Thursday, July 14, 2022

Chương XX Long Công Tử - CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU - Huy Văn Trương

Chương XX
Long Công Tử

Tôi bưng hũ ruốc thịt heo kho sả chỉ còn khoảng một phần tư, để lên cái xách tay rồi nói với Trung úy Lợi.

-Hơn hai tháng rồi, tao với mày nhờ nó mà sống hùng sống mạnh, sống huy hoàng. Cho đến hôm nay chỉ còn lại chừng này, phải chi mấy tháng trước, vợ tao làm cho tao chừng hai hũ như thế này thì đỡ cho tụi mình biết mấy.

Trung úy Lợi nhìn tôi.

-Hồi còn ở Trung tâm huấn luyện Cảnh Sát Dã Chiến, khi thấy hũ ruốc thịt kho sả của mày tao cười chế nhạo, đến hôm nay mới biết là mình hồ đồ, thiển cận. Mà thôi chuyện đã lỡ rồi, biết làm sao bây giờ, có mấy ai ngờ được mười ngày là mười tháng đâu.

Tôi múc một ít ruốc thịt cho vào cái hũ thủy tinh nhỏ bằng nắm tay. Cái hũ này tôi lượm được trong đống rác khi đi làm lao động, với ý định là làm cái ly uống nước, sau đó bỏ công kì cọ cái hũ với cát mịn, rồi lên nhà bếp của khối Đà Lạt xin chút nước sôi rửa lại một lần nữa. Sau màn làm tổng vệ sinh, cái hũ thủy tinh trông cứ như là mới mua ở chợ về. Hôm qua tôi muốn dùng nó để đựng ruốc kho sả, lại thêm một chuyện nữa tôi phải làm là lúc đi lao động tôi lượm về một cục gỗ, tốn mấy giờ đẽo gọt, mài trên nền xi măng, cuối cùng tôi có được cái nắp đậy vừa khít với cái hũ thủy tinh.

Trung úy Lợi hỏi tôi.

-Mày làm gì vậy?

-Tao muốn đem qua khối Bình Thuận cho Long công tử hũ ruốc này. Tội nghiệp nó đói gần chết suốt ba, bốn tháng trường khi bị nhốt ở Cà Tót, không cơm không cháo, chỉ ăn toàn khoai mì, rồi đọt mì với măng, đã vậy còn mang thêm cái bịnh sốt rét. Người chứ đâu phải voi, sức đâu mà chịu cho nổi. Mấy ngày trước ở cổng trại, mày thấy Long công tử rồi chứ gì, người ngợm của nó chỉ còn là da bọc xương.

Trung úy Lợi gật đầu.

-Mày nói phải, đem cho nó là đúng rồi, tụi mình còn hai lon thịt hộp, mày lấy cho nó một lon đi. So với nó, tao với mày tuy cũng ở tù nhưng còn may mắn hơn nhiều vì vẫn còn mập mạp, mạnh khỏe quá mạng, dư sức chịu đựng mà.

Khi nghe Trung úy Lợi nói như vậy khiến tôi cảm thấy sung sướng trong lòng, sẵn dịp tôi nói luôn:

-Chuyện giao thiệp với mọi người tao không được khéo cho lắm, có việc này tao muốn nhờ mày.

-Chuyện gì? Nói tao nghe thử coi, có được không?

-Mày làm sao tìm mua cho tao mấy viên thuốc Chloroquine trị sốt rét của lính mình ngày xưa, thêm một lon sữa đặc có đường.

Trung úy Lợi cười sằng sặc.

-Mẹ nó, mày cũng vừa thôi, đòi toàn là thứ hàng cao cấp. Sống ở địa ngục mà mày muốn mua loại hàng chỉ có ở thiên đường dương thế, thì làm sao mà mua cho được. Để từ từ đi, tao còn phải dò xét cẩn thận rồi mới nói lại với mày sau.

Tôi đẩy nhẹ Trung úy Lợi.

-Mày học được ở đâu mấy chữ “hàng cao cấp” vậy.

Nói xong, tôi lấy trong ví bốn tờ giấy năm trăm tiền Việt Nam Cộng Hòa, đưa cho Trung úy Lợi.

-Tao chỉ có hai ngàn, đây là tất cả gia tài vốn liếng của tao, mày cầm lấy đi tìm mua thuốc với sữa giùm.

Trung úy Lợi cầm tiền rồi hỏi:

-Mày mua cho Long công tử phải không?

Tôi nói:

-Không lẽ cho tao hay mày, tụi mình còn mạnh như trâu, đâu có cần mấy thứ đó.

Phải hai ngày sau, khi ăn cơm chiều xong, Trung úy Lợi đưa cho tôi tám viên thuốc Chloroquine và một lon sữa đặc có đường hiệu ông Thọ. Mừng như bắt được vàng, tôi nói với Trung úy Lợi.

-Mày hay thiệt, cứ như là điệp viên. Nói cho tao nghe mày kiếm ở đâu ra vậy?

Trung úy Lợi loay hoay lục trong túi, đưa lại cho tôi ba tờ giấy năm trăm.

-Đây là một ngàn rưỡi tiền còn dư lại, thuốc sốt rét không tốn tiền mua, tao xin được của một thằng ở Tổ 39 thuộc khối Đà Lạt của mình. Còn lon sữa ông Thọ có một thằng ở khối Bình Tuy, nó bán lon sữa cho tao với giá năm trăm đồng.

Tôi ngạc nhiên quá sức, nói với Trung úy Lợi.

-Tao tưởng thằng có lon sữa, nó phải đòi nhiều hơn chớ. Từ sau ngày ba mươi tháng tư, mệnh giá của đồng tiền Việt Nam Cộng Hòa thay đổi bất thường liên tục khiến cho mọi người chẳng biết đâu mà lần. Hôm nay còn có chút giá trị, ngày mai có thể trở thành tờ giấy lộn. Với tao có trong tay lon sữa, coi bộ vững tâm hơn là cầm tờ giấy năm trăm.

Tôi đặt lon sữa, thuốc sốt rét, lon thịt hộp và hũ ruốc nho nhỏ vào cái bao cát, túm gọn đầu bao cát lại khoác lên vai rồi rủ Trung úy Lợi.

-Bây giờ tao đem mấy cái thứ này qua khối Bình Thuận cho Long công tử, mày đi với tao cho vui.

Trung úy Lợi vui vẻ.

-Đi thì đi nhưng nhớ về sớm, bảy giờ là phải họp tổ rồi đó.

-Mày yên chí, qua đưa cái bao này cho Long công tử, dặn dò vài câu rồi về liền mà.

Tuy nói với Trung úy Lợi như vậy nhưng khi gặp Long công tử, nhìn cái thân xác ốm yếu gầy gò của nó, tôi không đành lòng đi ngay, cứ chần chờ, quyến luyến không nỡ dời chân.

Trung úy Lợi vì đợi quá lâu nên hối tôi.

-Quân nè sắp tới giờ họp tổ rồi, tụi mình phải về thôi.

Tôi ráng nấn ná thêm chút xíu, dặn dò Long công tử.

-Mày nhớ uống thuốc và uống sữa, như vậy mới mau bình phục được.

Khi tôi và Trung úy Lợi về đến nơi, cũng là lúc tổ trưởng bắt đầu điểm danh để họp tổ. Tất cả mọi người ngồi thành hình chữ nhật trên sân đất trong phòng ngủ, mười sáu cái miệng đói ăn, hét ra lửa ngày nào, giờ đây ông ổng hát bài “Bác cùng chúng cháu hành quân”. Sở dĩ tôi nói hét ra lửa, là vì với cấp bậc trung úy trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nếu ở đơn vị tác chiến, chức vụ của mấy ông trung úy thường là đại đội trưởng. Bài hát mà chúng tôi vừa vỗ tay vừa gào lên, âm điệu của bản nhạc lúc thì the thé, lúc thì eo éo cứ như là bản nhạc Tàu lời Việt.

Điện Biên năm nào vọng lời Bác giữa chiến hào.

Tôi say sưa hát nhưng trong lòng cứ nơm nớp lo sợ hão huyền, Bác đang ở giữa chiến hào, lỡ bị trúng bom của thực dân Pháp chết banh thây, thì còn ai mà đọc lời “Chúc Tết Mậu Thân”. Điều quan trọng hơn là cái lăng của Bác ở Quảng trường Ba Đình, không lẽ bỏ trống, chắc phải làm cái thi hài bằng sáp thế vào, để cho dân chúng đến chiêm ngưỡng. Tất cả những bản nhạc mà chúng tôi hát trong tù, đều là loại nhạc lai căn mất gốc, được sáng tác theo đơn đặt hàng của đảng Cộng Sản. Vậy mà bọn tù chúng tôi bị bắt buộc phải học thuộc lòng khoảng sáu, bảy bài hát này. Hàng ngày trước khi họp tổ, họp sinh hoạt kiểm điểm, là cả tổ phải căng họng rống lên một bài hát lai Tàu. Một vài lần, anh tổ trưởng thấy khí thế chống đế quốc Mỹ, chống Ngụy của tù nhân chưa được mạnh mẽ cho lắm, bèn bắt hát thêm bản nữa, hát cho đến khi sạch bóng quân thù, Mỹ cút Ngụy nhào mới được ngưng. Đó là hình ảnh mở màn cho một buổi họp tổ trong tù, một ngày họp hai lần, tính ra một tuần chúng tôi phải hát ít nhất là mười bốn lần mấy bài hát thổ tả của Việt Cộng.

