Thursday, August 4, 2022

Chương 3B - PHẦN HOẠT ĐỘNG CỦA TĐ8ND - Trương Dưỡng - Đời Lính Chiến

 
PHẦN HOẠT ĐỘNG CỦA TĐ8ND

Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù từ Quảng Trị về nghỉ dưỡng quân và tái trang bị được 2 tuần thì có lệnh đi hành quân trở lại. Vùng hành quân là Thường Đức.

Đúng 6 giờ sáng, tại trại Trần Quy Mại, đơn vị được trang bị đầy đủ cấp số đạn dược, quân trang, quân dụng, lương thực…lên xe GMC ra phi trường Tân Sơn Nhất. Năm chiếc C130 chở quân đáp xuống phi trường Đà Nẵng độ 12 giờ trưa, và đoàn vận tải GMC chở họ đến quận Đại Lộc. Trong khi binh sĩ lo nghỉ ngơi, nấu nướng, thì các sĩ quan từ Đại đội trưởng trở lên vào họp khẩn cấp về cuộc hành quân giải tỏa quận Thường Đức. Sau khi mọi người đứng dậy chào vị chủ tọa là Tướng Lê Quang Lưỡng, các sĩ quan P2, P3, P4 thuyết trình chi tiết về cuộc hành quân. Tướng Tư lệnh SĐND trực tiếp ra lệnh các đơn vị:

– Anh em phải chiếm các cao điểm và đánh bật địch ra khỏi khu vực nầy: muốn như vậy các anh phải đánh địch từ đằng sau lưng, hoặc bọc ngang hông để cắt đứt đường tiếp tế và viện binh

Ông vừa nói vừa chỉ lên bản đồ hành quân và tấm bảng đen chỉ rõ rành mạch. Đây là lần đầu tiên các sĩ quan cấp nhỏ được nghe lệnh trực tiếp từ vị Tư lệnh, mọi người đều hiểu rằng cuộc hành quân nầy thật quan trọng và đầy cam go.

Sau thời gian họp khoảng 45 phút, các chiến sĩ TĐ8 tiếp tục lên xe chạy tới điểm xuất phát cách làng Hà Nha độ 1 cây số về hướng Đông.

Lúc đó vào khoảng 5.30 chiều cùng ngày, ĐĐ83 của Đại úy Phạm văn Hiệu – K23ĐL, được lệnh đánh chiếm Hà Nha; ĐĐ84 của Đại úy Đồng văn Minh – K26TĐ, đi cánh phải chiếm ngọn đồi nhỏ ở phía Bắc Hà Nha.

Hiệu cho lệnh Trung đội 1 của Thiếu úy Tiến (tự Tiến Trầu) dẫn đầu, cho tổ khinh binh dọc theo bờ sông di chuyển theo đội hình chân vẹt yểm trợ cho nhau tiến vào làng. Trung đội 2 của Thiếu úy Nguyễn văn Thành (con trai BS trong BVCH) đi cánh phải kẹp theo tỉnh lộ 4 tới dàn quân tại gò mả, sẵn sàng yểm trợ Trung đội 1.

Trung đội 3 của Thiếu úy Lê Mậu Sức và Trung đội 4 của Chuẩn úy Thạch Huôn làm thành phần trừ bị. Lúc mới xuống xe, Hiệu gặp một tiểu đoàn thuộc SĐ3BB vừa từ Thường Đức đi ra, trong đó có một đại đội trưởng là Trung úy Nguyễn văn Nghĩa – K25ĐL. Hai bạn cùng trường Mẹ gặp nhau mừng mừng lo lo, Nghĩa bảo Hiệu:

– Niên Trưởng phải cẩn thận, địch đông lắm, chúng đang bám sát tụi tôi, chúc “Chiến thắng”!

Trước khi vào mục tiêu. Hiệu nghe máy gọi:

– Đa Hiệu đây 808 (danh hiệu của Thiếu tá TĐT Nguyễn Quang Vân), trả lời!

– Đa Hiệu (danh hiệu truyền tin của Đại úy Phạm văn Hiệu) tôi nghe đích thân.

– Lệnh trên bảo anh phải thanh toán mục tiêu ngay bây giờ. anh là “Cử nhân binh bị” (Võ Bị 4 năm tương đương bằng cử nhân) không thể chậm trễ đừng làm mất mặt nghe!

Khi Trung đội 1 vào gần tới bờ làng thì địch đồng loạt khai hỏa; các chiến sĩ Dù bắn trả mãnh liệt. Trung đội 2 vừa bắn vừa hô xung phong vang rền làm địch hoảng hốt bỏ chạy. Nhờ đó tổ khinh binh của Tiến nhảy vào chiếm được bờ làng, Hiệu bảo Thành ngưng tác xạ, và Tiến dẫn toàn bộ trung đội vào mục tiêu và bung rộng về phía Tây bờ làng.

Sau 40 phút giao tranh, ĐĐ83 hoàn toàn làm chủ làng Hà Nha. Hiệu cho bố trí và làm hầm hố phòng địch phản công. Kết quả tịch thu vài súng cá nhân vì quân số địch cỡ một trung đội, Cộng quân chỉ chống trả yếu vì thấy các chiến sĩ Dù đánh giặc hăng hái và bị nhiều mặt tấn công. Địch tức giận thua trận nên dùng đại bác không giật từ các cao điểm bên kia bờ sông bắn trực xạ vào làng Hà Nha. Xạ trường quan sát của địch thật là chính xác, một xe GMC của SĐ3BB chạy lộn chiều, ngang qua ĐĐ83, lập tức bị bắn cháy, tài xế may mắn chạy khỏi vô sự!

Trong khi binh sĩ ĐĐ83 đào hầm hố, gài mìn claymore, mìn chiếu sáng, đặt lính gác giặc, Hiệu điều chỉnh hỏa tập cận phòng với sĩ quan Tiền sát, anh cận vệ dọn cơm cho Hiệu ăn ở cái bàn nhỏ trước một ngôi nhà tranh. Hiệu thấy trời sáng trăng, sợ địch ở đỉnh cao bên kia sông trông thấy, nên bảo dọn vào nhà. Vừa ăn được nửa chén cơm thì nghe “Đùng” một tiếng, cái bàn gỗ trước nhà bị nguyên một trái SKZ 57 ly (lấy của SĐ3BB) không giật. Hiệu giật mình! Nếu sớm chừng 5 phút thì nguyên tổ chỉ huy của ĐĐ83 đã bị tan tành!

Sau đó địch khai hỏa tứ phía, sơn pháo trực xạ từ các đỉnh núi bên kia sông, hỏa tiễn 122 ly, đại bác 130 ly liên tục pháo kích vào làng Hà Nha. Dứt tiếng pháo thì cả tiểu đoàn địch đồng loạt tấn công biển người vào Đại đội 83.

Nhờ có hố chiến đấu vững chắc, các chiến sĩ Dù đã bắn trả mãnh liệt. Hiệu cho súng cối 60 ly bắn yểm trợ sơ khởi, sĩ quan Tiền sát gọi bắn các hỏa tập cận phòng. Thiếu úy Tiến và Thành ra lệnh bấm mìn claymore, hàng loạt địch ngã gục, súng đại liên M60 và AR15 bắn tới tấp. Hết lớp nầy tới lớp khác, địch cứ nhào tới định lấy thịt đè người tràn ngập mục tiêu làng Hà Nha. Tiến và Thành thật can đảm, 2 anh ra ngay tuyến ngoài đốc thúc binh sĩ chống cự. Nhưng những loạt đạn vô tình đã kết liễu đời 2 người hùng của ĐĐ83.

Hiệu điều động Trung đội 3 của Thiếu úy Lê Mậu Sức qua trám lỗ hổng, nhưng Sức cũng bị thương nặng (phải di tản). Chỉ còn Chuẩn úy Thạch Huôn và Đại úy Hiệu đốc thúc các chiến sĩ Dù cố thủ. Cầm cự đến trời sáng thì địch rút lui để lại rất nhiều vũ khí, xác chết và một số ít tù binh.

Cũng nên nhắc lại rằng làng Hà Nha 1 và 2 là những làng rất nghèo nàn, có khoảng 20 căn nhà (nói là nhà nhưng thật ra đó chỉ là những túp lều tranh nhỏ bé), địa thế trống trải, nên xạ trường quan sát của địch rất tốt. Cộng quân bắn trực xạ bằng đại bác thật chính xác. Chính sĩ quan và một số binh sĩ ta đã bị tổn thất vì loại súng trực xạ nầy!

