Thursday, July 14, 2022

Chương X Trong cơn hấp hối - CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU - Huy Văn Trương

 Chương X

Trong cơn hấp hối
Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt di tản về Long Thành, tạm trú chung với Sinh viên sĩ quan Thủ Đức sau đó co cụm lại, rút lui về Trường Bộ Binh Thủ Đức cũ.

Mười giờ sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi đang ở tại tuyến phòng thủ của Trường Bộ Binh Thủ Đức với chiếc ống dòm nhà binh, quan sát một chiếc xe tăng T54 của Việt Cộng vừa bị một trái đạn chống chiến xa M72 bắn đứt xích. Chiếc tăng nằm ì một chỗ, tuy không chạy được nữa nhưng cây súng đại liên trên chiếc tăng vẫn còn hoạt động, nó liên tục khạc đạn như mưa. Cùng lúc đó, nhiều loạt đạn M16 do sinh viên sĩ quan bắn vào chiếc xe tăng, đem súng M16 mà bắn xe tăng đúng là chuyện bù mắt cắn sừng trâu.

Theo tài liệu mà tôi đã được học bổ túc tại Trường Võ Bị Đà Lạt, hỏa lực của chiếc xe tăng T54 gồm có một đại bác 100 ly, một đại liên phòng không 12 ly 7 và một đại liên 7 ly 62, riêng sức công phá của khẩu đại liên phòng không 12 ly 7 này nó mạnh gấp chục lần cây đại liên M60 mà tôi đang giữ trong tay.

Tôi đang suy nghĩ làm thế nào để tiêu diệt chiếc xe tăng. Sĩ quan không có kinh nghiệm tác chiến như tôi cùng với vài ngàn sinh viên sĩ quan ở quân trường đang cầm súng bắn nhau với Việt Cộng, gặp phải trường hợp khó xử nên chưa biết phải làm gì. Trong lúc hai bên còn đang giằng co như vậy bất ngờ một sinh viên sĩ quan lao mình về chiếc tăng, vừa đến nơi anh ta nhanh nhẹn leo lên mở nắp pháo tháp, tọt vào đó một trái lựu đạn. Tôi biết, tất cả cán binh Cộng Sản trong chiếc tăng đã chết. Chiếc xe tăng T54 đã bị hủy diệt hoàn toàn. Chuyện đơn giản như vậy mà tôi không nghĩ ra. Hình ảnh vừa xảy ra trông khá quen thuộc, giống hệt như trong phim chiến tranh thời Đệ nhị thế chiến giữa quân Đức Quốc Xã và phe đồng minh Mỹ. Dĩ nhiên chiếc tăng bị bắn hạ là của quân xâm lược Đức Quốc Xã.

Tôi tiếp tục nhìn theo anh sinh viên sĩ quan, đang lom khom chạy về tuyến phòng thủ của anh ta với tất cả lòng ngưỡng mộ, thán phục. Ngay lúc ấy một anh lính mang phù hiệu “Cư An Tư Nguy”, tay ôm cái radio, vừa chạy dưới giao thông hào vừa la ơi ới.

-Buông súng đầu hàng. Buông súng đầu hàng. Lệnh của Tổng Thống.

Tôi giật mình tưởng mình nghe lộn, mới bắt đầu đánh nhau đã đầu hàng rồi sao? Tôi lật đật nhảy qua khẩu đại liên M60, chạy theo giựt cái radio trên tay anh lính rồi áp sát vào tai của mình. Tôi nghe rõ mồn một giọng nói của Tổng Thống, càng nghe tôi càng chán nản, rụng rời tay chân. Mấy hôm nay vòng vây của Cộng Sản quanh Sài Gòn từ từ siết chặt, tôi ngờ rằng, trước sau gì rồi cũng phải buông súng thế nhưng khi nghe lệnh đầu hàng lại bàng hoàng, ngỡ ngàng không muốn tin.

