Friday, July 15, 2022

VỀ TẬP NHẬT KÝ NÀY - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 VỀ TẬP NHẬT KÝ NÀY

Cuốn nhật ký này đã được viết ngay tại mặt trận An Lộc, Bình Long, năm 1972. Những ngày đầu của trận đánh tương đối tôi còn có thì giờ để viết. Sau đó trận chiến trở nên gay cấn, nguy hiểm, sống chết không biết lúc nào, vì bệnh viện đã ở ngay sát tuyến đầu. Hơn nữa vì quá bận rộn săn sóc thương binh nên tôi không có thì giờ viết hàng ngày được. Có khi tôi phải gián đoạn tới hai, ba tuần. Ngày tháng không nhớ được nữa. Tôi chỉ còn có thể ghi theo thứ tự trước sau của các sự việc.

Ngay từ đầu trận đánh, dựa trên những tin tức từ đài phát thanh và báo chí, tôi đã linh cảm trận này không phải tầm thường. Không biết mình có may mắn thoát chết được không nên tôi đã có ý định ghi lại mọi việc để những người thân của tôi có thể biết được những gì đã xảy ra và những gì tôi đã làm.

Vì là một cuốn nhật ký nên tôi đã đề cập tới nhiều kỷ niệm riêng tư mà trong lúc ghi lại những cảm nghĩ của tôi, dòng ý tưởng nảy ra từ những sự việc hiện tại lại lan tới những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Tôi ghi lại tất cả một cách tự nhiên không gò ép. Vì vậy người đọc sẽ thấy hơi lộn xộn. Thực ra, trước đây, tôi không có ý định giới thiệu cuốn sách này với mọi người nhưng sau những dịp nói chuyện với môt số bạn trẻ cỡ 30 – 40 tuổi, tôi thấy họ không biết gì về cuộc chiến đấu chính nghĩa của quân dân miền Nam chống lại sự xâm lăng của Cộng Sản phương Bắc. Do đó tôi thấy rất có lý để nhiều người cùng đọc.

Hơn nữa sau biến cố 30 tháng 4, 1975 , nhiều tài liệu của miền Nam đã bị hủy họai, hoặc bị tuyên truyền bóp méo sai sự thật. Do đó tôi hy vọng những hình ảnh cũng như những dữ kiện của cuốn sách này sẽ là một đóng góp nhỏ của một Quân Y Sĩ trong thời điểm lịch sử đó.

Những cảm nghĩ của tôi hồi đó là của một bác sĩ trẻ mới ra trường được mấy năm còn non nớt, có thể không còn hợp với thời đại hiện nay vì đã cách đây tới ba mươi năm. Tôi mong có sự thông cảm của người đọc.

Khi vượt biên năm 1979 tôi chỉ đi người không. May nhờ cô em gái tôi khi đi đoàn tụ với gia đình, đã nhớ mang theo được bộ phim slides cùng bản thảo cuốn này. Do đó tôi chỉ đánh vào máy để in lại những gì tôi đã viết ba mươi năm trước.

LỜI MỞ ĐẦU

Do Quốc lộ 13, tôi tới làm việc tại Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long ngày 13 tháng 4 năm 1971. Đúng một năm sau, ngày 13 tháng 4 năm 1972, Việt Cộng tấn công Bình Long. Đối với tôi đó quả là một sự trùng hợp lạ lùng.

Tôi tốt nghiệp Đại Học Y Khoa Sài Gòn năm 1967. Theo luât lệ lúc bấy giờ tôi sẽ được miễn dịch khi học xong, không phải nhập ngũ vì là con trai độc nhất của một quả phụ. Nhưng bản tính tôi hơi làm biếng về việc nộp giấy tờ, đơn từ này nọ rắc rối. Đồng thời tôi thấy các bạn bè đều lên đường làm nghĩa vụ quân sự, ở lại một mình nó làm sao ấy. Vả lại tính tôi cũng thích phiêu lưu nên quyết định không nộp đơn xin miễn dịch mà nhập ngũ khóa 10 Y Sĩ Trưng tập năm 1968.

