LỜI BẠT
(Thạch Hãn)
(trích tập truyện DINH ĐỘC LẬP, TIẾNG SÚNG CUỐI CÙNG của Huy Văn Trương)
Huy Văn mang đến cho tôi nhiều ngạc nhiên thích thú.
Quen biết anh đã hơn 20 năm, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, tất cả gây cho tôi một ấn tượng lý thú về con người/nhà văn Huy Văn.
Lúc mới gặp anh lần đầu ở toà soạn Tạp chí Văn Học do tôi làm Tổng thư Ký vào khoảng đầu thập niên 1990 của thế kỷ trước, tôi biết anh như một chuyên viên cơ khí ham thích văn học. Dáng người trung bình, đôi mắt sáng, mặt có hơi nghiêm nghị như luôn tính toán điều gì đó trong đầu. Biết thêm anh đang làm chủ một cơ sở sản xuất các cơ phận rời cung cấp cho các nhà thầu của hãng Boeing, tôi hiểu ra công việc của anh đòi hỏi một sự chính xác gần như tuyệt đối. Trong lãnh vực chuyên môn của anh, sai một ly không chỉ đi một dặm, mà có thể làm tan hoang sự nghiệp nếu không tính toán chi li và chính xác. Một con người như vậy mà lại yêu thích văn chương đến nỗi anh bỏ thì giờ tìm mua và đọc đủ các số báo Văn và Văn học, không ngần ngại dành thì giờ nói chuyện văn chương văn học, những thứ mà những ai có đầu óc thiên về kỹ thuật thường cho là vô bổ, thương vay khóc mướn hay là để đầu óc “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.” Anh thì trái lại, yêu thích văn học một cách nghiêm túc, sẳn sàng bước ra khỏi khu workshop bề bộn máy móc, cơ phận ngổn ngang, vật liệu sản xuất chất cao thành đống, để tìm cho mình một sự cân bằng trí tuệ. Ở lãnh vực chuyên nghiệp, sự thành công của anh đã cho phép anh nghỉ hưu ở cái tuổi tri thiên mệnh, có nghĩa là quá sớm cho một đời lao động, là niềm mơ ước của đời thường. Ở nơi anh, kỹ thuật và nghệ thuật đã cùng tụ hội. Ngoài sự thành công trong nghề nghiệp, anh còn là một nghệ nhân. Anh chọn lọc, uốn nắn, trồng tỉa những cây bonsai bắt mắt, hài hoà, biểu lộ cá tính của từng thân mộc cũng như của người uốn nắn nên chúng. Gỗ đá vô tri sần sùi cứng cỏi, vào tay anh sẽ thành những hòn giả sơn kỳ vỹ, những thác nước chảy róc rách hay những hồ nước với cá Koi chen nhau vẫy vùng, khoe đủ màu sắc.
Trong lãnh vực văn học, anh sáng tác không nhiều, nhưng theo tôi lại rất thành công.. Đây là ngạc nhiên lớn thứ hai của tôi. Ở đây, tôi cần phải nói thêm và nói ngay: sự ngạc nhiên của tôi không hề hàm ý ngờ vực, trái lại, nảy sinh do khám phá những điều tôi chưa biềt về anh, Truyện ngắn đầu tay của anh, “Giấc mơ sân cỏ,” xuất hiện dưới bút hiệu Huy Văn, đăng trên Văn học số 114, tháng 10 năm 1995. Truyện được giới thiệu trong Thư Toà soạn một cách ngắn ngủi nhưng súc tích: “Truyện của Huy Văn,[…] người lớn một cách trẻ thơ, đơn giản và hồn nhiên.” Những năm tiếp theo, anh lần lượt cho đăng trên Văn và Văn học nhiều truyện nữa, và phần lớn được quy tụ lại trong tập truyện này.
