Friday, July 22, 2022

ĐẾN MÀ KHÔNG ĐẾN: Chương 15 (Xuân Vũ) QUYỂN IV của THIÊN HỒI KÝ “VƯỢT ĐƯỜNG MÒN HỒ CHÍ MINH”

– 15 –

Sáng hôm sau trời lặng gió êm. Trời thương tụi sứt mẻ đui cùi này nên không có chụp dù. Hai thằng được ăn cơm trắng, nhai đậu phộng và uống trà quạu đã đời. Rồi ngủ một giấc ngon lành, yên chí rằng sau khi thức dậy không có ma rét theo níu lưng.

Nước sông đỏ lừ và ngọt ngào. Từ lâu chuyên môn uống nước lá cây mục, nước voi đầm, nước suối vô vị. Bây giờ được uống nước Cửu Long Giang.

Tư Mô là một người châm biếm tế nhị, một người rành đời và hiểu cảnh thổ quê hương rất sâu sắc. Đại khái ăn món gì thì phải có thứ gì đi kèm. Anh nhắc những chuyện mà tôi quên hoặc nói những chuyện mà tôi không biết. Đang uống trà bỗng anh hỏi:

– Hồi trước chú có đi tới Cù Lao Bảo chưa ?

– Có. Đó là xã Thanh Triệu chớ gì.

– Chú có kỷ niệm gì ở đó không?

– Tôi nhớ là tôi có đọc một bài báo Tổ Quốc ký tên là Sắt Máu ở trong một quán nơi tôi mua cái ca uống nước bằng nhôm năm đồng để đeo trên nắp ba lô.

– Đó là mục gây căm thù của báo Tổ Quốc do ông Bùi Kính Lăng nhà mình, hồi đó tên là Lê Nguyên Phổ, phụ trách.

– Đúng. Bài đó tả một tên lính Pháp hiếp một em bé gái ở Đồng Tháp Mười. Em bé mới có bảy tuổi nên hắn lấy dao găm rạch âm hộ của em…

Tư Mô thêm:

– Câu cuối cùng là: “..:Rồi hắn trườn lên một cái xác không hồn!”

Tôi kêu lên:

– Tôi phục anh nhớ dai hơn tôi.

Tư Mô hỏi:

– Chú biết Thành Triệu có gì đặc biệt không?

– Lôm chôm, sầu riêng, măng cục. Và nước ngọt bốn mùa ! Chú nhớ không?

– Vậy à?

– Nước dưới biển tràn lên đến cỡ Vàm Tân Hương thì còn mặn, nhưng lên tới An Thới Thạnh Thới thì đã pha chè. Nước mặn không lên tới đầu Cù Lao Bảo và Cù Lao Minh.

– Hồi vô khu 9 tôi lên đây băng qua Vĩnh Long.

– Đúng, nhưng hồi kháng chiến tàu bè không kiểm soát nổi sông Cửu Long. Còn bây giờ ghê gớm lắm chú ơi. Tụi đi đồng bằng về kể lại nghe rất ớn. Nay mai mình phải qua sông Cửu Long và lộ Đông Dương. Hơn cầu Bình Thân (tục gọi là cầu Trần Thân) ở khu 9 xa.

– Ở đoạn nào ?

– Không biết, nhưng nghe nói đoạn Ấp Bắc thì bể rồi.

– Nguyễn Ngọc Tấn đi viết về Ấp Bắc gởi ra ngoài đó. Sao không có gì đặc sắc cả ?

– Ở xa nghe thì “đặc,” khi đến nơi lại “lỏng.” Tài Lé nói đúng hả?

Chiều đến, thằng Tôn lại dắt chúng tôi đi. Lần này thì đi bộ. Toàn càn rừng. Nửa đêm mới tới điểm mới. Sáng hôm sau thấy sông mênh mông, nước lé đé mép bờ.

Vàm Cỏ Đông ! Vàm Cỏ Đông !

Vàm Cỏ Đông là con sông từng chứng kiến cảnh nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đốt tàu Esperanto của Pháp cách đây cả thế kỷ. Thuở nhỏ học lịch sử không thấy chuyện đó, nhờ đọc sách mà biết. Và nay tôi mới thực sự đến bên bờ sông lịch sử này. Nước xoáy như vụ, đỏ như máu.

Hai tên Nam Kỳ kháng chiến hai mùa mắc võng nằm trên bờ phóng mắt nhìn dòng nước mà tưởng là máu của những bậc tiền nhân đã hi sinh oanh liệt hãy còn hồng cho đến ngày nay.

Hoả hồng Nhật Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạc Kiên Giang khiếp quỉ thần

Đất nước mình rộng lớn và nhiều chiến công quá – tôi buồn rầu nghĩ – nhưng con cháu thì chẳng may mắn chút nào. Độc lập ! Giành cả trăm năm chưa được mà sự hi sinh thì không xiết kể. Hôm nay nằm trên bờ sông lòng lơ mơ hoài niệm một chiến công hiển hách mà thương tủi cho dân mình.

Nước lớn dâng lên ngập nửa thân cây bần. Những cánh nhụy trắng rơi lả tả trên mặt nước. Những con chim dòng dọc nghệ làm ổ trên ngọn kêu vang và cắn đá nhau chí chóe. Cảnh trí gần gũi với quê nhà làm nhớ nhung đứt ruột. Cách mạng khởi đầu có vẻ kết thúc nhanh. Ai dè cậu bé đã trở thành gã trung niên mà chiến tranh không có mòi chấm dứt.

Rải rác cạnh bờ sông khách nằm chờ chuyến đi, đi và đi. Suốt đời cứ đi và chưa có bao giờ ai nói với mình rằng chừng nào sẽ đến. Nhiều người công tác ở vùng nay có kinh nghiệm nên họ có sắm sẵn lưỡi câu và mồi. Vừa hạ trại là họ quăng câu chờ bắt cá. Tư Mô cứ nhắc nha nhắc nhỏm.

– Nếu biết thế này thì tôi đã mua lưỡi câu lận lưng đem theo.

– Thôi anh ơi, nghỉ đi cho khỏe để đi, ở đó mà câu.

Tôi đi rảo tìm người quen. Quen loại nào cũng được. Từ dưới quê nhà lên R hay từ Bắc vô Nam cũng được. Tôi đã từng có những cuộc gặp gỡ ly kỳ ở lưng Trường Sơn.

