Thursday, April 23, 2020

TRẦN DZẠ LỮ Hồi ức DỌC ĐƯỜNG VĂN NGHỆ( phần 45) HUỲNH NGỌC THƯƠNG- LÃNG TỬ BÊN ĐỒI TÂY NHỚ ĐỒI ĐÔNG



    Thật ra Huỳnh Ngọc Thương (Fengshui Huynh) đâu chỉ xuất hiện vàì năm trở lại đây bằng những bài thơ hay, xót xa đến quặn lòng… (trong nhân sinh quan, thế giới quan của anh nhuốm mùi triết lý Đạo Phật) mà thơ anh đã từng xuất hiện trên vài tạp chí trước 75 và là người cùng thời với tôi, Nguyễn Miên Thảo, Viêm Tịnh, Từ Hoài Tấn, Lê Thị Ái Niệm, Trần Tịnh Yên… từ tập san Mây Ngàn chép tay do tôi chủ biên bước ra ngoài đời và trong văn học. Đó là một lãng tử thứ thiệt đang ở bên đồi Tây, đang là thầy phong thuỷ, đang cô đúc lại thơ mình từ trái tim hồi hổi máu huyết thấm thía cuộc nhân sinh mà không thiếu hơi thở nhân văn... Một con người Huế sinh ra và lớn lên từ làng Tuý Vân, sát cửa biển Tư Hiền Thừa Thiên Huế- nơi chập chùng núi và biển ăm ắp lời mẹ ru con da diết từ ngày nằm nôi và dần dà lớn lên. Lời ru mẹ, đã giúp anh chân cứng đá mềm để tự đi bằng đôi chân của chính mình mà không cần dựa dẫm ai trên bước phong trần đi bốn hướng. Đây là người bạn vong niên mà tôi quý mến bởi sau ngày lao cải trở về, cũng như bao người khác anh vất vã mưu sinh rồi qua Mỹ theo diện HO. Vì chịu khó học hỏi, anh đã thành thầy phong thuỷ, kiếm cơm tương đối dễ chịu mà không phải làm những công việc nặng nề nơi xứ lạ. Tuy nhiên, trên đường tình, anh lại là người luôn trắc trở và đăm đắm chia ly. Luôn là kẻ đồi Tây ngong ngóng đồi Đông. Và Quê Hương là nơi để trở về sau cuối vì đây là Biển Mẹ… bao dung! Và là miền tình yêu đau đáu, khôn nguôi… Tôi nghĩ rằng, người nào giang hồ, lãng tử nhất chính là người dễ rơi lệ nhất- cho nên Huỳnh Ngọc Thương cũng không ngoại lệ.Anh cũng như tôi, ngoài đời sống thật thì trong văn chương cũng vậy. Những trang viết là những Khát vọng yêu thương. Khát vọng yên bình của phận người trên mỗi bước chân đi qua ngàn dặm bể dâu.. Và hằng đêm nơi cuối trời, tôi biết anh vẫn mang mang nỗi niềm: “Dù khổ đau quằn quại, tôi vẫn yêu trần gian điên dại này” như Hermann Hesse đã từng thốt lên như thế. Cái tận cùng của sự cứu rỗi chính là thi ca và lòng nhân ái. Chúng ta hãy lắng nghe tiếng lòng của thi nhân qua những bài thơ dưới đây:
    THƠ HUỲNH NGỌC THƯƠNG ( Fengshui Huynh)

    MỘ KHÚC THÁNG TƯ

    (Kính hương linh Mẹ)
    Ta đi mẹ cạo tóc mây
    Bỏ đêm trên rẫy bỏ ngày trong bưng
    Mo cơm hạt muối lên rừng
    Thằng con thua trận mẹ mừng : còn may !

    Mẹ ta tuổi hạc tháng ngày
    Trông con biền biệt lưu đày nước non
    Mắt gà tai điếc lưng khom
    Bạn ta thì nhớ , hình con : ông nào ?

    Ta về không thấy mẹ đâu
    Hoa cau rụng trắng dây trầu mọc hoang
    Mẹ ngồi sau khói mù nhang
    Nhìn ta chắc hết ngỡ ngàng: ai đây ?!

