Friday, July 22, 2022

ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN: Chương 14 (Xuân Vũ) QUYỂN IV của THIÊN HỒI KÝ “VƯỢT ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”

– 14 –

Tôi hỏi Tư Mô:

– Ông cũng biết chuyện ấy nữa sao ông nội ?

– Thì cũng do mấy cha ở ngoải về xì ra.

Tôi bèn bóp méo câu chuyện kể cho thắng Tôn nghe rồi bảo:

– Nguyễn Văn Sơ là người ở cho địa chủ cũng như ba cháu vậy, nhưng khi ra ngoài Bắc được Bác Hồ cho làm tới hiệu trưởng trường cao cấp quân đội đó.

– Ở đợ mà làm hiệu trưởng như vậy rồi làm sao chỉ huy mấy ông có học chú ?

– Ờ ờ. Tôi như bi mắc nghẹn miếng thịt trâu nên ngập ngừng – ở ngoài đó ít cần chữ lắm cháu ạ. Lập trường mới là cái cần nhất. Người có lập trường làm cái gì cũng được, còn người có chữ không làm được cái gì!

Nhưng thằng Tôn không tin, nó nói:

– Chú bảo vậy sao được. Chẳng lẽ dốt như cháu mà lên làm chỉ huy cả trăm cả ngàn người. Chỉ làm giao liên là tốt thôi !

Tôi đành lặng thinh và nâng chén rượu uống cho đỡ ngượng. Tư Mô cũng đánh trống lãng giùm tỏi:

– Con trâu này chắc còn tơ nên thịt không dai hả chú em ?

– Dạ, nó mới nổi cổ.

– Trâu chết vậy là bỏ mùa ruộng.

– Ối ! Ruộng mà kể gì chú ơi ! Làm xong mùa có được gì .

– Trực thăng bố hả ?

– Thuế!

Thằng Tôn như giật mình, nói lấp:

– Có khi một trái cà nông thảy vô giữa bầy trâu, chết ba bốn con, què hai ba con !

Cơm nước xong, tôi lên võng nằm. Trời chiều lại có chất men trong người, nên tôi muốn thả hồn theo Lý Bạch lên Hoàng Hạc Lâu, nhưng thằng Tôn lại lê tới tâm sự. Nó có vẻ dè dặt hơi lâu, nói chuyện bao đồng một chốc rồi mới hỏi:

– Mình có gửi thư ra Bắc được không chú ?

– A, cái đó thì chú không rõ.

Tư Mô đáp xẳng :

– Muốn gửi thì gửi. Có khi ra tới, có khi không.

– Vậy nữa à?

– Trên R có bưu điện ra trung ương nhưng có lẽ là chỉ dành cho cơ quan thôi.

Thằng Tôn nói:

– Cháu muốn gửi thư cho ba cháu đừng có về.

– Hả! Tôi ngóc cổ dậy, gắt – Tại sao?

Thằng Tôn lặng im. Tay nó đưa lên nắm đầu võng của tôi run run .

Trong bóng chiều vàng ối tôi thấy cặp mắt thằng nhỏ rưng rưng. Nó suýt khóc.

Tôi không biết chuyện gì, nhưng đoán chắc là có bi kịch trong gia đình. Tôi nằm xuống im lặng. Hồi lâu nó mới nói:

– Má cháu đã lấy chồng.

Trời đất. Tôi kêu thầm. Đó là bi kịch to lớn nhất của một gia đình.

Chồng đi (tập kết) thì có chồng nhà
Hơi nào mà đợi chồng xa đi về.

Ca dao trào lộng trở thành đời sống hiện thực của thời đại Hồ Chí Minh.

Câu đó được đổi ra như sau:

Chồng đi (giải phóng) thì có chồng nhà
Hơi nào mà đợi chồng xa đi về
.

Còn trong đám Nam Kỳ tập kết thì có câu chế diễu những anh miền Nam cưới vợ Bắc:

Ngang lưng thì giắt su hào
Đầu quấn rau muống chân quào bánh đa
.

Và tự chế diễu mình:

Đất Bắc anh gìn cho tí ngẳng.
Trời Nam em giữ cái bề hê.

Trung ương không nghe làm gì. Trung ương ở nhà lầu ba góc có hàng rào làm bằng xương dân Nam Kỳ bịt kín, ông nào cũng gối đầu trên miếng đất xéo tanh tanh dí mũi vào chòm cỏ rối, đâu có ông nào bị chia loan rẽ thúy ! Cho nên không thông cảm nổi với các đức lang quân bị gối chiếc phòng không, mưa phùn gió bấc, kêu không thấu Thiên Tào Bắc Đẩu.

