Friday, August 5, 2022

Chương VI - TRỞ VỀ THÁNH ĐỊA LA VANG - Trương Dưỡng - Đời Chiến Binh


 Chương VI

TRỞ VỀ THÁNH ĐỊA LA VANG

La Vang vùng Thánh Địa
Giờ sao quá điêu tàn!
Bọn vô thần phá hoại
Di tích vỡ tan hoang!

Năm 1975, Cộng sản Bắc Việt như cái mồm con quái vật độc ác đã nuốt dần các tỉnh miền Nam. Tinh thần chiến đấu của QLVNCH thật cao. Đây không phải nói quá đáng hay không có bằng chứng.

Trong khi quân CSBV tận dụng từ con nít 15 tuổi đến ông già 60 tuổi cầm súng trường bắn phản lực, quân miền Nam chỉ có 13 sư đoàn. Chỉ chừng đó quân số mà có thể bảo vệ lãnh thổ và đồng bào miền Nam tồn tại từ năm 1954 cho đến 1975.

Khi Thành Râu bị bắt ở Phan Rang, anh nghĩ cuộc đời mình sẽ bị chết dần trong tù ngục Cộng sản. Qua sách vở và sống dưới thời Việt Minh, Thành đã hiểu phần nào sự độc ác của họ, tuy nhiên bàn tay Thượng Đế đã nâng niu cuộc sống tù đày của anh.

Suốt những năm tháng tù đày, Thành đã gặp được nhiều may mắn. Tên trại trưởng ở Lam Sơn (Trung Tâm Huấn Luyện cũ) đã bị giáng xuống chức Thượng sĩ vì được tù nhân “hủ hóa” cho Honda…nên bị nội bộ thanh trừng. Nhờ hắn có ý thức thay chiều mà tù nhân đã được hưởng một cuộc sống khá dễ thở so với các trại khác.

Thành chuyển đến trại Cùng Sơn, một mật khu cũ của Cộng quân, sốt rét rừng giết hại nhiều người, lại gặp được tên Đại úy tốt bụng. Thành bị nhiễm chứng sốt rét kinh niên từ lúc còn Thiếu úy, tới vùng nầy anh bị vật 2 lần nhưng cũng may qua khỏi.

Tại trại Tuy Hòa, Thành gặp tên trại trưởng già nhưng đã chuyển hướng lẹ về thế giới Tư Bản. Hắn đi xe hơi Nhật, lén bọn đảng viên nghe nhạc vàng (danh từ CS), biết nhảy giựt giựt khi nghe anh em tù diễn văn nghệ. Anh ta tập họp mấy ngàn tù nhân và công an ở sân vận động tuyên bố:

– Các anh quá giỏi, chúng tôi không thể cải tạo các anh, mà chính các anh đã cải tạo chúng tôi. Anh công an nào đánh đập các anh, chẳng thà về đánh tôi.

Thành nghĩ có lẽ Ơn Trên xui khiến một tên đảng viên kỳ cựu thốt ra lời tự thú như vậy, tên nầy cũng thuộc loại chịu chơi vùng Tuy Hòa. Đối với đảng cộng sản mà dám tuyên hố sai chính sách là chỉ có bị thanh trừng. Thành nghĩ có lẽ Thượng Đế an bài cho anh đến toàn những trại dễ chịu để trui luyện người anh. Thượng Đế đã tạo dựng trần gian để Ngài rèn luyện con người đi vào sự Tốt Lành cho thế giới tươi đẹp hơn.

Trong suốt thời gian 8 năm tù, Thành thấy bọn cai ngục thật khôn lanh xảo quyệt, chúng cho gia đình thăm nuôi để tù cố sức làm lao động tăng năng xuất, đồng thời được tiếng với quốc tế là nhân đạo. Thật ra phần ăn của tù chỉ đủ cho một con vịt, con gà trong một ngày, một chén cơm trộn sắn với nước muối! Những người nào không có thân nhân thăm nuôi thì bị chối nước dần do thiếu dinh dưỡng, vì hằng ngày với cái bụng trống rỗng mà phải lao động như trâu cày ruộng! Thành may mắn có lúc được cho nấu ăn nên uống nước cơm cũng sống qua ngày, và được thả sau 8 năm tù đày khổ sai!

Advertisements
REPORT THIS AD

Những chặn đường Quê Hương

Thành cầm giấy phóng thích, con người cảm thấy lâng lâng như say rượu. Anh thấy cuộc sống bên ngoài đã thay đổi kỳ lạ, từ một nền văn minh khá cao giờ con người trở lại cuộc sống man rợ!

