Friday, July 15, 2022

CÔ BÉ MANG TÊN AN BÌNH - NHẬT KÝ AN LỘC (Bác sĩ Nguyễn Văn Quý)

CÔ BÉ MANG TÊN AN BÌNH

Mấy ngày sau, thuốc chủng ngừa dịch tả đã tới. Chúng tôi đã tổ chức chích thuốc cho đồng bào ở chùa. Đúng như tôi dự đoán, mọi người đã hưởng ứng đợt chích thuốc này rất nồng nhiệt. Trong vòng ba ngày, chúng tôi đã chích hết tất cả số thuốc đã xin. Chúng tôi đã huy động được tới 8 y tá làm việc suốt ngày toàn là những người tình nguyện. Đa số những y tá dân sự đều tản cư khỏi An Lộc từ lâu rồi. Tôi nghe nói hình như họ đều về tỉnh Bình Dương và tiếp tục làm việc tại những trạm tiếp cư đã được Bộ Y Tế phối hợp với Hội Thập Tự để tiếp đón các đồng bào tị nạn của tỉnh Bình Long.

Sau khi hoàn tất, anh Phúc báo cáo lên ông Tỉnh Trưởng biết. Ông rất hài lòng. Tính ra chúng tôi đã chích ngừa được hơn bốn ngàn người trong một thời gian kỷ lục. Như vậy, hiểm họa dịch tả thực sự đã không còn đe dọa dân chúng khu đó nữa. Nhưng để chắc ăn, hai tuần sau anh Phúc lại xin thêm thuốc để chích đợt hai cho những người đã chích đợt nhất và những người chưa chích vì dịch tả phải chích hai mũi mới công hiệu.

Pháo kích bây giờ cũng chỉ lai rai, không còn hung hãn như trước nữa. Địch quân thường chỉ nhắm vào bãi đáp trực thăng. Chúng tôi vì vậy cũng được an nhàn một chút.

Một buổi sáng, vào khoảng 11 giờ, tôi với anh Phúc đang ngồi trong phòng. Anh Phúc đang hát nho nhỏ bài Thu Ca của Phạm mạnh Cương. Tôi thì mải mê viết nhật ký cho quên thì giờ. Anh Phúc chợt hỏi:

– Anh viết gì nhiều vậy?

– Tôi muốn ghi lại những điều trông thấy và những cảm nghĩ của tôi trong biến cố này. Anh muốn coi không?

Không đợi anh trả lời, tôi nghĩ anh rằng anh cũng tò mò muốn biết tôi viết gì, có khi viết về anh chăng nên tôi đưa một xấp đã viết xong cho anh xem. Anh đọc chừng vài tờ rồi trả lại tôi:

– Anh có trí nhớ dai và chi tiết đấy nhỉ, mà cũng chịu khó viết quá.

– Tại việc mới xảy ra mà anh. Tôi không có tài viết văn, thấy gì viết nấy không thêm bớt và như văn nói chuyện vậy.

– Như vậy mới trung thực. Anh có tính xuất bản không?

– Chắc là không. Mục đích tôi ghi lại những cảm nghĩ của tôi để mẹ và các em tôi đọc, hạn chế trong gia đình thôi. Sau này, nếu tôi có con thì cũng là cái hay nếu nó biết được vào thời bố nó còn trẻ đã phải chịu những nguy hiểm gì, đã trải qua những kinh nghiệm gì trong thời gian đó.

Anh Phúc vội ngắt lời tôi, nói:

– Anh sẽ không ngờ được đâu. Bây giờ anh cứ viết đi để ghi lại những cảm nghĩ trung thực của anh ngay trong trận đánh này. Sau này chỉ cần tiểu thuyết hóa hoặc sửa lại vài chữ cho nó có vẻ văn hoa một chút, có thể sẽ có nhiều người thích. Biết đâu có khi được quay thành phim thì bác sĩ Quý lại giàu to.

Nói xong, anh cười lớn vì câu nói đùa của anh. Tôi cũng mỉm cười nhưng không tin kết cục lại tốt đẹp như thế. Mục đích của tôi rất khiêm nhường là viết để cho người nhà đọc thôi, không dám để người ngoài đọc vì chỉ sợ văn chương chữ nghĩa của mình không ra gì. Thiên hạ đọc rồi chê thì ngượng lắm.

