Thursday, July 14, 2022

Chương XVII Lý Ngựa Ô - CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU - Huy Văn Trương


 Chương XVII

Lý Ngựa Ô

Vì muốn dành một sự ngạc nhiên, bất ngờ cho ba má của tôi, cho nên tôi dùng chìa khóa riêng của mình mở cửa, rồi dẫn Cúc vào nhà. Không thấy ai trong phòng khách, tôi kéo Cúc đi ra sau bếp, hai đứa đứng núp sau một cánh cửa. Đưa mắt nhìn qua ô kính nhỏ, tôi thấy má tôi đang rửa chén, ba tôi ngồi nơi bàn ăn, mắt nhìn mông lung qua khung cửa sổ nhỏ và hẹp.

-Bà nghĩ coi, giờ này thằng Quân đang ở đâu?

Vừa nói xong, không để má tôi trả lời, ba tôi thở dài.

-Không biết nó sống chết ra sao rồi !

Má tôi nói mà như muốn khóc.

-Cầu xin Trời Phật giúp nó trốn thoát được ra nước ngoài, tìm gặp vợ nó. Tội nghiệp, con nhỏ hiền lành lại dễ thương quá sức.

Ba tôi than thở.

-Cũng tại phúc phần nhà mình không có, cho nên đã làm đám hỏi rồi mà thằng Quân phải chịu cảnh chia lìa với vợ nó như vậy. Nếu biết được tình thế đổi thay như thế này, tui cho tụi nó làm đám hỏi và đám cưới một lần luôn cho rồi.

Tôi bấm nhẹ vào tay Cúc, nói nhỏ vào tai nàng.

-Em đợi anh một chút.

Nói xong tôi bước vô nhà bếp, hai tay chụm lại làm cái loa.

-Con đây nè.

Má tôi giật mình buông tay, cái chén sành bà đang cầm rớt xuống sàn nhà vỡ tan tành.

Tôi chạy đến, ôm lấy má tôi.

-Má ơi, con về rồi nè má.

Hai tay run run ôm chồm lấy tôi, má tôi nói, giọng nói nghẹn ngào đứt khúc.

-Có..có phải là con không Quân? Má có..mơ không?

Tôi nói thật rõ và chậm.

-Má không có mơ đâu, con về thiệt mà.

Ba tôi đến bên cạnh tôi, ông đưa bàn tay sần sùi, thô nhám nắm lấy tay tôi lắc mạnh, với giọng nói đầy thắc mắc.

-Tại sao con không trốn ra ngoại quốc, mà còn trở về đây làm gì?

Tôi quay người lại ôm lấy ba tôi, miệng nói với ông nhưng trong đầu lại nghĩ đến hai người lính Quân Cảnh đã chận tôi nơi đuôi chiếc phi cơ C130, ở phi trường Tân Sơn Nhất đêm nào.

-Con có trốn đi đó chớ, mà không được.

Tôi quay nhìn Cúc rồi đưa tay ra dấu. Cúc nhẹ nhàng đẩy cửa bước ra với cái va ly trên tay.

Bất ngờ thấy Cúc xuất hiện, ba tôi thảng thốt kêu lên.

-Trời đất ! Hai tháng trước, ba nghe thằng Quân nói con đã đi Mỹ với anh Bảy rồi mà. Sao bây giờ con còn ở đây?

Cúc đặt cái va ly xuống đất, lí nhí trong miệng.

-Thưa ba, con không có đi Mỹ.

Đưa hai tay ôm lấy đầu, ba tôi nói như là than thở, trách móc.

-Trời ơi là trời, con làm ba tức muốn chết được. Con và thằng Quân, cho dù có chết cũng phải liều mình mà trốn đi, tại sao giờ này cả hai đứa đều kẹt lại ở Việt Nam.

Cúc nhìn ba tôi, khi thấy đôi mắt của ông lộ vẻ giận dữ, Cúc ôm ông khóc ngon lành. Má tôi nhìn Cúc, rồi như mủi lòng bà cũng khóc theo. Đưa tay ngăn những giọt nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo, bà thổn thức.

-Tội nghiệp cho hai đứa con.

Tôi lặng người đứng nhìn mấy người thân của mình, cố gắng đè nén cảm xúc, không để bật thành tiếng khóc rồi vỗ nhẹ vào lưng Cúc.

-Nín đi em, mới gặp lại ba má, mình phải vui vẻ lên chứ.

