Monday, April 29, 2019

TÌM LẠI DẤU XƯA! - Chánh Nguyễn 726

TÌM LẠI DẤU XƯA!
Không chấp nhận việc một ngọn núi to lớn, hùng vĩ như Đồng Đen mà để đi từ trên đỉnh xuống tới chân núi phải mất gần một ngày đêm lại bị «biến mất» một cách phi lý, kỳ lạ, khó hiểu giống những chuyện thần thoại như Tây Du ký hoặc 1001 đêm, tôi vội tìm cách liên hệ với số anh em NKT hiện đang sống tại Đà Nẵng và các vùng lân cận về tung tích của ngọn núi này. Tín hiệu được gửi đi rất nhiều và may mắn được một người bạn là Trương Đức thuộc đoàn 71/SCT cung cấp cho một thông tin hết sức quan trọng mà nhờ đó chúng tôi đã lần lượt tháo gỡ những nút thắt khó khăn, vướng mắc để công việc tìm kiếm được trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Đó là cái tin đỉnh Đồng Đen tọa lạc tại xã Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang...hiện nay. Nơi đó cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 cây số. Sau khi được anh bạn người địa phương công tác ở Sở Tài Nguyên và Môi Trường Đà Nẵng xác nhận có địa danh như thế. Tôi nghe nhẹ nhõm cứ như Tề Thiên đại thánh được Đường Tăng gỡ lá bùa của Phật Tổ dán trên ngũ hành sơn để vùng lên thoát khỏi sự ngục tù, kiềm hãm bấy lâu.
Khi xe chạy gần đến xã Hòa Liên, thấp thoáng xa xa đã thấy đồi núi nhấp nhô, chập chùng. Lòng tôi cũng nghe chập chùng, nhấp nhô khi sắp sửa gặp lại cảnh vật đã từng lưu dấu một thời. Đến thôn Tân Ninh thuộc địa bàn xã Hòa Liên, anh bạn công tác ở Sở Tài Nguyên và Môi Trường ghé vào nhà một người bạn để hỏi thăm tin tức. Anh này năm nay cũng đã gần 70 tuổi và là cư dân địa phương từ thuở lọt lòng. Sau khi trình bày sơ lược mục đích của chúng tôi ra đến đây là mong tìm kiếm một người thân đi lính chết trận tại Đồng Đen vào những ngày cuối tháng 3/75. Giờ muốn xác định ngọn núi đó ở đâu để làm cơ sở cho việc tìm kiếm nơi ngã xuống của người ấy. Thời may, anh cho hay là đỉnh Đồng Đen đúng là một ngọn núi nằm trên địa bàn xã, nhưng dân địa phương căn cứ vào hình dáng của núi đã gọi là Dương Ba Gò hoặc Dương Ba Viên mà Dương nghĩa là núi, tức là núi 3 gò hoặc núi 3 viên chứ ít người biết về địa danh Đồng Đen. Nếu chỉ gọi theo tên cũ sẽ chẳng mấy ai biết. Về trận đánh vào cuối tháng 3/75, anh cho hay có một cái bàu tên địa phương là Bàu Nga. Trận đánh cuối tháng 3/75 tại Bàu Nga chết 4-5 người gì đó và có 2 người bị thương được dân làng đưa đi chữa trị. Sau khi lành lặn, một người ở lại địa phương lập gia đình. Người còn lại về quê. Duy có một người lính đã chết gần vườn hàng xóm cách nhà anh khoảng 500m và đã được bà con chôn cất. Sau nhiều lần bị cải táng vì chủ đất bán cho người khác. Đến giờ, không biết phần mộ đã thất lạc nơi nào? Nhưng anh cho biết anh sẽ liên lạc với người chủ đất hiện tại đã cho bốc cốt và an táng nơi đâu để chúng tôi biết mà tìm. Sau đó, anh đích thân dẫn chúng tôi đến chân núi 3 viên tức Đồng Đen và cái bàu có tên địa phương là Bàu Nga. Không biết do vị trí đứng hiện tại không trùng khớp với vị trí đứng của 44 năm trước. Hoặc, do địa phương đã cho ủi một phần của núi Đồng Đen để thành lập khu công nghệ cao mà tôi có cảm giác rất lạ lẩm như