Chương III
Bóng tình yêu
Chiếc xe taxi hiệu Renault nhỏ xíu, sơn hai màu xanh trắng, thả chúng tôi xuống cạnh nhà hàng Bò bảy món Ánh Hồng ở đường Nguyễn Minh Chiếu. Biên đi trước dẫn đường, đi được một đoạn ngắn, hẳn chỉ vào một căn nhà khang trang, bề thế với hai cây vú sữa già mà cái tàn của nó giống như hai cây dù khổng lồ, che kín cả một góc sân.
-Nhà tao đó.
Tôi chẳng cần nghe nó nói gì cả, nó dẫn đâu tôi theo đó, đầu óc tôi mãi nghĩ đến Dung cô em gái nó. Không biết lát nữa gặp Dung tôi sẽ nói gì, làm gì. Điều quan trọng nhất mà tôi thắc mắc là không biết Dung cao hay thấp, đẹp hay xấu, chỉ có vậy thôi.
Biên đưa tay bấm chuông. Một người đàn bà tuổi chừng bốn mươi ra mở cổng, khi thấy Biên bà reo lên:
-Cậu Hai mới về.
Biên hỏi người đàn bà:
-Ba má tôi đâu?
-Thưa cậu, ông bà đi Vũng Tàu mai mới về.
-Còn con Dung đâu?
-Cô Dung ở trên lầu.
-Chị lo cơm trưa cho bốn người.
-Dạ.
Tôi nghĩ thầm, đúng là cái giọng của cậu chủ nhỏ nói với người làm.
Biên ngẩng nhìn lên lầu la to:
-Con Dung đâu?
Giọng của Biên gọi em mà cứ như là huynh trưởng nạt Tân khóa sinh. Thấp thoáng ở cuối phòng, tôi thấy dáng của một người con gái tay vịn lan can cầu thang, vừa chạy vừa reo:
-Anh Hai mới về.
Vừa dứt lời, bất chợt thấy Long công tử và tôi ngồi nơi phòng khách, Dung khựng người lại, nụ cười đang nở trên môi chợt tắt ngấm.
Tôi quay nhìn Long công tử. Không biết gương mặt của tôi có gì thay đổi hay không nhưng khuôn mặt của hắn khờ hẳn ra, Long tròn xoe đôi mắt nhìn Dung rồi sửa lại dáng ngồi cho ngay ngắn, hắn đưa tay nắn lại cái cà vạt nơi cổ áo.
Tôi nghĩ, có thể mình cũng bối rối không kém. Không biết tôi có quá lời không nhưng lần đầu vừa gặp Dung, tôi đã như kẻ mất hồn. Dung có gương mặt dễ nhìn, một nét đẹp thanh thoát, dịu dàng của ánh trăng rằm, tóc chấm vai, đôi mắt to tròn với hàng lông mi dài cong vút nhìn xuống chiếc mũi thon gọn, thêm đôi môi không thoa son nhưng tươi thắm, đỏ au.
Thấy hai đứa tôi im lặng, ngồi trơ ra như ông phỗng đá, Biên nói với em gái của nó:
-Đây là Long công tử, đây là Quân bắp cải, hai thằng bạn thân của anh ở quân trường.
Dung nhoẻn miệng cười rồi nhỏ nhẹ:
-Chào hai anh.
Biên quay qua nhìn Dung, rồi nói với hai đứa tôi:
-Còn đây là Dung, em gái tao.
Tôi ngập ngừng nói, giọng hơi rụt rè như đang đứng trả bài trước mặt thầy giáo mà trong bụng trống trơn, không có lấy một chữ.
-Dạ chào cô Dung.
Trong khi đó Long công tử lịch sự, điềm tĩnh đứng lên, hơi nghiêng mình về phía trước rồi nhẹ giọng:
-Chào em.
Gì chớ tán gái thì Long công tử lúc nào cũng từ tốn, lúc nào cũng mang đôi hia bảy dặm, vừa gặp Dung là hắn đã đốt giai đoạn kêu em ngọt xớt.
Xong chuyện giới thiệu, bốn đứa ngồi ở salon trò chuyện, Biên và Long công tử mỗi thằng một chai bia, tôi ly cà phê sữa đá còn Dung ly đá chanh.
Biên nói với em gái của nó:
-Hôm nay Dung có rảnh không? Đi chơi với mấy anh.
-Dạ em bận.
Giọng nói của Biên trầm xuống:
-Mầy bận cái gì? Họp hội với bọn sinh viên phản chiến phải không?
-Dạ đâu có.
-Vậy chớ bận cái gì?
-Dạ, học bài.
-Sao mày học hoài vậy, bữa nay thứ Bảy, nghỉ đi chơi với tụi anh, mai Chủ nhật anh vô trường rồi em ở nhà học bài, được không?
-Dạ được.
Tôi để ý khi Biên nói chuyện với em gái của nó, lúc xưng hô là mày, lúc kêu bằng em, khiến tôi chẳng biết đâu mà rờ.
Nghe Dung nói mà tôi mừng rơn, chỉ sợ Dung từ chối không chịu đi chơi chung với mấy đứa tôi. Ở quân trường, ba thằng đi chơi với nhau riết phát chán, hôm nay đi phép mà cũng ba thằng đực rựa lang thang ở Sài Gòn, còn gì chán hơn nữa.
Biên nói với tôi và Long.
-Để tao phác họa chương trình cho hai mươi bốn giờ phép sắp tới, tụi mày nghe thử coi có được hay không? Cơm nước xong bọn mình xuống Sài Gòn, vô Rex coi ciné, sau đó qua Brodard làm một chầu cà phê rồi ăn cơm chiều ở Thanh Bạch, tối đến nghe nhạc ở cà phê Hầm Gió.
Long công tử lên tiếng:
-Đừng có ngồi cà phê Hầm Gió, ở đó khói thuốc lá nhiều lắm, Dung không chịu được đâu. Tao đề nghị nên qua Continental, ngồi phía ngoài hành lang uống cà phê, nhìn thiên hạ đi dạo phố là nhất.
Tôi nghe hai đứa nó nói mà cứ như là vịt nghe sấm. Với tôi, ăn ở đâu, nghe nhạc ở đâu, không thành vấn đề, chỉ cần có Dung để tôi nhìn, cho tôi nói chuyện là vui rồi. Long và Biên mỗi thằng lại cưa thêm một chai bia nữa, tôi nhắc tụi nó:
-Một thằng hai chai thôi, đừng có uống nhiều.
Biên gật đầu:
-Mày nói phải.
Liếc nhìn cái đồng hồ trên tường, Dung nói với anh mình:
-Để em phụ với chị Lành làm cơm trưa.
Nói xong, Dung nhanh nhẹn đi xuống bếp.
Ba thằng đực rựa ngồi nhìn nhau. Biên nói:
-Tụi mày thấy chưa, tao mà làm nội ứng thì khỏi chê, có thứ tự lớp lang đàng hoàng, cứ theo kế hoạch mà thi hành.
Long công tử vịn tay vào thành ghế sofa đứng lên.
-Bây giờ tao phải dọt về nhà, thăm ba má tao chút xíu.
Biên hỏi:
-Mày không đi chơi với tụi tao sao?
-Đi chớ, hai giờ chiều tao sẽ gặp tụi mày ở Rex.
Trước khi đi, hắn nói nhỏ với tôi:
-Tao phải về nhà, trước là thăm ba má tao, sau đó lấy chút tiền dằn túi. Đi với người đẹp mà chi không đẹp, còn đâu là danh tiếng của Long công tử.
Cơm trưa được dọn lên nơi phòng ăn, ba đứa ngồi vào bàn, tôi nhìn thức ăn bày ê hề trên bàn mà thấy ngợp. Nguyên một con cá lóc chiên nằm choán hết cái dĩa hình quả trám, thân con cá được cắt sẵn thành nhiều khía, một tô canh chua cá bông lau, một tô thịt heo kho tàu thêm một dĩa cải xanh xào thịt bò, tất cả đều được đựng trong những tô và dĩa loại to. Tôi ước chừng, phải tám người mới ăn hết những thức ăn dọn trên bàn.
Mấy tháng rồi ăn cơm lính, từ quân trường Quang Trung sang Quân trường Thủ Đức, tôi đã bắt đầu quen với cơm lính. Thực lòng mà nói, cơm ở Quân trường Thủ Đức cũng giống như những bữa cơm của gia đình tôi ở Đà Lạt. Cũng một dĩa rau luộc, khúc cá kho, chén nước mắm ớt, năm thì mười họa mới có thêm miếng thịt kho trứng. Hôm nay, bất ngờ nhìn thấy bữa cơm quá sức thịnh soạn ở nhà của Biên, tôi hiểu ra, tại sao Biên và Long luôn luôn phàn nàn, chê ỏng chê eo về chuyện ăn cơm ở nhà bàn. Chị Lành xới cơm vào ba cái chén để trước mặt chúng tôi, đũa và muỗng đã sẵn sàng. Chị nói:
-Mời cô và mấy cậu ăn cơm.
Nói xong, chị trở lui xuống bếp.
Biên nói với tôi:
-Ăn đi mày.
Ngày hôm đó, tôi được ăn một bữa cơm nhà giàu, bên cạnh lại có thêm Dung khiến tôi đâm ra ngượng nghịu, rụt rè.
Tôi bưng chén cơm quay qua Dung nói:
-Mời Dung.
-Dạ, mời anh.