Gần một tuần trôi qua, hôm nay là chủ nhật, tất cả mọi người được nghỉ ngơi không phải đi lao động, một mình tôi đi qua khối Bình Thuận thăm Long công tử. Nội quy của trại không cấm chúng tôi đi từ khối này qua khối khác, nhưng chẳng có mấy ai đi lang thang, thường chỉ quanh quẩn trong khối của mình, bởi vì không một ai muốn bị phê bình, kiểm điểm vì cái tội liên hệ linh tinh. Chỉ mới có mấy ngày không gặp mà sắc diện của Long công tử đã thay đổi hẳn. Tôi không ngờ Long công tử hồi phục nhanh như vậy, hắn có thể tự đi lại một mình không cần phải chống gậy, giọng nói của hắn nghe đã bắt đầu mạnh hơn, không thều thào đứt khoảng, hụt hơi như khi gặp tôi tuần trước. Tôi nắm vai Long công tử.

-Trông mày khỏe hơn trước nhiều rồi.

Long công tử cười, giải thích với tôi.

-Mỗi buổi sáng tao ăn một chén cháo, uống một viên thuốc Chloroquine, sau đó mới xuống nhà bếp của khối xin một lon nước sôi đem về phòng. Bảy người trong phòng đã đi lao động hết rồi, một mình tao một cõi muốn làm gì thì làm, chẳng có ai phiền hà gì đến mình. Tao pha một chén sữa rồi cứ nhẩn nha mà thưởng thức, còn gì khoái cho bằng khi tao ngửa cổ uống một hơi, chất ngọt của đường, vị béo của sữa đi qua cổ họng, trôi tới đâu mình cảm thấy ngọt ngay tới đó. Cứ vậy tao từ từ uống cạn hết chén sữa ngon lành. Buổi trưa, tao lại đi xuống bếp lãnh phần cơm của mình, một chén rưỡi cơm thêm một miếng bí đỏ to bằng nửa ngón tay cái, với tao chừng đó đã là quá sức hậu hỉ rồi, có nằm mơ cũng không tin là mỗi bữa ăn lại có chén rưỡi cơm. Thế nhưng có một điều tao không ngờ tới là, tay nấu bếp có lẽ thấy tao yếu đuối bịnh hoạn, hắn bèn cho thêm một miếng cơm cháy cỡ hai ngón tay.

Long công tử đưa hai ngón tay lên nhìn, rồi gật đầu.

-Đúng rồi cỡ đó thôi, mày có biết không, miếng cơm cháy đó mà ăn với ruốc thịt heo kho sả của mày thì không gì ngon bằng. Chút béo của mỡ heo, chút ngọt của đường, cái mặn của muối, cay cay của ớt, mùi thơm của sả, giòn giòn của cơm cháy, tao ăn mà cứ tưởng như ngày xưa khi đi chơi khuya về ngang qua khu Tân Định, ăn khúc bánh mì kẹp thịt nơi xe bánh mì Sáu Voi. Chiều đến tao lại lãnh chén rưỡi cơm, lại ăn với ruốc, hộp thịt mày cho tao vẫn chưa ăn, còn để dành đó.

Tôi nói với Long công tử.

-Hộp thịt đó của Trung úy Lợi cho mày, chứ không phải của tao. Trung úy Lợi là bạn tao mới quen sau này khi bắt đầu vô tù, còn bạn cũ chẳng thấy thằng nào, chắc tụi nó lanh tay lẹ chân bay qua Mỹ hết rồi. À Long nè, mày có biết là Biên chết rồi không?

Long công tử lặng người đi hồi lâu rồi hỏi tôi.

-Biên chết lâu chưa? Từ ngày ra trường tao đi biệt luôn rất ít khi về Sài Gòn nên không biết gì.

-Để tao nhớ lại coi, Biên nó chết đâu khoảng năm bảy hai tại Quảng Trị.

Tôi kéo Long công tử.

-Ở đây tù túng quá, tụi mình kiếm chỗ nào thoáng mát, ngồi nói chuyện cho thoải mái hơn, tao muốn biết tại sao mày là dân Sài Gòn mà lại bị đưa đi học tập ở Cà Tót, Phan Thiết.

Long gật đầu.

-Mày nói phải, tụi mình ra sau hè bên hông nhà bếp, chỗ đó ít người qua lại.

Tôi và Long công tử ngồi bên hè nhà bếp, dựa lưng vào tường. Long công tử nâng cái lon gô uống một ngụm nước rồi bắt đầu câu chuyện.

-Mùa hè năm sáu mươi sáu, tao vừa xong năm thứ nhất bên Văn khoa, một thằng quanh năm suốt tháng chỉ biết rong chơi khắp cả cái đất Sài Gòn, không có nơi nào mà thiếu dấu chân của tao, ăn chơi xả láng như vậy mà cũng xong được năm thứ nhất, đúng là chuyện đáng mừng. Để thưởng công cho mình, tao bèn lấy vé máy bay, lên đồn điền của ba tao ở Ban Mê Thuột. Lúc đầu tao chỉ định ở chơi dăm bảy ngày, trốn cái nóng nực ở Sài Gòn đi tìm chút không khí trong lành của cao nguyên, không ngờ đó là một cuộc phiêu lưu kéo dài luôn ba tháng, cho đến ngày nhập học ở Văn khoa, tao mới trở về lại Sài Gòn. Đồn điền của ba tao cách Ban Mê Thuột vào khoảng mười cây số, trên đường từ Ban Mê Thuột đến cầu Mười bốn.

Long công tử ngưng nói quay nhìn tôi.

-Mày có đến Ban Mê Thuột bao giờ chưa?

Tôi lắc đầu.

-Chưa.

-Có dịp mày cũng nên đi một lần cho biết cái xứ đất đỏ bụi mù đó, nó như thế nào. Bụi mù nhưng con người thì lúc nào cũng trong sáng, không một chút mù mờ. Ngày đầu tiên ở Ban Mê Thuột, tao lái chiếc Land Rover của ba tao dạo phố. So với mấy chiếc xe Honda hai bánh đang chạy ở phố Ban Mê Thuột, chiếc Land Rover như một con voi rừng chạy bên cạnh mấy con nai. Ngồi trên xe tao phì phà điếu thuốc lá, nhìn đời bằng nửa con mắt, thành phố gì mà buồn quá sức, bụi đỏ bám đầy khắp nơi nhìn đâu cũng một màu gạch, phố xá vắng tanh người đi thưa thớt, thỉnh thoảng vài chiếc xe nhà binh chạy vụt qua để lại một lớp bụi mù trên đường phố. Không biết làm gì cho hết giờ, tao chui vào rạp ciné Lodo ở ngay trung tâm thành phố. Được mươi phút tao phải hộc tốc chạy thoát thân, bởi vì cái nóng ngột ngạt khó thở của rạp chiếu bóng không có máy lạnh. Mới có một ngày ở Ban Mê Thuột mà tao đã ớn đến tận cổ. Ngày thứ hai, tao theo anh tài xế xe truck tên là Phục tới thăm đồn điền của ông già tao. Khi xe đã ra khỏi thành phố chừng bốn cây số, đường xá ở đây vắng bóng người di chuyển, trên quốc lộ chỉ có duy nhất một cô gái đang đi bộ. Anh Phục chỉ cô gái rồi nói “Con nhỏ đó tên Hà, mặt mũi coi dễ thương vậy mà tính tình lại cộc cằn, thô lỗ như là dân đầu đường xó chợ”. Tao quay đầu lại, chỉ kịp nhìn thoáng qua thì xe đã chạy quá xa. Tao nói với anh Phục “Anh biết cô ta hả?”. Anh Phục trả lời “Biết chớ cô Hà làm công trong đồn điền của mình, sở dĩ tôi nói cô ta khó ưa vì có xe của đồn điền chở công nhân đi làm miễn phí mà cô ta không chịu đi, cứ nhất định lội bộ”. Khi tới đồn điền, một mình tao ngồi trong văn phòng nhìn qua khung cửa kính, mới đầu tháng sáu hãy còn bốn năm tháng nữa mới đến mùa thu hoạch cà phê, cho nên cái sân đóng bao cà phê rộng mênh mông vắng hoe, chỉ có vài nữ công nhân đang làm việc. Óc tò mò khiến tao lén quan sát cô Hà. Về sắc đẹp thì đúng như anh Phục nói, Hà không có vẻ đẹp sắc sảo mặn mà, nhưng xinh xắn dễ thương như một con búp bê, còn về tính tình thì hoàn toàn khác hẳn những gì anh Phục nói. Hà vui vẻ với mọi người, ăn nói dịu dàng lại hay pha trò làm cho mấy cô công nhân cười bò lăn. Chuyện xảy ra trước mắt khiến tao không tin Hà là một con người cộc cằn. Bị sắc đẹp của Hà mê hoặc, sắc đẹp của một loài hoa nơi núi rừng hoang dã, nên ngày hôm sau tao lái chiếc Land Rover chạy rề rề theo sau Hà, suốt mấy cây số đường cô ta cắm cúi đi không một lần ngó lại. Ngày hôm sau mọi chuyện cũng diễn ra y như vậy. Sang đến ngày thứ ba, tao gần như mất kiên nhẫn, lái xe theo sau Hà nhưng trong bụng thì nản lắm rồi, đã mấy lần tao muốn bỏ cuộc quay về Ban Mê Thuột. Đúng ngay lúc ấy, Hà quay lại nhìn chăm chăm vào mặt tao rồi hỏi “Coi bộ anh rảnh quá há, tôi lội bộ mệt muốn chết, anh lái xe theo tui mấy ngày nay, anh không biết mệt hay sao?”

