Friday, July 15, 2022

DI CHUYỂN CHỖ Ở - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)


 DI CHUYỂN CHỖ Ở

Từ giã cô Bông xong, tôi đi xuống trại, ngang qua văn phòng Ty Y Tế, tôi bèn tạt vào. Thấy cửa đóng kín mít. Tôi đẩy nhẹ, cửa hé ra được một chút,vướng thành bàn chặn bên trong. Tôi nghe tiếng bác sĩ Phúc hỏi vọng ra:

– Ai đấy?

Tôi trả lời:

-Tôi đây anh.

– Anh Quý đó phải không? Sơn ơi ra mở cửa cho bác sĩ Quý vào.

Có tiếng chân bước ra cửa rồi tiếng kéo lê cái bàn. Tôi mở rộng cửa lách mình vào. Hơi nóng hầm hập bên trong hất vào mặt tôi. Cái đèn dầu Hoa Kỳ nhỏ để trên bàn giữa phòng leo lét cháy càng làm căn phòng thêm âm u huyền ảo. Trên sàn nhà, năm mẹ con bà Nghi, vợ một nhân viên Y Tế đang nằm ngổn ngang. Đứa bé gái nhỏ thỉnh thoảng lại giãy giụa ú ớ khóc, khiến mẹ nó phải dơ tay quạt liền liền. Không khí tù túng ngột ngạt như đặc sệt lại. Mùi hôi của mấy cái xác ngay sau bức tường, chỗ nhà để xe càng làm khó thở hơn.

Tôi tiến sâu về phía cuối phòng. Nơi đây có một hầm nổi khá kiên cố. Tôi cúi đầu chui vào hầm. Bên trong hầm còn bí hơi ngộp thở hơn nữa. Ở đây cũng có một ngọn đèn Hoa Kỳ để ở góc hầm trên khúc gỗ vuông.

Tôi phải mất mấy giây mới nhận ra bác sĩ Phúc đang nằm dài trên một chiếc nệm. Anh cởi trần, mặc quần đùi cho bớt nóng. Thấy tôi anh hỏi ngay:

– Chưa đi ngủ sao anh?

– Dạ chưa, hãy còn sớm. Tôi mới ở Phòng Cấp Cứu về.

– Có nhiều thương binh không anh?

– Nhiều, ngày hôm nay nhập viện 195 người. Họ nằm đầy ở dưới đất. Rác rưởi nhiều quá anh ạ. Mấy khiêng cáng viên trốn đâu mất, không chịu làm việc, khiêng chuyển bệnh xuống trại để có chỗ tiếp nhận bệnh mới. Ngoài đó xác chết với người bị thương nằm lẫn lộn, thấy khiếp quá. Có lẽ mình phải tổ chức làm vệ sinh cho sạch mới được.

Bác sĩ Phúc thở dài:

– Tụi nó mệt mỏi và mất tinh thần rồi. Để sáng mai tôi bảo Trung úy Quý ra lệnh cho tụi nó làm. À thuốc men anh thấy còn đủ không?

– Có thể cầm cự được chừng một tuần nữa thôi. Nước biển dưới kho lớn hết rồi, nhưng kho Vượt Biên mình còn. Compress mình hết nhưng các trại đã nhận được một số băng cá nhân và bông dùng tạm cũng được.

Bác sĩ Phúc trầm ngâm một chút rồi chợt nói:

– Anh ở dưới đó không có hầm nguy hiểm lắm, anh lên trên này ngủ. Anh mời cả anh Chí nữa. Hầm này còn rộng chỗ mà.

– Vâng tôi xuống phòng một chút rồi lên. Còn anh Chí tôi có nói rồi, nhưng anh ấy bảo ở đâu cũng vậy thôi.

Tôi chào bác sĩ Phúc rồi đi về phòng. Vào trại Ngoại Khoa, tôi đi ngang căn phòng bị dù đè sập mấy ngày trước. Qua lỗ trống ở nóc nhà, ánh sáng hỏa châu vàng vọt bệnh hoạn soi rõ hai cái giường bẹp dúm cùng gạch ngói ngổn ngang vẫn còn để nguyên chưa có ai buồn dọn dẹp. Hơi người trong các phòng thoát ra nóng hầm hập. Phải khó khăn lắm tôi mới lách chân tới cửa phòng tôi vì thương binh nằm đầy ở hành lang. Tôi gõ nhẹ cửa. Vợ Châu ra mở cửa. Tôi lẹ làng bước vào, ngồi trên giường. Vợ con Châu đã thu xếp sạch sẽ một góc phòng để làm chỗ ngủ. Không thấy Châu đâu tôi hỏi:

– Anh Châu đâu chị?

Vợ Châu vừa quạt vừa nói:

– Ông ra đầu trại cho mát. Bác sĩ ăn cơm chưa?

– Chưa, nhưng chỉ thấy mệt chứ không thấy đói.

Vợ Châu nhanh nhẩu nói:

– Còn cơm để phần bác sĩ đó. Bác sĩ ăn chớ không đêm đói.

Tôi ra bàn cố ăn một bát để giữ sức. Trong phòng bịt bùng, oi bức quá. Vừa uống xong ngụm nước thì Châu về. Châu nói:

– Chợ Bình Long cháy dữ quá bác sĩ.

Nghe vậy tôi bèn xách máy hình theo Châu đi ra ngoài. Chiếc máy hình Asahi Pentax tôi mới nhờ em Tuệ tôi ở Sài Gòn mua được một tháng. Tính mang lên đây để chụp những trường hợp bệnh lý đặc biệt làm tài liệu. Chưa chụp được nhiều thì xảy ra cuộc chiến này.

Tôi đi dọc hành lang phía cuối trại Ngoại Khoa, bước xuống mặt đường. Gió đêm mát lạnh. Nơi đây hơi xa chỗ các xác chết nên không khí dễ thở hơn một chút. Tôi nhìn xuống khu chợ mới. Nơi đó sáng rực. Tất cả đều chìm trong biển lửa. Ánh sáng của đám cháy làm lu mờ những đốm hỏa châu ở phía xa. Từng cột khói phản chiếu ánh lửa thành trắng đục, bốc thẳng lên trời, tan biến trong không gian đen thẫm ở trên. Thỉnh thoảng ngọn lửa lại bùng lên cao, che lấp cái khung sườn sắt của chợ Bình Long. Khắp phía Bắc thành phố chỗ nào cũng có đám cháy cả. Tôi đã thấy ánh lửa nhen nhúm từ hồi chiều ở ngay chính giữa chợ, bây giờ mới bộc phát dữ dội.

Càng lâu ngọn lửa càng lớn. Tôi có cảm tưởng cả thị xã An Lộc đều bị chìm trong biển lửa. Trông cảnh tượng đó thật bi hùng, dễ gây xúc động. Tôi muốn ghi lại hình ảnh này để làm tài liệu.

Tôi vội mở máy ảnh chụp cầu may trong đêm tối. Tôi mở hết ống kính, để tốc độ một giây. Tôi chụp liền hai cái. Tôi không tin tưởng lắm là bức hình sẽ rõ. Tôi lại vặn sang nấc B để điều khiển đóng mở ống kính bằng tay cho chắc ăn và chụp thêm hai tấm nữa. (Không ngờ mặc dù phim đã quá hạn, lại để trong túi áo giáp hơn hai tháng trời mới gửi đi rửa mà những tấm hình đó nét rất rõ và đẹp.)

