Friday, July 15, 2022

LƯƠNG KHÔ - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

LƯƠNG KHÔ

Sau khi tôi cho xuất viện hàng loạt những bệnh nhân đã ổn định và những bệnh nhân nhẹ. Đồng thời phối trí lại tất cả các phòng ốc, thuốc men cùng nhân viên. Bệnh viện lúc nào cũng ở trong tình trạng sẵn sàng đón nhận một số lớn thương binh và dân chúng bị thương, số giường trong hiện tại là 160 giường, tức là đã tăng lên 50 phần trăm số giường thường có của bệnh viện. Tôi dự trù nếu cần, tôi có thể tạo thêm chỗ nằm nữa bằng cách cho ba người hai giường hoặc huy động một số băng-ca để ở hành lang.

Tôi lấy làm lạ, đánh lớn ở Lộc Ninh, Quản Lợi mà sao không thấy đưa thương binh về. Hôm qua tôi chỉ nhận được 13 người. Đa số là thường dân, đặc biệt là dân Thượng bị pháo kích và một ít Địa Phương Quân mà thôi. Sau này tôi mới biết Tiểu Đoàn 5 Quân Y đã phụ trách việc tản thương gần 200 thương binh tại một địa điểm gần đồi Đồng Long.

Mỗi buổi sáng, tôi đứng dưới hiên Phòng Giải Phẫu chờ người mang bệnh tới. Họ dùng đủ mọi phương tiện có thể chuyển bệnh đến nhà thương. Khi thì họ dùng xe lam, xe bò, xe kéo và thường là khênh bằng võng hay cáng.

Từ ngày xảy ra cuộc chiến, chúng tôi chỉ lo cấp cứu mà không phải khám Ngoại Chẩn nữa. Đó là điều thích thú nhất của tôi. Những bệnh Nội Khoa và những bệnh tái khám cũng không thấy tới. Khám Ngoại Chẩn là công việc buồn nản nhất. Bình thường tôi với bác sĩ Chí sáng nào cũng phải khám cho tới 11-12 giờ mới hết bệnh.

Đa số người đến khám bệnh đều không có bệnh gì nặng cả, chỉ cảm sốt sơ sơ lấy cớ khám bệnh để được xin nghỉ mấy ngày. Chuyện này làm mất thì giờ của tôi không ít, trong khi tôi còn lo mổ, săn sóc hậu giải phẫu, thăm bệnh trại Ngoại Khoa và Nhi Đồng. Những khi phải xử lý thường vụ, còn phải coi thêm cả Nội Khoa Nữ và Bảo Sanh nữa. Đôi khi làm không hết việc.

Sáng nay sau khi khám xong bệnh trại Ngoại Khoa, tôi đi về phòng Hậu Giải phẫu. Vừa đến đầu trại Nội Khoa Nam, gặp Thiếu tá Diệm, đầu đội mũ sắt, mình khoác áo giáp đàng hoàng. Gặp nhau chúng tôi đều mừng rỡ, đã ba ngày chúng tôi không thấy mặt nhau. Có nhiều tin tức tôi muốn được biết.

Tôi chỉ phong phanh chiếc áo xanh không tay ba lỗ của Phòng Mổ, tôi chưa cần mặc áo giáp liên tục vì thấy pháo kích cũng chưa nhiều. Vả lại các nhân viên Quân Y đều không có áo giáp. Tôi muốn sống hòa đồng với họ và cũng muốn chứng tỏ mình cũng không phải là tay nhát gan. Tôi kéo Thiếu tá Diệm ngồi xuống ngay bậc thềm trại Nội khoa.

Tôi hỏi ông:

– Ông thấy tình hình giờ ra sao?

– Nguy lắm, Lộc Ninh mất liên lạc rồi. Ông Quận Trưởng Thịnh giờ không biết sống chết ra sao. Ông Trung Tá Mỹ, Quận Trưởng Chơn Thành bị thương, tản về Sài Gòn tối qua. Ông già Tuyên, Chi Khu Phó chết rồi.

Tôi giật mình hỏi lại:

– Thiếu tá Tuyên ấy hả?