Dung vừa gắp thức ăn cho Biên vừa nói:
-Anh Long đâu rồi, sao ảnh không ở lại ăn cơm?
-Nó phải về nhà thăm ba má nó, xong chuyện nó sẽ đến Rex gặp tụi mình.
Biên nhìn tôi nói tiếp:
-Còn thằng bắp cải này, nhà nó ở Đà Lạt nên nó không về được.
Dung nhìn tôi với gương mặt hớn hở, vui vẻ nói :
-Anh Quân ở Đà Lạt hả? Hè năm nào ba má cũng dẫn em lên nghỉ mát ở Đà Lạt, nhà anh ở đâu? Đường nào? Cho em địa chỉ đi, nếu có dịp lên Đà Lạt em sẽ ghé.
Tôi nghĩ đến căn nhà gỗ lợp tôn bé tí xíu, cũ kỹ của ba tôi ở Trại Hầm, mùa nắng nóng nung người, mùa mưa khi nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn vang dội bên tai mà tưởng chừng như cả Đà Lạt đang chìm trong giông bão phũ phàng. So với căn nhà gạch khang trang rộng rãi của gia đình Dung, đúng là một trời một vực, mặc cảm nghèo hèn khiến tôi nói với Dung:
-Hôm nào rảnh rồi, anh sẽ đưa địa chỉ của anh cho Dung.
Khi nói xong tôi biết mình nói dối, bởi vì tôi không thích Dung thấy căn nhà gỗ tồi tàn của ba má tôi, cũng không muốn Dung biết được tôi là con trong một gia đình lao động nghèo nàn.
Dung nói với tôi mà nhăn mặt như suy nghĩ chuyện gì:
-Mà anh đi lính rồi đâu có ở nhà, em lên đó cũng đâu có gặp được anh.
Tôi nghĩ thầm, người đã đẹp rồi nhăn mặt coi cũng đẹp, không biết có phải tôi quá chủ quan hay không? Chúng tôi vừa ăn cơm vừa chuyện trò, Dung khoan thai chậm rãi ăn uống trong khi tôi và Biên ăn nhanh như chớp, cứ như ăn ở quân trường, ăn chậm sẽ bị huynh trưởng phạt chạy ba vòng nhà bàn chỉ có nước ói hết cơm ra thôi. Thức ăn trên bàn vẫn còn nhiều mà cả ba chúng tôi cùng buông đũa. Dung nói với tôi, giọng nói nghe như rót mật vào tai:
-Sao anh ăn ít quá vậy, chê thức ăn em nấu phải không?
Tôi lắc đầu lia lịa:
-Thức ăn Dung nấu ngon quá sức, chỉ tại hơi nhiều, mười người ăn cũng không hết, nói chi chỉ có ba người.
Dung nhìn tôi:
-Thôi được, để em lấy trái cây hai anh ăn tráng miệng.
Dung đi xuống bếp, nàng bưng lên một dĩa dưa hấu và một dĩa xoài được cắt sẵn. Tôi lấy nỉa xắn một miếng xoài đưa lên miệng. Cái mát lạnh của miếng xoài ướp lạnh khiến tôi nhớ đến trái chuối xanh ăn tráng miệng ở quân trường, vị của trái chuối hơi chua chua, âm ấm.
Dung nói:
-Hai anh uống cà phê không?
Biên nói với Dung:
-Nước trà được rồi, mà thôi để chị Lành làm nước trà, em lo sửa soạn tụi mình tới Rex.
Khi Dung đi gần tới cầu thang, như chợt nhớ ra điều gì Biên dặn vói theo:
– Nè Dung, đi chơi với lính em muốn ăn mặc như thế nào cũng được.
Tôi đứng lên chụp cái túi xách tay nhỏ chạy vô phòng tắm, việc trước tiên là đánh răng, đánh đi đánh lại hai ba lần. Tôi muốn cái mùi cá chiên phải được tẩy sạch, sau đó rửa mặt sạch sẽ soi gương nhìn áo quần, khi biết chắc tất cả đã chỉnh tề, hoàn hảo tôi mới bước ra. Một lát sau Dung từ trên lầu đi xuống, thân hình đầy đặn của Dung bó sát trong chiếc quần jean xanh và chiếc áo pull over màu vàng nhạt, chân mang giày cao gót xanh đậm, tôi thấy hình như nàng cao thêm một chút. Tôi đứng ngẩn người ra nhìn, muốn khen Dung một câu nhưng miệng như bị ai bịt lại cứ câm như hến.
Ba đứa đi ra đường, tôi đưa tay sửa lại cái mũ kết trên đầu. Trưa Sài Gòn nóng thật là nóng, chưa tới một giờ, mặt trời vẫn còn chói lòa trên đỉnh đầu. Nhìn chiếc áo vàng Dung đang mặc, tôi chợt nhớ tới nhà thơ Nguyên Sa. Ông ấy bảo:
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát.
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông.
Nguyên Sa là một nhà thơ nổi tiếng, ông ấy muốn nói gì lại không được. Với tôi, áo lụa Hà Đông làm sao mà mát bằng chiếc pull over Dung đang mặc.
Một chiếc taxi chạy trờ tới, tận đáy lòng mình, tôi mơ ước được ngồi đàng sau với Dung, nhưng vì muốn làm ra vẻ đàng hoàng, tôi đi vòng ra phía trước để ngồi cạnh tài xế. Biên bước theo, thúc cho tôi một cái cùi chỏ, hắn nói nhỏ vừa đủ cho tôi nghe:
-Mày không nhớ chiến thuật nội công, ngoại kích hay sao?
Tôi tỉnh cả người, quay đầu mở cửa sau cho Dung, đợi cho nàng ngồi xuống đàng hoàng, tôi mới chui vào xe ngồi bên cạnh nàng.
Biên nói với người tài xế
-Cho bọn này tới rạp Rex bác tài.
Từ nhà Biên tới rạp Rex, hơn ba mươi phút ngồi cạnh Dung đầu óc tôi như mụ đi, không biết hôm nay là cái ngày gì mà ông trời lại chiều theo ý tôi hết mực, muốn gì được mấy. Mùi thơm da thịt của Dung lẫn với mùi nước hoa trong không khí khiến tôi ngầy ngật, ngây ngất. Tôi ngồi yên như một pho tượng, hai tay vòng trước ngực, mắt nhắm lại, tận hưởng chút hạnh phúc tuyệt vời mà trời ban cho tôi, cái hạnh phúc được ngồi bên người đẹp. Thời gian chầm chậm trôi qua cho đến lúc chiếc taxi ngừng lại, tôi mới giật mình tỉnh mộng.
Long công tử đã đứng bên lề đường tự lúc nào, hắn từ tốn mở cửa sau của xe, nắm lấy tay Dung, dìu nàng xuống xe. Mấy chục phút ngồi bên Dung, khoảng cách giữa hai đứa chỉ độ một tấc mà tôi chưa dám chạm vào cái móng tay của Dung, nói chi đến nắm tay nàng. Long công tử quả là sành điệu, hắn đốt giai đoạn nhanh như gió.
Long nói cho mọi người nghe:
-Tao đã mua vé rồi, tụi mình vào thôi.
Tôi tính toán trong đầu, nếu không có Long công tử, khi vô rạp Dung sẽ ngồi giữa Biên và tôi. Đang không lòi ra thằng Long công tử làm kỳ đà cản mũi, tại sao nó không ở nhà nó, thăm ba má nó lâu hơn một chút hoặc dẫn ba má nó đi ăn tiệm đâu đó, đến chiều hãy gặp tụi tôi cũng đâu có muộn gì. Bây giờ tôi chẳng biết phải sắp xếp chỗ ngồi như thế nào cho ổn, nên đành phó mặc cho trời định đoạt.
Biên đi vào rạp trước, nó cố tình để Dung ngồi giữa tôi và Long. Được ngồi cạnh Dung nhưng tôi không cảm thấy sung sướng, hạnh phúc như khi ngồi trên taxi bởi vì tôi không an tâm chút nào. Tôi có lối suy luận hơi cù lần chút đỉnh, cái thằng Long công tử giữa chốn thanh thiên bạch nhật nó tỉnh bơ nắm tay Dung dìu nàng xuống xe, bây giờ trong bóng tối mù mờ của rạp ciné, nó sợ ai mà không nắm tay nàng.
Tôi nhớ lời dặn dò của Biên khi còn trên xe từ Thủ Đức về Sài Gòn:
-Hai thằng mày có quyền tán con em gái tao nhưng phải đàng hoàng, lịch sự, thằng nào mà sàm sỡ với nó, tao bẻ cổ không tha, nhớ đó.
Cả hai đứa tôi đều nói:
-Mày yên chí.
Tôi hy vọng, Long công tử giữ lời hứa với Biên. Suốt hai tiếng đồng hồ trong rạp hát, tôi cứ lo ra vô cớ, còn tâm trí đâu mà coi phim. Cho đến khi đèn trong rạp bật sáng, tôi mới thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng ngàn cân trên vai.Tôi nói với Dung, câu nói nghe lảng nhách không đâu vào đâu.
-Phim gì mà dở ẹt, mướn anh cũng không thèm coi.
Ở rạp ciné ra, bốn đứa dẫn nhau tản bộ qua cà phê Brodard nằm trên đường Tự Do. Vừa thấy Long, anh bồi lên tiếng chào hỏi:
-Lâu quá không thấy cậu đến đây, tôi tưởng cậu đã đi du học ở bên Tây, ai ngờ lại đi lính. Cái bàn đặc biệt mà cậu ưa ngồi vẫn còn trống, mời mấy cậu.
