Thursday, July 14, 2022

PIERRE (trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)


 PIERRE

(trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)

Chiếc Boeing 747 khổng lồ lướt trên phi đạo mỗi lúc một nhanh, Pierre chợt thấy nhẹ hẫng trong khi toàn thân anh như bị một sức mạnh vô hình ép xuống nệm ghế. Chưa kịp hiểu về trạng thái nghịch lý xảy ra, anh đã lơ lửng trên không. Máy bay rời khỏi phi đạo từ lúc nào.

Hơn năm mươi tuổi, lần đầu tiên đi máy bay, Pierre cảm thấy bần thần, khó chịu trong người. Sợi dây an toàn gài lỏng lẻo nơi bụng chỉ làm tăng thêm nỗi bực dọc tù túng. Hai lỗ tai lùng bùng, nhức buốt, có lẽ cơ thể anh không quen với sự thay đổi cao độ bất ngờ.

Pierre vươn vai, ngả người ra ghế mong tìm thấy chút thoải mái tạm thời. Anh đảo mắt một vòng, lòng máy bay rộng thênh thang, những ngọn đèn được giấu kín trên trần tỏa ra một thứ ánh sáng mờ mờ, dìu dịu không làm xốn mắt người nhìn. Sàn máy bay lót thảm màu xám, mới tinh và sạch bong. Những chiếc ghế xinh xắn, gọn gàng sắp theo hàng ngay ngắn được gắn chặt xuống sàn. Hai lối đi sâu hun hút dẫn đến tận phòng lái ở mũi phi cơ. Tất cả hành khách đều yên lặng nhắm mắt tựa như đang ngủ, một vài người loay hoay với tờ báo trên tay. Mắt anh dừng lại bên khung cửa. Pierre muốn nhìn thành phố Hồ Chí Minh lần cuối, đúng hơn, nhìn lại nước Việt Nam nơi mà anh đã sống hơn ba mươi năm qua. Xe cộ, nhà cửa, ruộng đồng, thành phố bên dưới nhỏ dần, nhỏ dần trước khi mất hút sau làn mây bạc.

Ba mươi năm qua, cuộc sống của Pierre gắn liền với cái đất nước nghèo nàn khốn khó nầy. Chiến tranh đã qua rồi nhưng hậu quả của nó vẫn còn hiển hiện trước mắt. Hơn nửa đời người chôn chặt ở đây, trải bao nhiêu thăng trầm dâu bể, buồn vui lẫn lộn, hạnh phúc níu kéo lấy khổ đau, giờ đây nhìn về tương lai, nhớ về quá khứ, có hay chăng chỉ là một giấc mơ nặng trĩu bên lòng.

Pierre đốt một điếu thuốc, khói thuốc màu trắng xám chập chờn uốn lượn trong không gian rồi chầm chậm chui vào những ống hút nhỏ đặt trên trần của máy bay. Bỗng dưng anh thấy cay cay nơi mắt, xốn xang trong lòng, hồn anh dật dờ theo khói thuốc trôi về quá khứ xa xăm.

Saint-Macaire là một làng nhỏ của hạt Aquitaine thuộc miền tây nam nước Pháp. Quê hương của anh là giòng sông Garonne lững lờ uốn khúc, phát nguyên từ dãy Pyrenees chảy qua hai thành phố lớn là Toulouse và Bordeaux, trước khi đổ ra biển Đại Tây Dương. Saint-Macaire ở vào khoảng giữa hai thành phố này, đúng ra là nó gần Bordeaux hơn. Xa xa về phía nam là dãy Pyrenees hùng vĩ, ở đó có những đỉnh núi cao ngút trời xanh với tuyết phủ vạn niên chập chùng tiếp nối tưởng như không bao giờ dứt. Dãy núi này làm thành biên giới thiên nhiên giữa Pháp và Tây Ban Nha.

Mồ côi mẹ từ thuở bé, anh sống thui thủi một mình bên người cha trầm lặng ít nói. Thời thơ ấu của Pierre trôi qua trong êm đềm và lặng lẽ thiếu hẳn bàn tay chăm sóc dịu dàng của mẹ hiền. Buổi sáng ở đồng quê anh thường bị đánh thức bởi tiếng gáy của mấy con gà trống sau nhà, cái lũ gà đáng ghét vô tích sự, sáng nào cũng dựng đầu anh dậy trong khi anh còn muốn ngủ nướng thêm tí nữa. Nệm êm, chăn vẫn còn ấm, bước ra khỏi giường, Pierre như còn luyến tiếc giấc ngủ êm đềm.

Mặt trời vừa ló dạng ở phương đông, anh đi vòng ra sau nhà, quăng một mớ cỏ khô cho mấy con bò sữa rồi quay lại thả đàn gà ra sân. Mới bị nhốt một đêm mà đám gia súc làm như bị cầm tù ba năm không bằng, gà chạy theo đường gà, ngỗng chạy theo đường ngỗng, cứ loạn cả lên, con này vội vàng đào đất tìm mồi, con kia vươn vai đập cánh, vài con gà trống bay tuốt lên hàng rào chuồng bò cất tiếng gáy vang, trong khi bầy ngỗng vừa chạy vừa gọi nhau nghe đến điếc cả tai.

Lượm mớ trứng mà mấy con gà mái vừa đẻ trong đêm, thường khoảng dăm bảy quả, trở vào nhà Pierre làm bữa ăn sáng cho mình. Anh bỏ một ít củi khô vào cái bếp bằng đất được đắp sát tường, khi lửa cháy đều ngọn lửa sẽ lan qua hai bếp bên cạnh. Bếp đầu tiên nóng nhất dùng để nấu nước sôi pha cà phê cho cha anh, hai bếp còn lại để chiên trứng và xúc xích.

Bữa ăn sáng của anh thường là bánh mì nướng, xúc xích chiên, trứng chiên và một ly sữa tươi. Sau đó anh làm thêm một phần nữa với số lượng gần gấp đôi đem ra ruộng cho cha anh.

Nắng đã lên cao, trong cái im vắng tĩnh mịch của đồng quê, cha anh đang mải mê làm việc trên thửa ruộng khô. Ông khéo léo điều khiển cái cày do hai con bò kéo. Những luống cày vỡ thẳng tắp, đất khô được lật bung lên phơi mình dưới nắng ấm, thoảng trong không khí Pierre ngửi được mùi thơm nồng của đất mới. Thỉnh thoảng cha anh lại đưa tay áo lên quệt ngang những giọt mồ hôi đọng ở mí mắt. Trời không lạnh nhưng lúc nào cha anh cũng có thói quen khoác thêm chiếc áo vét bên ngoài áo sơ mi, cái mũ lưỡi trai màu xám đậm thường được kéo sụp xuống gần đến chân mày để che nắng. Khi trông thấy anh ông mỉm cười, nụ cười hiền hòa đầy bao dung.

-Thế nào ngủ ngon không? Hôm nay con cho ba ăn món gì?

Anh chưa kịp trả lời, ông vội tiếp:

-Lại bánh mì xúc xích, trứng chiên phải không?

Cha anh vừa ngồm ngoàm nhai bánh mì vừa nói với anh:

-Nhà không có đàn bà cha con mình cầm chắc mấy món ăn này suốt đời.

-Ba nói vậy chứ … Hôm qua bà Marie cho con cái mũ nồi mới và hỏi thăm ba.

Gương mặt cha anh hơi ửng đỏ, ông vụng về bối rối gài lại hột nút nơi tay áo khi nghe anh nhắc đến bà Marie.

-Này con, lễ Độc Lập tới nơi rồi, ba sẽ dẫn con xuống tỉnh, dạo thăm phố phường, nhân tiện mua sắm ít đồ lặt vặt cho nông trại. Tối đến cha con mình ghé quán rượu, uống dăm ba lít rượu vang Bordeaux. Mà này, con cũng đã lớn rồi, coi kìa mặt con đầy mụn là mụn, tập uống Cognac là vừa.

Hàng năm khi những cơn gió mùa từ dãy Pyrenees thổi về đem theo cái lạnh se sắt của núi rừng, khi lá của hàng cây phong trước nhà bắt đầu đổi màu từ vàng nhạt sang đỏ ối và cánh đồng lúa mì chỉ còn trơ lại những gốc rạ, là lúc Pierre phụ cha chuyển dần đống củi khô từ ngoài sân, sắp xếp gọn gàng bên hông nhà. Rơm rạ cũng được chuẩn bị đầy đủ cho đàn bò sữa dùng trong suốt mấy tháng mùa đông.

Một hôm cha anh đứng nhìn cái chuồng bò cũ kỹ, xiêu vẹo, ông lắc đầu ra chiều chán nản rồi nói:

-Chắc nó không chịu nổi qua mùa đông này.

Hơn một tuần, Pierre cùng cha cưa cây, san bằng nền, đào cống thoát nước, lợp mái. Công việc tiến triển tốt đẹp, cái chuồng bò mới đã thành hình.

-Lấy cho ba chai rượu vang.

Pierre đi vào nhà, thấp thoáng nơi cửa trước cô bé hàng xóm rực rỡ trong chiếc váy mới, cô nói với Pierre, giọng nói hơi ngập ngừng:

-Ngày mai, Yves lên Toulouse để chuẩn bị cho niên học tới.

Thanh niên, thiếu nữ trong làng nếu muốn tiếp tục việc học thường lên Bordeaux bởi vì nó gần nhà. Sáu mươi cây số không lấy gì xa cho lắm, vài tuần có thể về thăm nhà một lần. Đàng này Yves muốn đi Toulouse.

Pierre biết, Toulouse là một thành phố cổ kính với những viện đại học kỷ thuật nổi tiếng của Pháp. Hơn một trăm bốn mươi cây số về hướng đông, đường xa diệu vợi có lẽ cô bé muốn trở thành một nữ khoa học gia trong tương lai. Bạn bè của Pierre kẻ trước người sau lần lượt rời bỏ nơi đây để đi Bordeaux hoặc Toulouse. Một nỗi buồn nhè nhẹ chợt đến với anh, cô bạn gái của anh cũng sắp sửa lên đường nay mai.

Trong một phút bất ngờ, Yves ôm chặt lấy anh, đặt lên má anh một chiếc hôn cuống quít vội vàng rồi quay người chạy mất. Pierre ngẩn ngơ chết lặng, đầu óc lùng bùng, văng vẳng trong gió anh mơ hồ nghe được hai tiếng “Tạm biệt”.