Long công tử ngừng kể, hắn bưng cái lon gô nước uống một hơi rồi quay sang tôi.

-Chỉ chờ chừng đó, khi nghe người đẹp mở miệng, tao mừng quá sức tắt máy xe, nhảy xuống chạy theo Hà rồi lấy giọng êm dịu nói “Tôi sợ cô mỏi chân nên muốn chở cô tới đồn điền, nhưng nghe người ta nói cô không ưa đi xe hơi, nên tôi không dám hỏi”. Hà nhìn tao rồi nói “Ai nói với anh như vậy?”. Tao trả lời “Anh tài xế Phục nói là cô chỉ thích đi bộ”. Hà phá ra cười rồi nói với tao “Tui không đi xe của đồn điền là vì mỗi lần chở tui, ông Phục lại kiếm cách tán tỉnh, anh biết không ổng hơn tui cả chục tuổi, già khú đế, thiếu điều có cháu rồi mà còn bày đặt dụ dỗ tui”. Tao nghĩ thầm trong bụng, tôi cũng đang tán tỉnh cô đây nè, nghĩ như vậy nhưng tao lại nói “Tôi chỉ muốn giúp cô thôi”. Hà cười vui vẻ “Được rồi tui sẽ đi xe, nhưng anh phải thề với trời đất là anh sẽ không học cái thói dê xồm của ông Phục”. Tao lập tức đưa hai tay lên trời rồi nói “Xin thề”. Miệng nói nhưng trong đầu lại nghĩ. Khi mở lời tán tỉnh em, anh Phục quên mất chuyện cưa sừng làm nghé, nên mới lâm cảnh điêu tàn như vậy. Với tao bước đầu khó khăn qua đi không mấy khó, kể như tao đã làm quen được với Hà.

Tôi hỏi Long công tử.

-Bộ Hà không biết mày là con ông chủ, là ông chủ nhỏ của đồn điền hay sao?

Long công tử nói.

-Theo tao nghĩ, ngay lúc ấy thì không. Những ngày sau đó ở Ban Mê Thuột là những ngày tao thật sự sống trong vui vẻ, đầy thoải mái bên Hà. Sáng chủ nhật khi mặt trời lên khá cao, tao lái chiếc Land Rover chở Hà đi lang thang quanh phố Ban Mê Thuột. Đường sá trong thành phố nhỏ hẹp ngắn ngủn so với Sài Gòn, chỉ mới đạp ga vài lần đã đi hết một con đường. Tao cho xe chạy dọc theo đường Ama Trang Long, Hà ngồi trên chiếc ghế bên cạnh luôn miệng giải thích rõ ràng những gì tao muốn biết, gặp đường Tôn Thất Thuyết tao cho xe quẹo phải, chạy ngang qua những dãy nhà khang trang sạch sẽ, khi đến đường Hoàng Diệu, tao quẹo phải một lần nữa rồi hỏi Hà muốn đi đâu. Câu trả lời của Hà nghe thật hết sức dễ thương “Anh muốn đi đâu tùy ý, em thuộc từng ngóc ngách của thành phố này vì em lớn lên ở đây, nhưng đây là lần đầu tiên em ngồi trên một chiếc xe hơi sang trọng chạy trong phố Ban Mê Thuột”.

Long công tử quay sang hỏi tôi.

-Mày biết xe Land Rover rồi chứ gì? Chiếc xe hai cầu dùng để chạy trong đồn điền, có thể chở nặng, băng rừng vượt suối, vậy mà Hà coi đó là chiếc xe sang trọng. Chuyện trò với Hà được vài câu xe đã đến đường Lý Thường Kiệt, tao phân vân không biết phải quẹo trái hay phải. Cuối cùng tao và Hà xuống xe đi bộ, tao muốn tận tay sờ vào cái thành phố Ban Mê Thuột chứ không muốn làm kẻ cưỡi ngựa xem hoa. Khi ngang qua một quán cà phê có bề ngoài rất là đẹp, trang hoàng bắt mắt ở đường Lý Thường Kiệt, tao kéo Hà vào vì tò mò muốn thưởng thức cà phê Ban Mê Thuột. Mang danh là thủ phủ cà phê của miền Nam, chắc chắn cà phê ở đây không thể dở được. Trái với cái vỏ hào nhoáng bên ngoài, trong quán cà phê không có gì đặc sắc, tao gọi hai ly cà phê phin rồi cùng Hà ngồi thưởng thức những bản nhạc tiền chiến phát ra từ mấy cái loa hàng trăm watt treo trên tường. Cà phê trong quán rất đậm đặc, vị khá ngon nhưng mùi thơm thì hoàn toàn không có. Chắc tao đòi hỏi hơi nhiều khi muốn so sánh với những quán cà phê nổi tiếng ở Sài Gòn. Tao hỏi Hà biết quán cà phê nào ngon nhất ở đây không. Hà cúi mặt lí nhí trong miệng “Em nói ra sợ anh không tin, từ nhỏ tới giờ em chưa bao giờ uống một giọt, nói gì đến một ly cà phê. Làm sao em biết ở đâu có cà phê ngon. Nếu anh hỏi em loại rau cải nào ngon hay dở, tốt hay xấu em sẽ trả lời được, bởi vì ngày xưa em vẫn phụ mẹ bán rau cải trong chợ Ban Mê Thuột. Thực ra không phải vậy đâu, em bưng một cái rổ nhỏ trong đó gồm có độ chục trái chanh, một mớ hành lá, mươi trái ớt, bán dạo cho những người khách ngừng xe bên lề đường trước chợ, kiếm được đồng nào hay đồng nấy, phụ giúp mẹ”. Những câu nói của Hà khiến tao bắt đầu suy nghĩ rồi đâm ra nể trọng cái lối ăn nói chơn chất thật thà, không một chút che giấu của cô ấy. Qua khung cửa sổ của quán cà phê, nắng đã lên cao đem theo cái nóng hâm hấp của cao nguyên chụp xuống thành phố, bụng đã bắt đầu thấy xót vì ly cà phê quá đậm, tao và Hà rời quán, thả bộ đến nhà hàng Mỹ Cảnh. Tao biết nhà hàng này vì lúc sáng tao đã lái xe chạy ngang qua.

Long công tử ngẩn nhìn lên bầu trời Sông Mao xanh ngắt một màu, đôi mắt của hắn rõ ràng đang chìm trong quá khứ.

-Khi hai đứa đã ngồi yên trong nhà hàng, tao kêu một tô súp măng cua, sau đó là hai dĩa steak ăn với sà lách và khoai tây chiên, một dĩa mì ống xào thịt bò, thêm một chai bia 33 cho tao và một ly soda chanh cho Hà. Thức ăn dọn đầy bàn, tụi tao vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ, nhờ vậy mà tao biết được hoàn cảnh cũng như đời sống kinh tế của Hà. Với giọng nói tự nhiên đầy chân thật, không một chút ngại ngùng, Hà kể cho tao nghe về cuộc sống túng quẫn nghèo khó của gia đình mình. Mười sáu tuổi, đậu bằng trung học đệ nhất cấp, cha chết vì tai nạn xe, Hà bỏ học đi làm kiếm tiền nuôi thân, hơn ba năm làm công trong đồn điền của ba tao, cuộc sống tạm ổn định, tiền lương chỉ đủ sống đắp đổi qua ngày. Tuy vậy Hà vẫn cho là mình rất may mắn khi có được một việc làm ổn định ở cái xứ Ban Mê Thuột đất đỏ buồn hiu, nơi mà mọi người thường gặp khó khăn trắc trở trong khi tìm kiếm công ăn việc làm. Không biết chút xíu gì về Ban Mê Thuột nhưng tao vẫn gật đầu đồng ý với Hà, rồi than phiền về thành phố vắng vẻ, buồn quá sức so với Sài Gòn. Hà nói với tao “Bởi vì anh rảnh rỗi quá, cho nên sinh ra buồn chán, ngày mai em sẽ dẫn anh đến nơi này và hy vọng anh sẽ thích. Sáng mai, nhớ đón em trên đường như mọi lần”. Tao thanh toán tiền ăn rồi để một mớ tiền tip trên bàn. Khi vừa bước chân ra khỏi tiệm, tao ngạc nhiên khi thấy Hà đưa cho tao mớ tiền rồi nói “Anh để quên tiền nè”. Tao cầm mấy tấm giấy bạc trên tay Hà, vô tình nhìn thấy tay áo dài trắng may bằng loại vải rẻ tiền mà Hà đang bận, tuy chưa rách nhưng đã sờn nhiều chỗ quanh cổ tay áo. Tao chợt hiểu ra, đồng tiền đối với Hà rất là quý. Sau khi giải thích với Hà chuyện phải cho người hầu bàn chút tiền gọi là cảm ơn, tao trở vào tiệm giải quyết chuyện tiền tip. Khi tao bước ra cửa, Hà nói với tao, câu nói chắc suốt đời tao không bao giờ quên “Số tiền mà anh trả cho bữa ăn hôm nay bằng nửa tháng lương của em, tiền anh cho người ta đủ để em sắm một đôi dép mới”. Tao đứng như trời trồng, ngượng ngùng lúng túng. Khi đã hiểu rõ Hà muốn nói gì, một chút tình thương xuất phát tận đáy lòng chợt đến với tao.

