Friday, August 5, 2022

Chương V MÀN CUỐI ĐỜI CHIẾN BINH (Tháng 4 năm 1975) - Trương Dưỡng

Chương V
MÀN CUỐI ĐỜI CHIẾN BINH

(Tháng 4 năm 1975)

Trận Phan Rang

Màn cuối Đời Chiến Binh
Cảnh đồ thán sanh linh
Quân dân gườm tay súng
Thề giữ nước hết mình!

Bắt đầu tháng 3/75 trở đi, chiến cuộc ở Miền Nam VN trở nên rất khốc liệt! Cộng quân dốc toàn lực lượng để chiếm đoạt Miền Nam. Các tỉnh phía Bắc và phía Tây Cao Nguyên đã lần lượt mất vào tay CSBV.

Thực sự cuộc chiến Việt Nam từ sau hiệp định Genève 1954 không phải là cuộc chiến giữa Nam và Bắc thuần túy của dân tộc VN. Đây chính là bãi chiến trường giữa hai thế lực Tư Bản và Cộng Sản. Quân Lực VNCH đã được Mỹ trang bị và huấn luyện có thể nói là một quân đội có tầm vóc quốc tế. Rồi chính Mỹ đã “Xóa sổ” QLVNCH trong năm 1975! Chứ không phải CSBV! Đây là thân phận của một dân tộc nhược tiểu nghèo nàn, đành phải cam chịu sự tủi hờn, buông súng một cách nhục nhã!!! Một trò chơi của thế giới Tư Bản!

Sự thành công, sự thất bại của cuộc chiến đấu giữa hai miền Nam, Bắc. Những người VN – phe theo Cộng Sản, phe theo Tư Bản – chắc đã hiểu cuộc chiến hơn thua như thế nào? Và thế giới chắc cũng đã hiểu lý do tại sao? Phe thắng và phe bại cho đến nay đều ngỡ ngàng nỗi lòng Dân Tộc! Tuy nhiên đến nay một số người trong phe thắng cũng như phe bại vẫn còn trong tăm tối! Chưa chịu hiểu triết lý sinh tồn của loài người trong vũ trụ.

Giờ nầy sau hàng chục năm từ mốc 1975, một số người vẫn còn chưa nhìn lại con đường dân tộc, vẫn còn sân si, u mê, và chia rẽ (chia rẽ dân tộc là chiến lược lâu nay của Trung Cộng để cai trị VN một cách tinh vi). Dân tộc VN chưa đi đến một tương lai sáng tỏ do vì không đi theo đạo lý của Tổ Tiên cũng như các tôn giáo khác để áp dụng cho đời. Nước Mỹ tiến đến siêu cường vì họ đã dựa trên các nguyên tắc giáo lý xây dựng và quản trị trong Kinh Thánh. Chính Tổng thống Hoa Kỳ khi nhậm chức đã đặt tay thề trước Kinh Thánh.

Dựa vào lý lẽ trên, cuộc chiến cuối cùng của tháng Tư năm 75 đến hồi kết thúc, với vô số cán binh Cộng sản sinh Bắc tử Nam khi xâm chiếm miền Nam, đã nói lên một ý nghĩa bất chấp mọi thủ đoạn, mọi sinh mạng để đoạt nên thế lực và thỏa mãn tham vọng của đám cầm quyền Hà Nội!!! Chính bọn Trung ương đảng Hà Nội đã bắt chước chính sách chia rẽ nên tung người và tiền bạc ra hải ngoại để các phe phái cắn xé lẫn nhau, còn Bộ Chính trị đảng Cộng sản ở trong nước thì ngồi cười một cách hả hê! Ngư ông đắc lợi!

Trong thời điểm dầu sôi lửa bỏng đó, Thiếu tá Nguyễn văn Thành, Tiểu đoàn trưởng TĐ11ND, nhận lệnh hành quân vùng Phan Rang. Thành là sĩ quan tài giỏi đã lập nhiều chiến công khi còn ở TĐ9ND. Anh có tài điều binh và biết tận dụng phi pháo để bớt hao tổn binh sĩ thuộc cấp. Trận tái chiếm Quảng Trị năm 1972, anh đã chỉ huy TĐ11ND dùng phi pháo, M72, và MX202… tiêu diệt hàng chục chiến xa tại đồi Trần văn Lý.

