Friday, August 5, 2022

Chương IV TRẬN ĐÈO HẢI-VÂN - Trương Dưỡng - Đời Chiến Binh

Chương IV
TRẬN ĐÈO HẢI-VÂN

Đỉnh Bạch Mã, Cộng quân chế ngự
Đèo Lăng Cô, bị địch quấy rầy!
Quân Nhảy Dù được lệnh giải vây,
Chỉ một trận dẹp tan sào huyệt.

Từ Thường Đức, TĐ11ND được điều về trấn đóng phía Tây thành phố Đà Nẵng, đơn vị đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ vòng đai để giữ an ninh cho dân chúng ăn Tết. Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn đóng ở một thôn xóm nghèo nàn, hiu quạnh.

Trong một buổi tham dự thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Thuận tại vùng nầy, Ngài đã phân tích tình hình thế giới và diễn biến tại đất nước mình. Một vị linh mục người Mỹ đã tham chiến tại Việt Nam, sau thời gian hết nhiệm vụ đã ở lại tình nguyện làm Linh Mục ở xứ đạo nhỏ bé nầy!

Với một giọng đọc kinh âm hưởng người Bắc, với mái tóc bụi đời xỏa ngang vai, vị linh mục người Mỹ hàng ngày cùng chịu chung những đau khổ của những người dân Việt nghèo khổ trong thôn xóm.

Thời gian nầy, Thành được chính thức làm Tiểu đoàn trưởng, thay thế Trung tá Lê văn Mễ về làm Trưởng Phòng 3 Sư đoàn Nhảy Dù.

Từ ngày TĐ11ND để lại người anh cả Nguyễn Đình Bảo trấn thủ nghìn Thu tại đỉnh Charlie ở Tân Cảnh, Thành và Mễ đã cùng chia sẻ trọng trách dìu dắt anh em binh sĩ Tiểu đoàn trên khắp chiến trường đầy cam go và nguy hiểm. Hai người như bóng với hình, khi còn làm Đại đội trưởng ở TĐ9ND trong các trận Lam Sơn 60, Mậu Thân tại Huế và Quảng Trị.

Rồi những ngày ở TĐ11ND, hai anh em đã cùng nhau đội pháo diệt tăng từ đồi Trần văn Lý ỏ Mỹ Chánh đến La Vang trong trận tái chiếm Quảng Trị. Hai người cùng là dân Huế trọ trẹ, sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, cùng cố gắng bảo vệ mảnh đất quê hương miền Trung, giành giựt từng tấc đất với dân chơi Hồ Gươm CSBV.

Trong thời tiết lạnh giá của miền Trung, Thành lãnh trách nhiệm con chim đầu đàn, ở một thời kỳ chiến tranh tăng cường và hung hiểm!

Để chuẩn bị đón xuân trong đơn vị, tiểu đoàn mua một con bò về phân chia cho các chiến sĩ; khi dẫn bò con đi thì bò mẹ đứng nhìn với giòng lệ rơi xuống đất ! Thành chợt bàng hoàng suy nghĩ về một triết lý cuộc đời. Loài vật còn biết xót xa nhỏ lệ, trái lại con người vỗ ngực cho mình là đạo đức cách mạng, đủ thứ chủ thuyết giáo điều, nhưng họ đã thản nhiên đưa quân vào Nam tạo ra cảnh chết chóc giết người một cách không thương xót.

Con vật đâu biết nói để dấu kín một nghiệp dĩ của mình mà tạo hóa đã an bài! Ước gì tiếng nói của loài vật làm cho con người hiện thời hiểu thế nào là nghiệp cùng sinh, chắc thế giới lúc đó sẽ được sống trong cảnh thanh bình.

Người chiến sĩ Nhảy Dù thường hay dễ vui, dễ quên đi hình bóng Tử Thần lúc nào cũng kề cận bên mình sẵn sàng để điểm danh tên họ! Đời Chiến Binh ít khi được hưởng Xuân đoàn tụ với thân quyến, họ chỉ vui Xuân nơi tiền tuyến để quên đi những gì đến với cuộc đời đầy vất vả, gian nan, và nguy hiểm!

