Friday, April 26, 2019

Sau 44 năm đã tìm thấy hài cốt Chuẩn Úy Nguyễn Trọng Vui, Tr/Sĩ 1 Nguyễn Văn Rất và Trung Sĩ Lê Phước Hậu ở Đồng Đen Quảng Nam.

Lan Anh Nguyễn Thị
To:hoavanpham@yahoo.com

Apr 25, 2019 at 6:19 PM
Hôm nay đã tìm thấy được xác của Lê phước Hậu và Nguyễn Trọng Vui tại Đồng Đen nhờ anh hỏi giúp anh em có ai biết gia đình Vui ở đâu ? thông tin cho họ biết, còn Hậu gia đình sẽ đưa về Sài gòn.

Sau năm 1975 Khi mới đến định cư tại Los Angeles mỗi khi có dịp sinh hoạt Cộng Đồng tôi thường gặp anh Lộc anh của Vui và là người đã thả 3 toán của Đoàn 72 vào khu vực Đồng Đen, Quảng Nam, mỗi lần gặp anh đều hỏi có ai biết tin tức của Vui không ? thời gian này anh em NKT chưa về Los Angeles cũng như Quận Cam như ngày hôm nay. Mãi về sau lúc có chương trình H.O. và anh em vượt biên qua các trại Tỵ Nạn bên Indonesia và Phi Luật Tân nên biết thêm tin tức là Vui cùng một số anh em thuộc Đoàn Công Tác 72 và biết tin Vui đã hy sinh cùng các anh em trong toán.

Cách đây hơn 5 năm tình cờ có gặp Trung Úy Thơm Phi Đoàn 253 ở Oregon và anh là người cùng bay chung với anh Lộc đã thả toán của Vui cũng như 3 toán của Đoàn 72 vào Đồng Đen, gần khu vực đèo Hải Vân. Những ngày cuối tháng 3 tình trạng của Phi Trường Đà Nẵng rất bi đát, tất cả chuẩn bị di tản vào Nam và nhiên liệu rất hạn chế, nên cũng rất gian nan, hàng ngày anh Lộc và anh Thơm viện cớ bay tiếp tế cho các đơn vị ở Huế và các anh đã vào vùng Đồng Đen để tìm kiếm 3 toán của Đoàn 72 trong đó có toán của Vui các anh vẫn tiếp tục bay để tìm toán và không tìm được cho đến ngày Đà Nẵng thất thủ các anh thất vọng và buồn tủi xuôi nam.

Bây giờ đã 44 năm, tháng Tư đen lại về và được nhắn tin có người đã tìm được hài cốt của Vui và Hậu.

Gia Đình Hậu hôm nay mang hài cốt về Sài gòn, còn Vui thì chưa biết ra sao vì anh Lộc đã mất và một người anh khác cũng chết trong tù cải tạo.