Mãi cho đến khi bóng của Yves mờ xa, Pierre mới giật mình tỉnh mộng, anh đưa taỵ sờ lên má. Mùi thơm của người bạn gái còn quanh quẩn đâu đây vương vương trong không khí, chắc hôm nay cô bé xức nước hoa. Như người mộng du, Pierre đi mà cứ như bềnh bồng trên mây, trôi nổi, chập chờn. Thuận tay anh xách luôn chai nước lọc cho cha anh.

-Yves tới gặp con?

Điều mà Pierre không hiểu được là tại sao ông biết có Yves tới, trong khi ông đang làm việc sau nhà.

-Sao ba biết Yves tới nhà mình?

-Ba biểu con lấy chai rượu vang, con lại lấy chai nước lọc, do đó ba đoán con bị Yves nó hớp hồn.

Pierre đi vào nhà, anh thấm chút nước lạnh lên tóc. Đứng một mình trước tấm gương Pierre chải đầu, sửa lại cái sơ mi cho ngay ngắn, nghiêng mình qua phải, quẹo đầu sang trái rồi đưa tay sờ lên má cười một mình.

Pierre trở ra với chai rượu và hai cái ly. Cha anh đang nằm ngửa nhìn trời. Pierre nhẹ nhàng đến bên ông. Khi thấy gương mặt tái nhợt với đôi mắt nhắm nghiền của ông, linh cảm cho anh biết là có việc không lành. Anh xốc ông dậy, một ít máu tươi còn đọng lại nơi góc nhọn của khúc cây mà cha anh vừa cưa xong quăng bừa bộn trên mặt đất. Ông té ngửa và bị chấn thương sau ót. Đến xế chiều, ông trút hơi thở cuối cùng. Từ lúc bị té cho đến khi chết, ông hoàn toàn mê man không biết gì.

Pierre ngồi trong nhà hàng thưởng thức món ngỗng hầm đậu trắng, món ăn mà anh ưa thích nhất. Thịt ngỗng mềm lụn, ngọt và béo ngậy, bánh mì nóng hổi, giòn tan ăn với đậu trắng bùi bùi. Tuy nhiên món ăn không được đậm đà như anh nghĩ chỉ vì nhà hàng dùng ít tỏi hơn ở làng anh. Pierre nghiệm thấy một điều là càng gần dãy Pyrenees, càng gần biên giới Tây Ban Nha người ta càng dùng tỏi nhiều hơn khi nấu nướng, nhiều không thua gì dân Tây Ban Nha. Thêm một chi tiết nhỏ ít người để ý đến là dân miền nam nước Pháp cũng xây đấu trường, cũng thích đấu bò. Đôi khi bên này dãy Pyrenees là chân lý thì ai dám nói bên kia là không.

Sau đám tang của cha, Pierre sống như một cái bóng ma suốt mùa đông giá buốt vừa qua. Đêm đêm, anh ngồi một mình bên bếp lửa hồng, đối diện với nỗi buồn, nghe từng cơn gió lạnh căm căm từ dãy Pyrenees thổi về, hình ảnh cha anh như ẩn hiện đâu đây. Cho đến khi nhìn thấy bóng mình lung linh nhảy múa trên tường anh mới thật sự tin rằng chỉ còn một mình anh trên cõi đời này. Sợ bóng tối, sợ cái vắng lặng của đêm dài, đó là những lúc Pierre muốn điên lên được, muốn đập phá, muốn tự hủy hoại thân mình. Cuối cùng không chịu nỗi tình trạng thần kinh căng thẳng kéo dài, anh bỏ làng ra đi.

Đến lúc ngồi trong nhà hàng Pierre vẫn không hiểu tại sao mình đi Toulouse. Đi tìm việc làm? Trốn xa cái cô đơn ở Saint-Macaire để tìm về nơi thị tứ đông người? hay còn có một lý do lờ mờ nào giấu kín ở phía sau? Pierre đưa tay sờ lên má, không biết giờ này Yves đang ở đâu trong cái thành phố Toulouse này. Anh gọi thêm ly rượu vang thứ hai, rồi thứ ba, phải uống cho say, sau đó tìm cái vỉa hè nào ngủ cho qua đêm. Mấy ly rượu vang cỡ lớn làm cho đầu anh nặng như đeo chì.

Rời nhà hàng, Pierre thả bộ dọc theo đường Lakanal, đường xá gì mà kỳ cục, ngắn ngủn. Nếu như không có ngôi thánh đường nổi tiếng Jacobins, kiến trúc theo lối Gothic được xây vào thế kỷ thứ mười ba, có thể chẳng ai thèm ngó ngàng gì đến con đường này. Anh mỉm cười một mình, làng anh cũng có một ngôi nhà thờ được xây vào thế kỷ mười hai hay mười ba gì đó, cũ kỹ trông chẳng ra làm sao. Thế nhưng người ta giữ gìn trân quý nó như là bảo vật.

Một cơn gió từ bờ sông thổi đến mang theo cái mát lạnh âm ẩm khiến Pierre tỉnh người. Anh đi dọc theo bờ sông, đường phố vắng vẻ chỉ một mình anh lang thang như kẻ không nhà. Rõ lẩm cẩm, không nhà thiệt chứ như cái gì.

Bên kia đường, dọc theo kè đá ở bờ sông, ba người đàn ông đứng tuổi đang ngồi uống rượu.

-Ê thằng nhỏ, giờ này mà còn phất phơ, phất phưởng ngoài đường, ở quê mới lên hả?

-Sao mấy chú biết?

-Nhìn cách ăn mặc với bộ điệu của chú mày không cần hỏi cũng biết. Ngồi xuống đây làm vài ly rồi nói chuyện.

Người có khuôn mặt trẻ nhất trong bọn cất tiếng:

-Quê của chú em ở đâu?

-Saint-Macaire.

-Saint gì? Vùng này có hàng trăm cái Saint, nói khơi khơi như chú mày ai mà biết được.

Pierre lên giọng.

-Saint-Macaire, sáu mươi cây số đông nam Bordeaux.

-Tốt, nhích lên phía bắc chút xíu nữa là chú em ăn bom của bọn Đức quốc xã rồi, ăn hàng ngày chứ không phải chuyện chơi đâu. Có một lần tao đi ngang qua Saint-Malo, thành phố trên chục ngàn dân chứ ít ỏi gì. Mẹ nó, cả thành phố bị hư hại nặng nề bởi bom đạn của tụi Đức. Nói không ngoa chứ gọi là bình địa cũng được. Người đâu không thấy, chỉ thấy gạch ngói ngổn ngang với dăm ba con chó ốm đói đang chúi đầu vào mấy đống rác.

Gã ngưng nói, ực một hơi rượu như để thêm sức rồi vỗ vai Pierre.

-Chú em nè, gia đình chú đâu?

-Cha mẹ tôi chết hết rồi.

-Tổ mẹ nó, lại bom đạn của mấy thằng mắc dịch Đức chứ gì?

-Không phải, chết vì tai nạn.

-Bà con?

-Không còn ai.

-Thì ra chú mày thuộc loại tứ cố vô thân, thời buổi loạn lạc, dân tình xiêu tán cũng là chuyện thường

Người già nhất trong bọn với gương mặt sạm đen, ngồi dựa kè đá bận chiếc áo dày cộm, từ nãy giờ vẫn ngồi tì tì uống rượu. Ông ta lên tiếng:

-Làm một chuyến hải hành đến Đông Dương với bọn này cho vui. Độc thân như chú mày rộng chân rộng cẳng đi đâu mà chẳng được, hơn nữa chiến tranh đã chấm dứt từ khuya rồi.

Ông ta mở cái hộp sắt nhỏ, khoan thai nhồi thuốc vô tẩu, bập bập vài hơi.

-Từ đây qua bển cũng yên ổn, không còn sợ nạn máy bay oanh tạc, trước đây hả, tao không rủ chú mày đâu. Ở đây chạy trốn máy bay của bọn Đức tặc, qua Đông Dương lánh né máy bay của bọn Nhựt lùn.

Pierre như bị lôi cuốn theo những mẩu chuyện phiêu lưu của họ,

-Khoan khoan, mấy chú nói Đông Dương là cái gì vậy?

Người có bộ râu quai nón cười sặc sụa, phun cả rượu xuống bờ đá.

-Thằng nhóc, nó là cái thuộc địa của nước mình hơn sáu, bảy chục năm rồi mà mày cũng không biết sao?

Advertisements
REPORT THIS AD

-Từ đây đến đó bao xa?

-Không xa lắm đâu, khoảng một tháng đường biển.

Vừa nói ông ta vừa chỉ chiếc tàu ở trên cảng.

-Ngày mai tụi tao xuôi giòng Garonne ghé Bordeaux, chuyển hàng lên tàu đi biển, lấy thêm một ít rượu vang rồi cứ thế nhắm Đông Dương mà chạy.

Pierre say khướt sau mấy ly cognac uống với ba người thủy thủ. Khi anh tỉnh rượu mới biết mình đang ở trên tàu gần tới Bordeaux. Hóa ra Pierre đã ngủ mê mệt suốt một ngày. Đứng một mình trên mũi tàu nhìn giòng sông Garonne mênh mông bát ngát, gió sông lành lạnh mang chút hương vị tanh tanh của biển dù Bordeaux nằm kẹt trong góc vịnh. Pierre quay nhìn về hướng ngôi làng của anh, nước mắt bỗng dưng tuôn tràn, chưa đi đã nhớ, chưa xa đã buồn, thử hỏi anh làm sao đủ can đảm đi đến cái xứ Đông Dương xa xôi, lạ hoắc kia được.

Khi tàu cặp bến Bordeaux, thừa lúc mọi người lăng xăng bận rộn với công việc, Pierre chuồn êm không dám nói một lời từ giã với mấy người thủy thủ. Anh quay trở về Saint-Macaire.

Trở về nhà, đêm đầu tiên Pierre trằn trọc, trăn trở, giấc ngủ thật sự chỉ đến với anh khi trời gần sáng. Qua đêm thứ hai, anh thức trắng đêm bên bếp lửa, khóc sướt mướt, khóc đến khi đôi mắt sưng lên.

