Vào gần cuối năm 1967, John Stryker Meyer và hai bạn trẻ tình nguyện gia nhập một đơn vị bí mật của Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ trong thời hạn bốn năm. Đó là Toán Nghiên Cứu và Quan Sát, tức Studies and Observations Group, thường được gọi tắt là SOG. Họ sẽ thi hành những sứ mạng tối mật, nhận lệnh trực tiếp từ Bộ Tư Lệnh Quân Đội Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Sau đó, họ được gửi đến một trung tâm huấn luyện gần Nha Trang để thụ huấn bổ túc. Mãn khoá, họ đến Đà Nẵng để được thuyết trình và nhận nhiệm vụ chính thức. Trước tiên, họ phải ký nhiều giấy cam kết mà trong đó, quan trọng nhất là tất cả hình ảnh, hồ sơ, nhân sự cũng như công tác và tất cả các dữ kiện liên quan đến quân vụ của họ trong thời gian này phải được giữ kín tuyệt đối trong thời gian 20 năm. Nếu vi phạm, họ sẽ bị đưa ra toà án quân sự và trong trường hợp gia trọng, có thể bị kết tội phản quốc.
Sáng ngày 20 tháng Năm 1968, Meyer và hai đồng đội bước lên một chiếc H-34 của Phi Đội Hành Quân Đặc Biệt thuộc Phi Đoàn 219 của Không Quân Việt Nam Cộng Hoà. Họ được đưa từ Đà Nẵng đến Căn Cứ Đặc Biệt 1 tại Phú Bài, cách Huế khoảng 16 cây số về phía nam. Viên phi công trưởng dặn ba người rằng ngay sau khi chiếc trực thăng chạm mặt đất, họ phải lập tức rời phi cơ để cho một toán khác lên và rồi phi cơ sẽ cất cánh ngay. Vì thế nên Meyer không có thời gian để để ý một toán sáu người bước lên chiếc H-34 ngay sau khi họ bừa bước xuống. Đó là một toán trinh sát có mật danh là ST Idaho. Sau đó, chiếc trực thăng cất cánh và bay về hướng tây-nam, tức là về biên giới Lào - Việt. Meyer nghĩ rằng họ sẽ được đưa đến một trong những nơi được xem là tử địa khét tiếng nhất: Thung Lũng A Shau.
Meyer và hai người bạn trẻ mới gia nhập SOG nên chưa đến A Shau bao giờ. Thế nhưng ai trong SOG cũng đều biết rõ rằng chỉ trong vòng ba năm qua, các chiến sĩ Mũ Xanh tại trại Lực Lượng Đặc Biệt A Shau đã phải rút đi ba lần vì quân Bắc Việt bao vây và tấn công dữ dội. Chúng quyết chiếm cho bằng được A Shau để việc chuyển quân và chiến cụ từ Đường Mòn Hồ vào lãnh thổ Việt Nam Cộng Hoà không gặp trở ngại.
Toán ST Idaho lên phi cơ đến A Shau gồm có sáu người. Toán trưởng là Glen Oliver Lane, mật danh One-Zero. Toán phó là Robert Duval Owen, mật danh One-One. Bốn người còn lại đều là Việt Nam. Khỏi cần nói thì ai cũng rõ, được tuyển vào đơn vị này đều là những chàng trai gan dạ, có sức chịu đựng. Họ còn được huấn luyện thêm để có kỹ thuật cá nhân rất cao. Họ được thả xuống A Shau với hai nhiệm vụ chính. Thứ nhất, tìm hiểu xem những đơn vị cộng quân có mặt tại vùng này có nhiệm vụ gì. Thứ hai, liệu quân Bắc Việt có chuẩn bị đánh một trận lớn hay là không. Chúng ta cần nhớ rằng trước đó chỉ mấy tháng, chúng bất ngờ tấn công nhân Tết Mậu Thân và thua nặng. Bây giờ, chúng đã chỉnh đốn đội ngũ của một số đơn vị nên chúng có thể đánh vài trận gỡ thể diện. Toán ST Idaho có nhiệm vụ tìm hiểu điều này.
