Thursday, November 30, 2017

TÌM LẠI DẤU XƯA.- Nguyễn Văn Hải CCN

 Doanh Trại Chiến Đoàn 1 Xung Kích



Thân thể bỗng trì nặng và hai lỗ tai tôi bập bùng kèm theo lời thông báo máy bay đang hạ cao độ để xuống phi trường Phú bài với trời hanh nắng và nhiệt độ từ 28 đến 30. Lúc này là 12 giờ 15 phút. Trên hàng ghế ba chỗ ngồi Anh Thương, người chiếu hữu của tôi, đang chỉ cho Nga, bạn cùng đến Huế thấy quang cảnh đầu tiên. Anh Thương với tôi chuyến này đi thăm thú và tìm về những kỷ niệm thời quân ngũ có từ trước đây nửa thế kỷ qua. Điểm thích thú nhât vẫn là gặp lại số đông anh em chiến hữu đang sống tại Đànẵng…Bản doanh của đơn vị chúng tôi có tên gọi CCN (Command& Control North) tại bên cạnh núi Non nước (Ngũ hành sơn) mà người Mỹ lúc ấy họ gọi là…Marble Mountain.
      -Taxi đã được những người bạn Anh Thương thuê đón ba chúng tôi về thành phố Huế…Chiến hữu Thương cùng tôi một đơn vị, một thời quân ngũ và với tôi trong mặt trận Phan rang…Anh làm nghề Phong thuỷ (feng Shui) hiện đang hành nghề tại Mỹ…Một nghệ thuật sống mới ở phương Tây dậy người ta thiết kế nhà ở, phòng làm việc dể song tốt hơn và nó đã trở thành cái mốt. Các kiến trúc sư, giám đốc doanh nghiệp, bác sĩ, nhà trang trí nội thất…quan tâm ngày một nhiều hơn đến nghệ thuật Phong thuỷ…có nguồn gốc từ Trung quốc này. Phong thuỷ dựa trên định đề là những gì quanh ta dù nhỏ nhặt trong cách trang trí nội thất, nhà cửa, văn phòng đều ảnh hưởng đến trạng thái sung túc,hạnh phúc, sức khoẻ và cả đến sự thịnh vượng. Năm yếu tố của Phong thuỷ (sơn, mộc, thuỷ, hoả, thổ) đều phải có mặt một cách khoa học trong thiêt kế…nhất là sơn, thuỷ, cặp yếu tố mang tính giao hoà trường cửu trong xây dựng.  Tại những cửa hàng, khách vào đây đều nán lại rất lâu vì họ càm thấy có bầu không khí tốt…hay như khi bài trí lại căn hộ và cảm thấy sống thoải mái hơn…hoặc khi tô sơn lại nhà bếp, thay đổi vị trí bàn ghế v.v. và chẵng hạn bức tường nằm sau lưng người đang ngồi sẽ mang lại sự tự tin và ổn định…Thày Phong thuỷ phải có phối hợp nghệ thuật và trình độ để thấu hiểu trong cách lựa chọn vật liệu, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, màu sắc các vật dụng, bàn ghế, đồ trang trí…Tất cả đều không có gì là tình cờ.  Cái vỗ vai kèm theo tay chỉ của Anh Thương…” Có còn nhớ căn cứ FOB1…trên mảnh đất đó? “ Khu đất trống cạnh cái cổng đề Doanh trại quân đội nhân dân, trống lốc cỏ mọc hoang và lác đác những bụi lau kia cũng đủ để mở toang ký ức trong tôi… Nơi này khi xưa căn cứ FOB1 (Forward Operation Base 1) cùng với phi trường Phú bài thường xuyên xuất phát những cuộc hành quân Biệt kích nhắm vào đất Lào hoặc biến giới Lào Việt của đơn vị chúng tôi. Lòng tôi bỗng chùng xuống, thế mà đã nửa thế kỷ qua đi nhưng chả đủ để xoá đi hình ảnh của một thời chinh chiến ấy!  Sau năm thi trượt là ngã rẽ cuộc đời với những bước đi chập chững vào đời trên con đường nhất định theo lệnh động viên.. Từ giã học đường tôi như chạy với nếp sống mới của đời quân ngũ cùng các chiến hữu. Nắng gió và mưa trong chương trình huấn luyện khắt khe để thời gian sau đó Cố vấn người Mỹ và ban huấn luyện trong buồi tuyên bố… Các bạn đã trở thành Biệt kích quân. Cùng lúc ấy chiến trường tạm lắng sau tồng công kích Tết Mậu thân. Tiếng cười của Nga đủ lớn để tôi trở vế thực tại. Xe đang qua một cây cầu và đường dẫn vào thành phố đẹp thênh thang.. Ấn tượng đầu tiên trong bầu không khí trong lành với nắng hanh hoe giấc trưa thêm mức đi lại vừa phải trái ngược với Thành phố HCM luôn kẹt xe và ùn tắc giao thông…. Dần vào thành phố, Huế qua giấc trưa như im lìm dưới nắng… khẽ khàng và vẻ thầm kín. Ấn tượng an bình khi không bóng dáng công an giao thông… Anh Ngọc tiếp đón chúng tôi khi xe vừa đến quán Tẹo để ăn trưa. Cô Nga nói lời tạm biệt vì có chương trình riêng. Bên kia đường toà dinh thự triều Nguyễn cửa đóng then cài dưới vườn cây râm mát ần chứa vẻ kỳ bí thâm sâu. Món heo luộc với mắm tôm chua với dưa giá chua khích thích khẩu vị và bên kia bàn Anh Thương khen ngợi món cá bớp bên bát canh khổ qua nấu tôm xanh mầu lục diệp. Chúng tôi rời quán, cái áo khoác luôn bên người mà Anh Thương gọi đùa là…” mang theo cả sơn hà.” Vô tình đang mắc kẹt ở gầm ghế.