Nghe tôi nói nhưng phải một lúc sau Cúc mới lau nước mắt rồi hỏi má tôi, giọng nói vẫn còn đầy xúc động.

-Thằng Tý với con Quyên đâu rồi má?

Má tôi cúi người nhặt một miếng miểng sành vỡ dưới đất, miệng nói.

-Tụi nó đi sinh hoạt đoàn thể Thanh thiếu niên tiền phong cứu quốc hay xung phong gì đó rồi, ở nhà chỉ còn ba với má thôi.

Cúc mở va ly lấy ra mấy xấp vải, đưa cho má tôi.

-Con mua xấp vải này để má may quần áo, màu và bông của nó rất trang nhã hợp với tuổi của má, xấp này dày và đậm màu để ba may quần tây, còn mớ này cho thằng Tý với con Quyên.

Vừa nói xong Cúc cúi đầu lục trong xách tay, lấy ra một cái hộp nho nhỏ cỡ bằng gói thuốc lá.

-Còn đây là chai dầu nóng Nhật Bản, con mua riêng cho má. Má để dành khi nào chân tay có nhức mỏi, dùng nó để xoa bóp.

Hai ngày trước tại chợ Bến Thành, khi thấy Cúc mua quần áo cho tôi rồi mua thêm mấy xấp vải cùng vài món đồ lẩm cẩm, tôi cứ nghĩ rằng Cúc mua cho nàng. Hôm nay, khi thấy Cúc chia quà cho mọi người, tôi mới biết Cúc đã tính toán sẵn mọi thứ trong đầu. Với tôi, trước đây Cúc là con gái nhà giàu chỉ biết tiêu xài phung phí. Bằng cớ là một tháng lương trung úy của tôi, chưa chắc mua được cái áo choàng hoặc đôi giày của Cúc, nói gì đến cái xách tay được làm tại Pháp mà Cúc đang dùng. Mọi việc trong nhà, Cúc chỉ cần sai bảo người làm, một lời của Cúc nói ra là một mệnh lệnh, kẻ ăn người ở phải tuân theo. Cúc dư biết, căn nhà mà ba má tôi đang ở là do bác Bảy bỏ tiền ra mua, chiếc xe Honda tôi đang đi, có một nửa là tiền của bác Bảy. Ba má tôi là những người quê mùa dốt nát, thuộc giai cấp nghèo khó trong xã hội, gia đình tôi được sự giúp đỡ, chịu ơn của bác Bảy quá nhiều, nếu phải đền ơn thì không biết đến kiếp nào mới xong. Cúc không cần phải mua quà cáp, để lấy lòng ba má và mấy đứa em của tôi. Dựa vào lối suy luận như trên, tôi có thể kết luận rằng: Những việc làm của Cúc cho ba má tôi ngày hôm nay, tất cả đều xuất phát từ cái tâm của nàng.

Tôi đã từng đi chơi với Cúc nhiều lần, nhưng ít khi để ý đến cử chỉ, hành động cũng như lời ăn tiếng nói của Cúc, cô vợ sắp cưới của mình, bởi vì thiên kiến về cuộc sống con gái nhà giàu như thế nào vốn đã có sẵn trong đầu của tôi. Những thành kiến trước đây của tôi về Cúc, hôm nay đã bị đánh đổ. Bấy lâu nay tôi có mắt mà như mù, đã nhìn lầm về cô vợ mới cưới của mình.

Khi đã hiểu rõ thêm chút tính tình của Cúc, tôi không ngạc nhiên cho lắm khi thấy Cúc nhanh tay lo phụ má tôi quét nhà, nấu cơm.

Phần tôi, chỉ có việc ngồi nơi bàn uống ly nước trà, chờ cơm chín. Hơn cả tháng rồi, hôm nay tôi mới có dịp ngồi chuyện trò với ba tôi. Thôi thì đủ thứ chuyện được nói tới, bắt đầu từ cái chuyện học hành, vô đoàn thể của hai đứa em tôi, tới chuyện sau khi tất cả dân chúng, quân nhân cũng như cảnh sát và Trường Võ Bị Đà Lạt di tản, Thành phố Đà Lạt bỏ ngõ, phải ba bốn ngày sau mới có vài ông du kích tiến vào tiếp thu. Đang nói chuyện, bỗng nhiên ba tôi hỏi.

