CHUYỆN TÌNH THẾ KỶ TRƯỚC
(trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)
Từ Đalat, tôi đi Ban Mê Thuột bằng máy bay. Chiếc phi cơ DC-3 của hãng Hàng không Việt Nam nghiêng mình, lượn một vòng trên bầu trời xanh lơ, trong vắt, của thành phố Ban Mê Thuột, rồi từ từ hạ thấp cao độ, để đáp xuống phi trường Phụng Dực. Toàn thân con tàu chợt rung nhẹ, tôi biết phi cơ đã chạm mặt đất. Hai lỗ tai của tôi lùng bùng như ù hẳn đi, cái cảm giác nhộn nhạo, khó chịu giảm dần rồi biến mất khi máy bay ngừng hẳn.
Vừa bước chân ra khỏi phi cơ, tôi vội vàng cởi chiếc áo jacket nhét vào ba lô. Mới đầu tháng tư mà Ban Mê Thuột như chìm trong cái nóng nực của mùa hè. Có thể độ ẩm quá cao trong không khí, thêm vào ánh nắng gay gắt của mặt trời rọi xuống, đã tạo nên bầu không khí oi bức, ngột ngạt, khó thở.
Từ máy bay, đi bộ vào phòng khách của phi cảng khá xa, ánh nắng của buổi trưa, cộng thêm hơi nóng từ mặt phi đạo hắt lên khiến nhiều hành khách khó tính càu nhàu.
-Hãng máy bay gì mà tệ quá, không có được một chiếc xe để đưa người từ phi cơ vào phòng khách.
Một vài người nghe vậy cũng phụ họa theo.
-Ừ, tệ thật, phục vụ tệ quá sức mà tiền vé lại cao.
Tôi là lính nên không có ý kiến, chỉ cười thầm trong bụng. Qúy vị hãy sống thử vài tuần huấn nhục ở Thủ Đức, sẽ biết liền. Cái đoạn đường ngắn ngủi này so với đoạn đường chiến binh mà tôi tập luyện hàng ngày ở quân trường Thủ Đức, nó chẳng thấm tháp vào đâu. Chỉ là chuyện đi dạo cho tiêu cơm sau buổi cơm chiều.
Ra khỏi trạm xe bus của hãng Hàng không Việt Nam, hình như tôi đang đi trên đường Lý Thường Kiệt thì phải. Tôi nhìn quanh, đường phố vắng hoe, xa thật xa thấp thoáng bóng dáng vài ba khách bộhành, thỉnh thoảng một chiếc Honda phóng vụt qua, rồi mất hút sau khúc quanh phía trước, để lại trên đường một đám bụi đỏ mờ mờ. Vai mang ba lô, tay xách túi quân trang, tôi tà tà đi, vừa đi vừa lưu ý mong tìm gặp ai đó để hỏi đường. May mắn cho tôi, hai tà áo dài trắng tay ôm cặp vở xuất hiện. Tôi vội vàng đi nhanh về phía hai cô gái.
-Thưa cô, cho tôi hỏi Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 ở đâu?
Cô bé đi bên trái, quay lui nhìn tôi xẳng giọng:
-Vô duyên, không biết, hỏi mấy ông xích lô.
Tôi khựng người, trời nắng như đổ lửa nhận được một thùng nước lạnh giội từ đỉnh đầu giội xuống khiến tôi cảm thấy lạnh cả người. Tĩnh đã tĩnh rồi, nhưng mặt đỏ kè vì giận, vừa giận vừa mắc cỡ, tôi ngồi bệt xuống vệ đường, ngồi đó để chờ xích lô.
♣
Ban Mê Thuột đón tôi như vậy đó, không một chút gì gọi là thân thiện. Học sinh gì mà dữ như bà chằn, chắc cô ta tưởng mình đẹp lắm, cho nên mới kênh kiệu như vậy. Tôi chợt giật mình, khi nhớ lại gương mặt của cô bé. Cô có một gương mặt dễ nhìn, nước da ngăm đen, nhưng đặc biệt đôi mắt trong sáng một cách lạ thường, chỉ thoáng qua vài giây đồng hồ mà sức hút mãnh liệt của đôi mắt ấy đã hớp mất hồn của tôi. Trái tim của tôi bỗng dưng xao động mạnh, đập trật đi vài nhịp. Cô ta đẹp hơn tôi nghĩ rất nhiều. Lẽ ra cô ta phải xấu đui xấu điếc, xấu như ma mới hợp với lối hành xử của cô ta. Ở một thành phố học sinh gì mà dữ hơn bà chằn lửa, dân xích lô làm sao mà hiền cho được. Tôi đưa tay vẫy chiếc xích lô mà trong lòng lại nơm nớp lo, sợ sẽ bị giội thêm một thùng nước lạnh nữa.
-Chuẩn úy về đâu?
-Cho tôi về Bộ tư lệnh Sư đoàn 23.
-Chuẩn úy cho năm chục.
-Bộ tư lệnh, có xa không anh?
-Ông mới thuyên chuyển về Ban Mê Thuột, đúng không?
-Sao anh biết?
-Chỉ có người lạ mới không biết Bộ tư lệnh Sư đoàn 23 ở đâu. Tôi sẽ chở chuẩn úy đi dạo một vòng cho biết Ban Mê Thuột luôn, sau đó, sẽ đưa ông đến Bộ tư lệnh.
-Tôi không trả thêm tiền đâu.
-Chuẩn úy đừng lo, năm chục của ông đã dư bao cho cuốc xe này rồi.
Chiếc xích lô từ từ lăn bánh, một cơn gió thoảng qua mang theo chút mát lạnh của cao nguyên khiến tôi cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm trong người.
Tôi mang lon chuẩn úy nhưng chưa một ngày cầm súng ra trận. Giờ đây, tôi ngồi trên chiếc xích lô chạy vòng quanh phố Ban Mê Thuột, cái cảm tưởng đứng bên lề cuộc chiến vẫn còn y nguyên trong người. Vài ngày nữa đây, tôi mới chính thức bắt đầu nhập cuộc. Tôi tham dự cuộc chiến vào lúc chiến tranh Việt Nam đang ở vào giai đoạn tàn bạo, khốc liệt nhất.
Giọng nói của người xích lô đạp kéo tôi trở về với thực tại:
-Bên phải của chuẩn úy là rạp hát Lô Đô, phía đằng kia là chợ Ban Mê Thuột.
Tưởng cái gì khác chứ rạp hát tôi biết rồi, bởi vì hình của ông tài tử Vương Vũ, thêm tựa đề cuốn phim “Độc thủ đại hiệp” treo chần dần trước cửa rạp, không muốn biết cũng phải biết, đó là rạp hát.
