Chương XV
The Gray Tiger
Không biết là mình đã ngủ được bao lâu, đang lơ mơ trong cõi hồng trần, tôi giật mình choàng tỉnh vì thân hình của mình bị nhấc lên khỏi mặt ghế rồi quăng mạnh xuống. Chưa kịp tìm hiểu nguyên nhân, tôi đã nghe Cúc hỏi.
-Chuyện gì vậy anh?
Minh vội vàng trả lời thay tôi.
-Một cái ổ gà quá lớn, hình như đó là một cái hố đạn pháo mới có độ một vài tuần trở lại đây, khiến tôi không tránh kịp. Mọi chuyện đều tốt đẹp, cô cậu cứ ngủ đi.
Tôi quay qua Minh.
-Mình đi tới đâu rồi anh Minh?
-Vừa lên hết đèo Bảo Lộc, chừng một giờ nữa, khoảng sáu giờ sáng mình sẽ đến Di Linh.
Tôi nhắc lại hai chữ Di Linh, rồi nhớ đến cái quận lỵ buồn hiu, còn in đậm dấu ấn của những ngày người dân Đà lạt chuẩn bị di tản.
Tôi hỏi Minh.
-Vào khoảng ngày này tháng trước, anh ở đâu?
-À…tôi đang ở Sài Gòn.
-Như vậy, anh có biết gì về trận đánh tái chiếm Di Linh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hay không?
-Đánh nhau ở Di Linh? Tôi không biết.
-Để khỏi buồn ngủ, tôi sẽ kể cho anh nghe vài chi tiết trong trận đánh ấy. Anh là tài xế đường Sài Gòn – Đà Lạt nên anh biết rõ, Di Linh là một quận lỵ nhỏ nằm trên Quốc lộ 20, cách Đà Lạt đúng tám mươi cây số. Để tôi nhớ lại coi, vào khoảng hai mươi bảy tháng Ba trong cuộc tấn công tiến chiếm Đà Lạt. Lực lượng của Việt Cộng gồm có Trung đoàn 165 và Trung đoàn 209 của Sư đoàn 7, phối hợp với xe tăng và đại pháo 130 ly, thế mạnh như chẻ tre, chúng di chuyển như chỗ không người. Bắt đầu từ Đại Quay ở gần đèo Chuối chỉ trong vòng một ngày họ đã chiếm xong Bảo Lộc, sau đó đánh thốc vào chi khu Di Linh, làm chủ luôn quận lỵ này. Ở Đà Lạt, Thiếu tướng Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt, đưa Tiểu đoàn 204 Trinh sát của Tiểu khu Tuyên Đức do Thiếu tá Lê Xuân Phương làm Tiểu đoàn trưởng tái chiếm Di Linh. Ông Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng này, tôi đã nghe danh từ lâu, từ lúc ông ấy còn mang cấp bậc trung úy làm đại đội trưởng Đại đội 302 Trinh sát của Tiểu khu Tuyên Đức. Nghe danh, nhưng tôi chưa bao giờ được gặp mặt. Anh Minh có biết không, với tôi chuyện gặp mặt Thiếu tá Phương, còn khó hơn là gặp Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu.
Minh cười ra vẻ thích thú.
-Ông thiếu tá ấy, có gì mà ghê vậy?
-Có chứ, có nhiều điểm đặc biệt về ông ấy mà tôi cần phải nói, điểm thứ nhất là về chiến công. Tôi muốn hỏi anh Minh là sáu năm trong lính Nhảy dù, anh tham dự bao nhiêu trận đánh? Có được bao nhiêu huy chương?
Đang chăm chú lái xe, gương mặt của Minh vụt sáng rực lên.
-Tôi đụng địch cả vài chục trận, thắng có thua có, chiến thắng thì đầy oai hùng mà khi thua cũng te tua tàn mạt không khác gì con gà chết. Trong gần sáu năm ở Nhảy Dù, tôi có được hai Anh Dũng Bội Tinh, một cái đồng, một cái bạc. Ngầu nhất là cái huy chương bạc, khi giấy tờ hình như từ trên Bộ tư lịnh Sư đoàn Nhảy Dù về, trong một buổi lễ thật là long trọng được tổ chức trước Bộ chỉ huy Tiểu đoàn. Tôi diện bộ đồ bông mới cáu chỉ, đôi giày bốt đờ sô láng cóng, cái mũ nồi đỏ tươi trên đầu, thêm sợi dây biểu chương ba màu trên vai, cùng với hơn ba chục sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ, đứng trước hàng quân để thiếu tá Tiểu đoàn trưởng gắn huy chương.
Vì muốn chứng tỏ sự hiểu biết của mình về dây biểu chương, tôi nói với Minh, mục đích là khoe khoang kiến thức của mình, mặc dù, sự hiểu biết này là do tôi nghe lóm khi thiếu tá trưởng phòng của tôi nói chuyện với bạn của ông ấy.
