Thursday, July 21, 2022

ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN: Chương 1 (Xuân Vũ) QUYỂN IV của THIÊN HỒI KÝ “VƯỢT ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”

– 1 –

Khi tôi về đến R không ai còn nhận ra tôi, những người quen lâu cũng những kẻ mới biết trên đường Trường Sơn. Tôi không còn ra con ngợm gì nữa. Đúng ra là tôi đã phải chết cả chục lần ở dọc đường, nhưng không hiểu tại sao tôi còn sống mà về tới đây.

Hôm nay ngồi viết tiếp những dòng này giữa căn nhà ấm áp, đèn điện, giấy bút đàng hoàng, bên ngoài trời mưa như trút, một cơn mưa lớn nhất của thành phố tôi đang sống – từ năm mười năm nay. Mưa ngập đến độ có người bị chết trôi, xe hơi nằm đường làng khang như củi khúc. Thế nhưng tôi không bị dính một hạt mưa nào.

Xem TV tường thuật trận mưa ở vùng ven núi, thác đổ ào ào, tôi không khỏi giật mình nhớ lại những trận mưa tàn ác ở lưng Trường Sơn hai mươi bảy năm qua. Lúc đó tôi còn trẻ quá, từ khi cha sanh mẹ đẻ chưa hề biết nằm nhà thương là gì, thế nhưng chỉ sau bốn tuần làm bạn với muỗi đòn xóc tôi đã ngã quỵ… Đó là lần tôi khát quá, phải nín mũi uống nước vũng voi đầm rồi ốm.

Rồi bò dậy, quyết chí về quê, sau một trăm ngày đêm sống không biết nhà cửa là gì, với một chiếc tăng ni-lông, một cái võng, một hộp muối, một con dao găm cứa da không đứt. Khi về đến trạm cuối cùng – hình như là trạm Kà Tum hay trạm gì đó tôi không còn đi nổi nữa. Ông Trần Bạch Đằng là người xin và “bảo đảm” cho tôi về Nam đã cho hai giao liên của R ra cõng tôi. Nhưng Hoàng Việt còn tệ hơn, nên tôi nhường cho anh cái ân huệ được “cõng” về trước. Anh có triệu chứng ho lao: khạc ra máu mỗi buổi sáng và không ăn uống được nữa.

Xin nhắc lại về cái “lịch sử về nước” của tôi, để các bạn đọc không có dịp đọc các quyển trước (Đường Đi Không Đến, Xương Trắng Trường Sơn, Mạng Người Lá Rụng) sẽ rõ cái sự về của tên Nam Kỳ ly hương này cũng đau đớn không thua gì Ngũ Tử Tư là mấy. Nếu không có ông Trần Bạch Đằng – xếp cũ của tôi thời đánh Tây – bảo đảm thì tôi như những người khác, mọc rễ luôn xứ Bắc.

Số là năm 1956-57 gì đó, tôi chán Hà Nội đến cùng cực nên tôi lên Ủy Ban Quốc Tế để xin về Nam một cách công khai. Vì theo Hiệp định Giơ-Neo thì trong vòng bao nhiêu ngày đó người Bắc có quyền vô Nam và người Nam có quyền ra Bắc định cư (tôi không nhớ nhưng lúc tôi lên Ủy Ban Quốc Tế thì thời gian hãy còn hiệu lực). Vì ngây thơ nên bị tên công an gác cổng báo cáo về cơ quan. Tôi bị kiểm thảo và bắt lên Đài Phát Thanh đọc một bài nhắn về Nam nói rằng “Xuân Vũ không có xin về Nam và không có bị đày đi Nông Trường”. Không hiểu sao báo Sàigòn lúc đó lại đăng tin về vụ này chóng thế. Cái án “Ủy Ban Quốc Tế” treo trên cổ tôi sáu, bảy năm. Tôi phải phục xuống tích cực công tác để “chuộc tội”. Thế nhưng khi vô trường đi B rồi, tên cán bộ Tổ Chức gốc Liên Khu “nem” còn gọi tôi lên nhắc lại cái án treo đó.

Cộng Sản cướp được miền Nam xong, Trần Bạch Đằng không có chức gì hết trong đảng cũng như trong chánh phủ. Thiên hạ đổ thừa rằng “tại thằng Xuân Vũ đi. Đó là trách nhiệm của ông!” Khi ra hải ngoại, Nguyễn Mộng Giác đến thăm tôi, cho biết như vậy.

