Thursday, July 14, 2022

Chương VII Không rủ cũng tới - CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU - Huy Văn Trương

 Chương VII

Không rủ cũng tới
Chiến tranh xảy ra ở Việt Nam nhưng khi nói chuyện hòa đàm lại kéo nhau qua Paris. Lúc hiệp định ngưng chiến được ký kết, cũng là lúc Mỹ bắt đầu giảm quân viện cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa với lý do rất là rõ ràng: hết đánh nhau rồi, vũ khí đạn dược hư hao, thất thoát, một đổi một. Tôi không biết những đơn vị tác chiến của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị ảnh hưởng như thế nào, nhưng riêng Phòng hành quân của Trường Võ Bị Đà Lạt khó khăn thấy rõ, khi thiếu tá trưởng phòng nói với tôi:

-Kể từ tuần tới, chuyện đi họp an ninh, lấy mật khẩu bên Quân Trấn, trung úy dùng xe hai bánh của mình mà đi.

Tôi hỏi ông:

-Thưa thiếu tá, xe jeep của Phòng hành quân bị hư hay sao?

-Xe vẫn còn tốt nhưng cấp số xăng cho xe bị cắt giảm, chỉ còn lại một phần tư so với trước đây.

Vừa dứt lời, Thiếu tá trưởng Phòng hành quân dẫn tôi tới góc phòng, chỉ vào cái thùng sắt đựng đạn.

Tôi không hiểu ý của ông nên nói:

-Thưa thiếu tá, mấy năm rồi tôi chưa một lần chạm tay đến cây súng M16 treo ở góc phòng, cấp số đạn mà tôi lãnh bốn năm trước vẫn còn nguyên, không hao hụt. Tôi không cần đạn, chỉ cần xăng.

Thiếu tá trưởng phòng nhìn tôi cười vui vẻ:

-Trong thùng đạn đó có ba lít xăng. Từ nay về sau đó là số xăng mà trung úy sẽ được lãnh hàng tuần, đổ vào xe Honda hai bánh dùng để đi họp bên Quân Trấn.

Tôi nói:

-Thiếu tá, mình ở quân trường thiếu xăng tôi đi họp bằng xe Honda, chuyện không có gì phải nói nhưng ở đơn vị tác chiến mà thiếu đạn coi bộ không ổn. Khi đụng trận tụi Việt Cộng cứ AK rồi B40 bắn thoải mái, hết đạn Tàu cộng với Liên Xô lại tiếp viện, còn lính mình gắn lưỡi lê vô súng M16 mà đâm Việt Cộng, tôi sợ mình đánh không lại họ.

Tôi tưởng rằng thiếu tá trưởng phòng cũng đồng ý với tôi, nào ngờ ông nói:

-Đương nhiên là thua nhưng còn được như vậy là quý rồi. Miền Nam mình giống như người bịnh ung thư, mang căn bịnh trầm kha không có thuốc chữa, kéo dài cuộc sống được ngày nào hay ngày nấy.Tao sợ mai mốt Mỹ cúp hẳn viện trợ, mình làm gì được họ. Viện trợ hay không là quyền của họ mà.

Tôi bắt đầu đi làm bằng xe Honda hai bánh. Buổi sáng Đà Lạt sương mù dày đặc, tôi mặc bộ đồ lính đeo găng tay, thêm chiếc áo Jacket dày cộm mà vẫn không cảm thấy đủ ấm. Ngồi trên chiếc Honda chạy băng băng trong gió lạnh mà tôi cứ tiếc mãi chuyện ngày xưa, tiếc hoài thời tôi đi làm bằng xe bus của trường. Tôi tiếc bầu không khí ấm áp trong xe, tiếc luôn chuyện được ngắm miễn phí các cô thư ký dân sự làm việc trong trường, cô nào cô nấy áo măng tô khăn quàng cổ, đẹp như mơ, đẹp hết biết mà dạn dĩ cũng khỏi chê. Tôi còn nhớ, hồi tôi mới lên thiếu úy, có cô hỏi tôi:

-Thiếu úy khóa mấy của Trường Võ Bị?

Hầu hết mọi người đều lầm lẫn giữa một thiếu úy tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt, và một thiếu úy đang phục vụ tại Trường Võ Bị Đà Lạt. Tôi tốt nghiệp Trường Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, mấy năm rồi phục vụ tại Trường Võ Bị Đà Lạt. Nếu ai đó tưởng lầm tôi tốt nghiệp Võ Bị, tôi cũng nhận luôn, cải chính làm chi cho mệt. Tôi trả lời mấy cô bằng câu đố.

-Đố mấy cô, tôi khóa mấy, ai nói đúng sẽ được một chầu cà phê Thủy Tạ.

-Thiếu úy khôn thấy mồ, ông có mời đi cà phê chưa chắc tụi này đã chịu.

Tuy vậy, cũng có vài tiếng trả lời:

-Khóa 24.

Tôi nói:

-Trật lất.

-Khóa 23.

Tôi cười đắc chí.

