-Trung úy Nguyễn Trọng Quân, Trung tâm hành quân Trường Võ Bị Đà Lạt, đến Khu tiếp tân có thân nhân cần gặp.
Cả Sài Gòn này, tôi chỉ quen có hai người con gái là Cúc và Dung. Cúc là vợ chưa cưới của tôi, đã đi Mỹ với bác Bảy từ mấy tuần lễ trước rồi, không lẽ người tìm tôi lại là Dung.
Tôi nói với Trung úy Trí và mấy người bạn cùng khóa, hiện đang là huấn luyện viên của Trường Bộ Binh Thủ Đức.
-Xin lỗi quý vị, tôi phải ra khu tiếp tân có chút chuyện.
Khi hai đứa còn cách xa nhau cả chục thước, Dung chạy đến ôm chầm lấy tôi hôn lên khắp mặt mũi, vừa hôn vừa nói:
-Cảm ơn trời Phật.
Tôi nghe rõ nhưng vẫn hỏi lại Dung:
-Em nói cái gì vậy?
-Em nói cảm ơn trời Phật đã cho em gặp anh, em chỉ sợ anh không có ở trường sẽ hư hết mọi chuyện.
-Chuyện gì? Mà tại sao em biết anh ở đây?
-Em đọc báo nên biết được Trường Võ Bị Đà Lạt di tản về đây.
Giọng nói của Dung đột nhiên trở nên như hờn giận.
-Anh về đây đã mấy tuần rồi, sao không báo cho em biết?
Tôi nói với Dung:
-Vừa đặt chân xuống Long Thành, việc đầu tiên mà anh nghĩ đến là phải tìm gặp em ngay lập tức, vì anh có chuyện quan trọng muốn nói với em. Vậy mà cũng phải cả tuần sau, anh mới có được cái phép hai ngày để về Sài Gòn.
Trái với những gì anh nghĩ trong đầu, khi đứng trước nhà em, anh hoàn toàn không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nhìn ngôi nhà im lìm trong nắng sớm, cửa đóng then cài thêm hai sợi dây xích to khóa chặt cánh cổng, trong nhà không một bóng người. Anh đoán rằng có thể cả nhà em đã đi Mỹ rồi. Sau một hồi đắn đo suy nghĩ, anh trở về Long Thành mà lòng buồn vô hạn.
Tôi nắm tay Dung rồi hỏi nàng:
-Bấy lâu nay gia đình em ở đâu?
Thay vì trả lời, Dung lại hỏi tôi:
-Anh đến nhà em ngày nào?
-Để anh nhớ lại coi, hôm đó là…là thứ Năm ngày mười tháng Tư.
Dung nói to:
-Đúng rồi, đâu khoảng hai ngày trước đó, khi cái ông trung úy không quân phản bội lái phi cơ F5 ném bom Dinh Độc Lập, ba thấy tình hình Sài Gòn không yên ổn nên đưa cả nhà về Bạc Liêu, một tuần sau gia đình em mới trở về lại Sài Gòn. Tội nghiệp cho anh, anh đến đúng lúc cả nhà đang ở Bạc Liêu.
Đang nói chuyện Dung choàng hai tay qua vai tôi, kéo đầu tôi xuống, nàng nói nhỏ vào tai tôi:
-Có chuyện quan trọng, anh phải trốn về Sài Gòn với em ngay bây giờ.
-Em à, anh là lính chứ đâu phải thường dân, muốn đi đâu thì đi.
-Bởi vậy em mới nói là trốn, anh tính toán như thế nào tùy anh, chiều nay mình phải có mặt tại nhà, ba đã dặn em như vậy.
-Nhưng mà có chuyện gì? Quan trọng hay không? Nếu không, anh sẽ không về đâu. Đừng có nói với anh là tụi mình về Sài Gòn để làm đám cưới.
Dung cười tươi như cô dâu.
-Chuyện đám cưới tính sau, ba nói cả nhà sẽ đi Mỹ.
Tôi nói với Dung:
-Đúng rồi, ba em làm ở USAID nên cả nhà sẽ đi Mỹ, anh có liên hệ gì với Mỹ đâu mà đi với đứng.
-Anh phải về nhà, ba em sẽ giải thích rõ ràng hơn cho anh nghe. Ba nói với em, Sài Gòn sẽ mất trong nay mai. Riêng em, chỉ nghe lỏm được là khi lập danh sách của gia đình em để đi Mỹ, tên anh Biên vẫn còn trong sổ gia đình, anh Biên mất rồi, anh thể chỗ của anh Biên.
Nghe tin Sài Gòn sẽ mất trong vài ngày nữa, từ một viên chức của cơ quan USAID, tôi chợt rùng mình chỉ muốn chạy trốn, sẵn dịp được trốn đi Mỹ với người mà mình yêu thì còn gì bằng, tôi nói với Dung:
-Em nói nghe cũng có lý, chờ chút, để anh vô xin phép thiếu tá trưởng phòng rồi mình về Sài Gòn.