Khi post tin này tôi cầu nguyện phép lạ có thân nhân của Vui mang hài cốt về lại gia đình sau 44 năm xa cách.
Phạm Hòa / Đoàn Công Tác 72
Trích từ Báo Saigon Times
Trong tinh thần đó, hôm nay chúng tôi tổ chức Đêm Tưởng Niệm các đồng đội của chúng tôi chưa được nhắc đến mặc dù họ chỉ là những sĩ quan cấp thấp, những người lính đã tự sát hay bỏ mình trong những ngày cuối của cuộc chiến từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1975 chưa một lần được nhắc đến, trong đó có một trường hợp đặc biệt mà chúng tôi muốn được mọi người biết đến đó là trường hợp của chuẩn uý Nguyễn Trọng Vui khoá 5/73 xuất thân từ quân trường Đồng Đế Nha Trang toán phó toán 727 Đoàn Công Tác 72 thuộc sở Công Tác Nha Kỷ Thuật. Vào ngày 28 tháng 3 năm 1975 có 3 toán của đoàn công tác 72 được trực thăng thả váo vùng rừng núi Quảng Nam Đà Nẵng để hoạt động, nhưng chỉ sau 1 đêm chúng tôi mất liên lạc với bộ chỉ huy của mình, lúc đó phiá Bắc đèo Hải Vân có 3 toán công tác của đoàn 11 đang hoạt động, họ đã được lệnh trở về bằng mọi cách, còn chúng tôi thì không nhận được lệnh và không biết gì về tình hình, chỉ khi một Trung Đội bạn TQLC gần đó có lệnh rút lui họ mới cho chúng tôi biết cho nên chúng tôi đã rút lui cùng họ.
Khi ra đến một xã gần ngoại ô Đà Nẵng thì chúng tôi chạm súng với quân chính quy và điạ phương của Cọng Sản với quân số đông gấp nhiều lần so với chúng tôi, chúng tôi đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng để rồi phải chạy ngược vào rừng tìm ngõ thoát với quân số còn lại chỉ 1/2. Chuẩn Uý Vui bị thương tuy không nặng lắm nhưng anh đã từ chối rút lui, anh đã xin tôi dây lựu đạn Mini, tôi hỏi để làm gì thì anh nói rằng để cưa với mấy thằng Việt Cọng đang rượt theo mình, tôi đã năn nỉ Vui hết lời nhưng Vui đã từ chối và bảo tôi hãy đi nhanh đi vì Việt Cọng sắp tới, tôi đưa cho Vui 5 trái lưụ đạn, phần tôi giữ lại 1 trái, không lâu sau khi tôi lẫn được vào rừng thì rất nhiều tiếng nổ vang lên Vui đã tự sát cùng với các đồng đội trong đó có trung sĩ Lê Trung Hậu và Trung Sĩ Nguyễn Rất thuộc đoàn 72, ngoài ra các đoàn khác cũng như các đơn vị khác của QLVNCH đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ lý tưởng Tự Do.
Báo Saigon Times 

 Chuẩn Úy Nguyễn Trọng Vui Đoàn Công Tác 72

 Trung Sĩ Lê Phước Hậu Đoàn Công Tác 72

Hành Trình tìm mộ phần của Chuẩn Úy Nguyễn Trọng Vui và 
Tr/Sĩ Lê Phước Hậu 
 Núi Đồng Đen