Tin làm sao được mùa hè năm 1972, bốn mươi ngàn quân Cộng Sản Bắc Việt được tăng phái hai trung đoàn thiết giáp thêm hàng trăm khẩu đại pháo từ 130 ly, cho đến hỏa tiễn 122 ly, bao vây tám ngàn quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở An Lộc. Với quân số gấp năm lần, Việt Cộng những tưởng một sớm, một chiều sẽ nuốt gọn An Lộc. Nào ngờ sau hơn sáu mươi ngày giao tranh đẫm máu, con số thương vong của hai bên đã lên đến hàng chục ngàn người. Cuối cùng, quân Cộng Sản đành phải rút lui, chấp nhận thảm bại nhục nhã trong âm mưu đánh chiếm An Lộc. An Lộc hiên ngang, oai hùng trong máu lửa, đứng vững nhờ vào sức chống trả mãnh liệt của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa .

Cuối tháng Năm 1972, Quảng Trị mất vào tay Cộng Sản. Việt Cộng đã dùng đến bốn sư đoàn để chiếm đóng Quảng Trị. Cuối tháng Sáu năm 1972, Sư đoàn Nhảy Dù và sau đó là Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, sau tám mươi mốt ngày đêm đánh nhau với địch, giành giật lại từng tấc đất với Cộng Sản. Hàng ngàn chiến sĩ Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh, máu của họ thấm sâu vào lòng đất, nhuộm đỏ Cổ Thành. Ngày 16 tháng 9 năm 1972, quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa tung bay phất phới trên Cổ Thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị.

Quá khứ đã chứng minh, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từng làm nên những kỳ tích chống lại quân Cộng Sản Bắc Việt. Như vậy, không có lý do gì mà tháng Ba năm 1975 Quân Đoàn II phải tháo chạy, Quân Đoàn I bỏ ngõ để cho Việt Cộng chiếm đoạt. Đó là những chuyện bất bình thường đưa đến sự sụp đổ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Phải có một lý do bí mật nào đó, chìm ẩn bên trong mà một thằng trung úy quèn, một sĩ quan hạng chót như tôi không thể nào biết được. Buông súng đầu hàng, với tôi đó là một bí mật của lịch sử.

Buông súng rồi mình sẽ làm gì đây? Vô tù là cái chắc. Nghĩ đến cảnh tù tội trong chế độ Cộng Sản khiến tôi nhớ lại khúc phim thời sự trắng đen mà tôi đã được coi. Ngày xưa, khi Điện Biên Phủ thất thủ, hàng chục ngàn binh sĩ Pháp từ binh nhì cho đến sĩ quan cấp tướng bị bắt làm tù binh. Đám tù nhân xếp thành mười hàng ngang, dài lê thê bất tận, lủi thủi đi vào tù, phải mấy tháng sau mới được trao trả tù binh. Cái lối trao trả tù binh nhỏ giọt của Cộng Sản , từng đợt rồi từng đợt, vừa trao trả vừa đem tù binh đặt lên bàn thương thuyết để mặc cả. Pháp thua trận Điện Biên Phủ ở Việt Nam nhưng chính phủ Pháp ở bên trời Âu vẫn còn đó, họ thương thuyết để đem tù binh của họ về. Chúng tôi là lính Việt Nam Cộng Hòa, trên một triệu quân chứ ít ỏi gì, nếu xếp hàng mười cũng phải dài hơn vài chục cây số, nhà tù nào mà chứa cho hết. Sau đó trao trả tù binh, nhưng trao trả cho ai? Việt Nam Cộng Hòa đâu còn nữa mà trao với trả, hay là sẽ bị đem đi xử bắn? Trong một giây phút ngắn ngủi, tôi chợt nhớ tới trại Đầm Đùn mà phát rùng mình ớn lạnh.

Lính Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa với hàng trăm, hàng ngàn tàu bè đủ loại, họ có quyền lên tàu ra khơi, cho dù không biết đi đâu nhưng cứ tuôn ra biển cũng tạm thoát được tay Cộng Sản trong nhất thời, chuyện gì xảy ra sẽ tính sau.

Lính Không Quân cũng vậy, với đủ loại phi cơ từ chiếc trực thăng UH1 chở được mười người, bay ra Phú Quốc rồi Thái Lan, cho đến vận tải cơ C130 có thể chở được vài trăm người, bay sang Phi Luật Tân để xin tỵ nạn chính trị, sổng kiếp lưu vong.

Lính Bộ Binh như tôi thật là nan giải, buông súng rồi chỉ còn một con đường duy nhất là chạy bộ, chạy đi đâu bây giờ hỡi trời? Một con kiến bò trong chảo lửa.