Long lấy cái mũ kết trên đầu xuống đưa cho anh bồi, nó kín đáo giúi vào tay anh ta mấy tờ giấy bạc rồi nói, giọng nói nghe thân mật nhưng đầy quyền uy:
-Dung em gái tụi này, anh có món gì đặc biệt cho cô bé không?
-Dạ, cậu khỏi lo.
Tụi tôi ngồi xuống một cái bàn tương đối khá rộng so với không gian tù túng của tiệm. Ba tách cà phê được đem ra, riêng Dung ngoài ly soda chanh, còn có vài cái bánh ngọt đặt trong một cái dĩa xinh xinh.
Bầu không khí êm ả trong tiệm cà phê, khiến cho chúng tôi cảm thấy gần nhau hơn. Long công tử và tôi kể cho Dung nghe những chuyện buồn vui ở quân trường, nào là đi dây tử thần, tuột núi, rồi vượt sông. Dĩ nhiên chúng tôi thêm chút mắm, giặm chút muối cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Cái nguy hiểm của dây tử thần hay tuột núi không nhiều lắm đâu, nhưng Long công tử tăng thêm độ nguy hiểm vài phần nữa khiến gương mặt của Dung lộ vẻ lo sợ. Còn bài học vượt sông chúng tôi thực hành tại cầu Rạch Chiếc gần hãng xi măng Hà Tiên, nó chỉ là con suối khá lớn, nước chảy lờ đờ, đứa con nít chỉ cần chừng vài chục sải tay đã qua được bờ bên kia nhưng với cái tài kể chuyện của Long công tử, người nghe có cảm tưởng con sông phải lớn lắm. Long đem mớ kiến thức của mấy năm Văn Khoa ra hù Dung.
-Em có biết sông Hoàng Hà hay sông Tiền Đường ở bên Tàu hay không?
Dung dịu dàng trả lời:
-Dạ, em không biết.
Long giảng giải:
-Hoàng Hà là một con sông vĩ đại, đến nỗi Lý Bạch phải mở đầu bài thơ Tương Tiến Tửu của mình bằng mấy câu:
Quân bất kiến, Hoàng Hà chi thủy thiên thượng lai, bôn lưu đảo hải bất phục hồi.
Còn khi nói đến sông Tiền Đường thuộc tỉnh Triết Giang bên Tàu, đại thi hào Nguyễn Du đã phải thốt lên:
Triều đâu nối tiếng đùng đùng.
Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường.
Tiếng sóng trên sông mà đánh đùng đùng, con sông không thể nhỏ được.
Chính bản thân tôi, nghe Long công tử kể chuyện cả đại đội với súng ống đạn dược vượt sông, tôi còn run sợ huống chi là Dung. Chỉ có điều, tôi không thích cái tính vọng ngoại của Long công tử. Tôi nhắc Long:
-Mày ca ngợi Tàu cũng vừa thôi. Bụt chùa nhà không thiêng hay sao? Sông Cửu Long của mình đâu có nhỏ.
Phần Dung khi nói về nếp sống của nữ sinh Sài Gòn, những chuyện nàng kể, chuyện nào cũng nhẹ nhàng, êm đềm như lá thu vàng rơi rụng ngoài hiên vắng.
Dung kể cho tụi tôi nghe về trường Nguyễn Bá Tòng của nàng, về lớp đệ nhất mà nàng đang học, cô nào cô nấy đẹp như tiên giáng trần, nhất là hai cô bạn thân của nàng. Đang kể chuyện, như chợt nhớ ra điều gì Dung hỏi:
-Hai anh thích không, Dung sẽ giới thiệu hai cô bạn của Dung cho hai anh.
Long công tử nói, gương mặt tỉnh như không.
-Giới thiệu Dung cho anh, anh thích hơn. Em có biết không, người ta thường nói, một con chim trong tay bằng mười con chim trên cành.
Gương mặt Dung ửng đỏ trước câu nói hơi bạo của Long công tử, nàng chữa thẹn bằng cách nâng ly soda lên rồi nói:
-Uống soda chanh phải có xí muội mới hết sẩy.
Long công tử rời ghế đi về phía anh bồi, một lát sau nguyên một dĩa xí muội được mang tới. Long công tử dùng cái muỗng bạc xúc hai viên xí muội cho vào ly soda. Đợi cho bọt tăm của viên xí muội trong ly dịu bớt, Long công tử mới nâng ly đưa cho Dung:
-Em có thể uống được rồi.
Cái thằng này lịch sự đến phát ghét, tôi không giận gì nó nhưng mà buồn cho mình nhiều hơn. Tại sao chuyện gì nó cũng hơn mình.
Tôi ngoảnh mặt, nhìn qua khung cửa kính sạch sẽ không một hạt bụi, Sài Gòn lúc nào cũng ồn ào tấp nập, ngựa xe như nước. Nắng đã bắt đầu dịu lại.
Biên nhìn ra đường rồi nói bâng quơ:
-Mấy người đói chưa?
Long công tử trả lời:
-Chút đỉnh.
-Vậy mình thả bộ qua Thanh Bạch là vừa, tao muốn lang thang ngoài phố đế tìm lại cảm giác ngày xưa lúc chưa đi lính.
Khi cả bọn đi qua bùng binh với vòi phun nước trước tòa nhà Quốc Hội, một anh thợ chụp hình với chiếc máy ảnh Polaroid trên tay.
-Mấy cậu chụp tấm hình, kỷ niệm ngày đi phép.
Không hẹn mà cả ba thằng vui vẻ, bằng lòng.
Long công tử hỏi anh thợ hình:
-Ông bấm máy nhiều có mỏi tay không?
Người thợ chụp hình lên giọng như muốn khoe về mình.
-Cậu nói chơi, nghề của tôi mà mỏi sao được.
-Như vậy ông cứ bấm máy, khi nào mỏi tay hãy ngừng.
Người thợ giải thích:
-Mồi tấm hình giá một trăm đồng, tui mà bấm mỏi tay, mấy cậu hết tiền đi taxi.
Long trấn an ông thợ chụp hình:
-Yên chí đi.
Bức ảnh đầu tiên là cảnh ba thằng mặc quần áo tiểu lễ, dây biểu chương và cái alpha vàng chói trên vai, mặt mày thằng nào thằng nấy tươi cười, hớn hở. Bức thứ hai là Biên và Dung, rồi Long và Dung. Cuối cùng, tôi cũng được chụp chung với Dung, không những một mà tới hai tấm. Khi ông thợ chụp hình bóc miếng âm bản đàng sau tấm ảnh, hình tôi và Dung từ từ hiện lên, cái cảm giác của tôi lúc bấy giờ thật là khó tả, đê mê, thích thú, người cứ lâng lâng nhẹ nhàng như bay trong không khí, chơi vơi, chới với. Tôi nghĩ thầm, mình sẽ giữ tấm ảnh này cho đến khi chết. Trong ảnh Dung đứng cạnh tôi, giữa hai đứa là một khoảng cách nhỏ, tôi ao ước, phải chi mình được quàng tay qua vai hoặc ôm eo của em, coi sẽ tình tứ hon nhiều. Mơ ước như vậy nhưng sợ thằng Biên nó bẻ cổ mình nên không dám. Lòng tham của con người thật vô đáy, biết bao nhiêu cho vừa. Cuối cùng, tôi phải tự nhủ với lòng đừng có quá tham lam. Hạnh phúc là phải biết bằng lòng với những gì mình có.
Lúc tụi tôi đến Thanh Bạch trời cũng vừa tắt nắng, người bồi bàn tuổi chừng bốn mươi trịnh trọng cúi đầu:
-Chào cậu Long.
Long công tử vui vẻ:
-Lâu quá mới gặp chú Sáu, chú khỏe không?
Tôi lại thấy Long kín đáo giúi vào tay chú Sáu mấy tờ giấy bạc, chúng tôi được đưa đến ngồi ở góc phòng, chỗ ngồi thật là lý tưởng, kín đáo, rộng rãi và thoải mái. Long cất tiếng:
-Hôm nay có gì đặc biệt không chú Sáu?
Người bồi bàn ngập ngừng:
-Dạ ạ ạ, hay là vậy đi. Có cơm chiên cá mặn, gà rô ti, thêm tô canh sườn heo hầm khoai tây, cà rốt Đà Lạt, cậu thấy đủ chưa?
-Chưa, nhưng tôi sẽ gọi thêm sau. À, chú cho mấy chai bia, đừng quên một chai sữa tươi loại nhỏ cho cô bé này.
-Dạ.
Tôi nghĩ, hình như tất cả các nơi ăn chơi ở cái Hòn Ngọc Viễn Đông nàỵ thằng Long công tử đều đã biết qua, không những biết mà còn lui tới nhiều lần.
Lịch sự là nghề của Long công tử, hắn mở nắp chai sữa, bóc miếng giấy bạc dán trên miệng chai, rót sữa vào một cái ly rồi đưa cho Dung.
Thật tình mà nói, nếu tôi có muốn đóng vai lịch sự cũng không được. Từ nhỏ đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy chai sữa tươi, làm sao biết cách uống. Cái xứ Đà Lạt của tôi quanh năm, suốt tháng chỉ ăn bắp cải, khoai tây, cà rốt và uống nước rau luộc.