Tôi cười, bảo: Nguyên nhân chính vì Trần Bạch Đằng là người Nam Bộ. Nếu ông là dân Rau Muống thì mười thằng Xuân Vũ hồi chánh ổng cũng chẳng hề gì. Có ai bỏ tù Lê Duẩn, giáng chức Trường Chinh khi Hoàng Văn Hoan chui lỗ chó sang Tàu không? Vậy sao Xuân Vũ đi mà Trần Bạch Đằng bị tội? Thói đời Cộng Sản là thế! Hễ dân Nam Kỳ thì ăn cơm nguội ngủ hàng ba. Cái Câu Lạc Bộ Kháng Chiến mà ông là người lãnh đạo cắt nghĩa rất nhiều.

Khi tôi về đến R thì tôi chẳng gặp ông. Ông chỉ gởi tiền Rịa cho và kèm một bức thư. Đó là bức thư độc nhất tôi nhận được của ông.

Đi đường chán ngán bao nhiêu, về R sợ hãi bấy nhiêu. Không có gì khác trong cuộc sống. Cũng tăng lều ni-lông, cũng hộp guy-gô nấu cơm cá thể và cũng … sốt rét.

Chỉ có khác một điều là mắc võng giăng tăng không phải cuốn mỗi buổi sáng như trên đường Trường Sơn.

Các ông bà đi cùng đoàn với tôi đã được phân phối đi các “cơ quan” như văn công R hoặc đi xuống các khu I, khu II và bỏ trống vài cái sườn chòi và nền chòi. Ông Thủ-trưởng của tôi là người rất tốt bụng. Là dân Thanh Hoá, vô Nam kháng chiến chống Pháp từ đầu, tên là Nguyễn Văn Phổ làm báo Tổ Quốc, cơ quan của Bộ Tư Lệnh khu 8 của Trần Văn Trà. Ông làm thơ, viết báo, chuyên viết mục gây căm thù thực dân và ký tên là “Sắt Máu” (Thật đấy! Tôi không có bịa chút nào đâu). Khi tập kết ra Hà Nội thì làm ở báo Quân Đội Nhân Dân ở phố Lý Nam Đế, đóng quân hàm đại úy. Năm 60, khi Mặt Trận Giải Phóng thành lập, ông về Nam lãnh chức Trưởng Tiểu Ban Văn Nghệ gồm có vài ngoe. Ông lấy tên là Bùi Kính Lăng tức Sáu Lăng. Về Sàigòn ông làm Tổng Giám Đốc các nhà xuất bản – nghe nói đã qua đời.

Sáu Lăng cho tôi ở một cái chòi hoang đó.

Ngay buổi chiều ông đến cho tôi một mớ ruốc thịt nai. Còn những bạn bè “đồng hành” khác thì cũng tới chơi nhưng không cho gì, vì không có gì để cho.

Cái hạnh phúc lớn nhất của nhà leo núi Trường Sơn là được ăn thịt. Nhưng ở đây cái hạnh phúc to hơn cả miếng thịt là sự “sáng mai không phải đi đâu nữa hết!” . Giao liên không mè nheo, quát nạt, nhăn nhó v.v… Ta thuộc về ta. Nhưng khổ nỗi ta lại sốt rét.

Mặc kệ! Vẫn cứ hạnh phúc như thường. Vì ở Trường Sơn sốt rét vẫn phải đi. Còn về đến nơi rồi, sốt rét không phải đi. Hạnh phúc là vấn đề tương đối.

Cho nên được voi rồi, tôi chẳng có đòi tiên bà, tiên cô gì ! Xin được nằm. Muốn nằm đến chừng nào thì nằm cho khớp xương có thời giờ sản xuất chất nhờn.

Tôi đang rên hừ hừ thì một người đàn bà đến hỏi tôi:

– Anh đỡ chưa?

– Dạ chưa.

– Tôi đã nấu cho anh chén cháo hột gà rồi. Anh ráng ngồi dậy ăn cho khoẻ.

Trời đất! Không đòi tiên mà tiên lại đến mang cho cháo hột gà.

Đó là chị Hai Lý vợ của anh Lý Văn Sâm, nhà văn Sàigòn ra khu với Mặt Trận Giải Phóng là Phó Chủ Tịch hay Tổng Thơ Ký Hội Văn Nghệ Giải Phóng của ông Tư Trang gì đó tôi không còn nhớ.