Buổi trưa ở Ban Mê Thuột thật yên tĩnh, mọi sinh hoạt của thành phố như chậm lại so với những thành phố vùng duyên hải, lính coi bộ nhiều hơn dân. Điều đặc biệt khiến tôi chú ý là, tất cả nhà cửa ở Ban Mê Thuột đều nhuốm một màu bụi đỏ nhạt, đỏ từ nóc nhà xuống đến nền nhà. Cái màu đỏ gạch mờ mờ bám đầy tường, đầy cửa, rồi nắng mưa, gió bụi, thời gian, đã phủ lên Ban Mê Thuột một cái màu đỏ buồn buồn, buồn muôn thuở.
Ngang qua ngã sáu, chiếc xích lô rẽ phải rồi đi thẳng.
-Bên trái của chuẩn úy là Hội quán sĩ quan, tiếp đó là Bộ chỉ huy Tiểu khu, đằng xa bên phải là Quân y viện, rồi Bộ tư lệnh Sư đoàn 23.
Nhìn lại tờ Sự vụ lệnh trong tay, tôi đã trễ phép hơn một tuần rồi. Đơn vị mới của tôi là Sư đoàn 23 Bộ binh, Sư đoàn mang danh: Nam bình, Bắc phạt, Cao nguyên trấn. Một chút băn khoăn thoáng qua trong đầu . Lãnh thổ mà Sư đoàn 23 chịu trách nhiệm quá lớn, nó bao gồm bảy tỉnh Cao nguyên và Duyên hải miền trung, không biết mình sẽ về đâu? Cuối cùng tôi phải tự trấn an mình, lo hoài cũng vậy, hãy trình diện Bộ tư lệnh Sư đoàn rồi hẳn tính.
♣
Tiểu đoàn 2/45, hậu cứ ở cây số năm, đó là nơi mà tôi phải đến. Sau khi trình diện, tôi được nghỉ hai ngày, chờ chuyến tiếp tế sẽ theo xe của Tiểu đoàn vào vùng hành quân. Bắt đầu từ đây, tôi chính thức nhập cuộc, lăn mình vào nơi lửa đạn, bỏ lại sau lưng thành phố với tất cả tiện nghi vật chất . Sau bốn tuần thử lửa, tôi được chính thức giữ chức vụ Trung đội trưởng, tuy có quờ quạng nhưng chuyện dẫn lính đi hành quân vẫn phải làm như thường.
Hơn hai tháng trường, chúng tôi hành quân liên miên quanh căn cứ hỏa lực 34 mà chưa được nghỉ ngơi lấy một ngày. Đang di chuyển, Tiểu đoàn lại nhận thêm lương thực và đạn dược cho cuộc hành quân trực thăng vận. Từ Bandon, sau khoảng chừng mười lăm phút bay về hướng Tây bắc, chúng tôi được thả xuống một mật khu của VC, ở vùng biên giới.
Tháng bảy, Cao nguyên đã vào mùa mưa, mưa rừng thì bất chợt, lúc có lúc không, lúc mưa lúc nắng, xen kẽ vào đó đôi khi có những cơn mưa tầm tã, kéo dài hằng hai, ba ngày chưa dứt. Mây xám giăng đầy, bầu trời thấp thật thấp, thấp đến độ tưởng chừng có thể đưa tay với lấy trời. Những ngày mưa dầm như vậy, gian nan khổ cực của lính phải gánh chịu lại tăng lên gấp bội. Chúng tôi di chuyển trong rừng, lấy mưa làm nhà, lấy lạnh làm áo, áo quần ướt đẫm nước mưa, đói và lạnh, bịch cơm sấy trộn nước mưa càng ăn càng thấm lạnh.
Ngày thứ tư của cuộc hành quân, khi lục soát mục tiêu, chúng tôi khám phá ra kho lương thực khổng lồ của địch, một giao thông hào hình chữ U, rộng khoảng ba mét, dài hàng cây số trong đó chứa toàn gạo và bí đỏ.
Lệnh trên bắt chúng tôi bằng mọi cách phải tiêu hủy kho gạo của địch. Cả Đại đội đang hăng say đốt phá.
Ầm..ầm..ầm.
-VC pháo kích.
Chúng tôi phóng nhanh xuống giao thông hào, những giao thông hào này địch đã đào sẵn từ trước. Mức độ pháo mỗi lúc một tăng, đạn pháo rơi xuống như mưa, vãi đầy khu rừng trước mặt. Cả bầu trời như muốn nổ tung, từng chùm ánh sáng chói lòa, chớp tắt liên hồi phủ lên ngọn cây, xé toạc không gian, lá rừng, cỏ, cây, đất, bụi, khói trộn lẫn với nhau. Mặt đất lắc lư rung chuyển mạnh dưới sức công phá của hàng trăm, hàng ngàn trái đạn 82 ly. Lính mới như tôi chưa phân biệt được sự khác biệt, giữa tiếng nổ của AK và M16. Giờ đây, chạm mặt với tử thần, tôi ngớ người ra, đầu óc như bị đóng băng, tay chân cứng đơ. Phải mất vài phút sau, tôi mới hoàn hồn.
Thời gian nằm im chịu trận như kéo dài bất tận, cho đến khi nhịp nổ thưa dần, thưa dần, tôi định nhảy ra khỏi giao thông hào. Một sức mạnh ghì chặt vai tôi xuống, cùng lúc tiếng nói của Minh, đệ tử của tôi vang lên.
-Chuẩn úy đi đâu?
-Tao đi coi thử Trung đội của mình đâu hết rồi.
-Ông thầy đừng có lo, tụi nó lẹ như chớp, ông quan sát kỹ đi, họ đang ghìm súng chờ địch.
Với đợt pháo kích, hỏa lực tập trung hùng hậu như vậy mà Đại đội của tôi chỉ có vài ba binh sĩ bị thương, đó là một sự may mắn kỳ lạ. Tôi nghĩ rằng nhờ hệ thống giao thông hào có sẵn, và những bao gạo với công dụng ngăn chận miểng đạn pháo tốt không thua gì bao cát. Nếu không thì sao? Tôi không dám nghĩ tiếp.
Sau này, một lần đang nhậu ở hậu cứ, giữa buổi tiệc, vui miệng, Trung úy Đại đội trưởng nói với tôi:
-Mày có nhớ lần Tiểu đoàn mình, nhảy trực thăng vào mật khu của VC.
-Nhớ chứ Trung úy.
-Đó là cú nhảy giỡn mặt với tử thần.
Trung úy Đại đội trưởng hơi ngập ngừng, ông ta ực một hơi rượu, rồi mới nói tiếp.
-Mày nghĩ coi, đem một Tiểu đoàn với vài trăm tay súng nhảy vào mật khu, nhảy vào vùng hoạt động của một Sư đoàn địch, mục tiêu nằm ngoài vòng yểm trợ của pháo binh. Không yểm chỉ có một phi tuần khu trục và một phi tuần dùng để yểm trợ khi đánh tiếp cận. Đánh nhau như vậy khác gì chuyện đâm đầu vô xe lửa. Vậy mà bọn mình an toàn trở về, còn bẻ được mấy cái răng cọp mà không bị cọp cắn.