Tình hình lúc đó khá rối ren vì trùng với cuộc tổng tấn công vào dịp Tết Mậu Thân 1968 của Việt Cộng. Địch quân đã không thành công như ý họ mong muốn, nhưng những vùng nông thôn quanh Sài Gòn cũng không được an ninh lắm. Nên chúng tôi, những Quân Y, Nha, Dược sĩ trưng tập khóa 10, thay vì phải học tập quân sự tại trường Bộ Binh Thủ Đức như thường lệ, đã được di chuyển bằng máy bay lên thụ huấn quân sự tại trường Võ Bị Đà Lạt. Do đó tôi có cái may được học tập cơ bản quân sự tại một trường Võ Bị nổi tiếng nhất nước, có thể nói nhất vùng Đông Nam Á. Chính trường này đã đào tạo nên những sĩ quan tài ba đang nắm những chức vụ chỉ huy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi rất hãnh diện được thụ huấn tại đây. Thực ra, khi tôi vừa đậu Tú Tài II xong cũng là lúc khai trương trường Võ Bị mới và bắt đầu tuyển sinh viên sĩ quan cho khóa 16. Tôi đã có ý định nộp đơn tình nguyện đi học, nhưng mẹ tôi không muốn tôi đi vào con đường binh nghiệp nhiều nguy hiểm, nên tôi đã bỏ ý định này. Đã hai lần tôi thi vào Quân Y Hiện Dịch đều đậu cả để rồi đến phút chót lại đổi ý. Tôi còn nhớ lần cuối cùng khi tôi mang quần áo nhà binh về mặc thử để sửa soạn cho tuần sau chính thức nhập trường, cả nhà đều buồn, làm như tôi sắp phải đi xa vậy. Tôi thấy vô lý hết sức, nhưng vì mẹ tôi không vui, tôi cũng chiều, bỏ luôn không gia nhập Quân Y nữa.

Dường như số mạng đã an bài nên dù mẹ tôi không muốn, khi ra trường tôi vẫn phải khoác áo nhà binh, chính thức gia nhập cuộc chiến. Tuy không có gì hào hứng lắm, vì là một cuộc chiến tương tàn giữa những người Việt với nhau, nhưng ít ra nó cũng cho tôi một số kinh nghiệm sống để cuộc đời tôi đỡ nhàm chán đơn điệu.

Tôi cảm thấy rất hài lòng đã đứng về phía quốc gia dân tộc chống lại một chế độ độc tài đảng trị, đã làm cho dân tộc tôi phải điêu linh khốn khổ trong mấy chục năm trời. Viết đến đây tôi lại cảm phục mẹ tôi vì bà đã có quyết định rất đúng, rất can đảm khi đem anh em chúng tôi di cư vào Nam năm 1954 tránh họa Cộng Sản. Mẹ tôi đã nghĩ tới tương lai của chúng tôi nên đã phải rời bỏ bố mẹ, em trai của bà để tìm đất sống cho các con. Chính vì vậy mà tôi không bao giờ muốn làm buồn lòng mẹ.

Sau sáu tuần học tập cơ bản quân sự ở cấp Trung Đội Trưởng, khóa chúng tôi được đưa trở về Sài Gòn nghỉ ngơi một tuần rồi đến trường Quân Y để học về hành chánh Quân Y thêm bốn tuần nữa. Sau đó chúng tôi được lệnh tụ họp tại Cục Quân Y để được phân phối đi các đơn vị theo điểm đậu cao thấp.

Tôi đã chọn Trung Đoàn Xung Kích 43, Sư Đoàn 18 Bộ Binh ở Long Khánh cho gần nhà vì chỉ cách Sài Gòn chừng 100 cây số. Tôi trở thành Đại Đội Trưởng Đại Đội 43 quân y trực thuộc Tiểu Đoàn 18 Quân Y do Y Sĩ Thiếu tá Phạm Hữu Hảo làm Chỉ Huy Trưởng. Tôi ở Trung Đoàn được 19 tháng nhưng tính ra chỉ có hai tháng được ở hậu cứ còn lại đi hành quân liên miên.

