Friday, July 22, 2022

ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN: Chương 4 (Xuân Vũ) QUYỂN IV của THIÊN HỒI KÝ “VƯỢT ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”

– 4 –

Tôi chẳng ngờ rằng tôi sống lại cái không khí lều trại ở Tây Nguyên mấy tháng trước. Cái làng đó không biết còn hay bị máy bay quét sạch thiêu rụi rồi. Tôi về đến R là một việc không thể hiểu. Tôi cố nói câu gì để xua đi mùi tử khí trong chuyện tôi vừa gợi lại, nhưng Thu đã nói ngay một cách chán đời cực độ.

– Chết thì vô lý mà sống thì vô ích.

– Sao Thu lại nói thế. Chết thì hy sinh cho cách mạng, còn sống thì phục vụ cho cách mạng chứ!

– Anh nghĩ thế thật không? – Thu bĩu môi.

Cái lập trường của tôi như ngọn cỏ bị phạt chân nhưng còn gượng:

– Không nghĩ thế thì còn nghĩ thế nào nữa ?

– Em cảm thấy em là một ký sinh trùng chết dở mà sống cũng dở. Tệ hơn nữa, một ký sinh trùng bị ký sinh trùng phản bội !

– Thu định làm gì bây giờ?

– Em đâu có định làm gì. Mà có muốn làm gì cũng không được.

Chúng tôi lặng thinh một chập lâu. Tôi nghe câu nói của Thu như một mũi tên bắn vào tim tôi. Tôi là kẻ phản bội Thu ? Tôi đâu có non thề biển hẹn với Thu ! Chúng tôi chỉ là bạn đồng hành. Chúng tôi chỉ tựa vào nhau để cho đôi tim không phải chịu quá nhiều đau đớn khi lăn lóc trên mặt núi đá Trường Sơn. Tôi biết Thu vào đây để gặp người yêu và Thu cũng biết tôi yêu Phương, bạn đồng nghiệp của Thu.

Tình yêu đến bằng bước chân nhung không ai biết được. Đôi khi mình tự nhủ lòng rằng không nên nhưng rồi vẫn cứ. . .

Tôi không trách. Thu. Khi người ta đau khổ thì người ta có quyền đổ lỗi cho bất cứ ai, nhưng khi người ta yên vui hạnh phúc thì người ta không để ý đến những ai đau khổ vì mình.

Thu ngồi lại một chốc rồi đứng dậy, chua chát:

– Bây giờ em mới hiểu một điều ghê gớm.

– Điều gì ?

– Cách mạng là một lý do chính đáng để những kẻ phản bội vin vào làm phản.

– Nghĩa là thế nào ?

– Em cũng không hiểu nghĩa là thế nào cả.

Đám bạn của Thu đã đi xa, nhưng còn một cô ở rốn lại có ý do thám. Cô ta bảo:

– Mình chờ Thu nãy giờ.

– À, thế hả ? Thu có vẻ mất tự nhiên, tự bào chữa – Mình chờ anh Hoàng Việt đi lấy bản nhạc đem về cho chị Thanh Loan.

– Bản gì?

– Anh ấy mới sáng tác.

– Bản Tình Rừng Rú. Nhịp Valse, hay lắm ! Cô nào sôlô bản đó sẽ nổi tiếng ngay tức khắc! – Tôi hơi cáu, nói một hơi dài. Nhưng nhìn ra thì đó là một cô bạn quen từ Hà Nội: Kim Ly.

– Kim Ly ? Tôi cười – Nè, có nhắn gì thì tôi nhắn giùm cho chứ làm bộ chờ chi cho mất công.

Kim Ly cười:

– Sao anh biết em nhắn ai ?

– Tôi còn biết thấu chuyện gì nứa cơ.

– Thôi mày có nhờ gì thì nhờ quách đi. Để có người tới rồi mất dịp tốt. – Thu cười bảo Kim Ly, yên tâm rằng có kẻ chung xuồng.

– Còn mày. Mày đã nhờ chưa?

– Tao không cần gì cả !