Quả thật, đi rảo một hồi thì một anh chàng thi sĩ quen từ hồi 1949-50. Hắn tên là Lê Xí. Lê Xí người Phan Thiết không biết lọt vô Nam Kỳ lục tỉnh hồi thời nào mà đi kháng chiến ở Bến Tre. Lê Xí làm thơ đăng trong tập san của Đoàn Văn Hóa Kháng Chiến Tỉnh từ năm 1946 cùng với Tư Mô. Lúc đó tôi là thiếu nhi cứu quốc mê thơ nhạc họa vô cùng và coi Lê Xí như một trong những thần tượng thơ. Lê Xí có một người bạn họa sĩ tên là Chi Lăng, cận thị nặng, vẽ cho các báo tỉnh, được các nữ cán bộ trong đó có cả chị Ba Định mê lắm. Một buổi trưa trên đường đá phá hoại hình nanh sấu từ Giồng Lưông lên Cầu Mống, Chi Lăng một bên, Lê Xí đi một bên. Giữa hai người, giăng một sợi đây nhợ, một đầu buộc vào ba lô Lê Xí một đầu buộc vào ba lô Chi Lăng, trên dây nằm những quần tiều và áo thung. Đó là cách phơi đồ trong kháng chiến ngông ngông mà chỉ có hai nghệ sĩ này phát minh và tôi chưa thấy ai dùng. Nhưng tôi rất thích cái sáng kiến đó.

– Về hồi nào vậy cha? – Tôi hỏi Lê Xí.

– Lâu rồi. Thấy Hà Nội không có tớ thì biết là “lặn” rồi chớ gì .

– Lâu nhưng bao lâu?

Lê Xí xòe hai ngón tay.

– Còn “Xa Lờ” hết ?

– Vẫn cứ “xa”, càng xa ! Lê Xí ngoẹo cổ thất vọng.

Nguyên là Lê Xí có vợ đẹp lắm, người Cái Mơn là xứ giàu đẹp nhất Bến Tre. Người đẹp yêu nhà thơ nhờ thơ. Khi tập kết, Lê Xí không kịp từ giã vợ, lúc bấy giờ đang có thai. Ra Bắc gặp tôi, Lê Xí than thở một cách hài hước và tự chế diễu mình: Le poète “xa-lờ” (sale).

Một năm nọ ăn Tết xã nghĩa, tôi ở trong cái ga-ra đẹp như Phủ Toàn Quyền của Bác, Lê Xí tới chơi, trời rét như cắt da, Lê Xí chỉ mặc áo sơ mi và đề tặng tôi mấy dòng thơ, ký tên Le Poète “Xa-lờ.” Một lần khác Lê Xí khoe tôi tấm ảnh hai vợ chồng chụp chung. Tôi lấy làm ngạc nhiên sao anh chị lại trùng phùng được? Nhưng Lê Xí bảo nhỏ: “ảnh ghép.”

Vì thế bây giờ tôi mới hỏi: “Còn Xa-lờ hết?”

Khi nghe Lê Xí đáp “càng xa” thì tôi rất kinh ngạc. Đó là trường hợp của hàng ngàn cặp vợ chồng, trong thời đại Hồ – nào phải riêng nhà thơ “Xí” này. Tôi không hỏi tới nơi mà rẽ ngang:

– Có ông bạn thơ của “vu’ đằng kia ! – Rồi tôi kéo tay Lê Xí.

Hai người bạn già háp nhìn nhau. Một gã trung niên nhìn hai tên già háp. Cả ba cùng quái gỡ như nhau như trong một cuộc tái ngộ ở ngoài càn khôn.

Kháng chiến đã đi qua hai mươi năm để lại những đốm bạc trên đầu họ.

Thời đó, Lê Xí rất trẻ, rất tài và rất trí thức nên vô đảng Dân Chủ của Đặng Ngọc Tốt ở Bến Tre. Thấy đảng Cộng Sản lấn lướt, Lê Xí bèn bỏ Dân Chủ để nhảy vô Cộng Sản, nhưng bỏ xong, không vô được, thành ra buông hình bắt bóng chơi vơi ở giữa hai mé bờ, mặc cho sóng vỗ ngã nghiêng.

Ra Hà Nội, Lê Xí có được đảng ngó tới, nhưng vẫn cứ để Xí ở bệ cửa nhòm vô chứ không cho vô vì cái tịch Dân Chủ xanh lét kia.

Hai con người gặp nhau, mỗi người một mối hận riêng. Họ không muốn chạm tới mối hận lòng đó. Còn tôi thì lại càng muốn cho họ nghĩ tới việc khác.

Tôi hỏi Lê Xí:

– Ở đây người ta câu cá gì cha?

– Cá chạch lấu.

– Là chạch gì ?

– Nó như cá chạch ở xứ mình nhưng to như con rắn hù ri và có bông có hoa coi ghê lắm.

– Có ai bắt được chưa?

– Có chớ. Mấy tay nghề địa phương câu một ngày được cả chục.

– Ăn gì hết.

– Nó bán chứ. Mỗi con bán năm sáu chục đồng.

– Bạc gì?

– Bạc thành.

– Ủa mình xài . . .

– Bạc thành chớ đâu có Tín Dụng Phiếu như hồi kháng chiến ? – Lê Xí vừa nói vừa móc túi đưa ra tờ bạc. – Bạc Sài Gòn đấy ! Hồi kháng chiến cũng gọi bạc thành là bạc xanh. Bây giờ cũng thế!

– Năm sáu chục một con cá chạch? Vậy lương bác sĩ ở Hà Nội chỉ mua được một con cá chạch thôi sao?

Tư Mô xen vào:

– Thì cũng như năm chục rịa chỉ mua được gói trà con khỉ đỏ đít.

– Khỉ có tháng chớ. Nói cho đúng chữ nhé, nhà thơ không xa-lờ!

– Cũng xa-lờ như toa vậy chớ sao không xa.

– Mấy năm ?

– Sáu bảy, tám năm rồi ! Tư Mô chỉ tôi – chú em này là không phải xa-lờ.

– Vì tôi không có lờ để mà… xa.

– Le poète “xăng-lờ!”

Cả ba thằng cùng cười. Tôi chỉ cười gượng.

– Vậy phải về kiếm lờ mau mau, kẻo hết!

– Năm nay băm mấy rồi?

– Băm ba.

– Meo dữ rồi đa ! Dừa sắp lắc nước rồi. Không khéo khô chỉ còn thắng lấy dầu đốt đèn.

Ba người “xa lờ” và “xăng lờ” bù khú với nhau một lúc rồi Lê Xí dẫn bọn tôi đi tìm mua cá chạch lấu.

Đó là một cái tăng lụp xụp không có vẻ gì đặc biệt cả nếu không có cái hũ đường để bên đầu võng. Lê Xí vốn quen với chủ tăng nên hỏi ngay:

– Có trự nào không Năm Hứa?

– Còn ba trự. Nhưng có người dặn rồi.

– Ai ?

– Tốp đi Cà Mau Rạch Giá gì đó.

– Ăn một lúc ba con à ?

– Cả chục người mà ! Toàn dân Nam Kỳ, đều mang “giò heo” cả nên họ xài tợn lắm. Họ dặn được bao nhiêu, bắt hết bấy nhiêu.

