Thursday, July 14, 2022

Chương XXI Mũ nồi xanh - CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU - Huy Văn Trương

Chương XXI
Mũ nồi xanh

Tôi gói tán đường của tôi vào tờ giấy, rồi đi gặp Long công tử. Đây là tán đường của riêng tôi, tán đường của Trung úy Lợi, hắn đã ăn mất từ mấy ngày trước rồi vì quá thèm ngọt.

Bầu trời Sông Mao hôm nay xanh màu ngọc, không một cụm mây, tôi vỗ vai Long công tử.

-Tao còn tán đường, mày xuống nhà bếp xin gô nước sôi, hôm nay mày muốn ngồi đâu? Brodard hay Givral?

-Givral đi, tự nhiên tao nhớ đến bức tượng hai người lính Thủy Quân Lục Chiến trước Quốc Hội, nhớ đến vòi phun nước nơi tụi mình chụp mấy tấm hình với Biên và Dung.

Cũng hơn mười phút sau Long công tử mới trở lại, hai đứa tôi ngồi xuống bên hè nhà, tôi hỏi Long công tử.

-Tốt nghiệp Thủ Đức xong, mày biến đi đâu mất tiêu vậy?

Long công tử, đặt lon gô nước đường xuống khoảng đất trống giữa hai đứa.

-Lễ mãn khóa vừa chấm dứt, lúc bấy giờ cả ngàn ông tân chuẩn úy túa ra khắp mọi nơi cứ như là bầy ong vỡ tổ, mạnh ai nấy bay, trật tự và kỷ luật nhà binh hình như không còn hiệu lực vào lúc này. Trong cảnh hỗn loạn ấy tao chạy đi tìm thằng Biên và mày, tìm hoài không thấy tụi mày ở đâu, cuối cùng tao đành bỏ cuộc. Sau một lúc suy tính, tao lên Khu sinh hoạt mua một bộ đồ rằn ri mới toanh với cặp lon chuẩn úy nơi cổ áo, cái huy hiệu con cọp vàng bay qua cánh hoa dù trắng trên nền xanh lá cây, may nơi tay áo trái gần vai. Thêm cái mũ nồi xanh trên đầu, tao đã nghiễm nhiên trở thành một sĩ quan của binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Sau hai tuần lễ nghỉ phép, mười chín sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt của khóa mình, trong đó gồm có chín sĩ quan tốt nghiệp Thủ Đức và mười sĩ quan tốt nghiệp Đồng Đế, về trình diện Bộ tư lịnh Lực Lượng Đặc Biệt ở Nha Trang. Thiếu tá Thanh trưởng phòng Tổng quản trị của Lực Lượng Đặc Biệt, với gương mặt còn quá trẻ, có thể chưa quá ba mươi tuổi nhưng đầy vẻ phong trần dày dạn gió mưa, trong bộ quân phục rằn ri thẳng nếp, đôi giày bốt đờ sô hai da bóng loáng, thêm cái hoa mai có gạch trên cổ áo, tụi tao say mê chiêm ngưỡng cái nét oai hùng đầy phong độ của ông ta mà quên mất chào hỏi, trình diện. Thiếu tá Thanh thân mật bắt tay từng thằng một, hỏi thăm về những ngày phép mãn khóa, sau đó dẫn tụi tao vào phòng thuyết trình để thuyết giảng sơ qua cho tụi tao nghe về binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Với cây gậy ngắn trên tay, Thiếu tá Thanh chỉ lên sơ đồ tổ chức gắn trên bảng đen, ông thao thao bất tuyệt “Lực Lượng Đặc Biệt là binh chủng thiện chiến, là con cưng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Binh chủng này gồm có những toán Delta, có Tiểu đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù và mấy chục trại Lực Lượng Đặc Biệt biên phòng trên khắp bốn vùng chiến thuật”. Thiếu tá Thanh ngưng nói, ông ta lấy chiếc mũ nồi xanh xuống để trên bàn rồi quay nhìn tụi tao “Các anh cứ ngồi thoải mái, tự nhiên hút thuốc vì chuyện tôi nói có hơi dài dòng. Trước hết tôi xin nói về toán Delta, cho đến hôm nay khi tôi đang nói chuyện với các anh, Lực Lượng Đặc Biệt của Việt Nam Cộng Hòa có tổng cộng tất cả là mười hai toán Delta, tôi xin lập lại là chỉ có mười hai toán mà thôi, không hơn không kém, họ hoạt động thầm lặng riêng rẽ không ai biết đến, thậm chí ngay cả tôi cũng không biết họ đang làm gì, ở đâu. Chỗ này tôi muốn nói riêng với các anh, về hiểm nguy cũng như khổ cực của những toán Delta, sở trường của họ là chiến tranh xâm nhập, cho nên mức độ nguy hiểm về tính mạng giống như là chỉ mành treo chuông. Sĩ quan toán Delta của Lực Lượng Đặc Biệt, một lần công tác vào đất địch là một chuyến mang gươm qua sông Dịch, mười đi mà chỉ có một về ”. Thiếu tá Thanh ngừng nói, nhìn quanh “Mấy anh có biết sông Dịch ở đâu không?”. Dân Văn khoa như tao khi nghe câu hỏi ấy giống như là đi thi mà trúng tủ, tao bèn tà tà đọc luôn hai câu cuối trong bài thơ Dịch Thủy Tống Biệt.

Tích thời nhân dĩ một.
Kim nhật thủy do hàn.