Ở đèo Hải Vân, TĐ11ND do anh làm Tiểu đoàn trưởng đã dũng cảm đánh tan BCH Trung đoàn Bạch Mã của địch và chiếm được những điểm chiến thuật chế ngự toàn khu vực Đèo nầy, cùng bẻ gãy kế hoạch cắt đứt Hải Vân nhằm nhốt các đơn vị Tổng Trừ Bị ở vùng tuyến đầu Thừa Thiên, Quảng Trị.

Huế đã mất trong tay CSBV vào 24/3/75.

Sau khi bàn giao cho TQLC đèo Hải Vân, TĐ11ND trở về Sàigòn để nhận nhiệm vụ mới. Đà Nẵng cùng bị Cộng quân thôn tính. Miền Nam hồi đó như con mồi trước miệng con trăn khổng lồ là Trung cộng và Liên sô, bị nuốt dần dần vào bao tử chúng. Chính đảng Cộng sản VN đã trói buộc quê hương VN để đút vào miệng con trăn Trung cộng, Liên sô nầy!!!

Dân chúng miền Trung cơ hàn vẫn ngàn đời khổ lụy. Họ giờ đây đang chịu một sự tang tóc, chia ly, và hãi hùng chết chóc!..

Thật là xót xa khi sự hy sinh của các chiến sĩ lúc bấy giờ trở thành vô nghĩa. Vì họ chiến đấu dưới một cuộc trao đổi có tính toán về kinh tế giữa Mỹ và quan thầy Trung cộng mà đã mang nhiều lợi lộc cho họ. Duy chỉ dân lộc Việt Nam phải gánh chịu đau thương, khốn khổ, tù đày,lưu vong…!

Ngày 20/3/1975, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù được lệnh cấp tốc rời khỏi vùng Bắc đèo Hải Vân (lúc đó BCH/LĐ2ND đóng lại đèo Phước Tường), bàn giao vùng nầy cho Thủy quân Lục chiến. Toàn bộ Lữ đoàn phải có mặt tại phi trường Đà Nẵng trước 5 giờ sáng ngày 21/3/1975 để được không vận vô Sàigòn.

Về hậu cứ Lữ đoàn tại căn cứ Nguyễn Huệ ở Biên Hòa, và được lệnh Tổng Tham Mưu ứng trực 100% quân số (thời gian nầy vừa nghỉ dưỡng quân, vừa tái trang bị, và vừa để ứng chiến từ 21/3/1975 đến 7/4/1975).

Ngày 7/4/1975, Lữ đoàn 2 Nhảy Dù gồm: TĐ3ND, TĐ7ND, và TĐ11ND cùng Đại đội 2 Trinh sát,…đang ứng trực thì được lệnh khẩn cấp phải lên đường ra Phan Rang nội trong ngày bằng phi cơ CI30 và C119.

Là quê hương của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, Phan Rang lúc đó được xem như tuyến đầu phía Bắc của miền Nam. T/T Thiệu, trăm mối nghìn lo, lòng phiền não, vấn vương đủ điều! Phan Rang là quê cha đất tổ của ông, và cũng là tuyến đầu lúc nầy, không thể bỏ rơi; ông cũng không muốn để mình bị bơ vơ, bất ổn tại Sàigòn khi vắng bóng chiến sĩ Dù. Lực lượng Dù là điểm tựa vững chắc. Trong giai đoạn chiến tranh, sự phòng vệ Tổng Thống Phủ và Thủ Đô Sàigòn, chẳng bao giờ thiếu bóng những người lính Nhảy Dù. Nơi nào Nhảy Dù đến là đem lại sinh khí và niềm tin tới đó. Vì Phan Rang là nơi chôn nhao cắt rún của Tổng Thống, nên ông đành phải bóp bụng đưa ra một Lữ đoàn Dù đến để trấn an dân chúng.