♣
Thấy tôi lang thang, la cà hết chỗ này sang chỗ khác, Minh nói với tôi:
-Ông thầy, mình ghé Mỹ Cảnh làm một tô mỳ cho ấm bụng. Mấy tháng rồi, chỉ toàn cơm sấy với thịt hộp, ớn tận cổ đó ông thầy.
-Vô đây, tao mua vài cuốn sách rồi đi ăn.
Tiệm sách là một tòa nhà hai tầng, to lớn, rộng rãi, tôi và Minh đi dọc theo kệ sách, tất cả những sách mới xuất bản ở Saigòn đều có đủ, bày ở trên kệ.
-Coi nè…Tôi phải mua một cuốn Văn, một cuốn Bách khoa, gì nữa … à.
Tôi chợt giật mình như bị giội một gáo nước lạnh, khi nhìn thấy gương mặt cô hàng sách thấp thoáng sau quầy trả tiền. Gương mặt ngây thơ như bà chằn trước hãng Hàng không Việt Nam mà tôi đã gặp cách đây mấy tháng. Bất ngờ gặp địch theo lối tao ngộ chiến, tôi như ở vào cái thế tấn thối, lưỡng nan. Trong lòng mình, nửa muốn tìm cách làm quen với cô hàng sách, nửa sợ bị mắng là vô duyên, chần chừ, lưỡng lự, cuối cùng bỏ của chạy lấy người là hay nhất. Tôi lẳng lặng, kéo Minh dọt gấp.
-Sao ông thầy không mua sách?
-Đi ăn trước rồi tính sau.
Minh nhìn tôi, cái nhìn đầy ngạc nhiên như muốn hỏi tại sao.
-Tao gặp bà chằn lửa.
-Có phải cô hàng sách không?
-Đúng.
-Ông thầy quen hay sao?
-Đây là lần đầu tiên tao đi dạo phố Ban Mê Thuột, mày nghĩ coi, làm sao tao quen với cô gái đó được.
-Không quen mà gọi người ta là bà chằn lửa.
-Bán sách mà cái mặt khó đăm đăm như vậy, ai mà dám mua, tao gọi là bà chằn lửa cũng còn nhẹ.
♣
Tiểu đoàn lại hành quân liên miên, hết tuần này qua tháng nọ, ăn cơm Chúa phải múa tối ngày. Lính mà không đi hành quân mới là chuyện lạ.
Sau hai tháng lặn lội trong những vùng rừng sâu, núi thẳm, vừa trở về hậu cứ, tôi và Minh dọt gấp về Ban Mê Thuột. Lang thang khắp mọi đường phố, ciné chán rồi đến cà phê, cà phê chán thì đi uống rượu, cuối cùng trái tim của tôi dẫn tôi vào tiệm sách để mua vài cuốn nguyệt san. Lý trí của tôi ra lệnh hãy chuẩn bị sẵn sàng, không để địch đánh phủ đầu như ngày nào khi còn chân ướt, chân ráo tới Ban Mê Thuột. Nếu cần sẽ dạy cho bà chằn lửa một bài học về lịch sự.
Điều tôi không ngờ là cô hàng sách đón tôi với nụ cười tươi như hoa, nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép, đã vậy còn xưng em với tôi ngọt xớt. Lính tác chiến mà, không xung phong còn đợi gì nữa, tôi mời cô đi uống một ly cà phê ở Thiên Hương, rồi hồi hộp nhìn gương mặt chần chừ như muốn gật đầu của cô hàng sách.
-Dạ, em phải xin phép mẹ.
Chữ “dạ” nghe dễ thương quá sức nhưng câu “em phải xin phép mẹ” nghe không được chút nào. Một câu nói ỡm ờ, nửa đồng ý, nửa không.
Tôi quen với cô hàng sách như vậy đó, dễ dàng đến độ mình không ngờ được. Từ đó, tháng nào tôi cũng cố gắng tìm cách ghé qua tiệm sách, lấy cớ là mua cuốn nguyệt san Văn để gặp cô. Hình như tình cảm của cô hàng sách dành cho tôi, mỗi ngày một nhiều hơn. Mức độ thân mật giữa hai đứa ngày càng thắm thiết, tôi có thể ngồi ở tiệm sách trò chuyện với cô vài tiếng đồng hồ mà cứ tưởng là mới có dăm ba phút, hai đứa kể cho nhau nghe những chuyện vẩn vơ, chẳng đâu vào đâu, uống chung với nhau một ly cà phê túi vải mua từ tiệm hủ tíu bên kia đường. Rồi những lần tình cờ chạm tay đầy ẩn ý của tôi.
Tình yêu thật sự đến với tôi hồi nào không biết. Những ngày tháng thần tiên tiếp nối đi qua, êm đềm và nhẹ nhàng như một cơn gió thoảng, gió tình yêu thường mang đến cho con tim những mơn trớn dịu dàng.
Ban Mê Thuột, thành phố của đất đỏ bụi mù, đối với tôi nó không còn là nơi buồn muôn thuở nữa, bởi vì tôi đã có cô bé thế vào. Những lần về phép dù chỉ hai mươi bốn tiếng đồng hồ ngắn ngủi, nhưng tôi đã có được những giờ phép tràn đầy ý nghĩa bên người yêu. Chưa bao giờ tôi nói với cô bé “Anh yêu em”, thế nhưng những hành động và cử chỉ đã dư sức nói lên những gì mà chúng tôi muốn nói với nhau.
Có một lần, tôi dẫn cô bé đi dạo phố mà trong túi đã cạn tiền.
Hai đứa đi lang thang dọc theo đường Y Jut, qua đường Hoàng Diệu, rồi Tôn Thất Thuyết, gần đến trưa, bụng đã bắt đầu thấy đói, tôi nói với cô bé.
-Mình đi ăn cơm nghe?
-Đi ăn chỗ nào vậy anh?
-Bí mật, cứ theo anh rồi sẽ biết.
Tôi nói cho qua chuyện, vì đang phân vân không biết phải làm sao. Trong túi tôi chỉ còn hai trăm đồng bạc. Nếu biết được cớ sự như vậy, tôi đã đem cái đồng hồ đeo tay tới tiệm cầm đồ từ sáng. Giờ này ở vào thế chẳng đặng đừng “Một liều, ba, bảy, cũng liều”. Tôi dẫn cô bé tới quán cơm Cây Mít. Đây là quán cơm bình dân, chuyên nấu cơm tháng cho lính. Nói là lính chứ thật ra chỉ có vài người lính thôi, còn hầu hết đều là sĩ quan độc thân. Đã là sĩ quan độc thân ở Ban Mê Thuột, bắt buộc phải biết quán cơm Cây Mít.
