Sau khi ở tù cải tạo đuợc 5 năm, khi tôi đang ở trại Suối
Máu Biên Hòa, thì có một số tù được đưa lên trại Tống Lê Chân gần An Lộc Bình
Long. Tôi mừng thầm là nếu đưa tôi lên Tống Lê Chân thì tôi có rất nhiều hy vọng
để trốn trại, vì tôi biết rất rõ vùng đất này. Đơn vị đầu tiên khi tôi mới ra
trường là Đại đội 11 thuộc Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 5 Bộ Binh đóng gần
sân bay An Lộc Bình Long. Và trong suốt thời gian phục vụ từ cấp Trung đội lên
đến cấp Trung đoàn tôi vẫn ở trong vùng rừng xanh đất đỏ này.
Giữa tháng 5 năm 1980, họ chuyển tôi từ trại Suối Máu
Biên Hòa lên trại Tống Lê Chân. Đây là một trại tù ở giữa rừng, gồm các dãy nhà
tranh với mấy lớp hàng rào kẻm gai bên ngoài và một lớp hàng rào tre bao bọc
bên trong che kín, không nhìn thấy đuợc bên ngoài. Ở bốn góc và ngay cổng ra
vào là các chòi canh đuợc trí súng đại liên. Sau khi lên đến trại Tống Lê Chân,
chúng tôi liền nghiên cứu ngay kế hoạch để trốn, vì phải trốn càng sớm càng tốt.
Khi ở trại Suối Máu Biên Hòa tôi có lượm được một cục nam
châm hình trụ to bằng đầu ngón tay. Theo nguyên tắc của địa bàn thì khi một
thanh nam châm đuợc treo trên sợi chỉ, đuợc quay tự do thì một đầu luôn luôn chỉ
về huớng Bắc, còn đầu kia là hướng Nam. Vì hai đầu giống nhau nên tôi phải dùng
dầu hắc nhựa đường để làm dấu đầu huớng Bắc.
Trong thời gian ở tù chung nhau qua các trại, tôi có quen
thân và hay tâm sự với Thu, một nguời cùng thuộc Sư đoàn 5 Bộ Binh truớc đây và
có cùng chung một quyết tâm là sẽ cùng nhau trốn trại khi có dịp. Thu cũng cho
biết là có thêm một nguời bạn nữa cũng muốn nhập bọn đó là Bình. Bình là một
người rất tháo vát, lanh lợi và đã từng đổ đầu khóa học “Rừng Núi Sình Lầy” ở
trường Biệt Động Quân Dục Mỹ, Nha Trang. Bình đã làm đuợc một cái kềm để cắt kẻm
gai. Kềm này làm bằng hai quai xách của cuộn kẻm gai concertina, hai quai xách
này bằng thép rất cứng. Khi một đầu đuợc đập dẹp, mủi mài nhọn và đục lổ, thì
trông giống như luởi dao. Nhưng khi hai cái luởi dao ghép chập vào nhau và dùng
một cây đinh làm trục xỏ xuyên qua hai lổ, thì biến thành một cái kềm để cắt kẽm
gai.
Để chuẩn bị cho việc trốn trại, mỗi nguời may một túi vải
nhỏ bằng loại vải ngụy trang để đựng đồ mang theo như lon guigoz, mì gói, gạo
muối v.v…Mỗi nguời mang theo một bộ đồ thật tốt, quần tây áo sơ mi bỏ trong bọc
nylon thật kín cho khỏi ướt, để bên trong áo truớc ngực, mặc đồ trận áo lính cũ
bên ngoài. Ngoài ra tôi còn may thêm một cái túi vải nhỏ để cất giữ cái địa
bàn, có dây choàng qua cổ để khỏi rớt mất.. Mỗi lần đo là tôi rút một sợi chỉ từ
lai áo trận và nhờ tôi có làm dấu đầu huớng Bắc bằng dầu hắc nhựa đường nên tôi
sờ vào là biết để đi cả ban đêm. Chúng tôi phải kiểm soát lẫn nhau cho thật kỹ,
quần áo mặc, túi vải, đồ đạc mang theo tất cả đều phải đuợc ngụy trang cho tiệp
với màu cây lá trong rừng và không được gây ra tiếng động chạm nào. Ngoài ra
chúng tôi còn sắp đặt những gì sẽ bỏ lại, thật ít đồ bỏ lại, cố ý ngụy tạo như
là có ý định sẽ đi xa, tức là sẽ đi về huớng Bắc để qua biên giới Kampuchia.
Buổi chiều hôm đó tôi và Thu cùng ăn chung nhau, đem tất
cả những gì ngon đem ra ăn, ngốn cho thật đầy bụng để lấy sức tối đi. Tất cả đồ
còn lại đem cho hết hoặc chôn dấu. Thu đem cả túi balô quần áo cho bạn bè. Tôi
có cho một nguời bạn cùng khóa là Lương Văn Thìn mấy gói mì, mà bạn tôi không
hiểu tại sao, tuyệt nhiên tôi không có đá động gì tới chuyện trốn trại.
Suốt trong ba tuần lễ liền, Thu đã phải theo dỏi thật kỹ
các toán tuần tra canh gác, giờ nào đi tuần, giờ nào đổi gác v.v…Sau cùng chúng
tôi đã đi đến quyết định giờ xuất phát là 9 giờ tối, khi máy phát điện vừa tắt
thì bắt đầu chui ra. Ở đây mỗi tối có máy phát điện cho công an coi truyền
hình, đến 9 giờ thì tắt. Sau đó họ về sửa soạn độ 15 phút sau là bắt đầu đi tuần.
Và theo như chúng tôi dự tính là phải mất 10 phút để cắt kẻm gai và 5 phút chót
phải bò thật nhanh qua con đuờng tuần tra là khoảng đất trống bên ngoài. Địa điểm
thuận lợi nhứt để chui ra là khoảng giữa hai chòi canh phía sau trại. Ban đêm họ
đứng gác trên chòi canh cao nên không thể thấy rõ ở dưới đất đuợc, theo đúng
nguyên tắc canh gác ban đêm là phải ở dưới thấp. Còn ngày đi thì chúng tôi chọn
vào cuối tuần trăng, để khi chui ra thì trời còn tối, đến nửa đem trăng lên dễ
thấy đường để đi. Chúng tôi chọn đêm 22 ta, âm lịch, vì tin dị đoan sợ đêm 23
ta là không tốt.
Đúng 8 giờ rưởi tối đêm 22 tháng 4 âm lịch tức là ngày 3
tháng 6 năm 1980, chúng tôi bắt đầu theo đúng kế hoạch ra ngồi ngoài cầu tiêu,
để chuẩn bị cắt dây lạt của lớp hàng rào tre truớc, để đến đúng 9 giờ khi máy
phát điện vừa tắt là chui ngay. Nhưng không ngờ khi đó chúng tôi thấy ở ngoài
suối có ánh đèn của công an đang đi bắt cá ở duới suối, nên chúng tôi phải
ngưng lại ngay và trở vô ngủ như thuờng lệ.
Qua đêm hôm sau bắt buộc là phải đi chớ không thể nào chần
chờ được nữa, vì sợ nếu để lâu dể bị bại lộ. Lần này cũng đúng 8 giờ rưởi là ra
cầu tiêu, vì cầu tiêu là chổ tốt nhứt để tới sát hàng rào mà không ai để ý.
Bình bắt đầu cắt dây lạt của lớp hàng rào tre và cố vạch ra một lỗ để sẳn sàng
chui ra. Lớp hàng rào tre này đuợc chôn sâu duới đất và sát khít nhau bằng hai
lớp tre đan chéo vào nhau dầy đặc. Vì vậy rất khó gở ra, phải đào sâu xuống đất
mới vạch ra một lỗ vừa chui và phải làm thật chậm thật kỹ vì sợ ở chòi canh nó
có thể thấy lúc lắc ở đầu ngọn tre. Khi máy phát điện vừa tắt bầu trời chụp tối
đen là lúc chúng tôi bắt đầu chui, thì bất ngờ có hai người đợi chui trốn theo.
Thật hết sức bất ngờ và không thể nào từ chối đuợc nên chúng tôi đành phải lo bảo
bọc nhau cùng trốn. Bình chui ra trước là để cắt kẻm gai rồi đến tôi chui kế,
tiếp theo là hai người trốn chui theo và Thu là người chui sau cùng.
Sau khi chui ra khỏi lớp hàng rào tre thì gặp lớp hàng
rào kẻm gai thứ nhứt. Nhưng phía dưới lớp hàng rào kẻm gai này là rãnh thoát nước
với đất bùn sình hôi thúi, nên chui lòn qua được mà khỏi phải cắt. Đến lớp hàng
rào kẻm gai thứ hai thì Bình bắt đầu cắt. Hàng rào kẻm gai của VC rào thì họ có
quá nhiều kinh nghiệm cho nên họ cho rào rất kỹ. Họ bắt phải đào một cái rảnh
sâu xuống đất rồi mới trồng cột sắt lên và rào kẻm gai ngay từ phía dưới rào
lên, rồi lấp đất lại, nên không có cách nào vén lên để chui lòn qua được, mà chỉ
có cách duy nhứt là phải cắt thì mới chui ra đuợc. Mà cái kềm cắt kẻm gai của
Bình biến chế nên không cắt dễ dàng nhanh chóng được. Khi đang nằm chờ trong
đám cỏ tranh giữa mấy lớp hàng rào với quần áo đầy bùn sình hôi thúi, tôi nhìn
lên bầu trời đầy sao, cảm thấy như bình tâm chấp nhận những gì đến sẽ đến, vì
không còn cách nào hơn để lựa chọn được nữa.
Bình cắt xong hàng rào này cũng mất 5 phút mới qua được
và còn một lớp sau cùng cũng mất 5 phút nữa. Và cuối cùng chúng tôi chui qua đuợc
hết và phải bò thật nhanh, chỉ dùng cùi chỏ và đầu gối bò thật sát mặt đất như
bò hỏa lực, vuợt thật nhanh qua khoảng đất trống, rồi trườn mình xuống suối.
Lúc đó tôi có cảm giác như tim tôi đập quá mạnh như muốn vỡ lồng ngực. Tiếng thở
dồn dập hổn hển mà tôi nghe rất rõ, và gợn lên sóng nước khi ngâm mình trong nước
để lội qua suối.
Qua bên kia bờ suối chúng tôi phải bám theo rể cây để leo
lên vì lòng suối sâu hẳm. Lên khỏi suối là băng mình qua đám rừng tre, rồi băng
qua con đường mòn. Con đường mòn này đi ra chuồng bò nên chúng tôi phải tránh
xa nơi đây gấp vì sợ có nguời lui tới. Bất ngờ Thu bị lọt xuống một hố sâu có lẽ
là hố rác, tụi tôi phụ nhau kéo Thu lên. Vừa lên xong là đâm đầu chạy vô phía rừng
rậm.
Không bao lâu sau, bỗng nghe tiếng súng đại liên từ các
chòi canh nỗ ran trời và sau đó là những tiếng quát tháo hò hét của đám công an
chạy túa ra về phía chúng tôi, càng lúc nghe càng gần. Tiếng lên đạn súng AK47
nghe rớp rớp, tiếng hò hét vang động khắp nơi, tiếng chửi rủa hăm dọa “địt mẹ
ra đi không tao bắn chết mẹ hết bây giờ”, nghe rất gần ở ngoài con đường mòn mà
chúng tôi vừa mới chạy qua. Vì vậy chúng tôi hết đường chạy, sợ chạy sẽ gây ra
tiếng động dễ bị lộ, nên 5 đứa tụi tôi đành phải chui vô một bụi rậm, nằm rút
trong đó. Sau này được biết là sau khi chúng tôi chui ra khỏi hàng rào, thì lại
có người chui trốn theo, nên bị phát giác bị bắt và bị đánh chết tại hàng rào
và họ liền truy đuổi theo để bắt chúng tôi.
Chúng tôi cố nằm yên không động đậy. Một lúc sau nghe tiếng
máy điện chạy trở lại và nghe tiếng lào xào ở trong trại, chắc là VC đang ra lệnh
tập hợp điểm danh. Một hồi lâu sau thấy yên tịnh, không hiểu là họ vẫn còn lục
soát hay ngồi núp rình đâu đó hay là đã đi chổ khác. Nhưng trong lúc đó chúng
tôi quyết định là phải bò đi vì không thể chần chờ ở đây lâu đuợc.