Trong buổi tiệc liên hoan, khi men rượu đế đã nhập vào, họ không còn biết trời trăng mây khói, ôm nhau nhảy lả lướt không có điệu nào đúng nhịp với điệu nào: hít đất, nhảy xổm….cũng cho vào điệu nhạc tự tạo của các chiến sĩ đang “Vô cơ…vô …vô … vô …” cùng với tiếng vỗ tay. Đó là điệu nhạc phổ thông của các chàng lính trẻ sáng tạo để nhảy múa vui chơi. Văng vẳng bên tai, những tiếng cười phụ họa của dân làng, đủ hạng người, hạng tuổi. Các phái đoàn dân chính địa phương cũng đến chia sẻ sự vui chung giữa dân và quân!

– Úi chao, vui quá! Các sĩ quan đều trẻ tuổi chịu chơi hí! Nhảy Dù có khác, quan với lính hòa mình chung vui với nhau?

Đó là những tiếng nói phát ra từ các giới đồng bào địa phương tới ủy lạo chiến sĩ ăn Tết, những thế nhảy xổm, nhảy trâu, nhảy nai….hòa cùng tiếng vỗ tay thật là vui vẻ, yêu đời!

Chiến sĩ tiền tuyến luôn luôn hưởng Xuân trước, để canh phòng và ứng chiến bảo vệ an ninh cho đồng bào ăn Tết trong ba ngày Xuân.

Tết Mậu Thân 1968, Cộng sản Bắc Việt không còn biết tôn trọng tục lệ cổ truyền của Tổ Tiên, họ đã tấn công khắp miền Nam. Thay thế tiếng pháo mừng Xuân bằng tiếng súng đại bác, địch đã đồng loạt mở các cuộc đánh phá ngày thiêng liêng của người dân với chiêu bài là giải phóng nhân dân miền Nam ruột thịt (ruột tan thịt nát!). Họ đã giết bao nhiêu thanh niên để thi hành kế diệt chủng của Trung cộng. Cũng vì trận Tổng tấn công nầy nên dân chúng miền Nam lúc nào cũng đề phòng cẩn mật trong những ngày Tết!

Nói đến trận Mậu Thân, tôi nhớ lại những kỷ niệm không bao giờ quên của đời lính chiến. Hồi đó tôi và Thành cùng chung đại đội (ĐĐ92), Thành là Tr/úy Đại đội trưởng, tôi là Tr/úy Trung đội trưởng; hai anh em đều cùng bị thương tại ngã tư La Vang – Quảng Trị.

Qua suốt một ngày quần thảo với hai trung đoàn quân chánh qui Bắc Việt từ bên kia sông Bến Hải vào, Đại đội 92 chỉ còn 36 người có thể tiếp tục chiến đấu, đa số đều bị thương nặng và một ít bị hy sinh!

Toàn thể mọi người đều mệt đừ nên được lệnh án binh bất động. Cộng quân cũng ê càng và tìm đường rút lui; 36 người chúng tôi ngồi chung quanh gò mả thấy địch kéo nhau từng đoàn như kiến, mọi người đều gườm tay súng và được lệnh chỉ bắn xả láng khi nào bị chúng đi ngay mình, bằng không đi sát cạnh cùng kệ chúng vì mệt đừ quá rồi, có đánh chỉ ôm nhau chết chùm thôi!

Đêm đó trời tối mù, Cộng quân chỉ đi sát phòng tuyến, mọi người đều nín hơi tay cầm lựu đạn, súng lên nòng; nhưng hai bên đều “Lịch sự” biết nhường nhau những phút nghỉ ngơi vì ai nấy đều quá kiệt lực! Gọi trực thăng Mỹ lên yểm trợ, nhưng họ chỉ bay lượn trên đầu chiến sĩ cho vui! Lượn qua lại vài vòng rồi bay về hậu cứ! Thật là một điều chưa từng xảy ra trên các chiến trận. Đồng Minh Hoa Kỳ đã có âm mưu trong trận Tổng tấn công Mậu Thân nầy ? Họ muốn đo lường sức tự chiến đấu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ? Hay họ muốn bỏ ngõ cho miền Nam lọt vào tay Cộng Sản ? Thân phận một nước nghèo nàn, phải chịu số phận tủi hờn đau đớn như thế đó !!!

Dân chúng ở Quảng Trị đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị Nhảy Dù để phản công Cộng quân; đồng bào đã nấu cơm, tiếp đạn, phụ tải thương. Khi nghe tôi và Thành bị thương, mấy “O” gái trong khu vực đóng quân đã khóc thầm để ghi lại tình quân dân đậm đà như thế đó!