Bước chân vào quán cơm, hàng trăm con mắt đổ dồn vào hai đứa.Tất cả sĩ quan đang ăn cơm ở trong quán, đều là huynh trưởng của tôi. Tôi là thằng quan mang cấp bậc nhỏ nhất, nhưng vấn đề không phải ở chỗ đó. Chuyện tôi lo vì người con gái đi bên cạnh tôi, lo vì sợ cô bé sẽ không chịu bước chân vào quán chứ không phải chuyện mấy chục ông quan.Trong khi, tôi vừa đi vừa hồi hộp giữ một khoảng cách vừa phải thì cô bé lại níu lấy tay tôi, đem cái khoảng cách giữa hai đứa lại gần nhau. Cuối cùng tôi phớt lờ, hơi đâu mà bận tâm. Tôi chọn một cái bàn trong góc.
Cô bé đảo mắt nhìn quanh.
-Quan ở đâu mà nhiều quá vậy anh?
-Họ ở những đơn vị đồn trú quanh Ban Mê Thuột, đa số trực thuộc Bộ tư lệnh Sư đoàn 23. Nếu để ý, em sẽ thấy người này là Pháo binh, người kia Công binh, kẻ nọ Thiết giáp, còn cái bàn bên phải của mình là mấy ông tài xế máy bay.
-Em nhớ ra rồi. Em thấy có nhiều ông ngồi ở đây thường đến tiệm mua sách.
Biết mình là con số không giữa chốn anh hùng hào kiệt, tôi nói với giọng ghen tức vô cớ.
-Chưa chắc họ mua sách đâu em ơi, văn chương với chữ nghĩa có gì là hấp dẫn đâu. Không tin, em thử bán đậu phụng coi, cũng đắt hàng như thường, mua sách chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích.
-Còn anh, anh mua gì?
-Anh mua được … em biết rồi mà còn hỏi.
-Em hỏi cho chắc ăn, biết đâu anh là người thích văn chương, thật lòng mua sách thì sao?
-Con người anh có cục có hòn như vậy, mê em chứ mê sách sao được.
Trong khi chờ đợi cơm được dọn lên, tôi giải thích với cô bé.
-Quán cơm Cây Mít không có thực đơn. Khách ngồi vào bàn, chủ quán sẽ mang cơm đến. Thức ăn gồm có ba món, một món canh, một món mặn, một món xào, khách không được biết trước là món gì. Đại khái, dọn chi ăn nấy.
Điểm đặc biệt của quán, tất cả các món ăn đều tươi, ngon, chén bát sạch sẽ, và vừa với túi tiền của lính. Các ông quan, vừa ăn cơm vừa ngắm cây mít, chỉ có một mình tôi ngồi đó ngắm cô bé. Cô bé vừa ăn cơm vừa khen rối rít, nào là, canh chua ngon quá sức, món thịt heo kho tàu này ngon hết sẩy. Món xào này ngon hơn là mẹ em nấu. Cuối cùng, cô bé phán một câu xanh dờn:
-Mai mốt, mình đi ăn cơm ở đây nữa nghe anh.
Dĩ nhiên ngày hôm đó, tôi có một bữa cơm ngon miệng. Và tôi cho rằng đó là bữa cơm ngon nhất từ nhỏ cho đến lúc bấy giờ.
Bước chân ra khỏi quán mà lòng thanh thản nhẹ nhàng, hú hồn tôi vừa thoát qua một cửa ải, mừng vì đã giải quyết chuyện eo hẹp tài chánh một cách dễ dàng.
-Anh à.
-Em muốn gì?
-Mình đi cà phê nghe. Anh nhớ không, hồi mới quen nhau anh rủ em đi cà phê Thiên Hương, em muốn biết chỗ đó ra sao?
Tôi lúc nào cũng sẵn sàng, lúc nào cũng muốn cùng cô bé đi khắp mọi nơi, đi cho đến tận cùng của trái đất càng tốt. Thế nhưng, cái túi của tôi nó không cho phép. Không biết phải làm gì, tôi nói đùa:
-À, phải để anh xin phép mẹ.
-Khỏi cần, em đồng ý rồi mà, mình đi nghe.
Bao nhiêu công lao che giấu từ sáng đến giờ đành thả trôi theo giòng nước, tôi thú thật với cô bé:
-Anh chỉ còn vài chục, làm sao đủ để vào cà phê Thiên Hương.
Cô bé nhìn tôi với đôi mắt to tròn, đen láy. Hình như ông sư Phạm Thái, văn võ song toàn đã từng than thở “Chí lớn trong thiên hạ, không đựng đầy đôi mắt mỹ nhân.” Thằng chuẩn úy như tôi, chết chìm trong đôi mắt của người mình yêu cũng không có gì là sai trái, huống gì cô bé nói với tôi, giọng nói êm dịu, đầy thương yêu.
-Em có tiền mà.
Một ly cà phê cho tôi, một ly trà Lipton cho cô bé. Chần chừ giây lát, cô bé gọi thêm một ly kem dâu.
Tôi hỏi.
-Tại sao chỉ có một ly kem, anh cũng thích kem.
-Em cho anh ăn ké với em, chịu không?
Tôi không ngờ mình có được cái diễm phúc to lớn như vậy. Tôi nói, giọng nói tràn đầy hạnh phúc.
-Chịu quá đi chứ.
Qua làn khói thuốc mờ nhạt, cô bé nói với tôi.
-Anh à, mẹ em mà biết em vào đây, chắc bà sẽ gọt đầu em quá.
-Em sợ phải không? Đừng lo, anh không có tật ngồi lê đôi mách.
-Không biết tại sao em có thể thương anh, người gì mà lúc nào cũng giỡn được. Em giận cho mà coi.
-Đừng, đừng có giận, khi em giận sẽ bớt đẹp đi.
Vừa nói, tôi vừa nhìn thẳng vào đôi mắt đẹp như mơ của cô bé, cố tìm hình bóng của mình trong đó.
-Năm tới, em định học gì?
-Trước đây, em định học Văn khoa. Đó là con đường tương đối hợp với ban C của em, nhưng bây giờ chưa biết được. Em thích ở nhà bán sách hơn.
-Tại sao vậy?
-Kỳ quá, em không nói nữa.
Tôi thắc mắc, hỏi cô bé.
-Vô Đại học, có gì mà kỳ.
Gương mặt của cô bé dường như đỏ hơn dưới ánh đèn mờ.
-Muốn tiếp tục học Đại học phải vào Saigòn, em đi rồi, bỏ anh bơ vơ một mình, tội nghiệp cho anh.
Ly cà phê đen mà tôi đang uống, bỗng dưng thơm ngon một cách lạ thường. Uống cà phê đôi khi cũng bị say, tôi đang say cà phê, người cứ lâng lâng nhẹ nhàng như trôi đi trong không khí.
Tôi nói với cô bé:
-Trên đời này, có ai chậm hiểu hơn anh không em?