Chúng tôi 5 đứa bắt đầu bò đi thật chậm, hai tay rồi lại
hai chân, đưa lên đặt xuống thật nhẹ nhàng, nếu lở có một tiếng động nhỏ như tiếng
lá cây kêu sột soạt hay một tiếng cành cây gãy là ngưng lại ngay nghe ngóng rồi
mới bò tiếp. Bò đuợc một lúc lâu chừng một tiếng đồng hồ, tôi nghi là chưa đi
được bao nhiêu, chân tôi bị đứt ngang ở ống quyển máu ra ướt xuống tới vớ, tôi
rờ thấy ướt mới biết, nhưng cũng chẳng thấy đau đớn gì. Sau đó chúng tôi bắt đầu
đứng dậy để đi cho nhanh ra khỏi chổ này, nhưng vẫn đi hết sức thật cẩn thận,
bước đi thật nhẹ nhàng im lặng. Tôi lấy thẳng hướng Nam mà đi, đi ngược với hướng
Bắc là hướng qua biên giới. Chúng tôi giữ đúng hướng, không đi theo đường mòn
hay chổ trống, bất kể là băng qua các đám ôrô dưới suối hay bụi lùm gai góc. Và
càng lúc nghe tiếng máy điện ở phía sau lưng càng nhỏ dần.
Khi đó nghe có tiếng xe molotova, loại xe chở quân của
VC, chạy đổ ra tứ phía. Chúng tôi phải đi chậm lại, sửa soạn đồ đạc cho thật gọn
gàng, tuyệt đối không đuợc gây tiếng động và phải quan sát cho thật kỹ. Mỗi người
nhìn một hướng, khi đến chổ trống hay gặp đường mòn là dừng lại lủi ngay vô bụi
rậm gần nhứt rồi từ từ quan sát sau. Có nhiều lúc gặp họ đang đi bằng xe đạp,
chạy ngang qua rất gần mà họ không thấy. Mỗi khi muốn băng qua đường mòn hay trảng
trống, chúng tôi dừng lại nghe ngóng quan sát rất kỹ rồi mới chạy nhanh qua từng
người một. Bỗng đâu có một tốp người Thượng, vợ chồng con cái vừa đi vừa nói
chuyện lào xào, nên chúng tôi lủi tránh kịp thời.
Lúc trời sáng hẳn chúng tôi đổi hướng đi về phía Đông tức
là hướng ra quốc lộ 13. Đi trong rừng hoang vắng nhưng thỉnh thoảng nghe có tiếng
đốn cây chặt củi, chúng tôi phải tránh xa ra. Đi tới chiều thì gặp con đường lộ
đá đỏ, đó là đường vô Minh Thạnh. Chúng tôi chuẫn bị kỹ rồi băng qua đường cho
thật nhanh và lủi vô sâu trong rừng một khoảng xa rồi dừng lại nghỉ. Chúng tôi
lựa chổ kín đáo để dừng lại nghỉ, bởi vì từ đêm tới giờ gần một ngày tròn đã
đem hết sức lực để cố vượt thoát xa vùng nguy hiểm, nên bây giờ thấy thấm mệt,
nhứt là vấn đề nước uống rất là khan hiếm. Tôi mang theo lon guigoz đựng nước uống
nhưng đã bị đỗ mất hết vì nắp đậy của lon guigoz không kín chắc, giờ thấy khát
rát cổ họng. May sao Bình tìm được một giếng nước bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, nhìn
xuống giếng tối om không thấy nước, nhưng khi thòng lon guigoz xuống, múc lên
được những lon nước thật trong veo, uống thật ngon thật đã, nhờ đó chúng tôi ăn
mì gói với nước lạnh. Xong rồi lấy thêm đầy nước rồi đi ngay, tiếp tục lấy hướng
Đông để ra Quốc lộ 13.
Trời bắt đầu tối, nhưng khi tiếp tục đi thì nghe có nhiều
tiếng súng trong rừng, chắc có lẻ là họ đi săn, mà cũng có thể là bọn công an,
vì vậy chúng tôi phải dừng lại để tìm cách lẫn tránh. Chúng tôi ra giữa đám trảng
tranh lớn cao quá ngang đầu, vạch đuờng ra ở giữa đám tranh, trải một tấm nylon
để nằm nghỉ lưng và canh chừng mọi động tĩnh chung quanh. Nếu có người đi tới
thì chúng tôi sẽ thấy dễ dàng để tìm đường lẫn tránh, nhưng nguợc lại họ sẽ
không thấy chúng tôi đuợc vì tranh cao quá khỏi đầu. Khi đó hỏi chuyện nhau mới
biết tên hai người đi chui theo, đó là Tường phi công phản lực A37 và một người
nữa tên là Thạch, hình như là người Việt gốc Hoa, tôi không biết đơn vị, cả hai
anh đều mang dép nên rất khó đi.
Sáng sớm hôm sau chúng tôi tiếp tục lên đường sau khi xóa
mọi dấu vết. Khi đi thỉnh thoảng gặp các bẩy của người Thuợng rất là nguy hiểm,
như bẩy cò ke, nếu vướng chân vào thì cần bật sẽ bung lên rất là mạnh, có thể
làm bị thương, hay bẩy bắn tên khi đụng vào cần bật thì bao nhiêu mủi tên tẫm
thuốc độc sẽ bắn xuống. Vì vậy khi thấy khả nghi là phải dừng lại xem xét cho
thật kỹ rồi tránh xa ra. Chúng tôi rất khát nước vì đi cả ngày mồ hôi ra nhiều
mà không có miếng nước uống nên khát dữ lắm. Gặp một cây nói là trái gấm, Bình
leo lên hái xuống ăn thử, vừa ngứa miệng, vừa khát nước thêm. Có lần gặp được
nước đọng trong các lằn bánh xe bò và trên những lá cây khô còn đọng nước của
những trận mưa trước, chúng tôi góp nhặt lại hớp những giọt nước đó cho đở
khát.
Đến chiều thì trong lúc đang đi bất chợt gặp một em bé
trai độ 11, 12 tuổi đang lang thang trong rừng. Chúng tôi giả dạng như là cán bộ
đi khảo sát địa chất và hỏi em bé ở đâu có suối, thì em bé đó chỉ về hướng trước
mặt, đi thêm vài chục thước là thấy suối, một con suối rất lớn. Nhìn ở phía xa
kia là một khu rừng đã được phát quang và có các cây to bị đốt cháy nám đen, một
đám người đang cuốc đất làm rẩy, chắc là dân vùng kinh tế mới. Chúng tôi lội xuống
suối uống một bụng nước thật no nê. Sau đó chúng tôi tìm chổ bụi lùm kín đáo để
nấu cơm, nấu bằng lon guigoz, hai đứa thay phiên nhau quạt để khói đừng bốc lên
cao. Chúng tôi ăn bữa cơm này thật là ngon, ăn cơm nóng với bột ngọt trong gói
mì.
Sau khi ăn xong, trời đã xế chiều, chúng tôi thấy đoàn
người làm rẫy đi về nhà đi theo hướng Đông, như vậy là ra Quốc lộ 13, nên chúng
tôi đợi cho họ đi hết rồi mới men theo con đường mòn đó để đi cho nhanh. Đi độ
chừng một tiếng đồng hồ thì ra tới ấp, tôi đoán chừng là vùng Tân Khai hay Tàu
Ô, nằm cạnh Quốc lộ 13. Thấp thoáng nhìn từ xa thì thấy có lớp hàng rào tre bao
bọc, và hình như có cổng ra vào, giống nhu một trại tập trung, nên chúng tôi
không dám đến gần và cũng không muốn vô đó làm gì.
Sau khi trời sụp tối thì chúng tôi tiếp tục đi, chúng tôi
dự định đi trong bìa rừng theo đường rầy xe lửa Sài Gòn – Lộc Ninh nằm song
song với Quốc lộ 13 để đi, dự định sẽ đi qua khỏi quận Chơn Thành, rồi mới ra
đường đón xe. Riêng hai người trốn theo là Tường và Thạch thì không dám đi nữa,
mà họ có cho địa chỉ nếu ai về được đến Sài Gòn thì nhắn dùm gia đinh họ lên
đón. Chúng tôi ba đứa đi lần mò trong đêm và vì trời tối quá nên không đi được
bao xa, mà đành phải dừng lại nghỉ qua đêm.
Sáng sớm hôm sau lên đường đi tiếp, đi cho đến trưa thì dừng
lại nghỉ bên cạnh một cái ao nhỏ xung quanh có cây cối um tùm, dễ ẩn náo để nấu
cơm ăn. Xong rồi lại đi tiếp, đến chiều chạng vạng tối thì đến một cái ấp khác,
một xóm nhà lô nhô ngoài gần quốc lộ, chúng tôi ở bìa rừng trốn trong hầm hố cũ
đuợc che phủ bởi những lùm tre rất kín đáo... Buổi chiều dân trong làng đi lao
động về, họ đi ngang qua khá gần chổ chúng tôi đang trốn, tiếng chó sủa dữ dội
nhưng họ không để ý mà chỉ lo đi cho mau về nhà.
Chiều hôm đó nằm nghe tiếng chó sủa, tiếng trẻ con đùa giỡn
trên đường, nhìn khói lam chiều từ một mái nhà tranh quyện bay lên không trung
mà lòng tôi cảm thấy buồn vô hạn. Chạnh lòng nhớ đến vợ con, thầm nghĩ đến một
mái ấm gia đình bên vợ hiền con thơ mà tôi uớc mơ được như họ. Được sống đầm ấm
trong một căn nhà tranh vách đất ở một miền thôn quê rừng núi nào đó. Nhưng
nghĩ lại thân phận tôi là một người tù trốn trại, tương lai rất mờ mịt, không
biết ngày mai sẽ ra sao. Một uớc muốn tầm thường, được làm một người dân bình
thường để sống mà lo cho gia đình nuôi vợ nuôi con cũng không được. Tôi buồn
cho thân phận bơ vơ lạc lõng của tôi trong cái xã hội mới này. Hoàn cảnh của
tôi thật đúng với câu “nước mất nhà tan, gia đình ly tán”..
Đêm đó chúng tôi khát nước vô cùng, cồn cào lên cổ họng.
Bình với ý định lẻn vô nhà dân để xin nước uống, nhưng tôi với Thu cản lại, vì
bao công trình giờ rủi ro vô gặp phải nhà của công an thì nguy khốn, đành chịu
nhịn khát qua đêm. Nhưng không ngờ đến khoảng nửa đêm thì trời đỗ xuống một trận
mưa thật lớn. Chúng tôi mừng quá lấy tấm nylon ra căng để hứng nước uống. Uống
no bụng xong rồi, đỗ đầy vô lon guigoz mà trời vẫn tiếp tục mưa càng lúc càng lớn.
Chúng tôi bị lạnh quá phải ôm lấy nhau trên đầu phủ tấm nylon và mỗi đứa phải
lo ôm thật chặt bộ quần áo tốt ở trong bọc nylon, ôm kỹ ở trước ngực để giữ cho
khô. Trận mưa này thật lớn thật lâu sau cùng rồi cũng dứt hẳn. Vì không thể đi
tiếp trong rừng cho đến quận Chơn Thành, vì đường còn xa mà đường rầy xe lửa
thì không còn nguyên như trước nữa, mà chỉ còn là những đám rừng tre che phủ um
tùm rất là khó đi, chỉ có thể chui lòn dưới đám tre gai, cho nên chúng tôi quyết
định là sẽ chia tay nhau ở đây, phân tán ra mỗi người tự tìm cách để đi về Sài
Gòn rồi sẽ gặp lại nhau sau.
Trời hừng sáng chúng tôi thay bộ đồ thật tốt thật tươm tất,
đồ đạc còn lại đem chôn dấu trong bụi, xong chờ cho đến khi nghe có tiếng xe chạy
là lần lượt ra đường, lựa khoảng trống giữa hai nhà mà ra đón xe. Bình lên đường
trước tiên, một lúc sau thì đến Thu, và tôi là người ra đường sau cùng. Khi bước
ra quốc lộ 13 tôi lấy bình tỉnh đi men theo bên đường chờ đón xe. Tôi không thấy
Bình đâu hết mà chỉ thấy Thu đang đi phía trước tôi một khoảng xa. Có chiếc xe
Lam (xe ba bánh chở hành khách hiệu Lambretta) chạy trờ tới tôi liền đón để đi,
vì xe đã đầy người nên tôi phải đeo theo xe đứng ở phía sau. Thu cũng lên đuợc
chiếc xe đi trước tôi. Xe chạy qua cầu Tàu Ô và như vậy là đêm qua chúng tôi đã
ngủ ở giửa khoảng Tàu Ô – Tân Khai. Trước kia, đây là đoạn đường nguy hiểm nhứt
của quốc lộ máu mang số 13 và cũng chính nơi đây đã xảy ra những trận chiến vô
cùng ác liệt, mà dấu vết các hầm hố còn lại rất nhiều, dọc theo bìa rừng trông
ra quốc lộ...
