TẤN CÔNG ĐỢT NHẤT
Sau một ngày làm việc mệt nhọc, tôi đang say giấc, bỗng choàng tỉnh dậy vì những tiếng nổ rất gần. Tôi với tay lấy cái đèn pin, lăn mình xuống gầm giường. Tôi bấm đèn soi mặt đồng hồ, thấy mới có 1 giờ đêm. Tôi tự hỏi, không hiểu sao tụi nó pháo kích sớm quá vậy.
Tôi lấy chiếc mũ sắt úp lên đầu, chiếc áo giáp đắp lên người, tính tiếp tục ngủ nữa, mặc nó muốn pháo sao thì pháo. Tôi cố nhắm mắt nhưng không tài nào ngủ được. Tiếng đạn rít qua mái nhà vi vút như thoi đưa. Dường như nó bắn từ ba bốn phía vào. Tôi nghe thấy tiếng départ ở khắp nơi, đủ mọi loại pháo. Đạn rơi xuống nổ liên hồi không biết đằng nào mà lần.
Tôi thấy lạnh khắp người. Tôi nằm co lại, cố thu nhỏ thân mình, áp sát người vào vách tường. Lưng chạm vào thành xi-măng lại càng lạnh thêm. Tôi nghe rõ tiếng tim đập nhanh trong lồng lồng ngực. Tiếng nổ càng ngày càng gần. Có vẻ vài trái đã rơi vào chu vi bệnh viện.
Qua những tiếng nổ hỗn độn như mưa đó, tôi cố gắng gạn lọc, phân biệt những tiếng nổ nào xa, nào gần để lượng định xem chiều hướng điều chỉnh của pháo địch, cái nào có vẻ nguy hiểm, cái nào không. Tôi bỗng chú ý tới một hướng pháo từ phía Nam, những trái pháo rơi rất đều, tạo nên những tiếng nổ càng ngày càng di chuyển dần về phía tôi. Ầm, ầm, ầm. Bắt đầu là phía nhà bác sĩ Phúc, một cư xá công chức ở ngang bệnh viện, rồi tới trại Nội Khoa Nữ. Tôi nghe rõ những tiếng ngói vỡ vụn từ phía ấy. Tiếng nổ tiếp tục tiến tới trại Nội Khoa Nam. Gạch vừa bắn văng lên tường, lên mái tôn khu Hậu Giải Phẫu rồi tiếng nổ tới Phòng Cấp Cứu cũ của bệnh viện chỉ cách phòng tôi có 10 thước. Tôi nghĩ thầm, chết cha rồi, cứ đà này nó nhích lại lần nữa là trúng phòng mình. Tôi run quá. Chắc tiêu tùng chuyến này quá. Tôi khấn thầm Đức Phật Quan Thế Âm cứu khổ cứu nạn.
Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi thấy sợ và phải cầu Trời khấn Phật như vậy. May quá, như một phép lạ, chẳng biết làm sao đường pháo lại chuyển qua hướng khác một cách rõ ràng như có người quay nòng pháo sang một góc độ khác. Tôi biết tôi đã được thoát nạn. Tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy không yên lòng chút nào. Tôi loay loay mặc áo giáp, nhưng không được vì gầm giường quá thấp tôi phải lăn ra ngoài, khoác vội vào rồi lại lăn vô trong. Mặc áo giáp xong tôi thấy dễ chịu hơn trước. Tôi cảm thấy ấm áp hơn và có cảm giác an toàn hơn.
Tôi nằm chịu trận nghe tiếng nổ. Có ít nhất mười mấy trái đã rơi ở phía sau bệnh viện, ở phía nhà kho và nhà Bảo Sanh. Không biết cô Đào có làm sao không? Tôi nghe một tiếng nổ ở cuối trại Ngoại Khoa, cách tôi chừng bốn phòng. Hai tiếng nữa ở đầu trại. Tiếng ngói vỡ rơi rào rào. Có người thảng thốt kêu lên:
– Trời ơi tôi bị thương rồi!
Tiếng kêu trong đêm tối làm tôi lạnh mình. Chắc chắn người đó chết quá vì sau đó tôi chẳng nghe thấy tiếng rên la nào cả.
Nằm dưới gầm giường tôi thầm nghĩ, pháo nhiều thế này chắc là tiền pháo hậu xung đây, theo đúng như chiến thuật thường dùng của địch quân. Tôi kiểm điểm trong đầu sơ qua vị trí phòng thủ của các đơn vị bạn quanh bệnh viện. Phía Bắc có Trung Đoàn 8 và Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 52 đóng gần khu chợ mới, cùng với Pháo Binh Sư Đoàn ngay dưới chân đồi của bệnh viện. Phía Đông trước mặt bệnh viện có chừng hai đại đội của Trung Đoàn 52. Phía Nam có Trung Tâm Quản Trị Tiếp Vận Bình Long và gần hơn có Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5.
Chỉ lo phía Tây có mỗi một đại đội Trinh Sát 5. Tuy nhiên nếu nó ào vô chắc cũng phải khó khăn lắm. Nếu phải rút thì chắc cũng có thì giờ rút được. Nhưng chạy đi đâu?
Trong lúc hỗn loạn, ra khỏi vị trí mình là chết. Quân bạn cũng không tha vì dễ bị hiểu lầm là quân địch. Trước mắt, cách hay nhất vẫn là nằm yên một chỗ, khỏi lo bị bắn lầm và cũng tránh được mảnh đạn lạc. Còn nếu một quả nào đó rơi trúng chỗ mình thì cũng là số mạng cả. Tôi cứ nằm thao thức suy nghĩ miên man. Chẳng lẽ mình lại chết dấm chết dúi ở đây sao? Đời mình còn dài, mới có 30 tuổi, còn nhiều việc chưa làm, chết bây giờ uổng quá. Nhưng tôi cũng chẳng còn biết làm gì hơn được nữa. Thôi đành buông trôi theo số mệnh. Tôi xem lại đồng hồ, 4 giờ sáng, pháo gì mà lâu thế. Mặc các đồng chí cứ pháo tấn công đi, tôi mệt và buồn ngủ quá rồi.
Tôi ngủ luôn cho tới 7 giờ sáng. Thức dậy nhìn quanh, thấy phòng tôi vẫn còn nguyên. Qua khe cửa sổ, tôi thấy có thấp thoáng bóng người qua lại. Tôi mở cửa bước ra hành lang trại Ngoại Khoa, vẫn không thấy gì lạ. Thương binh vẫn còn nằm yên. Tôi gặp Trung sĩ Lạng. Lạng chỉ cho tôi đầu hồi trại bị pháo trúng bay hết mái ngói còn trơ mấy cây kèo gỗ. Cây bã đậu trước trại cũng bị lãnh một trái làm bay mất ngọn.
Tôi với Lạng đi thăm từng phòng. Lạng nói:
– Một trái trúng phòng một làm chết hai người, bị thương một người.
