Thursday, September 1, 2022

TỔNG LƯỢC VỀ TRẬN ĐÁNH TÁI CHIẾM CỔ THÀNH QUẢNG TRỊ

Tháng 12, năm 2020, một nhóm người trẻ thuộc thế hệ thứ 2 đã xin được sự đồng thuận 5/5 của thành phố Westminster cho phép xây dựng Tượng Đài tưởng niệm hơn 5,000 Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh trong khi Tái Chiếm Cổ Thành Quảng Trị tại thành phố Westminster. Ngày 6 Tháng Sáu, tại công viên Sid Goldstein Freedom Park, không xa Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, một lễ động thổ tưng bừng với sự tham dự của nhiều đoàn thể quân nhân, dân sự và tôn giáo đã diễn ra trong sự mừng vui của đồng bào hải ngoại. Những tưởng là Tượng Đài sẽ được dựng sau ngày động thổ không xa.


Nhưng bất ngờ, ngay sau lễ Động Thổ, một nghị viên đã kêu gọi một cuộc họp khẩn cấp để tạm ngưng quyết định trước đây cho phép xây dựng Tượng Đài trong khuôn viên thành phố Westminster. Sau đó là dư luận chống đối tràn ngập trên mạng Internet, khiến cho việc xây dựng Tượng Đài Anh Linh bị hủy bỏ hoàn toàn. Thời gian đầu thì dư luận chỉ chống đối theo định kiến hay tư thù cá nhân, nhưng dần dần, các dư luận viên đã đưa ra nhiều thông tin sai lạc về trận đánh oai hùng này. Một dư luận viên đã công khai xúc phạm danh dự và chiến công của những người lính Mũ Xanh, cho rằng khi Thủy Quân Lục Chiến tiến vào Cổ Thành thì thành phố đã tan nát dưới mưa pháo TOT, không còn bóng người lính Cộng Sản nào, có nghĩa là những người lính Mũ Xanh không phải là những người hùng thật sự mà chỉ là người “tọa hưởng kỳ thành”, nhận vơ công trạng của bom, pháo!

Vì thế, với ước mong soi tỏ một chiến công hiển hách của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. người viết đã tổng hợp một vài nguồn tin lớn về trận đánh này. Bài viết tóm lược 3 nguồn tin trên Internet và một bài phỏng vấn các nhân vật chính trong cuộc xung kích vào Cổ Thành Quảng Trị dẫn đến một chiến thắng oanh liệt.
1) Trước hết là bài viết trong “history.com”:
(https://www.history.com/.../south-vietnamese-forces...)
(Người viết lược dịch:)

Lực Lượng Nam Việt Nam tái chiếm Thành Phố Quảng Trị.
Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa đã tái chiếm được Thành Phố Quảng Trị sau 4 ngày chiến đấu dữ dội, đã tiêu diệt hơn 8,135 quân đội Bắc Việt. Quân miền Bắc đã tung ra một cuộc tấn công khổng lồ, gọi là Cuộc Tiến Công Nguyễn Huệ hay “Tấn Công Ngày Lễ Phục Sinh” vào ngày 31 tháng 3, với 3 trục tấn công chính: Một, nhắm vào Quảng Trị, phía Nam của Khu Quân Sự; hai, Kontum ở miền Cao Nguyên; và An Lộc chỉ 60 dặm cách thành phố Saigon. Cuộc tổng tiến công này gồm 12 Sư đoàn và 26 Trung đoàn độc lập, tổng cộng lực lượng của Miền Bắc là 120,000 bộ đội. Mục đích của chiến dịch này là đánh tan miền Nam và đồng thời tạo ra thất bại cho những quân nhân Mỹ còn ở lại Việt Nam (lúc này chỉ còn hơn 70,000 vì chính sách Việt Nam Hóa Chiến Tranh của Tổng Thống Nixon đã dần dần rút gần hết quân đội ra khỏi miền Nam.) Quân Miền Bắc đã sử dụng tất cả lực lượng vũ khí của cuộc chiến tranh kinh điển, các xe tăng, và lực lượng bộ binh được hỗ trợ bởi trọng pháo hạng nặng, nên đã tạo nên một trận đánh kinh hoàng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Quân miền Nam và những Cố Vấn Quân Sự Hoa Kỳ được hỗ trợ bởi không quân chiến thuật Mỹ và pháo đài bay B-52 đã có thể giữ được An Lộc và Kontum bất chấp bị tràn ngập bởi lực lượng Bắc Việt đông gấp nhiều lần, tuy nhiên, lực lượng miền Nam đã không thể giữ được Quảng Trị dưới các cuộc tấn công ác liệt của Cộng Sản, và thành phố này đã bị Cộng Quân chiếm giữ một cách nhanh chóng. Sau trận thất bại này, Tổng Thống Thiệu đã sa thải Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn 1 và thay thế bằng Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, người được coi như là vị Tướng tài danh nhất của Quân đội Miền Nam, và hy vọng là Tướng Trưởng sẽ chặn đứng cuộc xâm lăng của phe Cộng Sản.. Tướng Trưởng đã phối trí lại quân đội miền Nam và bắt đầu phản công. Sau hơn 4 tháng rưỡi chiến đấu đẫm máu với “hàng ngàn” (*) chiến sĩ miền Nam hy sinh, Tướng Trưởng và quân lực của ông ta đã tái chiếm Quảng Trị, tạo nên một chiến thắng lẫy lừng. Tổng Thống Nixon đã dùng chiến thắng này để chứng minh rằng chính sách Việt Nam Hóa Chiến Tranh đã thành công và người dân miền Nam đã sẵn sàng để lãnh hoàn toàn trách nhiệm trong cuộc chiến này.