“Giấc mơ sân cỏ” thuật lại ký ức của một cậu học sinh trung học ham mê bóng đá. Ham đến nỗi mỗi ngày trong suốt niên học, cậu phải còng lưng đạp xe đưa đón người bạn thủ môn của đội bóng. lấy lý do luyện tập thể chất, dẻo dai và chịu đựng trước khi có thể nhận làm thành viên. Qua nhiều tháng trời, cậu bé đã trở nên một thiếu niên có thể chất tốt, sức chịu đựng khá dẻo dai, năng lực dồi dào, đủ để theo chân các bạn trên sân cỏ. Nhưng ước mơ làm cầu thủ bóng đá của cậu ngày càng trở nên vời vợi, dù rằng cậu cũng được chấp nhận với tư cách thành viên dự bị thứ ba, sau hai người dự bị khác mà họ không hề vắng mặt trong bất kỳ trận đấu nào trong suốt niên học. Huy Văn viết:
“Suốt năm hai thằng dự bị một và hai mạnh cùi cụi như trâu chưa bao giờ thèm vắng mặt lấy một ngày. Sự chờ đợi của tôi mỗi ngày một mòn mỏi, cho đến khi mấy con ve sầu bắt đầu cất tiếng kêu rả rích báo hiệu mùa hè sắp đến thì mộng đá banh của tôi, giấc mộng lớn nhất thời thơ ấu cũng tan theo tiếng hát bãi trường” (Giấc Mơ Sân Cỏ, trang 102-103)
Giấc mộng của nhân vật chính trong truyện quả đã tan theo tiếng ve ngày bãi trường. Mười năm sau anh trở thành một tay đua xe đạp. Những gì anh chuẩn bị cho giấc mộng con về sau đưa anh đến một ngã rẽ khác có chiều kích lớn: Anh là lực sĩ tham dự Đông Nam Á vận hội, bộ môn đua xe đạp!
Kết quả câu chuyện đưa tôi, và chắc chắn nhiều độc giả khác, đến một ngạc nhiên khá thú vị.Tôi cho đó là đặc điểm của con người cũng như văn chương Huy Văn. Trong những truyện ngắn của Huy Văn, độc giả thích thú với những kết cục đầy ngạc nhiên như thế. Từ truyện đầu “Dinh Độc lập, Tiếng súng cuối cùng” cho đến truyện cuối “Hoang tưởng”, Huy Văn khiến người đọc bàng hoàng nhận ra những kết cuộc hết sức bất ngờ, gây nhiều sửng sốt ! Có thể nói đây là một thủ thuật dựng truyện khá thành công.
Trước khi đi đến kết thúc độc đáo như thế. Huy Văn đã dày công chuẩn bị cho người đọc những tình tiết khiến họ suy diễn ra những tình huống hoàn toàn khác xa với những diễn biến cuối cùng trong truyện. Nhưng Huy Văn đã chuẩn bị như thế nào? Anh đã lôi kéo người đọc theo chiều hướng nào và với những thủ thuật gì?
Xét về văn phong, truyện của Huy Văn phản ánh bản lĩnh của nhà văn. Lời văn trong sáng, mạch lạc, không thừa không thiếu, cẩn thận chọn lọc những chi tiết thật cần thiết và thích hợp cho hoàn cảnh truyện, Huy Văn khiến cho người đọc theo dõi câu chuyện một cách thoải mái. Anh sử dụng thành ngữ rất nhiều, nhất là dùng phép tu từ so sánh, những ý nghĩa anh muốn truyền tải trở nên rõ ràng minh bạch và chính xác. Câu văn của Huy Văn là những đối thoại dung dị thường ngày, không triết lý cao xa, không ẩn dụ khó hiểu. Viết về ký ức của tuổi thiếu niên, tác giả đưa người đọc trở về với những kỷ niệm mà ai cũng có thể từng trải qua trong đời như trong “Giấc mơ sân cỏ”, hay những thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì, một tiến trình phát triển phức tạp mà Huy Văn đã làm nhẹ đi bằng lời văn chân thành, bằng những liên tưởng giản đơn. Hãy đọc lại đoạn văn sau đây trong “Tình Đầu”:
“Tôi không ngờ cải lương hay đến độ khiến tôi mê mẩn tâm thần, mê luôn đôi mắt vẽ xếch ngược lên trời của cô đào Mai Lan.