Long công tử ngưng kể chuyện, nó hỏi tôi.

-Mấy giờ rồi?

Tôi nhìn đồng hồ.

-Mười một giờ hơn.

Long công tử hối tôi.

-Mày về ăn cơm đi, tao phải đi lãnh phần cơm của tao. Chủ nhật tuần tới rảnh qua đây chơi, tao cần có người để tâm sự, dân Sài Gòn như tao, một mình sống lạc loài trong khối Bình Thuận, quả thật là buồn còn hơn là ở tù.

Tôi nắm chặt tay Long công tử, an ủi hắn.

-Mày nói đúng, yên chí đi còn có tao ở đây, gắng ăn uống, thuốc thang, tuần tới tao qua thăm mày. À quên nữa, bịnh sốt rét của mày tới đâu rồi?

Long công tử với nụ cười rạng rỡ trên môi.

-Mẹ nó có mấy viên thuốc Chloroquine, cái thứ thuốc mà ngày xưa tụi mình chê lên chê xuống thiếu điều muốn vứt vào thùng rác, không hiểu sao bây giờ nó như là thuốc tiên, tao mới uống có mấy viên mà con vi trùng sốt rét Cà Tót, nó biến mất tiêu.

Cuối tuần đó, tôi không qua thăm Long công tử được, phải đợi thêm hai tuần lễ nữa tôi mới có dịp qua thăm nó, lý do rất giản dị vì tất cả khu trung úy gồm có năm khối phải tập trung lại, bốn khối đi đến phi trường dã chiến Sông Mao để gỡ vỉ sắt PSP, đem về làm hàng rào bao quanh khu trung úy, khối còn lại lo phần đào đất để chôn vỉ sắt PSP xuống. Phi trường này trước đây do công binh Mỹ thiết kế và xây dựng để cho phi cơ vận tải đáp xuống tiếp tế thực phẩm đạn dược, cho những căn cứ quân sự quanh Sông Mao. Hôm nay phi trường trở thành vô dụng đối với cách mạng, vì Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đánh nhau với Mỹ bằng xe tăng và trọng pháo, chứ không dùng phi cơ. Hơn nữa nhu cầu trước mắt là cần chỗ chắc chắn để nhốt tù, cho nên phải gỡ PSP đem về làm hàng rào trại tù.

Chỉ tiêu của Việt Cộng đưa ra là, mỗi ngày hai tù nhân phải đem từ phi trường về trại một tấm PSP. Đoạn đường di chuyển dài khoảng hai cây số, muốn khiêng, vác, cõng, gánh, lôi , kéo, làm gì cũng được tùy tù nhân, miễn sao đem được tấm vỉ sắt về trại.
Khi đám tù nhân chúng tôi đến phi trường, Trung úy Lợi nhìn phi đạo rộng mênh mông, dài ngút mắt được lót bằng vỉ sắt, hắn lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán.

-Tao đã quan sát kỹ rồi, phi trường Sông Mao có hai phi đạo, phi đạo nhỏ dành cho trực thăng, dùng vỉ sắt M8, phi đạo dài và rộng dành cho vận tải cơ, dùng vỉ sắt M8A1. Tấm vỉ sắt M8 có tám mươi bảy cái lỗ to như cái chén, bề ngang của nó đo được ba mươi tám phân, bề dài ba mét, nặng ba chục kí lô, thứ này Việt Cộng không muốn dùng nó làm hàng rào, vì sợ tù nhân có thể nhìn xuyên qua những cái lỗ này, quan sát được bên ngoài và bám theo những cái lỗ đó leo rào vượt ngục. Thứ mà Việt Cộng muốn là loại M8A1, không có lỗ, bề ngang sáu mươi phân, bề dài ba mét sáu, nặng bốn mươi lăm kí lô. Hai thằng tù khiêng một tấm vỉ sắt M8A1, tuy không nặng lắm nhưng lại cồng kềnh, đi gần hai cây số coi bộ hơi oải à nha.

Tôi nhìn Trung úy Lợi.

-Sao mày rành quá vậy? Biết hai, ba loại vỉ sắt, biết được tám mươi bảy cái lỗ. Mày đếm hồi nào vậy?

-Đếm cái con mẹ gì, tất cả những thông số kỹ thuật đó tao học ở Trường công binh. Chỉ có mấy con số mà không nhớ thì đi lính bộ binh như mày cho được việc.

Tôi sửa lưng nó.

-Phải rồi mấy cái con số vô dụng đó thì mày nhớ kỹ, còn nguyên cuộn dây dẫn điện to như cái cối đá thì mày quên mất tiêu. Phải không?

Trung úy Lợi cười.

-Vô dụng sao được mày, không có tao làm sao tụi mày biết tấm vỉ sắt mà tụi mày sẽ khiêng, nặng đúng bốn mươi lăm kí.

Tôi đề nghị với Trung úy Lợi.

-Hai thằng khiêng một tấm vỉ sắt nặng bốn mươi lăm kí, đi hai cây số, đúng như mày nói coi bộ hơi oải gân đó. Hay là mình kêu thêm hai thằng nữa, bốn thằng gánh một tấm, một ngày đi hai lần, sáng một chuyến, chiều một chuyến, vừa nhẹ nhàng vừa thoải mái. Khỏe re như con bò kéo xe.

Trung úy Lợi tán đồng.

-Mày nói đúng, để tao đi kêu gọi thêm hai thằng nữa.

Bốn thằng tù tụi tôi, dùng một cọng kẽm gai được tháo ra từ hàng rào cột vào hai đầu tấm vỉ sắt, lòn khúc cây qua vòng kẽm gai, gánh tấm vỉ sắt về. Mỗi ngày gánh hai chuyến không có gì là mệt nhọc, chỉ có chuyện nguy hiểm là khi gỡ kẽm gai nơi hàng rào của phi trường, có thể bị trúng mìn. Nhiều ông sĩ quan ở đơn vị tác chiến than thở, đánh đấm bao nhiêu năm không sao, giờ đây vô tù, bị đạp mìn giống như chết lỗ chân trâu, lảng nhách.

Bốn khối trung úy lo vận chuyển vỉ sắt từ phi trường về trại, khối còn lại lo phần đào đất để chôn tấm vỉ sắt. Bề dài của một tấm vỉ sắt là ba mét sáu mươi phân, chôn sâu xuống đất sáu mươi phân, chiều cao còn lại của hàng rào là ba mét. Gần bảy trăm tù trung úy làm việc suốt hai tuần, cái hàng rào sắt kiên cố đã hoàn tất. Bốn góc trại, mỗi góc có một cái tháp canh cao hơn hàng rào, mỗi tháp canh được bố trí một cái đèn pha và một khẩu đại liên phòng không 50. Loại súng này bắn máy bay còn rớt, sá gì mấy thằng tù ốm nhom cho dù có leo lên tới đỉnh của hàng rào, cũng sẽ làm mồi ngon cho mấy cây đại liên phòng không 50 này. Nhìn bức tường cao ngút mắt, thêm mấy họng súng đại liên đen sì, lúc nào cũng sẵn sàng nhả đạn, đa số tù nhân đều nhắm mắt chào thua, trừ những vị nào có máu Papillon mới dám nghĩ đến chuyện vượt ngục.

Xong phần hàng rào, tù trung úy được lệnh khiêng thêm vỉ sắt về trại. Bao nhiêu tháng rồi tuy không có đi tu nhưng tù nhân phải ăn chay nằm đất, chuyện ốm yếu và bịnh tật dễ xảy ra, hôm nay được cách mạng ưu ái chăm lo sức khỏe của tù nhân, cho khiêng PSP về làm gường ngủ nên mọi người đều hăng hái làm lao động. Mỗi phòng tám người, được lấy bốn tấm vỉ sắt kết với nhau thành một cái gường, bề ngang 2 mét 4, dài 3 mét 6, kê trên hàng chục viên gạch xi măng. Tính ra mỗi người được gần nửa mét bề ngang để nằm ngủ. Tới đây tù cải tạo Sông Mao đã có nơi ăn chốn ở an toàn đúng như ông bà mình nói “Có an cư thì mới lạc nghiệp”. Tù nhân chỉ còn một việc duy nhất là đi lao động.