Chỉ cần một vài giòng lệ của các em gái hậu phương mà các chàng chiến sĩ đã quên đời, quên mình để hưởng một vài rung động nho nhỏ là đủ lắm rồi!

Thành bị thương chân nên phải chống gậy tiếp tục dẫn dắt 36 chiến sĩ Đại đội 92 cùng với tiểu đoàn vào giải tỏa Thành Nội Huế, dân chúng cứ theo nhìn một cách kỳ cục. Anh nói:

– Về đi, kẻo bị lạc đạn!

– Đi theo để coi mặt các ôn (ông)! Chao răng, ôn giống ôn già Việt cộng Thân Trọng Một (chỉ huy Trung đoàn VC ở Thành Nội) rứa hè ?

Vừa đau nhức vì vết thương. Thành tức cười khi nghe dân Huế tâm tình, anh đáp lại:

– Lạ rứa, các ôn mụ hè, làm răng Nhảy Dù lại giống Việt cộng được. Về đi, đạn lạc, tội mấy ôn mụ lắm ! Khi mô yên rồi nói chuyện sau, nhìn mặt tui sau!

Cả hai bên cùng cười và họ đi về nhà với giọng Huế lí nhí:

– Thiệt lạ bà con hè, sao giống cách chi lạ ? Tụi tui về ôn hí, lấy lại Thành Nội cho tụi tui ôn hí !

Trên đường đi đến BCH Lữ đoàn Dù để nhận lệnh hành quân trên đèo Hải Vân. Thành nhớ lại ngày đã qua, và những hình ảnh trận Mậu Thân như sống lại trong ký ức. Tết Mậu Thân 68 giữ chức Đại đội trưởng, Xuân 75 làm Tiểu đoàn trưởng, qua bảy năm dài chiến đấu thường xuyên chạm trán quân thù, bạn bè lần lượt rơi rụng. Bạn bè trong đơn vị Nhảy Dù là thứ bạn bè sớm còn chiều mất, sắt đá cũng nhỏ lệ, núi rừng cũng để tang! Thành ngồi trên xe Jeep bùi ngùi hát khẽ:

“ Một ngày, ngày đã qua,
Ôi, một ngày … ngày chóng qua.
Một ngày, một chiều … âm thầm đã …
…đã trôi qua,… không còn gì.

Ôi Chinh chiến, đã mang đi…. bao bạn bè !
Ngựa hồng đã mỏi gót,
chết trên đồi Quê Hương
Còn có ai ? Không còn gì!!”

Hình ảnh Lê văn Huệ, Nguyễn Đình Bảo, Thừa, Hổ, Lộc, Đại, Phước “Đào hoa”, Hùng “Móm”, Phương “Lùn”, Thuận văn Chàng,…như phảng phất đâu đây !

“Lúc bấy giờ, trên cánh đồng chiêm Bắc Việt,
Bên con lạch nhỏ Đồng Nai,
Trong đám rừng sâu Trung Việt;
Phút chốc liệt vị đã hóa ra người thiên cổ!
Sự nghiệp đang công theo đuổi,
Nav cũng dành gián đoạn giữa đường !
Chí tang bồng hằng mong thực hiện,
Thôi cũng đành ôm hận nghìn thu!
…Chiến Sĩ Trận Vong! ”

Đèo Hải Vân là một điểm chiến lược quan trọng, nối giữa Đà Nẵng và Huế. Nếu để địch chế ngự Hải Vân. coi như con rắn bị gãy xương sống, khó mà bò trườn tấn công đối thủ, dù để tự vệ !

Lúc đó, tại điểm cao nhất của đèo, Cộng quân đang đặt những ổ súng phòng không và đài quan sát để chế ngự đường bay từ Đà Nẵng ra Huế và làm chướng ngại tại đèo Lăng Cô.

Thành cùng Thiếu tá TĐP Giới – K19TĐ, và sĩ quan Tiền sát Pháo binh lập kế hoạch hỏa lực để yểm trợ cho cuộc đột kích đêm mà mục tiêu chính là đỉnh cao nhất của đèo Hải Vân. Mọi người nhìn bản đồ, xác định địa hình địa vật, ước đoán tình hình địch và bạn. Với kinh nghiệm nhiều năm trên chiến trường, việc lập kế hoạch để đè bẹp địch không có gì khó khăn.