Ngày xưa, Tiêu Đẩu trong lúc đào vong vì quốc sự, ông mượn chén rượu để giải sầu. Khi nâng bầu rượu, cảm khái trước cảnh nhà tan, nước mất đã hát bài “Nam Phương Ca Khúc” lời ca nghe thật bi tráng, hào hùng đầy dũng khí. Trong lúc hào khí dâng cao ngút trời, ông một mình rót rượu, vung tay hắt đi khắp bốn phương trời. Cái thằng tôi, giờ đây chỉ mong chạy trốn khỏi đất nước này, chạy trốn gông cùm Cộng Sản đang sắp tròng vào cổ mình, chạy trốn cho dù phải sống tạm kiếp tại đào vong quốc như Tiêu Đẩu.

Chạy về hướng Đông, mù khơi biển động, Đệ thất hạm đội của Mỹ đã làm ngơ cho Hải Quân Trung Cộng chiếm lấy Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa từ năm ngoái. Mỹ đã cắt viện trợ vũ khí cho miền Nam Việt Nam, họ không có lý do gì lại dang tay cứu vớt quân đội này vào cái giờ thứ 25.

Chạy về hướng Tây, lửa cháy ngút trời, quân Khờ Me đỏ tàn bạo khát máu đã nuốt trọn Cam Bu Chia từ hơn nửa tháng trước, ở đó máu chảy thành sông, xương phơi thành núi. Tôi nghĩ rằng “Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu”. Dân Cam Bốt cùng màu da, cùng huyết thống còn bị quân Khờ Me đỏ chém giết, chôn sống một cách man rợ huống gì với dân Việt Nam vốn có sẵn mối thù truyền kiếp từ ngàn xưa với họ.

Chạy về phương Bắc, mịt mù khói súng, mới tháng trước đây chứ xa xôi gì cho lắm hình ảnh của những người dân miền Trung quần áo xơ xác, mặt mày thất sắc, vợ chồng bồng con, gánh cháu, dắt díu nhau chạy về phương Nam để lánh nạn Cộng Sản . Vùng Một và vùng Hai chiến thuật đã bỏ ngõ, để lọt vào tay Việt Cộng. Hàng chục sư đoàn Cộng Sản với đầy đủ chiến xa, trọng pháo, vũ khí, đạn dược, bọn chúng như cơn lũ dữ đang cuồn cuộn điên cuồng chảy tràn về miền Nam, cuốn theo bất cứ những gì ngăn cản chúng.

Chạy về hướng Nam, chút hy vọng mong manh, mỏng mảnh như sợi tơ trời phất phơ trước gió. Quân Đoàn IV của tướng Nguyễn Khoa Nam không biết có còn hay không, hay là cũng đã buông súng chờ bàn giao.

Tôi biết hiện tại quân Cộng Sản đang tiến về Sài Gòn. Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Đài Phát Thanh là những nơi mà họ cần phải đến trước tiên để tiếp thu. Khoảng cách chỉ trong tầm tay, thời gian được tính từng giờ, từng phút. Sài Gòn trong cơn hấp hối.

Tôi chỉ có vài tiếng đồng hồ để thoát thân, chạy đua với số mạng, chạy đua với sự sống còn. Bộ óc rối mù của tôi làm việc một cách chậm chạp, nói cho tôi biết rằng: Từ Trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi chạy bộ về Sài Gòn còn không kịp, nói gì chuyện chạy ra ngoại quốc. Giờ phút này làm gì còn máy bay hoặc tàu bè để mà di tản. Tôi tiếc hoài vì chuyện khoảng mấy ngày trước đây, nếu không bị hai người lính Quân Cảnh giữ lại, tôi đã lên được chiếc C130 cùng với gia đình Dung di tản khỏi Việt Nam.