Hôm thứ bảy, Trung úy Lợi “liên hệ” với ai đó mua được ba tán đường, liên hệ là chữ tôi mới học được của cách mạng, nó có nghĩa là liên lạc móc nối với người khác, trao đổi tin tức hoặc buôn bán, đại khái là như vậy. Thật ra tôi chưa hiểu rõ hoàn toàn ý nghĩa chữ “liên hệ” để sử dụng cho chính xác.

Chủ nhật sau khi ăn sáng xong, tôi lấy một bộ quần áo của tôi, sau đó gói một tán đường vào trong tờ giấy báo to bằng bàn tay, đem qua khối Bình Thuận cho Long công tử, hai tán đường còn lại là phần của tôi và Trung úy Lợi.

Hơn hai tuần không gặp, hôm nay Long công tử trông khỏe hẳn ra, giống như hắn lên được vài kí thì phải. Sau khi đưa tán đường cho Long công tử, tôi nói với hắn.

-Ngày đi học tập ngoài bộ đồ bận trên người, tao còn mang theo hai bộ nữa để thay đổi. Theo tao đoán suốt mấy tháng qua, mày chỉ có một bộ bà ba đen này thôi phải không?

Long công tử hỏi lại tôi.

-Sao mày biết?

-Mấy tuần trước khi gặp mày nơi cổng trại, ngoài cây gậy đánh chó trên tay, mày đâu có gì nữa.

Không đợi Long công tử trả lời, tôi lấy trong ví ra một đồng bạc mới tinh còn thơm mùi giấy, trịnh trọng đưa cho hắn.

-Tuần trước đổi tiền, ở trong trại của mình quản giáo thu tiền của tù nhân đi đổi giùm, cứ năm trăm đồng Việt Nam Cộng Hòa đổi lấy một đồng tiền Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa. Tao còn một ngàn rưỡi tiền Việt Nam Cộng Hòa, đổi được ba đồng tiền mới. Trung úy Lợi lấy một đồng mua được ba tán đường, còn lại hai đồng tao đem tặng mày một đồng, mày giữ lấy để phòng khi hữu dụng.

Long công tử cười, nụ cười đầy sảng khoái.

-Bắp cải à cất tiền đi, khi nào cần tao sẽ qua mày, còn quần áo thì tao lấy chớ vì đúng là tao đang cần, mấy tháng rồi chỉ có một bộ duy nhất trên người, hôm nay nó bốc mùi rồi. Bây giờ tao xuống nhà bếp xin một lon gô nước sôi, bỏ tán đường vào, hai thằng mình ra ngồi sau hè, kể chuyện đời xưa nhâm nhi chút nước đường. Cứ tưởng tượng như tụi mình đang ngồi ở Thanh Thế, ăn cái bánh Pâté Chaud với vỏ mỏng giòn rụm, gói gọn lấy miếng thịt bằm thơm mùi bơ, uống ly cà phê sữa nóng, nhìn thiên hạ dẫn nhau bát phố Sài Gòn mà nhớ lại “Những ngày xưa thân ái”. Có Biên, có Dung, có mày, có tao, có cả một bầu trời của tuổi thanh xuân tràn đầy hạnh phúc.

Tôi khen Long công tử.

-Ý kiến của mày quả thật tuyệt vời, không có chỗ chê, tao ra sau hè đợi mày.

Được chừng mươi phút sau, Long công tử bưng lon gô nước gói trong miếng vải bao cát, hắn ngồi xuống bên cạnh tôi.

-Nè Bắp cải, mày còn nhớ lần tụi mình ăn tối ở Thanh Bạch không?

Tôi nhắm mắt lại, để cho hồn của mình bay về quá khứ, miệng nói với Long công tử

-Không nhắc đến thì thôi, nhắc lại nhớ quá trời, nhớ da diết, nhớ quay quắt, nhớ điên cuồng.

Giọng nói của Long công tử vang lên bên tai tôi.

-Nói cho tao biết, chuyện tình của mày với nàng Dung xinh đẹp, kết cuộc có đẹp hay không?

Tôi mở mắt nhìn Long công tử, thong thả kể cho hắn nghe về đời sống quân ngũ của mình như thế nào, rồi chuyển sang chuyện tình cảm giữa tôi với Dung và Cúc. Tôi say sưa kể lại từng chi tiết nhỏ nhặt vụn vặt, từ chuyện tôi được đọc lá thư của nó viết cho Dung, chuyện hai người Quân cảnh đưa tay cắt đứt tôi và Dung nơi đuôi chiếc vận tải cơ C130, đến chuyện đám cưới của tôi và Cúc nơi quán cơm gần bến xe. Cuối cùng tôi thú thực với Long công tử.

-Lý trí nói với tao rằng, hãy sống cho xứng đáng với mối tình đậm đà sâu sắc của Cúc, trong khi trái tim của tao thì nhất định không chịu, một hai cứ bắt tao phải nghĩ đến Dung. Từ ngày đứt phim tới hôm nay, tao sống bằng lý trí, quyết không để trái tim của tao được quyền can dự vào.

Long công tử thở dài.

-Hình như phần số của mày đã sắp sẵn như vậy rồi, mày có cố gắng vùng vẫy cũng vô ích mà thôi, hãy an hưởng hạnh phúc mà định mệnh đã dành cho mình.

Long công tử bưng cái lon gô lên.

-Tao bỏ hai phần ba tán đường vào lon gô nước sôi, một phần ba tán đường tao cho thằng nấu bếp. Tội nghiệp thằng tốt bụng quá sức, cứ vài ngày nó lại cho tao một miếng cơm cháy. Mày đừng có nghĩ là mấy tay nấu bếp muốn cho ai cơm cháy thì cho, không phải như vậy đâu, tất cả cơm cháy phải chia đều ra cho mọi người. Anh chàng nấu bếp chỉ được phần cơm cháy dôi ra chút đỉnh, thấy tao yếu đuối bịnh hoạn, nên tay nấu bếp cho tao phần dôi ra mà hắn có, để tao “bồi dưỡng”.

Tôi đùa với Long công tử.

-Chắc tại có thêm chút cơm cháy mỗi bữa ăn, cho nên hôm nay mày mập ra thấy rõ, chỉ có điều.

Tôi kéo vai áo bà ba đen của Long công tử, đưa mũi giả vờ hít mấy cái, rồi nói.

-Có chuyện này tao muốn hỏi mày, thằng tù nào cũng hôi ình vì đi làm lao động ngoài nắng, hết lớp mồ hôi này đến lớp mồ hôi khác tích tụ trên người, thấm vào trong quần áo, một tuần mới được đi tắm một lần cho nên hôi là phải. Riêng mày chắc mấy tháng rồi chưa tắm phải không? Người của mày còn hôi hơn tao gấp mấy lần.

Long công tử than thở.

-Tao biết chớ, đi tắm là một đặc ân, nhưng mà từ trại ra đến đập nước xa quá, tao đi đâu có nổi. Biết là mình hôi hám đó nhưng đành chịu thôi, cho đến hôm nay tao mới khỏe lại, lần tới tao sẽ đi tắm, tiện thể sẽ thay bộ đồ đen này bằng bộ đồ của mày mới cho tao.

Bắt chước Long công tử, tôi dùng những chữ mới học được nói với nó.

-Khi tới nơi tắm, mày nhớ “tranh thủ” tìm thức ăn để “cải thiện”. Khi đang tắm dùng chân của mày rà trong lớp cát dưới đáy sông, nếu gặp được vật gì cân cấn dưới chân, đó là con chem chép to cỡ hai, ba ngón tay. Với mười lăm phút tắm giặt, thằng dở nhất cũng mò được năm, bảy con chem chép, đem về luộc rồi bỏ vô chén cháo ăn buổi sáng. Tao không cần nói, mày cũng biết chén cháo ngon ngọt bổ dưỡng cỡ nào. Đó là việc đáng nhớ nhất khi đi tắm mà tao phải căn dặn mày, còn chuyện giặt quần áo, tắm cho sạch sẽ bớt hôi, chắc cũng không quan trọng lắm đâu. Mày không nghe người ta thường nói đùa với nhau “Trâu bò mấy tắm, mà một con cũng bán được cả chục ngàn” hay sao? Bây giờ chuyện quan trọng là, tao chỉ muốn mày kể tiếp cho tao nghe về người tình Ban Mê Thuột của mày.

Long công tử nhấp một chút nước đường rồi đưa cái lon gô cho tôi.