-Anh Minh nè, dây biểu chương ba màu, anh dùng chữ không được đúng cho lắm. Đại khái, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có bốn loại dây biểu chương: thứ nhất, dây biểu chương màu vàng Anh Dũng Bội Tinh, dành cho đơn vị được tuyên dương trước quân đội hai lần. Thứ hai, dây biểu chương màu xanh Quân Công Bội Tinh, dành cho đơn vị được tuyên dương trước quân đội bốn lần. Thứ ba, dây biểu chương màu đỏ Bảo Quốc Huân Chương, dành cho đơn vị được tuyên dương trước quân đội sáu lần. Thứ tư, cao nhất là dây biểu chương màu Tam Hợp, tổng hợp ba màu nói trên, dành cho đơn vị được tuyên dương trước quân đội tám lần. Hồi còn ở quân trường, Sinh viên sĩ quan Thủ Đức bọn tôi được mang dây biểu chương màu vàng Anh Dũng Bội Tinh, có nghĩa là Trường Bộ Binh Thủ Đức được tuyên dương trước quân đội hai lần. Riêng dây biểu chương màu Tam Hợp của anh, tôi không chắc cho lắm, nhưng hình như trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chỉ có Tiểu đoàn I Nhảy Dù, một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến là được mang dây biểu chương màu Tam hợp mà thôi.
Nghe tôi nói xong, Minh gật gù.
-Vậy mà tôi cứ tưởng lính đeo dây biểu chương trên vai, cũng giống như đồ trang sức của mấy cô đeo nơi tay nơi cổ, khi đi dạo phố. Cậu Quân biết không, sau lễ gắn huy chương, suốt ngày hôm ấy tôi cứ như là đi trên mây, bay trong gió, cái cảm giác thoải mái ấy kéo dài cả ngày.
Tôi thúc cùi chỏ vào hông của Minh.
-Anh không nói cho tôi biết, tại sao anh có được cái huy chương Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao bạc.
Minh nhíu mày rồi nói.
-À… chuyện như thế này, Tết Mậu Thân, Việt Cộng đồng loạt đánh phá Thủ đô Sài Gòn và mấy chục tỉnh thành của Miền Nam Việt Nam. Tiểu đoàn I Nhảy Dù cùng những đơn vị bạn của các binh chủng khác, có nhiệm vụ giải tỏa áp lực của Việt Cộng tại Sài Gòn. Trung đội của tôi đụng với một đơn vị chính quy của Việt Cộng, đang cố cầm chân lính Nhảy Dù để cho phe họ rút lui. Ba thằng Việt Cộng đóng chốt, chúng đặt cây đại liên dưới một gốc cây me to lớn, cành lá um tùm, rậm ri, thân cây như là một lá chắn thiên nhiên tuyệt vời, che chở cho việc phòng thủ. Bọn Việt Cộng bám chặt lấy gốc cây, khi thấy lính Nhảy Dù ló đầu ra là cây đại liên quạt xối xả như mưa, tụi tôi mà di chuyển lạng quạng là bể gáo ngay lập tức. Ông Trung sĩ tiểu đội trưởng của tôi, với cây súng phóng lựu M79 trên tay, đang loay hoay tìm cách khóa họng cây đại liên của Việt Cộng, chỉ vì một sơ xuất nhỏ khi di chuyển, ông ấy đã lãnh một viên đạn đại liên ngay ngực.
Vừa nói, Minh vừa lấy tay chỉ vào ngực phải của mình.
-Ngay đây nè, ông trung sĩ té ngửa, giãy đành đạch như con cá lóc bị đập đầu bằng cái chày vồ. Hai thằng bạn của tôi vì nóng lòng nhào lên cứu bạn của mình, cũng bị đốn ngã luôn. Mọi việc xảy ra khá bất ngờ khiến tôi đâm hoảng. Đang lúng túng, chưa biết phải làm gì trong tình huống nguy nan như vậy, tôi đưa mắt nhìn quanh, chợt phát hiện được một con hẻm ở gần đó. Tôi sống ở khu Vườn Chuối, Bàn Cờ nên khá rành về ngóc ngách của những con hẻm ở Sài Gòn. Không một chút chần chờ, tôi phóng ngay vô con hẻm. Đánh trước mặt không được thì phải đánh bọc hậu, với tình thế không lấy gì làm sáng sủa như thế này, một phút trôi qua sẽ có thêm nhiều đồng đội của tôi bị mất mạng. Tôi biết rằng, mình cần phải chạy đua với thời gian, chạy càng mau càng tốt, mau như một lực sĩ chạy tranh tài ở Thế vận hội. Vì suy nghĩ như vậy, cho nên tôi chạy như bay thiếu điều muốn đứt hơi. Sau một hồi chạy vòng vo tam quốc trong mấy con hẻm, cuối cùng tôi cũng đến nơi. Không kịp nghỉ xả hơi, tôi nhẹ nhàng rút chốt một trái lựu đạn M26 tặng cho tụi nó. Sau một tiếng nổ vang trời, rung rinh cả mặt đất, tôi bồi thêm một băng M16 cho chắc ăn. Hai thằng Việt Cộng nằm thẳng cẳng, im ru bà rù, thằng thứ ba còn ngáp ngáp được vài cái rồi cũng đi luôn, tôi tà tà vác cây đại liên đem về trung đội.