 Mộ Chuẩn Úy Nguyễn Trọng Vui

 Mộ Trung Sĩ Lê Phước Hậu




 Bàu Sen nơi Lê Phước Hậu Hy Sinh 


Sau hơn 44 năm kể từ những ngày cuối tháng 3/1975, tôi có dịp trở lại Đà Nẵng, nơi từng lưu dấu thời tuổi trẻ hào hùng của tôi và cũng bất hạnh thay khi đó cũng là nơi tôi và nhiều đồng đội khác đã chấm dứt con đường binh nghiệp của mình sau một trận chiến vô vọng với kẻ địch được trang bị hỏa lực hùng hậu hơn chúng tôi gấp nhiều lần. Nói đúng hơn, đây là chuyến đi tìm kiếm chút gì còn sót lại của một vài trong số những anh em đồng đội đã hy sinh trong trận chiến cuối cùng ấy. Qua từng đó thời gian của gần nửa thế kỷ, cảnh vật Đà Nẵng và những vùng phụ cận thay đổi đến mức không thể nhận ra được sự quen thuộc nào chứng tỏ chúng tôi đã từng sống, đã từng đi lại dọc ngang ở đây. Trải qua nhiều tuyến phố, nhiều con đường, nhiều địa danh như Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Non Nước, ngã ba Huế... tôi chỉ còn nhận ra được cái tên gọi còn thực tế thì đó lại là những miền đất lạ. Tuy nhiên, tôi vẫn còn le lói chút hy vọng sẽ tìm được nơi đã từng là chiến trường xưa khi đinh ninh rằng những cái tên như: đỉnh Đồng Đen, tỉnh lộ 545, hoặc 544...cũng vẫn sẽ còn đó với ít nhiều thay đổi mà nếu chịu khó quan sát kỹ, tôi sẽ tìm lại được miền đất đầy kỷ niệm năm nào. Nhưng, khi chúng tôi, tức là tôi và người nhà của Lê Phước Hậu, đứa bạn xấu số đã chấp nhận hy sinh chứ không muốn sa vào tay đối phương, đã vận dụng tối đa sự quen biết với một anh bạn người địa phương công tác ở Sở Tài Nguyên và Môi Trường Đà Nẵng từ năm 1978 đến khi nghỉ hưu cách đây gần 10 năm, vốn có thể được coi như Thổ Công ở vùng đất này và một người quen khác làm hướng dẫn viên du lịch...để tìm kiếm, nhưng thật bất ngờ là chúng tôi đã không thu được kết quả khả quan, tích cực nào. Cả hai đều cho biết trên địa bàn Đà Nẵng và các vùng lân cận không hề có nơi nào mang tên gọi như thế! Bàng hoàng, nhưng không chấp nhận câu trả lời bẻ bàng như bị hứng nguyên gáo nước lạnh tạt vào mặt, chúng tôi tra google và kết quả cũng không có gì khác lạ, nghĩa là không có ngọn núi nào ở huyện Hòa Vang mang tên đỉnh Đồng Đen cũng như không có con đường nào mang tên tỉnh lộ 545, hoặc 544.
Trước thực tế này, tôi ngỡ ngàng, đau khổ bởi câu hỏi đầy hóc búa: đỉnh Đồng Đen và tỉnh lộ 545 hoặc 544, ở đâu? Nó có thật sự tồn tại hay không mà tại sao dân địa phương không ai biết? Hoặc, nó có tên gọi gì khác không và tên gọi thật sự của nó là gì? Hiện tại nó thuộc địa bàn nào? Lẽ nào, chúng tôi đã vượt cả ngàn cây số từ SG ra Đà Nẵng để theo đuổi một ảo ảnh không có thật?
Không tìm được câu trả lời cho tất cả những câu hỏi trên, tôi nghe lòng nặng trĩu khi cảm thấy có lỗi với đứa bạn thân vì đã không hoàn thành được sứ mệnh thiêng liêng là đưa dù chỉ là nắm đất nơi nó ngã xuống về với gia đình sau bao năm mồ hoang, cỏ lạnh...!!!

