Wednesday, March 29, 2023

HÀNH QUÂN LEAPING LENA LTC Raymond C. Morris

HÀNH QUÂN LEAPING LENA

LTC Raymond C. Morris USA (ret)

        Người Pháp rời Việt Nam năm 1954 sau khi đầu hàng trận Điện Biên Phủ, đánh dấu trận chiến Đông Dương chấm dứt. Mặc dầu Việt Nam chia đôi bằng khu vực phi quân sự nơi vĩ tuyến 17, nhưng lịch sử cho biết chiến tranh chưa thực sự kết thúc. Chế độ cầm quyền miền Bắc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh gần như ngay tức khắc, bắt đầu cuộc chiến tranh du kích trong miền Nam Việt Nam, làm xụp đổ chế độ yếu kém, chống cộng sản của chính quyền VNCH. Để đương đầu phía cộng sản, chính quyền miền Nam tăng cường quân đội phòng vệ khu vực phiá nam vùng phi quân sự. Cộng sản Bắc Việt quyết định đi vòng bằng cách tái xử dụng hệ thống đường chuyển vận cũ (đường Trường Sơn cũ từ thời chống Pháp), từ phiá đông nước Lào đi vào miền Nam Việt Nam. Con đường tiếp vận cũ của Việt Minh (danh từ xưa Cộng Sản Bắc Việt) chạy dài xuyên qua những cánh rừng gìà nhiệt đới, rậm rạp, dốc núi đá cheo leo rất khó di chuyển. Con đường tiếp vẫn cũ sẽ trở thành huyền thoại đường mòn Hô Chí Minh.

        Ít lâu sau, dân công khuân vác vận chuyển vũ khí đạn dược, quân dụng đi lại dễ dàng trên con đường mòn đất đỏ, không lo sợ bị phi cơ Hoa Kỳ thả bom, đánh phá. Con đường tiếp vận được tu bổ, mở rộng, trở nên mạch sống còn cho các hoạt động nuôi dưỡng chiến tranh trong miền nam. Một nghiên cứu của công ty BDM Corporation trong năm 1979, kết luận tại một thời điểm nào đó, gần 70% vật dụng chiến tranh được đưa từ miền Bắc vào Nam trên đường mòn HCM. Không chỉ đưa binh sĩ, vũ khí, đồ trang bị, con đường cũng là những điểm chứa hàng, căn cứ cho các hoạt động, binh trạm cho binh sĩ tạm dừng chân trên đường vào miền Nam. Các cấp chỉ huy quân đội VNCH tìm đủ mọi cách để ngăn chận, phá hoại con đường huyết mạch.

        Quân đội Lào cũng không đủ khả năng kiểm soát các khu vực rừng núi hẻo lánh và cũng không lo vấn đề bảo vệ. Họ để cho quân đội VNCH thực hiện các hoạt động băng qua biên giới vào đất Lào thâu thập tin tức tình báo dọc theo đường số 9, từ Lao Bảo vào khu vực đông nam nước Lào. Chính quyền Lào cũng có vấn đề nội bộ với cộng sản Pathet Lào, nên thỏa hiệp để cho quân đội VNCH mặc quân phục quân đội Hoàng Gia Lào để che dấu họ là quân nhân VNCH.