Chụp xong tôi còn đứng nán lại ngắm nhìn cảnh cháy hùng vĩ có một không hai này cùng với mấy chục người dân tỵ nạn. Người nào người nấy đều đứng ngẩn người chăm chú nhìn như bị thu hút bởi thần lửa dưới chân đồi. Ánh lửa rực rỡ, man rợ xa cả nửa cây số vẫn còn soi sáng một vùng rộng lớn trong đêm không trăng, soi rõ những nét mặt thẫn thờ của những người dân tỵ nạn. Họ đang nghĩ tới những của cải không kịp mang đi, những ngôi nhà thân yêu đang làm mồi cho ngọn lửa. Những công trình mà suốt cuộc đời hẩm hiu của họ đã phải làm việc tối ngày mới tạo ra được.

Tôi ngó quanh không thấy anh Châu đâu, bèn đi kiếm anh. Tôi thấy anh đang ngồi ở bậc thềm hành lang hút thuốc lá, bình thản coi như không có gì xảy ra.

Tôi hỏi anh:

– Anh có bà con hay ai quen ở chợ không?

– Dạ không, bác sĩ.

– Vậy cũng đỡ, tôi nghĩ chắc có người đốt chợ quá. Nếu không làm gì cháy dữ như vậy. Không biết đến bao giờ mới yên bình trở lại. Mệt mỏi quá rồi. Thôi mình về phòng đi anh Châu.

Châu đứng dậy đi theo tôi. Tôi nói tiếp:

– Đêm nay tôi lên phòng ông Phúc ngủ. Anh cứ nằm giường tôi cho khoẻ.

Châu nhìn tôi không nói gì cả. Tôi vào phòng kiếm cây đèn pin, đem theo mũ sắt, áo giáp đi lên văn phòng Ty Y Tế. Tôi cúi đầu lách qua cửa hầm. Tiếng Bác sĩ Phúc hỏi vọng ra:

– Anh Quý đó hả?

– Vâng.

– Ứ. Anh lên ngủ với tôi cho vui. Đây anh nằm tấm nệm này.

Thấy trong hầm chỉ có độc nhất một tấm nệm, tôi vội nói:

– Anh nằm nệm đi, tôi trải tạm vải nằm nằm sàn gạch cũng được.

Bác sĩ Phúc gạt đi:

– Tôi có tấm chiếu nylon đây rồi. Nằm nệm nóng tôi chịu không được.

Tôi không quen khách sáo. Cung kính bất như tuân lệnh. Tôi vui vẻ nằm lên tấm nệm duỗi dài chân cho đỡ mỏi. Hai chúng tôi nằm song song với nhau dọc theo chiều dài của căn hầm. Cu Sơn cháu Bác sĩ Phúc nằm phía dưới theo chiều ngang của hầm. Tôi để nón sắt ở góc hầm ngay trên đầu, áo giáp được gấp lại để làm gối. Thoáng thấy chiếc radio lớn của Bác sĩ Phúc để ở bên cạnh, tôi vội hỏi:

– May quá, anh còn giữ được chiếc radio này. Có tin tức gì không anh?

– Có, tôi có nghe đài BBC. Họ nói nghe nản quá.

– Họ nói sao anh?

– Họ bảo chỉ có phép lạ mới cứu được An Lộc!

Tôi thở dài:

– Thế là chúng mình tiêu tùng à? Vô lý. Tôi nghe nói Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đã lên tới Tân Khai mấy ngày nay rồi. Từ đây tới đó cỡ gần chục cây số chứ mấy mà sao vẫn chưa bắt tay nhau được nhỉ?

– Khó lắm, công đồn đả viện là nghề của tụi Việt Cộng. Tụi nó quyết ăn thua đủ nên đã đem 3 sư đoàn đánh Bình Long. Thế nào nó chả chia quân ngăn chặn viện quân mình. Quân Dù lên chậm, chắc cũng vì thế. Từ khi nghe tin Lữ Đoàn Dù lên tiếp viện, không chỉ riêng tôi mà mọi người trong bệnh viện và tất cả mọi người trong thành phố An Lộc này đều hy vọng. Ai cũng yên chí khi quân Dù lên tới nơi chỉ trong vài ngày là An Lộc sẽ được giải tỏa và trận chiến sẽ chấm dứt. Mọi người đều đặt hết tin tưởng vào binh chủng bách chiến bách thắng này. Nhưng chúng tôi đã trông đợi mấy ngày nay mà không thấy gì xảy ra cả. Tất cả chỉ là tin đồn. Nay đồn Dù lên tới Tân Khai, mai đồn Dù lên tới ấp Chà Là. Chúng tôi mong ngóng quân Dù như đứa trẻ mong mẹ về chợ. Vì đó là niềm hy vọng cuối cùng của những người bị vây hãm tại đây.

Tôi chợt nói với Bác sĩ Phúc:

– Tôi không ngán pháo kích. Tôi chỉ sợ bị bỏ bom lầm và nhất là bị bỏ rơi.

Tôi nói ra điều này làm cả hai cùng đâm lo. Trong trường hợp phải rút lui chiến thuật, đó là một bí mật quân sự, chúng tôi lại không có một phương tiện liên lạc nào với các Bộ Chỉ Huy Quân Sự ở đây. Ai báo tin cho chúng tôi biết? Một khi các nhân vật quan trọng đi rồi, Việt Cộng tràn vào, B52 dội bom xuống là cuộc đời chúng tôi chấm dứt. Ý nghĩ này ám ảnh tôi hoài, và đó cũng là mối lo thường xuyên của tôi. Tuy nhiên để tự an ủi tôi nghĩ rằng sự việc sẽ chẳng đến nỗi tệ như vậy. Chung quanh tôi còn biết bao nhiêu là người. Nếu có chuyện gì thay đổi thì chắc tôi sẽ được báo tin không đến nỗi trễ tàu.

Bác sĩ Phúc chợt lên tiếng:

– Đài Sài Gòn cho hay là Đại tá Tỉnh Trưởng cùng Đại tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 5 đích thân dùng M72 bắn cháy mỗi người một xe tăng T54 của VC.

– Quanh Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn mình có thấy chiếc xe tăng nào đâu. Chắc họ nói thế cho lính lên tinh thần đấy mà. Bao giờ có dịp tôi hỏi Đại tá Nhựt xem sao.

Anh Phúc với tay bật nút radio tìm đài Việt Cộng. Một giọng nói the thé đanh đá chua như dấm cất lên:

– Quân đội nhân dân chúng ta đang làm chủ tình hình tại thành phố An Lộc. Cờ của chúng ta đang bay phất phới trên nóc dinh tên Tỉnh Trưởng Ngụy. Thành phố An Lộc đã hoàn toàn được giải phóng.

Anh Phúc vội tắt. Chúng tôi không muốn nghe nữa. Họ nói hoàn toàn không đúng sự thật. Chúng tôi còn đây. Dưới khu chợ mới còn đầy lính mình. Hàng chục xe tăng bị hạ ngay trước mặt chúng tôi mà họ dám dở giọng điệu tuyên truyên giả dối. Ai mà tin được.