Trong thời gian đó tôi đã tham dự bốn trận đánh lớn. Một trong những trận tôi nhớ nhất là trận suối Long, trận đầu đời binh nghiệp của tôi mà Tây gọi là “baptême de feu” đã ghi lại nhiều kỷ niệm khó quên. Vị y sĩ, tôi tới để thay thế là bác sĩ Trần Minh Sơn.

Bác sĩ Sơn nói:

– Cuộc hành quân lần này đáng lẽ tôi phải đi, nhưng nay Quý về đây nên đi cho quen. Vì những người sắp thuyên chuyển đi nơi khác mà còn cố đi chuyến chót thường bị xui và dễ ngỏm lắm.

Tôi mỉm cười nói:

– Anh đừng ngại, tôi đi là đúng, nhân thể lấy thêm kinh nghiệm. Vả lại anh đã chịu cực nhiều lần rồi, anh cứ ở hậu cứ nghỉ ngơi cho khỏe.

Tình hình quân sự lúc bấy giờ khá gay go. Sau những cuộc được gọi là cách mạng, chỉnh lý liên miên, sức mạnh quân sự ở miền Nam bị yếu đi nhiều. Mặc dù bị thất bại trong cuộc tổng công kích năm Mậu Thân, chính phủ Cộng Sản miền Bắc đã nhân cơ hội này củng cố lại lực lượng, tiếp tục xâm nhập miền Nam. Do đó nhiều trận đánh dữ dội đã xẩy ra. Trong thời điểm đó nhiều bác sĩ đã hy sinh tại mặt trận như Đoàn Mạnh Hoạch, Nguyễn Văn Nhứt, Nghiêm Sĩ Tuấn, Phạm Đình Bách.

Những tin buồn liên tiếp đó không làm tôi nao núng. Tôi nghĩ rằng, đời người chỉ chết có một lần. sống làm sao cho đáng sống, đừng hèn là được. Thực ra những tư tưởng tốt đẹp ấy là kết quả của cả một sự giáo dục uốn nắn từ nhỏ của thế hệ tôi. Lấy từ những gương anh hùng liệt sĩ trong sử nước nhà cũng như ngay cả những người còn sống trước mắt tôi.

Tôi còn nhớ khi tôi theo cha mẹ tản cư từ Hà Nội về huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Tôi được vào lớp của ông Thầy Uyển. Thầy mặc áo dài the đen, bị thọt một chân. Tôi được nghe kể rằng thầy hoạt động cách mạng, theo Việt Nam Quốc Dân Đảng. Khi bị mật thám Pháp vây bắt, thầy đã nhẩy từ lầu hai xuống trốn chạy, không may bị gẫy xương đùi. Lúc bấy giờ thầy không được chữa trị đúng cách nên thành tật, đi đứng rất khó khăn. Bởi vậy thầy rất ít di chuyển trong lớp. Thầy giữ kỷ luật bằng một cái roi dài quá khổ, làm bằng một cành trúc. Vì lớp học quá nhỏ nên dù cho ngồi cuối lóp, anh nào nghịch ngợm cũng không thoát khỏi bị thầy gõ đầu mà không cần phải đi một bước nào. Sau khi được nghe câu chuyện cách mạng của thầy, tôi rất lấy làm kính trọng cảm phục thầy. Rồi khi lớn lên, được biết thêm gương ái quốc của những nhà cách mạng yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Trần Cao Vân, Nguyễn Thái Học cùng 12 liệt sĩ … đã hy sinh trọn đời mình để mong giành độc lập cho nước nhà, thoát khỏi ách đô hộ của người Pháp. Gương hy sinh của những vị anh hùng đó đã kích thích và nuôi dưỡng lòng yêu nước của thế hệ thanh niên chúng tôi.