lần đầu tiên nhìn thấy ngọn núi này. Tôi hỏi anh cái Bàu Nga gì đó đâu? Anh chỉ vào một cái đầm ở hướng đối diện với ngọn núi, trong đó mọc rất nhiều sen với lời giải thích cái bàu đó chết 4-5 người lính đã được dân làng vớt xác lên chôn rồi. Qua vài lần cải táng nên giờ không biết những phần mộ đó ở đâu? Cũng giống như khi nhìn vào ngọn núi, tôi chỉ thấy một sự xa lạ nào đó. Trong trí nhớ của tôi, lúc tôi và Hậu cố vượt qua cái bàu mà sình ngập tới lưng quần trong khi đạn của đối phương bắn rát, Hậu đã chấp nhận hy sinh chớ quyết không đầu hàng. Lúc Hậu chết, tôi đang ở phía trước cách Hậu khoảng 5m và tiếng kêu của Hậu khiến tôi quay lại nhìn và tận mắt chứng kiến cảnh Hậu ngã xuống như thế nào. Lúc đó, dường như chỉ còn tôi, Hậu và anh Chung Tử Ngọc là còn loay hoay dưới bàu nên không thể có tình trạng chết 4-5 người gì đó như lời của anh bạn thôn Tân Ninh kia kể. Và, người thứ hai tôi cũng chứng kiến là chuẩn uý NGUYỄN TRỌNG VUI khi anh đã vượt qua được cái bàu và đi lên đồi. Anh đã bị trúng một quả đạn cối.Nhưng anh vẫn hiên ngang bước đi và khuất sau những bụi cây mọc hoang trên đồi. Từ lúc đó, tôi không bao giờ nhìn thấy anh nữa. Nhưng biết đâu có thể tôi lầm vì đó là những cái chết xảy ra gần chỗ tôi nên tôi chứng kiến. Còn những cái chết khác cách xa tôi thì sao? Đứng đây với một đống thắc mắc cũng chẳng sáng tỏ được điều gì, tôi nhờ anh bạn ở thôn Tân Ninh dẫn đến nơi người lính chết gần nhà hàng xóm của anh để xem có thể phát hiện ra điều gì không? Anh đưa chúng tôi đến một nơi giống như một cái mương và chỉ vị trí chết của người lính. Anh nói thêm là hiện nay phần mộ của người lính này đã được di dời đi chỗ khác rồi. Nhìn vào cái mương, tôi có thể quả quyết rằng đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy nó. Anh bạn thôn Tân Ninh lập lại lời đã nói trước đó là nếu chỉ có một người chết thì chính là ở đây. Người nhà của Hậu nhìn tôi như chờ đợi một sự xác nhận từ tôi. Còn tôi thì bối rối, ngượng ngập, e ngại vì mình chẳng nhớ, chẳng nhận ra được cái gì? Thấy tôi làm thinh, người nhà của Hậu đem nhang, đèn, bánh trái ra bày bên bờ mương để cúng kiếng. Tôi bước tránh ra chỗ khác mà lòng nặng trĩu vì biết chắc một điều là Hậu không ngã xuống tại đây, nhưng chính xác ở đâu thì tôi không biết.
Anh bạn công tác ở Sở Tài Nguyên và Môi Trường Đà Nẵng dường như thấu hiểu được nỗi lòng của tôi nên anh đề nghị chúng tôi quay trở lại Bàu Nga, nhưng sẽ ở vị trí giữa bàu để tôi có thể nhận ra được cái gì đó chăng? Quả nhiên lần này tôi đã mơ hồ cảm nhận được một sự thân quen nào đó dù cảnh vật đã không còn giống như xưa. Có lẽ ngoài trí nhớ của tôi cũng có thể có một sự linh ứng nào đó từ phía người khuất mặt đã giúp tôi dần dần tiếp cận, nhớ lại được cảnh vật của ngày trước. Thấy tôi không còn có vẻ căng thẳng nữa nên anh bạn Sở Tài Nguyên và Môi Trường kêu chúng tôi mua nhang, đèn, bánh trái, thịt thà gì đó để tối quay lại cúng vì biết đâu thời điểm đó âm khí mạnh lên sẽ giúp chúng tôi xác định được những người đã chết tại bàu. Chúng tôi đồng ý với phương pháp có vẻ tâm linh huyền bí này miễn là đạt được kết quả.