Quen với lối sống quân trường, ba thằng tôi thanh toán bữa ăn lẹ như chớp, nhìn lại chén cơm của Dung chỉ mới vơi đi một nửa. Trong khi chờ Dung ăn cơm, Biên nói:
-Giờ này mà có vài con cua ram muối, lai rai với bia 33 là nhút.
Tôi nhìn vào tấm thực đơn:
-Ở đây không có cua ram muối.
Long công tử lên tiếng:
-Để đó tao.
Hắn đưa tay ngoắt chú Sáu:
-Chú Sáu nè, anh bạn tôi khoái nhậu cua ram muối. Chú cho tụi này vài con được không?
Chú Sáu nhìn Long công tử, vừa cười vừa nói:
-Trong thực đơn không có món đó, nhưng với cậu Long sẽ có thôi.
Vừa nói, chú Sáu vừa liếc mắt sang chợ Bến Thành ở bên kia đường.
-Cua bên đó thiếu giống gì, để tôi nói với đầu bếp.
Khoảng nửa giờ sau, một dĩa cua ram muối to chần dần được mang lên.
Tôi không uống bia, ngồi đó rảnh rỗi xới cơm cho Dung, múc canh cho nàng, xé cho nàng miếng thịt gà, lâu lâu chôm cho nàng mấy cái càng cua ram muối. Dung nhìn tôi như biểu đồng tình rồi cầm lấy cái càng cua ăn ngon lành. Tôi tận tình săn sóc Dung và biết rằng mình là người hạnh phúc nhất thế gian. Phần Dung cũng tận tình ăn uống nhưng không biết nàng có hạnh phúc hay không.
Cơm nước xong xuôi, thay vì qua Continental uống cà phê như dự tính tụi tôi lại tạt vô Pôle Nord làm mấy ly kem, cái món này ba thằng đực rựa không thích mấy nhưng vì chiều ý của Dung.
Dung thả cái muỗng cà phê vào ly kem rồi nói:
-Kem ở đây ngon hết biết, lẽ ra em phải ăn hai ly mới được nhưng thân hình em hơi tròn, cho nên một ly thôi.
Sài Gòn với hoa đèn rực rỡ, xe cộ ngược xuôi như mắc cửi, thêm chút gió nhẹ từ bờ sông thổi vào, tôi bước đi trên hè phố mà cảm thấy nhẹ nhàng, sảng khoái xen lẫn chút buồn buồn, nuối tiếc. Ngày vui rồi cũng qua mau, đã đến lúc bọn tôi phải về nhà.
Long công tử vỗ vai Biên:
-Tao phải về, ba má tao đang chờ.
Nói xong, Long công tử quay sang tôi.
-Bắp cải, mày muốn về nhà tao ngủ không? Sáng mai, mình trở lại nhà Biên rồi đi về trường.
Tôi giận cái thằng công tử này quá chừng, chuyện của mày kéo theo tao làm gì. Đi theo mày bỏ Dung cho ai, mà từ chối thì….
Còn đang phân vân chưa biết trả lời như thế nào, tôi bỗng nghe Biên nói:
-Để thằng Quân bắp cải về với tao.
Tôi mừng hết lớn, vội vã nói với Long công tử:
-Đừng lo gì cho tao, về nhà đi kẻo ba má mày chờ.
Đuổi được Long, tôi nhẹ hẳn người. Chúng tôi về đến nhà đã hơn mười giờ tối. Tôi tưởng Biên sẽ ngồi ở phòng khách trò chuyện nhưng không ngờ hắn nói với Dung:
-Em đi chơi cả ngày, mệt rồi phải không? Về phòng nghỉ đi.
Quay sang tôi, hắn chỉ tay lên lầu:
-Mày ngủ ở phòng của tao. Tao ngủ trên giường, còn cái sàn gạch bông mày toàn quyền sử dụng.
Một ngày thần tiên vừa trôi qua, tôi lăn qua trở lại không tài nào nhắm mắt, chả bù ở quân trường, mới nằm xuống ba mươi giây là đã ngủ ngon lành. Tôi đang cố dỗ giấc ngủ, bỗng tiếng của Biên từ trên giường vọng xuống:
-Ê thằng bắp cải, mày có nghe tao nói không?
Tôi trả lời:
-Nghe.
-Suốt ngày tao quan sát hai thằng mày, thằng nào hành sử cũng khá không có gì đáng phiền trách. Riêng mày, tao muốn nói cho mày biết, cứ cái đà này mày thua cuộc là cái chắc, mày không phải đối thủ của Long công tử. Ngồi sau xe taxi với con Dung, cơ hội bằng vàng để cho mày trổ tài tán tỉnh, lấy cảm tình thì mày lại ngồi yên như tượng đá, đã vậy còn nhắm mắt ngủ ngon lành. Mày phải hoạt bát, năng động lên chứ, nói láo chút xíu cũng không sao, chẳng hạn như anh thề sẽ yêu em suốt đời hay nếu không lấy được em anh nguyện ở giá trọn kiếp. Nghe rất là cải lương nhưng nó ép phê vô cùng, tin tao đi, kinh nghiệm cho tao biết như vậy. Mày nghe rõ không bắp cải?
-Nghe rõ năm trên năm.
-Tốt, thôi ngủ đi, mai dậy sớm về trường.
Làm sao mà ngủ cho được, tôi nhớ đến Long công tử rồi nhẩm tính, tất cả số tiền mà hắn tiêu pha cho ngày hôm nay, đủ cho một gia đình lao động tiêu xài vài tháng. Nó ăn tiêu lớn nhưng đúng chỗ và lịch sự, cái lịch sự của những người biết sức mạnh đồng tiền. Biên nói đúng, trẻ tuổi giàu có lại lịch lãm có thừa như Long công tử, tôi thua là cái chắc. Tôi nghĩ đến Dung, không biết giờ này Dung đang làm gì, học bài, ngủ hay cũng đang trăn trở như tôi. Cuối cùng, tôi nhớ đến tấm ảnh chụp hồi chiều với Dung mà lòng lâng lâng khoan khoái, rồi ôm hình ảnh đẹp như mơ của Dung, chìm vào giấc ngủ lúc nào không biết.
Khi tôi và Biên thức giấc trời đã mờ sáng, hai đứa tôi mau mau làm vệ sinh cá nhân rồi đi xuống nhà dưới. Chị người làm đã chuẩn bị xong bữa ăn sáng, bánh mì nóng, hai dĩa trứng gà ốp la, ly cà phê sữa còn bốc khói thơm lừng. Hai đứa vội vội vàng vàng thanh toán chiến trường cho lẹ vì còn nhiều chuyện phải làm.
Dung từ trên lầu đi xuống:
-Khi nào hai anh phải vô trường?
Biên đáp:
-Đợi thằng Long tới là dọt.
Biên vừa dứt lời, tiếng chuông ngoài cửa cũng reo lên. Tôi biết Long công tử đã tới. Tôi nhìn Dung, nàng lúc nào cũng tươi mát, dễ thương. Từ tối hôm qua đến giờ, tôi chưa nói được với nàng một tiếng.
-Ngủ ngon không Dung? Tôi hỏi.
-Dạ ngon.
Lợi dụng lúc Long công tử và Biên đang bàn với nhau vấn đề gì đó, tôi bước đến gần Dung, lấy hết can đảm, cứ coi như mình đang đi dây tử thần ở Thủ Đức, nhắm mắt lại, nắm chặt hai cái ròng rọc rồi lao mình vào khoảng không gian bao la bát ngát. Nhớ tới lời Biên dặn tối hôm qua “nói láo chút xíu cũng không sao”, tôi nói nhỏ vào tai Dung:
-Vô quân trường rồi, anh nhớ em chết được.
Nói xong, tôi biết mình không nói láo. Tôi nói thật, đồng thời tôi cũng chuẩn bị tinh thần sẵn sàng để đối phó với tình huống xấu có thể xảy ra nếu câu nói của tôi không vừa ý Dung. Không ngờ, Dung nói với tôi, câu nói nhẹ như một cơn gió thoảng.
-Em không có ép uổng gì anh đâu. Có thì nói, còn không thì thôi.
Xe chạy trên xa lộ, tôi đã nhớ Dung cần gì phải đợi lúc về đến quân trường. Vừa bước vào phòng ngủ sinh viên, tôi lấy tấm ảnh của Dung chụp với tôi ra xem. Tấm ảnh hơi lớn so với cái ví của tôi, chuyện dễ thôi, tôi dùng cái kéo cắt tấm ảnh nhỏ lại cho vừa với khung ảnh trong ví. Cảnh trí chung quanh hai đứa có gì là quan trọng đâu, cho dù có đứng dưới chân tháp Eiffel của Pháp hay chân tượng Nữ Thần Tự Do ở Mỹ tôi cũng chẳng cần, huống chi đứng bên vòi phun nước ở Sài Gòn. Bây giờ tấm hình chỉ còn lại hai đứa đứng cạnh nhau, tôi chỉ cần chừng đó thôi.
-Mày làm cái gì vậy?
Tôi lúng ta lúng túng nhét cái ví vào túi, nhặt mấy mảnh giấy vụn bỏ vào thùng rác rồi mới trả lời Long công tử:
-Có làm gì đâu.
Long công tử nhìn tôi rồi than phiền:
-Chủ nhật mà phải ứng chiến, chán cái mớ đời.
-Cũng phải có một nửa quân số để giữ doanh trại chứ, bộ mày muốn giao cái trường này cho Việt Cộng hay sao?
