cái chốt Đức Lập ở phía tây Ban Mê Thuột.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA THƯỜNG ĐỨC

Khúc đường 14 từ Thừa Thiên vào Quảng Nam – Đà Nẵng rất hiểm trở, phải đi qua hai thung lũng và vực sâu thuộc A Lưới và A Shau (còn gọi là A Sao hay A Sầu) thuộc tỉnh Thừa Thiên, nằm kẹp giữa dãy Động Ngài ở phía đông với độ cao trung bình trên 1.000m và dãy A Bia ở phía tây cao gần 2.000m. Độ cao của hai thung lũng này cách mặt biển khoảng 800m.

Biên giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam - Đà Nẵng dài khoảng 112km tính từ biên giới Lào đến Biển Đông. Phần biên giới giáp với Quảng Nam dài 56,66km, chận ở giữa là hòn Hói cao 1.166m. Phần giáp với Đà Nẵng dài 55,82km có các đỉnh của dãy Bạch Mã ở phía nam quận Phú Lộc cao 1712m và gần Lăng Cô cao 1528m.

Muốn từ Thừa Thiên vào Quảng Nam - Đà Nẵng chỉ có hai con đường: Muốn đi vào Đà Nẵng phải đi theo quốc lộ 1 qua đèo Hãi Vân nằm sát biển. Con đường này đang do Quân Lực VNCH trấn giữ. Muốn xuống Quảng Nam Cộng quân phải đi từ thung lũng A Lưới, A Shau, đến A Đớt thì vòng qua lãnh thổ Lào khoảng 10km rồi quẹo vòng lại và vượt đèo A Yên trên Trường Sơn để vào A Tep (bản đồ Mỹ ghi là Ai Yin Young) thuộc tỉnh Quảng Nam. Qua khỏi A Tep là thung lũng Hiên (người Pháp gọi là Prao) và Giằng. Phía tây Hiên có núi cao đến 1644m. Hiên và Giằng cách nhau khoảng 40km. Nay khúc đường 14 này đã được Hà Nội sửa lại, cho chạy qua hai hầm A Roàng 1 và A Roàng 2 để chui qua Trường Sơn rổi xuống A Tep, không phải đi qua đất Lào như trước nữa. Ngoài hai con đường đó, không còn con đường nào khác.

Hiên và Giằng lúc đầu thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Thời Pháp thuộc, khi làm con đường 14 đi sát chân dãy Trường Sơn, Pháp nhận thấy Hiên và Giằng là điểm chiến lược quan trọng để bảo vệ an ninh, nên đã thiết lập liên tỉnh lộ 4 dài khoảng 40km, nối quốc lộ 1, khúc Điện Bàn, với Giằng ở ngã ba quốc lộ 14 để khi hữu sự có thể điều quân một cách nhanh chóng. Năm 1937, Pháp đã lập Căn Cứ số 6 (Poste No 6) tại đây và làm thêm liên tỉnh lộ 13 dài khoảng 50km, vượt qua một con đèo quanh co khoảng 20 km giữa những cánh rừng nguyên sinh, nối liền Giằng với cửa khẩu Dak Ta Ooc nằm giữa biên giới Lào - Việt, ở độ cao 1.200m, để chế ngự cả vùng phía tây và tây bắc của Quảng Nam – Đà Nẵng.

Sau khi Hà Nội thành lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam để đánh chiếm Miền Nam, ngày 31.7.1962, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã ký Sắc Lệnh số 162-NV tách tỉnh Quảng Nam thành hai tỉnh là Quảng Nam và Quảng Tín để bảo vệ an ninh. Tỉnh Quảng Nam gồm 9 quận và tỉnh Quảng Tín 6 quận. Tại tỉnh Quảng Nam, chính phủ quan tâm đến vùng Hiên và Giằng thuộc quận Đại Lộc, nên đã tách hai vùng này ra khỏi quận Đại Lộc và thành lập một quận riêng gọi là quận Thường Đức (trong văn kiện chính thức là Thường Đức chứ không phải Thượng Đức). Quận lỵ và Chi Khu quận Thường Đức được đặt tại thôn Hà Tân, xã Đại Lãnh, nơi ngã ba sông Côn gặp sông Vu Gia, cạnh liên tỉnh lộ 4. Sở dĩ chính phủ Ngô Đình Diệm cho thành lập quận này là để cắt đứt con đường 14, không cho Cộng quân di chuyển vào Nam.