-Đợi anh xin được cái giấy phép mọi chuyện đã trễ rồi, tối nay mình phải đi.
-Không sao chỉ cần sếp gật đầu, không cần ký giấy phép, anh sẽ dù về Sài Gòn nếu đi Mỹ được cũng tốt, đi không được cũng chẳng có mất mát gì.
Tôi chở Dung trên chiếc Honda Dame của nàng, nắng đã bắt đầu dịu lại, tôi nhìn đồng hồ rồi nói với Dung:
-Anh đoán chừng mình sẽ về đến Sài Gòn trước khi trời tối, có kịp không em?
-Ba nói, khuya nay sẽ đi.
-Như vậy không có gì phải lo.
Tôi cho xe chạy với tốc độ vừa phải, không chậm cũng không mau, gió chiều nhè nhẹ thổi, vài sợi tóc của Dung bay bay trong gió quấn lấy mặt tôi. Dung ôm tôi chặt cứng, ngực của nàng áp vào lưng của tôi, mặt của nàng tựa vào vai của tôi, một cảm giác êm đềm thoải mái như mơ chạy khắp người. Tôi nói với Dung:
-Anh yêu em.
-Em biết, anh đã nói với em từ hồi anh còn là Sinh viên sĩ quan ở Thủ Đức. Ngày đó, khi nghe anh nói như vậy khiến em sung sướng quá chừng, cả tuần lễ sau đó lúc nào cũng nghĩ tới anh, ngủ không được.
Nghe Dung nói, tôi cứ tưởng rằng mình đang sống lại thời còn là sinh viên sĩ quan ở Thủ Đức. Tôi cho xe chạy chậm lại, nói to hơn:
-Có chuyện này anh muốn hỏi em. Ngày xưa em nói: “Nếu là anh, em sẽ chọn cái tên Quân sữa”. Sau đó, em hứa với anh là hôm nào rảnh, em sẽ nói cho anh nghe là tại sao anh nên chọn cái tên đó. Hôm nay, anh muốn em nói cho anh biết.
Dung cười ngặt nghẽo, tiếng cười tràn đầy hạnh phúc.
-Như vậy thì anh phải đợi. Khi nào tụi mình đến Mỹ, làm đám cưới xong, em sẽ nói cho anh nghe.
Tôi không nói gì thêm, im lặng lái xe.
Khi hai đứa đến ngã ba Biên Hòa, chúng tôi bị chận lại ở một trạm gác dã chiến của Thủy Quân Lục Chiến. Người lính chào tôi rồi nói:
-Trung úy cho coi giấy tờ.
Tôi đưa cho anh ta cái căn cước quân nhân cùng với giấy Chứng chỉ tại ngũ. Người lính chăm chú đọc một cách cẩn thận, rồi anh ta nhìn thẳng vào mặt tôi, cái nhìn như để nhận diện, coi tôi có phải là người mang giấy tờ mà anh ta đang nắm trên tay không? Cuối cùng, người lính nói với tôi:
-Đơn vị của trung úy đang ở đâu?
-Tôi là sĩ quan hành quân của Trường Võ Bị Đà Lạt, mới di tản về Long Thành.
-Trung úy có giấy phép về Sài Gòn hay không?
-Không có.
-Như vậy, trung úy không được về Sài Gòn.
Tôi nói, giọng nói như là ra vẻ hằn học.
-Tôi đưa vợ tôi về Sài Gòn, sau đó trở lại trường cũng không được hay sao?
Dứt câu nói, tôi nhìn Dung rồi nháy mắt một cái.
Người lính vẫn điềm đạm.
-Thưa không, chúng tôi nhận được lệnh, không để bất cứ quân nhân nào vào Sài Gòn mà không có giấy phép.
Tôi nhìn Dung, lắc đầu tuyệt vọng.
-Chắc em phải về Sài Gòn một mình, cả nhà đang đợi em, anh sẽ trở lại Long Thành xin giấy phép rồi về sau.
Dung nhìn tôi bối rối ra mặt.
-Như vậy trễ mất rồi.
Tôi nói:
-Biết làm sao bây giờ.
Vừa nói tôi vừa bước tới cạnh chiếc Honda định lấy chìa khóa xe đưa cho Dung. Cùng lúc ấy, tôi nhìn thấy một nhóm lính Thủy Quân Lục Chiến đang trò chuyện. Trong đó, một người lính đứng quay lưng lại phía tôi với mái tóc muối tiêu, dáng người trông rất quen. Tôi hỏi người lính Thủy Quân Lục Chiến.
-Trung úy Nhân đầu bạc phải không?