Tại Căn Cứ Đặc Biệt 1 Meyer gặp lại Robert Parks, có hỗn danh là Spider (Con Nhện) vì chàng này có biệt tài di chuyển nhanh mà không gây tiếng động. Spider thụ huấn tại Nha Trang cùng với Meyer năm 1967 nhưng mãn khoá trước. Spider nói với Meyer rằng anh cũng thuộc Toán ST Idaho nhưng vì một lý do đặc biệt nên không được có mặt trong sáu người nhảy xuống A Shau hôm đó. Spider tâm sự rằng tự nhiên anh cảm thấy lo lắng cho các bạn của mình hơn thường lệ.
Giữa lúc đó thì chiếc H-34 trở về Căn Cứ Đặc Biệt 1. Phi hành đoàn báo cáo rằng họ đã thả Toán ST Idaho xuống đúng vị trí ấn định, và không gặp bất cứ trở ngại nào. Sau đó, âm thoại viên của ST Idaho còn báo cho phi hành đoàn biết rằng "Cả toán vô sự".
Tuy nhiên, đến chiều hôm đó thì Spider bắt đầu đứng ngồi không yên. Hai viên phi công trên chiếc phi cơ tiền thám có mật danh Covey báo cáo rằng họ đã bay qua A Shau hai lần mà không thấy tung tích của ST Idaho, cũng không nhận được bất cứ tín hiệu nào từ toán này. Theo đúng chỉ thị, các toán trinh sát phải gửi tín hiệu cho Covey theo đúng chu kỳ ấn định. Như vậy, có điều gì không ổn rồi.
Khi màn đêm buông xuống thì cả Căn Cứ Đặc Biệt 1 bắt đầu theo dõi tình hình một cách lo lắng. Spider và các đồng đội ngồi im cạnh nhau, không ai nói một lời nào. Kề từ lúc gửi tín hiệu "Cả toán vô sự" cho phi hành đoàn của chiếc H-34 đến giờ, ST Idaho hoàn toàn im lặng. Đến khuya, chiếc Covey bay trở lại A Shau và lượn mấy vòng. Cũng không thấy ST Idaho liên lạc. Cuối cùng, bên SOG quyết định làm một điều mà hiếm khi nào họ phải làm. Đó là liên lạc với Bộ Tư Lệnh Không Vận Hoa Kỳ. Đơn vị này luôn luôn có một chiếc phi cơ trang bị tối tân bay trên bầu trời và có thể định vị bất cứ một toán biệt kích nào trong toàn vùng Đông Nam Á. Đến gần sáng, phi hành đoàn này báo cáo rằng không tìm thấy dấu vết của ST Idaho, và cũng không nhận được bất cứ một tín hiệu này từ vùng A Shau.
Đến sáng sớm hôm sau, SOG quyết định cho Toán ST Oregon lên đường, thi hành sứ mạng có mật danh Bright Light. Toán này sẽ được thả xuống Whiskey Five cũng trong Thung Lũng A Shau. Nhiệm vụ duy nhất của ST Oregon là tìm tung tích của ST Idaho mà nếu không được thì tìm kiếm bất cứ một dấu vết, dấu hiệu nào đủ để kết luận về số phận của ST Idaho.
Cầm đầu ST Oregon là Mike Tucker và George Sternberg. Cả hai đều là chiến hữu thân thiết của Lane, toán trưởng của ST Idaho. Nói về chiến công Tucker và Sternberg đều có thể tự hào khi còn nằm tại Căn Cứ Đặc Biệt 3 trong phạm vi căn cứ Khe Sanh. Cả hai đều nằm trong số những biệt kích quân đầu tiên chụp được hình xe máy ủi của Bắc Việt phá rừng để nới rộng đường mòn HCM của chúng. Vào đầu năm đó, cũng ST Oregon đã chụp được hình chiến xa Bắc Việt với đầy đủ chi tiết trước khi chúng kéo đến tấn công Trại Lang Vei A, gần Khe Sanh. Sau cùng, ST Oregon mới bắt cóc được một nữ cán bộ Bắc Việt và đem về Căn Cứ Đặc Biệt 1.
Ngoài Tucker và Sternberg, ST Oregon hôm đó còn có hai người nữa cũng thuộc ST Idaho. Đó là Stephen Perry và Hà.
Perry được chọn để thi hành sứ mạng Bright Light chỉ vì anh là một y tá gan dạ. Trường hợp của Hà thì khác hẳn. Cả SOG đều biết Hà và hầu hết đều nể phục anh. Hà là một biệt kích quân già dặn kinh nghiệm và rất can trường, nhưng được chọn vào ST Oregon còn vì một lý do khác, quan trọng hơn. Đó là anh biết rất rõ về Lane và Owen cũng như chiến thuật của ST Idaho. Vì thế nên Hà biết chắc chắn Lane và Owen sẽ quyết định như thế nào trong những trường hợp có điều gì xảy ra. Tucker nhấn mạnh rằng Hà là một người mà ST Oregon rất cần có để thi hành sứ mạng Bright Light lần này.