-Cũng trật luôn, không có cô nào được mời đi uống cà phê Thủy Tạ. Tôi tốt nghiệp Sĩ quan trừ bị Thủ Đức.

Một ông thiếu tá ngồi cuối xe, nghe vậy bèn lên tiếng:

-Các cô cứ lo chuyện không đâu, hỏi thử xem ông ấy có vợ hay chưa rồi hẳn chuyện trò tiếp.

Đang nói chuyện bình thường, đột nhiên ông thiếu tá đổi giọng cằn nhằn, trách móc:

-Các cô có thân phải liệu mà giữ gìn, lúc nào cũng lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm, lờ quờ, lạng quạng trao duyên lầm tướng cướp như không.

Tôi muốn tạo không khí ấm cúng trong xe nên tiếp lời ông thiếu tá:

-Quý vị có thấy tôi giống tướng cướp không?

Nhiều tiếng cười khúc khích vang lên xen lẫn một giọng nói nhỏ.

-Cũng khá giống.

Thời vàng son một thủa của tôi, mới đó đã chìm vào quá khứ.

Ngày xưa, ông Thế Lữ tiếc cái thời xa xưa cũ đã làm bài thơ Nhớ Rừng kể lại chuyện chúa sơn lâm nhớ thời oanh liệt, nghe ra còn có lý. Đằng này, tôi có gì mà phải tiếc với nuối. Có chứ, tôi giống như anh nông dân đứng giữa cánh đồng khô hạn mà tiếc vụ lúa được mùa năm trước, như ông ngư phủ nhìn mấy con cá trong ghe mà tiếc mẻ lưới đầy cá. Tôi tiếc cái không khí ấm cúng trong xe bus của trường, tiếc cái thuở lái chiếc xe jeep thắng cái két trước quán cà phê Hạnh Tâm, liếc nhìn cái lon trung úy trên cầu vai áo rồi khuỳnh tay, dạng chân khệnh khạng đi vào quán trước cặp mắt hình như là đầy khâm phục của cô thu ngân. Đó là thời vinh quang tột đỉnh của tôi, không tiếc sao được, đâu cần phải là chúa sơn lâm mới có quyền nhớ rừng.

Đến trường, khi ký sổ bàn giao phiên trực hai tay của tôi vẫn còn run lẩy bẩy vì lạnh. Trung úy Hàn sĩ quan hạ phiên, đưa cho tôi tờ giấy có mấy chữ: Trung úy Nguyễn Trọng Quân trình diện Đại tá Tham mưu trưởng lúc mười giờ sáng.

Tôi cầm tờ giấy, phần run vì lạnh phần run vì sợ, trình diện sếp lớn, chuyện rủi nhiều hơn may. Tôi nghĩ trong đầu, không biết mình bị lỗi lầm gì, có khi nào sếp tống cổ mình ra tác chiến hay không? Hỏi xong, tôi tự trả lời: Chắc không đến nổi nào đâu, dù gì Đại tá Tham mưu trưởng cũng là chỗ quen biết với bác Bảy. Tôi dặn người hạ sĩ quan trực chung ca với tôi:

-Có việc gì cần, trung sĩ gọi điện thoại qua Câu lạc bộ sĩ quan, tôi ngồi bên đó.

Tôi trình diện Đại tá Tham mưu trưởng, sau khi uống cạn hai ly cà phê phin đặc quánh ở câu lạc bộ, cà phê ngon thiệt, nhưng có điều nó làm cho tim tôi đập nhanh hơn bình thường gấp mấy lần.

Đại tá Tham mưu trưởng ngồi sau bàn làm việc, ông chỉ vào chiếc ghế trước bàn làm việc của ông

-Mời trung úy ngồi.

Tôi rón rén ngồi xuống, lưng thẳng như thời còn là sinh viên ngồi ăn ở nhà bàn, không dám dựa lưng vào ghế. Đại tá Tham mưu trưởng hỏi tôi:

-Trung úy làm việc ở Phòng hành quân, thấy thế nào?

-Trình đại tá, mọi chuyện đều tốt đẹp.

-Tốt, nếu muốn thuyên chuyển đi phòng khác, trung úy cứ nói với tôi.

Tôi trả lời:

-Thưa đại tá, tôi rất thích làm việc tại Trung tâm hành quân.

-Tốt.

Nhìn tôi với cặp mắt thân thiện, Đại tá Tham mưu trưởng hỏi:

-Đám cưới của trung úy sẽ được tổ chức vào ngày nào?

Tuy Đại tá Tham mưu trưởng nói tiếng Việt, rõ ràng từng chữ nhưng tôi không hiểu ông ta nói gì.

-Thưa, đại tá tôi…tôi…

-Làm rể anh Bảy Ân khác nào chuột sa hũ nếp. Từ nay, ở cái trường này có ai giàu bằng trung úy!

Tôi nghĩ, Đại tá Tham mưu trưởng lầm lẫn giữa tôi với ai đó trong trường nên lẹ lẹ đính chính:

-Thưa đại tá, tôi đâu có biết ông Bảy Ân là ai.