Khi xe vô quận lỵ Chơn Thành tôi xuống xe ở đầu ấp Chơn
Thành 2 để đi bộ vô, vì sợ vô tới bến xe sẽ gặp công an. Đi bộ dọc theo con đường
vào quận lỵ, tôi nhớ lại các nơi mà ngày xưa quen biết như Trại cưa Lê Quang,
Trại cưa Mai Chấn Hưng, Lò than ông Năm Thãnh, sau này ông Năm Thãnh cũng lập
thêm trại cưa. Đi gần đến chợ là đến bến xe và tại ngả tư đường đi Đồng Xoài có
một đồn cảnh sát hồi xưa, bây giờ là đồn công an Việt Cộng. Tôi dự định đi bộ
ra khỏi quận lỵ rồi mới đón xe để đi Bình Dương. Tôi đi ngang qua dãy phố chợ
mà ngày xưa có các tiệm ăn như Nghĩa Thành, Bạch Tuyết, nổi tiếng với món canh
chua cá lóc, cá kho tộ. Đi ngang qua ngôi chùa, qua cây cầu là gần đến đầu quận
lỵ.. Tôi nhìn thấy Thu đang đi phía trước bỗng dưng đổi hướng qua trái tấp vô một
quán nước. Tôi nhìn kỹ về phía trước phía bên phải thì thấy có một trạm kiểm
soát nên tôi cũng đổi hướng qua trái tấp vô một quán nước. Tôi nhớ mài mại hình
như đây là quán của bà Năm Chích, có cô con gái ra tiếp. Tôi kêu một ly cà phê,
ngồi uống để quan sát coi trạm kiểm soát đó nó hoạt động như thế nào. Tôi thấy
rõ hai thằng công an coi tù ở trong trại ra đây chận xét xe để nhìn mặt bắt
chúng tôi, hai tên này đứng bên cạnh trạm kiểm soát tài nguyên. Mỗi khi xe đến
đó, tài xế vô trình giấy tờ cho trạm kiểm soát tài nguyên ở bên trong, thì hai
tên công an đứng bên ngoài đi ra lục soát xe...
Tôi đoán chắc là nó sẽ bố trí chận xét ở đây để bắt tù trốn
trại, vì đây là quân lỵ gần nhất, mà muốn ra khỏi quận thì phải đi ngang qua trạm
kiểm soát này. Nếu đi bằng xe đạp, xe thồ, mặc đồ như người đi làm cây làm củi
trong rừng thì mới lọt qua được. Còn nếu bây giờ băng vô trong rừng để đi bọc
qua thì cũng sợ gặp phải người lạ mặt họ dễ nghi ngờ, vì mình mặc đồ sạch sẽ
tươm tất quá. Tôi còn đang phân vân không biết phải làm cách nào để qua khỏi trạm
kiểm soát này, thì thấy Thu đi ngược trở lại, ngang qua chổ tôi. Thu trở lại bến
xe để đón xe đi, còn Bình thì không còn thấy tâm dạng đâu hết, chắc là đã đi
thoát rồi.
Tôi ngồi chờ một hồi thì thấy chiếc xe lô chạy trờ tới,
tôi nhìn thấy Thu ngồi ở băng sau cùng. Xe tới trạm kiểm soát thì ngừng lại,
trong khi nguời tài xế vô trình giấy tờ thì một tên công an đi ra nhìn vào xe,
một lúc sau thì tài xế trở ra và nó cho xe chạy đi. Tôi mừng cho Thu đã thoát nạn,
giờ đây chỉ còn lại một mình tôi, tôi không còn biết cách nào khác hơn là trở lại
bến xe để đón xe đi. Đây là chổ nguy hiểm nhứt mà tôi cố tránh nhưng không được
nên đành phải liều mạng.
Khi vô bến xe thì thấy có một chiếc xe lô, loại xe nhỏ để
chở khách, tôi thấy xe trống trơn chưa có ai, tôi lên ngồi băng sau cùng. Ngồi
một lúc lâu thấy nóng ruột nên mới hỏi bác tài là xe chừng nào chạy, ông ta nói
chờ khách lên đầy thì đi, mà thường là khách ở trong Minh Thạnh ra nhiều. Tôi
hơi lo vì khách ở trong Minh Thạnh ra có thể là công an trong trại ra đi phép.
Ngồi một hồi lâu thì chợt có một tốp người đi buôn than họ lên gần đầy. Bỗng
tôi thấy có hai đứa nhỏ độ hơn mười tuổi tay cầm một con gà, tay xách một giỏ đồ,
tôi liền nhanh miệng kêu hai em bé đó vô ngồi gần bên tôi và tôi phụ xách dùm đồ,
làm như vậy thấy đở trống trải vì có hai em nhỏ che đở phần nào.
Khi xe chạy tới trạm kiểm soát thì dừng lại, bác tài vào
trình giấy tờ trong trại kiểm soát tài nguyên. Tôi thấy một thằng công an, đứng
bên cạnh trạm kiểm soát, bước ra để nhìn mặt người trên xe. Nó nhìn vào băng
trước, trên đó có hai người ngồi, tôi nghe tiếng quát tháo của tên công an là
hai người ngồi đằng truớc là “tại sao đầu tóc để dài bù xù như cao bồi du đảng,
đâu đưa giấy tờ coi”. Sau khi coi xong giấy tờ hai người phía trước là nó liệng
vô xe rồi ra lệnh cho đi một cách thật oai quyền. Cũng vừa lúc bác tài đã trở
ra xe, bác tài liền rồ ga cho xe chạy đi, mà lòng tôi vui mừng khắp khởi vì vừa
thoát được một trạm kiểm soát thật là vô cùng nguy hiểm.
Xe chạy qua khỏi Tham Rớt, Bầu Bàn, Bầu Lòng rồi đến quận
Bến Cát, ở đây cũng có trạm kiểm soát nhưng là trạm kiểm soát tài nguyên nên
không có gì trở ngại. Xe chạy về tới Chánh Hiệp Bình Dương, một trạm kiểm soát
rất lớn, nơi cửa ngỏ vô thành phố nên xe đậu nối đuôi nhau rất dài. Chiếc xe
tôi đi là xe nhỏ chở than lậu nên tài xế đã biết cách vô trình giấy tờ và nộp
tiền mãi lộ là xong ngay. Xe đi tiếp vô thành phố vào đậu ở bến xe, tôi xuống
xe cũng vẫn còn nắm tay hai em bé vô mua giấy xe để về Sài Gòn, vì hai em bé đó
cũng về Sài Gòn. Tôi thấy người ta sắp thành hàng dài để chờ mua vé xe, tôi
cũng sắp vô hàng chờ đợi. Nhưng khi tôi nhìn kỹ lại thì thấy mỗi nguời khi mua
vé xe đều phải trình ra một thứ giấy tờ gì đó, hình như là giấy phép đi đường
hay là giấy căn cước, mà trong mình tôi thì không có thứ giấy tờ nào nên tôi
hơi sợ, nên mới nói với hai em nhỏ là cứ sắp hàng để mua vé về Sài Gòn trước đi
còn tôi thì sẽ đi sau. Tôi bỏ ra ngoài tìm đường khác để đi, chớ khi mua vé họ
hỏi đến giấy tờ là mình không biết trả lời ra sao, vì trong mình tôi không có
thứ giấy tờ nào hết. Tôi vào quán nước kêu ly nước đá chanh vừa uống vừa quan
sát để tính kế. Bỗng chợt thấy xe Honda ôm, tôi liền nghĩ ra phương cách hay nhứt
để đi về Sài Gòn là bằng xe ôm. Tôi dự định là sẽ về nhà của chị Đồ ở Phú Thọ.
Trong những lần đi thăm nuôi, vợ tôi thường đi chung với chị Đồ nên hai gia
đinh rất thân nhau và trước khi trốn trại tôi có dọ hỏi anh Đồ địa chỉ nhà cho
thật kỷ, thật đầy đủ chi tiết đường đi nước bước, làm sao vô nhà, đi vô ngỏ hẻm
nào v.v….Tôi chỉ hỏi chơi chơi chứ không cho anh biết ý định trốn trại của tôi.
Anh lái xe ôm ra giá đi Sài Gòn là 50 đồng, tôi không có đủ
tiền nhưng tôi nói với anh là đưa tôi về đến nhà tôi lấy tiền rồi trả sau. Sau
khi bằng lòng giá cả anh ta mới đi đổ xăng và trở lại đón tôi. Trên đường đi
tôi cũng nói thêm với anh là tôi vừa ở vùng kinh tế mới về, bị mất hết giấy tờ
nên nhờ anh chạy làm sao để tránh các trạm kiểm soát. Anh ta nói là tụi công an
nó chỉ xét coi có buôn đồ lậu, chứ như ông đi mình không, thì không có gì để
xét thì đừng có lo... Tôi nghe mừng trong bụng và trong lúc đi đường tôi có hỏi
chuyện thì anh có cho biết hồi trước anh là lính của Sư đoàn 5 Bộ Binh. Nghe biết
vậy thôi chứ tôi cũng không có hỏi thêm gì về chuyện ngày trước. Xe chạy qua
các trạm kiểm soát Búng, Lái Thiêu rồi Bình Triệu. Thấy xe kẹt đậu dài dài để
chờ xét, còn xe Honda ôm này chạy qua hết mà không bị hỏi han gì và sau cùng vô
Sài Gòn qua ngả cầu cư xá Thanh Đa rồi qua cầu Phan Thanh Giản và chạy trên đường
Phan Thanh Giản để về Phú Thọ.
Nhìn quang cảnh thành phố Sài Gòn sau 5 năm trở lại, tôi
cảm thấy như bơ vơ lạc lỏng, như lạc vào một thế giới nào xa lạ lắm. Đây không
phải là thủ đô Sài Gòn năm xua, một thời đã từng đuợc mệnh danh là một “Hòn Ngọc
Viễn Đông”. Nay tôi thấy trên đường toàn là xe đạp, mà người người trông lam lũ
tả tơi, không cười không nói, với dáng vẻ buồn thiu ảm đạm, thật đúng với câu “người
buồn mà cảnh có vui đâu bao giờ”.
Khi đến Phú Thọ, xe Honda chạy vào con hẻm nhỏ, một số
con nít chạy theo. Khi xe vô đúng số nhà mà tôi đã học thuộc lòng, tôi gỏ cửa
và chị Đồ ra mở cửa. Khi thấy tôi chị buột miệng la lên: “Ủa anh Thạch mới được
thả về, còn ông Đồ của tôi đâu”. Tôi lật đật nói nhanh là tôi mới được thả về
và xin muợn chị 50 đồng để trả tiền xe. Chị vô lấy tiền cho mượn ngay để trả tiền
xe. Khi xe đi rồi và đám con nít đã tản đi hết rồi thì tôi mới nói thiệt với chị
là tôi trốn trại và nhờ chị về báo tin cho vợ tôi hay. Chị hốt hoảng cho biết
là mới vừa tuần trước đây thằng em trai của chị vừa mới vượt biên đã đi thoát
được. Nhà chị đang bị công an phường khóm điều tra theo dõi, cho nên chị không
dám chứa tôi trong nhà, mà bảo tôi ra ngoài đường đón xe autobus để ra bến xe
Xa Cảng miền Tây, ở Phú Lâm, rồi sẽ tính sau. Truớc khi đi tôi còn hỏi muợn chị
đôi giày, vì đôi giày tôi đang đi là loại giày đi rừng nên đi trong thành phố
coi không tiện. Chị cho tôi muợn đôi giày sandal và còn đôi giày đi rừng của
tôi thì chị nói là chị sẽ đem lên cho anh Đồ trong lần thăm nuôi tới.
Tôi ra khỏi hẻm ra ngoài đường thì thấy có một quán hủ tiếu,
tôi liền tấp vô ăn một tô hủ tiếu, uống một ly cà phê sữa, rồi mới ra đón xe
autobus để đi ra Xa Cảng miền Tây. Khi ra đến bến xe Xa Cảng miền Tây, tôi thấy
cả một rừng người hỗn độn la liệt khắp nơi. Họ trải chiếu, trải tấm nylon hay
kê tấm ván tùm lum tứ tung không theo một lề lối nào cả. Hỏi ra mới biết đây là
những người bỏ vùng kinh tế mới trở về, nhà cửa bị tịch thu không nơi nương tựa
đành phải sống lang thang đầu đuờng xó chợ bến xe. Sau khi thấy cảnh hổn độn
này tôi nghĩ thầm là mình có thể trà trộn để ngủ tạm qua đêm ở đây.
Trong khi đó thì chị Đồ đạp xe đạp từ Phú Thọ vô Gia Định
để báo tin cho vợ tôi biết. Sau này gia đinh kể lại là khi chị Đồ vào nhà, chị
rất lo sợ có người theo dõi, nên chị kéo vợ tôi ra phía sau nhà, không cho mấy
đứa con tôi lại gần, rồi chị mới nói cho vợ tôi hay là tôi đã trốn trại. Tôi
đang ngồi uống nước đá chanh ở xe nước đá và định chổ ngủ qua đêm, thì bỗng thấy
chị Đồ đạp xe đạp ra tới. Chị đưa cho tôi 50 đồng và một giấy cử tri của vợ tôi
gởi và căn dặn tôi sáng mai ra mua vé xe đò để về Mỹ Tho.