Chén cháo hột gà bốc hơi nghi ngút thiệt tình chớ không phải mơ. Tôi ăn nhưng không biết mùi vị gì. Thực tình như thế. Vì quá thèm khát và vì cháo quá nóng. Húp không kịp biết mùi vị. Ăn xong như cọp ăn bù mắc. Như Bát Giới ăn sâm. Đáng lẽ phải ăn năm, bảy chén mới vừa.

Chị Hai có nuôi một con gà. Lâu lâu mới đẻ một trứng rất tùy hứng. Thế mà tôi được hưởng thì có khác gì trứng gà vàng.

Một trong những người đến chơi với tôi có Thủy Thủ, tên thật là Thái Trần Trọng Nghĩa, có tục danh là “anh Tám”. Thủy Thủ người gầy, cổ cao, tóc ít, tiếng nói khàn khàn. Hồi ở Hà Nội tôi có nghe vụ anh và Phan Lạc Tuyên cả hai cùng là đại úy quân đội Sàigòn đã rời bỏ hàng ngũ ra khu “hợp tác” (!) với Mặt Trận.

Tôi có gặp Phan Lạc Tuyên trong phái đoàn của Nguyễn Văn Tiến mà Hà Nội dựng lên thành “đại diện của Mặt Trận Giải Phóng” ở Hà Nội. Tiến tên thật là Lư Sanh Kỉnh, người Tàu lai ở Mỹ Tho làm bí thư cho Hoàng Xuân Nhị trong kháng chiến chống Pháp. Riêng Thủy Thủ có truyện ngắn là “Chiếc Guốc Xinh Xinh” đăng ở báo Văn Nghệ Hà Nội và được đảng tung hô dữ dội. Sự thực đó chỉ là một mẫu chuyện mà nhà văn nào nhắm mắt viết cũng được, nhưng người ta tung nó lên để tuyên truyền cái đại nghĩa bánh vẽ của Mặt Trận (Quả thật, sau này khi Thủy Thủ nhận ra cái bánh không ăn được bèn tự vận bằng AK, bỏ ông đồng chí ở lại một mình trong phái đoàn Mặt Trận Giải Phóng ở Hà Nội như một con bú dù kém hấp dẫn hơn khỉ ở vườn Bách Thảo. Tôi sẽ trở lại chuyện tự sát rùng rợn này sau).

Mỗi khi tôi qua cơn sốt, Sáu Lăng và Thủy Thủ đến nấu trà uống với tôi. Một người nữa cũng đến là nhà văn Anh Đức. Anh ta không thích tôi mà tôi cũng không thích gì anh ta. Hồi ở Hà Nội, sống cùng nhà nhưng không chơi chung vì anh ta là ngôi sao sáng nhất trong Hội Nhà Văn, còn tôi thì cứ như lục bình trôi, dở không dở hay không hay, ai đến đâu tôi đến đó. Tôi vô Hội trước anh ta nhưng viết không được, cứ viết tới viết lui ba cái chuyện kháng chiến không có lập trường và suông đuồn đuột, còn anh ta thì lên như diều, tác phẩm lớp in sách lớp được lấy làm phim. Tố Hữu cho đó là cây bút số một, trên cả Nguyên Ngọc.

Khi về gặp nhau ở đây thì hầu như không còn những tình cảm cũ, thấy thương nhau hơn vì hai đứa bây giờ hiểu ra mình đều là nạn nhân và tội nhân của đảng cả. Khổ như con chó để sau này Nam Kỳ lại tiếp tục là thuộc địa của Bắc Kỳ như hai đứa cùng biết quá ể!

Nhìn thằng bạn, tôi hết biết nói sao. Tôi vụt nghĩ đến thân thể mình rồi sau này cũng thế mà ớn lòng. Trước kia nó trắng, cao, có một cái răng cửa sâu ăn, nói chung là đẹp trai. Đào hát bóng xưởng phim Hà Nội có cô từng mê nó mà. Nhưng bây giờ than ôi ! Nó đã trở thành một anh chàng nào khác. Mặt đầy nốt đen thâm như sẹo trái rạ, da bủn vàng hay xám ngoét tôi cũng không rõ nữa, một thứ nước da kỳ dị, thú thực tôi chưa từng thấy ở đâu. Tay thì nổi hột như da trái khổ qua, da chân như da cóc. Môi thâm sịt. Trời ơi ! Đó là kết quả hai năm ở rừng của một chàng trai. Thoạt đầu nhìn thấy nó tôi hoảng hồn, nhưng rồi tự bảo: mình thì cũng có đẹp đẽ gì ! Loan, vợ chưa cưới của Anh Đức, nữ sinh Hà Nội, nhân viên giữ thư viện của Hội Nhà Văn, cũng vô một chuyến với tôi. Ở đâu thì vợ chồng cũng có thể hưởng hạnh phúc, nhưng ở rừng thì vợ chồng là một điều bi thương. Thằng đàn ông đã bệnh hoạn kiệt sức lại càng kiệt sức bệnh thêm.