Vừa trồi ra khỏi rừng mới bước chân xuống vùng có dân cư, tôi đã đụng ngay cái bi kịch không màn này.

Tôi không nói gì thêm, sợ làm thằng Tôn khóc rẻ lên. Nhưng nó không khóc. Nó hỏi tôi:

– Mà chú biết thằng chồng bây giờ của má cháu là ai không?

(Tôi suýt kêu trời. Cái câu hỏi đầy hài hước và bi thương. Thằng chồng của má cháu! Ở Hà Nội, có chiếu một phim có cái tên cũng ngược đời như thế “Người chồng của vợ anh ta. ” Nhưng không chói lỗ tai bằng “Thằng chồng của má cháu ! )

Tôi không thể đoán thằng đó là thằng nào. Thằng nào mà má cháu gọi bằng chồng, còn cháu gọi bằng thằng? Nó không phải là ba cháu ư?

Thằng Tôn nói tiếp:

– Thằng cha Xã đội trưởng chú ạ !

– Rồi sao ?

– Nó rà rê riết rồi má cháu ưng.

– Chịp !

– Nó bảo là đám tập kết hết về rồi. Mỹ vô, miền Bắc không dám đánh. Mỹ đánh ra Bắc, Bắc thua. Nó nói đủ thứ, ngày một ngày hai. Nó gạ gẫm, tới lui, ban đầu thì ngày, lần lần thì đêm. Có khi cà nông thụt, nó chui đại vô hầm với bả!

Tôi nằm im không dám cục cựa như sợ mỗi cử động của mình làm vết thương của nó vỡ to thêm. Nó tiếp:

– Bây giờ cháu ít về lắm chú ạ. Về càng thêm chán. Cháu lấy trạm làm nhà.

– Lâu chưa?

– Có con rồi .

– Trời đất !

– Hai ba bốn năm trước chớ không phải mới đây. Cháu định bữa nào đụng đầu cháu lia cho nó một băng AK.

– Bậy nào ! Làm vậy loạn hết.

– Thì tại nó loạn trước mà.

– Rồi xã ủy chi ủy không có kỷ luật gì à?

– Nó là xã ủy chớ còn ai nữa?

– Vậy thì hết chỗ nói rồi !

Đây là phần nâng cao chất lượng của bi kịch. Chồng đi làm cách mạng, vợ ở nhà bị người ta cuỗm mất. Đó đã là bi kịch, nhưng cái kẻ cuỗm vợ nhà cách mạng kia lại chính là đồng chí của nhà cách mạng. Thế mới dzui.

Tôn tiếp:

– Xã này có hai ba trường hợp như vậy chú ạ!

– Vậy à?

– Mà toàn là xã ủy, chi ủy chủ động không hè !

– Chủ động là sao?

– Thì là vậy đó. Mấy bà kia cũng có chồng đi tập kết như ba cháu. Rầu lắm chú ơi ! Bà nào bà nấy cũng mang bụng chửa thè lè như chuột tháng mưa. Có bà giấu giếm nhưng ai cũng biết. Có bà đẻ con rồi quăng xuống sông để phi tang nhưng làm sao mà tan được. Có bà bỏ nhà đi chỗ khác vì sợ bà vợ lớn chửi bới.

Tôi đã từng biết vụ ghen của bà lớn Duẩn ở Hà Nội. Hà Nội có nhiều lính và nhà bê tông cốt sắt thế mà đồng chí Tổng bí thư không có chỗ để cho bà nhỏ ở tránh khỏi nanh vuốt của bà lớn. Đồng chí phải cho bà nhỏ chạy sang bên Tàu tị nạn. Thì ở cái vùng giải phóng hỗn loạn vô pháp luật này làm sao có chỗ dung thân cho những nạn nhân của sự ghen tuông?

Thằng Tôn thở dài sườn sượt. Nó không nói gì nữa. Trời tối hẳn. Tối như ở Trường Sơn, nhưng sự tối tăm hôm nay ở đây là sự tối ám của tâm tư. Cách mạng càng kéo dài càng thêm nhiều bi kịch. Chẳng có gì vui cho mỗi cá nhân. Như tôi vậy. Cái vui duy nhất của tôi là đã thoát khơi nơi mình không thích, nhưng cái bi kịch của tôi thì vô tả.