Sáng sớm hôm sau trước khi ra bến xe tôi đi tìm nhà của
Thạch, là một trong hai người trốn chui theo. Thạch và Tường thì còn ở lại
trong rừng và có dặn là nếu ai có thoát về được Sài Gòn thì báo tin cho gia
đình họ biết tin, để tìm cách lên đón. Địa chỉ của Thạch thì tôi nhớ lờ mờ là ở
gần Phú Lâm nên tôi sẳn dịp ghé qua báo tin. Lúc đó trời còn lờ mờ chưa sáng hẳn,
đường vắng vẻ. Khi đi ngang qua trạm xe chữa lửa có vài tên công an đang đứng
nói chuyện ở phía trước, tôi cố giữ bình tỉnh khi đi ngang qua. Sau cùng tôi
tìm được nhà của Thạch, tôi gỏ cửa một hồi thì có người ra mở cửa nhưng với
dáng vẻ bực bội vì tôi đánh thức họ quá sớm. Tôi hỏi có phải là nhà của Thạch
không, thì họ không trả lời mà đóng ập cửa lại làm tôi ngần ngừ một lúc, vì tiếc
là không báo tin cho gia đình Thạch được. Tôi cũng không biết là có đúng nhà
không, hay là họ sợ không dám tiếp tôi. Cho đến sau này tôi cũng không biết tin
tức gì về hai người trốn chui theo, có thoát được không và bây giờ ra sao...
Tôi trở ra bến xe ngồi xếp hàng chờ để mua vé xe về Mỹ
Tho, trong túi có 50 đồng và thẻ cử tri nên thấy hơi yên tâm. Một hàng rất dài
ngồi chờ mua vé xe rồi từ từ nhích lần lên. Tôi ngồi chòm hỏm hai tay bó gối gục
đầu rồi thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng đâu có người vỗ vai kêu tên tôi, tôi
giật mình nhìn lên thì thấy chị Đồ, chị bảo tôi vô quán nước ở bên kia đường để
gặp bà xã tôi. Vừa mừng vừa lo, chỉ sợ công an theo dõi vợ tôi để đón bắt tôi
nên tôi hơi luỡng lự. Chị Đồ vô đứng thế chổ tôi để mua vé xe.
Tôi vô quán để gặp bà xã tôi, vợ tôi đã kêu đủ thứ đồ ăn
nào hủ tiếu, bánh bao, xiếu mại v.v…. Bà xã tôi kêu tôi ăn đi, ăn đi. Tôi hỏi
coi có ai biết hay theo dõi gì không, thì thấy không có dấu hiệu gì. Ba đứa con
tôi đang ở nhà chưa hay biết gì về chuyện này. Sau này kể lại mới biết là chúng
nó đói khổ lắm, đâu có được ăn hủ tiếu bánh bao như thế này. Từ ngày tôi đi tù
tới giờ gia đình suy sụp, có bao giờ dám ăn các món cao lương mỹ vị này đâu và
tôi cũng quên hỏi mời vợ tôi cùng ăn, bà xã tôi cứ kêu tôi ăn đi, ăn đi. Phần
thì lo sợ công an nó theo dõi, phần thì không biết là về Mỹ Tho rồi sẽ làm gì,
nên tôi cố nhét cho đầy bụng rồi đi liền. Tôi dặn vợ tôi là đừng có xuống Mỹ
Tho, mà nên ở nhà lo cho mấy đứa con còn nhỏ dại, đừng để bị nguy hiểm cho cả
hai, rồi không ai lo cho các con.
Tôi trở ra chổ mua vé xe thì chị Đồ đã mua vé xong xuôi
và chị còn cẫn thận mua cho tôi tờ báo Nhân dân, chị bảo lên xe đọc báo này người
ta tưởng là cán bộ. Tôi lên xe ngồi gần băng phía sau. Xe chạy qua hết các trạm
kiểm soát một cách dễ dàng vì ở mỗi trạm bác tài đều biết thủ tục đầu tiên, là
tiền đâu. Qua Bình Chánh, Bến Lức, Tân An, Tân Hương, Tân Hiệp, Trung Lương rồi
vô thành phố Mỹ Tho.
Xe vô đến bến, tôi xuống xe và vô tìm đứa em gái tôi. Vợ
tôi có cho biết là em gái tôi bây giờ làm ở tổ hợp may mặc phuờng 4 ở bến xe
này. Mới vừa vô gặp mặt em tôi, nó mừng rỡ rồi la lớn “Ủa anh Tư mới đuợc thả về”.
Tôi hơi bối rối vì sát bên cạnh tiệm may là đồn công an phường 4, có một số
công an đang đứng gần đó sợ nó nghe được. Tôi giả bộ như thiệt nói một hơi là
anh mới được thả về bây giờ em có rảnh ra quán uống nước. Em tôi lật đật xin
phép bà hội trưởng hợp tác xã rồi đi liền. Ra tới quán nước tôi mới nói thiệt với
em tôi là tôi trốn trại. Em tôi giật mình mặt tái xanh vì quá bất ngờ. Tôi dặn
dò em tôi về nhà cho má hay và coi chung quanh có ai không rồi cho anh biết để
anh về nhà. Em tôi đạp xe đạp chạy về báo tin xong trở lại làm việc, còn tôi một
mình đi bộ về nhà. Má tôi đã biết trước nên đã mở cửa sẳn chờ.
Khi vô nhà tôi đi thật nhanh và đi thẳng ra phía sau nhà
vì sợ lối xóm nhìn thấy.
Sau đó em tôi đi làm về có mua cho tôi một dĩa cơm sườn
và hôm sau là cơm tấm bì chả và mua hủ tiếu bánh bao v.v…. toàn là các món ăn
ngon đắt tiền mà tôi cũng quên hỏi là em tôi đi may lương tháng bao nhiêu. Má
tôi thì già yếu không có làm gì ra tiền. Hồi trước Má tôi đi may đồ quần áo ở
trong nhà thương Mỹ Tho, nhưng đã nghỉ lâu rồi. Sau này mới biết là ở nhà không
có đủ tiền để mua gạo, đôi khi còn phải bán máu để đổi lấy mấy bát cơm, thì nói
gì đến thức ăn sang trọng. Thì ra em tôi chạy qua Chợ Củ để xin Cô tôi. Cô Ba
tôi có mở tiệm ăn, Cô rất thương tôi, vì vậy khi hay tin tôi về, cô tôi liền gởi
cơm và đồ ăn rất ngon qua cho tôi.
Ở đây được mấy ngày thì vợ tôi xuống thăm tôi làm cho tôi
càng thêm lo sợ, vì sợ công an theo dõi. Tôi mới tính tìm đường vượt biên chớ ở
đây lâu thế nào cũng bị bại lộ. Mà tìm đường dây để vượt biên không phải là
chuyện dễ dàng. Phần thì không có tiền, phần thì không dám đi lại nên cũng
không biết cách nào để vượt biên, mà tội vượt biên lúc đó bị coi như là tội phản
quốc, chạy theo đế quốc, bọn công an biên phòng bắt được là chỉ có chết. Hồi đó
đã có xảy ra những cảnh vượt biên bị đổ bể, bị công an tàn sát như ở cầu Chữ Y
Sài Gòn, như ở bãi biển Vũng Tàu, như ở kinh Chợ Gạo hay ở cửa biển Gò Công
v.v…. Họ tàn sát không nương tay, mặc cho tiếng khóc trẻ thơ, hay những lời van
xin lạy lục, của những người khốn khổ cùng đường. Tôi dự định nếu không tìm được
đường đi bằng ghe tàu, thì như đã hẹn với Thu và Bình, là sau một tháng chúng
tôi sẽ gặp lại nhau, để bàn tính để đi bằng đường bộ.
Vợ tôi lại xuống một lần nữa và lần này có cả đứa con gái
đầu lòng của tôi. Coi như vậy là tôi ở đây được một tuần lễ và vợ tôi đem tiền
xuống lần này là để mua vé xe cho tôi đi Cà Mau vào sáng sớm mai, vì hy vọng ở
Cà Mau dễ kiếm đường vượt biên hơn. Bất ngờ ngay buổi chiều hôm đó vào khoảng 7
giờ, thì có một người anh bà con cô cậu, đi cùng với một người bạn, xuống thăm
để từ giã Má tôi, để sáng sớm mai họ lên đường đi Kampuchia, và từ đó sẽ tìm đường
vượt biên, và anh muốn xin địa chỉ của em tôi, hiện đang sống ở Mỹ, để anh liên
lạc khi cần. Thật là một điều quá
may mắn cho tôi vì sau khi anh biết tôi vừa mới trốn về
nên anh kéo tôi đi theo luôn.
Thế là phải trở về Sài Gòn ngay trong đêm nay để sáng sớm mai lên đường đi Kampuchia. Tôi từ giã Má tôi và để đứa con gái đầu lòng ở lại với Bà Nội. Tôi và vợ tôi đi theo Long và Nghĩa ra đón xe để về Sài Gòn. Tôi ra đi mà lòng buồn vô hạn, rồi không biết sẽ đi tới đâu trên bước đường bôn ba vô định này... Ở lại Mỷ Tho thì không được, mà đi qua Kampuchia thì cũng không biết ra sao, thật là đau lòng trước cảnh chia tay, rồi đây không biết có còn được gặp lại nhau. Trong đêm đó hai bà cháu đã tụng niệm suốt đêm để cầu nguyện cho chuyến đi của tôi được bình an. Trời đã tối lúc đó khoảng 9 giờ đêm nên không còn xe chạy về Sài Gòn. Chúng tôi đón chiếc xe lôi đạp để đi vô ngã ba Trung Lương, hy vọng ở đó sẽ có nhiều xe miền Tây lên, dễ đón hơn. Ông xe lôi, đạp không muốn nổi, vì trên xe có tới 4 người, nên chúng tôi phải thay phiên nhau nhảy xuống để đẩy phụ, nhứt là khi lên dốc cầu Trung An, thì phải nhảy xuống hết rồi qua cầu mới nhảy lên lại.
Thế là phải trở về Sài Gòn ngay trong đêm nay để sáng sớm mai lên đường đi Kampuchia. Tôi từ giã Má tôi và để đứa con gái đầu lòng ở lại với Bà Nội. Tôi và vợ tôi đi theo Long và Nghĩa ra đón xe để về Sài Gòn. Tôi ra đi mà lòng buồn vô hạn, rồi không biết sẽ đi tới đâu trên bước đường bôn ba vô định này... Ở lại Mỷ Tho thì không được, mà đi qua Kampuchia thì cũng không biết ra sao, thật là đau lòng trước cảnh chia tay, rồi đây không biết có còn được gặp lại nhau. Trong đêm đó hai bà cháu đã tụng niệm suốt đêm để cầu nguyện cho chuyến đi của tôi được bình an. Trời đã tối lúc đó khoảng 9 giờ đêm nên không còn xe chạy về Sài Gòn. Chúng tôi đón chiếc xe lôi đạp để đi vô ngã ba Trung Lương, hy vọng ở đó sẽ có nhiều xe miền Tây lên, dễ đón hơn. Ông xe lôi, đạp không muốn nổi, vì trên xe có tới 4 người, nên chúng tôi phải thay phiên nhau nhảy xuống để đẩy phụ, nhứt là khi lên dốc cầu Trung An, thì phải nhảy xuống hết rồi qua cầu mới nhảy lên lại.
Vô tới ngã ba Trung Lương là trời đã tối, nên không còn
thấy xe miền Tây nào hết, mà chỉ thấy có một chiếc xe hàng bị hư máy và người
tài xế đang sửa chữa. Chúng tôi mon men lại gần tìm cách làm quen rồi dọ hỏi
xin quá giang về Sài Gòn, nhưng ông tài xế nhìn chúng tôi như nghi kỵ điều gì
nên lắc đầu trả lời một cách sẳn giọng là xe đang hư mà làm sao cho quá giang
đuợc, vì vậy chúng tôi lại lủi thủi đi tiếp. Ở đây có một trạm công an khá lớn
để xét xe từ miền Tây lên, nên có nhiều công an ở đồn bót này, nên trong đêm tối
mà đi lang thang ở đây cũng nguy hiểm lắm. Tình cờ có một chiếc xe lô chạy từ Mỹ
Tho lên hướng về Sài Gòn, chúng tôi mừng quá đón ngoắc lại nhưng xe không ngừng
mà chạy luôn một khoảng, rồi bỗng đâu xe dừng lại và lùi lại cho chúng tôi quá
giang. Bác tài chỉ cho đi quá giang một quãng đường lên đến Tân Hương để đón xe
khác mà đi, vì xe này đi về nhà để nghỉ nên không có đi Sài Gòn.
