Friday, July 22, 2022

Chương VII CHIẾC LÁ CUỐI THU - BÓNG TỐI ĐI QUA (Kim Nhật) – Quyển I

 Mấy hôm nay quanh quẩn trong nhà, hết ăn lại nằm có đi cũng chỉ quanh khu vực B2, không quá một trăm thước đường kính. Chung quanh toàn rừng và rừng, yên tĩnh, âm u. Cái vòm lá xanh như một nắp huyệt đóng kín, bất di bất dịch một màu xanh mỏi mắt, ngột ngạt, chôn chặt tầm mắt tôi trong đó.

Tự nhiên tôi thấy thèm, khao khát kỳ lạ muốn được nhìn một khoảng trời xanh nho nhỏ, một chút ánh sáng mặt trời với cụm mây trắng hiện giữa trời cao. Hơn thế nữa, tôi muốn nhìn được thấy một khoảng chân trời nào đó. Quả thực ở đây, nơi tôi đang đứng đây, bị chìm ngập trong màu lá xanh, trong một cái biển tối, không trông thấy một mảnh trời trong bằng bụm tay thì còn trông mong gì thấy được chân trời.

Cái căn cứ không rộng quá trăm thước đường kính làm tôi thấy nôn nao bâng quơ, sợ hãi lẫn với cái cảm giác chồn chân bứt rứt lạ thường. Bây giờ được đi ra khỏi nơi đây, lần đầu tiên, tôi thấy mình như dịu lại, thư thái tuyệt vời.

Sơn đi trước cứ phóng đi như chạy, vất vả lắm tôi mới theo kịp. Mồ hôi trên người ra như tắm nhưng tôi vẫn thấy khoan khoái hài lòng. Từ đơn vị ra rẫy mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ quanh co theo đường rừng với những đồi dốc con con.

Trên đường đi, Sơn cho biết công việc thường xuyên của đơn vị giao cho cậu ta là làm rẫy, sản xuất hoa mầu cung cấp cho đơn vị. Còn Hoa là chị nuôi, cứ vài hôm quảy bồng ra rẫy tải rau cải, hoa mầu về đơn vị. Ngoài rẫy, có cất sẵn một cái chòi con đủ cho bốn người giăng võng nghỉ ngơi, nấu nướng, cơm nước. Hiện giờ, ngoài ấy còn hai anh em khác nữa.

Băng ngang qua một con suối, nước cao hơn đầu gối một tí, bước lên bờ, tôi gặp ngay căn chòi trống, lợp bằng tranh ẩn dưới đám lồ ồ rậm bên bờ suối. Cách phía trong hơn mười thước là đám rẫy mọc đầy những cỏ, sậy và cây cỏ hôi.

Chen vào giữa đám cỏ, sậy ấy những cây dầu, cây bằng lăng rất to cao lêu nghêu cháy nám đen, trơ những cành trụi lá. Ánh nắng vàng trải đầy, chói mắt.

Sơn bảo tôi, cộc lốc :

– Rẫy của mình đó. Cất đồ đi, rồi nghỉ !

Nói xong, Sơn thảy bồng để lên đống củi cạnh bếp, đoạn dẫn Hoa đi luôn ra rẫy. Tôi thắc mắc không yên. Suốt trên quãng đường đi, nhớ lại tôi chưa có một cử chỉ nào hay lời nói nào có thể làm cho Sơn phật ý, mất lòng. Và trong suốt thời gian đến B2, tôi cũng chưa lần nào trò chuyện với Sơn. Vậy thì tại sao, trong câu chuyện dọc dường hỏi thăm về cách trồng rẫy, sinh hoạt ở rẫy, Sơn trả lời tôi một cách miễn cưỡng, bực dọc, giờ lại ăn nói cộc lốc thế kia ? Tôi có gì để cho Sơn ghét ? Mặt mày tôi, tác phong tôi có gì khác lạ, quái gở để đến nỗi mới nhìn mặt đã có thể khó chịu, không ưa ?

Tôi thắc mắc, suy nghĩ mãi mà chưa tìm ra nguyên cớ. Tôi định bụng trưa nay, ăn cơm xong thế nào tôi cũng phải tìm cách thân thiện, gây cảm tình với Sơn để vừa xóa tan được bầu không khí nặng nề vừa tìm xem duyên cớ vì đâu. Sống chung với nhau chưa chi đã thế này, buồn biết bao nhiêu.

Sau bữa ăn trưa bằng khoai mì luộc, canh chua bạc hà nấu cá và đậu đũa kho, tôi chưa kịp mở miệng nói với Sơn lời nào thì Sơn đã thì thầm với hai cậu kia, bảo nhau ra ngoài rẫy «hội ý». Hội ý gì nhỉ ?

Nhưng thôi ! Tôi biết «trục trặc» lại bắt đầu nữa rồi.

Tôi giăng võng định nằm, chợt nhớ đến câu cá nên lui cui mở bồng cột lưỡi câu, lấy dao chặt nhánh lồ ồ làm cần.

Tôi cặm cụi làm suốt buổi trưa, đến chừng bọn Sơn từ ngoài rẫy vào vác cuốc, rựa đi làm chiều thì Sơn hỏi tôi :

– Anh Hùng ra rẫy chưa ?

Tôi cười cái cười cầu tài với Sơn :

– Chưa anh ! Tôi cột lỡ nhợ câu chưa xong. Xong, tôi ra ngay. Anh với mấy em ra trước đi.

Sơn vẫn giữ bộ mặt khó thương, xách mé :

– Bộ anh tính ra đây chỉ câu cá thôi hả ?

Tôi bắt đầu thấy nóng mặt trước câu nói sỗ sàng đó, nhưng cố giữ bình tĩnh trả lời :

– Giả dụ như tôi có câu cá không đi nữa, cũng chỉ có lợi chứ hại chi đâu, anh Sơn ! Mấy anh em mình có cá ăn mà. Thừa, gởi về nhà cho anh em hưởng với.

– Cái đó không cần! Anh ra đây để làm rẫy mà! Thủ trưởng dặn tôi dẫn anh ra đây cho anh đốn cây, cuốc đất, làm cỏ phụ với tụi tôi chờ đâu phải để đi câu!

Lần này tôi không thể bình tĩnh được nữa :

– Ai nói với anh như vậy? Anh Ba Biếu phải không ?

Sơn liệng cái cuốc xuống đất :

– Ừ! Đúng ! Tôi nói cho anh biết, tôi là người phụ trách tổ trưởng sản xuất. Tôi có bổn phận phân công công việc cho anh, hội ý với anh mỗi ngày. Tôi đâu có phân công anh đi câu cá ? Muốn làm gì phải có ý kiến tôi đã chớ ! Anh nghe rõ chưa ?

Tôi giận đến tím mặt. Người tôi cơ hồ run lên. Khả năng của tôi chỉ đáng đi làm rẫy, cuốc đất. trồng rau cải cho người ta ăn thôi ư? Tôi là loại cán bộ gì đây nhỉ ? Cán bộ gì mà lính muốn sai, muốn mắng, muốn hoạnh họe lên mặt lãnh đạo chừng nào cũng được.

Tôi không thể chịu đựng được cái thái độ mà người ta cố tình giao cho một tên chiến sĩ hạng bét sai như vậy. Hừ! Trí thức, lại là cán bộ cũ bước chân trở lại cuộc kháng chiến lần thứ hai. Đảng tiếp đón, Mặt Trận tiếp đón như vậy đó. Tôi đứng thẳng dậy nhìn ngay vào mặt Sơn :

– Nè chú ! Dù gì đi nữa, chú cũng đừng có giở cái giọng đó ra. Tôi không ưa ! Phân công tôi hả ? Điều khiển tôi hả? Phải là thủ trưởng của chú mới có quyền. Còn chú, mới ti toe, tập tểnh bước vào cách mạng một vài năm, đừng có giở cái giọng khó ngửi. Tôi không ngửi được đâu !

Sơn cũng giận dữ, đứng khuỳnh hai chân ra :

– Cái giọng thế nào ? Đồng chí đừng tưởng đồng chí là trí thức là làm trời được. Đồng chí có biết cuộc cách mạng này ai lãnh đạo không ? Đảng đấy ! Mà Đảng là giai cấp công nông ! Công nông là chủ nhân ông của cách mạng.

– Chú có thể nói với con nít chứ đừng nói với tôi. Chú học đòi được năm ba câu lý luận chẳng có nghĩa gì đâu!

Sơn lõ mắt :

– Đồng chí chống đối Đảng hả? Kẻ nào chống đối Đảng là phản động !

Hai cậu kia từ phía ngoài rẫy đi vào.

Một cậu hỏi :

– Gì đó Sơn ?

– Hổng có gì hết !

– Hổng có gì hết sao tao nghe la lối om sòm vậy ? Đồng chí với nhau cả mà ! Có chuyện gì mà coi bộ anh không vui vậy anh Hùng ?

Tôi miễn cưỡng trả lời :

– Chẳng có gì ! Tôi ngồi tóm nhợ câu, chú Sơn bảo tôi ra rẫy làm. Tôi nói chú đi trước đi, tôi lỡ làm chưa xong. Một chút tôi sẽ ra sau. Chỉ có vậy mà chú Sơn giở cái giọng chỉ huy, lãnh đạo của chú ra rồi dạy lý luận cách mạng cho tôi nữa chứ. Vậy thôi !

– Cái thằng Sơn kỳ thiệt ! Có gì thì chiều hội ý mặc sức mà tranh luận với nhau. Thôi bỏ đi anh Hùng. Anh cứ tóm câu đi, chừng nào xong rồi ra rẫy với tụi tôi.

Sơn không phản ứng gì. Cậu kia kéo tay Sơn đi ra rẫy. Trong chòi giờ chỉ còn lại mỗi mình tôi.

Tôi không còn thấy một chút hứng thú để câu kéo gì nữa. Tuy vậy, tôi vẫn tiếp tục ngồi cột xong đến lưỡi câu cuối cùng vào ngọn một nhánh lồ ồ chặt sẵn làm cần.

Tự ái tôi bị tổn thương quá lớn. Người ta đã dàn cảnh để cố tình hạ nhục tôi, nhưng làm sao giờ ? Cột nhợ câu xong rồi, tôi ngồi thừ một lúc lấy thuốc rê ra vấn hút, suy nghĩ liên miên. Sau cùng, tôi tìm một cái rựa, mon men theo lối mòn mà ra rẫy, cùng ba cậu thanh niên chặt cỏ hôi, dọn chỗ trồng rau muống và cải.

Làm được một lúc, bỗng dưng tôi thấy trong người sao khó chịu lạ. Đầu nghe nặng. Người nghe lạnh dù nắng buổi chiều đang gay gắt và toàn thân tôi ướt đẫm những mồ hôi. Tôi biết cơn sốt rét đầu tiên của núi rừng khu A đến với tôi rồi đây. Khi sáng, trong bữa ăn trước khi đi, cô y tá đơn vị phát cho tôi hai viên Paludrine 0,10 để uống phòng. Đã uống khi sáng giờ này vẫn sốt, quả «thần sốt rét» khu A mạnh thực. Tôi nghe cơn lạnh càng ngày càng tăng đến độ tay tôi cầm rựa không vững nữa.

Hai hàm răng đánh lập cập vào nhau. Mắt tôi hoa lên. Đầu váng. Tôi đành ngồi bệch xuống cỏ. Cậu thanh niên ban nãy mà tôi chưa biết tên, lên tiếng hỏi :

– Sao đó, anh Hùng? Bộ anh bị sốt hả ?

Tôi gật đầu. Cậu ta la lên :

– Ý chết ! Sốt mà ráng gì anh ! Anh đi vô nhà nằm nghỉ đi ! Anh đi nổi không ? Để tôi dìu anh đi.

Tôi gắng gượng trả lời :

– Được ! tôi đi một mình được !