Tôi đã rời khỏi rừng nhưng trái tim của tôi còn ở lại đó chôn sâu nơi một hố đất giữa rừng già. Còn biết được ngày nào tôi trở lại. Mưa gió sẽ san bằng tất cả, nhưng tim anh thì mang mãi hình dáng của em.

Tôi bỗng sực nhớ ra rằng lúc bối rối tôi đã bỏ luôn cả chiếc ba lô của Nguyệt vào hòm. Trong đó có biết bao nhiêu là món có thể giữ để làm kỷ niệm.

Thằng Tôn đi về chòi của nó bỏ tôi và Tư Mô ở lại với nhau trên hai chiếc võng giăng cụng đầu. Bất ngờ Tư Mô hỏi:

– Chín Nheo ra ngoải làm cái gì ?

– Chín Nheo nào?

– Thì… nhà họ Lưu, không nhớ à? Chú ở trong chi hội Văn Nghệ Nam Bộ với chả chứ ai !

– À! Nhớ ! Chùm Vải Đỏ ! Chùm vải đỏ ! Tôi bật ra mấy câu thơ:

Một bước đầu qua ranh Nam Bộ
Nhận món quà ủng hộ của Đồng Nai
Lòng run run theo một chuỗi cười dài
Vải ngọt quá, ngọt như tình đất nước…

phải chả không?

– Chớ còn gì nữa.

– Mà anh hỏi chả làm gì ? Chả ra ngoài chẳng còn văn thơ gì nữa. Làm gì trên Phủ Thủ Tướng, được ở trên cấp cho chiếc xe hơi Peugeot 401 hồi mình còn ở truồng tắm vũng.

Tư Mô nói:

– Tôi nhớ bài Chùm vải đỏ của chả. Mới mé ranh Nam Bộ đã nhận được chùm vải ngọt của Bà Rịa. Còn tụi mình mới lú ra khỏi rừng thì được vị bần chưa của đồng bằng.

– Bần gì ở đâu?

– Bần mọc đầy hai ven sông đó !

– Nhưng mình đã ăn trái nào đâu mà chua với chát?

– Chuyện thằng bé kể đó không chua thì ngọt à?

– Anh thật! Tôi trở mình úp mặt vào mép võng.

Tư Mô hút thuốc liên miên. Một chốc anh nói:

– Không kết tội thì không được ! Nhưng kết tội thì cả quan tòa cũng đau lòng.

– Tội gì ? Tòa nào ?

Tư Mô lặng thinh. Anh ném tàn thuốc xuống mương. Tôi nghe một tiếng “xèo” to. Chắc điếu thuốc còn dài nhưng anh không hút nữa. Anh nói:

– Đàn bà mà không có đàn ông ở nhà cả chục năm trời thì còn gì là đàn bà? Chú chưa có vợ, chú chưa biết chuyện đó đâu. Cá bỏ trong giỏ không có hom, nếu nó không vọt ra thì cũng bị mèo thò móng vào chụp, chú hiểu không ?Đàn ông đi như thế nếu có chuyện gì xảy ra và bất cứ như thế nào cũng là lỗi ở đàn ông chứ không phải của đàn bà! – Tư Mô thở dài. Anh nói như một tín đồ của Freud – Xác thịt là tội lỗi nhưng đó lại là hạnh phúc của người đời. Đàn bà mười năm không biết đàn ông thì còn là cái gì được chớ? Chú xem con cá, con chim, con chó, con trâu có phải chịu đựng gian nan thế không? Đàn bà Việt Nam đâu có phải là đàn bà âu Châu mà nuôi chó berger, mà xài dụng cụ cao su được. Hoặc họ nói thẳng với anh hàng xóm là tôi muốn ngủ với anh một đêm thôi vì mai mốt chồng tôi về, tôi không cần anh nữa. Tập kết hai năm đã là quá lắm rồi. Bây giờ gần mười năm. Một người con gái đã phải già, một người đàn bà trung niên đã là mẹ chiến sĩ. Chú thấy không? Đàn bà Nam Kỳ đã xa chồng chín năm kháng chiến rồi bây giờ đã xa thêm chín, mười năm nữa…

Xin Trời hãy tha thứ cho họ.

Tôi không muốn nói gì. Vì tôi không phải chịu đựng loại thảm kịch đó. Tôi ra Hà Nội một thân một mình. Tôi có bạn gái. Nếu tôi muốn lấy vợ cũng không phạm gì cả. Nhưng tôi thấy nó không ổn thế nào ấy. Vì Hà Nội không phải là nơi cư trú vĩnh viễn của tôi. Hơn nữa tôi luôn luôn tìm đường trốn.