Cuộc hành quân đó kéo dài 11 ngày. Bốn ngày đầu bình yên không có gì xẩy ra. Tôi còn nhớ sau khi được trực thăng vận xuống bãi đáp, vì là lính mới tò te, tôi chẳng có kinh nghiệm chiến trường gì cả. Nhảy ra khỏi trực thăng xong, tôi còn đi tản bộ ngắm nhìn đồi núi xung quanh y như đi cắm trại. Khiến ông Trung úy Hoàng Thúc Kháng, phụ tá Ban 3 Trung Đoàn, khóa 20 Võ Bị Đà Lạt, sợ quá chạy lại kéo tay tôi ngồi xuống, hấp tấp nói:

– Bác sĩ tìm chỗ núp đi, đừng đi lớ ngớ như vậy. Tụi nó hay pháo vào bãi đáp, nếu không nó cũng bắn sẻ nữa, nguy hiểm lắm.

Nghe nói như vậy tôi mới giật mình cám ơn Kháng, rồi nhìn chung quanh mới thấy toàn bộ binh lính đã biến đi đâu mất. Thì ra họ đã lẩn sau những gốc cây hoặc tìm chỗ núp. Còn một số ở gần tôi đều đã ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, chứ đâu có nhởn nhơ như tôi.

Ngồi cách tôi chừng mười thước, Đại úy Trưởng Ban 2 Trung Đoàn Phạm Tạ Từ nhìn tôi nháy mắt cười thông cảm. Sau đó Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn bắt đầu di chuyển vào rừng để tiến tới mục tiêu thứ nhất. Đại úy Từ đi sát bên tôi dặn:

– Bác sĩ đi trong rừng phải để ý từng bước chân, thấy gì lạ đừng có đá hoặc sờ mó, đề phòng nó gài lựu đạn hoặc gài mìn. Phải để ý bám sát người phía trước, vì di chuyển nhanh lắm nếu không sẽ bị lạc.

Tôi gật đầu ghi nhớ lời khuyên quí báu đó. Quả nhiên khi đã vào sâu trong rừng, cây cối quá rậm rạp, cách nhau năm thước đã không thấy người vì màu áo nhà binh với màu cây rừng rất khó phân biệt.

Đi độ chừng một giờ, tới một chỗ rừng thưa tôi thấy một cây cổ thụ khá lớn ngang lối đi. Trên một cành cây mục, có một cây phong lan hoa trắng rất đẹp. Tôi nói với ông trung sĩ nhất quân y Nguyễn Đức Tư, người phụ tá cho tôi, rất nhiều kinh nghiệm chiến trường:

– Này ông Tư, cây hoa lan kia đẹp quá. Khi hành quân về qua đây, tôi sẽ lấy mang về chơi.

Trung sĩ Tư mỉm cười thương hại nhìn tôi nói:

– Khi về, mình sẽ đi đường khác, không đi đường này nữa đâu mà bác sĩ đòi lấy hoa.

Tôi hơi ngượng vì thấy mình quả thực ngây thơ quá.

Tới ngày thứ tư, thám báo cho biết có nghe thấy tiếng đốn gỗ trong rừng. Đi sâu thêm, thấy có một mật khu rất lớn của địch cách đây chừng hai cây số. Tin tức được báo về Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn. Trung đoàn tôi được lệnh tấn công ngay. Đến khoảng 5 giờ chiều chúng tôi tới mật khu đó, chỉ cách có con suối Long. Tuy mới 5 giờ chiều nhưng ở trong rừng cây rậm rạp, trời đã tối mờ mờ, vừa dừng quân là mọi người lo đào hố cá nhân ngay.