Thiếu tá Thanh nói lớn “Ông chuẩn úy nào đó, đứng lên cho tôi coi mặt được không?”. Tao từ từ đứng lên. Thiếu tá Thanh nhìn tao thật lâu, tựa như coi giò coi cẳng mấy con gà nòi, sau đó ông nói “Phòng Tổng quản trị đang cần một phụ tá, chuẩn úy muốn về đó không?”. Tao đoán, chắc ông ấy nghĩ rằng, tại sao lại có một con cừu đi lạc vào giữa bầy cọp như thế này. Không có việc gì phải hấp tấp, tao bèn trả lời Thiếu tá Thanh với giọng lạnh lùng như đang bơi thuyền qua sông Dịch “Thưa Thiếu tá, tôi tình nguyện về Lực Lượng Đặc Biệt là để chiến đấu ở ngoài mặt trận, chớ không phải ngồi văn phòng”. Thiếu tá Thanh với giọng nói nhã nhặn, lịch sự “Cảm ơn tinh thần phục vụ hăng say cao độ của chuẩn úy”. Sau đó ông ta cao giọng, tiếp tục thuyết trình “Tôi xin lập lại toán Delta một khi nhảy vào đất địch, giống như qua sông Dịch, nếu có anh nào đó nghĩ là sông Bến Hải thì cũng được, chuyện trở về mỏng manh như ngọn đèn lung linh trước gió, nó có thể tắt bất cứ lúc nào. Trở về được hay không là tùy lòng dũng cảm, tùy vào kinh nghiệm cũng như khả năng thích ứng trong mọi trường hợp của vị sĩ quan đó. Đi đôi với những hiểm nguy còn có thêm cực khổ gian nan về thể xác. Sĩ quan cũng như binh sĩ của toán Delta phải có một thân thể được đúc bằng sắt, một ý chí được trui rèn trong lò luyện thép, mới có đủ sức chịu đựng với giông tố bão bùng, đủ sức vượt qua mọi thử thách. Thường thì một toán Delta nhảy vô vùng địch chỉ có sáu người, trong đó gồm bốn Việt và hai Mỹ. Hai ông cố vấn Mỹ đi theo chỉ để lo về phần yểm trợ hỏa lực, việc gọi trực thăng bốc và thả toán sẽ do sĩ quan trưởng toán Delta quyết định chứ không phải là cố vấn Mỹ. Bởi vì hai ngày trước cuộc hành quân, viên phi công Mỹ lái trực thăng và sĩ quan trưởng toán Delta, đã cùng nhau bay tiền sát để chọn địa điểm thả và triệt xuất, họ đã có những đồng thuận, quy ước riêng với nhau rồi. Bốn người Việt được trang bị vũ khí cá nhân như M16 hoặc M79 tùy theo nhiệm vụ khi xâm nhập, một cấp số đạn, lựu đạn mini, M26, M67, lựu đạn khói, bảy ngày lương khô và những dụng cụ đặc biệt mà một toán viên Delta phải có. Ba toán viên của toán đều là chuyên viên đặc biệt, họ mang theo rất nhiều mìn claymore và chất nổ. Riêng sĩ quan trưởng toán ngoài phần chịu trách nhiệm về kế hoạch cũng như chiến đấu, ông ta còn phải mang thêm một máy truyền tin PRC25, nặng hơn mười kí lô và một cục pin phòng hờ. Chiếc máy truyền tin này là linh hồn của toán, mất nó cả toán sẽ không có đường về. Sĩ quan trưởng toán Delta của Lực Lượng Đặc Biệt, hoàn toàn không giống như sĩ quan của các binh chủng khác, có được binh sĩ phụ giúp mang đồ, trái lại chính ông ta mang vác còn nhiều hơn một toán viên, cũng có nghĩa là mang vác không thua gì một con lạc đà”. Thiếu tá Thanh ngừng nói, ông đi xuống những hàng ghế mà tụi tao đang ngồi dựa ngửa, thoải mái hút thuốc, thả khói bay đầy phòng. Ông hỏi “Trong số các anh ngồi đây, ai là người chưa từng thấy hộp Ration C của quân đội Mỹ”. Trong đám chuẩn úy tụi tao, nhiều bàn tay rụt rè đưa lên. Thiếu tá Thanh xuống giọng “Đó là hộp thức ăn cho một bữa, của một người lính Mỹ, hộp B1 cho buổi sáng, hộp B2 cho buổi trưa và hộp B3 cho buổi chiều. Trong đó mỗi hộp gồm nhiều lon thực phẩm khác nhau, cân nặng khoảng hai kí lô hai, như vậy thực phẩm cho một ngày phải nặng hơn sáu kí, bảy ngày công tác hơn bốn mươi lăm kí lô thực phẩm. Chỉ có mấy con lừa mới mang nổi. Theo kinh nghiệm của một người lính tác chiến, tôi đoan chắc với các anh, ration C của Mỹ tuy cung cấp đầy đủ năng lượng cho một người lính, nhưng nó chỉ tốt cho những đơn vị đóng quân cố định tại một chỗ, không thuận tiện cho đơn vị hành quân. Tôi đã nhiều lần chứng kiến, khi ở hậu cứ thiếu mồi nhậu một anh lính có thể khui một lon thịt ba lát để chữa lửa, lúc rảnh rỗi họ có thể mở một lon trái cây hộp nhâm nhi cho đỡ buồn, nhưng muốn đem theo đi hành quân, coi bộ hơi khó vì cồng kềnh và quá nặng. Nếu nói như vậy, một chuyến công tác bảy ngày, ông sĩ quan và toán viên của toán Delta họ mang gì để ăn? Thưa quý vị, họ mang một lon gô ruốc thịt heo ba chỉ kho với sả ớt, thêm vài lon thịt hộp trong khẩu phần ration C, đã được sấy khô thành thịt chà bông, và mỗi ngày bảy trăm gam gạo sấy, vì họ không được đốt lửa để nấu ăn. Chỉ chừng đó lương thực đủ cho họ sống bảy ngày trong rừng. Thêm một điều quan trọng nữa là mỗi toán viên Delta được chích hai mũi thuốc chống ho, vì điều tối kỵ nhất của toán Delta là gây tiếng động. Suốt bảy ngày trong rừng họ như là những người câm, nói chuyện với nhau bằng thủ hiệu”. Thiếu tá Thanh đi trở lên bục thuyết trình. “Tôi vừa trình bày sơ lược với các anh về hiểm nguy và gian khổ của những toán Delta. Để đáp ứng nhu cầu cấp bách của chiến trường, hôm nay tôi cần năm vị sĩ quan trong số các anh về toán Delta, anh nào tình nguyện xin đưa tay lên”.