Đại tá Tham mưu trưởng mỉm cười:

-Cha vợ của mình mà trung úy cũng không biết. Anh Bảy có cô vợ lai Ấn Độ, chủ nhân của mấy chục cái building ở Sài Gòn, ảnh có cái biệt thự to như cái dinh Tỉnh trưởng ở đường Công Lý, Sài Gòn.

Chuyện tới đây, tôi biết là Đại tá Tham mưu trưởng không lầm. Tôi mới là người không biết gì.

-Thưa, đại tá muốn nói tới bác Bảy, có cô con gái tên Cúc?

-Chứ còn ai vào đây nữa!

Tôi biết bác Bảy đã chọn tôi làm rể, nhưng tại sao ông không nói chuyện đám cưới với tôi, mà lại nói với sếp lớn của tôi. Đúng là chuyện trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã thông.

Tôi nói với Đại tá Tham mưu trưởng:

-Thưa đại tá, chuyện đám cưới tôi không dám có ý kiến, mọi chuyện đều do bác Bảy và ba tôi quyết định.

-Vậy hả? Anh Bảy Ân với tôi vốn là bạn thâm giao, tôi coi trung úy như con cháu trong nhà. Hình như trung úy đang theo học ở Viện đại học Đà Lạt, phải không?

-Dạ phải.

-Tháng tới khi nghỉ hè ở Viện đại học, tôi sẽ gởi trung úy về Sài Gòn học khóa đại đội trưởng, trung úy có biết tại sao không?

-Thưa đại tá, tôi không biết.

-Có cái bằng đại đội trưởng sẽ được thêm điểm khi chạy cấp bậc đại úy. Trung úy cần hỏi thêm gì nữa không?

-Thưa không.

-Trung úy có thể trở về làm việc.

Tôi đứng nghiêm, hai gót giày chạm vào nhau kêu cái cốp, đưa tay chào Đại tá Tham mưu trưởng đúng như lễ nghi quân cách mà tôi đã học ở quân trường, rồi quay người bước đi.

Lời của sếp lớn nói, chắc như đinh đóng cột. Vừa nghỉ hè ở Viện đại học, tôi nhận được sự vụ lệnh về Sài Gòn để theo học khóa Đại đội trưởng. Tôi trở lại Trường Bộ Binh Thủ Đức, đường xưa cảnh cũ hiện ra trước mắt tôi, cái cổng trường vốn đã xấu nay trông lại càng xấu hơn sau bao mùa mưa nắng dãi dầu. Vũ Đình Trường với Trung Nghĩa Đài im lìm trong nắng sớm, những viên đá vụn trải trên sân lấp lánh dưới ánh mặt trời tuy có đẹp đó, nhưng khi quỳ xuống để gắn lon chắc chắn là không đẹp chút nào, chỉ tội cho cái đầu gối. Căn nhà tiền chế khổng lồ có cái tên là Đại Giảng Đường, bị tụi tôi gọi để chế giễu là “Đại Hỏa Lò” vẫn nóng như lò nướng bánh mì. Ngày xưa khi cả khóa phải vào đây để học, chúng tôi thường nói đùa với nhau rằng: Hôm nay nguyên khóa được đi tắm hơi miễn phí.

Cho đến khi tôi nhìn thấy những căn nhà gạch của đại đội tôi ngày xưa, lòng bỗng nhiên bồi hồi xúc động, nào là Biên, nào là Long công tử rồi bạn bè cùng khóa, tất cả lần lượt hiện ra trước mắt tôi như một cuốn phim chiếu chậm. Tôi nhớ nhiều đến Biên rồi tự nhủ lòng cuối tuần này sẽ đến thăm ba má Biên, nhân tiện hỏi thăm địa chỉ của Biên. Tôi muốn viết cho hắn một lá thư. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình quá hời hợt với bạn bè, mang nặng mặc cảm bao năm trường xa cách mà không viết được một lá thư để thăm hỏi bạn, tôi cho đó là một thiếu sót không thể tha thứ. Riêng về Dung, người con gái mà tôi yêu không biết giờ này ra sao. Tôi vẫn nghĩ ràng nàng đã là vợ của Long công tử, có thế là họ đã có với nhau một hay hai đứa con rồi cũng nên. Cho dù Dung đã có chồng hay không, tình yêu của tôi dành cho Dung, dành cho người yêu đầu đời của tôi muôn đời vẫn còn đó không phai.

Tôi đứng ngẩn ngơ trước cổng nhà Biên, mà cứ tưởng như mình lạc đường vào quá khứ, năm năm trường, khoảng thời gian xa cách đủ dài khiến cho lòng người chùng xuống. Nhìn chiếc bàn đá dưới tàn cây vú sữa, nơi mà ngày xưa tôi ngồi ăn sáng bên Dung, giọng nói của nàng vẫn còn vang vọng bên tai: “Để em thêm cho anh chút tiêu”. Tôi liếc nhìn chiếc ghế xích đu mà Dung vẫn thường ngồi, rồi nhắm mắt lại mà cứ nghĩ như mình đang đong đưa trong gió.

