CỨU TRỢ DÂN TỴ NẠN
Ngày 8 tháng 4 năm 1972
Sau khi Lộc Ninh thất thủ, một Liên Đoàn Biệt Động Quân được trực thăng vận tới An Lộc để trấn giữ mặt Đông Bắc Bình Long. Vừa rời phi trường để di chuyển vào một đường mòn, Đại Đội Chỉ Huy bị lãnh ngay một trái hỏa tiễn khiến bốn người chết, năm người bị thương. Tất cả đều được đưa vào bệnh viện để tôi săn sóc. Ông Đại Đội Trưởng bị nát chân mặt lên tới đầu gối. Tôi đành phải cắt khớp gối. Ông ta có một gương mặt thật đẹp. Chiếc mũi cao thẳng, đôi mắt đều và sáng. Tôi lấy làm buồn vì ông đã phải hy sinh một chân.
Sau đó tôi làm thông phổi cho một người bị thương ở ngực. Anh này là y tá của Tiểu Đoàn Biệt Động Quân. Thấy mặt anh ta tôi hơi ngờ ngợ như đã gặp ở đâu rồi. Hỏi chuyện anh tôi mới nhớ ra trước kia khi tôi còn ở Trung Đoàn 43 Bộ Binh, anh là lao công đào binh ở đó. Khi hết hạn anh tình nguyện đi Biệt Động Quân làm y tá và xui xẻo cho anh lại bị thương ở trận này. Gặp người quen cũ tôi mừng lắm nhưng quá bận nên không nói chuyện được nhiều.
Tôi còn mổ làm sạch vết thương cho một Trung úy bị thương ở chân và một người nữa bị thương ở gần mặt. Người bị thương ở bụng tình trạng tốt, tôi để làm sau chót đợi có người cho máu.
Một y tá Biệt Động Quân được bác sĩ Cảnh, bác sĩ của Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân phái đến bệnh viện để săn sóc và theo dõi mấy người bị thương cùng tìm cách đưa mấy xác chết về hậu cứ. Tôi không nhớ tên anh ta, nhưng có lẽ tôi không bao giờ quên anh được. Anh dáng người to lớn, giọng nói trầm ấm thong thả, nét mặt thật thà, mới nhìn tôi đã có cảm tình ngay. Sự tận tâm của anh với đồng đội lại càng làm tôi mến anh hơn. Khi tôi ngỏ lời cần máu để mổ người bị thương bụng. Chính anh là người đã tình nguyện cho tôi lấy 250 phân khối. Nhờ vậy tôi mới vững bụng để mổ và đã cứu sống người thương binh đó.
Cho máu xong anh không cần nghỉ ngơi, anh đi liên lạc mọi nơi để xin và biết giờ đến của trực thăng tản thương. Bốn giờ chiều hôm ấy mới có chuyến trực thăng. Đặc biệt chỉ để tản thương cho năm thương binh Biệt Động Quân.
Họ không chở xác chết. Anh phụ cùng với mấy y tá bệnh viện đem thương binh lên xe ra phi trường.
Từ đó tới nay tôi không gặp lại anh nữa. Không biết sau cuộc chiến này anh có được bình an không?
Từ ngày Biệt Động Quân đổ bộ xuống An Lộc, những cuộc đụng độ càng ngày càng nhiều. Máy bay bỏ bom để yểm trợ các cuộc hành quân hầu như hàng ngày. Dân chúng bị thương đa số là những người Thượng ở những sóc ở xa và số thương binh cũng tăng lên rõ rệt.
Tôi nhận thấy với một Phòng Mổ, chúng tôi không thể nào giải quyết kịp được số thương binh chắc chắn sẽ gia tăng trong những ngày tới. Ở trại Ngoại Khoa của tôi, Bộ Y Tế có thiết lập một Phòng Mổ khá tối tân. Dự trù trong năm nay sẽ di chuyển Phòng Mổ tạm thời xuống đó. Nhưng vì còn thiếu nhiều tiện nghi cần thiết nên cho tới nay vẫn chưa sử dụng được.