         -Nhà Anh Ngọc ở gần cầu Gia hội một quãng. Gia cảnh vợ mất sớm và nay Anh ở độc thân vì các con Anh sớm ra đời và đã có nhà riêng. Nằm nghỉ được một lúc tôi bật dậy háo hức muốn khám phá… quả nhiên du lịch là một sự ra đi và trên con đường về đây tôi đã thấy những nét quyến rũ cổ xưa. Nhất là khi ập vào mắt từ cửa hàng bán gốm sứ tràn ngập mầu lam Huế. Như khi qua cầu Trường tiền nhìn sông Hương lặng như không chẩy mà người ta nói nó là trục chính dể xây dựng nên kinh đô. Thời gian của buổi qua nhanh. Chân chúng tôi như chạm vào mầu ửng của chiều nắng tắt. Quán cà phê bên đường tạo cơn thèm và giữ lại bước đi. Bên kia cổng Hiển nhơn ba cửa đang mở có hai cho khách tham quan. Giọng ca Hà Thanh người con gái của đất thần kinh đang ngọt ngào trong ca khúc đẫm Huế. Anh Thương vừa đưa tay cười to vẫy chào người bạn mới tới… Cỏ lau Bạch mã, bút hiệu thay cho tên và sau đó là Anh Chơn. Thành phố chắc đã lên đèn nhưng nơi đây kinh đô như chìm trong giấc ngủ bên những vườn cỏ mênh mông và thành quách phủ mờ trong yên tĩnh thực dễ chịu… Và chỉ còn ánh sáng đô thị ở về phương Nam. Theo bước chân nước sông Hương trầm mặc đen ngòm phản chiếu.
         -Huế đêm qua có mưa nhẹ khi tôi ra phố nhìn lên đường, còn giờ đây sương mù len lỏi. Quán cà phê bên đường Trịnh công Sơn sát bờ sông Hương càng lúc tụ tập thêm bạn bè và đây là lần đầu tôi gặp Bùi Tạo… sau chót là Nga… cô bạn cùng chuyến bay ra đây. Ly cà phê cảm ngon hơn khi gió sông nhè nhẹ và sương mù e ấp. Nắng đã chếch ngang mặt toả mầu mờ đục tạo cơn mưa sương như bầy tiên giáng. Một con đò sình sịch vừa cập bến và Anh Ngọc nói với tôi bên kia là cồn Hến, nơi mà chúng tôi dự định ăn sáng tuy rằng nhìn theo tay chỉ cảnh vật bên kia sông vẫn ẩn hiện sương bay. Con đò tuy cũ nhưng chẳng mấy khó khi chuyên chở qua sông bởi dòng như không chảy. Bước chân trên sự chòng chành lên thềm bậc đá mà người duy nhất được dìu đi là Nga tỏ vẻ nũng nịu trong cái sợ mà thích thú. Con đường đi với nhà cửa hai bên nhưng lại như núp vào cây lá. Anh Ngọc đi chọn quán cơm trong khi chúng tôi chân đi vào sân ngôi Chùa có hồ sen rông trước mặt và lặng lẽ… Bước đi trong không gian u tịch, thâm nghiêm theo mùi nhang khói và chiêm ngắm nét cổ xưa đang giấu mình như lờ mờ trong khu vườn bao quanh bên hồ sen tạo nét bát ngát mát dịu. Một bụi hoa khoe sắc tím mầu của Sim vẫy nhẹ theo gió bật dậy trong tôi một lần lên lăng Minh mạng… Màu tím hoa vẫy chào, Sim đua sắc còn tôi phút chốc lặng người đam mê… Quán ăn được chọn và nổi tiếng nhất nơi đây, hơi vắng khách vì có lẽ đã qua giờ ăn sáng. Bài trí đơn sơ trong vườn nhà mát dịu bóng cây. Quán quá bình dân và tôi hơi ngạc nhiên khi món ăn nổi tiếng được dọn ra. Không cầu kỳ thậm chí xét ra còn nhếch nhác… nó đã mang đến cho tôi sự phật ý ban đầu. Một dĩa hến khá to và một chén mắm ở giữa những mỗi người một bát cơm làm sẵn kèm theo chén nước luộc hến. Thấy tôi cầm muỗng lau Bùi Tạo nhanh nhẩu nói  “Muốn ngon anh phải ăn bằng đũa… trộn đều chén cơm cho thấm gia vị xong đổ chén nước hến đến xâm xấp… nâng hẳn lên dùng đũa và cơm miệng húp chất nước đã hoà quyện…” Mọi người đã bắt đầu tuy rằng tôi hơi ngần ngại… Anh Thương và Nga đang khen miếng bánh đa  múc hến. Còn Tạo vừa xong chén cơm thứ nhất kể rằng có cái gì đó khó lý giải qua dân gian đồn đại là các cặp trai gái trước thềm hôn nhân… hễ đến Linh mụ thì thường gặp khó khăn, đổ vỡ trái lại cặp đôi nào tới cồn Hến y như rằng toại ý… Chồng chén mỗi lúc một cao, mọi người ăn đến no trước cái hấp dẫn của món và tôi khám phá ra rằng… chính con Hến ở vùng này quả là đặc sản tạo nên sự nổi tiếng.
          -Xe Anh Chơn dừng bên đường và đây là Phù lương. Cái địa danh vẫn tên cũ nhưng theo tay Anh Thương chỉ phía bên kia đường nơi khu cỏ trống trước kia là Trại FOB1 mà nay tôi không thể nhận ra… nhưng ký ức hiện ngay cùng lúc hình ảnh thời chinh chiến cũ…FOB1 (Forward Operation Base 1) Tiền doanh đầu của kế hoạch OP35 (Oplan 35) của Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt nam (MACV) được gọi là Đoàn nghiên cứu quan sát (SOG)  Special Operation Group. Đặc trách do thám đường mòn Hồ chí Minh… Vẫn hình ảnh từ ngày nào khi mà Trại chúng tôi chờ đợi bóng của những trực thăng H34 đen rằn xuất hiện ở hướng Tây mang theo Toán Thám sát vừa mới được giải cứu hoặc những toán viên mất tích được tìm thấy cứu về, nhưng thất vọng hơn vẫn là chẳng cứu được ai mà chắc rằng chuyên viên phải đếm vết dạn nơi trực thăng để sửa… Xe qua thêm một đoạn… con đường dẫn vào phi trường Phú bài… Dưới hàng cây râm mát nhìn toàn cảnh mà vấn vương gợi buồn theo dấu vêt chân xưa… Ngày ấy phi trưởng tăng công xuất vì nhu cầu chiến trường nườm nượp máy bay lên xuống… trong số hầu như ngày nào đoàn trực thăng của Phi đoàn 219 cất cánh từ đây thả và rước các Toán Biệt kích ở Trại FOB1 đảm nhiệm hành quân các khu vực… qua vĩ tuyến 17, đèo Mụ già sang Lào xuống đến thung lũng Asau. Lòng chưa nguôi chợt sực tỉnh vì chiếc điện thoại… Tâm Tiến, một chiến hữu ở Đà nẵng báo đã đặt xong tiệc họp mặt và có khoảng 20 người tham dự. Tiếp hành trình Anh Chơn đang cho xe tìm quán bà Sửu để ăn trưa với nổi danh phục vụ một món độc nhất… bánh ướt thịt heo luộc hay quay.