– Nhín một con cho tụi này được không?

Năm Hứa, một anh chàng tóc tai vén khéo, râu ria cạo sát lẻm, áo thung ba lỗ. Theo Lê Xí cho biết anh ta là kiểm soát viên của đường dây. Anh ta nằm ì tại đây rồi lấy tình hình từ các trạm mà báo cáo về R. Nhân việc nhàn rỗi, y câu cá chạch lấu bán cho cán bộ với giá tương đối thông cảm tình đồng chí. Cán bộ từ R đi xuống thì khoái chất tươi nên bi nhiêu bi cũng mua nhậu tẩm bổ. Năm Hứa không dám bán vì đã chịu miệng rồi. Bọn tôi cứ loay hoay chưa biết cách nào nẫng một nàng chạch về làm tiệc. Ba đứa mà xơi tái một nàng thì vừa phải, không nhiều mà cũng không ít. Miếng ăn thấy đó mà không xực được. Bạn đã từng đói, thèm đủ thứ như tôi thì bạn mới có thể hiểu được nỗi bực dọc trong lúc này.

Tư Mô nhỏ nhẹ với chủ cá:

– Đồng chí thông cảm cho ! Anh em cũng gian khổ như nhau mà. Nếu các đồng chí ấy nói gì, tôi chịu trách nhiệm cho.

– Không được đâu. Mấy chả dặn kỹ lắm. Tôi đã cho các chả coi cá và ngã giá chắc rồi.

Lê Xí vọt miệng:

– Nói nó lóc ra mất một con !

– Hà hà… Năm Hứa lưỡng lự một chốc rồi nhìn mặt nước nói: – Nước đang những ròng, cá ăn mạnh, tôi bỏ một lúc ba lưỡi đằng kia, để tôi đi thăm. Chừng nào không dính sẽ cho cá bò…

Ba đứa tôi ngồi chồm hổm trong lều. Tư Mô quấn thuốc hút. Lê Xí cào cào mớ tóc ngắn như tìm kế.

Tư Mô gợi ý:

– Mình cà ri một nửa nhậu, kho lạt một nửa để ăn cơm !

– Lấy gì mà cà ri?

– Tôi có thủ một mớ gia vị. Hồi ở trên R, mỗi lần mua ngũ vị và nghệ để ướp thịt nai, còn dư lại tôi đều thủ kỹ.

Tôi nói:

– Cá chạch nấu chua là tuyệt sắc. Sẵn ở đây có bần chín rụng thiếu gì .

Đang còn bàn tính mơ-nuy thì một phái đoàn quân sự toàn mang giò heo đi tới. Tôi kêu lên ngay:

– Ê Trung !

– Ai đó ?

– Tui nè.

– À, à nhà báo văn nghệ hả?

Hắn là Đại đội trưởng Công Binh ở bến phà Lược ở Thọ Xuân Thanh Hóa trong tiểu đoàn Công Binh của Đại úy Mật. Tôi đến đấy công tác hồi 1957-58 chi đó sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm.

Hắn tên là Đặng Chí Trung nhưng vì nhỏ thó, lúc nào cũng ho khạc nên chiến sĩ tặng cho biệt hiệu Đặng Vi Trùng. .

Đặng Vi Trùng mừng rỡ khi nhận ra tôi:

– Cũng vô ?

– Không vô thì ra à ?

– Đi cu ki vậy sao ?

– Có bồ chớ. Nè, ông Mật chết rồi ta !

– Sao vậy, hồi nào ?

– Ngoài Trường Sơn, bị bom trộm – Tôi kể vắn tắt và nói – Lãng nhách. Phải ổng nán lại đi chung với tôi thì khỏi rồi.

– Chậc! Cha nội đó khiến chết hay sao á. Cho đi Liên Xô không chịu, cho đi Trung Quốc cũng không. Chỉ đòi về . Về rồi vậy đó, không tới.

– Nằm lại luôn ở đó rồi.

Tôi thở đài:

– Ổng chưa vợ hả ta ?

– Hình như chưa! Ngoài bốn mươi rồi. Có lấy thì lấy ai?

Trung vui vẻ rẽ ngang chuyện khác:

– Ối mà rồi cũng tới phiên mình. Vô đây còn dễ chết hơn ở Trường Sơn nhiều.

– Tôi tưởng xuống được đồng bằng là lột vỏ sống đời chớ!

– Lầm to ! Lầm to ! Ai từ Bắc về cùng đều nghĩ như vậy cả. Nhưng khi xuống đồng bằng rồi mới thấy là đồng bằng gai góc, không có phải là đồng bằng ăn hút như thời chống Tây đâu !

Tôi quay sang Le poète xa-lờ:

– Không còn cái vụ phơi quần áo theo kiểu đó nữa nghe cha non !

– Kiểu đó là kiểu nào ?

– Giăng dây qua hai chiếc ba lô… !

– Hồi đó mình chơi ngông nhiều thứ lắm.

Năm Hứa thăm câu trở về, xách một đùm cá, đuôi cá kéo lết trên mặt đất.

– Ăn to rồi !

Tôi vốn xấu chứng đói, nên thấy cá thì la lên:

– Tôi bắt hết cả chỗ đó nghe!

– Ba con lận đồng chí ạ !

– Ba con chớ ba chục con tôi cũng mua hết.

Đặng Vi Trùng không giành giựt:

– Để các chả hết đi. Tôi chỉ bắt số dặn sẵn thôi. Để tính việc đắp đầu gối cái đã rồi tối nay ‘ta “nói tâm tình không giấu nhau” (*) nghe nhà… răng!

(*) Một câu trong bài hát Niềm Thương Mến của Phan Vân và Xuân Vũ được giải nhất Giải Thưởng Cửu Long 1950 ở Nam Bộ.

Tuy nói vậy, Đặng Vi Trùng chưa vội đi. Hắn kéo tôi ra xa, rỉ tai: “Xuống đó phải cẩn thận cho lắm nghe. Đừng có mà ăn no ngũ kỹ đó. Ông Sản chết rồi !”

Ông Sản nào? À tôi nhớ ra rồi. Đặng Quốc Sản, Trung đoàn trưởng trung đoàn Cửu Long hồi kháng chiến chống Pháp. Nghe đâu ông ta mới được Trung ương đưa về làm Tư lệnh khu 8 (Hồi chống Pháp Trần Văn Trà làm Tư lệnh). Về mống nào rụng mống nấy. Tôi thầm nghĩ. Nguyễn Văn Bảo, Chính ủy F330 về làm Chính ủy khu Sài Gòn Chợ Lớn vừa về tới nơi là bị biệt kích bắn chết. Nguyễn Hoài Pho, trước là Tỉnh đội phó tỉnh đội Cần Thơ (nơi tôi làm trưởng tiểu ban Văn Nghệ) về làm Tư lệnh khu 9 cũng chết. Trần Đình Xu tức Ba Đình về làm Tư lệnh khu Tam Giác Sắt cũng đã hi sinh. Bốn ông tư lệnh. Nghe mà rùng mình. Mấy ông Tướng đi đâu tiền hô hậu ủng, giáp sắt bó người đấy. Còn bọn văn sĩ này có gì bảo vệ ? Nghe Đặng Vi Trùng nói, tôi lặng thinh. Hắn còn dặn: “Bí mật.”