Đêm hát kế tôi khóc ngon lành, khi cô đào Mai Lan trong vai Cúc Hoa ngồi bắt chí cho hai con bên ngôi mộ lúc nửa đêm về sáng. Tôi không nghĩ rằng mình đang coi cải lương bởi vì những nhân vật trên sân khấu diễn xuất thực quá, thực đến nỗi bao nhiêu nước mắt nhớ mẹ tích tụ suốt mấy năm nội trú được dịp tuôn tràn. Tôi khóc chán chê rồi mới giật mình dụi mắt nhìn quanh, thì ra không phải chỉ có một mình tôi khóc, cô đào Mai Lan đã khiến cho nhiều người thương tâm, sụt sùi rơi lệ. Suốt đêm hôm đó, tôi mơ mơ màng màng trong giấc ngủ chập chờn.” (Tình Đầu, trang 34)
Và cũng từ đó, một thứ tình cảm nảy sinh giữa nhân vật chính và cô đào cải lương. Đây chỉ là những thay đổi tâm sinh lý đầu đời, chưa phải là tình cảm luyến ái đúng nghĩa, nhưng để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức.
“Tôi để cho nước mắt của mình chảy xuôi theo dĩ vãng. Không biết mình có lầm lẫn giữa sân khấu và cuộc đời, giữa tình chị em và tình yêu trai gái hay không? Nhưng tôi biết chắc rằng ở một nơi nào đó, tận cùng trong trái tim tôi, hình bóng cô đào Mai Lan với đôi mắt đen lay láy, chiếc mũi xinh xinh và cái nốt ruồi trên khóe miệng, muôn đời không bao giờ phai lạt trong tôi” (Tình Đầu, trang 39)
Rất nhiều năm về sau, khi bất ngờ nhìn thấy một người đàn bà có khuôn mặt rất giống với cô đào Mai Lan ngồi bệt bên vỉa hè bán rau, người thuật chuyện (narrator) bàng hoàng nhận ra người xưa và cất tiếng chào hỏi. Lời phúc đáp chỉ là một sự phủ nhận gay gắt, sửng sờ. Huy Văn đã nhờ lời bình của một bà bán rau bên cạnh để gởi đến độc giả câu trả lời cho vấn nạn về thân thế của người đàn bà trong ký ức ngày xưa của người thuật chuyện.
Những đoạn văn tả cảnh trong truyện của Huy Văn cũng rất đặc sắc. Cho dù ở tình huống nào, những hình ảnh còn gợi lên những thay đổi tâm lý phức tạp, và cũng chính những đoạn văn mô tả vô cùng linh động này đã chuyển đến người đọc điều tác giả muốn nói một cách trọn vẹn.:
“Có những buổi chiều thu, khi mây xám giăng đầy bầu trời Đalat, từng cơn mưa phùn kéo nhau qua quân trường, mưa nhè nhẹ, từng hạt mưa nhỏ, nhỏ như hạt bụi vướng vào cửa kính, trong phòng hơi nước phủ mờ mặt gương, thoải mái với không khí ấm cúng của căn phòng khiến tôi bồi hồi nhớ lại những cơn mưa ở LOK. Nhớ những buổi chiều, trên cao nguyên vùng biên giới với bầu trời xám xịt, nằm trên chiếc võng nhìn từng giọt nước theo sợi dây cột ở đầu võng rơi tóc tách, âm thanh nghe buồn đến nát ruột, nhớ đến những người lính co ro, run rẩy trong bộ quần áo sũng nước mưa (Dinh Độc Lập, Tiếng súng cuối cùng, trang 24)
Hay ở một nơi khác, trong “Tình Đầu” :
“Trăng đã lên phía sau rừng, mặt trăng tròn tựa như một tấm gương ngà tỏa ánh sáng dịu dàng, lành lạnh lên khắp vườn trà, những lá trà xanh thẩm phơi mình dưới ánh trăng trong. Trăng sáng đến độ tôi có thể nhìn rõ bên kia quốc lộ những đồi trà nối tiếp nhau, chập chùng uốn lượn theo triền dốc như một tấm thảm nhung xanh loang loáng ánh trăng vàng” (Tình Đầu, trang 37)