Những ngày tôi đi công tác ở các tỉnh, ở các đơn vị quân đội người Nam Bộ hoặc những nơi có đông người Nam Bộ, tôi thấy nhiều chuyện đau lòng.

– Anh Tư ơi ! Tôi kêu lên – Người Nam Bộ mình là những con vật hi sinh anh ạ!

Tư Mô không nói gì . Hai bàn tay anh mò mò bị thuốc nghe sột soạt. Anh lại hút. Tôi tiếp:

– Chẳng những đàn bà bị hi sinh mà đàn ông con trai cũng thế! Cả anh nữa?

– Còn phải nói ! – Tư Mô đồng ý một cách xuôi chèo với tôi – Tài Lé chửi ghê lắm !

– Anh có gặp giả à?

– Có chứ !

– Vẫn lé ?

– Muôn năm.

– Vẫn càu nhàu ?

– Muôn năm !

– Vẫn ở đó ?

– Muôn năm ! Và vẫn nói chuyện hấp dẫn. Có một bà tư sản ở Sài Gòn mê chả dữ lắm !

– Mê gì ở cái bộ xương đó?

– Mê nghe chuyện của chả thôi ! Bà ta nói là nếu xừ Tài đồng ý, bà sẽ mướn lũy cứ mỗi tuần tới nói chuyện cho bả nghe một ngày, chuyện gì cũng được ! Thằng chả có duyên tệ. Nói cái gì nghe cũng hay, nhất là chuyện Miệt Thứ. Ba cái chuyện lẩm cẩm Trèm Trẹm U Minh !

– Chả chửi cái gì ?

– Lủy bảo là cách mạng gì kỳ cục vậy. Khi đánh giặc thì cùng đánh. Khi thắng giặc xong thì một thằng chạy đi hưởng lạc, còn một thằng thì bi trói quăng vô chuồng cọp.

– Chuồng cọp nào? Thằng nào bị quăng?

– Tụi tui đây chứ còn thằng nào ! Chuồng cọp là Chí Hòa, Côn Đảo, Bà Rá, Kontum ! Chú không biết chứ tụi này ở lại chỉ trong vòng vài tháng là bị xúc hết ráo. Trần Chính, trưởng ban tuyên truyền Thanh Niên Cứu Quốc Nam Bộ, nhớ không?

– Thày cũ của tôi.

– Bị thịt ngay sau khi các vùng hoàn thành các chuyến tập kết. Đó là người trong tỉnh mình. Còn cỡ như tôi, cậu của chú thì vô khám ngay. Không chuồng cọp là gì ? – Tư Mô ngồi bật dậy – Đành rằng đấu tranh thì phải có hi sinh, nhưng mình tránh sự hi sinh oan uổng và tức tối đó được không? Người ta tưởng đem được mấy chục tàu người ra Bắc là đủ rồi, còn những kẻ ở lại lộ mặt hoặc lem nhem thì cứ việc ở lại tha hồ mà chui trốn và tin tưởng trung ương.

Tôi biết Tư Mô có một tâm sự uất ức dài như Cửu Long Giang, nhưng tôi không dám khuyên can gì. Ngược lại tôi còn tán thành. Đúng là trói đồng chí mình quăng vô chuồng cọp. Ngoài ra tôi còn thấy mình chỉ là một tên vô tích sự. Ra Bắc có làm được cái gì để hai năm thống nhất đất nước đâu!

Về tới R, ở Chiêu Đãi Sở, tôi gặp rất nhiều người quen cũ từng là cấp trên của tôi ở quận, ở tỉnh trong kháng chiến chống Pháp nằm la liệt sốt triền miên, để làm gì ? – Chờ Ban Tổ Chức R giải quyết sinh mạng chính trị cho mình, tức là tuyên bố khai trừ, cảnh cáo, hoặc trấn an và được chấp nhận cho công tác trở lại. Họ bi tù vừa ra hoặc “bí mật liên lạc” với đảng trong nhiều năm. Trong số người này, có một người từng là thư ký Thanh Niên Cứu Quốc quận Mỏ Cày của tôi tên là D. Anh ta nhờ tôi nói dùm với Ban Tổ Chức giải quyết sớm sớm, hoặc “chém,” hoặc “tha,” lẽ nào cũng được. Để nằm dài như vậy khổ sở quá. Nhưng tôi có quyền hạn gì ! Hơn nữa tôi cũng không biết Ban Tổ Chức ở đâu và ai là chủ của cái ban đó. Anh ta tưởng là dân tập kết về thì oai hùng lắm. Tôi đành hứa cho qua truông trước khi chia tay nhau. Từ đó tôi không gặp lại anh ta nữa.