Không cần có sự đồng ý của chính phủ Phan Huy Quát, ngày 8.3.1965 Hoa Kỳ bắt đầu đổ 1.500 thủy quân lục chiến vào Đà Nẵng và ngày 7.5.1965 đưa thêm 3 tiểu đoàn nữa đến lập căn cứ Chu Lai. Quân đội Hoa Kỳ và Quân Lực VNCH quan tâm ngay đến việc củng cố căn cứ Thường Đức. Một hệ thống công sự liên hoàn đã được xây tại đây gồm 35 lô cốt lớn và hầm ngầm bằng bê tông cốt sắt hai tầng với hàng chục lô cốt tiền đồn và ụ súng nửa chìm nửa nổi ở chung quanh. Khi cuộc chiến xảy ra, mọi hoạt động đều có thể được vận hành ở dưới mặt đất.

Hoa Kỳ không phải chỉ thành lập những tiền đồn để chận Cộng quân ở Thường Đức, mà còn lập ở nhiều tiền đồn ở thung lũng A Shau, A Lưới trong tỉnh Thừa Thiên, nơi khúc đường 14 đổ xuống Hiên và Giằng. Trước đó, chính phủ Ngô Đình Diệm đã cho mở đường 12 từ Huế lên A- Lưới dài khoảng 40km. Quân lực Mỹ đã chiếm điểm cao 935 ở A Shau, có tên là đồi A Bia, và xây dựng căn cứ hoả lực Ripcord tại đây với 1 đại đội pháo 105mm và 1 đại đội cối 106,7mm. Hai tiểu đoàn 2/502 và 2/506 thuộc Sư đoàn Không vận 101 được đưa tới hợp với quân lực VNCH giữ các cứ điểm này. Hai phi trường quân sự đã được xây dựng, một ở A Lưới và một ở A Shau. Tại đồi 935, thường được người Mỹ gọi là “Hambuager Hill” (Đồi Thịt Băm), đã xảy ra một trận đánh gay cấn giữa quân đội Mỹ và Sư Đoàn 324B của Cộng Quân từ ngày 1 đến 23.7.1970. Cựu Ngoại trưởng Colin Powell của Mỹ, lúc đó là Đại úy Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 đóng tại A Shau, đã bị sập hầm chông tại đây. Sau khi rãi chất da cam làm trụi lá, B.52 cũng đã được điều động hằng chục lần đến rải thảm phá nát khu rừng hai bên đường 14 từ A Lưới đến Thường Đức.

Một vài nét về địa hình và lịch sử nói trên cũng đủ cho chúng ta thấy khúc đường 14 từ A Lưới, A Shau và cái chốt Thường Đức quan trọng như thế nào đối với chiến tranh Việt Nam. Nhưng sau Hiệp Định Paris, nhất là sau khi quân đội Mỹ rút đi, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Tướng Ngô Quang Trưởng không có tấm nhìn chiến lược, đã bỏ ngỏ con đường 14 từ Đồng Hà đến Thường Đức và coi thường cái chốt Thường Đức.

CHUẨN BỊ ĐÁNH THƯỜNG ĐỨC

Trong hai năm 1969 và 1970 Cộng quân đã hai lần tấn công Thượng Đức nhưng không kết quả, vì lúc đó lực lượng VNCH còn được Mỹ yểm trợ.

Vào tháng 6/1974, lúc đó kẻ viết bài nầy và một số ký giả đang ngồi uống cà phê ở Sài Gòn thì một tùy viên quân sự Mỹ đến và nói họ muốn đưa chúng tôi ra Đà Nẵng để quan sát một mặt trận quan trọng sắp xảy ra. Họ đưa chúng tôi lên máy bay đi Đà Nẵng rồi từ phi trường Đà Nẵng được trực thăng đưa lên Thường Đức. Tại một hầm chỉ huy, chúng tôi được ngồi nghe trình bày về các hoạt động của Cộng quân chung quanh căn cứ Thường Đức. Sau này chúng tôi mới biết đó là hầm của Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 79. Tiếp theo, chúng tôi được trực thăng chở bay quanh Thường Đức một vòng để chỉ cho thấy những vùng Cộng quân đang làm đường và đặt ống dẫn dầu... Chúng tôi có hỏi tại sao không phá đi thì được trả lời rằng đã cho phá nhiều lần, nhưng phá xong chúng lại làm lại. Chỉ có B.52 mới phá hủy hết được, nhưng B.52 không còn. Thì ra tùy viên quân sự Mỹ đã dùng các ký giả để báo động cho Quân Đoàn 1 biết Cộng quân sắp đánh Thường Đức, nhưng Tướng Ngô Quang Tưởng hình như chẳng quan tâm gì.