-Không mợ thì chợ cũng đông, mấy ngàn thằng sinh viên canh gác chưa đủ hay sao? Thêm đại đội mình ứng trực cũng vậy thôi.
Có tiếng mở cửa, Biên từ ngoài bước vào, hắn nhìn quanh một vòng rồi nói:
-Hai thằng mày làm gì đó?
-Tán dóc.
Biên nhìn đồng hồ đeo tay rồi nói:
-Bây giờ là mười giờ, bốn giờ chiều mới tập họp điểm danh, làm gì cho hết giờ đây?
Long công tử trả lời:
-Tụi mình đi ăn cơm trưa, sau đó qua Khu Thiết Giáp nhậu.
Tôi nói với Long:
-Mày đâu phải là con của Tổng Thống, phải đợi tới trưa, cả đại đội cùng ăn một lần, nhà bàn đâu có rảnh mà dọn cơm cho ba đứa mình vào giờ này.
Long công tử nói như ra lệnh.
-Hai thằng mày đi với tao.
Ba thằng thả bộ theo con đường tráng nhựa đến nhà ăn. Long băng qua đường đến khu gia binh đối diện với nhà bàn.
-Kể từ hôm nay, ba thằng mình ăn cơm tháng ở đây.
Chuyện hơi bất ngờ với tôi:
-Mày nói giỡn?
Long công tử chân bước vô nhà, miệng nói:
-Mày thấy tao nói giỡn bao giờ chưa? Nếu mày muốn ăn cơm nhà bàn với bắp cải luộc, cà rốt kho cứ thoải mái. Còn nếu không muốn thì qua đây.
Trường Bộ Binh Thủ Đức có rất nhiều chuyện lạ, một trong những chuyện lạ đó là Tân khóa sinh bắt buộc phải ăn cơm nhà bàn. Sau lễ gắn Alpha, sinh viên sĩ quan nếu không muốn ăn cơm nhà bàn họ có quyền ăn cơm tháng, miễn sao đủ tiền trả là được, nên nhớ cơm tháng ở đây không rẻ đâu, gần ba ngàn một tháng. Lương sinh viên sĩ quan, sau khi trừ tiền cơm nhà bàn, tiền công may quần áo tiểu lễ, đại lễ chỉ còn được vài trăm, ai muốn ăn cơm tháng cứ việc ăn.
Đời sống ở quân trường trôi qua trong buồn tẻ, con người như một cái máy chỉ biết có một việc thi hành lịnh trên. Niềm vui duy nhứt của sinh viên sĩ quan là ngày phép cuối tuần, tuy vậy, được đi phép hay không phải tùy thuộc vào tình hình chiến sự bên ngoài. Từ sau lần cả khóa được đi phép sau lễ gắn Alpha, tuần lễ tiếp theo đó là năm mươi phần trăm đi phép, năm mươi phần trăm ở lại ứng chiến, nếu tôi đi phép thì Long với Biên phải ứng chiến ở trường và ngược lại. Biên và Long bực bội thấy rõ. Long phàn nàn:
-Như vậy là hai tuần mới được đi phép một lần.
Chỉ có tôi mừng như mở cờ trong bụng. Không có Long công tử, Dung và tôi hai đứa sẽ sánh vai nhau đi bát phố Sài Gòn. Tôi với bộ tiểu lễ màu vàng, đầu đội nón kết đi bên cạnh Dung trong chiếc áo dài trắng thướt tha yểu điệu. Thoáng nghĩ đến, tôi đã sung sướng đến lịm người.
Sài Gòn sáng chủ nhật nắng vừa mới lên, tôi đã đứng trước nhà Dung mạnh dạn bấm chuông. Chị Lành ra mở cửa, đưa tôi vào nhà. Khi tôi đã yên vị nơi salon, trong lòng hớn hở đợi chờ Dung, bất ngờ ba má của Dung từ trên lầu đi xuống. Tôi không ngờ mình ngu đến như vậy. Biên với Dung đâu có phải con mồ côi, tôi quên mất tiêu họ còn có ba má đàng hoàng. Tôi lật đật đứng lên chào hai ông bà. Như thằng ăn vụng bị bắt gặp, tôi lắp ba, lắp bắp:
-Dạ con kính chào hai bác.
Ba của Biên tươi cười nói với tôi:
-Ngồi đi con, bác có nghe con Dung nó nói lại, tuần vừa rồi mấy đứa về phép có dẫn em nó đi chơi rất là vui, à.. mà con tên Long phải không? Dung có nói với bác.
Hình như có ai đó bóp mạnh vào trái tim của tôi, khiến cho trái tim dường như muốn rớt ra khỏi lồng ngực. Tại sao Dung chỉ nhớ tới Long, còn tôi ở đâu sao không nghe Dung nhắc đến. Tôi muốn xin phép ba má Biên cho tôi về trường cho rồi nhưng vẫn cố làm mặt vui trả lời:
-Dạ thưa bác, con tên là Quân.
-Ờ, bác nhớ ra rồi Long và Quân.
Ông nhìn quanh như tìm kiếm:
-Còn thằng Biên và Long đâu rồi?
-Dạ chỉ có một mình con đi phép thôi, Long và Biên phải ở trường ứng chiến, tuần tới mới được đi phép.
-Dzậy nữa, quân trường sao mà khó quá.
Má của Biên tự nãy giờ ngồi im nhìn tôi như dò xét, cuối cùng bà lên tiếng:
-Quê con ở đâu?
-Dạ Đà Lạt.
-Có bà con ở Sài Gòn không?
-Dạ không.
-Nếu vậy, trưa nay con ở đây ăn cơm với hai bác, chiều đến hãy vô trường. Cứ coi như ở nhà, bác coi con cũng như thằng Biên, đừng có khách sáo.
Tôi mừng quá, vậy là mình được coi như là một thành viên trong nhà.
-Dạ, con cảm ơn hai bác.
-Để bác kêu con Dung xuống nói chuyện, hình như nó có cái gì muốn gởi cho thằng Biên.
Rủi cho tôi là ba má Biên ở nhà, may cho tôi là ông bà hiền từ cởi mở, tôi an tâm ngồi tiếp chuyện với ông bà.
Khi chị Lành đem mấy ly nước lên, Dung cũng từ trên lầu đi xuông, nàng nhìn tôi:
-Anh Quân mới về, còn anh Biên và anh Long đâu?
Tôi lại phải giải thích với Dung về chuyện năm mươi phần trăm quân số ứng chiến trong trường .
Ba má Dung đứng lên nói với Dung:
-Con ngồi tiếp chuyện anh Quân, ba má có chút việc gấp phải qua nhà bác Năm.
Tôi nhích ghế đứng lên chào ông bà, chỉ sợ mình có hành vi sơ suất sẽ gây nên hậu quả không tốt về sau.
Dung dẫn tôi ra trước sân, nàng ngồi lên chiếc xích đu dưới tàn cây vú sữa rôi chỉ cho tôi cái ghế đá gần đó.
-Mình ngồi đây nói chuyện cho mát nghe anh.
Không có Long công tử làm kỳ đà cản mũi, tôi chuyện trò với Dung thoải mái cứ như cá gặp nước, tha hồ tung tăng bơi lội, vùng vẫy. Tôi kể cho Dung nghe những chuyện tôi đã làm trong tuần lễ vừa qua.
Ngày thứ Hai trong tuần, tất cả đại đội học bài tác chiến trong thành phố. Ngày thứ Ba, nhị thức bộ binh thiết giáp, có nghĩa là lúc lính bộ binh đi hành quân chung với xe thiết giáp, hai bên hỗ trợ cho nhau, khuyết điểm của bên này sẽ được bên kia bổ khuyết. Ngày thứ Tư học về vũ khí của Việt Cộng.
Dung chăm chú lắng nghe tôi nói được một lúc, sau đó nàng lơ đễnh nhìn mây bay ở trên trời, dạ dạ cho có lệ. Tôi nghĩ hình như chuyện mình kể nó nhạt phèo, lạc đề hay sao. Thôi chết rồi, một buổi sáng đẹp trời, ngồi dưới tàn cây bên cạnh người đẹp với chiếc ghế xích đu lẽ ra tôi phải đẩy nhẹ chiếc ghế “Em ơi hãy ngủ, anh hầu quạt đây”. Đằng này, tôi lại kể cho Dung nghe chuyện ba cái thằng lính mới ở trong quân trường với súng đạn xe tăng, nghe có chán mớ đời không. Nhớ lại chuyện vừa kể, tôi còn nản không muốn nghe huống gì là Dung.
Tôi đi vào nhà, xin chị Lành một ly cà phê sữa rồi bưng ra sân, đặt xuống chiếc bàn đá bên cạnh Dung. Không biết có phải tại trời xui đất khiến hay không, tôi buột miệng nói:
-Em uống thử cà phê anh mới pha.
Dung đưa tách cà phê lên môi, nhắp một hớp rồi nhoẻn miệng cười
-Cà phê anh pha ngon thiệt, giống y chang chị Lành vẫn thường làm.
Tôi ngồi thừ người ra đó, nghẹn ngào không nói nên lời.
Thấy tôi yên lặng không nói gì, Dung đặt tách cà phê xuống bàn rồi nói:
-Để em nói chị Lành làm thức ăn sáng, anh ăn gì chưa?
-Chưa.
-Vậy anh muốn ăn gì?