Định mệnh đã an bài, đã dành cho những người lính bộ binh như chúng tôi một số phận nghiệt ngã đắng cay. Kể từ giờ phút này cho đến cuối cuộc đời, tôi sẽ phải sống, kiếp sống của một kẻ thuộc giai cấp bùn đen trong xã hội mới đầy man rợ. Không riêng gì một mình tôi, người dân Việt Nam bị kẹt lại trên quê hương của mình, sẽ ăn nhờ ở đậu trên đất đai của mình. Những gì của tổ tiên, ông bà để lại, từ nay thuộc về Đảng Cộng Sản, thuộc về kẻ chiến thắng. Một ngàn năm bị giặc Tàu đô hộ đã qua rồi, Pháp thuộc tám mươi năm rồi cũng chấm dứt. Chiến tranh Nam Bắc dai dẳng hơn hai mươi năm rồi cũng đến hồi kết thúc. Hôm nay Việt Nam đã thống nhất, từ Bắc chí Nam non sông liền một dải, đất nước đỏ một màu. Giờ đây, một trang sử mới vừa được mở ra. Người dân Việt Nam bắt đầu cuộc sống mới, trong một xã hội bị cai trị bởi một lũ Hầu tinh, xã hội mà trong đó bọn Cộng Sản đội lốt người Việt đô hộ người Việt, không biết sẽ kéo dài đến bao giờ.

Việc đầu tiên, khi buông súng là tôi cởi chiếc áo trận ra vắt ngang họng súng M60, hai cái bông mai nơi cổ áo vẫn còn đó, nằm im dưới ánh mặt trời, nhìn tên của mình thêu trên túi áo, trong lòng bỗng xót xa như có ai đó xát muối vào lòng. Tôi ngồi thừ người ra đó được mươi phút, đợi cho cơn đau của kẻ thua trận nguôi ngoai được chút ít rồi mới lo tìm bộ đồ dân sự mặc vào. Tôi nhìn quanh, ở Vũ Đình Trường của Trường Bộ Binh Thủ Đức này làm sao mà tìm cho ra bộ đồ dân sự. Sau một hồi suy nghĩ, tôi cởi cái quần lính mà tôi đang mặc ra, dùng lưỡi lê cắt cụt hai ống quần, tiện tay vứt luôn miếng vải thừa xuống hố. Còn đôi giày bốt đờ sô, phải giải quyết như thế nào? Hay là cắt cụt luôn làm thành giày, giống như đôi giày của dân sự. Tôi xỏ chân vào đôi giày, nhìn tới nhìn lui, coi bộ không ổn. Tôi cắt thêm phần sau nơi đôi giày biến nó thành dép. Ở Sài Gòn không có ai mặc quần cụt mà lại mang giày bao giờ, tôi đã trở thành thường dân, giã từ đời binh ngũ. Tôi không hiểu tại sao trong giờ phút lịch sử trọng đại như vậy mà tôi chỉ lo để ý đến những tiểu tiết vụn vặt, mang bốt đờ sô, mang dép, hay đi chân đất thì đã sao? Thì ra tận cùng trong tâm thức, với tôi Cộng Sản đồng nghĩa với dã man, tàn bạo. Và tôi sợ bị bắt nếu mình ngụy trang không khéo.

Tôi nhìn cây súng đại liên M60, rồi lầm bầm trong miệng: “Điểu tận cung tàn, hết chiến tranh rồi, súng ống chỉ là khúc gỗ. Kể từ giờ phút này, tao chào vĩnh biệt mày”. Dứt lời tôi co chân đạp mạnh vào cây súng. Bao nhiêu uất hận dồn hết vào cái đạp, cây súng rớt xuống giao thông hào, lăn thêm mấy vòng rồi nằm yên, dây đạn một nơi, súng một nẻo và chiếc áo lính vẫn còn quấn quýt ôm lấy cây đại liên. Tôi biết cây súng còn sử dụng được, lẽ ra tôi phải tháo vụn cây đại liên ra nhiều mảnh nhỏ đem vứt xuống sông mới hả dạ. Đó là hành động uất ức của kẻ thua trận, tuy nó hèn hạ, ti tiện nhưng tôi vẫn thích làm như vậy hơn nếu có điều kiện.

Bảy năm trước, tôi bắt đầu cuộc đời binh nghiệp của mình tại Trường Bộ Binh Thủ Đức. Ngày ra trường, mang cặp lon chuẩn úy trên vai, với lời thề bảo vệ Tổ quốc ở Vũ Đình Trường hãy còn vang vọng bên tai. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, hôm nay cũng tại Vũ Đình Trường này, tôi là kẻ bại trận phải lột bỏ quân phục, lột bỏ cái lon trung úy. Phe thắng trận là Cộng Sản chỉ có thể ép tôi làm được như vậy. Riêng lời thề bảo vệ Tổ Quốc, tôi giữ mãi trong lòng, lời thề đó ở trong đầu của tôi không ai có thể gột bỏ được.

