Friday, July 15, 2022

TIẾP TẾ TỪ TRÊN KHÔNG - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

 

TIẾP TẾ TỪ TRÊN KHÔNG

Cùng với nhịp độ pháo kích gia tăng, số nạn thương chiến cuộc càng ngày càng nhiều. Phòng Cấp Cứu, Phòng Tiểu Giải Phẫu làm việc không nghỉ tay. Chúng tôi vừa làm vừa phập phồng lo sợ đủ mọi thứ chuyện: lo pháo, lo bỏ bom lầm, lo bị dù đè.

Từ ngày phi trường bị pháo hư và mất an ninh, máy bay cánh quạt không thể đáp xuống được. Mọi sự tiếp tế đều trông chờ vào trực thăng, nhất là thả dù. Những cánh dù lơ lửng in trên nền trời xanh trông thật đẹp. Đẹp hơn nữa khi nó mang lại gạo sấy, thịt hộp, trái cây hộp, đạn dược thuốc men cho những người lính đang sống thiếu thốn, mệt mỏi vì đã bị vây hãm lâu ngày.

Cũng như những trái đạn pháo kích, những cánh dù tiếp tế đầu tiên đã rơi xuống tại bệnh viện. Một cái rơi gần cổng vào, một cái rơi xuống trại Ngoại Khoa của tôi, sát phòng trực của y tá, làm sụp mái ngói, đè chết một thương binh người Việt gốc Miên bị thương ở ngực tôi chữa đã gần khỏi. Chiếc giường nằm bị bẹp dúm một cách thảm hại. May thay ba người nằm cùng phòng không bị thương gì cả. Nhưng họ cũng bị một mẻ sợ điếng hồn. Các anh em Quân Y đang thiếu gạo và thực phẩm, hy vọng cái tai họa bất ngờ này may ra cũng bù lại bằng một dù gạo sấy hoặc các lương khô khác. Nên mọi người hăm hở xúm vào giúp nhau gỡ dù, nhanh nhẹn mở thùng tiếp tế ra mới biết toàn đạn đại liên với lựu đạn.

Dù mang lại nguồn vui nhưng cũng mang tới tai họa. Có lần mải chụp hình chiếc dù trước mặt, tôi bỗng nghe thấy tiếng kêu:

– Coi chừng dù rớt bác sĩ!

Tôi giật mình ngoảnh lại nhìn lên phía sau, thấy một cái dù lừng lững rơi xuống phía tôi đứng. Hoảng hồn, tôi rảo chân chạy, vừa chạy vừa quay đầu lại nhìn dể thăm chừng, thấy lúc nào nó cũng như ở trên đầu mình. Tôi liền nhẩy vào núp dưới hàng hiên bê-tông cốt sắt trước trại Nội Khoa. Hai giây sau, tôi nghe tiếng ngói vỡ vụn và một tiếng động mạnh làm rung rinh cả nhà. Chiếc dù đã rớt xuống phía mái bên kia trại Nội Khoa, thừng đồ còn mắc kẹt trên mái. May nó vướng vào cây cột bê-tông nếu không lại có vài mạng nữa chết oan.

Đang ở trong phòng mà nghe tiếng máy bay Cl19 thả dù mọi người đều bung cửa chạy ra sân nhìn xem dù rớt về hướng nào. Sau khi dù rớt xong rồi mới yên chí trở vào làm việc lại.

Đang khi mổ cũng vậy, tôi phải cắt một y tá ra xem chừng khi nào thấy dù có vẻ như rơi xuống phòng mổ phải báo động cho mọi người biết để có đủ thì giờ chạy.

Sau này cơ quan tiếp tế thả dù dùng một loại dù lỗ để thả cho chính xác. Mấy người lính gọi đó là dù phản lực. Vì dù nhỏ, có hở lỗ, sức cản không khí ít nên nó rơi xuống rất nhanh tạo nên một tiếng hú rít nghe rợn người. Dù này thường được thả thật cao, nhìn lên trời không thấy gì hết. Rồi bỗng nhiên từ trong những đám mây chúng hiện ra như những quái điểu khổng lồ lao vút xuống đất với tốc độ nhanh gấp mấy lần những chiếc dù bình thường. Khi thấy nó ở trên đầu rồi may mắn lắm mới tránh bị đè bẹp. Theo chỗ tôi được biết, số người bị chết vì bị dù đè ở mặt trận An Lộc lên tới ít nhất bẩy người.