♣
Thời gian thấm thoát qua mau, mới ngày nào đó giờ đây mùa mưa lại đến, tôi ở Ban Mê Thuột đã được hơn một năm rồi, đã quen với khí hậu, phố xá và tình người, càng ở lâu càng yêu cái xứ Buồn Muôn Thuở. Đời lính đầy gian nan, khổ cực kèm theo không biết bao nhiêu là hiểm nguy, chết chóc, mạng sống của con người chỉ là chuyện phù du nay ở mai về. Tuổi trẻ của chúng tôi chôn vùi trong chiến trận, tháng ngày miệt mài trong rừng xanh núi đỏ, tôi đã từng chứng kiến cảnh bạn bè, đồng đội ra đi không một lời giã biệt, đưa tay vuốt mắt bạn mình mà lòng đau như cắt. Ban Mê Thuột cho tôi tình yêu đằm thắm ngọt ngào bao nhiêu lại lấy đi bạn bè và đồng đội của tôi một cách tàn bạo dã man bấy nhiêu.
Sau những lần hành quân để bù lại những mất mát đau thương, tôi trở về Ban Mê Thuột tìm lại chút ấm áp của tình yêu. Tình yêu của chúng tôi đã qua giai đoạn e ngại thuở ban đầu. Những câu chuyện giữa chúng tôi ngày càng sát với thực tế hơn .
Một hôm, cô bé nói với tôi.
-Em có chuyện quan trọng cần phải nói với anh.
-Chuyện gì vậy em?
-Ngày mai anh có rảnh không?
-Chưa biết được, tối nay anh phải về hậu cứ.
-Nếu được, mai anh tới đây, nhà có đám giỗ. Cúng ông bà là chuyện phải làm hàng năm, nhưng năm nay mẹ em muốn nhân dịp có đông đủ bà con trong dòng họ tụ họp, bà sẽ nói đến chuyện gả em cho con trai bà bạn của bà.
Chuyện khá bất ngờ đối với tôi. Tôi giả vờ làm mặt giận.
-Em đem anh tới, không thấy thừa hay sao?
-Không, không thừa chút nào, vì em muốn nói với mẹ và bạn của mẹ em, là em đã có anh rồi.
Óc tò mò, khiến tôi muốn biết thêm về địch thủ của mình, biết thêm về thân thế của gã con trai.
-Gia đình họ ra sao?
-Nhà giàu.
-Giàu hơn gia đình em không?
-Hơn chứ, bà ấy giàu, có mấy tiệm vàng ở Saigon. Gã con trai là con một nên không phải đi lính.
Chừng đó chi tiết, cho tôi biết rằng đối thủ của mình thuộc loại nặng ký. Thiên thời, địa lợi, địch có đủ.
-Anh à, ngày mai khi tới nhà em, anh nhớ mặc thường phục nghe.
-Tại sao vậy?
-Mẹ em không muốn em quen với lính.
-Anh là quan mà.
Cô bé nhìn tôi với đôi mắt nửa trách móc, nửa âu yếm, nũng nịu.
-Anh nè, đừng có giỡn nữa được không, em đang nói chuyện quan trọng. Nếu lỡ mẹ em biết anh là lính, anh cứ nói với bà, anh là lính văn phòng. Chớ có dại cho bà biết, anh là lính tác chiến.
Tôi cố tình giỡn với cô bé.
-Được rồi, anh sẽ nói, anh là lính trinh sát của Đại đội Thám kích, làm ở văn phòng.
-Làm ở văn phòng là được rồi, anh có biết tại sao không?
-Không.
-Mẹ em, sợ em ở giá khi phải lấy chồng là lính. Bà đã chọn sẵn cho em người chồng lý tưởng, bà thường nói với em: “ Không nơi nào hơn nơi này đâu con ạ, thằng ấy là con một, không phải đi lính, nhà giàu, mày còn chê vào cái chỗ nào?” Hình như thấy rằng chừng ấy thứ vẫn chưa đủ sức hấp dẫn, bà giải thích thêm: “Nó là con một, tất cả của cải, ba, bốn cái tiệm vàng ở Saigon, sau này là của mày chứ còn ai vào đấy nữa”.
Tôi nghe cô bé nói mà lòng buồn hiu hắt.
-Nếu như vậy, em chọn ai? Mấy cái tiệm vàng ở Sai gon hay cái quai chảo ở Ban Mê Thuột?
-Quai chảo là cái gì vậy anh?
Tôi chỉ vào cái lon Chuẩn úy nơi cổ áo của tôi.
-Đây là cái quai chảo.
Cô bé cười ngặt nghẻo, ôm chặt lấy tôi rồi hôn nhẹ lên cái quai chảo.
-Em đâu có dại, thả mồi bắt bóng.
♣
Trong tiểu đoàn của tôi, khi chuyện trò với lính, tôi thường gọi Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng là sếp lớn, Trung úy Đại đội trưởng là sếp nhỏ, cả hai ông đều ngầu không tả được, đứng trước hàng quân lúc nào cũng gầm gừ như muốn ăn tươi nuốt sống người đối diện. Hai ông đều dữ như nhau, hét ra lửa, khạc ra khói, lính tráng trong Tiểu đoàn quờ quờ quạng quạng là ăn đòn ngay lập tức. Đó là cái mặt nổi, là cái vỏ bên ngoài, sự thật cả hai ông đều thương lính, sống chết với lính. Sở dĩ, tôi biết được như vậy là vì một lần tình cờ tôi bắt gặp sếp lớn của tôi, kín đáo lau nước mắt khi ông nhìn người lính của ông bị thương nặng. Riêng sếp nhỏ lại càng thân mật, gần gũi với tôi hơn.
Đã có lần sếp nhỏ tâm sự với tôi.
-Mày có biết, trước tiệm sách của cô Luận có hàng đống cây si ở đó không?
-Không.
-Tao kể cho mày nghe, có hàng chục ông quan, từ quan một cho tới quan ba, chẳng thiếu thứ nào. Quan nào ra quan nấy, không phải lừng khừng chuẩn bị làm quan như mày đâu. Đó là nói về cấp bực, còn nói về hình dáng bề ngoài tụi nó ăn đứt, bỏ mày xa lắc, chưa kể thêm mấy tay tài xế máy bay ở phi trường L19, lái máy bay Bà già đi quan sát mà lúc nào cũng ăn diện như là lái phi thuyền Apollo. Chừng đó ông quan rắp ranh bán sách mà không được. Trong khi mày, từ cái xứ nào lạc bước tới đây, lơ ngơ láo ngáo lại được, đúng là mèo mù vớ cá rán.
Đưa hai tay lên trời, trong khi đầu lắc nhẹ, sếp nhỏ than.
-Tao hoàn toàn không hiểu. Không thể giải thích được đành phải chấp nhận rằng : “Con tim nó có lý lẽ, ngôn ngữ riêng của nó”.
-Trung úy cũng biết cô Luận ở tiệm sách?
Sếp nhỏ nhìn tôi như dò xét.
-Ban Mê Thuột nhỏ như cái bàn tay, đi dăm phút trở về chốn cũ, ai mà không biết cô hàng sách.
-Ông lộn rồi Trung úy ơi, đi dăm phút trở về chốn cũ, là câu thơ nói về Pleiku.