Từ trên phi cơ nhìn xuống thấy làn nước mênh mông biển cả chìm đắm trong đêm tối với những con tàu đang chạy loạn từ miền Trung vào; người chiến sĩ Nhảy Dù lúc ấy lòng quặn đau trăm chiều, thương cho người dân thống khổ, lo cho gia đình không biết có yên ổn không? Nhất là những chiến sĩ có gia đình ở vùng di tản, không biết giờ nầy thân nhân họ có rút được vào Nam chưa? Trăm mối nghìn lo, nhưng họ cũng đành dứt bỏ một bên để thi hành nhiệm vụ cao quí là bảo vệ dân và giữ gìn từng tấc đất cho quê hương, cho tự do. Một điều hãnh diện của toàn thể lực lượng Nhảy Dù trong những giây phút sắp tàn của cuộc chiến. Họ vẫn không từ bỏ đơn vị, đã chiến đấu tới phút cuối cùng. Còn sống còn chiến đấu để bảo vệ từng giọt máu, từng hơi thở của nhân dân miền Nam!

Khoảng 2 giờ khuya ngày 8/4/75 thì hoàn tất việc chuyển vận. Tới Phan Rang chiều ngày 7/4/75 trên chiếc phi cơ đầu tiên, đại tá Nguyễn Thu Lương, Lữ đoàn trưởng LĐ2ND, đến ngay Bộ Tư lệnh Tiền phương Quân đoàn 3 (do Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm Tư Lệnh) để gặp Tướng Lưỡng, Tư Lệnh SĐND; và nhận được lệnh như sau :

a) Thay thế LĐ3ND để bảo vệ phi trường Phan Rang; sẵn sàng yểm trợ cho các đơn vị Lữ đoàn 3 Nhảy Dù đang chạm địch mạnh trong rừng tại khu vực Khánh Dương và Đèo Cả (thuộc tỉnh Khánh Hòa) gồm TĐ2ND và TĐ6ND; bốc họ bằng trực thăng đưa đến phi trường Phan Rang, rồi không tải về Sàigòn dưỡng quân và tái bổ sung.

b) Đặt thuộc quyền sử dụng của Quân đoàn 3 để tăng cường lực lượng và tìm kiếm các quân nhân LĐ3ND thất lạc trong rừng Khánh Dương.

c) TĐ5ND vẫn ở lại tăng cường cho Lữ đoàn 2 phòng thủ phi trường Phan Rang trong 5 ngày rồi cùng được không tải về hậu cứ ở Biên Hòa.

d) Trung tá Trần Đăng Khôi – K16ĐL, Lữ đoàn phó LĐ3ND, phải ở lại để tiếp tục tìm kiếm và đón các binh sĩ còn lưu lạc trong rừng để đưa họ về Hậu Cứ.

Theo thuyết trình của các sĩ quan tham mưu Phòng 2 và Phòng 3 Quân đoàn III thì tình hình đang nguy ngập tại tỉnh lỵ Phan Rang và các vùng phụ cận. Địch đang ở tại xã Ba Tháp và Ba Râu ngay trên Quốc lộ 1, cách ranh tỉnh có 3 cây số.

Dân chúng ào ạt tản cư về hướng tỉnh Phan Thiết, phố xá và chợ búa vắng tanh. Các công chức tỉnh đa số đã di tản; ngay cả đại tá Tỉnh trưởng cũng rút về Phan Thiết. Sau đó ông trở lại để cùng các công chức điều hành công việc chánh quyền tỉnh; đồng thời tập họp thu gọn lại các lực lượng Nghĩa Quân, Địa Phương Quân.

Các lực lượng địa phương ở giáo xứ Hồ Diêm gần bờ biển (phía Đông xã Ba Tháp) vẫn giữ trị an và bảo vệ được xứ đạo dù áp lực địch rất nặng.

Đại tá Lương là một sĩ quan Nhảy Dù kỳ cựu, anh tốt nghiệp khóa 4 Thủ Đức (cùng khóa với tướng Ngô Quang Trưởng, tướng Lê Quang Lưỡng). Anh làm Trung đội trưởng, Đại đội trưởng ở Tiểu đoàn 3; rồi Tiểu đoàn phó, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Nhảy Dù. Anh đã lập nhiều chiến công hiển hách và đã tham dự trên 8 saut nhảy dù trận.

Ở Hạ Lào mặc dù làm Tham Mưu Phó kiêm Trưởng Phòng Hành quân SĐND, nhưng anh thường xuyên bay thị sát mặt trận, nơi mà các phi công đều ớn khi phải bay vào vùng; vì phòng không địch đầy dẫy khắp nơi, có lần máy bay anh bị bắn phải đáp khẩn cấp xuống đồi 31 và phải ở lại với BCH Lữ đoàn 3 Nhảy Dù của Đại tá Thọ mấy ngày, cùng với Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu, Tư lệnh phó SĐND.