         -Dưới chân đèo Hải vân, cảnh vật được mệnh danh đệ nhất hùng quan quả đang làm tôi nhẹ tâng thanh thoát và nhớ lại chiều qua đi thăm mộ Mẹ Anh Thương xong chúng tôi đến phá Tam giang. Giữa cầu Tư Hiền phía trước núi chắn biển để lộ sóng giao sông và rồi như ùa về phương Nam bao la mây nước chạm vệt núi chân đèo… Ngước nhìn trên cao sải về Tây núi rừng hùng vĩ thoải dãy đồi miền Trung du chạy dài ôm phủ kinh thành với những đền đài, di tích, cổ tự, lăng tẩm và những dòng nước tự đại ngàn ấy tạo thành con sông Hương… chuyên chở tất mọi giao hưởng của văn hoá xứ sở… trầm mặc như triêt nhân trước khi hoà vào phá Tam giang kề biển… Chưa hết đến đây phá thay sông bát ngát về Nam gặp Bạch mã, đầm Cầu Hai và đẹp thầm kín với Cảnh dương, Lăng cô… dưới chân Hải vân. Xe đang vào đường hầm xuyên đèo, lòng tôi bỗng chưng hửng khi ùa về hình ảnh Bửu Chính người Trưởng Toán cùng tôi trên đèo đến Huế vào cuối năm 1968… giờ mà tiếc đi những cảnh vật in hằn trong tôi của một thời. Bùi Tạo chỉ những vết nứt trên tường hầm và nói lên e ngại về mặt kỹ thuật.
    -Bầu khí thật dễ thở khi xe vừa ra khỏi hầm và toàn cảnh thành phố Đà nẵng hiện dưới chân. Xe đến cây cầu sắt Nam ô và làng chài chả xa lạ gì  bởi không thay đổi cho lắm… nơi đây thời chiến tranh tôi vẫn thường qua lại. Có khác chăng khi xe rẽ hẳn vào con đường mới mở sát biển. Nơi đây vào những năm thập niên 60 quân đội Mỹ đã đổ bộ quân thiết bị và họ đặt tên “Red beach” cho vùng biển này. Cùng thời điểm bãi biển Mỹ khê được gọi là “China beach” Nơi đây các đơn vị tác chiến Mỹ được đổ bộ hằng đêm. Núi Sơn chà (tôi vẫn thường xài từ rất lâu chữ “ch” thay cho hiện nay “tr”) còn có tên gọi là núi khỉ… cũng được đặt tên Monkey mountain và Non nước tên Marble mountain. Anh Chơn cho xe đậu lại một quán bên đường và Anh Thương liên lạc với anh em để hỏi vì lo ngại cấm đường khi Đà nẵng đang chuẩn bị cho hội nghị Apec sắp diễn ra. Tôi nhận ra nơi đây khu biền Thanh bình khi xưa. Gió từ biển lộng vào theo sau sự xuất hiện của Anh Thái và Đức đến để dẫn đường.
       -Anh em ùa ra đón khi xe vừa dừng. Lại có người lớn tiếng hay đúng hơn là hét lên gọi tên chúng tôi. Sự hoan hỉ hiện trên mọi gương mặt nhưng không che được sự già nua! Và nghĩa huynh đệ chi binh theo từng cái ôm của vòng tay thắt chặt. Tôi đang có cái choáng váng hay hơi lịm đi theo tình chiến hữu dâng dạt dào… cùng nhau vào bàn tiệc trên lầu 1 của nhà hàng. Những bước rắn rỏi của ngày nào nay ai cũng tỏ rão rệu khi bước trên những bậc thang. Thời gian nửa thế kỷ đủ để “Sơn trắng đầu ông Ngoại” ai đó đi bên trên ư ử bài hát mà bất cứ người lính của Quân lực Việt nam Cộng hoà… nào cũng thích nhưng khôi hài chẳng bao giờ gọi cho đúng tên. Khổ nhất có lẽ là Anh Thương ì ạch ở phía trên với cái bụng to quá khổ như người vác thêm cái trống mà leo. Náo nhiệt lại bùng lên khi anh em chọn chỗ ngồi để dễ bề tâm sự… Ở đầu bàn Ngô Thi rót ly bia mời tưởng nhớ các chiến hữu đã mất. Sau lới phát biểu của Anh Thương… thành thật và chân tình với câu nói cuối “…tôi là người ở xa về, xin anh em bữa tiệc này tôi mời…” cùng lúc rần rần tay vỗ và những ly bia nâng lên theo tiếng dô dô của bàn tiệc lính ngày xưa. Mảnh tình  cũ bắt đầu chen nhau câu chuyện đời lính, hỏi thăm nhau chân tình xem ai còn ai mất… đầu mi sao trắng hơn tao hay tại cơm áo gạo tiền? ! Thời gian cứ trôi và những mái đầu lui tới chụm vào nhau mà thấy trẻ nhất cũng muối nhiều hơn tiêu. Không khí như chững lại có lẽ vì đề tài đã nổ gần hết trên mọi nét mặt tỏ rõ thân thương và thoả mãn. Bất chợt nhìn ra ngoài, đêm đã về trong ánh đèn lung linh bên dưới phố. Phía bên kia… a Anh Thái cất cao giọng hát bản nhạc của chiến hữu Trần thiện Thanh. Bỗng chốc bàn tiệc trỗi lên sôi nổi bởi dàn nhạc đũa chén mà âm trầm là những tiếng đập vào bàn… chơi điệu Bolero. Loại nhạc cấm vì “đồi truỵ” Nhưng thời gian gần đây, bùng lên như cơn sốt mặc nhiên trở thành chính thống… Người người mê mẩn Bolero… nhà nhà mở nghe Bolero và cả đến đài truyền hình nhà nước. Một hiện tượng hiếm thấy và quả thật Bolero đã quật ngã loại nhạc vàng truyền thống… Làn gió đêm lạnh chắc chắn thổi từ biển qua bàn tiệc để ngay lại giọng hợp xướng đủ mọi tông teo, có thằng khan đục khó nghe đang giơ tay “…hái cây hoa dại, lẻ loi bên đường… gọi Hoa trinh nữ…” và có kẻ đập bộp xuông bàn “…tôi nghe thoáng qua hồn mình vừa thành một quân vương…” Quả nhiên người lính già không bao giờ chết nhưng chỉ mờ dần (danh ngôn) Và luôn thắm đượm tình chiến hữu. Nguyễn tâm Tiến ghé tai tôi nói lên e ngại… an ninh nơi Đà nẵng đang được thắt chặt cho hội nghị Apec sắp diễn ra… Thấy mọi người mê say, vui sướng. Máu liều bỗng trỗi dậy “…thêm vài tiếng nữa có sao. Cứ vui cho trọn tình đêm nay…h.h.”