(*) Thiếu sót.
2) Nguồn Internet của Cộng Sản Việt Nam:
()https://vi.wikipedia.org/.../Tr%E1%BA%ADn_Th%C3%A0nh_c%E1...
Trận Thành cổ Quảng Trị là một trận chiến giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam được sự hỗ trợ về hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam với Quân đội Hoa Kỳ và Quân lực Việt Nam Cộng hòa tại khu vực thành cổ Quảng Trị vào năm 1972. Đây là một trong những trận chiến ác liệt nhất của Chiến dịch Xuân Hè 1972 trong Chiến tranh Việt Nam.
Trận chiến kéo dài trong suốt 81 ngày đêm, sau khi liên tiếp đưa vào các đơn vị bộ binh cũng như sử dụng hỏa lực bom đạn cực kỳ lớn, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa đã thành công trong việc tái chiếm lại Thành cổ nhưng vẫn không thể giành lại nửa Bắc của tỉnh Quảng Trị. Tuy vậy về mặt chiến lược, sự kháng cự mạnh mẽ của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam với sự hỗ trợ về hậu cần của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã khiến kế hoạch tái chiếm thành cổ của đối phương bị kéo dài tới 3 tháng so với kế hoạch ban đầu là 2 tuần….
Thành cổ Quảng Trị nằm gần Quốc lộ 1, đây là tiền đồn phòng thủ của Vùng I chiến thuật của Việt Nam Cộng hòa. Giành được Thành cổ sẽ có giá trị lớn về tính biểu tượng. Tin tức về việc Quảng Trị rơi vào tay Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã tác động mạnh mẽ tới chính quyền Nguyễn Văn Thiệu. Ngày 25 tháng 5 năm 1972, Tổng thống Thiệu đưa ra cam kết bằng mọi giá tái chiếm Quảng Trị cũng như trách móc phía Hoa Kỳ đang bỏ rơi đồng minh. Lúc này, trong Quốc hội Hoa Kỳ, tiếng nói đòi rút quân Mỹ khỏi Việt Nam ngày càng gia tăng….
Sau khi mở Chiến dịch Trị Thiên từ tháng 3 năm 1972, sau 2 đợt tấn công, đến tháng 5 thì Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã giành quyền kiểm soát được toàn bộ tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là thời điểm mà Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đang bổ sung lực lượng chuẩn bị cho đợt tấn công thứ 3 vào Thừa Thiên.
Quân lực Việt Nam Cộng hòa: Các Lữ đoàn dù 1, 2, 3; Liên đoàn 81/Biệt kích nhảy dù; Thiết đoàn 7, 18 kị binh; 3 lữ đoàn thuỷ quân lục chiến và các tiểu đoàn pháo, công binh… Tổng cộng hơn 30.000 quân cùng hàng trăm xe tăng, xe thiết giáp.
Quân đội Hoa Kỳ: Nhiều cố vấn chỉ huy cùng hàng trăm máy bay chiến đấu, bao gồm cả B-52 ném bom chiến lược của không quân Hoa Kỳ, pháo hạm yểm trợ từ Hạm đội 7.
Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam: Lực lượng phòng thủ trên toàn thị xã Quảng Trị bao gồm Trung đoàn 48 (sư đoàn 320B), Trung đoàn Triệu Hải, tức E27 sư đoàn 320B (sau này là F390) Trung đoàn 95 (sư đoàn 325) Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, 2 tiểu đoàn địa phương đóng ở Quảng Trị. Chi viện trực tiếp cho lực lượng này là các đơn vị còn lại của Sư đoàn 325 và Sư đoàn 312. Ngoài ra, sườn phía tây thị xã do trung đoàn 88 (thiếu) của sư đoàn 308 chốt giữ…
Trung tuần tháng 8 năm 1972, Bộ Tư lệnh B5 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết định giao nhiệm vụ cho sư đoàn 325 chỉ huy lực lượng phòng thủ Thành cổ Quảng Trị…
Sau 4 tháng 16 ngày (81 ngày đêm) cố thủ tại Cổ Thành và thị xã Quảng Trị, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam rút lui khỏi Thành cổ. Riêng trung đoàn Triệu Hải (trung đoàn 27 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam-trung đoàn trưởng sau này là thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu) với 1.500 quân đưa vào thành cố thủ là đơn vị tổn thất nặng nhất. Các chốt chiến đấu vòng ngoài đều bị xóa sổ, trung đoàn 48B thuộc sư đoàn 390 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam – đơn vị chiếm giữ trung tâm thị xã, cũng đã bị thiệt hại hơn 80% quân số. Trong một hồi ký phổ biến vào năm 1997, trung tướng Lê Tự Đồng, nguyên tư lệnh lực lượng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tại mặt trận tỉnh Quảng Trị, ghi nhận là các sư đoàn và trung đoàn tham chiến đã bị tổn thất quá nửa quân số…
Về hồi ức cá nhân, Ðại Tá Vũ Trung Thướng, trong trận Quảng Trị năm 1972 là Chính Trị Viên của Ðại Ðội 5, Tiểu Ðoàn 2, Trung Ðoàn 48, Sư Ðoàn 320 quân Bắc Việt, đã kể lại như sau: “…từ ngày 28/6 đến ngày 16/9/1972, Đại đội 5 của tôi từ 120 quân, nhưng sau đó chỉ còn 17 người sống sót.”
Sau 12 tuần lễ liên tục tổng công kích với sự hỗ trợ hỏa lực tối đa của quân đội Hoa Kỳ, đến giữa đêm ngày 15 rạng ngày 16 tháng 9 năm 1972, lực lượng Thủy quân Lục chiến đã tiến vào thị xã Quảng Trị và kiểm soát toàn bộ khu vực Cổ Thành. Rạng sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, hai tiểu đoàn 3 và 6 Thủy quân Lục chiến từ các vị trí vừa chiếm được trong Cổ Thành, đã bung ra lục soát và đánh các chốt còn lại của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đến 8 giờ sáng ngày 16 tháng 9 năm 1972, một toán Cọp Biển của tiểu đoàn 6 Thủy quân Lục chiến đã dựng cờ của Việt Nam Cộng hòa trên cổng tường phía Tây Cổ Thành Quảng Trị, biểu tượng cho việc Quân lực VNCH đã hoàn tất cuộc tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị.
3) Bài viết trong Website của Hội Ái Hữu Petrus Ký:
(https://petruskyaus.net/tai-chiem-quang-tri-tran-danh.../ )
Tái Chiếm Quảng Trị: Trận Ðánh Ðẫm Máu Nhứt Trong Chiến Tranh Việt Nam.
Tác giả: Lâm Vĩnh Thế.