Đã hai, ba lần tôi đưa tay lên toan bấm chuông nhưng rồi ngừng lại, linh tính như báo cho tôi biết có một chuyện gì đó không ổn đã xảy ra ở đây. Căn nhà hình như mang nặng nét u buồn, mất đi sinh khí và không được tươm tất như ngày xưa. Màu sơn trắng của cửa nhiều chỗ đã đổi sang màu vàng úa, vài mảnh tường loang lổ, có nơi tróc hẳn lớp xi măng bên ngoài để lộ ra những viên gạch màu nâu đỏ. Nơi góc vườn, ngày xưa khóm hoa cúc vàng xinh tươi đẹp đẽ biết bao, nay đã bị cỏ dại phủ kín, đầy sân lá vàng ngập cả lối đi. Cảnh hoang phế, tàn tạ, tiêu điều của căn nhà chứng tỏ chủ nhân không thường xuyên chăm sóc. Tôi chợt nghĩ, hay là ba má Biên đã dọn nhà đi nơi khác rồi?

Tôi quay người toan trở về, nhưng nghĩ lại đã cất công lặn lội đến đây rồi, ít ra cũng nên dò hỏi cho tường tận nguồn cơn, để sau này khỏi phải băn khoăn thắc mắc, biết đâu người chủ mới lại cho mình vài tin tức quý giá về gia đình Biên. Sau một lúc đắn đo suy nghĩ, tôi mạnh dạn đưa tay bấm chuông.

Thoạt thấy dáng người ra mở cổng, tôi giật mình, tim đập mạnh. Dung chứ còn ai nữa, nàng ốm hơn xưa nhiều với nét buồn hiện rõ trên gương mặt. Thấy tôi, Dung chạy nhanh ra mở cổng rồi ôm chặt lấy tôi khóc nức nở:

-Anh Quân phải không?

Tôi còn biết nói gì hơn là im lặng gật đầu. Dung ngẩng mặt lên nhìn tôi với đôi mắt đẫm lệ, nàng thổn thức:

-Anh Biên… anh Biên…

Linh cảm có chuyện không hay, tôi nắm chặt hai vai của Dung lắc mạnh:

-Anh Biên sao? Anh Biên sao rồi?

-Ảnh chết rồi.

Hai bàn tay tôi từ từ lơi ra

-Chết rồi? Chết ở đâu? Chết như thế nào?

Đột nhiên tôi cảm thấy như nghẹt thở, khi hai cánh tay Dung ôm chặt lấy tôi từ từ siết mạnh hơn, nàng nói qua làn nước mắt:

-Anh Quân, em yêu anh.

Tôi nghe rất rõ ràng, nhưng phải mất mấy giây sau tôi mới hiểu Dung muốn nói gì với tôi, câu nói hoàn toàn không liên quan gì đến chuyện mà Dung đang nói về cái chết của Biên. Tôi nghĩ, khi mà xúc động lên đến tột đỉnh, lúc đó tâm trí con người có thể rơi vào trạng thái hỗn loạn, lời nói của họ không còn đúng với những gì họ muốn nói. Tôi ôm lấy Dung, vỗ nhẹ vào lưng nàng an ủi:

-Anh biết, em rất thương anh Biên.

-Không. Anh Quân, em yêu anh.

Tôi chưa kịp có phản ứng gì, đôi môi của nàng đã gắn chặt môi tôi. Dung hôn tôi say sưa đắm đuối, cái hôn tràn đầy nước mắt của mấy năm xa cách, có phải như vậy hay không? Hai mươi bốn tuổi, cái hôn đầu tiên trong đời bất ngờ đến với một thằng con trai, nhất là đến từ người mình thương nhớ, đôi chân của tôi hình như run lẩy bẩy trong khi toàn thân tôi như tê dại. Tôi để mặc cho cảm giác ngất ngây, sung sướng, đê mê, trôi nổi bềnh bồng đưa đẩy.

Hai chuyện trọng đại xảy ra cùng một lúc. Biên người bạn cùng khóa với tôi đã chết. Dung người tôi yêu tha thiết bấy lâu nay, mối tình đầu của tôi cũng là mối tình tuyệt vọng đang hôn tôi và nói yêu tôi. Tôi đứng yên như một pho tượng, một thế kỷ vừa mới trôi qua trong yên lặng. Hai tay tôi hãy còn ôm lấy Dung, môi của tôi vẫn chưa rời khỏi đôi môi của nàng. Tôi uống nước mắt của Dung, mằn mặn xen lẫn chút ngọt ngào như nuốt trọn lấy tình yêu mà nàng đã dành cho tôi. Mãi cho đến khi trái đất bắt đầu quay trở lại, chầm chậm rồi bình thường cũng là lúc trái tim của tôi từ từ đập trở lại. Lúc bấy giờ tôi mới bình tĩnh, nhẹ nhàng nâng gương mặt của Dung. Tuy vậy, tôi phải cố gắng hết sức mới nói được câu.

-Nín đi em, mình vô nhà được không?