Thành bị chới với giữa dòng đời, trẻ không ra trẻ, già không ra già, xung quanh toàn những người ngợm thật là khó chịu. Anh nghĩ cần phải về một nơi nào hẻo lánh, không còn muốn nhìn Sàigòn ngày nay để nhớ cảnh cũ người xưa, nhớ những Đêm Màu Hồng nghe các em ca sĩ hát những bài thương lính. Nhìn doanh trại Hoàng Hoa Thám, cổng Phi Long, bao kỷ niệm oai hùng, tình tứ, lãng mạn, say đắm…để mà héo lòng nuối tiếc!

Thành xin về Hàm Tân, nơi có gió biển, đồi thông để thư thả tâm hồn, nhưng định mệnh cũng không cho anh nhận nơi nầy làm quê hương ẩn dật. Khi làm thủ tục tại tỉnh Bình Thuận, cô công an Hà Nội điều tra lý lịch nói:

– Anh ngày xưa còn trẻ mà mang quân hàm lớn thế ?

Thành cười thầm, trong bụng nghĩ nếu ngày trước mi gặp tao và các bạn hào hoa oai hùng của tao ở miền Nam, chắc mi phải chiêu hồi quá. Bác, đảng nhốt mi tại miền Bắc, uổng quá hỉ? Thành vừa nghĩ vừa cười, cô ta tưởng anh khoái lời khen nên cũng liếc mắt đưa tình, đứng lên, ngồi xuống, đi lấy giấy tờ với dáng điệu muốn khoe cái bàn tọa súng cối 82 ly!

Rốt cuộc ở Bình Thuận không được, Thành đành trở lại Huế yêu dấu, nơi anh đã sinh ra, lớn lên, và đã từng bảo vệ mảnh đất nầy bằng mồ hôi và xương máu.

Huế bây giờ không còn là những dư âm, những hình ảnh quyến rũ thuở học trò và thuở còn theo đoàn quân Nhảy Dù bảo vệ đất nghìn năm văn vật, đất của mộng mơ và trữ tình. Bóng áo dài trắng tha thướt của nữ sinh Đồng Khánh qua cầu Tràng Tiền được thay bằng những cô công nhân miền Thanh– Nghệ – Tỉnh trong hình hài kịch cợm đã bị đàn ông hóa!

Advertisements
REPORT THIS AD

Thành phụng dưỡng cha già, ông đã bị bệnh vì thương nhớ con trong suốt những năm anh mang tù tội. Sau khi cha qua đời, Thành trở vào trong Nam tìm đường vượt biên nhưng thất bại lại bị tù thêm một năm ở vùng U Minh. Thành nghĩ Thượng Đế để cho anh thấy được cảnh quê hương chuyển mình dưới chế độ hà khắc của Cộng Sản.

Cảnh cũ người xưa

Tờ mờ sáng, trong một ngày đẹp trời, Thành dùng chiếc xe đạp “Thồ” một lon cơm, một bi-đông nước, ngược xuôi theo luồng gió Nam ra viếng Thánh địa La Vang. Anh đi sớm để tránh con mắt cú vọ canh chừng của bọn công an vì còn trong tình trạng quản chế.

Ngày trước Tiểu đoàn 9 Dù đã về đóng ở An Hòa, tại đây có nhiều kỷ niệm. Một lần nọ Thành và Mễ nhậu ở quán “O” Mười, họ đổ bia vào đầy thau nhựa và thay phiên nhau uống hết ly cối nầy tới ly cối khác. Miệng Mễ thì nói 100% cạn ly, mà ánh mắt thì nhìn 100% bờ ngực, làn da, và nét mặt duyên dáng của O Mười.

– Hai chú về, khuya rồi, cho tui ngủ sáng mai còn dậy sớm nấu cháo lòng. Tội quá 2 chú ni ơi!

Nghe O Mười van xin, Thành phải dẫn Mễ về. Hôm sau O vào nhà mét ba Thành:

– Ôn ơi, chú Thành dẫn bạn tới nhậu bia nơi quán cháu, úi chu cha hai người uống chi mô mà “hiện ngụy”. Họ uống bằng thau ôn ơi! Hồi trước chú đi học chú hiền, cháu thèm, chừ đi lính Nhảy Dù, uống dữ quá, cháu sợ, ôn la chú đi!

Hôm sau, Ba Thành kể chuyện O Mười vào mách, ông mỉm cười thông cảm đời lính chiến gian lao khổ cực, xa nhà, thiếu thảnh thơi như người dân thường.

Đạp xe tới cầu An Lỗ, Thành nhớ lại những ngày cùng các sĩ quan Tiểu đoàn 9 Dù uống rượu và nghe Lê văn Mễ ngâm bài thơ “Mòn Mỏi”. Trước khi uống rượu Mễ hô nghiêm để mọi người đứng yên một phút mặc niệm để tưởng nhớ đến những người bạn vừa ngã xuống tại chiến trường Quảng Trị, trong trận Mậu Thân: Thừa, Hổ, Lộc,…!