    Mộ chiều nhện cỏ giăng mây
    Con đi phiêu lãng biết ngày nào thăm
    À ơi ...! bên ướt mẹ nằm..!
    Lời ru trong lũy xa xăm ...tre làng. ..!
    LH. Huỳnh Ngọc Thương
    Viết từ phố Bolsa
    AUG. 14-2019


    CHIM LẠC ĐỒI TÂY
    Từ khi chim lạc đồi Tây
    Sao nghe vắng cả trời nầy vọng âm
    Mây che rừng quế hương trầm
    Cách nhau một bóng trăng rằm mà than

    Từ nay sợi nắng chiều tan
    Ta nương mắt biếc quan san nhớ về
    Áo ai trắng cả hồn quê
    Mà mang mang gió bên kè lau xưa

    Tay nâng giọt lệ khô chưa
    Sao nghe uớt cả âm thừa tháng năm
    Đêm về níu cả xa xăm
    Cũng không ấm nổi chỗ nằm lạnh hơi

    Có khi đau cả tiếng cười
    Đắm trong vô thức luân hồi mà đi
    Ngựa mù hí tiếng biệt li
    Hỏi trong vách đá cuồng si kiếp nào

    Rằng xưa gió núi mưa chào
    Trang kinh để lại hồn trao về người
    Nghe chuông cứu độ trăng chơi
    Bỏ làn tóc rối bên trời điêu linh

    LH. Huỳnh Ngọc Thương
    Viết từ Phố Bolsa- California
    APRIL 7-2020


    NHỚ TIẾNG M Ẹ CƯỜI

    Từ khi
    áo mẹ bung tà
    Giày con vẹt gót
    đường xa chưa về
    Thân già
    mấy dặm sơn khê
    Mo cơm mẹ bới
    hồn quê mẹ đùm
    Con về
    mộ cỏ
    rưng rưng
    Bạc phơ mái tóc
    lạnh chừng khói hương
    Mẹ tôi
    mắt gởi mười phương
    Vàng sân lá đổ
    Huyên đường mây bay.
    Con đi muôn dặm
    trời nầy
    Vẫn không trả hết
    ơn dày mẹ nuôi
    Dẫu con đốt đuốc
    một đời
    Tìm đâu cho được
    tiếng cười Mẹ xưa
    LH. Huỳnh Ngọc Thương
    Viết tại cửa biển Tư Hiền
    Thừa Thiên - Huế
    Tháng Tư 2017 thăm mộ MẸ


    MÙA XUÂN
    CỦA CHỊ

    ( tặng một thân phận )

    Chị giấu mùa xuân xưa ở đâu
    Mà nghe trong gió tiếng thương sầu
    Câu thơ ai xé làm hai nửa
    Nửa quạnh bên chồng ,nửa bể dâu

    Năm ấy màu trời mới chớm đông
    Chị buông nhật ký bước sang sông
    Bỏ hàng phuợng vỹ rơi trong nắng
    Đổi tiếng ầu ơ phận má hồng

    Từ đó trăng lầu soi chiếc bóng
    Chị làm thiếu phụ tuổi thơ mong
    Đôi chân đã lấm mùi suơng gió
    Bao lần nuốt lệ ngược vào lòng

    Lặn lội nay cò mai cái vạc
    Xuân xanh áo lụa nhuộm phong trần
    Một đi mờ mịt đường mây bạc
    Phận liễu mày châu cuộc dấn thân

    Nắng sớm mưa chiều tranh gió bấc
    Thiếu chăn thừa chiếu tím tê lòng
    Trời khiến hững hờ duyên phận mỏng
    Thu hè chị ước chuyến sang sông.

    Đã mấy mùa xuân thay áo mới
    Quê nhà cách biệt buổi xa khơi
    Hương nguyền tắt lịm ngày nắng xế
    Chiếc lá xanh rơi , lỗi ước thề

    Chị xa xóm cũ đành luân lạc
    Bao năm biền biệt vẫn chưa về
    Song đường bóng hạc chìm xa lắc
    Tay vịn sóng đời tay níu quê

    Ngày đi vương vấn khói nồng cay
    Bếp lửa mai chiều ai nhóm thay
    Tay mẹ run run rơi nắm đũa
    Tiếng gậy khua thềm bổng nhớ cha

    Trưa nay xuân đến bên phần mộ
    Nhang khói xây vòng thỏa ước mơ
    Quê nhà ấm lại lòng con thảo
    Một đời phiêu dạt một đời thơ