Trong khi xe đang chạy và qua tài giao thiệp của anh
Long, cũng là lơ xe, nên anh biết nhiều người trong nghề xe đò nên câu chuyện dần
dần trở nên thân mật và bác tài dần dần có cảm tình với chúng tôi. Và sẳn đó
anh Long đề nghị bao xe đi Phú Lâm rồi bận về anh sẽ phụ giúp tìm khách cho
chuyến trở về. Vợ tôi móc trong túi ra đếm còn 200 đồng nên đề nghị bao xe 200
đồng và nhờ anh Long nói thêm vô, nên sau cùng bác tài chịu đi Phú Lâm với giá
200 đồng. Thật là hết sức may mắn, chớ nếu tới Tân Hương chưa chắc gì có xe để
đi, mà nếu không lên kịp Sài Gòn trong đêm nay thì ngày mai xe sẽ đi sớm rồi, sẽ
mất đi một dịp may hiếm có ngàn vàng.
Khi xe chạy qua khỏi trạm công an Tân Huơng một quảng,
thì gặp một tốp công an ra chận đường. Tôi thấy nguy vì trên xe không có ai
khác, chỉ có gia đình tôi, nên rất khó xoay sở trà trộn. Tôi có ý dò hỏi bác
tài coi tính sao, nhưng bác tài cho biết là xe không có ngừng đâu vì tụi này là
tụi chuyên chận xe dọc đường để ăn cuớp, bác tài rất rành về bọn này. Tôi nghe
thế cũng thấy mừng thêm, vì thà là chạy luôn nó có bắn theo cũng khó trúng. Bác
tài cho xe giảm tốc độ rồi khi đến gần bọn chúng thì tống hết ga vượt nhanh
qua, nên chúng trở tay không kịp, nên xe chạy vượt qua một cách êm xuôi. Nhưng
tôi lại lo cho trạm kiểm soát kế tiếp sợ tụi nó gọi máy báo lên chận bắt xe lại
thì còn nguy hiểm hơn. Tôi hỏi ý bác tài thì bác tài nói là tụi nó đâu có máy
móc gì đâu mà báo đừng có lo, nên tôi càng yên tâm tin tuởng bác tài muôn phần.
Xe qua khỏi Tân An, Bến Lức, Bình Chánh rồi vào Phú Lâm một cách êm xuôi.
Sau khi trả tiền xe xong xuôi là chúng tôi chạy đi ngay
vì trời đã tối rồi mà còn phải chạy lo kiếm mượn tiền để đi. Chúng tôi về nhà của
Nghĩa cũng ở gần đó, vợ chồng tôi muợn chiếc xe đạp để đạp vô Phú Thọ. Vô tới
nhà chị Đồ là đúng nửa đêm, giờ giới nghiêm. Chị Đồ không có sẳn vàng chị rút
chiếc nhẫn đang đeo trên tay 2 chỉ vàng đưa cho tôi mượn đở. Tôi đạp xe đạp chở
vợ tôi trở về nhà của Nghĩa trong lúc đã quá giờ nghiêm nên cũng sợ bị hỏi giấy
tờ hay bị bắt lại thì trể chuyến xe sáng sớm mai đi. Tôi đạp xe lên dốc cầu
Minh Phụng không nỗi, vợ tôi phải xuống xe đẩy phụ qua cầu, người của tôi lúc
đó rất là ốm yếu xanh xao.
Về tới nhà Nghĩa, là chúng tôi phải đi ngay đến chổ đậu
xe, để kịp chui vô trong xe sắp xếp truớc khi trời sáng. Đây là chiếc xe hàng
dân sự bị VC trưng dụng để chở chiếu qua Nam Vang tiếp tế cho bộ đội VC bên
Kampuchia. Long là lơ xe của chiếc xe này nên mới dấu Nghĩa và tôi vô trong đống
chiếu mà tài xế không hay biết gì. Sau khi sắp lại đống chiếu, vạch ra một lổ vừa
đủ để hai đứa tôi chui vô, xong rồi Long mới gát hai cây gỗ đà ngang trên đầu rồi
sắp chiếu phủ kín lên như cũ rất là kín đáo. Chúng tôi đem theo một bình nước
và hai ổ bánh mì với một gói muối.
Ngoài hai chỉ vàng của chị Đồ cho mượn, vợ tôi đưa luôn
chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay đưa cho tôi, như vậy tôi mang luôn hai chiếc nhẫn
cuới. Lúc đó cũng khoảng 3,4 giờ sáng, vợ tôi và má của Nghĩa cũng vẫn còn ngồi
đâu đó để chờ sáng ra xe chạy. Long ngồi ở ngoài nên có cho tụi tôi biết là vợ
tôi và má của Nghĩa khóc nhiều lắm, vì không biết chúng tôi đi làm sao, vì
không ai có tiền hay có vàng đem theo, không biết rồi sẽ đi đến đâu. Riêng tôi
thì tôi quyết ra đi mặc dầu không biết ra sao, nhưng vẫn còn tốt hơn là ở lại
Việt Nam.
Sáng sớm hôm sau xe rời bến để đi Nam Vang, nhìn qua khe
ván ở sàn xe trời còn lờ mờ nghe tiếng người nói lao xao mới biết là vừa qua khỏi
Ngã Tư Bảy Hiền. Khi đến trạm kiểm soát biên giới thì họ chỉ xét qua loa vì đây
là chuyến xe công tác chở đồ cho bộ đội VC. Xe chạy càng nhanh đống chiếu trên
đầu càng đe nặng, vì cây gỗ chận trên đầu không còn ở nguyên vị trí cũ, mà vì sự
lúc lắc của chiếc xe đã làm lệch đi và hai đứa tôi phải đưa lưng chống đở sức nặng
bên trên đè xuống. Tệ hại hơn nữa là dọc đường VC đón xe đi quá giang nên họ ngồi
trên đầu chúng tôi. Nghe tiếng họ nói chuyện với nhau thì biết là VC đang ngồi ở
ngay trên đầu mình. Chúng tôi phải rán đưa lưng ra chịu đựng, vì chỉ sợ nó sụp
xuống thì bị lộ ngay, rất là nguy hiểm. Khi tiểu tiện thì phải đợi lúc xe chạy
nhanh rồi mới dám tiểu qua khe hở của ván sàn xe mà phải tiểu từ từ để bên
ngoài không thấy không biết.
Đến chiều thì xe tới nơi đậu vào một chổ nào đó mà tôi
nghe có tiếng nhạc của những bản nhạc ngày xưa. Tôi mừng thầm vì được nghe lại
những tiếng hát quen thuộc đầm ấm nồng nàn tràn đầy kỷ niệm của ngày trước. Tiếng
nhạc hòa lẫn tiếng người nói chuyện lao xao gần bên cạnh xe. Chúng tôi vẫn nằm
im trong xe chờ khi nào có hiệu lệnh của Long thì mới ra được. Một hồi lâu sau
khi bên ngoài hoàn toàn im vắng và khi nghe ba tiếng hiệu lệnh của Long thì
chúng tôi chui ra. Khi nhảy xuống xe, tôi không thể đứng được vì bị ngồi lâu
trong thế co ro nên chân bị tê cứng, mà Long thì thúc hối phải đi khỏi nơi đây
ngay vì sợ tài xế và an ninh đoàn xe họ biết, nên tôi và Nghĩa phải cố lết đi
ra khỏi xe thật xa.
Nhìn chung quanh, đây là một bồn binh khá lớn ở cuối đại
lộ, bên cạnh một sân vận động, xe đậu một đoàn dài chừng vài chục chiếc, tài xế
và lơ xe khá đông, có nhiều xe họ mang theo cả gia đinh vợ con với đồ đoàn nồi
niêu soong chảo, nên tôi thấy cũng dễ trà trộn ẩn thân. Tối đó tôi và Nghĩa ngủ
ở một đám cỏ bên cạnh đường khoảng giữa đoàn xe và không dám gần xe nào cả vì sợ
họ báo với an ninh đoàn xe.
Ngay tối hôm sau, tôi bán chiếc nhẫn cưới được 75 đồng
Riel, tiền Kampuchia, và nhờ Long môi giới mời một số tài xế lơ xe ra quán nước
uống cà phê nghe nhạc, để tìm cách lân la làm quen gây cảm tình với họ. Tôi và
Nghĩa đóng vai lơ xe, bạn với Long. Vì Nghĩa cũng là lơ xe nên nói chuyện dễ
dàng, còn tôi thì cảm thấy hoàn toàn xa lạ, nên trong các câu giao tiếp tôi thường
cười nhiều hơn là nói vì sợ bị bại lộ tông tích.
Ban ngày thì ra chợ Nam Vang, bữa đầu thì đi bằng xe lôi
cho mọi người thấy, và vì không biết đường, mấy lần sau thì đi bộ. Đi ngang qua
mấy con đường rất đẹp với hai hàng cây phủ mát bên đường, với những ngôi biệt
thự sang trọng kiến trúc theo kiểu villa của Pháp, giống như khu đường Duy Tân,
Yên Đổ ở bên xứ mình. Mấy ngôi nhà sang trọng đó bây giờ là dinh của VC, treo cờ
đỏ sao vàng và có lính canh trước cổng. Mỗi khi đi ngang qua thấy hơi chùng
chân vì sợ nó hỏi giấy tờ bất tử.
Uống nước phong tên ở gần đó, ăn cơm thì mua của mấy gánh
bán hàng rong, cơm một dĩa 10 đồng Riel. Ra ngoài chợ thì đi lòng vòng coi nhìn
cái này cái nọ cho hết thì giờ, thỉnh thoảng công an chạy ruợt đuổi bắt người ở
trong chợ, làm mình cũng sợ giật mình. Tôi thì có ý định tìm mua một quyển sách
địa lý để coi bản đồ vùng Battambang, Siem Rệp, vùng biên giới Thái Lan. Họ bày
bán sách cũ rất nhiều nhưng đều là tiếng Miên. Tôi lựa xem mấy cuốn sách có
hình bản đồ rồi mua một quyển. Nhưng vì tôi không biết tiếng Miên mà mua sách
Miên trong đó có hình bản đồ địa lý, nên họ có ý nghi ngờ. Mua xong tôi lật đật
đi bộ về chổ đậu xe vì sợ họ báo với công an chợ. Sau khi nghiên cứu bản đồ để
biết địa thế, đường đi nuớc buớc, cũng như khoảng cách bao xa. Tôi cố học thuộc
lòng vùng Battambang, Siem Rep, vùng gần biên giới Thái Lan, rồi xé bỏ quyển
sách đó ngay.
Lúc bấy giờ bên Miên hoàn toàn do VC kiểm soát, thỉnh thoảng
có mấy tên lính Miên trẻ mặt còn non choẹt, mang khẩu AK dài đụng tới đất. Ở
đây họ mắc loa phóng thanh cứ sáng sớm và chiều tối là nghe tiếng nhạc Miên, một
âm điệu đều đều nghe buồn não ruột, nghe nhớ nhà, nhớ vợ nhớ con, nhớ quê hương
mình vô cùng. Cuộc đời tôi cũng không ngờ lại lưu lạc đến nơi đây, xứ lạ quê
người, rồi cũng không biết ngày mai sẽ ra sao. Nghĩ lại thân phận mình, lêu bêu
bình bồng, mà cảm thấy buồn vô hạn.
Tôi lân la mấy quán nước làm quen hỏi chuyện để tìm đường
đi, thì được biết là xe lửa chạy từ Nam Vang lên Battambang đã bị giật mìn
không còn chạy nữa, bây giờ chỉ còn đuờng xe, nhưng VC đặt rất nhiều nút chận
kiểm soát để chận bắt đào binh, nên rất khó mà lọt qua đuợc. Tôi ra phía đầu
thành phố đường đi về huớng Battambang để xem trạm kiểm soát họ xét ra sao. Tôi
thấy rất ít xe đi về phía đó và họ kiểm soát rất kỹ. Xe thì không thấy loại xe
đò chở khách, mà toàn là xe chở hàng hay xe quân sự. Vả lại tôi không biết tiếng
Miên nên rất ít hy vọng thoát qua được, giá mà còn xe lửa thì tốt hơn.
Ở đây được ba ngày thì nghe tin đoàn xe được lệnh đi xuống
hải cảng Kompong Som tức là Sihanoukville. Tôi không biết hải cảng này ra sao,
nhưng nghe nói ở đó có tàu ngoại quốc ra vào.. Trước đó tôi có dọ hỏi đuờng lên
Battambang, thì họ nói là phải có người dẫn đường và phải trả bằng vàng, ít nhứt
là hai lượng. Trong mình tôi chỉ được hai chỉ vàng thì làm sao mà đi và hơn nữa
chúng tôi không biết tiếng Miên nên rất khó khăn, thành ra tôi đã bỏ ý định đi
lên Battambang. Bây giờ nghe tin đi xuống hải cảng Kampong Som thì tôi thấy cứ
đi đại xuống đó rồi sẽ tính sau, dầu sao ở hải cảng cũng còn có hy vọng hơn.