Giọng nói của Minh trở nên sôi nổi hơn.
-Cậu Quân biết không, cả trung đội nhìn tôi với những ánh mắt đầy thán phục. Riêng ông thầy của tôi, vỗ vai tôi rồi khen “Lẽ ra sếp lớn phải mượn cái quai chảo của tao, gắn vào cổ áo của mày mới đúng”. Đó là câu khen thưởng khiến tôi nhớ đời, bởi vì suốt mấy năm trong lính, chưa có một ông sĩ quan nào khen lính hay bằng ông thầy của tôi. Chuẩn úy trung đội trưởng của tôi, tuy mang lon nhỏ nhưng lại dám ăn to nói lớn, coi bộ ông ta nói còn ngon hơn ông tướng Tư Lệnh Sư Đoàn.
Minh quay đầu nhìn tôi.
-Cậu Quân có biết tại sao tôi nói như vậy không?
Tôi lắc đầu.
-Không.
Minh cười khoái chí.
-Vì ông thầy của tôi, thăng cho tôi một lần năm, sáu cấp luôn, từ lính lên thẳng quan, bỏ qua giai đoạn hạ sĩ quan. Kể từ đó, tôi có cái biệt danh là “Minh chuẩn úy”. Lợi dụng cái biệt danh này, mỗi lần được phép về Sài Gòn, tôi diện bộ đồ bông bạc màu sương gió với cái mũ nồi màu đỏ thắm, khi gặp gỡ và chuyện trò với các em gái hậu phương, tôi tự giới thiệu với mấy cô, câu nói mà tôi đã thuộc lòng, nguyên văn như sau “Thưa cô, bạn bè ở đơn vị gọi tôi là Minh chuẩn úy”. Tôi nói sự thật, nhưng đó là một sự thật đầy gian dối kiểu mập mờ đánh lận con đen. Xin cậu Quân nhớ cho, tôi nói tôi là “Minh chuẩn úy” chứ không phải Chuẩn úy Minh. Tiếng Việt của mình nó hơi lắc léo ở chỗ đó, cậu Quân ở trong quân đội còn lầm lẫn, huống gì các em gái hậu phương. Đúng không?
Tôi nói với Minh.
-Anh nói đúng, thoáng nghe qua lầm chết đi được. Mà thôi, trở lại chuyện ba thằng Việt Cộng và một cây đại liên đổi lấy cái ngôi sao bạc, cũng xứng đáng quá đi chớ. Chỉ có một cái huy chương mà anh vui vẻ cả ngày. Thiếu tá Lê Xuân Phương, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 204 Trinh sát của Tiểu khu Tuyên Đức, có hơn bốn chục cái huy chương. Từ cái thấp nhất là Anh Dũng Bội Tinh ngôi sao đồng, cho đến cái cao nhất là Bảo Quốc Huân Chương, Thiếu tá Phương có đủ. Chưa kể những huy chương của Mỹ trao tặng cho ông ta.
Minh quay nhìn tôi, đôi mắt của anh mở lớn.
-Hơn bốn chục cái huy chương?
Tôi đáp.
-Đúng.
Minh lắc đầu ra vẻ không tin.
-Huy chương chứ đâu phải lá vàng rơi rụng đầy đường, muốn lượm bao nhiêu cũng được. Tôi nghĩ đó chỉ là tin đồn, người ta vẽ rắn thêm chân để ca tụng ông ấy mà thôi. Cậu Quân nè, tôi có hơi thắc mắc cộng thêm chút nghi ngờ, cậu chưa bao giờ gặp ông Thiếu tá Phương, làm sao mà cậu biết được ông ấy có bao nhiêu cái huy chương. Cậu nghe người ta kể lại phải không? Chắc cậu biết câu chuyện con rắn vuông rồi chứ gì?
Tôi gật đầu, rồi nói với Minh.
-Tôi có biết chuyện con rắn vuông.
Miệng trả lời nhưng tôi nghĩ thầm, anh chàng này lăn lóc, va chạm với đời quá nhiều, nói chuyện với anh ta chỉ cần một điểm không rõ ràng, sẽ bị anh ta quay tới bến. Thiệt vàng đâu có sợ lửa, tôi từ tốn giải thích cho Minh.
-Anh đọc sách nhiều cũng biết rồi, đâu cần phải giáp mặt trực tiếp, nói chuyện với ai đó mới biết về họ. Tôi đọc báo Chiến Sĩ Cộng Hòa, tất cả những chi tiết về cuộc đời và binh nghiệp của Thiếu tá Phương đều có đăng đầy đủ trên đó.