Ngồi một mình trong căn phòng vắng lặng, Pierre lẩm bẩm, không lý ngồi đây gặm nhấm nỗi cô đơn như vậy suốt đời hay sao? Đi hay ở? Đã đến lúc phải quyết định dứt khoát, không được do dự lừng khừng. Nghĩ đến Đông Dương như một lối thoát cuối cùng, Pierre vội vàng nhét vài bộ đồ vào xách tay, ra đi nhưng lòng còn dùng dằng luyến tiếc. Anh trở vào nhà, tần ngần đứng nhìn quanh. Khi thấy tấm gương soi mặt gắn trên tường, anh gỡ ra rồi dồn hết sức mạnh vào đôi cánh tay đập xuống nền nhà. Hình ảnh của cha anh và Yves méo xệch, tan tành trộn lẫn với tiếng kêu loảng xoảng của những mảnh thủy tinh vỡ vụn, âm thanh vang vang trong đêm vắng dội vào tai như muốn cắt đứt mạch máu của mình. Máu trong huyết quản của Pierre dường như chuyển động nhanh hơn, toàn thân anh nóng hừng hực, đầu óc như mê đi. Pierre hất tung cây đèn dầu lên tường, ngọn lửa bùng cháy, lan theo vết dầu loang lỗ trên mặt đất. Trong phút chốc cả ngôi nhà chìm trong lửa đỏ.

Advertisements
REPORT THIS AD

Đi được một đoạn, quay nhìn lại căn nhà thân yêu lần cuối cùng, tất cả chỉ còn là lửa và lửa, lòng quặn đau như dao cắt, Pierre đưa tay gạt lệ rồi cắm đầu chạy như ma đuổi.

-Mày đi đâu mấy hôm nay? Bọn tao tìm muốn chết, lẹ lên tàu sấp nhổ neo rồi.

Cho đến lúc đất liền hoàn toàn chìm khuất sau mặt biển cuối chân trời, Pierre mới thấy rõ ràng mình đã thực sự lìa xa quê hương để đi đến một nơi mà mình hoàn toàn không muốn đến.

Đông Dương, Đông Dương.

Đệ nhị thế chiến chấm dứt, đem lại thắng trận lại cho phe Đồng Minh. Đã đến lúc nước Pháp phải đòi lại những gì của người Pháp, tính luôn những thuộc địa ở Đông Dương.

Giọng nói của người thủy thủ già vẫn còn vang vang bên tai của Pierre:

-Liên bang Đông Dương, mảnh đất mà thế hệ cha ông của mình đã tốn không biết bao nhiêu tiền bạc, công sức kể cả việc phải hy sinh xương máu mới tạo dựng nên. Một Vạn Tượng của Lào, xứ sở của mười ngàn con voi, nằm bên bờ sông Mekong giữa rừng thiêng núi thẳm. Một Đế Thiên Đế Thích cổ xưa, với những tượng đá bốn mặt đầy huyền bí của Cam Bốt. Và Hòn Ngọc Viễn Đông, thành phố Paris nhỏ ở Việt Nam. Mỗi nơi có một sắc thái riêng biệt của nó, tùy mày chọn lựa, tao không có ý kiến.

Pierre đến Saigon vào lúc những toán quân bại trận của Thiên Hoàng lục đục xuống tàu về nước. Kỷ luật, trật tự vẫn còn đó nhưng áo quần lôi thôi, xốc xếch. Những gương mặt ngơ ngác, thất thần dường như hồn một nơi mà xác một nẻo, họ di chuyển trong im lặng như một đạo quân ma.

Advertisements
REPORT THIS AD

Lìa xa quê hương yêu dấu, đi đến một vùng đất xa lạ cách nhau gần nửa quả địa cầu, dưới sức nóng oi bức, cháy da của vùng nhiệt đới, ngỡ ngàng, ngơ ngác trước nếp sống của người dân bản xứ, Pierre có cảm tưởng như mình đã quyết định sai lầm khi đến đây, anh nói với chính mình:

-Có muộn hay không khi mũi tên đã lìa khỏi dây cung?

Lấy lại Đông Dương, chính phủ Pháp dồn mọi nổ lực để tái lập guồng máy cai trị ở đây. Khuôn thước, mẫu mực vốn đã có sẵn từ sáu, bảy chục năm trước nhưng vấn đề nhân lực lại khiếm khuyết trầm trọng. Công sở, hãng xưởng đâu đâu cũng thiếu người. Pierre vào nhận việc ở hãng Bason sau hơn hai năm lông bông, phiêu bạt giang hồ khắp Nam kỳ Lục tỉnh, anh làm sếp hơn bốn mươi công nhân người bản xứ.

Sau mấy tháng làm việc đầu tắt mặt tối, phân loại máy móc rồi sắp xếp từng khu vực, tổ chức lại đội ngũ công nhân, Pierre phát hiện được vài điều thích thú. Đám công nhân bản xứ siêng năng, khéo tay và nhất là họ thông minh chứ không đần độn như anh nghĩ. Óc tò mò thúc đẩy anh quan sát, theo dõi họ kỹ hơn. Pierre chú ý nhiều đến Tám Thẹo, gã là hình ảnh của con bò mộng đứng giữa bầy cừu. Tám Thẹo với thân hình vạm vỡ, gương mặt đen sạm, cặp lông mày rậm nằm trên đôi mắt sắc như dao thêm một vết thẹo dài nơi đuôi chân mày như nói lên cái quá khứ đầy kiêu hùng trong làng dao búa. Pierre vẫn thường nghĩ với trình độ học vấn lớp vỡ lòng, chữ viết như gà bươi lẽ ra Tám Thẹo phải sống đầu đường xó chợ với lũ côn đồ chuyên cướp giựt, hoặc xuống bến tàu làm thủ lãnh mấy tay anh chị, đâm thuê chém mướn có lẽ hợp hơn. Đàng này Tám Thẹo là một thằng thợ tiện, cái nghề cần hiểu biết chút ít về toán học.

Tám Thẹo thường đi cặp với ông Tư thợ nguội, một ông già thật thà chất phác. Nếu giải thích được hiện tượng hai thái cực sẽ gặp nhau tại một điểm, đó là trường hợp của Tám Thẹo và ông Tư. Giờ nghỉ trưa, thay vì về nhà ăn trưa rồi đánh một giấc thoải mái như mọi người, ông Tư và Tám Thẹo thường ăn cơm tại hãng, sau đó họ bày bàn cờ Tàu xuống sàn nhà, bàn cờ mà dân bản xứ gọi là Cờ Tướng. Thế giới của hai người bấy giờ thu gọn lại quanh mấy con cờ xanh, đỏ, lúc lên Xe, khi xuống Ngựa rồi nghểnh Sĩ, hạ Tượng.

Khi đánh cờ ông Tư lúc nào cũng từ tốn, trầm ngâm suy nghĩ, gặp thế cờ khó ông nhíu mày, bóp trán, gãi đầu trong khi Tám Thẹo tự nhiên như chốn không người, gã nằm dài xuống sàn, cong người như con tôm, cùi chỏ chống xuống đất, bàn tay đỡ lấy đầu cười khoái chí.

-Chiếu Tướng nè, chạy lên mây. Phen này ba gả con gái của ba cho tui họa may tui nhường ba nước cờ này.

-Mả mẹ mày, vợ con cả đống mà cứ nói bậy, giống hệt như là bọn đá cá lăn dưa, tao phang cái bàn cờ lên đầu mày bây giờ.

Nhắc đến con gái ông Tư, Pierre nhớ lại tháng trước bỗng dưng trái tim của anh đột nhiên chết cứng, chết không kịp trối khi anh bất chợt thấy cô ta. Cô bé với thân hình cân đối, gọn gàng trong chiếc áo bà ba may bằng vải nội hóa, mái tóc dài óng ả, đôi mắt đen lay láy, sáng ngời và nhất là nụ cười lúc nào cũng tươi như đóa hoa hồng. Pierre biết ngay mình vừa bị một cú sét nhiệt đới đánh trúng đầu.

Từ đó vào mỗi buổi trưa, Pierre thường ngồi trong văn phòng trước hàng đống giấy tờ bày bừa bộn trên bàn. Ở đây qua khung cửa kính nhỏ anh có thể nhìn trộm con gái ông Tư mà không sợ bị một ai bắt gặp. Cô bé mỗi ngày một đẹp hơn, hấp dẫn hơn, càng nhìn Pierre càng chết mê chết mệt trong khi con gái ông Tư thản nhiên dọn cơm cho cha. Cô đặt cái cà mèn xuống đất, thong thả nhắc chén nước mắm ra, hình dáng cái chén còn in rõ trên mặt phần cơm đựng trong cà mèn. Cô xới cơm vào một cái tô nhỏ gác đôi đũa ngang miệng tô, ngăn kế tiếp là thịt kho, ngăn chót là rau luộc. Trong lúc ông Tư ăn cơm, cô cầm chiếc nón culi phe phẩy quạt, cô quạt cho ông Tư mà Pierre thấy mát rượi cả người. Dưng không anh đâm ra ghen với ông Tư. Một chút mặc cảm tự tôn dân tộc khiến Pierre vững lòng khi anh có ý định cưới con gái ông Tư.

Không muốn tình trạng thương trộm nhớ thầm kéo dài, vào một buổi chiều trước giờ tan sở, Pierre ực một ly Cognac để lấy thêm can đảm rồi đến nói với Ông Tư:

Advertisements
REPORT THIS AD

-Tao thương con gái mày. Tao muốn cưới nó làm vợ.

Ông Tư luống cuống sợ sệt ra mặt, cái sợ của một người công nhân khi phải nói chuỵện với sếp. Cố gắng lắm ông mới thốt lên được vài tiếng:

-Mày biết con gái tao?

-Biết chớ, con nhỏ thường đem cơm cho mày vào buổi trưa.

-Chưa bao giờ tao nghĩ đến chuyện con gái tao sẽ lấy một người chồng ngoại quốc.

-Thế cái đám thanh niên bản xứ ốm o gầy mòn, mặt mày vàng ệch như bị sốt rét, chân tay đen đúa sần sùi như da cóc, bọn nó hơn tao chỗ nào?

-Tụi nó thua mày.

-Vậy sao mày không gả con gái mày cho tao?

-Người Việt thường có thành kiến xấu khi thấy một người con gái bản xứ lấy Tây. Họ cho đó là một điều sỉ nhục tổn hại đến gia phong, đã là thành kiến, khó lòng mà đánh đổ được.

Ông Tư thở dài, ông nói với Pierre mà như là than thở:

-Cưới vợ mà mày làm như đi chợ mua chai rượu không bằng. Ít ra tao phải có chút thời gian để bàn luận với vợ con tao.