Người lính nói:
-Đúng, ông ấy là thầy của tôi, mà sao trung úy biết?
Tôi mừng quá la to lên:
-Ê Nhân, Nhân.
Người lính quay đầu lại, khi nhìn thấy tôi hắn vừa chạy vừa nói:
-Mày làm gì ở đây?
-Tao từ Đà Lạt di tản về, còn mày sao lại ở đây?
-Tụi tao, tạm thời đóng quân ở Biên Hòa giữ an ninh, không cho quân nhân di tản vô Sài Gòn.
-Tao biết rồi, ông lính của mày chận tao lại từ nãy đến giờ.
Nhân đầu bạc hỏi tôi:
-Mày có tin tức gì của Vân không?
-Không, hai tuần lễ trước khi di tản, tao không có thì giờ ra Đà Lạt nên không biết gia đình Vân như thế nào, có di tản hay không.
Nét thất vọng hiện rõ trên gương mặt của Nhân, hắn nói:
-Cả hai tháng rồi tao không nhận được tin gì của Vân. Gặp mày, tao mừng muốn chết, tưởng biết được chút tin tức về Vân, hóa ra gặp cũng như không.
Tôi vỗ tay lên trán rồi nói với Nhân đầu bạc:
-Tao nhớ ra rồi, Vân có một bà dì tên là Hoàng Yến bán hàng vải trong chợ Bến Thành, nếu gia đình Vân di tản về Sài Gòn, chắc chắn họ sẽ ở nhà bà dì của Vân. Mày thử đến đó tìm đi.
Vừa dứt lời, tôi nhìn Dung rồi nói tiếp:
-Quên giới thiệu với mày, đây là Dung, người yêu của tao.
Khi nói xong, tôi cười với Dung.
-Không đúng, phải nói là vợ sắp cưới mới đúng.
Nhân đầu bạc nhìn Dung rồi nói:
-Chúc mừng chị.
Dung nói với Nhân:
-Cảm ơn anh, tình hình lộn xộn như vậy không biết có làm đám cưới được không để mời anh, mà anh Nhân nè, tụi này có việc cần về Sài Gòn gấp.
Nhân nhìn tôi.
-Từ đây về Sài Gòn còn mấy trạm gác nữa, mày về không được đâu. Cách hay nhất, tao khuyên mày vô nhà ga Biên Hòa, đi xe lửa về Sài Gòn sẽ không bị xét giấy tờ.
Tôi bắt tay Nhân đầu bạc mà trong đầu nghĩ đến chuyện trốn đi Mỹ. Tôi nói:
-Không biết tụi mình còn có dịp gặp nhau nữa hay không? Tao ngờ rằng, đây là lần cuối cùng gặp gỡ. Gắng giữ gìn sức khỏe nghe mày.
Tôi chở Dung chạy vô nhà ga xe lửa Biên Hòa.
Bảy giờ tối, chúng tôi về đến nhà. Ba má của Dung chạy ra mở cổng, cả hai ông bà mừng rỡ ra mặt, ba Dung nói:
-Con lên lầu, lấy bộ đồ dân sự của anh Biên đưa cho anh Quân bận.
Quay qua tôi, ba Dung nói:
-Con phải bỏ bộ đồ lính, thay đồ dân sự, bận đồ lính sẽ không vào phi trường được.
Bốn người chúng tôi chất lên chiếc xe taxi nhỏ tí xíu, chạy đến nơi có một tòa nhà to lớn, tôi không biết nó nằm trên đường nào, chỉ đoán đó là cơ quan của Mỹ. Một người Mỹ đen, đứng ngay cổng kiểm soát người rồi cho vào trong sân để lên xe bus. Bên trong sân, một người Mỹ khác nhìn vào sổ gia đình, đếm người rồi so với tờ danh sách ông ta đang cầm trên tay, khi đã đầy đủ người ông ta mới ra lệnh cho xe chạy.
Phải mất khoảng nửa giờ, xe bus mới đến cổng sân bay Tân Sơn Nhất, người Mỹ lo chuyện di tản ôm hồ sơ xuống xe, trình giấy tờ. Hình như, những người lính gác cổng chỉ lo coi giấy tờ chứ không nhìn số lượng người trên xe. Khi thanh gỗ chắn ngang cổng được nâng lên, chiếc xe từ từ đi vào sân bay tim của tôi mới đập bình thường trở lại. Xe vừa chạy được một đoạn lại thêm một trạm kiểm soát thứ hai, rồi thứ ba, mỗi lần qua một trạm kiểm soát, tay của tôi lại nắm tay của Dung bóp mạnh. Dung nói nhỏ vào tai tôi:
-Không sao đâu anh, mình có giấy tờ hợp lệ mà.