Tôi đưa tay chào giã biệt sếp của tôi, rồi đi ra cổng chính của trường. Chân đi mà lòng còn bịn rịn khiến tôi phải quay đầu nhìn lại Trường Bộ Binh Thủ Đức lần cuối rồi mới chịu theo đám tàn quân, một đoàn người ô hợp, thất tha thất thểu đi ra xa lộ để về Sài Gòn. Tôi cúi đầu, lầm lũi đi như kẻ mất hồn, chân đi nhưng trong lòng ngổn ngang trăm mối u sầu.

Hai giờ chiều, tôi mò về tới Sài Gòn với đôi chân rỉ máu vì đôi dép tôi cắt lúc sáng, xét cho cùng nhiều khi khôn quá cũng không tốt. Giờ này ông chủ của miền Nam đã ngồi chễm chệ trong Dinh Độc Lập. Lá cờ hai màu xanh đỏ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đang tung bay phất phới trên nóc dinh.

Vừa đói, vừa khát, tôi ngồi bệt xuống bãi cỏ ở công trường Kennedy để nghỉ chân, rồi đưa mắt nhìn một rừng người bao quanh những chiếc xe tăng T54 và xe tăng PT76. Dân Sài Gòn đón phe thắng trận với gương mặt thờ ơ, không biểu lộ chút thiện cảm nào. Người ta tụ họp ở đây chỉ vì tính hiếu kỳ, chuyện gì chứ chuyện hiếu kỳ trên thế giới có dân tộc nào mà tránh khỏi. Hai chiếc xe đụng nhau cũng khiến cho người qua lại phải liếc mắt nhìn xem, huống gì một biến cố trọng đại như vầy, ngàn năm mới có một lần, không hiếu kỳ cũng uổng. Dân Sài Gòn muốn tận mắt nhìn người lính Cộng Sản, muốn tận tay sờ vào chiếc xe tăng mà trước đây họ chỉ được nhìn thấy trên TV. Họ nói chuyện với cán binh Cộng Sản , hỏi thăm về đời sống miền Bắc, tất cả chỉ vì tò mò muốn biết người dân miền Bắc sống như thế nào dưới chế độ Cộng Sản, để rồi suy đoán mức độ cực khổ mà người dân miền Nam sẽ phải gánh chịu. Hỏi về người để biết tương lai của mình, tôi cũng vậy thôi, bảy năm lính nhưng là lính văn phòng, đây là lần đầu tiên tôi đứng sát bên chiếc T54 để hóng chuyện miền Bắc.

Trước mặt tôi là đường Công Lý, chạy ngang qua Dinh Độc Lập kéo dài xuống tận phi trường Tân Sơn Nhứt, men theo con đường này sẽ ngang qua nhà Cúc vợ chưa cưới của tôi, rồi đến nhà của Dung ở đường Nguyễn Minh Chiếu, cả hai căn nhà giờ đây chắc trống không. Tôi đang suy nghĩ vẩn vơ, chợt một người đàn bà chừng năm mươi tuổi bước lại gần tôi.

-Lính phải không?

-Dạ, sao bà biết.

-Cái quần ông đang bận, bên cao bên thấp, mới cắt đi. Nhìn qua là biết liền.

Thấy tôi ngồi im, bà ta nói luôn một hơi, giọng nói nghe như than thở, trách móc:

-Mấy ông đánh đấm cái kiểu gì kỳ vậy. Cứ chạy hoài, từ Ban Mê Thuột chạy xuống tới Khánh Dương, rồi từ Quảng Trị chạy vào tới Tuy Hòa. Người ta đồn là quân mình sẽ lập tuyến phòng thủ ở vĩ tuyến 13 . Đâu ngờ mấy ông rút lui về Nha Trang, rồi Phan Thiết, rồi về Sài Gòn, cứ chạy mãi để cho cái lũ Việt Cộng nó chiếm hết miền Nam.