Thấy Minh im lặng không phản đối, tôi mới nói tiếp.
-Đối với một quân nhân, chiến công rất quan trọng nhưng tư cách của họ mới là chuyện đáng nói hơn. Cũng trong số báo Chiến Sĩ Cộng Hòa nói trên, có thêm một bài viết dài gần ba trang của Đại úy William, ông này là cố vấn của Tiểu đoàn 204 Trinh sát, bài viết bằng tiếng Anh, được dịch ra tiếng Việt. Đại úy William là người từng sống chết với binh sĩ của Tiểu đoàn 204 trong suốt hai năm, ông ta đưa ra hai nhận xét về Thiếu tá Phương như sau “Thứ nhất về phương diện vật chất, Thiếu tá Phương là cấp chỉ huy trong sạch, không bao giờ lợi dụng cấp bậc và chức vụ của mình, làm thiệt hại đến quyền lợi của binh sĩ. Một hộp thịt, một gói thuốc lá, một kí đường, một lon dầu ăn của Quân tiếp vụ, phải được đưa đến tận tay của binh sĩ thụ hưởng, không một chút suy suyển. Hơn thế nữa, trong nhiều trường hợp ông ta bớt chút tiền lương đầy khiêm nhường của mình để giúp đỡ cho binh sĩ dưới quyền, khi họ lâm cảnh ngặt nghèo. Thứ hai về phương diện chiến đấu, bọn cố vấn chúng tôi, khi hành quân nhảy toán với ông ấy vào mật khu Núi Voi của Việt Cộng, nơi đó với những dãy núi đá hoa cương chập chùng, chớn chở, cao ngút trời xanh, quanh năm mây xám giăng đầy, Thiếu tá Phương cùng với lính của ông ta trong những bộ bà ba đen hay ka ki Nam Định tùy theo vùng xâm nhập, súng AK trên tay, chân mang dép râu. Họ xuất hiện như những bóng ma, di chuyển nhẹ nhàng như lướt đi trong không khí, khi ẩn khi hiện, đó là hình ảnh của con cọp sống trong rừng già. Cảm phục một con người trong sạch, một chiến sĩ can trường, cho nên chúng tôi tặng Thiếu tá Phương danh hiệu The Gray Tiger”. Từ đó về sau, bắt chước cố vấn Mỹ, tất cả binh sĩ cũng như sĩ quan của Tiểu khu Tuyên Đức, đều gọi Thiếu tá Phương là Gray Tiger.
Tôi ngưng kể chuyện, định hỏi ý kiến Minh có đồng ý với Đại úy William, cố vấn Mỹ của Tiểu đoàn 204 Trinh Sát về chữ Gray Tiger hay không. Chưa kịp hỏi, tôi đã nghe Minh nói với tôi, giọng nói đầy tự tin của một cựu chiến binh Nhảy Dù.
-Theo như tôi biết mặc áo quần, trang bị vũ khí của Việt Cộng, rồi nhảy vào mật khu của họ bên Lào hoặc trong dãy Trường Sơn với mục đích do thám, lấy tin tức của những đại đơn vị của Việt Cộng di chuyển như thế nào, rồi gọi máy bay đến tiêu diệt, đó là nhiệm vụ của Lực Lượng Đặc Biệt, Lôi Hổ Nha Kỹ Thuật. Tiểu đoàn 204 Trinh Sát của Tiểu khu Tuyên Đức là Địa Phương Quân, họ chỉ có bổn phận giữ gìn an ninh diện địa trong phạm vi của Tiểu khu Tuyên Đức mà thôi. Nói rộng ra, Địa Phương Quân của tỉnh nào sẽ lo phần bảo vệ an ninh lãnh thổ của tỉnh ấy.
Minh quay nhìn tôi, rồi hạ một câu chắc nịch như một cộng với một là hai.
-Nhảy toán vào mật khu của Việt Cộng, không phải là nhiệm vụ của Địa Phương Quân.
Minh đã dồn tôi vào góc tường, không chừa cho tôi một lối thoát nhỏ. Tôi nói với Minh.