Thiếu tá Diệm gật đầu:

– Ông ấy mới lên làm Chi Khu Phó Chơn Thành được mấy ngày nay, bị trúng đạn pháo kích chết.

Hai tháng trước Thiếu tá Diệm có giới thiệu Thiếu tá Tuyên với tôi, nhờ tôi chữa giùm căn bệnh “xìu xìu ển ển” của ông. Theo lời Thiếu tá Diệm, ông mới cưới bà vợ trẻ được mấy năm nay. Muốn có một cậu con trai nữa và nhất là muốn làm cho bà xã hài lòng. Tôi nhìn ông Tuyên thấy người vui vẻ, hơi gầy một chút, tóc đã hoa râm. Bề ngoài thấy nội lực có vẻ không được thâm hậu cho lắm. Thấy tôi còn trầm ngâm suy nghĩ, ông Tuyên tưởng tôi thoái thác bèn năn nỉ:

– Bác sĩ cố giúp tôi. Nếu thành công, tôi không quên ơn bác sĩ đâu.

Ông Diệm cũng nói thêm vào:

– Ông này có mấy tay đàn em hay đi săn nai lắm. Nếu bác sĩ giúp thế nào chúng mình cũng có một đùi nai nhậu.

Sau khi hỏi sơ qua tôi biết căn bệnh của ông chẳng có gì, chỉ là vấn đề tâm lý thôi. Công vụ bận bịu thành ra hết hứng thú, chứ ông già Tuyên không có sao cả. Sau khi trang bị cho ông một số dữ kiện tâm lý, tôi biên cho ông một cái toa. Đó là Triolandren, chích mỗi tháng một lần.

Tôi nói với ông già Tuyên đó là thần dược đấy. Thế là ông yên chí hân hoan ra về. Nửa tháng sau ông Diệm cho tôi biết Thiếu tá Tuyên nhờ ông gửi lời cám ơn tôi và nói thuốc rất công hiệu. Ông còn nhắn thêm rằng ông sẽ mang một đùi nai tới biếu tôi một ngày rất gần đây.

Nay được tin ông đã vĩnh viễn giã từ vũ khí thì đùi nai của tôi cũng tiêu diêu luôn. Tuy vậy tôi cũng thấy có phần vui vì ít ra ông già Tuyên cũng đã được hài lòng. Bà Tuyên cũng hài lòng, mặc dù trong một thời gian không được dài lắm.

Chúng tôi đang ngồi nói chuyện, Thiếu úy Thu từ văn phòng chạy lại:

– Chào Thiếu tá, xin Thiếu tá cấp cho bệnh viện ít lương khô, không thì anh em đói quá.

Thiếu tá Diệm gật đầu:

– Rồi. Cho biết quân số bệnh viện Tiểu Khu là bao nhiêu người?

– Dạ thưa 70 người.

Thiếu tá Diệm với tay rút cây viết bi dưới nách áo trái nói:

– Ông kiếm cho tôi mảnh giấy, tôi biên mấy chữ rồi cho người sang bên Trung Tâm Quản Trị Tiếp Vận lãnh về cho anh em.

Thu vội chạy về văn phòng lấy tờ giấy trắng đưa cho ông Diệm. Ông đặt tờ giấy trên đùi hý hoáy viết rồi đưa cho Thu dặn:

– Đây tôi cấp cho bệnh viện 70 phần khô trong ba ngày. Cho người đi lãnh ngay rồi chia cho anh em.

Thu cầm tờ giấy, cười rất tươi luôn mồm cám ơn Thiếu tá Diệm.

Ông Diệm hít hơi thuốc cuối cùng rồi búng mạnh mẩu thuốc lá ra xa rồi hỏi tôi:

– Ở đây hầm hố có kiên cố không?

– Có ba cái dành cho bệnh nhân, tôi không có hầm.

Ông Diệm nhướng mắt lên ngạc nhiên hỏi:

– Thế lúc pháo kích ông núp ở đâu?

Tôi cười, tựa lưng vào chân cột hành lang:

– Chui vào gầm giường nghe radio.