Ngày 30-3-1972, 3 sư đoàn Cộng Sản Bắc Việt vượt Khu Phi Quân Sự tấn công vào các căn cứ phòng thủ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở phía Bắc và phía Tây của tỉnh Quảng Trị thuộc Vùng I. Cuộc Tổng Tấn Công 1972, mà giới truyền thông Hoa Kỳ gọi là The Easter Offensive thật sự bắt đầu. Ba ngày sau, 3 sư đoàn khác của CSBV tấn công vào An Lộc, tỉnh lỵ của tỉnh Bình Long ở Vùng III, cách Sài Gòn 60 km về hướng Bắc. Và ngày 14-4-1972, tỉnh Kontum thuộc Vùng II cũng bị 2 sư đoàn CSBV tấn công. Tại vùng I, ngày 2-5-1972, tỉnh Quảng Trị lọt vào tay quân CSBV sau khi Chuẩn Tướng Vũ Văn Giai, Tư Lệnh Sư Ðoàn 3 Bộ Binh của QLVNCH, quyết định rút khỏi căn cứ Cổ Thành Quảng Trị (có tên là Cổ Thành Ðinh Công Tráng). Ngày hôm sau, 3-5-1972, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, đang là Tư Lệnh Quân Ðoàn IV, thay thế Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm trong chức vụ Tư Lệnh Quân Ðoàn I. Ngay chiều hôm đó, cùng với một số sĩ quan thân cận trong bộ tham mưu của mình, Tướng Trưởng bay ngay ra Huế… Sau một thời gian cấp tốc ổn định tình hình tại Huế, Tướng Trưởng tổ chức cuộc hành quân lấy tên là Chiến Dịch Lam Sơn 72 nhằm phản công để tái chiếm Quảng Trị. Chiến Dịch Lam Sơn 72 chính thức kết thúc khi QLVNCH đã toàn thắng và chiếm lại được Cổ Thành Quảng Trị vào ngày 15-9-1972…
Ngày 28-6-1972 Chiến dịch Lam Sơn 72 chính thức bắt đầu, với 2 mũi tấn công chính về hướng Bắc, phối hợp với một mũi phụ về hướng Tây Nam Huế…Tướng Trưởng quyết định giao cho Sư Ðoàn Nhảy Dù làm mũi tấn công chính trong cuộc hành quân quan trọng này. Hướng tấn công của Sư Ðoàn Dù là phía Tây Nam Quốc Lộ 1, tiến về phía La Vang. Mũi tấn công thứ nhì ở phía Bắc được giao cho Sư Ðoàn TQLC, dọc theo hương lộ 555, tiến về phía Triệu Phong. Mũi tấn công phía Tây Nam Huế là trách nhiệm của Sư Ðoàn 1 BB. Phía Nam đèo Hải Vân, trách nhiệm bảo vệ Ðà Nẳng được giao cho Sư Ðoàn 3 BB đang được tái thiết và tái huấn luyện dưới quyền chỉ huy của Tư Lệnh mới là Chuẩn Tướng Nguyễn Duy Hinh
Cuộc phản công hướng về phía Bắc với hai Sư Ðoàn Dù và TQLC, với mục tiêu là chiếm lại cho được Quảng Trị, có thể được xem như gồm 2 đợt:
• Đợt 1: từ ngày 28-6-1972 đến ngày 27-7-1972 với Sư Ðoàn Dù là lực lượng chính
• Ðợt 2: từ ngày 27-7-1972 đến ngày 16-9-1972 khi toàn thắng, chiếm lại được Cổ Thành Ðinh Công Tráng (Quảng Trị), với Sư Ðoàn TQLC là lực lượng chính.
Ðợt 1 của cuộc tấn công với Sư Ðoàn Dù
Sau khi nhận nhiệm vụ tại Quân Ðoàn 1, Tướng Trưởng đã yêu cầu Bộ Tổng Tham Mưu tăng viện cho ông để trám vào sự mất mát của Sư Ðoàn 3 BB, và đã được tăng viện 2 Lữ Ðoàn của Sư Ðoàn Dù. Lữ Ðoàn 2, với Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Trần Quốc LỊch (về sau thăng lên Chuẩn Tướng, làm Tư Lệnh Sư Ðoàn 5 Bộ Binh, đến Huế vào ngày 8-5-1972 và được Tướng Trưởng điều động lên ngay mặt trận phía Bắc, trấn giữ phòng tuyến dọc bờ Nam của sông Mỹ Chánh, cùng với Lữ Ðoàn 258 (với Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh) của Sư Ðoàn TQLC. Lữ Ðoàn 3, với Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Trương Vĩnh Phước, cũng được tăng viện cho Vùng I vào ngày 22-5-1972. Ngay sau đó, Bộ Chỉ Huy của Sư Ðoàn Dù, với Tư Lệnh là Trung Tướng Dư Quốc Ðống, cũng bay ra Vùng I, và đặt tại Bải Ðổ Quân Sally ở phía Nam Sông Bồ, ngay bên cạnh Quốc Lộ 1.