Ở làng Hà Nha khoảng 4 ngày, ĐĐ83 được bổ sung hai sĩ quan và một số binh sĩ mới (trong đó có Thiếu úy Tiến, HS Hải, và B1 Châu Văn Lê hiện đang ở gần nhà tác giả) để chuẩn bị làm nỗ lực chính tấn chiếm đỉnh 1062 sắp kể sau đây:

Theo kế hoạch. TĐ8ND được điều động lên thay thế Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù để tiếp tục đánh chiếm 1062. Đại úy Hùng vừa đi học khóa Đại đội trưởng ra tăng cường hành quân. Hùng xuất thân từ gốc Thiếu sinh quân, anh rất gan dạ đã sát cánh cùng các Đại úy Minh, Hiệu, và Trung úy Nam từng lập nhiều chiến tích ở các cuộc hành quân Hạ Lào, Campuchia, và An Lộc.

Thiếu tá TĐT Nguyễn Quang Vân – K13TĐ, cho Đại đội 84 của Minh và 83 của Hiệu làm 2 mũi dùi tấn công sườn phải phía Đông 1062. Chờ phi pháo dập nát đỉnh dồi, rồi trời vừa chợp sáng Thiếu tá Vân dẫn Đại đội 81 của Võ Thế Hùng và 82, xuất phát từ chân đèo Thường Đức leo lên dọc theo đường đỉnh về hướng Bắc, mục tiêu là đồi 1062.

Các chiến sĩ TĐ8ND leo dốc đứng (độ nghiêng 70 độ!) đồng loạt tiến về mục tiêu là đỉnh đồi 1062. Đứng trên 1062, ta thấy có 5 đỉnh nhỏ nằm gần nhau, làm thành hình tròn theo thế liên hoàn; mặt hướng về TL4 thì dốc thẳng đứng, rất khó leo. Cộng quân thường dùng giàn thung ném một lần hàng chục quả lựu đạn xuống mỗi khi quân ta tấn công vào mặt nầy, còn các hướng khác thì có 4 đỉnh nhỏ che chở nên 1062 quả là một địa thế dễ thủ khó công! Từ tỉnh lộ 4 muốn leo lên 1062 phải qua những đỉnh nhỏ 126, 383….xuyên qua những yên ngựa chập chùng như sóng gợn!

Hai Đại đội 83 và 84 do Thiếu tá Trần Toán – K18ĐL, chỉ huy, đi băng qua khu vực TĐ9ND tới mục tiêu C của TĐ1ND, bọc vòng lên đỉnh cao bên dãy Sơn Gà để từ mục tiêu C băng qua yên ngựa đánh lên 1062.

Đại đội 81 của Đại úy Võ Thế Hùng và 82 của Trung úy Đỗ Viết Hùng lợi dụng đêm tối lén bò lên đánh vào sườn dốc đứng (vì mặt nầy địch chỉ phòng thủ hời hợt chúng cho là ta không thể nào dám vào hướng nầy, vì sẽ làm mồi cho lựu đạn).

Ba giờ khuya xuất phát tấn công, sau khi cho phi pháo dập nát đỉnh đồi, Hiệu, Minh, và Hùng dẫn đầu các cánh quân trèo lên 1062, ĐĐ82 của Tr/u Hùng “Ốm” (thế Tr/u Nam về LĐ1) làm thành phần trừ bị. Đoạn đường gai góc hiểm trở. Những chiến sĩ Dù dùng kế dương Đông kích Tây; lợi dụng địch đang đang phân tán phòng thủ và bị phi pháo dập liên tục, Hùng, Minh, và Hiệu chia từng tổ 3 người bò lên đỉnh núi, diệt từng chốt nhỏ, rồi leo lên. Đây là những giây phút đùa với tử thần, mà cái chết đến với họ bất cứ lúc nào. Nếu một trái lựu đạn của địch thả trúng, hay bị trượt chân xuống, họ có thế chết tan xác! Trèo lên vách đá dựng đứng, cao hàng trăm thước, trước khi tới miệng hầm, họ dùng lựu đạn tiêu diệt các chốt địch.

Những người chiến sĩ Nhảy Dù gan dạ, anh hùng của các Đại đội 81, 83. và 84 nầy đã phải tránh được từ 5 đến hàng chục quä lựu đạn do địch từ trên cao ném xuống. Muốn sống, muốn chiếm được đồi 1062, họ phải vừa quan sát, vừa trèo, và vừa tránh né làm sao để những trái lựu đạn đừng nổ trên nón sắt hay nổ ở lưng chừng núi.

Không phải ai cũng được bình an lên tới đỉnh núi: Một quả lựu đạn đã rơi trúng nơi trú ẩn của Thiếu úy Đoàn Tấn và Chuẩn úy Đến thuộc ĐĐ81 khiến hai anh bị thương vong. Lúc quả lựu đạn vừa rơi tới, Thiếu úy Tấn định nhào lại lấy thân mình che cho đồng đội, nhưng không kịp nữa! Quả lựu đạn đã tung nổ, khiến hai người bị trúng nhiều mảnh vào chỗ hiểm! Riêng Trung úy Thạch và Thiếu úy Hà Mai Trường – K26ĐL, thuộc Đại đội 84 của Minh, vì quá hăng hái nên cũng bị thương.

Thiếu úy Nguyễn văn Tiến (từ ĐĐ84 chuyển qua bổ sung cho Tiến “Trâu” và Thành vừa hy sinh ở Hà Nha) dẫn Trung đội 3 của Hiệu đi bọc phía sau định leo lên mục tiêu D. Bỗng nghe bịch, bịch, bịch, ba trái lựu đạn từ trên đỉnh 1062 ném xuống mà tịt ngòi không nổ. Nhưng quả thứ tư trúng ngay Tiến, làm thân hình anh bị tung lên như quả bóng! May nhờ áo giáp nên chỉ bị thương nặng và được binh sĩ kéo về phía sau và di tản!

“Cái giá” để chiếm được đồi 1062 thực sự là một cái giá rất cao, cao nhất của chiến trận mà các chiến sĩ Dù đã gặp phải từ trước tới nay! (5 tiểu đoàn Dù bị tổn thất nặng, thảm nhất là Tiểu đoàn 3 của Trung tá Đồng, quân số hao hụt gần 50%!).

Để biết rõ chi tiết trận chiến, chúng ta hãy theo một đơn vị cấp đại đội (ĐĐ83) làm cách nào để đánh chiếm đồi 1062:

Hiệu dẫn đại đội xuyên qua TĐ9ND, tiến về mục tiêu C thay thế ĐĐ11 của Đại úy Trần văn Thể. Thể bảo Hiệu: “Sư đoàn Điện Biên 304 đó”, phải cẩn thận vì địch có lợi thế cao và hầm hố kiên cố. Trên trục tiến quân có rất nhiều chướng ngại vật, cây cối um tùm, và địch đã gài nhiều mìn bẫy. Cộng quân dùng giàn ná phóng mỗi lần hàng chục quả lựu đạn xuống thật nguy hiểm vô cùng! Địch cũng bắn trực xạ bằng đại bác hoặc sơn pháo, vì thế các ĐĐ81 (cánh trái), ĐĐ84 (cánh phải), cùng ĐĐ83 đã thử đột kích đêm nhưng không kết quả!

Địch chỉ ngồi trên cao đạp những tảng đá và liệng lựu đạn chày xuống làm những chốt đóng gần bị thương hằng ngày. Quân số các đại đội cứ hao hụt dần. TĐT Nguyễn Quang Vân thường gọi máy đốc thúc nhưng vì địa thế quá hiểm trở nên các đại đội cứ dậm chân tại chỗ!

Ngày N+4 (sau 4 ngày thay TĐ1ND), vì không thể theo đường đỉnh yên ngựa tấn công, nên lợi dụng ban ngày địch không chú ý, Đại úy Hiệu dẫn quân tiến theo đường thông thủy giữa 2 đỉnh 1062 và đồi Không Tên ở phía Nam 1062 (xin xem bản đồ đính kèm). Khi tiền quân Đại đội 83 tiến còn cách 1062 khoảng 50 thước thì địch nghe động nhưng không phát giác là có nguyên đại đội. Cộng quân bắn dọa (vì không ngờ quân ta dám leo dốc cao) xuống thung lũng với thượng liên, B40….nhưng vô hiệu nhờ các tảng đá lớn 2 bên sườn núi che chở, và đồng thời các ĐĐ81, ĐĐ84 bắn yểm trợ; khiến địch phải phân tán mỏng để phòng thủ.