Tôi bước vào phòng một, gạch vỡ rơi đầy phòng. Trần nhà bị lủng một lỗ tới nửa thước. Hai người bệnh nằm chung giường gần cửa sổ nằm chết cứng từ bao giờ. Người nằm ngoài đầu vắt ra ngoài thành giường, ngó xuống đất cánh tay trái buông thõng. Người bên trong nằm thẳng cẳng cứ như khúc gỗ. Cả hai đều bị cát vữa từ trên trời đổ xuống phủ đầy mình, đầu tóc đều biến thành bạc trắng. Các bệnh nhân khác đều chui xuống gầm giường điều chỉnh nằm.
Một người bị thương ở ngực mấy ngày trước, tôi đã đặt ống thông phổi nối với một bình nước để hút không khí và máu ra ngoài. Nay bình lăn lóc một nơi, ống tuột khỏi bình, mà sao bịnh nhân vẫn tỉnh bơ. Tôi nói với Lạng lấy kìm kẹp hai đầu ống để chút nữa đặt lại bình thông phổi. Những người bị mổ bụng, ngày thường tôi có khuyên họ nên đứng dậy đi lại cho máu huyết lưu thông cho mau lành và tránh dính ruột. Họ đều kêu đau, nhất định không chịu nghe. Giờ đây, chắc nhờ thần pháo nên họ cũng lăn được xuống dưới gầm giường để tránh đạn.
Tôi đến cuối trại, một phòng gần cửa vào cũng bị lãnh một trái, gạch ngói ngổn ngang đầy phòng. Tôi hỏi:
– Có ai bị thương không?
Một người lao công đào binh dáng cao lớn, nằm đó đã mấy ngày rồi, vội trả lời:
– Thưa không.
Tôi ngạc nhiên hỏi:
– Phòng này lúc đó không có ai nằm sao?
– Thưa có bốn người. Một trái rơi giữa phòng nổ hắt lên, tụi em nằm nệm bị sức ép hắt tung lên chứ không việc gì. Có thằng nhỏ nằm với em bị mảnh đạn sớt nhẹ ngoài da thôi.
Thật là một trường hợp may mắn hi hữu. Đúng là sống sót có số mạng, không tin không được
Ngó qua phía trường Trung Học, tôi thấy vẫn còn đầy lính mình. Nhiều người đang cố sửa sang lại các vị trí chiến đấu cùng hố cá nhân cho nó kiên cố hơn. Thấy mọi người bu khá đông ở Phòng Cấp Cứu cũ, tôi vội bước tới xem. Một cảnh tượng khủng khiếp đập vào mắt tôi. Trong phòng hơn 35 xác nằm sóng sượt, không một người sống sót. Đa số là thường dân, đàn bà trẻ con đã tìm trú ẩn ở phòng này trong đêm qua. Tôi tính về phòng lấy máy ảnh chụp làm tài liệu, nhưng nghĩ trong bụng chụp xác chết sợ xui nên lại thôi.
Sau khi đi một vòng quan sát tình hình, tôi yên lòng trở về ăn sáng. Nói là ăn sáng cho sang, thực ra tôi xúc vội năm, sáu muỗng cơm sấy lên ăn với miếng thịt hộp ba lát còn dư lại từ ngày hôm qua. Bịch cơm sấy này chỉ dùng cho một bữa nhưng tôi đã ăn hơn một ngày chưa hết. Trong lúc tình hình căng thẳng, vừa lo vừa mệt tôi ăn không được bao nhiêu. Cơm sấy ăn với thịt hộp khó nuốt lắm, thỉnh thoảng tôi phải uống một ngụm nước lọc để đẩy cơm xuống bao tử. Mở mắt ra là ăn liền. Mẹ tôi đã dặn không bao giờ để bụng đói làm việc vì dễ bị xỉu và kiệt sức. Lời khuyên có vẻ tầm thường nhưng thực ra rất đúng, rất thực tế.
Tôi thầm cám ơn mẹ tôi rất nhiều. Trong lúc hấp tấp vội vàng nhiều khi người ta chỉ lo làm việc mà quên ăn. Đến khi đói cần ăn thì không còn thức ăn ngay tại chỗ lại càng mệt thêm, ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần và óc sáng suốt khi làm việc. Đặc biệt trong những trường hợp cận kề nguy hiểm và thiếu thốn phương tiện như hiện nay. Tôi đã áp dụng lời khuyên này nhiều lần và đã trở thành thói quen, công nhận nó rất hữu ích cho tôi.
Tôi lấy làm lạ sau trận pháo kích dữ dội và lâu dài như vậy sao chưa thấy người ta chuyển thương bệnh binh tới bệnh viện. Có lẽ là hơi sớm chăng?
Thấy địch quân vẫn còn pháo lai rai, tôi lại chui vào gầm giường nằm lấy giấy bút ra tiếp tục viết nhật ký. Lúc đó là 8 giờ 15 phút, máy bay B52 bỏ bom gần quá, gần nhất từ trước tới giờ. Bỏ liên tục làm cửa phòng tôi rung chuyển rầm rầm như muốn rớt ra. Tôi nằm sấp viết. Chấn động bom dội quá mạnh làm tôi khó chịu. Tôi có cảm tưởng như bom nổ gần vào khoảng 500 thước, nhưng tôi biết thực sự nó nổ ở một nơi cách xa hơn nhiều, không biết xa bao nhiêu. Những tiếng súng lớn nhỏ bắt đầu nổ ròn rã phía chợ mới, rồi chung quanh bệnh viện. Tôi nghe thấy phần đông là tiếng M16 thỉnh thoảng mới xen vào tiếng súng lạ nghe như tiếng AK của Việt Cộng.
Tôi không nghĩ hai bên đang đụng nhau, mà chắc bên mình bắn hoảng. Tuy nhiên tôi thấy trong lòng hồi hộp, bụng nóng nảy bồn chồn. Tôi nghĩ tới mẹ và các em tôi. Tôi viết được vài dòng, rồi thấy không tài nào viết được nữa. Mà viết để làm gì, vô ích, mệt óc. Cái mạng sống của mình còn chưa biết đi đứt lúc nào, lo làm gì tới nhật ký. Một khi địch quân dùng biển người tràn vào, như chúng vẫn thường làm, thì tan tác hết. Tôi nhét xấp giấy xuống dưới nệm. Nằm ngửa người lại, mắt mở thao láo nhìn lên góc giường.
Tôi nghĩ phải đi ra ngoài, nằm một mình trong phòng để chờ đợi vào sự nguy hiểm, bất trắc xảy ra chắc tôi điên mất. Tôi lăn ra ngoài gầm giường, đứng dậy sửa áo giáp, đội mũ sắt đi ra khỏi phòng.
Tôi thấy ở hành lang giữa trại Ngoại Khoa giờ khá đông người. Thương binh thì ít, lính lành mạnh thì nhiều. Thay vì ra ngoài vòng rào bệnh viện bố trí, họ ùa vào hành lang nằm cho an toàn mát mẻ. Ngoài sân cũng vậy, lính nằm ngồi ngả nghiêng rã rượi những chân tường góc cột. Họ không còn nghĩ gì đến chiến đấu nữa. Thậm chí nhiều người còn muốn tràn cả vào văn phòng Ty Y Tế nữa. Tôi nghe thấy tiếng bác sĩ Phúc la lớn:
– Sĩ quan chỉ huy các anh đâu? Ra hết ngoài vòng rào phòng thủ chứ, chạy vào đây làm gì.