Tôi quay trở lại vấn đề thực tế trong bệnh viện. Hiện số thương binh quá nhiều. Mà trận chiến thì có thể còn kéo dài chưa biết tới lúc nào mới chấm dứt. Nếu không tản thương kịp số thương binh hiện tại thì sẽ không còn chỗ để chứa những người sắp tới. Và như vậy số tử vong sẽ cao. Sẽ có nhiều người chết oan uổng vì tản thương chậm trễ.

Đã mấy ngày nay không có một chuyến tản thương nào. Mọi người đều nóng ruột, nhất là tôi, trong lòng thực không yên. Công trình tôi săn sóc các thương binh ngay những giây phút đầu chỉ có thể có hiệu quả khi những thương binh này được tiếp tục săn sóc hậu giải phẫu. Nghĩa là phải có đủ điều kiện thay băng mỗi ngày, thuốc trụ sinh đầy đủ, ăn uống đúng cách. Nếu không các vết thương sẽ làm độc, sẽ lâu lành, tạo thành những kết quả xấu.

Tản thương chậm trễ sẽ có những hậu quả không hay, nghĩa là sẽ phải mất đi những tay súng đáng lẽ không phải mất. Phải bỏ ra 20, 30 năm mới gây dựng, đào tạo nên một con người, mà nay chỉ vì thiếu phương tiện mà phải hy sinh một cách vô lý như vậy thì thực đáng tiếc quá.

Tôi nói với anh Phúc là ngày mai chúng tôi sẽ bàn với anh Vũ Thế Hùng, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Quân Y xin gặp Đại tá Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 để trình bày sự việc và đốc thúc việc tản thương càng sớm càng tốt. Chúng tôi nói chuyện được một lúc, ai nấy đều mệt mỏi, nằm im ngủ. Nhưng trong hầm nóng bức, tôi trằn trọc mãi, cố dỗ giấc ngủ mà không được. Thỉnh thoảng lại còn bị muỗi đốt. Tôi chà cẳng chân trên mặt nệm cho bớt ngứa. Ngoảnh sang bên cạnh, tôi thấy Bác sĩ Phúc đã ngủ từ bao giờ. Anh nằm bình thản thở đều đều. Tôi thấy phục anh quá. Anh nằm trong hầm suốt ngày như không, sức chịu đựng của anh thật đáng kể.

Mùi hôi thối của mấy trăm cái xác nằm bên ngoài đưa vào làm tôi khó thở quá. Hầm này xây trong nhà, mà bên ngoài lại đóng kín mít các cửa, rất là bí hơi. Tôi cố nằm được một lúc, sau cùng chịu không nổi không khí tù hãm đó, thật như ai bịt lấy mũi mình, tôi vùng trở dậy đi ra ngoài hầm.

Chúng tôi không dám để ngỏ cửa vì sợ đêm khuya đặc công VC lẻn vào ám sát, thành ra dù có bí hơi cũng phải đóng cửa cho an toàn.

Đặc công Việt Cộng đã thực sự có mặt tại bệnh viện. Trung úy quản lý Bệnh Viện Tiểu Khu Phạm Ngọc Quý suýt nữa bị tên đặc công bắn trúng. Ngay ngày hôm qua, lúc chạng vạng tối Trung úy Quý hớt hải tới báo cáo với tôi là ông ta bị bắn rách áo giáp ngay ngang sườn. May quá không trúng vào người. Khi kể chuyện ông ta mặt mũi vẫn còn xanh rờn thất sắc. Tôi hỏi đầu đuôi câu chuyện, Trung úy Quý kể:

– Tôi thấy bệnh viện chật ních những người, sợ có Việt Cộng trà trộn vào nên ra lệnh cho mấy nhân viên dưới quyền chia nhau đi các trại, các phòng để âm thầm xem xét có gì khả nghi không. Riêng tôi đi vòng bên ngoài các trại.

Lúc tới sau trại Sản Khoa, tôi thấy một bóng người đang ngồi sau cái cột hí hoáy ghi chép. Tôi hơi nghi, rón rén lại gần thì thấy nó đang ghi mấy chữ số với một cái bút gắn vào một cái đèn pin nhỏ. Tôi hỏi: Anh ghi cái gì vậy. Tên này giật mình. Vừa trông thấy tôi là nó bắn liền, bằng một cái súng đặc biệt như một cây bút. Bắn ra được có một phát đạn rồi nó vùng chạy. Khi tôi rút được khẩu súng Colt ra thì nó đã lẩn vào đám đông mất tiêu. Trời đã tối nên khó mà tìm được nó. Tôi nghi nó ghi tọa độ để báo cho pháo binh địch bắn mình.

– Đúng nó là tiền sát viên của địch rồi. Cũng may là ông không bị trúng đạn. Lần sau đi tuần nên đi hai người để có thể hỗ trợ cho nhau. Ngày mai chúng ta nên kiểm tra toàn bộ những người trong bệnh viện. Lính đào ngũ thì giao cho An Ninh Tỉnh. Còn dân, khuyên họ đi chỗ khác không cho ở trong bệnh viện nữa để tránh đặc công địch lẻn vào.

Sau vụ bắn hụt Trung úy Quý, chúng tôi đã kiểm soát chặt chẽ mọi người trong bệnh viện như đã dự tính. Trong số những người lính rút lui từ Lộc Ninh về có cả con trai bà Khánh. Bà y công của bệnh viện mà cả gia đình bị pháo trúng, giờ chỉ còn sót lại người con trai này. Cậu này tôi có biết vì đã tới thăm mẹ tại bệnh viện mấy lần. Cậu ta nhìn tôi như cầu cứu, ngụ ý không muốn để giải lên An Ninh Tỉnh. Tôi không muốn can thiệp vì biết rằng cậu này là Địa Phương Quân, nên có giải lên An Ninh Tỉnh cũng không sao. Sau khi điều tra xong, Tiểu Khu lại có thêm một tay súng nữa, cũng tốt thôi.

Tôi nhìn đồng hồ thấy đã hơn 12 giờ rưỡi khuya. Tôi cẩn thận nhẹ nhàng đẩy cái bàn chặn, mở hé cánh cửa thò đầu nhìn ra ngoài. Không khí ban đêm mát lạnh ùa vào mặt khiến tôi cảm thấy dễ chịu hẳn. Tôi nhìn quanh sân bệnh viện, vắng ngắt không một bóng người. Tất cả đều yên lặng. Ánh sáng hỏa châu vàng vọt như ánh trăng úa, chiếu trên mấy trăm thây ma nằm sắp lớp ở ngoài nhà để xe. Tôi cảm thấy lạnh mình, rợn tóc gáy. Những bóng nhà, bóng cây di chuyển từ từ theo ánh hỏa châu. Màn đêm ập xuống khi một trái tắt lịm, rồi lại bừng sáng lên theo sau một tiếng nổ kêu bốp một cái của trái kế tiếp. Ánh sáng lại được ném xuống vùng đất phía dưới, cứ như vậy suốt đêm.