Ngày tháng chầm chậm qua đi, Pierre nóng lòng chờ đợi câu trả lời trong khi ông Tư cố tình cho câu chuyện đi vào quên lảng. Ông không còn ăn trưa tại hãng nữa.

Một vài lần Pierre nghe được đám thợ xì xầm với nhau, câu được câu mất.

-Cưới hỏi mẹ gì, được vài năm lại trốn về Tây.

-Đúng là thực dân, tụi mày coi đó hai con mắt xanh lè như quỷ.

Advertisements
REPORT THIS AD

-Còn cái mũi nữa, cứ như là mũi của phù thủy.

Pierre đến trước mặt bọn thợ:

-Tụi mày ăn cắp giờ của hãng nói xấu ai đây?

Anh cứ đinh ninh nói như vậy họ sẽ giải tán trở về làm việc. Chuyện không ngờ được lại xảy ra. Tám Thẹo với gương mặt hầm hầm, gã nói mà như chực đánh lộn, vết sẹo trên mặt gã chuyển động theo từng câu nói:

-Tao nói mày. Mày đòi cưới con gái ông Tư? Cưỡng dâm thì có chứ cưới hỏi cái mẹ gì.

Đến nước này thì Pierre không chịu nổi nữa rồi, anh sa thải ngay Tám Thẹo.

Ngồi một mình trong văn phòng vắng lặng, chiếc quạt trần quay nhè nhẹ phát ra tiếng kêu đều đặn trầm buồn. Không khí mát lạnh ở đây làm cho cơn giận của anh nguội mau. Pierre đâm ra ngờ vực chính mình, không biết là anh muốn cưới con gái ông Tư là do tình yêu hay chỉ vì thấy một cành hoa đẹp muốn hái về để thưởng thức một mình.

Những lúc sau này ông Tư thường hay lánh mặt, ông không muốn gặp Pierre. Phải khó khăn lắm Pierre mới có dịp nói chuyện với ông Tư.

-Hôm nay tao có chút chuyện muốn nói với mày, sẵn đây tao mời mày ra quán làm vài Ịy cho ấm bụng.

-Lại chuyện cưới con gái tao? Mày đuổi mẹ tao luôn cho rồi.

-Không dính dáng gì đến con gái mày hết, tao chỉ muốn chuyện trò để tìm hiểu thêm về dân tộc của mày. Đừng nói chuyện xa xôi, gần đây thôi, tao biết Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học.

Ông Tư sa sầm nét mặt.

-Nhà nước Đại Pháp của mày đưa một ông đi an trí, còn ông kia thì lên máy chém.

Pierre nhẹ giọng:

-Mày hiểu lầm ý của tao rồi, tao muốn nói dân Việt Nam của mày bên ngoài coi bộ hiền lành, chăm chỉ, nhẫn nhục nhưng bên trong của mỗi người Việt Nam là cả một ý chí bất khuất, kiên cường được tích tụ từ mấy ngàn năm qua. Tao có đọc lịch sử của tụi mày.

Pierre rót rượu vang đỏ cho mình, đẩy ly rượu mạnh cho ông Tư.

-Tao biết mày không thích uống bia nên tao kêu một ly Cointreau cho mày.

Thấy ông Tư nhăn mặt tỏ ý khó chịu, Pierre vội vàng nói:

-Mày không thích rượu mạnh sao? Nhiều lần tao nghe tụi mày nói chuyện với nhau uống bia con cọp thà uống nước đái bò ngon hơn. Cointreau là rượu nặng của Pháp nó không thua gì ba xi đế của tụi mày đâu, cứ thử đi rồi sẽ biết.

Pierre gọi hai dĩa Chateaubriand, anh dùng dao cắt miếng thịt thành những cục vuông nhỏ.

-Việt Nam gọi món ăn nầy là gì?

-Giông giống bò lúc lắc.

Pierre nâng ly rượu vang ngang tầm mắt.

-Bên Tây tụi tao ăn thịt bò uống rượu vang đỏ, cá tôm hải sản có rượu vang trắng.

Ông Tư lầm lầm, lì lì.

-Bày đặt cho lắm, phú quý sinh lễ nghĩa. Trắng hay đỏ cũng là rượu thôi. Tao hỏi mày, ăn thịt bò mà uống rượu vang trắng có bị đau bụng không?

Advertisements
REPORT THIS AD

Pierre giật mình nghĩ thầm, thằng này hỏi một câu có lý quá, xưa nay Pierre chỉ biết làm như cha ông mình dạy, có bao giờ anh thắc mắc đâu.

Sau một phút ngần ngừ, Pierre nhẹ nhàng giải thích:

-Cũng được nhưng mà không ngon lắm. Không hợp thì đúng hơn. Từ chỗ không hợp nó sẽ làm cho mình cảm thấy không ngon.

Gương mặt ông Tư bắt đầu đỏ ửng sau mấy ly Cointreau. Dĩa thịt bò hình như đang lúc lắc trên bàn, vơi đi quá nửa.

Pierre thân mật khoác vai ông Tư.

-Mày còn nhớ thằng mặt sẹo mà tao đuổi mấy tháng trước không?

-Tám Thẹo?

-Nó sao rồi?

-Đang tìm việc làm, vợ con nó đói meo người.

-Tội nghiệp.. .Tao hiểu lầm nó, lỗi tại tao. Hôm đó tao quá nóng, ngày mai mày kêu nó đi làm lại.

-Mày nói sao? Kêu Tám Thẹo đi làm lại?

-Ừ.

-Vậy thì tao phải về gấp, báo tin mừng cho nó.

Đợi ông Tư đi được một khoảng khá xa, nhìn theo cái bóng đen của ông đổ dài trên hè phố như bóng của một loài ma trơi, Pierre vẫy một chiếc xích lô, anh buông tiếng chửi thề:

-Mẹ nó, đồ con heo.

Advertisements
REPORT THIS AD

Bàn nhậu bây giờ lại có thêm một người, cứ mỗi chiều thứ Sáu, sau giờ làm việc là cả bọn kéo nhau ra quán nhậu. Họ không đến những quán ăn sang trọng nằm dọc theo bờ sông Saigon, không ngồi Continental, quên luôn Pancrazi ở đường Charner. Cả bọn tìm đến những quán nhậu bình dân bản xứ, ở đây tha hồ say sưa bù khú, chén chú chén anh.

Kể từ khi trở lại làm việc, Tám Thẹo trở thành tri kỷ của Pierre, tình bạn thắm thiết đậm đà như men rượu cay nồng đưa hơi với tôm khô củ kiệu. Một hôm, sau vài ly xây chừng Tám Thẹo cất tiếng:

-Anh Tư nè, chuyện con gái anh tới đâu rồi? Sao mà êm re vậy?

-Gả con gái tao cho Pierre sung sướng hay khổ cực, hạnh phúc hay không, điều đó tao chưa biết được, có điều tao biết chắc chắn rằng người ta sẽ gọi nó la me Tây.

-Thời buổi này anh nói vậy nghe sao được, hơi sức đâu mà chấp nhứt, câu nệ. Me Tây cũng có năm bảy đường chứ bộ. Pierre cưới hỏi con gái anh đàng hoàng mà.

-Bộ cưới hỏi đàng hoàng, hàng xóm gọi nó là bà Đầm hay sao?

-Thói đời mà anh Tư, mọi chuyện chỉ là do ghen ghét, ganh tị mà thôi. Thấy người ta hơn mình mấy ai mà chịu được.

Tám Thẹo ực một hơi rượu, xé một miếng khô mực, gã nhìn Pierre nháy mắt rồi nói với ông Tư:

-Như trong hãng mình mới đây thôi, anh Tư làm việc siêng năng, cần mẫn đương nhiên anh Tư phải lên chức trưởng toán thợ nguội. Tôi lanh lẹ giỏi tay nghề, tôi làm trưởng toán thợ tiện, chuyện chỉ có vậy nhưng bọn thợ trong sở lúc rảnh rồi lại tùng tam tụ ngũ, xầm xì to nhỏ. Hôm nay tụi nó đâm bị thóc, ngày mai lại thọc bị gạo, cứ nhắm ngay ba sườn của mình mà cù làm sao không giận cho được, chẳng qua họ muốn mà không được nên gièm pha này nọ. Nói thiệt với anh Tư, tui chấp hết, bọn nó đụng đến tui chẳng khác gì chuyện bù mắt cắn sừng trâu.

-Nhưng mà …

-Còn nhưn với nhụy cái gì nữa, lấy Pierre con gái anh Tư sẽ sống sung sướng một đời.

Ông Tư chống đối một cách yếu ớt:

-Tao phải hỏi con gái tao một tiếng, dầu sao cũng là chuyện hệ trọng đến cuộc đời của nó.

-Hỏi thì phải hỏi rồi, nhưng mà anh Tư nên nhớ, phận làm con cha mẹ đặt đâu con ngồi đó. Ngày xưa anh chị cũng vậy có sao đâu? Cũng con cái đầy đàn, cũng ấm êm hạnh phúc như thường.

-Còn vợ tao bỏ đi đâu? Tao phải bàn qua với bả nữa chớ.

-Ông bà mình có nói, xuất giá tòng phu, phu xướng thì phụ… phụ cái gì?

Tám Thẹo tắc lưỡi,

-Tôi quên bà nó rồi.

Ông Tư uống cạn ly rượu, nhăn mặt nhìn Tám Thẹo.

-Tòng với phụ cái mả mẹ mày, con gái tao mà nhảy sông tự tử, tao sẽ vặn họng mày.

Tin Điện Biên Phủ thất thủ như một trái bom nguyên tử nổ ngay trên đầu kiều dân Pháp ở Saigon. Không những Saigon rung rinh mà Paris cũng rùng mình như sụp đổ, cả thế giới đều hướng về Điện Biên Phủ và Paris.

Pierre đi về nhà với tâm trạng rối bời, chuyện trước mắt là kêu một chiếc xích lô máy đưa vợ con qua nhà ông già vợ.

Vợ của Pierre nhắc con:

-Yves, chào ông ngoại đi con.

Con bé mang hai dòng máu trong người nhưng nó giống cha nhiều hơn, da trắng, mũi cao, tóc hoe vàng, chỉ riêng đôi mắt là đôi mắt của mẹ.

Ông Tư vừa nựng cháu vừa hỏi Pierre.

-Tình hình ra sao?

-Điện Biên Phủ thất thủ rồi.