-Con còn nhớ ông Năm bán bánh xèo bên hông tiệm sắt, ở ngã ba đường Minh Mạng và Tăng Bạt Hổ không?

Tôi trả lời mà không cần suy nghĩ.

-Nhớ chớ, con với ba đã có lần ăn bánh xèo ở đó rồi mà.

-Ba cũng nhớ chớ sao không, bởi vậy ba mới hỏi, ngày trước con có ỷ mình là trung úy rồi hống hách hay hiếp đáp gì ông ta hay không?

Tôi cười vì câu hỏi quá sức thật thà của ba tôi.

-Ba à, trung úy không là cái gì hết, chỉ cần phạm một lỗi nho nhỏ về quân phong quân kỷ thôi, như mặc quần mà không gom ống cho gọn hay để tóc dài chưa kịp hớt, cũng đủ để Quân Cảnh còng đầu, bỏ tù ngay lập tức, huống gì mang cái tội về hình sự, hiếp đáp dân lành. Ba có biết không, một trong sáu điều tâm niệm của người lính Việt Nam Cộng Hòa là không được làm mất lòng dân, con là trung úy nên phải triệt để thi hành, lấy câu nói đó làm phương châm khi giao tiếp với mọi người. Có bao giờ con làm mất lòng ai đâu. Còn quán bánh xèo ông Năm thì quá quen đối với con, tuần nào con lại không ghé đến đó một hai lần. Vì quen biết như vậy, nên khi đổ bánh xèo cho con, ông Năm thường ưu ái thêm vào cái bánh một hai con tôm gọi là tặng cho khách quen đặc biệt. Mối giao tình giữa con và ông ấy rất tốt.

Ba tôi với giọng nói dè chừng.

-Theo ba nghĩ, lúc còn Việt Nam Cộng Hòa, với bất cứ ai ông Năm cũng đối xử vui vẻ niềm nở, thậm chí còn khúm núm thưa bẩm nữa là khác.

-Con không có binh ông Năm, nhưng ba nói hơi quá, ai làm ăn buôn bán cũng phải nể trọng, chiều chuộng khách hàng, ông ta hành xử như vậy có gì là lạ đâu.

Ba tôi hứ trong cổ họng.

-Lạ chớ sao không, con có biết ông ta là ai không, gốc gác như thế nào?

-Con làm sao mà biết được.

-Sở dĩ, ông Năm nhún nhường như vậy, bởi vì ông ta đóng kịch để che giấu cái gốc Việt Cộng nằm vùng của ông ấy. Nhờ đóng kịch khéo léo cho nên một cán bộ gộc, sống ngay trước mắt các cơ quan tình báo của Việt Nam Cộng Hòa mấy chục năm rồi, mà không bị phát giác. Hiện tại ông Năm là chủ tịch hay là phó chủ tịch tỉnh của mình, mỗi khi ông ta đi đâu đều có hai ông lính Việt Cộng, súng đạn đầy người theo sát bên hông để bảo vệ ông ta. Mới hôm qua, ba gặp ông Năm trước trụ sở khu phố, thoáng thấy ba, ông ngoắt ba lại rồi hỏi “Cậu Quân, con của ông về chưa?”. Ba chỉ ăn ở quán bánh xèo ông Năm có một lần duy nhất, đó là lần đi với con, vậy mà gặp ba là ông ấy nhớ liền.

Nghe ba tôi nói mà tôi giật mình, ngồi trong nhà mát lạnh mà trán của tôi rươm rướm mồ hôi. Bao nhiêu năm rồi, tôi tiếp xúc với một cán bộ gộc của Việt Cộng, lúc nào cũng đùa giỡn với ông ta, đùa với lửa mà hoàn toàn không biết. Tôi nhấp một ngụm trà, cố nuốt trôi cái đăng đắng nơi cổ họng, rồi nói.

-Hôm nay, ba nói con mới biết.

Ba tôi với giọng nói chậm rãi.

-Đổi đời rồi, ba chỉ muốn nhắc nhở để con chuẩn bị tinh thần.

-Dạ con nhớ rồi.

Tôi nhìn qua bếp, má tôi múc thức ăn ra dĩa rồi lên tiếng.

-Hai cha con chuẩn bị ăn cơm.

Cúc bưng lên hai chén nước mắm ớt, mỗi chén có một cái trứng luộc và một dĩa bắp sú xào mỡ, tôi là dân Đà Lạt nên gọi bắp cải là bắp sú. Thức ăn bữa trưa của bốn người, chỉ có vậy. Tôi nhìn dĩa bắp sú xào trên bàn, rồi nói đùa với má tôi.