        -Liên đoàn nghiên cứu quan sát, trực thuộc Bộ tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt nam (MACV .SOG) là cơ quan chỉ huy cao nhất với các cuộc hành quân đặc biệt về lĩnh vực tình báo. Mục tiêu hoạt động của SOG không chỉ trực tiếp nhắm vào đối phương ở miền Nam Việt nam mà còn bao gồm sang cả lãnh thổ Lào, Campuchia, Bắc Việt nam và Nam Trung hoa.
        -Vì nhu cầu chiến trường… kế hoạch OP35 (OPLAN35) được thành lập để giám sát mục tiêu đường mòn Hồ chí Minh và vượt biên sang Lào, Campuchia. Năm 1967 SOG tổ chức lại thành ba Bộ chỉ huy… CCN (Command & Control North) đóng tại Non nước Đànẵng. CCC (Command & Control Central) tại Kontum và CCS (Command &Control South) tại Buôn mê Thuột. Mỗi Bộ chỉ huy được tổ chức lại bằng cách gom một số Căn cứ hành quân tiền phương (FOB) trước đây được lập để yểm trợ cho các cuộc xâm nhập.
      -Anh Thương đã mua được mười phút dừng chân… người tài xế vui vẻ nhận lời và cầm số tiền gọi là là boa… Con đường mới chạy theo bờ biển từ Sơn chà đến đường rẽ vào Hội an… nó cắt ngang qua Trại CCN trước kia nằm sát cạnh núi Non nước (Ngũ hành sơn) … Tôi bước xuống mảnh đất ngày xưa. Vị trí này xưa kia có thể là khu chiếu bóng của Trại. Con đường cũ ngoài xa trước mặt có vài chiếc xe đang chạy cũng là cổng chính Trại còn phía lưng tôi ra sát biển là cửa sau đi vào khu giải trí của Trại. Còn bên hông núi được gọi bãi tập bắn CCN… Chân tôi bước vào miền đất cũ mà lòng xao xuyến nao nao kỷ niệm miên man nét buồn xa vắng… Chợt vấp vào mảng bê tông nhìn nhanh nó dấu hiệu như khô khốc và đã chết cạnh một cây cỏ héo rũ tàn úa. Vẻ hoang sơ theo phần phật gió biển… lòng bâng khuâng vừa nhận ra có chăng vạt núi đá nơi bãi tập bắn ngày xưa là còn vết cũ… Một vùng đá loang lỗ cây núi không thể mọc… đã có tự ngày xưa. Nắng chiêu le lói xuyên thẳng vạt núi tạo trong trí tôi ánh lửa nhảy múa của đêm Trại bị tấn công bỗng tràn về từ ký ức… Đêm nhà kho Trại đang cháy khi bị địch tấn công. Họ đã thành công bước đầu xâm nhập Trại bằng lực lượng Đặc công dưới sự tiếp tay của nội công ém trong Trại. Màn cận chiến đã diễn ra kinh hoàng suốt đêm… Tiếng còi xe thúc dục lúc dâng lên sự bùi ngùi có gì lạnh nơi khoé mắt. Gió và cái ngả ngớn của cỏ cây dưới chân như những cánh tay người nằm vẫy… Xúc động quá CCN ơi! Và quay gót như chạy trốn, lẹ làng đưa tay quệt dấu đi giọt lệ tự trào.rồi mình an ủi dẫu sao cũng đã đến thăm lại dấu tích thời quân ngũ… Vừa chẵn năm mươi năm .
      - Nằm trên xe, thôi thúc thiết tha từ trái tim và lay động ký ức sối sả hiện về… Hoả châu sáng rực trên trận địa, một con chó tây cao lớn đang rít lên cạo cửa căn buồng nơi dẫy nhà Cố vấn Mỹ. Tiếng nổ và tiếng súng vang ầm khắp nơi. Còi báo đông cũng đã dứt thay bằng lệnh từ pháo đài Alamo nơi đặt Bộ chỉ huy Trại. Lênh nhắc đi nhắc lại phải đến vị trí được định sẵn của đơn vị mình trong hệ thông giao thông hào quanh Trại. Một tiếng nổ ầm vang và rồi mái nhà đổ xụp sau tôi. Phía trước vài bóng người gục xuống trên đường ra giao thông hào. Biết chưa thể, tôi núp vội vào hàng bao cát chống pháo kích vì phát hiện bóng người  quái dị gần như trần truồng, thắt khăn trên đầu và cái khố che bộ hạ. Lúc này phía trước Trại đang cháy ánh lửa bập bùng soi tỏ vách núi đá. Thêm một vài chiến binh đến được nơi tôi ẩn nấp và rồi người Cố vấn Mỹ xuất hiện ra lệnh điều mọi người vào vị trí chiến đấu định sẵn. Điểm khôi hài theo tôi của ngày ấy… trận chiến với mũi súng hướng vào bên trong. Lặng đi trong chốc lát giờ bùng lên thật dữ dội nơi rạp chiếu bóng Trại. Hai trực thăng đến pha đèn sáng rực và xả súng liên tục về phía biển. Toán tôi được lệnh bỏ vị trí để tiến chiếm khu vực đối đầu với địch quân… ta và địch lúc này rất dễ nhận diện và giao tranh trong thế cút bắt thật khó khăn, điều may mắn địch quân dùng lựu đạn cùng chất nổ thay cho súng và đã thất bại trong kế hoạch tấn công ban đầu vào những phòng ngủ chúng tôi. Cuộc chiến cam go hạ từng tên địch và dồn họ về cuối Trại… Nơi mà địch cũng đã chọn để rút quân dưới sự tiếp tay