-Cho gì anh ăn nấy, ở quân trường mỗi buối sáng tụi anh được phát cho một khúc bánh mì bơ, đường, thêm một ca nước lạnh. Khúc bánh mì đó mà chọi chó thì chó cũng chết.
-Tại sao vậy anh?
-Khúc bánh mì cũ, cứng như đá chớ sao.
Dung lộ vẻ ngạc nhiên.
-Anh Biên và anh có ăn không?
-Không ăn, đói làm sao mà đi học được. Nhiều bữa gặp bánh mì mốc cũng ăn luôn.
Nghe đến đây, gương mặt của Dung lộ vẻ hốt hoảng thật sự. Tôi vẫn thường có mặc cảm với cái đám con gái nhà giàu, họ đứt tay cứ như ăn mày đổ ruột nhưng khi thấy gương mặt của Dung thật sự lo lắng, tôi cảm thấy hối hận vì cái tánh đùa dai của mình. Tôi mau mắn nói:
-Anh chỉ nói giỡn chơi dọa em thôi, thực ra bánh mì trong quân trường cũng không đến nỗi nào. Thường ngày, khoảng chín hay mười giờ đêm bánh mì còn nóng được đem tới, ngoài phần bánh mì còn có một hộp bơ và một bịch đường cát trắng. Bánh mì nóng để qua đêm sẽ nguội rồi mềm đi, nhưng vẫn ăn được. Em cũng đừng quá lo lắng cho anh Biên, sáng nào bọn anh cũng qua Câu lạc bộ của Ban quân nhạc, ăn điểm tâm một tô bún bò hay một dĩa cơm tấm sườn nướng cho chắc bụng, trước khi đi học.
Tôi và Dung ngồi ăn sáng nơi chiếc bàn đá, dưới tàn cây vú sữa, mỗi đứa một tô bánh canh, một ly cà phê nóng. Tôi chậm rãi thưởng thức cái deo dẻo của cọng bột, chút ngòn ngọt của miếng chả cá, hương vị thơm nồng của hành lá và cái cay xé họng của miêng ớt đỏ tươi. Chừng đó thứ, không làm cho tôi ngất ngây bằng chuyện Dung rắc thêm vào cái tô của tôi một chút tiêu xay nhuyễn.
-Để em thêm cho anh chút tiêu.
Tôi biết những cô gái Sài Gòn tánh tình cởi mở, tấm lòng của họ trải dài như sông nước Đồng Nai. Có thể Dung chỉ hành động theo thói quen, nhưng tôi rất sung sướng vì nghĩ rằng mình được ân cần săn sóc.
Dung múc một muỗng bánh canh, thổi nhè nhẹ vào cọng bột rồi hỏi tôi:
-Anh Quân à, tại sao anh Biên và anh Long gọi anh là Quân bắp cải?
Tôi đỏ mặt, không biết trả lời như thế nào nên cứ tình thiệt mà nói
-Biên và Long biết anh là dân Đà Lạt nên gọi anh là Quân bắp cải. Anh không chịu, tụi nó lại kêu anh là Quân sữa. Anh phản đối mạnh hơn nữa, cuối cùng tụi nó cho anh chọn một trong hai cái tên đó. Anh chọn cái tên bắp cải, vì nghĩ rằng nếu mà bị gọi là Quân sữa làm sao kiếm đào cho được.
Tôi biết, mặt của tôi đỏ kè vì mắc cỡ sau khi nói câu trên.
Dung nhìn tôi
-Nếu là anh, em sẽ chọn tên Quân sữa.
-Tại sao vậy.
Dung ngập ngừng lắc đầu.
-Hôm nào em sẽ nói cho anh nghe.
Khi hai đứa ăn sáng xong, nắng đã lên cao, vài tia nắng mặt trời xuyên qua kẽ lá của tàn cây vú sữa, tạo thành những vệt sáng song song mà trong đó muôn ngàn hạt bụi nhỏ li ti liên tục di chuyển không ngừng, tôi nhìn khuôn mặt của Dung thấp thoáng sau những tia nắng vàng, lẫn trong mái tóc đen huyền. Một ý nghĩ liều lĩnh thoáng qua trong đầu, tại sao mình không mời Dung xuống Sài Gòn dạo phố như mình hằng mơ ước? Mộng với thực chỉ cách nhau một biên giới mù mờ thôi mà.
Nghĩ là làm, tôi hỏi Dung:
-Anh muốn mời em xuống Sài Gòn uống cà phê, được không?
Dung nhìn tôi với gương mặt lúng túng.
-Không được đâu anh, ba má không cho đâu.
Đã trót phóng lao nên phải theo lao, tôi nói:
-Để anh xin phép ba má em.
-Ba má có cho, em cũng không chịu.
Mặt mày của tôi chắc yểu xìu như cái bánh bao chiều nhúng nước. Hóa ra tuần trước Dung chịu đi chơi chung với tụi tôi là vì Biên, anh của nàng, tôi và Long công tử chỉ là hai đứa ăn theo. Tôi biết mình đã đi quá trớn bèn nói với Dung.
-Xin lỗi em, anh đã không biết vị trí cũng như chỗ đứng của mình.
Dung với giọng buồn buồn:
-Lẽ ra, em không nên nói với anh như vậy.
Bầu không khí giữa hai đứa trở nên ngột ngạt, không được thoải mái như lúc sáng. Tôi đang lúng túng không biết phải làm gì trước tình trạng khó xử, bất chợt thấy ba má Dung xuất hiện nơi cổng trước, tôi lẹ làng đứng lên đi ra mở cổng cho ông bà.
Ba Dung ôm một bịch trái cây, đặt xuống bàn rồi nói:
-Hai đứa ăn cam đi, cam Mỹ cũng khá ngọt.
Lần đầu tiên trong đời tôi thấy quả cam màu vàng đỏ, Việt Nam mình chỉ có cam vỏ xanh hay ửng vàng thôi. Tôi hỏi ba của Dung:
-Thưa bác, con chưa bao giờ thấy trái cam vàng đỏ như vậy, bác mua ở đâu?
-Đây là cam Sunkist của Mỹ, bác mua trong sở làm của bác. Trong đó, họ bán rẻ như cho.
Ba Dung đẩy bị cam lại phía tôi :
-Chiều nay con đem vô cho Biên mấy trái cam, tội nghiệp nó ở quân trường ăn uống kham khổ.
Má Dung lên tiếng:
-Mấy đứa coi sửa soạn rồi ăn trưa.
Sau bữa ăn sáng với Dung, bụng tôi còn căng đầy nhưng tôi vẫn sốt sắng trả lời.
-Dạ.
Dung đứng lên:
-Em phải phụ chị Lành nấu cơm, nếu không má sẽ la.
Nằm một mình trên chiếc võng, dưới bóng mát của tàn cây vú sữa, bên cạnh chiếc ghế xích đu thêm chút gió hiu hiu thổi, tôi chợp mắt lúc nào không biết, cho đến khi có tiếng gọi tên mình.
-Cậu Quân, cậu Quân dậy ăn cơm, ông bà đang chờ.
Lại một bàn đầy thức ăn, ba má Dung ngồi một bên, tôi và Dung ngồi đối diện. Tôi nghĩ, không biết làm rể phải ăn uống như thế nào nhưng tôi nhất định phải quên đi cái thói ăn uống lẹ như chớp ở nhà bàn Thủ Đức. Tôi ăn cơm chậm rãi, từ tốn như con gái, không chừng còn yếu hơn cả Dung nữa. Từ nãy giờ Dung im lặng ăn cơm bất ngờ nàng lên tiếng:
-Má à, ăn cơm xong con muốn đi Sài Gòn với anh Quân, để mua cho anh Biên mấy món đồ.
-Nó cần gì vậy con?
-À, bàn chải đánh răng, xà bông, vài đôi vớ, dao cạo râu và mấy thứ lặt vặt khác.
Má Dung sốt sắng:
-Phải đó, ăn cơm xong con đi lẹ lẹ lên, mua cho đủ để anh con có mà dùng. Gởi cậu Quân đem vô cho tiện.
Tôi hơi ngạc nhiên, ba cái thứ đó ở Thủ Đức trong Khu sinh hoạt chán vạn gì, đem mười cái xe GMC vô chở cũng không hết, tại sao phải mua ở Sài Gòn.
Tôi lên tiếng:
-Dung khỏi cần tốn công, để về trường anh vô Khu sinh hoạt mua cho.
Dung liếc nhìn tôi với đôi mắt như hờn giận trách móc. Tôi không biết mình đã làm gì khiến Dung giận, nên im lặng tiếp tục ăn cơm mà nuốt không trôi. Má Dung dường như không cần biết tôi nói gì, bà dặn Dung:
-Con nhớ mua đồ cho anh con loại thật tốt nghe, nhờ cậu Quân đi theo xách giùm.
Đang ăn cơm, tôi phải ngừng nhai, nghe má Dung nói mà tôi tưởng mình nằm mơ. Tôi đã từng đậu cái Tú tài I rồi Tú tài II một cách oanh liệt, nhưng xem ra chẳng thấm gì so với cái Tú tài III mà tôi vừa mới đậu hôm nay. Còn gì sung sướng hơn chuyện tôi được danh chánh ngôn thuận, đi Sài Gòn với Dung.
Tôi mở cửa taxi, chờ cho Dung ngồi xuống rồi mới cẩn thận đóng cửa. Xong xuôi tôi đi vòng qua cửa đối diện. Tôi cố gắng đi đứng sao cho đàng hoàng, chững chạc, vì biết rằng ba má Dung đang dõi mắt quan sát tất cả mọi chuyện.