Thượng Đức có địa hình rất hiểm trở, ba bề là núi cao, dốc đứng hay song bao bọc. Phía tây dựa vào dãy Trường Sơn với nhiều vách đá dựng đứng, phía nam và đông bắc được bao bọc bởi hợp lưu của sông Vu Gia và sông Côn. Mỹ đã xây sẵn các tiền đồn ở xa để bảo vệ và phát hiện Cộng quân từ xa.

Lực lượng phòng thủ Thường Đức được đóng trên hai ngọn đồi nằm kế cận với nhau như hình con số 8, bên lớn bên nhỏ, theo trục đông tây. Quận lỵ Thường Đức đóng ở đồi nhỏ phía tây do một các toán quân địa phương bảo vệ. Thiếu Tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng mới 30 tuổi làm Quận Trưởng và Đại úy Vũ Trung Tín làm Phó quận. Tiểu đoàn 79 thuộc Liên Đoàn 14 Biệt Động Quân đóng ở đồi lớn phía đông, sau lưng quận lỵ. Đây là một căn cứ do quân đội Mỹ thiết lập trước đây để làm nơi xuất phát của những đơn vị Nhảy Toán. Đến ngày 14.11.1970, sau khi Mỹ rút, căn cứ này được chuyển giao cho TĐ79/BĐQ. Vì là hậu cứ nên ít khi quân của tiểu đoàn này có mặt tại đây. Thỉnh thoảng mới thấy các đại đội của tiểu đoàn này về đây nghĩ dưỡng quân vài tuần sau những cuộc hành quân khắp Quân Khu 1. Tiểu đoàn thường chỉ để lại đây một trung đội với khoảng vài chục binh sĩ để quản trị hậu cứ.

Tiểu đoàn 79 BĐQ do Thiếu Tá Hà Văn Lầu 35 tuổi làm Tiểu Đoàn Trưởng, thuộc quyền điều khiển của Trung Tá Chương Thanh Tòng, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 14 BĐQ. Khi nghe tin Cộng Quân sắp tấn công Thường Đức, cả 4 đại đội của Tiểu đoàn 79 được lệnh trở về hậu cứ. Nhưng Trung Tá Tòng quyết định giữ lại 50 người của Đại Đôi 1 để bảo vệ an ninh Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn đang đóng tại Núi Đất, nên Đại Đôi 1 trở thành đại đội thiếu. Điều này chứng tỏ Tướng Ngô Quan Trưởng chẳng chủ ý gì đến việc bảo vệ Thường Đức.

TRẬN ĐÁNH THƯỜNG ĐỨC

Dựa trên tài liệu “Vietnam from Cease-Fire to Capitulation” (Từ Đình Chiến đến Đầu Hàng) của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ do Đại Tá William E. Le Gro biên soạn, và dựa trên sự tường thuật của các nhân chứng của cả hai bên, chúng tôi xin tóm lược về trận đánh chiếm Thường Đức như sau:

Tài liệu của Cộng quân cho biết lực lượng tham chiến ở Thượng Đức chủ yếu là Sư đoàn 304 (thiếu Trung đoàn 9) do Thượng Tá Lê Công Phê làm Sư đoàn trưởng, được tăng cường bởi Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 324, Tiểu đoàn 1 thuộc Lữ đoàn 219 Công binh, hai Đại đội Tên lửa A72 và B72 của Quân đoàn 2, 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương, một tiểu đoàn đặc công của Quân khu 5, sau đó được tăng cường thêm một đại đội bộ binh có xe tăng và hỏa lực pháo binh. Quân đoàn 2 Cộng quân đã tổ chức một bộ phận tiền phương đi cùng Sư đoàn 304 do Đại tá Hoàng Đan, Phó tư lệnh Quân đoàn phụ trách. Như vậy Đại Tá Hoàng Đan là người chỉ huy mặt trận.

Lực lượng phòng thủ của Quân Lực VNCH gồm có Tiểu đoàn 79 BĐQ, 1 đồn biên phòng, 1 đại đội bảo an, 17 trung đội dân vệ, 1 trung đội pháo binh 105mm, 1 trung đội cảnh sát dã chiến và 1 trung đội thám báo. Toàn bộ lực lượng khoảng 950 người do Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng chỉ huy.