Kéo lết ba con chạch lấu về lều, tôi bảo Lê Xí:

– Dời võng lại đây cho có bạn.

Thế là nổi lửa. Ba con cá, làm xong, khứa ra dồn cứng ba gà-men. Thiệt là hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhơn.

Tư Mô làm bếp chính. Tôi và Lê Xí chỉ hụ hợ. Tư Mô phân công:

– Le poète Xa-lờ đi móc bần chín. Còn pồ-ệt xăng-lờ thì đi đốn mái dầm cắt lấy khúc non đem về tước vỏ, để cà-ri thay cho măng le, măng tre.

Xong nhiệm vụ hai đứa tôi leo lên võng đu đưa chờ thời. Bỗng tôi nghe tiếng thét ở mé sông. Tôi vừa ngồi bật dậy thì thấy một người ở dưới nước vọt lên, trần trụi, tay bụm…, tay bơi, mặt mày trắng nhách. Tư Mô hỏi:

– Cái gì vậy ?

– Chắc có bo bo chạy ngoài sông. Lê Xí đáp.

Nhưng không phải . Anh ta chạy vụt qua võng tụi tôi để về lều. Chập sau, mới biết là anh ta bị tai nạn cá nốc. Về đồng bằng có hai cái “nốc” đáng sợ nhất. Dưới nước: cá nốc. Trên trời: bù nốc.

Cá nốc là loại cá chỉ to bằng ngón chân cái, mình vàng, có đốm đen. Khi bị nắm đuôi lắc lắc thì nó phình ra như một chiếc bong bóng con. Mồm nó rất nhỏ nhưng răng rất sắc. Nó thường khoét đùi mông người tắm truồng.

Bù nốc là loại trực thăng không rõ ký hiệu là gì nhưng mình nó tròn như con cá nốc nên dân đồng bằng gán cho nó cái tên là (trực thăng) bù nốc. Hễ đi đường trống mà gặp bù nốc là hết phương chạy. Nó bay sà trên đầu, đáp ngay trước mặt. Hễ chui xuống hầm thì nó rà ở miệng hầm. Tên Mỹ thò đầu ra kêu: “Vi Xi ! Vi Xi ! ” Nếu không ra nó tung trái khói hoặc lựu đạn.

Anh chàng kia bị cá nốc khoét ngay cái bửu bối. Anh ta tự băng bó lấy và lên võng nằm. Thấy bạn “bị thương” mà không hỏi thăm thì cũng khó coi, nhưng hỏi thăm thì cũng hơi khó… mở miệng. Cho nên chúng tôi đành lấy mắt ngó và đoán mò với nhau thôi !

– Có lẽ không nặng’ lắm đâu !

– Nó “húc”nhằm cái “chốt” thì trở thành “cán bộ…xa lờ” luôn đó.

– Không có y tá y tướng gì ở đây hết ráo thì nặng hay nhẹ gì cũng không chữa được.

– Mẹ, cá gì mà cá ác vậy chứ. Nhè cái chỗ ăn thua của người ta mà tấn công!

– Không biết đó là dân Mùa Thu hay Mùa Đông?

– Coi bộ vó không đoán ra nổi là mùa gì. Nếu Mùa Thu thì đau khổ lắm.

Chiến tranh Việt Nam lần chống Mỹ này có lắm hài kịch. Chết và bị thương đủ cách ở Trường Sơn. . Bây giờ về ven đồng bằng lại gặp cái tai nạn kỳ cục này.. Không biết cá nốc ở sông Vàm Cỏ đã đánh giải phóng quân được mấy trận như vậy? Bắn tỉa kiểu này chẳng thua gì Nguyễn Văn Cội bắn tỉa Mỹ ở Củ Chi.

Tư Mô ngồi lặng thinh làm nhiệm vụ đầu bếp, bây giờ mới cất tiếng:

– Cái kiểu này thì ông ta trở thành người không có cổ?

– Bị chỗ đó thì sao lại không có cổ?

– L’homme xăng “cu” (*)

(*) Tiếng Pháp “cou” (đọc là cu) nghĩa là cái cổ.

Ông “thương binh” nằm im cho tới lúc anh giao liên bất ngờ xuất hiện. Không biết anh ta có được báo cáo cái tai nạn cá nốc vừa rồi hay không mà lại ghé ngay tăng của nạn nhân và nói oang oang:

– Tôi quên phổ biến cho các đồng chí một kinh nghiệm là nếu tắm dưới sông thì phải mặc quần đừng có chủ quan mà bị cướp mất cái cò súng. Vừa rồi có một đồng chí mùa Thu bị nạn đó. May mà nó chỉ mẻ có một góc tư thôi .

Chúng tôi không nói gì. Anh “thương binh” càng nằm im thin thít.

Trời chiều bớt nắng. Liền với bờ sông là một khu rừng chồi tràm xơ xác. Nếu khách chui vào đó thì chắc lòi lưng bị trực thăng xót dễ dàng. Bây giờ tôi mới thấy cái hay của Trường Sơn. Dù sao trên đầu mình cũng luôn luôn có một tấm giáp bằng lá che mắt kẻ địch. Đạn bắn thì thủng tuốt nhưng sự rậm rạp làm cho những kẻ sắp chết an tâm hơn là đứng giữa trời nhìn thấy kẻ địch lù lù đi tới giết mình mà không phương chạy thoát.

Advertisements
REPORT THIS AD

Anh giao liên cũng võ trang một loại súng như giao liên Trường Sơn: cạc-bin.

Anh ta nói như chơi:

– Nếu có động, các đồng chí rút vào rừng tràm đó.

Tư Mô hỏi:

– Nếu trực thăng nhảy giò thì chạy đi đâu đồng chí?

Anh giao liên gạt ngang:

– Ở đây chỉ sợ bù nốc thôi. Còn nhảy giò thì chắc không xảy ra ! Nó mới nhảy tuần rồi !

Tôi hỏi :

– Tại sao đồng chí lại chắc vậy? Nếu nó chầu đôi thì sao?

– Vì nó nhảy xuống kỳ rồi, chẳng bắt được cái mẹ gì ngoài ba cái c. bần.

Tôi cười ngất:

– Tôi có thấy cái nào đâu !