Lúc tôi còn ở Hà Nội, Anh Đức gởi thơ ra xin cho Loan vào. Bố Loan là tù chính trị cải tạo, mười năm mà không “tiến bộ” nên ở trên xét trường hợp của nàng một cách đặc biệt. Nếu không phải là người yêu của nhà văn Nam Kỳ đã về Nam thì không đời nào Loan được vô. Loan bị ở trên ngâm hồ sơ cả năm trời. Tố Hữu phán quyết cuối cùng Loan mới được đi. Vào đây rồi, Loan sầu áo não. Chỉ được phút đầu. Cơ quan tổ chức đám cưới cho hai đứa với hai gói trà và mấy thỏi kẹo. Vậy cũng đã là cả một vấn đề… tổ chức !

Sau đám cưới là sốt rét. Hai đứa thay phiên như hợp tác xã vần công. Loan đi đường khỏe mạnh, vượt lên đi trước cả đoàn. Rủi thay, một lần vấp đá bị trẹo chân, cổ chân sưng vù. Đoàn phải họp tức khắc, quyết định khiêng Loan đi theo như một ân huệ chưa từng có bất cứ ở quãng nào trên đường này. Hồi đó tôi còn khỏe nhưng không tham gia vào làm “phu kiệu cưới” vì tôi cho là dù có khiêng thì giỏi cũng chỉ được vài ba trạm. Nhưng đám thanh niên thuộc đội vũ Ba Lê cố tỏ ra mình là lực sĩ nên cứ khiêng.

Đâu được vài ba trạm thì tôi sốt, đi không nổi, nằm lại, chẳng ma nào dìu dắt, mang dùm ba-lô nói chi tới khiêng. Trên đường này cũng có những tên nịnh đầm dữ dội, không biết có được xơ múi gì không. Bây giờ Loan đã vô đây và đã là vợ của nhà văn số một miền Bắc xã hội chủ nghĩa cũng là người có thâm niên ở rừng cao nhất Hội Văn Nghệ Giải Phóng, trừ Lý Văn Sâm.

Trong rừng lúc bấy giờ chỉ có hai cặp uyên ương là vợ chồng Anh Đức và vợ chồng Lý Văn Sâm.

Vô đây tôi mới vỡ nhẽ ra được nhiều thứ.

Ở Hà Nội khi nghe Đài Phát Thanh Giải Phóng tường thuật “Hội nghị văn nghệ R dưới quyền chủ tọa của Chủ tịch Trần Hữu Trang, nhà văn Lý Văn Sâm đọc báo cáo thành tích hoạt động của hội trong năm qua, nhà văn Anh Đức báo cáo những mắc mướu trong vấn đề sáng tác”, bọn tôi cứ nhảy nhổm cả lên, ngủ nghê không được. Phải chi có cánh bay về gấp gấp để dự hội nghị và băng mình qua khói lửa để sáng tác v.v…

Sau đó đâu vài tháng lại nghe đài tường thuật về buổi lễ long trọng phát phần thưởng cho các tác giả trúng giải thưởng Văn Học Nguyễn Đình Chiểu. Những tác phẩm được nêu tên là “Hòn Đất” giải nhất về tiểu thuyết, tập thơ cửa thi sĩ Giang Nam giải nhất về thơ v.v… Đồng chí chủ tịch Mặt Trận trao tặng (chứ không phải chủ tịch Hội Văn Nghệ Giải Phóng đâu đấy nhé, chớ có lầm. Ảnh chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ được treo ngang ảnh Hồ Chủ Tịch ở tiền đình nhà hát lớn kia kìa. Vậy chẳng khác nào Hồ chủ tịch trao tặng). Nghe thế bọn tôi càng nôn, nóng nảy muốn về mau. Đồ đạc ai xin cũng cho, giá mấy cũng bán. Phải về, nếu không, thì không kịp hưởng vinh quang.