Tôi lập lại như Biên nói hôm nào:
-Cho tụi này xuống Sài Gòn bác tài.
Khi chiếc taxi bắt đầu chạy qua đường Công Lý, tôi mới hỏi Dung:
-Lúc nãy em giận anh chuyện gì vậy?
Gương mặt Dung ửng đỏ.
-Em phải đặt chuyện, đi mua đồ cho anh Biên mới được đi Sài Gòn. Đang không anh xía vô một cách lảng xẹt.
Tôi hoàn toàn không hiểu, buổi sáng Dung nói là không muốn đi uống cà phê với tôi, lúc ăn trưa nàng tìm cách xin ba má đi Sài Gòn để được đi chơi với tôi, hai chuyện hoàn toàn mâu thuẫn với nhau. Người ta thường nói, đàn bà là cả một đại dương bí ẩn quả là không sai. Tôi dựa ngửa người ra ghế, khoan khoái hít thở mùi thơm của đóa Phù Dung tỏa ra trong không khí. Dù có làm gì đi nữa, tôi vẫn nhớ lời dặn của Biên, không quên chuyện phải “năng nổ, hoạt động”
-Tụi mình đi đâu đây em?
-Xuống Sài Gòn rồi hãy tính.
Nói xong, Dung chồm người về phía trước:
-Bác tài ơi, cho tụi cháu xuống chợ Bến Thành.
Chính tôi là người mong muốn được đi dạo phố Sài Gòn với Dung. Dạo phố chỉ là một cách nói, thật ra trong lòng, tôi chỉ muốn khoe với mọi người là tôi có cô bạn gái đẹp như mơ, xinh như mộng. Đến khi xe taxi ngừng bên hông chợ Bến Thành, tôi lại lúng túng không biết phải làm gì. Một giờ trưa, Sài Gòn nóng như cái chảo dầu của mấy ông ba Tàu chiên giò cháo quảy, giờ này mà đi dạo phố chỉ tổ nắng cháy da, tôi nhìn Dung cầu cứu:
-Anh từ nhỏ tới lớn sống ở Đà Lạt, không biết gì về Sài Gòn. Em dẫn anh đi chơi được không?
Dung nhìn tôi rồi nói:
-Nắng như vầy, không phải lúc để đi chơi nhưng đợi đến khi dịu nắng anh lại phải vô trường, bây giờ mình đi chợ trước mọi chuyện hãy tính sau.
-Đi chợ?
-Anh nhớ không, em xin phép má đi chợ để mua vật dụng cần thiết cho anh Biên. Nếu không mua, lại lòi ra cái tội nói láo với má em.
Bên trong chợ tuy có mát hơn chút xíu, nhưng lại đông người quá khiến cho không khí trong chợ oi nồng, chẳng thoải mái gì hơn, tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, thoát được cái nắng cháy da, lại gặp phải bầu không khí ngột ngạt khó thở.
Dung mua bàn chải và kem đánh răng, xà bông, khăn mặt rồi dao cạo râu lĩnh kĩnh đủ mọi thứ, thứ nào cũng hàng chục.
Tôi hỏi Dung:
-Em mua làm gì mà nhiều vậy?
-Anh Biên, anh Long và anh, em mua cho cả ba người.
-Chừng này cho cả chục người dùng chứ đâu phải ba người.
-Một lần đi là một lần khó, anh làm ơn giúp em đi.
Tôi yên lặng đi theo Dung, nàng mua bao nhiêu tôi ôm bấy nhiêu. Tôi tự hỏi không biết mấy ông chồng đi chợ với vợ như thế nào, im lặng mà ôm đồ hay vừa đi vừa càm ràm? Với tôi hạnh phúc là được đi theo chân Dung. Đi đâu, tôi cũng bắt gặp những cặp mắt đầy thiện cảm nhìn theo chúng tôi.
Một bà bán hàng nói đùa với Dung:
-Này cô, cậu ấy đi phép được có mỗi một ngày, cô cho cậu ấy nghỉ ngơi một tí chứ ai lại bắt người ta đi theo ôm đồ như thế bao giờ.
Một bà khác tiếp lời:
-Đợi mai mốt lấy nhau rồi, lúc ấy tha hồ mà sai bảo.
Tôi sung sướng đến đỏ mặt, nhìn qua Dung mặt nàng cũng đỏ như tôi. Dung đưa tay ôm bớt một gói đồ cho tôi.
-Để em giúp anh, nếu không sẽ còn bị la dài dài.
Tôi thầm cảm ơn mấy bà bán hàng, đã nói giùm tôi những gì tôi muốn nói, “Mai mốt lấy nhau” câu nói nghe sao mà êm ái quá chừng, cứ như chuyện thần tiên. Tôi bước đi bên cạnh Dung mà hồn như đang ở đâu tận chốn thiên thai, cho đến khi nghe Dung nói:
-Đủ rồi đó anh.
Lúc bấy giờ tôi mới tỉnh mộng, tôi hỏi lại nàng:
-Em nói gì?
-Em mua hàng xong rồi, mình có thể đi.
-Anh đói bụng, mình đi ăn được không?
-Anh đói bụng ?
-Phải.
Hai đứa ra khỏi chợ, thả bộ đến nước mía Viễn Đông. Nắng vẫn còn gay gắt, tôi nhìn lên tấm bảng to choán hết cả mấy căn phòng ở tầng thứ ba của tòa nhà, rồi nói với Dung:
-Dân Sài Gòn dễ tính thiệt.
Dung nói với tôi:
-Tại sao anh nói như vậy?
Tôi chỉ cho Dung tấm bảng hiệu trên tầng ba, rồi nói:
-Em nhìn coi, chữ Viễn Đông mà viết với dấu hỏi. Nó chẳng có nghĩa gì hết, phải là dấu ngã mới đúng.
Dung trả lời tôi, câu trả lời đúng là của người Sài Gòn dễ tính.
-Anh lo làm gi cho mệt thân, dấu hỏi hay dấu ngã người Sài Gòn đều đọc là “Dziển Đông”.
Chúng tôi ngồi xuống cạnh xe bò bía. Ông Tàu già đưa cho tôi một dĩa gồm có bốn cuốn bò bía. Dung ngồi nhìn tôi ăn, nàng lấy tương đen trộn với tương đỏ trong một cái dĩa nhỏ, thêm chút ớt sa tế đưa cho tôi. Dưới cái nóng của Sài Gòn thêm vị cay của ớt, mồ hôi trên trán tôi chảy thành dòng. Tôi ăn liền một hơi sạch hết mấy cuốn bò bía. Khi cái bụng đã lung lửng, tôi nhích sang gánh bò viên bên cạnh, kêu thêm một chén bò viên rồi mới cùng Dung thong thả thưởng thức ly nước mía Viễn Đông. Nước mía ở đây ngon khỏi chê, sạch sẽ nổi tiếng ở Sài Gòn nhưng Dung chỉ uống nửa ly rồi đẩy ly nước về phía tôi, nàng nói:
-Anh uống hết giùm em, được không?
-Được chứ, anh còn đói mà, lúc nãy ở nhà em, anh đâu có ăn uống gì.
-Tại sao vậy?
-Em còn hỏi, sợ ba má em quá sức, bụng dạ đâu mà ăn.
Gần bốn giờ chiều chúng tôi về đến nhà, ba má Biên có vẻ bằng lòng khi thấy hai đứa về sớm. Má Biên kêu tôi lại, bà nói:
-Bác có chút việc nhờ con.
-Dạ, con nghe.
-Con đem vô cho thằng Biên hai ngàn, để nó có tiền tiêu vặt trong tuần.
Tôi nghĩ thầm, hai ngàn mà tiêu vặt trong một tuần, một ly sương sâm tụi tôi uống khi đi học ngoài bãi chỉ mười đồng bạc, uống mấy năm mới hết hai ngàn. Nghĩ như vậy, nhưng tôi vẫn đưa tay lấy tiền cất vô túi.
-Bác cần gì nữa không?
-Không, mà con ở lại ăn cơm chiều rồi mới vô trường chớ?
-Dạ không, con phải vô trường liền, đợi ăn cơm chiều xong sẽ trễ chuyến xe của trường. Hơn nữa, tụi con đã đi dạo và ăn ở khu nước mía Viễn Đông rồi.
Dung nhìn tôi, đôi mắt của nàng như ngầm bảo đừng có nói nữa. Lát sau, khi chỉ còn tôi và Dung, hai đứa đang sắp xếp đồ đạc để tôi mang vô trường. Dung nói:
-Anh sao mà khờ quá, nào ai có khảo mà mình lại khai. Má em hỏi một đường anh lại trả lời một nẻo, khác nào lạy ông tôi ở bụi này. Má em chỉ nghĩ rằng tụi mình đi chợ mua đồ cho anh Biên, bà đâu biết chuyện mình đi dạo phố rồi uống nước mía Viễn Đông, anh khai ra làm gì.
Tôi ngượng nghịu trả lời:
-Anh đâu có biết, lần sau đi chơi với em, anh sẽ giấu không nói cho ai hết.
Dung cười với tôi, nụ cười tươi như hoa mới nở.
-Anh có biết là anh khờ…, không phải, hiền lắm không?
Tôi sung sướng ra mặt khi được Dung khen.
Ba của Biên ôm tới một bị cam Sunkist, ông hỏi Dung:
-Có chuyện gì vui mà con cười vậy?