Tôi vội chạy ra coi, thấy bác sĩ Phúc đang đẩy mấy người lính ra khỏi phòng.
Tôi tiến lên gặp anh phàn nàn:
– Không hiểu sao tụi nó nhát quá vậy, mà cũng không có ai chỉ huy tụi nó nữa.
Bác sĩ Phúc gật đầu:
– Ngay đến lính Quân Y của mình cũng không đến nỗi như vậy. Như Binh nhất Hiệp mới đổi lên đây, nghe súng nổ rần rần, nó chạy vào phòng tôi kiếm súng để cố thủ. Thằng đó vậy mà ngon.
Vẫy Thiếu Úy Thu lại, bác sĩ Phúc ra lệnh:
– Ông đi coi tụi lính bố trí cho tôi. Nhất là ở cổng vào, không cho một người nào vô hết trừ người bị thương. Thân nhân cũng không được vô.
Tôi nghĩ đề phòng như vậy là phải vì trong lúc lộn xộn, địch quân thừa cơ hội trà trộn vô đánh đặc công sẽ chết hại nhiều lắm.
Thu dáng người cao lớn, không biết kiếm đâu được cái áo giáp nhỏ xíu, mặc vô chật ních, trông thật khôi hài. Thu kêu Trung sĩ Tiếng lại. Bây giờ Tiếng cũng có áo giáp, tay xách khẩu M16 trông có vẻ lành nghề lắm. Tiếng trước kia đã đi Lực Lượng Đặc Biệt nên có nhiều kinh nghiệm chiến đấu. Bệnh viện là một đơn vị tĩnh tại nên chỉ được trang bị đại khái, những vũ khí lỗi thời như mấy khẩu Carbine với vài băng đạn làm kiểng mà thôi. Trong tình trạng hiện tại cần phải có vũ khí tối tân hơn để lỡ có đụng độ mạnh, cũng phải sống còn với địch.
Cho tới ngày hôm nay, đã có già nửa số nhân viên Quân Y đã có áo giáp, nón sắt nhờ xin lại những người lính trận bị thương. Khi được tản thương, họ không cần những đồ vật nặng nề ấy nữa. Một vài người cũng có súng M16 để thay cho những khẩu Carbine đã lỗi thời, cũng do những người lính bị thương hoặc tử thương bỏ lại.
Thu, Tiếng và tôi đi một vòng, thấy những hố cá nhân đào vội vã quanh bệnh viện đều có lính ngồi bố trí. Đằng sau nhà thương, phía bên Ty Công Chánh cũng như bên trường Trung Học trước cửa bệnh viện đều có lính mình phòng thủ nghiêm ngặt. Thì ra, sau vài phút hoang mang, hỗn loạn lúc đầu, mọi người đều ý thức được bổn phận của mình nên mọi việc đâu lại vào đấy. Nhất là bên phía địch quân chưa thấy rục rịch gì cả, ngay cả pháo kích cũng im hơi luôn. Tôi đoán chắc sau nhiều màn trải thảm của B52, bên địch quân đã bị cầm chân vì hao tổn nhiều nên cần phải chỉnh đốn hàng ngũ trước khi tấn công tiếp. Yên lòng, chúng tôi ra chỗ hành lang trước trại Nội Khoa, ra lệnh cho toán gác cổng không để cho ai vô hết.
Đi ngang qua phòng lựa bệnh, tôi thấy bác sĩ Chí ngồi sau cửa sổ trong phòng, đầu đội nón sắt, mình không áo giáp, phong phanh chiếc áo xanh ba lỗ của phòng mổ, tay ôm khẩu Carbine M12 báng cụt, đặt trên thành cửa sổ chỉa ra phía cổng bệnh viện. Bên ngoài, ngay phía dưới cửa sổ đó, Binh nhất Từ Chảy mà mọi người trong bệnh viện cố tình đọc trẹo ra để chọc anh ta là Tiêu Chảy, cũng thủ một khẩu Carbine, nấp sau một ghế dài dành cho bệnh nhân ngồi, giờ được lật nghiêng để làm thành công sự chiến đấu. Từ Chảy trông có vẻ bình tĩnh và tự tin lắm, mỉm cười dơ tay chào tụi tôi.
Tôi trông thấy vậy tức cười thầm trong bụng “Bộ hắn tưởng địch quân đi đánh nhau bằng giàn thung bắn đạn đất hay sao mà dùng công sự chiến đấu bằng một mảnh gỗ dày có ba phân”. Trông thấy đốc-tờ Chí huờm súng ở cửa sổ cũng vậy, làm tôi nhớ tới những đoạn phim cao-bồi miền Tây nước Mỹ, các tài tử dùng báng súng đập vỡ kiếng cửa sổ ra để đánh bọn cướp dưới phố.
Thật là khôi hài, nó nói lên sự ngây thơ và thiếu kinh nghiệm của một đơn vị tĩnh tại. Nhưng nó cũng nói lên tinh thần quyết chiến, lòng bình tĩnh của mọi người trong Bệnh Viện Tiểu Khu. Chính nhờ có tinh thần đó, trong suốt thời gian bị địch quân vây hãm tấn công, Bệnh Viện Tiểu Khu vẫn làm việc như thường. Quân số đầy đủ và hằng ngày vẫn đánh kẻng tập họp điểm danh để sĩ quan quản lý phân chia công tác.
Tôi đẩy cửa bước vào phòng bác sĩ Chí. Tôi thấy trong đó nằm ngổn ngang năm sáu người lạ mặt ngoại trừ nha sĩ Tài, bác sĩ Nam Hùng mà tôi đã biết. Ba người mặc quần áo nhà binh, ba người mặc quần áo thường dân. Tôi đưa mắt nhìn Chí dò hỏi. Chí mỉm cười giới thiệu:
– Đây là bác sĩ Tâm, bác sĩ Thùy, Thiếu úy Lạng ở 18 Quân Y. Còn đây là giáo sư Đạo, ông Hiển, Trưởng Ty Bưu Điện.
Chỉ người con gái đang nằm trên băng-ca, tuổi chừng 16-17 tuổi có cái mũi cao gương mặt trắng sáng xanh, Bác sĩ Chí tiếp:
– Còn đây là bé Ngà, học trò giáo sư Đạo và cũng là người quen của nha sĩ Tài, bị thương ở bụng.
Chí chỉ tôi nói tiếp:
– Đây là bác sĩ Quý, y sĩ giải phẫu của bệnh viện. Đâu cô Ngà, đưa ông ấy xem vết thương coi có phải mổ không.
Tôi ngồi xuống bên cạnh băng-ca, hỏi cô bé:
– Cô bị thương lâu chưa?
– Thưa được một ngày rồi.