-Mấy tuần trước tao kể tới đâu rồi? À, tao nhớ ra rồi. Sáng hôm sau tao lái xe tới khúc đường cũ, Hà đang lửng thửng thả bộ dọc theo quốc lộ, khi nghe tiếng xe ngừng lại sau lưng, Hà quay người mở cửa xe phóng lên rồi nói với tao cứ tiếp tục chạy. Tao lái xe được cả chục cây số rồi mà chưa thấy Hà nói gì về nơi sắp đến, chỉ nghe cô ta vui vẻ kể cho tao nghe chuyện đi câu cá, cho đến khi tao nhìn thấy cây cầu khá dài và lớn chắn ngang phía trước. Hà nói “Trước mặt anh là cầu Mười bốn, bắc ngang con sông Serepok. Sở dĩ người ta gọi là cầu Mười bốn vì nó nằm cách Tòa hành chánh Thành phố Ban Mê Thuột đúng mười bốn cây số. Ở hai đầu cầu đều có trạm gác, anh phải ngừng lại để mấy ông lính kiểm soát”. Khi tao ngừng xe lại, mấy người lính bao quanh tao với giọng nói đầy thân thiện “Ông cụ đâu? Ông cụ đâu?”. Vì quá bất ngờ, tao ngớ người ra không biết trả lời như thế nào. Một người lính nhìn tao “Anh là tài xế mới của ông cụ hả?”. Sau vài giây suy nghĩ, tao nói “Dạ đúng”. Người lính nói “Tụi tôi tưởng ông chủ đồn điền đem bánh mì thịt cho chúng tôi”. Lúc bấy giờ tao mới hiểu ra, khi thấy chiếc xe Land Rover của ba tao, những người lính Địa Phương Quân giữ cầu tưởng ba tao đem bánh mì đến ủy lạo. Gì chứ chuyện giao tế tao rành quá sức, tuy trong xe không có bánh mì nhưng tao nghĩ ngay đến mấy cây thuốc lá để sau thùng xe, mà tao mua để hút khi ở Ban Mê Thuột. Không một chút chần chừ, tao đi vòng ra sau xe, lấy một cây thuốc Lucky “Không có bánh mỳ nhưng có cái này, tặng mấy anh hút cho ấm lòng khi canh gác”. Có cây thuốc lá làm quà, mấy người lính quay sang hỏi Hà “Cô Hà đi câu cá phải không?”. Hà trả lời “Dạ, con dẫn anh tài xế mới này đi câu cho biết”. Tao cho xe chạy chầm chậm qua cầu, bề ngang của mặt cầu chỉ vừa đủ cho một chiếc xe, thêm một lằn nhỏ riêng biệt rộng khoảng một mét dành riêng cho khách bộ hành. Theo như tao ước đoán, vào khoảng hai, ba chục năm về trước khi xây cất cây cầu này, xe hơi thời bấy giờ chẳng có bao nhiêu, người Pháp vì muốn tiết kiệm tiền nên họ thiết kế cây cầu chỉ cần cho một lằn xe là đủ rồi. Vì lý do đó, những người lính Địa Phương Quân đóng đồn ở đây có hai nhiệm vụ, ban ngày họ là cảnh sát giao thông lo việc điều hành xe cộ lưu thông trên cầu, đêm đến họ là lính gác giặc bảo vệ cây cầu.

Nắng đã lên cao, Long công tử nhắm mắt lại, hắn lấy cái nón may bằng vải bao cát che mặt, rồi nói.

-Khi xe đã qua khỏi cầu được một đoạn ngắn, Hà chỉ tao rẽ vào một con đường mòn, đậu xe lại. Hai đứa bắt đầu lội bộ qua cánh rừng thưa đến một căn nhà tranh vách đất, với cánh cửa chỉ khép hờ. Hà nói với tao “Đây là nhà của cậu em, mình xuống bến sông lấy ghe, trên ghe lúc nào cậu em cũng để sẵn đầy đủ mọi thứ cần thiết để câu cá. Mà nè, anh có biết bơi không?”. Tao nói với Hà “Không những biết bơi mà còn bơi giỏi nữa”. Tụi tao xuống một chiếc ghe nhỏ, phải gọi là thuyền độc mộc mới đúng, vì nó được làm bằng một thân cây khá to, bề ngang của thuyền khoảng chừng bảy, tám tấc, chiều dài hơn ba thước. Chưa tới mùa mưa lũ nên nước sông đỏ ngầu, chảy lờ đờ, Hà sử dụng mái chèo một cách thành thạo, con thuyền lướt đi nhẹ nhàng trên sông. Trên thuyền với hàng chục cây cần câu không có đọt, dài khoảng hơn một sải tay đã cột sẵn cước và lưỡi câu, mồi là mấy con sâu đựng trong một cái lon nhỏ. Hà chèo thuyền dọc theo bờ sông, khoảng hơn mười mét lại cắm một cần câu, cột thêm sợi dây đỏ để làm dấu. Sau khi đã cắm hết cần câu, Hà để cho thuyền trôi lửng lơ trên sông rồi nói với tao “Mình nằm đây chờ, trong lúc đợi cá cắn câu, anh nhìn cây cầu Mười bốn trước mặt mình đi, hôm nay nếu may mắn mình sẽ thấy được mấy ông phi công Việt Nam, lái máy bay bà già chui qua gầm cầu”.

Long công tử dỡ cái nón vải bao cát, nhìn quanh một vòng rồi mới nói tiếp.

-Trước mắt tao, cây cầu với ba cái chân cột khổng lồ hình quả trám đỡ lấy mấy nhịp cầu với những đường cong mềm mại không đồng đều ở bên trên, thành cầu đúc bê tông cốt sắt hình chữ V thật đơn giản nhưng lại phối hợp rất nhịp nhàng với chân cầu, tất cả những yếu tố trên, tạo cho cây cầu có một nét đẹp hút hồn. Giữa núi rừng cao nguyên hoang vắng, cây cầu đứng một mình, lung linh soi bóng nước, như một tác phẩm nghệ thuật mà người kỹ sư Pháp nào đó đã bỏ công tạo nên. Nhờ vào chiều cao của một chiếc xe GMC, đang bò chầm chậm qua cầu, nên tao ước lượng được chiều cao từ mặt nước sông đến đáy cầu phải cỡ chừng hai chục mét, khoảng cách rộng nhất giữa hai chân cầu độ chừng năm mươi mét. Với những khoảng cách lý tưởng như vậy, tao tin rằng chiếc phi cơ bà già có thể chui qua gầm cầu mà không gặp bất cứ trở ngại nào. Nhưng mà đó chỉ là cái nhìn của một thằng sinh viên Văn khoa như tao mà thôi, còn chuyện chui qua được gầm cầu hay không phải hỏi mấy ông phi công Việt Nam còn trẻ tuổi, thích phiêu lưu mạo hiểm mới biết được. Trong lòng bán tín bán nghi, một thoáng nghi ngờ về câu nói của Hà, tao hỏi “Em thấy máy bay chui qua gầm cầu rồi phải không?”. Hà trả lời “Có, em được thấy vài lần khi câu cá ở đây, lần nào cũng như lần nấy, hồi hộp muốn đứng tim, khi thấy chiếc phi cơ L19 xuất hiện ở cuối chân trời, trông nó giống như một con đại bàng sải cánh, lướt trên mặt sông, quắp lấy con mồi rồi bay vút lên trời cao”. Dưới ánh nắng rực rỡ của buổi sáng mùa hè, Hà ngồi nơi cuối thuyền, trong bộ đồ bà ba với những đường cong tuyệt đẹp, hai tay ôm lấy mái chèo lắc nhẹ, đẩy con thuyền trôi lững lờ về phía mặt trời. Nhìn hình ảnh của một thiếu nữ khỏe mạnh, ở lứa tuổi đôi mươi chèo thuyền trên sông, xa xa thấp thoáng cây cầu nổi bật trên nền trời xanh màu ngọc bích, trong lòng phân vân tao tự hỏi, không biết người đẹp hay cây cầu đẹp.

Tôi đưa lon gô nước đường cho Long công tử.

-Làm một hơi cà phê sữa Thanh Thế đi mày, em xinh em đứng một mình cũng xinh, cần gì phải có cây cầu làm hậu cảnh.

Long công tử dường như không quan tâm đến lời nói của tôi cho lắm, hắn nói tiếp.

-Hà cho thuyền quay ngược lại về phía thượng nguồn, cặp sát vào bờ sông, từ từ dỡ những cần câu lên, hơn chục cái cần câu mà chỉ có được một con cá nặng ước chừng một kí. Tao tính toán trong đầu, cất công từ Ban Mê Thuột đến đây, chèo thuyền bơi dọc theo bờ sông mấy tiếng đồng hồ chỉ để bắt được một con cá. Đời sống của những người dân quê ở đây, sao mà khổ quá vậy. Tao hỏi Hà “Sao ít cá quá vậy em?”. Hà giải thích cho tao hiểu “Câu cá Lăng đuôi đỏ ở trên sông này phải giăng dây ngang sông, cột thật nhiều lưỡi câu, dùng mồi tươi như là ếch, nhái, mới có hy vọng bắt được nhiều cá lớn. Chuyện đó chỉ dành cho những người câu cá chuyên nghiệp. Câu cá như em, gặp ngày may mắn lắm cũng chỉ bắt được dăm ba con cá Lăng cỡ này, họa hoằn lắm mới được con cá lớn hơn chút xíu. Mà anh có biết không, em chỉ cần một con cá thôi, như vậy là đủ rồi”. Nhìn gương mặt tươi cười hớn hở của Hà, tao hỏi “Em định làm gì với con cá này”. Hà nói với tao “Cá Lăng đuôi đỏ ở chợ Ban Mê Thuột bán rất được giá, em đem con cá xuống chợ nhờ chị Ba bán cá, bán giùm em. Sau đó em sẽ dùng số tiền bán cá, mua một đôi dép mới”. Tao lặng người đi vì thương cảm, thương cho những ước mơ sao mà nó bình dị quá chừng, mấy ngày trước đó tao cất công theo đuổi Hà, vì thích cái vẻ đẹp ngây thơ duyên dáng của một cô gái quê. Và nhất là muốn thỏa mãn cái tự tôn mặc cảm của mình, của một thằng công tử sống ở thủ đô, coi tiền như rác, quanh năm chỉ biết vung tiền qua cửa sổ để mua lấy những “Cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm”. Cho đến khi đi ăn trưa ở nhà hàng Mỹ Cảnh, rồi đi câu cá trên sông Serepok, biết được hoàn cảnh khó khăn của Hà, tao như lạc bước qua một vùng đất đầy kỳ hoa dị thảo đã bị lảng quên bởi thời gian. Tao hoàn toàn bị khuất phục trước cái trong sáng giản dị, hồn nhiên của Hà. Từ chỗ đi chinh phục tao trở thành kẻ bị chinh phục. Mặt trời đứng bóng, Hà lấy trong cái giỏ xách hai củ khoai “Anh đói rồi phải không? Anh một củ, em một củ, ăn xong mình trở về Ban Mê Thuột”.