Ở trong SOG, nghe nói tới Bright Light thì ai cũng biết, cho dù chưa tham gia lần nào. Bright Light là sứ mạng đi tìm và cứu các phi hành đoàn lâm nạn. Nó cũng bao gồm cả việc tìm kiếm các toán ST lâm nguy, đem họ về và nếu như họ đã tử trận, đem thi hài của họ về. Vì thế nên hầu hết các toán thi hành sứ mạng Bright Light đều được cộng quân chờ sẵn khi đến nơi.
Vì Bright Light thuộc loại gian nguy nhất nên mọi người trong toán đều được trang bị tận răng. Họ mang theo vũ khí, đạn dược, lựu đạn, băng cứu thương và rất nhiều nước uống, nhưng không mang theo lương thực.
Toán ST Oregon lên đường hôm đó hơi khác thường. Thay vì chỉ có một chiếc H-34 của Phi Đoàn 219 King Bee chở sáu người đến Whiskey Five, còn có một chiếc thứ hai chở Spider, một y tá và mấy biệt kích quân khác. Chiếc này bay theo sau chiếc thứ nhất. Nếu như chiếc thứ nhất bị lâm nạn thì chiếc thứ hai sẽ thả quân xuống tiếp cứu.
Sáu người trong ST Oregon được thả xuống sát nơi mà ST Idaho được thả xuống ngày hôm trước. Từ đó, họ chạy đến nơi mà toán trước đã nhảy xuống để bắt đầu tìm kiếm dấu vết từ địa điểm này.
Một lúc sau khi được thả xuống , ST Idaho gửi tín hiệu "Cả toán vô sự". Điều này chứng tỏ rằng họ không lâm nguy ngay sau khi xuống đất. Sau đó, việc họ không gửi thêm một tín hiệu nào nữa chứng tỏ họ đã gặp rắc rối lớn, hoặc lâm nguy. Hai điều này giúp ST Oregon biết những gì cần phải làm.
Thế nhưng, có lẽ ST Oregon chưa làm được điều gì đáng kể, vì ngay sau đó cộng quân kéo đến, rất đông. Cộng quân không bao giờ ngần ngại trong việc bao vây các toán biệt kích bởi vì một điều rất rõ ràng là những toán này không bao giờ được pháo binh yểm trợ và cũng không bao giờ được bên bộ binh và kỵ binh đến tăng viện.
Đám cộng quân kéo đến tấn công ST Oregon không phải là một đơn vị bộ đội Bắc Việt bình thường. Chúng sử dụng Colt CAR-15 và lựu đạn M-26. May mắn cho ST Oregon là họ thấy có một hố bom khổng lồ gần đó nên kéo xuống tử thủ.
Lúc bấy giờ, hai chiếc H-34 đã bay về Phú Bài nhưng hai chiếc khu trục cơ Skyraider A-1E của Hải Quân Hoa Kỳ nhanh chóng đến nơi. Các phi công đã dùng đại bác 20 ly bắn nát khu vực cộng quân đang bám vào. Hai bên gần nhau đến độ đất, đá và cành cây văng đầy xuống hố bom, phủ cả lên đầu ST Oregon.
Không một tên cộng quân nào sống sót, nhưng ST Oregon bị thương vong nặng. Một người Việt Nam bị tử thương ngay từ đầu; Sternberg, Tucker, Perry và hai người Việt Nam khác đều bị thương mà Hà bị nặng nhất, khắp người.
Một chiếc H-34 quay trở lại cứu ST Oregon. Hai nhân viên phi hành đoàn đã can đảm nhảy xuống đem năm người bị thương và thi hài của người thứ sáu lên phi cơ. Khi chiếc phi cơ cất cánh thì một toán cộng quân khác kéo đến. Chúng bắn lên phi cơ nhưng chỉ có một viên trúng cục pile của chiếc máy truyền tin trong túi áo ngoài của Sternberg.
