Tuesday, September 13, 2022

Phi Trường Phượng Hoàng Dakto Kontum

Sau hơn nửa tháng hành quân, truy lùng địch khắp vùng ngã ba Tam Biên, đơn vị kéo ra phi trường Phượng Hoàng, nghỉ dưỡng quân và nhận tiếp tế. Đây là một phi trường dã chiến, bỏ hoang từ lâu, đường băng hẹp và ngắn, lỗ chỗ dấu đạn pháo của địch quân.

Khung cảnh nơi đây thật tiêu điều, cộng thêm cái vắng vẻ của vùng biên giới, khiến lòng người như se lại. Đâu đó, một anh em đang mở ra-đi-ô bài “Chiều Mưa Biên Giới“ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, nghe thật thấm thía:

“Chiều mưa biên giới, anh đi về đâu?
Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu,
Kìa rừng chiều âm u rét mướt,
Chờ người về vui trong giá buốt,
Người về bơ vơ…”

Chiều nay biên giới không mưa, và lòng anh cũng cảm thấy ấm lại đôi chút vì trong phần tiếp tế của anh có kèm theo món quà tinh thần đến từ hậu phương xa xôi, đó là lá thư của em.

Cảm ơn những ân tình, những âu lo mà em đã dành cho anh.

Đọc thơ em, anh thấy được an ủi rất nhiều và biết rằng ở nơi an bình, hạnh phúc ấy, với trăm ngàn thú vui quyến rũ của ngày Xuân, em vẫn không quên những người lính trận miền xa.

Sinh hoạt của trường Gia Long vui quá!

Làm anh nhớ đến ray rứt những tháng ngày còn mài đũng quần trên ghế nhà trường.

Thấm thoát thế mà đã hơn bốn năm trời rồi em nhỉ!

Kể từ ngày anh xếp bút nghiên lên đường làm bổn phận người trai thời ly loạn. Khoảng thời gian ấy không dài so với một đời người, nhưng với những kẻ ngày đêm đối diện cùng bom đạn thì quả thật cũng đáng kể lắm. Đáng kể bởi vì cuộc sống của người lính có thể mất, còn chỉ trong giây lát…

Thạnh, cậu âm thoại viên mang máy đại đội, mà anh đã có lần nhắc đến tên, chắc em còn nhớ!

Đã vĩnh viễn nằm xuống rồi!

Chiều hôm qua, vâng, mới chiều hôm qua đây thôi!

Sau khi lục soát qua một làng Thượng với mươi nóc nhà sàn vắng lạnh, vì họ đã được di tản cả rồi, đơn vị dừng lại đóng quân bên ngoài làng, cách chừng hơn hai trăm thước, trong một khoảng rừng già khá thoáng. Mọi người lo chuẩn bị hố cá nhân xong thì cũng đã chạng vạng.

Anh đang ngồi lo chấm tọa độ cho pháo binh bắn khuấy rối và phòng khi hữu sự, thì Thạnh bước dến bên đầu võng anh nói nhỏ:

– Em đi kiếm chút rau xanh cho bữa cơm chiều nhe ông thày?

– Vườn không nhà trống như thế thì rau ở đâu ra mà kiếm? Anh ngửng lên đầu hỏi lại.

– Ngay miếng rẫy đầu làng nè! Em nhìn thấy còn một ít đọt bầu, tuy hơi héo, nhưng cũng còn khá lắm: “Đầu tôm nấu với ruột bầu, Thày chan trò húp, gật đầu khen ngon.” Mình không có đầu tôm mà cũng chẳng có ruột bầu, thì dùng tạm đọt bầu luộc chấm thịt gà hộp kho mặn cũng bắt lắm đó nhe ông thày. Mấy tuần nay tiếp tế không thấy có rau tươi, ăn toàn lương khô, táo bón muốn lòi con trê luôn.

Anh cố nín cười vì tính dí dỏm của Thạnh, nghiêm mặt:

– Mày đi bỏ máy cho ai trực?

– Có thằng Liễng với thằng Quý mà, hơn nữa em chỉ đi độ chừng hai mươi phút thôi, và chỉ chừng ba mươi phút sau thày trò mình sẽ có một đĩa đọt bầu luộc xanh rờn.

– Ai đi với mày?

