Thursday, July 14, 2022

THAY LỜI TỰA - Dinh Độc Lập, Tiếng Súng Cuối Cùng.


 THAY LỜI TỰA

Chính cái duyên văn tự đã đưa tôi đến với tác giả tập truyện này. Tôi gặp Huy Văn lần đầu tiên tại tòa soạn nguyệt san Văn Học mà cũng là nhà tư của bạn văn Nguyễn Mộng Giác ở Westminster, California, cách đây ngoài hai mươi năm. Qua một vài câu xã giao chúng tôi khám phá ra một mẫu số chung: Huy Văn là người Dalat. Tôi cũng có sống ở đó một thời gian. Dạo ấy Dalat chưa có cái tên Xứ Hoa Đào. Nhưng cứ nhắc đến vài địa danh cũ như đường Cầu Quẹo, trại Hầm, trại Mận, ấp Hà Đông, ấp Nghệ Tịnh… là có thể kết luận ngay rằng những cái tên xa xưa ấy chính là miếng trầu làm đầu… cho một buổi chuyện trò quả là rôm rả.

Và cái ấn tượng rõ rệt nhất mà Huy Văn để lại trong tôi sau lần gặp gỡ ấy là nét thẳng thắn, trung thực và hiền lành. Sau này, gặp nhau nhiều hơn nữa, tôi biết bạn tôi là một người nhân hậu. Tôi nghĩ rằng mấy điểm này hiện rõ trong tập truyện mà bạn đọc đang cầm trong tay.

Dĩ nhiên, đã là “truyện” tất phải có phần hư cấu, nhưng mà kinh nghiệm sống của tác giả, vốn là một trong hàng trăm nghìn quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã từng phải nuốt hận trong các trại “cải tạo”, rạt rào trôi qua những hàng chữ giản dị, không sáo, không làm dáng, do đó cốt chuyện trong mỗi truyện đậm nét thuyết phục. Từ nỗi khổ đau của người sĩ quan trẻ tuổi khi lỡ tay đánh mất mối tình thiệt dễ thương ở miền cao nguyên đất đỏ cho đến cái ngây thơ của lính mới tò te rồi niềm vui mừng của một người di tản tình cờ gặp lại bạn cũ nơi quê người sau cuộc bể dâu năm ’75 chúng ta thấy gì?

Chúng ta thấy dăm mẩu đời phản chiếu lại một góc trời của chiến thời, của một cuộc Nam Bắc phân tranh ở thế kỷ thứ XX, của trận nồi da xáo thịt khốc liệt chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà kể từ thủa bà Trưng đuổi Tô Định mà dẹp yên biên thùy. Mà lại là những mẩu đời tan hoang vì những mất mát ở bên ngoài cũng như ở trong nội tâm của nhân vật trong chuyện: nữ diễn viên cải lương có giọng hát ngọt ngào một thời bây giờ còn cất tiếng được nữa hay không; nén hương thắp cho các bạn đồng đội đã ngã xuống giữa một bãi chiến trường nay đã nhường chỗ cho cỏ cây cho nhà cửa mới, ai là người thu thập những mẩu xương trắng kia, quả có xót xa thật; cảnh thương tâm của một lần về nước thăm bạn đồng ngũ kèm theo cái oái oăm của một màn mua bán vé số trong quán nước…

Giữa những hình ảnh sống động ấy, tôi nghĩ điều gây được xúc cảm mạnh nhất trong lòng người đọc là cái báng súng giáng xuống đầu người sĩ quan Cảnh Sát Dã Chiến trong truyện Dinh Độc Lập, Tiếng Súng Cuối Cùng.

Tất cả những điều mà tôi tạm gọi là nghịch cảnh trong tập đều chở nặng hậu quả không gián tiếp thì trực tiếp của chiến tranh, những hậu quả mà tôi nghĩ rằng mọi người trong chúng ta không ít thì nhiều cũng đã và đang gánh chịu. Do đó, có thể nói rằng chuyện trong những trang sau đây rất gần người đọc.

Nhưng mà…tôi xin nhường lời cho Huy Văn.

Trúc Chi
4/2014

No comments:

Post a Comment