Thấy hai cô đùa nhau có vẻ gay gắt, tôi xen vào:

– Thằng bạn tôi nó sắp sửa đi đồng bằng đấy, Ly viết thư đi, tôi chuyển giùm cho. Bảo đảm bí mật trăm phần trăm.

Kim Ly có hôn phu ngay bên cạnh, cả hai đi vào Nam trước chúng tôi. Hai bên cứ sống song song với nhau. Thiếp đâu chàng đó suốt từ Hà Nội vào đây nhưng không chịu dứt điểm cho rồi. Vỡ nhẽ ra là nàng không yêu chàng mà không nỡ dứt đường tơ.

Chàng thì như kẻ nô tỳ lúc nào cũng sẵn sàng quì gối dâng trái tim cho nàng. Chính vì thế mà nàng lại không nhận. Một thứ tình yêu van xin. Chàng là “nhà quay phim” tài liệu còn nâng là diễn viên điện ảnh đẹp nhất nhì Hà Nội. Nàng đòi hỏi phim truyện, phim tình Othello, phim yêu say đắm, phim trên trời dưới biển nhưng chàng thì chỉ có khả năng dí ống kính vào các nhà máy, hợp tác xã hoặc vào mặt mũi những anh hùng chăn vịt, làm phân xanh. Hai tâm hồn, hai ước mơ. Con đường Trường Sơn đã có một lúc là ngã rẽ nhưng rồi không hiểu sao họ vẫn còn song song tồn tại .

Thằng bạn tôi là một nhà văn trẻ nhất và có tài nhất, sáng chói nhất của Hà Nội lại là uỷ viên Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn. Ở Hà Nội, một hôm bất ngờ tôi bắt gặp nàng đến phòng thằng bạn tôi. Chúng tôi ở chung nhà, phòng chỉ cách vách, một tấm vách để lọt những âm thanh chứ không lọt ánh sáng. Vô đến đây tưởng dứt ai dè chưa.

Tôi bảo Kim Ly:

– Nó đang sốt, có gì cho nó tẩm bổ không?

– Có, anh đem giùm cho ảnh nhé.

– Đem thì đem.

– Anh không sợ bị kiểm thảo à?

– Tôi chưa biết sợ cái gì cả ngoài sốt rét.

– Người ta vừa bị kiểm thảo đấy.

– Ai ?

– Anh hỏi sẽ biết.

– Ai kiểm thảo tôi, tôi kiểm ngược lại cho bỏ mẹ.

Thu xen vào:

– Anh lại nói cái giọng ngang như cua nữa rồi !

Kim Ly liếc Thu:

– Thế mà có kẻ yêu gần chết đấy mày ạ !

– Ai yêu ảnh ?

– Có chứ. Mày muốn biết không tao chỉ cho – Kim Ly tiếp – Gái Bắc yêu mấy anh Nam là vì cái kiểu nghênh ngang của các ảnh. Nếu tao là Bắc tao cũng thế.

Tôi bảo:

– Nam Kỳ chỉ được cái du côn ai yêu họ thì đó là người khùng.

Hoàng Việt và Ba Mực về tới. Kim Ly cười như nắc nẻ:

– Trông hai anh nhạc sĩ em tức cười “oá” hè !

– Trông thấy chỗ nào của hai anh mà cười ? Hoàng Việt hỏi gặn.

– Thì chỗ đó đó ! Chớ còn chỗ nào nữa? – Ba Mực nói hớt.

Kim Ly úp mặt vào vai Thu cười sục sục:

– Một ông thì giống chủ nhiệm Hợp tác xã còn một ông giống công nhân đẩy xe ba gác bến Phà Đen.

– Bậy nào – Tôi gạt ngang – Một ông giống ma Hời một ông giống ma Miên.

Hoàng Việt cười:

– Kệ tui, ma gì ma miễn tui có khô nai và rượu Tây nhậu thôi. Nè, cô Ly chừng nào đám cưới? Ăn giầu cau lâu rồi. Hồi tôi mới đi nước ngoài, tới bây giờ tôi về nước, về Rừng rồi cũng chưa cưới nhau còn đợi chừng nào? Đợi anh về, anh có đi đâu mà đợi!