Cổ Thành Đinh Công Tráng được xây dựng vào năm 1823 thời vua Minh Mạng. Lúc mới xây thành làm bằng đất; đến năm 1838 thì mới được xây lại bằng gạch. Thành hình vuông, mỗi cạnh dài khoảng 500 m, nên chu vi của thành gần 2000 m. Tường thành cao 9,4 m, dưới chân dày 12 m. Bao quanh thành có hào rộng 4 m, sâu 8 m, bốn góc thành là 4 pháo đài cao nhô hẳn ra ngoài…Với quy mô kiên cố của thành như vậy, với quyết tâm tử thủ của các lực lượng địch chống giữ thành, cùng với sự yểm trợ tối đa của các đơn vị chiến xa, pháo binh, và phòng không của địch, các cánh quân Dù đã bị tổn thất rất nặng nề với những số thương vong rất lớn. Nhưng ngược lại với các đợt oanh kích phi pháo của hải quân và không quân Hoa Kỳ (máy bay B-52 trải thảm), quân Bắc Việt cũng phải trả giá rất đắt trong việc chống giữ Cổ Thành Ðinh Công Tráng.
Trung Tá Nguyễn Chí Hiếu, Tiểu Ðoàn Trưởng Tiểu Ðoàn 5 Dù, lực lượng tấn công chinh, chỉ định Ðại Ðội 51, với Ðại Úy Trương Ðăng Sỹ làm Ðại Ðội Trưởng, và Ðại Ðội 52, với Trung Úy Hồ Tường làm Ðại Ðội Trưởng, cùng song song tiến lên trước. Cuộc tiến quân vô cùng khó khăn vì sự chống trả quyết liệt của địch…
Lời kể lại cuộc tiến quân của chính Ðại Úy Sỹ như sau:
Từ làng Trí Bưu, về hướng Tây Bắc, mục tiêu kế tiếp là Nhà Thờ Trí Bưu. Tôi và Hồ Tường song song bung đội hình từng bước tiến lên, nhường làng Trí Bưu lại cho Bộ Chỉ huy Tiểu đoàn. Đoạn đường từ đây đến Nhà Thờ Trí Bưu khoảng vài trăm thước cũng không phải dễ đi …Tôi đã xử dụng tất cả hỏa lực yểm trợ: 18 khẩu 105 ly, cơ hữu Nhảy Dù, 4 khẩu 155 ly, 2 khẩu 175 ly của Quân đoàn 1…Ngày nào cũng có ít nhất hai phi tuần oanh tạc. Ban đêm, thỉnh thoảng còn được hải pháo từ Đệ nhất hạm đội bắn yểm trợ. Nếu cần thiết, còn được 18 khẩu 105 ly của Thủy quân Lục chiến tăng cường. Ngày nào ít lắm cũng có một hay hai lần bắn “T.O.T”.
Có lúc chúng tôi phải tiến quân trong mưa bụi của pháo binh, mục đích không cho địch quân ngóc đầu khỏi hố. Tôi áp dụng chiến thuật từng bước nhảy vọt. Hồ Tường tiến tới từ 50 đến 100m thì dừng lại bố trí, 51 tiến lên qua mặt 52, rồi lại tiến lên 50m đến 100m dừng lại hầm hố bố trí, cứ thế tiến dần Nhưng sức kháng cự của địch quân còn quá mạnh, nhất là bên cánh phải còn khu làng nhỏ sát bờ sông Thạch Hãn, địch bắn qua quá rát. Ban đêm đôi lúc chúng tôi còn nghe cả tiếng chiến xa địch.
Trước thực tế chiến trường như vậy, nhiều đơn vị đã được tăng phái cho mũi dùi tấn công của hai Ðại Ðội 51 và 52 của Tiểu Ðoàn 5 Dù, (nhưng rồi) cuộc tấn công của Tiểu Ðoàn 5 Dù vào Cổ Thành Ðinh Công Tráng phải tạm ngưng. Ngày hôm sau, 26-7-1972, có lệnh từ Trung Tướng Ngô Quang Trưởng cho Sư Ðoàn Dù bàn giao việc tấn công Cổ Thành lại cho Sư Ðoàn TQLC.
Ðợt 1 của cuộc tấn công với Sư Ðoàn TQLC
Ngay từ ngày đầu của Chiến dịch Lam Sơn 72, 28-6-1972, thi hành lệnh của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân, tân Tư Lệnh của Sư Ðoàn TQLC, đã điều động ngay 4 tiểu đoàn tác chiến là các Tiểu Ðoàn 3,5,7 và 8 tiến lên phía Bắc, dọc theo bờ biển, bên phía Ðông của Quốc Lộ 1, song song với Sư Ðoàn Dù. Các tiểu đoàn TQLC đã gặp sự kháng cự mãnh liệt của các đơn vị của Sư Ðoàn 304 Bắc Việt đóng chốt trong hàng loạt các công sự bê tông vững chắc (bunkers).