-Tụi con mới về, bữa cơm đoàn tụ mà má cho tụi con ăn chỉ có một món bắp sú thôi sao? Mà má à, tại sao bắp sú lại xắt nhỏ và có màu nâu như vậy?

Má tôi giải thích.

-Đây là bắp sú phơi khô, chuyện như thế này, lúc dân Đà Lạt di tản hết rồi, người không nhà trống tuy nhiên rau cải đã đến kỳ hạn mà không có người thu hoạch, để mặc ngoài vườn cho hư thối. Một vài người dân nghèo tiếc của, họ chặt rồi gánh bắp sú ra phố đi bán dạo. Của đổ mà hốt, được đồng nào hay đồng nấy.

Má tôi xới cơm ra chén.

-Con có biết không, một gánh bắp sú nặng năm, sáu chục kí-lô, bán chỉ được một trăm đồng. Nội cái chuyện gánh mấy cây số từ vườn ra tới phố, tiền công gánh, cũng phải gấp năm lần tiền bán sú. Với một trăm đồng, họ mua chưa được một kí gạo, cho nên người ta không bán sú để lấy tiền, mà chỉ đổi lấy gạo. Thấy hoàn cảnh khổ cực của mấy người bán bắp sú, ba của con đổi cho họ, hai kí lô gạo lấy một gánh sú. Hình như, những người bán bắp sú thấy chuyện trao đổi với ba của con là có lợi nhiều nhất cho họ, cho nên vài ngày sau đó, người ta lại gánh đến trước nhà thêm vài gánh nữa. Ba con đồng ý đổi cho họ, nhưng dặn thêm lần tới sẽ không đổi nữa, vì hết gạo và nhà mình đã thành cái vựa bắp sú rồi. Với mấy trăm kí lô bắp sú, ba con xắt nhỏ, phơi khô rồi đóng vô bao bố. Cả tháng rồi nhà mình ăn cơm với bắp sú khô xào, rồi bắp sú khô luộc, đến nỗi thằng Tý với con Quyên nói, thấy bắp sú khô là tụi con ớn lên tận cổ.

Tôi hỏi má tôi.

-Trong nhà còn gạo nhiều lắm phải không má?

Má tôi lắc đầu nguây nguẩy.

-Làm gì có, trước khi Đà Lạt di tản, có bao nhiêu tiền má gom góp lại đem hết đi mua gạo, được đâu một trăm kí. Nhà mình có bốn người, ăn dè sẻn cho đến hôm nay, cũng hết quá phân nửa rồi.

Cúc đang ăn cơm ngẩn nhìn má tôi.

-Ngoài chợ có bán gạo không má?

-Có đó nhưng mà mắc lắm, mua không nổi đâu.

Cúc thắc mắc.

-Nếu như vậy, khi hết gạo, thì lấy gì để ăn?

Má tôi với giọng nói bình thản.

-Trời sinh voi sinh cỏ con à, mình đã lo rồi mà không được, phải đành chịu thôi.

Nghe Cúc và má tôi nói chuyện, tôi nghĩ đến người Lạch ở trong buôn làng mấy chục năm trước, chặt được một gùi củi đem ra chợ Đà Lạt, đổi lấy vài kí lô muối hột. Hôm nay chuyện trao đổi lại tái xuất hiện, chỉ khác biệt là người dân làm vườn trồng rau cải, suốt ba, bốn tháng trường, chăm lo tưới nước, bón phân, xịt thuốc sâu. Đến khi thu hoạch gặp lúc tai trời ách nước, gánh một gánh bắp sú nặng oằn vai ra phố Đà Lạt, đổi lấy hai kí lô gạo.

Bữa cơm gia đình chấm dứt trong bầu không khí đầy lo âu, tôi đưa Cúc về phòng riêng của chúng tôi ở tầng ba. Hai tay vịn lấy lan can nơi cầu thang, vừa đi Cúc vừa nói.

-Anh chở em ra phố chút xíu thôi, được không?

-Đi liền hả?

-Dạ, đi liền.