Cận vệ của tôi là Binh nhất Huỳnh Văn Bá, người lo đào hầm, giăng võng cho tôi, cũng như coi sóc về phần ăn uống. Vừa ăn xong cơm tối, tôi đi lên Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn cách chỗ tôi chùng 20 thước xem có tin tức gì không. Tới nửa đường, địch bắt đầu pháo kích vào Bộ Chỉ Huy bằng súng cối. Nghe ục một cái là tiếng pháo bắn đi, toàn bộ lính đã biến đi đâu mất. Khi tiếng nổ vang lên, tôi thấy lóe lửa sáng cách chỗ tôi đứng chùng 50 thước, lúc bấy giờ tôi mới cuống lên lo đi tìm hầm núp. Tôi khom người chạy về khu Quân Y. Đang chạy thì nghe tiếng bắn đi nữa. Lần này có kinh nghiệm rồi, thoáng thấy cái hố cá nhân trước mặt, tôi cứ lăn đại vào, đè lên mấy người trong đó. Tôi bị đẩy ra, có tiếng trung sĩ Tư nói:

– Ở đây chật rồi, em đi kiếm chỗ khác đi.

Tôi biết trong bóng tối, ông Tư không nhận ra tôi. Tôi lồm cồm bò ra bên ngoài. Trong lúc lúng túng cái mũ sắt rơi xuống văng đi đâu không biết. Cũng may địch không pháo kích nữa. Tôi đành đi lần về chỗ tôi ở. Binh nhất Bá nhận ra tôi, mừng rỡ nói:

– Bác sĩ đi đâu, em không thấy, lo quá.

Tôi kể sơ chuyện cho anh Bá nghe và nhờ Bá đi kiếm chiếc nón sắt cho tôi. Vài phút sau anh trở về tay cầm cái nón sắt của tôi. Anh nói:

-Trung sĩ Tư nhờ em nói xin lỗi bác sĩ, vì tối quá không nhận ra.

– Tôi biết, không sao đâu.

Cuộc tấn công mật khu đó về phía bên kia tôi không biết, nhưng về phía trung đoàn có hai mươi mốt người tử thương và tám mươi bốn người bị thương.

Trong số người tử thương có bốn sĩ quan.

Tôi tuy chẳng phải là nhà quân sự, nhưng với trí hiểu biết thông thường tôi chẳng dại gì mà xua quân lên tấn công, vì như vậy chắc chắn sẽ bị thiệt hại nặng. Mạng người là quí. Nếu tôi cầm quân, khi đã thấy được mật khu địch rồi, tôi sẽ dàn quân bao vây ba mặt. Cho pháo tối đa nát bét căn cứ của địch, rồi thong thả lên chiếm mục tiêu, đỡ thiệt hại nhân mạng, đỡ vất vả hơn.

Sau trận suối Long kinh hoàng đó, tôi trở về an toàn. Nghỉ tại hậu cứ hai tuần, tiễn bác sĩ Sơn về làm việc tại TổngY Viện Cộng Hòa. Sau đó Trung đoàn tôi được lệnh sửa soạn lên đường hành quân nữa. Lần nay nghe báo sẽ đi lâu hơn vì phải nằm bảo vệ cho Công Binh Mỹ làm Quốc lộ 20 từ Biên Hòa lên Gia Kiệm, Túc Trưng, Định Quán, Đà Lạt. Trung Đoàn tôi đóng tại đồi Dốc Mơ, Gia Kiệm. Tôi lại được tham dự một trận đánh lớn khác ở Túc Trưng. Lần này quân địch thua nặng.

Những lần đi hành quân trong rừng, mỗi khi đụng trận, có người bị thương, ngoài việc băng bó rồi di tản thương binh, tôi không thể làm gì hay hơn được. Tôi tự nghĩ, sự hiện diện của mình ở đây thật không cần thiết, vì một y tá có thể làm được những việc đó. Nên tôi có ý định xin về một bệnh viện, đó mới là đất đụng võ của mình. Tôi làm đơn xin theo học khóa Giải Phẫu Binh Đoàn. Sau vài tháng, đơn tôi được chấp thuận. Tôi đã rời Trung Đoàn 43 về Tổng Y Viện Cộng Hòa thụ huấn một năm chuyên về giải phẫu.