Ngày 12 tháng 4, địch quân pháo kích bừa bãi nhiều hơn trước. Tôi vừa mổ xong một người bị vết thương ở bụng, mới bước ra khỏi Phòng Giải Phẫu gặp cha Minh, cha xứ Bình Long hớt hải chạy vào. Mặt cha thất sắc, chiếc áo dòng màu đen lấm cát và vấy máu. Tôi hốt hoảng hỏi:

– Cha bị thương sao cha?

Cha Minh lắc đầu, giọng nói gấp rút:

– Không, bác sĩ, Việt Cộng pháo kích vô nhà thờ, dân bị thương, chết nhiều lắm. Tôi cho khênh lên đây mấy người nặng nhờ bác sĩ cứu giùm.

Cha Minh vừa nói vừa chỉ cho tôi coi hai người thiếu niên cụt mất cả hai cẳng chân đang nằm thoi thóp thở. Cha Minh dẫn tôi lại gần một người đàn bà bị thương cùng mình, mặt mũi bị những mảnh đạn, đất cát bắn vào làm lỗ chỗ không tài nào nhận ra. Tựu chung chi còn lại hai con mắt lờ đờ nhìn mọi người. Ngực bụng tứ chi không chỗ nào là không chi chít những vết thương nhỏ xíu. Cha Minh nói với tôi:

– Bà này tôi coi như người nhà. Xin bác sĩ hết lòng cứu giúp cho.

– Dạ, cha cứ yên trí. Tôi xin hết lòng cố gắng.

Tuy nói vậy cho cha yên lòng, theo kinh nghiệm của tôi, ba người đó khó lòng cứu được, nhất là trong tình trạng thiếu thốn như bây giờ. Cha Minh dặn dò tôi xong lại tất tả đi về nhà thờ lo cho những người còn lại.

Tôi cho đặt đai chỉ huyết ở đùi hai người bị cụt chân. Cho truyền nước biển cả ba người vì họ bị kích xúc rất nặng. Máu ở nhà thương lại vừa mới hết. Còn một bịch máu O của người lính cho Thiếu úy Uy giữ lại, tôi liền sang cho người bệnh nặng nhất và cho lên bàn mổ ngay. Tôi cho chích Pentothal để ngủ. Tôi cắt khớp hai gối. Tôi làm việc thật nhanh để tranh thủ thời gian sợ bệnh nhân tỉnh dậy bất ngờ. Cô Bích, anh Xòm giúp tôi rửa sạch những vết thương và băng các mấu chỉ. Mỗi khớp tôi chỉ cần từ ba đến năm phút để cắt và cột mạch máu.

Khi tôi vừa làm xong người thứ hai, cô Mỹ vào cho hay người đàn bà đã trút hơi thở cuối cùng. Hai giờ sau người thanh niên thứ nhất cũng ra đi. Chúng tôi không còn thì giờ để thương tiếc. Người này mổ xong là có người khác vào. Liên tiếp như vậy khiến đồ hấp không kịp. Các bộ đồ giải phẫu ở trong ngày ấy đều bị sử dụng hết. Tôi đành khử trùng một cách dã chiến bằng cách đốt những dụng cụ giải phẫu với Alcohol. Tuy nhiên những bộ đồ giải phẫu bụng vẫn được khử trùng bằng máy hấp đúng tiêu chuẩn.

Sau vụ nhà thờ, tôi còn nhận thêm 7 người bị thương nữa do Việt Cộng pháo kích vô Trung Tâm Truyền Tin Cố Định. Chưa hết, địch quân pháo vào đồi Đồng Long, chúng tôi lại nhận được thêm 9 người bị thương nữa. Có tin một trực thăng Chinook bị bắn cháy ngoài phi trường. Lợi dụng lúc mới mổ xong, nhân viên còn đang dọn dẹp phòng mổ, tôi chạy vội ra phía cuối trại Ngoại Khoa nhìn về phía phi trường, cách bệnh viện chừng hơn một cây số. Tôi thấy một cột khói đen kịt bốc thẳng lên trời cao tới mấy trăm thước, cho thấy hôm đó trời không có gió.