Trung sĩ I Nguyễn văn Vân và 2 khinh binh đi đầu đụng phải mấy quả mìn định hướng và giao thông hào của địch, Hiệu nghe báo cáo vội bò lên coi thấy nắp hầm địch ở trên 1062 nhưng địch chưa phát giác được vì đang lo chống trả các đại đội của Hùng và Minh. Hiệu cho lệnh cắt dây mìn rồi chuyển hướng qua bên trái, anh cho lệnh đào hầm hố kiên cố, gài thật nhiều bẫy lựu đạn và mìn claymore đề phòng địch tấn công.

Vị trí đóng quân của Đại đội 83 chỉ cách 1062 khoảng 50 thước, địch và ta cài răng lược và gườm nhau suốt 15 ngày thật nguy hiểm vô cùng. Hiệu cho Thượng sĩ thường vụ và y tá xuống phía dưới thung lũng để có thể lo tiếp tế và tản thương an toàn hơn. Còn anh và 32 chiến sĩ nằm cầm cự ở sát đồi 1062 (sau nầy chiếm được đồi thì thấy các chốt đầu chỉ cách đỉnh 20 thước, vì địa thế ở đây rất rậm rạp nên hạn chế tầm quan sát, thật là “gần nhau mà không nói nên lời”). Giao thông hào của Hiệu gồm có một sĩ quan Tiền sát, một sĩ quan Trung đội trưởng, và 2 HSQ trong đó có TS1 Ngô Bộ và HS1 Hoàng văn Nam.

Đợt I, địch tấn công lúc 8.30 tối; Cộng quân ào xuống tấn công 2 mặt từ Đồi Không Tên và 1062. Tất cả binh sĩ tuyến đầu cầm cự không xuể, nên rút về triền đồi dưới là tuyến của Hiệu.

Lúc đó địch tiến sát và hô xung phong vang dội. Hiệu lấy cây M16 của đệ tử vừa bắn vừa kêu Pháo binh cận phòng. Địch thấy quân ta kiên cường chống trả và bị pháo binh bắn lên đầu nên đành phải rút lên 1062. Đêm đó tạm yên, Hiệu lo củng cố lại tuyến phòng thủ, và thương binh được băng bỏ tạm chờ di tản (thương binh nhẹ thì phải tiếp tục vì quân số quá hao hụt!).

Hôm sau, địch tấn công ngay ban ngày vì biết quân ta gần kề sát bên, cần phải nhổ đi mới mong giữ vững 1062. Nhờ có hầm hố và mỗi vị trí chiến đấu đều có 1 thùng lựu đạn M26 (vì cây cối rậm và to nên M60 và AR16 không hiệu quả, địch và ta đều khó tấn công). Hơn nữa Đại đội trưởng Phạm văn Hiệu cũng ở tuyến đầu với binh sĩ nên mọi người đều hăng hái thà chết chứ không chịu lùi, vì vậy địch thử tấn công năm lần bảy lượt, nhưng đều không kết quả.

Điểm đóng quân của ĐĐ83 thật là giản dị, các hố cá nhân đều phải riêng rẽ và không có nắp che (nếu có nắp lồi lên địch thấy sẽ hắn B40 phá vỡ rất nguy hiểm). Lương thực được nấu từ thung lũng đem lên hầm chỉ huy của Hiệu, rồi từ đó dùng giây, kéo chuyền từng hầm xung quanh tuyến, thật nhẹ nhàng và im lặng để địch không nghe thấy. Ăn uống, vệ sinh đều ở trong hầm, địch có lợi thế trên cao, nếu nghe động chúng sẽ ném lựu đạn thật nguy hiểm vô cùng! Một hôm, HS1 Mỹ, đệ tử của Hiệu, bị thương ngay miệng, lưỡi bị đứt không băng bó được, chỉ chích thuốc cầm, máu tanh cả một vùng khiến Hiệu suốt đêm trằn trọc không tài nào nhắm mắt được!

Hai Đại đội 81 của Hùng và 84 của Minh cũng cho các chốt bám sát bên sườn trái phải của Hiệu. Đại đội 84 cũng chạm địch mạnh gần 1062, một Trung úy Trung đội trưởng tên Vũ Đức Tiềm đã hy sinh và Đại úy Đồng văn Minh, Trung úy Hà Mai Trường… cũng bị thương di tản.

Suốt gần hai tuần lễ, các chiến sĩ của 3 đại đội tuyến đầu người không tắm rửa, chân luôn mang giày trận, ngủ giữa màn trời chiếu đất, lúc nào cũng ở tư thế chiến đấu, tinh thần thật căng thẳng, sống chết như chỉ mành treo chuông, thật chán nản vô cùng! Chưa lần nào Nhảy Dù bị lâm vào cảnh bó tay như thế nầy!

Thượng sĩ I Tống Thủy, Thường vụ Đại đội, rất thương thầy mình là ĐĐT Hiệu, nhưng không có cách nào chu toàn. Vì Hiệu cần phải đứng vững để ngẩng mặt xứng đáng là cấp chỉ huy Dù, xuất thân từ quân trường Võ Bị.

Vào ngày N+10, Thiếu tá TĐP Trần Toán lên thăm Hiệu ở tuyến đầu, anh thấy hố đại đội trưởng gần như ngang hàng với binh sĩ thì bảo:

– Hiệu phải ở tuyến sau để bớt nguy hiểm, vì nếu lỡ bị thương thì binh sĩ sẽ mất tinh thần.

– Thưa Thiếu tá, nếu tôi rút lui thì anh em trong tuyến nầy sẽ chạy hết, mà nếu đi xuống rồi lên trở lại chỉ có nước đem mạng nạp cho Việt Cộng! – Hiệu trả lời.

Advertisements
REPORT THIS AD

Thiếu tá Toán – K18ĐL, là người rất tốt, khiêm tốn, và hiền lành. Anh đi vòng quan sát xung quanh tuyến phòng thủ ĐĐ83, rồi chắc lưỡi nói:

– Anh gan thật, bộ không sợ chết sao ?

Hiệu đáp:

– Ai mà không sợ chết, nhưng đã chọn Nhảy Dù thì chấp nhận tất cả!

Chiều hôm đó, Tiểu đoàn trưởng Pháo binh Dù muốn bắn đạn nổ cao vào 1062, anh hỏi Hiệu cho vị trí tọa độ điểm đóng quân. Nhìn lên bản đồ thì vị trí nầy cũng là đỉnh 1062 nên anh hỏi Hiệu:

– Anh nhìn về hướng Đà Nẵng thấy gì không?

– Tôi thấy ánh đèn trong thành phố.

– Như vậy anh đã nằm sát kề 1062 rồi! Tôi không thể bắn loại đạn nầy được, có thể hại đến đơn vị anh.

Trung tá Đào Thiện Tuyển đi học khóa Tham Mưu trở về làm lại chức vụ TĐT/TĐ8, Thiếu tá Vân làm TĐP, Thiếu tá Toán về làm Liên đội trưởng Đa Năng. Trung tá Tuyển – K14ĐL, là một sĩ quan giỏi, nhiều kinh nghiệm chiến trường, anh nổi tiếng ở trận tái chiếm Quảng Trị, và rất được binh sĩ thuộc cấp quí mến; vì anh cầm quân rất mát tay, đánh trận nào thắng trận đó, và ít hao quân.

Vừa về đơn vị, Trung tá Tuyển gọi máy lên bảo Đại úy Hiệu về họp. Trung úy Nguyễn Đình Ngọc, ĐĐT Đa Năng tạm lên thay 2 tiếng đồng hồ.

Trung tá Tuyển bắt tay và mời Hiệu cùng ăn cơm trưa (có Đại úy Khoan – K22ĐL, ban 3, cùng ăn, vừa ăn vừa hỏi thăm tình hình, và hỏi Hiệu có kế hoạch gì để chiếm đồi 1062?