Tôi lảo đảo đứng đậy, gắng gượng bước chậm từng bước dẫm lên cỏ, mắt nhắm mắt mở như người say rượu.

Tôi nghe có tiếng gọi sau lưng:

– Coi chừng cái mương đó anh Hùng !

Nhưng vừa lúc đó tôi cũng chợt hiểu ra rằng chân tôi đang rơi vào một khoảng không, chới với. Và tôi còn kịp nghe tiếng Sơn hét lên :

– Rồi ! Nhào rồi !

Tôi không còn nghe thấy gì nữa…

***

Chương VII
CHIẾC LÁ CUỐI THU
(tiếp theo)

Khi tôi tỉnh đậy thì thấy mình đang nằm trên võng, mùng trắng căng giữa hai đầu võng buông xuống. Tôi nghe khô cổ và khát nước đến một cách lạ lùng và đầu óc tôi sao lơ mơ, nặng nề, không hiểu nó ra làm sao nữa. Chung quanh lặng trang, không một tiếng động nhỏ. Ánh sáng lờ mờ, hình như trời đã về đêm.

Tôi cựa mình, co chân lên cho bớt mỏi. Ui cha ! Sao mông tôi đau thế này nhỉ ? Tôi nhớ mình vừa ở ngoài rẫy, cơn sốt lên chịu không nổi nữa, mấy cậu kia bảo tôi vào nhà, rồi tôi bước đi.

Bây giờ ba cậu ấy đâu rồi, chắc đã ngủ hết cũng nên? Tôi đưa tay vén mùng, ngóc đầu dậy, thò chân xuống đất quơ đôi dép râu, định đi lại bếp tìm nồi nước đun sôi nhưng… Ơ kìa! đây là đâu ? Lạ quá! Trước mắt tôi là một căn nhà rộng, phên vách hẳn hoi. Ở góc đằng kia có kê hai cái chõng bằng ván, trên có trải chiếu trắng.

Gần tôi hơn, phía đầu võng kê một cái bàn dài trên phủ vải trắng toát, sát bên trong một hàng những chai lọ và mấy cái hộp nhôm. Giữa bàn là một cái đèn ống khói cháy sáng để trước một chồng sổ sách, có một tập giấy học trò đang mở ngỏ. Cây bút nguyên tử xanh dằng lên trên. Kế bên bàn là một chiếc băng ngồi đóng bằng cây bào nhẵn. Lạ thực !

Không có một bóng người. Đây là đâu kia ? Tôi hoang mang không hiểu, tôi định thần quan sát lại lần nữa. Bốn bên vách nhà, chung quanh căng một lớp vải mùng trắng. Hàng chai để trên bàn đều có dán nhãn và ở cuối bàn có để một cái plateau tráng men chứa đầy những kềm, kéo, ống tiêm, lọ thuốc đỏ.

À, thì ra đây là bệnh viện. Thảo nào ! Mấy anh em ấy họ đưa tôi đến bệnh viện hồi nào, tôi không hay biết và tôi sốt đến cái độ mê man lúc nào tôi không hay ? Tôi chợt thấy ở phía cửa sau nhà có ánh lửa bập bùng. Và tôi nghe có tiếng chân người bước nhẹ.

Một cô gái hiện ra ở cửa, mặc áo choàng trắng. Trên tay xách một ấm nước sôi, khói hãy còn phụt ra ở vòi ấm. Cô ta nhìn về phía tôi reo lên nho nhỏ :

– A! Anh tỉnh rồi à? Anh có khát nước không ?

Dáng điệu, cử chỉ của cô ta báo cho tôi biết, cô ta là y tá trực. Lời nói êm ái nhẹ nhàng kia làm tôi thấy lòng mình ấm lại và lâng lâng trong một cảm giác sảng khoái vô tả. Tôi trả lời cô ta:

– Có! Tôi khát lắm. Cô cho tôi xin một ca đi!

– Anh có đói không ? Anh uống sữa nhé!

– Tôi không đói! Chỉ khát thôi !

Cô ta để ấm nước xuống đất, đoạn lấy chai nước lọc để trên bàn rót vào ca nhôm :

– Cơn sốt của anh dữ quá chừng. Khi khiêng anh đến đây, nhiệt độ 40 độ 7, mạch đến 120. Cứu cấp suốt mấy giờ liền, truyền cho anh hết 500 cc xê-rum ngọt, bây giờ mới tỉnh dậy. Anh bị sốt rét ác tính đó.

Cô ta đi lại đưa ca nước cho tôi. Tôi đón lấy hai tay, ừng ực uống một hơi. Một ca nước đầy sao tôi uống vẫn chưa hết khát. Thực lúc này sao nước ngọt lạ thường ngon vô tả.

Cô y tá đứng ở đầu võng, kể lể :

– Ở đơn vị anh, khiêng anh đến đây hồi 6giờ chiều. Bây giờ… bây giờ là 12 giờ 7 phút. Mấy đồng chí khiêng võng bảo anh đang làm ngoài rẫy, bị sốt, lò dò đi vào nhà nghỉ, nửa chừng thì ngã xuống đất mê man. Mấy đồng chí đó phải khiêng vội, khiêng vàng đến đây, không kịp thay quần áo, rửa ráy cho anh. Về đến đây, tụi tôi thay đồ đạc và lau rửa cho anh đó.

Ngưng một chút, cô ta ngập ngừng hỏi tôi :

– Xin lỗi… anh tên chi ?

– Hùng ! Vũ Hùng! – Tôi trả lời.

Cô ta suy nghĩ một giây, môi mấp máy định nói gì, nhưng không hiểu sao cô ta lại thôi, nhìn tôi từ đầu đến chân. Cái nhìn chăm chú, xoi mói của cô ta làm tôi thấy ngượng nghịu lạ. Hay là lúc chiều chính cô đã lau rửa, thay quần áo sạch cho tôi ? Trời đất! Như vậy «người ta» đã « thấy hết»… của tội rồi ! Tức mình hết sức! Uổng công trình gìn giữ mấy chục năm nay. Giờ chỉ vì một cơn sốt rét mà để cho người ta tha hồ muốn ngắm thế nào thì ngắm.

Tôi đang cúi đầu vừa để tránh nhìn cặp mắt xoi mói đó, vừa mường tượng hình dung lại cái cảnh lau rửa, thay quần áo cho tôi lúc ban chiều thì cô ta lên tiếng.

Giọng nói cô ta ngập ngừng :

– Em… em tên Duyên. Anh có phải là… là ông trí thức mà anh chị em người ta đồn mấy hôm nay là anh ở Sàigon mới ra theo cách mạng hay không ?

Tôi mỉm cười, thoáng thấy vui vui, quên mất mình là bệnh nhân sốt rét mới tỉnh dậy :

– Ai nói với cô như vậy ? Và sao cô lại nghĩ người đó là tôi ?

Duyên không trả lời câu tôi hỏi :

– Mà có phải là anh không chớ ?

Tôi lắc đầu nhè nhẹ :

– Không phải tôi đâu!

Duyên sượng người, im lặng một lúc, thắc mắc :

– Chả lẽ em nhìn lầm ? Cán bộ chiến sĩ ở B2 em quen mặt gần hết mà ! Hơn nữa, em nghe Ban Chỉ Huy, anh y sĩ Mười Phương phổ biến tại nhà ăn trưa hôm qua, tên ông trí thức đó cũng tên Hùng!

Tôi không trả lời Duyên. Nghe mỏi, tôi ngả nằm xuống võng, vẹt mùng bỏ về phía sau, gối đầu lên thành võng. Nhanh thật, tôi nghĩ vậy. Tôi mới đến Khu A chưa đầy tuần lễ, chắc có lẽ khắp cả khu A này, người ta đã phổ biến sự kiện đó, không phải vì tôi là một « nhân vật » đáng được chú ý qua khả năng, đạo đức hay tài nghệ cá nhân. Sở dĩ người ta phổ biến tên tôi, thổi phồng tôi lên từ chỗ sinh viên Luật trở thành cử nhân Luật, luật sư gì đó, mục đích nhằm vào tuyên truyền, đề cao cách mạng, đề cao chính nghĩa kháng chiến chống Mỹ Diệm đã giác ngộ được giai tầng trí thức. Hơn thế nữa, người ta nhằm củng cố lòng tin tưởng, động viên tư tưởng, động viên sự hy sinh gian khổ cho các cán bộ chiến sĩ hiện đang sống tại khu A.

«Trí thức còn như thế đó, dám hy sinh quyền lợi cá nhân và giác ngộ cách mạng, nhắm mắt vui lòng đi theo Đảng, hy sinh cho Đảng thì các đồng chí là thànih phần cơ bản, chủ nhân ông của cách mạng, các đồng chí phải thấy là chính nghĩa của chúng ta ngời sáng, chúng ta phải vững lòng tin nơi thắng lợi sau cùng của chúng ta.

Chúng ta hãy kiêu hãnh, tự hào vì chúng ta là giai cấp công nông, đã lôi kéo và đánh ngã những giai cấp chống đối chúng ta, hoặc là họ đầu hàng giai cấp chúng ta, phục vụ cho chúng ta hoặc là những giai cấp phản động đó bị chúng ta đánh gục. Trường hợp của Vũ Hùng, chứng mình cho các đồng chí thấy đó là một thắng lợi của giai cấp chúng ta v.v…»

Tôi liên tưởng tới trong một buổi họp tổ Đảng hay họp Chi bộ hoặc họp đơn vị của một đơn vị nào đó của khu A; biết đâu chính trị viên đơn vị hay Bí Thư Chi bộ chả phổ biến tin Vũ Hùng đến tham gia công tác ở khu A và lãnh đạo tư tưởng đảng viên mình, cán bộ chiến sĩ mình như trước đây người ta đã từng làm.

Vấn đề «chính sách chiếu cố» chỉ là một nụ cười ngoài mặt không mất tiền mua, một tấm màn nhung đẹp đẽ, hấp dẫn với khán giả bên ngoài, trong nháy mắt nó có thể được kéo lên hay buông xuống tùy theo lớp lang của vở tuồng đang diễn.

Duyên ngồi vào bàn. Gương mặt nàng tôi thấy gợn lên một cái gì không hài lòng, phật ý. Tôi hiểu nhưng tôi biết làm sao bây giờ ? Tôi thấy tiếc nụ cười duyên dáng, sự vui vẻ của mấy phút trước đây. Nàng nhìn xuống tập giấy học trò mở ngõ, một lúc đoạn cầm bút lên tay, lôi mấy tờ giấy khác ở xấp bìa cứng ra, húy hoáy viết.

Được một lúc, nàng quay lại :

– Bây giờ anh có mệt lắm không ?

Tôi trả lời:

– Đỡ nhiều rồi cô.

– Ở đơn vị anh, người ta khiêng anh đến đây, không có quân y đơn vị đi theo, cũng không có giấy giới thiệu, không có bệnh án nên chưa ghi chi tiết, lập bệnh án theo thủ tục nhập viện được. Bây giờ anh có thể cho tôi hỏi vài chi tiết được chớ ?

Qua giọng nói của Duyên tôi nhận thấy đã có sự thay đổi «làm mặt lạ». Cái tiếng «em» êm dịu trước đây đã nhường cho tiếng «tôi» thay vào. Và làm bệnh án gấp gì đến nổi phải viết lúc nửa đêm thế này ? Huống hồ bệnh nhân mê man vừa tỉnh dậy. Tôi hiểu nguyên cớ của sự thay đổi ấy. Và tôi trả lời :

– Được đấy cô! Xìn cô cứ hỏi!

– Anh cho biết cả tên lẫn họ ?

– Vũ Hùng.

Ngưng một tí để viết. Duyên lại hỏi :

– Anh bao nhiêu tuổi ?

– Hai mươi chín.

– Cấp bậc ?