Ngày 27-7-1972, Chuẩn Tướng Bùi Thế Lân đưa ra kế hoạch hành quân tấn công tái chiếm Cổ Thành Ðinh Công Tráng như sau:
-Lữ Ðoàn 258, với Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Ngô Văn Ðịnh, trước sau đã sử dụng tất cả 7 tiểu đoàn tác chiến của TQLC là các Tiểu Ðoàn 1,2,3,5,6,8,9, Tiểu Ðoàn 1 Pháo Binh 105 ly của Sư Ðoàn TQLC, Thiết Ðoàn 17 (thuộc Lữ Ðoàn 1 Kỵ Binh, với các thiết vận xa M-113, Chỉ Huy Trưởng là Trung Tá Nguyễn Viết Thạnh), và 1 Chi đoàn chiến xa M48, chịu trách nhiệm khu vực phía Tây Nam của Cổ Thành, sẽ là lực lượng tấn công chính vào Cổ Thành; ngoài ra, tại Bộ Chỉ Huy của Lữ Ðoàn 258 TQLC lúc nào cũng có sự hiện diện của một toán gồm 10 cố vấn Hoa Kỳ, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Gordon Keiser, TQLC Hoa Kỳ, Cố Vấn Trưởng của Lữ Ðoàn 258, “chuyên đảm nhiệm thiết lập kế hoạch hoả lực yểm trợ cũa Không Quân và Hải Quân Hoa Kỳ từ Hải Ðoàn Ðặc Nhiệm 77 của Hạm Ðội 7 ngoài Thái Bình Dương và các phi vụ phi cơ chiến lược B52 từ Guam và Thái Lan.”[19]
-Lữ Ðoàn 147, với Lữ Ðoàn Trưởng là Trung Tá Nguyễn Năng Bảo, sử dụng 3 tiểu đoàn tác chiến và Tiểu Ðoàn 2 Pháo Binh của TQLC, phụ trách khu vực phía Ðông Bắc của Cổ Thành, là lực lương tấn công phụ vào Cổ Thanh và ngăn chận viện quân của địch từ phía Bắc kéo xuống.
-Lữ Ðoàn 369, với tân Lữ Ðoàn Trưởng là Ðại Tá Nguyễn Thế Lương (thay thế Ðại Tá Phạm Văn Chung lên làm Tham Mưu Trưởng Sư Ðoàn TQLC), làm lực lượng trừ bị.
Sáng ngày 27-7-1972, Tiểu Ðoàn 3 TQLC tiến vào thay thế các đơn vị của Tiểu Ðoàn 5 Dù ở phía Nam Cổ Thành, cách bờ thành vào khoảng 200 m. Khi các đơn vị của Tiểu Ðoàn 3 TQLC tiến lên thì cũng bị địch chống trả mảnh liệt như đối với Tiểu Ðoàn 5 Dù trước đây. Sau 2 tuần lễ giao tranh, với tỹ lệ thương vong gần 50% (400/700), Tiểu Ðoàn 3 được lệnh rút về gần Bộ Chỉ Huy của Lữ Ðoàn 258 ở Cù Hoan để dưỡng quân và bổ sung quân số. Tiểu Ðoàn 8 tiến vào thay thế Tiểu Ðoàn 3. Sau hơn 2 tuần giao tranh với địch, Tiểu Ðoàn 8 cũng bị tổn thất rất nặng, lại phải rút ra và Tiểu Ðoàn 3, sau khi đã được bổ sung, lại tiến lên thay thế Tiểu Ðoàn 8, cố gắng nhổ các chốt còn lại của địch và mở rộng khu vực kiểm soát của Tiểu Ðoàn 3 tới sát bờ thành.