Tôi đã đọc những tác phẩm của những đại văn hào thế giới. Tôi thấy ngoài thiên tài của họ, khi viết họ đã viết một cách rất nghiêm túc. Chẳng hạn như cuốn “Chiến Tranh Và Hòa Bình” của Leo Tolstoy. Ông đã phải bỏ ra nhiều năm để tìm hiểu, thu nhập mọi dữ kiện và đã đích thân đến những bãi chiến trường hồi xưa để nghiên cứu địa hình, địa vật rồi mới viết chứ không phóng bút viết liều. Ít ra, nếu muốn xuất bản thì tác phẩm của tôi cũng phải được thông qua bởi một nhà văn hay những bạn bè có óc thẩm định văn chương.

Anh Phúc vừa dứt cười thì có tiếng gõ cửa mặc dù cửa mở. Tôi nhìn ra, thấy Đại tá Nhựt đang tươi cười bước vào. Theo sau lố nhố chừng năm, sáu người nữa đứng chật cả hành lang.

Đại tá Nhựt nói:

– Trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Phó Quân Khu III tới thăm ủy lạo các anh em.

Rồi ông quay sang Trung tướng Minh, chỉ bác sĩ Phúc và tôi, nói tiếp:

– Đây là bác sĩ Phúc, Y Sĩ Trưởng Bệnh Viện Tiểu Khu. Còn đây là bác sĩ Quý, bác sĩ giải phẫu của bệnh viện.

Chúng tôi đứng dậy giờ tay chào đúng theo cung cách nhà binh. Trung tướng Minh hơi mỉm cười, bắt tay tôi nhưng không nói một tiếng nào. Đó là một điều lạ. Trong một tích tắc thoáng qua đầu tôi tự hỏi, đi ủy lạo chiến sĩ mà chẳng nói gì sao. Tuy nhiên tôi vội bỏ những ý nghĩ đó trong đầu. Tôi nói:

– Cám ơn Trung tướng đã đến thăm. Thưa, Phòng Mổ ở bên cạnh, xin mời Trung tướng qua coi.

Cả Đại tá Nhựt lẫn ông Trung tướng đều nhìn tôi một cách hơi lạ lùng.

Tôi cảm thấy có điều gì không ổn. Trước khi tôi nghe Đại tá Nhựt gõ cửa, tôi dường như có nghe thấy tiếng mở cửa ở Phòng Mổ rồi lại đóng lại ngay. Tôi đoán các vị quan khách đã thấy cái gì khác lạ trong phòng đó.

Tôi nhớ chắc chắn là từ hôm qua tới giờ chưa có một vụ mổ nào. Phòng Mổ đã được dọn dẹp sạch sẽ để chờ những trường hợp mổ sắp tới.Tôi vội đi ra ngoài mở cửa Phòng Mổ ra thì hỡi ôi. Tôi chỉ muốn độn thổ xuống đất. Căn phòng mà tôi cứ yên chí đã dọn dẹp sạch sẽ, ngăn nắp và không có ai thì ngay trước mắt mọi người là một cái võng mắc xéo qua phòng trên cái bàn mổ dã chiến. Vợ anh Sáu Xòm mà cái bụng chửa sắp đến ngày sanh, to vượt ngực đang ngồi trên võng, nhìn ra cửa tỉnh bơ.

Tôi bàng hoàng cả người, vừa ngượng với cấp trên, vừa giận cái cô vợ anh Xòm. Phòng của mình ở dưới kia, mắc mớ gì hôm nay lại mang võng lên trên Phòng Mổ nằm mà chẳng xin phép gì cả. Mà làm từ hồi nào tôi chẳng biết, vậy có chết người không. Tôi muốn chửi thề. Tôi muốn văng tục. Tôi muốn đá đít cho cô ta văng xuống võng cho đỡ tức. Nhưng tôi chỉ có thể nhanh tay khép lại cánh cửa và nói:

– Xin lỗi Trung tướng.

Thế rồi phái đoàn lại tiếp tục di chuyển, rời khỏi căn hầm như chẳng có chuyện gì xảy ra.

Tôi trở lại Phòng Mổ, hỏi cô vợ anh Xòm, giọng bực bội:

– Tại sao lại mắc võng nằm ở Phòng Mổ?

– Dạ tại phòng em bí hơi quá, nằm nóng bức chịu không được.