Tôi ngỡ ngàng, bàng hoàng một lúc, không biết phải trả lời ra sao ? Bởi tôi có cấp bậc nào đâu. Lính không ra lính. Quan chẳng ra quan. Đúng là trong cảnh ông chẳng ra ông, thằng chẳng ra thằng, «bán thày, bán thợ, bán cu li».

Duyên tưởng tôi chưa hiểu, giải thích :

– Nghĩa là cấp bậc trong bộ đội, chiến sĩ hay cán bộ a, cán bộ b, cán bộ c, vậy đó.

– Tôi là tân binh mà cấp bậc gì ?

– Vậy là chiến sĩ, cấp bậc anh là chiến sĩ ! Đơn vị? À! Đơn vị anh là B2, có đây rồi. Phương tiện chuyển bệnh ? Khiêng võng. Chẩn đoán tạm thời sốt rét ác tính. Bệnh sử ? Thôi, để sáng mai y sĩ khám cho anh chớ tôi là cứu thương, tôi… tôi….

– Cô chưa học y tá sao ?

– Chưa !

Duyên đứng dậy, vớ lấy một nhiệt kế đi lại bên tôi, vẫy vẫy mấy cái :

– Bây giờ anh cho tôi lấy nhiệt một chút! Anh cho vào nách cặp lại.

Năm phút sau, nàng bảo tôi lấy nhiệt kế ra và đưa tay cho nàng đếm mạch. Mắt nàng đăm đăm nhìn chiếc đồng hồ reo với chiếc kim chỉ giây đang tích tắc, xoay tròn để trên bàn thuốc.

Trở lại bàn soi ống nhiệt kế bên đèn, nàng báo kết quả cho tôi biết :

-Nhiệt 38.7, mạch 92. Xuống rồi đó! Thôi, anh ngủ đi !

Tôi không nói gì. Duyên đến phủ mùng lại kín cho tôi. Giấc ngủ chập chờn lại đến với tôi, lẫn trong hình ảnh chiếc áo trắng đính chữ thập hồng thoăn thoắt xuyên qua, xuyên lại giữa gian nhà trống chợt biến đi. Giữa cơn ngủ chập chờn đó hình như tôi còn thắc mắc nhiều điều chưa kịp hỏi.

Sáng dậy, tôi mở mắt ra. Đồng hồ đã bảy giờ kém mười. Duyên đâu mất. Căn nhà còn trơ trọi chỉ một mình tôi. Đâu đây, tôi nghe tiếng oang oang của Đài Phát Thanh Hà Nội loan tin buổi sáng. Và tôi cũng nghe tiếng nhiều người nói chuyện, tiếng chân người bước, lẫn tiếng ca, muỗng chạm vào nhau lanh canh, cùng tiếng gió trên ngọn cây rừng, tiếng vượn hú nghe lảnh lót xa xa.

Bảy giờ kém mười ở đây là tám giờ kém mười, giờ Sàigòn. Cũng trưa, đâu phải sớm sủa gì nữa. Tôi ngồi dậy, chân thòng xuống đất nhìn ra bên ngoài. Có lẽ mặt trời đã lên cao, nhưng qua lớp sương mù dầy đặc phủ trắng ngọn cây, ánh sáng bên ngoài như đục mờ, nhạt nhẽo.

Đầu tôi giờ này nghe nhẹ, trí óc tỉnh táo nhưng sao nghe nó như lắc lư, không vững. Môi tôi khô cứng, dính lại với nhau. Lưỡi đắng ngắt. Hai mông đít hãy còn ê ẩm, đau buốt. Tôi muốn đứng dậy nhưng gượng mãi không sao đứng dậy được. Giữa lúc đó một cô gái mặc đồ bà ba đen từ bên ngoài bước vào. Đuôi gà sau gáy lắc lư. Trên tay cô ta là một ca nước đầy, bốc khói.

Cô ta liếc nhìn tôi một thoáng, đi thẳng đến bàn để ca nước xuống, lên giây đồng hồ. Xong lại quay ra, chẳng buồn hỏi tôi lấy một câu. Có lẽ cô ta vừa ăn sáng, ở nhà ăn lên tạt qua đây. Chưa đến giờ làm việc nên chưa cần ở lại. Còn cô Duyên đêm qua trực bệnh ở đây, chắc cũng đang ăn sáng. Trước khi nghỉ, thế nào cũng phải trở lại đây để bàn giao ?

Không hiểu sao, tôi trông được gặp mặt Duyên hết sức.

Cho nên khi Duyên trở lại tôi mừng rỡ lạ thường, buột miệng thốt lên :

– Cô Duyên!

– Dạ ! Chi anh ? Anh dậy rồi hả ? Anh thấy khỏe không ?

Tôi không trả lời nàng mà hỏi lại :

– Nãy giờ cô ở đâu ?

– Tôi đi ăn sáng. Anh uống sữa nhá? Tôi pha cho anh một ca sữa.

– Cám ơn cô, tôi không đói đâu!

– Uống đi cho nó có sức chớ !

Rõ ràng là Duyên đã giận tôi về cái chuyện khi hôm, tôi không nhận mình là «ông trí thức» ở Sàigòn mới đến B2. Giọng nói của Duyên hơi gắt gỏng. Ánh mắt lạnh nhiều. Không vui như lúc tôi vừa tỉnh dậy. Tôi muốn nói với Duyên một câu nào đó, giải thích cho Duyên nghe nhưng giải thích thế nào đây. Tôi không sao tìm được câu nói nào cho ổn, đành ngồi trơ ra chịu đựng.

Duyên đứng trước mặt tôi :

– Suốt từ đêm qua tới giờ anh không bị nôn là khá lắm đó. Thông thường, nôn là một triệu chứng trung thành của bệnh sốt rét. Sốt nó ảnh hưởng đến thần kinh, ảnh hưởng đến gan và hệ thống tiêu hóa. Anh thấy đắng miệng, không đói là phải. Hai bên mông anh có còn đau không ?

– Đau lắm cô ạ! Chắc trong lúc tôi còn mê chưa tỉnh, tiêm nhiều lần lắm thì phải ?

Duyên cầm lấy tập giấy để trên bàn lẩm nhẩm đọc cho tôi nghe :

– Một ống… hai ống… Hai ống Jy-nin 0.50, một ống Ni-va-kin 0,20, hai ống Solucamphre 0.20, hai ống Vitamine C 0,250, một ống Vitamine B 0.200, hai ống Coradyl… Hai, ba, năm, bảy, tám, mười. Tất cả mười ống thuốc, lại còn truyền vào tĩnh mạch 500cc huyết thanh ngọt đẳng trương. Cũng đỡ là có pha vào huyết thanh hết mấy ống nếu không tiêm đủ mười mũi vào đít, vào đùi thì còn đau hơn thế nữa.

Tôi vừa nghe Duyên kể tên thuốc cũng vừa khám phá ra rằng nàng đọc tên thuốc với cái gìọng «đầm» khác hẳn với cô y tá Thu của B2 đọc tên thuốc Paludrine thành Pa-lu-rinh làm tôi điên đầu chẳng hiểu thuốc gì. Tôi nhớ đến lời Duyên nói khi hôm nàng chỉ là cứu thương. Cứu thương trình độ văn hóa phải kém hơn y tá chứ! Mà Duyên đọc tên thuốc với giọng «đầm», điều đó giúp cho tôi hiểu phần nào về hoàn cảnh nàng và thái độ vui vẻ, ngọt ngào ở phút ban đầu. « Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu» là như thế chăng?

Bỗng Duyên hỏi tôi :

– Ở Sàigòn anh ra đi hôm nào ? Anh tự đi một mình hay có người đưa anh đi ?

– Hôm mồng bốn Tết. Người ta đến rước tôi tại nhà đến bến xe đò Chợlớn, lên Hậu Nghĩa rồi theo giao liên nhiều chặng mới lọt đến đây.

Chợt Duyên mỉm cười :

– Đó, thấy chưa! Anh giấu đầu tôi đuôi rồi. Vậy mà hồi hôm anh cứ chối lại còn bảo người ta lầm.

Tôi đành cười trừ. Quả thực tôi không nghĩ đến câu hỏi cố ý đưa tôi vào «bẫy» dó. Tôi nghĩ âu cũng là dịp may để thanh minh. Tôi khẽ nói vừa đủ nghe :

– Xin lỗi Duyên ! Nhưng không phải tôi muốn giấu, muốn chối gì đâu. Dù có giấu, có chối cũng chẳng được. Tôi còn ở đây, lúc nào có dịp tôi sẽ trình bày clo Duyên biết… Tôi không muốn mình trở thành… Tôi sợ…

Nàng cũng hạ thấp giọng xuống :

– Em hiểu ! Em không giận gì anh đâu.

Khẽ thở đai. Duyên tiếp :

– Anh mới đến B2 gần bốn năm hôm chứ gì ? Lạ ghê! Sao người ta bắt anh đi làm rẫy cà ? Chết chưa! Để em đi pha sữa cho anh. Tới giờ làm việc rồi, anh chị em họ tới đầy đây hết bây giờ. Em bàn giao sổ trực bệnh xong em cũng phải đi nghỉ. Bênh viện này là bệnh viện G2, lớn nhất khu A đó! Có một bác sĩ và ba y sĩ phụ trách. Anh, nằm nghỉ đi. Anh phải uống chút sữa cho có sức.

Tôi thấy mỏi và đau, phải cố gắng lắm để ngồi nói chuyện với Duyên. Nếu Duyên không nhắc, chắc tôi cũng phải ngả xuống nằm. Nằm trên võng, nhìn Duyên trong chiếc blouse trắng, dáng người thanh, bé nhỏ, bước đi nhẹ nhàng tha thướt, không hiểu sao tôi có cái cảm giác ngỡ đó là cô nữ sinh của Sàigòn với tà áo trắng tung tăng trên đại lộ Lê Lợi trong một ngày nắng đẹp ở thủ đô. Cái gương mặt trái soan, cái mái tóc cắt ngắn, uốn quăn xa tiệm uốn tóc lâu ngày chỉ hơi gợn sóng, bồng bềnh phủ xuống đôi vai tròn… Nhìn qua con người Duyên, phong thái của Duyên, tôi thấy Duyên không giống bất kỳ người con gái nào mà tôi đã gặp kể từ ngày tôi xa Sàigòn vào khu chiến.

Sao giữa rừng núi khu A sâu thẳm này, tôi còn có thể gặp lại dấu vết của một hình ảnh đã qua rồi thế nhỉ ?

Duyên pha xong ca sữa để trên chiếc ghế đẩu, kê cạnh đầu võng chỗ tôi nằm thì lúc ấy gian nhà đã có thêm sáu người nữa vừa đến. Gồm có bốn cô rất trẻ ở vào lứa tuổi mười tám, đôi mươi tóc kẹp đuôi gà và hai thanh niên. Một khoảng hăm lăm, một trạc ngoài ba mươi tuổi. Tất cả đều mặc bà ba đen.

Thanh niên lớn tuổi nhất đến trước mặt tôi và hỏi Duyên :

– Anh Hùng khá nhiều rồi chớ, đồng chí Duyên ?

– Dạ, khá nhiều rồi! Anh ấy tỉnh dậy hồi 12 giờ đêm. Mạch, nhiệt sáu giờ sáng này là 38 độ 5 và 88.

Advertisements
REPORT THIS AD

– Vậy là xuống rồi ! Khá quá rồi. Lát nữa cho chuyển xuống trại hai.

Đoạn anh ta cho tay sờ vào trán tôi. Duyên giới thiệu cho tôi biết :

– Đây là anh Sáu, y sĩ khoa nội chịu trách nhiệm phòng khám bệnh và tiêm thuốc này đó.

Sau khi Sáu khám lại, kê mệnh lệnh điều trị cho tôi xong thì tôi bị tiêm liền hai ống thuốc và người ta cuốn võng dìu tôi xuống nằm ở trại hai.