của những nội công gác nơi vọng cuối Trại và tẩu thoát bằng đường biển. Nhưng họ không thể qua mặt được Bộ chỉ huy  bằng phương pháp khoá toàn bộ điểm địch có thể tẩu thoát… Toàn Trại im lặng đáng ngờ chỉ còn hoạt động của những xe cứu thương. Trời sáng dần cũng là lúc trận chiến cuối kết thúc bằng những lới kêu gọi đầu hàng nhắm vào một lô cốt gần cổng sau. Một Toán được chọn và đã sẵn sàng với mặt nạ chống hơi cay để tấn công nếu không có sự đầu hàng… Sự so găng giữa Đặc công với Biệt kích thật xứng tầm. Biệt kích vào tận sào huyệt địch thì nay họ cũng tổ chức Đặc công đánh vào đơn vị chúng tôi… chỉ khác Biệt kích còn thoát về được còn Đặc công không ai còn sót trở về. Sự kinh hoàng của trận địa giao tranh suốt đêm quả không bằng kết quả trận đánh với màn thu gom xác chết nằm rải rác… những thi thể không toàn thây phần đông gấn như trần truồng xếp đầy môt xe GMC còn bên ta… ngổn ngang trong một phòng trên bệnh xá.
         -Trở mình trên chiếc giường hẹp, nghĩ ngay đến chuyến hành quân đầu tiên trong đời Biệt kích liền ngộ ra rằng cái đầu tiên và cuối cùng là đáng nhớ nhất… Ngày ấy, tất cả đã được chuẩn bị sẵn sàng bên bốn chiếc H34 sơn đen rằn và không số hiệu nơi phi trường Chu lai. Người Pilot gần tôi miệng hát khe khẽ, mắt nhìn đồng hồ và về hướng Tây… nơi đang có ánh nắng tắt sắp chìm sâu vào núi. Lệnh xuất phát theo sau là cánh quay của hai trực thăng võ trang thuộc không quân Mỹ phối hợp hoạt động. Đoàn trực thăng đã lên thật cao hướng về mục tiêu… ngọn đồi cao độ 937… Trực thăng bay vòng với ý đồ đợi màn đêm. Trên một chiếc H34 Toán chúng tôi sáu người sẵn sàng và rồi cú đáp đất trực thăng nhả Toán xuống cùng với màn đêm và sương lạnh… Trên ngọn đồi mà gần đây được nhanh chóng mệnh danh “Hamburger hill” cách biên giới Lào Việt 1.6 km về hướng đông. Giới quân sự Mỹ chú ý đến điểm chiến thuật này để hạn chế sự đổ quân của Băc việt từ lãnh thổ Lào và nhất là giảm nguy cơ Huế và Đà nẵng bị tấn công. Cách đây chỉ khoảng hơn ba tuần lễ (theo lời Trưởng Toán Lynch) Bộ binh Mỹ đã mở cuộc tấn công đánh chiếm đồi 937 nhưng bị đánh bật ra… và mười đợt tấn công khác được thực hiện nhưng không kết quả. Khi chiếm được đồi trong trận giao tranh kinh hoàng cuối cùng, quân đội Mỹ đã phải tổn thất nặng nề về sinh mạng với thi thể đồng đội bị bằm nát bởi bom đạn và pháo hạng nặng của cả hai bên. Chiến thắng trong  sự trả giá đắt nhưng Bộ tư lệnh quân đội Mỹ (MACV) lại ra lệnh bỏ hắn cứ điểm trên và giờ đây chính xác là đã vào đêm Toán chúng tôi trong cái lạnh của núi rừng vẫn còn cảm thấy mùi tử khí của chiến trường cùng lúc tiếng Cú mèo ăn đêm nghe rờn rợn bủa xuống ngọn “Đồi thịt băm…937”  Có điện thoại, kéo tôi ra khỏi bảo tàng ký ức, nhận ra số của Tâm Tiến. Bên cạnh Anh Thương cũng đang nói chuyện điện thoại với Anh Ngọc ở Huế… báo ngay cho Tiến biết để hắn ra bến chờ và bên kia Anh Thương…” Huế mưa to lắm… mình hên đấy.” Ngoài xe trời đã mờ tối nhưng vẫn còn thấy đồng lúa hai bên đang thời con gái theo gió như vẫy chào. Tiến đón chúng tôi và “quí khách chỉ có 30 phút nghỉ chân” Tôi ồ lên vì vừa đủ thời gian để thưởng thức Cao lầu Hội an. Món nổi danh vì chỉ có gạo và nước nơi đây mới làm nên vị riêng độc đáo của món ăn. Sự hoà hợp giữa phong thổ và văn hoá ẩm thực đất Cảng hội nhập từ những thương nhân nước ngoài.
        -Xe nhịp nhàng cùng kiểu động cơ lướt bánh trên đường. Hai bên trời tối đen chỉ còn vụt qua những ánh đèn điện. Bấm điện thoại và tôi biết rằng bây giờ là 10 giờ đêm rồi trở mình theo dáng nằm nghiêng dỗ giấc ngủ. Nghĩ lại mấy ngày qua với những khám phá tuyệt vời về Huế, về những người bạn Huế luôn có phong thái nhẹ nhàng từ giọng nói tạo nên tính cách Huế và rất ư dễ mến từ chữ “dạ” luôn trên miệng…Nền văn hoá được tổng hợp từ những nhân tài của đất nước dồn về Kinh đô. Mỗi con người ấy đều mang theo văn hoá cùng nếp sống đẹp nơi quê hương mình hoà dần vào cư dân bản địa và tài bồi truyền thống cho cộng đồng…cứ thế theo thời gian mà giầu mãi lên… Huế là thành quả của nhiều miền đât nước và tôi như… đang đi vào giấc ngủ.
         -Đường vào thành phố. Xa xa phi trường Phan rang dưới những mảng đồi xanh rì che chắn. Từ chiếc điện thoại… Cơn bão số 12 được công bố đã làm mưa như đuổi theo chúng tôi bắt đầu từ Huế. Trời nắng nhẹ và có nhiều mây. Cô Nguyệt bạn Anh Thương ngỏ lời mời cơm trưa khi xe vừa về đến khách sạn. Thành phố đổi mới rất nhiều như lột xác. Đường xá, nhà cửa cũng như cư dân thành vẻ trù phú so với thời điểm trong chiến tranh.