        Trong những tháng kế tiếp, quân đội VNCH thiết lập một dẫy tiền đồn “yểu mệnh” (giữ không được lâu) nơi hướng tây tỉnh Kontum (tỉnh cực bắc trên vùng cao nguyên), trên đất Lào. Các tiền đồn nhanh chóng bị mất sau cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền Hoàng Gia bởi một sĩ quan Nhẩy Dù, Đại Úy Không Le. Sự rạn nứt nội tình nước Lào lan rộng ra, cộng sản Pathet Lào càng ngày càng lớn mạnh, liên minh với cộng sản Bắc Việt, gây nguy hiểm cho quân đội VNCH trong việc thâu thập tin tức tình báo trên đất Lào. Quân đội Bắc Việt nhanh chóng, chiếm đóng các tiền đồn VNCH bỏ lại, làm các tuyến xuất phát cho các trận tấn công vào miền Nam Việt Nam. Bộ Chính Trị đảng Lao Động (Cộng Sản) miền Bắc nhận biết rằng có trở ngại trong viêc liên lạc giữa Washington và Saigon (chính trị). Cũng trong thời gian này, Lực Lượng Đặc Biệt (Mũ Xanh) Hoa Kỳ đang huấn luyện LLĐB/VNCH để đảm trách các hành quân vượt biên sang đất Lào dò thám, thâu thập tin tức tình báo.

        Đầu tháng Ba năm 1964, sau chuyến viếng thăm Việt Nam cùng với Đại Tướng Maxwell Taylor (TTMT), bộ trưởng Quốc Phòng Robert McNamara thúc đẩy mạnh việc cho các toán biệt kích (SOG - chỉ riêng đơn vị SOG, Delta hay sau này là BCD vẫn chỉ có nhiệm vụ trong nội điạ tùy theo yêu cầu của các quân khu). Các hoạt động của cơ quan CIA trên đất Lào đã bàn giao cho quân đội (tư lệnh cơ quan MACV – COMUSMACV) trong tháng Mười Một năm 1963.

        “Những điều cần thiết (nhân lực, vật lực) cho các hoạt động vượt biên, như trước đây dò thám đường biên giới, hiện tại là nhiệm vụ của cơ quan MACV. Vấn đề phức tạp, phải thiết lập các căn cứ hành quân tiền phương để “phóng” đi những toán biệt kích xâm nhập vào đất Lào. Và vấn đề quân biệt kích Mũ Xanh. Cơ quan MACV có trong tay đơn vị LLĐB/HK, có thể tuyển mộ các quân nhân Mũ Xanh có khả năng, kinh nghiệm cho các chuyến hành quân vượt biên.”

        Hơn nữa, Hiệp định Geneva năm 1962 ngăn cấm quân nhân ngoại quốc hiện diện trên đất Lào. Trong tháng Ba năm 1964, bộ Tổng Tham Mưu (quân đội Hoa Kỳ) cố vấn bộ trưởng Quốc Phòng, đã đến lúc bãi bỏ các giới hạn về biên giới Lào Việt. Các giới hạn đó đã cản trở, giới hạn khả năng tác chiến ở Việt Nam. Các tướng lãnh bộ Tồng Tham Mưu cũng khuyến cáo bãi bỏ các điều giới hạn trong hành quân vượt biên xâm nhập vào đất Lào. Tổng Thống Hoa Kỳ chấp thuận các điều báo cáo của McNamara về Việt Nam trong tháng Ba năm 1964.

        Điều khuyến cáo số 11, cho bộ Ngoại Giao quyền quyết định (chấp thuận hay không).

        “Cho phép tiếp tục các phi vụ thám thính dọc theo biên giới Việt Nam (Nam Việt Nam), và quân đội VNCH được phép “truy kích” địch băng qua phần đất Lào nhằm mục đích kiểm soát đường biên giới. Các cuộc hành quân cấp lớn vào đất Lào, lớn hơn cấp tiểu đoàn phải có sự chấp thuận của Souvanna Phouma. Các cuộc hành quân vượt biên sang đất Miên tùy theo sự quan hệ với chính quyền Cambodia.”