Nhìn tương quan lực lượng chúng ta có thể thấy Thường Đức sẽ bị thua, nhưng vì các công sự ở đây được xây rất vững chắc và các binh sĩ quyết tâm chiến đấu nên việc đánh chiếm không dễ. Lực lượng trong hậu cứ của Tiểu đoàn 79 được phối trí như sau: Đại đội 2 đối phó ở hướng tây bắc, Đại đội 3 hướng đông bắc và Đại đội 4 hướng đông nam, nơi giáp lưng với Văn phòng Quận và là Chi khu Thường Đức. Trên ngọn đồi kế cận nhỏ hơn, về hướng tây, là nơi đóng quân của Đại đội 1.

Lúc 5 giờ sáng ngày 28.7.1974 Cộng quân bắt đầu pháo kích dữ dội vào Thường Đức. Mặc dầu Cộng quân chuyển quân cấp sư đoàn rất rầm rộ, có cả chiến xa và xe vận tải, không có tin tình báo nào dự báo Cộng quân có thể tấn công Thường Đức vào ngày đó và cũng không có lệnh tăng cường phòng thủ Thường Đức.

Buổi tối trước ngày bị tấn công là ngày Trung đội 1 của Đại đội 1 đến phiên trực có nhiệm vụ đi ra nằm tiền đồn bên ngoài phạm vi phòng thủ, cách nơi Đại đội đóng khoảng 1km. Ở đây chỉ có năm ba cái hầm nổi được bao bọc chung quanh và trên đầu bằng những bao cát. Nhiệm vụ của tiền đồn là quan sát và báo cáo tình hình. Ngay từ cuộc pháo kích đầu tiên, trung đội này bị tấn công nặng, không rút lui được. Phải đợi dứt pháo mới rút dần về.

Sáng 30.7.1974, Đại úy Chi Khu Phó Thường Đức bị thương do pháo kích, nhưng các cuộc tấn công của Cộng quân đều bị đẩy lui. Sau đó, phi cơ quan sát của Không Quân nhìn thấy một đoàn xe của Cộng quân đang di chuyển trên liên tỉnh lộ 4 ở phía tây Thường Đức, liền gọi phi cơ đến oanh tạc, phá hủy được 3 chiến xa và nhiều xe vận tải khác.

Ngày 31.7.1974, Cộng quân bắt đầu cho bộ đội tấn công vào Thường Đức. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 79 gọi pháo binh bắn trọng pháo vào ngay Bộ Chĩ Huy của tiểu đoàn. Điều này chứng tỏ Cộng quân đã tràn ngập căn cứ của tiểu đoàn. Được tin này, Tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư Lệnh Sư Đoàn 3, quyết định cho Trung Đoàn 2 thuộc Sư Đoàn này đang ở phía tây Đại Lộc tiến theo liên tỉnh lộ 4 đến giải cứu Thường Đức, nhưng không tiến được. Tướng Hinh phải đưa đại bác 175 ly vào Hiếu Đức để bắn yểm trợ cho Thượng Đức, trong khi đó Không Quân cho máy bay đến oanh tạc vòng đai quanh Thượng Đức. Cộng quân đã thất bại nặng trong đợt tấn công này. Chúng ta hãy nghe một đoạn trong bài “Trận Thượng Đức” của tác giả Trần Hoàng Tiến đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân:

“Ta bị thương vong nhiều mà hàng rào vào quận lỵ vẫn chưa mở hết được. Trung tướng Phạm Xuân Thệ, nguyên Tham mưu phó Trung đoàn 66 bồi hồi: “Khi mở cửa, đơn vị bị tổn thất khá nặng nề. Một số thương binh nằm ngay trước cửa mở, có anh em hy sinh, người nằm vắt trên hàng rào của địch. Càng đau xót, càng căm thù địch sâu sắc, quyết tâm chiếm bằng được mục tiêu, trả thù cho đồng đội”.

Sau đó, Cộng quân đã thay đổi chiến thuật bằng cách đưa pháo chống tăng loại 76,2 mm và cao xạ 37 mm lên đồi cao, bắn thẳng vào lỗ châu mai gióng như khi đánh Điện Biên Phủ. Để làm được việc này, Cộng quân đã huy động 300 dân và bộ đội đưa pháo lên điểm cao 500 mét. Đến nửa đêm 5.8.1974, lúc đầu, các khẩu đại pháo và hỏa tiễn đa nòng đã bắn vào căn cứ Tiểu đoàn 79 như mưa. Các binh sĩ trong căn cứ đã lui vào cố thủ trong hầm ngầm, lô cốt… Cộng quân liền ra lệnh cho các pháo trên đồi hạ tầm và bắn thẳng vào các lỗ châu mai. Ngay từ loạt đạn đầu, Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng đã bị trúng đạn và bị thương nặng. Chúng ta hãy nghe các chiến binh của Tiểu đoàn 79 kể lại:

“Từ trên cao độ, Cộng quân cho pháo bắn thẳng xối xả vào những hầm hố nào còn nhô ra trên mặt đất. Gồng mình hứng trận đòn thù. Lần này chúng tôi có cảm giác họ muốn chôn sống những ai còn lại. Họ muốn dùng hầm hố và giao thông hào làm mồ chôn chúng tôi.

“Dù có thành đồng cốt sắt cũng không làm sao có thể đứng vững trước sự tàn phá khủng khiếp này. Lần lượt, từng cái hầm bị sụp đổ. Từng đoạn giao thông hào bị san bằng. Một trái pháo nổ ngay trên bờ hầm của Trung Úy Tẩm, Đại Đội Trưởng Đại Đội 1, máu từ đầu ông chảy xuống che khuất một bên mắt...”

Tiểu đoàn 79 có nhiều người bị thương nên đã yêu cầu cho trực thăng đến chuyển thương, nhưng Không Quân trả lời rằng chỉ khi nào diệt xong các ổ súng phòng không của Cộng quân quanh Thường Đức, trực thăng mới có thể hạ cánh được.

Điều đáng ngạc nhiên là trong khi mặt trận đang diễn biến, Quân Đoàn I có một phi đoàn rất lớn ở Đà Nẵng, có những toán thám báo hoạt động rất xuất sắc..., nhưng khi Cộng quân xử dụng trên 300 dân làng và bộ đội kéo pháo lên núi quanh Thường Đức cao 500m để tấn công Tiểu Đoàn 79, Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn không hay biết gì hết. Điều này chứng tỏ Bộ Chỉ Huy Quân Đoàn 1 ít quan tâm đến trận Thường Đức. Khi thấy tình hình nguy ngập, Tướng Ngô Quang Trưởng mới đưa ra biện pháp đối phó, nhưng quá muộn và không hiệu quả: Ra lệnh cho một Chi Đội Thiết Giáp M-48 đang đóng ở Tân Mỹ, Thừa Thiên, di chuyển ngay vào Đà Nẵng để giải cứu Thường Đức. Ngày 1.8.1974, khi Chi Đội M-48 vừa đến Đà Nẵng, Tướng Hinh liền cho thiết lập một lực lượng đặc nhiệm gồm có Trung Đoàn 2 Bộ Binh và Thiết đoàn 11 Kỵ Binh đi tái chiếm Thường Đức, nhưng lực lượng này không tiến lên được.

Ngày 5.8.1974, Tướng Hinh liền cho Tiểu Đoàn 2 thuộc Trung Đoàn 2 và Tiểu Đoàn 1 thuộc Trung Đoàn 57 tiến chiếm Đồi 52, nhưng khi còn cách đồi này khoảng 4 cây số thì phải dừng lại vì pháo của Cộng quân quá mạnh. Trong khi đó, Trung đoàn 66 thuộc Sư Đoàn 304 của Cộng quân bắt đầu tấn công vào Thường Đức. Tiểu đoàn 79 cho biết đạn dược và lương thực bắt đầu cạn. Một chiếc A.37 đến thả xuống một gói đồ tiếp tế nhưng bị bay ra ngoài. Chiếc máy bay này quay trở lại thì bị bắn rơi.

Ngày 6 và đêm 7.8.1974, Cộng quân pháo khoảng 1200 trái pháo vào căn cứ Thường Đức, sau đó cho bộ đội tràn vào. Lúc 8 giờ 30 sáng ngày 7.8.1974, Tiểu Đoàn 79 thông báo không còn giữ căn cứ được, phải rút lui và cắt đứt liên lạc. Thường Đức hoàn toàn bị thất thủ. Thiếu tá Hà Văn Lầu và Phó quận Vũ Trung Tín bị bắt sống. Thiếu tá Quận Trưởng Nguyễn Quốc Hùng tự sát. Sau đó Đại úy Vũ Trung Tín cũng tự sát.