        -Sau giấc ngủ trưa lấy lại sức và xe của khách sạn sẵn sàng đưa chúng tôi đi… Đường vào Tháp Chàm, con đường độc nhất dẫn đến qua Tháp là vào phi trường Phan rang. Tôi nhận ra ngay cái ngã ba rẽ của ngày xưa dẫn vào Tháp nay thành vòng xoay với nhiều đường toả mọi hướng. Bầu trời nhiều mây và có mưa mỏng nhẹ hột. Một công trình gì đó không cho phép chúng tôi đến công phi trường. Quay trở lại trong sự tiếc rẻ, thượng sách là lên Tháp để nhìn… Cũng như thành phố Tháp đã được tôn tạo và xây thêm cổng vòng ngoài vẫn được theo kiến trúc Chăm nhưng theo tôi nó mới quá, mầu vàng quá… phải là mầu vàng của gạch nung mới thích. Ngày xưa lên Tháp tự do nhưng nay phải mua vé…Bậc thềm đầu tiên chân bước mà như đi vào dĩ vãng và quá khứ cứ thế đi theo từng bậc nấc. Được nửa chừng ngồi bệt xuống nghỉ! Mới thấy sao là tuổi già. Trời bỗng nổi gió bay hột mưa li ti và theo bước chân mùi nhang khói cùng thấp thoáng bóng người nơi cửa đền. Phi trường hiện ra trong bóng mờ hơi nước nhưng may mắn không thể che toàn cảnh. Dãy hangar phô những vòng cong cao lớn là rõ nhất. Ngày xưa là nơi chứa những Chiến đấu cơ (F) của quân đội Mỹ…  hangar chống được pháo kích và thật an toàn. Tôi đưa mắt tìm căn nằm giữa như thước phim được nhấn nút trình chiếu… Nơi đây, ngày ấy đặt bản doanh Bộ tư lệnh mặt trận… Mặt trận Phan rang và đơn vị chúng tôi được tăng phái nhiệm vụ lấy tin tức tình báo. Thiếu tá Tống hồ Huấn đặt bộ chỉ huy nơi hangar kế cận đang liên lạc với Toán trong vùng hành quân. Khoảng 4 giờ sáng địch pháo kích và phi trường Phan rang gây cháy nổ ở vài nơi. Đoàn chúng tôi hiện nay quân số chỉ còn một nửa…còn một nửa trong vùng hành quân thám sát khu vực… Và được lệnh phân tán mỏng bảo vệ cho Bộ tư lệnh mặt trận.
        -Tiếng đề pa kèm theo tiếng rít của đạn pháo ào chụp vào mọi nơi trong phi trường. Đặc biệt trong lúc bị pháo kích này không thấy sự phản pháo cùa quân ta… điều này còn có nghĩa là Mặt trận không có những căn cứ hoả lực nào để bảo vệ khi bị tấn công! Sự thật đầu tiên phũ phàng! Trung uý Lê Hưng và tôi được lệnh an ninh nơi cửa hangar đặt Bộ tư lệnh… cạnh hai trực thăng của Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Phạm Văn Sang… một tư lệnh mặt trận, một tư lệnh sư đoàn 6 không quân. Trời sáng dần trong mưa pháo một quả nổ tung ngoài gần phi đạo và theo tay chỉ của người pilot trực thăng, trên trời một chiếc L19 kéo theo làn khói nhanh chóng hạ thấp đáp vội xuống phi trường. Một chiếc Ford không quân hụ còi chạy ra phi đạo tiếp cứu người phi công. Rồi đến lượt hai trực thăng cấp Tướng cũng nổ máy ra đi… tuy không có chủ nhưng nó lập tức để lại bùng lên sự náo nhiệt nơi bên trong hangar Bộ tư lệnh cũng như hai hangar bên cạnh đậu toàn xe jeep cần câu của các Bộ chỉ huy. Người ta thu dọn, tất tật hành động và tôi hiểu rằng một sự gì quan trong đang tới. Một người Mỹ vừa từ hangar đi ra, ông ta nhìn trời như tìm kiếm gì đó và với vẻ thảnh thơi ung dung quay vào thật trái ngược với kiểu lo sốt vó của mọi người. Địch quân lúc này không còn pháo kích và mặt trời cũng vừa lên một nửa chiếu sáng đỏ rực vào một đoàn quân di chuyển theo dọc phi đạo. Cảnh tượng này diễn ra cùng lúc với sư náo loạn nơi đây. Hai chiếc xe không quân chất đầy binh lính nổ máy biến nhanh và người ta truyền nhau câu lệnh.. Di tản ra biển để tàu Hải quân đến đón. Tôi chắc rằng lệnh đã được phát ra cho tất cả các máy truyền tin. Mặt trận đã thất thủ chỉ sau vài tiếng bị tấn công. Tôi và Hưng tìm đến Bộ chỉ huy Đoàn nhưng họ đã ra đi. Nhanh chân cùng Hưng theo đoàn người tìm đường ra biển. Đến chiếc hangar đầu tiên một người lính không quân chết nằm co quắp và mé sân hai trực thăng đang nổ máy và rồi một cảnh tượng như làm xiếc nó vụt thẳng lên cao rồi mới bay đi… ai đó đã làm rơi chiếc nón sắt từ trực thăng. Mặt trận không có giao tranh… Không quân, Pháo binh, Thiết giáp vắng bóng chẳng màng. Tuy thất thủ nhưng Mặt trận chỉ để lại cái phi trường trống lốc bởi người ta đã di chuyển mọi quân thiết bị từ những ngày trước thâm chí không còn một giọt xăng.