Kim Ly đáp giống như tài tử xi-nê:

– Em đâu có đợi. Cái em đợi đã không đến. Cái đến lại là cái em không đợi !

– Ba Mực ! Chú mày nên nhường chỗ trong Hội Văn Nghệ Giải Phóng cho cô ấy đi !

– Tôi đâu có nằm hoặc đứng ngồi gì trong Hội đâu mà bảo tôi nhường. Tôi đảm nhiệm việc săn khỉ mà.

Hoàng Việt nói:

– : Thôi, ai có sứ “miệng” cao cả gì thì trao đổi đi, kẻo đóng trong chòi tôi lâu quá rồi người ta đồn tiếu tùm lum oan cho tôi lắm.

Kim Ly nguýt ngang:

– Anh muốn đuổi tụi em thì nói đi chứ ai đồn tiếu gì anh. Anh gần có cháu nội rồi ai không biết. Còn chú Ba thì là chủ tịch hội sồn sồn của R, tụi em kêu bằng chú mà !

Hoàng Việt trỏ tôi:

– Thằng này có kêu bằng chú không? “Chú” với “chó,” hai chứ đó chỉ khác nhau cái chứ “u.”

Kim Ly nói:

– Có người trong đoàn vừa đi qua bên Bộ Chỉ huy về mang một cái tin có liên quan tới ảnh nên em trở lại cho ảnh hay. Vậy mà ảnh nghi em do thám con Thu !

– Tin gì ? Tôi hỏi – mà có liên quan đến tôi ?

– Người bạn của anh đang sửa soạn đi vô.

– Bạn nào ! Tôi có cả trăm, biết thằng nào ?

– Đây không phải là thằng đâu! – Kim Ly cười khúc khích.

– Không phải ông cũng không phải thằng.

Hoàng Việt biết là tin gì nên nháy Kim Ly một cách kín đáo. Có lẽ Kim Ly không biết quan hệ giữa tôi với Thu trên đường Trường Sơn, hoặc biết mà vì lý do gì đó cứ nói phứa ra.

– Anh có quen với ai tên Nguyệt không?

Tôi suýt nhảy nhổm như bị kim chích, nhưng bấm bụng ngồi bình tĩnh. Tôi giả bộ reo lên:

– . Tưởng ai chớ cô…ô ấy thì tôi que…en!

Kim Ly hỏi tới:

– Quen thế nào ?

Hoàng Việt biết sự đời đã vở tung ra rồi, nhưng còn cố đỡ giùm tôi: – Cái cô đó hả? Tôi biết rồi. Ở Văn Công cũ của tôi hồi trước, nhưng ra Bắc lại bị rau muống quấn mất.

Kim Ly nói tới:

– Làm gì có vụ gái Nam Kỳ bị rau muống quấn ! Có mấy ông Nam Kỳ bị bánh đa quèo thì có ! Anh tưởng em không biết chị Nguyệt hả. Để em kể lại vụ rau muống quấn chỉ cho anh nghe. Rau muống thấy dưa hấu ngon thì ham nhưng có quấn được không chứ?

Hoàng Việt sợ vỡ to hơn nên tạt ngang:

– Thôi cái gì đã qua thì cho qua luôn. Bây giờ mình ở rừng hãy nói chuyện rừng, phải không ông bạn Xuân Chiến Sĩ?

Tôi để ý thấy Thu đổi sắc mặt. Thu đứng lặng ngắt sau cây cọc lều tự nãy giờ. Thu nói hơi cộc:

– Đi về đi Ly ! Tớ đang nhận vai vũ trong tác phẩm của ông Thái Minh.

Kim Ly đã ra đi còn quay trở lại nói với tôi:

– Hôm nào có tin thêm em vô cho anh hay nghe !

Đợi cho nhị vị tiên cô đi khuất, Hoàng Việt lắc đầu:

– Bể nữa rồi !