Tôi chỉ biết lắc đầu thở ra, đóng cửa Phòng Mổ đi về phòng mình. Ngồi xuống giường mà lòng vẫn còn ngượng ngùng xấu hổ vì sự kiện đã qua. Tình ngay lý gian. Phòng Mổ phải là phòng sạch sẽ mà lại để một người đàn bà mắc võng giữa phòng nằm chễm chệ. Nếu không phải là người rất thân của bác sĩ thì ai dám làm chuyện như vậy. Một cô gái mà lại có chửa nữa, chắc tác giả phải là bác sĩ chứ còn ai vào đây nữa. Đây là căn cứ quân sự không có đàn bà. Vậy là bác sĩ lợi dụng quyền hạn của mình dấu đàn bà, mang vào căn cứ quân sự làm chuyện bậy bạ rồi. Khi nhìn thấy sự kiện trên thì ai cũng phải có những ý nghĩ như vậy.

Càng ngồi suy nghĩ, tôi càng bực mình. Dĩ nhiên mình không làm gì sai trái thì đâu có gì sợ nhưng giận vì không có cơ hội để giải thích. Biết bao nhiêu điều tốt tôi làm từ đầu cuộc chiến tới giờ, bao nhiêu hy sinh, bao nhiêu cực khổ, bao nhiêu lời đồn đại tốt đẹp về Bệnh Viện Tiểu Khu, chỉ một việc xảy ra không ngờ tới mà nó xóa đi tất cả. Tức ơi là tức. Chỉ đau trong lòng mà không thể giải bày được.

Tôi hít vào một hơi dài rồi thở ra thật mạnh. Bao nhiêu bực bội trong lòng đều theo luồng hơi thở đó mà tan trong không khí. Tôi đã nghiệm được phương thức này để tập tính tự chủ, quên đi những phiền toái của cuộc sống. Đặc biệt những điều không xứng ý, toại lòng, những việc ngoài tầm tay của mình, những việc đã xảy ra rồi, không thể thay đổi trở lại được. Bởi vậy chỉ trong một cái lắc đầu là tôi quên đi những diễn biến khó chịu vừa qua.

Tôi định đi qua hầm của bác sĩ Chí nói chuyện chơi, bất chợt anh Châu xuất hiện ngay cửa hầm. Trông thấy anh, tôi mừng rỡ vì như vậy, chứng tỏ anh đã không hề hấn gì trong những cuộc pháo kích vừa qua. Khi thấy tôi, con mắt còn lại của anh cũng lấp lánh lộ vẻ vui mừng. Tôi hỏi anh:

– Gặp anh, tôi mừng lắm. Gia đình anh bình an cả chứ? Nhưng sao anh biết tôi ở đây mà kiếm?

– Gia đình tôi vẫn như thường. Tôi tới Bệnh Viện Tiểu Khu hỏi thăm bác sĩ. Họ bảo bác sĩ đã dọn sang đây rồi nên tôi tới đây thôi.

– Bây giờ anh ở đâu?

– Tụi tôi dọn xuống làng từ lâu rồi sau cái hôm tôi rời bệnh viện. Ở dưới làng không bị pháo vì không có căn cứ quân sự.

– Anh đã gặp ông Diệm chưa?

– Chưa, tôi chỉ tới tìm bác sĩ thôi. Tôi có đem bánh xèo tới để bác sĩ ăn. Bánh hãy còn nóng, bác sĩ ăn đi kẻo nguội.

– Bà xã anh làm phải không? Anh hay thật, chạy loạn mà còn có bánh xèo ăn là nhất rồi.

– Bánh xèo dã chiến thôi bác sĩ à. Làm gì có tôm tươi đâu. Bà ấy thay thế bằng tôm khô. Ăn cho đỡ ghiền thôi chứ chắc không ngon bằng bánh xèo thứ thiệt đâu.

– Giờ phút này mà còn có thứ này ăn là hạnh phúc quá rồi. Mấy ngày nay tôi chỉ có cơm gạo sấy mà thôi.

Anh Châu rút ra trong bọc một cái bếp điện nhỏ, hỏi tôi:

– Bác sĩ có muốn cái bếp này không?

Tôi mỉm cười, lắc đầu:

– Tôi mua thứ này bây giờ làm gì. Tôi sắp đổi về Sài Gòn rồi.

Mặt anh Châu thất vọng hẳn đi. Anh dậm chân nói:

– Tôi lại cứ kết bác sĩ sẽ mua cái bếp này chứ. Nếu vậy, chắc tôi còn phải nợ bác sĩ một thời gian nữa.