Long công tử ngưng kể chuyện, hắn nhìn tôi.

-Tao đố mày, có ông chuẩn úy nào dám tình nguyện về toán Delta không?

Tôi cười thoải mái.

-Ai thì tao không biết, riêng tao “Tẩu vi thượng sách”, tao sẽ chạy xa toán Delta một trăm cây số, chạy mà cấm có quay đầu nhìn lại.

Long công tử gật gù đắc ý.

-Mày đúng là lính văn phòng. Ngày xưa, nếu cho mày về đơn vị tác chiến nắm một trung đội lính bộ binh, khi đụng trận với Việt Cộng, tao tin rằng mày sẽ co giò chạy trước, bỏ binh sĩ dưới quyền sống chết mặc bây.

Tôi không giận Long công tử chút nào vì biết nó nói đúng sự thật, nói ngay bon bản tính của tôi. Trên đời này, còn ai hiểu tôi hơn Long công tử, tôi than với nó.

-Cũng may tao được làm lính văn phòng, chứ nếu phải ra tác chiến thì mặt mũi đâu mà nhìn binh sĩ dưới quyền.

Long công tử lờ đi như không biết tôi nói gì, hắn tiếp.

-Một điều khá ngạc nhiên là khi Thiếu tá Thanh vừa dứt lời, mười chín cánh tay trong phòng không hẹn cùng một lúc đưa lên cao. Thiếu tá Thanh cười vui vẻ “Tôi đã thuyết trình rất rõ ràng rồi, các anh không ngại khổ cực, không sợ nguy hiểm đến tính mạng hay sao? Có anh nào cho tôi biết lý do được không?”. Một giọng Huế ở cuối phòng vang lên “Thưa thiếu tá, Tết Mậu Thân tại cố đô Huế, chính bản thân tôi đã chứng kiến cảnh Việt Cộng giết hại, chôn sống hàng ngàn dân lành vô tội trong những hố chôn tập thể. Tôi vô Trường Bộ Binh Thủ Đức theo lệnh Tổng động viên nhưng ý nguyện là cầm súng chiến đấu chống lại Cộng Sản, nào ngờ khi tốt nghiệp tôi lại có tên trong danh sách về đơn vị không tác chiến, dựa theo những bài Trắc nghiệm định hướng ở Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Không được đi tác chiến như mình mong đợi, tôi tình nguyện về binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Bởi vì tôi không muốn bị Cộng Sản chôn sống, như Tết Mậu Thân ở Huế họ đã chôn sống dân mình”. Thiếu tá Thanh gật đầu, nét đăm chiêu hiện rõ trên gương mặt sạm nắng của ông. “Thế còn những anh khác không ở Huế thì sao?”. Để trả lời câu hỏi của Thiếu tá Thanh, một giọng nói chững chạc đầy cương quyết “Trước khi tình nguyện vào binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, tất cả anh em chúng tôi ở đây đều đã chuẩn bị sẵn sàng, nếu một mai có phải hy sinh vì Tổ Quốc, chuyện đó không nằm ngoài dự tính của chúng tôi”.

Long công tử ngưng kể chuyện, hắn bưng lon gô nước đường ngửa cổ uống một hơi.

-Ngon thiệt, tao cảm thấy được chất nước ngọt đi qua cổ họng, xuống đến bao tử rồi theo từng giọt máu tỏa ra khắp thân thể.

Đợi Long công tử uống xong, tôi lấy lon nước từ tay hắn, hớp một ngụm.

-Có mười chín ông Kinh Kha thời đại, ông nào cũng muốn về toán Delta, mày nói cho tao biết, làm cách nào mà Thiếu tá Thanh chọn được năm sĩ quan cho toán Delta. Ông ta bỏ ai, chọn ai?

Long công tử cười vang, tiếng cười đầy sảng khoái của một sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt, chứ không phải tiếng cười của một thằng tù ốm đói.

-Chuyện dễ như vậy mà mày không thấy sao, mười chín thằng đều có một tinh thần Quốc Gia cao độ, có trình độ học vấn và hiểu biết tương đương, điểm khác biệt duy nhất là thể chất. Đương nhiên Thiếu tá Thanh chọn những ông chuẩn úy cao và to như những con trâu rừng, có sức chịu đựng dẻo dai để mang vác như một con lạc đà.

Tôi hơi mắc cỡ, khi thấy đầu óc suy luận của mình quá kém cỏi.

-Mày nói đúng, chuyện đơn giản như vậy mà tao nghĩ không ra. Rồi sao nữa?

Long công tử nhắc lại.

-Rồi sao nữa hả? Sau khi đã chọn được năm sĩ quan về toán Delta, thiếu tá trưởng phòng Tổng quản trị lại tiếp tục thuyết trình về Tiểu đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Với giọng nói đầy tính thuyết phục, ông cho biết “Tiểu đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù gồm có sáu đại đội, họ chia nhau tiếp ứng cho cả bốn vùng chiến thuật. Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, chỉ điều động những đại đội này đánh vào những mục tiêu đặc biệt, những vị trí chiến lược quan trọng của Việt Cộng”. Sau vài lời giới thiệu ngắn gọn về Tiểu đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù, Thiếu tá Thanh đưa ra một nhận xét “Nếu đem so sánh sĩ quan của Tiểu đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù với Sĩ quan của toán Delta thì kẻ tám lạng người nửa cân”. Đứng trên bục thuyết trình với cây gậy ngắn trên tay, Thiếu tá Thanh tỏ ra lúng túng khi phải chọn tiếp bốn sĩ quan về Tiểu đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Đây cũng là một bài toán khó cho Thiếu tá Thanh, bởi vì mười bốn ông chuẩn úy còn lại ai cũng muốn về tiểu đoàn này. Cuối cùng để được công bình, Thiếu tá Thanh cho mọi người bốc thăm, bốn tấm giấy có ghi số 81 và mười tấm giấy trắng. Tao bốc nhằm tờ giấy trắng, có nghĩa là tao cùng chín ông chuẩn úy khác, sẽ được phân bố đi khắp các trại Lực Lượng Đặc Biệt biên phòng của bốn vùng chiến thuật.

