Thursday, July 14, 2022

Chương I CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU - Huy Văn Trương - Chương I Giã từ sách vở.

 
CHIẾN TRANH BÊN CẠNH TÌNH YÊU Lời Tựa & CH 1- Huy Văn Trương

Vài dòng giới thiệu về Tác Giả Huy Văn Trương
- Tên thật là Trương Văn Hùng
- Cựu sĩ quan khóa 6/68 Sĩ Quan Trừ Bị thủ Đức
- Trung Úy phục vụ tại Trường Võ Bị Đà Lạt
- Đại Học Văn Khoa Đà Lạt 1971-1975
- Định cư tại Hoa Ký 1980

Tác giả hai tập truyện Dinh Độc Lập Tiếng Súng Cuối Cùng và Chiến Tranh Bên Cạnh Tình Yêu.

Tác giả trước kia bút hiệu là Huy Văn nhưng về sau vì có người lấy cùng bút hiệu nên đổi lại thành Huy Văn Trương

*****
THAY LỜI TỰA

Bàn cà phê gồm có sáu người , trước mặt tôi là anh Phạm Phú Minh chủ bút tờ báo mạng Diễn Đàn Thế Kỷ, bên tay phải của anh Minh là Đặng Thơ Thơ đồng chủ biên báo mạng Da Màu, bên tay trái anh Minh là anh Từ Mai Trần Huy Bích giáo sư, nhà nghiên cứu văn chương Trung Hoa và Việt Nam.

Ngồi bên tay phải của tôi là anh Trúc Chi, nhà văn chuyên viết tùy bút. Bên tay trái của tôi là bình luận gia Ngô Nhân Dụng của nhật báo Người Việt.

Tôi, sở dĩ được ngồi chung bàn với năm cây viết nổi tiếng của làng văn hải ngoại là nhờ đi theo anh Trúc Chi. Cà phê chưa được nhà hàng mang ra bỗng đâu chị Trần Mộng Tú xuất hiện, chị là nhà thơ, nhà văn nữ nổi danh ở hải ngoại. Vừa gặp mọi người chưa kịp chào hỏi chị đã nói với tôi:

-Huy Văn, Huy Văn qua ngồi đây tôi có chuyện muốn nói.

Chuyện quá sức bất ngờ đối với tôi, vì từ trước đến giờ, tuy có hân hạnh được gặp mặt chị Tú vài lần nhưng tôi chưa có dịp nói chuyện với chị cho dù chỉ một câu thăm hỏi. Hôm nay khi chị kêu tên, nằm mơ tôi cũng không tin có một giấc mơ đẹp như vậy. Với tôi, Mộng Tú có nghĩa là một giấc mơ đẹp. Tôi lúng túng đứng lên đi vòng sau lưng anh Ngô Nhân Dụng đến ngồi bên cạnh chị. Chị Tú nói với tôi, giọng nói trong như nắng sớm của mùa xuân Cali.

-Tôi hay đọc sách trước khi đi ngủ, đọc rất nhiều truyện viết về lính nhưng thường chỉ được vài trang, gấp lại, rồi tối mai đọc tiếp, có lẽ họ viết buồn quá. Truyện của Huy Văn tôi đọc hết cả chương trong một tối. Hấp dẫn lắm, có buồn cái buồn cũng nhẹ nhàng. Sách còn để ở đầu giường.

Tôi chưa kịp nói lời cảm ơn với chị, anh Ngô Nhân Dụng đã lên tiếng hỏi tôi:

-Tác giả có in hình trên sách không?

Tôi biết, bìa trước cuốn sách in hình lá cờ Quốc gia bay phấp phới trên Dinh Độc Lập, bìa sau độ mươi hàng giới thiệu của anh Trúc Chi, thêm vài hàng của anh Thạch Hãn, nguyên Tổng thư ký của tờ Văn Học hải ngoại viết. Tôi trả lời anh Ngô Nhân Dụng:

-Dạ không có.

-Thế thì, cô Tú để sách ở đầu giường làm gì?

Mọi người cùng cười vang vì câu nói đùa đầy ý nhị của anh Ngô Nhân Dụng. Riêng tôi, tôi biết tiếng cười của tôi chắc chắn là tiếng cười vui vẻ, sung sướng nhất trong bàn cà phê vào buổi sáng hôm ấy.

Kính thưa quý độc giả.

Nhờ lời khen “Truyện của Huy Văn tôi đọc hết” của chị Trần Mộng Tú, cũng như những lời khuyến khích trực tiếp và gián tiếp của các bạn văn khiến tôi có thêm nghị lực để viết cuốn truyện thứ hai, đó là cuốn truyện mà quý độc giả đang cầm trên tay.