Bây giờ về rồi: Công chúa mặt lọ!

Ông Tổng thư ký Hội Văn Nghệ Giải Phóng mặt mũi trỏm lơ, ngồi đâu không đứng dậy nổi, cứ ngáp vắn ngáp dài. Ông Phó chủ tịch thì khá hơn nhưng lại mang bịnh ghẻ hờm. Mỗi sáng phải bỏ ra hai tiếng đồng hồ để gỡ mài ghẻ còn bao nhiêu thời giờ thì lại dành vào việc chăm sóc đám lác voi. Nói có trời đất chứng miên, chỉ một mình Trưởng Tiểu ban Văn Nghệ là Sáu Lăng được sức khỏe kha khá không ghẻ hờm, không lác voi, sốt cũng ít. Nhờ vậy ông mới chạy chọt lãnh tiền xin gạo, thuốc ký-ninh và bông băng thuốc đỏ về cho anh chị em dùng.

Té ra đài Giải Phóng gạt được cả bồ nhà. Tài ! Tài thật. Tiên sư anh Giải Phóng! Trong số về trước tôi còn có vài nhân vật độc đáo khác nữa. Trong đó có nhà phê bình trẻ Từ Sơn con nhà văn Viện phó Viện Văn Học đầu sỏ số một chống Nhân Văn Giai Phẩm 1956 Hoài Thanh. Cậu sinh viên này vừa soọc-ti đại học Văn Khoa của Phạm Huy Thông hay củaHoàng Xuân Nhị gì đó muốn vô chơi cho biết xứ Nam Kỳ và dạy dỗ dân Nam Kỳ phê bình văn học theo đường lối đảng. Nhưng vô tới đây nằm mắc kẹt ở đây vì tỉnh quận giải phóng của ông Thọ đâu có rộng bằng cái bánh bẻng của bé gái lên ba mà có sinh hoạt văn học. Không có văn học thì lấy gì để phê bình? Cái cầy đặt trước con trâu nhà phê bình Từ Sơn tối ngày xung phong bửa củi cho nhà bếp. Đừng tưởng đùa. Bửa củi tốt hơn ngủ trưa. Nếu nằm không thì cứ nằm ngáp dài một lúc là ngủ. Ngủ dậy nghe ơn ớn, rồi vài hôm là sốt. Cho nên bửa củi rất lao tư lưỡng lợi.

Nhân vật thứ hai là Ca Lê Hiến, cũng sinh viên Văn Khoa cùng khóa với Từ Sơn, nhưng lại làm thơ. Thơ Ca Lê Hiến được Tố Hữu khen. Do đó Hiến được tiến cử về Nam một cách suông sẻ, khỏe hơn tôi nhiều! Hiến là con trai thứ bảy, thứ tám gì đó của cụ Ca Văn Thỉnh đốc học liên tỉnh Bến Tre, thị xã quê tôi. Cụ Thỉnh có cử nhân văn chương, có bút hiệu là Ngạc Xuyên, thời Pháp thuộc đã từng thông dịch cho toàn quyền Decoux tại sân vận động Bến Tre khi tôi còn là học trò Trung. học. Cách mạng tháng tám nổ ra, cả gia đình vợ con cụ đi kháng chiến đủ mặt. Nếu tôi không nhầm thì cụ từng làm Bộ trưởng Bộ Giáo Dục hay một bộ nào đó trong chánh phủ liên hiệp hồi 1946. Bến Tre kể cũng có nhiều người hữu dụng cho kháng chiến lắm nhưng khi kháng chiến thành công họ đều ra rìa. Chính tôi thấy tận mắt, cụ Thỉnh được thưởng công kháng chiến bằng chức Giám đốc Thư Viện ủy Ban Khoa Học mà sách vở phần lớn là tiếng Nga cho nên mỗi ngày có chừng hai người tới đọc, trong đó có thằng con trai của cụ là Ca Lê Hiến biết tiếng Nga. Nhà nước cho cụ cái nhà mà trước kia Tây dùng nuôi chó bẹc giê ! Hỡi ơi dân Thành Đồng Tổ Quốc ! Phơi xương đổ máu để cho ai ?