Chính anh đã bốc được Trung tá Phạm Hy Mai, LĐP/LĐ3ND, và Trung tá Phái, TĐT/TĐ3ND, khi đồi 31 bị thất thủ; sau khi đồi 30 bỏ ngỏ, anh đã vào bốc trung tá Thạch và nhóm thất lạc 7 người của Hạ sĩ Hứa thuộc TĐ2ND tại 5 cây số phía Tây Nam căn cứ hỏa lực 30, trong trường hợp thật gây cấn và nguy hiểm như sau:

Năm 1971, khi đang bay thị sát cuộc di tản của TĐ2ND, hiệu thính viên của Trung tá Lương (lúc đó còn là Trung tá) bắt được tín hiệu cầu cứu:

– Em là Hạ Sĩ Hứa thuộc TĐ2ND, tụi em còn 6 người với em là 7; tụi em đang ở lưng chừng đồi, em còn súng, hai quả khói, và gương soi; xin đơn vị nào của SĐND nhận được lời cầu cứu nầy đến ngay cứu chúng em!!!

Tiếng kêu cứ lập đi lập lại nhiều lần!

Trung tá Nguyễn Thu Lương suy nghĩ mình làm Tham Mưu Phó Hành Quân SĐND, nếu liều mạng đáp xuống rủi ro trúng vào gian kế địch thì có đáng không? Nhưng anh đã từng nhiều năm chỉ huy đơn vị tác chiến, hằng ngày sát cánh với binh sĩ nên rất thương thuộc cấp. Do đó anh quyết định bàn với Trung tá Peachy, chỉ huy phi cơ C&C, bay vào vùng để tìm cách bốc những người nầy về. Khi bay gần căn cứ 30, anh nghe được tiếng của Hứa; Trung tá Lương nói viên cố vấn phi hành đoàn Mỹ bảo phi công thử bay vòng trở lại coi có phải cầu cứu thật hay địch bắt buộc tù binh dụ máy bay xuống?

Trung tá Lương nói với Hứa:

– Anh nhìn về đồi 30 coi mặt trời hiện đang ở bên trái hay bên phải ?

– Dạ bên trái.

Sau khi định hướng, Trung tá Lương tự nói thầm: “Như vậy họ đang ở hướng Tây Nam của đồi 30”.

– Các anh khoan thả khói, chưa nhận vị trí mà hết khói thì không xuống được.

– Em còn một trái khói màu xanh và một trái màu tím!

– Tôi sẽ bay thấp và thẳng khi nào thấy máy bay đúng hướng thì chiếu gương ngay.

Trực thăng bay qua lại mấy lần, và Hứa bên dưới điều chỉnh:

– Không! Bên trái em.

Trở lại vòng thứ nhì thì nghe Hứa nói:

– Không! Bên phải em.

Lần thứ 3 thì nghe tiếng la mừng rỡ của Hứa:

– Dạ đúng! Đúng! Đang bay thẳng vào mặt tụi em!

Hứa chiếu gương và nói:

– Em đang ở dưới bụng máy bay!

Trung tá Lương nhìn dưới sườn đồi thấy 5, 6 người mình trần tay cầm áo đang phất qua phất lại, anh bảo:

– Thả trái khói xanh!

Hứa làm theo, phi công trực thăng thấy khói, bay là là sát ngọn cây để nhìn kỹ coi có gì khả nghi không? Rồi Trung tá Lương bảo sẵn sàng chờ trực thăng tới gần thì thả khói tím và phải phóng nhanh lên khi máy bay đáp xuống. Sau khi bốc lên, anh lấy bi-đông nước cho họ uống giải khát; Trung tá Peachy vừa đưa bao thuốc thơm vừa đưa ngón tay cái lên ngụ ý khen ngợi toán binh sĩ Dù biết cách thoát hiểm mưu sinh! Còn 7 chiến sĩ TĐ2ND thì mừng rỡ và gật đầu cám ơn mọi người trên máy bay đã không sợ nguy hiểm dám liều lĩnh đáp xuống vùng sôi động để cứu 7 người!

No comments:

Post a Comment