Diệm cười, gật gù:

– Ngon, thế không sợ sao?

– Sợ chứ; nhưng đạn tránh người chứ mình đâu tránh được đạn.

Tôi tiếp:

– Thế còn Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu thì sao?

– Hầm rộng tốt lắm.

– Liệu chịu nổi hỏa tiễn không?

Thiếu tá Diệm tin tưởng:

Advertisements
REPORT THIS AD

– Dư sức, hầm ngầm của Mỹ làm mà, beton cốt sắt dầy năm tấc trên còn sáu lớp bao cát với vỉ sắt nữa. Này, hay ông sang đó ở cho chắc ăn.

Tôi lắc đầu trả lời:

– Tôi không thể bỏ bệnh viện được. Ông yên trí đi, tôi cứu người chả lẽ trời không thương sao? Chỉ cần ông tiếp tế lương thực cho tụi tôi đầy đủ là tốt rồi.

– Rồi, chuyện đó tôi với ông thì khỏi lo. Thôi tôi về bên đó đây.

Tôi đứng dậy bắt tay Thiếu tá Diệm. Ông lên xe Jeep về bên tiểu khu. Thiếu Úy Thu gọi tôi:

– Bác sĩ Quý, có điện thoại bác sĩ Phúc gọi.

Tôi chạy vội về văn phòng cầm ống điện thoại lên:

– Allo, tôi bác sĩ Quý nghe đây.

Tiếng Bác sĩ Phúc xa vắng từ đầu dây bên kia:

– Allo, anh Quý đó hả, tình hình bây giờ ra sao?

– Việt Cộng hăm đánh Bình Long, vẫn pháo kích lai rai. Ông già Long gác cổng bệnh viện chết rồi.

– Vậy hả, thương binh nhiều không?

– Chưa có gì, phần nhiều là dân thôi. Làm việc bù đầu rồi, mong anh về giúp tôi một tay.

– Tôi sẽ lên ngay. Hiện giờ đang kiếm phương tiện. Trực thăng ở Biên Hòa hiếm lắm, chỉ ưu tiên cho hành quân thôi. Anh cần thuốc men gì thêm không?

– Có, anh xin cho tôi thêm nước biển đủ loại, máu, dây truyền máu, các thuốc trụ sinh và bông băng.

– Tôi nghe rõ rồi, dứt nghe. Cho tôi gửi lời thăm tất cả các anh em nghe không.

Tôi đặt máy xuống, Thu hỏi:

– Bác sĩ Phúc nói bao giờ lên đây, bác sĩ?

Tôi nhún vai trả lời:

– Chưa biết được, còn kẹt trực thăng.

Thu cười khành khạch:

– Kẹt dài dài là phè ở Sài Gòn rồi.

Tôi im lặng nhìn Thu:

– Mình ở đây tuy vậy còn an toàn hơn. Đi trực thăng lên đây thật là nguy hiểm, dễ bị bắn lắm, nhất là lúc hạ cánh xuống bãi đáp. Thôi, ông cho tụi nó đi lãnh thực phẩm khô chưa?

– Dạ, chưa.

Tôi cau mày:

– Ông cho người đi lấy ngay đi.

Thiếu Úy Thu ra ngoài một lát trở vào nói:

– Thưa bác sĩ tụi nó không dám đi, vì không có áo giáp, nón sắt. Chỗ đó pháo kích dữ lắm.

Tôi cười nói:

– Mới pháo sơ sơ đã lạnh cẳng rồi. Thôi ông ra kiếm bốn người tình nguyện đi với tôi.

Thiếu Úy Thu nói:

Advertisements
REPORT THIS AD

– Nếu bác sĩ đi, tôi lái xe cho bác sĩ.