Tôi chạy trốn Việt Cộng, vừa từ cao nguyên về tới đây chưa kịp hoàn hồn, hôm nay lại bị dân giũa thêm cho một trận te tua, vuốt mặt không kịp. Tôi ngồi đó còn biết nói sao với nỗi oan ức của mình. Người đàn bà nói xong đưa cho tôi ly nước đá chanh. Hành động của bà khiến tôi nhớ đến mẹ tôi. Ngày xưa, mẹ tôi thường la mắng khi tôi làm điều gì sai quấy, nhưng sau đó bà cho tôi củ khoai hay cục kẹo. Trời nóng như đổ lửa, nhìn mấy miếng chanh mong mỏng, tròn tròn nổi trên mấy cục đá lạnh, trông hấp dẫn làm sao, chỉ muốn cầm ly nước mà uống nhưng trong lòng vẫn còn chút giận hờn vô cớ, tôi nói với giọng không được bình thường cho lắm:

-Tôi không gọi mua nước.

Người đàn bà nhoẻn miệng cười, bà thân mật nói với tôi như mẹ nói với con:

-Uống ly nước cuối cùng đi, mất nước rồi, mai mốt đâu còn nữa mà uống.

Tôi cầm ly nước, ngẩng nhìn mấy tên Việt Cộng đang ngồi ngất ngưởng trên chiếc T54 rồi vội vàng nói với bà ta:

-Nói nho nhỏ một chút, bà không sợ họ sao?

-Tôi sợ đến vãi đái trong quần ấy chứ lị, mả cha tụi nó.

Bà ta nói một câu mà nửa câu đầu là lối nói chuyện của người Bắc, nửa sau lại là lối nói của người Nam.

Người đàn bà nhìn tôi như phân trần:

-Cậu lính à, cái năm năm tư tôi bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ đất đai với mồ mả ông cha ở ngoài Bắc, ôm theo có mỗi một bộ đồ lên chiếc tàu há mồm vào Nam. Tôi chạy trốn cái đảng cướp ngày, trốn cái quân cướp cạn này đã hơn hai chục năm rồi, những tưởng được an thân, yên ổn làm ăn, nào ngờ tới hôm nay lại bị cái bọn oan gia này đuổi theo tới tận đây. Mẹ bố nó, cái lũ khốn nạn này dai như đỉa đói.

Người đàn bà đảo mắt nhìn quanh rồi hỏi:

-Cậu là lính gì?

-Dạ tôi ở Trường Võ Bị Đà Lạt.

-Sinh viên sĩ quan Võ Bị như cậu, mai mốt bọn Cộng Sản sẽ đem các cậu ra xử tùng xẻo về cái tội chống phá cách mạng cho mà xem. Sao cậu không chạy trốn đi? Còn ngồi đây làm gì?

-Tôi biết chạy đi đâu?

Người đàn bà thở dài rồi nói:

-Tôi cũng vậy. Mấy hôm nay thấy người ta ùn ùn chạy trốn Cộng Sản , tôi cũng muốn chạy mà chả biết chạy đi đâu, cái năm năm tư ở Hà Nội tin tức gọi đi vào Nam rất rõ ràng, lần này không thấy ai gọi. Vô tuyến truyền hình, radio chẳng có nơi nào nói về việc trốn chạy. Tôi tìm hoài ở bến Bạch Đằng chả thấy tăm dạng cái tàu há mồm nào hết? thế cậu có thấy cái tàu nào không?

-Nếu thấy, tôi đã đi mất đất rồi đâu còn ngồi ở đây để nói chuyện với bà. Cảm ơn bà đã cho ly nước.

-Ơn với nghĩa, cậu uống xong đưa cái ly lại chiếc xe sinh tố đàng kia, tôi trả tiền ly nước rồi.

Tôi nhẫn nha uống ly nước chanh mà tưởng như mình đang uống nước mắt của mình, mất nước rồi còn đâu mà uống.

Hiện giờ, tôi đâu có việc gì phải làm ở cái đất Sài Gòn này. Tôi mới được giải ngũ lúc sáng, hết tập họp, hết điểm danh, hết lau chùi súng ống, tạm thời muốn đi đâu không cần phải xin phép. Đi đâu bây giờ? Một kẻ không nhà không cửa, không cha mẹ, không thân nhân ở Sài Gòn thậm chí đến bộ quần áo lành lặn cũng không có để mà mặc. Mới đó mà tôi đã trở thành một kẻ vô sản thứ thiệt, vô sản còn hơn mấy tên Cộng Sản vô sản đang ngồi trên chiếc xe tăng trước mặt tôi. Tôi đi mà không biết đi đâu, cứ dọc theo đường Công Lý mà đi.