-Quả thật, những hoạt động nhảy toán của Lực Lượng Đặc Biệt và Lôi Hổ Nha Kỷ Thuật tôi hoàn toàn mù tịt, chuyện mình không biết, tôi không dám bàn đến. Thế nhưng chuyện Đại úy William mãn nhiệm kỳ phục vụ ở Việt Nam, trước khi lên đường về nước, ông ta viết một bài đề cao Thiếu tá Phương thì ông ấy được lợi lộc gì? Tôi tin rằng, Đại úy William chỉ muốn nói lên một sự thật mà ông ta đã chứng kiến tận mắt, trong suốt thời gian ông ấy làm cố vấn cho Tiểu đoàn 204 Trinh sát mà thôi. Hơn nữa, anh Minh à, anh nhìn người lính Địa Phương Quân qua con mắt chủ quan của một người lính Nhảy Dù, đó là cách nhìn của mười năm về trước, ngày đó tôi cũng nghĩ như anh, nhưng sau này tôi mới hiểu rõ hơn: Sư đoàn Nhảy Dù và Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, năm bảy mươi hai phải lo tái chiếm Cổ Thành, mấy năm sau đó lại phải giữ vùng địa đầu giới tuyến, nơi mà cả năm, sáu sư đoàn lính chính quy Bắc Việt với xe tăng, đại pháo, lúc nào cũng sẵn sàng lấp sông Bến Hải, tiến chiếm Miền Nam. Lợi dụng chuyện hai sư đoàn tổng trừ bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị trói chân, cột tay tại Quảng Trị, vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm, quân Cộng Sản đang hoạt động tại Miền Nam tha hồ tác yêu tác quái, mà không một chút lo sợ phải đối đầu với Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến.
Tôi nhìn Minh thật lẹ, rồi nói tiếp.
-Trong tình huống khó khăn như vậy, bốn Quân khu của Việt Nam Cộng Hòa, phải tự lo liệu lấy thân mình. Địa Phương Quân không còn hoạt động trong phạm vi tỉnh của mình nữa, đến đầu năm bảy mươi lăm, Địa Phương Quân đã được nâng lên cấp Liên Đoàn và họ được điều động đi khắp mọi nơi. Anh Minh cũng đừng có ngạc nhiên khi thấy vài tiểu đoàn Địa Phương Quân của Tiểu khu An Giang, ở mãi tận Quân khu III sình lầy nước đọng, lại bay lên núi đánh nhau với Việt Cộng tại Khánh Dương, là một quận lỵ nhỏ của Tiểu khu Khánh Hòa thuộc Quân khu II. Tiểu đoàn 204 Trinh Sát là đơn vị trừ bị vùng của Quân khu II, bất cứ tiểu khu nào của Quân khu II cần, Tiểu đoàn 204 Trinh Sát sẽ nhảy vào tăng viện. Họ đã từng tăng phái cho Tiểu khu Ninh Thuận, từng Nhảy trực thăng vận vào mật khu An Lão của Việt Cộng, nằm trong lãnh thổ trách nhiệm của Tiểu khu Bình Định, với nhiệm vụ là tiêu diệt những đơn vị của Việt Cộng, lẩn trốn trong mật khu này. Binh sĩ của Tiểu đoàn 204 Trinh Sát, ngụy trang và trang bị vũ khí của Việt Cộng nhưng nhiệm vụ của họ là tấn công để tiêu diệt và phá hủy hậu cần của Việt Cộng, chứ không phải do thám lấy tin tức.
Liếc mắt nhìn Minh, khi thấy anh ta vẫn đang chăm chú lái xe mà không một lời phản đối, tôi bèn quay trở lại câu chuyện The Gray Tiger.
-Cái biệt danh mà cố vấn Mỹ tặng cho Thiếu tá Phương tuy đúng nhưng không được chính xác cho lắm.
Minh vẫn dán mắt vào kính xe, miệng nói.
-Ở trong rừng, còn có ai hơn chúa sơn lâm, tụi cố vấn Mỹ gọi Thiếu tá Phương là Gray Tiger, tôi cho rằng khó tìm được chữ nào đầy đủ ý nghĩa hơn.
Tôi nhỏ giọng với Minh.
-Có chớ sao không, theo tôi nghĩ nếu cố vấn Mỹ có đọc bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác, họ sẽ không ngần ngại tặng ngay cho Thiếu tá Phương mấy chữ “Đại trượng phu”.
Minh hơi nhăn mặt.
-Thật lòng mà nói, tôi chưa bao giờ nghe hay đọc bài thơ Hồ Trường. Bài thơ đó ra sao? Nói về cái gì vậy?
Tôi nói.
-Câu đầu của bài thơ, mở ra hình ảnh của một người hùng như thế này:
Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường.
Bài thơ khá dài, mai mốt rảnh rỗi tôi sẽ chép bài thơ này tặng anh. Còn bây giờ, tôi muốn nhắc lại: chữ Gray Tiger trong tiếng Anh chỉ nói lên được cái vẻ hiên ngang, oai hùng bên ngoài của một người, họa hổ họa bì nan họa cốt. Chữ “Đại trượng phu” của Việt Nam trong bài thơ Hồ Trường mới diễn tả đầy đủ được một con người toàn diện, cả trong lẫn ngoài, cả Tài lẫn Đức. Trong khi tôi đi lính gần bảy năm, leo lên đến cấp Trung úy mà chưa một lần thấy chiến trận là gì, thậm chí, tôi có cây súng M16 treo ở góc phòng Trung tâm Hành quân mà chưa hề chạm tay đến. Hai người lính, hai thái cực, Thiếu tá Lê Xuân Phương ở cực Bắc, tôi ở cực Nam. Ông ấy ngày đêm dầm mưa dãi nắng đánh nhau với Việt Cộng ngoài chiến trường, với hơn bốn mươi cái huy chương đủ loại, tôi làm việc ở văn phòng với nệm ấm chăn êm, chưa bao giờ thấy cái huy chương vuông hay tròn như thế nào. Cho nên tôi mới nói, không bao giờ tôi gặp được Thiếu tá Phương. Thế nhưng, Tổng Thống Thiệu thì tôi đã thấy mặt ông ấy.