Sau khi đúc kết tình hình, Đại đội Hiệu và Hùng cùng Đa Năng (thay 84 vì Minh bị thương di tản) được lệnh rút xuống khoảng 200 thước để 3 phi tuần A37 đánh bom, và pháo binh 105 ly,155 ly, 175 ly bắn liên tục trong vòng từ 6 giờ đến 7.30 sáng khiến địch không kịp ngóc đầu và bị dập nát tan tành.

Advertisements
REPORT THIS AD

Ngay lập tức các chiến sĩ Dù nhào lên vị trí cũ (trước khi rút đã gài mìn chiếu sáng và bẫy lựu đạn để làm dấu nếu địch vào thì phát hiện được). Nên khi dứt phi pháo thì đơn vị lợi dụng vị trí cũ và con đường độc đạo thung lũng, sau khi gỡ hết mìn bẫy, tất cả ồ ạt tiến lên và hô:

– Xung phong!

Có binh sĩ còn cướp tinh thần địch bằng cách la:

– Bắt Việt cộng, móc mắt chà giấy nhám!

Khi lên tới đỉnh thấy địch quỳ xuống giơ tay run rẩy đầu hàng. Binh nhứt Châu văn Lê và Hải đưa thuốc cho hút, nhưng họ sợ bị “Móc mắt chà giấy nhám” nên cứ nhắm mắt. Lê nói:

– Các anh đừng sợ, tụi tôi chỉ la dọa thôi. Nhảy Dù lúc nào cũng có tinh thần mã thượng, không bao giờ đánh kẻ ngã ngựa, xuôi tay.

Gần 20 tù binh được đối xử tử tế, họ được hút thuốc, ăn đồ hộp ngon lành, có tù binh bị thương khát nước, Hải lấy bi-đông đổ vào miệng, khiến anh ta cám ơn lia lịa:

– Chúng tôi nghe tuyên truyền nói lính Dù ác ôn lắm, nhưng bây giờ mới biết các anh thật là tốt!

Đại úy Hùng chỉ huy cánh trái cùng xông lên 1062, tịch thu nhiều súng ống đủ loại và bắt sống 2 tù binh. Cánh phải có Đại đội Đa Năng của Trung úy Ngọc cũng lên chiếm phía Bắc đỉnh 1062. Hiệu kiểm điểm chiến lợi phẩm với hơn 200 xác địch (đa số do phi pháo) cùng nhiều vũ khí như 57 ly, 75 ly, hỏa tiễn 122 ly, B40, AK47. Bên ta có một số bị thương và tử thương nhưng tương đối ít.

Advertisements
REPORT THIS AD

Hiệu dẫn Thiếu úy Hết và Thiếu úy Trung bung ra chiếm Đồi Không Tên, tại đây có tiền đồn cũ của Pháp để lại rất kiên cố, làm bằng bê tông cốt sắt. Nhờ khí thế hăng say chiến thắng vừa rồi, nên hai trung đội xung phong thần tốc, chiếm được mục tiêu và bắt sống thêm 4 tù binh thuộc Sư đoàn Thép Điện Biên 304, Đại úy Hùng lo bố trí phòng thủ tại 1062.

Vì tù binh đông quá, không có giây để trói, chỉ ngồi một chỗ cho lính canh gác. Có một TS1 VC trước kia là tù binh trao trả tại sông Thạch Hãn, Quảng Trị năm 1973, lần nầy lại bị bắt ở đây. Trong khi Hiệu đang hỏi cung một tù binh khác, thì hắn nhào tới chụp cây M16 (hay AK trong đống chiến lợi phẩm) gần đó, Hiệu nhanh mắt nhìn thấy vội nhảy tới đá văng khẩu súng. B1 Nguyễn văn Thức, đệ tử Hiệu thấy vậy hoảng hồn, vội tìm giây trói hắn lại.

Lúc ấy có 3 Cộng quân lén chun ra khỏi hầm nhào xuống thung lũng bỏ chạy, binh sĩ bắn theo, họ liệng 3 quả lựu đạn khói cùng một lúc (màu vàng, màu tím, và đỏ). Hiệu biết đây là tín hiệu báo tin 1062 đã mất, do đó chiều lại thì địch đồng loạt pháo kích, và Đại úy Hùng, ĐĐT/ĐĐ81 bị thương như sắp kể ở phần sau.

Nghe chiếm được 1062, Trung tá Đỉnh, LĐT/LĐ1ND vội gọi máy khen trực tiếp với Hiệu:

– Giờ nầy tôi mới biết tài của Đa Hiệu, anh cần gì nói cho biết!

– Tôi rất mệt mỏi, không muốn gì hết, thưa đích thân!

– Tôi thành thật chúc mừng sự chiến thắng vẻ vang của đơn vị anh, và rất hãnh diện về anh (đồng thời ông cũng gọi máy khen Đại úy Võ Thế Hùng và Trung tá Đào Thiện Tuyển).

TĐ8ND tịch thu gần 200 khẩu súng và bắt sống nhiều tù binh thuộc Trung đoàn Sông Hồng của Sư đoàn 304 (Điện Biên). Sau khi thu dọn chiến trường, Đại đội 83 của Hiệu rút lên đóng tại đỉnh 1063 ở Tây Bắc, Đại đội Đa Năng của Trung úy Nguyễn đình Ngọc chiếm giữ đỉnh phía Bắc, đại đội của Hùng ở lại phòng thủ 1062. Địch đã làm những hầm chữ A rất kiên cố cùng nhiều giao thông hào trên đỉnh 1062 nầy; chính Thiếu tá Vân đã dùng một cái hầm rộng lớn và rất kiên cố làm TOC, tức Ban chỉ huy nhẹ tiểu đoàn.

Advertisements
REPORT THIS AD

Vừa dọn dẹp ăn cơm xong, khoảng 2 giờ chiều, địch đồng loạt pháo kích như để trả đũa vì bại binh tổn tướng, một viên đại bác rơi ngay chỗ Đại úy Hùng đang ngồi, tay anh còn cầm đĩa cơm nguội; cả thân mình anh bị hơi mạnh bắn văng xa, khuỷu tay bị gãy lìa, còn một mảnh đạn xuyên qua làm mù con mắt trái và chạm vào thần kinh não bộ!

Hùng bất tỉnh mê man mãi tới khi về BV Cộng Hòa, 5 ngày sau hồi phục trí nhớ thì mới biết mình đã được BS Tường mổ cấp tốc thay mắt tại Non Nước, Đà Nẵng; và khi anh vừa mới tỉnh đã thoi Ba anh một thoi và đạp Cậu anh một đạp! Đầu óc mê man như người say rượu!!! Lúc địch pháo kích, Hiệu vừa rời hầm chỉ huy đi chừng 30 thước và Thiếu tá Vân đang ở gần bên Hùng, vì nhanh chân phóng xuống hầm chỉ huy, nên thoát nạn! Tối đó Trung úy Phước bị hy sinh do nguyên trái B-40 của địch bò lên bắn trúng!

Nhờ Không Quân yểm trợ hữu hiệu, các phản lực cơ A-37 đánh vô cùng chính xác, bom thả nhiều khi cách quân bạn không đầy 200 thước. Các pháo binh 105 ly của Tiểu đoàn Pháo Dù và 155 ly của Quân đoàn I đã ngày đêm bắn quấy rối địch, đồng thời được các Đại đội Trinh sát 1 của Đại úy Võ văn Đức – K22ĐL, xâm nhập sâu vào các khe núi tìm vị trí trú quân và những địa điểm đặt pháo của địch. Anh cung cấp nhiều tọa độ chính xác, Đức đã gọi pháo binh hắn đạn nổ chụp, tiêu diệt bộ chỉ huy trung đoàn địch và nguyên tiểu đoàn của Sông Hồng tại Đông Bắc 1062 ; khiến cấp chỉ huy địch bối rối và các ổ pháo địch bị phi pháo ta tiêu diệt lần hồi.

Ngoài ra các phi vụ “Hỏa Long” ban đêm mang tới những vùng ánh sáng làm cho những người chiến sĩ phía dưới vững tinh thần, đồng thời kiểm soát được sự điều quân của địch bằng những phi cơ quan sát đêm.

Sau khi Tiểu đoàn 8 Dù chiếm được cao điểm chiến lược (1062), địch cố tung lực lượng hùng hậu phản kích định lấy lại đỉnh nầy nhưng Cộng quân hoàn toàn thất bại. Các đại đội Đa Năng lại trở về làm thành phần trừ bị.