Trại hai cũng như những trại bệnh khác ở đây là những gian nhà dài, không phên vách, kê hai hàng giường cá nhân. Mỗi bên năm chiếc. Chân giường bằng cây rừng chôn xuống đất lót đà ngang, gác lên một tấm sạp giường bằng cây bằng lăng xẻ ra, bào bóng trơn tru. Lót giường là một manh chiếu nhỏ, ngang tám tấc, dài hai thước vừa vặn với kích thước của giường.

Hai hôm đầu, ngoài trị liệu thuốc sốt rét, sinh tố B1 và sinh tố C người ta cho tôi được hưởng chế độ ăn uống 12 đồng mỗi ngày, chưa kể gạo. Chế độ đó do Quân ủy Miền và Cục Chính Trị quy định chung cho tất cả các bệnh viện chính quy thuộc Cục Hậu Cần R.

Chế độ khẩu phần đang áp dụng cho thương bệnh binh tại bệnh viện có năm loại. Loại thấp nhất là chế độ 5 đồng một ngày, dành cho những thương bệnh binh sắp sửa xuất viện, đang ở thời kỳ lành bệnh, điều trị bồi dưỡng chung. Loại 7 đồng một ngày, cũng thuộc loại lành bệnh, điều trị bồi dưỡng chung nhưng cơ thể hãy còn yếu đuối, suy nhược thiếu máu. Nói cách khác, đối với thương binh được áp dụng cho khinh thương với các vết thương phần mềm không hệ trọng.

Loại 12 đồng dành cho các bệnh nội khoa, đặc biệt là sốt sét nặng nhưng chưa được liệt vào hàng ác tính, nguy hiểm. Áp dụng cho thương binh thì phải là trung thương nhưng không xê dịch đi lại được.

Loại 20 đồng một ngày là tiêu chuẩn cao nhất, dành riêng cho những bệnh nhân không ăn cơm cháo gì được và sức khỏe bị suy sụp trầm trọng, tỷ lệ sống sót rất ít. Nói cách khác, những bệnh nhân đó đang ở vào tình trạng cấp cứu cho nội khoa cũng như ngoại khoa.

Ngoài bốn loại chế độ khẩu phần trên, còn loại đặc biệt. Loại đặc biệt không quy định, không hạn chế ở mức độ nào, nghĩa là bệnh nhân thèm gì, muốn gì thì Ban Giám Đốc Bệnh viện, quản lý bệnh viện, phải tìm đủ mọi cách để thỏa mãn bệnh nhân cho kỳ được.

Tốn bao tiền cũng được, khó khăn mấy cũng phải cho người tìm ra. Nhưng loại tiêu chuẩn đặc biệt, trong suốt mấy năm qua, bệnh viện G2 chưa hề áp dụng cho ai. Vì rằng, muốn được hưởng chế độ tùy ý, tùy thích bệnh nhân phải là cán bộ, đảng viên dày công với Đảng hoặc đã tạo nên thành tích đặc biệt, hay tạo nên một chiến công hiễn hách, giờ bị trọng thương chắc chắn chết 101% hay bị một chứng bệnh nan y trầm trọng chờ giờ nhắm mắt.

Tiêu chuẩn đó cao quá, nên chưa có bệnh nhân nào hội đủ điều kiện để được hưởng «ân huệ» lớn lao do Đảng dành cho. Mà dù cho hội đủ điều kiện đi nữa, tình trạng chờ chết đó, bệnh nhân đã liệt giường liệt chiếu, đau đớn, mệt nhọc thở chẳng ra hơi nào ai «thèm » nổi một thứ gì để Đảng ban đặc ân được thỏa mãn ? Nếu có, có lẽ chỉ là lời yêu cầu giúp cho chết sớm để đỡ đau đớn, đỡ kéo dài thời gian bị hành hạ quá sức của con bệnh hay vết thương.

Khi phê vào mệnh lệnh điều trị, cho tôi được hưởng chế độ 12 đồng một ngày, người ta đã vui vẻ chịu khó ngồi giải thích cho tôi rõ về chế độ kể trên. Thấy tôi chỉ lẵng lặng nghe mà không góp một lời nào ca tụng hay thắc mắc chính sách Đảng, người ta kết luận :

– Trong hoàn cảnh rừng núi, khó khăn gian khổ của chiến trường miền Nam hiện nay, khẩu phần ăn bình thường mỗi người một ngày chỉ có 3 đồng thì chế độ đó là một hy sinh lớn lao của Đảng, một sự chiếu cố đặc biệt, một đặc ân mà tất cả thương bệnh binh đều phải nhớ ơn Đảng. Chính sách đó của Đảng thể hiện lòng nhân đạo, xuất phát từ quan điểm «Người là vốn quý của Đảng» mà Bác và Đảng thường dạy dỗ nhắc nhở chúng ta.

Và người ta cười ra tiếng khoái trá :

– Duy chỉ có điều ngộ nghĩnh buồn cười là cái thằng cha bệnh nặng như sốt rét ác tính chẳng hạn, lúc Đảng cho nó hưởng chế độ hai chục đồng thì nó cứ mê man chẳng thèm ăn uống gì hết. Khi nó tỉnh dậy, thoát qua giai đoạn hiểm nghèo thì nó chỉ được quyền hưởng chế độ 12 đồng, mười hai đồng nhưng nó chỉ uống được sữa, ép lắm nó uống hết một phần tư hộp sữa là cùng. Sữa một hộp giá thị trường 18 đồng. Như vậy mỗi ngày nó chỉ xài bốn đồng rưỡi. Đến lúc nó vừa cắt được cơn sốt, ăn được cháo thì khẩu phần của nó tuột xuống tiêu chuẩn 7 đồng một ngày. Và khi nó đi vững. đứng vững đòi ăn cơm, ăn theo cái kiểu trả bữa, ăn không biết no, bụng căng cứng mà vẫn thấy thèm cơm thì khẩu phần của nó hạ xuống còn 5 đồng một ngày. Rõ cái bệnh sốt rét là cái bệnh dại nhất trên đời ! Cái lúc được hưởng chế độ hai chục sao không chịu ăn, vì nếu ăn chế độ đó, nó còn đưọc ăn lạp xưởng, ăn thịt gà, ăn cá mòi, đồ hộp. Để đến lúc nó còn 5 đồng, thức ăn chỉ có trái su luộc, đậu xào thì ăn hùng hục như tầm ăn lên. Dại chưa?

Tuy không cười nổi ra tiếng nhưng lối giải thích đó cũng làm tôi nhếch mép cười. Nếu lúc bình thường, chưa bị sốt rét và nếu không phải giữ gìn ý tứ, có lẽ tôi cười nôn cả ruột lên.

Anh chàng y sĩ này cười cái bệnh sốt rét là bệnh dại. Còn tôi, tôi cười phục lăn cái thằng cha nào hóm hỉnh, sáng kiến vô song, đẻ ra cách thức quy định cấp chế độ tiền ăn cho bệnh viện. Thằng cha khôn thiệt. Óc tính toán khoa học làm sao. Chắc thằng cha đó giỏi toán và xuất thân là thành phần cho vay bạc góp.

Tôi ngỡ cái hôm đầu, chuyển xuống trại hai chắc dứt được cơn sốt. Nào ngờ chiều lại, tôi lại sốt. Sốt đến run giường run chiếu. Đắp hai ba lớp nào mùng, nào tấm đắp, nào võng nylon phủ bên ngoài vẫn cứ run. Rồi ngày hôm sau cũng thế. Phải đến ngày thứ tư cơn sốt buổi chiều mới chịu lui hẳn. So với lúc tôi tỉnh dậy ở hôm đầu, mê man bất tỉnh phải cấp cứu tại phòng khám bệnh thì sức khỏe tôi hôm nay tệ hơn nhiều. Tay chân tôi xanh như tàu lá chuối non. Trong người tuy tỉnh táo, nhẹ nhàng dễ chịu nhưng hễ nằm thì thôi, chứ ngồi dậy là choáng váng chóng mặt, phải nhắm mắt lại một lúc mới thấy đỡ.

Bước thử xuống đất, tôi nghe lảo đảo như người say rượu. Đầu nặng hơn chân, các khớp xương rời rã tưởng chừng nó không còn dính liền nhau nữa.

Về chế độ ăn, hai hôm nay tôi được ăn cháo đường do mấy cô cứu thương mang đến và bắt đầu thấy thèm cơm. Tôi định bụng sáng mai sẽ đề nghị với y sĩ Hồ Phương, giám đốc bệnh viện và cũng là y sĩ điều trị, đến thăm bệnh ở trại tôi mỗi ngày.

9 giờ sáng hôm sau Hồ Phương đến. Mới bước vào thềm. Phương đã đưa hai tay về phía trước, vừa đi vừa cười vui vẻ hỏi tôi :

– Thế nào anh Hùng ! Hôm nay dễ chịu, hoàn toàn hết sốt rồi chứ ?

Tôi vui vẻ trả lời:

– Hết sốt từ chiều hôm qua rồi ! Anh !

Ngồi lên mép giường, hai tay Phương nắm lấy hai tay tôi :

– Sáng nay mấy cô y tá đã lấy mạch, nhiệt cho anh rồi chứ ?

– Xong rồi ! Mạch 80, nhiệt 37,3.

– Chặn đứng cơn sốt rồi đó! Mấy hôm nay tụi lôi lo quá. Đúng là accès pernicieux! Danh từ chuyên môn gọi là sốt rét ác tính. Ở đây, dễ bị sốt rét ác tính lắm. Chả là rừng sâu thì khí hậu ẩm thấp, lại vùng này đầy muỗi anophèle. Giang sơn biệt lập của thần Fakciparun mà anh! Như trường hợp anh, đang sống ở đồng bằng, thành thị, môi trường khí hậu nó khác, đến đây gặp môi trường lạ, xấu hơn, ẩm thấp hơn, cơ thể bị suy yếu đột ngột. Nhân cơ hội đó, vi trùng Falciparum hay Vivax nó vật anh thành accès pernicieux ngay. Hầu hết anh em đến khu A đều như vậy. Ngay cả những anh em đã sống quen ở đây rồi, vẫn còn bị sốt liên miên như cơm bữa.

– Lúc mới đến B2, tôi có nghe anh Ba Biếu kể chuyện cho nghe về sốt rét khu A nhưng chưa hình dung được ra sao. Bây giờ tôi mới đụng độ thử với nó lần đầu tièn đây.

– Anh thấy nó như thế nào ?

– Vất vả thiệt anh!

Phương cười :

– Coi như trọn năm nay, anh chuẩn bị sẵn sàng chịu đựng sốt rét bốn tháng đi. Bốn tháng đó là bốn tháng sốt rét ra trò, còn en en nửa nóng, nửa lạnh chiếm một thời gian chừng năm sáu tháng nữa.

– Úi chà! Dữ vậy anh ! Hết năm còn gì ?

– Thiệt đó ! Không phải tôi nói để hù anh đâu. Anh không ngán nó chứ ?

– Sốt thì nằm, hết sốt ngóc đầu dậy làm việc. Ai sao mình vậy, ngán gì anh !

Phương đăm chiêu :

– Cho đến bây giờ, trong công tác điều trị cho anh em bệnh binh, tụi tôi thấy gay nhất vẫn là sốt rét. Nhất là sốt rét ác tính. Anh xem, khoa nội ở đây, hiện tại nhận độ 60 bệnh binh mà sốt rét chiếm đến 57, 58 mạng rồi. Tỷ lệ của nó chiếm đến 95%. Ngay như hồi năm giờ sáng hôm nay, tụi tôi mới cấp cứu cho một ca sốt rét ác tinh. Đồng chí ấy đã…

Phương ngừng lại, không nói nữa, mắt nhìn ra sân, tôi hiểu chuyện gì đã xảy ra nhưng vẫn hỏi :

– Chết rồi phải không anh?