    Xuân mới bên hiên mừng nắng mới
    Dựng ngày son sắt với hoa cười
    Tóc mây suông lại thời con gái
    Môi thắm như lòng đang thắm tươi
    Huỳnh Ngọc Thương
    Viết từ Phố Bolsa
    JAN.25-2020


    NHƯ CHƯA HỀ CÓ CUỘC PHÂN LY

    Em về đi đường trần sao lấp lối
    Còn gì đau hơn ngoài những não nề
    Mai chia biệt ta chỉ còn bóng tối
    Ngự âm thầm thao thiết những mầm vui

    Ta về thôi ngày trao thân chờ đợi
    Triệu linh hồn sám hối khóc lìa đôi
    Đường nhân thế nói năng chi lòng vắng
    Như mây đem mưa mấy thuở bạc lòng

    Về đi em gió mùa đang rười rượi
    Tóc xanh xưa đã xa lạc nhau rồi
    Trong mộng mị hãy lên ngôi thần thánh
    Thiên đường nào mà không có chia phôi

    Về nơi đâu sóng xô ngày biển gọi
    Khúc từ li gió hát với trăng sầu
    Vườn khuya lạnh nụ cười thôi đã mỏi
    Một cung trầm cũng đủ giết đời nhau

    Ta về thôi chẳng còn gì nữa rồi
    Đường ta đi héo mòn bao mộng ảo
    Đường ta về đã rách nát âm hao
    Quay hướng nào cũng giáp mặt thương đau

    Về đi thôi, dáng ngày đang hấp hối
    Đừng để lòng vá víu bóng ngựa câu
    Một góc đời cũng đủ ấm ngày sau
    Câu từ tạ theo đêm về quá khứ

    Ta ngồi lại bên cung trời lưu xứ
    Thương rất nhiều mắt biếc mộng chiều xưa
    Tóc đã gội phong trần câu chuyện cũ
    Đừng nhắc chi khúc hát biệt li chưa
    LH.Huỳnh Ngọc Thương
    Viết từ Phố Bolsa-California
    JAN.8-2020


    Đọc xong thơ của HNT, nhất là thơ viết về mẹ, tôi đã ứa lệ. Vì tôi cũng như anh đều có mẹ như thế: “Bên ướt mẹ nằm bên ráo con lăn…” Những người mẹ VN tuyệt vời mà không bút mực nào nói hết được tấm lòng nhân hậu nhường kia! Riêng trong tình yêu, HNT là một lãng tử, hào hoa, phong nhã, đẹp trai, đẹp tính và thuỷ chung… nhưng lại bất hạnh trong tình trường.Vì vậy, tôi xon xót làm sao!. Cầu mong anh có được một người yêu thương như câu thơ của thi sĩ Vũ Hữu Định” May mà có em, đời còn dễ thương…”
    Tôi tin rằng, dù ở đồi Tây hay đồi Đông, ngoài chuyện cơm áo, anh vẫn viết. Đó là niềm đam mê khó cưỡng… phải chăng đấy ắt là nghiệp dĩ?

    Trần Dzạ Lữ
    (SG 4.2020)

    Comments
  • Trương Phùng Lộc Bài viết của anh Trần Dzạ lữ viết về nhà thơ và là nhà Phong Thủy và đời sống ( Huỳnh ngọc Thương ) rất hay !
    Còn những bài thơ viết về mẹ và tình yêu rất là tuyệt vời của anh Thương đã làm cho tôi rất hâm mộ anh !! Và cảm ơn !
  • Nguyễn Đăng Trình thân chúc hai kwinh bình an vui vẻ..,🌻👍
  • Thu Vo Hay lắm huynh !

  • Binh Ho Thẩm thấu lòng tôi tiếng nghẹn buồn
  • Khanh Lu Đọc bài viết cũa Trần Dzạ Lữ về HNT, tôi mới hiểu rõ về Thương nhiều hơn. Lúc ban đầu, Tôi biết HNT chỉ là một SQ thuộc cùng một đại đơn vị và một TT/ Biệt Kích LH đã từng tham gia nhiều công tác khó khăn và nguy hiểm cũa một trong nhiều đơn vị đặc biệt cũa NKT/BTTM/QLVNCH. Sau này mới biết HNT cũng là một thi sỉ với nhiều ý nghĩ sâu sắc và lạ lùng về cuộc tình và cuộc đời. Ngoài ra, HNT lại là một nhà phong thủy danh tiếng xuất hiện thường xuyên trên các chương trình truyền hình tại California. Những cảm tình HNT dành cho tôi không những trong tình chiến hửu cũa quá khứ, mặc dầu chưa bao giờ gặp nhau trong cuộc chiến mà còn là một nhân cách khác biệt so sánh với nhiều chiến hửu khác trong cùng đơn vi. Cám ơn Thương rất nhiều về sự đối xử đặc biêt này. Lữ Triệu Khanh/North Carolina.
    2