Chánh Nguyễn Đoàn 72/SCT 
Không chấp nhận việc một ngọn núi to lớn, hùng vĩ như Đồng Đen mà để đi từ trên đỉnh xuống tới chân núi phải mất gần một ngày đêm lại bị «biến mất» một cách phi lý, kỳ lạ, khó hiểu giống những chuyện thần thoại như Tây Du ký hoặc 1001 đêm, tôi vội tìm cách liên hệ với số anh em NKT hiện đang sống tại Đà Nẵng và các vùng lân cận về tung tích của ngọn núi này. Tín hiệu được gửi đi rất nhiều và may mắn được một người bạn là Trương Đức thuộc đoàn 71/SCT cung cấp cho một thông tin hết sức quan trọng mà nhờ đó chúng tôi đã lần lượt tháo gỡ những nút thắt khó khăn, vướng mắc để công việc tìm kiếm được trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Đó là cái tin đỉnh Đồng Đen tọa lạc tại xã Hòa Liên thuộc huyện Hòa Vang...hiện nay. Nơi đó cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 cây số. Sau khi được anh bạn người địa phương công tác ở Sở Tài Nguyên và Môi Trường Đà Nẵng xác nhận có địa danh như thế. Tôi nghe nhẹ nhõm cứ như Tề Thiên đại thánh được Đường Tăng gỡ lá bùa của Phật Tổ dán trên ngũ hành sơn để vùng lên thoát khỏi sự ngục tù, kiềm hãm bấy lâu.
Khi xe chạy gần đến xã Hòa Liên, thấp thoáng xa xa đã thấy đồi núi nhấp nhô, chập chùng. Lòng tôi cũng nghe chập chùng, nhấp nhô khi sắp sửa gặp lại cảnh vật đã từng lưu dấu một thời. Đến thôn Tân Ninh thuộc địa bàn xã Hòa Liên, anh bạn công tác ở Sở Tài Nguyên và Môi Trường ghé vào nhà một người bạn để hỏi thăm tin tức. Anh này năm nay cũng đã gần 70 tuổi và là cư dân địa phương này từ thuở lọt lòng. Sau khi trình bày sơ lược mục đích của chúng tôi ra đến đây là mong tìm kiếm một người thân đi lính chết trận tại Đồng Đen vào những ngày cuối tháng 3/75. Giờ muốn xác định ngọn núi đó ở đâu để làm cơ sở cho việc tìm kiếm nơi ngã xuống của người ấy. Thời may, anh cho hay là đỉnh Đồng Đen đúng là một ngọn núi nằm trên địa bàn xã, nhưng dân địa phương căn cứ vào hình dáng của núi đã gọi là Dương Ba Gò hoặc Dương Ba Viên mà Dương nghĩa là núi, tức là núi 3 gò hoặc núi 3 viên chứ ít người biết về địa danh Đồng Đen. Nếu chỉ gọi theo tên cũ sẽ chẳng mấy ai biết. Về trận đánh vào cuối tháng 3/75, anh cho hay có một cái bàu tên địa phương là Bàu Nga. Trận đánh cuối tháng 3/75 tại Bàu Nga chết 4-5 người gì đó và có 2 người bị thương được dân làng đưa đi chữa trị. Sau khi lành lặn, một người ở lại địa phương lập gia đình. Người còn lại về quê. Duy có một người lính đã chết gần vườn hàng xóm cách nhà anh khoảng 500m và đã được bà con chôn cất. Sau nhiều lần bị cải táng vì chủ đất bán cho người khác. Đến giờ, không biết phần mộ đã thất lạc nơi nào? Nhưng anh cho biết anh sẽ liên lạc với người chủ đất hiện tại đã cho bốc cốt và an táng nơi đâu để chúng tôi biết mà tìm. Sau đó, anh đích thân dẫn chúng tôi đến chân núi 3 viên tức Đồng Đen và cái bàu có tên địa phương là Bàu Nga. Không biết do vị trí đứng hiện tại không trùng khớp với vị trí đứng của 44 năm trước. Hoặc, do địa phương đã cho ủi một phần của núi Đồng Đen để thành lập khu công nghệ cao mà tôi có cảm giác rất lạ lẩm như lần đầu tiên nhìn thấy ngọn núi này. Tôi hỏi anh cái Bàu Nga gì đó đâu? Anh chỉ vào một cái đầm ở hướng đối diện với ngọn núi, trong đó mọc rất nhiều sen với lời giải thích cái bàu đó chết 4-5 người lính đã được dân làng vớt xác lên chôn rồi. Qua vài lần cải táng nên giờ không biết những phần mộ đó ở đâu? Cũng giống như khi nhìn vào ngọn núi, tôi chỉ thấy một sự xa lạ nào đó. Trong trí nhớ của tôi, lúc tôi và Hậu cố vượt qua cái bàu mà sình ngập tới lưng quần trong khi đạn của đối phương bắn rát, Hậu đã chấp nhận hy sinh chớ quyết không đầu hàng. Lúc Hậu chết, tôi đang ở phía trước cách Hậu khoảng 5m và tiếng kêu của Hậu khiến tôi quay lại nhìn và tận mắt chứng kiến cảnh Hậu ngã xuống như thế nào. Lúc đó, dường như chỉ còn tôi, Hậu và anh Chung Tử Ngọc là còn loay hoay dưới bàu nên không thể có tình trạng chết 4-5 người gì đó như lời của anh bạn thôn Tân Ninh kia kể. Và, người thứ hai tôi cũng chứng kiến là chuẩn uý NGUYỄN TRỌNG VUI khi anh đã vượt qua được cái bàu và đi lên đồi. Anh đã bị trúng một quả đạn cối.Nhưng anh vẫn hiên ngang bước đi và khuất sau những bụi cây mọc hoang trên đồi. Từ lúc đó, tôi không bao giờ nhìn thấy anh nữa. Nhưng biết đâu có thể tôi lầm vì đó là những cái chết xảy ra gần chỗ tôi nên tôi chứng kiến. Còn những cái chết khác cách xa tôi thì sao? Đứng đây với một đống thắc mắc cũng chẳng sáng tỏ được điều gì, tôi nhờ anh bạn ở thôn Tân Ninh dẫn đến nơi người lính chết gần nhà hàng xóm của anh để xem có thể phát hiện ra điều gì không? Anh đưa chúng tôi đến một nơi giống như một cái mương và chỉ vị trí chết của người lính. Anh nói thêm là hiện nay phần mộ của người lính này đã được di dời đi chỗ khác rồi. Nhìn vào cái mương, tôi có thể quả quyết rằng đây là lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy nó. Anh bạn thôn Tân Ninh lập lại lời đã nói trước đó là nếu chỉ có một người chết thì chính là ở đây. Người nhà của Hậu nhìn tôi như chờ đợi một sự xác nhận từ tôi. Còn tôi thì bối rối, ngượng ngập, e ngại vì mình chẳng nhớ, chẳng nhận ra được cái gì? Thấy tôi làm thinh, người nhà của Hậu đem nhang, đèn, bánh trái ra bày bên bờ mương để cúng kiếng. Tôi bước tránh ra chỗ khác mà lòng nặng trĩu vì biết chắc một điều là Hậu không ngã xuống tại đây, nhưng chính xác ở đâu thì tôi không biết.