Tối đến, chúng tôi trở lại vị trí đã chọn lúc trưa. Giữa khung cảnh âm u đầy ma quái với tiếng gió rít trên những ngọn cây như tiếng khóc than của những oan hồn uổng tử. Tôi nghe rờn rợn và bỗng dưng tôi tin chắc rằng Hậu đã ngã xuống đâu đó trong cái bàu này. Tôi tiết lộ điều đó với gia đình Hậu và họ đã tổ chức cúng kiếng theo những nghi thức của tôn giáo họ. Khi ra về, chúng tôi ghé vào ngôi nhà đầu làng để cám ơn những người trong gia đình đã cho mượn những vật dụng cần thiết giúp cho việc cúng kiếng được thuận lợi. Sau khi ăn uống, chuyện vãn với người chủ nhà, chúng tôi kiếu từ ra về. Chúng tôi không biết rằng chính bữa ăn tối này đã giúp chúng tôi tìm ra được ngôi mộ của Hậu và của anh Nguyễn Trọng Vui. Nhưng, đó là chuyện sẽ xảy ra về sau.
Chuyện tìm được nơi Hậu đã ngã xuống chỉ là kết quả bước đầu khá khiêm tốn so với mục đích của chúng tôi khi đi ra Đà Nẵng lần này là phải tìm được nơi Hậu gửi nắm xương tàn để gia đình tổ chức bốc cốt đem về. Nhưng, việc này đang bị bế tắc. Có người gợi ý nên nhờ một nhà ngoại cảm để việc tìm kiếm được thuận lợi hơn. Chúng tôi cũng đã tìm đến một nhà ngoại cảm để nhờ trợ giúp. Ông này cũng như anh bạn ở thôn Tân Ninh đã xác định rằng Hậu chính là người đã nằm xuống ở cái mương nước chứ không phải ở trong bàu. Dù rất không tin những lời nói của nhà ngoại cảm này, nhưng tôi cũng không biết làm sao chứng minh rằng ông đã sai. Thế là chúng tôi tìm đến người chủ mảnh đất có cái mương nước hiện nay để nhờ chỉ nơi chôn cất sau cùng của người lính chết trận năm nào. Đó là một ngôi mộ được chôn trong nghĩa trang của một dòng tộc và nằm gần chân núi có khu du lịch nổi tiếng Bà Nà. Sau khi tìm được cái cần tìm, chúng tôi quay về kiếm người dỡ một phần ngôi mộ để lấy ít xương xẩu gì đó của người chết đem về thử nghiệm DNA.
Khi xe chúng tôi chạy về gần tới Đà Nẵng thì anh bạn ở Sở Tài Nguyên và Môi Trường nhận được một cú điện thoại. Người gọi chính là bà chủ của ngôi nhà mà tối hôm trước chúng tôi đã mượn mâm, chén, ly, tách...gì đó để cúng kiếng và sau đó tổ chức ăn uống tại nhà bà. Bà hỏi người thân đã mất của chúng tôi tên gì? Sau khi nghe chúng tôi nói tên Hậu, bà hỏi tiếp có phải tên là Lê Phước Hậu không? Nếu đúng như vậy thì hãy quay lại nhà, bà sẽ chỉ phần mộ của Hậu. Nghe bà nói vậy, chúng tôi vừa ngạc nhiên lại vừa mừng rỡ nên vội vàng trở lại nhà bà.
