Friday, July 15, 2022

NGƯỜI TÙ BINH - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 NGƯỜI TÙ BINH

Trước cuộc pháo kích một tuần, nghĩa là cách nay được hai tuần, ban An Ninh Tỉnh có giải tới bệnh viện hai tù binh bị thương. Một đàn bà, một đàn ông. Cả hai người còn trẻ tuổi. Người con gái chừng 23 tuổi, dáng người cao gầy, cỡ chừng 1 thước 60, da ngăm đen bị thương ở bụng. Người con trai cỡ 21 tuổi, bị thương gãy xương đùi phải. Trái với người con gái, anh này có da có thịt, da trắng xanh, trông mặt mũi cũng khá sáng sủa. Tôi đã mổ cho hai người này, săn sóc họ cũng giống như những người dân khác, không phân biệt thù hay bạn. Sau khi mổ xong, chuyển họ qua Phòng Hậu Giải Phẫu. Nhân viên an ninh đến ngay canh chừng, dùng còng số 8 khoá tay họ vào thành giường.

Tôi biết bị khóa như vậy thì khổ sở lắm. Tay sẽ mỏi, tê buốt vì ở trong một vị thế lâu hàng giờ. Cũng may, tay họ bị khóa dọc theo thành giường chứ không vắt lên trên khung sắt cong đầu giường. Nếu như vậy sẽ càng mỏi, tê ghê gớm hơn. Tôi được biết điều này vì từ khi hồi còn là sinh viên Y Khoa, tôi truyền nước biển cho một người bệnh uống thuốc ngủ tự tử. Vì bệnh nhân dãy dụa nằm không yên nên y tá phải cột cánh tay cô ta vào một cái nẹp gỗ để cánh tay không co lại được, tránh cho tĩnh mạch khỏi bị kim đâm xuyên qua. Khi truyền xong, cô ta tỉnh dậy và than chỗ khủy tay bị cứng lại, co vào thấy đau, tê lắm. Nay, những tù binh này bị còng vào thành giường cả ngày, không biết sẽ tê nhức đến thế nào.

Lúc đầu, hai người rất ít nói, rất dè dặt. Ai hỏi gì chỉ trả lời tiếng một, mặt tỉnh bơ vô cảm giác. Nhưng sau vài ngày, thấy chúng tôi đối xử với họ như những bệnh nhân khác, trong ánh mắt của họ đã mất đi vẻ nghi kỵ lạnh lùng.

Sau hai ngày ở Phòng Hậu Giải Phẫu, tôi cho chuyển họ xuống trại Ngoại Khoa, vết thương bụng của người con gái lành khá nhanh theo như dự đoán, không có biến chứng gì cả. Nhân viên Phòng Nhì của tỉnh vẫn canh chừng nhưng hơi lơi là một chút. Thay vì ở đó suốt ngày, nay họ chỉ tới thăm chừng một ngày hai lần. Họ không sợ tù binh đào thoát vì tay tù binh vẫn bị khóa vào thành giường như cũ.

Người con gái đã có thể ngồi dậy ăn uống. Nếu có nhu cầu vệ sinh, cô ta có thể gọi y tá tới giúp. Vì nhu cầu sinh tồn, cô ta đã làm quen được những người bệnh cùng phòng và họ sẵn sàng giúp đỡ cô ta khi cần.

Sự hiện diện của một tù binh bên địch ở trong trại Ngoại Khoa chẳng làm cho mọi người để ý hoặc xử sự gì khác lạ. Một vài bệnh nhân vì tò mò, có lần tới xem mặt người tù binh nhưng không có thái độ căm thù hay oán ghét gì cô

Tôi nhận thấy đó là một điều khác thường. Trên chiến trường thì ăn thua đủ, sẵn sàng nhả đạn tiêu diệt kẻ thù nhưng khi bị thương vào bệnh viện, mọi người chỉ là bệnh nhân thôi. Cùng là người Việt cả. Có thể cùng nói một thứ tiếng, cùng một phong tục tập quán nên dễ thông cảm nhau chằng. Cũng có thể là cuộc chiến tương tàn giữa những người Việt với nhau không phải do họ hay những thường dân vô tội, mà do một nhóm người lãnh đạo đầy tham vọng quyền lực đã áp đặt, đưa đẩy họ vào. Tôi chắc chắn rằng họ cũng như tôi, chỉ mong có một cuộc sống bình an, không có tiếng súng, không chết chóc, hận thù. Cho nên chúng tôi, y sĩ và y tá đều cố gắng chữa lành những vết thương cho mọi người, không phân biệt ta hay địch trên phương diện y khoa. Tuy nhiên, vì chúng tôi đang ở trên hai chiến tuyến khác nhau nên tôi vẫn phải đề cao cảnh giác, vẫn để ý canh chừng.