– Nước ròng lòi mé bãi cơ. Cả một rừng c… lởm chởm như chông vậy. Hố hố. Cái tiếng tự nhiên làm tôi nhớ nạn nhân. Tôi ngoắc anh giao liên lại gần và rỉ tai. Anh ta kêu lên:

– Thế thì bỏ mạng rồi. Mất cái chìa vôi đó thì chết sướng hơn ! Rồi anh ta đi lại võng nạn nhân lắc lắc – Có sao không đồng chí ?

Tôi làm bộ không chú ý nhưng tai thì lắng nghe xem sự thế ra sao.

– Chịp! Sao không cẩn thận gì hết trọi vậy cha?

– Tôi đâu có ngờ !

– Tôi không thể nhắc mỗi người được. Phải tự bảo vệ lấy chớ. Mà có ngay chỗ nghiệt không?

Anh chàng không đáp. Hồi lâu mới hỏi:

– Trạm có y tá không đồng chí ?

– Tất cả khách đều phải tự túc mọi cái. Chúng tôi không có bất cứ thứ gì ngoài sự dắt đường cho các đồng chí.

Anh giao liên trở lại lều tôi:

– Đồng chí có thuốc đỏ không?

– Thuốc đỏ là thuốc gì ? – Bị hỏi bất ngờ tôi đâm ra ngớ ngẩn.

Tư Mô bảo:

– Mẹc-cuya thì tôi có đây, nhưng nó chỉ sát trùng thôi ăn thua gì !

– Thì đỡ vậy thôi, chớ có cái thuốc gì là thuốc trị cá nốc cắn đâu !

Tư Mô lấy chai thuốc đỏ thấm miếng bông gòn đưa cho anh giao liên và nói nhỏ với tôi:

– Thằng này chắc tên là Lầm hoặc là Liền.

– Sao anh biết ? Nó đâu có tự giới thiệu với mình.

– Trạm trước có thằng “Tôn” thì trạm này gặp thằng “Liền” hoặc thằng “Lầm” là đúng công thức với vụ cá nốc đớp cái “chông ba lá ‘ của ông khách kia rồi chớ gì!

Tôi cười và nói nhỏ:

– Báo hại, nếu anh bạn mình đang móc vợ vô thì không biết tính sao !

Tối hôm đó Đặng Vi Trùng đến mắc võng nằm gần tôi. Vi Trùng hỏi ngay:

– Quyển sách thế nào?

Tôi ậm ờ:

– Mình đi nên giao lại cho nhà xuất bản Quân Đội.

– Lâu thế mà chưa in à?

– Chưa!

(Đó là truyện dài “Những tiếng nổ ngầm” của tôi viết mất hai năm, xong hồi 1960 đưa cho nhà xuất bản Quân Đội. Rằng hay thì thật là hay, nhưng nó lại bị ở trên chê là lộ bí mật quân sự nên ngâm dấm luôn. Nhân vật chính là Đặng Vi Trùng. Câu chuyện một toán công binh do Đặng Vi Trùng chỉ huy phá sập cầu Bến Lức năm 1952 bằng mìn.)

Tôi đánh trống lãng:

– Kỳ này cậu về làm một cú Bến Lức nữa hả?

– Trước thì dễ hơn. Bây giờ thì vô phương. Bộ Tư Lệnh Khu định làm một cú để ăn mừng gì đó nhưng tớ không mò lại gần được chiếc cầu.

Tôi nói:

– Hồi đó cậu đội lục bình thả rề theo nước rồi đáp vô chân cầu đặt mìn coi bộ dễ mà.

– Ba tháng trời mới làm được. Bây giờ khó lắm. Nghe nói nó đốt đèn điện tử và thả cá leo cá lung gì quanh chân cầu, khó bề đội lục bình như hồi trước lắm.

Tôi cười:

– Cậu sợ cá leo mà có sợ cá nốc không?

– Cá nốc là cá gì?

Tôi trỏ anh bạn đằng kia và kể vắn tắt câu chuyện.

Đặng Vi Trùng cười hắc hắc vang trong đêm tối.

– Cá nốc cũng nguy hiểm nhưng không đáng ngại bằng bù nốc. Cá nốc chỉ gặm một tí thôi nhưng bù nốc thì nó thỉnh nguyên con !

Chuyện cũ nhắc lại thì như chuyện mới. Nhất là chuyện được nhắc lại trên cái nền cũ là Vàm Cỏ Đông. Cầu Bến Lức. Quả thật con đường này là con đường tâm tư dằn vặt. Tôi từng say mê cái anh công binh Đặng Vi Trùng với chiến công oanh liệt này. Một đội công binh Nam Bộ vô cùng anh dũng đã nghĩ ra cách đột nhập vào chân cầu và đánh sập cầu làm cả đến bên Tây phải chú ý và gọi là một cuộc tấn công xuất quỷ nhập thần.

Cầu Bến Lức thuộc tỉnh Tân An nối liền Sài Gòn với các tỉnh Tiến Giang và Hậu Giang. Do đó nó trở thành cây cầu chiến lược gần như cây cầu Long Biên Hà Nội.

Đặng Vi Trùng là đội trưởng. Các đội viên gồm có: Niệm và Tân. Niệm là người Nam, Tân là người Bắc. Hai người này phụ trách đánh chân cầu phía Bắc tức là phía Sài Gòn.

Họ đã mò mẫm nghiên cứu và chế tạo mìn, tự kết cấu dây điện, cả kế hoạch kéo dài ba tháng. Họ được địa phương giúp sức. Xã đội trưởng là một nông dân người to lớn, bị Tây bắt một lần và trốn thoát. Tây lùng mãi nhưng không kết quả. Tây gọi Monsieur Le Gros (cái anh to lớn) do đó có tên là xã đội “Gô.”

Hằng đêm họ lên ngọn sông đội lục bình trên đầu và thả trôi theo dòng nước để thử đột nhập vào chân cầu. Nhưng quanh chân cầu, ngay trên mặt nước có một sàn gỗ để lính đứng gác. Cứ mười lăm phút chúng lại rọi đèn quanh chân cầu và khắp mặt sông đồng thời ở hai đầu cầu đèn pha quét ánh sáng đi xa hơn. Hễ có giề lục bình nào trôi gần chân cầu là chúng xả tiểu liên bắn nát.

Thế .mà họ vẫn đánh sập được một chân, hỏng mất nhịp giữa. Xe cộ ngưng chạy mấy ngày liền chờ cầu nổi bắc xong mới lưu thông.

Tôi tưởng khi ra Bắc thì đội công binh này phải được tuyên dương như một tập thể anh hùng. Nhưng không chẳng ai được gì cả. Trung thì được huy chương chiến công hạng ba. Nhận nhưng không đeo. Niệm đi nông trường cuốc gốc lim, còn Tân thì về xã cày ruộng hợp tác ở Thái Bình. Tôi đi tìm gặp lại họ để hỏi tài liệu viết lên một chiến công to lớn của Nam Bộ đồng thời cũng để nhắc cấp trên một việc không nên quên. Nhưng ở trên cho là lộ bí mật quân sự! (Lộ bí mật quân sự nhưng phải thưởng kẻ có công chứ!)