Minh cười thoải mái.
-Tôi biết rồi, cậu Quân thấy Tổng Thống Thiệu khi ông ấy chủ tọa lễ mãn khóa ở Trường Võ Bị Đà Lạt phải không? Cả vài ngàn người thấy chứ đâu phải một mình cậu.
Tôi chần chừ giây lát rồi nói.
-Chỉ một mình tôi đối diện với Tổng Thống Thiệu, chuyện có hơi dài dòng chút đỉnh.
Đang nói chuyện với Minh, tôi bỗng giật mình khi thoáng thấy cái tháp chuông nhà thờ của quận Di Linh, lờ mờ trong sương sớm. Tôi vội vàng hỏi.
-Anh Minh thấy cái tháp chuông đó không?
-Thấy chớ, mình đang đi ngang qua Di Linh. Sẵn đây, tôi cũng nói với cậu là mình sẽ ghé lại tiệm ăn của anh Tư, là anh kết nghĩa của tôi. Trước đây chúng tôi là tài xế xe khách, cách đây ba năm anh ấy giải nghệ rồi mở quán ăn, tụi mình ghé chỗ đó để rửa mặt tiện thể trút luôn cái bầu tâm sự cho nhẹ người, sau một đêm thức trắng.
Tôi khều nhẹ vào vai Cúc.
-Em à, thức dậy đi.
Cúc giật mình, đưa tay giụi mắt rồi nhìn quanh.
-Mình đang ở đâu vậy anh?
Tôi nói nhỏ với Cúc.
-Di Linh.
Minh cho xe tấp vô bãi đậu xe của một cái quán ăn mà cửa nẻo hãy còn đóng kín, với tấm bảng to choán hết cái bao lơn ở lầu hai “Tiệm cơm Tư Chơi”.
Theo tôi ước đoán, có tám mươi đến chín mươi phần trăm người dân Di Linh chạy trốn Cộng Sản, họ di tản đến Đơn Dương rồi theo dân Đà Lạt về Sài Gòn. Cho đến hôm nay những người dân di tản khỏi Di Linh vẫn còn kẹt ở Sài Gòn, chưa kịp trở về, quận Di Linh giống như một cái thành phố chết.
Tôi đảo mắt nhìn quanh, bên kia đường chợ Di Linh vắng hoe như chùa Bà Đanh, trước chợ lèo tèo vài ba người đàn bà ngồi bệt dưới đất, bên cạnh mớ quang gánh, thúng mủng, với dăm ba trái bầu xanh, mươi trái bí đỏ bỏ nằm lăn lóc dưới đất.
Minh vừa đập cửa vừa gọi to.
-Anh Tư, mở cửa đi, Minh chuẩn úy nè. Mở cửa đi.
Tôi nhắc Minh.
-Nhỏ nhỏ thôi anh, giờ này mà còn chuẩn úy với thiếu úy gì nữa.
Một người đàn ông với gương mặt khá bảnh bao, tuổi trạc 40 trong bộ đồ bà ba đen đã bạc màu, chân mang đôi dép râu, chầm chậm đẩy cánh cửa sắt. Khi nhìn thấy Minh, ông ta mừng rỡ ra mặt.
-Minh hả, cả tháng hơn rồi mới gặp lại em, vô tiệm đi.
Vừa bước chân qua khỏi ngưỡng cửa, Minh la to.
-Trời đất ơi, bàn ghế đâu hết trơn rồi anh Tư? Bộ dẹp tiệm rồi hả?
Người đàn ông trả lời với giọng nói xụi lơ.
-Mấy ổng không cho buôn bán, hơn nữa, đâu có gạo để nấu cơm mà bán. Còn bàn ghế, đồ đạc của tiệm thì chở về cái ủy ban nhân dân hay quân đội gì đó quản lý rồi. Không muốn dẹp tiệm, cũng phải dẹp thôi.
Người đàn ông tên Tư nhìn tôi và Cúc rồi nói tiếp.
-Mời cô với cậu ngồi, đây là bộ bàn ghế duy nhất còn sót lại trong tiệm. Đó là đồ của Cách Mạng lại quả cho tôi, sau khi dọn sạch sẽ tất cả mọi thứ trong tiệm.
Tôi và Cúc chưa kịp ngồi xuống ghế, Minh đã nói với anh Tư.