Tôi lái chiếc Honda hai bánh của mình, chở Cúc chạy chầm chậm vòng quanh khu phố Hòa Bình. Chung quanh tôi, không bóng dáng một chiếc xe hơi, chỉ có cờ đỏ với sao vàng ủ rủ trong nắng chiều, lác đác vài khách bộ hành áo quần lem luốc đi trên hè phố. Cà phê Tùng rồi nhà hàng Mê Kông, tiệm thuốc bắc Đức Xương Long, bánh mì Vĩnh Chấn cùng tất cả mọi cửa hàng đều đóng kín. Cúc đập nhẹ vào vai của tôi, rồi nói nhỏ.

-Mình chạy xuống chợ đi anh, em muốn mua ít đồ.

Tôi cho xe đổ dốc Lê Đại Hành, đi vòng quanh vòi phun nước gần cà phê Hạnh Tâm rồi quẹo vô chợ Đà Lạt. Giống như Khu phố Hòa Bình, những tiệm tạp hóa quanh chợ đều đóng cửa im ỉm. Trong chợ, chỉ một số ít sạp hàng là có người buôn bán, trong đó có vài gian hàng thực phẩm khô, còn lại, hầu hết là những sạp bán rau cải tươi của Đà Lạt.

Cúc mua một mớ tôm khô, cá khô, rau củ tươi, thêm mấy bao gạo, mỗi bao chỉ có mười kí lô. Người bán kéo bao gạo giấu ở dưới chân đưa cho Cúc, đôi mắt của bà ta lén lén lút lút nhìn ngang, liếc dọc như sợ có người trông thấy.

Cúc hỏi bà bán hàng.

-Tại sao mỗi bao chỉ có mười kí, có bao một trăm kí không bà?

Bà bán hàng nói.

-Cô di tản xuống Sài Gòn, mới trở về Đà Lạt phải không?

-Sao bà biết?

-Gạo là món hàng thuộc quyền quản lý của nhà nước, bao gạo chỉ xanh một trăm kí làm gì có nữa, cô có thấy mấy tiệm gạo bên hông chợ không, nhà nước đã tịch thu hết gạo rồi, còn đâu nữa mà bán. Số gạo mà tôi giấu ở đây là gạo chợ đen, gạo lúa rẫy trồng ở Tùng Nghĩa, phải bán chui, bán lén, trốn tránh sự kiểm soát của nhà nước.

Đang nói chuyện với Cúc, bà bán hàng quay qua nhìn tôi phân bua.

-Cậu nghĩ coi tôi nói có đúng không, ở vào thời buổi gạo châu củi quế, kiếm được đồng tiền không phải dễ, làm việc đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được, tiền đâu mà mua bao gạo chỉ xanh một trăm kí lô. Cho nên, tôi đóng mỗi bao mười kí cho dễ mua bán và chuyên chở.

Nhìn mớ hàng quá nhiều mà Cúc vừa mua, tôi phải dặn Cúc ngồi trong chợ, đợi tôi chở gạo và mấy món đồ khô về nhà, sau đó sẽ chạy ra đón Cúc về.

Khi tôi trở lại chợ, Cúc đang đứng bên mấy bị gạo mới mua thêm với đủ mọi thứ thực phẩm đựng trong hai cái giỏ xách to. Tôi đùa với Cúc.

-Em định dọn hết cái chợ Đà Lạt về nhà mình phải không? Có muốn dọn cũng phải kin kín một chút, coi chừng đám cách mạng ba mươi.

Tôi lái xe mà đầu óc cứ suy nghĩ vẩn vơ, mấy hôm nay tôi thấy Cúc tiêu xài khá nhiều, suốt mấy ngày qua một câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu của tôi “Cúc còn bao nhiêu tiền?” Nghĩ như vậy nhưng tôi không dám hỏi thẳng Cúc, bởi vì từ trước cho đến giờ, lúc nào tôi cũng bị ám ảnh bởi chuyện mình là kỹ sư đào mỏ.

Cúc đã nấu xong cơm chiều, mãi đến lúc trời tối mịt hai đứa em của tôi mới về đến nhà. Khi thấy vợ chồng tôi, cả hai đứa đều vui mừng chạy lại ôm lấy Cúc, tụi nó coi như không có tôi, không có ông anh đứng bên cạnh. Chuyện cũng phải thôi, trước đây mỗi khi tới nhà tôi, Cúc đều mua quà cho cả hai đứa, khi thì bánh kẹo, lúc thì đồ chơi thậm chí một đôi lần còn cho tiền, con nít gặp bà chị dâu như vậy, không thương cũng uổng.