Cũng chính những cảnh quan quen thuộc qua miêu tả của tác giả, người đọc thấy rõ thay đổi tâm lý phức tạp trong tâm thức của một thiếu niên,
“Những năm sau đó, mỗi khi hè đến tôi không muốn trở lại sở trà của ba tôi mặc dù tôi rất nhớ ông. Mãi cho đến năm đậu xong tú tài, trước khi vào lính tôi mới trở về. Nhìn ngôi nhà đứng một mình bơ vơ trong nắng chiều hiu quạnh, chiếc ghế đá trước sân mà đêm trăng năm nào tôi ngồi bên chị vẫn còn đó, cảnh cũ còn đây nhưng chị thì đã phiêu bạt phương nào, lẩn quẩn đâu đây, mơ hồ trong gió giọng nói ngọt ngào, êm ái của chị “em trai cưng” (Tình Đầu, trang 38-39)
Ở “Chiến trường xa lắc”, những đoạn văn tả cảnh linh động như thế giúp sắp xếp không gian tâm lý cho câu chuyện:
“Tôi đứng trước ngôi Biệt Điện mà lòng bồi hồi xúc động. Trước mắt tôi, một ngôi nhà hoang phế, điêu tàn. Nguyên một mảng tường rêu xanh bám đầy, chới với giữa đống gạch ngói ngổn ngang. Phần sau mái nhà trống rỗng chỉ còn lại những hàng cột xiêu vẹo tựa vào nhau như chống đỡ lấy sự tàn phá của thời gian. Tôi còn lạ gì ngôi Biệt Điện này. Nếu đứng nơi sân trước của nó, người ta có thể phóng tầm mắt của mình đến tận cuối chân trời, quan sát được toàn thể quận Thanh Bình. Trước mặt là hồ Đắc, bên trái là thị trấn Lam Sơn, xa hơn chút nữa về phía nam là những buôn sóc của người Thượng nằm chênh vênh, im lìm bên sườn núi, cạnh những con suối nhỏ lửng lơ uốn lượn” (Chiến trường xa lắc, trang 83)
Hay như trong “Pierre”,
“Căn nhà tôn vách ván cũ kỹ mà ông Tư cho nó nhỏ như cái lỗ mũi, chỉ cần bỏ ra vài ngày sơn sửa là xong. Nơi ăn chốn ở thì dễ rồi nhưng chuyện làm ăn thì muôn vàn trắc trở. Với ba sào đất bậc thang, cỏ dại ngút đầu, vợ chồng Pierre phải bỏ công dọn dẹp sau đó mới trồng đủ thứ rau cải, nông sản chính vẫn là bắp sú. Qua mấy mùa trồng trọt, dãi nắng dầm sương. Sương mù của Đalat chỉ đẹp đối với khách du lịch, đẹp đến độ du khách đứng trong sương mù mà cứ tưởng là đang đứng trước cổng thiên đường. Nhưng đối với nhà nông, những người trồng rau cải thì sương mù lại là cánh cửa của địa ngục. Khi sương mù gặp thời tiết lạnh sẽ đóng thành băng mà dân địa phương gọi là sương muối thì vài ngày sau rau cải sẽ bị vàng lá, nếu không chết thì cũng còi cọc, eo xèo. Pierre đã bị vài trận sương muối như vậy, mùa màng thất bát, bao nhiêu vốn liếng đi đong đến nỗi tiền mua gạo cũng không còn. Nhiều ngày đói đến độ vợ chồng con cái sống cầm hơi bằng vài cái bắp sú với mớ khoai tây luộc, củ khoai tây đào ngoài vườn, to bằng ngón tay cái bán không ai mua.” (Pierre, trang 139)
Tất cả những dụng công văn phong và bút pháp Huy Văn xây dựng truyện đầy tính hiện thực (realism), đưa người đọc qua những tình huống đời thường, rất thật, rất sát với cảm xúc con người. Huy Văn viết về chiến tranh hay tình yêu, tình đồng đội, đều với gịọng văn nhẹ nhàng từ tốn, không cường điệu, không tô vẻ màu mè. Những hồi ức của tác giả về cuộc đời của người lính trong chiến tranh chính là những hình ảnh trung thực nhất. Huy Văn ca ngợi tình đồng đội, tình chiến hữu, không qua đó tự khen mình, hay dè bĩu người