Tư Mô có lẽ đã nhờ anh Năm Quang, tức Trần Bạch Đằng, bảo lãnh (cũng như bảo lãnh tôi vậy) nên được về ngay tiểu ban Văn Nghệ R. Tuy được làm việc, sáng tác nọ kia, nhưng phải mang cái án gỡ không ra. Ôi, cách mạng! Giá đừng có cách mạng thì dân Việt Nam đỡ chết chóc và bầm dập hơn. Cách mạng không làm nên hạnh phúc cho ai cả, mà ngược lại. Tính đến năm 63 là đã đổ máu gần hai mươi năm, nhưng chẳng thấy người cán bộ Nam Bộ nào được hưởng cái gì cả. Chỉ toàn hi sinh.

Tư Mô nói tiếp:

– Nếu tôi bị rơi vào trường hợp của bố thằng Tôn thì tôi hoàn toàn không bắt tội người đàn bà.

– Khổ lắm anh Tư ơi ! Tôi van anh. Thôi ngủ đi để còn giỏi giò sáng mai nó “chụp” thì mình chạy.

Tư Mô im. Nhưng tôi nào ngủ được. Tôi về đây là thoát rồi, dù có gì xảy ra đi nữa thì cũng hài lòng. Tôi chợt nhớ lại tất cả bạn bè, lũ còn ở ngoài ‘Bắc lẫn đám bị trói quăng vào chuồng cọp: Phạm Anh Tài, Huy Hà, chú, cậu tôi và v.v… không nhớ hết.

Tư Mô làm tôi nhớ nhất Phạm Anh Tài, bởi có nhiều kỷ niệm trong thời kỳ chống Pháp

Không rõ anh làm ở tòa soạn tờ Tiếng Súng Kháng Địch Miền Tây Nam Bộ hồi nào nhưng khi tôi đến (1950) thì thấy anh đã ở đó rồi. Anh in thơ, in truyện nhiều nhất trong những nhà thơ, nhà văn trong vùng. Tài rất thích thơ Huy Cận. Tôi được anh ngâm cho nghe hầu hết tập Lửa thiêng. Giọng của anh là một giọng ngâm đặc biệt không thấy ở ai khác.

Đẹp xưa, Ngậm ngùi v.v… bài nào anh ngâm nghe cũng muốn đứt ruột đứt gan. Anh ngâm xong lại bình về kỹ thuật và chính anh đã khuyên tôi: “Ê, Xuân Vũ, sao mày không cưới vợ cho rồi ? ” – Thôi ông nội ơi ? Một cái ba-lô trên lưng đã thấy nặng rồi, đeo thêm cô vợ làm sao đi nổi ? – Ấy, mày cưới vợ xong rồi mày sẽ thấy cái ba lô nhẹ hơn! Hì hì… Kháng chiến này còn dài mày ạ. Mày có chắc mày khỏi ốm đau không? Mày lủng phổi thì đi dưỡng đường nó chích cho mũi calcium rồi về chớ nó đâu có chứa mày lâu. Mày có vợ nó ở nhà nuôi gà, nuôi vịt, mày về trụ hình ở nhà có trứng gà tẩm bổ, nó nấu cơm sốt cho mày ăn ! Như tao nè, vợ tao có khi nào cằn nhằn khi tao về nhà đâu. Nó còn mong cho tao bệnh để ở nhà nữa là khác !

Câu khuyên thật chí lý chí tình và khoa học, nhưng tôi đã không thích vợ con lại coi chuyện đó hơi kỳ cục. Đến khi hòa bình lập lại, tôi làm ở tòa soạn thì anh ở nhà. Tuy còn dính chân ở cơ quan, nhưng anh có giấy của bác sĩ cho nghỉ dài hạn. Dài là bao dai, không ai biết, nhưng lâu lâu thấy anh đến nói chuyện với cấp chỉ huy rồi “biến” ngay trước khi họ thay đổi ý kiến !