       -Cổng phía Nam chật chội bởi đoàn quân di tản ùn kéo về. Con đường độc đạo vào phi trường thật tội nghiệp giờ phải gồng mình tải một lượng lớn người di chuyển… buồn nhất vẫn là những chiếc xe jeep phần nhiều trang bị cần truyền tin bị bỏ mặc ven đường vì chủ nhân nó ý thức được không muốn trở thành mục tiêu tác xạ! Thế là quan cũng như quân tức khắc đồng hoá! Nắng thật gắt dù lúc này chỉ khoảng 10 giờ. Từ Tháp Chàm phía mé tay phải bỗng một loạt đạn nồ ầm… Chứng kiến cảnh lập tức đoàn quân hỗn loạn dạt sang bên và ngạc nhiên như họ chui vào lòng đất. Đến lượt tôi vừa nhận ra con suồi cạn mùa này không nước với dộ khá sâu. Ôi! Làn gió bại trận đang quất thẳng vào đoàn quân và làm cúi mặt tất cả chả chừa một ai. Bởi chỉ một tràng đạn thôi cũng đủ để uy hiệp một đoàn quân!  Một vị Đại tá bộ binh mồ hôi nhễ nhại trên gương mặt vẻ lo âu với bước chân đi khập khiễng đang được người lính cận vệ dìu đi và mảng quần nơi đầu gối thấm máu. Quả thật cấp bậc như ông ta không thích hợp với tình huống hiện tại… Ai đó?!  Đang bóp cổ chúng tôi. Hoặc nguyên do ít ra một nửa lãnh thổ đã vào tay địch!!
        -Cơn bão số 12 sắp đổ bộ vào Khánh hoà. Sáng nay Phan rang mưa giăng mọi lối nhưng không cản được bước chân khát khao kỷ niệm. Làng Chài Sơn hải toạ trên một đồi thấp giáp biển bên dưới ghe chài san sát. Chọn một địa điểm thích hợp để quan sát và tìm lại cảnh xưa. Sóng vỗ bờ vẻ hung hãn không êm ả như ngày ấy và còn mưa lác đác theo với gió từng cơn. Thời tiết không cho phép đành ngồi ì trong xe bật từng ký ức thời gian… Sáng ngày hôm ấy nhìn biển rõ dần và tiếng sóng rì rào theo gió. Trên hàng phi lao ba đứa cùng đơn vị nằm chờ và càng lúc càng náo nhiệt tăng dần. Biển thì êm ả và rồi nhô dần lên mặt trời đỏ rực toả ánh rộng khắp… bên cạnh không biết tự lúc nào một con tàu im lìm như bất động. Đoàn quân mỗi lúc một đông giờ có thể nói chật kín bãi biển. Thời gian trôi nhanh cùng con tàu ngoài kia cũng biến mất trong sự thất vọng trên từng gương mặt. Nhóm của chúng tôi giờ có thêm Anh Thương nhập bọn nhưng chỉ được một lúc rồi lại đi đâu mất… tôi thấy bóng Anh về phía làng chài. Nắng gay gắt mọi người tìm bóng cây bên trên để chờ một sự giải cứu. Ít ra là đã suốt buổi sáng nay. Gió mát và tiếng phi lao đã làm tôi ngủ thiếp lúc nào chẳng hay.
         -Tiếng súng đã thức tôi dậy. Trên khu làng chài địch phát loa kêu gọi đầu hàng. Làng nằm trên cao, mọi người nhìn rõ những tên du kích mặc thường dân vừa áp tải một số đông binh lính đầu hàng hoặc bị chúng bắt…Cả đoàn quân vẫn còn đầy đủ trang bị tác chiến nhưng tay lại không thể đặt lên được cò súng. Tất cả đều hiểu rằng gọng kìm đang thắt chặt và chống đối là bị tàn sát. Có chăng chỉ còn hành động chưa ra đầu hàng mà thôi. Trong lùm cây tôi đi đại tiện. Tiếng súng nổ kèm theo những giọng quát “hàng sống chống chết” và mắt nhìn Hưng, Ấn bị tên du kích áp giải cùng một số đang bị tập trung về phía làng chài… Không… không có một sự giải cứu nào! Đột nhiên nghe như có tiếng trực thăng. Ừ đúng rồi và đã nhìn thấy những chiếc đầu tiên. Phải nói là một đoàn trực thăng đang bay tới nhưng còn cách xa. Đã có nhiều người bất chấp chạy ra lấy tay phất. Nhưng đoàn trực thăng đột nhiên đổi hướng quẹo ra biển và cũng như chiếc tàu buổi sáng đã ra đi. Nỗi tuyệt vọng trên từng nét mặt quanh quanh. Ông Thiếu tá cạnh tôi gỡ cặp lon vất tung về phía sau và bên kia một giọng bi ai nhưng thoáng vẻ khôi hài hát vang “Người ta đã bỏ tôi rồi bạn ơi…”Nắng đã nhạt và chiều thật êm ả. Với nửa nắm cơm cuối cùng để lấy sức cho đêm nay thoát vòng vây… Hoài mong một sự giải cứu giờ đây hoàn toàn thất vọng. Đây là thất bại quân sự liên tiếp đổ dồn trên mảnh đất này với thời gian nhanh kỷ lục… Chiến đấu cho sự tự do, dân chủ và lý tưởng cộng hoà đang trên đà phá sản, mất nước!  Người ta đã loan báo cho nhau hai cách đào thoát… bằng đường biển hoặc đường đồi qua chốt chặn. Tôi đã chôn đi những vật dụng không cần thiết kể cả cấp số đạn và chọn đường biển vì không còn lương thực.
        -Trời đêm đồng loã và che dấu cho hành tung, chắc chắn đã có tốp người qua thoát khỏi chốt chặn. Đôi giầy ướt sũng nước biển và tôi cố vội đi cho nhanh. Thình lình súng nổ vang trời và có cả tiếng nổ lựu đạn cùng tiếng quát tháo trong những ánh đèn pha loang loáng. Những người gấn nhất đã đồng loạt giơ tay đầu hàng còn tốp đi trước theo bóng tối đã thoát được. Biết không thể tức khắc tôi quay lui chạy về nơi cũ để theo phương án riêng của mình đã định. Biển êm ả trở lại… hai tay tôi móc vội cát nhưng sóng nhẹ lại lăn lên lấp. Làn gió từ ngoài đang làm lạnh nơi khoé mắt và cái hố cát cũng vừa đủ để vùi đi cây súng… Cây Car 15 đã từng cộng hưởng vui buồn đời lính trong bẩy năm qua với tôi… Ôi đau lòng quá car 15 ơi! Sóng nhẹ lăn lên rồi xuống như bồi đắp thêm cát và rồi vĩnh viễn không còn thấy… bóng Em… Và thấy gì ngoài trời đen tối tôi lầm lũi trong ý định đi trở lại con đường cũ tìm vào nhà dân xin tá túc sau rồi sẽ tính! Lòng đau như cắt và bước chân hụt hững như kẻ không hồn… Nơi trước mặt quả là vô định!!!
Nguyễn Văn Hải CCN