Hai đứa em của tôi, mặt mày tươi rói khi ngồi vô bàn ăn, thằng Tý nói.

-Ăn cơm tối mà giống như nhà có tiệc, Chị Hai nấu phải không?

Má tôi cười, nụ cười đầy sung sướng.

-Chị Hai tụi bây chứ còn ai vô đây.

Con Quyên láu táu.

-Mấy tháng rồi, con mới thấy miếng thịt heo ba chỉ, con ăn được không?

Cúc mời ba má tôi ăn cơm, rồi nói với hai đứa em.

-Hôm nay, nhà mình ăn thịt heo luộc cuốn bánh tráng, chấm mắm nêm, sau đó mới ăn cơm với thịt heo kho tàu. Mấy đứa ăn bao nhiêu cũng được, chị mua nhiều nhưng cũng đừng ăn mỡ nhiều quá, coi chừng đau bụng.

Bầu không khí trong nhà vui vẻ, ấm cúng lạ thường, bao nhiêu chuyện xưa tích cũ cũng như những gì đã xảy ra trong tháng vừa qua, đều được đem ra kể lại.

Ba tôi vừa ăn vừa nói với Cúc.

-Cúc à, nhân dịp cả nhà đầy đủ, ba muốn nói với con chuyện này, căn nhà này là nhà của con, tối nay con muốn ở phòng nào, con cứ chọn.

Cúc nói với ba tôi.

-Tụi con ở căn phòng trên lầu là được rồi, mà tại sao ba nói như vậy.

Ba tôi từ tốn giải thích cho Cúc hiểu.

-Mấy năm trước, anh Bảy có nói với ba hãy bán căn nhà ở Trại Hầm, mua căn nhà nơi phố mà ở. Ba với má không chịu nhưng anh Bảy nói với ba “Anh chị phải mua nhà ở phố, khi thằng Quân cưới con Cúc, tụi nó mới ở chung với anh chị, lo phụng dưỡng anh chị lúc tuổi già. Nếu anh ở Trại Hầm, căn nhà gỗ nhỏ như vậy làm sao đủ phòng cho sáu, bảy người”. Nghe anh Bảy nói, ba đã ngầm đồng ý vì ảnh nói đúng ngay ước mơ của ba, nhưng mà ba không có tiền, nội cái chuyện ăn uống trong nhà đã thiếu trước hụt sau, đào đâu ra tiền để mua nhà ở phố. Thấy ba im lặng không nói gì anh Bảy mới nói thêm “Tôi mua căn nhà ở phố nhờ anh đứng tên, mai mốt thằng Quân với con Cúc làm đám cưới xong, tụi nó dọn về ở với anh chị. Nếu anh chị chê không thèm ở đó, thì sang tên lại cho con Cúc.”

Ba tôi cúi đầu, trầm ngâm một chút.

-Cúc à, con có biết không, anh Bảy mua căn nhà này là mua cho con, vậy mà tháng trước ba nghe thằng Quân nói con đã đi Mỹ với anh Bảy rồi, khiến ba như bị hụt chân không biết xử trí ra sao với căn nhà, bây giờ có con về đây, ba thấy nhẹ nhõm cả người.

Cúc cười, nụ cười đầy vẻ tinh nghịch rồi nói với ba tôi.

-Ba với má bị ba con lừa rồi, ổng nói với ba như vậy vì ổng muốn ba dọn về ở đây cho tươm tất hơn thôi. Thật ra, ba con đã xây cho con một cái biệt thự to lớn với đầy đủ tiện nghi ở đường Nguyễn Tri Phương, cái biệt thự xây gần xong, đang chuẩn bị mua sắm bàn ghế, con đã phải bỏ chạy, chắc giờ này cũng bị Việt Cộng lấy mất rồi.

Cúc ngưng nói, nhìn về phía phòng khách.

-Cũng may là còn cái nhà này của ba má, mà hôm nay tụi con mới có chỗ để trú ngụ. Con với anh Quân ở căn phòng trên lầu ba đã quá sức rộng rãi, quá tiện lợi. Ba má đừng có suy nghĩ nhiều cho mệt sức.

Con Quyên cắn miếng thịt heo kho tàu, vừa nhai ngồm ngoàm trong miệng vừa nói:

-Chị Hai nè, chị là số một, em thương chị nhất nhà, thương hơn ba má em luôn, tối nay em ngủ với chị nghe.