Nhất là đối với Pháo binh Dù, tinh thần yểm trợ hết mình cùng với kinh nghiệm bắn chính xác, ào ạt, mà các pháo thủ đã nhiều lần giúp cho chiến sĩ Dù vững tâm mỗi khi xung trận. Với lối tác xạ nhanh nhẹn, chính xác, và kỹ thuật cao, Pháo binh Dù không thua gì các Pháo binh Đồng Minh. Các vị chỉ huy đơn vị Dù coi Pháo binh là một vũ khí yểm trợ quan trọng và cần thiết. Pháo binh giúp các đơn vị đỡ thiệt hại tổn thất về sinh mạng, là yếu tố thiết yếu để đánh phủ đầu và làm tiêu hao lực lượng địch. Trong khi binh sĩ chuẩn bị cuộc hành quân đêm thì Thành và Giới lo điều chỉnh những hỏa tập tiên liệu. Súng cối 81 ly và 60 ly của Tiểu đoàn cũng được điều động tới vị trí tác xạ, sẵn sàng các yếu tố cho cuộc đột kích đêm.

Thiếu tá Giới, là một sĩ quan trẻ tuổi, gan dạ, và đánh giặc liên tục từ ngày ra trường. Anh đã bị VC thưởng cho vài mảnh B40 trên đầu nên mỗi lần thay đổi thời tiết thì đầu của Giới đau nhức vô cùng, mặt đỏ gay, và anh lính truyền tin bên cạnh phải thủ sẵn nón sắt, nếu không sẽ bị u đầu! Khi nổi cơn lên, Việt cộng mà gặp Giới coi như đời tàn, anh sẽ quậy cho chúng tơi bời hoa lá để trả thù vết thương hằn sâu trên đầu của mình.

Đúng bảy giờ tối, các đại đội đã sẵn sàng tại tuyến xuất phát với kế hoạch chuẩn bị tỉ mỉ. Tinh thần các chiến sĩ không có gì nao núng; đối với họ, việc tấn công địch là như ăn cơm bữa. Xuân, họ đã hưởng rồi. Rượu, nhạc, văn nghệ đã đầy đủ. Ngoài ra còn có em gái hậu phương tươi cười duyên dáng cùng chung vui trong ba ngày Xuân.

Giờ đây các chiến sĩ chỉ còn biết giao duyên súng đạn với mấy anh Cộng quân không biết an bình mà chỉ biết quấy rối thôi! Giới nói với chiến sĩ trước khi xuất trận là quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trước khi mặt trời lên.

Thành nhìn những chiến sĩ thân thương, trên vai đeo nặng những quân dụng mà phải trèo đèo vượt suối ban đêm để đi đánh mục tiêu gay go và nguy hiểm, anh xúc động và thầm kính phục những chiến sĩ Dù lúc nào cũng cố gắng thi hành bổn phận thật hoàn hảo mà không bao giờ đòi hỏi một lợi ích riêng tư. Họ chính là những người cao cả đáng khâm phục, một lòng bảo vệ tổ quốc tạo sự an bình cho dân chúng ở hậu phương.

Màn đêm từ từ hạ xuống, mây trên đỉnh đèo như vờn quanh, như vuốt ve thân hình các chiến sĩ. Trời càng khuya càng âm u, đoàn quân đi theo hàng dọc. Đại đội 114 của Đại úy “Khủng” Long đi đầu. Khoảng hai giờ khuya thì đến tiền đồn của Biệt Động Quân Biên Phòng. Pháo binh được lệnh bắn khuấy rối vào mục tiêu suốt đêm để địch lo xuống hầm tránh pháo và bị mất ngủ, tiếng pháo gầm thét như tiếng trống thúc quân và cũng nhằm mục đích dẫn đường cho đoàn quân âm thầm đến mục tiêu một cách chính xác.

Tiếng máy truyền tin êm đềm theo dõi những bước chân của cánh quân đi đột kích. Những nơi nghi ngờ địch trú ẩn đều bị Pháo binh chiếu cố. Những tiếng nổ như trời gầm, như sóng vỗ đều đặn từ khi các chiến sĩ bắt đầu xuất phát.

Đêm nay, trên đỉnh đồi lạnh buốt, màn sương dày đặc, gợi lại hình ảnh thời còn là Sinh Viên Sĩ Quan ở Đà Lạt. Trong màn đêm lạnh giá năm nào, Thành là một sinh viên khờ khạo, ôm súng Garant gác trên đồi Bắc lạnh cắt da!