Bây giờ gặp lại Trung, sách chưa in, tôi hơi xấu hổ, nên không dám nói thật. Nhà văn gì viết sách không được xuất bản (bất kể lý do gì) nên tôi đánh trống lãng:

– Ông đi được Tháp Mười về, thấy tình hình như thế nào?

– Tình hình gì ?

– Địch ta. Tình hình dân vận, đại khái như thế.

– Tôi ở đây luôn chớ về đâu nữa. Đây thuộc đất của tôi. Đây là ven Tháp Mười rồi, tức là I Hai.

– Sao bây giờ gọi là I?

– Tôi cũng không biết. Thấy ở trên bảo thế thì hay thế. Lê Quốc Sản làm Tư lệnh. Mang hia leo lên bàn thờ một cách bất ngờ!

– Trận nào ?

– Không trận nào cả. Bị ruồng chết.

– Chạy không thoát à?

– Bây giờ không phải như thời chống Pháp đâu. Hồi đó nghe Tây vô Tháp Mười, mình còn nấu trà uống đúng ba bình rồi đi bắt gà làm thịt, nhậu xong xuống xuồng đi, vừa chống xuồng vừa ca vọng cổ. Bây giờ không được ! Nghe nó tới là nó đã tới lù lù trước mặt kia rồi. Chạy thì ăn đại liên từ trực thăng, không chạy thì bị bù nốc xớt. Bù nốc là thứ ngặt nghèo nhất ông bạn nhà văn ơi. Nó bay như bông vụ quay, chớp mắt nó tới rồi. Nó dạn hít như gà vậy. Với tay đụng mà! K54 bắn cũng rớt.

– Sao không lia?

– Úy trời ! Nó mà rớt một cái là tụi kia bu đen như chuồn chuồn, mình không chạy thoát đâu. Rồi bom tới, cà nông thụt, rồi đổ dù, thằng nào dại lắm mới dám bắn trực thăng.

– Ông bị lần nào chưa ?

– Bị rồi.

– Sao vậy ?

– Thì cũng mấy cha mùa Thu nhà mình mới về chưa biết qui luật, thấy con bù nốc chúc đầu xuống ngoáy ngoáy cái đuôi như con mèo hụi chuột thì tưởng dễ ăn, vác AK ra làm một loạt lập công chào mừng quê hương anh dũng cái chơi. Chiếc trực thăng bị thương nhưng bọn nó trả hỏa gấp một ngàn lần.

Thằng phi công nhảy xuống đất nhưng mình đâu có ló đầu ra khỏi miệng hầm mà bắt. Rồi trực thăng tới thòng thang dây, nó leo lên. Kỳ đó ở trên cảnh cáo đơn vị bắn ẩu và cấm tuyệt không được bắn trực thăng ngoại trừ lâm trận.

Trung tiếp:

– Tôi có thể nói hồi kháng chiến chống Pháp lực lượng mình có một, lực lượng địch đến mười. Bây giờ lực lượng mình vẫn một, lực lượng Sài Gòn đến một trăm.

– Nó kèo trên dữ vậy cha nội?

– Để vài hôm ông bạn bước xuống tới Long An Mỹ Tho rồi thấy.

– Còn Bến Tre nhà tôi thì sao?

– Cũng cỡ Mỹ Tho vậy.

– Ở ngoài Bắc mình nghe trận Ấp Bắc oai hùng lắm mà !

Trung lặng im. Trời đen như mực. Đèn trực thăng chớp thay sao, bay qua lượn lại ở những vùng xa. Tôi không biết hướng nào là hướng nào nên hỏi:

– Ấp Bắc ở chỗ trực thăng bay đó phải không?

– Xa nữa cơ. Ở đây không đoán được đâu. Chịp ! Hồi kháng chiến ở Tháp Mười tụi này bị một trận tổng ruồng kinh hồn. Cơ quan Bộ Tư lệnh dông sạch. Thiệt hại tám mươi phần trăm. Nhưng so với bây giờ, trận đó chỉ là trò chơi trẻ con. Ông xuống dưới đó thế nào cũng đi ngang qua Ấp Bắc. Rồi sẽ thấy. Không có một cái cây một mô đất nào không bị thương, lỗ bom không đếm hết nổi. Bom đìa nay nông dân đã làm ao thả chà nuôi cá rô phi rồi, gọi là rô phi Ấp Bắc.

– Bom đìa là bom gì ?

– Là bom tấn đấy, mỗi quả nổ phá một lỗ to bằng một miệng đìa nên mấy bác nông dân mình gọi là “bom đìa”. Pháp ăn thua mẹ gì. Tôi không muốn làm ông bi quan đâu để ông đến thực địa rồi thấy.

– Nhà quân sự nói thì chắc như bắp rồi ! Còn trận Ấp Bắc ?

Advertisements
REPORT THIS AD

– Đó là trận thử sức giữa ta và địch.

– Kết quả thế nào ?

– Nó gãy hết dăm ba ngoe còn mình rụng cả ngoe lẫn càng. Đừng có nói ra ngoài. Bí mật đấy. Đó là tiểu đoàn chủ lực mới thành lập. Sau trận đó còn non đại đội.

– Trời đất!

– Bây giờ đồng bào vùng Ấp Bắc bỏ đi sạch rồi. Ông đi qua đó sẽ thấy nhà không vườn trống.

– Tại sao ?

– Ngày nào nó cũng dội bom. Trực thăng đi qua bắn, đi lại bắn. Xe tăng ngoài lộ cái bắn vô. Phi thuyền ở Đồng Tháp bắn ra. Pháo Đồng Tâm nện bồi. Mình thắng thì cũng có thể gọi là thắng, nhưng thắng rồi không còn gì. Ban chỉ huy tiểu đoàn hi sinh hết. Chiến sĩ của mình mới nhập ngũ nhưng rất gan dạ, bắn tới viên đạn cuối cùng chứ không chạy nhưng về đến căn cứ thì trốn hết. Có phái đoàn Bộ Tổng Tư lệnh vô tận nơi nghiên cứu . Đồng chí trưởng phái đoàn thay mặt Bộ Tổng Tư lệnh khen ngợi chiến sĩ tiểu đoàn và đặt tên cho tiểu đoàn là đơn vị gương mẫu và được mang tên là “Tiểu đoàn Ấp Bắc” để đánh dấu chiến công này.

Tôi nghe mà lạnh xương sống nhưng cố gượng:

– Chắc tiểu đoàn này cũng cỡ với 307 hồi trước.

