Chương IV
Dưới chân đỉnh Lâm Viên
Tốt nghiệp sĩ quan trừ bị Thủ Đức, tôi nhận đơn vị mới, Trường Võ Bị Đà Lạt. Tôi có cái may mắn được ở hai quân trường lớn đào tạo nhiều sĩ quan tài giỏi cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Mỗi quân trường là một thế giới hoàn toàn khác biệt nhau, từ hình thức đến nội dung. Trường Võ Bị Đà Lạt lấy Học viện West Point của Hoa Kỳ làm khuôn mẫu, trong khi Trường Bộ Binh Thủ Đức đào tạo sĩ quan dựa theo mẫu mực của Trường Fort Benning Hoa Kỳ.
Nếu muốn tìm hiểu tỉ mỉ, tường tận về sự khác biệt của hai quân trường này, tôi e rằng mình không đủ kiến thức cũng như khả năng phân tích, tổng hợp rồi đưa đến kết luận chính xác đầy đủ. Tôi chỉ muốn nói đến một vài khía cạnh dị biệt nho nhỏ có liên quan đến mình.
Với Trường Bộ Binh Thủ Đức, thời gian đào tạo sĩ quan tùy theo tình hình chiến sự ở bên ngoài sôi động hay lắng dịu. Vào những năm cuối thập niên sáu mươi vì nhu cầu khẩn cấp của chiến trường, thời gian thụ huấn của Sinh viên sĩ quan Thủ Đức bị rút ngắn lại, chỉ còn hai tháng học làm lính ở Trung tâm huấn luyện Quang Trung, bốn tháng học cách chỉ huy một trung đội ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, tổng cộng thời gian ở quân trường chỉ vỏn vẹn có sáu tháng. So với bốn năm huấn luyện của Trường Võ Bị Đà Lạt, thời gian ở quân trường của chúng tôi chỉ bằng một phần tám thời gian của Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt. Hậu quả của việc đốt giai đoạn, tháng 3 năm 1969, khóa của tôi có khoảng hai ngàn sĩ quan tốt nghiệp với cấp bậc chuẩn úy, ba năm rưỡi sau, nghị định thăng cấp trung úy chỉ còn lại khoảng một ngàn rưỡi, năm trăm chuẩn úy và thiếu úy đã đền nợ nước.
Trường Võ Bị Đà Lạt là quân trường đào tạo sĩ quan hiện dịch cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, kể từ khóa 22B chương trình đào tạo sĩ quan kéo dài bốn năm. Vì quan niệm rằng, sĩ quan tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt sẽ là thành phần nòng cốt, rường cột của quốc gia sau này nên Tổng Thống Đệ nhất Cộng Hòa đã dành nhiều ưu tiên cho trường, chẳng hạn về phần cơ sở vật chất, công trình xây cất Trường Võ Bị Đà Lạt mới được hoàn tất vào năm 1961, kiến trúc theo kiểu Mỹ với những tòa nhà cao bốn tầng, rộng rãi, khang trang bề thế, đầy đủ tiện nghi cho hơn một ngàn sinh viên sĩ quan sinh sống và học tập. Thêm một điểm nhỏ nhưng cũng được lưu ý kỹ càng là cách ăn mặc. Sinh viên sĩ quan Đà Lạt có tất cả hơn chục bộ quần áo đủ loại, đó là:
Một bộ đồ đại lễ màu trắng, mũ kết màu trắng, dây biểu chương màu vàng, gù vai Alpha màu đỏ hình con rồng.
Mùa hè gồm có một bộ làm việc, một bộ dạo phố một bộ tiểu lễ, một bộ đại lễ.
Mùa đông có một bộ làm việc, một bộ dạo phố, một bộ tiểu lễ, một bộ đại lễ.
Một bộ vest dân sự, sinh viên năm thứ tư mặc lúc đi phép.
Chi tiết về hàng chục bộ quần áo, lễ phục của sinh viên, không biết tôi nhớ như vậy có đúng hay không?
Về phần huấn luyện, Sinh viên sĩ quan Võ Bị Đà Lạt trong một năm có ba tháng học về quân sự, chín tháng học văn hóa, chương trình học kéo dài bốn năm, sinh viên sĩ quan tốt nghiệp được cấp văn bằng Cử Nhân Khoa Học ứng Dụng. Để rèn luyện thể chất, Sinh viên sĩ quan Võ Bị còn học thêm về Taekwondo và Aikido. Riêng về Aikido được đặc biệt chú trọng, vì Thiếu tướng Chỉ huy trưởng mang huyền đai đệ nhị đẳng Aikido. Mồi kỳ thi lên đai đều do ông chấm điểm. Khi tốt nghiệp 4 năm, Sinh viên sĩ quan Võ BỊ thường đã có đai nâu hoặc huyền đai đệ nhất đẳng Taekwondo.
Văn võ toàn tài, đó là lý do khiến cho sĩ quan tốt nghiệp Võ Bị Đà Lạt, lúc nào cũng hãnh diện về ngôi trường của mình.
Để điều hành, Trường Võ Bị Đà Lạt được chia ra làm ba khối: Văn hóa, Quân sự và Tham mưu.
Khối Quân sự, đa số sĩ quan thuộc khối này là những sĩ quan đã tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt.
Khối Văn hóa, ngoại trừ những sĩ quan có bằng Cao học, Tiến sĩ, tốt nghiệp ở ngoại quốc, số còn lại là sĩ quan tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức để Sinh viên sĩ quan Thủ Đức sau khi tốt nghiệp, muốn về Trường Võ Bị Đà Lạt, một trong nhiều điều kiện là phải có văn bằng Cử nhân hoặc cao hơn.
Tôi, tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, chỉ có cái Tú tài II. Khi về Trường Võ Bị Đà Lạt, chốn dung thân duy nhất cho tôi là Khối Tham mưu.
Ngày xưa khi đậu Tú tài II, tôi tự đánh giá là mình ngu cho nên không chịu tiếp tục việc học. Quan niệm đó xem ra đã lỗi thời, vì sau một thời gian làm việc ở Trường Võ Bị Đà Lạt, sống trong một môi trường mà sĩ quan Văn hóa vụ hay Quân sự vụ đều lấy văn bằng Cử nhân làm căn bản. Nhìn quanh mình, ông sĩ quan nào cũng gắn cái bằng Cử nhân trước ngực khiến tôi tự cảm thấy xấu hổ, mang nặng mặc cảm. Chuyện đời, gần mực thì đen gần đèn thì sáng, sau vài năm lông bông, thấy không được cái tích sự gì, tôi ghi danh học ở Viện đại học Đà Lạt với quyết tâm phải lấy cho được cái bằng Cử nhân.
Tôi làm việc ở Trung tâm hành quân của Trường Võ Bị Đà Lạt. Ở đây, sĩ quan trực hai mươi bốn giờ sau đó nghỉ hai mươi bốn giờ, có nghĩa là làm việc một ngày rồi nghỉ một ngày, nếu làm một phép tính đơn giản một năm chỉ làm việc có 182 ngày rưỡi, 182 ngày rưỡi còn lại, tôi được tự do hoàn toàn, đi học hay đi chơi tùy mình quyết định.Tôi ghi danh vào Đại học Văn khoa, bởi vì trong tất cả các phân khoa ở Viện đại học Đà Lạt, Văn khoa là nơi dễ dàng nhất trong việc điểm danh.
No comments:
Post a Comment