– Thằng Bảo đi với em…

Bảo là liên lạc viên đại đội.

– Đi đứng nhớ cẩn thận!

– Dạ…

Thạnh bước nhanh về hướng đầu làng, Bảo lẽo đẽo theo sau. Anh không ngờ đó là lần cuối cùng anh nói chuyện với Thạnh.

Em biết không,Thạnh thông minh, nhanh nhẹn có bằng trung học đệ nhất cấp, tới tuổi trình diện đi học Hạ Sĩ Quan thì mẹ đau nặng, nên nán lại nhà chăm sóc mẹ, cuối cùng phải đi quân dịch. Còn trẻ nhưng khá dày dạn chiến trường Cao Nguyên, nên chi hơn hai năm đã leo lên đến Hạ Sĩ. Anh đã phê chuyển đơn xin đi học Hạ Sĩ Quan đặc biệt cho Thạnh và đã được chấp thuận, chỉ chờ ngày có khóa là cậu ta lên đường.

Đang miên man suy nghĩ thì một tiếng nổ chát chúa vang lên từ phía làng Thượng. Mọi người tức tốc ra ngay vị trí chiến đấu, anh bước vội sang lều bên cạnh, thấy Quý và Liễng đang ở dưới hố cá nhân

– Liên lạc với Trung Đội 3 xem chuyện gì xảy ra vậy.

Trung Đội 3 án ngữ mặt làng Thượng.

– Dạ! Tụi em đang liên lạc… Quý mau mắn.

Chưa có tiếng trả lời của Trung Đội 3 thì anh thấy Bảo đang hổn hển chạy về, dừng lại trước mặt anh, Bảo vừa thở, vừa nói:

– Ông Thạnh… ông Thạnh…

– Thạnh làm sao? Anh quát.

– Ông Thạnh bị lựu đạn, chết rồi!

Anh đứng như chôn chân một chỗ, hai lỗ tai lùng bùng, mắt như tối sầm lại. Có lẽ phải vài phút sau, anh mới nói:

– Sao mày bỏ về đây, mà không ở lại với nó?

– Dạ, ổng chết rồi, nên em chạy về cho đại đội hay…

Bấy giờ anh mới nhận ra sự ngớ ngẩn của mình.

-Thôi đưa tao ra đó xem sao!

Thạnh nằm ngửa, giữa ngửng dây bầu thả tràn dưới đất, tay trái còn nắm mớ đọt bầu, mặt lỗ chỗ những vết thương, ngực áo bị xé toạc, hắn lãnh trọn một trái lựu đạn đã được người phía bên kia gài sẵn dưới những dây bầu. Hết rồi, nhưng ước mơ nhỏ nhoi là một đĩa đọt bầu luộc và nhưng hoài bão cao vời trên bước đường binh nghiệp. Kiếp người thật mong manh!

Tại sao người ta có thể lợi dụng tất cả mọi phương tiện để ám hại nhau?

Anh cảm thấy cay sè nơi khóe mắt, phải chi anh dứt khoát không cho Thạnh đi. Nạn nhân hôm nay là Thạnh, nhưng nếu giả dụ chuyện này không xảy ra, thì mai kia, khi tình hình lắng dịu, những người dân hiền lành trở lại với nương rẫy thì chắc chắn họ sẽ là những kẻ khốn khổ trước cái cạm bẫy chết người ấy. Vì chẳng bao giờ người giăng bẫy sẽ quay lại để gỡ nó đi cả.

– Mơ ơi!

Anh xin lỗi vì chỉ nói với em về những chuyện không vui! Nhưng, nhưng đứng trước những mất mát đau lòng như thế, làm sao có thể lặng im được hả em! Mong em thông cảm.

Hẹn thư sau,

Nguyễn Mộng Thường


Thư từ Hậu Phương

Phố hiền, ngày…, tháng…, năm 197…

Anh thương yêu,

Em trông mòn mỏi, thư mới tới, từ KBC Phượng Hoàng…

Lá thư em trông đợi, nhuốm màu đen tang tóc trong thời tiết đất trời hãy còn mùa xuân. Chiến trường quá hiểm nguy, lòng em lại thêm chồng chất mối lo.

Câu chuyện anh kể trong thơ nầy làm em buồn quá, buồn tới tê người!