Dung khẽ gật đầu, nắm chặt lấy tay của tôi như sợ tôi biến mất. Nàng kéo tôi vào nhà.

Tôi nâng ly cà phê, nhấp một hơi.

-Em biết không, năm năm xa cách, mùi cà phê vẫn còn thơm như ngày nào khi anh ngồi uống với em dưới tàn cây vú sữa. Năm năm thương nhớ có biết bao nhiêu là chuyện anh cần phải hỏi em, nhưng thôi bây giờ anh muốn thắp cho Biên một nén nhang, mọi chuyện hãy tính sau.

Qua làn khói hương nghi ngút quyện trong không khí, trên bàn thờ, Biên nhìn tôi như mỉm cười. Tôi khấn thầm :

-Hôm nay, tao trở về lại chốn cũ, những tưởng sẽ biết được tin tức của mày, nào ngờ âm dương cách trở, mỗi thằng một thế giới. Tha lỗi cho tao đã không về lại đây sớm hơn.

Tôi đi đến ngồi bên Dung.

-Bây giờ, anh có chuyện quan trọng muốn hỏi em.

-Chuyện gì vậy anh?

-Anh muốn biết Long công tử đâu rồi.

Dung ngơ ngác nhìn tôi.

-Anh nói cái gì? Tại sao lại hỏi em? Em làm sao biết được anh Long ở đâu.

Tôi ngạc nhiên đến sửng người khiến cho giọng nói của mình hơi ngập ngừng, ngượng ngập.

-Không phải em và Long đã lấy nhau rồi hay sao?

Đôi mắt của Dung tròn xoe nhìn tôi đầy vẻ sửng sốt, nàng nói mà như muốn khóc.

-Từ cái ngày anh đưa gói quà của anh Long cho em, sau đó anh và anh Long biến mất khiến em không hiểu chuyện gì đã xảy ra.

Tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

-Như vậy, em không có thương gì anh Long?

-Ai nói với anh là em thương anh Long?

-Anh nhớ khi đưa quà của anh Long cho em, em vui mừng nhận quà nhưng sau đó giận anh, không nói với anh một lời rồi đuổi anh về, khiến anh nghĩ là mình là kẻ thứ ba trong cuộc nên rút lui là hơn.

Dung nắm lấy tay tôi siết mạnh.

-Anh hiểu lầm rồi, ngày ấy em chỉ giả bộ giận anh thôi. Anh có biết, con gái làm nũng là gì không?

-Làm sao anh biết được.

-Sinh nhật của em, anh Long tặng quà cho em, còn quà của anh đâu? Em đợi hoài chẳng thấy anh nói năng gì khiến em giận anh quá chừng. Em chỉ cần quà của anh chứ không cần quà của anh Long.

Tôi vội vã giải thích.

-Tuần lễ trước khi anh đi phép, Long xuống khu sinh hoạt mua cho em cuốn album rồi nhờ anh đem đến cho em. Em biết cuốn album đó giá bao nhiêu không?

Dung lắc đầu.

-Em không biết.

-Gần hai ngàn. Suốt thời gian thụ huấn ở Quân trường Thủ Đức, chưa bao giờ trong túi của anh có được ngàn bạc. Anh đâu có nhiều tiền như Long công tử để mua quà cho em.

-Em hiểu rồi, anh muốn mua cho em món quà đáng giá hơn quà của anh Long phải không? Em không đòi hỏi gì nơi anh hết. Em chỉ cần một món quà nho nhỏ. Anh có thể mua cho em cái lược để khi chải đầu em nhớ tới anh. Anh cũng có thể tặng em cây viết để khi viết thư cho anh, em cảm thấy gần anh hơn. Anh không có được năm, mười đồng hay sao?

Tôi lặng câm thương nàng vô hạn. Tôi phải trả một giá quá đắt, bằng mấy năm cách xa thương nhớ, chỉ vì cái tội ngu ngốc của mình.

-Tha lỗi cho anh, ngày ấy, anh cứ nghĩ rằng trong một cuộc tranh đua, mình phải hơn đối thủ của mình mới mong thắng cuộc.

Dung nhìn tôi với đôi mắt đầy thương yêu.

-Có hai lý do khiến em có thể nói anh Long không phải là địch thủ của anh. Lý do thứ nhất là anh Long không hề có tình ý gì với em hết, con gái rất nhạy cảm về vấn đề này. Hơn nữa, anh Long có nói với em là ảnh có vợ rồi, vợ anh ấy và đứa con trai một tuổi kháu khỉnh đang sống ở Ban Mê Thuột trông coi cái đồn điền của ba anh ấy. Ảnh còn hứa với em khi nào có dịp ảnh sẽ dẫn em lên Ban Mê Thuột chơi, thăm đồn điền, thăm vợ con ảnh luôn. Còn chuyện hộp quà mà anh Long nhờ anh mang đến cho em, anh có biết trong đó có những gì hay không?

Tôi chắc giọng quả quyết:

-Anh biết chứ.

-Có những gì?

-Một cuốn album.