– Làm gì có ! Nói cho oai vậy thôi, chứ đây chỉ là những anh du kích đôn lên, chưa quen trận lớn nên sau trận tránh những anh còn lại mất tinh thần. Họ không ngờ tụi Sài Gòn lại đánh ác vậy. Nó thả quân tiếp vận bằng trực thăng và tung hàng mấy chục xe lội nước lận mà. Nhiều chú du kích dông luôn không trở lại xã nhà nữa. Tiểu đoàn Ấp Bắc làm sao so được với 307 hồi trước !

– Bây giờ cha nghĩ sao?

– Nghĩ sao cái gì? . .

– Đánh chừng nào mới thắng?

– Chừng nào chừng, mình cũng phải đánh chớ làm sao mà nói trước được.

– Tôi thấy ngoài Trung ương “Khơi” lắm cha nội à! Nguyên một cái đường Trường Sơn thấy cũng đã bê bối lắm rồi. Ông biết đó.

Trung hỏi tôi:

– Ông Mật chết cách nào?

– Bom trộm ! – Tôi kể lại vụ gặp cái giò heo treo lủng lẳng trên cành cây, cái ví có hình và đoàn cán bộ Nam Cờ bị bắt xuống Bác Kế đã bất tuân thượng lệnh đi thẳng vô Ông Cụ cho Trung nghe. Trung kêu trời inh ỏi rồi nói:

– Ở ngoài đó mình bi lép quá cỡ! Chậc! Bây giờ còn làm sao được. Phải chi ông ấy về tới trong này thì tụi tôi bảnh biết mấy. Hai ổng là thứ rái lội nước ở vùng Gò Dầu Thượng, Gò Dầu Hạ, Bến Cát…

– Chết lãng nhách !

– Biết bao cái chết lãng nhách. Ông Tư lệnh I Hai nhà mình cũng chết lãng nhách chứ có đáng gì cho cam. Chết như Đỗ Huy Rừa, Trung đoàn phó chỉ huy trưởng Tiểu đoàn 307 hồi trước kia mới hiển hách, còn ông Sản chạy bịi trực thăng bắn chết ở gò đìa.

– Chậc! Không biết bà Minh hay chưa?

– Bà Minh nào ?

– Vợ ổng ở Hà Nội.

– Chưa đâu. Ở đây còn không mấy ai biết nữa là ở Hà Nội .

Chiều hôm sau giao liên tới đả thông một cách hùng hồn: “Đây là chặng đường sanh tử, dài dằng dặc tuy không nguy hiểm bằng vượt lộ Đông Dương và băng sông Cửu Long, nhưng phải đi một mạch từ sáu giờ tối đến sáu giờ sáng, nghỉ thì chỉ đứng dưới nước mà lấy lại sức chứ không có bờ. Ai lạc thì ráng chịu chớ giao liên không có trở lại rước. Các đồng chí nên cố gắng đi theo đừng để đứt đuôi.

Nghe qua lời đả thông của ông trời con mà khách ớn cả xương sống. Tôi nhìn Tư Mô, Tư Mô nhìn tôi. Hai đứa không biết nói gì. Cái nguy hiểm là đi đêm. Mà lại không có đường. Toàn là đồng nước. Tôi đoán đây là Đồng Tháp Mười. Sự thực thì tôi mù tịt, giao liên dắt đi thì đi, bảo chạy thì chạy, bảo bò thì bò, không được hỏi đây là đâu và chừng nào tới.

Tẩm bổ được mấy ngày với bộn bàng cá chạch lấu, cũng khá hơn ở Trường Sơn, còn đòi voi đòi tiên gì nữa.

Hơn thế, ở đây thấy bắt đầu lố dạng quê nhà, phấn khởi vô cùng. Dù chết cũng ráng lết. Có một câu chuyện thần thoại hồi ở ngoài Hà Nội tôi được nghe, kể cũng hay hay. Chuyện rằng có một cán bộ có tuổi khi về gần đến Bà Rịa thì kiệt sức không ráng nổi nữa. Anh em trong đoàn bèn thay phiên nhau khiêng ông về đến ranh tỉnh Bà Rịa là ranh Nam Bộ và cho hay đã về đến quê nhà. Nghe thế, ông ta mỉm cười và tắt thở.

Tôi đến chia tay Đặng Vi Trùng. Hắn dặn tôi theo kiểu ông Hai Tân:

– Đi cho cẩn thận nghe “nhà răng.”

Tôi cười:

– Đi thì đi chớ biết cẩn thận là sao?

– Về tới Bến Tre, hú cho mình một tiếng.

– Còn ông, nếu đánh được cầu Bến Lức cũng hú cho mình một tiếng.

Rồi đi. Trời bắt đầu nhọ mặt thì đoàn khách – độ chừng hai mươi người – bắt đầu cuộc vạn lý trường “sình”. Tôi và Tư Mô muốn chắc ăn nên đi ở khúc giữa. Vị trí này thì có vẻ an toàn, nhưng khổ cái là không được “đứt đuôi”, nghĩa là phải bám sát khúc trước. Ở Trường Sơn tôi đã làm đứt đuôi một lần. Đám khách sau tôi không biết đường đi tới, họ sân si đòi đánh tôi. Đánh thì tôi chịu chứ không đi nổi mới đứt đuôi chớ ai muốn chi vậy. Tôi cố gắng lội dính theo đoàn. Từ chiều đến khuya, tôi vẫn giữ được cự ly tốt. Nhưng về khuya thì đuối sức. Cứ phải nghe tiếng lội bì bõm mà định hướng đi. Càng ngày cái khoảng cách giữa tôi và người đi trước càng rộng ra. Giao liên làm đúng lời tuyên bố của anh ta trước khi xuất phát nghĩa là đứt đuôi ráng chịu, anh ta không trở lại rước. Sợ sẽ xảy ra một vụ suýt bị đánh như ở Trường Sơn, tôi bảo Tư Mô:

– Mình nên đi chót anh Tư ạ !

– Đi chót họ bỏ mình làm sao ? Chú không nhớ giao liên bảo là nó không trở lại rước à?

– Thì đành vậy ! Chứ đi ở giữa mà đứt đuôi thì những người đi phía sau mình cự chết !

Tuy không đồng tụt lại chót nhưng dần dần hai đứa cũng cầm đèn đỏ. Ở phía sau khách thấy chúng tôi đi chậm họ càn bừa lên trước. Bây giờ chúng tôi đâm ra lo. Nếu lạc đường thì biết hướng nào mà đi ? Không khéo lại đâm đầu vô bót. Người ta không còn nhớ đồng chí đồng choé gì nữa. Cứ dẫm bừa lên nhau. Cứ nghe tiếng hì bõm càng xa ra là tôi giục Tư Mô hoặc Tư Mô giục tôi lội mau lên. Lội Đồng Chó Ngáp này có mấy cái bất lợi. Một là nước sâu ngang bụng, ít khi ngang đầu gối. Hai là năn và cỏ dày quấn chân. Ba là gốc tràm lục nằm dưới bùn. Đạp có cái đau té sụm, nhưng phải bò dậy bươn theo.