        Trên căn bản sự giới hạn, các chuyến tuần tiễu được phép thâu thập tin tức tình báo về vấn đề các hoạt động tiếp vận của Việt Cộng / Cộng Sản Bắc Việt trên đất Lào, khoảng giữa đường số 9 và vĩ tuyến 17, đường biên giới Việt Lào và khu vực phía tây thị trấn Tchepone. Một số giới hạn cho các toán biệt kích trong các chuyến tuần tiễu xâm nhập, không được qúa 100 người (khoảng 10 toán biệt kích) và phải “chối cãi được” (nguỵ trang, ngụy tạo ra câu chuyện) như người Thượng hay người dân điạ phương không được mặc quân phục quân đội VNCH, hay các loại quân phục khác (Hoa Kỳ…). Nhiệm vụ cho các toán biệt kích hoàn toàn lấy tin tức, và trường hợp tự vệ (không được phá hoại…). Có thể xử dụng phi cơ thả dù tái tiếp tế cho các toán biệt kích và quân Mũ Xanh cố vấn Hoa Kỳ không được đi theo các toán biệt kích hành quân vượt biên. Tướng Nguyễn Khánh, Thủ Tướng VNCH đồng ý các điều này vào cuối tháng Năm, 1964.

        Với sự chấp thuận của cả hai chính quyền và việc bàn giao nhiệm vụ hoàn tất. Với những tấm không ảnh lúc đó, cho thấy rõ ràng các hoạt động tiếp vận của quân đội Bắc Việt trên đất Lào. Bộ Tổng Tham Mưu quân đội Hoa Kỳ, bộ Ngoại Giao cho phép tư lệnh cơ quan MACV (COMUSMACV) lập tức phối hợp với chính quyền VNCH, xúc tiến ngay tức khắc các hoạt động thâu thập tin tức tình báo trên đất Lào.

        Cấp chỉ huy cao cấp VNCH cùng với các cố vấn trong cơ quan MACV đã chuẩn bị từ hơn một năm qua chờ cho các đơn vị chính quy Hoa Kỳ sang Việt Nam tham chiến. Họ nhanh chóng thảo ra chương trình Delta, cho các toán biệt kích vuợt biên bí mật. Các toán biệt kích trong thời gian này được lệnh dò thám bên kia biên giới, tìm kiếm các căn cứ của địch (Bắc Việt) và báo cáo sự di chuyển các đơn vị địch. Quân Mũ Xanh  LLĐB/HK làm việc cho cơ quan CIA ở Việt Nam từ khi người Pháp “bị đá” ra khỏi Việt Nam. Cơ quan MACV xử dụng họ với kinh nghiệm để phụ giúp thành lập một đơn vị biệt kích mới cho nhiệm vụ xâm nhập dò thám, thâu thập tin tức tình báo.

        Leaping Lena lúc khởi thủy do cơ quan Trung Ương Tình Báo CIA tuyển mộ, tổ chức, bao gồm các toán biệt kích hoàn toàn VNCH, được quân Mũ Xanh Hoa Kỳ từ liên đoàn 1 LLĐB/HK từ Okinawa qua Việt Nam huấn luyện dưới quyền của cơ quan MACV. Trong tháng Năm 1964, Đại Úy William J. Richardson, Jr. và Trung Sĩ Nhất Paul Payne lựa chọn quân tình nguyện VNCH lấy từ liên đoàn Quan Sát số 1. Họ huấn luyện dân tộc thiểu số cho hành quân Leaping Lena. Toán quân nhân Mũ Xanh đến lừ liên đoàn 1 LLĐB/HK (Okinawa) được thuyết trình cho biết họ sẽ nằm trong chương trình Delta (B-52) có bộ chỉ huy ở Nha Trang.

        Nhiệm vụ cho các toán biệt kích mới thành lập có tên là Hành Quân Leaping Lena. Các quân nhân Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ chỉ làm nhiệm vụ cố vấn và huấn luyện cho quân biệt kích VNCH các kỹ thuật viễn thám, tuần tiễu, nhẩy dù chữa cháy (smoking jump, mặc quần áo dầy chống va chạm vào cành cây). Cố vấn Hoa Kỳ sẽ không đi theo các toán biệt kích VNCH lúc thi hành nhiệm vụ xâm nhập.