Tôi thầm mong sao cho phi hành đoàn và mọi người ở trên máy bay đều được bình yên. Cháy lớn như vậy tôi sợ có người chết cháy hay bị phỏng nặng. Khi tôi quay trở vào , Thiếu úy Thu tươi cười giới thiệu tôi một người lính:

– Đây người hùng đây, bác sĩ. Hạ sĩ nhất Lê Văn Tèo ở kho Y Dược 731 đi theo chiếc Chinook để tải thuốc lên tiếp tế cho bọn mình đó.

Tôi trợn mắt lên:

– Chiếc Chinook đang bị cháy đấy hả?

– Dạ phải!

Tôi lo lắng hỏi:

– Có ai bị thương không?

– Dạ thưa không. Chỉ có tôi bị phỏng nhẹ ở tai trái và ở cánh tay trái thôi.

Vừa nói Hạ sĩ Tèo vừa chỉ cho tôi xem bên tay trái bị băng mà lúc đầu vì mải nghe, tôi không để ý. Thiếu úy Thu xen vào nói:

– Hạ sĩ Tèo mang được đầy đủ thuốc về. Ngon không bác sĩ. Tèo còn chê phi hành đoàn không chịu chữa lửa, mới đầu cháy có chút xíu. Nếu không, máy bay đâu có tiêu ra tro.

Tôi mỉm cười nói:

– Lo gì chuyện đó, mọi người bình an cả là mừng rồi. Cảm ơn anh Tèo nhiều lắm. Một mình anh lo mang được cả một đống thuốc men như vậy thì quả như lời Thiếu úy Thu nói, đúng là anh hùng rồi, phải tuyên dương công trạng anh mới được.

Tôi quay sang Thu nói tiếp:

– Nhưng trước hết ông cho anh Tèo vào trình diện bác sĩ Phúc, rồi lo nơi ăn chốn ở cho anh ấy được chu đáo. Khi nào có chuyến tản thương sẽ ưu tiên cho anh Tèo tháp tùng thương binh về Lai Khê càng sớm càng tốt.

Thu và Tèo chào tôi đi lên văn phòng bác sĩ giám đốc. Tôi lại quay vào Phòng Giải Phẫu mổ tiếp. Chúng tôi tiếp tục làm việc cho đến 6 giờ chiều. Ai nấy đều hốc hác, vậy mà vẫn còn 5 người bị thương nữa. Tôi nói với các nhân viên y tá:

– Thôi nghỉ đi, mọi người đi kiếm cái gì ăn cho chắc bụng, mình phải để dành sức tối mổ tiếp.

Tôi bước ra khỏi Phòng Mổ, gặp bác sĩ Chí tiến vào. Chí hất hàm hỏi tôi:

– Hết chưa?

Tôi lấy cánh tay quẹt mồ hôi đang rịn ra trên trán, lắc đầu nói:

– Còn 5 người nữa, nhưng nhẹ thôi, mấy vết thương ngoài da ở tay chân đã được săn sóc chích ngừa phong đòn gánh và cho trụ sinh cả rồi, để tối nay làm tiếp.

Chí gật đầu:

-Tối nay tao lên làm chung với mày nói chuyện cho vui. Làm một mình ở dưới kia buồn muốn chết. Thấy nó lạnh lẽo làm sao ấy.

– Mày nói đúng, tao cũng cảm thấy như vậy. Làm hai người vui và đỡ chán hơn. Xe mày đâu?

– Để ở đằng trước.

– Rồi, lái xe đi ăn phở.

Chúng tôi đi vòng ra phía trước bệnh viện. Chí lái xe xuống đại lộ Hoàng Hôn. Đi ngang qua Căn Cứ Pháo Binh tôi vội nhắc Chí:

– Chỗ này nguy hiểm, Việt Cộng khoái pháo vào đây lắm. Vọt lẹ đi.

Vừa nói dứt lời, một khẩu 105 ly của pháo binh bắn đi, tiếng nổ làm chúng tôi cùng giật thót mình. Cả hai cùng nhìn nhau cười hô hố khiến mấy người lính Pháo Binh bên đường ngơ ngác không hiểu gì cả.

Chúng tôi như những con chim đã bị tên, giờ đây nghe tới tiếng nổ là sợ. Ngoài đường không một bóng người. Thính thoảng một anh lính Địa Phương Quân cưỡi xe gắn máy cắm cổ phóng vụt qua như gió rồi mất dạng ở cuối phố.