Quay sang tôi, ông nói:
-Con đem bịch cam này vô trường, mấy anh em chia nhau mà ăn.
Tôi nhìn ba bốn cái bịch giấy rồi ao ước,giá mình có cái ba lô tọng hết vào là ổn. Má Biên đến bên tôi, bà nói:
-Bác đã nghĩ rồi, con cầm thêm cho Biên một ngàn nữa, bác sợ hai ngàn không đủ cho nó tiêu xài trong tuần.
Tôi lại bỏ túi thêm ngàn nữa.
-Bác cho Biên nhiều quá, trong trường có gì đâu mà tiêu với xài, hơn nữa tuần tới là đến lượt anh ấy về phép rồi.
Tôi ôm bốn cái bịch giấy to, chào ba má Biên để về trường. Dung đưa tôi ra cổng, nàng nói nhỏ với tôi:
-Anh còn nhớ tuần trước, trước khi vô trường anh nói gì với em không?
Tôi giật mình lật đật lên tiếng:
-Nhớ, nhớ chớ, làm sao anh quên được.
Dù có khờ đến đâu, tôi cũng biết Dung muốn tôi lập lại câu nói “vô trường rồi anh nhớ em chết được”. Tôi liếc nhìn ba má Dung rồi lấy hết can đảm, liều mạng nói nhỏ vào tai Dung:
-Anh yêu em.
Tôi bắt gặp đôi mắt tròn xoe, kinh ngạc, đôi môi tươi tắn của nàng mấp máy như muốn nói gì đó. Tôi không cần biết Dung muốn nói gì. Riêng tôi, tôi đã nói được câu mà tôi muốn nói.
Dư vị của ngày phép vẫn còn kéo dài cho đến hôm sau, khiến cho ngày thứ Hai như dài lê thê, lưng mang ba lô, tay ôm cây súng Garant nặng như cái búa tạ, vai đeo một dây đạn thêm cái bi đông nước, tôi đi tới bãi chiến thuật mà như là đi xuống địa ngục. Bữa cơm trưa tại bãi do xe GMC chở tới, một gà mèn cơm, chút canh cải, miếng thịt heo kho trứng. Con nhà nghèo như tôi, từ nhỏ tới lớn tôi chưa bao giờ biết chuyện kén cá chọn canh là gì, kén cá chọn canh theo đúng y bon cái nghĩa đen của nó chứ không phải là chuyện chọn vợ kén chồng. Hôm nay, tôi nhìn bữa cơm mà ngán ngẫm. Nước canh cải sao ngọt bằng chén nước súp của bò viên, thịt heo kho trứng sao bì được mấy cuốn bò bía, và nhất là nước thịt kho không thể nào sánh với dĩa tương đen với chút ớt sa tế do Dung làm cho tôi ở nước mía Viễn Đông. Tôi ăn cơm ở bãi mà cứ tưởng như là đang nhai mớ giẻ rách. Tôi bỏ dở bữa ăn mặc dù hãy còn đói, mở nắp bi đông tu một hơi, một dòng nước âm âm nặng mùi hôi của bình đựng nước làm bằng nhựa chảy qua cổ, khiến tôi lại nhớ đến nửa ly nước mía Viễn Đông mà Dung đẩy qua cho tôi. Tôi lờ mờ nhận ra rằng, tôi thiếu Dung chứ không phải thiếu thức ăn hay nước uống. Mới xa nhau có một ngày, mà tôi đã nhớ Dung da diếc đến như vậy, còn bao nhiêu ngày sắp tới liệu tôi có chịu đựng được hay không?
Nhìn đồng hồ, tôi biết hãy còn lâu mới đến giờ học. Tôi lật nắp ba lô lên, lấy cây viết nguyên tử viết tên Dung lên trên ấy, đồ đi đồ lại nhiều lần, cho đến khi tên Dung nổi bật lên tôi mới ngưng tay. Nhìn tới nhìn lui, sau một hồi suy nghĩ, tôi viết thêm hàng chữ nho nhỏ bên dưới: Anh yêu em.
Một tuần lễ trôi qua trong đơn điệu và buồn chán, tôi nhẩm tính từng ngày. Còn bao nhiêu ngày nữa mới đến ngày tôi được đi phép? Tính toán rồi thở dài ngao ngán, tuần này đến phiên Biên và Long đi phép, tuần tới mới đến phiên tôi.
Hai tuần chờ đợi qua mau, đến ngày tôi được đi phép lại có lệnh cấm trại một trăm phần trăm. Ba, bốn tuần liên tiếp chúng tôi bị nhốt trong trường, thằng nào thằng nấy nhớ Sài Gòn quay quắt. Khi được đi phép trở lại, Biên và Long được đi phép trước, tôi phải đợi tới tuần sau. Cuối cùng ngày tôi đi phép cũng đến. Tôi không biết Biên và Long công tử dẫn Dung đi chơi ở đâu trong ngày phép vừa qua, Long đã nói với Dung những gì, nhưng đến lần tôi đi phép Long lên Khu sinh hoạt mua một cuốn album đắt giá, gáy mạ vàng với vài món đồ nữa. Nó nói:
-Mày đưa gói quà này cho Dung, nói là của tao gửi mừng sinh nhật. Nhớ nói với Dung phải mở quà ngay lập tức, tao hy vọng mày và Dung sẽ có một ngày vui.
Tôi nhìn nụ cười bí hiểm trên môi của Long công tử mà giận hắn quá chừng.
Khác với mọi lần, hôm nay khi vừa bấm chuông, tôi đã thấy Dung đích thân ra mở cổng. Chưa bao giờ tôi thấy Dung có một nụ cười hớn hở xinh tươi như ngày hôm ấy. Dung nói với tôi:
-Em biết rõ, hôm nay là ngày anh đi phép nên em chờ anh từ sáng đến giờ.
Nhìn vào hộp quà tôi đang cầm trên tay, Dung lăng xăng hỏi:
-Quà sinh nhật của em phải không?
Tôi không nói gì, im lặng đi theo Dung vào nhà, đến phòng khách tôi trao cho Dung gói quà rồi nói:
-Quà của anh Long gởi cho em, hắn dặn em phải mở ngay lập tức.
Dung xé giấy gói quà, mở nắp hộp lấy ra cuốn album, nhìn vào trong hộp rồi ngẩng nhìn tôi với đôi mắt đầy giận dữ, không bao giờ tôi quên được cái nhìn ngày hôm ấy của Dung. Dung vùng vằng ôm gói quà đi lên lầu, vừa đi nàng vừa nói:
-Anh đi về trường đi.
Tôi đứng im như một pho tượng, không biết có gì trong hộp quà mà Dung lại giận tôi. Thời gian chầm chậm trôi qua, tôi đi tới đi lui trong căn phòng, năm phút rồi mười phút Dung vẫn ở trên lầu. Một mình trong phòng khách, không biết làm gì tôi mở cửa đi ra ngoài sân, rồi vì tự ái của một thằng con trai khi bị một cô gái coi thường khiến tôi đi lần ra cổng. Tôi mở hé cánh cổng, lách mình ra ngoài, đi mà không biết đi đâu cho đến khi một chiếc taxi rề tới bên cạnh.
-Chuẩn úy về đâu?
Đang giận trong lòng, tôi nói với giọng hằn học.
-Tôi là sinh viên sĩ quan, chưa có ra trường.
-Chuẩn úy hay sinh viên cũng như nhau thôi.
Tôi nổi giận thật sự, gằn giọng:
-Như nhau sao được.
Khi nói xong tôi mới giật mình nhớ lại, tuần tới mình ra trường rồi còn gì, chỉ còn vài ngày nữa mình sẽ mang lon chuẩn úy. Tôi nhẹ giọng với anh tài xế:
-Cho tôi xuống Sài Gòn.
Tôi đi lang thang từ tòa nhà Quốc Hội đến chợ Bến Thành, vòng qua nhà hàng Thanh Bạch, nắng mỗi lúc một gắt hơn, mồ hôi thấm ướt chiếc áo may ô, không chừng thấm luôn ra bộ đồ tiểu lễ. Tôi nhìn đồng hồ, giờ này ở trường chắc Biên và Long công tử đang trên đường đến nhà ăn, bao tử của tôi cũng bắt đầu lên tiếng. Tôi mua một ổ bánh mì thịt, xeo xéo trước mặt tôi là rạp ciné Vĩnh Lợi, còn chần chờ gì nữa. Tôi chui vào rạp, vừa coi ciné vừa gặm ổ bánh mì mà không biết tại sao Dung lại giận tôi. Tôi đoán chừng, có thể tại tôi không mua quà cho Dung.
Trong cái nóng chảy mỡ, ngột ngạt, đầy hơi người của rạp ciné không có máy lạnh, tôi ngủ một giấc ngủ đầy mộng ảo, có lúc thấy mình là công nhân của lò gạch đang chất củi đốt lò, ngọn lửa trong lò hừng hực cháy tỏa ra một sức nóng kinh hồn khiến tôi như muốn ngợp thở. Lại có lúc thấy minh là công nhân xe lửa, đang xúc than đá đổ vào lò đốt của đầu máy, hơi nóng của than trong lò làm phỏng da, cháy thịt, trong khi đó Dung lạnh lùng quay lưng đi về cuối đường ray xe lửa mỗi lúc một xa, xa mãi, cho đến khi chỉ còn là một cái bóng mờ ở cuối chân trời.
No comments:
Post a Comment