Tôi nhìn lên trời, lẫn trong những vị sao lấp lánh, ánh đèn nhỏ nhấp nháy của một phi cơ soi sáng, đang di chuyển âm thầm như một oan hồn cô độc lạc lõng giữa không gian mênh mông. Tiếng động cơ nghe khi xa khi gần rất là buồn nản. Ở phía xa hơn nữa, tôi nghe thấy tiếng máy bay bắn một loạt súng gì nghe như tiếng đánh trống: Cắc, cắc, cắc, tùng, tùng, tùng. Cắc, cắe, cắc, từng, tùng, tùng, suốt đêm. Lần đầu tiên tôi mới nghe thấy tiếng súng lạ kỳ này.

Những ngày sau đó, cứ đêm đến là tôi lại được nghe tiếng súng trên. Trong bệnh viện không có ai biết đây là loại súng gì. Mãi sau có người nói cho tôi biết đó là loại súng đại bác đặc biệt bắn đạn phosphore điều khiển bằng radar rất chính xác, bắn trúng xe tăng dễ dàng.

Tôi tính trở về phòng tôi ngủ ở dưới trại Ngoại Khoa, thoải mái hơn. Nhưng tôi ngại về giờ này sẽ phá giấc ngủ của anh Châu, tôi lại thôi. Đứng được một lúc tôi đành quay trở về hầm cố chịu đựng nóng bức ngột ngạt để nằm ngủ lấy sức. Và tôi chỉ giật mình tỉnh giấc vào lúc 5 giờ sáng vì những trái đạn pháo kích của Việt Cộng bắt đầu rót vào.

Có hầm trú ẩn tốt, tôi không thấy lo lắng gì khi nghe những trái đạn nổ gần hoặc tiếng đạn xé không khí bay ngang qua đầu để nổ ở phía xa. Khác với những đêm một mình nằm trong phòng của tôi, sợ hãi đến lạnh cả mình. Nay tôi lại có Bác sĩ Phúc ở trong hầm, có cả cu Sơn nữa. Tức là có người ở bên cạnh không còn đơn độc một mình, nên tôi cảm thấy yên tâm. Nhưng dù sao để chắc ăn hơn, tôi trở dậy lấy mũ sắt úp lên đầu, mặc áo giáp vào rồi lại tiếp tục nằm co trên nệm. Tôi hồi hộp lắng nghe những tiếng nổ khi xa khi gần cùng những mảnh đất đá văng lên mái tôn nghe rào rào như mưa.

Một tiếng nổ rất gần, dường như ở ngay vòng rào sau bệnh viện. Nghĩa là chỉ cách hầm chúng tôi chừng 10 thước. Nóc hầm rung nhẹ, chứng tỏ hầm này khá vững. Tôi và Bác sĩ Phúc không ngủ được nữa, cả hai chúng tôi đều ngồi dậy dựa vào vách hầm. Ngồi lên sẽ thu nhỏ thân hình lại, khó bị trúng mảnh đạn hơn. Tôi nhẩm đếm những trái nổ rất gần để đoán xem có bao nhiêu trái đã rớt trong khu bệnh viện. Tôi phá tan sự im lặng, nói với Bác sĩ Phúc:

– Nó pháo kỳ này kỹ quá, dễ chừng có 10 trái đã rơi vào bệnh viện. Không biết nhân viên mình có may mắn thoát khỏi kỳ pháo này không?

Bác sĩ Phúc gật đầu:

– Tôi cũng đang theo dõi như anh. Những trái lọt vào bệnh viện chắc là lạc hướng, tôi nghĩ tụi nó nhắm vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn hơn là vào bệnh viện. Tôi cũng lo cho nhân viên mình. Nhưng thôi phó mặc cho trời. Tôi thấy họ làm từng hầm nhỏ dọc theo tường sau trại Nhi Khoa. Trừ phi pháo rơi trúng, còn không thì chắc cũng không sao.

Tôi coi đồng hồ. Mới 15 phút, mà tôi thấy dài như cả giờ. Cường độ pháo bây giờ hơi giảm xuống không còn hung hãn như lúc mới khởi đầu. Tôi nhìn anh Phúc nói:

– Không biết có tiền pháo hậu xung không đây?

Các sĩ Phúc trầm ngâm trả lời:

– Có thì lát nữa mình sẽ biết liền. Nếu không nghe thấy nhiều tiếng súng nhỏ thì mình yên chí có thể ngủ tiếp. Chuyện gì rồi sẽ tính sau.

Nói xong anh từ từ ngả lưng xuống. Tôi cũng theo anh cố ngủ để lấy sức làm việc vào buổi sáng mà chắc chắn sẽ rất bận.

Rồi trận pháo kích đêm nay cũng tới hồi chấm dứt. Tôi và Bác sĩ Phúc nằm ngủ mê mệt vì thức khuya. Tôi chỉ bừng mắt dậy khi nghe có những tiếng gọi tên tôi từ ngoài cửa vọng vào, có vẻ rất lo lắng:

– Bác sĩ Quý có ở trong này không?

Tôi dụi mắt tỉnh hẳn, nhìn vào đồng hồ đã thấy 7 giờ sáng. Tôi vội khoác áo giáp, đội nón sắt bước ra cửa.

Tôi thấy ba bốn người y tá đang đứng trước cửa phòng Ty Y Tế, trong đó có Binh nhất Mệnh. Mọi người trông thấy tôi đều lộ vẻ mừng rỡ:

– A, Bác sĩ Quý đây rồi. Tụi em tìm bác sĩ mãi. Phòng bác sĩ bị pháo trúng một trái, tanh bành ra hết. Tụi em tưởng bác sĩ tiêu rồi. Tụi em vào phòng thấy tấm nệm giường bị cháy đen lật tung xuống dưới sàn, lại tưởng là bác sĩ. Run quá. Coi lại thì không phải. Nhìn quanh phòng cũng không thấy dấu vết bác sĩ đâu, nên túa ra đi tìm. Nay thấy bác sĩ tụi em mừng quá.

Tôi cũng mùng nữa. Một sự may mắn hay một thế lực thần bí cao siêu nào đó đã run rủi đưa tôi đi chỗ khác tránh được trái pháo đó nếu không thì đã tiêu diêu miền cực lạc rồi. Nhưng tôi vẫn còn một thắc mắc muốn biết ngay nên vừa theo mấy anh quân y tá xuống phòng tôi vừa hỏi:

– Ngoài ra các anh không thấy những gì khác sao?

– Dạ không, chỉ có đồ đạc của bác sĩ thôi chẳng có gì khác.

Ý tôi muốn hỏi về gia đình anh Châu, mà tôi nghĩ là họ đã ở trong phòng tôi đêm qua. Không biết họ đã đi đâu. Tôi đoán là anh Châu, vì một linh tính nào đó, thấy phòng tôi không được an toàn bảo đảm lắm khi bị pháo nên sau khi thấy tôi lên phòng Bác sĩ Phúc ngủ, anh đã đem vợ con trở về lại nhà ở dưới gốc cây Đa. Dù sao ở đó cũng an toàn hơn vì có hầm đàng hoàng.