Giọng nói quá yếu ớt. Tôi phải cố gắng lắm mới nghe thấy. Có lẽ sợ bị thương thủng một nên các bác sĩ đã không cho cô ăn nên cô rất yếu ớt. Kinh nghiệm của tôi cho biết, nếu bị thương bụng nhằm lúc đói thì dễ lành hơn, tuy có yếu một chút. Tôi lật áo lên bắt đầu khám bụng cô. Vì là chỗ đông người nên tôi ý tứ không để thân hình cô bị lộ nhiều quá không cần thiết. Một vết thương nhỏ ở bụng dưới được băng lại cẩn thận. Tôi ấn vào bụng, thấy bụng cô mềm, không căng cứng gì cả. Đó là một dấu hiệu tốt, một điều đáng mừng. Tôi vừa khám vừa hỏi cô:
– Tôi ấn xuống chỗ này có đau không?
– Dạ hơi đau ê ê.
Bị thương đã một ngày mà bụng vẫn mềm, không đau lắm. Tôi cũng mừng thầm cho cô. Tôi nghi mảnh đã chưa sâu vào tới bụng, hoặc đã xuyên qua thành bụng nhưng không làm thủng ruột. Tôi quay lại bàn với Chí:
– Trường hợp này tao thấy cứ để săn sóc chờ xem. Chưa cần mổ bây giờ.
Chí gật đầu:
– Tao cũng nghĩ như vậy. Tao đã cho trụ sinh và săn sóc rất kỹ.
Cô bé đó sau này lành mạnh như thường, nhờ sự chăm sóc tận tình của mấy vị y sĩ gần cô. Cô là một trong những người bị thương bụng không mổ mà vẫn sống ở chiến trường An Lộc.
Trong phòng của Chí đồ đạc để bừa bộn. Hai chiếc giường kê sát nhau, trên chất hai lớp bao cát phủ nệm. Khi có pháo kích, mọi người đều chui xuống nằm dưới đó. Chí vì là chủ nhân phòng nên được dành một chỗ ưu tiên bên trong cùng sát vách tường. Đầu giường có kê một cái bàn nhỏ, trên để ngổn ngang những thức ăn, đồ hộp, gạo sấy, chai nước, nồi niêu. Dọc bờ tường là hai băng-ca đều có người nằm.
Khi ra khỏi phòng Thu ghé sát tai tôi:
– Xem chừng bác sĩ Chí săn sóc bé Ngà kỹ quá.
Tôi mỉm cười không nói.
Phía chợ mới, súng lớn, súng nhỏ nổ ròn rã. Thấy mấy người chạy ùa ra xem, tôi cũng rảo bước ra phía sau nhà Bảo Sanh nhìn xuống. Đứng nơi đây tôi có thể nhìn bao quát khu chợ mới ở ngay dưới chân đồi bệnh viện, bên kia đại lộ Hoàng Hôn và nơi đóng quân của Pháo Binh. Ngay cả đồi Đồng Long ở phía Tây Bắc bệnh viện cũng nhìn thấy rõ dù cách xa tới gần ba cây số.
Lúc này phi cơ đang oanh kích dữ dội đồi Đồng Long, một cao điểm chấn giữ phía Bắc thị xã An Lộc cũng như đồi Gió là cao điểm trấn giữ phía Đông.
Đứng trên hai ngọn đồi này có thể nhìn rõ thị xã An Lộc không thiếu một chi tiết nào, như nhìn trên bản đồ vậy. Trên đồi Đồng Long có một trung đội Nghĩa Quân coi giữ mấy khẩu súng cối. Có lẽ giờ này địch quân đã chiếm đồi rồi nên phi cơ mới tới can thiệp.
Hai chiếc phi cơ phản lực thay phiên nhau thả bom rất chính xác trên đỉnh đồi. Tôi nhìn rõ hai trái bom rơi khỏi phi cơ lao về phía mục tiêu. Một cụm khói đen bốc cao, theo sau hai tiếng nổ làm rung rinh cả mặt đất chỗ tôi đứng. Chiếc nọ nối tiếp chiếc kia lao xuống rồi lại phóng vút lên tạo thành một nét cong tuyệt đẹp.
Tôi và một tốp lính đang say sưa theo dõi mấy chiếc phản lực thì có tiếng một người la lên:
– Xe tăng, xe tăng kìa.
Mọi người nhao nhao lên hỏi:
– Đâu, xe tăng đâu?
Người vừa nói giọng gắt gỏng:
– Kia kìa, trên đường đi lên Lộc Ninh đó.
Mọi người nhìn theo tay anh ta chỉ. Vài người kêu lên:
– Đúng rồi, xe tăng đó, không biết của mình hay là của tụi nó.
Một người gắt lên:
– Của tụi nó chứ còn của ai nữa. Mình làm gì có xe tăng ở đây.
Tôi lấy tay che bớt ánh sáng mặt trời cố sức nhìn về hướng Lộc Ninh. Tôi thấy một điểm đen đang di động, càng ngày càng lớn dần. Một người nói:
– Hình như nó treo cả cờ nữa. Đánh trận mà làm như diễn binh.
Câu pha trò của anh ta không làm cho ai cười. Mọi người đang hồi hộp theo dõi chiến trận ở phía dưới. Một người lính đưa tay lên khum khum như cái ống nhòm nhìn không chớp mắt về phía xe tăng, anh ta nói:
– Thêm hai chiếc nữa, tất cả có ba chiếc.
Một người cãi:
– Có hai chiếc thôi.
– Anh nhìn lại xem, ba chiếc tất cả.
– Ừ nhỉ, chết cha, ba chiếc, rồi mình làm sao?
Một người bạn anh ta đứng bên cũng xen vô:
– Mày quên là mình có M72 à. Thụt cho nó vài phát là đi tiêu chứ còn gì.
Anh kia tức giận quay lại, nhưng cuộc cãi vã chấm dứt ngay. Dưới kia trận chiến đang xảy ra dữ dội. Mọi người đều im lặng hồi hộp theo dõi. Mấy khẩu pháo 105 ly đặt ở công viên Tao Phùng, ngay dưới chân đồi bệnh viện đang hạ nòng để sửa soạn bắn trực xạ. Hồi trước tôi chỉ được nghe nói hoặc đọc báo khi quân ta bị Việt Cộng tấn công biển người, pháo binh phải bắn trực xạ, nay tôi mới thấy tận mắt. Cảnh này kích thích tôi ghê gớm, khiến tôi và mấy người lính đứng bên, dường như quên cả nguy hiểm. Có người leo lên bàn, lên ghế của nhà Bảo Sanh để coi cho rõ. Chỗ đánh nhau chỉ cách chúng tôi chừng năm, sáu trăm thước là cùng.
Phía trước công viên Tao Phùng nơi đặt mấy khẩu pháo là một dãy nhà mới cất thuộc khu chợ mới. Trong đó có nhà của bác sĩ Chí. Trên sân thượng của những nhà này tôi đã thấy có lính bố trí sẵn sàng. Ở một căn nhà bìa dọc theo con đường Bình Long – Lộc Ninh, sân thượng nhà này cao trội hơn những nhà khác, có một tiểu đội lính trấn thủ. Tiểu đội đó hoạt động linh lợi vô cùng. Từ xa tôi thấy người này, người nọ lăng xăng lấy M72 ra tiếp tế cho nhau, sửa soạn để bắn chiến xa. Bóng họ in sẫm trên nền trời xanh nhạt.