Advertisements
REPORT THIS AD

Thành chạy tới cầu Mỹ Chánh, dĩ vãng trận chiến kéo dài 2 ngày đêm giữa TĐ11ND và trung đoàn bộ binh với chiến xa T54 của CSBV vào năm Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 như được khui lại, tưởng chừng như mới hôm qua. Thành dừng xe, đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, và một kinh Sáng Danh cầu hồn cho các chiến sĩ đã hy sinh trên những cánh đồi sim nầy.

Anh cũng nguyện cầu các vong linh chiến sĩ hãy phù hộ cho các người còn sống chịu đựng và vượt qua trận giặc chủ thuyết Cộng sản đang hoành hành và trù dập đồng bào VN sống trong cảnh đau khổ đọa đày! Sự nằm xuống của các chiến sĩ là một sự thắng trận vĩnh viễn, vì người dân trong vùng nầy đang tri ân họ một cách âm thầm ngưỡng mộ.

Qua cầu Mỹ Chánh là “Đại Lộ Kinh Hoàng”, nơi đây dân chúng chạy tản cư và đã bị địch quân pháo bằng loại đạn nổ chụp khiến thây người chết chồng chất đầy đường. Ở đây cũng ghi dấu chân chiến sĩ TĐ11ND và các đơn vị bạn đổ bộ trực thăng tái chiếm Quảng Trị. Trong cuộc đổ bộ nầy, Thành và các chiến hữu đã đội pháo xung phong thần tốc tái chiếm Thánh địa La Vang. Cộng quân không thể chống cự các lực lượng thiện chiến nên bỏ chạy và để lại nhiều phòng không và chiến cụ (trong đó có một số của ta lúc trước bỏ lại).

Những người dân kẹt lại tại Đông Hà đã chạy vào báo cho biết, Cộng quân đã rút chạy qua tận bên kia sông Bến Hải. Nhưng tại sao quân ta không được phép tiến đánh đến tận vùng phi quân sự? Đấy là những bí ẩn quân sự, Mỹ đã bắt buộc QLVNCH theo ý của họ!

Trong lần tái chiếm La Vang, Thành đã cầu nguyện với Mẹ La Vang phù hộ cho các chiến sĩ TĐ11ND nói riêng và các đơn vị bạn nói chung, được hoàn thành nhiệm vụ với ít tổn thất.

Đến 8 giờ sáng, Thành đã đạp xe tới ngã tư La Vang – Quảng Trị, nơi đây Thành và tác giả đã từng chiến đấu và bị thương vào Mồng Một Tết Mậu Thân 1968. Sau cả ngày quần thảo, ĐĐ92ND chỉ còn lại 36 chiến sĩ, Thành và Dưỡng dù bị thương vẫn còn tiếp tục dẫn quân vào giải tỏa Thành nội Huế, và sau 10 ngày Tiểu đoàn còn lại khoảng 100, ĐĐ92 chỉ còn 10 người nguyên vẹn (quân số hành quân trên 500 lúc đầu!).

Advertisements
REPORT THIS AD

Năm 1972, Thành cùng bị thương tại ngã tư nầy, trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa. Một quả B-40 chống tăng đã bắn trúng gần lều ngủ, sức hơi mạnh đã làm nguyên thân hình Thành tung lên như quả bóng, may thay chỉ bị một vài mảnh nhỏ ghim vào da đầu. Hai xác chiến xa T54 của địch vẫn còn, chính 2 chiếc nầy đã lợi dụng tiếng pháo binh rền vang trong đêm tối, tiến sát vào vị trí đóng quân của TĐ11ND. Nhằm lúc đơn vị đang tập báo động thường lệ trong buổi sáng sớm, Thành nghe tiếng động cơ nổ vội gọi máy hỏi bên cánh quân của TĐT Lê văn Mễ có chiến xa biệt phái M-48 nào chạy về bên đây không?

Sau khi Mễ xác nhận không có. Thành cho lệnh sẵn sàng khai hỏa. Lập tức hai chiếc T54 bị M-72 của ta bắn bốc cháy. Thành không hiểu tại sao chiến xa địch cứ chạy khơi khơi vào vị trí quân Dù mà không bắn phát đạn nào? Có lẽ tại sương mù nhiều quá và địch không biết quân ta đã tiến quá nhanh qua tới tận La Vang.

Vài hôm sau, lúc BCH TĐ11ND đang đóng lại chi khu Mai Lĩnh thì được lệnh tấn công tái chiếm 3 căn cứ cũ của SĐ1BB ở phía Nam Cổ thành Quảng Trị với sự yểm trợ của chiến xa M48. Tướng Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ đã đến tham dự buổi họp. Thiếu tá Mễ đã thuyết trình kế hoạch hành quân, anh đã xin được yểm trợ bằng B52 và Hải Pháo của Đệ Thất Hạm Đội. Sự yêu cầu nầy đã được Tướng Mỹ chấp thuận.