Thấy tôi đích thân đi, họ không còn ngần ngại nữa. Ba người theo tôi và Thiếu Úy Thu lên chiếc xe Dodge Hồng Thập Tự. Thu de xe rồi vọt ra cổng bệnh viện coi có vẻ hùng dũng lắm. Tôi ngoảnh lại phía sau, thấy cóTrung sĩ Đắc, Hạ sĩ Hội, Hạ sĩ Đức. Đường từ bệnh viện đi tới Trung Tâm Quản Trị Tiếp Vận Tiểu Khu Bình Long là một đường thẳng dài chừng 400 thước, đi ngay sau Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 5. Đường đi khó vì những chướng ngại vật đầy mặt lộ để chận xe tăng. Xe phải lách qua lách lại những chướng ngại vật ấy một cách khó khăn.

Trung Tâm Quản Trị Tiếp Vận là một trong những căn cứ quân sự bị pháo kích nhiều nhất. Dọc đường tôi thấy những hố đạn pháo kích rải rác đó đây cày xâu xuống mặt đường nhựa. Con đường này đi rất nguy hiểm, vì nó nằm như một đường viền trống trải của ngọn đồi. Địch quân có thể trông thấy được mọi sự di chuyển từ một nơi cách xa hàng hai ba cây số. Chúng tôi ngồi trong xe hồi hộp nghĩ tới những bất trắc có thể xảy ra. Thực ra việc này không cần tôi phải đi. Nhưng thấy lính ngại ngùng, là cấp chỉ huy đôi khi phải biểu diễn vài đường cho lính nó phục mới đều khiển được.

Gần tới cổng vào trung tâm, một tiếng rít của đạn trái phá bay ngang qua đầu rồi nổ ở sân vận động cách chỗ chúng tôi chùng 100 thước. Thiếu úy Thu cúi đầu xuống bánh lái nhấn ga vượt qua cổng kêu:

– Xí hụt.

Chúng tôi cùng cười. Đến nơi chúng tôi bung cửa xe lẹ làng nhẩy xuống. Liếc nhanh địa thế chung quanh, tôi thấy hầu hết những căn nhà trong trung tâm đều bị pháo sập. Cảnh tượng thật tiêu điều. Tôi không quen chỗ này, ngơ ngác nhìn quanh, hỏi Thu:

– Hầm đâu? Chui vô cho lẹ đi không nó pháo bây giờ.

Thu dơ tay chỉ về phía trái trả lời:

– Đây lối này bác sĩ.

Chúng tôi vội chạy vào lách vô hầm. Vừa may, một trái rớt nổ ngay phía hàng rào gần cổng. Tôi nhìn Thu nháy mắt:

– Hú vía, chậm một chút nữa là khốn nạn rồi.

Thu kêu Hội:

– Hội ơi, xem nếu hết pháo quay đầu xe lại nghe.

Hội gật đầu, Thu tiếp:

– Tụi bay đứng đây chờ nghe.

Tôi và Thu tiến sâu vô hầm. Hầm hẹp nhưng dài có thể tới 100 thước.

Trần làm bằng vỉ sắt, đà sắt xe lửa có chất nhiều lớp bao cát. Chung quanh có để những thùng phuy lớn, trong đổ đầy đất làm tường. Hầm coi có vẻ kiên cố. Lính kê ghế bố nằm dọc theo vách hầm. Gặp vài người quen chào tôi. Tôi hỏi:

– Đại úy Phẩm ở đâu các ông?

Một người nói:

– Bác sĩ cứ đi thẳng tuốt rồi quẹo trái là tới.

Đại úy Phẩm là Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Quản Trị Tiếp Vận Bình Long. Tôi đi chừng chục thước nữa tới nơi. Tôi thấy Thiếu tá Diệm đang ngồi nói chuyện với Đại úy Quang đang nằm trên ghế bố. Trông Quang có vẻ an nhàn. Tôi bắt tay từng người xong quay sang ông Diệm nói:

– Lại gặp ông nữa. Ông chưa về Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu à?

Diệm cười, rít một hơi thuốc nhả khói ra một cách khoan khoái:

– Chưa, sang đây tị nạn, nhân tiện làm một tí cà phê đỡ ghiền. Ở bên đó xếp cứ thấy mặt là sai đủ thứ chuyện.

Tôi hỏi:

– Đại úy Phẩm ở đâu ông?

– Chào bác sĩ.