Lúc đi đã khá xa Dinh Độc Lập, tôi nhìn thấy những bộ quần áo rằn ri, giày bốt đờ sô, súng M16 vất bừa bãi hai bên đường. Khi mà quân nhân đã cởi bỏ quân phục, cảnh sát rời nhiệm sở không còn ai giữ gìn an ninh trật tự, thành phố bỗng trở nên hỗn loạn. Đường Công Lý là đường một chiều thế nhưng hàng ngàn chiếc Honda hai bánh chiếc chạy xuôi, chiếc chạy ngược, mạnh người nào người ấy chạy. Một số người đi hôi của, leo vào những căn nhà trước đây cho Mỹ thuê hoặc những căn nhà mà chủ nhân đã di tản đi Mỹ, họ khiêng ra khỏi nhà bất cứ những vật dụng gì có thể dùng được, từ cái chén, đôi đũa, nồi nấu cơm cho đến TV, tủ lạnh.

Trước mặt tôi độ chục thước, hai thằng bé khoảng mười ba, mười bốn tuổi còng lưng khiêng một cái TV hiệu Denon, loại có bốn chân to như một cái rương, đi được một đoạn, cả hai đặt cái TV xuống nghỉ mệt rồi lại khiêng tiếp. Tôi tới gần hai đứa nhỏ.

-Muốn chú phụ không?

Thằng bé với gương mặt lanh lợi trả lời tôi:

-Không cần đâu chú, tụi con khiêng được.

Đi được vài bước, tôi chợt nghe giọng nói của thằng bé, hình như nó muốn nói cho tôi nghe.

-Tao đâu có dại, để ổng khiêng giùm rồi ổng khiêng đi luôn, mình làm gì được.

Tôi cười thầm trong bụng, tôi cũng đâu có dại. Thân tôi đây lo còn chưa xong, ôm theo cái của nợ đó mà làm gì.

Tôi lầm lũi đi về hướng chùa Vĩnh Nghiêm, với chủ đích là muốn xin chùa chén cơm chiều, và tìm chỗ ngủ cho tối nay. Tôi đi hoài, đi mãi, cho đến khi chợt thấy cánh cổng của nhà bác Bảy. Tôi không ngạc nhiên khi thấy hai cánh cổng mở toang hoác. Một đứa bé đang dùng hai tay lăn cái bánh xe hơi ra khỏi cổng, nó nhìn quanh như dò xét rồi tiếp tục lăn cái bánh xe.

Tôi nhìn vào trong sân, một cảnh tượng đau lòng đập vào mắt tôi. Khắp cái sân cỏ rộng mênh mông ngập tràn giấy và rác, đầu này dăm ba cái bàn xiêu vẹo gãy chân, cụt cẳng, đằng kia vài cái ghế ngã chỏng gọng, cuối sân bên góc trái ba, bốn cái xe hơi bể kính, móp méo nằm mọp một đống. Tôi đi đến gần một anh thanh niên, quần cụt áo cộc đang hì hục tháo mấy cái bánh xe, mồ hôi tuôn nhễ nhại trên trán.

Tôi góp ý với anh ta.

-Tại sao anh không đẩy cái xe Peugeot 404 này về nhà luôn, rồi từ từ tháo gỡ những gì mà anh muốn.

Người thanh niên nhìn tôi, im lặng một lúc rồi nói:

-Tôi chỉ cần mấy cái bánh xe thôi.

-Tôi biết rồi, xe hơi của anh bị mòn vỏ phải không?

Người thanh niên cười.

-Tôi làm gì có xe hơi, mấy cái bánh xe này đem về quê gắn vô xe bò, dùng để chở phân chở lúa tốt khỏi chê, xài cả chục năm cũng chưa hư.

Tôi nói với anh thanh niên:

-Lúc nãy, tôi thấy một thằng bé lăn cái bánh xe ra cổng.

-Nó là em tôi, ở dưới Long Xuyên nhưng nhà tôi thì ở gần đây, anh biết bến Tắm Ngựa không?

-Không.

-Ở gần ngã tư Công Lý và Yên Đổ.