Phương tưởng có thể giấu được tôi, nói lảng đi :

– Chưa ! Đang cứu cấp ! Thái độ của thày thuốc được Đảng dạy cho là «còn nước còn tát», là «lương y kiêm từ mẫu»… Anh cho tôi khám lại bệnh tình anh một chút đi!

Phương móc cái ống nghe nhét trong túi áo bà ba đen ra nghe tim, nghe phổi tôi xong, lại sờ nắn hai bên hông, gõ cộc cộc kết luận :

– Mới sốt mấy bữa, lá lách thòng nhiều. Tiếng gõ đục dữ ! Nhưng chả hề gì, điều trị củng cố và tích cực bồi dưỡng phục sức mấy hồi !

Hỏi tôi thêm ba điều bốn chuyện về ăn ngủ v.v… Phương cho tôi biết thêm :

– Anh thì… tôi đặc biệt để anh hưởng chế độ 12 đồng cho đến ngày anh xuất viện. Nhưng nhà nước còn nghèo, 12 đồng chẳng đâu vào đâu. Vậy nếu có tiền cá nhân, anh đến căng-tin chia thực phẩm về nhờ mấy anh chị em hộ lý nấu giúp, hoặc đường sữa bồi dưỡng thêm. Hôm nay dưới căng-tin mới nhận được một chuyến hàng tiếp phẩm, có đường, sữa, trà, lạp xưởng, cá hộp, thuốc lá v.v… Để tôi dặn đồng chí quản lý. Anh biết căng-tin chứ ?

– Chưa ! Mấy hôm nay nằm một chỗ, tôi đâu có đi đâu.

May mà tôi còn để dành được vài ngàn mang theo.Tôi có thể xuống căng-tin chia thực phẩm nấu ăn thêm. Các anh em khác thì sao nhỉ ? Đâu phải ai cũng có thể có tiền một cách dễ dàng giữa rừng hoang, quanh năm suốt tháng mấy chục đông sinh hoạt phí? Với số tiền đó hàng tháng, nào phải mua xà-bông, dao bào cạo râu, thuốc rê, giấy quyến, gói trà v.v… chưa chắc đã đủ.

Chợt Phương reo lên:

– A! Kìa! Cô Duyên đi ngang, để tôi gọi cô ấy vào dặn cô ấy giúp anh xuống căng-tin mua hộ.

Phương gọi lớn :

– Duyên ơi ! Duyên !

Tiếng Duyên đáp, từ ngoài đường đi vọng vào :

– Có ! Chi đó anh Mười !

– Vào đây!

Bóng Duyên hiện ra ở thềm nhà. Phương tưởng tôi chưa biết, chưa quen Duyên, trong khi hằng ngày Duyên đều có ghé lại đây thăm tôi, trò chuyện, nên Phương làm ra vẻ trịnh trọng giới thiệu :

– Xin giới thiệu anh đây là cô Duyên, là nữ sinh trường Gia Long đấy ! Vào đây hồi năm ngoái. Cô ấy học đến lớp… lớp mấy cô Duyên ?

– Dạ đệ nhị C.

– Lớp đệ nhị trong này ngang với lớp chín miền Bắc đó ! Đâu hai người xem coi lúc ở Saigòn có quen nhau không?

Phương cười tủm tỉm làm Duyên ngượng nghịu đến đỏ mặt. Tôi cũng thấy nhột nhạt, Phương tiếp :

– Duyên xnống phòng khám bệnh, xem mệnh lệnh điều trị, trong bệnh án coi chế độ khẩu phần của anh Hùng vẫn còn 12 đồng hay đã sụt xuống 7 đồng rồi. Nếu còn 12 đồng thì thôi. Nếu đã có ai ghi sụt xuống 7 đồng thì Duyên bảo là tôi ra lịnh giữ nguyên chế độ 12 đồng đến khi nào anh Hùng xuất viện. Sau đó, Duyên đưa anh Hùng xuống căng-tin hay Duyên xuống đó hộ anh Hùng, chia thực phẩm vật dụng cho anh Hùng nhá! Quản lý không chịu chia thì bảo đã có lệnh của tôi.

– Dạ!

Trước khi bước đi, Phương còn vui vẻ nhắc tôi :

– Chiều nay khỏe, mời anh lên văn phòng uống nước với tôi chơi.

Phương bước đi. Duyên ngồi xuống cạnh giường đối diện :

– Hồi sáng Duyên có ghé thăm anh nhưng thấy anh còn ngủ nên không gọi. Sáng nay anh ăn được nhiều cháo chứ?

– Cảm ơn Duyên. -Tôi nói-. Tôi có ăn được một ít. Nhưng sao không thấy đói. Miệng đắng quá.

Bỗng Duyên cho tay vào túi áo móc ra một gói giấy nhỏ, ngập ngừng :

– Biết anh đắng miệng nên… nên khi nãy Duyên có ghé đằng căng-tin… mua cho anh mấy cục xí muội nè ! Anh ngậm cho nó đỡ…

Duyên nhìn xuống. Tôi cảm động thực sự và thấy lòng mình chợt xao xuyến :

– Cảm ơn Duyên nhé ! Cảm ơn Duyên…

Duyên bối rối ngẩng lên và nói lảng đi :

– Mấy anh ở trại này đâu vắng hết rồi anh?

– Chắc mấy anh ấy, sang đánh Tu-lơ-Khơ ở trại bên kia.

Chợt hai tiếng súng lục nổ lẹt đẹt xa xa, phía bên kia suối. Tôi nói với Duyên :

– Tiếng súng đó đúng là tiếng súng lục. Chắc ông cán nào nổi hứng ra rừng bắn chơi…

Duyên ngắt lời tôi :

– Không phải đâu anh! Lễ truy điệu đó !

Tôi chưng hửng:

– Truy điệu ? Truy điệu ai ? Ai chết mà truy điệu ?

– Mới có bệnh nhân bị hy sinh hồi sáng nay.

-…?

– Không phải thương binh đâu! Anh ấy sốt rét ác tính nặng quá, đơn vị đưa đến muộn nên cấp cứu không kịp, chết tại phòng anh nằm hôm trước đó. Ban Chỉ Huy sợ để làm ảnh hưởng đến tinh thần bệnh binh nên cho đi đào huyệt ngoài nghĩa địa, chọn vội chọn vàng sáng nay. Không cho ai biết hết đó.

Không ai biết nhưng tôi biết, nhiều người biết. Tự dưng tôi thở dài.

Cái chết đối với con người sao giản dị thế, dễ dàng thế và vô lý làm sao!

Chiều tối hôm đó, sau khi ăn cơm xong, theo lời của Hồ Phương, y sĩ trưởng bệnh viện G2, tôi đến văn phòng chơi, trở về chưa đến trại thì tôi đã nghe tiếng cãi vã ỏm tỏi từ trong trại đưa ra, giữa Quốc – một bệnh binh nằm kế bên giường tôi – và một tiếng nói lạ. Tiếng nói lạ ấy vang lên :

– Đồng chí đừng có ngụy biện! Tôi cảnh cáo đồng chí…

Tiếng Quốc cười lớn, nghe nó ngạo mạn làm sao :

– Ý! Ý! Đừng chớ ! Đừng dọa tôi chớ ! Đồng chí quyền gì cảnh cáo tôi ? Tôi nghe đài Sàigon ca vọng cổ, tuy có khuyết điểm thiệt, nhưng cũng không có gì quá đáng. Tôi cũng biết Đảng cấm cán bộ chiến sĩ không được nghe đài địch. Lâu lâu ghiền vọng cổ, biết tối nay có cải lương truyền thanh, tôi vặn đài nghe một chút. Tôi khuyết điểm thì đồng chí phê bình, nhắc nhở tôi nhã nhặn chớ đồng chí lấy quyền gì nạt nộ tôi ?

– Nghe đài địch không có gì quá đáng hả ? Đồng chí có biết dù là cải lương đi nữa nó cũng ủy mị, ru ngủ, thủ tiêu tinh thần đấu tranh của ta hay sao ? Nói cho đồng chí biết, đồng chí ngụy biện cái gì ?

– Tôi hổng có ngụy biện gì hết. Tôi nói đúng mà! Không phải tối thứ bảy tuần rồi, trên văn phòng Ban Chỉ Huy, anh Mười, ảnh bắt đài Sàigòn nghe trực tiếp truyền thanh tuồng cải lương ? Sao đồng chí không nói, không phê bình đi ? Đồng chí còn mò tới ngồi nghe êm ru. Bây gờ đồng chí lên mặt đạo đức giả với tôi ?

Tôi bước vào nhà giữa lúc cuộc cãi vã giữa Quốc và một anh chàng râu rậm mà tôi chưa biết là ai. Cả hai đều đứng chờn vờn trước mặt nhau. Người nào cũng «sát khí đằng đằng». Ngoài hai «nhân vật » trong cuộc còn năm sáu anh em bệnh binh khác. Kẻ nằm người ngồi trên giường bệnh. Chiếc đèn làm bằng chai dầu xức tóc, có khoen treo lủng lẳng giữa nhà, tỏa ánh sáng lù mù.

Anh chàng rậm râu chừng bị bẽ mặt vì câu nói «lật chân tướng» của Quốc nên giọng nói không còn mạnh mẽ nlư trước :

– Đồng chí đừng có nói ngang, nói bướng ! Ban Chỉ huy người ta có quyền !

Quốc gân cổ lên :

– Quyền gì ? Cán bộ cấp sư đoàn trở lên mới có quyền nghe đài địch. Lệnh của Quân ủy Miền. Của Bộ Chỉ Huy R như vậy đó. Bộ đồng chí tưởng tôi không được phổ biến cho biết thông cáo đó chắc ? Còn đồng chí, đồng chí là quản lý bệnh viện G2, đồng chí biết thừa lệnh của trên như vậy mà ? Sao đồng chí không làm gương, không phê bình lại còn lết vào ngồi nghe ? Sao vậy ? Đồng chí trả lời coi ?

Thì ra anh chàng râu rậm này là quản lý của bệnh viện G2. Anh ta lúng túng, nghĩa là không sao nuốt trôi nổi câu nói «kê tủ đứng» vào họng của đối thủ. Tôi mường tượng nhận ra rằng, có lẽ trước đây Quốc đang vặn radio nghe truyền thanh tuồng cải lương đài Sàigòn, anh quản lý này đi ngang. tấp vào «hách xì xằng », chỉnh Quốc nặng nhẹ sao đó nên cớ sự đã xảy ra.

Tôi sợ anh quản lý râu rậm bị bẽ mặt, tự ái nổi lên có thể làm chuyện to hơn nên tôi bước tới giải vây :

– Thôi ! Thôi, mấy anh cho tôi xin đi! Anh em đồng chí với nhau cả mà!

Quốc dường như chưa hả, phân bua với tôi :

– Anh Hùng nè ! Anh nghĩ coi, mình bệnh hoạn, nằm buồn, sẵn có cái đài xít-tăng-đa (Standard) thấy thiên hạ nghe cải lương Sàigòn, mình bắt chước vặn cho mấy anh em trong trại xúm nghe chơi. Đồng chí quản lý này đi ngang, ghé vô nạt nộ làm trời với mình. Phải chi người ta không nghe, guơng mẫu cho anh em mình không tức, đằng này người ta cũng nghe như mình mà nạt nộ, nặng nhẹ mình. Anh nghĩ có tức không chớ ?

Tôi không biết phải làm gì khác hơn là giải hòa, lập lại câu nói cũ :

– Thôi mà, cho tôi xin đi…

Anh Quản lý ngắt lời tôi, hất hàm nhìn Quốc :

– Được!