Sau khi mãn khóa, tôi chọn Bệnh Viện Tiểu Khu Bình Long vì gần Sài Gòn và cũng vì vị Tỉnh Trưởng ở đây không phải ai xa lạ, chính là Đại tá Trần Văn Nhựt, Nguyên Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 43 cũ của tôi. Đi làm chỗ lạ mà có quen biết trước, nhất là với xếp lớn thì yên tâm.

Mấy năm trước, tên Bình Long thật xa lạ đối với tôi. Hóa ra đó chỉ là môt tỉnh nhỏ gần biên giới MiênViệt, ở phía Tây Bắc và cách Sài Gòn chừng 100 cây số.

Tỉnh thuộc vùng cao nguyên đất đỏ với những dãy đồi chập chùng bao quanh, trông thật hùng vĩ và đẹp mắt. Vào mùa Thu, sương mù bao phủ núi đồi, giống như Đà Lạt, chỉ khác Đà Lạt có nhiều thông, còn Bình Long toàn cây cao su.

Xưa kia, Bình Long có tên Hớn Quảng, một phần của tỉnh Bình Dương. Sau này vì lý do chiến lược, tỉnh được thành lập nằm dọc theo Quốc lộ 13 và gồm có ba quận là Chơn Thành, An Lộc và Lộc Ninh.

Ở Sài Gòn, nghe nói tới Bình Long ai cũng ngán. Quả thực vậy, mấy năm trước đây, tỉnh lúc nào cũng bị Việt cộng phá rối, làm mất an ninh. Địch pháo kích hàng ngày, đặt mìn, phục kích dọc Quốc lộ 13, thành ra ít ai dám đi đường bộ. Nhưng từ ngày có những cuộc hành quân vượt sang Cambodge, phá vỡ những cơ sở hậu cần của địch, đồng thời Quốc lộ 13 được tu bổ lại nên tỉnh Bình Long lại là một trong những tỉnh an ninh nhất tại Vùng III Chiến Thuật. Suốt một năm qua, không có một vụ pháo kích nào. Đường Sài Gòn – Bình Long xe cộ đi đi về về thoải mái, không còn những vụ chận đường bắt cóc nữa.

Đất đai Bình Long rất phì nhiêu. Đa số những đất canh tác được đều thuộc những đồn điền cao su của người Pháp như đồn điền Quản Lợi, đồn điền Lộc Tấn và các chi nhánh của những đồn điền này như đồn điền Xa Cam, Minh Thạnh, Xa Cát, Xa Trạch… có đến 80 phần trăm dân số của tỉnh đều là cựu công nhân của những đồn điền trên. Trong đó có nhiều người gốc ở Bắc đã được mộ làm phu cho đồn điền từ những năm trước Thế Chiến Thứ Hai. Họ vẫn còn giữ nguyên phong tục tập quán, cùng giọng nói đặc biệt người Bắc như mới di cư vào. Lần đầu tiên gặp họ tôi ngạc nhiên lắm, sau hỏi ra mới biết tuy họ vào đây đã lâu nhưng lại sống tụ tập với nhau nên không pha tiếng.

Ở tỉnh này còn có một ít người Dân Tộc Thiểu số, như người Việt gốc Miên, và các sắc dân Thượng. Đa số thuộc giống Stiêng ở các sóc xa xôi. Gần đây với vài dự án di dân lập ấp của chính quyền, những sóc mới được thành lập quanh tỉnh nên dân Thượng về sống khá đông. Như các sóc Bé, sóc Gòn, ấp Chà Là Tân Khai, ấp Thu Bồn… số còn lại là dân tứ phương về đây sinh sống làm ăn.