-Mày ở đâu?
-Đalat.
-Ban Mê Thuột, Pleiku, Đalat, cái mẹ gì cũng là cá mè một lứa, đâu cũng nhỏ xíu như nhau. Cho mày về Cần Thơ, mày sẽ sáng con mắt ra. Cần Thơ hả, nó to gấp mười cái xứ Buồn Muôn Thuở này.
-Ông là dân Cần Thơ?
-Là cái cẳng.
-Ông mang nặng đầu óc địa phương, đầu óc Nam Kỳ Quốc trong người.
-Mày giỡn mặt, tao ký cho vài củ bây giờ.
-Chữ ký của ông, ký giấy phép, trông nó đẹp hơn khi ký giấy phạt.
Sếp nhỏ cười, ký cho tôi hai mươi bốn giờ phép.
♣
Tôi về phép, hai mươi bốn giờ, ngồi trong nhà hàng Mỹ Cảnh, thảnh thơi thưởng thức tô mỳ hoành thánh nóng hổi, lai rai vài chai bia lạnh ngắt, mát rượi, nhìn thiên hạ dạo phố. Lát nữa tôi sẽ đi thăm cô bé. Hôm nay là sinh nhật của cô bé, tôi sẽ không kể cho cô nghe những chuyện về lính, không nói đến những hiểm nguy cực khổ, mà tôi đang gánh chịu. Tôi chỉ nói về những nhớ thương, thương nhớ mà tôi dành cho cô bé. Thêm một chuyện cũng rất là quan trọng, quà sinh nhật cho cô bé, tôi bỏ vào bì thơ hai trăm đồng với hàng chữ “nhờ em giữ hộ để lần tới khi về phép, hai đứa sẽ đi ăn cơm Cây Mít”.
Mới có vài chai bia mà mắt tôi bỗng hoa lên, tưởng như mình đang say rượu. Bên kia đường cô bé đang nũng nịu, ôm tay một gã thanh niên mặc thường phục, cũng trạc tuổi tôi. Cái lối ăn mặc của dân Saigon, thoáng nhìn qua là biết liền, nó lịch sự, chải chuốt hơn dân Ban Mê Thuột. Tôi biết hắn là ai rồi, cái gã con một, con bà chủ có mấy tiệm vàng ở Saigon. Giờ đây, thiên thời, địa lợi, nhân hòa địch thủ của tôi, cái thằng trốn lính đã có đủ cả ba. Hai người vừa đi, vừa trò chuyện vui vẻ, cô bé cười nói huyên thuyên, đôi mắt, đôi môi, khi cười, khi nói, giống hệt như những lần cô trò chuyện với tôi.
Ngay giờ phút này, nếu tôi có lãnh nguyên một băng đạn AK vào người, chưa chắc tôi đã đau khổ bằng cảnh tượng hiện ra trước mắt mình. Đầu óc quay cuồng, trí óc tê dại, tôi làm gì bây giờ? Trời sụp cũng giống như chuyện đang xảy ra trước mắt tôi là cùng. Khi bị thất tình, người ta phải làm gì? Khi bị đào bỏ theo người khác, mình phải làm gì ? nhảy xuống sông? lao đầu vô xe lửa? Tôi đập bàn la to:
-Ông chủ, cho một lít rượu đế.
-Có liền.
Tôi nâng ly, ly này cho tôi, ly này cho cô bé tôi yêu, ly này cho cái thằng khốn nạn trốn lính đã cuỗm mất người yêu của tôi. Tôi tàng tàng uống, uống cho đến khi hình dáng đẹp như mơ của cô bé mờ dần, mờ dần qua làn nước mắt. Đất trời cũng từ từ, theo đó mờ luôn.
Tôi té lăn quay, bò càn dưới đất.
♣
Suốt mấy ngày tôi nằm lỳ ở hậu cứ, không buồn ăn uống, cũng chẳng thèm để ý gì đến chuyện ở Đại đội. Sếp nhỏ tưởng tôi bị bệnh nên miễn chuyện tập họp, điểm danh. Được thể, tôi trùm mền, ôn lại chuyện tình. Nằm nhớ cô bé mà lòng đau, dạ héo.
-Chuẩn úy.
-Gì đó mày?
-Cô Luận ở tiệm sách, gởi quà cho ông thầy.
Tôi nổi điên, hét vô mặt thằng đệ tử
-Vất mẹ nó vô thùng rác cho tao.
Minh rụt rè, đi đến bên tôi.
-Em để trên bàn cho ông thầy.
Tôi vùng dậy, ôm gói quà, dùng hết sức mạnh quăng ra cửa sổ.
Minh vội vàng chạy ra ngoài, nhặt lấy gói quà đem vô. Vừa đi hắn vừa lẩm bẩm:
-Bể hết trơn rồi ông thầy ơi, coi nè, có bốn cục xà bông Dove, hai cái bàn chải, hai ống kem đánh răng Crest.
-Xà bông Dove, tắm với rửa, cho mày hết, tao không muốn dùng nó, không muốn thấy bất cứ thứ gì có liên quan đến cô Luận. Mày nghe rõ chưa.
-Rõ, ông thầy.
Đang thất tình, sẵn dịp Sư đoàn Nhảy dù cần thêm sĩ quan từ các đơn vị bộ binh chuyển qua, vì muốn dứt khoát với quá khứ, muốn rời xa Ban Mê Thuột, tôi làm đơn xin chuyển qua Binh chủng Nhảy dù. Thất tình thì chuyện gì lại không dám làm, suy nghĩ làm chi cho mệt xác. Hai tháng sau, tôi nhận được giấy tờ qua Nhảy dù. Ngày rời khỏi Ban Mê Thuột, Minh tiễn tôi ở phi trường Phụng Dực, nó đặt vào tay của tôi bức thư rồi nói:
-Của cô Luận ở tiệm sách, gởi cho ông thầy.
Tôi muốn quên đi kẻ bạc tình, càng mau càng tốt. Không buồn nhìn tới bức thư, tôi nhét vào túi áo rồi quên luôn.
♣
Theo cánh hoa dù, gót giày bốt-đờ-sô của tôi cùng đồng đội đã in dấu trên khắp bốn vùng chiến thuật. Nơi nào mà chiến trường sôi động, rung chuyển cả đất trời, nơi đó có sự hiện diện của chúng tôi. Tôi đi vào chiến địa, lao mình vào những nơi mà khói lửa chiến tranh lúc nào cũng ngùn ngụt cháy đỏ, đỏ như địa ngục có thật ở trần gian.
Một năm……. Hạ Lào, Lam Sơn 719, xác người phơi chật đất.
Hai năm………Mùa hè đỏ lửa, Đại lộ kinh hoàng, nơi mà máu tươi nhuộm đỏ cả Cổ Thành.
Ba năm………. Hiệp định Paris, đánh nhau giành giựt lại từng thước đất với địch.