Tôi thấy một người lính đưa một khẩu M72 cho một người bạn. Người này quỳ xuống nhắm vào một chiếc xe tăng đang chạy ở dưới đường. Mấy người khác nằm rạt ra hai bên. Một cột lửa phụt dài M72 tiếp theo một tiếng nổ dữ dội vang lên. Mấy người lính đứng bật dậy, ùa ra lan can xong rồi reo hò lên. Từ xa tôi cũng nghe được tiếng họ la hét. Họ tung cả mũ sắt lên trời, ôm nhau nhảy vòng tròn vui vẻ lắm. Tôi đoán họ vừa hạ được một xe tăng của Việt Cộng.
Họ coi Việt Cộng như không. Đánh giặc như trò đùa. Họ thật bình tĩnh và can đảm. Họ bắn liên tiếp ba, bốn trái nữa. Tôi xem hoạt cảnh đó một cách say mê. Đến bây giờ tôi vẫn lấy làm lạ tại sao thấy xe tăng địch tràn vào thành phố mà tôi và mấy người lính hôm đó không có một cảm giác sợ hãi nào. Có thể là xe tăng địch chỉ tiến vào mà không bắn. Địch quân không nhiều, những cái chết chóc thảm khốc chưa diễn ra và nhất là địch vẫn còn xa chỗ vị trí của mình.
Bỗng một chiếc xe tăng xuất hiện ngay đầu đường quẹo vô đại lộ Hoàng Hôn. Khẩu pháo 105 ly đã hạ nòng nằm chờ đợi từ lâu gầm lên, đồng thời nơi dẫy nhà trước mặt năm, sáu khẩu M72 phóng vụt ra. Chiếc xe tăng nghiêng đi, bốc cháy, bay luôn cả pháo tháp.
Một anh lính đứng gần tôi chợt la lên:
– Kìa, còn một chiếc nữa kìa.
Theo tay chỉ của anh ta, qua những khoảng trống của những căn nhà đang xây dở dang, tôi thấy một chiếc xe đang len lỏi qua ngõ ngách để tránh đạn. Xe tăng trốn chui trốn nhủi như chuột gặp phải mèo. Sau cùng tôi thấy nó xuất hiện ngay đại lộ Hoàng Hôn, định chạy lên phía dốc chợ cũ. Đằng sau có chừng hai ba chục lính Sư Đoàn 5 đuổi theo bám sát. Người cầm lựu đạn, người cầm M72 có người còn tính nhảy lên xe tăng nữa. Mỗi lần chiếc xe dừng lại tính quay lui, lính lại dạt ra để rồi đuổi tiếp. Khẩu pháo phía tay phải tôi đã hạ nòng, chỉ lăm le nhả đạn. Tôi than thầm trong bụng, mấy anh lính hăng quá, đuổi theo nó thì ăn cái giải gì, chỉ làm cản đường bắn của quân bạn. Tôi sợ lạc đạn bắn lầm lẫn nhau. Chết đo đạn của phe mình mới đau chứ.
Thỉnh thoảng một người lại liệng lựu đạn khói màu để cho phi cơ biết quân bạn có ở đó, nếu không máy bay thấy xe tăng sà xuống oanh tạc. Khói màu là bạn, khói trắng là địch.
Hồi lâu chiếc xe tăng bị đuổi dữ quá, lính quýnh đâm sầm vào một căn nhà nằm gọn lỏn bên trong đó và bị bắn cháy tại đây.
Trên trời hai chiếc phản lực vẫn sục sạo tìm kiếm xe tăng. Chỗ nào có khói trắng là phi cơ lao xuống can thiệp liền. Chúng tôi đứng ở xa như vậy mà cũng thấy tức ngực. Một mảnh bom văng ra rơi trước mặt chúng tôi hai thước. Tôi tiến tới nhặt lên phải vội buông xuống vì mảnh bom vẫn còn nóng bỏng. Nó dài chừng gang tay hình chữ S, sắc cạnh vô cùng, chỉ cần nó rơi trúng người là có đổ máu rồi. May phước thay, nó văng tới trước mặt chúng tôi là hết đà.
Tôi thấy máy bay nhào xuống chỗ bến xe đò của tỉnh. Hai trái bom phăng phăng rơi xuống, rồi lửa đỏ và khói đen đùn lên. Nhà cửa mái tôn, cột kèo, vách tường bị hất tung lên trời, cảnh tượng thật khủng khiếp, làm tôi nhớ lại cuốn phim “Le dernier grenade” chiếu ở Sài Gòn, cũng có những cảnh tương tự.
Bỏ bom trong thành phố thật tai hại. Tôi đoán có nhiều người dân tản cư không kịp, núp trong hầm ở nhà, có thể sẽ bị chết, không vì trúng bom cũng vì sức ép hay nhà sập đè mà không ai biết. Hầm trú ẩn của họ bỗng nhiên biến thành mồ chôn của cả gia đình. Ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu làm tôi mất hứng thú theo dõi trận đánh. Tôi đi trở về phòng.
Tôi thấy mệt mỏi lạ. Có thể vì tôi đã trải qua mấy tiếng đồng hồ căng thẳng vừa qua chăng?
Tôi cởi áo giáp, bỏ nón sắt, nằm ngả lưng xuống giường. Lòng phân vân tự hỏi, không hiểu trận chiến còn kéo dài bao lâu và liệu quân mình có chống nổi những cuộc tấn công sau này của địch không? Tôi chắc chắn sẽ còn những cuộc tấn công kế tiếp nữa. Tôi nghĩ cũng không lâu đâu. Hiện giờ mới là màn mở đầu. Có thể mấy đợt B52 trải thảm bom đã làm tan rã một phần không nhỏ lực lượng của địch. Nhưng sau thời gian hỗn loạn lúc đầu, địch sẽ chỉnh đốn lại hàng ngũ, tăng viện thêm và khi họ đã tạo được đầy đủ lực lượng rồi cuộc tấn công thứ nhì sẽ mạnh hơn, gay cấn hơn. Không hiểu bên mình khi đó sẽ ra sao? Bệnh viện bị đứt liên lạc với Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nên tôi không thể tiếp xúc với Thiếu tá Diệm để hỏi thăm tin tức được.
Xét về phía địch quân, tôi cũng lấy làm lạ sao Việt Cộng đánh đấm gì dở quá vậy. Mang mấy xe tăng đơn độc xông đại vào phòng tuyến của đối phương, không có Bộ Binh đi theo yểm trợ. Súng đại bác của xe tăng cũng không bắn một một phát nào. Thật là kỳ cục khó hiểu.
Tôi đang nằm suy nghĩ miên man, bỗng nghe thấy tiếng xô đẩy nhau, tiếng ồn ào ngoài hành lang. Trong cái âm thanh hỗn độn ấy, tôi nghe có người kêu:
– Xe tăng lên, xe tăng sắp lên tới bệnh viện rồi!