Nét mặt ông Tư lộ vẻ thất vọng khiến Pierre thấy lòng mình như chùng xuống, anh biết được một điều là ông Tư thương anh thật lòng qua cái chau mày vừa qua. Lẽ ra, ông phải vui mừng vì Việt Nam không còn bị Pháp đô hộ.

Ông Tư cõng Yves trên lưng, đi song song với Pierre vào nhà.

-Pierre nè, mày có biết không?

-Ba nói cái gì?

-Tao nói, Tám Thẹo bây giờ đang là thủ lãnh của đám công nhân ở Saigon.

Ông Tư kín đáo nhìn quanh như dò xét tình hình rồi nói nhỏ vào tai của Pierre.

-Tao nghe phong phanh, hình như Tám Thẹo là xã ủy, tỉnh ủy hay cái con mẹ gì đó lớn lắm của Việt Minh, nó còn muốn kết nạp tao vào Đảng của nó. Nhưng chuyện quan trọng nhứt mà nó nói với tao là nay mai sẽ có biểu tình lớn ở Saigon và Chợ Lớn. Những ngày sắp tới tình hình có thể rối ren, không ổn, vợ chồng tụi bay ở luôn bên này, lỡ có chuyện gì tao còn lo được.

-Không đến nỗi nào đâu ba, người Pháp vẫn còn kiểm soát miền Nam mà.

Tuy nói cứng như vậy nhưng Pierre không về nhà riêng, anh và vợ con tạm sống ở nhà ông Tư.

Advertisements
REPORT THIS AD

Suốt mấy tháng trường, Pierre sống trong lo âu, thấp thỏm đợi chờ. Hình ảnh tang thương, tiều tụy của đạo quân Thiên Hoàng bại trận ngày nào vẫn còn in sâu trong ký ức của Pierre, nó nhắc nhở anh số phận của đoàn quân viễn chinh Pháp. Mất Việt Nam cuộc sống an lành bấy lâu nay của anh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Cho đến khi hiệp định Genève chia đôi đất nước Việt Nam được ký kết, Pierre mới thật sự thở dài nhẹ nhỏm, với anh ít ra người Pháp còn giữ được phân nửa nước Việt Nam. Bao lâu người Pháp còn ở lại Việt Nam, Pierre vẫn còn cơ hội.

Đệ Nhất Cộng Hòa ra đời, miền Nam độc lập sau hơn 80 năm dưới ách thống trị của Pháp. Người Pháp vĩnh viễn không còn là chủ nhân ông của Việt Nam.

Pierre đang làm việc với lương cao bổng hậu, tiền bạc dư dả, không dư sao được khi lương của một Thông Phán bản xứ vào khoảng một ngàn hai một tháng, lương của Pierre lãnh cao gấp ba lần, công việc lại nhàn nhã chẳng có gì là nặng nhọc khổ cực.

Khi tiền bạc rủng rỉnh kéo theo sự thoải mái của tâm hồn, giòng sông Garonne lửng lơ, lơ lửng, cánh đồng nho xanh ngắt một màu, những cơn gió rét căm căm từ dãy Pyrenees thổi về không làm cho Pierre đau buốt nhức nhối mỗi khi trở mình thức giấc giữa đêm khuya. Quê hương trong tâm khảm của Pierre mỗi
ngày một phai nhạt dần, thay vào đó là những con đường mát rượi rợp bóng me của Saigon. Hình ảnh những chiếc xích lô mỗi ngày một thân thiết hơn, quen thuộc hơn, bữa cơm chiều với dĩa cá chiên dầm nước mắm ớt tỏi, thịt heo luộc cuốn rau sống, chấm mắm nêm, nghĩ cho cùng cũng đậm đà, ngon ngọt không thua gì patê gan ngỗng.

Ở đời, mười chuyện hết chín đã không được như ý của mình huống chi chuyện liên quan đến quốc gia đại sự. Thua Điện Biên Phủ, cả liên bang Đông Dương sụp đổ, Pháp phải giao lại toàn miền nam cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, cái hãng Bason bé tí tẹo của Pierre cũng không nằm trong ngoại lệ. Pierre mất việc làm, suốt mấy năm trường ăn không ngồi rồi, sáng, trưa, chiều, tối lúc nào cũng ly cà phê, gói thuốc lá, tuy cơm nhà quà vợ nhưng số tiền để dành của anh mỗi ngày một hao mòn sứt mẻ. Cả một cái tương lai mờ mịt, tối đen đang chờ đón gia đình Pierre, loay hoay bàn lui tính tới với vợ về sinh kế, cuối cùng cũng vẫn trong cái vòng lẩn quẩn.

Thấy Pierre hết đi ra rồi lại đi vào, than ngắn thở dài, suốt ngày chỉ lo lắng về công ăn việc làm, ông Tư rủ Pierre.

-Sáng nay tao với mày ra Thanh Bạch, làm một dĩa bò kho bánh mì.

-Ba đi một mình đi.

-Bò kho Thanh Bạch mà mày chê? Hay là qua Thanh Thế, ngồi ngoài vỉa hè ăn sáng uống cà phê.

-Ba nè, tui đâu có chê, chỉ tại tiền nó chê tui thôi.

-Tao thấy từ lúc thất nghiệp tới giờ mày thay đổi khá nhiều, thiếu tiền thì thiếu nhiều chứ vài chục ăn sáng thì sá gì ba cái lẻ tẻ đó. Thực sự đi ăn sáng chỉ là cái cớ, tao có chuyện muốn bàn với mày, coi có thể giúp đỡ gì được cho bọn bây.

-Ba giúp gì được cho tui?

-Được hay không, tao chưa biết nhưng mà tao còn một căn nhà gỗ lợp tôn cùng với ba sào đất trồng rau ở Đalat, nếu muốn tụi mày có thể lên lập nghiệp ở trên đó. Chỉ cần bỏ công, bỏ sức ra làm việc, tao tin rằng có thể sống được.

-Ba à, tui là con nhà nông thứ thiệt, lúc xưa tui làm hãng Bason đó là nghề tay trái, chuyện cuốc đất trồng rau để sinh sống mới là nghề chính của tui. Sao mấy năm rồi ba không nói cho tui biết?

-Ai mà biết ý của tụi bây ra sao.

Cơ hội ngàn năm một thuở, Pierre mau mau dẫn vợ, bồng con lên Đalat. Chuyện đời mấy ai mà biết được, để lâu đêm dài lắm mộng.

Ngày đầu tiên đặt chân lên Đalat, Pierre bàng hoàng, sửng sốt trước phong cảnh hữu tình, nhà cửa khang trang sạch sẽ và nhất là khí hậu trong lành, mát mẻ, cái khí hậu mà hơn chục năm rồi Pierre mới gặp lại khiến anh tưởng như mình đang sống ở Pháp, sống trên quê hương của mình chứ không phải là đang sống ở Việt Nam. Cái lạnh se sắt của Đalat làm Pierre nhớ lại cái lạnh ở quê nhà, nhớ cái đêm ở Toulouse. Đêm ấy, Pierre lang thang một mình dọc theo bờ sông tình cờ gặp mấy người thủy thủ, định rong chơi dăm ba tháng rồi trở về, ai ngờ mới đó mà đã hơn chục năm lưu lạc, trôi nổi để rồi lạc loài đến đây.

Căn nhà tôn vách ván cũ kỹ mà ông Tư cho nó nhỏ như cái lỗ mũi, chỉ cần bỏ ra vài ngày sơn sửa là xong. Nơi ăn chốn ở đã có rồi nhưng chuyện làm ăn lại gặp muôn vàn trắc trở. Với ba sào đất bậc thang, cỏ dại ngút đầu, vợ chồng Pierre phải bỏ công dọn dẹp sau đó mới trồng đủ thứ rau cải, nông sản chính vẫn là bắp sú. Qua mấy mùa trồng trọt, dãi nắng dầm sương. Sương mù của Đalat chỉ đẹp đối với khách du lịch, đẹp đến độ du khách đứng trong sương mù sẽ có cảm tưởng là đang đứng trước cổng thiên đường. Trái lại, đối với nhà nông, những người trồng rau cải, sương mù lại là cánh cửa của địa ngục. Khi sương mù gặp thời tiết lạnh sẽ đóng thành băng mà dân địa phương gọi là sương muối, vài ngày sau rau cải sẽ bị vàng lá, nếu không chết cũng còi cọc, eo xèo. Pierre đã bị vài trận sương muối như vậy, mùa màng thất bác, bao nhiêu vốn liếng đi đong đến nỗi tiền mua gạo cũng không còn. Nhiều ngày đói đến độ vợ chồng con cái sống cầm hơi bằng vài cái bắp sú với mớ khoai tây luộc, củ khoai tây đào ngoài vườn, to bằng ngón tay cái bán không ai mua.

Đói thì đầu gối phải bò, vợ của Pierre đi làm công nhổ cỏ cho những nhà giàu có ở trong xóm, Pierre và Yves đánh xe ngựa chở hàng thuê, tuy cực khổ nhưng được cái là no bụng. Hàng ngày cha con Pierre thức dậy khoảng ba giờ sáng để chở bắp sú và các loại rau từ Đa Thiện ra chợ Đalat. Khoảng một tấn bắp sú dồn hết lên chiếc xe ngựa cũ kỹ, cọc cà cọc cạch đổ dốc Trung Tâm Nguyên Tử, mới thấy chuyện mưu sinh bằng xe ngựa cũng không dễ chút nào. Cả hai cha con phải tận dụng hết sức ghìm chiếc xe phụ với con ngựa, để xe đổ dốc an toàn. Sương khuya ướt dầm vai áo mà trên trán mồ hôi đã lấm tấm giọt đọng giọt rơi. Khi đến chợ lại phải chuyển hàng xuống, sắp xếp theo ý người chủ vựa.

Với Pierre chuyện cực khổ không có gì phải phàn nàn, chỉ tội cho Yves, lẽ ra vào tuổi đó phải được cắp sách đến trường như bao đứa trẻ khác. Đàng này Yves phải phụ cha khuân vác rau ở ngoài chợ để kiếm sống. Pierre không thương cho mình mà chỉ xót cho con. Trong một lần đang cùng Pierre chuyển bắp sú từ xe vào chợ đột nhiên Yves ôm bụng ngồi bệt xuống bên đường, mặt mày của nó xanh như tàu lá.

-Ba ơi, con đói bụng quá.