Long công tử dang tay lấy lon gô nước.

-Tao không cần giải thích, chắc mày cũng dư biết, hai chữ biên phòng tự nó đã nói lên được vị trí các trại Lực Lượng Đặc Biệt ở đâu rồi. Sau khi đã phân phối xong đơn vị cho mười chín sĩ quan, Thiếu tá Thanh với giọng nói đầy chân tình “Các anh tuy đã đội chiếc mũ nồi xanh, nhưng chỉ mới đặt có một chân lên ngưỡng cửa của căn nhà Lực Lượng Đặc Biệt. Tôi, Thiếu tá Thanh nhân danh người đi trước, có bổn phận phải giúp đỡ các anh hội nhập vào đại gia đình Lực Lượng Đặc Biệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, càng sớm càng tốt. Điều trước tiên tôi có thể làm được là, tôi sẽ gởi các anh tới căn cứ Động Ba Thìn ở Cam Ranh, để học một khóa căn bản về Lực Lượng Đặc Biệt. Các anh phải nhớ rằng, đây là một ngoại lệ chỉ dành riêng cho các anh, bởi vì muốn học khóa căn bản Lực Lượng Đặc Biệt, các sĩ quan phải cần có một tới hai năm kinh nghiệm tác chiến, mới được theo học khóa này. Khóa học sẽ kéo dài khoảng năm tháng”. Thiếu tá Thanh ngưng nói, ông chỉ vào một vị chuẩn úy ngồi ở dãy ghế đầu “Thời gian chuẩn úy theo học ở quân trường Thủ Đức bao lâu?”. Ông chuẩn úy nói “Thưa thiếu tá, nếu kể luôn giai đoạn một ở Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, thời gian thụ huấn trong quân trường của chúng tôi, tổng cộng chỉ có sáu tháng”. Thiếu tá Thanh nói “Sáu tháng, từ một học sinh, từ một sinh viên, các anh đã lột xác để trở thành chuẩn úy, trở thành một sĩ quan trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Với khóa Lực Lượng Đặc Biệt, các anh phải cần thêm năm tháng nữa để học về mưu sinh thoát hiểm, về xâm nhập vào đất địch, và về nhiều kiến thức cần thiết cho một binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt mà tôi không tiện nói ra đây. Sau khi tốt nghiệp khóa học này, các anh sẽ được học thêm một khóa nhảy dù, thời gian khoảng năm tuần. Khi các anh đã tốt nghiệp hai khóa học căn bản nói trên, các anh có thể hãnh diện là mình đã chính thức trở thành một thành viên trong đại gia đình Lực Lượng Đặc Biệt. Riêng năm anh thuộc toán Delta và bốn anh 81 Biệt Cách Nhảy Dù, thì đường còn dài, còn lắm chông gai, các anh lại phải học thêm những khóa chuyên biệt khác nữa”.

Long công tử ngừng nói, nhíu mày như để nhớ lại chuyện xưa.

-Sau mấy khóa học đổ mồ hôi sôi nước mắt ở Động Ba Thìn, tao được đưa về trại Lực Lượng Đặc Biệt biên phòng Thiện Ngôn ở Tây Ninh, cách biên giới Việt Miên sáu cây số. Đây là một trong số mấy chục trại Lực Lượng Đặc Biệt trên khắp bốn vùng chiến thuật. Trên bản đồ quân sự một phần năm mươi ngàn, vị trí trại Thiện Ngôn nằm gần ngay tâm điểm trung ương cục R của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, nó là cái gai trong mắt, là khúc xương chận ngay cổ họng của Việt Cộng, cho nên bằng mọi giá, họ luôn luôn tìm cách nhổ bỏ khúc xương này. Trại có hai phi trường trực thăng, một ở bên trong và một ở bên ngoài trại, một phi trường dã chiến lót vỉ sắt PSP cho phi cơ C123 và C130. Về vũ khí, trại có năm khẩu đại bác 105 ly do quân nhân Mỹ sử dụng, hai khẩu súng cối 106 ly và hàng chục khẩu đại liên 12 ly 7, của đại đội Dân Sự Chiến Đấu. Về binh sĩ, trại có khoảng một trăm quân nhân Mỹ, nhưng trong đó chỉ có mười hai binh sĩ Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ mà thôi, số còn lại là binh sĩ pháo binh, truyền tin, kỹ thuật, thêm sáu đại đội lính Dân Sự Chiến Đấu, trong đó có ba đại đội gốc người Miên. Bên phía Việt Nam Cộng Hòa có khoảng mười hai quân nhân Lực Lượng Đặc Biệt. Tất cả quân nhân Mỹ, sáu đại đội Dân Sự Chiến Đấu cũng như quân nhân Lực Lượng Đặc Biệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đều đặt dưới sự điều động, chỉ huy của Đại úy Tuấn Lực Lượng Đặc Biệt. Ông ta là căn cứ trưởng của trại Lực Lượng Đặc Biệt Thiện Ngôn. Trại như là một cái ốc đảo nằm gọn giữa rừng sâu, không có đường bộ để ra vào, con đường duy nhất có thể tiếp cận với thế giới bên ngoài là nhờ vào trực thăng và vận tải cơ của cố vấn Mỹ. Ba tháng đầu tiên ở trại, buồn chán đến phát điên bởi vì Đại úy căn cứ trưởng cho uống cà phê dài dài, uống cà phê theo nghĩa bóng có nghĩa là huấn luyện. Buổi sáng, Đại úy căn cứ trưởng một ly cà phê, chuẩn úy cũng một ly cà phê, cà phê Mỹ chua lè nhạt như nước lã, vậy mà ngày nào tao cũng phải uống hai cữ, vừa uống vừa nghe Đại úy căn cứ trưởng giảng bài về chuyện hành quân phối hợp với cố vấn Mỹ và lính Dân Sự Chiến Đấu, học về kế hoạch hành quân, kế hoạch yểm trợ hỏa lực, thôi thì đủ mọi thứ từ A tới Z, và cuối cùng là trách nhiệm và bổn phận của một căn cứ phó.