Tôi ngồi bật dậy, khoác vội áo giáp, đội nón sắt mở cửa bước ra ngoài. Hành lang giữa trại Ngoại Khoa giờ đây chật ních người. Họ xô nhau chạy lui trở vào. Người nào người nấy mặt mày thất sắc, hốt hoảng. Tôi thấy đứng dồn cục trong hành lang rất nguy hiểm. Địch thấy lố nhố người, bắn một trái vào là chết cả đám. Tôi vội lách ra phía đầu trại Ngoại Khoa, đi về phía trại Nội Khoa an toàn hơn.
Hai bên đường dẫn tới bệnh viện, những khẩu M72 chĩa ra tua tủa. Những người lính phục sát xuống mặt đất đợi chờ. Tôi không nghe thấy tiếng xích sắt nghiến trên đường nhựa. Nếu là chiến xa của mình chắc tôi đã nghe thấy rồi.
Chợt một người la lên:
– Nó đã tới ngã tư rồi.
Ngã tư này ở cuối dốc lên bệnh viện, cách bệnh viện chừng gần 200 thước. Tôi không sợ xe tăng địch. Vì mình đã có vũ khí trừ nó. Tôi chỉ coi nó như một quan tài di động mà thôi vì trước sau gì nó cũng bị ta bắn hạ. Xe tăng không có bộ binh đi kèm chẳng khác gì cua không càng. Cho tới bây giờ tôi vẫn chưa thấy bộ binh địch xuất hiện. Việc này có vẻ hơi bất thường. Tôi nghĩ rằng, có thể bộ binh đã bị B52 tiêu diệt khá nặng chưa gom quân kịp. Do đó phối hợp tấn công bị xáo trộn nên Bộ Binh và Chiến Xa không bắt tay được với nhau như đã dự trù.
Dù gì đi chăng nữa mối lo về phía địch, tôi thấy trong lúc này thực sự không đáng ngại. Điều đáng sợ nhất đối với tôi lại là quân của phía mình. Mới nghe qua thấy thật nghịch lý, nhưng quả thực là như vậy. Một người lính Sư Đoàn 5 bị bắn chết ngay trước cửa bệnh viện trong khi anh ta đang bố trí trong hố cá nhân vì đạn trong Bộ Tư Lệnh bắn ra. Bắn một cách vô ý thức và ngu xuẩn vì quanh Bộ Tư Lệnh đều là quân bạn còn địch vẫn còn ở xa, có trông thấy đâu.
Binh nhất Mệnh có đưa cho tôi xem cái mũ sắt của người lính bất hạnh đó. Vết đạn xuyên qua hai lần mũ sắt, bên trong còn dính bầy nhầy chất óc người. Điều đáng sợ hơn nữa là phi cơ của phe mình. Nếu xe tăng lên tới bệnh viện, máy bay trông thấy sà xuống bỏ bom là bệnh viện tan tành. Cho dù phi công có bỏ bom chính xác cách mấy, nhưng vì gần quá, mạng sống của mọi người trong bệnh viện sẽ khó an toàn vì sức ép khủng khiếp của bom nổ.
Tôi đang tính chạy vào trú trong hầm của Bác sĩ Phúc, chợt nhiều tiếng nổ của M72 nổi lên. Có tiếng la:
– Nó ngán rồi, nó quay trở lui.
Lại sau có tiếng reo lên:
– Hạ được rồi, cháy rồi!
Tôi vội chạy ra phía sau nhà Bảo Sanh nhìn xuống con đường dốc lên bệnh viện. Tôi thấy một vật đang cháy. Gần ngay vòng rào thép gai của trại cố vấn Mỹ. Tôi nhìn kỹ:
– Ủa, đâu phải xe tăng, xe bồn nước mà!
Trung sĩ Tuấn nói:
– Đó là bồn dầu của Pháo Binh bị M72 bắn lầm. Còn xe tăng bị bắn cháy là kia kìa bác sĩ.
Theo ngón tay của Tuấn chi, tôi thấy một chiếc xe tăng nằm chình ình giữa đại lộ Hoàng Hôn, đối diện phòng mạch bác sĩ Phúc, bị bắn cháy còn bốc khói. Mọi người lại túa ra xem, mỗi người bàn một câu:
– Xe nó lớn quá, nòng súng dài thấy mà ghê.
Tôi thấy cả phía Bắc thành phố đều có khói, dường như mỗi nhà bắt đầu âm ỉ cháy. Một cột khói đen bốc thằng lên gần một tán cây lớn nhất trong đám, dưới chỗ đó là phòng mạch của tôi. Giờ này chắc cũng ra tro rồi.
Tiếng súng dưới chợ bây giờ đã lắng dịu. Thỉnh thoảng chỉ nghe thấy tiếng M72, M79 hoặc B40 thôi. Trận chiến dường như ngừng hẳn lại, không còn gay cấn hấp dẫn như lúc đầu. Bao nhiêu xe tăng địch tràn vô đều bị hạ hết. Tuy nhiên trên các cao ốc phía xa vẫn còn thấy bóng các binh sĩ thỉnh thoảng tung khói màu cho phi cơ nhận diện. Đặc công của địch chắc đã đột nhập thành phố rồi.
Tôi trở về phòng, gặp anh Châu đứng chờ ngoài cửa. Thấy anh tôi mừng quá. Vì mấy hôm nay không gặp anh tôi cứ lo cho anh hoài. Tôi vừa mở khóa cửa vừa hỏi:
– Bình yên cả chứ? Ở bên nhà ra sao? Sập chưa mà anh sang đây?
– Bên đó pháo dữ quá bác sĩ, đạn rơi chung quanh nhà. Tưởng chết hồi hôm rồi chứ. Nhà Trung sĩ Hùng ở gốc cây đa sập rồi. Nhà mình bị một trái ở phòng khách, chưa đến nỗi nào. Nhưng ngại quá không dám ở nữa. Em cho tụi nhỏ sang đây ở nhờ bác sĩ .
Tôi mở rộng cửa cho Châu mang đồ vào. Người vợ và hai đứa con gái nhỏ khoảng 10 tuổi và 6 tuổi, mỗi người đều mang một túi đồ đem vào để ở góc phòng.
Tôi đóng cửa lại kéo ghế ngồi ở bàn. Châu hối vợ con mang bi-đông nước, cơm, thức ăn để lên bàn mời tôi. Nước và thức ăn hãy còn nóng. Đã lâu rồi không có nước trà nóng nay uống một ly tôi thấy tỉnh cả người. Vợ Châu để một nồi thịt trước mặt tôi mời:
– Bác sĩ ăn gà rang mặn ngon lắm, mới làm hồi sáng.
Tôi mỉm cười hỏi:
– Gà rang cơ à. Ở đâu mà có thế này, chạy loạn mà ăn sang thế.
Vợ Châu cũng cười đáp:
– Gà của nhà đó bác sĩ. Có sáu con, tụi tôi làm thịt ăn dần, nếu không thì cũng sẽ bị người ta bắt đi ăn hết.