Dung cười, nụ cười tươi như đóa hoa phù dung.

-Chỉ đúng có một nửa, trong đó còn có thêm mấy xấp lụa để may áo dài và một bức thư.

Dung chồm người về phía tôi, nàng nũng nịu nói mà như muốn hôn tôi.

-Bức thư em vẫn còn giữ, thư anh Long viết còn hay hơn những bức thư tình hay nhất thế giới. Để em lấy cho anh coi.

Tôi ngả người ra ghế sofa.

-Thư tình của Long viết cho em, tại sao em lại đưa cho anh đọc, em không sợ anh ghen hay sao?

-Không, nhờ bức thư này mà mấy năm nay em vẫn còn đủ can đảm để nhớ anh. Anh đợi đó một chút.

Tôi cầm bức thư, giấy đã bắt đầu đổi sang màu vàng úa, nhàu nhò chứng tỏ Dung đã đọc nó nhiều lần.

Nét chữ của Long hiện ra trước mắt tôi.

Dung,

Anh gởi mừng sinh nhật của em cuốn album để em gắn mấy tấm hình bốn đứa chụp chung trước vòi phun nước. Nhớ để tấm hình của em và thằng bắp cải ở trang đầu, vì anh biết thằng Quân nó thương em với tất cả tấm lòng chân thật của nó. Còn mấy xấp lụa để em may áo dài, mặc khi đi chơi với Quân. Con gái mà mặc jean với áo thun coi ngố ngáo lắm, em phải mặc áo dài mới thấy ngoan hiền. Em có biết câu thơ “Yểu điệu thục nữ, Quân tử hảo cầu ” nghĩa là gì không? Chữ quân trong câu thơ này phải viết hoa. Nghĩa là người con gái phải yểu điệu, dịu dàng thì thằng Quân nó mới thương..

Đùa với em chút xíu cho vui, anh và Biên đều lớn hơn thẳng Quân bốn năm tuổi, thằng nào cũng có dăm ba mối tình dang dở vắt vai, trong khi em là mối tình đầu của Quân bắp cải, cả hai đứa đều ngây thơ, trong sáng dễ thương. Em phải luôn nhớ rằng, thẳng Quân nó thương em nhất trên đời.

Thư đã dài, anh ngừng bút, chúc em và Quân bắp cải luôn luôn vui vẻ bên nhau.

Anh.
Long.

Đọc xong bức thư, tôi thầm nghĩ, trên đời này không có ai hào hoa, lịch sự bằng Long công tử mà cũng không có ai nói láo hay hơn nó. Tôi nhớ mãi, trong một lần khi gặp má của Long công tử tại khu tiếp tân của trường, bà nói riêng với tôi:

-Vợ chồng tôi chỉ có một mình thằng Long, cháu có biết cô nào ngoan hiền giới thiệu cho nó với. Ai đời đã hai mươi bốn tuổi rồi mà cứ long nhong, rong chơi suốt ngày không chịu lấy vợ khiến tôi và ông nhà tôi cứ lo là lo. Chỉ mong mau có cháu nội để bồng bế mà không có.

Tôi nói với bà:

-Bác đừng lo, Long có nhiều bạn gái quá nên chưa biết chọn cô nào.

Tôi định nói cho Dung biết là Long công tử nói láo, nhưng chưa kịp mở miệng thì Dung đã hỏi tôi:

-Anh làm gì mà ngồi thừ người ra đó.

Tôi nâng ly cà phê, nhấp một ngụm rồi nói:

-Cái thằng dễ thương quá sức, vậy mà hồi đó lúc nào anh cũng lo ngay ngáy, lúc nào cũng sợ.

-Anh sợ gì?

-Sợ em thương Long công tử chớ còn sợ gì nữa. Đẹp trai, hào hoa, lịch lãm như nó mà em không thương cũng uổng.

-Anh nói như vậy mà nghe cho được. Anh có muốn nghe lý do thứ hai hay không?

-Tại sao không?

Dung nhích sát người tôi, hôn lên má tôi rồi khẽ nói:

-Đây là lý do chính cũng là lý do quan trọng nhất, em yêu anh, yêu từ cái buổi đầu gặp gỡ, anh đừng hỏi em tại sao? Em không trả lời được đâu. Trái tim của em nói là yêu anh, em biết là em yêu anh, đơn giản như vậy thôi. Còn như anh muốn biết nhiều hơn nữa, chuyện như thế này. Anh còn nhớ ngày đi phép đầu tiên của mấy anh, khi mình đi taxi từ nhà đến rạp Rex, anh Biên hích anh một cái cùi chỏ, cố ý xếp anh ngồi bên em, hành động này khiến em suy nghĩ và đoán rằng anh Biên cũng đồng ý nếu hai đứa mình yêu nhau, có phải như vậy không anh?

-Đúng vậy.