Thời gian vùn vụt trôi mau như nước chảy qua cầu, như mây ngang đỉnh núi, Ban Mê Thuột trong tâm khảm của tôi mỗi ngày một mờ dần, chỉ còn là một cái bóng. Chuyện xưa, tưởng chừng đã chìm vào quá khứ, vết thương lòng tưởng đã nguôi ngoai, khi mà những cơn gió cuốn theo bụi đỏ mù trời từ miền xa thổi về không còn làm cho trái tim của tôi đau buốt, nhức nhối. Bất ngờ trong một lần về phép, tôi đang ngồi nhâm nhi chai bia. Mẹ tôi nói với tôi.
-Con coi lại bộ đồ này, nếu không còn bận nữa để mẹ đem cho.
Mẹ tôi, đưa cho tôi bộ đồ trận. Bộ đồ này ngày xưa, tôi bận khi còn ở Sư đoàn 23 bộ binh. Nhìn con ó màu trắng trên nền xanh dương với số 23, tên của tôi thêu trên túi áo đã bạc màu theo năm tháng, lòng không khỏi ngùi ngùi thương nhớ. Bức thư mà năm xưa tôi nhét vào túi áo, vẫn còn đó.
♣
Ban Mê Thuột … 1970.
Anh thương,
Không biết anh có ngạc nhiên khi bất ngờ nhận được thư này không? Sở dĩ, em phải viết thư cho anh là bởi vì em đã chờ đợi anh hơn hai tháng rồi. Ngày nào cũng như ngày nấy, chờ đợi để rồi thất vọng. Anh có nhớ không? Lần đầu tiên, gặp anh ở trạm xe bus của hãng Hàng không Việt Nam. Có thể là anh không nhớ gì nhưng với em cho đến chết em vẫn nhớ hoài, nhớ mãi, giây phút đầu tiên gặp mặt ấy.
Anh à, em hối hận quá sức, không hiểu tại sao em lại có thể hồ đồ như vậy được. Hôm đó, em ăn nói khô khan, cộc lốc như vậy là vì em đang giận nhỏ bạn, bất ngờ gặp anh, sẵn đó em đem tất cả bực dọc trút hết lên đầu của anh.
Em nhớ mãi, khi đi được mươi bước, quay người nhìn lại thấy anh ngồi đó bên túi quân trang và cái ba lô còn mới tinh để bên cạnh. Em đoán, anh là lính mới và đây là lần đầu tiên anh đến Ban Mê Thuột. Ở Ban Mê Thuột, khi nói đến Bộ tư lệnh Sư đoàn 23, đứa con nít năm tuổi cũng biết ở đâu rồi.
Hình ảnh người lính cô đơn nơi xứ lạ, ngồi một mình bên vệ đường với gương mặt ngơ ngác, khiến lòng em chùng xuống, hối hận vì lỡ lời thì đã muộn rồi, mặc cảm vì đã gây nên lỗi lầm day dứt mãi không nguôi. Cũng vì mặc cảm đó khiến em nhớ đến anh, nhớ hoài, nhớ hoài. Em biết rằng không thể nào mình có thể gột bỏ được hình ảnh của anh ở trong đầu.
Suốt ngày hôm ấy, em làm việc nhà mà thẫn thờ như kẻ mất hồn, đến nỗi mẹ em phải gắt lên “Cái con nhỏ này, sao hôm nay cứ lơ thơ lẩn thẩn như là bị ai hớp hồn vậy.”
Những ngày sau đó, khi trông coi cửa hàng, lúc nào em cũng mong ngóng, hy vọng gặp lại được anh. Hy vọng vẩn vơ là anh sẽ vào tiệm để mua sách.
Ngày qua ngày, tháng qua tháng, biệt âm vô tín, bóng dáng anh vẫn mịt mù đâu đó trong cái tỉnh lỵ bé nhỏ, bụi đỏ mù mịt này. Hy vọng gặp lại anh, mỗi ngày một mòn mỏi, cho đến khi hy vọng biến thành tuyệt vọng thì anh xuất hiện. Vẫn gương mặt đó, đôi mắt đó, chỉ bớt đi một chút học trò, thêm vào một chút dãi dầu nắng mưa. Cặp lon chuẩn úy cũng đã đậm màu sương gió như là chủ nhân của nó.
Em vẫn thích nét mặt ngơ ngác của anh trước hãng Hàng không Việt Nam, hơn là gương mặt đen sạm, lỳ lợm như bây giờ. Không sao đâu anh à, khi thương trái ấu cũng tròn. Cho dù hình dáng, bề ngoài của anh có thay đổi đến thế nào thương anh vẫn là thương thôi. Huống chi lúc nào em cũng cảm thương cái cảnh “chàng từ đi vào nơi gió cát”.
Lòng em bỗng dưng xốn xang, quặn thắt, đời lính chắc gian khổ lắm phải không anh?
Anh đứng đó, không phải em muốn gặp anh để nói lời xin lỗi hay sao? Muốn thì thật muốn nhưng em lại sợ, cái sợ vu vơ vô hình. Để tránh xúc động vì bất ngờ gặp lại được anh, em phải giả vờ cúi mặt sắp xếp lại mấy cuốn sách trên kệ. Vừa làm vừa run, khi đã bình tĩnh trở lại, em vội vàng nhìn lên. Thật lòng mà nói, em buồn muốn bật khóc, anh đã biến mất từ lúc nào.
Làm thân con gái phải chịu nhiều thiệt thòi, yêu mà không thể nói gì với người mình yêu, phải đợi cho đến khi người con trai ngỏ lời trước. Nếu người con trai không nói gì, mối tình đó trở thành tình câm.
Mấy tháng chờ đợi, gặp lại được anh, chưa kịp mừng, chưa kịp nói gì tất cả đã tan theo mây khói. Anh bỏ đi, không một chút luyến tiếc. Phải mấy tháng sau anh mới trở lại. Lần này em phân vân không biết phải làm gì để anh chú ý đến em, làm sao để cho anh biết có sự hiện diện của em trên đời này và làm sao để anh khỏi biến mất như lần trước. Anh đã từng biến đi như một cái bóng ma rồi mà.
Cơ hội đến với em, khi người lính đi cùng với anh, đến hỏi em về bộ truyện “Cô gái Đồ Long”. Em càng mừng hơn khi anh lên tiếng.
-Tờ Văn tháng này còn hay không? Thưa cô.
Anh còn nhớ, anh nói gì với em không? Riêng em, em nhớ rất rõ.
-Thưa ông, hết rồi ạ, nhưng nếu ông cần tôi sẽ gọi về tòa soạn ở Saigon để lấy thêm.
Chưa bao giờ em gọi tòa soạn báo Văn nhưng em nói như vậy, chỉ vì muốn cầm chân anh lại thôi.
-Thưa cô, không cần đâu.
-Số tới, tôi sẽ giữ lại một tờ báo Văn cho ông. Thường thì khoảng giữa tháng sẽ có báo Văn, ông có thể đến để lấy.