Hiện giờ Phòng Mổ này là chỗ ở tạm của cô Bông, Điều Dưỡng Trưởng bệnh viện và cô Bích bạn cùng lớp với cô Bông, chuyên viên Phòng Mổ. Tôi liền cho hai cô dọn đi nơi khác và nhờ ông quản lý Kiên sai y công thu dọn và làm sạch sẽ lại căn phòng, gắn điện vào dàn đèn mổ. Đồng thời tôi cho trang bị một số dụng cụ y khoa cần thiết. Trong phòng đã này có sẵn một bàn mổ rất tân tiến, còn mới nguyên. Tôi dùng phòng này làm Phòng Tiểu Giải Phẫu và có thể có khả năng Đại Giải Phẫu nếu cần.
Tôi đề phòng nếu Phòng Mổ trên bị hủy hoại tôi sẽ có ngay một Phòng Mổ khác để làm việc. Phòng này tôi giao cho Bác sĩ Chí điều khiển. Phải tới gần một ngày trời chúng tôi mới tổ chức xong Phòng Mổ mới. Ngay ngày hôm sau chúng tôi đã có bốn khách hàng. Người thương binh đầu tiên được mổ tại Phòng Mổ này là một anh lính người Thượng. Anh bị pháo kích gãy nát chân phải và tay trái. Bàn chân phải văng đi đâu mất tiêu. Y tá đơn vị chỉ dùng băng cá nhân bó sơ sài phần chân còn lại để cầm máu. Không còn gì có thể cứu vãn được những bộ phận trên, tôi phải thiết đoạn 1/3 chi dưới và bàn tay trái.
Nhờ có hai Phòng Mổ làm việc điều hòa nên bệnh không bị ối đọng.
Chúng tôi giải quyết rất nhanh, thương binh không phải chờ đợi lâu. Các vết thương đưa tới thường được mổ ngay nên mặc dù làm việc trong điều kiện thiếu thốn nhưng số người bị nhiễm trùng gần như không đáng kể. Ít ra là trong mấy ngày hậu giải phẫu tại bệnh viện. Còn sau đó, thương binh được tản thương về Bệnh Viện Bình Dương hay Tổng Y Viện Cộng Hòa, có nhiễm trùng hay không tôi thực không biết.
Tôi để một chuyên viên tê mê là Binh nhất Thiện cùng với cô Vân, cô Tú, cô Hương làm việc ở Phòng Mổ mới với Bác sĩ Chí. Ở Phòng Mổ cũ tôi cóTrung sĩ Xòm, Thượng sĩ Lỹ, cô Bích, cô Thìn, cô Mỹ, cô Trí, cô Lâm. Tuy phân chia như vậy cho dễ làm việc, nhưng lúc cần vẫn có thể du di người từ chỗ này tới chỗ khác để công việc được giải quyết nhanh gọn điều hòa.
Cô Đào là chuyên viên tê mê nhiều kinh nghiệm nhất, trông coi tê mê cả hai Phòng Mổ. Những ngày đầu cô làm việc rất hăng. Cô có sức chịu đựng thật dẻo dai. Những ngày sau vì cô còn có con nhỏ, nên chỉ những trường hợp nào cần thiết tôi mới cho mời cô giúp một tay.
Sáng hôm sau, tôi vừa rời khỏi Phòng Hậu Giải Phẫu bước xuống sân thì gặp ông Khổng đi tới. Ông Khổng là Trưởng Phòng Y Tế Công Cộng. Ông có dáng người gầy gò, da ngăm đen, ăn mặc lúc nào cũng chải chuốt. Khổng nói:
– Thưa bác sĩ, dân tị nạn về càng ngày càng đông. Họ tụ tập ba nơi: chùa Từ Quang, nhà thờ Xứ và ngã ba chợ cũ. Họ ăn ở bừa bãi mất vệ sinh lắm. Tôi đi thăm thấy có nhiều người bị bệnh và bị thương nhẹ. Nếu tình trạng này mình không lo trước có thể xẩy ra bệnh dịch lắm.