Tôi nói với Dung, giọng nói không được bình
tĩnh cho lắm:
-Không biết còn bao nhiêu trạm kiểm soát nữa đây? Mỗi lần qua một trạm kiểm soát là một lần trái tim của anh lại đập trật đi vài nhịp.
Cuối cùng, xe bus ngừng lại cách đuôi của một chiếc phi cơ C130 khoảng hai mươi mét, cánh cửa khổng lồ sau đuôi của phi cơ đã hạ xuống chạm mặt phi đạo làm thành một chiếc cầu, mọi người xuống xe theo thứ tự rồi cứ hàng một đi vào phi cơ. Theo chân đoàn người, tôi vừa đi vừa nhìn quanh rồi giật mình khi thấy hai người lính Quân Cảnh đứng gác nơi đuôi chiếc phi cơ, họ để cho mọi người đi vào mà không nói gì. Có thể, nhiệm vụ của họ là giữ gìn an ninh trật tự chứ không phải là kiểm soát.
Thấy tôi chỉ lo chăm chú nhìn hai người Quân Cảnh, Dung kéo tay tôi.
-Lẹ lên anh.
Khi chỉ còn vài bước nữa là tôi đặt chân lên cửa sau của chiếc phi cơ, bỗng dưng người lính Quân Cảnh dang tay cắt đứt tôi và Dung ra, anh ta làm dấu cho Dung tiếp tục đi đồng thời nói với tôi:
-Mời ông đứng qua bên này, để cho mọi người có đường đi.
Tôi bước tránh qua một bên, người Quân Cảnh thứ hai bước đến bên tôi:
-Ông cho coi giấy tờ.
Tôi như kẻ mất hồn, tay móc túi lấy giấy tờ đưa cho người lính Quân Cảnh, mắt nhìn theo Dung vừa đi vừa ngoái cổ nhìn tôi. Đôi mắt của Dung đầy vẻ lo âu. Đó là hình ảnh cuối cùng về Dung mà tôi còn nhớ được.
Người lính Quân Cảnh nói với tôi:
-Chúng tôi phải giữ trung úy lại.
Tôi nói, giọng nói như là cằn nhằn:
-Ba má tôi, vợ tôi trên máy bay, tôi có tên trong danh sách được đi, tại sao mấy ông giữ tôi lại.
Người Quân Cảnh trả lời tôi:
-Mỹ cho trung úy đi, nhưng chính phủ Việt Nam Cộng Hòa không có lệnh cho quân nhân xuất ngoại, chúng tôi chỉ thi hành nhiệm vụ, trung úy thông cảm.
Khi mà tất cả mọi người đã lên phi cơ, cánh cửa sắt khổng lồ từ từ nâng lên rồi đóng chặt lại, lòng tôi bỗng dưng chết lặng, cơ hồ như cả vũ trụ này đã sụp đổ.
Người lính Quân Cảnh nói:
-Mời trung úy lên xe.
-Mấy anh đưa tôi đi đâu?
-Chúng tôi đưa trung úy ra khỏi phi trường, sau đó trung úy tự mình về lại đơn vị.
Mấy tuần trước khi nghe tin Cúc đi Mỹ với bác Bảy, tôi chỉ hơi tiêng tiếc rồi quên Cúc dễ dàng. Hôm nay khi bị cắt đứt, chia tay đột ngột với Dung, tôi cảm thấy đau đớn, xót xa như ruột gan bị cắt chia làm nhiều đoạn. Khi biết mình đã đi đến bước đường cùng, không nhà, không người thân ở Sài Gòn, không còn gì phải giữ gìn, tôi nói với hai người Quân Cảnh:
-Tôi có chuyện muốn nhờ mấy anh giúp đỡ.
-Chuyện gì? Nếu được chúng tôi sẽ làm.
-Nhờ hai anh, bắt tôi bỏ tù luôn được không?
-Xin lỗi, chuyện này chúng tôi không giúp được.
Tôi trở về nhà của Dung, chị Lành ra mở cổng hỏi tôi với giọng nói đầy vẻ ngạc nhiên :
-Cậu không đi sao?
-Không.
Tôi thay bộ đồ dân sự, tròng vào người bộ đồ lính, chào từ giã chị Lành rồi đi ra cửa.
Một mình tôi lang thang giữa đêm khuya ở Sài Gòn, Cúc và Dung giờ đây đã nghìn trùng xa cách.
Hai mươi sáu tuổi đời, chưa có bao giờ tôi cảm thấy cô đơn, lạc lõng, tuyệt vọng đến như vậy. Dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn đường, tôi nói với anh xe ôm đang đậu xe chờ khách ở một ngã tư:
-Cho tôi về Long Thành.
Anh xe ôm nói với tôi:
-Giờ này, gần giới nghiêm rồi, trung úy có cho bạc triệu tôi cũng không dám chạy về Long Thành.
No comments:
Post a Comment