Pierre cúi xuống định đỡ Yves dậy, bỗng một bàn tay của ai đó đã lanh lẹ nắm lấy tay của nó

-Tại sao mày để con mày đói quá như vậy?

Lâu lắm rồi Pierre mới nghe lại được giọng nói quen thuộc bằng tiếng mẹ đẻ. Pierre nhìn qua, đó là một ông Tây già hơn Pierre khoảng vài chục tuổi. Với giọng nói đầy ngạc nhiên Pierre hỏi:

-Ông làm gì ở cái chợ rau này?

-Tao cũng đang định hỏi mày làm gì ở cái chợ rau này? Tại sao lưu lạc đến đây?

-Làm gì ông thấy rồi đó, cha con tôi làm nghề khuân vác, đánh xe ngựa.

-Sao không ở Pháp mà qua đây. Nghe con mày nói tiếng Pháp khiến tao nhớ nhà quá sức. Mà nè, quê mày ở đâu?

-Saint-Macaire, gần Bordeaux.

-Ở phía tây. Tao ở Marseille. Tao đề nghị tụi mình đi kiếm gì ăn sáng, tội nghiệp con bé, nó đói lắm rồi.

-Đợi một chút, tao chất xong mớ hàng rồi đi.

-Mày muốn con mày chết hả, quăng mẹ nó đi, tiền công cha con mày làm một ngày được bao nhiêu tao trả đủ cho.

Họ lên chiếc xe Traction đen đậu gần đó, ông già vừa lái xe vừa nói chuyện.

-Tao là Henry, còn mày?

-Pierre.

-Mày muốn ăn sáng ở đâu?

-Đâu lại không được, trong chợ có mấy hàng bán xôi rẻ mà lại ngon, đi đâu cho xa.

Henry chau mày.

-Mày nói cái giọng y hệt như là đám dân lao động bản xứ.

Chiếc xe chạy chầm chậm quanh khu Hòa Bình, Henry chỉ vào một cái tiệm tạp hóa của người Tàu rồi nói:

-Ngày xưa nó là cái bar dancing của Pháp, hồi đó tao và mấy thằng bạn thân vẫn thường hay vào đó làm dăm ba ly rượu, nhảy nhót chút đỉnh cho giãn gân giãn côt. Bọn nó đã về Pháp từ lâu rồi, chỉ còn một mình tao ở lại, nghĩ cũng buồn. Ê, Pierre mày nhìn đi, trước mặt của mày là nhà hàng Mekong trong đó có đủ các món ăn Pháp, Việt.

Henry ngừng nói, thắng xe lại, nhìn vào nhà hàng, lưỡng lự vài giây rồi ông ta đạp ga đi thẳng.

Họ ghé vào nhà hàng Chic Shanghai, đây là nhà hàng sang trọng ở Đalat. Nó gồm hai căn, một căn chỉ dùng cho khách ngồi uống cà phê ngắm cảnh, căn còn lại dành cho thực khách. Dĩ nhiên họ chọn căn phòng dành cho thực khách. Yves được một bữa no bụng với những thức ăn Tây mà nó ưa thích.

Trong khi ăn, Henry kể cho Pierre nghe chuyện ông ta đã sống ở Đalat từ năm một ngàn chín trăm hai mươi tám khi nhà máy nhiệt điện của Đalat vừa xây xong, chuyện ông ta mua đất và xây cất ngôi biệt thự ở gần phi trường Cam Ly nơi mà ông hiện đang ở. Rồi những năm gần đây khi tuổi già sức yếu ông muốn trở về Pháp thế nhưng chuyện không dễ giải quyết.

Với ngôi biệt thự sáu phòng ngủ rộng mênh mông và bốn mẫu đất trồng khoai tây, nông cụ như là máy cày, máy kéo, máy bơm chừng đó thứ mà đem về Pháp làm sao được. Bán cho dân bản xứ cũng không xong, bán theo kiểu của đổ mà hốt thà rằng cho không còn hay hơn. Bỏ thì thương mà vương thì tội, đó là một bài toán không có đáp số.

Khi gặp được Pierre, Henry mừng như bắt được vàng, bởi vì Pierre chính là đáp số của bài toán.

Henry mời Pierre lên nhà ông chơi để làm quen. Khi đã thân nhau rồi, ông ngỏ ý thuê Pierre coi sóc ngôi biệt thự này cho ông ta khi ông về Pháp. Tiền công trả cho Pierre là lợi tức thu được trên bốn mẫu đất trồng khoai tây, sau khi trừ chi phí sản xuất.

Một công việc tốt như vậy làm sao Pierre có thể từ chối. Cả hai đều có lợi, thật ra phần lợi ở về phía của Pierre.

Mọi chuyện tiến triển tốt đẹp, bất ngờ một tuần lễ trước khi về Pháp, Henry bỗng nhiên đổi ý.

-Pierre nè, tao có chút chuyện muốn bàn lại với mày.

-Chuyện gì vậy? Sửa đổi hay thêm bớt gì trong giao kèo phải không?

-Đúng, tao đổi ý rồi.

-Ông không muốn thuê tôi giữ nhà nữa?

-Đúng vậy.

-Ông làm tôi mừng hụt, mấy tháng rồi cả gia đình tôi sống trong mộng, có phải ông định bán hết nhà cửa ruộng vườn rồi đem tiền về Pháp, phải vậy không?

-Không.

-Vậy chứ ông định làm gì?

-Tao đã suy nghĩ kỹ càng suốt mấy tháng trường. Với số tiền hiện có ở ngân hàng tao tiêu xài vung vít, thoải mái cho đến chết cũng không hết, như vậy rán lấy thêm chút ít nữa để làm gì. Chết có mang theo được đâu, thôi thì nhà cửa, ruộng vườn, tao cho mày tất cả.

Pierre tưởng mình nghe lầm.

-Ông cho tôi?

-Ừ.

-Cho không?

-Ừ, chỉ một điều kiện duy nhứt, khi tao chết mày nhớ về Marseille xây mộ cho tao.

-Chuyện đó tôi có thể làm được, không có gì trở ngại.

Giọng nói của Henry đột nhiên trầm xuống.

-Cùng là dân tứ cố vô thân, lưu lạc giang hồ, chỉ có những người đồng cảnh ngộ mới hiểu được nhau. Cố gắng làm việc nuôi vợ con, đừng để cho con mày bị đói như đã có lần tao bắt gặp.

Pierre ôm Henry mà nước mắt lưng tròng.

Đang loay hoay ráp cái dàn chảo vô xe máy cày, Pierre phải ngừng tay, hình như có ai đó đang bấm chuông ngoài cổng, cái lối bấm chuông của những người không biết phép lịch sự, bấm mà không để cái chuông nó kịp thở. Mặc kệ, đối với hạng người như vậỵ cứ để cho họ chờ, Pierre cứ tà tà siết thiệt chặt mấy con bù long nơi dàn chảo rồi mới thong thả đi về phía cổng.

-Ai đó?

Ông khách với giọng nói đầy tự tin.

-Biết ai không? Đoán coi?

Qua khe hở của những song sắt, Pierre đã thấy đó là ai rồi, anh đưa tay mở cổng, mắt nhìn Tám Thẹo.

-Mày mập hơn xưa nhiều. Nếu không nhờ cái thẹo trên mặt chắc tao không nhận ra mày. Cũng dễ chừng cả chục năm hơn chứ ít ỏi gì. Mà nè, ai nói cho mày biết là tao đang ở đây?

-Còn ai trồng khoai đất này, ông già vợ mày, ông Tư chứ ai. Báo cho mày biết tao lên đây ăn Tết với vợ chồng mày.

Đứng trước chuyện đã rồi, đem con trâu đặt trước cái cày dù có muốn từ chối cũng không được, Pierre nói với ông khách bất đăc dĩ, khách không mời mà đến.

-Vô nhà nghỉ ngơi rồi nói chuyện sau.

Tám Thẹo tay xách va li, tay xách cái lồng gà mà hắn vừa mua ở chợ Đalat cách đây vài tiếng.

-Tao đem cho vợ chồng mày cặp gà cúng Tết. Cặp gà này vợ tao bỏ công nuôi hơn sáu tháng mới lớn được như vậy, gà mái tơ đó mày luộc chấm muối tiêu là hết sẩy.

Tám Thẹo vừa đi vừa đảo mắt nhìn quanh, đôi mắt sắc như dao của hắn không bỏ sót bất cứ chỗ nào.

-Chà, ngôi biệt thự này bảnh quá ta, coi bộ to dữ, lại kiến trúc theo kiểu Pháp, Tây mà ở nhà Tây chỉ có thua cọp. Còn cái vườn phía sau sao mà rộng quá vậy, được mấy mẫu?

-Gần bốn mẫu.

-Trời đất, bốn mẫu? To như cái nông trường.

-Ừ.

-Còn cái nhà gì cao cao ở tuốt đàng xa kia?

-Đó là đài kiểm soát không lưu của phi trường quân sự Cam Ly.

-Chắc có lính canh phải không?

-Có chớ.

-Có lính Mỹ không?

-Hình như có, mà mày hỏi làm chi vậy?

Tám Thẹo hơi lúng túng.

-Thấy lạ tao hỏi vậy thôi. Mà nè, thời buổi chiến tranh, đánh nhau ngày một, tại sao mày chọn chi cái chỗ gần cơ quan quân sự mà ở, lỡ có đánh nhau, tên bay, đạn lạc làm sao tránh?

-Mấy năm trước khi tao dọn tới đây, phi trường Cam Ly như một cái phi trường bỏ hoang, xuân thu nhị kỳ mới có một cái máy bay bà già đáp xuống, đâu có biết là nó bận rộn như bây giờ, mà cho dù có biết tao cũng dọn đến như thường. Tao đâu có quyền chọn lựa.

-Bi e nè, sao độ rày mày nói tiếng Việt giỏi quá vậy, thiếu điều giỏi hơn dân bản xứ nữa là khác.

-Mày nhớ lại đi, tao sống ở Việt Nam hơn hai chục năm rồi. Tối ngày sáng đêm lăn lộn buôn bán kiếm sống ở ngoài chợ, cứ tiếng Việt mà nói, riết rồi quen luôn.

Tám Thẹo hình như không để ý đến những câu trả lời của Pierre, hắn chăm chú nhìn xuống cái thung lũng dài và hẹp phía bên trái của căn biệt thự. Hắn đưa tay vẽ một cái vòng cung như muốn đo thử cái chiều dài của thung lũng rồi buột miệng.