Tôi ngoảnh lại. Đại úy Phẩm bước ra sau tấm màn chắn. Phẩm tiếp:

– Mấy ngày nay chắc bác sĩ bận lắm?

– Vâng làm việc cũng nhiều hơn trước.

– Tôi có mấy đứa bị thương nhẹ thôi, tôi giữ lại bên này có trợ y lo.

Tôi gật đầu tỏ ý cám ơn:

– Ông nghĩ vậy đỡ cho tôi lắm. Cái gì bên này làm không được hãy chuyển sang, nếu không bên tôi nhiều quá, ối đọng làm không xuể.

– Bác sĩ sang đây có chuyện gì không?

– À, tôi xin lãnh thực phẩm khô cho lính.

Thiếu Úy Thu đưa phiếu cho Đại úy Phẩm hỏi:

– Thưa Đại úy có 70 khẩu phần, Đại úy có gạo tươi không?

Đại úy Phẩm lắc đầu:

– Gạo sấy thì có nhiều, gạo tươi thì gần hết.

Tôi nói xen vô:

– Gạo sấy cũng được, tiện lợi nữa là đằng khác. Miễn có cái gì ăn khỏi đói là được rồi.

Phẩm ký tên vào phiếu đưa cho Thu:

– Ông cho người xuống kho lãnh đi.

Thu cám ơn đứng dậy đi ra. Tôi liếc nhìn sơ đồ phòng thủ doanh trại để rút kinh nghiệm. Nơi này kể như là tuyến đầu rồi. Bên ngoài không còn đơn vị nào khác. Địch quân mà chiếm được nơi này thì Tiểu Khu và Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn phải mệt lắm vì nơi đây chứa lương thực và đạn dược. Tôi hỏi Đại úy Phẩm:

– Ông có chừng bao nhiêu tay súng?

– Hơn hai trăm.

– Cũng khá đấy chứ. Việt Cộng có tấn công cũng khó mà nuốt nổi mình.

– Có điều mình toàn là lính văn phòng với lính thợ mới kẹt chứ. Tôi thường phải đích thân đi kiểm soát, sợ mấy ông nội lơ là để tụi nó lẻn vô là chết cả đám.

Chúng tôi ngồi nói chuyện được một lúc thì Thu trở lại.

– Xong rồi bác sĩ, mình về.

Tôi chào mọi người rồi theo Thu ra xe. Ngồi trên xe tôi hỏi:

– Mình lãnh được những gì?

– Gạo sấy, cá hộp Mackarel, thịt gà, xúc xích.

Về tới bệnh viện an toàn, Thu cho xe vô đậu trước văn phòng, nhảy xuống hoa chân múa tay miệng la:

– Toàn thắng, toàn thắng!

Nhân viên Quân Y túa ra. Tôi đứng yên mỉm cười. Lãnh được đồ ăn mà kêu toàn thắng. Thu có tính hiếu động, vui vẻ, thích khoa trương, nhưng tốt bụng, không nham hiểm. Tôi nói:

– Kêu tụi nó khuân đồ xuống, cất xe đi rồi chia cho anh em. Đừng đứng tụ lại một đám đông nguy hiểm lắm.

Chiều hôm đó tôi lên Phòng Mổ, thấy Trung úy Quý, sĩ quan Quản Lý bên Quân Y đứng ở cửa văn phòng. Tôi mừng rỡ hỏi:

– Ủa, ông lên hồi nào vậy?

– Thưa, mới lên hồi trưa.

– Xuống máy bay có bị pháo không?

– Dạ có, chạy bò lê bò càng. Tôi phải đi bộ từ phi trường về đây.

Tôi bước vào phòng ngồi lên mặt bàn:

– Sao, ông về Liên Đoàn họ hỏi chuyện gì?

– Ôi, họ hỏi nhiều chuyện lắm. Liên Đoàn muốn biết khả năng đại giải phẫu của mình trong một ngày. Có bao nhiêu bộ đồ đại giải phẫu. Bao nhiêu nhân viên phòng mổ, chuyên viên tê mê, cùng những thứ thuốc nào mà bác sĩ cần xin thêm.

