TỬ THỦ CĂN CỨ HỎA LỰC 30 HẠ LÀO (Trương Duy Hy)
THAY LỜI TỰA
Đà-Nẵng, ngày 10 tháng 6 năm 1971.
Thân gởi,
Đại Úy Trương Duy Hy,
Pháo-đội Trưởng Pháo-đội C/44 PB,
tham dự cuộc Hành-Quân Lam-Sơn 719 tại Căn Cứ Hỏa-Lực 30, Hạ-Lào.
Anh Hy thân mến,
Tôi vừa nhận được bản thảo Hồi ký chiến tranh của Anh, nhan đề «Tôi Tham-Chiến Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30 Tại Hạ Lào». Anh có nhờ tôi đề tựa. Đáng lẽ Anh phải nhờ một nhà văn nổi tiếng hay một Sĩ-quan cao cấp làm công việc đó, nhưng anh đã nghĩ đến tôi, chắc vì mối tình tri ngộ giữa chúng ta kể từ hơn 20 năm nay. Do đó tôi viết bức thư không niêm nầy, thay vì đề tựa chính thức để giải bày cùng anh những cảm nghĩ của riêng tôi sau khi đọc tác phẩm nầy.
Năm, tháng trôi qua thật nhanh, bao nhiêu biến cố dồn dập đến trên giải đất thân yêu của chúng ta, kể từ một phần tư thế kỷ nầy đã đảo lộn nhiều chế độ chánh trị, xáo trộn cả bộ mặt xã hội và nếp sống hàng ngày, cơ hồ có lúc làm đảo lộn tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất trong lòng người giữa cơn lốc vật chất quay cuồng dữ dội. Nhưng kỳ diệu thay, mối dây giao hảo giữa chúng ta vẫn không hề bị gián đoạn vì thời cuộc nghiêng ngửa, cũng không hề bị hoen ố vì ảnh hưởng của cuộc nhân sinh. Giữa Anh và tôi vẫn còn trọn vẹn tình thầy trò thiêng liêng, tình anh em thắm thiết, tình bằng hữu đậm đà. Tôi biết Anh, từ khi Anh hãy còn là một cậu bé 15 tuổi, sớm mồ côi cha, nhưng nhờ ý chí cương quyết, nghị lực vững vàng, anh đã can đảm vượt qua hết mọi trở ngại lớn lao, để tiếp tục việc học đến ngày thành công. Anh thi đậu vào lớp Đệ Thất trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, năm 1952, tôi còn nhớ rõ hình ảnh một cậu học sinh nhỏ bé, ngơ ngác giữa đám bạn bè tinh nghịch. Nhưng anh đã làm chúng bạn cảm phục ngay, vì học lực và tính tình của Anh. Việc học nửa chừng bị gián đoạn vì Anh phải tham dự cuộc Hành Quân Atlante vào khoảng 1-1954. Chiến tranh chấm dứt, Anh phải học băng vào lớp Đệ Ngũ, thế mà tháng nào Anh cũng đứng đầu lớp, năm nào anh cũng nhận phần thưởng danh dự, suốt trong mấy năm Trung Học Đệ l và Đệ lI cấp, cuối cùng anh thi đậu Tú Tài Toàn Phần. Hồi đó, các Giáo sư ai cũng đều ngợi khen Anh. Nếu Anh được cái may mắn sinh trưởng trong một gia đình giàu có, thì chắc sự học sẽ còn tiến xa hơn nữa. Trong khoảng từ năm 1958 đến năm 1962, Anh phải đi dạy các trường Trung-Học Công Tư ở Quảng-Nam để giúp đỡ gia đình, rồi sau đó phải nhập ngũ. Trong thời gian nầy, thỉnh thoảng tôi mới gặp Anh, nhưng tôi có nghe đồng bào quận Đại-Lộc rất ca tụng Anh trong vụ cứu trợ nạn lụt mùa Đông 1970. Con người của Anh thật là tiêu biểu cho dân Quảng-Nam : trực tính, ưa tranh luận (Quảng-Nam hay cãi…) thích chỉ huy, rất hăng say trong mọi công tác và sẵn sàng phẫn nộ trước cảnh bất công. Xứ Ngũ Phụng Tề Phi với núi sông hùng vĩ, kỳ tú là một vùng đất tượng trưng cho tinh thần quật khởi của một người dân xứ Quảng. Sở dĩ tôi phải nhận xét về con người của Anh dông dài chẳng biết có phạm đến lòng khiêm tốn của Anh không ? – thật không phải là để ca tụng Anh đâu, mà chính là để tìm hiểu những cảm nghĩ và hành động của Anh trong những ngày Anh hành quân tại mặt trận Hạ Lào. Bản chất của Anh đã được phô bày khá đầy đủ trong tác phẩm nầy. Ở đây, tôi không muốn làm công việc phê bình, cũng không dám lạm bàn đến chiến lược, chiến thuật vì điều đó vượt khả năng và sự hiểu biết của tôi. Tôi chỉ muốn trình bày sau đây một vài khía cạnh mang ít nhiều tính chất chính trị và xã hội trong tác phẩm nầy:
– Anh đừng e ngại cái Tôi là đáng ghét. Cái Tôi trong tập hồi ký nầy chỉ là Cái Tôi điển hình cho tất cả những chiến sĩ dũng cảm tại Hạ Lào. Cái Tôi của Lân, của Thiện, của những binh sĩ Pháo Binh, của Tiểu-đoàn Dù, của Biệt-Động-Quân… đã chạm mặt Tử-Thần tại mặt trận Hạ-Lào nhưng không hề run sợ.