Long Công tử vươn vai, duỗi chân rồi than thở.

-Mày thử nghĩ coi, tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức xong, tao phải cưa thêm năm tháng căn bản Lực Lượng Đặc Biệt ở Động Ba Thìn, học về chuyện khi đói làm thế nào ăn mấy con sâu, nhai rắn rít, bọ cạp để sống còn, khi khát học cách uống nước trong rễ cây, trong thân cây, khi bị thương học cách nhai lá rừng đắp lên vết thương để cầm máu, đau yếu học cách nuốt lá rừng để trị bịnh rồi học cách sử dụng những dụng cụ đặc biệt, mà một người lính Lực Lượng Đặc Biệt mang theo khi hành quân. Và bài học quan trọng nhất tốn nhiều ngày giờ nhất, là hành quân xâm nhập. Vừa dứt khóa học căn bản Lực Lượng Đặc Biệt, tao tưởng sẽ có cái phép dăm bảy ngày về Sài Gòn bay bướm, ra Givral uống cà phê khoe cái mũ nồi xanh trên đầu, tiện thể nhìn xe cộ ngược xuôi trên đường phố cho đã con mắt, nào ngờ cả bọn lại bị lùa sang học nhảy dù thêm năm tuần lễ nữa. Nhảy dù là khóa học không dễ nhưng cũng không khó, để huấn luyện về thể xác, mỗi buổi sáng tụi tao với ba lô trên vai, súng cầm tay chạy một lèo từ Động Ba Thìn đến Hòa Do rồi chạy về, hơn chục cây số chớ phải chơi đâu, lính mà chạy không thua gì những con ngựa ở trường đua Phú Thọ. Chiều đến ở trong trại học nhảy, học bò, học té. Khi học về nhiều cách té, để cho đỡ buồn tụi tao gọi đùa là té bảy món, té sấp, té ngửa, té chổng mông, té bò càng, té lăn cù, té chúi nhủi, té chổng gọng. Cuối cùng khóa sinh phải nhảy đủ bảy sô ngày và một sô đêm trên các loại máy bay, từ C47 sang C119, C123 rồi C130 mới được cấp phát bằng nhảy dù. Học như vậy tao tưởng đã đủ lắm rồi, nào ngờ khi về trại Thiện Ngôn còn bị Đại úy căn cứ trưởng cho uống cà phê dài dài. Sau khi trải qua không biết bao nhiêu là gian nan khổ cực, cuối cùng tao chính thức được bổ nhiệm làm căn cứ phó. Khi biết tao đã sẵn sàng lao đầu vào vùng lửa đạn, nhân vụ một trung đoàn Việt Cộng pháo kích và tấn công vào trại, sau đó rút về bên kia biên giới. Đại úy Tuấn căn cứ trưởng cho lệnh mở cuộc hành quân về phía biên giới Cam Bu Chia, nơi mà bộ chỉ huy cơ quan đầu não cục R của Việt Cộng ẩn núp. Lực lượng hành quân gồm có hai đại đội Dân Sự Chiến Đấu, một toán cố vấn Mỹ có hai sĩ quan, một hạ sĩ quan, hai thông dịch viên, hai truyền tin. Bộ chỉ huy hành quân do tao trực tiếp chỉ huy, có một hạ sĩ quan phụ tá, hai truyền tin, hai quân y, bốn khinh binh, một trung đội Trinh Sát, một trung đội Vũ khí nặng. Sau hai ngày băng rừng lội suối, tụi tao tới biên giới, đây là lần đầu tiên trong đời tao xuất ngoại qua Cam Bu Chia mà không cần mang theo giấy tờ xuất nhập cảnh.

Advertisements
REPORT THIS AD

Tôi tò mò hỏi Long công tử.

-Lần đầu tiên, đứng trước những người lính áo quần rằn ri, mặt mũi bặm trợn như ông kẹ, mày có run sợ chút nào không?

Long công tử nhìn tôi.

-Mày là Trung úy mà hỏi gì kỳ vậy, run thì làm sao mà chỉ huy lính được.

-Long à, hơn sáu năm ở Trường Võ Bị Đà Lạt, tao chỉ có khả năng chỉ huy hai người hạ sĩ quan trực với tao mà thôi.

Long công tử đùa.

-Mày hỏi cũng phải, mặc dầu đã được Đại úy căn cứ trưởng chỉ bảo cẩn thận, truyền thụ võ công đầy đủ, bao nhiêu chiêu thức bí truyền của ổng, tao đều thuộc nằm lòng. Vậy mà đứng trước hàng quân khi ban lịnh hành quân, tao vẫn bị khớp như thường, ăn nói không được lưu loát cho lắm. Tuy vậy chỉ vài phút sau, tao nói hăng say cứ như là đồng nhập. Từ đó về sau, nói chuyện trước hàng quân, với tao cũng giống như là uống ly bia, hút điếu thuốc mà thôi.

Tôi hỏi Long công tử.