-Chỗ đó thì tôi biết.

Người thanh niên hỏi mà như muốn đuổi tôi.

-Còn anh, ở đây làm gì? Đi vô nhà, coi có gì dùng được lấy đem về xài.

Tôi nói với anh ta:

-Anh nói phải, tôi đi đây. Mà nè, nếu anh có cần người giúp một tay, kêu tôi.

Tôi đi vào nhà, cảnh tượng còn thê thảm hơn ở ngoài sân, tất cả đèn đuốc ở phòng khách từ cái đèn trần cho đến đèn treo tường bị tháo gỡ không còn một cái, bao nhiêu là màn cửa biến đâu mất. Cửa sổ, cửa lớn mở tung ra, trong nhà không sa lông, không bàn ăn, không tủ rượu, một căn nhà trống không, đầy nhà chỉ toàn là giấy rác, loại giấy mà tôi đoán là hồ sơ hợp đồng cho thuê nhà của bác Bảy.

Tôi đi lần xuống nhà bếp, cảnh tượng cũng như ở phòng khách, chén bát bể vương vãi khắp sàn nhà, trong chậu rửa chén một cái tô chưa rửa với vài cọng mì còn dính nơi đáy. Khi nhìn thấy mấy cọng mì khiến tôi cảm thấy xót trong ruột, rồi nhớ ra từ sáng đến giờ chưa có một hột cơm vào bụng. Cơn đói ập đến khiến tôi run tay run chân, hoa cả mắt. Sau một hồi lục lọi khắp các ngăn kệ đựng thức ăn gắn trên tường, cuối cùng tôi tìm được một hộp thịt nấu với đậu nằm kẹt trong góc tủ. Bọn lính chúng tôi, mỗi người thường có một cái khui đồ hộp dã chiến lúc nào cũng đem theo bên mình, nó nhỏ bằng nửa ngón tay cái, mỏng như con dao, tôi lấy nó ra mở hộp đậu. Mùi thơm của thịt và đậu tỏa khắp căn phòng, tôi đưa hộp đậu tới gần miệng phồng mũi hít một hơi dài, đợi cho mùi thơm lan xuống con tì con vị lúc bấy giờ tôi mới từ từ bốc một ít đậu trộn lẫn với thịt cho vào miệng. Không có đi đâu mà vội, tôi nhai chậm rãi vừa nhai vừa thưởng thức chút beo béo của thịt heo, bùi bùi của đậu, mằn mặn của nước thịt. Tôi ăn ngon lành, cho đến hết lon đậu. Nhìn mấy hột đậu còn sót ở đáy lon, tiếc của trời, tôi mở vòi nước hứng nửa lon nước lạnh, lắc nhẹ rồi ực một hơi. Bụng hãy còn đói vì lon đậu quá nhỏ chỉ bằng lon sữa Ông Thọ, tôi lục soát khắp nhà bếp một lần nữa với hy vọng sẽ tìm được thức ăn, chỉ hoài công thôi, không còn thứ gì có thể ăn được.

Tôi nhìn ra bên ngoài, chút nắng chiều còn sót lại bên khung cửa, mắt tôi như nhíu lại. Tôi đi lên lầu, phòng thứ hai bên trái là căn phòng ngày xưa tôi ở, bao nhiêu đồ đạc trong phòng đều biến mất chỉ còn lại cái giường và tấm nệm có thể vì quá lớn người ta khiêng không được nên còn đó. Tôi ngả mình xuống giường chợp mắt được một lúc. Không biết được bao lâu, cho đến khi tôi mở mắt nhìn, con trăng mười chín đã đứng bên cửa sổ tự lúc nào, tỏa ánh sáng mờ mờ lành lạnh lên khắp căn phòng.

Đúng một tháng trước, cũng ánh trăng mười chín này đã dẫn đường cho tôi trên chiếc xe jeep rời bỏ Trường Võ Bị Đà Lạt. Chỉ mới có một tháng mà không biết bao nhiêu là chuyện đổi thay dâu bể, chuyện tôi phải xa cha mẹ, phải chia tay vĩnh viễn với người yêu của mình, rồi chuyện Sài Gòn bị bức tử, khiến tôi tưởng chừng như đã mấy thế kỷ vừa mới trôi qua.

No comments:

Post a Comment