– Chậc, con quỷ cái ! – Tôi chép miệng.

– Tao tính bụm mà không kịp. Con nhỏ kia đoán ra rồi chứ gì. Thế nào nó cũng cạch con Ly, không có giống gì lại bí mật được.

Ba Mực cười khà khà:

– Nói vậy ông anh cũng đã hát bài Tình Ca của anh Bảy dọc Trường Sơn ?

– Nó lúc nào cũng hát. Hát song ca, hát chùm một lúc “ba bè” cơ đấy ông ơi ! – Hoàng Việt kể chuyện Phương và tôi trong trường đi B, chuyện Nguyệt gặp lại tôi cho Ba Mực nghe.

Ba Mực lại cười hồn nhiên với Hoàng Việt:

– Tại anh chớ sao !

– Tôi có xúi nó đâu. Tôi còn ngăn nó nữa là đằng khác! Đi đường ráng giữ gìn ba cái sức khỏe để lúc bị Fulro phục kích thì còn đủ xí quách mà chạy. Nhưng nó có nghe tôi đâu. Hết vụ này tới vụ khác. Hoàng Việt chép miệng. – Mà nghĩ cũng kỳ, không biết tại sao đám con gái tới với nó hoài hoài. “Chất nhờn” ở Trường Sơn hiếm thế mà nó lại có thừa.

Ba Mực trở ra bụi cây lấy ba cái gà-mèn cơm đem vô lều rồi nói:

– Hắn học tập anh chớ sao anh Bảy. Anh đã viết trong Tình Ca: … “Vượt băng băng qua đêm tối tìm hương hoa mà!”. Anh nói sao làm vậy phải không?

– Tôi tu lâu rồi !

– Vâng, anh Bảy tu lâu rồi ông Ba Mực ạ! Bây giờ mà có ai qua Bungari sẽ tìm thấy dấu vết của anh tu với mấy cô vãi tóc vàng trong rừng thông ở mấy cái am Píc-níc !

Ba Mực banh cơm ra. Tôi liếc thấy mà ngao ngán. Ba Mực biết ý nói:

– Để tôi nấu miếng canh lua mới vô.

– Canh gì ?

– Canh bột ngọt.

– Ừ nấu đi ? Hoàng Việt giục ! Ở đây tuy thua Hà Nội nhưng còn sướng gấp trăm lần Trường Sơn. Đ.M. ở đường dây đang nấu cơm, giao liên nó bảo đi cũng phải cuốn bếp đi !

Tôi leo lên võng nằm chờ Ba Mực nấu canh.

– Con Kim Ly nó bảo ông Bảy nhà mình giống chủ nhiệm Hợp tác xã là đúng đó anh Ba bày trẻ ! Con nhỏ có mắt tinh đời phải biết !

– Mày định moi lý lịch của tao ra hả mày thằng quỉ.

Tôi tiếp:

– Ảnh từng làm chủ nhiệm Hợp tác xã rồi đó, anh Ba mày biết không?

Ba Mực đang thổi lửa khói bốc mịt mù, quay ra gắt:

– Hợp tác xã sáng tác nhạc à?

– Không ! Hợp tác xã nấu cao khỉ ! Tôi cười to khoái chí: – Ảnh đã từng nấu cao khỉ suýt thành công ở đường Trường Sơn kia dấy! – Tôi kể luôn vụ bắn khỉ với thằng Phẩm, người trồng cây mận Quảng Bá ở hốc núi Trường Sơn cho Ba Mực nghe rồi kết luận – Bây giờ xin đổi lại “Cao Tổ Tiên” cho hợp lý với cuộc sống trong này.

Ba Mực kêu lên:

– Có vụ đó nữa sao?

– Thì ông chủ nhiệm còn đó, tôi có bịa tạc đâu!

– Rồi có kết quả không anh Bảy? Ba Mực hỏi.

– Tao nấu ba bốn trạm liền, xương vẫn còn nguyên nên quẳng đi cho nhẹ.