Trước khi xảy ra trận chiến này, anh Châu cần tiền, không biết để làm gì, anh nói mà tôi quên đi mất. Tôi cho anh Châu mượn mười một ngàn. Anh đã trả bốn ngàn, còn nợ tôi bảy ngàn. Trong óc tôi nghĩ rằng anh đã nhặt được cái bếp này ở đâu đó, thấy còn mới nên tính gán cho tôi để trừ vào số nợ anh còn thiếu. Bây giờ tôi mới hiểu, anh lặn lội tìm tôi khắp nơi là muốn trả nợ tôi.

Đến giờ phút này, tôi đâu còn nghĩ tới món nợ ấy nữa. Như vậy anh Châu rất sòng phẳng. Anh không nhân cơ hội làm bộ quên đi món nợ, vẫn cố ý tìm cách trả tôi. Như vậy là người tốt. Chỉ nguyên việc này thôi cũng làm cho tôi không muốn nghĩ tới việc đòi nợ anh. Hơn nữa, với lòng tận tâm săn sóc của anh đối với tôi trong những ngày tháng qua cũng đã khiến tôi không nỡ lòng nào đòi nợ anh trong lúc khó khăn như thế này.

Tôi cũng chợt nhớ ra hôm nay là ngày lãnh lương ở Tiểu Khu. Có lẽ anh vào đây để lãnh lương, cũng là một công hai việc. Tôi vội nói để anh yên lòng:

– Về số tiền anh còn nợ tôi, anh đừng lo. Anh không cần trả lại, cứ giữ lấy mà tiêu dùng. Chẳng bao lâu, tôi sẽ rời khỏi nơi đây, có lẽ cũng ít dịp gặp lại anh. Tôi với ông Diệm được anh săn sóc chu đáo lắm. Trong thâm tâm, tôi rất cám ơn anh.

Tôi đưa tay ra bắt tay anh Châu thật chặt. Một bàn tay lao động, da chai cứng không như bàn tay thư sinh mềm mại của tôi. Tôi nói tiếp:

– Tôi lúc nào cũng giữ một kỷ niệm đẹp về anh.

Tôi thấy những sớ thịt trên mắt anh Châu giựt giựt. Anh đưa con mắt độc nhãn của anh nhìn tôi không nói gì. Nhưng tôi nghĩ chắc anh cảm động lắm. Sau cùng, anh nói:

– Thôi tôi đi đây. Bác sĩ ở lại mạnh giỏi.

Tôi không nói gì nữa, chỉ gật đầu và đưa tay vỗ vai từ giã anh. Đó là lần cuối cùng tôi gặp anh Châu vì sau khi tôi đổi về Sài Gòn, tôi không được biết anh đã đi về đâu. Qua ông Diệm, hình như anh vẫn còn ở Bình Long, không rời đi đâu cả.

Khi anh Châu đi rồi, tôi liền mở bịch bánh xèo ra, thấy có sáu cái. Bà xã anh Châu chắc phải là tay đổ bánh xèo lành nghề lắm vì sáu cái bánh đó to hơi quá khổ một tí nhưng không rách, bánh cuộn lại rất khéo, da bánh vàng ươm thơm phức. Mới nhìn thấy đã thèm rỏ dãi ra rồi. Nhất là bị nhịn ăn, nhịn uống cả gần hai tháng trời thì với cái mùi hành mỡ này, làm sao mà tôi không háo hức cho được.

Tôi liền mời anh Phúc cùng dùng thử cho vui. Dĩ nhiên, so với cơm sấy thì món này là nhất rồi. Tuy không có tôm tươi nhưng có giá, có trứng, có đậu xanh và nhất là nước chấm khá ngon đã làm cho những chiếc bánh xèo đó trở thành tuyệt diệu. Hai chúng tôi đã đánh nhanh đánh mạnh nên chỉ trong một thoáng sau là sáu chiếc bánh xèo đã nằm yên trong bao tử. Hôm ấy, chúng tôi không cần ăn cơm chiều nữa. Từng ấy bánh xèo cũng đủ no bụng rồi.

Tuy chẳng có tin gì đặc biệt mà chúng tôi lại cảm thấy vui vui trong dạ. Tôi suy nghĩ có lẽ nhờ những cái bánh xèo chăng? Không lẽ vật chất lại ảnh hưởng đến tinh thần mạnh mẽ như vậy? Gần hai tháng thiếu dinh dưỡng, cái bao tử có vẻ như reo vui khi lại được tiếp xúc với những chất béo bở quen thuộc mà lâu không được gặp. Khi bao tử vui thì óc cũng vui và hai chúng tôi đều vui cả.