Sao người ta không ngang nhiên dũng cảm chiến đấu mặt đối mặt nhau ngoài chiến trường, còn có cái hào khí da ngựa bọc thây người chiến sĩ, mà lại ám hại một cách bẩn thỉu như vậy???

Ôi! Anh Thạnh không chết vì chiến đấu, mà chết vì một quả lựu đạn treo trên giàn bầu, rõ là dùng ám hại những người dân hiền hòa vô tội, mà anh Thạnh, không may đã!

Cái chết của anh Thạnh vừa thê thảm, lại vừa vô lý quá.

Chúng ta chiến đấu cho chính nghĩa, cho an nguy của người dân chớ đâu có những hành động hèn hạ giết dân, khiến đi tới đâu, dân hoảng sợ mà phải gồng gánh bỏ xóm bỏ làng chạy trốn.

Em nghĩ, họ làm những chuyện hèn hạ như vậy, họ chỉ là người thua trận mà thôi.

Bốn năm anh ở lính, là bốn năm em sống trong lo sợ từng ngày.

Nhớ quá những ngày tháng êm ả chung vui học hành, có bóng dáng anh quẩn quanh trước cổng trường nữ. Dáng anh hiền hòa, đôi mắt nhìn xa xăm qua làn khói trắng vờn bay. Ngày đó, em nhớ, anh ít nói lắm. Lá thư nầy cho em nhận ra năm tháng chiến đấu trong gian nguy đã làm cho anh thay đổi nhiều. Từ một thư sinh hiền lành, yêu đời, anh đã uất hận trước những cái chết vô lý của đồng đội, của những người lính trẻ đang sát cánh chia sẻ gian nguy với nhau.

Chiến trường đã trui luyện cho các anh thành những chiến sĩ dầy dạn, vậy mà, vẫn bị những cạm bẫy không ngờ.

Bây giờ là tháng năm, anh có nhớ không?

Tháng năm là tháng em buồn nhất, vì tháng giỗ Ba em, anh có nhớ không? Phải nhớ chứ, làm sao mà quên được phải không anh. Những ngày Tết năm Mậu Thân, cái năm con khỉ nhiều tai ương của đất nước mình. Sau thảm họa vào ngày đầu năm, ngày hưu chiến để dân lành đưa đón tiền nhân về sum họp cùng con cháu, để những người lính trận được phép trở về thăm gia đình, thăm cha mẹ, vợ con, thăm người yêu nhỏ… bọn họ đã lật lọng tàn nhẫn, tấn công chúng ta vào đêm ba mươi Tết thiêng liêng của đất nước. Ở Huế, ở Nha Trang,… chúng đã giết chết biết bao nhiêu dân vô tội một cách dã man thú tính.

Rồi đến tháng năm, họ đã tấn công vô vùng xa cảng Phú Lâm với dự mưu chiếm thủ đô Sài Gòn.

Buổi sáng tháng 5 đó, Cư xá nơi gia đình em sống tràn ngập tang tóc, khói và lửa thê lương. Bọn chúng tới đâu, dân lành gồng gánh nhau bỏ chạy tới đó. Và buổi sáng của Năm Mậu Thân đó, chúng đã giết chết ba em, một người cha hiền, một cây cột trụ trong gia đình.

Chiếc áo trắng của em đã ướt đẫm dòng máu nóng hổi, chảy từ thân thể của ba. Cái Năm Mậu Thân thê thảm, nó như ám cả cuộc đời em cho tới chết.

Trận Mậu Thân đó, em nhớ mãi đoàn lính Biệt Động Quân đã phản công mãnh liệt, dành phần thắng từng tất đất từ vùng ngoại ô Phú Lâm cho tới trong thành phố Chợ Lớn, Sài Gòn. Nhưng, ba em đã bị bọn Cộng Sản khát máu giết chết một cách hèn mạt trước khi những người lính Biệt Động Quân dũng cảm tới. Họ giết người một cách hèn hạ như thế, ai mà trở tay cho kịp. Như cái chết của anh Thạnh mới đây anh kể.