Dân số của tỉnh tổng cộng vào khoảng 80 ngàn người. Một số là công nhân đồn điền, một số sống về nghề làm cây, làm than, làm vườn, trồng tỉa. Mặc dù mức sống tương đối thấp, nhưng tỉnh đang trên đà phát triển với công trình di dân lập ấp rộng lớn. Quận An Lộc là quận châu thành, tức là quận thủ phủ của tỉnh Bình Long. Có một khu phố thương mại khá sầm uất với những nhà lầu, kiến trúc bằng vật liệu nặng, xây chung quanh một cái chợ lớn. Ngoài ra còn khu phố cũ, có những nhà gạch ngói hai bên một đại lộ rất rộng. Đời sống ở đây có vẻ bình dị. Cả tỉnh có một rạp chớp bóng nhưng không hoạt động từ lâu.

Tỉnh tọa lạc trên một dãy đồi nên vấn đề nước hơi khan hiếm. Điện cũng rất yếu kém. Một số nhà có tiền mua máy phát điện riêng. Công ty Điện Lực đang dự tính thiết trí điện cho toàn tỉnh với những máy phát điện có công suất lớn. Công việc đang tiến triển một cách khả quan thì xảy ra cuộc chiến làm cho bốn máy phát điện mới mua của công ty bị hoàn toàn phá hủy.

Tỉnh giữ một địa thế chiến lược quan trọng. Vì một khi Bình Long mất thì Bình Dương sẽ lâm nguy và Sài Gòn sẽ bị đe dọa trầm trọng. Một điểm yếu của Bình Long là chỉ liên lạc được với các tỉnh lân cận bằng một con đường độc nhất: Quốc lộ 13. Một khi con đường này bị cắt, kể như Bình Long bị cô lập.

Về phương diện y tế, tỉnh Bình Long có một nhà thương phối hợp Dân Quân Y, được gọi là bệnh viện Tiểu Khu Bình Long. Ngoài ra tại mỗi quận đều có một Chi Y Tế, và tại mỗi đồn điền đều có một nhà thương riêng. Bệnh viện tỉnh được xây trên một phần của một ngọn đồi khá lớn, rộng chừng 3000 mét vuông. Có bốn dãy nhà song song là những trại bệnh. Một dãy nhà ngang là Phòng Giải Phẫu, Phòng Hành Chánh, một kho thuốc và y cụ ở sau Nhà Bảo Sanh.

Bệnh viện có 103 giường, chỉ có ba bác sĩ điều trị, một Nội Khoa, bác sĩ Lê Hữu Chí bạn cùng lớp với tôi, một Sản Phụ Khoa, bác sĩ Nguyễn Phúc, kiêm Trưởng Ty Y Tế, một lo về Ngoại Khoa là tôi. Ngoài ra, bệnh viện còn có thêm một bác sĩ Hoa Kỳ, bác sĩ David Risch thuộc phái đoàn MILPHAP10 cùng làm chung với tôi về Ngoại Khoa. Khi cuộc chiến bùng nổ, bác sĩ Risch vắng mặt vì đang đi nghỉ phép.

Tham dự trận này,về phía y sĩ có 16 người thuộc đủ mọi đơn vị ở đây. Ngoài những vị thuộc Tiểu Đoàn 5 Quân Y và bệnh viện Tiểu Khu Bình Long phối hợp làm việc chung ngay tại bệnh viện, các vị khác mỗi người điều khiển một trạm cứu thương cấp Tiểu đoàn hay Trung đoàn. Nơi đây những người bị thương nhẹ được chữa trị ngay tại chỗ. Chỉ những người bị nặng cần những cuộc giải phẫu lớn như mổ bụng, nối mạch máu, thông phổi hay thiết đoạn tay chân mới được gửi về bệnh viện để tôi giải phẫu.

Tôi vẫn lấy làm phấn khởi về sự đoàn kết, tương trợ giữa những đơn vị Quân Y tại chiến trường An Lộc. Khi bệnh viện đã cạn đồ tiếp liệu, chính các anh ở Biệt Cách Dù đã mang cho chúng tôi những chai nước biển. Các anh ở Đại Đội 52 Quân Y đã cho tôi từng cặp găng tay, từng sợi chỉ để may các vết thương. Mỗi khi tôi ngỏ ý cần gì các anh sẵn sàng đi lùng kiếm mang về để tôi có đủ phương tiện làm việc. Các anh ở Đại Đội 1 Quân Y Dù đã chia cho tôi mọi thứ thuốc cần thiết. Những cử chỉ đẹp ấy chắc không bao giờ tôi quên.