Hôm nay, trên đỉnh đèo Hải Vân, với tuổi đời chưa chín muồi mà đã phải mang một trọng trách đối với mạng sống của hàng trăm chiến sĩ thân thương thuộc cấp. Nhiệm vụ đơn vị do chính hai vị Tướng (Trưởng và Lưỡng) theo dõi và bắt buộc phải hoàn thành trước lúc bình minh.

Tình hình ở Huế lúc bấy giờ rất bi đát! Dân chúng lần lũ di tản vào Đà Nẵng càng ngày càng đông. Ba má và bà con thân thuộc của Thành và một số binh sĩ trong TĐ11ND còn đang kẹt ở Huế. Họ cùng các đồng đội cần phải giải tỏa áp lực tại đèo Hải Vân, giữ vững an ninh điểm huyết mạch cho Huế – Đà Nẵng; như vậy tình hình may ra được cứu vãn.

Bước tiến của cánh quân Thiếu tá Giới vẫn được theo dõi đều đặn trên máy truyền tin, tiếng Pháo binh tiếp tục nổ đều lên mục tiêu. Cộng quân mà đối đầu với lực lượng Nhảy Dù chỉ có nếm mùi Pháo binh Dù cũng đã ngất ngư con tàu đi! Cánh quân đột kích vẫn tiến quân âm thầm không có gì trở ngại. Có lẽ địch không không thể ngờ, trong một địa thế gay go hiểm trở mà các chiến sĩ Dù dám đi trong đêm tối đến “Gõ cửa” họ?

Thành đang ngồi tại phòng hành quân, trong một pháo đài cổ của lính Pháp để lại, anh túc trực theo dõi những bước chân của 2 đại đội đang lầm lũi trong đêm tối. Khoảng bốn giờ khuya, TĐP Giới báo cánh quân đã đến chân mục tiêu. Pháo binh ngưng tác xạ, địch mệt đừ rời giao thông hào vào chỗ ngả lưng ngủ say sưa không biết trời đất gì hết.

Giới truyền lệnh cho hai đại đội dàn đội hình chuẩn bị bò lên mục tiêu. Khi cách mục tiêu khoảng 20 thước, mọi người đều rút chốt lựu đạn. Bài học tấn công đêm, đột kích đêm, mọi người đều đã có kinh nghiệm và được nhắc lại chiều hôm qua. Sau khi có lệnh, mọi người tiếp tục bò lên tới sát doanh trại địch rồi dùng lựu đạn ném vào các lô-cốt, các kho chứa, và các khe đá có đặt bộ chỉ huy. Địch bị tấn công bất ngờ, vì còn mê ngủ do suốt đêm thao thức nên lạng quạng không trở tay kịp. Lớp thì bị bắt sống, lớp chạy trốn, và lớp thì bị tử thương.

Địch chỉ chống trả yếu ớt, quân ta làm chủ tình hình ngay từ lúc đầu. Một vài binh sĩ xung phong và rượt địch hăng quá nên rớt lăn kềnh xuống bên kia sườn núi lọt nhằm đám lính Việt Cộng đang băng chạy, hai bên vật nhau rốt cuộc vì ít người nên bị họ bắt. Có một binh sĩ của Lại Ngọc Long vì bị thương chân nên địch không thể đem theo và anh bị chúng dùng lưỡi lê đâm mù hai mắt bỏ lại sườn đồi! Chiến sĩ Dù nầy đã phải lắng tai nghe và bò về hướng tiếng sóng biển, mãi tới ba ngày sau mới gặp được quân bạn đang hành quân cứu về!

Hai đại đội của Giới báo cáo đã chiếm mục tiêu là căn cứ Hậu cần của Trung đoàn Bạch Mã và tịch thu được rất nhiều chiến lợi phẩm gồm kho chứa quân trang quân dụng, nhiều vũ khí trong đó đáng kể nhất là phòng không 37 ly mà địch đã dùng chế ngự, hăm dọa an ninh đèo Lăng Cô.

Được tin chiến thắng, Trung tướng Ngô Quang Trưởng đã cùng với Tướng tư lệnh SĐND đến nơi khen thưởng, và đèo Hải Vân được giải tỏa đem lại an ninh đoạn đường Huế – Đà Nẵng.