Chúng tôi đối xử họ với tinh thần nhân đạo, nhưng làm sao biết được trong lòng họ nghĩ gì. Bởi vậy tôi căn dặn Trung sĩ Lạng, Y Tá Trưởng trại không nên phóng tâm ỷ y. Mặc dù canh giữ tù nhân là trách nhiệm của An Ninh Tỉnh nhưng mình cũng có một phần trách nhiệm nếu có điều gì xảy ra ở trại của mình.

Sau 10 ngày, vết thương bụng của cô gái đã lành hẳn. Tôi tháo băng cắt chỉ và sẵn sàng trả cô lại cho Ty An Ninh Tỉnh. Những ngày cuối cùng ở bệnh viện, cô ta có vẻ cởi mở hơn nhiều so với những ngày trước. Tôi đã thấy được nụ cười trên môi cô và những câu trả lời cũng đỡ khô khan cộc lốc. Các nhân viên An Ninh càng ngày càng ít tới canh chừng tù binh, có khi hai hay ba ngày họ mới tới một lần.

Những hôm bị pháo kích, tôi đi ngang qua phòng cô ta thấy cô ta mặt mũi xanh dờn vì sợ. Cô chui xuống gầm giường bệnh, một cánh tay vẫn bị khóa chặt vào thành giường khiến cho mọi cử động của cô ta rất khó khăn. Tôi nghĩ bụng, thì ra cô cũng sợ pháo kích của các đồng chí của cô.

Có một lần, cô ta nói với tôi:

– Xin bác sĩ cho mở cái còng cho tôi giùm. Tôi hứa sẽ không trốn đâu.

Tôi lắc đầu:

– Tôi không có chìa khóa.

Dù có chìa khóa, tôi cũng không dám mở tuy tôi thông cảm nỗi khổ của cô. Ngày hôm qua, sau khi tản thương xong, tôi xuống trại Ngoại Khoa khám bệnh, vừa thấy tôi, Trung sĩ Lạng báo cáo liền:

– Thưa bác sĩ, còng tay cô gái tù bị sút ra rồi.

Tôi cau mày ngạc nhiên, hỏi:

– Sao vậy?

– Thưa bác sĩ, lúc nghe pháo cô ấy nhảy mạnh xuống sàn, không ngờ còng tuột khỏi bàn tay.

Tôi suy nghĩ, có lẽ trong thời gian dưỡng bệnh sau khi mổ, cô ta gầy đi. Bàn tay có thể nhỏ lại nên mới tuột ra khỏi còng. Tôi nhìn Trung sĩ Lạng, anh hiểu ý, vội nói:

– Tôi đã cho người canh chùng và đã báo ngay cho An Ninh Tỉnh biết, được nửa tiếng rồi mà sao đến giờ này vẫn chưa có ai tới.

Tôi vội đi tới phòng của cô gái tù binh. Tôi thấy cô ta đang ngồi trên giường nói chuyện với cô y tá Huệ một cách vui vẻ. Tôi bước vào phòng, cô ta ngẩng lên thấy tôi hơi mỉm cười, gật đầu chào. Tôi cũng gật đầu chào lại cô ta rồi hỏi:

– Tay cô có đau không?

Cô gái lắc đầu, trả lời:

– Dạ thưa không. Chỉ hơi trầy da một chút xíu thôi. Được thoát khỏi còng tôi thấy khỏe lắm.

Tôi hỏi tiếp:

– Thế vết thương ở bụng cô còn đau lắm không?

– Dạ thưa, bớt nhiều lắm rồi. Cám ơn bác sĩ đã cứu sống tôi.