  • Thu Nguyen Anh Thương à ! Bởi anh tài tình cho lắm nên trời đất ghen đó nghen.
  • Xuân Trình Bùi Tuyệt quá

Monday, April 20, 2020

CÁC ANH CÒN SỐNG MÃI ...


 (Viết nhân cuộc biểu tình Quốc Hận  tại thủ đô Canberra, Úc Đại Lợi, trước tòa đại sứ cộng sản Việt Nam, do Cộng Đồng Người Việt Tự Do tổ chức. Ngoài Quý Anh Hùng Hữu Danh/Vô Danh – Quân Dân Cán Chính, VNCH – đã hy sinh trong cuộc chiến trước 1975, mãi Sống trong Lịch Sử Dân Tộc, kể từ năm Quốc Hận đầu tiên 30.4.1975 đến nay, đã có những Anh Hùng Nghĩa Sĩ Phục Quốc  bí mật hoạt động tại quốc nội, hoặc từ hải ngoại trở về,  và đã có những người hy sinh vì Quê Hương Dân Tộc,  trong lao tù, nơi pháp trường, hay trên đường về.  Xin kính dâng lên hương hồn Các Anh, với Tâm Nguyện tiếp nối cuộc hành trình của Các Anh một  thời dang dở...)

                                                                            Võ Đại Tôn

Các Anh đã lên đường
Mấy mươi năm về trước.
Lòng quặn nhớ Quê Hương
Rừng sâu Anh tiến bước.
Bao năm rồi, còn ai lội ngược
Dòng sông đời, tưởng nhớ các Anh đây ?
Sau Quốc Nạn, vượt thoát khỏi trùng vây,
Trên sóng nước mang Hồn Quê viễn xứ.
Đời lưu vong, cội nguồn luôn chiếm ngự
Tháng năm dài thao thức chuyện non sông.
Nhìn mây bay, ôm ấp mộng tang bồng
Hồn tượng đá thi gan cùng tuế nguyệt.
Bỏ lại sau lưng trời xứ người băng tuyết
Hay kinh thành hoa lệ chốn phồn vinh.
Đời tự do, sung túc cõi nhân sinh,
Anh trở lại – cùng Toàn Dân chiến đấu.
Nỗi đau riêng, nhìn đàn con yêu dấu,
Người vợ hiền lạc lỏng cảnh xa quê,
Anh lên đường, xuyên mấy nẻo quay về
Cùng Dân Tộc, mong cứu Người cứu Nước.
Bao triệu người ra đi, còn Các Anh về ngược
Vì Quê Hương, chân xẻ núi băng ngàn.
Niềm cô đơn gói trọn một hành trang
Dâng Tâm Nguyện lên Hồn Thiêng Tổ Quốc.
Rừng Hạ Lào lót đường gai góc
Đêm thâm u mưa lũ ngút ngàn.
Sương lạnh chiều hoang
Trăng mờ biên giới.
Đường Anh đi, nẻo xa vời vợi
Hành trang nghèo nhưng nặng nỗi thương Quê.
·      Phút sa cơ Anh vẫn vẹn câu thề
Xin gửi lại lòng son về Đất Mẹ.
Anh nằm xuống, nơi rừng hoang quạnh quẽ
Máu hoen mờ, cây lá phủ thân Anh.
·      Nơi pháp trường, Anh vẫn ngẩng đầu xanh
Mong Tổ Quốc nhận hồn Anh phút cuối.
·      Chốn tù lao, ngàn đêm ngày tăm tối
Anh âm thầm chôn giấu nỗi cô đơn
Vào đáy lòng, không cần khẩn van lơn,
Nuôi sức sống bằng lửa thiêng Sông Núi.
Chỉ xin nguyện làm Người không tên tuổi
Lót đường đi bao Thế Hệ ngày mai !.