 Lôi Hổ Huỳnh Ngọc Thương, Nguyễn Văn Hải và anh em LH Đà Nẵng

 Th/Úy Đào, LH Huỳnh Ngọc Thương, KB Phạm M Mẫn và anh em Lôi Hổ

 An Như Phong CCN 1971

Thursday, November 23, 2017

PHÂN ƯU HỘI ÁI HỮU CỰU SĨ QUAN KHÓA 11- ĐỒNG TIẾN LIÊN TRƯỜNG VÕ KHOA THỦ ĐỨC



PHÂN ƯU
 HỘI ÁI HỮU CỰU SĨ QUAN KHÓA 11- ĐỒNG TIẾN
LIÊN TRƯỜNG VÕ KHOA THỦ ĐỨC

Chúng tôi vô cùng thương tiếc

Đồng Tiến Trung Tá BÙI VĂN THIỆN
Cựu Sĩ Quan Khóa 11- Đồng Tiến/LTVKTĐ
Cựu Trưởng Toán 111 Strata Xâm Nhập Bắc Việt 1967
Cựu Chỉ Huy Trưởng Đoàn Công Tác 71 SCT Nha Kỷ Thuật/
Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH

Đã mệnh chung vào lúc 1:20 chiều ngày 21 tháng 11  năm 2017
Nhằm ngày 04 tháng 10 năm Đinh Dậu
Tại thành phố Abilene, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Hưởng thọ 81 tuổi

Chúng tôi, toàn thể Ái Hữu thuộc Đại Gia Đình Cựu Sĩ Quan
khóa 11- Đồng Tiến Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức
Xin thành kính chia buồn cùng Bà Quả Phụ BÙI VĂN THIỆN
Và các con cháu cùng toàn thể tang quyến.

Xin cầu nguyện cho linh hồn cố Đồng Tiến BÙI VĂN THIỆN
Sớm Được Yên Nghỉ Nơi Cõi Vĩnh Hằng

HỘI ÁI HỮU CỰU SĨ QUAN KHÓA 11 – ĐỒNG TIẾN
LIÊN TRƯỜNG VÕ KHOA THỦ ĐỨC

ĐỒNG THÀNH KÍNH PHÂN ƯU