Không có việc gì làm, chúng tôi dự bị đi ngủ sớm tuy chỉ mới có 7 giờ rưỡi tối thôi. Chẳng bao lâu giấc ngủ đến với chúng tôi dễ dàng. Tôi đã ngủ một mạch cho tới sáng. Chưa bao giờ tôi được ngủ ngon một mạch như thế kể từ ngày có trận chiến này. Tôi không hiểu vì không phải làm việc quá sức, vì có hầm chắc chắn an toàn, hay vì đã có một chút ăn tươi cho một cơ thể thiếu thốn dinh dưỡng cả tháng trời đã đưa tới một giấc ngủ thoải mái như thế. Nhìn sang bên giường anh Phúc, tôi thấy anh vẫn còn say giấc nồng. Thì ra không chỉ riêng tôi mà cả anh Phúc cũng có một giấc ngủ ngon lành trong đêm qua.

Tôi đứng dậy, mặc quần áo đi ra ngoài theo cầu thang, đi lên khỏi miệng hầm. Tôi đang đứng thở hít không khí trong lành buổi ban mai thì thấy Thiếu tá Diệm đi tới. Ông nói:

– Tôi định đi kiếm bác sĩ, mời sang bên tôi uống ly cà-phê chơi.

– Xin tuân lệnh ông ngay. Ông lúc này khỏe không?

– Cũng sống được, chưa đến nỗi nào.

Tôi theo ông Diệm xuống hầm của ông. Vào văn phòng của ông Trưởng Ban tư Tiểu Khu, thấy đầy đủ tiện nghi chẳng khác gì ở nhà cả. Đặc biệt có cái cà-phê phin đang được chú Út đổ nước sôi vào. Mùi cà-phê thơm nồng như xoáy vào lỗ mũi tôi. Tôi không ghiền cà-phê nhưng thích ngửi mùi cà-phê. Lâu lâu tiếp ông Diệm một ly nhỏ như hồi còn thanh bình cũng thú vị.

Đi ăn tiệc mà ngồi cạnh ông Diệm thì cũng được lắm, vì ông này hơi khó tính. Ông đặc biệt sợ ăn chim bồ câu quay. Mỗi lần trong tỉnh thết tiệc, ông hay kéo tôi ngồi cùng để giúp ông tiêu thụ món này, nhất là cái đầu. Ông nói mỗi lần trông thấy cái đầu chim bồ câu quay trên đĩa là ông chỉ muốn ói, không dám nhìn nữa. Trong khi tôi lại khoái ăn cái đầu dòn tan và béo ngậy của loài chim hiền lành này.

Tôi hỏi ông:

– Trong các món ăn, ông thích ăn món nào nhất?

Ông Diệm trả lời không cần suy nghĩ:

– Tép rang xúc bánh tráng.

Tôi tức cười, ghé tai ông nói:

– Nếu vậy, đợi tới khi ông lên làm Tỉnh Trưởng thì họa may mới có món khoái khẩu đó cho ông.

Thiếu tá Diệm mỉm cười nói:

– Có thể lắm. Khi nào tôi lên làm Tỉnh Trưởng, tôi sẽ đãi ông món đó.

Tôi nghĩ thầm trong bụng: “Thấy mẹ, tưởng ông đãi món gì, chứ món đó thì tôi buồn 5 phút. Nếu quả thực như vậy, tôi sẽ đãi lại ông món đầu chim bồ câu quay có cái cổ dài ngoằng, đưa những cặp mắt lim dim nhìn ông”. Tôi không dám nói ra điều này vì chỉ sợ ông sẽ ói trên bàn tiệc thì phiền.

Ông Diệm mời tôi ngồi xuống cái ghế độc nhất trong phòng, còn ông ngồi trên giường. Ông nhấc cái phin cà-phê để lên trên nắp của nó rồi chia đôi ly cà-phê ra cho tôi một nửa, ông một nửa. Ông hỏi tôi:

– Bác sĩ uống cà-phê sữa hay đen?

Tôi trả lời:

– Tôi uống cà-phê sữa.

– Sữa Quân Tiếp Vụ đây, ông cứ tự nhiên.

Ông Diệm đưa cho tôi một hộp sữa đặc đã khui sẵn. Ông tiếp:

– Tôi chỉ khoái một ly cà-phê đen vào buổi sáng. Có uống vào rồi mới tỉnh táo đi làm được.

– Ông biết đấy, tôi ít uống cà-phê lắm. Chắc là đêm nay sẽ không ngủ được.