Má tôi nhìn con bé .

-Có phải chị Hai cho con ăn thịt heo kho, nên con mê Chị Hai phải không? Chị Hai là của anh Hai, con không được giành.

Bữa cơm đoàn tụ gia đình đã đem đến thoải mái, vui vẻ cho mọi người. Cơm nước vừa xong, tôi đưa Cúc về phòng. Khi đã đi qua khỏi phòng khách, tôi cười rồi nói đùa với Cúc.

-Để anh cõng em lên lầu.

Hai gò má ửng hồng vì mắc cỡ, Cúc đập nhẹ lên vai của tôi.

-Đừng có giỡn, ba má thấy kỳ chết.

Tôi nói với Cúc giọng chắc nịch, đầy tin tưởng.

-Em không nghe má nói sao, Chị Hai là của anh Hai mà. Nghe theo lời dạy của má, bây giờ anh Hai phải cõng chị Hai lên lầu.

Nói xong, không đợi Cúc có đồng ý hay không, tôi nghiêng vai cúi người xuống.

Cúc cười khúc khích choàng hai tay qua cổ, thì thầm vào tai của tôi.

-Chỉ sợ em nặng quá, anh cõng không nổi.

Máu anh hùng rơm chợt nổi lên, tôi hỏi Cúc.

-Em bao nhiêu kí?

-Bốn mươi tám.

Tôi bĩu môi.

-Nhẹ hều, em có biết không, ngày xưa khi còn học ở quân trường Thủ Đức, mỗi lần đi bãi chiến thuật xa hàng chục cây số, lưng anh mang ba lô, vai vác cây súng đại liên M60, tay xách một thùng sắt đựng hai trăm viên đạn, anh coi như không có.

Sở dĩ tôi nói như vậy, vì biết Cúc hoàn toàn mù tịt về quân trang cũng như quân dụng của lính, cho nên tôi tha hồ nói hươu nói vượn mà không sợ bị lộ tẩy, thậm chí nếu lỡ có sơ suất nói với Cúc là cây súng đại liên M60 nặng bốn mươi tám kí lô, Cúc cũng sẽ tin ngay. Thực ra, cái ba lô tôi mang lép kẹp chỉ có vài cuốn vở ở bên trong, còn cây súng đại liên M60 nặng khoảng mười kí, chỉ chừng đó thôi mà tôi đã đổ mồ hôi cục, thở muốn hụt hơi khi tới được bãi học. Sức đâu mà xách thêm thùng đạn, Sinh viên sĩ quan chứ đâu phải con lạc đà mà mang vác nặng như vậy.

Lên được mươi bậc thang, tôi giả vờ như mình mệt lắm đi chậm lại miệng thở hổn hển.

Advertisements
REPORT THIS AD

-Em có nhớ, ngày xưa khi mình đi tắm biển ở Vũng Tàu không?

Cúc nói qua hơi thở.

-Em nhớ suốt đời, khổ đau mới mau quên, còn hạnh phúc thì làm sao quên được.

Tôi góp ý.

-Cũng tùy thôi, với anh bỏ lỡ cơ hội sẽ làm mình nhớ suốt đời.

Lợi dụng lúc đang cõng Cúc, tôi bấm nhẹ vào đùi của nàng.

-Hồi đó, khi thấy em từ dưới bãi biển vắng người đi lên, một mình em giữa trời đất bao la, vây quanh bởi nước xanh, mây trắng, cát vàng. Em có biết không, khi nhìn thấy thân hình của em lồ lộ, đẹp tuyệt mỹ với làn da trắng mịn màng trong bộ bikini xanh lợt, lúc ấy anh chỉ muốn ôm lấy em, nhưng…

Tôi chắt lưỡi như là tiếc rẻ.

-Hồi đó anh không dám, phải chi được như bây giờ.

Cúc hỏi.

-Như bây giờ, thì anh làm gì?

Tôi mỉm cười đắc ý.

-Ôm hôn em liền chứ còn chờ đợi gì nữa mà hỏi.

Không nghe Cúc nói gì, tôi quay đầu nhìn lại.

-Em có biết bài dân ca “Lý Ngựa Ô” không?

Cúc gật đầu.

-Biết.

Tôi hát nho nhỏ, chỉ vừa đủ cho Cúc nghe.

Tiếp theo chương 18

No comments:

Post a Comment