Advertisements
REPORT THIS AD

Một điểm rất khích lệ và hãnh diện cho các đơn vị Nhảy Dù là: Ngày hôm trước khi SĐND tới đây, Đại Lộc bị pháo mạnh; đồng bằng Quảng Đà và phi trường Đà Nẵng đều bị pháo kích… Dân chúng Đại Lộc đang bồng bế nhau tản cư ra Đà Nẵng; nhưng khi nhìn thấy binh sĩ Lữ Đoàn 3 Dù đang đổ quân tới, đồng bào mừng rỡ, hớn hở la to lên với nhau :

– Nhảy Dù tới bà con ơi! Nhảy Dù tới!! Chúng ta không chạy nữa, quay về, quay về làm ăn như cũ, hết sợ rồi!

Rồi họ quay đầu lần lượt trở lại nhà. Cảnh buôn bán lại tấp nập như trước! Lòng tin tưởng của đồng bào đối với đoàn quân Mũ Đỏ quá nhiệt tình như vậy thật cảm động vô cùng. Đây là niềm hân hoan và hãnh diện của các chiến sĩ Dù.

Một tuần lễ sau ngày vượt tuyến xuất phát, các đơn vị đã tiêu diệt được toán Tiền sát pháo binh với vũ khí, điện đài, ống dòm, và địa hàn. Và kể từ đó, địch không còn pháo vào Quảng Đà, phi trường Đà Nẵng, Đại Lộc, và các đại bản doanh. Các nơi nầy được yên tĩnh cho tới khi sư đoàn Nhảy Dù được lệnh rút về Sàigòn vào giữa tháng 3/1975 .

Trở lại mặt trận Thường Đức, trên đỉnh 1062, tuyến phòng ngự Tiểu đoàn 8 Nhảy Dù và các đơn vị của Sư đoàn 324 CSBV vẫn gườm nhau ngày đêm. Các tiền đồn ĐĐ83 của Đại úy Hiệu nằm giằng co với địch cả nửa tháng và tuyến đầu chỉ cách đỉnh l062 khoảng 30 thước. Thiếu úy Tiến, Hạ sĩ Hải, và Binh 1 Lê cách địch còn gần hơn nữa. Các anh kể lại: mỗi lần hút thuốc phải quạt khói cho loãng ra, khui hộp thịt cũng phải cẩn thận, đi tiểu đựng trong hộp thịt rồi quăng mạnh ra xa; mỗi lần nghe tiếng động là chúng bắn Đại bác 75 ly trực xạ hoặc ném lựu đạn xuống (sau nầy chiếm được đỉnh thì Hải mới giựt mình! Vì hầm trú ẩn của Hải và Lê chỉ cách giao thông hào của địch trên đỉnh chỉ 10 thước thôi!).

Advertisements
REPORT THIS AD

Các chiến sĩ ĐĐ83 nằm chịu trận, lúc nào cũng sẵn sàng ứng chiến, hễ địch rục rịch bò xuống là bị quân Dù bắn hạ ngay lập tức, mọi vô tuyến, âm thanh gần như im lặng hoàn toàn, việc tiếp tế toàn dùng dây kéo từng bịch gạo, đồ hộp, hoặc đạn dược. Còn việc tản thương và thay đổi thương binh cũng khó khăn và nguy hiểm vô cùng! Vì địch và ta kề sát nhau, rất khó phân biệt; một tân binh vừa tăng cường lên ĐĐ83 nhưng đi lầm vào chốt địch! Có một binh sĩ khi vừa chiếm được đỉnh xong, tay còn cầm quả lựu đạn đã rút chốt an toàn, anh quên gài chốt và bỏ lựu đạn vào túi, trái lựu đạn nổ tung khiến anh và một vài bạn đứng gần bị tử thương !

Khoảng cuối tháng 8/1974, bỗng trong đài điện háo dò tìm tần số địch bắt được tiếng nói: “Sông Hồng sẽ lên thay các anh, chuẩn bị bàn giao”. À đây rồi, địch thủ có hạng của CSBV ra mặt. Trưởng Phòng 2 vội lên trình tướng Tư lệnh SĐND . Tướng Lưỡng cho biết đó là danh hiệu của Sư đoàn 304.

Theo trận liệt về địch, chi tiết được ghi nhận như sau: Sư đoàn 304 CSBV đã được vinh danh là sư đoàn Điện Biên, còn được gọi là Sư đoàn Thép. Sư đoàn nầy gồm 3 trung đoàn có tên là: Sông Hồng, Sông Lô, và Sông Thao. Trung đoàn Sông Hồng xuất sắc nhất trong 3 trung đoàn.

Trong điện báo ghi nhận là “Sông Hồng sẽ lên thay các anh”. Như vậy Sư đoàn 304 chỉ có một trung đoàn tham chiến thôi. Tướng Lưỡng gật gật đầu nói: “Nó chỉ cho một trung đoàn tăng cường có nghĩa là nó sẽ chỉ lựa một mục tiêu nào quan trọng để cho trung đoàn nầy tới dứt điểm; toàn trận tuyến là ‘Diện’, còn ‘Điểm’ chắc phải là cao điểm chiến thuật 1062”.

Tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn I, Trưởng phòng 2 Quân đoàn báo động: “Có tin 304 CSBV sẽ đối đầu với các anh đó! cẩn thận”. Trở về bản doanh Sư đoàn Nhảy Dù ở Non Nước, Tướng Lưỡng ra lệnh cho Lữ đoàn 1 lưu ý đến những điểm trọng yếu, và nhất là cao điểm 1062, với những chỉ thị đặc biệt cẩn thận.

Advertisements
REPORT THIS AD

Hôm sau, điện báo lại nghe được: “Sông Hồng đã sẵn sàng!”. Đúng ngay tối hôm đó, chạm súng đồng loạt trên các trận tuyến. Nhưng tại 1062 và các tiền đồn kế cận do TĐ8ND của Trung tá Đào thiện Tuyển lại yên tĩnh? Một dấu hiệu gì đây? Trước khi xảy ra bão táp, trời thường yên tĩnh?

Quả thật như vậy, đúng 1giờ khuya, Lữ đoàn I báo cáo: TĐ8ND đang bị địch tấn công dữ dội. Vừa chấm dứt các đợt pháo, lính Sông Hồng xung phong ào ạt!

Nhờ đã trù liệu trước, TĐ8ND được dành ưu tiên các hỏa tập cận phòng tiên liệu, nên toàn thể chiến sĩ vẫn giữ vững các phòng tuyến…

Giằng co tới 4 giờ chiều, Trung đoàn Sông Hồng tung thêm tiểu đoàn trừ bị cuối cùng vào trận tuyến; bây giờ thì 3 tiểu đoàn của trung đoàn Sông Hồng xúm nhau định đánh bật TĐ8ND ra khỏi điểm chiến lược 1062; Lữ đoàn ra lệnh cho rút ra để dùng phi pháo tiêu diệt đám địch đông như ruồi bu vào cục đường là đỉnh 1062 nầy.

Sau khi tái phối trí với sự tăng cường một đại đội Đa Năng, TĐ8ND trở lại tấn kích tái chiếm đồi chiến thuật nầy với sự yểm trợ bọc sườn của các đại đội Đa Năng. Hỏa lực yểm trợ cuộc phản kích được tăng cường tối đa; đồi 1062 liên tục bị phi pháo thay phiên nhau dội xuống không ngừng.

Sáng hôm sau, một phái đoàn của Đại Lộc, Quảng Đà xin được vào bản doanh Sư đoàn tại Non Nước để hỏi thăm tin tức về mặt trận khốc liệt nầy. Họ được hướng dẫn vào hội trường. Thật là cảm động, phái đoàn đã gần như nín thở theo dõi phần trình bày diễn tiến cuộc phản kích. Họ vừa lo lắng vừa cầu nguyện, và theo dõi từng bước một của TĐ8ND và các đơn vị Lữ đoàn 1. Cuối cùng mọi người đều hân hoan mừng rỡ khi nhận được tin chiến thắng từ mặt trận báo về :

Đúng 8 giờ 5’, tiếng báo cáo của Lữ đoàn trưởng LĐ1ND :

Advertisements
REPORT THIS AD

“Trân trọng báo cáo Lê Lợi (danh hiệu truyền tin của Tướng Lưỡng), TĐ8ND và các bộ phận Đa Năng đã làm chủ tình hình tại 1062 và các cao điểm kế cận với kết quả như sau :

* 200 địch bỏ xác tại trận (chúng tôi đang kiểm kê)

* Tịch thu rất nhiều súng cộng đồng và cá nhân.