Trong thời gian của giai đoạn 1 này, các đại đội của Tiểu Ðoàn 9 thay phiên nhau tấn công, nhổ các chốt của địch tại khu vực Ngã ba Long Hưng, khu Bệnh viện, và trường Bồ Ðề, sát bờ sông Thạch Hãn, dọc theo đường Trần Hưng Ðạo dẫn vào Thị xã Quảng Trị. Tổn thất của Tiểu Ðoàn 9 cũng rất nặng với số thương vong lên đến khoảng 300. Sau đó, Tiểu Ðoàn 9 rút về khu vực Gia Ðằng để dưỡng quân và bổ sung quân số vũ khí và được Tiểu Ðoàn 1 tiến lên thay thế…
Trong suốt 2 tuần lễ của giai đoạn 2 này, các tiểu đoàn TQLC đã luôn luôn gặp sự kháng cự rất mãnh liệt của địch. Chiến thuật tác chiến trong thành phố (đã từng được các đơn vị TQLC áp dụng nhuần nhuyễn tại Huế và Sài Gòn trong Trận Tết Mậu Thân 1968) đã lại được 4 Tiểu Ðoàn TQLC 1,3,5 và 6 đem ra sử dụng một lần nữa. Họ đánh cận chiến với địch để giành lại từng khu phố, từng con đường, từng ngôi nhà. Thêm vào đó, các đơn vị pháo binh của địch đóng bên ngoài thị xã, vẫn tiếp tục pháo vào, gây khó khăn và tổn thất khá năng cho các đơn vị TQLC…
Thiếu Tá Cảnh phân công cho 2 đại đội của Tiểu Ðoàn 3 là Ðại Ðội 2 của Ðại Úy Giang Văn Nhân và Ðại Ðội 3 của Ðại Úy Nguyễn Văn Thạch nhiệm vụ nhổ chốt này. Sáng sớm ngày 15-9-1972, Ðại Ðội 3 tiến lên trước, phá vở được phòng tuyến của địch nơi cửa Hữu của Cổ Thành, các Trung Ðội của Ðại Ðội 3 lập tức tràn lên bờ thành, tỏa ra tấn công vào tất cả các cửa thành. Trung Ðội 22 chiếm cổng chính cửa Tiền đường Lê Văn Duyệt. Các chốt của địch quân kháng cự yếu ớt, rút về cố thủ ở cửa Tả đường Phan ÐÌnh Phùng, nhưng đã quá trể. Tất cả các cánh quân của cả hai Ðại Ðội 2 và 3 của Tiểu Ðoàn 3 đồng loạt xung phong, tràn vào tất cả các ngỏ ngách của khu vực này của Cổ Thành. Tiếng súng kháng cự của địch thưa dần và sau cùng tắt hẳn. Tiểu Ðoàn 3 TQLC đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Cổ Thành Ðinh Công Tráng trong phạm vi của Thị Xã Quảng Trị đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của các đơn vị TQLC của QLVNCH.
4) Lời kể của các Sĩ Quan Trung Đội Trưởng Mũ Xanh: Trung Úy Văn Tấn Thạch, Thiếu Úy Phùng Kim Đơ:
Khoảng 10 giờ sáng ngày 14 tháng 9 năm 1972, Đại Đội 3, Tiểu Đoàn 3 xuất quân, nhưng bị VC từ trên bờ thành cao hơn 9 mét bắn xuống, nên phải núp lại sau các đống gạch vụn, các căn nhà đổ, không tiến lên được. Trở ngại chính là giao thông hào ngập nước, rộng 4 mét, nhưng sâu tới 8 mét, không thể lội qua được, nhưng nguy hiểm nhất là Cộng Sản VN lợi dụng các pháo đài kiên cố trên Cổ Thành, đặt súng trung liên, thượng liên và “lính bắn sẻ”, hễ lính mình ló đầu ra là chết ngay. Nhiều đơn vị xuất phát trước Đại Đội 3 đã biến mất, hoặc bị giết hay bị bắt sống. Có Trung đội xung phong lên rồi im lặng, gọi mãi không thấy trả lời, nghĩa là đã chết hết cả mấy chục người. Nhiệm vụ chiếm lại Cổ Thành tưởng như đã đến hồi tuyệt vọng. Nhưng với tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Thủy Quân Lục Chiến, Tiểu Đoàn 3 đã ra lệnh cho 3 Trung đội của Trung Úy Văn Tấn Thạch, Thiếu Úy Phùng Kim Đơ và Thiếu Úy Vũ Duy Hiền, tiếp tục tiến lên.