                              *
                            *  *

Bao năm dài
Trời Úc Châu hôm nay vào Thu lạnh
Thủ Đô người nắng hồng soi ngợp ánh
Cờ Vàng thiêng Tổ Quốc vẫn tung bay.
Bao người con đất Mẹ tụ về đây
Đòi Lẽ Sống, Nhân Quyền trong Tự Chủ
Cho Quê Hương, bị chìm sâu thác lũ
Mấy mươi năm do chế độ hung tàn.
Trời Trung Đông bừng dậy, vết dầu loang
Đòi nhân phẩm, chung thành cơn bão táp.
Bao triều đại độc tài xuôi tay ngã rạp
Trước cuồng phong uất hận của Lòng Dân.
Trời phương Nam rồi cũng sẽ dự phần
Cùng nhân loại thoát ra vòng sợ hải.
Hoa Cách Mạng dù mang tên đủ loại
Cũng đâu bằng Dân Tộc đóa hồi sinh.
Chúng tôi đây, chuyền ánh lửa bình minh
Về Đất Mẹ, cùng Toàn Dân đứng dậy.
Giữa rừng cờ, hôm nay tôi vẫn thấy
Các Anh về - chung tiếng thét loa vang.
Bước Anh đi từ thuở trước băng ngàn
Máu Anh đổ nơi rừng hoang biên giới.
Tiếng Anh thét trong xà lim tăm tối,
Nơi pháp trường Anh đã đứng hiên ngang.
Đang hiện về, trong ánh rợp Cờ Vàng
Chung góp sức cùng chúng tôi vững tiến.
Tôi đứng đây, khóc mừng trong hãnh diện
Biến đau thương ngày Quốc Hận hôm nay
Cùng triệu lòng xin nối tiếp bàn tay
Vung ngọn đuốc lửa thiêng về Đất Tổ.
Chung Lòng Dân, chuyển tang thương phẩn nộ
Thành cuồng phong phăng gốc rễ tham tàn.
Một mùa Xuân đầy ánh sáng vinh quang
Toàn Dân Tộc viết ngàn trang Sử mới.
Trên đỉnh trời, VIỆT NAM cao vời vợi
 Cùng nhân loài vui hạnh phúc ấm no.
Tạ ơn Anh, trong hàng ngũ Tự Do
Anh vẫn sống cùng thiên thu Tổ Quốc !.