* Bắt sống rất nhiều tù binh thuộc trung đoàn Sông Hồng.

Chúng tôi sẽ giải giao về Bộ Tư lệnh Sư đoàn.”

Tiếng báo cáo vừa dứt, mọi người đều đứng lên vỗ tay hoan hô Nhảy Dù vang dội cả hội trường. Một vị bô lão trong phái đoàn la lo:

– Mừng quá! Ước gì quân đội thành lập được 4 Sư Đoàn Nhảy Dù!!!

Tiếng báo cáo của Lữ Đoàn 1 tiếp tục:

– Trình Lê Lợi, chúng tôi sẽ cho trực thăng chở 5 tù binh về BTL Sư Đoàn.

Khoảng 3 phút sau, trực thăng đáp xuống bản doanh Non Nước. Đại úy Nguyễn văn Huỳnh, Biệt đội trưởng Quân Báo, tới nhận tù binh. Pháo của Sư đoàn 304 địch vẫn còn hoạt động như để trả đũa. Khoảng 2 giờ sau, LĐ1ND cho biết đang bị pháo kích mạnh. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, đúng lúc đó Đại úy Huỳnh chạy đến trao cho Trung tá Trưởng Phòng 2 một mảnh giấy và nói:

– Trung tá, đây là vị trí và tọa độ pháo của địch.

– Làm sao mà anh biết được tọa điểm nầy?

– Trong 5 tù binh mới giải giao, chúng đều ở các vị trí khác nhau (do ban 2 Lữ đoàn cung cấp các tọa độ của tù binh bị bắt).

Tôi (Đại úy Huỳnh) hỏi chúng :

Advertisements
REPORT THIS AD

– Pháo đặt tại đâu? Một tên trả lời bên phải khoảng 2 – 3 cây số! Tên khác trả lời bên trái khoảng 3 cây số. Một tên khác nữa trả lời ngay phía sau lưng khoảng 2 cây số. Theo bản đồ từ lời khai và điểm đứng của tù binh, tôi đã vẽ sang trái, phải, và đằng sau; rồi quy về một điểm. Và đây chính là tọa điểm đó.

Trưởng phòng 2 khen :

– Hay! Hay lắm!!

Trung tá Nghiêm, Trưởng Phòng 2, vội chạy lại trao cho vị Tư Lệnh Sư đoàn tọa độ ước tính vị trí pháo địch. Pháo binh Dù được lệnh tập trung tác xạ vào tọa độ đó, rồi phi cơ dội bom Napalm; quả nhiên pháo địch hoàn toàn im lặng.

Sau đây là phần vấn đáp giữa nhân viên Phòng 2 và tù binh CSBV (vài ngày sau trận đồi 1062).

Hỏi:

– Chúng tôi đang bị cầm chân tại Thường Đức bằng các sư đoàn hạng 2, 3…. Sao 304 rảnh tay không vào thẳng phương Nam mà lại tới 1062 ?

Đáp:

– Sư trưởng của tôi nói Sư Dù là vũ mãnh của ngụy, ông muốn thử sức. (thực sự sư trưởng đã nhận lệnh của Bộ Chóp Bu Đảng tìm cách phá tan các đơn vị Tổng Trừ Bị, để khi chúng tiến vào Sàigòn sẽ không còn sức kháng cự đáng kể nữa)

Hỏi:

– Nhảy Dù đối xử với các anh ra sao ?

Đáp:

– Chúng tôi không ngờ được tử tế như vậy, khác với lời các cán bộ chính trị nói là ngụy Dù hung dữ và sẽ bị mổ bụng, móc mắt, cắt lỗ tai nếu bị bắt.

Advertisements
REPORT THIS AD

Hỏi:

– Qua trận nầy các anh thấy sao?

Đáp:

– Sư 304 của chúng tôi chưa bao giờ trong một ngày mà bị bắt làm tù binh nhiều như thế. Lời đồn không sai: Sư Dù quả là Sư mạnh.

Qua trận chiến Thường Đức (đồi 1062) chạm trán với Sư Dù, hẳn sư trưởng thép 304 Trương Công Phê đã đồng ý về nhận định của mình, anh ta phải dặn dò Sông Hồng: “Sư Dù là Sư mạnh của ngụy, phải cẩn thận khi gặp Dù” !

Đúng như vậy, móng vuốt của “Thiên thần Mũ Đỏ” VNCH đã bẻ gãy Thép của Trương Công Phê mất rồi!!!

SĐND báo cáo số tù binh 304 cho BTL/Quân Đoàn; mấy hôm sau 40 tù binh ngồi chật cứng trên xe GMC được giải về Quân đoàn. Một người Mỹ thuộc toà Lãnh sự Đà Nẵng tên là Paul V.Tracy chạy tới hỏi:

– Có thật là tù binh của sư đoàn thép 304 không? Chúng tôi không thể nào tin như vậy?

– Đấy, họ đang ngồi trên xe GMC, ông đến đó tìm hiểu xem có đúng là SĐ 304 không? Các ông đã nghĩ chúng tôi nói dối à? Sự đa nghi của các ông làm chúng tôi không hài lòng!!!

Ngay chiều hôm đó, Paul V. Tracy trở lại gặp sĩ quan Phòng 2 Sư Đoàn Nhảy Dù và nói:

– Đúng rồi. Họ thuộc SĐ 304; để chuộc lỗi hoài nghi, chúng tôi xin tặng các đơn vị bắt được cứ mỗi tù binh là $10,000.

Trưởng phòng 2 báo cáo với Tư lệnh Sư đoàn, Tướng Lưỡng nói:

– Hãy trao số tiền đó cho Trung tá Đào Thiện Tuyển, Tiểu đoàn trưởng TĐ8ND, để khao thưởng binh sĩ đang nghỉ dưỡng quân tại Đại La, Đà Nẵng.

Advertisements
REPORT THIS AD

Vào lễ Giáng Sinh 1974, Đức Tổng giám mục Phạm Ngọc Chi tới bản doanh Sư đoàn Nhảy Dù tại Non Nước. Ngài cử hành thánh lễ mừng Giáng Sinh tại đây, Linh mục Tuyên úy Sư đoàn Nhảy Dù, cha Vũ Ngọc Đáng, làm chủ tế.

Trong lúc giảng. Đức Tổng giám mục tâm sự:

– …. “Cha đang cầu nguyện thì có hai binh sĩ Dù chạy vào thấy cha, mấy anh mừng rỡ và nói: ‘thật may quá! chúng con định chạy vào nhà thờ ít phút để đọc kinh cầu nguyện; không ngờ lại gặp được Cha, xin Cha chúc phúc lành cho chúng con’ …Cha nói với họ: ‘được rồi Cha sẽ chúc phúc cho, nhưng tại sao khi không lại xin được chúc phúc lành vậy?’ ‘Chúng con vừa từ Huế vào đây’… Nghe xong cha mừng quá! Bao nhiêu lo âu, bao nhiêu phiền não đang đè nặng trên vai Cha nay bỗng nhiên tan biến. Cha thấy nhẹ nhõm hẳn người. Cha bèn dơ tay chúc phúc lành cho hai anh lính Dù và tưởng như mình đang chúc phúc lành cho toàn thể dân chúng Quảng Đà vậy!”

Sau đó, TĐ3ND do Trung tá TĐT Võ Thanh Đồng và Thiếu tá Tiểu đoàn phó Trương văn Vân, được lệnh vào thay TĐ8ND (đánh kiểu xa luân chiến). Vừa ở đồi 1062 khoảng 1 ngày thì TĐ3ND bị địch trở lại phản công ào ạt; chúng định tái chiếm đồi nầy bằng chiến thuật tiền pháo hậu xung (chúng đã dùng sơn pháo đặt ở sườn núi bắn trực xạ).

Chiều hôm đó, một buổi chiều nắng vàng và gió lộng, không còn tiếng nổ trong trận địa, những mỏm núi bốc lên những sợi khói nhỏ, nóng không phải vì hơi oi bức của mặt trời mà là âm ỉ của hơi thuốc súng chưa kịp tan.