-Lái xe cả đêm mệt quá, tụi em cần ra bể nước phía sau rửa mặt. Trong tiệm có gì ăn uống không anh Tư?
Với giọng nói tỉnh bơ của một người bất cần đời.
-Sạch sẽ, không có cơm mà cũng chẳng có cháo, trong nhà còn vài gói mì ăn liền, nếu mấy em muốn anh sẽ nấu cho.
Minh tươi cười.
-Gì cũng được mà anh Tư.
Nói xong, Minh ngoắc tay, kêu tôi và Cúc đi ra phía sau nhà.
Khi chúng tôi trở vào trong tiệm, anh Tư đang ngồi nơi bàn ăn, trên bàn đã dọn sẵn ba tô mì còn nóng hổi, khói bốc lên nghi ngút. Tôi nhìn quanh tiệm, một bầu không khí lạnh lẽo bao trùm khắp mọi nơi, rồi cúi đầu nhìn cái trứng gà trong tô mì mà cảm thương cho ông chủ tiệm hết sức. Mới có hơn một tháng giải phóng mà Di Linh đã tiến mau quá chừng, cứ cái đà này, vài tháng nữa không biết sẽ tiến tới đâu. Tôi, Cúc và Minh vì đói quá nên chúi đầu vô tô mì. Anh Tư đi xuống bếp, đem lên ba ly cà phê đen, đựng trong một cái khay.
-Uống chút cà phê cho tỉnh người đi mấy em.
Tôi vừa ăn mì, vừa gợi chuyện với anh Tư mà mục đích là muốn tìm hiểu, muốn biết rõ hơn về trận đánh tái chiếm Di Linh của Tiểu đoàn 204 Trinh Sát.
-Tháng trước, đánh nhau tơi bời ở chợ Di Linh này, phải không anh Tư?
Với vẻ mặt đầy ngạc nhiên, anh Tư hỏi tôi.
-Sao cậu biết?
Minh lật đật trả lời anh Tư.
-Cậu Quân, là sĩ quan của Phòng hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt đó anh Tư.
Anh Tư nhìn tôi như dò xét rồi nói.
-Đúng vậy, khoảng hơn một tháng trước, buổi sáng tôi nghe được tin Việt Cộng đã chiếm xong Di Linh mà không nổ một tiếng súng, bởi vì dân chúng và lính Việt Nam Cộng Hòa ở Di Linh đã di tản về Đà Lạt, về Đơn Dương hết rồi. Lính đi đến đâu, dân chạy theo đến đó, bỏ lại Di Linh vắng hoe như cái thành phố ma. Vậy mà, khi chiều đến tiếng súng nổ như bắp rang khắp mọi nơi, tôi nhìn qua khe hở của cánh cửa sắt và lấy làm lạ đến độ không tin vào đôi mắt của mình, không hiểu tại sao Việt Cộng lại bắn nhau với Việt Cộng, cả vài chục cái xác chết nằm lăn lóc trước chợ. Khi tiếng súng ngừng hẳn, chiến trường đã được kiểm soát, một ông Việt Cộng gõ cửa nhà tôi xin nước uống và trấn an tôi.
-Bà con yên tâm, chúng tôi là lính Trinh sát thuộc Tiểu đoàn 204 của Tiểu khu Tuyên Đức, ngụy trang làm lính Việt Cộng, tái chiếm Di Linh.
Nghe tới đây, Minh gật gù như thấm ý rồi nói.
-Bây giờ, tôi mới thật sự tin lời cậu Quân nói đêm qua, về Thiếu tá Lê Xuân Phương và Tiểu đoàn 204 Trinh Sát của ông ta.
Anh Tư nhìn Minh hỏi.
-Tối qua, cậu Quân nói chuyện gì vậy?
Minh nói.
-Không có gì đâu, anh Tư kể tiếp đi.
Anh Tư chậm rãi mồi một điếu thuốc, đôi mắt lơ đễnh nhìn lên trần nhà.
-Ngày hôm sau, Tiểu đoàn 204 Trinh Sát bắt sống được ba cán binh và một ông Thượng úy Việt Cộng, tịch thu một xe Molotova do Liên Xô sản xuất với nhiều súng ống, đạn dược. Đến chiều, họ kéo chiếc xe và bốn tù binh về Đà Lạt. Hôm sau nữa, lại đánh nhau gần tháp chuông nhà thờ, Việt Cộng đã bị đẩy lui về hướng Bảo Lộc. Chiến tranh đã lùi ra ngoài bìa rừng, không còn ở trong thành phố nữa.
Anh Tư đẩy ly cà phê về phía tôi và Minh rồi nói.
