Vào đầu năm 1963, Sở khai thác Địa hình được chuyển thành Bộ Tư lệnh LLĐB với 2 đơn vị chiến đấu nòng cốt là Liên đoàn 77 và Liên đoàn 31 với Tư lệnh đầu tiên là Đại tá Lê Quang Tung. Sau chính biến năm 1963 Đại tá Lê Quang Tung bị sát hại, LLĐB dời về Nha Trang. Và trong khoảng thời gian này Sở Bắc được đổi tên thành Sở Khai thác BTTM, duy trì công tác đặc biệt, tách rời khỏi LLĐB, với vị chỉ huy trưởng đầu tiên là Đại tá Trần Văn Hổ. Cùng lúc này, Bộ Tư lệnh Viện trợ Quân sự Hoa Kỳ tại Việt Nam (MACV – Millitary Assistance Command Vietnam) thay thế cho MAAG (Millitary Assistance and Advisory Group, tức Bộ Quân Viện và Cố vấn) của Hoa Kỳ, được thành lập.
Khoảng năm 1965 – 1966, Sở Khai thác BTTM được đổi tên là Sở Kỹ thuật và không lâu sau được nâng thành Nha Kỹ thuật BTTM. Nha Kỹ thuật lúc này gồm các đơn vị trọng yếu như: Sở Liên lạc với Đoàn 11 và Đoàn 68, Sở Không yểm, Sở Phòng vệ Duyên Hải, TTHL Quyết Thắng, Sở Tâm lý chiến.
Một bộ phận hoạt động quan trọng trong Nha kỹ thuật là Sở Tâm lý chiến, đơn vị này hoạt động không thuần túy tham mưu. Sở sử dụng đa số các chuyên viên dân sự để điều khiển hệ thống phát thanh và công tác chiến tranh chính trị nhằm yểm trợ cho hoạt động đặc biệt tại miền Bắc. Sở có trách nhiệm điều khiển hai hệ thống phát thanh. Đài Tiếng Nói Tự Do là một hệ thống phát thanh “xám”, tiếng nói của người yêu chuộng tự do chống đối hệ thống tư tưởng CS. Và một hệ thống phát thanh bí mật khác là đài “Gươm Thiêng Ái Quốc”, tiếng nói của Mặt Trận Giải phóng Miền Bắc, nhằm hỗ trợ các công tác của toán đặc biệt trong lãnh thổ miền Bắc. Ngoài ra, Sở Tâm Lý Chiến Nha Kỹ Thuật đã thực hiện nhiều công tác ly gián, lừa địch, sử dụng hồi chánh viên và tù binh chính quy Bắc Việt. Phần lớn các hoạt động tâm lý chiến và phát thanh đều được cơ quan tình báo Hoa Kỳ tài trợ và cố vấn kỹ thuật. Sau này đài “Gươm Thiêng Ái Quốc” chấm dứt hoạt động do tình hình chiến sự và chính trị thay đổi. Đài “Mẹ Việt Nam” được nối tiếp duy trì công tác phát thanh của Nha Kỹ Thuật. Từ năm 1964 đến năm 1968 rất nhiều hoạt động đặc biệt nhằm vào miền Bắc được thực hiện. Sau Tết Mậu Thân 1968 và sau Hiệp định Paris hoạt động trên lãnh thổ miền Bắc giảm dần và gia tăng tại các vùng giáp tuyến và biên giới Việt – Lào, Việt – Miên. Đại tá Đoàn Văn Nu được Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng bổ nhiệm làm Giám đốc thay thế Đại tá Trần Văn Hổ từ tháng 8 năm 1968 cho tới ngày cuối cùng của Nha kỹ thuật.
Các Toán hành quân của Nha Kỹ thuật, dù thuộc đơn vị nào cũng luôn chứng tỏ tinh thần dũng cảm quên mình, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, vượt mọi hiểm nguy hoàn thành nhiệm vụ cho đến những phút sau cùng của cuộc chiến.
Ozzie Nguyen
(bài viết được tổng hợp và phân tích từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau)
No comments:
Post a Comment