– Trước sự đe dọa của Tử-thần, tình đồng đội thật là thắm thiết hơn bao giờ hết. Bao nhiêu hiềm khích nhỏ nhen trong cuộc sống bình thản thường nhật đã bị tiêu tan trong chiến trận. Trước mặt, chỉ còn có địch quân cần phải tiêu diệt để bảo vệ sự sống của chính mình và của đồng đội.
– Lòng nhân đạo đã được thể hiện, khi chiến trận chấm dứt, trông thấy xác chết ngổn ngang, các thương binh, dù là địch quân, rên siết trong nỗi đau đớn, khổ sở đều cần được chăm sóc, được an ủi như nhau. Vì nghĩa vụ, con người phải chém giết nhau, thì cũng vì nghĩa vụ, con người phải cứu giúp nhau để xoa dịu những nỗi khổ trong kiếp sống bi thảm nầy. Anh đã áp dụng đúng đắn lời dạy của triết gia Bersot, mà ngày xưa tôi đã bắt Anh dịch ra Việt-văn. Thật ra, những người lính Cộng-Sản Bắc Việt chỉ là những con tốt thí cho một chủ nghĩa, một mưu đồ. Họ phải chịu chết, phải chịu khổ sở từ 25 năm nay để phục vụ cho quyền lợi của tầng lớp cán bộ lãnh đạo ở Bắc Việt, mà họ cứ vẫn tưởng là phục vụ cho dân tộc Việt-Nam.
– Đối với quảng đại quần chúng, tôi cũng nghe nói đến chiến trận Hạ-Lào vô cùng ác liệt, hơn cả những trận Pleime, Benhet, Dakto… hơn cả trận Điện-Biên-Phủ năm xưa. Nhưng không mấy ai ở ngoài cuộc có thể hình dung nổi trận chiến ác-liệt như thế nào, nỗi gian khổ của binh sĩ ta lớn lao đến chừng nào. Tác phẩm nầy đã vẽ ra một phần không nhỏ cả khung cảnh dữ dội, kinh hoàng của chiến tranh, nhờ đó quần chúng mới hiểu thấu hết tinh thần chiến đấu can trường, sức chịu đựng gian khổ của binh sĩ ta tại Hạ-Lào, để biết cảm phục và thương yêu binh sĩ nhiều hơn.
– Tôi không đặt vấn đề thắng hay bại của cuộc hành quân Lam-Sơn 719, nhưng quả thật nhờ có cuộc hành quân nầy mà sự tiếp liệu khổng lồ của Bắc Việt vào Kampuchia và Nam Việt-Nam đã bị ngưng trệ trong một thời gian, các kho tàng-trữ vũ khí, thực phẩm, thuốc men, vật liệu của địch quân đã bị hủy diệt một phần lớn, điều này không một ai có thể chối cãi được, và sự hy sinh của binh sĩ ta thật không phải là vô ích. Về mặt chính trị, nhờ có cuộc hành quân nầy mà cả thế giới đều thấy rõ Bắc Việt đã xâm lăng không chính thức Miền Nam Việt-Nam, bằng đường mòn Hồ Chí Minh, một điều mà Bắc Việt luôn luôn cải chính, đó là một thắng lợi về chính trị thật rõ ràng.
– Tác phẩm nầy còn được xem như một lằn roi quất mạnh vào mặt những hạng chính khách salon, bơ sữa, những hạng người thối nát trong guồng máy Quốc gia, những hạng tham nhũng, đầu cơ trục lợi những dân biểu buôn lậu phản nước, hại dân, những tên tài-phiệt đã nhờ chiến tranh mà làm giầu trên xương máu của binh sĩ và đám cùng dân khố rách áo ôm. Các anh em binh sĩ có hô hào phải hy sinh, phải làm cách mạng, phải yêu nước bao giờ đâu ? Binh sĩ chỉ biết chiến đấu trong im lặng và chết trong im lặng, không một lời than thở, tiếc nuối. Các binh sĩ chiến đấu tại Hạ Lào là những thiên thần sẽ giẫm nát lũ sâu bọ lên làm người đầy rẫy nơi đây.
– Tác phẩm còn được xem như một liều thuốc hồi sinh đối với bọn thanh niên sống cuộc đời vô lý tưởng, luôn luôn sợ gian khổ, sợ chiến đấu, cố tìm quên lãng và xóa bỏ thực tại bằng một nếp sống sa đọa, trụy lạc. Cố nhiên là nếu họ chịu uống liều thuốc đắng mà bổ ích nầy.
Anh đã làm tròn nhiệm vụ đối với Tổ-Quốc. Đó là niềm hãnh diện nhất trong đời.
Thân ái chào Anh.
TRẦN NGỌC QUẾ
No comments:
Post a Comment