Trời ạ, nếu trong một ngày mà trái đất ngừng quay hai lần làm sao người ta sống cho nổi. Trái tim tôi đã bị sốc hai lần trong một ngày vì những chuyện xảy ra trước mắt tôi. Nguyên ngày hôm đó, tôi say sưa kể cho Dung nghe chuyện tôi cũng bị tiếng sét ái tình đánh trúng khi gặp Dung lần đầu, rồi đến thảm cảnh khi bị Dung đuổi về ngồi một mình trong rạp ciné không máy lạnh, cũng như mối tình tuyệt vọng của tôi dành cho nàng suốt mấy năm qua. Mãi mê giãi bày tâm sự, tôi quên bẳng chuyện tại sao căn nhà hoang vắng như vậy. Khi nhớ ra, tôi hỏi Dung:

-Em à, hai bác đâu rồi? Sao anh không thấy.

Dung mỉm cười, nụ cười như ngầm nói bây giờ anh mới nhớ tới ba má.

-Từ ngày anh Biên mất, má buồn quá nên dọn về Bạc Liêu sống, rất ít khi lên đây. Hiện tại, trong nhà chỉ còn em và chị Lành. Ba thường ngày đi làm, nhiều khi ở lại luôn trong sở, cuối tuần lại về Bạc Liêu với má.

Tôi buột miệng:

-Hai bác là người Tiều Châu phải không?

-Ba em người Việt, má người Tiều, sao anh biết?

-Người ta thường nói ở xứ Bạc Liêu “Dưới sông cá Chốt, trên bờ Tiều Châu” anh đoán đại như vậy không ngờ lại đúng.

-Má nghe được anh nói như dzậy, bà không gả con gái cho anh đâu.

-Nếu vậy, anh sẽ sửa lại là “Dưới sông cá Chốt, trên bờ Dạ cổ Hoài Lang”được chưa?

Dung nhăn mặt:

-Được gì mà được, nghe lấn cấn, lọng cọng cứ như “Lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Hai tháng học đại đội trưởng ở Thủ Đức, đây là một khóa học nhàn nhã nhất trong quân đội, hai tháng thần tiên trong đời của tôi. Đi học mà tôi cứ tưởng mình đang sống ở thiên đường hạ giới. Ngày chủ nhật, tôi về nhà Dung cùng nàng lang thang khắp đó đây, trên chiếc Honda dame của nàng.

Ngày đầu đi chơi, Dung mặc chiếc áo dài màu vàng mỡ gà may bằng lụa của Long công tử tặng. Tôi đứng ngẩn ngơ như kẻ mất hồn, nhìn hai tà áo như hai dải lụa nhè nhẹ tung bay phất phơ trong gió, khiến tôi cảm được cái mịn màng của lụa quấn quýt lấy cái mát dịu của làn da, khi âu yếm, lúc lả lơi. Phải mất năm năm, tôi mới thấm được ý câu thơ “Nắng Sài Gòn …” của nhà thơ Nguyên Sa. Tôi nói với Dung.

-Sài Gòn hôm nay mát quá.

Vì không hiểu ý của tôi, Dung nói:

-Em cứ tưởng không bao giờ có dịp mặc cái áo dài này.

Tôi hỏi:

-Tại sao vậy? Nếu thích, em cứ mặc đâu có ai cấm.

Dung nói mà như nhắc tôi:

-Anh không nhớ sao? Trong bức thư anh Long dặn em, chỉ bận áo này khi đi chơi với anh. Không có anh, em bận để đi với ai? Anh có biết không, khi may xong mấy cái áo dài mà không được bận em khóc quá chừng. Em đợi hoài đợi mãi, đợi cho đến ngày hôm nay.

Tôi nói:

-Anh không nghĩ rằng mình là người có diễm phúc đến như vậy. Nếu anh không trở lại đây, chẳng lẽ em đợi anh suốt đời hay sao?

Gương mặt Dung thoáng đượm nét buồn:

-Có chuyện này, em phải nói với anh. Anh nói đúng, mấy tháng đầu xa cách, em nhớ anh nhiều lắm, nhớ da diết, nhớ điên cuồng. Mùa hè năm sáu mươi chín, em lên Đà Lạt nghỉ mát với ba má. Suốt ngày, em chỉ lang thang ở khu phố Hòa Bình, mỗi khi đi ngang qua một căn nhà, em lại nhìn vào với chút hy vọng nho nhỏ là anh đang ở bên trong. Em cứ tiếc hoài, tại sao ngày xưa em không lấy địa chỉ của anh để giờ đây phải lặn lội khắp thành phố này tìm anh. Chuyện tìm anh mà không biết địa chỉ, khác nào như thể tìm chim, chim bay biển Bắc, em tìm biển Đông. Mùa hè năm ấy trôi qua trong lặng lẽ, u buồn. Cho đến khi em bước chân vào đại học, bỡ ngỡ trước nếp sống mới, lu bu với bài vở, bạn bè, em quên anh được phần nào. Cũng vào lúc ấy ba má muốn em lấy chồng. Anh ấy là thiếu úy Nhảy Dù, con người bạn thân của ba em.

Dung ngưng nói, nhìn tôi với đôi mắt như hờn trách.