-Một Đại đội Dân Sự Chiến Đấu có bao nhiêu người?

Long công tử nhăn mặt ra chiều đau khổ.

-Tùy theo mùa, một Đại đội Dân Sự Chiến Đấu có trên một trăm người, đến mùa lúa chín, quân số của đại đội chỉ còn một nửa, bởi vì họ bỏ lính trở về nhà gặt lúa. Xong mùa gặt, họ mới vô lính lại, đúng như cái tên gọi Dân Sự Chiến Đấu. Theo tao biết, một Đại đội Dân Sự Chiến Đấu được tổ chức gần giống như Đại đội chủ lực của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, cũng gồm có đại đội trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng. Sự khác biệt là họ chỉ có chức vụ chứ không có cấp bậc, nếu một người lính Dân Sự Chiến Đấu tuyển mộ được một trung đội, thì người đó sẽ là trung đội trưởng, nếu tuyển mộ được một đại đội, người tuyển mộ sẽ là đại đội trưởng. Lực lượng Dân Sự Chiến Đấu là lính không có số quân, họ được người Mỹ huấn luyện, trang bị vũ khí và lãnh lương của Mỹ. Điều duy nhất yếu kém của Đại đội Dân Sự Chiến Đấu là đại đội trưởng hay trung đội trưởng chỉ giỏi trong việc chỉ huy lính chiến đấu chứ không biết gọi phi pháo yểm trợ. Do vậy trong bất cứ cuộc hành quân nào, sĩ quan của Lực Lượng Đặc Biệt sẽ là cấp chỉ huy. Tao là chuẩn úy căn cứ phó, nên chỉ huy hai Đại đội Dân Sự Chiến Đấu khi hành quân là chuyện bắt buộc. Ngày thứ ba trong cuộc hành quân, tụi tao bắt đầu di chuyển qua biên giới, lâu lâu mình bất ngờ tràn qua biên giới một lần, phá hủy các căn cứ hậu cần của cục R rồi lẹ lẹ rút về, chẳng có ủy hội quốc tế nào dám đến tận chiến trường trong rừng sâu núi thẳm để kiểm soát hay phản đối. Tao chia lực lượng làm hai cánh quân, Đại đội I Dân Sự Chiến Đấu đi cánh trái, Đại đội II Dân Sự Chiến Đấu bên cánh phải, cách nhau chừng một trăm mét, bộ chỉ huy của tao với toán cố vấn Mỹ đi ở giữa. Đi vô hang cọp đánh phá, không u đầu thì cũng sứt trán, buổi trưa trong rừng rậm nhiệt đới không một chút gió, với cái nóng oi bức vây quanh, bộ chỉ huy của tao đang lầm lủi di chuyển với đội hình hàng một, tao bỗng nghe được cùng một lúc, nhiều tiếng nổ long trời lở đất của đủ loại vũ khí cá nhân cũng như cộng đồng vào hướng ba giờ, tức là hướng của Đại đội II Dân Sự Chiến Đấu. Nhanh như chớp tao báo cáo với Đại úy căn cứ trưởng tọa độ điểm đứng của tao, sau đó là hướng tấn công của địch, rồi xin yểm trợ pháo binh cũng như không yểm. Vừa nói chuyện qua máy PRC25 tao vừa cho lệnh trung đội Trinh Sát cùng với hai khẩu đại liên M60, bẻ một góc chín chục độ, đội hình của bộ chỉ huy đã thành hàng ngang, tất cả tiến về phía trước. Mới di chuyển chừng hai chục thước, tao đã gặp những người lính của Đại đội II Dân Sự Chiến Đấu, vừa bắn cầm chừng rồi dạt về phía sau. Tao lập tức cho bố trí hai khẩu đại liên, khi những người lính Đại đội II Dân Sự Chiến Đấu vừa lui tới, hai khẩu đại liên của tao quạt như điên về phía trước, thêm hơn ba chục cây M16, M79 của trung đội Trinh Sát đồng loạt bắn hổ trợ. Vừa bắn tụi tao vừa di chuyển từ từ về phía trước trong tiếng nổ kinh hồn của B40 chen lẫn với tiếng đạn AK xé gió bên mang tai, rồi tiếng cành cây gãy kêu răng rắc, tiếng đạn chạm vào thân cây kêu lụp bụp, cho đến khi gặp địa thế tương đối khá tốt, tất cả bọn tao trụ lại. Ngay lúc ấy, Trung úy cố vấn Mỹ McKenzie phóng ào tới bên tay phải, cách tao chừng hơn mười mét, ông ta đặt khẩu đại liên M60 xuống một mô đất rồi lẹ tay siết cò. Tao nhìn về phía trước, đám lính Việt Cộng đông như một đàn kiến, đang tranh nhau tràn lên định làm cỏ Đại đội II Dân Sự Chiến Đấu, bất ngờ bị ba cây đại liên đồng loạt khai hỏa, khói lửa mù trời, vỏ đạn rơi đầy đất chen lẫn với tiếng nổ của súng M16, M79, người chứ đâu phải mình đồng da sắt mà chịu cho thấu, lính Việt Cộng lớp rớt như sung rụng, lớp bỏ chạy tán loạn. Hai tay xạ thủ đại liên lại xách súng chạy theo tao về phía trước, đặt súng trên vùng có xạ trường tốt, tiếp tục khạc đạn. Lúc này những người lính Đại đội II Dân Sự Chiến Đấu sau cú bị phục kích bất ngờ, được sự trợ giúp của trung đội Trinh Sát và trung đội Vũ khí nặng, họ đã tái tổ chức lại đội hình, và bắt đầu phản công. Trong khi hai cây đại liên của tao thi nhau nổ giòn giã từng chặp, thì cây đại liên của Trung úy McKenzie gặp trở ngại nên im bặt, tao lẹ làng phóng mình tới gần bên Trung úy McKenzie, mắt liếc nhìn khẩu M60, miệng hét lớn “Change it”. Trung úy McKenzie nghe tao nói nhưng ông ta vẫn đứng im như trời trồng, giương cặp mắt xanh lè màu ve chai nhìn tao. Vốn liếng tiếng Anh của bảy năm trung học, cộng thêm ba năm Anh văn là sinh ngữ chính ở Đại học Văn khoa coi như đổ sông bỏ biển. Các giảng viên ở Viện đại học đã bắt tao học nhiều tác phẩm lừng danh trên thế giới của đại văn hào William Shakespeare, Mark Twain, Ernest Hemingway. Bấy lâu nay, tao cứ đinh ninh trong đầu là mình biết tiếng Anh, nào ngờ khi đụng chuyện, chỉ mới nói có hai chữ mà cũng không xong. Biết là Trung úy McKenzie không hiểu tao nói gì, quá tức giận mình, tao bước qua cây đại liên, mang cái bao tay da to tổ bố vào, rồi thay cái nòng súng đại liên đang bốc khói, thiếu điều muốn cháy luôn cái bao tay da. Trung úy McKenzie nhìn tao, đưa một ngón tay cái lên trời.