Tôi cười rồi nói với Long công tử.

-Coi bộ mày bị lậm thuốc rồi.

-Lậm quá đi chớ, nếu không tại sao Hà xách con cá đi vào chợ, tao lại lẽo đẽo theo sau. Đưa con cá cho chị Ba, cầm tiền trong tay Hà quẹo qua hàng bán dép guốc. Sau một lúc lựa chọn, mang thử, Hà mua đôi dép được làm bằng một loại nhựa rẻ tiền màu xanh, nhỏ hơn chân của Hà ước chừng một phân. Thấy lạ, tao nhắc mà như hỏi Hà “Tại sao em chọn đôi dép quá nhỏ như vậy, khi đi sẽ đau chân cho mà coi”. Hà giải thích “Đi vài ngày, quai dép sẽ giãn ra là vừa”.Khi hai đứa tao bước ra khỏi chợ, nắng chiều đổ xuống mái tóc đen huyền óng mượt của Hà, hắt lên cái bóng dáng nho nhỏ xinh xinh trải dài theo hè phố, tao đi bên Hà mà trong lòng mơ thấy hai cái bóng nắm tay nhau. Mua được đôi dép, nét vui tươi hớn hở hiện rõ trên gương mặt của Hà. Tao dẫn Hà vào nhà hàng, cũng lại là nhà hàng Mỹ Cảnh, ở Ban Mê Thuột vào thời buổi đó, hình như chỉ có độc nhất một cái nhà hàng này mà thôi. Chuyện cũng dễ hiểu, vì tao mới tới Ban Mê Thuột chưa được một tuần, nên không biết nhiều về thành phố này. Tao chọn một cái bàn nằm kín đáo trong góc, khi thấy tao gọi toàn là những món ăn đắc tiền, ông chủ nhà hàng Mỹ Cảnh là người Việt gốc Hoa hỏi tao với giọng nói lơ lớ “Nị ở Sài Gòn mới lên Ban Mê Thuột phải không? Vậy mà ngộ lại thấy nị quen lắm”. Tao cười rồi pha trò “Trông tôi chắc giống mấy tay du đảng trong phim Hồng Kông, đang chiếu ở rạp hát Lido chứ gì”. Ông chủ nhà hàng đứng suy nghĩ một lúc rồi nói “Ngộ biết nị giống một người, mà ngộ nghĩ hoài không ra”. Từ nãy đến giờ Hà ngồi im lặng bên tao, đột nhiên lên tiếng “Giống ông chủ đồn điền cà phê phải không?”. Ông chủ nhà hàng Mỹ Cảnh vỗ tay cái bốp, rồi nói “Đúng rồi, nị đúng là con của ông chủ đồn điền Nam Long, ngộ có mấy mẫu đất trồng cà phê gần đồn điền của ông chủ Nam Long”. Vừa nói ông chủ hàng Mỹ Cảnh vừa cười thân thiện “Ông chủ lớn Nam Long có ghé đây ăn uống vài lần, khi nào về Sài Gòn nị cho ngộ gởi lời thăm ông chủ”. Trong suốt bữa ăn, Hà nói cho tao nghe là ngay cái ngày đầu tiên, cô ấy đã biết tao là con ông chủ đồn điền, không phải qua giọng nói, cách ăn bận của người Sài Gòn, lối tiêu xài xa xỉ, mà là tao có nhiều nét giống ba tao, nhất là đôi mắt và cái trán. Hóa ra suốt mấy ngày qua tao bị lừa, địch biết ta mà ta không biết địch, thua là phải.

Tôi đùa với Long công tử.

-Mang danh là công tử của Sài Gòn hoa lệ, của Hòn Ngọc Viễn Đông mà bỏ thây nơi cái xứ Buồn Muôn Thuở thì tệ thiệt.

Long công tử chống chế.

-Tình yêu mà mày. Mấy ngày sau, sáng hôm đó thay vì cùng tao đi đến đồn điền, Hà mời tao về nhà, vì nàng có chuyện quan trọng cần nói. Tao lái xe mà trong lòng băn khoăn thắc mắc, không biết Hà muốn nói chuyện gì đây. Theo sự hướng dẫn của Hà, tao cho xe quẹo trái trên quốc lộ, chạy trên con đường đất nhỏ và hẹp, chỉ mới được độ một trăm thước, Hà chỉ vào một ngôi nhà bên đường rồi nói “Nhà em đó”. Trước mặt tao là một căn nhà gỗ nhỏ bé với những tấm ván cũ kỹ ghép vào nhau một cách vụng về cẩu thả, nhiều chỗ đã bị mục nát do sự tàn phá của nắng mưa. Tao thầm nghĩ nếu có một cơn gió mạnh thổi qua, không chừng cả ngôi nhà có thể bị sập đổ như không. Khi bước chân qua ngưỡng cửa, mắt tao chạm phải một rừng giấy bao xi măng cũ dán đầy tường. Sau một hồi suy nghĩ, tao mới hiểu được công dụng của những tờ giấy dán trên tường là để che gió lùa qua kẽ ván. Trước mặt tao, một người đàn bà thân hình nhỏ nhắn, tuổi chừng bốn mươi, gương mặt phảng phất nét u buồn, bà ta đang ngồi trên chiếc ghế nơi bàn ăn, chân mang đôi dép nhựa màu xanh còn mới tinh. Lúc bấy giờ tao mới hiểu ra, tại sao Hà mua đôi dép nhỏ hơn chân của nàng một chút. Hà lên tiếng giới thiệu với tao “Má của em”. Quay sang người đàn bà, Hà nói “Má à, đây là anh Long, con của ông chủ đồn điền, nơi con đang làm việc”. Người đàn bà chỉ vào chiếc ghế duy nhất còn trống trước mặt bà “Mời cậu ngồi chơi, tôi có vài chuyện muốn hỏi cậu”. Tao ngồi xuống ghế, miệng nói “Cảm ơn bác”. Má của Hà hỏi tao “Năm nay cậu bao nhiêu tuổi? Học hành tới đâu?”. Tao từ tốn nói với bà “Thưa bác con hai mươi mốt tuổi, đang học đại học ở Sài Gòn”. Má của Hà hỏi tiếp “Cậu học kỹ sư hay bác sĩ”. Tao trả lời với bà “Thưa bác con học bên Văn khoa”. Nói như vậy nhưng tao không biết bà có hiểu tao nói gì hay không. Sau đó, suốt gần cả tiếng đồng hồ, má của Hà hỏi tao đủ mọi chuyện về gia đình của tao. Cuối cùng bà nói “Con Hà đang làm công trong đồn điền của ba cậu, đồng lương của nó kiếm được chỉ đủ mẹ con tôi sống đắp đổi qua ngày. Cậu hãy nhìn căn nhà chúng tôi đang ở, nó tồi tàn xập xệ như thế nào, trong khi gia đình của cậu giàu sang quyền quý, mai mốt khi cậu ra trường, cả một tương lai huy hoàng sáng lạng đang chờ đón cậu. Cậu thử nghĩ coi, con Hà có xứng đáng với cậu hay không?”. Bà má của Hà ngưng nói chừng như hơi mệt khi phải nói nhiều, được một lúc sau bà mới nói tiếp “Con Hà nó còn quá nhỏ chưa biết gì về cuộc đời, cậu đừng chơi qua đường, tội nghiệp cho nó”. Nghe má Hà nói, tao nghĩ “ có phải bác muốn nói con là thằng sở khanh không?”. Tao ngồi đó, giận muốn run lên, giận vì má của Hà chưa biết gì về tao mà đã vội nặng lời. Tao đứng lên chào bà rồi xin phép ra về, trước khi đi tao nhẹ nhàng nói với bà “Xin bác cứ yên tâm, từ hôm quen Hà tới nay, con chưa bao giờ có ý định lợi dụng, bằng cớ là con chưa chạm đến cái móng tay của Hà”. Ngay chiều hôm đó, tao mua vé máy bay trở về Sài Gòn.