-Quá tốt.

-Mày nói cái gì?

-À…à… tao nói vợ chồng mày có nơi ăn chốn ở quá tốt. Mày mua căn biệt thự với đất đai nữa là bao nhiêu? Tao đâu có ngờ mày giàu quá sức như vậy. Đừng có nói với tao là tiền mày để dành khi còn làm ở hãng Bason.

-Giàu cái con mẹ gì. Đalat có trên hai ngàn căn biệt thự như thế này. Còn chuyện tao mua căn biệt thự này bao nhiêu khi nào rảnh rỗi, có nhiều thì giờ tao sẽ kể cho mày nghe.

o O o

Tám Thẹo ngồi uống cà phê bên cạnh lò sưởi. Từ thủa cha sinh mẹ đẻ tới giờ Tám Thẹo mới có cơ hội ngồi sưởi ấm bên cái lò sưởi. Mấy thanh củi trong lò cháy đều tỏa ra hơi ấm dìu dịu, thêm mùi thơm của khói gỗ thông khiến hắn thấy dễ chịu thoải mái trong người.

Pierre đưa cho Tám Thẹo gói thuốc Gauloises.

-Cà phê mà không có thuốc lá mất ngon đi một nửa.

-Tao không hút thuốc lá ngoại quốc.

-Hồi xưa khi làm hãng Bason, mày uống rượu, hút thuốc lá ngoại quốc như điên sao bây giờ lại trở chứng.

-Hồi đó khác bây giờ khác. Mày có Bastos xanh không?

-Không, mùi vị của thuốc Gauloises cũng giống như là Bastos xanh, cùng một họ thuốc lá đen với nhau, chỉ khác là Gauloises được làm tại Pháp. Mày thử đi.

Tám Thẹo cầm gói thuốc nhìn quanh. Thấp thoáng nơi nhà bếp vợ và con của Pierre đang lục đục rửa chén sau bữa ăn tối, Tám Thẹo cất tiếng gọi.

-Yves.

Con bé lật đật chạy lên.

-Chú kêu con.

-Cho chú thêm chút đường, cà phê ngon nhưng đắng quá. Mà nè, năm nay con được mấy tuổi rồi?

– Dạ mười tám.

-Chà, lớn dữ a, hôm nay cúng ông Táo về trời, còn mấy ngày nữa là Tết rồi chú lì xì cho con một trăm đồng lấy hên, khi nào cho chú uống rượu lúc đó chú sẽ mừng nhiều hơn.

Yves đi xuống bếp, nó quay đầu nhìn Pierre rồi nói:

-Chuyện uống rượu mừng, chú hỏi ba con.

Pierre nói với Tám Thẹo:

-Thực tình tao chưa bao giờ nghĩ đến chuyện kiếm chồng cho Yves. Mày có biết không gia đình tao mới có được cuộc sống thoải mái như vầy chừng vài năm trở lại đây. Hơn mười năm ở Đalat, hết bảy năm bọn tao sống trong tận cùng của nghèo khó, có lúc tuyệt vọng đến nỗi tao tưởng như là cả gia đình sẽ chết đói đến nơi.

-Chắc mày đào được kho vàng hay là trúng số độc đắc cặp mười, chứ làm sao trong vài năm từ chỗ nghèo nàn khốn khó mày có thể tạo dựng được cơ ngơi to lớn như thế này.

Pierre chưa kịp trả lời Tám Thẹo, bất ngờ hai cái ly trên bàn nhỏ chợt rung nhẹ, tiếp theo đó cường độ rung động mỗi lúc một tăng đồng thời một chuỗi âm thanh ầm ầm như sấm động kéo theo, Tám Thẹo la to.

-Chết mẹ rồi, chuyện gì vậy?

Pierre vội vàng nói với Tám Thẹo.

-Không có gì đâu, một chiếc phi cơ đang cất cánh, nó bay ngang qua nhà mình.

-Tổ mẹ nó, làm tao sợ hết hồn, chưa bao giờ tao nghe tiếng động cơ máy bay nổ to đến như vậy.

-Đó là chiếc vận tải cơ C-123 của Mỹ vì chở nặng, phi đạo ngắn, khi cất cánh phải tận dụng tối đa sức đẩy của động cơ nên nó mới ồn như vậy.

-Chở gì mà nặng? Vũ khí, đạn dược?

-Không, nó chở rau cải của Đalat cung cấp cho quân đội Mỹ, không chừng trong đó lại có một mớ khoai tây của tao. Thông thường một ngày có hai chuyến bay, một chuyến buổi trưa và một chuyến buổi tối. Trưa mai nếu thích mày lên sân thượng mà coi, khi máy bay ngang qua nhà mình, mày với tay có thể chạm được cái bánh xe của nó.

-Thiệt không, bay thấp vậy sao?

-Giỡn với mày chút thôi, thực ra khi đó máy bay đã lên cao lắm rồi. Bây giờ, mày yên chí có thể đi ngủ mà không phải lo lắng gì về chuyện ồn ào vì đó là chuyến bay cuối cùng trong ngày.

Buổi sáng khi núi đồi, rừng thông quanh phi trường Cam Ly còn mờ mịt trong sương mù, Pierre đã thấy Tám Thẹo đi bộ dọc theo hàng cây xá lị bên hông ngôi biệt thự. Khi đi được mươi bước hắn đứng lại nhìn quanh rồi lại đi tiếp. Hình như Tám Thẹo muốn làm cái gì đó chứ không phải là đi bộ để tập thể dục.

Pierre la to:

-Ê, Tám Thẹo mày làm gì đó? Vô nhà uống cà phê rồi ăn sáng.

-Khoan đã, mày dẫn tao đi tham quan một chút được không?

-Mày nói gì? Đi thăm ai?

-À… mày dẫn tao đi quanh nhà để tao biết ngôi biệt thự này nó rộng như thế nào.

-Nếu mày thích, tao sẽ theo ý mày, tụi mình bắt đầu từ đây. Trước mặt mày là nhà kho chứa nông cụ, tất cả máy móc, dụng cụ sản xuất đều nằm trong nhà này.

Pierre hơi khom người lấy sức đẩy mạnh vào cánh cửa hình chữ nhật. Tiếng kêu cót két của bánh xe nghiến trên mặt đường sắt khiến Pierre nhớ lại cái thời làm ở hãng Bason

-Tám Thẹo, mày nhớ gì không?

-Nhớ chứ.

-Nhớ cái gì?

-Cánh cửa trong xưởng tiện của hãng Bason.

-Kể ra trí nhớ của mày cũng còn khá tốt.

Pierre nương theo ánh sáng đi vào bên trong nhà kho. Mày thấy đó tất cả máy cày, máy kéo, máy bơm trong căn nhà này hư hao bất cứ thứ gì một mình tao bao thầu hết, hư đâu tao sửa đó. Kinh nghiệm làm ở hãng Bason giúp cho tao rất nhiều trong việc tu sửa máy móc ở đây.

-Ai xử dụng mấy thứ máy móc này?

-Công nhân. Tao mướn hai người chuyên lái máy cày và máy kéo, còn lại mười lăm người là lao động chân tay. Họ ở trong căn nhà kế bên.

Tám Thẹo rảo bước nhanh hơn, hắn đi tới trước dãy nhà ngang, rồi nhìn vào bên trong.

-Còn dãy nhà này chứa gì?

-Khoai tây giống, đủ trồng cho bốn mẫu đất. Mày thấy không? Kệ ngang, kệ dọc, kệ cao, kệ thấp, kệ nào cũng đây khoai tây giống. Mầy hiểu cuộc sống của gia đình tao như thế nào rồi phải không?

-Tao hiểu.

-À quên còn một chỗ nữa, lại đây tao chỉ cho mày coi. Đây là một cái hầm ngầm, gặp khi Việt Cộng pháo kích mình có chỗ trốn. Từ đây có một con đường hầm đi thẳng qua ngôi biệt thự.

-Hầm bí mật?

-Có cái con mẹ gì đâu mà bí mật với không bí mật. Tất cả mọi người ở đây đều biết, đây là hầm tránh pháo kích, sẵn đây tao với mầy theo con đường hầm này về biệt thự luôn, đi cho biết.

Dưới ánh sáng của ngọn đèn điện lù mù vàng hoe, hai người lui cui vừa đi vừa dọ dẫm từng bước.

Pierre cất tiếng:

-Hôm qua tới giờ, mày hỏi tao lung tung chuyện, chuyện gì cũng hỏi, bây giờ tao hỏi lại mày.

Không đợi Tám Thẹo trả lời có chịu hay không, Pierre nói:

-Hình như mày theo Việt Cộng lâu lắm rồi phải không?

-Đừng có nói tầm bậy, tai vách mạch rừng, mất mạng như chơi đó mày, mà ai nói với mày như vậy?

-Còn ai trồng khoai đất này, ông già vợ tao chứ ai.

-Mày tin ổng có ngày bán khoai tây giống mà ăn.

Tết Mậu Thân.

Giữa khuya, Pierre chợt thức giấc vì nhiều tiếng động lạ, hình như có tiếng chân của nhiều người chạy lộn xộn ở trong nhà. Đang mơ mơ màng màng, bất ngờ một vật lạ lạnh như thép dí vào mang tai của Pierre. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, Pierre đã bị cột chặt bằng một sợi dây thừng to bằng ngón tay, hai cánh tay bị trói giựt ngược ra phía sau. Tuy lo sợ trong lòng nhưng Pierre vẫn cố gắng la to.

-Mấy người là ai? Tại sao lại bắt tôi?

Trong cái im lặng của bóng đêm một giọng nói lạ hoắc vang lên.

-Anh em đã đến rồi, đồng chí ở đâu?

Pierre nghe được giọng nói của Tám Thẹo trả lời:

-Đợi đó, tao bật đèn lên.

Dưới ánh sáng của mấy ngọn đèn vàng trong phòng, Pierre nhìn thấy một gã trung niên mặc thường phục với cái túi xách bằng da đeo bên hông, chân đi dép da còn mới tinh. Bên cạnh gã là bốn tên Việt Cộng súng AK đeo vai, đầu đội nón cối, chân đi dép râu, tất cả đều trẻ măng khoảng chừng mười tám tuổi, họ đứng theo hình cánh cung giống như là để bảo vệ cho Tám Thẹo.

Gã trung niên mặc thường phục trải tấm bản đồ lên bàn.