Võ Đại Tôn
Canberra, thủ đô Úc Đại Lợi
30 tháng Tư Đen

Friday, April 17, 2020

Operation Babylift, 45 năm một sứ mạng nhân đạo và tình người Ðinh Yên Thảo

Trên một chuyến bay của chương trình Operation Babylift, 1975.
Trong những ngày cuối cuộc chiến Việt Nam, chiến dịch di tản nhân đạo các trẻ em mồ côi sang Hoa Kỳ với tên gọi Operation Babylift đã được thực hiện theo sự chuẩn thuận của Tổng Thống Gerald Ford. Ông tuyên bố rằng, ” Trong khi truy điệu những người đã mất, chúng ta không thể quên những người còn sống” để không chỉ có kế hoạch di tản hàng chục ngàn nhân viên người Việt, mà còn là chiến dịch dành riêng cho trẻ mồ côi sẽ được di tản bằng phi cơ quân sự, có ngân sách khoảng hai triệu đô la. Theo số liệu từ bộ phim tài liệu Precious Cargo của PBS, đã có ít nhất 2,700 trẻ em mồ côi VN được đưa sang Mỹ và khoảng 1,300 em được đưa sang Canada, Úc và Âu Châu  trong sứ mạng này.
Rất không may, chiến dịch mở màn bằng một tai nạn thương tâm. Ngày 4 tháng 4 năm 1975, tin chiếc phi cơ C-5 bốc trẻ mồ côi Việt Nam sang Hoa Kỳ trong chiến dịch Operation Babylift gặp nạn làm thiệt mạng 153 trẻ em, phi hành đoàn, nhân viên thiện nguyện và nhân viên văn phòng DAO tại Sài Gòn, đã gây bàng hoàng và xúc động cho những người theo dõi tình hình chiến sự tại Nam Việt Nam.
Chiếc phi cơ C-5 mang ký hiệu 68-0218 cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất sang căn cứ Clark Air Base tại Phi Luật Tân vào chiều thứ Sáu, là chuyến bay đầu tiên chở các trẻ em mồ côi VN được đưa sang Mỹ trong chiến dịch này. Theo kế hoạch dự tính, các em sẽ tiếp tục được chuyển sang máy bay dân sự từ Phi Luật Tân để bay tiếp đến San Diego với sự chờ đón của chính TT Ford ngay phi trường. Dù tai nạn thảm khốc xảy ra đã gây thiệt mạng gần một nửa trẻ em và các nhân viên trên phi cơ, chiến dịch vẫn được tiếp tục. Và cũng không vì điều này mà có thể cản chân hàng chục y tá trẻ người Mỹ, đang làm việc tại Hồng Kông đã quyết định tình nguyện bay sang Sài Gòn để giúp đưa các trẻ em VN về Mỹ.
Một thương gia Mỹ là ông Robert Macauley đã cầm nhà mình để lấy tiền thuê một chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Pan Am, tiếp tục bốc dỡ những trẻ em sống sót, khi ông biết rằng các phi cơ quân đội phải mất hàng tuần để đưa các trẻ em này sang Mỹ. Câu chuyện trở thành một cổ tích tuyệt đẹp giữa những đổ nát, thương đau của buổi ly loạn trong giờ phút cuối cùng của miền Nam tự do. Không chỉ câu chuyện đầy tình người của Robert Macauley gây xúc động, mà cả chiến dịch nhân đạo Operation Babylift có lẽ sẽ mãi còn là câu chuyện đẹp trong chiến tranh Việt Nam cho những ai nhìn lại ở một góc nhỏ khác.
Những ngày đầu tháng Tư năm 1975, tình hình chiến sự tại Nam Việt Nam xem ra đã thay đổi nhanh chóng, nhất là từ sau khi Ðà Nẵng bị thất thủ. Các tổ chức quốc tế giúp đỡ và nuôi trẻ mồ côi tại Việt Nam đã có những kế hoạch riêng để di tản các trẻ em này cùng nhân viên của họ. Nhưng với kế hoạch di tản chính thức từ TT Gerald Ford, hàng ngàn gia đình người Mỹ đã sẳn sàng đón nhận các em bé mồ côi này. Theo dự định ban đầu, khoảng 30 chuyến bay sẽ di tản hàng chục ngàn trẻ mồ côi sang Mỹ. Trên thực tế, vì tình thế thay đổi quá nhanh cũng như vì sự an toàn nên con số cuối cùng chỉ còn tổng cộng khoảng 4,000 em được di tản.
Ðây là nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ cùng một số các tổ chức quốc tế như Holt, Friends of Children of Vietnam (FCVN), Friends for All Children (FFAC), Catholic Relief Service, International Social Services, International Orphans và The Pearl S. Buck Foundation thực hiện. Không chỉ với các phi cơ vận tải C-5 của quân đội, còn có hàng chục chuyến bay dân sự lớn nhỏ khác cùng tham gia việc di tản đến tận ngày 26 tháng Tư, khi phi trường Tân Sơn Nhất đã bị pháo kích.