– Không sao đâu, bây giờ cũng ít người bị thương rồi. Đêm không ngủ thì ngày ngủ bù, lo gì. Trung úy Lành đã tới gặp bác sĩ chưa?

– Mấy ngày trước có tới gặp tôi vì ông ta bị một mảnh đạn trên đầu muốn tôi lấy ra và muốn tôi cho ông ấy một giấy chứng thương. Tôi nói nó ở ngoài da đầu, không có vô trong não đâu mà sợ. Nếu không có gì trở ngại thì cứ để nguyên như vậy, không cần lấy ra ngay lúc này. Chắc ông này muốn xin một Chiến Thương Bội Tinh đây.

Ông Diệm ngắt lời:

– Không phải chuyện đó đâu. Tôi nghe nói Đại tá ra lệnh cho Phòng 1 Tiểu Khu lập danh sách mọi người để đề nghị huy chương và thăng cấp.

– À, ông ta có hỏi tôi lên Đại úy lâu chưa, trong trận này có bị thương gì không? Vậy thôi.

Ông Diệm nói tiếp:

– Tình hình bây giờ tương đối đã lắng dịu. Tuy mình chưa hoàn toàn kiểm soát được Quốc lộ 13 và Lộc Ninh, nhưng tụi nó cũng không làm gì được mình. Mọi hoạt động của các ty sở trong tỉnh sẽ cố gắng làm việc như trước. Như ông đã biết binh lính đã được tiếp tục trả lương hàng tháng. Người nào muốn đi phép sẽ được cấp phép cho đi về thăm nhà. Hiện nay chính phủ đã thiết lập một trại tạm cư cho dân Bình Long tị nạn tại tỉnh Bình Dương. Đa số những nhân viên dân sự được làm việc tạm tại Bình Dương để chờ đợi xin đi làm các nơi khác tùy ý muốn. Để xem, một vài tuần nữa, nếu không có gì trở ngại tôi cũng xin phép về thăm nhà một tuần. Rồi mình cũng kiếm chỗ dọt lẹ khỏi nơi này.

– Đúng vậy. – Tôi tiếp lời ông Diệm –Tôi ở đây đã hơn một năm rồi, cũng đúng lúc đi là vừa. Số tử vi của tôi Thân cư Thiên Di nên cứ phải thay đổi chỗ ở luôn.

Mặt ông Diệm bỗng đăm chiêu, ông nói:

– Ông nghĩ thế nào về tương lai của miền Nam mình?

Tôi nhíu mày suy nghĩ rồi trả lời:

– Tôi thấy lo quá. Bây giờ chưa thấy gì rõ ràng lắm. Nhưng tôi có cảm tưởng nếu Mỹ rút thì mình cũng thua ông ạ. Miền Nam mình hết cách mạng rồi lại chỉnh lý. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Người dân không còn tin tưởng ở giai cấp lãnh đạo nữa, làm sao mình nói dân nghe được. Phải có một chính phủ mạnh được hậu thuẫn của toàn dân mới có cơ may thắng được. Miền Nam phải có một tay lãnh đạo cỡ Park Chung Hee của Đại Hàn. Tự túc tự cường không nhờ vả ỷ lại vào viện trợ của nước ngoài, để khi nó buông mình ra mình mới tự bảo vệ để sống còn được.

Ông Diệm gật đầu đồng ý. Rồi tiếp:

– Như ông biết đấy, nếu trận này không có Mỹ can thiệp thì chúng mình đi đoong rồi. Ngay lúc khởi đầu trận đánh, có những lúc áp lực địch quá mạnh làm cho bên ta bối rối. Có khi tôi tưởng mình đã phải nghĩ tới rút lui chiến thuật rồi chứ chẳng phải chơi đâu.

– Có thể lắm. Thua dài dài từ Lộc Ninh về tới tận đây, tan tác cả một trung đoàn, cả một thiết đoàn, thì phải biết áp lực của địch mạnh dường nào.

-Vậy ông có biết làm sao mình còn cầm cự được và lật ngược thế cờ không?

– B52.

– Đúng! Rốt cuộc chỉ là nhờ đàn anh Mỹ thôi. Nếu Mỹ không yểm trợ cho mình, ông thử nghĩ coi, tôi với ông còn ngồi đây uống cà-phê được không. Trong tương lai Mỹ sẽ bỏ rơi mình. Việt Nam hóa chiến tranh, đó là hình thức nó rút. Trong khi tụi Việt Cộng vẫn được Nga, Tàu yểm trợ. Lúc đó mình sẽ bị nó ăn gỏi. Anh em mình đã phải bỏ miền Bắc chạy vào Nam. Rồi đây sẽ không biết chạy đi đâu nữa.