-Báo cáo đồng chí, tiểu đoàn 145 đang bố trí quân tại đây.

Ngón tay trỏ của gã di chuyển dọc theo bìa tấm bản đồ, rồi ngừng lại nơi có chữ X màu đen, gã nói tiếp.

-Như vậy tiểu đoàn 145 còn cách mục tiêu khoảng năm cây số. Tiểu đoàn 186 đang khắc phục chuyển quân còn cách mục tiêu tám cây số. Riêng các chiến sĩ của tiểu đoàn đặc công đã sẵn sàng vào trận.

Tám Thẹo nhìn lên trần nhà, hắn vừa đi vừa nói, giọng nói chắc và gọn khác hẳn với Tám Thẹo của mấy ngày hôm trước.

-Chiến dịch Tổng công kích, Tổng khởi nghĩa bắt đầu vào đúng giao thừa Tết Mậu Thân, bây giờ đã hai giờ sáng rồi mà các đơn vị cũng chưa chuẩn bị xong. Chúng ta đã không làm tròn trách nhiệm, không thi hành đúng chỉ thị của trung ương, của Bác và Đảng.

-Báo cáo đồng chí, sở dĩ có sự chậm trễ, hai tiểu đoàn 145 và 186 chưa vào vùng vì chúng ta phải ém quân, chờ những đơn vị trinh sát của Ngụy di chuyển.

-Chuyện đã rồi, chúng ta sẽ dời giờ đánh lại một ngày. Đúng một giờ sáng ngày mồng hai Tết, tiếng súng tấn công Đalat phải được khai hỏa.

Tám Thẹo lên giọng.

-Ta có ba hướng tấn công chính. Hướng thứ nhứt là mặt trận Tây Nam của Đalat sẽ do tiểu đoàn 145 đảm trách, nhiệm vụ đánh chiếm viện Pasteur và Tiểu khu Tuyên Đức, đường tiến quân là ấp Saint Jean và ấp Du Sinh. Hướng thứ hai là mặt trận Tây Bắc do các chiến sĩ của tiểu đoàn đặc công đảm trách, nhiệm vụ chiếm dinh Tỉnh Trưởng ngụy và Lữ quán thanh niên. Hướng thứ ba là mặt trận Đông Nam do tiểu đoàn 186 đảm trách, đánh chiếm Trại Hầm, ga xe lửa và nha Địa dư của địch.

Quay sang bốn người lính cộng sản Tám Thẹo nói:

-Đem thằng Tây thực dân này và gia đình của nó cùng với đám công nhân phản động giam trong hầm bí mật. Đợi khi giải phóng xong Đalat, sẽ đem ra cho nhân dân xét xử.

Suốt mấy ngày qua, kể từ cái đêm giao thừa gia đình Pierre và mười mấy người công nhân bị nhốt chung trong căn hầm chống pháo kích chật chội và ẩm thấp. Lúc nào trên mặt hầm cũng có hai tên Việt Cộng canh gác cẩn mật bất kể đêm hay ngày. Họ bị bỏ đói, không cơm, không nước ngay cả việc xin ra ngoài làm vệ sinh cá nhân cũng không cho, may nhờ Yves cùng hai nữ công nhân lén theo con đường hầm về ngôi biệt thự, đem qua được hơn chục đòn bánh tét cùng một ít nước lọc, đủ cho mọi người sống cầm hơi. Tuy nhiên vấn đề vệ sinh thật là khủng khiếp. Nước tiểu và phân người tích tụ từ nhiều ngày qua trong góc phòng bắt đầu phân hủy bốc thành hơi, mùi xú uế xông lên nồng nặc. Hai chục mạng người sống ngoi ngóp trong căn hầm với bầu không khí ô nhiễm nặng nề. Tuy sống thiếu thốn đủ mọi thứ nhưng tin tức bên ngoài mọi người đều biết rõ nhờ vào cái radio Sony nhỏ bằng bàn tay của một anh công nhân.Từ tin Huế, Saigon và hơn ba mươi tỉnh thành trên toàn quốc bị Việt Cộng đồng loạt tấn công, cho đến lúc quân lực Việt Nam Cộng Hòa phản công đánh đuổi Cộng Sản ra khỏi những vùng đã chiếm. Riêng thành phố Đalat sau bảy ngày chiếm giữ cây số 4, quân Cộng Sản đã bị đánh bật ra khỏi nơi này. Hy vọng được quân đội Quốc Gia giải cứu của gia đình Pierre và mười bảy người công nhân ngày càng thêm sáng sủa hơn.

-Thằng Tây thực dân đâu?

Pierre biết là họ gọi mình, anh vội vàng lên tiếng.

-Có mặt.

Hai tên cán binh Cộng Sản trói giựt ngược hai cánh tay của Pierre ra sau bằng một sợi dây thừng, xong xuôi chúng luồn sợi dây qua dây nịt rồi kéo Pierre đi qua ngôi biệt thự.

Tám Thẹo ngồi bên cạnh lò sưởi tay cầm điếu thuốc rê, gương mặt của hắn lạnh như một pho tượng. Bên cạnh hắn là gã trung niên, người mà đã từng nói chuyện với Tám Thẹo đêm giao thừa, cũng vẫn với bộ đồ mà gã mặc tuần trước. Hình như Pierre đã có gặp mặt tên này ở đâu rồi. Sau một hồi suy nghĩ, Pierre mới nhớ ra, gã là cái thằng thợ hớt tóc ở đường Phan đình Phùng Đalat. Bốn tên cán binh Cộng Sản đứng thành một hàng bên trái của lò sưởi. Một tên trong bọn nói.

-Báo cáo, đã áp giải thằng Tây thực dân đến.

Gã thợ hớt tóc lấy trong túi ra tấm giấy vở học trò được xếp gọn gàng, hắn thong thả mở tờ giấy, vuốt lại cho thẳng thớm rồi nói:

-Theo chỉ thị ở trên, đây là bản án dành cho bọn phản động, tay sai của Mỹ Ngụy.

Gã nâng tờ giấy lên ngang ngực rồi thong thả đọc.

“Mặc trận dải fóng miền nam.
Chiếu theo nguyện vọng của nhân dân Đalat sét rằng tên bi e là thằn tây do thực dân fáp gài lại, hắn làm việc cho cê I a, làm việc cho đế quôc mỉ xâm lượt, đánh fá cách mạng. Sét rằng vợ con của bi e và bè lủ công nhân fản động gồm 17 người đả dúp đở và tiếp tế thực fẩm cho bọn mỉ ngụy trong nhiều năm qua, nay tiên án tử hình gia đình tên bi e và 17 tên công nhân fản động, bản án fải được thi hành ngay sau khi đọc.
Khu ủv khu 6
Kí tên Sáu Dân. ”

Gã thợ hớt tóc nhìn về phía bốn tên cán binh rồi dõng dạc ra lịnh:

-Các đồng chí hãy đến hầm bí mật, dùng xích sắt trong kho cột tất cả bọn chúng lại sau đó giết bằng dao và cuốc, cấm sử dụng súng. Đạn của cách mạng phải dùng để bắn nát đầu bọn lính Mỹ Ngụy. Thi hành xong bản án, các đồng chí tập trung ở thung lũng bên trái của căn biệt thự đợi lịnh.

Khi tên Việt Cộng cuối cùng vừa bước ra khỏi phòng, gã thợ hớt tóc quay nhìn Pierre.

-Còn thằng Tây thực dân nàỵ?

Tám Thẹo tự nãy giờ vẫn ngồi yên như một pho tượng, bất ngờ hắn đứng lên rút khẩu K54 đeo lủng lẳng bên hông bắn luôn hai phát vào chân phải của Pierre.

-Đồng chí đi lo phần việc rút quân, đem tiểu đoàn 145 và 186 về mật khu núi Voi. Riêng thằng Tây phản động này tui phải đích thân hạ sát nó.

Đợi cho gã thợ hớt tóc đi khuất sau cánh cửa của ngôi biệt thự, Tám Thẹo nghiêm giọng nói với Pierre.

-Hôm nay là mồng mười Tết, tao ở đây đã hơn hai tuần được sự giúp đỡ của mày, con người Cộng Sản làm việc phải có tình có lý, ai có công với Cách mạng sẽ được thưởng, kẻ có tội phải bị trừng trị.

Dứt lời, Tám Thẹo hướng nòng súng vào ngọn đèn trên trần nhà, bắn thêm hai phát nữa rồi quay mặt bước nhanh ra cửa.

Giọng nói nhẹ nhàng như hơi thở bên tai của cô chiêu đãi viên hàng không khiến Pierre giật mình.

-Ông dùng cà phê, trà hay sữa?

-Cho tôi một ly rượu vang.

-Uống rượu ông phải trả tiền, xin ông bốn đồng.

Pierre duỗi thẳng chân trái, chân phải của anh là cái chân giả làm bằng plastic, cho nên Pierre phải dùng cả hai tay nâng nó lên mới nhích được chút xíu.

Mới đó mà Tết Mậu Thân tới giờ cũng đã hơn chín năm rồi, chín năm dài đăng đẵng, Pierre sống trong ác mộng triền miên. Càng thương vợ nhớ con bao nhiêu, Pierre càng bị ám ảnh bởi câu nói của Tám Thẹo bấy nhiêu. Câu nói mà lúc nào cũng lởn vởn trong đầu Pierre.

-Con người Cộng Sản làm việc phải có tình, có lý.

Vợ con của Pierre và mười bảy người công nhân làm việc cho Pierre, họ có tội tình gì mà phải chết một cách oan ức, tức tưởi. Chỉ một mảnh giấy học trò nhỏ bằng bàn tay với vài hàng chữ đơn sơ đã đủ sức giết chết gần hai chục mạng người. Những người bị giết không có lấy một tấc sắt trong tay, không nói được một lời để biện hộ cho sự vô tội của mình. Hơn ai hết Tám Thẹo biết rõ vợ con của Pierre đâu có tội gì, còn Pierre một câu tiếng Mỹ cũng không biết, lấy gì mà làm việc cho CIA. Như vậy tình và lý nằm ở đâu?

Có một điều bí mật mà cho đến khi chết Pierre không bao giờ biết được, đó là cái bản án tử hình dành cho gia đình Pierre và mười bảy người công nhân được viết và ký bởi Sáu Dân, khu ủy khu 6, mà Sáu Dân là bí danh của Tám Thẹo.

Huy Văn Trương

No comments:

Post a Comment