Advertisements
REPORT THIS AD

Tôi bước vào trong phòng tôi. Cửa phòng đã bị bật tung ra do trái 61 ly rơi vào xuyên qua nóc nhà, trần nhà, qua bức tường chắn ngoài hành lang trúng đầu giường nơi tôi thường nằm. Ngước nhìn lỗ pháo chui xuyên qua mấy bức tường chặn thông lên tới khoảng trời xanh phía trên. Tôi nghĩ rằng người nào đó đã nói với tôi pháo 61 ly chạm nóc là nổ liền, không đúng sự thật. Dù sao chăng nữa tôi cũng thầm cám ơn Trời Phật đã che chở cho tôi thoát chết trong đêm qua.

Tôi đi kiểm soát lại đồ đạc xem cái nào còn dùng được cái nào hư thì vứt đi. Đôi giầy nhà binh Mỹ mới toanh của tôi bây giờ đã bị một mảnh đạn cắt ngang miếng da đằng trước dài đến 5, 6 cm. Tuy vậy cũng còn tạm dùng được vì đế nó không bị hư. Chiếc đàn guitar của tôi để trong tủ sách bị sức ép của trái phá hơi bị bong phía đáy một chút nhưng cũng không sao. Cái máy chụp hình cũng may mắn không hề hấn gì. Đó là những thứ mà tôi ngại bị pháo hư mất. Còn sách vở, thức ăn và mấy chai nước cũng không sao cả. Thành ra chỉ có mỗi tấm nệm là bị cháy thôi. Tổng kết ra, tôi còn may mắn lắm không bị thiệt hại gì nhiều. Tôi gom mấy thứ đó lại rồi nhờ mấy anh Quân Y mang lên giùm để ở văn phòng Ty Y Tế. Tôi đi qua phòng kế bên, nơi người nam tù binh Việt Cộng vẫn bị còng vào giường còn nằm ở đó. Điều lạ lùng là mấy người ở cùng phòng này, sát bên với phòng tôi mà không ai bị hề hấn gì cả. Tôi đến bên giường anh ta hỏi:

– Anh có cần gì không?

Anh ta nhìn tôi năn nỉ:

– Xin bác sĩ kiếm cho tôi một cái cưa sắt để tôi cưa đứt cái còng này.

– Bây giờ thì làm gì có cưa sắt. Ý tôi muốn nói là anh có cần thức ăn hay nước uống để tôi cho người đi kiếm giùm anh.

Anh ta nói:

– Những thứ đó mấy người cùng phòng đã giúp tôi rồi. Tôi chỉ cần một cái cưa sắt thôi.

Tôi không có cưa sắt mà nếu có tôi cũng không thể nào đưa cho anh ta được. Biết đâu khi đã được tự do rồi anh ta sẽ trở thành một đặc công, lúc đó chắc anh ta cũng không tha tôi đâu. Tôi nghĩ trong bụng, cứ để anh nằm yên đây, đợi một vài ngày nữa tình hình tạm yên rồi tôi sẽ liên lạc với An Ninh tỉnh để họ giải anh ta đi chỗ khác, tốt hơn. Còn nếu đồng chí anh có pháo trúng anh thì chắc không phải lỗi tại tôi.

Tôi đi trở ra hành lang trại, vì mải lo phòng tôi bị pháo nên khi vào trại tôi không để ý. Bây giờ đứng ở hành lang giữa trại tôi mới thấy ngạc nhiên là hồi hôm ở đây đông nghịt những người nằm ngồi không có chỗ lọt chân mà sao nay hành lang thưa người quá. Chỉ còn chùng chục người nằm thôi. Tôi chợt nhớ tới Đại úy Nghĩa bị thương ở cổ họng mới được Bác sĩ Chí đặt ống khí quản hôm qua, đặt nằm đối diện với phòng tôi mà sao giờ đây cũng không thấy đâu cả. Tôi đưa mắt kiếm chung quanh, thấy anh cận vệ của Đại úy Nghĩa mà hôm qua tôi căn dặn phải cố gắng săn sóc cho ông thầy của anh ta đang ngồi buồn hiu ở gần cửa một phòng bệnh. Tôi vội chạy lại hỏi:

– Đại úy đâu?

– Ông chết rồi!

– Vô lý, vết thương ông đâu có nặng mà có thể chết được.

– Ông bị người ta chạy đạp nhằm, chết tối hôm qua, lúc Việt Cộng pháo kích vào bệnh viện. Người ta chạy ùn ùn vào hành lang. Đêm tối không có đèn, họ dẫm bừa lên ông nên ông tắt thở luôn.

– Thế lúc đó anh ở đâu?

– Dạ thưa bác sĩ em nằm ngay bên ông. Em cũng bị đạp nhằm luôn. Nhanh lắm không tài nào can thiệp kịp. Lại thêm pháo nổ liên hồi, đêm tối đen thui, chẳng ai còn phân biệt được gì nữa. Sáng ra em thấy ông đã chết từ bao giờ. Cái ống thông khí quản bị đạp quẹo về một bên. Ông đã bị đạp nhằm ngay cổ không thở được. Em đã khênh xác ông để ở ngoài nhà xe rồi.

Tôi buồn quá, chết lãng nhách. Tôi thầm tiếc trong lòng. Một sĩ quan trẻ tuổi tài ba dễ mến như Nghĩa mà lại có cái kết cục đáng buồn như vậy. Nếu bị đạn chết ngay tại trận còn có thể hiểu được. Chết bị người của mình đạp nhầm vào thì nản quá. Tôi hơi hối tiếc, nếu tôi thu xếp để Nghĩa vào một phòng nào đó thì tai nạn có lẽ không xẩy ra. Thực ra tôi đã nghĩ tới việc này. Tôi đã tính cho anh tù binh Việt Cộng đi chỗ khác để dành giường cho Nghĩa nằm. Nhưng không thể liên lạc được với An Ninh Tỉnh mở còng ra được, nên đành bỏ qua. Còn việc dời những thương binh khác để lấy giường cho một sĩ quan tôi thấy không được công bằng lắm. Tôi chỉ nghĩ là nằm tạm một hai ngày rồi sẽ có giường trống hoặc có chuyến tản thương thì sẽ ưu tiên cho Nghĩa đi trước. Thật tôi không thể nào lường trước được sự việc đã có thể xẩy ra như thế. Tôi đã nghĩ tới việc cho Nghĩa vào nằm phòng tôi nhưng không may cho anh là vợ chồng anh Châu lại đến. Nhưng nếu nằm phòng tôi cũng không chắc sống nổi. Tôi đổ cho số mạng để được yên tâm không suy nghĩ nữa.

Với tâm tư nặng trĩu trong lòng, thương tiếc một người bạn vừa mới ra đi, tôi uể oải bước về văn phòng Ty Y Tế. Bác sĩ Phúc đã đợi tôi ở ngoài cửa phòng. Chúng tôi bước vào trong cho an toàn, căn phòng mờ mờ sáng vì các cửa sổ vẫn bị đóng kín mít. Anh nói:

– Chúng ta sửa soạn sang gặp Đại tá Tư Lệnh Sư Đoàn để xin ưu tiên tản thương gấp. Tôi đã liên lạc với anh Vũ Thế Hùng, Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn 5 Quân Y để xin được gặp Đại tá Tư Lệnh và được anh xác nhận là đúng 10 giờ sáng nay tại Bộ Chỉ Huy Sư Đoàn. Đại tá Hưng sẽ tiếp chúng ta.