Buổi trưa hôm đó tôi và Nghĩa ra chợ mua một nải chuối,
lên chùa Năm Tháp gần đó để cúng Phật, để cầu xin Đức Phật Từ Bi độ trì đưa đường
dẫn lối cho chúng tôi thoát ra được khỏi nạn cộng sản. Sau khi quỳ lạy cầu nguyện
Đức Phật xong, khi đứng lên là không còn thấy nải chuối đâu hết, mà trong lúc
chúng tôi quỳ lạy thì có người tới chớp nải chuối đi mất thật là nhanh.
Đêm đó suy tính cách theo xe để đi, vì Long bảo phải tìm
xe khác mà đi, chứ không được đi theo xe cũ vì sợ tài xế biết.. Trong thời gian
mấy ngày ở đó tôi cũng đã quen biết nhiều nên họ nhận cho tôi đi theo. Đoàn xe
đi đến trạm kiểm soát thì ngừng lại để xét trước khi ra khỏi thành phố, nhưng
vì đoàn xe này có sự vụ lệnh đi công tác xuống hải cảng để chở hàng cho bộ đội
VC nên không bị lục soát hay hỏi han gì và qua trạm kiểm soát này một cách dễ
dàng.
Trên đường đi VC đóng đồn dọc theo đường, thỉnh thoảng
đón xe quá giang, nhưng tôi ngồi phía trước chung với tài xế và lơ xe, nên rất là
yên tâm. Trên xe bác tài có khoe một khẩu súng AK47 được phát cho mỗi xe, nhưng
chưa chắc là bác tài đã biết sử dụng. Tôi nhớ bữa đó trời mưa tầm tả và xe bị
hư máy phải dừng lại để sửa chữa, nhưng bác tài rất rành nghề chỉ sửa một chút
là xong ngay, nhưng phải câu một bình xăng phụ ở bên ngoài. Đến chiều thì xe đến
hải cảng Kampong Som, xe dừng trước cổng trên con đường lộ đá dẫn vào hải cảng.
Khi xe vừa đến nơi thì tài xế và lơ xe đi vô cổng một cách tự nhiên mà không bị
hỏi giấy tờ gì hết, nên tôi, Long và Nghĩa cũng đi theo vô trong hải cảng một
cách dễ dàng.
Hải cảng này ở xa khu dân cư, có mấy lớp hàng rào kẻm gai
bao bọc chung quanh, và một trạm kiểm soát tại cổng chính ra vào, với một số
công an biên phòng VC canh gác. Đóng trên một ngọn đồi gần đó là một đồn công
an biên phòng. Bên trong hải cảng là một bến đá, xây bằng đá tảng, để tàu cặp bến.
Tôi cố nhìn thật kỹ quanh bến tàu để tìm xem có chiếc tàu nào của nước tự do,
nhưng tôi chỉ thấy toàn cờ đỏ búa lìềm, toàn cờ cộng sản, thật là thất vọng vô
cùng. Gần bến tàu là hai nhà kho rất lớn bằng sắt cất theo kiểu tiền chế của Mỹ.
Có một đường rầy xe lửa, và ở phía trong xó góc có vài toa xe lửa bỏ không,
không thấy người lai vãng, gần đó có một phong tên nước. Ở phía ngoài cổng bên
cạnh con đường lộ đá là một cái ao khá lớn, mà thỉnh thoảng thấy có công an đến
câu cá. Chiều tối đó tôi trở ra xe để ngủ qua đêm.
Sáng sớm hôm sau xe vô đậu truớc nhà kho lớn để chất hàng
lên. Họ chất lên những bao bắp hột do nhân đạo quốc tế viện trợ để cứu đói cho
dân Kampuchia, nay thực phẩm đó được dùng để nuôi ăn cho bộ đội VC. Tôi chỉ còn
bửa nay để đi lại thong thả trong hải cảng này, đến sáng mai khi đoàn xe đi rồi
thì tôi không còn chường mặt ra đây được nữa, vì bọn công an thấy sẽ biết ngay.
Chúng tôi đang lân la trong hải cảng thì bỗng có một chiếc
tàu tuần của công an biên phòng VC vào cặp bến để lấy nước ngọt ở cái phong tên
nước. Khi đó họ có hỏi tụi tôi, có muốn mua mấy món đồ lậu như rượu, thuốc lá,
đồng hồ, máy radio cassette v.v….Chúng tôi làm bộ nhận chịu, nhưng hẹn với họ
ngày mai sẽ gom tiền cho nhiều để mua một lần cho tiện. Họ nghe nói thế tưởng
là trúng mối to. Sau khi lấy nước xong là họ đi, trước khi rời bến họ rủ chúng
tôi lên tàu. Long nhanh chân nhảy lên trước, tôi còn đang lưỡng lự ngần ngừ, vì
không biết họ đi đâu và đi làm cái gì, họ không nói gì cả, chỉ rủ lên tàu để đi
thế thôi. Long đã ở trên tàu rồi nên thúc hối tôi lên tàu. Khi tàu mở dây cột
tàu sắp chạy và vì sự thúc hối của Long nên tôi cũng nhảy lên theo, còn Nghĩa
thì không đi.
Tàu chạy ra ngoài, nghe họ kể về những chuyện đi bắt ghe
tàu vượt biên. Họ đã bắt rất nhiều ghe tàu vượt biên và lên giọng rất là sắt
máu. Nguyền rủa những người vuợt biên là bọn phản quốc, chạy ra nước ngoài, bám
chân đế quốc để ăn bơ thừa sữa cặn v.v… Tôi thầm nghĩ đến những chiếc ghe tàu
vượt biên nếu bị chiếc tàu tuần này bắt, thì coi như là thân tàn ma dại. Có những
chuyến ghe tàu vuợt biên bị công an VC xả súng tàn sát mặc dầu họ biết đa số là
đàn bà con trẻ.
Họ dẫn chúng tôi xuống hầm tàu để quảng cáo mấy món hàng
mà chúng tôi hứa sẽ mua. Tàu chạy một lúc rồi cặp bến vô đậu trong căn cứ hải
quân của chúng, rồi bảo chúng tôi lên bờ. Tôi cứ tuởng là tàu trở lại bến cũ
cho mình lên, ai dè lại vô căn cứ VC nên cũng hơi ngại ngại. Hai đứa tôi đi ra
cổng và đi theo con đuờng lộ đá dẫn vô bờ. Căn cứ này nằm xa bờ chừng vài chục
thước, có con đường lộ đá làm bằng những tảng đá núi mà xe loại lớn có thể chạy
được.
Vô tới bờ đi bộ ngược trở về hải cảng, dọc theo bờ biển
thấy có một xóm chài, có một số tàu đánh cá, hai đứa tôi vô hỏi thăm. Lên một
chiếc tàu thì gặp một người có mang một khẩu súng AK47, lỡ rồi nên tôi làm bộ hỏi
để mua cá. Anh này người Miên gốc Việt nên nói được tiếng Việt. Anh ta ngó tới
ngó lui rồi hỏi tụi tôi có muốn vượt biên không. Chắc có lẽ họ thấy bộ dạng
mình vô đây là định tìm đường vuợt biên nên mới hỏi thẳng như vậy. Thấy anh ta
có súng thì hơi sợ, nhưng trong bụng thì muốn tìm cơ hội để đi, nên tôi cũng trả
lời lưng chừng là bây giờ mà tính chuyện vượt biên đâu phải dễ, tụi tôi ở đoàn
xe vận tải đang đi công tác ở hải cảng. Ông ta tiếp thêm là nếu muốn vượt biên
thì ba ngày nữa trở lại đây rồi họ sẽ đưa ra hải đảo, ở đó họ sẽ chuyển qua tàu
đánh cá Thái Lan, mỗi người hai lượng vàng, ba ngày nữa tàu sẽ ra khơi, nếu muốn
đi thì lại đây. Nói xong ông ta cho một con cá to và hối tụi tôi đi ngay, vì ở
đây lâu không tiện dễ bị nghi ngờ.
Tôi và Long trở về hải cảng, trên đường đi thỉnh thoảng gặp
các toán tuần tiểu của công an biên phòng, họ đi tuần tra dọc theo bờ biển.
Chúng tôi giả vờ mò cua bắt cá trong các hóc kẻ đá, khi họ đi qua khỏi rồi thì
tiếp tục đi. Đi bộ một đoạn đường khá xa chừng vài cây số. Khi về đến chỗ đậu
xe thì thấy có gánh bán cơm, tôi đổi cho họ con cá để lấy hai dĩa cơm. Sau khi
ăn xong, tôi bàn với Long và Nghĩa là tối nay phải vô ngủ ở trong hải cảng, vì
sáng sớm đoàn xe sẽ chạy trở về Nam Vang, khi đó thì mình không còn có chỗ ẩn
thân ở bên ngoài được. Long và Nghĩa thì có ý định trở lại Nam Vang, rồi trở về
Việt Nam kiếm thêm tiền, vàng rồi trở qua đây, để đi theo mấy ghe tàu đánh cá.
Riêng tôi thì tôi quyết tâm ở lại, kiếm chỗ ẩn náu quanh đây, may ra có dịp tìm
đường đi, chớ quay trở lại Việt Nam thì không thể được. Tôi quyết tâm là sẽ đi
tới mãi chớ không quay lui. Riêng Long và Nghĩa đều là lơ xe nên chuyện đi hay
trở về đều không có gì là nguy hiểm cả. Sau khi bàn tính một lúc thì Long và
Nghĩa đồng ý ở lại vì thấy tôi quá quyết tâm. Chúng tôi mua ba ỗ bánh mì và lấy
theo một bình nước rồi vô trong hải cảng ngay, trước khi trời tối.
Tôi đã để ý từ trước thấy có mấy goong xe lửa bỏ không ở
một xó góc không có người lui tới. Vì vậy chúng tôi đợi đến khi trời tối, kín
đáo lẻn vô trong toa xe đó và trốn luôn trong đó. Ngồi trong goong xe nhìn qua
khe ván thấy đồn công an canh gác ở cổng cũng không xa lắm, vì vậy chúng tôi phải
giữ gìn thật hết sức im lặng, đề phòng thật kỹ luỡng. Trong những lúc nguy hiểm
tôi thường cảnh giác thức suốt đêm, quan sát nghe ngóng mọi động tịnh bên
ngoài. Sợ khi ngủ hết, lỡ mà có nguời nào ngủ mớ la hoảng hay phát ra tiếng
ngáy thì nguy hiểm lắm.
Khi trời sáng hẳn, tiếng đoàn xe rời hải cảng để trở về
Nam Vang. Lúc bấy giờ bên ngoài không còn người lui tới, không còn thấy bóng
dáng tài xế hay lơ xe nữa, vì vậy chúng tôi phải ẩn mình cho thật kỹ. Chúng tôi
nằm im trong toa xe lửa đó, buổi trưa trời nóng như thiêu, chúng tôi cởi trần,
nhờ khe ván hở nên cũng không đến đỗi nào. Tôi chỉ sợ nếu có người muốn sử dụng
goong xe này, họ đến kéo đi thì rất là nguy, chúng tôi sẽ bị phát giác ngay.
Cho đến chiều thì may quá có một đoàn xe khác xuống cùng
vào đậu ở phía cổng như truớc. Tôi mừng quá vì lại có dịp ra ngoài trà trộn với
đám tài xế lơ xe mà không ai để ý. Và cũng vào khoảng 4 , 5 giờ chiều hôm đó, bỗng
đâu xuất hiện một chấm đen từ ngoài biển khơi đang tiến dần vô bờ, càng lúc càng
lớn dần và sau cùng hiện rõ ra một chiếc tàu đang hướng vô hải cảng, rồi từ từ
cặp vào bến đá. Một chiếc thương thuyền quá lớn mang tên PEP STAR, đặc biệt là
lá cờ trên tàu không phải là cờ đỏ búa liềm, chắc chắn không phải là tàu cộng sản.
Hơn nữa chữ PEP STAR có vẻ là tiếng Anh hơn là tiếng Nga.
Sau khi tàu cặp bến xong xuôi, thấy có nhiều người đi lại
gần chiếc tàu, khi đó tài xế và lơ xe ra vô tấp nập. Trời đã tối chúng tôi chui
ra khỏi chỗ trốn và tìm cách lại gần chiếc tàu. Lúc đó có nhiều công nhân nguời
Miên đang lên tàu, tôi liền hỏi nguời thủy thủ trên tàu họ cho biết là tàu của
nuớc Đan Mạch, mà Đan Mạch là một nước ở Âu Châu, nên tôi yên trí chắc chắn
không phải là một nước cộng sản, tôi mừng quá vì có thể xin tị nạn được.