Về đến Phú Bài, ST Oregon làm báo cáo ngay. Họ nhìn thấy cỏ dạt ra hai bên, bắt đầu từ vị trí mà ST Idaho được thả xuống. Họ lần theo lối này để tìm thêm dấu vết và rồi chạm địch. Họ không thấy bất cứ một dấu vết nào chứng tỏ có chạm súng, có thương vong.
Vì việc cộng quân có mặt rất nhiều trong khu vực A Shau và vì cái giá mà ST Oregon phải trả quá đắt trong sứ mạng tìm kiếm ST Idaho, SOG quyết định bỏ cuộc. Đây là một quyết định khiến ai cũng đau lòng, bỏi vì Lane là một chiến sĩ can trường và xuất sắc với rất nhiều kinh nghiệm. Anh chưa bao giờ thất bại trong một sứ mạng nào trước khi thi hành sứ mạng định mệnh ngày 20 tháng Năm đó.
Toán ST Idaho được tổ chức lại. Meyer trở thành hiệu thính viên của toán và Donald Wolken trở thành toán phó. Toán trưởng là một người Việt Nam, Nguyễn Văn Sáu.
Anh Sáu đã phục vụ ba năm trong SOG. Anh xuất thân từ nông thôn, nhưng biết nhiều về tội ác cộng sản vì đã chứng kiến nhiều lần. Vì thế nên anh trở thành một chiến sĩ diệt cộng can trường với lòng căm thù cộng sản cực độ. Sáu là một toán trưởng mà không một ai có thể đặt dấu hỏi.
Sau một thời gian được huấn luyện bổ túc, Sáu cùng các toán viên bắt đầu thi hành một số sứ mạng dễ dàng và ngắn. Họ phục kích cộng quân gần căn cứ, và thực hiện những cuộc trinh sát không xa lắm. Sau đó, họ bắt đầu nhảy xuống những khu rừng rậm gần Khe Sanh và trong khu vực A Shau để cắm và gắn những thiết bị kiểm báo của Không Quân Hoa Kỳ.
Ngày 6 tháng Mười 1968, ST Idaho thực hiện sứ mạng Nghiên Cứu và Quan Sát đầu tiên. Họ được thả xuống một nơi có mật danh là E-4 mà nhiệm vụ chính là tìm kiếm một trại tù binh. Ai trong toán cũng hăng say với sứ mạng này vì ai cũng còn nhớ Lane và năm chiến hữu khác đã biệt tích từ ngày 20 tháng Năm trước đó.
Một ngày sau khi nhảy xuống, sáu chiến sĩ can trường thấy trước mặt có một ngọn đồi. Họ quyết định leo lên đó vì thông thường, cộng quân hay giam tù binh ở vị trí cao nhất. Tiếc thay, họ bị lộ giữa đường, bởi vì ở giữa sườn đồi thì họ dễ dàng bị cộng quân trông thấy từ xa.
Chúng kéo đến rất đông nhưng chúng không đến gần được. Cuộc chạm súng kéo dài đến ba tiếng đồng hồ thì chúng không còn lại bao nhiêu. Meyer có thể trông thấy rõ ràng mấy tên sống sót kéo xác đồng bọn chất thành đống và chúng núp phía sau những xác chết đó, thỉnh thoảng ngóc đầu lên bắn vài phát. Hơn một tiếng đồng hồ sau đó, phía cộng quân im tiếng súng. Vì trời đã tối nên ST Idaho được trực thăng của Phi Đoàn 219 King Bee đón về.
Ngày hôm sau, Sáu, Wolken và Meyer tường trình công tác. Sau đó, tất cả dành thời gian còn lại trong ngày để tưởng nhớ sáu người đã biệt tích từ ngày 20 tháng Năm 1968. Họ cùng đi đến kết luận rằng với Glenn Lane và Robert Owen làm toán trưởng và toán phó, với lòng căm thù cộng sản đến mức không đội trời chung của bốn người Việt Nam trong toán, và cùng với việc xem cái chết nhẹ tựa hồng mao của những người lính biệt kích, cả sáu người được xem như đã tử chiến với cộng quân cho đến viên đạn cuối cùng vào ngày định mạng đó.
Hình đính kèm chụp vào đầu năm 1968 tại Phú Bài trước một chiếc H-34 của Phi Đoàn 219 King Bee. Đây là tấm hình sau cùng có đầy đủ tất cả các toán viên của ST Idaho. Người duy nhất có đánh dấu (*) là toán trưởng Glen Oliver Lane.
No comments:
Post a Comment