– Như vậy hay quá. Hy vọng thương binh sẽ được bốc đi càng sớm càng tốt. Chứ để đây chỉ chết dần mòn mà thôi. Chẳng có hầm hố, chẳng có gì an toàn cho họ cả. Nhưng phái đoàn gồm có những ai hở anh?

Bác sĩ Phúc chậm rãi trả lời:

– Thì có tụi mình. Anh, anh Chí và tôi. Bên Tiểu Đoàn 5 Quân Y có các anh Hùng, anh Tích và anh Nam Hùng.

Tôi lên phòng bác sĩ Chí báo tin để anh sửa soạn cùng đi sang bên Bộ Tư Lệnh. Anh bác sĩ Tích và bác sĩ Nam Hùng cũng đã sửa soạn xong. Chúng tôi đều lội bộ đi ra phía cổng bệnh viện.

Mặt đường rải rác những hố pháo kích. Đặc biệt càng gần Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn càng thấy nhiều. Chúng tôi không ai bảo ai đều rảo bước thật nhanh vì biết đây là vùng nguy hiểm. Đạn pháo kích có thể bay tới bất cứ lúc nào.

Con đường bên ngoài Bộ Tư Lệnh, tôi thấy một chùm hỏa tiễn chống chiến xa. Bốn cái được bố trí ở giữa đường, nhắm thẳng xuống cái dốc từ phía chợ đi lên. Chúng tôi vượt qua tiền đồn gác ngoài được canh giữ bởi hai người lính canh hai bên cổng. Họ nhận biết anh Tích và anh Nam Hùng vì cùng là dân Sư Đoàn 5 cả nên cho chúng tôi đi qua không cần phải hỏi han gì. Chúng tôi đi rất lẹ, đi tuốt vào bên trong, vì nơi này rất dễ bị ăn pháo. Vào hẳn bên trong rồi, đứng dưới những tấm PSP bằng sắt, trên được phủ mấy lớp bao cát, chung quang tường cũng có nhiều lớp bao cát rất dày, tôi mới hơi yên tâm.

Nơi tôi đang đứng có lẽ là nơi để hội họp vì tôi thấy có một bàn và mấy ghế ngồi. Chúng tôi ngồi chừng 5 phút, bác sĩ Hùng đi ra. Chào hỏi mọi người xong anh vội vào trong để báo cho Đại tá Tư Lệnh Sư Đoàn biết. Tôi chưa bao giờ được gặp Đại tá Lê Văn Hưng cả. Tôi không thể hình dung được dáng người ông ra sao. Chúng tôi chỉ biết ngồi chờ đợi. Có lẽ chúng tôi chờ cũng hơi lâu. Vì tôi cảm thấy hơi sốt ruột. Trong trí óc của tôi là lúc nào cũng phải đúng giờ. Tôi không chấp nhận giờ cao su. Nhất là trong giới nhà binh. Và nhất là ngồi ngay nơi bị pháo nhiều nhất ở mặt trận này. Tôi thấy không an tâm chút nào cả. Tôi tự hỏi tại sao ông Tư Lệnh này để tụi tôi chờ lâu vậy. Ông có bận gì không? Ông thức hay còn ngủ, hay đang tắm rửa, hay đang ăn sáng. Cả chục câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Vì tôi muốn họp cho mau xong để rời khỏi chỗ này càng sớm càng tốt.

Chúng tôi ngồi đợi cỡ chừng 20 phút, mà tôi cảm thấy lâu cỡ cả giờ. Rồi Đại tá Tư Lệnh cũng xuất hiện. Từ cửa ngách sau phòng họp ông bước tới, theo sau là Y Sĩ Đại úy Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 5 Quân Y, bác sĩ Vũ thế Hùng, người bạn cùng lớp với tôi. Tôi còn đang miên man suy nghĩ thì thấy anh bác sĩ Nam Hùng và bác sĩ Tích đã đứng bật dậy, nghiêm chỉnh chào đúng cung cách nhà binh. Tôi cũng đứng bật dậy cùng Bác sĩ Phúc dơ tay chào. Đại tá Tư Lệnh Sư Đoàn dáng người gầy cao cỡ tôi, mặc một chiếc áo lót màu cháo lòng, quần dài nhà binh, nhàu nát, dáng người mệt mỏi, da mặt hơi xanh, chắc vì đã lâu không có dịp ra nắng. Ông đưa mắt nhìn một lượt tụi tôi xong, gương mặt vô cảm giác, không nói một lời nào. Từ từ ông Tư Lệnh quay người đi vào nhà sau.

Chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau. Chẳng hiểu chúng tôi đã phạm vào lỗi lầm gì mà không được tiếp chuyện với ông Tư Lệnh. Chúng tôi chưa kịp mở miệng nói ra được một câu nào, chưa trình bầy được một ý kiến gì thì vị chỉ huy mặt trận này đã lui vào trong.

Lát sau anh Vũ Thế Hùng đi ra nói:

– Thôi như vậy là xong rồi các anh cứ đi về đi. Mọi việc tôi đã trình lên Đại tá rồi. Nếu có chuyện tản thương tôi sẽ cho các anh biết sau.

Tôi nghĩ thầm vậy thì cũng tốt thôi. Chúng tôi lại lủi thủi đi về. Mỗi người một ý nghĩ. Đến bệnh viện ai về chỗ người nấy, tiếp tục làm công việc như đã phân công. Tôi đang tính chia tay cùng các anh Nam Hùng và anh Tích thì anh Tích kéo nhẹ tay tôi nói:

– Này, anh Quý, tôi cho anh xem cái này hay lắm.

Tôi mỉm cười, tò mò theo anh Tích về chỗ Phòng Cấp Cứu mới lập tạm thời ở trại Nội Khoa. Nay lại biến ra nơi trú ngụ của anh Tích, anh Nam Hùng, cùng để chứa các bông băng và y cụ. Một số các anh em Quân Y Sư Đoàn 5 khác được dành cho một phòng ở đầu trại Nhi Khoa.

Anh Nam Hùng kéo tôi đi vào trong, chỉ cho tôi xem một trái 105 ly rơi xuống từ trên mái nhà, xuyên qua mấy lần mái, trần, tường, chui từ nền nhà bên ngoài. Qua bức tường giữa phòng và hành lang trại, trồi lên khỏi mặt đất, nhô cái mũi nhọn vàng bằng đồng rồi kẹt ở đó không nổ.

Tôi nói với các anh:

– Thật là phước đức, may mắn quá, nếu không thì mọi người trong phòng này không ai sống sót.

Anh Tích gật đầu:

– Đúng là con người có số. Hai vợ chồng tôi nằm ngay chỗ đó, viên đạn này chui lên ngay chính giữa chúng tôi.

Tôi đứng ngắm viên đại bác không nổ sau khi đã rơi xuyên qua bao nhiêu chướng ngại vật, giờ nằm hiền lành như con mèo con ngay dưới chân tường phòng các anh bác sĩ Sư Đoàn 5. Tôi chỉ còn biết nói đi nói lại là các anh ấy chắc nhờ phước đức cả mấy đời để lại mới được như vậy.

Đó là một trong những chuyện hy hữu tại chiến trường An Lộc này.