Và anh ta nhếch miệng cười, cay đắng :

– Tùy đồng chí! Hừ, muốn nghe thì nghe. Đồng chí vặn đài Sàgon cho thiệt lớn lên đi cho mọi người nghe với!

Anh quản lỷ nói câu đó xong, quay lưng vội vã bước ra sân.

Quốc chồm tới, định trả đũa gì đó, tôi bịt miệng Quốc và kéo Quốc ngồi ngả xuống giường :

-Thôi anh ! Đừng nóng! Thôi đi, nóng quá hư bột hư đường. Anh nghe tôi đi.

Quốc gỡ tay tôi ra, hậm hực :

– Anh coi đó! Nó hăm he tôi quá! Mình nhịn nó, nó lừng ! Đâu thử làm gì thì làm đi. Bất quá bị kiểm thảo, cảnh cáo là cùng chớ gì. Nhưng vụ này mà làm ra lớn chuyện thì tôi cũng khai tùm lum ra hết. Cảnh cáo, thì cảnh cáo hết chớ đâu mà cảnh cáo mình tôi được.

Từ ngày vào chiến khu, lúc ở Vườn Thơm tôi cũng đã nghe cãi vã chửi bới hơn một lần về chuyện nghe đài Sàigòn. Hôm ngồi ăn hủ tiếu quán bên bờ Kinh Xáng, tôi nghe tiếng cãi vã ở nhà kế bên.

Xuyên qua câu chuyện, tôi được biết là đêm trước gia đình đó có mở radio nghe cải lương đài Sàigòn. Du kích địa phương đi ngang, ghé vào cự nự, chủ nhà tắt đi. Nhưng chiều tối hôm sau, thằng bé, con chủ nhà táy máy, nghịch ngợm chiếc radio, vặn lung tung đài, nghe nhạc Rock nên ấp đội địa phương đến tịch thu máy. Do đó mà câu chuyện cãi vã, chửi bới xảy ra.

Cho đến hôm nay, tại bệnh viện G2 này tôi lại được nghe lần nữa. Tôi hỏi Quốc về việc cấm nghe radio :

– Anh Quốc! Việc cấm nghe đài địch, khi nãy tôi nghe anh nói R có chỉ thị cấm, nhưng cấm ra sao ?

– Bộ anh chưa biết à ? Đơn vị nào cũng có đem ra học tập, sinh hoạt phổ biến mà !

Tôi cười :

– Chưa ! tôi là lính mới nên chưa biết !

– Quân ủy Miền cũng như Cục Chính Trị R có ra một thông cáo, cấm tất cả mọi cán bộ chiến sĩ không được nghe đài địch cũng như sách, báo tin tức ở thành phổ biến. R quy định rằng chỉ có cán bộ từ cấp F phó, tức Sư đoàn phó trở lên, mà Sư đoàn phó nghĩa là cấp thượng tá ở quân đội chính quy miền Bắc, mới có quyền nghe, quyền đọc. Kỳ dư đều cấm chỉ hết. Ngoại trừ những đồng chí có công tác chuyên môn nghiên cứu, hoặc bắt tin điện đài thì mới được nghe khi có lệnh của trên.

– Nhưng sao, đi qua nhiều nơi, tôi thấy nhiều cơ quan, họ vẫn mở radio bắt đài Sàigòn, đài BBC cả đài Tiếng nói Hoa Kỳ nữa ?

– Ối, cấm thì cấm cho có chừng chứ ăn thua gì anh! Cả cái miền Nam này, ngoại trừ Bộ chỉ huy R ra anh xem thử coi có ai là cán bộ cấp sư đoàn ? Cho nên ở mấy đơn vị xa R, cán bộ trung đội thôi, cũng bắt rầm rầm có làm sao. Mà hễ cán bộ bắt thì lính cũng bắt, nói sao được nó ?

Chuyện đời nó thế. «Phép vua thua lệ làng », nhất là những làng xa, nghìn năm vua chưa đi tới, thì cái chuyện cán bộ, Ban Chỉ Huy của những cơ quan, đơn vị độc lập thản nhiên nghe vọng cổ Sàigòn, chỉ là chuyện thường. Huống hồ vọng cổ Sàigòn, Cải lương Sàigòn có một sức cuốn hút mãnh liệt.

Quốc vẫn còn ấm ức chuyện đã xảy ra, lải nhải một mình :

– Trên văn phòng đó, tối nào anh Mười Phương, ảnh cũng bắt đài BBC nghe tin tức. Hết BBC, vặn đài Sàigon nghe vọng cổ , có ai nói gì đâu. Sao trong cuộc họp tổ Đảng, họp chi bộ hay hội ý mỗi buổi chiều, không ai phản ảnh, không ai đem ra phê bình kiểm thảo đi. Cái thằng cha quản lý ôn vật này cũng vậy, tối nào lại không mò lên văn phòng ngồi nhóc mỏ nghe. Vậy mà y sừng sộ với mình, chán thiệt.

Tuy ấm ức, lải nhải nhưng Quốc vẫn phải tắt radio. Điều đó càng làm cho Quốc ấm ức hơn. Ở rừng về đêm lạnh sớm, thế mà anh ta nắm hai vạt áo hở ngực, giũ nghe phành phạch cho đỡ nực, đi tới đi lui. Sau cùng Quốc bỏ đi chơi sang trại kbác. Còn một mình, tôi leo lên giường nằm nghỉ cho đỡ mỏi .

Cơn bệnh của tôi xem như ngày hôm nay đã lui hoàn toàn. Cơn sốt đã được chận đứng. Tôi không còn sốt nhưng uể oải, yếu đuối lạ thường. Cơ thể tôi bị suy nhược nhanh thật. Năm ngày qua, có lẽ tôi bị sút đi ít nhất cũng năm kí lô.

Để thử xem mình suy nhược đến mực độ nào, tôi nằm ngửa, co hai chân lên, nghễnh cổ trân mình ngồi dậy, nhưng không tài nào gượng lên nổi. Không mượn sức chịu của hai cánh tay, tôi chỉ loi nhoi, ngọ nguậy như một chú bọ hung bị lật ngửa . Ý nghĩ so sánh đó gợi cho tôi hình ảnh vui vẻ hồn nhiên của những ngày thơ ấu.

Mỗi sáng tôi cắp sách đến trường Vĩnh Kim, ngày nào tôi cũng gặp những con bọ hung đang ủi mấy đống cứt gà, cứt heo giữa đường. Và hễ gặp bọ hung là y như tôi phải bỏ cặp xuống đất, bẽ cành cây khều chú ta ra, lật ngửa giữa đường để chú ta đạp loi choi, chới với quay vòng tròn để mà khoái trá.

Bây giờ, tôi đúng là con bọ hung bị lật ngửa. Bỗng tối nghe có giọng cười khúc khích ngoài sân, rồi Duyên hiện ra ở bậc thềm :

– Trời đất ơi ! Anh làm gì kỳ vậy, anh ?

Tôi cũng cười, xuôi hai chân xuống, thở dốc. Vừa thở vừa trả lời :

– Thử tập ngồi dậy một mình đó.

Tiếng cười của Duyên cũng to lên :

– Vậy chớ từ trước đến giờ anh ngồi dậy mấy mình ? Hai mình hay ba mình ?

– Móc quá vậy, Duyên! Người ta bệnh mà! Thử xem coi sức khỏe xuống dốc đến bực nào, không cần tay chống coi có dậy nổi không mà !

– Anh muốn phục hồi sức khỏe như trước, ít nhứt anh phải nằm ở đây dưỡng bệnh hai tháng nữa nhưng…

Duyên ngập ngừng dừng lại ở đó. Tôi thắc mắc :

– Nhưng sao, Duyên?

Duyên không trả lời ngay, đi lần đến cạnh giường tôi hạ thấp giọng xuống vừa đủ nghe :

– Nhưng anh dứt cơn sốt chừng một tuần là phải trở về đơn vị công tác rồi. Ở đây chỉ có điều trị. Dưỡng bệnh là chuyện của cá nhân và đơn vị của anh lo. Anh phải về để trống chỗ cho người khác nằm chớ !

Duyên nói với một giọng buồn. Mắt Duyên xa xôi, nhìn lên ngọn đèn chai treo lơ lửng, cháy leo lét ở thân cột. Tay nàng cầm cái ống nhiệt kế, lêu lêu vào khoảng không. Thủy tinh phản chiếu ánh đèn, loang loáng.

Tôi không muốn nghe những chuyện buồn. Tôi cũng không để Duyên nói cho tôi nghe thêm về những nguyên tắc, những cluyện mà tôi không muốn nghe. Nhìn cái ống nhiệt kế, tôi hỏi Duyên :

– Ủa ! Bộ giờ này Duyên còn đi lấy mạch nhiệt cho ai nữa sao mà xách nhiệt kế đó ?

Nàng quay lại :

– Đâu có, anh ! Nhiệt kế này bể rồi. Hư rồi! Duyên đi lấy nhiệt hồi chiều ở trại một. Bệnh nhân họ làm rớt, báo hại nãy giờ Duyên phải ngồi làm bản tự kiểm. Xong rồi , buồn quá không biết đi đâu nên đến thăm anh.

Tôi lấy làm lạ. Bệnh binh làm vỡ ống nhiệt kế mà y tá, cứu thương phải làm bản tự kiểm ? Tôi ngơ ngác hỏi :

– Sao kỳ vậy ?

– Đâu có gì kỳ, anh! Nguyên tắc của Đảng đề ra mà ! Chẳng những làm bản tự kiểm thảo nộp lên cho Ban Chỉ Huy, chịu khó ngồi nghe người ta «lên lớp» mình mà còn phải bỏ tiền ra mua bồi thường cái khác cho Đảng nữa.

Tôi buột miệng thốt lên :

– Ủa!

– Tại anh chưa rõ đó thôi. Bắt đầu vào học cứu thương ở đây cách lấy mạch nhiệt, huấn luyện viên cũng đã giải thích kỹ về nguyên tắc này rồi. Ống nhiệt làm bằng thủy tinh dễ bể. Khi lấy mạch nhiệt phải yêu cầu bệnh nhân nằm ngay ngắn, không được giao cho bệnh nhân cầm hoặc xử dụng nhiệt kế. Y tá hay cứu thương phải nhẹ nhàng, cẩn thận khi lấy nhiệt, nắm chắc khi vẫy vẫy cho mức thủy ngân tuột xuống. Cất giữ cũng phải luôn luôn nhớ nó là một vật dễ bể. Nếu để bị bể thì bất cứ vì lý do nào, y tá, cứu thương cũng phải chịu trách nhiệm. Đảng nhận xét rằng sự việc đó bắt nguồn từ chỗ cẩu thả, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu ý thức bảo vệ tài sản của Đảng.

Duyên rầu rầu kể cho tôi nghe như trả bài học thuộc lòng. Tôi nghĩ thằng cha nào đẻ ra lý luận trên đây, đáo để thực. Nó đáo để, quá quắt chẳng kém gì cái sáng kiến của bọn tư bản nghiên cứu cho áp dụng phương pháp sản xuất dây chuyền, tính toán chi ly từng giây, biến công nhân thành một cái máy không ngừng hoạt dộng, không kịp thở xả hơi. Karl Marx rồi những kẻ đi sau ông ta không ngớt lên án, xỉ vả. Nhưng những chuyện của chế độ vô sản chuyên chính như thế này sao Đảng không lên án xỉ vả, lại xem đó là một nguyên tắc bắt buộc.

Tôi hỏi Duyên :

– Vì vậy cho nên Duyên phải làm bản tự kiểm để phân tích và thấm thía sâu sắc khuyết điểm của mình ? Rồi phải bỏ tiền ra mua cho được ống nhiệt kế đền lại cho Đảng ! Thế, Duyên đi tham gia cách mạng thế này, Duyên được lãnh lương mỗi tháng bao nhiêu ? Hơn nữa, nếu Duyên chết Đảng có đền cho Đuyên cái gì không nhỉ ‘?