Công tác giải phẫu của tôi tại mặt trận Bình Long có thể chia làm ba thời kỳ. Thời kỳ thứ nhất là những ngày đầu của cuộc chiến, từ ngày 5 tháng 4 năm 1972 đến 12 tháng 4 năm 1972, giai đoạn công tác giải phẫu được hoàn thành tốt đẹp nhất. Vì số bệnh nhân tương đối ít, bệnh viện còn đầy đủ thuốc men, dụng cụ khử trùng đúng qui tắc.

Thời kỳ thứ hai trùng với cuộc tấn công đợt nhất của Việt Cộng. Đây là thời kỳ đen tối nhất. Chúng tôi làm việc trong những điều kiện nguy hiểm, lo âu, sợ sệt, thiếu thốn đủ mọi đường. Bệnh viện không có hầm cứu thương. Tôi đã làm việc trong một phòng mổ tiền chế, trần bằng carton, mái lợp tôn, không có gì bảo đảm an ninh cả. Mọi nghi thức giải phẫu đều được giản dị hóa đến mức tối đa, chỉ còn cặp găng tay. Chúng tôi cởi trần, mặc áo giáp, đội mũ sắt để thay áo choàng mổ, vì trong khi làm, Việt Cộng vẫn pháo kích nổ ầm ầm chung quanh.

Nước hết, điện không có, mọi tiện nghi đều là con số không. Công tác giải phẫu bây giờ chỉ giới hạn trong việc thiết đoạn tứ chi, thông phổi, mổ khí quản cấp cứu và làm tiểu giải phẫu. Các vết thương bụng không mổ được. Cũng may trong thời gian đó chỉ có sáu người bị thương bụng. Hai người không mổ vẫn sống.

Thời kỳ thứ ba trùng với cuộc tấn công đợt hai của Việt Cộng. Lúc này phòng mổ đã được dọn sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Chúng tôi có chỗ an toàn để làm việc trong một cái hầm ngầm xây bằng bê tông cốt sắt. Nơi đây tôi đã tổ chức một phòng mổ dã chiến, tuy đơn giản nhưng có khả năng làm được những cuộc mổ lớn. Đây là thời kỳ tôi tích cực làm việc nhiều nhất mặc dù còn rất nhiều thiếu thốn trở ngại.

Đêm ngày 4 tháng 4 năm 1972, rạng ngày 5 tháng 4 vào khoảng một giờ sáng, đang ngủ trong phòng trực ở nhà thương, tôi bỗng giật mình tỉnh dậy vì nhiều loạt súng nổ xé màn đêm ở phía đồn điền Quản Lợi, một đồn điền ở phía Tây Bắc, cách bệnh viện chừng ba cây số. Mấy lúc sau này, tình hình có vẻ căng thẳng. Thỉnh thoảng có những vụ chạm súng nhỏ nhưng rất ngắn vào ban đêm. Tôi cũng đã quá quen nên không để ý mấy, nhưng đêm nay sao súng nổ lâu rồi mà vẫn chưa dứt, lại thêm có nhiều tiếng súng lớn nữa. Tôi nghĩ thầm chắc có đụng độ mạnh.

Tôi nằm thao thức suy nghĩ, hồi lâu giấc ngủ mới đến với tôi. Mệt mỏi vì hai cuộc giải phẫu lúc ban ngày, tôi đã đánh một giấc cho tới sáng. Không biết rằng những tiếng súng đó đã báo hiệu một trận chiến thảm khốc sắp mở màn.

Bác Sĩ Nguyễn Văn Quý 

No comments:

Post a Comment