Tôi gật đầu đồng ý. Tôi đã nhìn thấy những hậu quả không hay do sự ăn uống thiếu vệ sinh.
– Họ từ đâu tới ông biết không?
– Dạ, họ từ Xa Cam, Xa Trạch và các sóc quanh đây. Phần đông ở trạm tiếp cư là những người Thượng, vấn đề vệ sinh họ chưa được thông suốt nên phóng uế bừa bãi.
– Mình có thuốc chủng ngừa nào không?
– Thưa, y tế còn một ít Plague Vaccin và Anti Cholera Vaccin.
– Thế thì tốt quá. Ông có bao nhiêu nhân viên?
– Dạ có 12 người kể cả tôi.
– Bây giờ ông huy động toàn thể ra đó làm việc. Thứ nhất ông cho chích ngừa dịch tả. Tụ tập dông người mà ăn ở bê bối như vậy sợ dịch tả xẩy ra lắm. Thứ nhì ông lấy một số thuốc thông thường cùng bông băng cần thiết lo phát thuốc cho đồng bào và săn sóc những người bị thương. À ông lấy thêm bột DDT rắc quanh chỗ họ ở. Ông có thể ngoại giao với Ty Công Chánh cho người đào những hầm vệ sinh.
– Thưa mấy thứ thuốc đó tôi đã dự bị xong xuôi cả rồi.
– Vậy thì tốt quá. Ông cho nhân viên đi làm ngay đi. À còn vấn đề ăn uống của đồng bào thì sao?
– Thưa chuyện đó ty Xã Hội đã lo cùng với Hội Đồng Tỉnh, phân phát gạo và bánh mì hàng ngày. Nước thì có xe của Công Chánh chở tới.
– Thôi được, ông lo dùm tôi việc đó nhé. Đáng lẽ ra tôi phải tới thăm xem đồng bào ra sao, nhưng ở đây bận quá, đi không được. Ông lo được như vậy là giỏi lắm đó. À, nếu có ai bị thương nặng ngoài khả năng làm việc của ông thì nên cho xe chuyển về đây ngay cho tôi.
Tôi vỗ vai ông Khổng tỏ ý khen ngợi ông đã làm việc chu đáo. Thực ra vì quá bận rộn trong vấn đề mổ xẻ nên tôi không có thì giờ nghĩ tới những việc ngoài bệnh viện. May nhờ có ông Khổng tới báo cáo nên tôi mới biết được những sự việc liên quan tới y tế bên ngoài mà bổn phận tôi, Xử Lý Thường Vụ Trưởng Ty Y Tế, phải biết để điều hành cho đúng cách hầu ngăn chận kịp thời những tai họa như dịch hạch, dịch tả có thể xẩy ra trong phần trách nhiệm của mình.
Phòng Y Tế Công Cộng chỉ hoạt động cứu trợ đồng bào được gần một tuần thì xẩy ra cuộc tấn công đợt nhất của Việt Cộng. Thành ra toàn thể nhân viên phải rút về bệnh viện hết.
Tại các trại, số y tá vì vậy được tăng thêm. Mỗi buổi sáng, các cô lũ lượt tới thay băng cho các bệnh nhân. Tôi đi thăm bệnh, thấy mọi người đều yên lặng chăm chỉ làm việc. Tôi không còn nghe những tiếng cười vui vẻ hồn nhiên của các cô nữa. Bị hãm trong trận chiến này, sống chết không thể biết được, sống được ngày nào hay ngày ấy. Lúc nào mọi người cũng nơm nớp lo sợ bị trúng pháo của địch, cũng cảm thấy như có một con dao treo trên đầu, có thể rơi xuống cổ bất cứ lúc nào.
Nỗi lo lắng ấy làm mất đi những nụ cười thường ngày. Thay vào đấy là những ánh mắt đăm chiêu, lo sợ hoặc hốt hoảng khi nghe một tiếng động nhẹ như tiếng kéo lê của một đôi dép trên sân hay tiếng sột soạt của mái tôn bị tróc khi gió thổi qua. Tình trạng thật là căng thẳng.
No comments:
Post a Comment