Duyên mở tròn mắt, kinh ngạc nhìn tôi :

– Chết! Anh đừng nói vậy, không nên đâu! Người ta mà nghe được thì phiền toái, nguy hiểm cho anh lắm đó.

Tôi hiểu, nhưng với Duyên không thể nào tôi không phát biểu một cách thật thà những gì tôi nghĩ. Tôi chép miệng:

– Tiền sinh hoạt phí mấy chục, không đủ mua xà-bông tắm, mua kem đánh răng có còn đâu mà đền với không đền!

Những điều này đối với tôi quả thực là mới mẻ, lạ lùng, chưa bao giờ được nghe, cũng như chưa bao giờ nghĩ tới. Đó là những nguyên tắc có lẽ được du nhập từ miền Bắc vào. Vì trước đây, trong cuộc kháng chiến 9 năm chóng Pháp chưa hề có một trường hợp kỳ dị nào như vậy.

Nếu rằng trong cuộc sống chính qui của miền Bắc, cán bộ chiến sĩ đều có lãnh lương, có quy chế thù lao, thì chuyện bồi thường lại nhà nước dụng cụ chuyên môn mà mình làm hư, vỡ không có gì phải thắc mắc lắm. Đằng này đi tham gia cách mạng, mọi người đều phải hy sinh đủ mọi thứ, kể cả sinh mạng mình, còn chịu bao nhiêu là gian khổ, cực nhọc, khó khăn, có được hưởng lương bổng như miền Bắc đâu.

Và dù cho có được hưởng lương đi nữa, thái độ kiểm thảo, bồi thường chưa phải là thái độ tốt, chế độ tốt của nhà nước, mà trong những năm ở Sàigon, cả cải thiếu thời mài đũng quần trên ghế nhà trường tôi chưa hề đọc sách nào, báo nào, tài liệu nào hay nghe bất cứ ai nói đến chuyện nhà nước bắt nhân viên, công chức phải bồi thường vật liệu, dụng cụ của nhà nước bị làm hư.

Sàigòn không có chuyện đó. Các nước trên thế giới cũng không có chế độ đó, nguyên tắc đó. Vậy chế độ đó phát xuất từ đâu ra ? Liên Xô chăng ? Đảng Cộng Sản Trung Hoa chăng ?

Tôi nhớ đến những mụ chủ nhà quái ác, ti tiện mà trước đây tôi thường nghe mọi người chung quanh tôi kể chuyện. Mướn người ở, người làm, mụ chủ đếm từng đôi đũa, từng cái chén, cái tô, mỗi khi bắt gặp người ở làm bể, trừ tiền tháng đã đành mà lâu lâu soát lại thấy không đủ số, dù nguyên cớ mất mát là do con chủ nhà làm bể hay xách đi chơi bỏ mất cũng vẫn bị trừ tiền. Chuyện trừ tiền là chuyện cuối tháng, cuối năm. Còn ngay lúc ấy, mụ chủ nhà «đong đỏng» lên như điện giật, miệng thì chửi rủa, «đào mồ cuốc mả» ông bà, ông vải người ta lên. Tay thì vừa tát, vừa đấm, vừa ngắt véo đủ trò.

Bây giờ… bây giờ chuyện làm vỡ nhiệt kế của Duyên nhắc cho tôi nhớ đến những mụ chủ nhà quái ác, ti tiện đối với người ở, người làm. Tôi nghe nó cay đắng làm sao. Không biết Duyên nghĩ gì về chuyện nhiệt kế bị vỡ ?

Tôi hỏi Duyên :

– Duyên này ! Duyên nghĩ gì về chuyện đó ?

Mắt Duyên ngơ ngác, nhìn quanh sợ hãi :

– Đừng… đừng anh ! Thôi, bỏ đi anh! Hôm nào rảnh, thuận tiện Duyên nói chuyện cho anh nghe nhiều. Trong đó có chuyện của anh nữa !

Tôi ngạc nhiên :

– Chuyện của tôi ? Chuyện gì vậy ? Cái thân tôi bệnh nằm một chỗ, gìn giữ từng lời thì còn có chuyện gì? Hệ trọng lắm không?

– Nếu anh cho nó hệ trọng thì nó hệ trọng. Còn anh không quan tâm thì nó chẳng đáng chi. Nhưng nó sẽ làm phiền anh nhiều chứ không ít đâu!

– Chà! Gì mà hồi hộp quá vậy Duyên ?…

Chợt có tiếng vỗ tay đôm đốp ngoài đường, cắt đứt câu nói của tôi. Và giọng ông quản lý oang oang :

– Sinh hoạt văn nghệ nghe ! Yêu cầu các đồng chí tập trung xuống nhà ăn sinh hoạt văn nghệ nghe!

Duyên nói nho nhỏ :

– Tối thứ bảy nào cũng sinh hoạt văn nghệ toàn Viện. Bữa nay, thứ bảy đó anh! Anh đi không ?

– Không! tôi hãy còn mệt lắm, Duyên! Cái trò ca hát om sòm, đông đảo, giờ tôi nghe sao không còn thích hợp với tôi nữa. Duyên có đi thì đi đi!

Duyên miễn cưỡng đứng dậy :

– Duyên cũng không thích như anh ! Nhưng không đi họ thấy ở nhà nói chuyện thì họ lại lôi ra kiểm thảo, phê bình cho là thiếu tinh thần văn nghệ, thiếu thanh niên tính, còn khép vào cái khoản không chấp hành tốt nội quy của đơn vị đề ra.

Có lẽ anh chàng quản lý hãy còn cay Quốc, chỉ muốn tìm đủ mọi cách đề «gỡ» nên anh ta còn đứng ở ngoài đường trước trại tôi nằm, chỏ miệng vào :

– Mấy đồng chí trong trại hai đi sinh hoạt nghe. Ngồi nói chuyện hoài.

Tôi biết anh chàng muốn kiếm chuyện thực sự nên tôi lên tiếng để cho anh ta biết tôi không phải là Quốc :

– Bệnh binh mà sinh hoạt văn nghệ gì, ông quản lý! Tôi ngồi còn mệt hát xướng làm sao nổi ?

Không hiểu cố ý hay vô tình, anh ta hỏi lại :

– Ai nói đó ?

Anh ta vừa hỏi vừa xăm xăm đi vào trại. Từ ngoài trời đêm, anh ta hiện ra trước ánh sáng đèn :

– Ai nói đó? A! Anh Hùng!

Bỗng anh ta cười :

– Đồng chí Duyên nữa ! Đồng chí Duyên sao tới giờ này chưa đi. Làm gì đây ? Chà, tâm tình với anh Hùng chắc ?

Tôi thấy mặt Duyên cau lại. Câu nói có tính cách châm chọc của anh chàng quản lý đã chạm vào cái bồ tự ái của Duyên. Nàng lớn giọng :

– Nè đồng chí ! Đồng chí hổng được nói bậy đó ! Sao đồng chí ăn nói hồ đồ vậy ?

– Cha ! Không phải sao? Vậy chớ đồng chí nãy giờ ở đây làm gì ? Không tâm tình thì làm gì chớ ? Giờ sinh hoạt thường lệ, đồng chí biết quá mà, sao đồng chí không đi. Xuống trại bệnh với đồng chí Hùng làm gì. Đồng chí còn dám nói hỗn bảo tôi hồ đồ hả ?

– Tôi không hỗn với ai hết ! Đồng chí lớn mặc đồng chí, ăn nói hồ đồ thì tôi cứ bảo là hồ đồ ! Đồng chí chưa nghe người ta nói gì sao đồng chí biết là tâm tình ? Hễ xuống trại bịnh nói chuyện với bịnh nhân là tâm tình sao ?

– Tôi đoán như vậy ! Ủa! không phải thì thôi sao đồng chí lớn lối quá vậy ?

– Đồng chí lối hay tôi lối ? Gặp ai, đồng chí cũng có thể bắt tròn bắt méo, kiếm chuyện gây gỗ với người ta được. Lạ quá? Cũng may, đồng chí chỉ là quản lý, phải đồng chí làm thủ trưởng chắc không ai chịu nổi quá!

– Thôi, im đi đồng chí! Tôi vì cách mạng bảo vệ những nguyên tắc của Đảng đề ra, tại sao đồng chí hỗn láo. Đồng chí chống đối kỷ luật của Đảng hả ? Tôi sẽ báo cáo vụ này lên Ban Chỉ huy. Đồng chí chỉ là quần cháng. Xí! Tiểu tư sản học sinh hả ? Liệng đi !

Anh ta vừa nói vừa đi ra. Duyên không kịp trả đũa thêm lời nào thì anh ta đi mất. Hai hàng nước mắt Duyên chảy tuôn, ấm ức :

– Người đâu có loại người kỳ cục. Chó hết sức!

Tôi thở dài, ấm ức lây. Quả tôi là người vô can bỗng dưng cũng thành chuyện được.

Duyên đưa tay quệt nước mắt. Đoạn nhìn tôi cái nhìn buồn thảm làm sao rồi lặng lờ đi qua cửa. Tôi trông theo nàng ra trời đêm cho đến chừng không còn nghe tiếng chân bé nhỏ dẫm nhẹ lên mặt đất.

Và cũng từ hôm đó, tôi không còn gặp lại Duyên. Hỏi ra, tôi mới biết nàng được phân công đi xuống đồng bằng Bình Dương, tải gạo với nhiều anh chị em khác nữa. Nhưng tôi không sao không lấy làm lạ là cho đến hai hôm sau nàng mới đi, trong thời gian đó sao nàng không ghé qua thăm tôi lấy một lần ? Bận gì thì bận, có lý nào bận suốt hai mươi bốn giờ một ngày ? Hay đã có việc gì đó xảy ra mà tôi không biết ?

***

Tính ra tôi nằm tại bệnh viện G2 được hai tuần thì buổi sáng, tôi được phép rời bệnh viện trở về đơn vị tiếp tục công tác. Trước khi về, tôi phải đến văn phòng quản lý thanh toán gạo và tiền ăn.

Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao lại có chế độ bệnh nhân thanh toán gạo và trả tiền khẩu phần cho bệnh viện. Cán bộ, chiến sĩ của Đảng, của Cách mạng bị bệnh được đơn vị đưa đến nằm bệnh viện lại phải trả gạo trả tiền sao ?

Tôi hỏi, người ta giải thích cho biết mới vỡ lẽ ra rằng việc thanh toán gạo và trả tiền khẩu phần là nguyên tắc tài chánh giữa quản lý bệnh viện và quản lý đơn vị của bệnh binh. Khi bệnh binh về đơn vị không có quản lý của mình thì bệnh binh thanh toán thay hoặc ký nhận vào sổ nợ để sau này quản lý đơn vị trả lại.

Đường rừng đối với tôi là một điều mới mẻ, chưa đi một mình bao giờ cũng như chưa biết lối nào sẽ đưa tôi về đến B2. Do dó thay vì về buổi sáng, tôi phải ở lại chờ đến sau buổi cơm chiều, bệnh viện mới có người rảnh đưa tôi về.

Ngỡ đường từ G2 về đến Ban Chính trị cách nhau xa, phải mất nhiều giờ nhưng anh cảnh vệ dẫn đường cho biết gần nhau thôi. Đi nhanh mất chừng bốn mươi phút, đi chậm cũng một giờ là cùng. Tệ thật ! Tưởng xa xôi gì, cách nhau hơn nửa giờ đi bộ, suốt hai tuần qua ở đơn vị tôi B2 chả có được một người đến thăm tôi.