Long công tử chuyển qua giọng nói đầy vẻ bực dọc.

-Ngay lúc ấy tao muốn nói với Trung úy McKenzie là “Mày còn chần chờ gì nữa, bắn đi” nhưng miệng thì lại câm như hến, không nói được một chữ tiếng Mỹ nào. Cho dù trong cái đầu của tao đã hoạt động hết công suất để dịch câu nói trên sang tiếng Mỹ, vậy mà không cách gì làm được. Ngày xưa khi còn đi học, mình chỉ chú trọng đến văn phạm, ngữ pháp, coi nhẹ chuyện đàm thoại, muốn nói một câu tiếng Mỹ, tao phải nghĩ câu nói ấy bằng tiếng Việt trong đầu, rồi dịch sang tiếng Mỹ, cuối cùng mới nói được mấy chữ tiếng Mỹ mà mình muốn nói. Cả một quá trình diễn tiến đầy nhiêu khê phức tạp trong đầu mới nói ra được một câu, lúc bấy giờ đứng giữa khói lửa mù trời, đạn bay như sao xẹt, giữa sự sống và cái chết, bắn chậm thì chết, tao càng luống cuống ngớ cả người. Trong lúc bối rối quá sức, không biết phải nói như thế nào cho Trung úy McKenzie hiểu, túng quá tao đành đưa ngón tay trỏ lên trời, duỗi thẳng ra rồi co lại giống như mình đang bóp cò, miệng hét lớn “Shoot, shoot”. Như một cái máy Trung úy McKenzie lẹ làng chụp khẩu đại liên M60. Bóp cò. Tiếng nổ chát chúa kéo dài từng chặp ba viên một, của khẩu đại liên M60 do Trung úy McKenzie bắn, xen lẫn với tiếng đì đùng vang trời của những quả đạn 105 ly do năm khẩu đại bác từ căn cứ Thiện Ngôn bắn yểm trợ, tạo nên một âm thanh hỗn tạp nghe sao mà êm tai quá chừng. Cũng cùng lúc ấy một tiếng “ầm” cọng với sức nóng hừng hực của một quả đạn B40, nghe muốn điếc con ráy vang lên chỗ khẩu đại liên M60, nơi mà tao vừa rời khỏi ít phút trước đó. Khẩu M60 văng xa mấy thước, cái nòng súng biến đi đâu mất, dây đạn đại liên đứt thành mấy khúc, người xạ thủ đại liên và phụ xạ thủ chỉ còn là hai cái xác bầy hầy máu tươi trộn lẫn với đất cát, một cái xác mất đầu, một xác mất tay, trong khi cánh tay còn lại của xác chết vẫn còn co giật nhè nhẹ. Tao cúi đầu nhìn hai cái xác nhưng không còn nhận ra ai là ai. Một lúc sau khi pháo binh 105 ly ngưng hoạt động, tao nghe được tiếng quạt phành phạch của trực thăng võ trang vần vũ trên trời, tiếng rocket xé gió bay về phía địch.

Long công tử im lặng một lúc, rồi quay qua nhìn tôi.

-Tao thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, nếu khẩu đại liên M60 của Trung úy McKenzie không kẹt đạn, tao không chạy qua thay giùm cái nòng súng cho ông ta, tao chỉ còn là một đống thịt bèo nhèo trộn lẫn với máu xương, làm gì có cơ hội ngồi đây để tâm sự vụn với mày. Giống như trường hợp của mày, nếu không có hai người lính Quân Cảnh chia cắt mày và Dung ở đuôi chiếc phi cơ C130 thì giờ này…

Long công tử bỏ lửng câu nói, hắn uống một hớp nước đường.

-Khi mà chiến trường vừa ngớt tiếng súng, tao dẫn theo trung đội Trinh Sát đi truy kích lục soát, trước mắt tao là cảnh địa ngục của trần gian với xác người nằm ngổn ngang nơi chiến địa. Kết quả sơ khởi hai chục Dân Sự Chiến Đấu bị chết và bị thương, Việt Cộng bỏ xác tại chỗ hơn bốn chục mạng, súng AK, B40 và M16 nằm lăn lóc khắp nơi. Trong khi tao đang lục soát, qua máy truyền tin PRC 25, Đại úy căn cứ trưởng đang bay trực thăng trên trời, xát muối ớt tao tơi bời hoa lá “Ông làm ăn cái kiểu gì kỳ vậy, cố vấn Mỹ báo cáo với tôi lực lượng Dân Sự Chiến Đấu chết với bị thương hơn hai chục mạng”. Sếp lớn chưa biết ất giáp gì đã vội kêu máy giũa mình, cái chết ngay trước mặt tao còn không sợ, sá gì Đại úy căn cứ trưởng, tao nổi điên tắt mẹ nó cái máy PRC 25 cho được việc. Hành động đó, khiến tao có thể bị tù như không, nhưng mà một khi bị chạm dây, phản ứng của con người ngay lúc đó sẽ không còn do lý trí điều khiển nữa, mà nó tùy theo tần số của dòng điện cao hay thấp.