Cuối cùng, xin chân thành cảm ơn quý độc giả. Đặc biệt, cảm ơn chị Trần Mộng Tú cùng năm cây bút có mặt trong bàn cà phê ngày hôm ấy.

Tác giả
Huy Văn Trương

Chương I
Giã từ sách vở.

Tôi sinh ra và lớn lên tại Đà Lạt, quê của tôi ở trên cao nguyên với rừng thông bạt ngàn xanh thẫm, quanh năm sương mù lạnh lẽo bao phủ khắp núi đồi. Tuy Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới với hai mùa mưa nắng rõ rệt, nhưng cao nguyên Lâm Viên nơi tôi ở có hơi khác chút xíu, cũng hai mùa mưa nắng nhưng mưa và nắng, là mưa nắng của miền ôn đới. Tôi có thể nói mà không sợ mình nói quá lời “sương mù, với rừng thông là biểu tượng của thành phố nơi tôi sống. Và đó là thành phố ôn đới trong một nước nhiệt đới”.

Thành phố Đà Lạt được hình thành nhờ dân tứ xứ đến đây lập nghiệp. Ba tôi không nằm ngoài thành phần đó, ông từ Quảng Nam, di dân đến đây vào giữa thập niên bốn mươi, thập niên mà người Pháp đang muốn mở rộng thành phố Đà Lạt thành trung tâm nghỉ mát của người Pháp ở Đông Dương. Hơn một ngàn căn biệt thự to lớn nguy nga, bề thế, kiến trúc theo kiểu Pháp được xây dựng trong giai đoạn này.

Ba tôi là thợ mộc, ông đến Đà Lạt đúng vào lúc thành phố đang phát triển, nhu cầu về công nhân xây cất rất cao cho nên ông tìm được việc làm dễ dàng. Được vài năm khi có chút tiền dư, ông mua một miếng đất gần tiệm tạp hóa Đông Á ở đầu dốc Trại Hầm, dựng căn nhà gỗ để có chỗ cư trú. Trại Hầm là một xóm nhỏ, nằm cách Đà Lạt chừng năm cây số, thời niên thiếu tôi sống với cha mẹ trong căn nhà này. Lúc nhỏ khi phải đi học quá xa trường, tôi thường phàn nàn với ba tôi, tại sao không mua nhà ở phố để việc học hành của tôi được thuận tiện hơn. Ba tôi nhìn tôi, thở dài:

-Con à, có cái nhà để ở là may mắn lắm rồi, tiền đâu mà mua nhà ở phố, đừng đòi hỏi nhiều quá. Ở ngoài xứ của mình, cái chòi tranh để che mưa tránh nắng cũng không có, nói gì đến nhà cửa như ở đây.

Tôi lớn lên giữa thành phố thơ mộng, đầy sương mù giá buốt với tình thương bao la vô tận của người cha hiền lành, chất phác. Những ngày cuối tuần khi rảnh rỗi, ba tôi thường dẫn tôi đi chơi đây đó, hai cha con đi bộ cùng khắp mọi nơi. Khi đi ngang qua những căn biệt thự ở đường Trần Hưng Đạo, ông chỉ vào đó rồi vui vẻ nói với tôi rằng, ông làm trần nhà cho căn biệt thự này, còn căn kia chính ông ghép ván lại làm cái sàn nhà, căn bên trái do ông làm mấy cái cửa sổ. Ba tôi có vẻ hãnh diện về những việc làm của ông. Sau mỗi lần đi chơi, cuối cùng ông thường nói với tôi:

-Cố gắng học hành nghe con, đó là con đường tiến thân duy nhất, đừng có để thất học như ba, phải làm việc chân tay nặng nhọc đế kiếm sống lại còn bị người ta coi thường, thời nào cũng vậy, lúc nào cũng vậy, bằng cấp luôn luôn là cái thước đo giá trị con người.

Ngày ấy, tôi đi học vì nghe lời của ba tôi, chứ thật tâm tôi chẳng biết học để làm gì. Việc tôi đi học cũng giống như cây thông mọc tự nhiên giữa rừng, tự nó lớn lên. Tôi đi học mà không được sự dẫn dắt của người lớn, bài vở thầy cô giảng ở trường hấp thụ được bao nhiêu nhờ bấy nhiêu, do đó tôi học hành không giỏi giang gì cho lắm chỉ làng nhàng, bám theo lũ bạn trong lớp đã mệt đứt hơi nói gì đến chuyện xếp hạng cao trong lớp. Suốt bảy năm trời ở trường trung học Trần Hưng Đạo, năm nào tôi cũng chỉ lù đù, lẹt đẹt hơn được mươi đứa cuối lớp, vậy mà, khi thi cử mọi chuyện đều êm xuôi trót lọt.