Long công tử co tay, duỗi chân ra chiều mệt mỏi.

-Một tuần sau, tao nhận được điện tín của Hà chỉ vỏn vẹn có năm chữ “Hà cần gặp anh gấp”. Mới đầu vì giận bà má của Hà, tao quăng mẹ nó cái điện tín vào thùng rác, rồi lái xe xuống Brodard. Mới uống một hớp cà phê, tao vội vã trả tiền vì trong lòng bồn chồn đứng ngồi không yên, tao lái xe mà không biết đi đâu. Cho đến khi thắng xe lại trước hãng hàng không Việt Nam, lúc bấy giờ tao mới biết tại sao. Thì ra tiếng gọi của tình yêu, tuy êm dịu nhẹ nhàng như gió thoảng bên tai, nhưng cái hấp lực của nó quả thật còn mạnh hơn sức hút của trái đất. Tao bay lên Ban Mê Thuột.

Long công tử cười, nụ cười của Sài Gòn ngày xưa.

-Mày biết không, khi gặp lại tao, gương mặt của Hà vui tươi hớn hở như trẻ con được quà. Ôm chặt lấy tao, Hà nói “Má em đâu có phiền trách gì anh, bà chỉ muốn nói với anh là đừng chơi qua đường, còn chuyện nếu anh muốn lấy em đàng hoàng, bà đâu có ngăn cản”. Cho đến cuối hè năm đó, tao và Hà có được hai tháng rong chơi nhiều nơi, từ Ban Mê Thuột xuống Nha Trang tắm biển, nhìn cát vàng biển xanh, chạy qua Phan Rang ngắm cảnh Tháp Chàm, thăm bãi biển Ninh Chữ, vòng lên cái xứ bắp cải đầy sương mù của mày, uống ly cà phê Thủy Tạ, rồi bay về lại Ban Mê Thuột. Hai tháng trường sống trong hạnh phúc tuyệt vời, và có thể nói là đẹp nhất trong cuộc đời của tụi tao. Mãi cho đến khi năm học sắp bắt đầu, tao mới chịu trở về Sài Gòn. Ngày tiễn tao ở phi trường Phụng Dực, lúc ngồi nơi phòng chờ đợi lên máy bay, Hà đặt tay tao lên bụng của nàng rồi nói nhỏ “Em có bầu”. Năm đó, tao mới hai mươi mốt tuổi, nghe tin mình sẽ có con, một cảm giác là lạ chợt đến, ngạc nhiên lẫn thích thú. Tao bóp nhẹ tay Hà “Anh biết rõ trách nhiệm và bổn phận của mình, em yên tâm vài tháng nữa anh sẽ trở lại, tiền bạc thì anh đã để sẵn cho em đủ chi dùng cả năm rồi. Nhớ giữ gìn sức khỏe”.

Long công tử quơ tay tìm lon nước, hắn chậm rãi hớp một ngụm.

-Năm đó, tao bay lên Ban Mê Thuột thường xuyên như đi chợ, cho đến khi học xong năm thứ hai, tao mới thú tội với ba tao về chuyện đã có vợ mà giấu cha mẹ. Cuối cùng tao cho ba tao biết, hiện giờ dâu và cháu của ông đang ở Ban Mê Thuột. Nghe tao nói chuyện, gương mặt của ba tao đầy vẻ giận dữ, ông chửi mắng tao không tiếc lời, chưa bao giờ tao thấy ông giận như vậy. Ngày hôm sau, ba má tao dẫn tao lên Ban Mê Thuột. Việc đầu tiên mà ông bà làm là mua lễ vật đem đến nhà má Hà xin lỗi, tạ tội. Sau đó ông xin phép má Hà, cho ông được đem Hà và thằng cháu nội của ông về sống trong căn nhà to lớn, đầy đủ tiện nghi ở đồn điền. Thì ra, cái tội lớn tày trời của tao, là dám để thằng cháu đích tôn của ông phải sống trong điều kiện nghèo khó, thiếu thốn đủ mọi bề. Thêm một chuyện cũng quan trọng không kém, trước khi về lại Sài Gòn, ông họp với chú Luật là người quản lý và chú Bốn là người phụ tá quản lý của đồn điền từ bao lâu nay, với cái lệnh ngắn gọn là mỗi tháng phải trích cho vợ con của tao một số tiền lớn. Đó là quà của ông nội cho thằng cháu đích tôn.

Tôi nghe Long công tử kể chuyện, bất chợt nhớ lại những lời của má Long công tử nói với tôi, hình như có gì đó không ổn.

-Long à, tao có chút thắc mắc, năm đó là năm sáu bảy, má của mà đã có dâu có cháu, tại sao đến năm sáu mươi tám khi tụi mình còn ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, chính má của mày nói với tao là mày chưa có vợ, bà mong có cháu để bồng mà không có.

Long công tử giải thích cho tôi bằng câu hỏi.

-Mày có bao giờ nghe nói đến cái bịnh tưởng tượng, bịnh hoang tưởng không?

-Không. Tưởng tượng đâu có phải là bịnh, chẳng hạn bây giờ tao tưởng tượng mình được thả ra khỏi trại tù này, như vậy là tao đang bị bịnh hay sao?

Long công tử nhíu mày.

-Mày nói đúng, không thể gọi là bịnh tưởng tượng được, cứ tạm gọi là hoang tưởng. Năm tao mười lăm tuổi, thì má tao bắt đầu bị bịnh. Hôm ấy tao đang ngồi ăn sáng nơi phòng ăn của nhà tao, bỗng đâu một cột lửa chen lẫn với khói đen bốc lên cao ở ngoài sân. Tao vội vàng phóng ra khỏi nhà, chiếc xe Mercedes của ba tao đang bốc cháy dữ dội, cách đó độ chục thước má tao đang lấy xăng tưới lên chiếc xe Peugeot 403 của bà, rồi châm lửa đốt. Tao hỏi má tao tại sao mà làm như vậy. Câu trả lời của bà rất giản dị, bà nói là đang đốt hai con voi trốn trong nhà của bà. Sau đó còn nhiều vụ tương tự như vậy xảy ra, chẳng hạn khi thì bà nói tao không phải là con của bà, khi thì bà có hai đứa con trai chứ không phải một mình tao. Sau nhiều lần ba tao đưa má tao đến bịnh viện khám bịnh, mới biết bà bị cái bịnh hoang tưởng. Ngoài những lúc như vậy, má tao là một người khá bình thường, thoáng nhìn qua không một ai biết được là bà bị bịnh.

Tôi gật đầu.

-Thì ra là vậy, tao không biết má mày bị bịnh nên mới hỏi.

Long công tử nói thêm.

-Một phần cũng vì hoàn cảnh gia đình như vậy, cho nên ba tao dồn hết tình thương cho thằng con, ông chiều tao hết mực muốn gì cũng được. Là con một trong gia đình giàu có, dấu chân của tao từng in khắp chốn ăn chơi thanh lịch của Sài Gòn, tao tiêu xài hoang phí không một chút e dè, cho nên bạn bè mới tặng cho tao cái tên Long công tử. Khi học xong năm thứ ba, tao muốn đem vợ con về Sài Gòn, ba của tao đồng ý với điều kiện là tất cả mọi người phải sống chung trong căn biệt thự của ông, để ông bà nội được gần thằng cháu. Tao không chịu, vì muốn sống tự do thoải mái với vợ con trong một căn biệt thự khác. Mày cũng biết rồi, ba tao có tới mấy căn biệt thự ở Sài Gòn, tại sao phải sống chung. Chuyện chỉ có vậy, lại đưa đến xung đột giữa hai cha con. Tuổi trẻ nông nỗi, không nghĩ đến phải trái, tao bỏ học ngang xương, tình nguyện vô Thủ Đức rồi sau đó là Lực Lượng Đặc Biệt.

Long công tử thở dài rồi than.

-Tao là một thằng ích kỷ, chỉ muốn làm theo sở thích của mình, tội nghiệp cho ba má tao, ông bà phải sống trong buồn bực một thời gian dài. Riêng vợ tao khỏi cần nói, mày cũng biết là Hà khổ đau đến mức nào.

Long công tử vỗ nhẹ vào vai của tôi.

-Mày còn nhớ không, khi đang học ở Thủ Đức với mày và Biên, trong một lần đi phép tao có nói với Dung là tao đã có vợ và đứa con hơn một tuổi, đang sống ở Ban Mê Thuột trông coi cái đồn điền của ba tao. Dung cũng có kể chuyện này cho mày nghe rồi mà.

Long công tử nhìn cái đồng hồ đeo tay của tôi.

-Tới giờ tao phải đi lãnh cơm, tuần tới tụi mình gặp nhau đi.

Tôi gật đầu đồng ý.

-Ừ, tao về đây, mày nhớ giữ gìn sức khỏe.

Tuy khuyên Long công tử như vậy nhưng tôi biết, ở trong tù của Việt Cộng, khi đau ốm không thuốc men, chuyện chăm sóc sức khỏe nằm ngoài vòng tay của mình.

Tiếp theo chương 21 

No comments:

Post a Comment