Ở gia đình, có cha mẹ anh em, thân quyến hay bạn bè thăm hỏi chăm sóc cho nhau. Đi vào Cách mạng thì còn đồng đội, đồng chí, đơn vị của mình. Trong câu hát lời ca, trong những tác phẩm văn nghệ không ngớt những lời ca tụng «tình đồng chí thương yêu ruột thịt », diễn tả nó như là một thứ gì cao cả, thiêng liêng, keo sơn gắn bó, mặn nồng tha thiết nhưng thực tế khác đi nhiều. Nghĩ đến điều đó, tôi không buồn nhưng nghe sao xót xa ! Tôi nhớ đến chuyện «đồng chí » suýt bắn nhau ở Vườn Thơm, chuyện «đồng chí» quản lý và đồng chí bệnh binh v.v.. Khi vui không thấy gọi nhau bằng đồng chí, lúc «choảng» nhau đổ lửa thì mở miệng ra xưng hô «đồng chí». Vậy ra danh từ «đồng chí» buồn thật.

Cũng có thể người ta cho tôi là loại trí thức mang nhiều mặc cảm, lại sống nhiều bằng cuộc sống nội tâm, tế nhị, nhạy cảm, nhất cử nhất động phía bên ngoài xảy ra đều xét nét, suy tư, chỉ biết nhìn vào khía cạnh xấu của cuộc đời, hoài nghi, bi quan trong việc đi tìm chân-thiện-mỹ. Cho nên tôi đã nhìn bằng một con mắt khác, suy diễn mọi sự việc xảy đến với mình, dưới góc nhìn chủ quan nghiệt ngã đó. Hoặc người ta có thể cho đó là một thứ bất mãn bắt nguồn từ chỗ tự ái vô lý, tự cao tự đại, hợm hĩnh, lúc nào cũng cứ tưởng mình là cái rún vũ trụ, lúc nào cũng chỉ biết đòi hỏi, hưởng thụ.

Thử xét lại mình, thành thực mà nói, tôi chưa biết rõ mình ra sao. Duy chỉ có điều tôi biết rất chắc là tôi bị đẩy vào khung cảnh nghịch thường, một cái mắc xích lỏng lẻo trong sợi xích dài, miễn cưỡng quay tròn quanh trục bánh xe răng lởm chởm. Bởi thế, tôi không thể nào không nghĩ trước mỗi sự kiện đến với tôi.

Buổi chiều ở rừng sâu mau tối thực. Mới 5giờ30, bóng tối đã lan dần. Cảnh vật chung quanh sẫm lại. Khi đến con suối nhỏ, phía sau nhà bếp đơn vị của tôi, trời đã tối đen . Đưa tới vào nhà bếp, anh cảnh vệ vội đốt đèn chai lên, từ giã tôi, hấp tấp quay trở về bệnh viện.

Mò trong bóng đêm, tôi đi về phía văn phòng. Vừa đi vừa sợ rắn. Trên văn phòng, đèn ống khói đốt sáng. Tiếng nói chuyện rì rầm. Càng đến gần tiếng nói càng rõ dần.

Bỗng tôi chợt nghe tiếng Ba Biếu nói:

– Từ hôm nghe anh em bên G2 phản ảnh, tôi định đề nghị trả y về bên Mặt Trận để xử dụng ở mấy cánh đô thị như cánh của chị Ba Tú, cánh anh Năm Mèo nhưng nghĩ lại mình ở đây mà không giáo dục, uốn nắn nổi y sao? Về mấy cánh đô thị, tiếp xúc sinh hoạt bừa bãi còn làm y hư thêm thì khốn.

Tôi đứng sửng lại, hồi hộp lắng nghe. Rõ ràng Ba Biếu đang nói về tôi. Tôi muốn biết người ta nghĩ gì về mình, nhận xét về mình như thế nào, giờ là một tình cờ ngoài sự trông đợi của tôi. Tôi đã làm nên lỗi gì ở G2? Bên ấy «phản ảnh» gì đây? Tôi «hư» gì mà người ta phải giáo dục, uốn nắn.

Tôi dáo dác nhìn quanh, sợ có người đi đến. Không ai cả. Tôi vội nép vào gốc dầu to trước mặt. Trong khi đó tiếng Bảy Cảnh vọng ra:

– Hôm y ra rẫy, chưa được bốn tiếng đồng hồ đã gây chuyện với thằng Sơn. Không được. Tay này coi bộ bướng bỉnh, vô kỷ luật, vô tổ chức quá. Thằng Sơn hổng tức dài sao được khi y làm trời bảo nó:”Phân công tác hả? Thủ trưởng của chú mới có quyền!”. Y tưởng thiệt là anh bảo y ra suối câu cá nên khoái dữ.

– Coi vậy mà sau đó rồi y cũng ra rẫy chặt cỏ hôi. Tự ái vặt chớ cũng biết thân lắm.

Bảy Cảnh cười:

– Còn chuyện bên G2 ra làm sao anh Ba? Hổm nay tôi đi công tác trên C.110 chưa nghe. Rắc rối gì bên G2 hả anh?

– Anh biết con Duyên bên G2 chớ?

– À, à! Con nhỏ cháu của canh Tâm bên Cục, ảnh rước từ Sàigòn vào đây gởi học cứu thương hồi năm ngoái đó chứ gì? Nữ sinh Gia Long! Con nhỏ hấp dẫn thiệt mà! Chắc y «quạt» con Duyên…

– Đúng! Nằm bệnh viện có mấy hôm đã «quạt» tưa lỗ tai hết! Quản lý G2 bắt gặp y với con Duyên, hai chư vị tắt đèn, trốn sinh hoạt tối thứ bảy nằm tâm tình ở trại bệnh coi bộ mùi mẫn dữ!

Mồ hôi trên trán tôi rịn ra. Đầu tôi nghe lảo đảo. Cái thằng quản lý thêm bớt, đặt điều cố tình hại tôi và Duyên. Tôi đau vô tả. Người đâu có loại người vô liêm sỉ đến thế không biết nữa.

Tiếng cười của Bảy Cảnh vọng đến càng làm tôi muốn nổ đom đom mắt. Anh ta xác định :

– Thì ra Đảng đánh giá về bản chất giai cấp có sai đâu. Bọn đó là vậy mà ! Đạo đức suy đồi, bệ rạc, đàng điếm, dâm ô của xã hội đế quốc, tạo nên hàng ngũ trí thức của chúng hư đốn chỉ là quy luật tất nhiên của biện chứng pháp thôi.

– Vụ thứ hai là bắt đài Sàigòn nghe cải lương. Còn mấy vụ khác nữa. Tác phong của y cũng chướng lắm. Tự cao tự đại, khoái nói tiếng Tây, sửa lưng người này, người nọ như cái đài cứ bảo là radio. Tôi có bàn với Đảng ủy rồi… anh Hai Cà cũng đồng ý là chừng anh ta ở bệnh viện về, đưa anh ta lên 195 cho lao động sản xuất ít lâu rồi sẽ tính. Dầu sao, anh ta cũng có một mớ vốn hiểu biết, giác ngộ cách mạng 9 năm kháng chiến trước đây. Mình chịu khó uốn nắn, giáo dục thì cũng xài được, không đến nỗi nào. Đầu tiên hãy cứ kiên nhẫn theo dõi, tôi nghĩ anh chắc cũng đồng ý với tôi…

Nghe qua những câu nói đó, tôi thấy điếng người lên. Bỗng không người ta có thể dựng đứng những cái hèn, cái nhục, những khuyết điểm vô lý để gán cho tôi. Cái chuyện ngoài rẫy, Sơn đã về báo cáo với Ban Chỉ Huy thế nào? Lỗi ở tôi tự cao tự đại à ? Nguyên do là như vậy à?

Rồi đến chuyện trốn sinh hoạt tối thứ bảy, tắt đèn nằm tâm tình mùi mẫn với Duyên ở trại bệnh, bị quản lý bắt gặp ? Tôi muốn chạy một mạch đến bệnh viện để hỏi tên quản lý cho ra lẽ, ức không chịu được.

Báo cáo, người ta cũng đã báo cáo rồi. Cái hệ thống kiểm soát, báo cáo của họ được giăng ra chung quanh tôi theo chiều hướng đó, thì tôi có gắng dẫy dụa gì đi nữa cũng là vô ích.

Tôi bất lực rồi. Không còn cách phản ứng nào khác hơn là tự nhiên để cho hai dòng mước mắt từ từ lăn xuống má, xuống miệng. Sự hy sinh và đóng góp công sức của tôi vào cái gọi là Cách Mạng, đánh đổi được những điều như thế đấy. Bao nhiêu cố gắng, nhẫn nhục của tôi giờ chỉ là công của dã tràng xe cát.

Tôi đứng tựa lưng vào gốc dầu rất lâu, không buồn bước vào nhà. Tình cờ tôi được nghe những điều mà người ta đã gán cho cũng như thái độ và cách đối xử, quyết định số phận về tôi, giúp cho tôi thêm sáng mắt

Tôi muốn chất vấn, muốn hỏi cho ra lẽ những sự kiện dựng đứng, muốn mắng họ mấy câu mới hả được nỗi bực tức của tôi, nhưng tôi nhận ra rằng tất cả đều vô ích.

Trong việc tôi và Duyên, tôi không phủ nhận là tôi có cảm tình, có để ý đến Duyên. Có lẽ Duyên đến với tôi cũng vậy. Nếu tình trạng gần gũi đó kéo dài, đến ngày nào đó có thể sẽ tiến đến tình yêu. Chuyện đó là chuyện sau này với những điều kiện thuận tiện, nhưng bây giờ thì chưa.

Chúng tôi chưa hề có một cử chỉ nào thiếu đứng đắn, lễ độ, vượt quá sự quen biết, bạn bè. Ví dụ cho tôi và Duyên có yêu nhau đi nữa cũng đâu phải là một trọng tội, một điều phi lý, một cái gì quái gở, lạ lùng. Trong chiến khu người ta không chấp nhận tình yêu sao ?

Huống hồ, tôi và Duyên chưa có gì hết. Thế mà người ta vẫn nhận xét được, quy chụp cho cái bản chất hèn hạ theo quy luật của họ.

Người ta đã đánh giá tôi như thế đó, đã nghi ngờ theo dõi tôi thì phản ứng của tôi bất cứ dưới hình thức nào cũng đều không có nghĩa gì với họ.

Được ! Người ta dám nghĩ, dám kết luận như thế thì đó là một sự lăng nhục, một sự thách thức. Nó còn là sự miệt thị xấc xược và vô lý đối với tôi. Tôi liều rồi. Tôi bị dồn vào bước đường cùng rồi. Chiếc lò xo nén quá chặt, nó sẽ bật ra. Tôi chấp nhận lời thách đố đó.

Nếu tôi biết trước rằng sự hy sinh của tôi chỉ toàn gặt hái được những kết quả thế này thì tôi đã chấp nhận sự thách thức từ mấy năm trước nữa kia.

Bây giờ… bây giờ giữa rừng già mênh mông không quen lối, quen đường, tứ cố vô thân, chung quanh toàn những kẻ đối đầu với mình. Tôi làm thế nào đây ? tôi còn biết làm thế nào !

Tôi thở dài. Trong một thoáng tôi thấy lòng mình dịu lại. Đành rằng tôi tiếc rẻ là đã phí đi những ngày vô ích và sự hy sinh nghịch thường, vô lối nhưng nó giúp tôi dựng lại một quan niệm đúng đắn và rõ ràng về lý tưởng cũng như hướng đấu tranh trong tương lai.

Hết rồi ! Hoàn toàn hết sạch rồi. Chút lòng tin trong sự buông trôi, chút hy vọng giữa lòng lâu nay mong manh như chiếc lá vàng cuối cùng của rừng thu vừa rụng xuống. Rừng chỉ còn thân cây trơ trọi.

Tôi đã vượt quá mức chán chường rồi đó. Chúng ta không còn là bạn nữa, chỉ là thù đấy thôi. Vì sao, các người đã rõ rồi.

Hết Quyển I

No comments:

Post a Comment