Nói chuyện được vài phút với hai anh Tích và Nam Hùng, tôi xin phép từ giã để đi về hầm anh Phúc.

Phòng tôi giờ đây đã tan nát rồi, như vậy là bắt đầu từ đây tôi sẽ ở thường trực cùng với bác sĩ Phúc. Có hầm tốt tôi cũng yên trí đỡ thấp thỏm sợ hãi. Tôi vào hầm, ngồi xuống, bỏ mũ sắt và áo giáp ra cho bớt nóng và bàn chuyện với bác sĩ Phúc:

– Anh thấy mình có hy vọng được tản thương hôm nay không?

– Chắc có thể được. Không còn có cách nào khác. Họ không thể nào để thương binh sống vất vưởng thế này được. Chỉ cần Tư Lệnh Chiến Trường ra lệnh là mọi việc sẽ được dàn xếp ổn thỏa ngay.

Tôi gật đầu đáp:

– Tôi cũng mong như vậy, chỉ cần ba chuyến Chinook là xong ngay. Mình lúc nào cũng phải sẵn sàng anh ạ. Kinh nghiệm của tôi là trực thăng sẽ không bao giờ đợi mình đâu. Hiện giờ mình lại thiếu xe Hồng Thập Tự. Trước đây còn hai cái. Đêm qua nó pháo hư một, nay mình chỉ còn một mà thôi. Đâu có đủ để cho thương binh hết được. Có lẽ mình phải báo cho bên Sư Đoàn và bên Tiểu Khu để họ huy động trưng dụng hết các xe còn chạy được để tản thương. Nếu không sẽ hỏng việc mất.

– Anh nói đúng, để tôi kêu Trung úy Quý lo vụ báo tin này cho các nơi liên hệ biết, về phần mình, anh nói Thiếu úy Thu sửa soạn xe Hồng Thập Tự cùng cắt đặt các khiêng cáng viên từng tổ một sẵn sàng đợi lệnh.

Chỉ một giờ sau mọi sự đã được sửa soạn đâu vào đấy. Chúng tôi thấp thỏm đợi chờ bên Sư Đoàn bật đèn xanh. Nhưng suốt buổi sáng hôm đó chẳng có gì xẩy ra. Chúng tôi vẫn kiên nhẫn đợi chờ nhưng trong thâm tâm không tin tưởng lắm là sẽ có tản thương hôm nay. Ba giờ chiều chúng tôi được tin sửa soạn 4 giờ sẽ có tản thương. Ai nấy đều mừng rỡ. Bỗng những tiếng bom nổ ầm ầm liên hồi từ đằng xa. Tôi hiểu ngay B52 đang trải thảm để sửa soạn cho trực thăng tải thương. Ngay lúc đó chúng tôi được lệnh cho thương binh lên xe chuyển ra bãi đáp. Ba chiếc xe Hồng Thập Tự của Sư Đoàn và hai xe chở hàng dân sự không hiểu họ tìm được ở đâu mấy phút sau đã tới bệnh viện.

Vì đã có kinh nghiệm tản thương của mấy ngày qua, hơn nữa kỳ này ai cũng được chuyển đi hết nên công việc bốc thương binh đi không có gì trở ngại. Nhưng cũng phải mất gần một giờ mọi việc mới xong xuôi và đoàn xe bắt đầu chuyển bánh ra bãi đáp. B52 vẫn tiếp tục trải thảm không ngừng.

Chúng tôi hồi hộp chờ đợi. Quả nhiên chừng 10 phút sau tiếng trực thăng Chinook ầm ầm bay qua bệnh viện tất cả ba chiếc. Chúng tôi nhìn nhau sung sướng. Kỳ này chắc chắn sẽ tản thương được. Thương binh đỡ khổ và chúng tôi cũng rảnh tay để đón nhận những người mới. Tôi đi xuống trại Ngoại Khoa kiểm soát lại xem còn phòng nào dùng được nữa không.

Trại bây giờ hoang vắng điêu tàn. Tổng số 16 phòng chỉ còn nguyên vẹn có 4 phòng thôi. Ngay cả Phòng Mổ Tiểu Giải Phẫu cũng bị hư hại tuy không nặng lắm nhưng cũng không dùng được. Những phòng khác hoặc bị trúng pháo hoặc bị tróc nóc không ở được. Trong trại cũng vẫn còn hơn chục người dân ở. Họ không bị thương hay bệnh hoạn gì cả nhưng chạy vào bệnh viện để tị nạn. Chắc họ nghĩ rằng không ai đang tâm pháo vào nơi không chiến đấu. Họ đã lầm. Chiến tranh không có từ một cái gì. Ngay sát phòng cũ của tôi là phòng anh thương binh Việt Cộng nằm có hai người dân tôi đã biết mặt vẫn còn nằm đó. Nhờ vậy mà anh thương binh Việt Cộng này mới có người kiếm dùm thức ăn nước uống sống qua ngày.

Tôi đi lên trại Nhi Khoa thấy ở nơi này khá hơn, số phòng dùng được khoảng một nửa. Đến giữa trại nơi phòng cô Bích ở. Tôi gõ cửa:

– Cô Bích ơi cô có đó không?

Cô Bích mở cửa thò đầu ra. Tôi nói:

– Tôi tới thăm cô đây, tôi vào được không?

Vẫn giọng tinh nghịch như những ngày nào cô nói:

– Mời quan đốc vô.

Tôi bước vào phòng nhìn quanh. Căn phòng đã biến dạng một cách không ngờ nổi. Một chiếc giường sắt kê sát tường cạnh cửa vào, giữa phòng là một cái hầm đủ để cho hai người ngồi hoặc một người nằm khi có pháo kích. Chung quanh và phía trên được phủ sơ sài một lớp bao cát. Chiếc bàn con kê gần cửa sổ trông xuống sân bệnh viện để ngổn ngang những chai nước, thức ăn, mì gói, gạo sấy, đồ hộp. Tôi ngồi xuống bên mép giường nói:

– Cô ở đây có vẻ tiện nghi nhỉ? Ai đào hầm cho đấy?

– Tôi chứ ai. Nói giỡn chơi với bác sĩ đó, tôi nhờ mấy anh Quân Y đào dùm. Tôi chỉ phụ làm bao cát thôi.

Tôi gật gù nói:

– Tay nào đào được nền nhà này cũng khá đấy. Tôi đã thử ở phòng tôi rồi. Dùng cuốc chim dơ thẳng cánh quật xuống ba cái mà nền gạch vẫn trơ trơ. Tay mình bị dội lại đau tê rần rần. Tôi đành chịu thua không đào hầm nữa mà chỉ chui xuống gầm giường khi pháo thôi.

– Nghe nói phòng bác sĩ bị trúng một trái tối qua sao bác sĩ không hề hấn gì vậy?

– Tôi chưa tới số, ông Phúc mời tôi lên phòng ông ấy ở. Thấy phòng rộng tốt, tôi nhận lời liền. Thực ra nếu ông không mời tôi cũng hỏi vì mấy lúc sau này tôi cảm thấy không an tâm chút nào nếu cứ ở phòng tôi. Có lẽ linh tính xui khiến như vậy nên mới sống sót được. Cô ở phòng này tương đối an toàn đấy. Trừ khi nó pháo trúng hầm còn không thì ngay cả nó nổ ở phòng bên cạnh cô cũng chả việc gì đâu. Thôi, thăm dân cho biết sự tình, tôi thấy cô tương đối an toàn tôi cũng mừng cho cô, tôi đi đây.