Ca Lê Hiến có người yêu đi học Trung Quốc là em gái của Anh Đức. Cô nàng tên Lan Anh. Do đó, Hiến lấy bút hiệu là Lê Anh Xuân. Khi Hiến lội tới trong này thì Lan Anh từ Trung Quốc về Hà Nội. Thơ của Lê Anh Xuân làm nhiều hơn cả Giang Nam. Chàng đang làm trường ca “Tình Yêu Song Sắt Nở Hoa” để ca ngợi mối tình của Nguyễn Văn Trỗi và cô Quyên thì thư từ Hà Nội phóng vào, Lan Anh cho biết: “Em không thể chờ đợi anh. Vậy anh cứ đi đường anh và em đường em!” Nhà văn Anh Đức giận cô em gái nổ trời nhưng làm gì được khi trái tim Lan Anh không còn hòa nhịp cũ với trái tim Xuân ? Nhất là hai bên ở cách xa ngàn cây số thì bàn tay phàm cũng khó nỗi rút ngắn đường đất cho hai người gặp nhau để tâm tình và hôn hít được. Thói đời yêu nhau trên giấy, hôn nhau trong thơ vài lần thì còn “thơ” nhưng cứ năm này sang năm khác thì thơ hóa ra thơ thẩn rồi thơ thẩn trở thành ngơ ngẩn và nàng quất ngựa chuối dông luôn.

Anh Đức gởi thơ ra dọa: “Tao từ mày.”

Lan Anh gởi thơ đáp lễ: “Em có cuộc đời của em ! “

Thế là nhà thơ Lê Anh Xuân “ôm song sắt nở hoa” một mình.

Sau đó ít lâu, Lê Anh Xuân đi Long An với một anh cán miền Bắc. Cả hai chết dưới hầm bí mật vì nghẹt thở. Cái chết của Lê Anh Xuân được báo về Hội Văn Nghệ Giải Phóng như một tin sét đánh ! Nó làm cho những kẻ định đi Đồng Bằng lấy đề tài như tôi teo ruột.

Tưởng đến hóa ra chưa đến.

Từ rừng Cao Mên mà lội về tới Bến Tre là cả một cuộc đi vô cùng nguy hiểm không bằng thì hơn cuộc leo núi Trường Sơn chớ không phải dễ. Những người đã đi rồi về lại được R kể như đầu thai kiếp khác. Trong những người này có Anh Đức, kẻ đã về tận Rạch Giá để lấy tài liệu viết tiểu thuyết Hòn Đất. Theo anh ta kể lại thì phải qua vô số “cửa tử. ” Đồng Chó Ngáp, Sông Cửu Long, Lộ Đông Dương và đồn bót, chụp dù, máy bay, tàu lặn, cà nông của Mỹ gấp ngàn lần hồi kháng chiến chống Pháp.

Tôi nằm võng cả ngày nhìn lên nóc tăng, cứ tưởng tượng đó là nóc nhà của mình cho đỡ khổ. Ở trên bảo riêng tôi: Vê Bến Tre cố gắng viết một cái tiểu thuyết về Đồng Khởi ! Vẫn ghi khắc lời dặn dò và mong ước ấy của cấp trên, nhưng làm sao về ? Về tới nơi thì mới mong viết được chứ bỏ xác dọc đường thì viết làm sao?

Cái mộng viết tiểu thuyết Đồng Khởi trong tôi rất to. Nó vừa là tác phẩm vừa là mối hận tôi phải rửa cho xong, mối hận gần mười năm sống trên đất Bắc in ba quyển sách chẳng ra hồn.

Từ một hội viên trẻ nhất vô Hội sớm nhất, sau một thời gian đã được xếp vào hạng “sắp bị đưa xuống hội viên dự bị!” Điều này còn bí mật nhưng một thằng bạn Nam Kỳ vô Hội sau tôi bấy giờ đã vào ban chấp hành, rỉ tai cho tôi biết.

– Mấy ổng chẳng có xét vấn đề chính trị gì gì của mày đâu (tức là vụ lên ủy Ban Quốc Tế xin về Nam) mà xét qua các truyện của mày.

Tôi bảo:

– Xuống dự bị thì xuống chứ tao còn biết làm sao bây giờ. Tao viết không được vì tao viết không được ! Tao chịu thôi !

Bây giờ lấy cái tiểu thuyết Đồng Khởi mà phục hận cho chính mình vậy.

Tiếp theo chương 2

No comments:

Post a Comment