Tôi không nói gì. Trong lòng thầm nghĩ ông bạn già này hơi bi quan một chút. Nếu có thật thế cũng phải vài ba năm nữa. Việc trước mắt bây giờ là làm sao an toàn ra khỏi địa ngục này đã, rồi hãy hạ hồi phân giải. Việc mất cả một nước là việc lớn. Dù ông bạn có đúng thì cũng chẳng thay đổi gì được. Dù có biết trước, quả thật tôi cũng chẳng biết trốn đi đâu. Đâu có nước nào dung dưỡng mình làm gì. Nhất là mang danh kẻ bại trận. Thôi việc đến đâu hay đến đấy.

Uống xong ly cà-phê tôi nhìn đồng hồ đã thấy hơn 9 giờ, mải nói chuyện không ngờ thời gian đi nhanh như thế. Tôi liền cáo từ để về hầm mình. Ông Diệm cũng đi lên hầm chỉ huy họp.

Bước lần xuống cầu thang vào hầm, tới phòng tôi, tôi chợt nghe thấy tiếng bác sĩ Phúc đang dặn anh Sáu Xòm:

– Khi nào nước đầu ối bể, cho cô ấy sang bên Phòng Mổ để tôi đỡ đẻ cho. Anh cũng kêu cô Bích giùm tôi, sửa soạn những dụng cụ cần thiết để lúc cần khỏi phải tìm kiếm mất thời giờ.

Tôi bước vào phòng nhìn anh Phúc nói:

– Tôi có miếng nylon để anh quấn quanh người tránh nước đầu ối hoặc máu dây vào người. Tôi chắc tối nay thôi. Con so thì hơi lâu một chút. Nhưng cô ấy đau như vậy đã được hai ba tiếng rồi. Nhanh lắm thì cũng tám, chín giờ tối mới sanh được. Đừng có chậm hơn sẽ làm anh mất ngủ.

Tôi ngại nhất vấn đề đỡ đẻ. Tôi biết nếu theo cái ngành này thì có thể kiếm được khá tiền đấy, nhưng tôi không thể chịu được cái mùi nước ối, mùi nhau bà đẻ và những đau đớn rên la của những bà đang lúc chuyển bụng sanh. Hồi còn là sinh viên Y khoa, khi đi thực tập tại những bảo sanh viện như Từ Dũ, Hùng Vương, mỗi sinh viên đều phải đỡ đẻ 20 trường hợp sanh bình thường.

Tôi chỉ cố làm cho đủ số thôi chẳng muốn làm hơn thế. Tôi thấy phục những cô đỡ, ngày nào cũng phải ở trong phòng sanh hít thở không khí đó, ngày này qua ngày khác mà vẫn tỉnh bơ. Tôi nhớ phòng sanh bệnh viện Từ Dũ xây theo hình vòng cung. Mười phòng sanh vây chung quanh một bàn nữ hộ sinh ở chính giữa để người trưởng toán có thể ngồi đó nhìn bao quát được tất cả các phòng, để theo dõi và kiểm soát dễ dàng mọi diễn biến từng bàn sanh một. Rất là tiện lợi. Nhưng tôi nghĩ ở đó âm khí nặng nề lắm. Thử tưởng tượng ngồi trực ngay giữa phòng mà bị mười sản phụ nằm dạng háng ra chiếu tướng thi chẳng thú vị gì cả. Tối hôm đó quả nhiên vợ anh Sáu Xòm sanh được một đứa con gái. Thật là may mắn, tuy sanh con so, nhưng chắc trời thương nên vợ anh Sáu đẻ khá nhanh và dễ, không gặp rắc rối gì cả. Anh Xòm thì lo quấn người lên như mắc đẻ. Sau khi đứa bé ra, cắt cuống nhau xong, Bác sĩ Phúc đưa cho anh Xòm bế, nhưng anh không quen, anh nhờ cô Bích ẵm giùm mang về phòng, còn anh phải lo săn sóc vợ. Đợi khi lấy cái nhau xong, mọi sự ổn định, anh bồng vợ sang cái băng-ca cùng thượng sĩ Lỹ khiêng về phòng nghỉ ngơi. Anh không ngót lời cám ơn Bác sĩ Phúc.