Ba Mực nói:

– Hổng chừng vụ đó trở thành sáng kiến ở đây nghe. Từ trước tới giờ ăn thịt tổ tiên xong, hài cốt quăng hết ráo. Uổng quá ? Để tôi đi bắn một con về nấu cao tẩm bổ chơi.

Nước sôi, Ba Mực lấy bột ngọt và ruốc nai bỏ vào quậy quậy rồi nhắc xuống đất:

– Canh bột ngọt là vậy đó !

– Không có chút rau gì sao?

– Rừng bạt ngàn rậm rịt, nhưng không có cái lá gì ăn được.

– Ở dọc khư 6 có lá “bép” và đọt cây “dớt” ăn đỡ khổ lắm. Ở đây không có hai thứ đó à?

– Không có gì cả ngoài lá “bờ lờ”.

– Bời lời hả?

– Không “bờ lờ.”

Hoàng Việt cười như nắc nẻ:

– Quanh đi quẩn lại thì cũng cái… lờ.

– Không. Bờ lờ là Bàng Lăng, tức là cây thao lao ấy mà! Lá nó đẹp nhưng đó là đề tài vẽ tranh chứ ăn không được

– Ở Tiểu ban mình có ai vẽ chưa?

– Có ba ông họa sĩ nhưng một ông là chuyên gia bửa củi, một ông suốt tháng cứ sốt, còn một ông thì chê rừng không có ánh sáng nên đòi móc đất sét nặn tượng cà khu. Nghệ thuật ở đây vẽ bằng nước cơm sôi và màu vẽ là gạo, nhạc là tiếng kêu của muỗi đòn xóc và thơ văn là những bài kiểm thảo dài cả chục trang giấy.

Hoàng Việt cười hắc hắc:

– Mấy trang thì mấy nhưng anh đây thấy cái gò má láng lẩy của mấy em, anh muốn dẫm bừa lên một cái ô cho biết mùi cay đắng chút chơi !

– Anh có để ý thấy trong các tiên cô có một nàng cổ cao ba lóng, ngực tròn vung vung không? Hề.hề… đó là cô Miên lai, Văn Công ta mới tuyển vào đoàn.

– Thấy rồi. Nhưng cô nào lại ngực không vung không tròn?

– Tròn nhất, vung nhất cơ! Đó là đề tài của một bài thơ dài vừa mới xuất bản.

– Thôi Mực ơi ! Chuyện của Văn Công cậu đem vào đây rủi thằng nhà văn nổi hứng nó ra ngoài đó “nghiên cứu” nhân vật thì mình lại ngồi đau xương sống đấy.

Tôi hỏi:

– Đó là một bản song ca phải không? Giọng Soprano thì là nàng Miên lai còn giọng Ténor là ai?

Ba Mực nghiêng qua nói vào tai tôi. Tôi kêu lên và ngồi sững sờ hồi lâu.

– Tôi thật không ngờ.

– Ai ngờ nổi ! Ai mà ngờ một chuyện như vậy lại xảy ra. Nếu nó trống chân thì cơ quan cũng xử nhẹm thôi, nhưng ngặt một nỗi là con nhỏ đã có chồng. Chồng nó đang đi công tác bên vùng biên giới. Nghe chuyện tùm lum nó về ngay.

– Đường dây luộc nào đánh tin đi mau vậy?

– Nó có con em gái làm thơ trong tiểu ban mình nè. Con nhỏ cho anh nó hay ngay. Đ.bà! Cơ quan vỡ lở còn hơn ăn B52. Nó là Việt kiều mà ! Thành ra phạm chánh sách to !

– Thôi Mực ơi ! Nói chuyện khác đi. Cứ nói ba cái chuyện Bờ… lờ đó hoài nghe mệ…ệt quá!

– Đó là đề tài chính mà. Chỗ nào có Bờ lờ mình mới sống được.

– Kệ nó, kể nghe chơi để rút kinh nghiệ…êm ! !