Trong bóng tối chúng tôi ngồi ở xa xa nhìn lên chiếc tàu
thấy công nhân người Miên lên xuống theo chiếc cầu sắt cặp sát bên hông tàu. Ở
trên tàu ngay chỗ đầu cầu lên xuống có hai tên công an đang đứng canh gác kiểm
soát mọi người lên xuống rất là kỹ lưỡng. Tôi tập trung quan sát mọi hoạt động
trên tàu để tìm cách lẻn trốn lên tàu, nhưng rất là khó khăn vì hai tên công an
đang canh gác quá kỹ. Nếu lở lên tàu mà chúng bắt tại trận thì hết đuờng chối
cãi chỉ có nuớc vô tù, mà riêng tôi thêm tội trốn trại nữa thì chắc chúng sẽ
không tha.
Kể từ khi chui ra khỏi hàng rào ở trại tù Tống Lê Chân
cho đến bây giờ là tôi đã vượt đuợc một quảng đường khá xa, đã ra khỏi nuớc và
ra đến biển và con đường duy nhất là phải lên cho bằng được chiếc tàu này. Nhìn
lên trên tàu mà thèm thuồng ước gì mình được trốn vô nằm trong chiếc thuyền cấp
cứu đang treo lủng lẳng đong đưa trên đó thì quá kín đáo.. Tôi cứ nhìn hoài,
tàu này chở những chiếc xe truck, chỉ có phần đầu máy với cái sườn phía sau.
Đây là những chiếc xe viện trợ nhân đạo của Liên Hiệp Quốc. Cần trục trên tàu
đang hoạt động liên tục đang bốc hàng xuống, mỗi lần một chiếc xe, cho nên rất
là nhanh. Theo tôi nghĩ thì trong đêm nay sẽ bốc hàng xong và ngày mai tàu sẽ
đi, mà tàu của các nước Âu Châu thì hiếm khi vào hải cảng của nước cộng sản
này.
Trời tối dần mà Long và Nghĩa thì cứ hối thúc hoài, định
leo đại theo dây cột tàu mà ra tàu. Nhưng đèn pha chiếu sáng khắp tứ phía thì
làm sao mà leo ra đuợc, mà làm sao thoát hết được ba đứa. Rồi Long lại tính đường
nhảy xuống nước bơi qua bên kia thành tàu rồi tìm cách leo lên tàu. Tàu thì cao
sừng sững đâu có dễ gì leo lên được, mà chung quanh đèn chiếu sáng choang, vừa
nhảy xuống nước là bị bắn liền chứ đừng nói gì tới bơi ra tàu.
Tôi cứ chờ đợi dịp thuận tiện, mắt tôi cứ dán sát vào hai
tên công an đang đứng gác trên tàu, một tên mang súng AK47, còn một tên mang
K54 có lẽ là cán bộ. Quan sát theo dõi họ thật kỹ để mong tìm một chút sơ hở,
nhưng mỗi lần có ai lên tàu là nó chận lại xét hỏi rất kỹ càng. Với lại mình
không biết tiếng Miên, không giống người Miên, nên khó qua mặt được nó.
Bỗng dưng trời xui đất khiến hai tên công an này đồng lúc
rời bỏ vị trí bước vô trong cabin tàu. Tôi vụt chạy lên tàu tức khắc kéo theo
Long và Nghĩa. Khi lên đuợc trên tàu chúng tôi chạy băng qua bên kia thành tàu
và tìm chỗ ẩn trốn, thì khi đó hai tên công an lại trở ra canh gác như cũ,
nhưng chúng chỉ nhìn về phía cầu thang lên xuống, chứ không để ý gì về phía
chúng tôi. Tôi nhìn quanh quất không thấy có chỗ nào để ẩn thân, không thể chui
vô đống dây luột hay đống cây gỗ bên cạnh đó, vì dấu đầu lòi đuôi không thể che
dấu hết ba nguời. Nhìn xuống hầm tàu thì thấy nhân công Miên đang làm ở dưới đó
và không thể lẫn quẫn ở đây lâu được vì thủy thủ hay công nhân Miên bất chợt họ
thấy họ sẽ nghi.
Ở trên tàu có hai cần trục một cần trục ở phía bên kia
đang hoạt động liên tục, còn một cần trục phía gần bên tôi thì không hoạt động.
Ở phía trên là phòng điều khiển bằng kiến, ở bên dưới là phòng máy, có một lỗ
tròn vừa người chun vô, tôi liền thử chui vô rồi kéo Long và Nghia vô theo. Tôi
cố ép sát người vô trong để vừa đủ chỗ cho ba đứa ẩn mình. Lần lần tôi dọn dẹp
các lon dầu, đồ đạc dụng cụ để chui sâu vào trong. Nếu có ai bất chợt đi ngang
qua thì sẽ không thấy chúng tôi được, nhưng nếu ló đầu vô trong thì sẽ thấy
ngay. Hơi yên tâm một chút, lúc đó chắc cũng vào khoảng 11, 12 giờ đêm.
Cần trục bên kia vẫn còn đang tiếp tục hoạt động, độ một
giờ sau thì chấm dứt. Sau đó công nhân lần lượt rời khỏi tàu, duy chỉ còn hai
tên công an vẫn đi tới đi lui canh gác bên kia thành tàu. Sau đó nắp hầm tàu được
đóng lại, nắp hầm tàu làm bằng những lá sách bằng sắt nó chạy từ trong ra ngoài
nghe rền vang. Sau khi nắp hầm tàu đậy xong, bây giờ chúng tôi có thể chui vô
sâu thêm nằm trườn mình trên nóc hầm tàu và mọi sự trở lại vắng lặng hoàn toàn.
Tôi suy nghĩ, trước khi tàu rời bến chắc chắn công an
biên phòng và quan thuế sẽ kiểm soát rất kỹ, cho nên tôi phải tìm chỗ trốn khác
kín đáo hơn, chớ không thể trốn ở đây được. Lúc còn ở dưới nhìn kỹ mọi hoạt động
trên tàu, tôi thấy thỉnh thoảng có thủy thủ lên xuống ở phía truớc mũi tàu, như
vậy phải có cầu thang lên xuống ở mũi tàu.
Đợi đêm thật khuya vắng lặng, tôi dặn dò Long và Nghĩa từng
người một lần lượt chui ra và phải chờ khi nào công an quay lưng lại thì mới
cho chui ra. Bò theo thành tàu, bò ra phía trước mũi tàu để tìm cầu thang đi xuống
hầm tàu. Trên tàu rất trống trải mà đèn thì sáng choang, do đó phải bò thật thấp
để không thấy lộ hình lên trên nền trời... Sau cùng tôi đợi khi tên công an vừa
xây lưng lại là tôi chui ra sau cùng, bò dọc núp duới thành tàu đến gần mũi tàu
thì thấy có một cửa nhỏ, tôi mở chốt cửa rồi chui vào trong, có một cầu thang bằng
sắt hình khu ốc, tôi lần theo xuống.
Xuống đến hầm tàu thì tôi thấy Long và Nghĩa nằm dài ở
đó. Đây là khoang tàu nơi chứa hàng, sau khi hàng bốc đi rồi thì trống trơn
không có chỗ nào để ẩn thân, mấy cây cột bằng sắt cũng không lớn đủ để che
thân. Tôi thấy trốn ở đây không được vì sẽ bị lộ ngay. Tôi lần theo cầu thang
khu ốc để đi xuống nữa, thì khi xuống dưới đáy hầm tàu, tôi thấy có một đống
cây gỗ ở ngay mũi tàu, tôi mừng quá vì tìm được chỗ trốn tốt. Tôi sắp lại đống
cây gỗ để chừa ra một lỗ trống, đủ chỗ để cho ba đứa chui vào, xong rồi kéo
thanh gỗ đậy lại, trông giống như cũ, không có dấu vết gì khả nghi. Lúc đó chắc
khoảng 3, 4 giờ sáng, tôi nằm im trong đó, không dám ngủ và dặn kỹ Long và
Nghĩa phải giữ thật im lặng, không được thở mạnh hay ho hen.
Độ khoảng 6 giờ sáng, tôi nghe tiếng lộp cộp đi xuống cầu
thang, họ quét đèn lên trên đống cây, nhưng không thấy gì khả nghi, họ bỏ đi trở
lên. Một lúc sau nữa tôi nghe tiếng còi tàu hụ lên ba tiếng, tôi mừng quá vì
“tàu souffler ba là tàu ra cửa biển”.. Một hồi sau tôi nghe tiếng sóng nước rào
rào ở mủi tàu, tôi chợt biết là tàu đã chạy. Vì đang ở mủi tàu nên tôi không
nghe tiếng máy tàu, mà chỉ nghe tiếng sóng nước đập vào thân tàu nghe rào rào
và càng lúc càng mạnh. Đến một hồi nữa nghe ầm ầm, tôi biết là tàu đang chạy
nhanh, đang rẽ sóng ra khơi. Một hồi sau chúng tôi chui ra khỏi đống cây gỗ.
Tôi định chờ một ngày một đêm rồi mới lên trình diện vì sợ
nếu còn trong hải phận Kampuchia hay Việt Nam, thì họ có thể kêu tàu tuần đến bắt
chúng tôi. Nhưng đến chiều thì Long bị ói mửa vì say sóng, càng lúc càng nặng,
mặc dù trong bụng không còn thức ăn, chỉ ói ra nuớc, ói ra mật xanh. Sau cùng
Long năn nỉ tôi phải lên trình diện, nếu không sẽ chết. Lúc đó tôi nghĩ là tàu
đã chạy đuợc khoảng 8, 9 tiếng đồng hồ, chưa được xa lắm, chắc là còn trong hải
phận Việt Nam, nhưng vì Long năn nỉ quá, nên sau cùng tôi đành phải lên trình
diện.
Một mình tôi lên trước, theo cầu thang khu ốc để lên và
khi vừa chui ra khỏi cửa ở mũi tàu nhìn lên phía phòng lái bằng kính, tôi thấy
nguời hoa tiêu đang nhìn xuống phía chỗ tôi, chỗ mũi tàu. Tôi tức tốc tìm cách
đi thật nhanh lên đó ngay, vì sợ họ kêu tàu tuần đến bắt. Tôi đi thật nhanh,
leo lên cầu thang lên tầng trên cùng và đi thẳng vô phòng lái.
Thấy tôi vừa bước vô phòng hoa tiêu, ông ta nỗi giận dậm
chân đùng đùng, bấm còi báo động. Ông hỏi tôi là ai, làm gì vô đây. Tôi liền trả
lời tôi là sĩ quan Việt Nam trốn từ trại tù ở Việt Nam sang Kampuchia và trốn
xuống tàu hồi đêm qua, tôi xin được tị nạn. Nhờ tôi nói bằng tiếng Anh, mặc dù
không được trôi chảy, nhưng cũng hiểu được phần nào. Lúc đó quần áo mặt mày tôi
lem luốt dính đầy dầu nhớt, mạt cưa trông không giống ai. Tôi nói tiếp tên họ số
quân của tôi và tôi đã học khóa Bộ Binh Cao Cấp tại truờng Fort Benning, tiểu
bang Georgia, Hoa Kỳ và xin ông vui lòng liên lạc với tòa đại sứ Mỹ nào gần đây
thì sẽ xác định được lý lịch của tôi. Tôi xin ông một điều là nếu ông không nhận
cho tôi tị nạn, thì xin ông bỏ tôi xuống biển, chớ đừng gọi tàu tuần đến bắt
tôi, vì họ sẽ giết tôi.
Sau khi nghe tôi trình bày sự việc, tình hình bắt đầu lắng
dịu, tôi liền nói thêm là hiện còn có hai người nữa còn đang trốn dưới hầm tàu.
Ông ta lại nỗi giận lên, kêu người đi xuống dẫn Long và Nghĩa lên. Long và
Nghĩa được dẫn lên ngồi trong góc, trông rất thãm não, mặt mày xanh xao, quần
áo lem luốc bẩn thỉu. Xong rồi ông Thuyền trưởng gọi báo về công ty, một lúc
sau thì công ty chấp nhận cho chúng tôi tị nạn. Tôi mừng quá đỗi, coi như được
sống lại và tôi có hỏi ông là hiện giờ tàu đang ở đâu, có còn trong hải phận Việt
Nam không, thì ông chỉ cho tôi thấy một hòn đảo trông mờ mờ từ xa đó là đảo Thổ
Chu của Việt Nam và ông cũng nói thêm rằng là kể từ bây giờ không ai có quyền
lên tàu này để bắt chúng tôi lại, vì đây là tàu của Đan Mạch là đất nước Đan Mạch.
Một số thủy thủ đứng chung quanh, nghe thấy, dần dần họ
có cảm tình với chúng tôi, họ đưa cho quần áo giày dép rồi dẫn chúng tôi đi tắm.