Một số binh sĩ của Tiểu Đoàn 79, Nghĩa Quân, Địa Phương Quân, Cảnh Sát, Cảnh Sát Dã Chiến, Nhảy Toán... đã chạy thoát được và di chuyển xuống làng, dân chúng thấy liền chạy theo. Đến bờ sông Côn thì không thể di chuyển được nữa. Hai chiếc ghe chở hai nhóm quân nhân qua sông trước làm đầu cầu. Một số nhỏ Cộng quân đang đuổi theo nên phải vừa đi vừa đánh, dân chúng và những người bị thương theo sau… Ba ngày sau mới đến được Hà Nha. Ở đây rất bình yên, gần như không biết đang có chuyện gì xảy ra. Trên đoạn đường từ Hà Nha về tới Đại Lộc, chẳng thấy một sự kiện nào chứng tỏ rằng đang có những toan tính tiếp viện hay giải vây Chi Khu Thường Đức.

CHỦ TRƯƠNG CỦA TƯỚNG NGÔ QUANG TRƯỞNG?

Sau khi chiếm được Thường Đức, Cộng quân khai thông đường 14, sửa chữa đường, làm cầu, đặt ống dẫn dầu, chuyển quân và vũ khí vào Cao Nguyên và miền Nam bằng xe. Theo con đường 14, từ Thường Đức đi qua mật khu Hiệp Đức, đến Khâm Đức (Phước Sơn) thì vòng lên Kontum, nhưng đến Ngọc Hồi ở phía bắc Kontun, Cộng quân phải dừng lại. Tại đây Quân Lực VNCH đang đóng trên quốc lộ 14 từ Ngọc Hồi đến Ban Mê Thuột. Cộng quân phải mở con đường khác ở trong rừng được gọi là đường 14B vào gần sát biên giới Lào để chuyển quân xuống Đức Lập ở phía tây Ban Mê Thuột. Lúc đó Cộng quân có thể chuyển quân qua Vùng I Chiến thuật từ Khe Sanh đến Khâm Đức như chỗ không người!

Như chúng tôi đã nói ở trước, Tướng Ngô Quang Trưởng chẳng những không nhận ra được tầm quan trọng của việc giữ chốt Thường Đức mà còn muốn mở thông con đường này cho Cộng quân chuyển xuống miền Nam để Vùng I của ông khỏi bị áp lực nặng!

Một phi công A-37 đã cho chúng tôi biết khi anh đang bay đi oanh kích trên vùng Thường Đức, anh thấy một đoàn xe của Cộng quân đang di chuyển trên đường 14, anh đã cho máy bay lao xuống bắn cháy, nhưng sau đó anh bị Tướng Trưởng ra lệnh phạt trọng cấm. Trong cuốn “Cảnh Sát hóa, quốc-sách yểu tử của Việt Nam Cộng Hòa” xuất bản 2002 (trang 243) và trong bài "Từ Phi Trường Đà-Nẵng ra sân bay Gia-Lâm" ông Lê Xuân Nhuận, Chánh Sở Cảnh Sát Khu I, cũng đã kể lại lời tiết lộ của Đại Tá Hoàng Mạnh Đáng, Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 1 như sau:

“Ngồi ở phòng giấy của đại tá Đáng, chúng tôi có dịp nghe + thấy thêm được đôi điều. Tỷ như có lần, đầu năm 1975, nghe điện thoại xong, ông bảo bên kia chờ máy, để ông vào trình Trung Tướng. Ông qua phòng giấy Tướng Ngô Quang Trưởng, trình xong, về trả lời người bên kia:

– Trung tướng chỉ thị anh em Không Quân, khi thấy xe tăng, xe tải, bộ đội của chúng di chuyển trên đường mòn Hồ Chí Minh, dù ở trong tầm oanh kích của ta thì cũng đừng hành động gì, cứ để cho chúng tiếp tục chuyển quân vào Nam...”

Một vài nhà quân sự đã nhận định rằng Tướng Ngô Quang Trưởng chỉ huy từ cấp Trung Đoàn trở xuống rất xuất sắc. Nhưng việc chỉ huy một Quân Đoàn đã vượt khỏi tầm nhìn và khả năng của ông.

Năm 1981 Hà Nội đổi quận Thường Đức thành huyện Giằng và thành lập thị trấn Thạnh Mỹ nằm dọc theo quốc lộ 14, cách Bến Giằng khoảng 10km. Quận lỵ Thượng Đức cũ nay thuộc xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc. Năm 1999, Hà Nội biến vùng Hiên – Giằng thành 3 huyện: Hiên thành Đông Giang và Tây Giang, còn Giằng là Nam Giang. Thượng Đức không còn nữa.
Lữ Giang

No comments:

Post a Comment