Đúng 5 giờ 15 phút sáng ngày 15 tháng 9 năm 1972, 3 trung đội dò dẫm bò lên và gọi pháo binh bắn dọn đường. Mới đầu, nhiều quả pháo rơi xa quá, không tác dụng. Trung Úy Thạch gọi điều chỉnh cho gần lại, nhưng khi pháo binh điều chỉnh lại cự ly gần hơn, thì một quả pháo lại rớt ngay sau lưng trung đội của Trung úy Thạch, may mà chỉ có một anh lính bị thương. Trung Úy Thạch phải gào lên trong máy cho pháo binh điều chỉnh tới phía trước gấp, kẻo chết hết lính. Lúc đó, có lẽ là anh linh của hàng ngàn tử sĩ đã tiếp tay, một quả pháo lại rơi trúng tường thành trước mặt làm sập một khúc tường. Những tên lính Cộng Sản núp trong hầm bên kia tường, thấy tường đổ, lộ ra một khoảng trống quá lớn, thì hoảng hồn rút vào hầm chữ A. Một điều kỳ diệu nữa đã xẩy ra: tường gạch đổ xuống giao thông hào làm tung nước lên như thác đổ lại lấp đi một khoảng giao thông hào và làm thành một chỗ cạn có thể vượt được. Vội cướp lấy thời cơ, Trung Úy Thạch ra lệnh cho trung đội xung phong lên, vượt qua giao thông hào, nhẩy vào trong thành và tung lựu đạn vào các hầm hố của Việt Cộng. Lần lượt 2 trung đội của Thiếu Úy Đơ và Thiếu Úy Hiền, chạy sau cũng dùng chiến thuật ném lựu đạn làm Việt Cộng núp trong hầm chết vô số. Kinh hoảng, nhóm Việt Cộng còn lại phải bỏ chạy, lính Mũ Xanh Thủy Quân Lục Chiếm rượt theo bắn giết thỏa tay.

Nghe báo cáo tin thắng lợi, đích thân Tiểu Đoàn Phó cũng dẫn lính xông lên, tiến chiếm mục tiêu. Trong khi ấy, ở cánh trái, một số quân nhân Tiểu Đoàn 6 dùng súng phun lửa bắn vào tường thành cũng làm Việt Cộng bỏ chạy. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, Thủy Quân Lục Chiến đã làm chủ tình hình Cổ Thành, một nhiệm vụ mà trước đó, đã có cả ngàn binh sĩ hy sinh nhưng không đạt được….

Tin vui dội về Trung Ương, đích thân Đại Tá Nguyễn Năng Bảo, Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 147 trực tiếp gọi cho Thạch Thảo (bí danh của Văn Tấn Thạch) chúc mừng. Ngay sau đó, Phòng Tâm Lý Chiến do Đại Úy Huỳnh Văn Phú và Thiếu Úy Nguyễn Đình Chánh dẫn lính xông vào cắm cờ. Mấy quân nhân tìm được một chỗ trũng, tìm cách cắm lá cờ lên trong khi đạn bắn sẻ của VC vẫn còn réo chung quanh, cho nên tấm hình chụp được của Đại Úy Phú cho thấy những quân nhân không đứng thẳng người được làm cho lá cờ chạm đất. Thực sự, những quaân nhân liều mạng cắm cờ trong tiếng súng của Việt Cộng cũng anh hùng không thua gì các quân nhân trực tiếp bắn nhau với Cộng Sản, bảo vệ cho đồng đội cắm cờ.

Trận chiến chiếm lại Cổ Thành có lẽ là trận đánh đẫm máu nhất trong cuộc chiến Việt Nam vì cả hai bên đều thiệt hại nặng. Theo tác giả Lâm Vĩnh Thế, Cộng Quân đã mất, vừa chết vừa bị thương là 36,000 người.
Về phía QLVNCH, chỉ riêng đối với Lữ Ðoàn 258 TQLC, từ ngày 29-3 đến ngày 16-9-1972, tổng số thương vong chính thức là 3.911 gồm 637 tử thương và 3.274 bị thương: Dĩ nhiên, các con số này không bao gồm thương vong của 2 Lữ Ðoàn 147 và 369 của Sư Ðoàn TQLC, cũng như của các đơn vị của Sư Ðoàn Dù, và các binh chủng khác của QLVNCH đã có tham gia trận đánh (Biệt Ðộng Quân, Biệt Cách Dù, Thiết Giáp, vv). Trong tác phẩm của mình, tác giả Dale Andradé (Ghi chú số 17; tr. 196), đã viết như sau: “… the South Vietnamese marines suffered more than 5,000 casualties since June, 3,658 of them during the seven-week battle to recapture the citadel. Almost one out of every four marines in the entire division was wounded or killed.” (tr. 196; xin tạm dịch sang Việt ngữ như sau: “… Thủy Quân Lục Chiến của Nam Việt Nam đã có tổng số thương vong hơn 5.000 từ tháng 6, trong đó có 3.658 là trong thời gian trận đánh 7 tuần lễ tái chiếm cổ thành. Gần như là một phần tư binh sĩ của sư đoàn đã bị thương hoặc tử trận”).
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa quả thực là Quân đội thiện chiến và anh hùng nhất Đông Nam Á Châu.

Lính già Chu Tất Tiến. 9 tháng 9 năm 2021.
Share Người Lính Già TQLC

No comments:

Post a Comment