Thành gọi trực thăng tải thương và mang chiến lợi phẩm về BTL/SĐND. Tướng Lưỡng không ngờ kết quả mau chóng và thu hoạch được nhiều như vậy, ông đã hết lời khen ngợi!

Các khẩu phòng không thật tối tân và to lớn, cùng tài liệu bắt được trên xác Cộng quân cho biết chúng thuộc Trung Đoàn Bạch Mã.

Bạch Mã là địa danh thắng cảnh nổi tiếng của miền Trung từ thời Pháp thuộc. Khí hậu và phong cảnh đẹp không khác gì Đà Lạt. Trung đoàn Bạch Mã có nhiệm vụ trấn giữ vùng Bạch Mã, chiếm đóng đèo Hải Vân, cắt đứt liên lạc giữa Huế và Đà Nẵng. Kế hoạch nầy đã bị Giới tịch thu được trong hầm chỉ huy của Cộng quân cùng với sơ đồ phòng thủ và bố quân. Dựa vào đó, Pháo binh ta lập tức bắn vào các điểm đóng quân của địch.

Kế hoạch chiếm lĩnh đèo Hải Vân của Trung đoàn Bạch Mã đã bị các chiến sĩ Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù bẻ gãy. Cộng quân đã trả thù bằng cách hành hạ và chọc thủng mắt chiến sĩ Nhảy Dù của ĐĐ114, hành động nầy thật vô cùng dã man. Khác với chúng, các chiến sĩ ta luôn luôn đối xử với tù binh địch tử tế và nhân đạo; cho ăn uống và chăm sóc vết thương đầy đủ, tôn trọng theo luật tù binh Quốc Tế.

Anh chiến sĩ Nhảy Dù bị thương và bị Cộng Quán hành hạ dã man đó, đã nghe tiếng sóng biển lần mò trở ra. Thật là một gương chịu đựng phi thường!

Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù đã làm chủ tình hình đèo Hải Vân, giúp cho người dân tỵ nạn từ Huế vào Đà Nẵng an lành. Một cảnh tượng đau thương và đau lòng khi thấy những bà mẹ phải sinh con bên lề đường, rồi đứng dậy tiếp tục bồng con sơ sinh nhập đoàn di tản. Họ thà chết giữa đường còn hơn sống với loài quỷ dữ Cộng Sản!

Huế từ đây sẽ lọt vào tay Cộng quân. Dân chúng đã khiếp sợ sự tàn sát tập thể của Cộng sản Bắc Việt trong Tết Mậu Thân 1968. Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến cùng các đơn vị đồn trú địa phương…đã đổ xương máu gìn giữ, xây dựng những nơi bị chiến tranh làm đổ nát (Công Binh đã lập lại tỉnh lỵ Quảng Trị mới tại Hải Lăng), bảo vệ miền Trung cho dân chúng được sống an bình. Giờ đây, đã phải đành rút bỏ vì vận nước đổi thay! Ai hiểu được sự đớn đau của các chiến sĩ Nhảy Dù, TQLC BB, BĐQ, ĐPQ….ngày đó !

Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù đã bàn giao lại đèo Hải Vân cho Thủy Quân Lục Chiến và rút về Sàigòn để lãnh nhiệm vụ mới. Sau khi bàn giao cho TQLC, Đà Nẵng cũng trải qua bao nhiêu trôi nổi và hy sinh chết chóc điêu linh thời kỳ đó!

Huế và Đà Nẵng lần lượt rơi vào tay Cộng sản, cả niềm đau đớn Dân Tộc đang bao trùm đồng bào Miền Nam. Thành và các chiến sĩ Nhảy Dù có bố mẹ, bà con tại miền Trung thân yêu cũng đành ôm trọn nỗi niềm chia cắt không biết bao giờ sum họp!

Miền Trung ơi, xin chào thân thương. Xin ngoảnh mặt lại thắp nén hương lòng cho các chiến sĩ đã nằm xuống trên mảnh đất nghèo nàn nầy!

Sư đoàn Nhảy Dù đã để lại một sự thương mến cho dân miền Trung, nhất là dân Quảng Trị và Huế.

Họ đã từng nói:

– Xin lấy lại Quảng Trị cho chúng tôi! Hoan hô Nhảy Dù.

Những lời nầy của dân chúng đứng hai bên QL 1 trong Mùa Hè Đỏ lửa 1972 vẫn còn văng vẳng bên tai các chiến sĩ Dù! 

No comments:

Post a Comment