Mặc dù có thức ăn tươi ngon, tôi cũng chỉ ăn được một chén cơm. Có nước là tôi uống được nhiều. Anh Châu hỏi tôi:
– Ở đây có hầm không bác sĩ?
– Phía gần cổng có hai cái nhưng đông người lắm. Có pháo kích chen chân không lọt. Tôi cũng chẳng cần hầm hố gì, sống chết có số. Khi nó pháo tôi chui đại xuống gầm giường là xong.
Hai vợ chồng Châu nhìn nhau, tỏ vẻ không tin tưởng mấy cái biện pháp chống pháo kích của tôi.
Cuộc tấn công đợt nhất của Việt Cộng, đối với khả năng và tầm quan sát của tôi chỉ có bấy nhiêu, tức là thu hẹp vào trận chiến diễn ra tại khu chợ mới.
Sau này khi quân ta đánh chiếm lại được An Lộc, tôi có dịp đi xem mới biết trận chiến còn xảy ra tại nhiều nơi khác. Có thể Việt Cộng đã dùng năm mũi dùi tấn công An Lộc: phía Lộc Ninh, phi trường, Xa Cam, Phú Lố và Quản Lợi.
Tôi đi thăm khắp nơi, thấy ở vòng ngoài các xe tăng bị ăn bom nhiều.
Bom được thả rất chính xác, nổ ngay trước đầu xe tăng, tạo thành một hố lớn, đường kính tới gần 10 thước. Xe tăng nào không bị lật nghiêng cũng bị chúi mũi xuống hố bom. Ở vòng trong thì bị M72. Dọc theo tỉnh lộ từ Lộc Ninh về, trên con đường dẫn vào thị xã An Lộc, ba chiếc xe tăng mới tinh bị bắn cháy nằm xếp hàng ngay trên lộ, y như đi duyệt binh.
Tôi nghe nói đó là công của mấy anh em đào binh và của Địa Phương Quân. Ngay Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, hai xe tăng bị bắn cháy sát vòng rào dây kẽm gai. Một ở đằng trước và một ở đằng sau Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Xa hơn nữa, ở phía bờ rừng cao su gần bên Quốc lộ 13 dẫn vào tỉnh lỵ, hai chiếc nữa cũng bị quân Dù bắn cháy. Rải rác những con đường trong thành phố cũng có xe tăng bị hạ. Tính ra chính mắt tôi nhìn thấy và đếm được tổng cộng 13 chiếc.
Nhìn chung quả thật đáng sợ; nếu quân ta không trừ ngay được chúng, để chúng hoành hành thì hậu quả không biết đâu lường được.
Hồi đầu thấy xe tăng, binh sĩ đều có vẻ ngán và hơi lo sợ, nhưng sau khi được phân phát đầy đủ súng chống tăng M72, đồng thời thấy xe tăng vào cái nào bị hạ cái đó nên binh sĩ thấy tự tin và hăng hái, tinh thần lên rất cao. Ít ra họ cũng biết rõ trong tay họ có thứ vũ khí diệt xe tăng rất hữu hiệu.
Lòng tin tưởng mãnh liệt đó và kinh nghiệm của cuộc tấn công đợt đầu tạo giúp cho họ giữ vững được An Lộc trong những cuộc tấn công tới. Một cuộc tấn công mà Việt Cộng cố sức toàn lực để xả láng đã làm cho các vị chỉ huy ở đây đã có lúc phải lo ngại.
Sau khi hai vợ chồng anh Châu về nhà để lấy thêm đồ, tôi đóng cửa phòng đi lên Phòng Mổ. Thương binh đã về, để đầy ngoài hiên. Y tá biến đâu hết rồi. Tôi kêu anh Xòm, Thượng sĩ Lỹ và Binh nhất Thiện tới. Tôi thấy cô Bích hiện ra ở cửa sổ phòng cô trên trại Nhi Khoa. Tôi vẫy cô xuống làm. Cô lắc đầu từ chối. Tôi biết ai cũng mất tinh thần cả rồi. Cái chết kề bên, còn lòng dạ đâu mà làm việc. Nhất là nơi làm việc không an toàn, cách trận chiến không đầy 300 thước. Phương tiện làm việc lại rất thiếu thốn. Không thể trách người khác được.
Ngay cả tôi cũng còn thấy chán nản nữa. Sống chết không có ngày mai. Sáng dậy đập tay đau mới tin là mình còn sống. Nếu không có tinh thần trách nhiệm, chắc tôi cũng kiếm chỗ nằm cho khỏe cái thân. Vì vậy tôi cũng chẳng muốn bắt buộc ai cả, chỉ dùng những người tình nguyện thôi.
Một phần vì thiện chí, một phần vì đã khoác áo nhà binh nên mấy Quân Y Tá, đặc biệt là Thượng sĩ Lỹ, Trung sĩ Xòm, Binh nhất Thiện đều nghe lệnh tôi, tận tâm giúp tôi làm việc. Ngày hôm đó trừ cô Bông – Điều Dưỡng Trưởng Bệnh Viện – hăng say làm việc quên nghỉ ở Phòng Cấp Cứu. Nhân viên dân sự không ai muốn làm việc cả.
Để giải quyết công việc cho nhanh, tôi quyết định hơi khác thường một chút. Đó là chọn những trường họp tương đối không trầm trọng lắm, với dự đoán có nhiều hy vọng sống, đem làm trước rồi chuyển xuống trại cho bớt ối đọng bệnh nhân.
Mổ xong được một người bị thương ở cẳng chân, tôi đi xuống phòng để uống chút nước. Đi ngang phòng Tiểu Giải Phẫu không thấy ai làm việc mà thương binh còn chờ đông. Tôi liền rảo bước lên phòng bác sĩ Chí. Gặp bác sĩ Nam Hùng tôi liền hỏi:
– Anh Chí đâu anh Hùng?
– Anh Chí đang ngủ dưới gầm giường.
Hùng vội trả lời tôi. Tôi cúi đầu xuống nói vọng vào:
– Ở Tiểu Giải Phẫu, bệnh đang chờ mày đấy. Xuống làm dùm tao. Lính bị thương về nhiều quá.
Chí lồm cồm bò ra từ dưới gầm giường, mắt đỏ vì mới ngủ dậy. Tôi nhìn Chí cười nói:
– Đánh nhau dữ vậy mà mày ngủ được cũng tài.
– Ngủ cho quên đời.
Nghe Chí nói vậy, tôi biết ngay Chí đang lo cho căn nhà mới cất của nó ở khu chợ mới. Chí đã bỏ ra khá nhiều tiền để làm căn nhà đó. Chưa kịp ăn tân gia thì xảy ra trận đánh. Chẳng biết nhà cửa có còn yên lành không? Hay lại thành đống gạch vụn rồi. Không chán đời sao được.