Rồi lại mưa. Mưa giữa đồng hoang, gió rít nghe vô cùng man rợ, trời chớp nhì nhằng như có hàng nghìn con quái vật lồng lộn trên nền trời. Thân phận con người trở thành nhỏ bé, vô nghĩa. (Bây giờ ngồi viết những dòng này, nhìn lại cái đoạn đường Chó Ngáp, tôi chợt nghĩ: Đảng Việt Cộng đã dắt nhân dân ta đi qua quá nhiều đồng chó ngáp mà rồi không đến đâu cả.)

Lúc ở trên tiểu ban, Tư Mô có bảo tôi nên võ trang bộ giò bằng đôi giày bắt heo để chống gốc tràm lục ở chặng đường này. Tôi cũng chọn lựa và quảy theo một đôi, nhưng vẫn không bỏ đôi dép Trường Sơn thân mến. Đem tới ây, tôi thử xỏ vô và lội thử thì thấy không thể đi được. Nước múc vô đầy nhóc, bùn bám bốn bên, nặng như hia sắt, rút lên được thì vướng cỏ năn, nên cuối cùng tôi vứt bỏ để lội chân không. Tôi hỏi Tư Mô:

– Anh có đau chân không?

– Thủng ít ra vài ba vít.

– Giày anh đâu ?

– Mắc kẹt dưới bùn, tôi bỏ luôn rồi.

– Sao vậy ?

– Ngồi đó mà moi họ đi mất.

– Thành ra anh đi chân không à?

– Chớ sao nữa. Còn chú?

Trời bắt đầu mưa to. Mưa như trời sắp sập xuống đầu, vuốt nước không kịp. Nhìn bốn phía, phía nào cũng tối đen, không có một ánh đèn biểu hiện sự sống. Không ai nói chuyện. Chỉ thỉnh thoảng vang lên tiếng kêu hú của giao liên gọi khách, hoặc khách lạc kêu giao liên. Tư Mô coi vậy mà khá hơn tôi. Anh kéo ngọn còn tôi là kẻ cầm đèn đỏ sau cùng. Sức lực đã rơi rắc từ Trường Sơn vô tới R, còn đâu ! Chiếc ba lô thấm nước nặng như dồn ba tảng đá xanh. Lạy Chúa, xin cho con gục rồi chết ở đây luôn, chỉ mong Chúa nâng hồn con về quê nhà.

Tôi nghe rã rời đến mức đả phải tự nhủ như vậy. Anh giao liên nhân đạo đừng lại trên một gân bờ lầy lội để chờ những người sau tới. Được đứng trong bùn ngập nửa ống quyển và không phải lội đi đâu là một hạnh phúc quá lớn đối với tôi. Mưa vẫn rơi như roi quất vào mặt. Ni-lông che trùm nhưng không ăn thua. Cả người lẫn ba lô không thứ gì còn khô. Có lúc lội qua đìa bào nước lên tới mũi, phải lột ba lô ra làm bè như bụp lá. Mỗi lần qua đìa đầm như vậy thì giao liên cho dừng lại để chấn chỉnh đội ngũ.

Đứng trên bờ nghỉ chân, Tư Mô móc thuốc ra hút cho ấm. Cả một vấn đề. Anh nhờ hai ba người đứng áng gió mới bật được hộp quẹt Zippo ra lửa mà đốt. Loại hộp quẹt này có cái chắn gió. Nếu là hộp quẹt thường thì bật không ra lửa. Nhưng anh chưa đốt xong điếu thuốc giao liên đã quát:

– Ai vô kỷ luật thế hả ? Trực thăng nó thấy nó tới là chết cả đám.

Tư Mô đành vứt điếu thuốc mà không dám ho he gì. Nghỉ một chốc, anh ta quát thinh không:

– Tiếp tục đi !

– Còn bao xa nữa đồng chí? – Tiếng the thé của một người đàn bà xuyên qua mưa.

– Không xa mà cũng không gần. Kỳ này phải giữ cự ly cho chắc.

Tiếng một người đàn ông:

– Báo cáo đồng chí giao liên có một nữ đồng chí yếu quá, không đi nổi .

– Yếu sao không ở lại ? – Anh giao liên quát ngay.

– Dạ, công tác khẩn cấp mà đồng chí !

– Khẩn gì mà khẩn dữ vậy? Rồi bây giờ đồng chí ấy ra sao?

– Dạ bò hết nổi rồi. Nằm đằng kia.

Ông cán bộ nào đó nói năng hết sức lễ phép. Tôi biết là ông ta nén giận để được sự giúp đỡ, nếu bình thường chắc anh giao liên ăn bốp tai.

Anh giao liên hùng dũng đi về phía ông cán bộ chỉ. Một ánh đèn pin nhoáng lên. Chỗ đó cách tôi không xa, nên mặc dù qua màn mưa, tôi vẫn nhìn thấy một người nằm, tóc xõa ra trên tấm ni lông xanh. Cố nhiên là tấm ni lông trải trên bùn. Ánh đèn pin tắt.

– Tôi không có trách nhiệm gì hết ! Anh giao liên tuyên bố.

Ông cán bộ vẫn lễ phép nằn nì:

– Xin đồng chí giúp đỡ chị ấy.

– Giúp đỡ bằng cách nào bây giờ?

– Chỉ đồng chí là có thể giúp thôi, chúng tôi là khách, biết gì mà giúp.

– Bây giờ nằm ở đây, chốc nữa giao khách xong, tôi trở lại, nếu chị ấy khỏe thì theo tôi trở về trạm.

– Nằm ở giữa đồng mưa gió thế này thì làm sao đồng chí?

– Làm sao thì làm. Nhiệm vụ của tôi là dắt khách không phải cõng khách.

Cuối cùng đoàn khách vẫn đi. Chị cán bộ nằm lại. Ai cũng đau lòng nhưng không ai ở lại được. Vì ai cũng phải đi Đó là nguyên tắc của đường dây từ Hà Nội vào đây, chứ không phải riêng ở đây. Ai đau cứ tha hồ nằm lại và tự do chết. Tôi đã từng nằm lại vài ba lần như thế này ở Trường Sơn .

Giao liên nói là trời nói. Đâu phải đùa. Tôi không hiểu rồi chị cán bộ kia nằm lại cách nào trên đầu là mưa tuôn, dưới lưng !à bùn sình và đỉa vắt, nhưng tôi không lo âu nhiều lắm vì đã có bác Hồ ở ngoài kia lo rồi. Đêm nay bác lại không ngủ cho mà coi.

Tiếp theo chương 16 

No comments:

Post a Comment