– Thiếu tá, Đại úy Đàng gọi…. – binh sĩ truyền tin của TĐP Trương văn Vân nói …

– Trình đích thân, từ sáng giờ yên tĩnh nhưng binh sĩ tiền đồn thấy nhiều lá cây di động trông rất khả nghi.

Advertisements
REPORT THIS AD

Vân nói:

– Anh cho các con gài mìn claymore và canh gác cẩn thận, sẵn sàng tư thế phòng địch tấn công bất ngờ.

– Nhận rõ, Đích thân.

Bỗng súng nổ liên hồi ở khu vực của đại đội Đàng. Trong ráng chiều. TĐP Vân và BCH đứng trên đỉnh 1062 theo dõi chăm chú trận đánh của ĐĐ34.

Cối 75 ly và sơn pháo 130 ly từ những cao độ phía Tây Bắc bắn từng nhịp 4 trái một và bộ binh Điện Biên từ Tây, Tây Bắc,… đồng loạt tiến vào ….Cộng quân dùng chiến thuật biển người, chẳng điều động, ẩn núp gì cả .

Các chiến sĩ Dù đồng đứng dậy khỏi giao thông hào bắn trả mãnh liệt. Binh sĩ của Đàng thi nhau dùng súng phóng lựu và M72 từ đồi cao 1063 bắn xuống. Một quả đạn bay đi khoảng ngắn, đất cát bay lên, 3 lính Điện Biên mất hút trong bụi mù. Chết, sinh Bắc tử Nam. 3 cậu lính nhỏ bỏ gia đình và quê hương trong đầu bị nhét đầy những chủ thuyết ngoại lai cũng bị bọn chóp bu lừa dối vào giải phóng đồng bào ruột thịt miền Nam, vì dân chúng trong Nam đang đói rách không có chén để đựng cơm!

Cuộc tấn công kéo dài trong nhiều đợt, với chiến thuật biển người, địch đồng loạt tấn công vào tuyến phòng thủ của Đại úy Ngụy văn Đàng đang đóng tiền đồn tại đỉnh yên ngựa 1063 và Đồi Không Tên.

Đỉnh 1062 trống trải cháy ngọn lửa điêu tàn…Và trong hoang vu hấp hối của cỏ cây đó, hằng trăm lính của Sư đoàn thép Điện Biên, những bộ binh Bắc quân đã vang danh một thời cùng ào lên 1062 một lượt, những cặp chân đã vượt đèo Mụ Già qua Tchépone, Lao Bảo, những bàn chân rách nát chạy nhanh hơn, mau hơn; chúng giành giựt trên mảnh đất cằn cỗi, tan hoang để tìm kiếm thức ăn! Họ tìm những bịch gạo sấy, thịt hộp, C Ration. Cuối đường của giải phóng “Mỹ ngụy” là sự tranh giành những hộp thịt được làm tại Mỹ!!!

Advertisements
REPORT THIS AD

– Bom ! Bom ! Đốt cháy tụi nó cho hết. – Trung tá Đồng nói như thét.

– Yes sir! – Anh Sĩ quan liên lạc Không quân vừa nghe được tiếng “Bom”, và anh đã lập tức gọi 3 phi tuần khu trục đánh Napalm xuống sườn đồi.

Thiếu tá Vân nghe tiếng Đàng nói trong máy xin pháo binh và phi cơ dập lên đỉnh đồi, vì địch đã tràn ngập! Hai bên phải đánh cận chiến bằng lưỡi lê và lựu đạn, nhưng địch nhiều quá giống như đàn chó săn đang đói, cứ liều chết nhào tới tấn công. Đàng và anh em trong đại đội đã cầm cự, xông xáo, tả xung hữu đột, người nào trên mình cũng bị nhiều vết thương, áo ướt đầy máu. Đàng nguyên là sĩ quan cận vệ của Trung Tướng Nguyễn Viết Thanh.

Sau khi pháo dứt, địch tràn lên thấy Đàng bị thương nặng còn ngất ngư vì trúng nhiều mảnh, anh dùng hơi tàn rút súng định tự sát, thì người anh bị đạn ghim như lông nhím. Đàng ngồi chết trân mà đôi mắt hãy còn trợn trừng như không khuất phục!!! Địch bị tiêu hao nhiều do đạn pháo TOT nên tức giận chĩa lưỡi lê đâm nát thân thể Đại úy Ngụy văn Đàng! Thật là dã man hết sức, người chết rồi mà chúng cũng không bỏ qua!

Đại đội 34 của Đại úy Võ Thiên Thư – K25ĐL, lên tiếp ứng thì gặp địch tràn tới đánh tơi bời thật hung hiểm vô cùng! Trong khi địch hô: “Hàng sống chống chết”, nhưng Thư cứ hăng máu lấy ARI6 quạt và kêu Pháo binh bắn đạn nổ chụp lên đầu để cùng chết chung với 5 phần địch 1 phần bạn! Một mình TĐ3ND mà phải cầm cự với cả trung đoàn của sư đoàn 304, địch cho các đơn vị thay phiên tấn công gần 1 ngày. Các sĩ quan dũng mãnh của TĐ3ND như Đại úy Võ Thiên Thư, Tô văn Nhị – K26 ĐL, đã gọi pháo binh bắn lên đầu để cùng chết chung với hằng trăm xác địch.

Do áp lực địch quá mạnh, Tiểu đoàn đành phải rút ra để phi pháo dập ngày đêm. Mặc dù Cộng quân đã chuẩn bị các “Lô cốt” bằng những khúc cây kiên cố, nhưng quân ta rút lui để cho dụ địch tụ vào đỉnh 1062; rồi dùng “hỏa công” đốt cháy toàn khu ác liệt nầy bằng bom Napalm và bằng các viên đạn lửa bắn vào bãi lau sậy.

Các loại CVT, cùng đạn nổ dọn bãi cho Tiểu đoàn 9 Nhảy Dù vào thay (TĐ9ND vừa rút ra một ngày chưa kịp trang bị bổ sung đã được lệnh cấp tốc trở lại tiếp ứng TĐ3ND). Tiểu đoàn 9 Dù cùng dùng chiến thuật dương Đông kích Tây, và nỗ lực chính kỳ nầy do Đại úy Tường, ĐĐT/ĐĐ93, và Trung úy Nhơn Đại đội 92 tiến đánh từ trên cao xuống. Bên sườn dốc đứng, Trung tá Nhỏ cùng Đại úy Trần Ngọc Chỉ cho bày binh bố trận rùm beng; khiến địch tưởng ta lên mặt nầy nên bắn giàn thung buộc giấy khiêu chiến: “Thách ngụy Dù lên đánh”.

Tường biết địa thế 1062 kiên cố, hầm hố toàn bằng những thân cây rừng to lớn, phi pháo không làm gì được. Anh vội phóng lựu đạn cay và bình E8 để buộc địch chui ra khỏi hang rồi xin thả hom lửa Napalm đốt địch tan tành. Anh không dại xua quân vào miệng cọp, chỉ dùng đạn cay và bom Napalm; rồi bao vây chận nguồn nước và tiếp tế khiến địch chịu không nổi, chưa đánh đã tan. Ta và địch cứ giằng co chiếm qua chiếm lại mỗi bên 2, 3 lần và quân số hai bên tiêu hao rất nhiều! Trung úy Nhơn bị thương 2 chân vì đạp phải mìn hơi!

Đỉnh đồi 1062 lúc đầu toàn là rừng cây cổ thụ, sau những ngày hai bên thay nhau làm chủ, nay trở thành đồi trọc, xơ xác, tan hoang!

Lúc ban đầu, khi các chiến sĩ Dù vừa tới mục tiêu thì nhào lên dùng lựu đạn và súng cá nhân đánh giằng co cả tuần mà mới chỉ chiếm được điểm cao 383. Lúc đó các đài kiểm thính nghe địch báo cáo thế nào không biết, mà Đài Phái Thành Sàigòn do Trung tá Lê Trung Hiền nói là quân Dù đã chiếm đỉnh 1062 và làm chủ tình hình Thường Đức. Vì thế Tướng Trưởng đôn đốc SĐND mau chiếm đỉnh 1062, kẻo báo chí ngoại quốc biết được thì mất thể diện Quốc Gia!