Ngày tôi thi đậu Tú tài I, khi coi bảng thấy tên mình trên bảng vàng, tôi lịm người đi vì sung sướng. Bạn bè trong lớp đều nhìn tôi với con mắt đầy ngạc nhiên, vì có rất nhiều thằng học giỏi hơn tôi lại rớt lộp bộp như sung rụng. Mấy thằng thi rớt giận cá chém thớt, không biết trách cứ ai bèn đem tôi ra làm đề tài tranh luận, chê bai, cuối cùng chúng nó nói với nhau, câu nói xưa như trái đất:

-Mẹ nó, các cụ mình nói cấm có sai bao giờ “Học tài thi phận” chúng mày ạ. Cứ coi cái thằng Quân thì biết, học hành như con củ cải, vậy mà lại thi đậu.

Quân là tên của tôi, nghe có đáng buồn không? Không, tôi không phiền hà vì những lời chê trách của lũ bạn, bởi vì tôi đang bận lo chạy về nhà báo tin mừng cho ba tôi.

Khi biết được tôi đã đậu cái Tú tài I, ba tôi nhìn tôi với khuôn mặt rạng rỡ, thêm nụ cười hớn hở trên môi. Lần đầu tiên trong đời, tôi bắt gặp nụ cười tràn đầy hạnh phúc trên gương mặt già nua, khắc khổ của ông. Một niềm thương cảm vô biên tràn ngập trong lòng, ba tôi là một người thợ mộc, học được dăm ba chữ quốc ngữ ở trường làng, chữ nghĩa chẳng được bao nhiêu, nuôi thằng con học xong cái Tú tài ông vui mừng cũng phải. Bấy lâu nay, ba tôi tự đặt mình vào cái hạng cùng đinh trong xã hội, đem sức lao động ra làm việc để kiếm tiền nuôi vợ con. Cuộc đời ông kể như bỏ đi, chỉ mong sao cho tôi học nên người để cho ông nở mặt nở mày với bà con làng xóm. Tôi đã làm ông toại nguyện.

Chiều hôm ấy khi ra khỏi nhà, tôi hơi mắc cỡ bởi vì từ đầu làng đến cuối xóm mọi người gặp tôi đều nói “Chào cậu Tú”. Tôi biết ai là người đã loan cái tin tôi thi đậu, ngoài ba tôi ra còn ai vào đây nữa.

Năm sau, tôi lại cõng thêm cái bằng Tú tài II. Ôm hai mảnh bằng trong tay mà tôi ngỡ là mình nằm mơ, không biết mấy người rọc phách có ráp lộn bài của tôi với người khác hay không?

Dưới con mắt của ba tôi, tôi là người thông minh tuyệt đỉnh, đã làm được những chuyện kinh thiên động địa. Ông nói với tôi: “Từ xưa đến giờ họ hàng nhà mình chỉ biết làm ruộng, lao động chân tay, đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ nuôi thân nói gì đến chữ nghĩa với học hành. Nay con là người duy nhất trong dòng họ đậu được hai cái bằng Tú tài, con phải học thêm nữa ở bậc đại học”. Tôi nói với ba tôi rằng, tôi không muốn hàng tháng phải ngửa tay xin tiền ba tôi để mua sắm áo quần, sách vở, giấy viết, bằng những đồng tiền ông kiếm được do lao động, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới có được. Tôi muốn ông dùng số tiền đó cho lũ em của tôi. Tôi biết quá rõ về mình, học tiếp đại học để lấy cái bằng Cử nhân, Cao học, làm gì có chuyện may mắn như ở trung học. Chó ngáp phải ruồi cũng một hai lần thôi, may mắn như vậy tạm đủ rồi, người ta học đến mờ mắt còn chưa ra gì huống chi lù đù như tôi. Tôi biết là mình không đủ thông minh để tiếp tục việc học ở bậc đại học, nên tình nguyện đăng lính cho chắc ăn, khỏi phải lo học hành, thi cử, đậu rớt gì tuốt. Hơn nữa, với lệnh tổng động viên, sinh viên mà thi rớt bất cứ năm nào đều phải lên đường tòng quân. Vậy thì, tại sao tôi phải ghi danh vào Đại học để làm cái chuyện đội đá vá trời cho mệt thân.

Tiếp theo chương 2

https://hoinkt.blogspot.com/2022/07/chien-tranh-ben-canh-tinh-yeu-huy-van_14.html

No comments:

Post a Comment