– Cám ơn bác sĩ.

Tôi thấy rằng trong những nhân viên phụ mổ, cô Bích là người có kinh nghiệm nhất, làm việc rất ăn ý với tôi. Nhưng cô là nhân viên dân sự, nếu cô không muốn làm việc, tôi chẳng có thể nào ra lệnh cho cô được. Nhất là trong tình trạng như hiện nay. Trong tương lai, một khi bệnh viện được di chuyển tới một nơi khác, có an ninh hơn và có đủ phương tiện hơn, chắc chắn sẽ phải cần tới cô thì công việc mới chạy được. Do đó tôi mới dùng tới tâm lý chiến tới thăm cô để khi cần, cô có thể giúp tôi một tay. Nếu không có cô, những Quân Y Tá vẫn có thể làm được nhưng hơi chậm một chút. Trong điều kiện như hiện nay tôi cần có một đội giải phẫu làm việc sao cho ăn khớp với nhau và như vậy mới nhanh được. Tôi về tới văn phòng Ty Y Tế. Vừa trông thấy tôi, Bác sĩ Phúc nói:

– À, anh Quý đây rồi, có con bé nào nó mang cơm cho anh còn đợi ở kia.

Tôi nhìn theo anh Phúc chỉ, mới thấy Phương, đứa con gái của vợ anh

Châu mới có 7 tuổi, đang đứng ở góc phòng, tay còn cầm chiếc gà mên đựng đồ ăn. Thấy nó tôi biết vợ chồng con cái gia đình anh Châu đều an toàn sau cuộc pháo kích vừa qua. Tôi mừng thầm trong lòng. Anh Châu thật chu đáo. Lo cho tôi từng miếng ăn trong thời buổi như thế này thì nhất anh rồi. Tôi tiến tới xoa đầu bé Phương rồi hỏi:

– Cháu đợi lâu chưa?

Bé Phương nhanh nhẩu trả lời:

– Cháu cũng mới tới thôi. Má cháu nấu cơm xong, biết bác sĩ ở bên này không ai nấu cơm cho bác sĩ nên sai cháu mang cơm sang.

– Cám ơn cháu, cháu giỏi quá, cháu mang đồ như vậy có nặng không?

– Dạ không.

– Cháu đi như vậy không sợ pháo kích sao?

– Cháu không sợ. Pháo thì cháu nằm xuống thôi. Mẹ cháu đã dặn rồi.

Tôi thấy bé Phương lanh lợi mà cũng can đảm thực. Mấy đứa nhỏ khác chắc không dám ra ngoài đường một mình đâu. Nhưng tôi thấy hơi bất nhẫn một chút. Con đường từ nhà chúng tôi, chỗ anh Châu đang ở, tới bệnh viện tuy không xa nhưng rất nguy hiểm vì phải đi ngang qua Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Sư Đoàn 5, mục tiêu chính cần triệt hạ nên bị pháo kích đều đều. Nếu bé Phương là con của tôi, tôi sẽ không cho đi như vậy. Tôi sẽ ân hận biết bao nếu chỉ vì mang cơm cho tôi, mà bé Phương bị xẩy ra chuyện gì không hay.

Tôi nói với bé Phương:

– Cháu về nói với ba má cháu, bác sĩ cám ơn ba má cháu đã cho cháu mang cơm đến cho bác. Nhưng làm như vậy nguy hiểm cho cháu lắm. Cháu nói với ba cháu là không cần mang cơm cho bác nữa. Ở đây bác có thể tự kiếm thức ăn được rồi. Lần này là lần chót nghe không. Cháu đừng mang cơm tới nữa. Nguy hiểm lắm.

Tôi dặn đi dặn lại bé Phương để cho nó thực sự hiểu ý tôi rồi mới mở thức ăn ra. Tôi mời Bác sĩ Phúc, nhưng anh bảo tôi cứ tự nhiên ông đã ăn rồi do thằng Sơn cháu anh làm. Bé Phương nói:

– Má cháu dặn, đợi Bác sĩ ăn xong, đem gà-mên về cho má cháu rửa để lần sau có đồ mang nữa.

– Được rồi, cháu đợi bác một chút. Nhưng cháu nhớ đừng có mang cơm tới nữa vì dọc đường dễ bị pháo kích lắm. Cháu nhớ không?

– Cháu nhớ. – Phương gật đầu chứng tỏ nó hiểu ý tôi.

Tôi ngồi xuống mở nắp gà-mên ra. Một mùi thơm của cơm vừa mới chín, vẫn còn ấm nóng bay lên mũi tôi. Rồi phần gà mên phía dưới đụng gà rang mặn, cuối cùng là một ít canh nấu với mấy củ khoai tây, chắc với nước luộc gà. Chỉ nhìn thấy cũng đủ ngon rồi. Phần vì đang đói, phần vì phải ăn cho nhanh để bé Phương khỏi phải chờ lâu nên tôi ăn vội vàng cho xong bữa rồi đưa gà-mên cho bé Phương mang về nhà. Nhìn con bé nhỏ nhắn da đen vì phơi nắng nhiều, thoăn thoắt đi một cách hồn nhiên, chẳng có vẻ gì sợ hãi cả, tôi cũng thấy phục nó.

Trong ánh mắt của nó, tôi thấy một niềm hãnh diện vì đã làm được một việc như người lớn và cho người lớn. Tôi thầm cầu xin mọi sự an lành cho nó. Chiều nay có vẻ yên tĩnh. Tôi không nghe thấy tiếng pháo nào cả. Nên tôi chắc nó về đến nhà an toàn. Như vậy tôi đỡ áy náy trong lòng.

Tuy đã dặn đi dặn lại bé Phương không nên mang cơm cho tôi nữa, vậy mà nó cũng mang thêm cho tôi hai ngày rồi mới thôi. Tôi đoán gia đình anh Châu đã dọn đi nơi khác, có thể đã đi về phía Tây Bắc thành phố giữa Quản Lợi và An Lộc, nơi tôi nghe nói còn tương đối an toàn không bị pháo kích. Đa số những người dân ở thành phố này đều chạy về phía đó tạm cư.

Dù sao tôi cũng mừng là gia đình anh Châu đã rời khỏi vùng nguy hiểm vì chỗ chúng tôi ở sát ngay những căn cứ quân sự. Tôi thấy thoát được người nào là mừng cho người đó. Còn tôi cũng như bao nhiêu quân nhân khác, vì nhiệm vụ phải ở lại thì sống chết đều phó cho số mạng mà thôi. Đến đâu hay đến đấy. Dù biết nguy hiểm, tôi cũng như những quân y tá trong bệnh viện đã không hèn nhát bỏ trốn đi tìm chỗ an toàn. Thật ra trong suốt trận đánh này không bao giờ những ý tưởng đào ngũ, bỏ trốn trước địch quân, nổi lên trong lòng tôi cả.

No comments:

Post a Comment