Tôi ngắt lời Long công tử.

-Cho con gà nòi của mình cáp độ trận đầu, Đại úy căn cứ trưởng tưởng con gà của mình yếu bóng vía, nên ông nổi giận chứ gì?

Long công tử không trả lời tôi, hắn kể tiếp.

-Ba ngày sau, tụi tao về lại đến căn cứ Thiện Ngôn. Một buổi họp Việt Mỹ được tổ chức, rút ưu khuyết điểm của trận đánh. Hai tay cố vấn Mỹ đi theo Đại Đội I Dân Sự Chiến Đấu, than phiền sự yếu kém chỉ huy của tao nên con số thương vong của Đại Đội II Dân Sự Chiến Đấu, đi bên cánh phải lên đến hơn hai chục người. Tao giận cành hông định đứng lên phản đối, bất ngờ Trung úy McKenzie phát biểu ý kiến, ông ta nói “Nếu không có Chuẩn úy Long nhanh chóng điều hai cây đại liên M60 cùng với trung đội Trinh Sát, trung đội Vũ khí nặng lên tiếp ứng, có thể cả Đại Đội II Dân Sự Chiến Đấu đã bị làm cỏ sạch rồi, sạch sẽ không còn một mạng, nói gì chỉ chết có hai chục”. Đang nói chuyện, Trung úy McKenzie bất ngờ đứng lên, với giọng nói đầy hăng say “Tôi đã chiến đấu bên cạnh Chuẩn úy Long, suốt thời gian Đại Đội II Dân Sự Chiến Đấu bị Việt Cộng phục kích, và tôi chưa bao giờ thấy một ông sĩ quan nào kể cả sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt Mỹ, can trường gan dạ như Chuẩn úy Long. Ông ta đã anh dũng chiến đấu để làm chủ chiến trường, từ bị phục kích trở thành tấn công, từ thua thành chiến thắng cho Đại Đội II Dân Sự Chiến Đấu mà chứng cớ còn đó, với hơn bốn mươi xác Việt Cộng bỏ lại nơi chiến trường. Đó là tất cả những gì tôi đã tận mắt chứng kiến, trong cuộc hành quân cách đây ba ngày”. Với tao, bài học kinh nghiệm sau trận đánh là, tao cố gắng thực tập nghe và nói tiếng Mỹ thường xuyên với Trung úy McKenzie hơn. Bởi vì tao không muốn trong tương lai, khi đứng giữa chốn tên bay đạn lạc, mà lại nói chuyện với cố vấn Mỹ bằng thủ hiệu. Khi buổi họp kết thúc, hai cố vấn Mỹ đến bắt tay tao xin lỗi, họ nói rằng chỉ nhìn con số tử vong của hai bên chứ không biết được sự chiến đấu anh dũng của tao.

Long công tử cười mà cái miệng méo xệch.

-Anh dũng can trường con mẹ gì, phản xạ tự nhiên của tao, khi nghe tiếng súng nổ, tao đem hai cây đại liên cùng với trung đội Trinh Sát, trung đội Vũ khí nặng lên tiếp ứng, may mắn gặp đúng thời đúng chỗ, chớ tao có tài cán gì đâu. Sau trận đánh đó, tao được binh sĩ trong trại tin yêu, họ nhìn tao với con mắt đầy nể phục. Từ đó cho đến cuối năm bảy mươi, khi mà Lực Lượng Đặc Biệt giải tán, chuyển qua 81 Biệt Cách Nhảy Dù và Biệt Động Quân Biên Phòng tao vẫn là căn cứ phó của trại Lực Lượng Đặc Biệt Thiện Ngôn, ở đó để lãnh pháo kích dài dài, vẫn hành quân liên miên, đụng độ với Việt Cộng thêm nhiều trận ác liệt, mấy lần tưởng chừng như có thể lạc nẻo xuống địa ngục. Gần cuối năm bảy mươi, tao lên chức thiếu úy rồi sau đó chuyển qua Biệt Động Quân Biên Phòng. Tao bùi ngùi từ giã cái mũ nồi xanh, với không biết bao nhiêu là mến thương quyến luyến trong lòng. Khi qua làm lính mũ nâu tao được cử đi học khóa “Tác chiến trong rừng” ở Mã Lai Á. Cũng nhờ cả năm trau giồi Anh ngữ với trung úy McKenzie ở trại Lực Lượng Đặc Biệt, khi lấy cái test đi du học ở trường Sinh ngữ Quân đội, tao vượt qua một cách dễ dàng với số điểm hơn chín mươi, trong khi bài test chỉ cần bảy mươi điểm mà thôi.

Long công tử chép miệng.

-Đi Mã Lai học, nghe thoáng qua cứ như là đi du học ngoại quốc, thực sự với khóa học chỉ kéo dài một tháng, không đủ thời giờ để ngắm cảnh rừng núi của Mã Lai, nói gì đến chuyện học. Lần này tao xuất ngoại có giấy tờ đàng hoàng, qua Mã Lai mà không có giấy nhập cảnh, ai chớ tụi Mã nó bỏ tù mình như không.

Tôi nhắc Long công tử.

-Mày có biết mấy giờ rồi không?

Long công tử lắc đầu.

-Không, nhưng mà chắc tới giờ tao phải đi lãnh cơm rồi, chủ nhật tuần tới mình gặp nhau đi.

Tôi vỗ vai Long công tử.

-Ừ, cứ như vậy, nhớ giữ gìn sức khỏe. 

Tiếp theo chương 22

No comments:

Post a Comment