Ba Mực lua hết mớ cơm, rót canh vào nắp gà-men húp lia lịa, hà một cái, thở phào:

– Hồi nãy bỏ ớt hơi quá tay nên cay quá ! Hít hít hà ! – Ba Mực tiếp – Thằng chồng nó về có vẻ bình thản lắm. Nó không tỏ vẻ gì cả. Nó lại còn tuyên bố: Chuyện đó chẳng ăn thua gì. Ở trong rừng khủng hoảng sinh lý nên ai cũng thế thôi. Tôi về là vì xong công tác.

– Thằng ngon hả ! Tôi gật gù bảo.

– Khoan khoan đã! Nó cao tay ấn thật đấy. Thấy thái độ cao thượng của nó, ông Ténor nhà mình bèn mời nó đến để xin lỗi. Xếp cơ quan mà đi xin lỗi thằng nhân viên, kể cũng hiếm có.

– Thằng chả cũng ngon chớ! Dám làm sai, dám nhận lỗi !

– Khổ thay nó không để ông Ténor nhận nhiếc gì. Nó quết cho ổng một nhát.

– Nhát gì ?

– Cũng may là nó không chơi theo du côn Cầu Muối ! Nó chỉ dùng cây… Bờ lờ ủa gỗ Bờ lờ..

– Mày cứ xài cái chứ đó hoài !

– Rồi sao ? – Tôi hỏi .

– Thì vậy đó chứ còn sao nữa ! Do đó mà ở ngoài Bắc mới đưa ông chủ trại cưa Kim Hữu vào thay chứ gì ?

– Ông cũng biết danh từ trại cưa Kim Hữu nữa à .

– Biết chứ. Ông Tám Năng nhà mình chớ ai !

Tôi gác tay lên trán thở dài. Hoàng Việt nói:

– Trường hợp của mày khác mà ! Thằng kia đã có con nhỏ Cải lương cải liếc gì đó cho nên con Thu trống chân. Mà mày với nó đã quan hệ “mật chì” với nhau rồi.

– “Mật chì” là mật gì ? – Ba Mực gặn ngay.

– “Thiếc” với “chì” cũng thế thôi. “Mật thiếc” cũng như “mật chì”!- Hoàng Việt tiếp: – Mày nên báo cáo với tổ chức đi thôi, để Văn Công nó xây dựng cho mày. Mày tới lui rù rì dưới bóng mát Bờ Lờ không có ai trành tròn gì mà cơ quan cũng đỡ phải thả do thám theo rình mò.

– Anh biết vụ tôi với con Nguyệt mà anh Bảy. Nguyệt đã hứa với tôi sẽ vô. Bây giờ nghe tin. Nguyệt vô thiệt tôi không thể làm gì khác hơn là chờ.

– Bao lâu?

– Không biết.

– Nó đã cho mày đi cầu tuột một phát hộc máu ra đằng đít rồi, bây giờ lại thủy chung.

– Chuyện đó là do cơ quan, đâu phải cô ta muốn.

– Mày luôn luôn tin miệng con gái, suốt đời sẽ không ngóc lên nổi vì con gái. Ba mươi ba tuổi rồi. Người ta có con hồi mười tám, mười chín tuổi là thường. Mầy còn ở đó ôm ống đồng của Thoát Hoan mà thác oan !

Tôi lại thở dài. Quả Hoàng Việt nói đúng. Tôi cứ chạy theo chữ thủy chung rốt cuộc chẳng sờ được cái vòi của nó. Khi tôi giữ trọn thì người ta bẻ gãy nó ra, còn khi người ta giữ yên nó thì tôi lại đành ngoảnh mặt đi, còn khi cả hai đều chung thủy với nhau thì một đứa lại chết. Như trường hợp Phương hy sinh ở Eo Máu vừa rồi. Ba mươi ba tuổi chưa phải già nhưng không còn trẻ. Có vợ có con là đã muộn lắm rồi. Nhưng tôi cứ bị tình cảm gàn cản. Cái đã dứt lại nối như trong tiểu thuyết…

Tiếp theo chương 5

No comments:

Post a Comment