Vì thế mà em yêu thương những người lính Việt Nam Cộng Hòa, những người anh Biệt Động Quân, Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Kích, Hải Quân, Không Quân, Pháo Binh,……những người ôm súng để bảo vệ xóm làng, bảo vệ những người dân hiền lành vô tội, với chính nghĩa Miền Nam bảo vệ tự do. Thôi, em không muốn anh buồn thêm. Hồi đó, anh nhớ không, hai mình đều còn quá nhỏ.

Anh thương,

Cây mai vàng trước sân nhà bây giờ trổ xanh um lá. Mấy cành đào bông đã rụng hết rồi anh ơi. Bụi dạ lý hương đêm đêm vẫn thở những mùi hương nồng nàn, anh nhớ không, những đêm chúng mình ngồi kề bên nhau, cùng với mùi hương dạ lý.

Trường lớp sau những ngày tháng sinh hoạt Tất Niên, rồi Tân Niên, đã trở lại bình thường với những bài vở nặng nề ôn luyện cho kỳ thi sắp tới.

Anh biết không, hôm trường tổ chức văn nghệ Mừng Xuân ở rạp Thống Nhứt, đông người đến xem lắm đó anh.

Em thích nhất là hoạt cảnh ca vũ nhạc với tiếng trống bập bùng, những thiếu nữ đầu chít khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân đủ màu sắc, bước những bước chân dịu dàng làm lay động tà áo phất phới, đẹp quá chừng. Lời ngâm thơ vang lên lồng lộng trong tiếng trống, tiếng nhịp đầy vơi:

“Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân”

Anh biết không, lúc đó, em ước chi có anh ngồi kế bên, để cho em lén nắm lấy bàn tay mà siết mạnh.

Tuần nầy là mùa Lễ Phật Đản.

Em sẽ lên Chùa với Má, để cầu cho Quốc Thái Dân An. Và riêng em, cầu cho anh, từng ngày, tên đạn tránh xa anh, và những người bạn đồng đội của anh nữa.

Như Mơ của Mộng Thường

Hiện nay, di tích chỉ còn lại phần đường phi đạo dài khoảng 2 km, nằm bên cạnh Quốc lộ 14. Khu vực sân bay là một phần trong trận Đăk Tô - Tân Cảnh năm 1972 

 Dù có treo bảng cấm xâm phạm, nhưng từ nhiều năm nay phần đường phi đạo hiện hữu đã trở thành nơi phơi nông sản của nông dân trong vùng.

Trong đó, được phơi nhiều nhất là sắn, khắp đường phi đạo trở thành nơi tập kết bã sắn. "Ở gần đây có nhà máy chế biến tinh bột sắn đưa vào hoạt động từ năm 2005 nên từ đó đến nay khu sân bay trở thành nơi phơi, chứa bã sắn. Ngoài ra, người dân còn tận dụng để phơi cả cà phê", ông Hồng (xã Tân Cảnh) cho biết.

Hai bên hành lang đường phi đạo là dải đất trống được người dân tận dụng trồng sắn.

Phần đất hai bên hành lang của đường phi đạo sân bay, mỗi ngày đều có nông dân mang sắn đến trồng.

Gần đây, một số người còn mang cây cu li (một loài cây có tác dụng chữa bệnh) đến sân bay để sơ chế, phơi khô.

Phần đường băng rộng khoảng 20 m, sau gần nửa thế kỷ tồn tại đã hư hỏng, nhiều đoạn bị bong tróc, nứt nẻ.

Một phần di tích sân bay Phượng Hoàng trở thành nơi tập lái xe.

Hệ thống cống thoát nước không còn hoạt động, chỉ còn lại một vài đoạn ống cống.

Theo ông Ông A Chiến (Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh): "Khu vực sân bay Phượng Hoàng thuộc Quân khu 5 quản lý nên địa phương không có quyền can thiệp. Từ tháng 3/2014, chính quyền xã đã có văn bản cấm phơi sắn tại khu vực sân bay vì gây ô nhiễm. Xã cũng đã gặp trực tiếp công ty chế biến tinh bột sắn để làm việc. Dù đơn vị này có cam kết không phơi nữa nhưng đến nay, tình hình vẫn chưa được giải quyết triệt để".

Sân bay dã chiến Phượng Hoàng (xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, Kon Tum) do Mỹ xây dựng trước năm 1972 Sau 75, sân bay không còn hoạt động và trở thành di tích lịch sử.

No comments:

Post a Comment