Đây là tiếng nói “cám ơn” đầu tiên của người nữ tù binh tôi nhận được từ khi cô ta nằm bệnh viện. Thật khác hẳn thái độ nghi kỵ và đề phòng lúc ban đầu. Tôi nhờ cô ý tá Huệ mở băng bụng cho tôi khám lại vết thương, vết mổ đã lành. Tôi nói với người nữ tù nhân:

– Vết thương lành hẳn rồi. Cô có thể ăn uống như thường. Chút nữa An Ninh Tỉnh tới, tôi sẽ cho cô xuất viện để họ mang cô về bên Ty An Ninh. Bổn phận của chúng tôi tới đây là xong. Chỉ cần một tuần nữa, cô hoàn toàn bình phục, muốn làm gì cũng được.

Cô cúi đầu xuống, lộ vẻ lo âu khi nghe thấy tôi chuyển cô lại Ty An Ninh Tỉnh. Tôi vội trấn an cô:

– Cô đừng lo, cô mới lành bệnh xong, sang đó họ sẽ không làm gì cô đâu. Họ chi hỏi cung là cùng. Chắc chắn không có tra tấn gì đâu.

Nói đến đây, hai nhân viên An Ninh Tỉnh tới. Sau khi các thủ tục giấy tờ đã ký xong, cô gái bị còng hai tay lại rồi theo nhân viên an ninh ra xe đi về Ty An Ninh Tỉnh. Sau này, khi tôi được lệnh dọn sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để tổ chức một Phòng Mổ cấp Cứu ở đó, tôi lại có dịp gặp cô gái tù binh. Tôi ngạc nhiên khi thấy cô này chẳng bị còng tay gì cả mà lại đi đứng tự do như mọi người. Cô trông có vẻ khỏe mạnh, nước da trắng hơn trước, nét mặt vui hơn và có vẻ yêu đời hơn. Cô trông thấy tôi, mỉm cười gật đâu chào tôi. Tôi cũng gật đầu chào lại, không trao đổi câu nào. Trong lòng tôi hơi thắc mắc sao người tù nhân bên địch lại được tự do sống ngay trong Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu như vậy.

Có thể cô ta đã hồi chánh rồi chăng?

Còn người nam tù binh, từ khi xuống trại Ngoại Khoa, những ngày đầu, tôi thấy anh ta không nói gì. Tôi cũng không hỏi, chỉ khám bệnh và săn sóc vết thương cho anh ta như những bệnh nhân khác. Anh ta được đặt sát ngay phòng tôi. Xương đùi bị gãy nên tôi phải kéo xương đùi bằng cách dùng một hệ thống ròng rọc và tạ nặng 10 ký.

Mấy ngày đầu, bệnh nhân sẽ thấy rất đau, nhưng rồi sẽ quen đi. Sau 10 ngày, tôi cho chụp lại hình xương đùi thấy chỗ gãy đã thẳng hàng với nhau. Tôi liền bó bột để giữ xương ở vị trí và tránh lệch lạc. Cổ tay trái của anh ta vẫn bị còng vào khung giường.

Có một lần, anh ta năn nỉ tôi đi kiếm cho anh một cái cưa sắt để anh cưa đứt còng cho thoải mái. Anh ta lấy lý do chân bị gãy, anh ta không thể trốn đi đâu được. Cũng như đối với cô tù binh kể trên, tôi trả lời anh ta là tôi không có cưa sắt và nếu có, tôi cũng không dám đưa. Tôi nói với anh ta rằng tôi sẽ cho An Ninh Tỉnh biết để chuyển anh đi nơi khác vì tình trạng sức khỏe của anh ta hiện giờ đã ổn định, không cần nằm bệnh viện nữa.

Nhưng điện thoại đã bị cắt. Bệnh viện đã bị cô lập, tôi không thể liên lạc với An Ninh Tỉnh được, thành ra anh ta vẫn phải nằm tại bệnh viện. Anh ta đã thoát chết mấy lần pháo.

(Sau khi tôi được lệnh di chuyển sang Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, trong lúc bận rộn thu xếp đồ đạc dụng cụ y khoa mang đi để thiết lập một Phòng Mổ cấp Cứu, tôi cũng không quên dặn dò Trung sĩ Lạng nhớ săn sóc cho người tù binh, kiếm thức ăn cho anh ta ăn, sau đó tôi mới yên chí ra đi.)

No comments:

Post a Comment