Cho chúng tôi vô ở trong một căn phòng, đây là phòng của một ông kỹ sư đã đi
phép. Trên giường nệm có hai tấm nệm tôi lấy một tấm đặt xuống sàn nằm ngã lưng
xuống một cách thoải mái tuyệt trần. Một lúc sau chúng tôi được dẫn đi ăn, một
bửa ăn thật tuyệt diệu trong đời, trong đó có cơm chiên dương châu và mấy khúc
cá thu hấp rất thơm ngon chưa từng có. Đây là một bửa ăn tuyệt diệu nhất, tự do
nhất, thoải mái nhất, mà tôi cảm thấy như được sống lại sau bao nhiêu ngày trốn
tránh lang thang vất vả căng thẳng tột cùng, có đôi khi gần như tuyệt vọng.
Sau khi ăn xong bửa cơm tuyệt diệu đó, chúng tôi đuợc dẫn
đi thăm viếng tàu. Trước hết đến phòng ông thuyền trưởng, ông rót ruợu uống mừng
cho chúng tôi đã thoát nạn cộng sản và chụp hình lưu niệm. Sau đó đi tiếp qua
các phòng và được biết trên chiếc tàu này có nhiều người thuộc quốc tịch khác
nhau như Hòa Lan, Đan Mạch, Ba Tây, Phi Luật Tân v.v…..Các thủy thủ trên tàu
cho chúng tôi xem hình ảnh gia đình của họ và chuyện trò rất là thân mật, thật
là hết sức lịch sự và đầy tình nhân ái. Nghĩa có mang theo một số tiền Việt Nam
không còn xài được nữa, nên mới đưa cho các thủy thủ. Họ rất tốt bụng đã cho lại
chúng tôi mỗi nguời 20 US dollars và chọn cho chúng tôi mỗi đứa một bộ đồ vừa vặn
đẹp đẽ để mặc khi lên bờ.
Chúng tôi được cho lên phòng hoa tiêu để ngắm nhìn hoàng
hôn trong buổi chiều tàn, nhìn mặt trời lặn trong cảnh nước trời bao la, thật
là tuyệt đẹp, mà tưởng chừng như trên chốn bồng lai tiên cảnh nào vậy, trong
khi con tàu đang lướt sóng thật êm đềm. Đây là một chiếc thương thuyền rất lớn
nên chạy thật là êm ái, khác xa với cảnh tượng của những chiếc ghe vượt biên bé
nhỏ, chở đầy người, bập bềnh trên biển cả mênh mông, sóng gió hãi hùng, và còn
phải lo sợ bị hải tặc hảm hiếp, cướp của giết người thật là ghê rợn.
Buổi tối hôm sau tàu tiến vô một hải cảng với muôn ngàn
ánh đèn rực rỡ, trong một vùng vịnh bao la, với vô số thương thuyền tàu bè đủ
loại, trông thật hùng vĩ huy hoàng tráng lệ. Đó là hải cảng Singapore. Theo thủ
tục của luật di trú thì chúng tôi phải vô trong phòng và thuyền trưởng sẽ khóa
cửa lại, để giữ chúng tôi trong đó.. Tuy nhiên nếu có cần gì thì cứ gọi, thỉnh
thoảng có người đến thăm chừng, thật là hết sức lịch sự tử tế và chu đáo vô cùng.
Chừng vài tiếng đồng hồ sau thì có hai nhân viên của sở
di trú Singapore đi xuồng máy ra lên tàu và mở khóa cửa phòng, thẩm vấn chúng
tôi và làm thủ tục giấy tờ, xong rồi họ đi ngay. Sau đó thì có một phái đoàn của
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR, xuống phỏng vấn và làm thủ tục. Tôi trình
bày bằng tiếng Anh, nhưng bất ngờ nguời đó trả lời bằng tiếng Việt và bảo tôi cứ
nói bằng tiếng Việt Nam đuợc rồi. Tôi mừng quá vì đuợc gặp người đồng hương,
sau này tôi được biết đó là cô Bích làm việc trong văn phòng Cao Ủy Tị Nạn ở
Singapore. Khi làm thủ tục giấy tờ, và trong nguyện vọng xin đi định cư nuớc
nào, thì tôi xin đuợc đi Mỹ, vì hiện tôi có một đứa em đang ở Mỹ, và tôi cũng
đã từng du học ở Mỹ, nên nghĩ rằng sẽ đuợc cứu xét dễ dàng hơn. Chúng tôi ngủ thêm
một đêm trên tàu và sáng hôm sau thì có nguời của Cao Ủy Tị Nạn ra đón ba đứa
tôi lên bờ, tôi còn nhớ đó là cô Robin, nguời nuớc New Zealand.
Sau một thời gian 22 ngày đêm vuợt thoát từ trại tù Tống
Lê Chân, nay tôi được đặt chân lên một đất nuớc tự do là nuớc Singapore vào
ngày 27 tháng 6 năm 1980. Chúng tôi đuợc đưa về tạm trú ở khách sạn YMCA. Ở đây
hiện có chừng mười nguời Việt Nam tị nạn cũng mới đến chừng vài ngày trước và họ
giao nhiệm vụ cho tôi làm thông dịch viên. Điều đầu tiên là tôi ra Bưu điện để
đánh điện tín về Việt Nam cho gia đình tôi biết tin. Vì có tiền 20 dollars nên
tôi gọi taxi ra Bưu điện và gởi điện tín về cho vợ tôi với nội dung như sau:
“Đã giải phẩu xong bình an”, đó là câu mật hiệu để cho vợ tôi biết là tôi đã
thoát nạn và đã đến nơi an toàn. Điện tín này đã đến nhà tôi vào ngày 30 tháng
6 năm 1980. Vợ tôi hết sức vui mừng khi nhận được điện tín này, phân vân không
biết Singapore là nước nào ở đâu. Vợ tôi liền đi xuống Mỹ Tho để báo tin mừng
và vô Trung Lương, nơi đất hương quả mồ mả tổ tiên để cúng tạ.
Chúng tôi ở khách sạn YMCA vài ba ngày để làm thủ tục. Buổi
chiều rỗi rảnh chúng tôi dắt nhau ra chợ Tàu. Đi bộ chừng 15 phút là đến, một
dãy kios quán ăn rất là đông vui và ngon miệng. Long biết nói tiếng Tàu nên rất
dễ giao tiếp. Ở Singapore 80% là người Hoa, còn lại là nguời Ấn và người Mã
Lai.
Sau đó chúng tôi đuợc đưa vào Trại Tị nạn Sambewang, còn
gọi là trại Hawkins. Khi vừa bước vô văn phòng trại tị nạn, tôi chợt thấy lá cờ
vàng ba sọc đỏ thật lớn treo trên tường mà lòng hân hoan vui mừng quá độ. Tôi
và nhóm người mới tới đều vui mừng sung sướng đến rơi nước mắt, được hôn lên Lá
Cờ Quốc Gia Dân Tộc và biết chắc rằng mình đã thật sự thoát khỏi ngục tù cộng sản
và đã đến được bến bờ tự do.
Chúng tôi được lãnh tiền trợ cấp mỗi người 2.50 đồng một
ngày, một đồng Singapore lúc đó trị giá vào khoảng 0.8 dollar Mỹ. Ngoài ra còn
được phát mỗi người một chiếc chiếu, và cứ 6 người thì được phát một cái lò nấu
ăn. Đây là một trại lính với nhiều tòa nhà có hai tầng khang trang, trại viên
trải chiếu trên sàn gạch rất mát mẻ sạch sẽ, không có ruồi muỗi. Phía ngoài là
sân cỏ, đuợc giữ gìn chăm sóc cắt xén rất đẹp như một tấm thảm xanh.
Cuộc sống ở trại tị nạn này rất là thoải mái, có khu chợ
nhỏ ngay trong trại, đa số là người Ấn độ, bán đủ loại thực phẩm, rau cải, trái
cây, đặc biệt là trái sầu riêng ở đây có rất nhiều. Ở ngoài vòng rào và cách trại
chừng vài trăm thước, có một con rạch rất lớn, có nhiều cá, nhứt là cá rô Phi..
Có người chui rào ra, lưới đuợc rất nhiều cá, đem về bán chui qua các nhà.
Những người đuợc đưa về trại này thường là chỉ được tạm
trú ở đây khoảng 3 tháng, để làm thủ tục đi định cư, hoặc là những người từ trại
đảo Galang đưa đến chờ máy bay để đi định cư. Hàng ngày công việc của trại là
theo dõi tin tức phát thanh trên loa, để biết khi nào đuợc gặp phái đoàn để được
phỏng vấn và khám sức khỏe.
Khi mới đến trại khai hồ sơ lý lịch, vì tôi đã từng du học
bên Mỹ nên được Ban Chỉ huy trại giao nhiệm vụ làm Thông dịch viên. Công việc
thường ngày của tôi là giúp thông dịch nếu có phái đoàn vô trại. Còn không thì
phải đưa người đi ra các toà Đại Sứ Anh, Mỹ, Úc v.v…Hoặc đưa người đi bệnh viện,
để khám sức khỏe để đi định cư. Ở trong trại cũng có bệnh xá để điều trị các bệnh
nhẹ thông thường như ho, đau bụng, nhức đầu, nóng lạnh v.v…Lúc đó có Bác sĩ Rạng
trách nhiệm bệnh xá, ông cũng là người tị nạn và trước kia ông từng là bác sĩ của
Bệnh viện 3 Dã chiến ở Phú lợi Bình Dương.
Ở trong trại tôi thấy có nhiều hoàn cảnh rất là thương
tâm. Có nhiều người mất vợ mất con mất cha mất chồng trên đường vượt biển. Như
có một ông bác sĩ, tôi nhớ mang máng tên là Phùng, Bác sĩ Phùng, ông bị khủng
hoảng tinh thần gần như điên loạn, vì cả gia đinh vợ con đều bị chết.. Tôi thấy
ông cứ đi lang thang nói nhảm suốt cả ngày. Vì ông mắc bệnh tâm thần như vậy
nên không được phái đoàn nào phỏng vấn, rồi không biết sau này ra sao.
Sau khi đến trại được một tuần, tôi liền gởi gói quà nhỏ
đầu tiên về cho gia đình, trong đó có vài thước vải đen, chai dầu xanh và kẹo
bánh. Ba tháng sau vào tháng 10 năm 1980 thì tôi được đi định cư qua Mỹ. Long
và Nghĩa thì được định cư ở Đan Mạch.
Với lòng tri ơn sâu xa, tôi xin ghi lòng tạc dạ công ơn cứu
tử của thuyền trưởng và toàn thể thủy thủ đoàn trên chiếc thương thuyền Pep
Star, thuộc công ty hàng hải của nước Đan Mạch, đã cứu vớt tôi và giúp cho tôi
thoát khỏi ngục tù cộng sản và cho tôi đến được bến bờ tự do. Đây quả là một
công ơn quá lớn lao mà suốt đời tôi không bao giờ quên được.
Tôi cũng không bao giờ quên nghĩa cử cao đẹp, đầy lòng
nhân đạo của Cơ quan Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc UN/HCR và dân tộc các nước trên thế
giới, đã mở rộng vòng tay cứu vớt, trợ giúp và cưu mang chúng tôi, những người
tị nạn trốn chạy khỏi chế độ cộng sản bạo tàn phi nhân bản.
Sau khi đến Hoa Kỳ được một năm thì tôi được vào quy chế
thường trú, năm năm thì được vào quốc tịch. Ngay khi đến Hoa Kỳ, tôi lo ngay việc
nạp đơn xin bảo lãnh gia đình qua chương trình ODP và 9 năm sau thì vợ tôi và
ba đứa con đã đến được Hoa Kỳ. Sau hơn 14 năm xa cách kể từ ngày 30 tháng 4 năm
1975, ngày miền Nam rơi vào tay cộng sản, nay gia đinh tôi được đoàn tụ lại như
xưa, đã thoát khỏi gông cùm cộng sản và được sống trên quê hương mới đầy lòng
nhân ái bao dung.
Đây quả như là một phép lạ do Ơn Trên ban phước cho.
Nguyễn Ngọc Thạch, K20 VBĐL
Đọc hết câu chuyện "Trốn trại" của anh Nguyễn Ngọc Thạch , mà tôi nể phục tấm lòng can đảm của anh và đồng đội,anh đã lựa chọn đúng tìm trong cái sống trong cái chết, thay vì phãi ở lại với bọn Vc, rồi không biết giờ này gia đình anh sẽ ra sao ? Tôi đọc mà hồi hộp vì anh đã hy sinh trong gian khổ , cũng giống như anh hùng Lý Tống . Khác hơn anh là LT gian nan hơn , nhưng dù sao cũng cám ơn anh đã cho tôi đọc bài viết trốn trại của anh bằng sự thật. Luôn cầu chúc anh cùng gia đình luôn an lành và hạnh phúc .Một lần nữa cám ơn anh .
ReplyDelete