Tiểu đoàn 9 phải bằng mọi giá quyết xung phong nhào lên chiếm đỉnh nầy: nhưng gần 1 tuần lễ sau, với nhiều cuộc chiến đấu ác liệt bằng phi pháo, lưỡi lê, và lựu đạn đã tiêu diệt toàn bộ địch trên đỉnh đồi. Các đơn vị chiếm được những đỉnh cao xung quanh 1062 nhưng với sự trả giá rất đắt! 3 sĩ quan của Đại úy Trọng bị hy sinh. Đại úy Tửu bị thương, các đại đội khác đều bị hao hơn phân nửa quân số!!!

Sau khi ra Hà Nha hơn 1 tháng, Đại đội 15 của Trung úy Lộc và Thiếu tá Phú nhập vùng, biệt phái cho TĐ9ND. Riêng ĐĐ11 nghỉ được 2 tuần thì được lệnh di chuyển ra BCH/LĐ1ND, và tại đó được Chinook bốc vào mục tiêu B tăng cường cho Thiếu tá Phú để thanh toán mục tiêu DI và D2 nhằm giải tỏa áp lực cho TĐ9 đang ở 1062.

Thiếu tá Phú (Phú “Đen” – K19TĐ) là một sĩ quan rất can trường và tháo vát, anh là một trong những con gà giỏi của Tướng Lưỡng khi ông còn làm Tiểu đoàn trưởng TĐ2ND, Phú sử dụng tối đa các phi tuần A-37 (mà các ĐĐT rất sợ) vì độ chính xác thấp và các phi công ưa đánh từng chùm cho xong rồi rút nhanh sợ phòng không hoặc các súng địch ở những cao độ xung quanh. Nhưng Thiếu tá Phú vẫn quyết định dùng Không quân tối đa. Trong lúc họp, Đ/U Thể đề nghị đánh địch bất ngờ và kín đáo bằng cách đi vòng qua thung lũng thay vì đi theo yên ngựa (do kinh nghiệm lần trước tấn công mục tiêu B và C).

Thiếu tá Phú theo kế hoạch nầy lệnh cho ĐĐ11 và ĐĐ15 xuyên qua thông thủy tiến sâu về phía Bắc, rồi bất thần quay lại tấn công chớp nhoáng vào DI và D2. Vì hướng tấn công ngoài sự tiên liệu, địch chỉ chú trọng phòng thủ hướng về 1062, nên chỉ tới trưa là ĐĐ15 thanh toán xong DI và ĐĐ11 chiếm xong D2 với tổn thất được xem như nhẹ, kết quả:

ĐĐI5:

Bắt sống 2 tù binh
Tịch thu 2 thượng liên
Và một số súng cá nhân.

ĐĐ11:

1 súng cối 61 ly
Và một số súng cá nhân.

Sau đó địch rút chạy vì chịu không nổi phi pháo của ta ngày đêm dập vào các điểm trú quân của họ. Bộ chỉ huy địch thấy khó giữ 1062 nên ra lệnh rút lui trong đêm lối; rồi bọc qua sông Vu Gia, đánh bất ngờ vào Bộ Chỉ huy của Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù đóng gần Hà Nha. Trung tá TĐT Nguyễn Đình Ngọc – K19ĐL, lúc đó đang đi phép vì ông thân sinh vừa qua đời. Thiếu Tá Trần Công Hạnh – K20 ĐL, xử lý TĐT, cùng Đại úy Nguyễn Hiền Triết, Trưởng Ban 3, đóng ở làng Hà Nha 1, còn Thiếu tá TĐP Nguyễn văn Phương, chỉ huy 2 đại đội ở bên kia sông, phải tả xung hữu đột mới phá được vòng vây!

Sáng hôm sau, Phương cho các đại đội tung người ra lục soát. Cánh Chuẩn úy Tạ Thái Bảo dẫn trung đội tiến tới chiếm cái chốt mà địch đã đặt thượng liên bắn vào TĐ2. Vừa báo cáo chiếm chốt xong thì nghe tiếng “Ầm”, tiếp theo là bụi cát hay mù nơi chốt anh vừa chiếm: Chuẩn úy Bảo bị hy sinh bởi quả đạn 75 ly hoặc sơn pháo bắn trực xạ từ đỉnh đồi cao gần chân đèo Thường Đức.

Địch chiếm lại chốt đó và lại đặt súng đại liên bắn vào quân ta. Phương phái Thiếu úy Tăng Thành Lân chỉ huy trung đội chiếm lại cái chốt trên đồi nhỏ đó. Lân gọi Pháo binh dập nát rồi dẫn quân xung phong tiêu diệt toàn bộ địch trên cao địa nầy, anh chuẩn bị lại hầm hố cẩn thận đề phòng địch phản công. Nhưng khoảng 20 phút sau, địch lại bắn sơn pháo “Cắm chỉ” ngay đồi “Máu” và Lân cùng bị hy sinh giống Chuẩn úy Bảo!!!

Phương lập tức kêu phi pháo đánh vào điểm đặt súng của địch, hai bên giằng co nhưng không ai thèm đến vùng tử địa đó nữa!

Vài hôm sau, khi Tiểu đoàn 2 được lệnh chiếm đỉnh 126 để bảo vệ đèo Thường Đức và gặp sự kháng cự mạnh mẽ của địch đang bám trụ tại đây. Sau nhiều đợt xung phong của các chiến sĩ TĐ2ND, địch đành phải rút chạy bỏ lại hằng chục vũ khí đủ loại, nhưng ta cũng bị hy sinh ba sĩ quan tài giỏi là Trung úy Thịnh, Thiếu úy Trần Đại Thanh, và Thiếu úy Lê Hải Bằng (Thanh và Bằng 2 là bạn cùng khóa 26 VBĐL, Bằng là tay Tây Ban Cầm xuất sắc và học rất giỏi giữ chức SVSQ ban 5 Trung Đoàn)!! Sau đó Hạnh lên nắm Tiểu đoàn trưởng thực thụ và bạn cùng khóa 20 Trần Tấn Hòa về làm Tiểu đoàn phó.

TĐ7ND do Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lô – K18Đ, và Thiếu tá TĐP Quý, từ TĐ1 trở về, làm Tiểu đoàn phó, được lệnh nửa đêm cấp tốc tiến đánh suối Ba Khe. Các chiến sĩ Dù dùng chiến thuật “Dương Đông kích Tây” cho chủ lực đánh bọc phía sau lưng khiến địch rối loạn hàng ngũ, rút chạy chém vè, để lại hơn 200 vũ khí đủ loại, phá hủy kho tàng hậu cần, và bị tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn. Đại úy Tú Trinh, người hùng diệt tăng ở Quảng Trị, đã bị thương ở trận nầy! Trước đó Nguyễn Lô đã đứng trên đỉnh Đông Lâm thuộc dãy Sơn Gà tuyên bố nhất định chiến thắng để mừng Tết và anh đã thực hiện lời nói một cách quá xuất sắc!

Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù lên 1062 thay cho TĐ9ND rút về Non Nước dưỡng quân và tái trang bị.

Tình hình Nam đèo Hải Vân được hoàn toàn yên tĩnh, không có một tiếng pháo kích nào của địch, và kéo dài như vậy cho đến khi Sư đoàn Dù được lệnh rút toàn bộ về Nam (kể cả Lữ đoàn 2 ở phía Bắc đèo Hải Vân).

Như vậy, SĐND quả thật không phụ lòng tin cậy của đồng bào Quân khu I: vì khi SĐND còn ở Quân khu I, cả Bắc lẫn Nam đèo Hải Vân đều được bình định yên tĩnh.

– Xin cám ơn Đức TGM Phạm Ngọc Chi đã tin tưởng vào Sư đoàn Nhảy Dù qua tâm sự của ngài..

– Xin cám ơn đồng bào Đại Lộc đã tin vào SĐND khi thấy các đơn vị Dù tới!!!

– Xin cám ơn vị bô lão trong hội trường đã la lớn lên một mong ước : “Ước gì…”

– Xin cảm ơn đồng bào Quảng Đà qua đại diện phái đoàn vào hội trường SĐ Dù theo dõi cuộc cường kích tái chiếm đỉnh đồi chiến thuật 1062 !!!

– Sau cùng xin cám ơn các chiến hữu Nhảy Dù đã đổ máu mình và đã hy sinh để Nhảy Dù được vinh danh.

Xin cám ơn tất cả !!!

No comments:

Post a Comment