-Hình như, hai bên đã đánh nhau một trận long trời lở đất ở ngoài rừng, tôi nghe tiếng gầm rú liên hồi của xe tăng, tiếng súng lớn, súng nhỏ, rồi đạn pháo nổ suốt đêm, mãi cho đến sáng chiến trường mới im tiếng súng. Sau này, khi đã hoàn toàn chiếm được Di Linh, rồi kéo quân lên giải phóng Đà Lạt. Trong buổi mít tinh mừng ngày Di Linh hoàn toàn giải phóng, một ông cán bộ Việt Cộng thứ thiệt nói với dân chúng rằng, họ đã tiêu diệt hơn một trăm năm mươi tên lính Ngụy thuộc Tiểu đoàn 204 Trinh Sát, bắt sống gần một trăm tên, số còn lại băng rừng chạy trốn về Phan Thiết. Cuối cùng ông cán bộ Việt Cộng nói “Kết thúc chiến dịch giải phóng Di Linh, các chiến sĩ của ta đã xóa tên cái Tiểu đoàn 204 Trinh Sát Ngụy phản động, góp phần giải phóng hoàn toàn Miền Nam Việt Nam”.
Anh Tư cười với cặp môi trề ra.
-Đó là cán bộ Việt Cộng nói, tôi nghe sao thì nói lại như vậy, cậu Quân tin hay không là quyền của cậu.
Tôi nghĩ, với chừng đó chiến sĩ phải hy sinh mới chận đứng được sức tiến quân như vũ bão của Việt Cộng, đủ thời giờ cho người dân Đà Lạt di tản về Sài Gòn. Cho dù những con số mà anh Tư nói, có thể không chính xác nhưng cũng làm cho tôi quặn đau trong lòng.
Minh hớp một ngụm cà phê, mắt nhìn ra cửa rồi nói.
-Anh Tư, có khách.
Anh Tư quay nhìn người đàn bà đang xăm xăm đi vào.
-Chào bà tổ trưởng, mời bà vào chơi.
Đưa tay chỉ chúng tôi, anh Tư nói với bà tổ trưởng.
-Đây là mấy đứa em, vừa từ Sài Gòn lên.
Liếc mắt nhìn chúng tôi, cái liếc mắt đầy xoi mói, bà tổ trưởng nói với anh Tư, giọng nói nghe như là một mệnh lệnh.
-Mười giờ sáng nay họp tổ, nhớ mang theo cơm trưa với cây cuốc.
Dứt lời, bà quay lưng đi ra cửa, đưa cái mông bánh đúc ngúc nga ngúc ngắt, dáng đi lẹt đẹt y hệt như con vịt bầu.
Anh Tư nói.
-Bà tổ trưởng, trước đây là người làm công rửa chén cho tiệm của tôi. Cũng may, tôi đối xử rất tử tế với bà, cho nên bây giờ làm tổ trưởng, bà vẫn nể trọng tôi chút đỉnh, nếu không thì thế nào bà ta cũng hạch hỏi mấy người vài câu, để chứng tỏ uy quyền của mình. Cách Mạng ba mươi mà, ngọn lửa đấu tranh giai cấp đang ngùn ngụt cháy trong tim họ, nhìn đâu cũng thấy rặt một bọn phản động do CIA của Mỹ gài lại.
Minh nói với anh Tư.
-Tụi em phải đi, vì có nhiều việc cần giải quyết ở Đà Lạt.
Cúc lục trong bóp lấy ra tờ giấy 500 đồng, đưa cho anh Tư.
-Chừng này, có đủ cho tiền ăn sáng và cà phê không anh Tư?
Cầm tiền trong tay, anh Tư nói.
-Dư rồi, cảm ơn mấy em.
Chúng tôi chào ông chủ tiệm cơm thời Cộng Sản Chủ Nghĩa, rồi ra xe.
Khi xe đã đi khỏi Di Linh một đoạn khá xa, tôi vẫn còn nhớ về những người lính Địa Phương Quân của Tiểu đoàn 204 Trinh Sát đã hy sinh thân mình trong trận đánh tái chiếm Di Linh, họ đi vào chỗ chết để người dân Đà Lạt có con đường sống, con đường di tản về Sài Gòn. Những chiến sĩ của Tiểu đoàn 204 Trinh Sát, đã một thời chiến đấu vì dân vì nước, bảo vệ quê hương, hình bóng của họ sẽ không bao giờ mờ phai theo năm tháng, mà sẽ mãi mãi sống trong lòng người dân Đà Lạt, trong lòng dân tộc. Tôi quay đầu nhìn lại, quận Di Linh đã khuất sau cánh rừng thưa. Một niềm tin mãnh liệt chợt đến với tôi, Thiếu tá Lê Xuân Phương và hàng trăm binh sĩ của Tiểu đoàn 204 Trinh Sát vẫn còn sống sót, họ đang ở đâu đó trong núi rừng trùng trùng điệp điệp của dãy Trường Sơn.
Tôi nhắm mắt lại “The Gray Tiger, Đại trượng phu, ngàn thu vĩnh biệt.”
No comments:
Post a Comment