Khi chúng tôi quay lại, đã có khá đông dân làng tụ tập nơi nhà của người phụ nữ mà sau này chúng tôi được biết tên là Thêu. Phần lớn trong số người dân này đã tham gia vào việc bốc cốt và cải táng Hậu. Chúng tôi nêu thắc mắc là làm sao dân làng lại biết người chết tên là Lê Phước Hậu? Người dân cho biết vào cuối tháng 3/75, lúc này Đà Nẵng đã không còn thuộc quyền kiểm soát của VNCH nữa, có một toán lính từ trên đỉnh Đồng Đen đi xuống đã bị chận đánh. Toán lính trên bị chết 3 người gồm 1 người ở trong bàu, một người chết trên đồi và một người nữa chết ở mương nước cách cái bàu khoảng 500m. Có 2 người bị thương được dân làng đưa đi chữa trị. Sau đó, một người về quê còn một người ở lại địa phương lập gia đình và hiện vẫn còn sống gần đó. Nhiều năm sau thời điểm trên, có anh Phan Hồng là cư dân địa phương tổ chức bốc cốt các người lính chết trận để đưa đi an táng. Lúc đó có rất đông dân làng hiếu kỳ kéo lại xem việc bốc cốt. Người chết dưới bàu có mang theo thẻ bài và căn cước quân nhân tên Lê Phước Hậu. Còn người chết trên đồi cách Hậu khoảng trăm mét là một sĩ quan vì trong người có mang theo la bàn, bản đồ, kiếng chiếu máy bay v.v...Tuy nhiên, do nằm giữa trời nhiều năm nên thân xác đã bị phân hủy nhiều. Sau nhiều lần di dời, cải táng hiện tại ngôi mộ của hai người lính đã được xác định là Lê Phước Hậu và Nguyễn Trọng Vui được chôn tại nghĩa trang của họ tộc bà Thêu. Và dù không phải bà con thân tộc gì, nhưng mỗi lần cúng kiếng gì đó, cả hai ngôi mộ này đều được nhang khói như những người thân trong gia đình bà. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đến thăm hai ngôi mộ, người dân rất sốt sắng dẫn đường. Từ nhà bà Thêu chạy vào sâu thêm khoảng một km nữa trên con đường đã được tráng ciment, tôi nghe bồi hồi, xúc động vì đó chính là khung cảnh của hơn 44 năm trước. Dù đã có ít nhiều thay đổi, nhưng tựu trung lại vẫn là hình ảnh của ngày xưa. Đó là dưới chân núi Đồng Đen là một cái bàu mà hiện nay tuy đã bị thu hẹp lại diện tích, nhưng vẫn còn rất rộng lớn. Phía đối diện với ngọn núi Đồng Đen là một cái đồi thấp.
Anh Phan Hồng dẫn chúng tôi vào vườn nhà anh ấy và chỉ nơi đã bốc cốt Hậu. Sau đó, anh lại dẫn chúng tôi đến nơi hai ngôi mộ của Hậu và anh Vui được an táng trong nghĩa trang của họ tộc bà Thêu. Đó là hai ngôi mộ ciment không ghi tên họ gì nằm kề nhau cái trên, cái dưới. Anh Phan Hồng giải thích do đã vài lần di dời nên để tránh lẫn lộn, người dân tổ chức chôn cất theo vị trí chết của họ. Nghĩa là, người chết trên đồi thì chôn phía trên và người chết dưới bàu thì chôn phía dưới.
Vậy là sứ mạng, bổn phận của tôi với Hậu đã xong. Phần còn lại là tổ chức bốc cốt vào lúc nào và như thế nào là tùy thuộc vào gia đình của Hậu. Tuy nhiên, tôi biết rằng mình sẽ trở lại đây một hoặc nhiều lần nữa để bốc cốt của anh Nguyễn Trọng Vui người chỉ huy toán 727 đã hy sinh và cũng được chôn cất tại địa phương có tên gọi là xứ Bàu Nga, thôn Quan Nam 4, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang...thuộc tp Đà Nẵng cùng một người đồng đội khác là trung sĩ nhất Nguyễn Văn Rất, thành viên toán 726 chung với tôi và Hậu, là người đã chết ở cái mương nước và được an táng dưới chân núi Bà Nà...










No comments:

Post a Comment