Thật là trời sanh voi sanh cỏ. Đẻ con so mà dễ dàng như đẻ con rạ. Trong điều kiện thiếu thốn mà mẹ tròn con vuông như vậy thực là may mắn. Tôi nghĩ có lẽ anh Sáu Xòm là người tốt nên trời cũng thương.

Tôi nhớ hồi còn là sinh viên y khoa, đi thực tập tại bệnh viện Chợ Rẫy, vào khu trẻ em bị tật bẩm sinh. Tôi thấy đủ mọi thứ bệnh. Đứa thì sanh ra hậu môn bị bít kín, đứa thì sứt môi, đứa thì sáu ngón tay, đứa thì xương sống không phát triển hoàn toàn để lòi ra một bướu màng não, có cái ở đầu, có cái ở lưng. Đủ mọi thứ dị tật, ấy là chưa kể những chứng bệnh rối loạn về nhiễm sắc thể gây nên hội chứng mongolism… v..v…

Tôi thấy khi sanh ra được một đứa con lành lặn không tật nguyền, thì quả thực là một ơn phước ông bà để lại, cũng như của trời đất ban cho mình. Nếu có quỳ xuống tạ ơn Trời Phật cũng không có gì quá đáng.

Tôi thấy tục lệ ăn đầy tháng đứa nhỏ cũng hay. Những ngày trong tháng đầu đời của đứa bé thật rất là nguy hiểm dễ chết lắm. Với những phương tiện y khoa lạc hậu ngày xưa, nếu đứa nhỏ sống mạnh khỏe qua được thời gian ngặt nghèo ấy thì làm tiệc cúng tạ ơn Trời Phật cũng là phải.

Sáng hôm sau, anh Sáu Xòm tới xin tôi mấy tấm Bed Pads trải giường cho vợ anh nằm. Những tấm này dùng cho những người mới mổ để lót giường cho máu khỏi chảy xuống nệm, nên rất tiện cho những người mới sanh xong.

Tôi liền cho anh cả một bịch nguyên, 24 cái, tha hồ vợ anh dùng.

Tôi hỏi thăm về đứa bé và vợ anh, thì được biết là mọi sự đều bình thường cả. Tôi hỏi anh:

– Anh đã đặt tên con là gì chưa?

– Dạ thưa chưa, bác sĩ có ý kiến gì không? Tụi em muốn đặt cho nó cái tên liên quan đến trận chiến này để kỷ niệm.

– Nếu vậy thì thật là dễ quá, anh có thể ghép hai chữ đầu của Bình Long, và An Lộc để đặt tên cho nó cũng được. Hoặc là Bình An, hoặc là An Bình.

– Bác sĩ nói có lý lắm, em sẽ chọn cái tên An Bình cho nó. Lê Thị An Bình, nghe cũng được lắm, phải không bác sĩ?

– Đúng rồi. Nó tuy sanh ra tại mặt trận này, mà sanh ra rất dễ dàng, bố mẹ phải chịu mấy chục ngàn trái pháo kích mà vẫn được bình an mang thai nó. Vậy đặt tên nó là An Bình là đúng, và hợp lý lắm rồi. Vừa có ý nghĩa, lại vừa gợi được kỷ niệm Bình Long An Lộc. Cũng mong cả cuộc đời nó sẽ được an bình như tên của nó.

Anh Sáu Xòm vui vẻ nói:

– Cám ơn bác sĩ nhiều.

Suốt mấy tuần sau đó, đứa trẻ phát triển bình thường, sống trong thiếu thốn, nhưng hình như không có ảnh hưởng gì tới đứa nhỏ. Một phần vì nó được nuôi bằng sữa mẹ. Một phần nữa thì tình hình cũng khá yên ổn nên anh Xòm có thể xuống làng thường xuyên mang về những thức ăn tươi cho vợ, nên hai mẹ con đều mạnh khỏe.

Tiền nong bây giờ không thiếu nữa rồi. Vì các ty sở bây giờ đã hoạt động trở lại, nên các công chức cũng như các quân nhân đều bắt đầu được lãnh lương đều như trước.

Công việc của chúng tôi cũng nhàn nhã hơn, thỉnh thoảng mới có một vài người bị thương. Đa số lại bị nhẹ chứ không nặng như hồi trước. Đó cũng là cái vòng luẩn quẩn của cuộc sống. Có lúc lên thì cũng có lúc xuống. Có lúc bận rộn thì cũng có lúc nhàn hạ. Nhưng với trọng trách trong tay, chúng tôi lúc nào cũng phải “Cư an tư nguy”. Lúc nào cũng phải sẵn sàng. 

No comments:

Post a Comment