Anh thấy chưa, em cũng khôn lắm, kín đáo hẹn với anh nhưng không nói.
-Cảm ơn cô đã giúp tôi. Để đền ơn, tôi xin được phép mời cô đến cà phê Thiên Hương, uống một ly trà Lipton, nghe vài bản nhạc tình thời tiền chiến.
Vì mừng quá, xém chút nữa em đã dạ to lên cho mọi người biết, thế nhưng em đã kịp thời dừng lại. Sợ anh chê con gái gì mà dễ dãi, lẳng lơ quá như vậy. Cũng may mà em vẫn còn đủ bình tĩnh để nói với anh:
-Dạ, em phải xin phép mẹ.
Không biết anh có biết là em cố tình, đổi cách xưng hô hay không? Với em, em chủ động vì muốn như vậy.
Hình như anh đã bắt được tín hiệu nơi em, và cũng đổi cách xưng hô.
-Anh sẽ đợi, đợi cho đến khi nào có câu trả lời của mẹ em.
Khi anh và người lính đi cùng với anh, rời khỏi tiệm, em vẫn còn ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, không tin rằng hạnh phúc đến với mình dễ dàng như vậy. Từ đây em có quyền sống trong mơ, tin chắc rằng hàng tháng sẽ được gặp anh.
Đúng vậy, em đã được gặp anh thường xuyên hơn. Cứ vài tuần em lại được gặp anh một lần. Bất cứ những gì có liên hệ tới anh, em đều quý trọng. Uống một hớp cà phê túi vải cũng nhớ, ăn một bữa cơm ở quán Cây Mít, cũng nhớ, tới cà phê Thiên Hương, cũng nhớ. Thậm chí đi lang thang trên hè phố với anh, em cũng nhớ luôn, không những nhớ mà còn thương nữa.
Có một chuyện rất là đặc biệt, mà em phải nói với anh. Anh Hai của em đang học ở Saigon, về thăm nhà. Anh ấy về đúng vào dịp sinh nhật của em. Hai anh em rủ nhau đi dạo phố. Anh Hai của em, muốn nhìn lại thành phố Ban Mê Thuột thời trung học của anh ấy. Em muốn mua vài món vật dụng hàng ngày cho anh. Điều kỳ lạ, là khi đi bên cạnh anh Hai mà em cứ nghĩ là đang đi với anh. Khi vịn tay anh Hai, em nghĩ là em đang níu tay của anh. Nhìn anh Hai, em tưởng là em đang nhìn anh, ngay cả khi cười, khi nói, em cũng nghĩ là em đang cười nói với anh. Em hư quá phải không anh?
Ngày hôm đó em chỉ mua được mấy cục xà bông và hai ống kem đánh răng cho anh.
Anh à, sao lâu quá không thấy anh đến. Hơn hai tháng rồi, em đợi anh, đợi hoài đợi mãi. Anh bận hành quân hay là anh giận gì em? Có chuyện gì thì nói, đừng giận em nghe anh. Em có một chuyện bí mật, đợi khi gặp anh em sẽ nói.
Thư đã dài lắm rồi, em ngừng bút. Thương anh nhiều, nhớ anh cũng nhiều luôn.
Em Luận.
Đọc xong bức thư, tôi thẫn thờ như kẻ mất hồn. Tôi nhắm mắt, ngả mình xuống ghế sofa, cả một quá khứ êm đềm, thơ mộng rủ nhau kéo về.
Ngày sinh nhật của cô bé, cô đi dạo phố với anh Hai của cô mà tôi tưởng lầm cô đi với gã con trai của bà chủ có mấy tiệm vàng ở Saigon. Tôi đã hiểu lầm, một sự hiểu lầm tai hại không thể tha thứ được.
Tôi còn nhớ, sếp nhỏ của tôi đã từng nói với tôi “Có nhiều thằng, rắp ranh bán sách như mày mà không được, trong khi mày lơ ngơ láo ngáo lại được, đúng là mèo mù vớ cá rán.”
Sếp nhỏ của tôi và ngay cả tôi đâu có biết, nếu không có giây phút tình cờ gặp gỡ nơi trạm xe bus của hãng Hàng không Việt Nam, tôi cũng giống như hàng chục cây si trước cửa tiệm sách của cô bé mà thôi. Cuộc gặp gỡ đó là một sự may mắn kỳ diệu mà trời đã sắp xếp để tôi có được cô bé. Lẽ ra, tôi phải trân trọng gìn giữ. Ngược lại, tôi đã để nó vuột khỏi tầm tay của mình chỉ vì sự hiểu lầm nông nỗi của tôi. Tôi gọi thầm: Em ơi, giờ này em ở đâu? Anh muốn gặp em, để nói lời xin lỗi, mặc dù anh biết rằng có nói ngàn lời xin lỗi cũng không thể nào chuộc được lỗi lầm của anh.
♣
Tôi vẫn còn năm ngày phép, đủ cho tôi giải quyết mọi vấn đề. Từ Đalat đi Ban Mê Thuột, phi cơ chỉ bay khoảng bốn mươi phút, nhưng sao tôi thấy thời gian như kéo dài bất tận. Trong lòng nóng như lửa đốt, đứng ngồi không yên. Tôi đang trên đường bay trở về với quá khứ, đi tìm lại những gì mà mình đã đánh mất suốt mấy năm vừa qua. Tôi đang trở về với cô bé, trở về Ban Mê Thuột, trở về thánh địa của tình yêu.
Cuối cùng, tôi cũng đến được tiệm sách, tất cả vẫn còn y nguyên như bốn năm về trước, quầy tính tiền vẫn còn đó. Chỗ này, là chỗ tôi ngồi hút thuốc. Chỗ kia, là nơi tôi ngồi uống cà phê, trò chuyện với cô bé.
-Thưa bà…tôi.
-Trung úy cần gì?
-Bà cho tôi hỏi. Cô Luận, còn ở đây không ạ?
Người đàn bà nhìn tôi từ đầu đến chân rồi chậm rãi hỏi:
-Trung úy, quen với con gái tôi?
-Dạ…. chúng tôi là bạn.
Bà nói với tôi mà nước mắt bỗng dưng tuôn tràn.
-Con bé, nó mất hơn một năm rồi.
Tôi tưởng mình nghe lầm.
-Bà nói sao? Bà nói cái gì?
Người đàn bà lấy khăn thấm nước mắt, thổn thức qua màn lệ.
-Con Luận, nó mất hơn một năm rồi. Mà này, trung úy có biết không, ốm tương tư có thể làm chết người đấy ông ạ. Tội nghiệp con bé, cho đến lúc gần chết vẫn còn nhắc hoài, nhắc mãi đến cái ông Chuẩn úy nào đó ở Sư đoàn 23.
Tôi ôm người đàn bà, lẽ ra phải là mẹ của tôi với trái tim tan nát, trong khi nước mắt của mình đã đầm đìa, ướt đẫm vạt áo rằn ri.
Huy Văn Trương
No comments:
Post a Comment