        Được biết chắc những khoảng trống (trong rừng) đủ rộng để làm bãi thả dù, quân đội Bắc Việt sẽ đặt trạm quan sát, theo dõi, do đó các toán biệt kích Leaping Lena (Hành Quân Lôi Vũ) sẽ mặc quần áo chống va chạm, nhẩy dù xuống một khu vực bất ngờ. Hai toán sẽ nhẩy dù xuống khu vực nơi hướng bắc đường số 9, ba toán còn lại xuống khu vực gần Muong Nong nơi phiá nam. Nhiệm vụ cho các toán biệt kích chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, thâu thập tin tức tình báo sự di chuyển người (đơn vị Bắc Việt), xe cộ, các kho chứa hàng. vị trí súng đại bác (pháo binh) và các quân dụng cỡ lớn của địch. Nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp, trong giai đoạn 2 các toán biệt kích được lệnh tấn công quấy rối căn cứ binh trạm Bắc Việt, gọi phi cơ oanh kích những mục tiêu dễ tìm, và phối hợp với các đơn vị Nhẩy Dù hay Biệt Động Quân tấn công (giới hạn vì lý do chính trị) các mục tiêu lựa chọn.

        Từ ngày 24 tháng Sáu đến 1 tháng Bẩy năm 1964, tám toán biệt kích (Leaping Lena – Lôi Vũ), mỗi toán có năm người: Nùng, Thượng, và hạ sĩ quan LLĐB/VNCH, nhẩy dù xuống khu vực rừng núi trên đất Lào dọc theo đường số 9. Ngay từ lúc mới xuống tới mặt đất, các toán biệt kích gặp “vấn đề” trở nên bất khiển dụng. Trong toán có người bị thương, gẫy chân, tay, có người bị thương nơi lưng, một người tử nạn khi tìm cách leo xuống từ độ cao 120 bộ, dù bị vướng trên đầu ngọn cây. Mặc dầu đã được dặn dò phải tránh các ngôi làng của người dân Lào, hay liên lạc với họ, nhưng các toán biệt kích không theo lệnh (có lẽ vì có người bị thương). Một thời gian ngắn sau đó, địch quân đã biết có sự hiện diện của quân biệt kích trong khu vực, tung quân ra truy lùng, tiêu diệt hoặc bắt sống quân biệt kích. Kêt qủa hành quân Leaping Lena, chỉ có 5 trong số 40 biệt kích quân sống sót quay trở về phần đất miền Nam Việt Nam.

        Đó là một thảm họa cho hành quân Leaping Lena về số quân nhân tổn thất (bị giết hoặc bị bắt sống), tuy nhiên cấp chỉ huy LLĐB Việt Mỹ học hỏi được một điều, phải có quân Mũ Xanh LLĐB/HK đi theo các chuyến xâm nhập (Ngoại trừ toán biệt kích Lôi Hổ của Nha Kỹ Thuật VNCH, một toán biệt kích ‘SOG’ sau này có quân Mũ Xanh Hoa Kỳ làm trưởng toán ‘0-0’, toán phó ‘0-1’ và người mang máy truyền tin ‘1-1’). Ngành tình báo quân đội Hoa Kỳ được biết thêm, khu vực hành quân Leaping Lena, có nhiều đơn vị chính quy Bắc Việt, trang bị, quân phục đầy đủ, tất cả các chiếc cầu đều có hai lính Bắc Việt canh gác. Quân đội Bắc Việt di chuyển rất thường xuyên trên các đường mòn (khó nhìn thấy từ trên không, do rừng núi rậm rạp), có đơn vị cấp tiểu đoàn di chuyển băng qua biên giới vào khu vực Khe Sanh. Mặc dầu không thành công, hành quân Leaping Lena đem lại nhiều điều cần thiết để làm nên móng xây dựng chương trình kế tiếp, Hành quân Delta.