Khi tôi sắp xuống tàu tập kết ở bến Chắc Băng thì gặp anh. Lúc bấy giờ các cơ quan dân chánh đều hối hả rộn rịp tập trung ở vùng này để lo móc ngoéo gia đình xin đồng hồ, bút máy, áo ấm, để đem ra Bắc bán ăn. Anh đưa tôi coi cái điện văn và nói:

– Xừ Tiểng (tức Huỳnh Văn Tiểng, Giám Đốc Sở Thông Tin Nam Bộ kiêm Giám Đốc Đài Phát Thanh Tiếng Nói Nam Bộ) mới đưa tao !

Tôi đang đọc thì anh nói:

– Ở ngoải kêu tao ra.

– Ngoải là ai ?

– Tố Hữu.

Tôi mừng rỡ bảo:

– Vậy sửa soạn nhanh đi cha ! Mình cùng đi một chuyến !

Anh lắc lia:

– Thôi th…thôi !

– Sao vậy?

– Tao không có đi đâu!

– Sợ bỏ vợ hả ?

– Cũng có một phần, nhưng cái chính là tao không muốn đi!

– Không đi ra đó thì đi đâu?

– Về Sài Gòn.

– Làm gì ở trển ?

– Chưa biết ! Nhưng mày ra ngoài đó rồi mày làm gì có biết không?

– Gặp cụ Hồ cho bõ cái công kháng chiến.

Anh xua xua tay không nói. Chả là tôi mới làm một bài thơ là “Thay áo mới “ vừa đăng báo, với hai câu kết mà tôi rung đùi khoái lắm:

Mười năm dồn lại một ngày
Là ngày tay cháu cầm tay Bác Hồ !

Anh nói :

– Tao có đọc thơ của mày. Hay lắm !

– Tại sao anh không đi chứ?

– Nhưng đó chỉ là thơ. Còn đi ra ngoải lại khác.

– Khác thế nào được !

– Rồi mày xem. Ở trong này thì mày thấy gần ổng, nhưng khi ra đó thì thấy lại xa hơn lúc ở trong này !

Rồi anh ăn mấy quả cam nhà của tôi, vừa đi vừa nói chuyện trên bờ kinh xáng.

Quả thật “ra ngoài đó thì xa” đúng y như rằng. Chẳng những xa mà tôi hết ham gặp Bác Hồ nói chi bắt tay. Tôi không được bắt tay bác và thú thực tôi cũng không mơ ước được cái hân hạnh đó. Chẳng phải riêng tôi mà nhiều không biết bao nhiêu.

Anh Tài ở lại Sài Gòn viết văn, viết hay hơn trong kháng chiến. Nếu anh ra Bắc có lẽ (tôi đoán vậy thôi) anh sẽ ít nhiều dính vào Nhân Văn Giai Phẩm.

Dòng tâm sự của tôi chảy lan man như nước sông Vàm Cỏ. Nếu tôi có ngọn đèn dầu trong tay, tôi chỉ cần nghiêng qua mép võng thì:

Khêu đèn ta thấy trong dòng nước
Có máu Miền Tây, máu Hậu Giang.

Huy Hà! Đó là nhà thơ kháng chiến, người thứ hai tôi quen thân sau Anh Tài. Tôi đi chiến dịch Long Châu Hà chung với Quốc Hương bài “Cười vui mà đi Long Châu“, rất hay. Làm xong Quốc Hương hát và dạy bộ đội hát rền trời.

Cười vui ta đi Long Châu
Tình thương reo trong nòng súng
Ta về mang theo vui mừng
Cầm súng ta đi diệt Tây!

Huy Hà làm ca dao. Được câu nào anh đưa cho tôi:

– Ê! Xuân Vũ coi đã không?

Huy Hà có cái sắc-cốt cũ rách đi đâu cũng mang xề xệ và miệng cứ lải nhải những câu thơ viết ra:

Làng tôi mấy cội trâm bầu
Làng tôi có mấy nhịp cầu sang sông
Có bao du kích xung phong…

….Sặc rằn chia đứa nửa con
Mặn mà mà nhớ mà thương nhau hoài!

Đôi lần Huy Hà cũng bảo tôi:

– Ê, Xuân Vũ mày muốn vợ chưa ? Tao gả em vợ cho! Mày thấy nó là mày thích ngay!

Ôi ! Bao kỷ niệm êm đẹp của thời kháng chiến phơi gan trải mật tuổi thanh niên, như dòng nước nhỏ róc rách chảy về những kẽ hở của tâm hồn, len vào tận những nơi cùn cạn.

 

No comments:

Post a Comment