Chí chỗ đậu xe ngay trước tiệm phở Thành Mỹ. Tiệm này nổi tiếng nấu phở ngon nhất Bình Long. Trong tiệm vắng vẻ, chỉ còn hai vợ chồng người cảnh sát mới ăn xong đang sửa soạn ra về. Thấy bà chủ đi ra tôi vội hỏi:

– Bà còn phở không?

Người đàn bà tươi cười nói:

– Dạ, thưa còn.

– Bà cho chúng tôi hai tô đi. Dạo này chắc vắng khách phải không bà?

– Thưa vâng, mọi lần không đủ bàn để ngồi. Nay lộn xộn thành ra chẳng ai dám đi ra ngoài cả. Lắm hôm phải ăn phở trừ cơm.

Người đàn bà ra quầy hàng làm hai tô phở. Tôi đá chân Chí hỏi:

– La-de không?

Chí gật đầu mỉm cười:

– Uống chớ. Nhưng mày đừng có say, chút nữa để quên dao kéo trong bụng người ta.

Tôi mỉm cười:

– Một chai ăn nhằm gì.

Tô phở nóng bốc hơi thơm mùi mỡ bò. Vì đói chúng tôi ăn rất ngon lành.

Tôi nói với Chí:

– Mày nhớ không, nghe tin đánh Quảng Trị, tụi mình khoái chí bảo mấy thằng bạn mình ở Bệnh Viện Tiểu Khu Quảng Trị sẽ làm việc hốc hác. Không ngờ ngày nay mình lại còn hốc hác hon bọn họ nữa.

Chí uống một ngụm bia xong rồi cười nói:

– Thành ra số tụi mình là số ăn mày.

Mặt Chí chợt đăm chiêu:

– Mình bị vây đến nay là tám ngày rồi. Sao chưa thấy rục rịch phản công gì cả?

– Tao cũng tự hỏi như vậy, nhưng có lẽ cũng sắp rồi. Tao nghe nói viện quân Dù đã lên tới Tân Khai. Chắc chỉ nay mai là giải tỏa xong quốc lộ 13.

Chỉ chợt hỏi:

– Lúc pháo kích mày núp ở đâu?

– Dưới gầm giường.

Chí cười:

– Vậy là chí lớn gặp nhau rồi. Tao cũng vậy. Nhưng chỗ tao ồn ào và hơi chật, vì có thêm nha sĩ Tài, đốc-tờ Hùng, đốc-tờ Thùy nữa. Vả lại ở ngay phòng nhận bệnh, thương binh đêm đêm kêu rên không tài nào ngủ được.

– Ở phòng đốc-tờ Phúc có hầm tốt tắm sao mày không lên đấy mà ngủ?

Chí cười hỏi lại tôi:

– Thế sao mày không lên?

– À, ở phòng tao được thoải mái tự nhiên hơn. Hay mày xuống chỗ tao?

Chí ngần ngừ trả lời:

– Thôi ở đâu quen đó, chỗ nào cũng vậy thôi. Nếu nó pháo quá chắc tao cũng phải lên hầm đốc-tờ Phúc cho chắc ăn. Nằm một mình trong phòng nghe pháo nổ chung quanh, tao thấy lạnh lẽo cô đơn quá, lại càng sợ nữa. Có một vài người ở bên cạnh mình sẽ thấy yên tâm hơn.Tao thấy mày làm việc nhiều quá, lỡ mày đau tụi tao khổ.

Tôi lắc đầu:

– Đau thì không sợ, chỉ sợ bị thương thôi. Sao bây giờ xin tản thương khó khăn quá, lại nguy hiểm nữa. Mình chữa trị cho người thì được. Lúc mình bị thì ai mổ cho mình đây?

Chí gật đầu nhẹ, chậm rãi nói:

– Kẹt nhỉ, ở đây chỉ có mình mày là y sĩ giải phẫu mới đau chứ.

Chí xua tay:

– Thôi đừng nghĩ tầm bậy, mình ăn cho xong rồi về tiếp tục làm tiếp.

Chúng tôi mỗi người đều ăn hết hai tô phở. Không ai nghĩ rằng đó là những tô phở cuối cùng ăn tại Bình Long. Và không ai nghĩ rằng ngày mai, 13 tháng 4 Việt Cộng dốc toàn lực tấn công An Lộc khiến cho chúng tôi phải sống một cuộc đời tử thủ khổ cực trong nhiều tháng.

No comments:

Post a Comment