        Sau thảm họa Leaping Lena, người Hoa Kỳ đưa sang Việt Nam hai toán biệt kích dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Fred Patton, Thượng Sĩ Robert Maddox, từ Okinawa để tìm kiếm quân quân biệt kích VNCH vẫn còn sống sót, thất lạc bên Lào. Kết qủa không tìm được gì thêm ngoại trừ năm biệt kích chạy thoát về từ trước.

        Chiến thuật xử dụng quân biệt kích xâm nhập cũng thay đổi sau hành quân Leaping Lena. Các toán biệt kích Delta thực hiện các chuyến hành quân viễn thám (LRRP) lấy tên là “Chạy Đường Mòn” (Road Runner). Vẫn được quân Mũ Xanh Hoa Kỳ huấn luyện, tuy nhiên loại hành quân này chỉ xử dụng sắc dân thiểu số Nùng, Rhade, Raglai dễ ngụy trang làm dân thiểu số đi săn bắn, cơ hội sống sót gia tăng. Loại hành quân “Chạy Đường Mòn” thường được áp dụng trong khu vực có sự hiện diện đơn vị cấp lớn của địch, do đó quân biệt kích “Chạy Đường Mòn” mặc quân phục Bắc Việt, trang bị tiểu liên xung kích AK-47. Kết qủa tổn thất cho các toán biệt kích (Delta) “Chạy Đường Mòn” vẫn cao, do đó chương trình (hành quân Delta lại thay đổi chiến thuật hành quân. Thêm một bằng chứng về sự cần thiết phải có quân Mũ Xanh Hoa Kỳ trong các toán biệt kích, mới đạt hiệu qủa. Đến cuối năm 1964, một toán biệt kích Delta bao gồm cả Mỹ lẫn VNCH cho các chuyến hành quân viễn thám.

        Xử dụng một đơn vị kết hợp LLĐB/VNCH và quân Mũ Xanh nhiều kinh nghiệm Hoa Kỳ đến từ Okinawa, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của cơ quan MACV, đơn vị biệt kích mới thành lập có tên là B-52 Hành Quân Delta (được LLĐB xem như một sở chỉ huy B - chỉ huy một số toán A biệt kích), có thêm tiểu đoàn 91 Biệt Cách Dù làm đơn vị tiếp ứng (trường hợp khẩn cấp phải vào cứu toán biệt kích). Cấp chỉ huy đầu tiên chương trình Delta là Thiếu Tá Howard S. Mitchell, chỉ huy tạm thời sáu tháng (TDY), đến từ liên đoàn 1 LLĐB/HK (Okinawa). Thiếu Tá Mitchell qua thay thế Đại Úy Richardson trước đó trông nom chương trình Leaping Lena. Là cấp chỉ huy đầu tiên của Delta, Thiếu Tá Mitchell xây dựng đơn vị, Trong tháng Mười Hai năm 1964, Delta cho xâm nhập toán biệt kích đầu tiên kết hợp cả hai đơn vị LLĐB Việt Mỹ. Hành quân Delta cuối cùng trở nên một đơn vị “Tổng Trừ Bị” chuyên về các cuộc hành quân xâm nhập, dò thám lấy tin tức trong khắp miền nam Việt Nam. Hành quân Delta thường hoạt động ngoài vùng I chiến thuật, biệt phái cho các đơn vị Hoa Kỳ (TQLC, Nhẩy Dù Hoa Kỳ) để lấy tin tức tình báo trước khi quân đội Hoa Kỳ tảo thanh vùng hành quân. Chương trình Delta rất thành công do sở chỉ huy B-52, liên đoàn 5 LLĐB/HK đảm trách, cho đến tháng Sáu năm 1970 khi LLĐB Hoa Kỳ rút về nước và giải tán LLĐB/VNCH.

Theo tài liệu:

        LTC Raymond C. Morris, “Operation Leaping Lena”, Radix Press 1964, pages: 63-69.

Dallas, TX. 19 March, 2023

vđh 

No comments:

Post a Comment