Tờ mờ sáng, sau khi pháo đài bay B52 thả bom chính xác vào 3 căn cứ, một phi tuần F4 thả hơi cay, và hàng ngàn pháo binh bắn dập, Thành chỉ huy hai đại đội cùng chiến xa tiến vào 3 căn cứ. Cộng quân không còn sức chống trả, tù binh được bắt sống trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, họ cho biết mỗi sáng có nhiệm vụ pháo cối vào các đơn vị Dù và TQLC. Cộng quân tháo chạy về bên kia sông Thạch Hãn, bỏ lại hàng trăm khẩu súng đủ loại.

Thành tiếp tục đạp xe ngang qua 3 căn cứ và vùng Thánh địa La Vang, bao nhiêu hình ảnh thân thương, những dấu vết chiến tranh từ Mậu Thân, từ năm 1972 lần lượt hiện lại trong đầu anh. Đứng bên 2 chiếc xe tăng T54, Thành ngậm ngùi nhớ lại các chiến hữu. Cảnh vật còn đó, mà người xưa giờ đã xa vắng nghìn trùng!

Advertisements
REPORT THIS AD

Thành thắc mắc hơn 10 năm (từ 1972 tới 1982) Cộng Sản đã thống trị biến đổi đủ thứ từ thời văn minh trở thành thời bán khai lạc hậu. Nhưng không hiểu sao họ còn để nguyên 2 chiếc T54, một chứng tích thất bại của họ. Hay là ý của Đức Mẹ La Vang để cho dân chúng thấy hành động vô thần, đem xe tăng cày nát nhà thờ và khu Thánh địa? Cộng quân đã phá hoại đất đai, nhà cửa,và giết hại đồng bào!

Trước khi vào trường Đà Lạt năm 1962, Thành đã đến đây cầu nguyện từ giã Mẹ La Vang và quê hương miền Trung yêu quý. Mười năm sau (1972). chính Thành dẫn quân tái chiếm La Vang.

Rồi đúng mười năm sau nữa (1982), Thành đạp xe từ An Hòa tới đây để rút tràng hạt và quỳ trước Tượng Đài Đức Mẹ đổ nát để cầu kinh cho các chiến sĩ trận vong trong trận Mậu Thân và trận tái chiếm Quảng Trị, các chiến sĩ TĐ9ND và TĐ11ND mà anh đã từng phục vụ và đã đổ máu 2 lần tại đây (1968 và 1972).

Nhìn Mẹ, lòng Thành cảm thấy xao xuyến, ngậm ngùi! Nhớ lần đầu đến với Mẹ là chàng học sinh quyết tâm xếp bút nghiên theo việc đao cung. Lần thứ hai với chiến bào cùng các Thiên Thần Mũ Đỏ thề hy sinh thân xác để gìn giữ phần đất của Mẹ. Và lần cuối cùng là một người tù dưới chế độ vô thần Cộng Sản trở về bên Mẹ để tạ ơn và cầu nguyện.

Mẹ đã thương yêu che chở anh trong những lúc gian truân, nguy hiểm. Thành đã lần không biết bao nhiêu là tràng hạt, và khoảng 12 giờ trưa, anh hì hục, lủi thủi đạp xe trở về Huế dưới cơn nắng hè nóng cháy!

Ngày xưa, năm 72, đến với Mẹ bằng xe tăng M48 và các chiến sĩ dũng cảm, kiên cường. Ngày nay, năm 82, đến với Mẹ bằng chiếc xe đạp thồ, một bi-đông nước, một vắt cơm nguội, và đạp một đoạn đường dài là 160 cây số đi về trong ngày!

Vừa đạp, Thành vừa hát bài Mẹ, vừa cầu nguyện cho các linh hồn những chiến sĩ đã bỏ mình trên những ngọn đồi 2 bên Quốc lộ 1. Thành tin tưởng Mẹ đã nhận lời cám ơn và cầu nguyện của anh. Các chiến sĩ trận vong đã ấm cúng vì Thành đã trở về thăm viếng họ trong tiếng cầu kinh suốt dọc đường quốc lộ.

Advertisements
REPORT THIS AD

Năm 1962, 1972, 1982, năm 1992 đã qua uổng phí và vô vọng!!! Có lẽ vào năm 2002, Thành sẽ trở về bên Mẹ bằng một trạng thái hân hoan lạ thường. Tiếng cầu kinh và ca khúc khải hoàn của đức tin sẽ thắng kẻ bạo tàn, vô thần, và lừa đảo trong năm mang con số cuốì là….2 !!!

No comments:

Post a Comment