-Em đúng phân vân giữa ngã ba đường, phải chi ngày xưa anh hứa với em một tiếng là anh sẽ trở lại chắc em sẽ chờ anh, đằng này anh bỏ đi biệt tăm biệt tích. Em chần chừ, lần lựa thêm được hơn một năm nữa, cuối cùng em bằng lòng lấy chồng theo ý của ba má em.

Tôi giật mình, không hiểu chuyện gì đã xảy ra nên lật đật hỏi Dung:

-Em đã có chồng, sao còn…còn nói yêu anh? Chồng em đâu rồi?

Dung nắm tay tôi bóp mạnh.

-Anh làm gì mà hoảng hốt lên vậy, chuyện đâu còn có đó, từ từ em kể cho anh nghe. Tụi em làm đám hỏi được ba tháng, đang chuẩn bị đám cưới, em nhận được tin anh ấy mất ở Hạ Lào trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Em khóc hết nước mắt suốt mấy ngày liền, rồi quyết định sẽ không bao giờ lấy chồng. Tháng kế đó lại được tin anh Biên tử trận tại chiến trường Quảng Trị, từ đó về sau em sống như là chết rồi. Em, ngày ngày đi học như là một người máy, thỉnh thoảng nhớ anh Biên em lại lấy bức thư của anh Long ra đọc, càng đọc càng nhớ anh, nhớ cho đến khi gặp lại anh.

Tôi đưa tay bịt miệng của Dung, rồi nổ máy chiếc xe Honda.

-Mình đi đâu đây em?

-Tùy anh.

Chúng tôi đến Thanh Bạch ăn điểm tâm với bò kho bánh mì, tôi mở nắp chai sữa tươi, bóc giấy dán miệng chai, rót vào ly rồi trịnh trọng đưa cho nàng sành điệu y hệt như Long công tử. Tôi hỏi Dung:

-Em nhớ gì không?

-Nhớ chớ, chỉ thiếu càng cua ram muối.

Tôi cười.

-Anh chịu thua, nếu bây giờ anh gọi món cua ram muối cho em, có thể chú Sáu nói anh là thằng khùng bởi vì anh không phải là Long công tử.

Ăn sáng xong, chúng tôi thả bộ quanh Sài Gòn, nhìn mấy ông Sinh viên sĩ quan Thủ Đức đi phép, đang dạo phố với bồ. Tôi nói với Dung:

-Em nhớ hồi xưa mình đi chợ Bến Thành không?

-Làm sao em quên được. Anh có nhớ mấy bà bán hàng nói gì với tụi mình không?

-Có, mấy bà ấy nói, em chỉ giỏi ăn hiếp anh.

Dung nhéo tôi một cái đau điếng.

Buổi trưa, chúng tôi chạy vô Chợ lớn ăn mì vịt tiềm rồi chui vô rạp ciné máy lạnh, coi Lý Tiểu Long múa võ hành hiệp giang hồ, thêm vào đó là mối tình đầy thơ mộng với giai nhân Miêu Khả Tú. Hết ciné, Dung dẫn tôi vô quán Cái Chùa, uống cà phê đen nhìn thiên hạ dẫn nhau dạo phố.

Dung nói với tôi:

-Anh đừng có lo, gọi là quán Cái Chùa nhưng nó chẳng dính dáng gì đến Tăng ni hay Phật tử, mà đó là nơi tụ họp của mấy ông nhà văn, nhà báo của Sài Gòn.

Tôi hỏi Dung:

-Tại sao em biết, ở đây chỉ dành riêng cho mấy ông nhà văn và báo chí.

-Anh Biên nói với em như vậy.

Tôi nói:

-Đúng, anh Biên nói không bao giờ sai.

Khi chiều đến, hai đứa kéo nhau qua Thủ Đức mỗi đứa một chai bia 33 nhậu với nem chua, nem nướng. Nem Thủ Đức vốn nổi tiếng khắp miền Nam, có điều lá dùng để gói nem hơi nhiều. Một xâu nem độ chừng chục cái đựng trong một cái rổ nhỏ, hai đứa ăn cho đến khi đống lá gói nem cao hơn chai bia mới ngừng. Sờ lại bụng vẫn còn thấy đói.

Hai tháng học đại đội trưởng trôi qua cái vù, nhanh như chớp mắt. Ngày mãn khóa học, trước khi trở về Đà Lạt tôi nắm chặt tay của Dung.

-Anh sẽ nói với ba má anh xuống đây gặp ba má em. Mình phải tính chuyện làm đám cưới.

Nói xong tôi mới giật mình tỉnh mộng, tôi nói cho có chuyện để mà nói. Tôi biết mình đang ở trong thế kẹt, ba má tôi và bác Bảy đã định liệu hôn nhân của tôi và Cúc, người lớn nói chuyện với nhau rồi tuy tôi không có ý kiến nhưng cũng đã ngầm đồng ý. Giờ đây một bên là mối tình đầu đầy thơ mộng, một bên là tiền tài và danh vọng, tôi phải chọn bên nào?

Tiếp theo chương 8

No comments:

Post a Comment