khác. Trong “Dinh Độc lập, Tiếng súng cuối cùng” mối quan hệ của người kể chuyện với thượng cấp cũng như thuộc cấp đã là một thứ tình nghĩa gắn bó giữa những người đem mạng sống của mình vào nơi đèo heo hút gió “không thấy mặt trời” như là một bổn phận của người trai trong thời chiến. Những liên hệ như thế đã khiến cho Huy Văn đưa nhân vật của mình trở lại tìm cách giúp đỡ thân nhân của một chiến hữu như trong “Mưa Sai¬gon” hay san sẻ những cảm xúc với một cựu chiến binh đồng minh khi cả hai tình cờ gặp nhau trong một chuyến tham quan chiến trường vùng cao, để rồi cuối cùng nhận ra là cả hai người đều đã có lúc cùng lâm trận trong một trận đánh khốc liệt vào đêm giao thừa năm nào! Khi nhận ra cả hai đã từng thoát chết trong gang tấc, Huy Văn cho người đọc một đoạn văn rất Hemingway với những đối thoại cộc lốc nhưng lại vô cùng súc tích, và đầy cảm xúc:
“Tôi giật nẩy mình như chạm phải một giòng điện cực mạnh. Chỉ một phần trăm giây đồng hồ phản hồi, tôi thấy lại trung đội Cảnh Sát Dã Chiến năm xưa vẫn thường hay phối hợp với cố vấn Mỹ trong công tác dân sự vụ, đêm ấy họ trấn giữ mặt Bắc của quận.
-Mày … mày là?
-John
-Không, tao muốn nói mày là …
-Tao là một trong bốn thằng cố vấn.
Tôi lắc đầu:
-Còn sống được sao?
John nói:
-Chính tao là thằng gọi chiến đấu cơ Phantom từ đệ thất hạm đội đến.
Ông ta cầm cái ống tay áo của tôi giật nhẹ, còn một điều tao muốn nói với mày, chừng đó bom của máy bay Phantom trút xuống quận Thanh Bình mà tao vẫn còn sống thì mày thắc mắc, băn khoăn làm gì chuyện thị trấn Lam Sơn giờ đây đã hoàn toàn đổi khác.” (Chiến trường xa lắc, trang 91)
Viết về hồi ức thời niên thiếu, tuổi học trò hay thời mới lớn, Huy Văn cho người đọc thấy phần nào hình ảnh của chính mình. Những cảm xúc hồn nhiên hay thay đổi tâm lý phức tạp, được tác giả làm rõ nét qua các mẩu chuyện đơn giản, đời thường nhưng với một lối miêu tả và thuật chuyện linh động, ngôn ngữ dung dị, lời văn trong sáng, đối thoại rất thật, rất sát với ngôn ngữ thường ngày. Viết về một nơi chốn xa xôi cách Việt Nam hơn nửa vòng quả đất, anh đã cẩn thận quan sát, tham khảo và đối chiếu các dấu mốc địa lý cũng như lịch sử để làm nổi bật những tương phản về văn hoá, tính tình, phong tục tập quán của nhân vật trong truyện, như trong “Pierre.” Đây là truyện dài nhất, rộng nhất về phương diện địa lý, qua nhiều giai đoạn lịch sử khó khăn của Việt Nam.
Xét về kỹ thuật dựng truyện, cách xây dựng nhân vật, tình tiết, hẳn nhiên còn có chỗ để cải thiện, nhưng tôi không thấy đó là điều cần thiết. Những truyện ngắn của Huy Văn là những vignettes của đời thường, tự thân là những mẩu chuyện có thật, không do hư cấu hay tưởng tượng.
Từ đầu cho đến giờ, tôi vẫn gọi Huy Văn là nhà văn, vì thực sự anh là một người viết nghiêm túc. Thế nhưng tôi hiểu anh không hề có tham vọng làm một nhà văn: anh chỉ dùng ngôn ngữ viết để kể chuyện (story telling). Và anh là một người kể chuyện rất tài tình, thành công.
Thạch Hãn
Nguyên Tổng thư ký Tạp chí Văn học
No comments:
Post a Comment