Theo lời bà Joyce Harrington, một nữ y tá trong nhóm bác sĩ và y tá người Mỹ tình nguyện từ Hồng Kông bay sang Tân Sơn Nhất, có cả phu nhân Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Hồng Kông tham gia chiến dịch này. Họ đã nghe tin về chuyến bay gặp nạn cũng như tình hình chiến sự Việt Nam đang giao tranh khốc liệt, không phải không lường được bất trắc có thể xảy ra, nhưng chẳng có gì ngăn cản bước chân họ trong sứ mạng cao cả đến với những em bé mồ côi đang cần sự giúp đỡ kia. Có cả một số cha mẹ nuôi đã bay thẳng sang Việt Nam để cùng tham gia nhóm nhân viên thiện nguyện, chăm sóc các em trên đường về Mỹ.
Ðây là sứ mạng mà những người từng tham dự cho rằng những thiện nguyện viên, những vị nữ tu, những nhân viên các tổ chức cứu trợ trực tiếp tham gia là những con người có tấm lòng hy sinh cao cả, làm xúc động lòng người. Trong hồi ký “Đây đích thực là người anh em tôi” (This Must Be My Brother), bà LeAnn Thieman-một y tá trẻ thiện nguyện lúc bấy giờ kể rằng, trên chuyến bay mà bà tham gia, có một người đàn ông tóc muối tiêu lặng lẽ và vụng về thay tả cho các em bé. Nhiều người không biết ông là người có vợ bị tử nạn trên chuyến bay đầu tiên gặp nạn nói trên.
Một đường dây điện thoại khẩn cấp được thiết lập tại Washington D.C để những cha mẹ nuôi tương lai gọi đến các nhân viên các tổ chức lo vấn đề con nuôi. Bên cạnh hàng ngàn gia đình Mỹ, có cả một số tài tử, chính trị gia, triệu phú, nhận các em bé Việt Nam làm con nuôi. Melody, em bé còn sống sót trên chuyến phi cơ C-5 Galaxy gặp nạn là em bé mồ côi đã được tài tử Mỹ gốc Nga Yul Brynner chờ đón để nhận nuôi. Chính Brynner đã mượn phi cơ riêng của tỉ phú Hugh Hefner, chủ nhân tạp chí Playboy để đưa Melody cùng khoảng 40 em bé khác sang New York. Hay như Kym, một bé gái mồ côi Việt Nam đã may mắn được em gái tổng thống Kennedy là bà Jean Kennedy Smith nhận làm con nuôi.
Những em nhỏ từng được di tản trong sứ mạng Babylift ngày ấy nay đã là những người quá tuổi trung niên, trên dưới 50. Ðược các gia đình người Mỹ nuôi nấng từ nhỏ, theo các tự bạch trên các trang mạng, một số người thú nhận rằng họ không hề có những khái niệm hay sự liên hệ gì đến Việt Nam cùng quá khứ. Dù vậy, cũng đã có khá nhiều những trang mạng được thiết lập để những người trong cuộc tìm lại với nhau. Hay thông qua sự bảo trợ của một vài tổ chức cùng giới truyền thông, một số người cũng đã quay về Việt Nam sau vài chục năm với những cảm xúc lẫn lộn, kể từ khi họ được đưa sang Mỹ. Phần lớn là sự tò mò hơn là để tìm lại cội nguồn.
Trong bài thơ “Bản thể” (Identity) mà Jane Burns, một cô bé năm tháng tuổi ngày nào, đã viết bài thơ dài, so sánh giữa người mẹ ruột đã từ bỏ mình trong chiến tranh loạn lạc cùng người mẹ nuôi của mình rằng:
“… I awake from this nightmare and am shivering uncontrollably
Scenes of my biological mother have disappeared
And in her place stands my mother.
The woman who came to the airport to get me
When I was just five months old.
The woman who has been there to share
My laughter
My joys
My tears
And my sorrows.
My mother tells me that even though I did not grow
Under her heart,
I grew in it.
Someday, I may decide to return to my homeland,
But for now,
This is where I belong”
“… chợt rùng mình tỉnh giấc sau ác mộng
mẹ ruột tôi đã biến khỏi giấc mơ
chỗ bà đứng, chỉ còn mẹ tôi đó
người đón tôi chiều phi trường năm ấy,
đứa bé con chỉ vừa năm tháng tuổi
người đã sẻ chia qua cùng năm tháng
những tiếng cười
niềm vui
những giọt nước mắt ngậm ngùi
cùng nỗi buồn của tôi
người đã bao lần từng bảo
mẹ chẳng cưu mang con trong bụng
mà ấp ủ bằng trọn cả con tim
ngày nào đó tôi sẽ về thăm đất mẹ
còn bây giờ
tôi thuộc về chính nơi đây”
(ĐYT phỏng dịch)
Không biết bao nhiêu sách báo và phim ảnh đã nói về Operation Babylift, nhưng quả chẳng thừa để nhắc đến sứ mạng nhân đạo chứa đầy tình người trong những ngày tháng Tư này. Bởi nhìn lại nỗ lực nhân đạo tột bực này từ nước Mỹ, từ không ít bao nhiêu tấm lòng bác ái và hy sinh của những thiện nguyện viên tham gia Operation Babylift, để nhắc rằng cũng với tinh thần nhân đạo đó, nước Mỹ đã cưu mang hàng triệu người Việt vượt biển cùng những người đến Mỹ qua các chương trình nhân đạo sau này. Nên nếu có ai đó viết câu thơ như Jane Burns rằng “Tôi thuộc về chính nơi đây” thì quả cũng là điều tự nhiên.
ST