Chí xuống Phòng Tiểu Giải Phẫu làm mấy ca chest tube và khai thông khí đạo cho một Đại úy thuộc Tiểu Đoàn 2/52. Vị Đại úy này tôi biết từ khi tôi còn ở Trung Đoàn 43 Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Trước anh là Đại Đội Trưởng Đại Đội Trinh Sát của Trung Đoàn 52 được tăng phái cho Trung Đoàn 43 trong một cuộc hành quân vào một mật khu địch. Tôi còn nhớ mãi trận này vì đó là một chiến thắng lớn. Lúc 3 giờ sáng toàn Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn của tôi được đánh thức dậy để đi tiếp viện một Đại Đội Trinh Sát đang đụng địch rất nặng ở cách vị trí của chúng tôi độ chừng ba cây số. Tôi có nghe nhiều tiếng súng nổ dòn từ xa theo gió vọng lại. Trung úy Hoàng Thúc Kháng, Phó Trưởng Ban 3 Trung Đoàn cho tôi biết có thể có cận chiến trong đêm tối. Để phân biệt giữa quân bạn và quân địch, chúng tôi được lệnh xắn tay áo trái lên, để cánh tay trần còn tay phải vẫn để áo tay dài. Trong đêm tối sờ thấy một tay trần và một tay có áo là bạn còn ngoài ra là địch, cứ xả súng bóp cò liền hoặc dùng lưỡi lê đâm tưới.
Trung úy Kháng nhìn tôi cười hỏi:
– Đánh xáp lá cà, bác sĩ có sợ không?
– Tôi không ngán đâu nhưng chỉ sợ bắn lầm quân mình thì đau lắm.
Với kinh nghiệm chiến trường đầy mình, Trung úy Kháng cho tôi biết:
– Bác sĩ đừng lo, khi mình lên tới đó thì trận chiến cũng đã xong, trời cũng sáng rồi. Nhưng bác sĩ cũng nên cẩn thận, xem lại khẩu Colt của bác sĩ đi. Nên nhớ “bắn chậm thì chết”. Bây giờ là lúc mình đóng phim cao bồi đấy.
Tôi nghe lời, kiểm soát lại khẩu Colt đeo bên hông. Tôi chỉ có 2 băng đạn tổng cộng 12 viên. Nếu nói là ít thì quá ít, nhưng tôi hy vọng không phải dùng tới viên nào. Nếu không, với 12 viên đó tôi cũng có thể xơi tái được vài tên địch đồng thời cướp súng của chúng để tiếp tục chơi nữa.
Sau khi gấp rút sửa soạn xong chúng tôi lên đường ngay. Vừa đi vừa chạy về hướng có tiếng súng. Vì đi trong rừng, lại đi đêm nên dù có gấp rút chúng tôi cũng phải mất gần hai giờ mới tới được nơi đụng trận. Tuy nhiên lúc sắp đến thì chúng tôi được tin quân mình đã toàn thắng. Trận chiến đã kết thúc đúng như lời tiên đoán của Trung uý Kháng. Địch quân đã để lại 21 xác, quân ta tịch thu được rất nhiều súng đạn đủ loại. Bên quân bạn chỉ có hai người bị tử thương trong đó có một Trung sĩ Nhất. Anh này hăng quá không sợ nguy hiểm gì cả, cứ đứng thẳng người mà bắn, không cần núp nên bị trúng đạn vào đầu. Tôi tìm gặp vị Đại Đội Trưởng Trinh Sát 52, bắt tay khen ngợi anh đã đánh thắng trận này. Khi biết tên anh, tôi mới chợt nhớ hồi Tiểu Đoàn 1/43 ra dưỡng quân tại tỉnh Bình Tuy, tôi có gặp mấy cô nữ sinh ở đó. Một cô cho tôi biết có người yêu tên Nghĩa ở Trinh Sát 52. Nay gặp Nghĩa, tôi hỏi anh có đến Bình Tuy lần nào chưa và có quen ai tên Thu không. Nghĩa mỉm cười nhận có biết người em gái hậu phương đó, vẫn còn thư từ qua lại nhưng bận quá chưa có dịp trở về nơi cũ.
Tôi tò mò hỏi anh trận này anh đánh sao mà hay vậy. Nghĩa mỉm cười chậm rãi kể lại diễn tiến của trận đánh:
– Thực ra cũng là may thôi. Khi đại đội chúng tôi đến đây trời đã bắt đầu tối. Toán tiền sát cho tôi biết có thấy rất nhiều hầm hố của địch ở phía trước. Tôi liền thận trọng giàn hàng ngang cho quân tiến tới lục soát. Thấy hoàn toàn trống rỗng không một bóng địch nhưng những bếp lửa mới tắt còn nóng nguyên. Chứng tỏ địch rời chỗ này chưa lâu. Sau khi chắc chắn không còn tên địch nào, tôi cho lệnh đóng quân ngay tại căn cứ của tụi nó. Vì có hầm hố sẵn sàng rất tiện lợi, khỏi cần phải mất sức đào xới. Tôi cho đặt mìn chiếu sáng, mìn Claymore chung quanh như thường lệ. Đặt toán canh gác xong xuôi, chúng tôi đi ngủ để lấy lại sức. Đến nửa đêm, không ngờ tụi địch quay trở lại. Tụi nó đi đứng khơi khơi vì không ngờ rằng căn cứ đã bị tụi tôi chiếm. Toán đi đầu chạm phải mìn chiếu sáng bị toán gác của ta xơi gọn. Chúng tôi có đủ thì giờ, có hầm hố công sự tốt, lại thêm yếu tố bất ngờ nên thắng thế ngay từ phút đầu. Tụi địch cũng hung hăng lắm, vì là căn cứ của chúng nên hầm hố chỗ nào chỗ nấy chúng thuộc lòng. Chúng vác một cây thượng liên đặt ngay chỗ gò mối kia, bắn vào khu trung tâm. Nhưng không may cho tụi nó là khẩu súng đó lại đặt trước một trái mìn Claymore. Nên khẩu thượng liên vừa mới khạc đạn là bị ông Trung sĩ của tôi bấm nổ liền. Tổ thượng liên ba thằng banh xác ngay tại chỗ. Tụi nó cầm cự được chừng 30 phút, thấy không xong bèn rút đi để lại hơn 20 xác và vô số súng ống đủ loại.
Tôi có lấy máy hình chụp một đống súng chất sau cái gò mối Nghĩa chỉ cho tôi. Một giờ sau trực thăng xuống chở chiến lợi phẩm và những binh sĩ tử thương về hậu cứ. Không có thương binh, nên tôi không phải làm gì cả.
Tôi chẳng bao giờ ngờ lại có thể gặp Nghĩa ở đây . Thật không may cho anh lại bị thương nơi cổ, không thở được phải làm thông khí quản. Sau khi Chí làm xong tôi có xuống thăm Nghĩa. Anh tỉnh táo nhưng không nói được. Thương binh đã đông, bệnh viện lại bị pháo sập mấy phòng nên thiếu giường trống. Tôi đành để Nghĩa nằm ở hành lang trong trại Ngoại Khoa sát vách phòng của tôi. Tôi dặn anh lính cận vệ của Nghĩa ráng coi sóc cẩn thận cho ông thầy, đừng bỏ đi xa. Xong tôi lại lên phòng mổ lớn làm việc tiếp.
No comments:
Post a Comment