– Thế ông trả lời ra sao?

– Vấn đề giải phẫu tôi đâu có rành. Tôi nói để về hỏi lại bác sĩ. Còn vấn đề nhân viên tôi nắm vững, có đưa trình một danh sách các nhân viên phòng mổ. Tôi cũng nói thêm về kế hoạch an ninh phòng thủ đơn vị nữa. Đây, ông Liên Đoàn Phó sợ tôi quên, có bảo tôi ghi các điều ông cần biết vào tờ giấy này. Bác sĩ xem rồi cho tôi các chi tiết để tôi báo cáo về Liên Đoàn.

Tôi cầm lấy tờ giấy lên xem qua, xong trả lại cho Trung úy Quý. Tôi nói:

– Chúng mình làm ngay bây giờ. Ông đọc từng mục một, rồi tôi cho ông biết chi tiết. Ông ghi vào rồi đánh một công điện khẩn báo cáo về Liên Đoàn.

Một lát sau chúng tôi làm xong. Tôi tự tay ghi thêm một danh sách thuốc men cùng với số lượng tôi cần để xin gửi khẩn cấp. Nhấn mạnh về mục nước biển, máu và thuốc trụ sinh. Sau đó tôi cho Trung úy Quý biết:

– Như vậy tốt rồi. Liên Đoàn muốn biết gì cứ hỏi ông ấy là xong.

– Nhưng xem chừng về vấn đề giải phẫu ông ấy không nắm vững bằng bác sĩ.

– Có gì đâu mà nắm vững với không nắm vững. À sao bác sĩ Phúc không về cùng với ông?

– Bác sĩ Phúc còn ở Biên Hòa. Tôi phải đi Lai Khê mới có trực thăng lên đây. Ở Biên Hòa không có phương tiện. Nếu bác sĩ Phúc muốn đi phải lên Lai Khê mới có trực thăng.

– Ông có gặp Thiếu Úy Kha không?

– Ông Kha lên cùng với tôi. Có lẽ đang về thăm nhà. Ở Liên Đoàn sửa soạn dữ lắm. Xe cộ, thuốc men, nhân viên, cái gì cũng sẵn sàng cả. Liên Đoàn đang tính lập một Bệnh Viện Dã Chiến ở đây. Nhưng với tình trạng này, chắc phải làm dưới Lai Khê.

Tôi gật đầu đồng ý:

– Đây biến thành chiến trường rồi, chỉ có thể băng bó cấp cứu. Lập thêm một bệnh viện kiểu nhà lều thì lại chết cả lũ vì pháo kích. Trừ khi làm bệnh viện ngầm như của Tiểu Đoàn Nhẩy Dù mới được. Nhưng tôi thấy chậm rồi. Điều cần nhất bây giờ là phải có phương tiện để di tản thương binh cho thật lẹ.

Nói vừa dứt lời thì một tiếng nổ bùng lên. Một trái đạn pháo kích rơi ngay vào hàng rào trường Trung Học, phía trước bệnh viện đúng lúc một xe Dodge và một xe gắn máy vừa chạy tới. Qua đám bụi đen mù, tôi thấy người tài xế bay ra ngoài, chiếc xe ngừng lại. Hai người đi xe gắn máy văng ra lề đường, cạnh hàng rào bệnh viện. Cảnh tượng diễn ra như trong ciné. Tiếng nổ bất thần làm chúng tôi chưa kịp có phản ứng. Thiếu úy Thu chỉ kịp nói:

– Chết cha hai thằng xe gắn máy rồi.

Nhưng chỉ lát sau tôi thấy hai người cùng đứng dậy đẩy chiếc xe gắn máy hư vào bệnh viện. Mặt họ tái xanh, đầu tóc, quần áo bê bết bụi nhưng không có vẻ gì bị thương nặng cả, ngoài mấy vết trầy, xây xát do té xuống đất. Người tài xế xe Dodge cũng chỉ bị thương nhẹ thôi. Ai nấy đều cho là họ may mắn.

 

No comments:

Post a Comment