Nguyễn Chánh Phan Hồng, người đã gom xác của Hậu và anh Nguyễn Trọng Vui để chôn cất. Nhưng đó là việc xảy ra hàng chục năm sau 1975.

Ma Siu Nguyễn Chánh .. Một người lính hay dân vậy. gặp người tốt như vậy rất ít..


Nguyễn Chánh Thằng em này chỉ khoảng 10 tuổi lúc Hậu chết. Nhiều năm sau cu cậu mới tổ chức vớt xác của Hậu đem chôn. Từ đó, anh ta rất gắn bó với Hậu, xem Hậu như người anh của mình. Trong nhà của chàng ta có một cái bàn thờ của Hậu. Anh chàng kể nhiều lần anh ta được Hậu cho trúng số. Nhưng có lẽ ly kỳ hơn cả là chuyện anh đi bộ đội ở Cam pu chia, anh ta đã khấn xin Hậu giúp anh ta bị thương nhưng không phải cụt tay, cụt chân để được trở về VN. Chỉ hôm sau, anh ta được toại nguyện. Vì thế, anh ta rất tin tưởng, yêu thương Hậu như người trong gia đình.

Nguyễn Chánh Từ chỗ anh Rất chết ở cái mương nước cách cái bàu Nga khoảng nữa cây số. Em nghĩ chắc ảnh bị thương rồi chạy riết lên tới đó khát nước, ghé mương uống nước bị máu ra nhiều không cầm được nên chết. Lúc đó, anh em lại theo anh Quách Tố Long và Chung Tử Ngọc rút theo hướng khác nên không gặp ảnh.
 

 



1 comment:

  1. xin phep anh Pham Hoa cho Tùng được copy va share vao trang Mien Nam VN. Cám ơn anh thật nhiều. TH

    ReplyDelete